Đại Phương Đẳng Đại Tập
Hiền Hộ Kinh giảng ký
大方等大集賢護經講記
慈法法師主講
Chủ giảng: Pháp sư Từ Pháp
Địa điểm: Hằng Dương Am núi Kê Túc, tỉnh Vân Nam
Thời gian: Từ 08 tháng Tám đến 04 tháng Chín năm 2006
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong và Huệ Trang

 

(Kinh) Thời, hữu tỳ-kheo danh viết Hòa Luân, ư Phật diệt hậu, xưng dương, quảng thuyết thị tam-muội kinh.

()有比丘名曰和輪於佛滅後稱揚廣說是三昧經。

(Kinh: Khi đó, có tỳ-kheo tên là Hòa Luân, sau khi đức Phật diệt độ, xưng dương, rộng nói kinh tam-muội này).

Trong hội của Tát Giá Na Ma Như Lai, có một tỳ-kheo tên là Hòa Luân. Sau khi đức Phật ấy diệt độ, sư bèn tuyên nói rộng khắp kinh giáo Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền tam-muội này. “Thị tam-muội kinh” (Kinh tam-muội này) có thể là kinh điển dịch theo ý nghĩa, hoặc thuộc loại trực dịch, cho đến các thứ kinh điển giáo hóa rất sâu về Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền tam-muội như thế, đều có thể gọi là “thị tam-muội kinh”.

Chúng ta thấy kinh Ban Châu Tam Mội được dịch theo nhiều cách, thành [các bản dịch gồm] một quyển, ba quyển, hoặc năm quyển. Nội dung như nhau, vì sao số quyển bất đồng? Do người phiên dịch có vị thích đơn giản, có vị thích chi tiết, có vị là trực dịch, có vị dịch ý. Từ xưa đến nay, có khá nhiều phương pháp dịch kinh. Như La Thập đại sư khéo dịch ý, phần nhiều dùng ngôn từ ngắn gọn, thanh thoát, lưu loát để diễn đạt ý nghĩa trong kinh văn, nhưng chẳng đánh mất giáo nghĩa, còn pháp sư Huyền Trang thì trung thực dịch sát từng chữ, chẳng tăng, chẳng giảm. Từ kinh A Di Đà, chúng ta có thể thấy được sự khác biệt giữa lối cựu dịch và tân dịch. Cựu dịch phần nhiều tôn sùng cách dịch ý, khiến cho chúng ta là người Hán thích ngắn gọn, phần lớn sẽ đọc tụng. Về sau, pháp sư Huyền Trang cho rằng cách ấy có những chỗ chẳng thỏa đáng. Chẳng hạn như trong kinh A Di Đà, Thích Ca Văn Phật (Thích Ca Mâu Ni Phật) nói mười phương chư Phật đều cùng ca ngợi công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật. Mười phương chư Phật cùng lúc hiện đại thần biến, dùng đủ loại oai đức để nhiếp hóa hữu tình trong mười phương, khiến họ thoát lìa sanh tử, thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ngay trong một đời. Còn La Thập đại sư dịch kinh A Di Đà là sáu phương Như Lai. Vì thế, các vị thiện tri thức dịch kinh về sau như pháp sư Huyền Trang v.v… cho rằng [dịch theo lối cũ] có chỗ chẳng thỏa dáng, lại sang Ấn Độ cầu được nguyên bản tiếng Phạn, muốn dịch sát văn tự, trên thực tế là phiên dịch chẳng tăng giảm câu văn gốc.

Trong Hán truyền Phật giáo, có kinh điển được dịch vào thời kỳ đầu, cũng có kinh điển được dịch vào trung kỳ và hậu kỳ, tức là hai thuyết cựu dịch và tân dịch. Ở đất Tây Tạng, cũng có hai phái cựu dịch và tân dịch[1]. Thường là kinh điển cựu dịch trải qua thời đại lắng đọng, sẽ bộc lộ một số khuyết điểm. Chẳng hạn như sẽ sanh ra các tranh luận về ý nghĩa, khiến cho hữu tình nương theo giáo ngôn gặp mê hoặc, hay chẳng tương ứng. Do vậy, sẽ xuất hiện một số thiện tri thức sang Ấn Độ lần nữa, thỉnh Phạn bổn về, phiên dịch lần nữa, để khiến cho mọi người xả trừ nghi hoặc, sanh quyết định y chỉ. Nguồn gốc thanh tịnh và sự tuyên nói như thật của kinh điển là một điều rất trọng yếu để chúng ta y chỉ trong tu tập Phật pháp.

Rất nhiều người đã đọc kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ, và cũng đã đọc kinh A Di Đà. Vào thời Đường, kinh A Di Đà đã được lưu thông hết sức phổ biến và nổi tiếng như kinh Kim Cang và Tâm Kinh, nhưng bản kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ do ngài Huyền Trang dịch được truyền bá rất ít. Trước kia, chúng tôi ở trong nước cũng đi khắp nơi đề xướng bộ kinh ấy, nhưng rất khó được thật sự lưu truyền rộng rãi và tiếp nhận. Nhưng so sánh hai bản dịch, chúng ta sẽ thấy chỗ thù thắng của bản trực dịch (bản của ngài Huyền Trang), vì nó có thể như thật tuyên nói giáo ngôn của Phật Đà dành cho hữu tình phàm phu, còn trong bản dịch ý lại biểu hiện sự thiện xảo của các vị thiện tri thức dịch kinh. Chẳng hạn như đối với chỗ “nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn” (hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, nhất tâm bất loạn), sẽ nẩy sanh vấn đề lớn, trở thành một công án lịch sử! Bản dịch Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh của ngài Huyền Trang lại chép: “Xá Lợi Tử! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, nhược nhất nhật nhất dạ, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, tứ nhật, ngũ nhật, lục nhật, thất nhật, hệ niệm tư duy” (Này Xá Lợi Tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, hoặc một ngày một đêm, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, hệ niệm tư duy). “Hệ niệm tư duy” có nghĩa là quý vị có thể tư duy trong một ngày, hai ngày, ba ngày v.v… và câu “như thị tư duy” (tư duy như thế) trong kinh Ban Châu Tam Muội mà nay chúng ta đang học giống nhau, đối lập với “nhất tâm bất loạn”. Sự sai biệt ẩn sau [các từ ngữ] đó rất lớn. Trong hai pháp Lý nhất tâm và Sự nhất tâm do Ngẫu Ích đại sư đề xướng, Sự nhất tâm còn thuận tiện thấy được, nói cách khác là còn dễ tu chứng, nhưng Lý nhất tâm thì rất khó để đích thân chứng được! Theo bản dịch của pháp sư Huyền Trang, nếu một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, hệ niệm bất loạn thì dễ dàng hơn, phàm phu hữu tình có thể làm được!

Chẳng hạn như xếp đặt đàn tràng, nhiễu Phật, lễ tán, một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày liên tục cúng dường, sẽ có lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Chuyện này so với yêu cầu nhất tâm bất loạn từ một ngày cho tới bảy ngày, sai khác quá lớn! Cũng có nghĩa là do chọn lựa pháp bổn khác biệt, sẽ khiến cho người tu hành cảm nhận pháp tắc mà họ nương theo có sự sai khác rất lớn. Bản trực dịch của pháp sư Huyền Trang có thể mở rộng con đường thành tựu Niết Bàn cho vô lượng hữu tình. Nếu chiếu theo yêu cầu “Lý nhất tâm, hoặc Sự nhất tâm” trong một ngày, bảy ngày nhất tâm bất loạn, hoặc là trong bảy ngày hay một ngày chứng bất loạn, nói theo nhân duyên của phàm phu, sẽ đều là có mức độ khó khăn nhất định, sẽ đóng lấp thiện duyên và cơ hội thành tựu của khá nhiều hữu tình.

Y chỉ pháp bổn, y chỉ kinh điển hết sức trọng yếu. Chúng ta đọc bộ kinh Ban Châu Tam Muội này, cũng là một pháp tắc để y chỉ. Từ phẩm Tư Duy, phẩm Quán Sát, phẩm Chánh Niệm, cho đến phẩm Thọ Ký và Chúc Lụy thuộc phần sau, khắp nơi đức Thế Tôn đều mở rộng con đường Niết Bàn cho tứ chúng, tạo thiện căn rộng lớn để hồi thí và thọ ký, muốn khiến cho hết thảy kẻ hữu duyên đều tiến nhập Bồ Đề, chẳng thoái chuyển, chẳng sợ hãi. Đấy thật sự là phước đức nhân duyên chẳng thể nghĩ bàn. Vì trước kia, trong Tịnh Độ Tông, được tranh luận nhiều nhất là công án “nhất tâm bất loạn”. Ngoài ra, còn có công án vãng sanh, công án về biệt thời ý, nan hành và dị hành, tự lực và tha lực[2] v.v… là các vấn đề khá lớn. Phần lớn người hiện thời chú giải “yêu cầu để vãng sanh thế giới Cực Lạc” là “nhất tâm bất loạn”, bất luận là Lý hoặc Sự. Rất nhiều người đều nói chém đinh, chặt sắt như thế; nhưng điều ấy chẳng tương ứng với lời dạy của Như Lai. Như Lai chẳng nói như thế. Như từ bộ kinh điển này, chúng ta đã thấy, thậm chí có người hướng tới, nghe, tụng kinh này, dù muốn nghe mà chưa được nghe, đều đã thành tựu cái quả trong vị lai “sẽ thấy một vị Phật, nhiều vị Phật, ngàn vị Phật”, cho đến “thành tựu Bồ Đề”. Vì sao đức Thế Tôn mở ra một con đường lớn về tín tâm như thế? Chính là do Ngài khéo nói an ủi, an ủi chân thật, an ủi như thật, an ủi rốt ráo, an ủi chẳng xả, đối với hết thảy người thiện căn thành thục hoặc chẳng thành thục, người gặp duyên hoặc chẳng gặp duyên, khiến cho bất cứ ai hễ hướng tới sẽ đều có thể thành tựu Bồ Đề. Nếu có người nào phát tâm thì người ấy sẽ đều có thể thành tựu trên con đường tiến nhập Phật đức rộng lớn như thế; đó chính là kim quang đại đạo vậy!

Nhưng chúng ta thấy trong nước có các vị Bồ Tát viết lách, cho rằng [pháp môn Tịnh Độ] chẳng phải là “tam căn phổ bị, lợi độn toàn thâu” (thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn). Do đó, [theo họ] chuyện “đều có thể vãng sanh” chẳng thể thành lập! Chiếu theo cách nhìn của các vị thiện tri thức ấy, đúng là trong một vạn người, chẳng được một hai người [vãng sanh]. Thậm chí có kẻ còn chấp nhận lập thuyết “trong vạn người, chẳng được một hai người vãng sanh”, bèn thâu thập một lượng lớn tài liệu để phủ định trí huệ rộng lớn rất sâu vô ngại, thiện xảo và nguyện lực của A Di Đà Phật, chê gièm công đức được đích thân chứng đắc bởi Pháp Tánh của chư Phật Như Lai, tức là [chê bai] chỗ quy kết của căn bản công đức to lớn nơi trí huệ và đức tướng của Như Lai mà hết thảy chúng sanh đều sẵn đủ, khiến cho hết thảy chúng sanh mê mất tự tâm. Tự tâm là gì? Chính là trí huệ và đức tướng của Như Lai mà hết thảy chúng sanh đều sẵn đủ, là điều được chiếu kiến bởi cái tâm chân thật của hết thảy chúng sanh, là pháp được đích thân chứng đắc bởi chư Phật. Do vậy, vô lượng hữu tình bị mê lầm trong các giáo ngôn hư ngụy ấy, không có chỗ để nương theo. Đấy chẳng phải là Phật pháp! Phật pháp sẽ ban cho hết thảy chúng sanh sự an ủi, tạo sự hồi thí lợi ích chân thật! An ủi, lợi ích thế gian, khiến cho chúng sanh thành tựu Bồ Đề, thoát lìa biển khổ sanh tử, tạo nhân duyên chân thật rộng lớn cho hết thảy chúng sanh; điều này mười phần trọng yếu. Thời Mạt Pháp, có lắm ác tri thức ngăn lấp con đường thoát ly sanh tử của chúng sanh, hư vọng tự lập ra ý kiến, ăn nói ra vẻ cao minh, thốt ra những lời lẽ khiến cho chúng sanh chẳng thể mò mẫm được, chẳng thể nương theo, chẳng thể tư duy, chẳng thể quan sát, chẳng thể tu tập pháp tắc, khiến cho chúng sanh lầm lạc. Đó chẳng phải là Phật pháp, chẳng phải là quang minh vô ngại sanh từ bi tâm của đức Thế Tôn, mà cũng chẳng phải là sự thí giáo khéo an ủi chúng sanh của Bồ Tát. Trong thời đại này, đối với các vấn đề ấy, chúng ta phải khéo nhận thức rõ ràng.

(Kinh) Ngã ư nhĩ thời vi đại quốc vương.

()我於爾時爲大國王。

(Kinh: Ta trong khi ấy làm đại quốc vương).

Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn tuyên nói nhân địa của Ngài với Hiền Hộ, cho biết sau khi Chí Thành Như Lai (Tát Giá Na Ma Như Lai) diệt độ, lúc tỳ-kheo Hòa Luân chuyển pháp luân, giảng  kinh  tam-muội  này, Phật Thích Ca là quốc vương.

(Kinh) Nhất tâm chuyên cầu thị diệu tam-muội, tức ư mộng trung, văn hữu cáo ngôn thị tam-muội xứ.

()一心專求是妙三昧即於夢中聞有告言是三昧處。

(Kinh: Nhất tâm chuyên cầu tam-muội mầu nhiệm ấy, liền ở trong mộng nghe có tiếng bảo cho biết chỗ của tam-muội ấy).

“Nhất tâm” ở đây biểu thị loại tâm lý siêng ròng tư duy, chẳng xả tư duy, tư duy liên tục, cung kính tư duy, cầu pháp chẳng mệt mỏi. Nếu chúng ta đối với một pháp mà sanh khởi lòng yêu thích và tùy thuận quyết định; sau đó, liên tục tư duy, quan sát, cũng sẽ ở trong mộng được nghe pháp âm mầu nhiệm, cho đến được thấy diệu tướng trang nghiêm. Tánh chất liên tục mười phần trọng yếu, giống như nấu nước, một bầu nước, bất luận quý vị dùng gas cũng thế, dùng điện cũng thế, dùng củi cũng thế, cho đến dùng phân trâu để đun nó cũng thế, chỉ cần nó đã được đun sôi lên, thì đều được gọi là “nước sôi”, dẫu nó là nước đun sôi để nguội thì vẫn là nước đã được đun, bầu nước ấy đã có thể dùng để uống. Chúng ta tu hành một pháp tắc, tư duy một pháp tắc, giải quyết một vấn đề, cũng giống như thế. Cổ nhân nói “sấn nhiệt đả thiết” (rèn sắt khi còn nóng). Khi chúng ta gặp một pháp tắc, hãy nên thâm nhập, tu tập, thuần thục pháp tắc ấy, đừng nên chần chừ, chớ nên đánh mất chánh niệm, chớ bỏ lỡ cơ hội này. Đấy thật sự là tướng trạng liên tục “nghe pháp sanh hoan hỷ, nghe pháp rồi chánh hành, nghe pháp đạt được lợi ích”.

“Nhất tâm chuyên cầu” mười phần trọng yếu. Người hiện thời hành pháp thành tựu ít ỏi; vì sao? Do đun nước nóng tới hai mươi độ, sẽ chẳng đun nữa, tắt lửa đi! Lại bận bịu với chuyện khác. Do đó, người trong thời đại này ít có cơ hội “đun sôi nước”. Cũng có nghĩa là cơ hội làm xong một việc trong một lần đặc biệt ít ỏi, vì tạp duyên hừng hực, vọng tưởng hừng hực, tâm trí biến đổi khác lạ, đa nghi, lắm nỗi mê hoặc, phước đức chẳng chín muồi, trợ duyên chẳng mạnh mẽ, người thủ hộ pháp ích rốt ráo rất thưa thớt, người tuyên nói như thật rất hiếm hoi. Do đó, phần nhiều khiến cho chúng sanh bị mê mất, chẳng thể chọn lựa rốt ráo một pháp để như thật đích thân chứng đắc. Kết quả là bỏ dở nửa chừng, hoặc tương tự lý giải. Rất nhiều người một khi đã “lý giải”, sẽ chẳng hành trì. Do vậy, trong thời đại Mạt Pháp, người hiểu giáo thì nhiều, người y giáo phụng hành thì ít, người đích thân chứng lại càng ít hơn, như đức Thế Tôn đã thọ ký: Đây là một thời đại đấu tranh kiên cố, thị phi kiên cố, khó giáo hóa, khó độ thoát, là một thời đại chẳng có sức tu trì. Rất nhiều người nói chính mình vẫn rất siêng ròng, rất muốn tu trì, vậy thì cứ nhất định chuyên cầu, nhất tâm tu trì là được rồi!

Thời Mạt Pháp, thiện tri thức đề xướng chuyên tu rất nhiều, nhưng người thật sự đích thân chuyên tu ít ỏi. Nếu là bậc thật sự đã đề xướng, lại có thể chuyên tu tập một môn, đã ít lại càng ít hơn. Như pháp sư Ấn Quang, người đời sau tôn xưng Ngài là “tam bách niên lai, độc xuất thử nhất nhân” (trong hơn ba trăm năm qua, chỉ mình vị này xuất hiện). “Mình vị này xuất hiện” chẳng phải vì lý do nào khác, chỉ vì Ngài chuyên tu tập một pháp, thâm nhập cặn kẽ, rốt ráo thấu triệt, chẳng nhờ vào phương tiện, do thâm nhập một pháp, biết hết thảy các pháp. Hiện thời, rất nhiều vị cư sĩ và sư phụ xuất gia tợ hồ đối với Tam Tạng mười hai bộ loại không gì chẳng thông đạt, tợ hồ không cơ chế giáo ngôn nào chẳng liễu giải, thậm chí đối với mỗi vị thiện tri thức đều biết, đến khắp các đạo tràng, nhưng chẳng thật sự chứng thực một pháp tắc nào, chẳng thật sự hành trọn một lợi ích, thật sự đã lựa chọn cho chính mình nỗi hoang mang trong sanh tử, hoang mang trong phiền não! Chúng ta chỉ khăng khăng chẳng mệt mỏi “xử lý” sạch sành sanh những thứ ấy, chọn lựa “chẳng ngờ” ở chỗ này thì mới có thể dừng tay, mới có thể nghỉ ngơi! Mọi người ai nấy hãy nên cổ vũ chính mình, tối thiểu là thành tựu tín tâm như vậy, nguyện vọng như vậy, tri kiến như vậy.

Thiện tri thức trong Tạng truyền Phật giáo nhiều lượt cổ vũ: “Nếu thành tựu một Bổn Tôn thì đối với trăm vị Bổn Tôn, ngàn vị Bổn Tôn sẽ tự đạt được phương tiện”. Tại đất Hán, chúng ta cũng cổ vũ giống như thế: “Nếu thâm nhập một môn, thật sự chứng đắc lợi ích chân thật trong pháp môn ấy, thì môn nào cũng đều thông!” Hiện thời, e rằng mọi người là “tương tự đều thông”, chỗ nào cũng thông, [nhưng thật ra] chỗ nào cũng bị chướng ngại! Giống như một con trùng bị nhốt trong cái buồng thủy tinh, bốn phía trong suốt, nhưng chỗ nào cũng đều chẳng thoát ra được, chỉ có thể va vào vách mà thôi! Trong tương tự giải, rất nhiều hữu tình bị nguy hại. Vì thế, nếu chẳng có truyền thừa, buông sách xuống, đâm ra là sự giải thoát của quý vị sẽ giống như kinh Viên Giác đã nói: “Người đời Mạt mong cầu đa văn, ngược ngạo nẩy sanh chướng ngại”. Trên thực tế, nếu có thể thâm nhập một pháp, thật sự chứng đắc “đình tâm”, cho đến địa vị Gia Hạnh, địa vị Tư Lương, địa vị Kiến Đạo, thật sự tu chứng được địa vị, sẽ là tuyệt diệu. Nếu nương theo quả địa giáo, triệt để buông xuống Ngã Chấp và Pháp Chấp của chính mình, tùy thuận nguyện vọng của Như Lai, tùy thuận tri kiến nơi quả địa của Như Lai, thật sự an tâm, chẳng còn bận lòng, nương theo Phật nguyện để làm thiện xảo tu trì, thiện xảo quan sát, “dùng Phật nhãn để nhìn, từ tâm đối với nhau” thì cũng là một phương pháp chẳng sơ sót. Đương nhiên, phương pháp có nhiều môn, nhiều loại, nhưng thâm nhập một pháp để tu tập mười phần quan trọng!

(Kinh) Ký giác ngụ dĩ, toại tiện cung nghệ tỳ-kheo sư sở, cầu thị tam-muội.

()既覺寤已遂便躬詣比丘師所求是三昧。

(Kinh: Đã tỉnh giấc, liền lập tức cung kính đến chỗ vị thầy tỳ-kheo, cầu tam-muội này).

Trong mộng, nghe tỳ-kheo Hòa Luân tuyên nói pháp ấy. Do vậy, dựa theo giấc mộng để tìm cầu vị tỳ-kheo ấy. Người trong quá khứ vì cầu pháp, kể cả đức Thế Tôn trong khi tu nhân cũng cầu pháp giống như thế. Nghe xong, bèn lập tức hành, nhưng hiện thời chúng ta nghe pháp có thể hành ngay lập tức hay chăng? Nếu thật sự chứng đắc an lạc nơi một pháp, thật sự chứng đắc Thật Tế lý địa, chân thật chứng đắc tướng đại công đức thì mới có thể nghỉ ngơi. Nếu không, thật sự chẳng thể nghỉ ngơi!

(Kinh) Nhân thỉnh pháp sư, thế phát xuất gia.

()因請法師剃髮出家。

(Kinh: Do vậy, thỉnh pháp sư xuống tóc, xuất gia).

Vì nghe pháp như thế; do vậy, thỉnh tỳ-kheo Hòa Luân cho nhà vua xuống tóc. Đại quốc vương xuống tóc, trong tâm mục của người Hoa, chắc là chỉ có hoàng đế Thuận Trị làm như thế, nhưng tại các quốc gia ở Đông Nam Á như Miến Điện, Thái Lan v.v… cũng như vương quốc Nam Chiếu thời cổ tại thành phố Đại Lý mà chúng ta đang ở, chuyện này chẳng được coi là hy hữu. Họ có rất nhiều quốc vương hoặc thân vương, tức là anh em của hoàng đế, đều xuất gia. Vì trong ý thức của người Hoa, phần nhiều chẳng chấp nhận pháp sa-môn, do đại đa số chấp nhận tư tưởng “nhập thế” của Nho giáo, coi đó là tư tưởng chánh thống. Vì thế, trong Phật giáo có các vị thiện tri thức muốn thông qua tư tưởng Nho giáo để truyền bá giáo nghĩa Phật giáo, xem chừng khá thiện xảo, nhưng ở đây có thể giải thích như thế hay chăng? Lịch sử sẽ trả lời vấn đề này!

(Kinh) Vị cầu thính thọ thị tam-muội cố.

()爲求聽受是三昧故。

(Kinh: Vì cầu được nghe nhận tam-muội này).

Vì sao quốc vương xuất gia? Vì cầu tam-muội này, hòng đạt được phương tiện nơi pháp này.

(Kinh) Cung dụng thừa sự Hòa Luân pháp sư.

()躬用承事和輪法師。

(Kinh: Cung kính thừa sự pháp sư Hòa Luân).

Trong Phật giáo Nam truyền hoặc Tạng truyền, khi sa-di thấy tỳ-kheo, chắc chắn là sẽ khom lưng [vái chào]. Cư sĩ bạch y càng làm như thế, chẳng dám thẳng lưng mà đi. Nhưng nơi đất Hán, lưng của cư sĩ, lưng của sa-di, lưng của tỳ-kheo mới thọ giới dường như duỗi còn thẳng hơn lưng của hòa thượng, thượng tọa! Vì các tỳ-kheo, pháp sư hòa thượng nơi đất Hán đã cõng nặng quá, eo đều bị cong vòng rồi! Hình tượng được biểu lộ vẫn là có ý nghĩa, nhưng phong tục của dân tộc Hán là như thế, đòi hỏi như vậy có thích hợp hay không? Có lẽ chẳng thích hợp, vì giáo dục trăm ngàn năm của chúng ta là như thế. Vậy thì làm như thế nào? Chúng ta phải nên giữ tâm tôn kính, yêu mến pháp tắc, vì cung kính và kiền thành là điều mọi người đều cần, bất luận là người học Phật hay không, dù là người xuất gia hay kẻ tại gia. Chúng ta phải khéo tư duy, quan sát điều này!

(Kinh) Bị kinh tam vạn hữu lục thiên tuế, thiên ma chướng tế, cánh bất đắc văn.

()備經三萬有六千歲天魔障蔽竟不得聞。

(Kinh: Trải qua trọn ba vạn sáu ngàn năm, do bị thiên ma ngăn chướng, trọn chẳng được nghe).

Thừa sự pháp sư ba vạn sáu ngàn năm, nhưng vì bị thiên ma ngăn chướng, rốt cuộc chẳng được nghe giáo pháp tam-muội này. Nay vì sao chúng ta có thể học tập, trao đổi, và tu tập pháp tắc này? Ẩn sau đó là phước đức nhân duyên mà quả thật chỉ có Phật và Phật mới có thể biết! Cũng có thể là khi chúng ta chứng đắc Bồ Đề, hồi tưởng khi chúng ta tại Niệm Phật Đường của Hằng Dương Am trên núi Kê Túc, thuộc huyện Tân Xuyên, châu Đại Lý, tỉnh Vân Nam nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trong Diêm Phù Đề, lắng nghe giáo ngôn của kinh Ban Châu Tam Muội. Cơ chế phước đức nhân duyên ấy được chín muồi là do điều gì kiến lập? Khi đó, quý vị sẽ lại quan sát.

Hiện thời, chúng ta không có sức quan sát, mắt cách một tờ giấy đã chẳng trông thấy. Một trang giấy đã ngăn trở tầm nhìn của chúng ta, chẳng cần nói nhìn suốt quá khứ, hiện tại, vị lai theo chiều ngang. Cũng có nghĩa là chúng ta chẳng có thiện xảo rộng lớn, Thiên Nhãn chưa mở sáng, Túc Mạng chưa biết, chưa hiểu. Dẫu có hiện duyên, lại chẳng có thiện căn để thấy biết rành rẽ! Cũng có thể là có biết, nhưng do thủ hộ nghiêm mật, chẳng tuyên nói cho! Đương nhiên, chẳng biết thì cũng chớ nên tự khinh; đã biết thì càng tốt hơn. Vì nếu có thể hiểu rành rẽ, rõ ràng cơ chế cội nguồn nghiệp tướng của chính mình, tâm người ấy sẽ được yên vui, như chúng ta trong phần trước đã học về pháp tắc mười tám món Bất Cộng và Thập Lực. Trong mười tám món bất cộng, có pháp biết hết thảy mọi chuyện trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Trong đời nào đó, có tên họ là gì, đã làm gì, tuổi tác như thế nào, gia tộc như thế nào, thân tướng như thế nào, đều biết rõ ràng. Dù một đời, nhiều đời, trăm ngàn đời, vạn đời, Hằng hà sa đời, cho đến đời đời kiếp kiếp, đều thấy biết cùng tận, thấy biết thấu triệt, chẳng hề sơ sót. Đó gọi là Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, và Lậu Tận Minh của chư Phật Như Lai. Do các Minh ấy, tự nhiên thông đạt vô ngại, chẳng phải là nói suông, mà thật sự là như thế, tức là chỗ quy kết của tự lợi.

Do vậy, chúng ta là Phật giáo đồ, phải nên hướng đến chuyện đích thân tu tập, chứng đắc các pháp tắc trân bảo, phải nên biết sức thiện xảo rộng lớn và sự chân thật của sức ấy. Nói “chân thật” tức chẳng phải là nói suông, chẳng phải là giả thiết! Vì thế, các pháp tắc như mười tám món Bất Cộng, Thập Lực, Tứ Vô Úy v.v… chư Phật Như Lai đều đã từng tu tập, nhưng chẳng nhiễm các pháp, thấy thấu triệt “các pháp vốn chẳng có pháp”. Tuy chẳng có pháp mà hành vô lượng pháp, dùng đó để lợi ích rộng khắp nhu cầu của hữu tình, khiến cho chúng sanh thoát khỏi mê chấp, cũng có nghĩa là đối với các hữu tình ngỡ là thật sự có pháp, sẽ khiến cho họ phá trừ Pháp Chấp. Nhưng nếu chúng ta chẳng đích thân chứng pháp tắc, làm thế nào để phá trừ Pháp  Chấp? Chúng  ta  phải  nên khéo tư duy, khéo quan sát ở chỗ này!

(Kinh) Thời, Phật phục cáo chư tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di ngôn: – Ngã kim ngữ nhữ, nhữ đẳng đương ưng cấp tật thính thọ thị tam-muội vương.

()佛復告諸比丘比丘尼優婆塞優婆夷   我今語汝汝等當應急疾聽受是三昧王。

(Kinh: Khi đó, đức Phật lại bảo các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di rằng: – Ta nay bảo các vị, các vị hãy nên gấp rút lắng nghe tam-muội vương này).

Ở đây, đức Phật bỏ qua Hiền Hộ Bồ Tát, trực tiếp nói với mọi người. Dường như đức Thế Tôn có đôi chút gấp rút, vì thấy thiên ma gây ma chướng, có thể khiến cho đại quốc vương xuất gia làm tỳ-kheo sa-môn phụng sự, hầu hạ pháp sư ba vạn sáu ngàn năm, vẫn chẳng thể nghe pháp như thế. Đức Thế Tôn nhớ lại điều ấy, bèn nóng ruột: “Thời, Phật phục cáo chư tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di ngôn: – Ngã kim ngữ nhữ” (Khi đó, đức Phật lại bảo các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di rằng: – Ta nay bảo các vị). Nói cách khác, đức Thế Tôn chẳng nói với ngài Hiền Hộ, mà trực tiếp nói với chúng ta. “Nhữ đẳng đương ưng cấp tật thính thọ thị tam-muội vương” (Các vị hãy nên gấp rút, nhanh chóng lắng nghe tam-muội vương này): Hai chữ “cấp”“tật” gộp chung lại. Một chữ Cấp (急, gấp rút) đã đủ khiến cho người ta toát mồ hôi, lại còn phải thêm một chữ Tật (疾, nhanh chóng)! Chẳng phải là đức Thế Tôn nóng lòng, mà là thật sự muốn khiến cho mọi người nhanh chóng chín muồi thiện căn!

(Kinh) Vô đắc xa trì, diệc vô vong thất, thiện thừa sự sư, vô linh thất sở.

()無得奢遲亦無忘失善承事師無令失所。

(Kinh: Chớ nên chần chừ, cũng đừng quên mất, hãy khéo thừa sự thầy, đừng bỏ sót nơi chốn [truyền bá tam-muội này]).

“Vô đắc xa trì” tức là chớ nên trì hoãn, lần khân, lãng phí nhân duyên như thế! “Vô linh thất sở” nghĩa là nếu biết chỗ nào truyền bá tam-muội này, đừng bỏ lỡ cơ hội học tập như thế, đừng mê mất chỗ truyền dạy như vậy! Chẳng hạn như chúng ta ở nơi đây, bất luận là nhân duyên như thế nào khiến cho đạo tràng Ban Châu được kiến lập ở chỗ này, quả thật là do oai đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật gia trì. Đương nhiên cũng là do oai đức của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tụ tập truyền lại trong cõi đời mà thành. Chúng ta nương vào nhân duyên này có thể thành thục thiện căn, có thể nghe pháp, tư duy, giải thích, cho đến tu chứng. Phước đức nhân duyên ấy quả thật khó thể diễn nói.

(Kinh) Cầu thị tam-muội, dĩ đắc vi kỳ. Nhược kinh nhất kiếp, nãi chí bách thiên, bất sanh giải tâm, vô bất đắc dã.

()求是三昧以得爲期。若經一劫乃至百千不生懈心無不得也。

(Kinh: Cầu tam-muội ấy, lấy chứng đắc làm kỳ hạn. Nếu trải qua một kiếp, cho đến trăm ngàn kiếp, chẳng sanh tâm giải đãi, không ai chẳng đạt được).

Chớ nên sanh khởi tâm giải đãi. Sau khi chúng ta đã nghe tam-muội này, có phải là hướng đến tam-muội hay không? Hay là hướng tới cuộc sống hằng ngày? Hay là hướng tới nghiệp tập của chính mình? Hay là hướng tới các tạp duyên chung quanh chính mình? Tại các nơi trong nước, thường có người đến đây cầu hành pháp Ban Châu. Đương nhiên cũng có người ở ngoài nước, bất quá họ mang tánh chất quan sát nhiều hơn. Mọi người đến nghe pháp này, hướng tới pháp này, có lẽ phần nhiều thuộc vào một trạng thái nhất định, tức là vẫn mong chính mình trở về sẽ sống an ổn, làm việc thuận lợi. Vì thế, nếu thật sự lấy chuyện chứng tam-muội này làm kỳ hạn, quả thật cần phải có thiện căn, phước đức, nhân duyên.

Nếu có thể chứng đắc tam-muội ngay trong một đời, sẽ giải quyết vấn đề sanh tử to lớn từ bao kiếp đến nay, giải quyết các vấn đề to lớn do phiền não bức bách từ bao kiếp đến nay, giải quyết vấn đề to lớn thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề của hết thảy chúng sanh, cũng giải quyết hết thảy các vấn đề thế gian, giải quyết hết thảy nghi nan và hết thảy các pháp tắc trong mười pháp giới! Trong đời này, quý vị có thể gặp được pháp tắc rốt ráo viên mãn như thế, đó là phước báo như thế nào? Có thể tu tập, đó là phước báo như thế nào? Có thể chẳng bỏ pháp tắc như vậy, lại là phước báo như thế nào? Đối với chuyện này, chúng ta cần thật sự tư duy như thật, quan sát như thật, quan sát tinh tế, quan sát tỉ mỉ pháp tắc chánh tư duy này. Nếu cứ qua loa lướt qua, lại quay về với thế tục, lại trở vào trong nhân duyên tạp duyên lừng lẫy, lại chọn lựa các thứ chẳng tương ứng, hoặc pháp tắc chẳng tương ứng, nói cao, nói thấp, nói tương ứng, hay chẳng tương ứng, kết quả sẽ đánh mất đại lợi trong hiện tiền. Vì thế, chư Phật buồn than, hết thảy trời người cũng đều cảm thấy nuối tiếc thay cho chúng ta!

(Kinh) Hiền Hộ! Nhược nhân nhất tâm cầu thị tam-muội, thường tùy trục sư, bất đắc viễn ly, đương thiết cúng dường, sở vị thang dược, ẩm thực, y phục, sàng phu, chủng chủng chúng cụ.

()賢護若人一心求是三昧常隨逐師不得遠離當設供養所謂湯藥飲食衣服牀敷種種衆具。

(Kinh: Này Hiền Hộ! Nếu ai nhất tâm cầu tam-muội này, hãy thường theo sát thầy, chẳng được xa lìa, hãy nên sắp đặt cúng dường, như là thuốc thang, thức ăn, quần áo, giường, mền, các thứ vật dụng).

Trong quá khứ, thuốc thang, thức ăn, quần áo, và giường, mền được gọi là “tứ sự cúng dường”. Đó là các thiết trí cơ bản cho cuộc sống của người xuất gia. Người xuất gia chẳng có mong cầu, chỉ vì đạo nghiệp, vì Phật pháp trụ thế, cũng vẫn cần phải sống!

(Kinh) Cập dĩ nhất thiết kim, ngân, trân bảo, phàm thị tư dụng, tận phụng ư sư, vô sở ái tích. Như kỳ tự vô, khất cầu nhi dữ.

()及以一切金珍寶凡是資用盡奉於師無所愛惜。如其自無乞求而與。

(Kinh: Cùng với hết thảy vàng, bạc, trân bảo, phàm là các vật dụng cần thiết, đều dâng trọn cho thầy, chẳng hề quý tiếc. Nếu chính mình chẳng có, bèn đi xin để dâng thầy).

Nếu chính mình có vật dụng, bèn cung phụng cho thầy. Đấy quả thật là đức Thế Tôn hy vọng chúng ta sẽ duy trì pháp này, yêu mến và tu tập pháp này, duy trì lòng chân thành trong tâm trí. Nếu chính mình chẳng có vật gì, bèn đi xin để dâng cúng. Thoạt nhìn, yêu cầu này quá nặng nề; thật ra, chẳng phải vậy! Đó là yêu cầu như thật, mà cũng là yêu cầu để duy trì. Người đất Hán học pháp, tu tập pháp, nhận biết yêu cầu này thường sanh lòng ngần ngại, hoặc lo ngờ! Nhưng trong quá khứ, cầu pháp đích xác là như thế, chẳng hề tiếc thân mạng, huống hồ tài vật ư? Chẳng tiếc chân, tay, đầu, não, huống hồ các vật thuộc y báo của chính mình ư? Do vậy, người trong quá khứ đốt cánh tay, đốt ngón tay, đốt đỉnh đầu, trên thực tế đều nhằm biểu thị hàng Bồ Tát muốn xả tự thân, nhờ vào nhân duyên ấy để biểu lộ niềm chân thành, tâm trí như thật. Nếu tâm chẳng thật, làm các hành vi ấy sẽ chẳng có ý nghĩa chi hết!

Cúng dường cũng lại như thế, nhằm dẫn phát sự chân thành, dẫn phát tâm trí “nhất tâm cầu tam-muội”, chẳng băn khoăn chi khác. Chẳng hạn như hết thảy các vật đều buông xả, hết thảy các tạp duyên đều buông xả, chỉ thủ hộ tam-muội này. Đó là nhất tâm chuyên cầu. Nếu chúng ta có rất nhiều đường lui, rất nhiều tạp duyên mà mong nhất tâm cầu tam-muội này; đó là dối gạt chính mình! Nhưng người hiện thời vốn có đủ phước đức nhân duyên hừng hực, tạp duyên hừng hực, người mong cầu pháp muốn xả càng khó hơn! Nhớ năm xưa, nghe có người kể: Đại khái là tại vùng Quảng Đông, có một chủ xí nghiệp, kinh doanh đến mức kha khá, liền trực tiếp bán đấu giá xí nghiệp ấy. Sau đó, cầm tiền kiếm một vị lạt-ma, nói: “Thưa lạt-ma, tôi có tiền, thầy có pháp. Tôi đưa tiền cho thầy, thầy cho tôi pháp”. Vị lạt-ma ấy nói: “Ông đem tiền của ông về nhà đi! Vì sao? Tiền tuy rất nhiều, nhưng tâm trí chẳng tương ứng!” Nếu khi [người ấy] chân thành cúng dường, xót xa cầu xin cúng dường, tức là thật sự vì cầu pháp mà cúng dường, người ấy sẽ đâm ra chẳng coi trọng tiền bạc của chính mình. Nếu chúng ta có thể thật sự vứt bỏ nỗi lo toan cho mai sau của chính mình để tiến nhập một pháp tắc; đó là cái tâm một dạ dũng mãnh! Như xuất gia, giống như vứt bỏ các thứ sở hữu của chính mình trong thế tục, bất luận là thứ gì tốt hay xấu, đều phải triệt để vứt bỏ. Có thể triệt để vứt bỏ hay không? Có thể là nhất thời trên phương diện tâm lý chẳng vứt bỏ được, từ hình tượng thì có thể vứt bỏ. Nếu tâm lý lẫn hình tượng đều có thể vứt bỏ, đúng là đạo nghiệp đã thành thục. Chúng ta đều nói tỳ-kheo A Nan là “thân đã xuất gia, nhưng tâm chưa xuất gia”, cũng có nghĩa là Ngài còn chưa thật sự lìa thoát tam giới khổ não, vậy thì nhiều vị xuất gia trong thời đại Mạt Pháp này hành trì như thế nào? Phải nên tư duy, quan sát.

Ở đây, chúng ta phải nên biết hàm nghĩa của chuyện “nhất tâm cầu pháp, cúng dường các vật dụng” thật ra là cái tâm chân thành. Có kẻ chỉ đem thân xuất gia, thứ gì cũng chẳng mang theo, bèn dùng hành pháp để cúng dường. Đó là sự cúng dường lớn nhất. Nếu còn quan tâm, lưu luyến trong nhà có bao nhiêu tiền, bao nhiêu căn nhà và xe cộ phải nên giải quyết như thế nào; đó thật sự là sự trói buộc khiến cho [hành nhân] chẳng dũng mãnh tu pháp. Quý vị nói: “Ta phải giải quyết sạch rồi mới đến tu tập pháp”, đó vẫn là có nhiều nỗi băn khoăn. Như chúng ta vừa mới sanh ra trần trụi, đỏ hỏn, chẳng có vật chi hết, khi hành pháp, nếu tâm chẳng vướng mắc, chẳng có vật gì có thể tồn tại; đó chính là phương tiện để tu tập pháp. Người như vậy nhất định đạt được thành tựu. Nếu hôm nay nhớ thương gia sản của chính mình, bữa mai lại bận tâm về công ty của chính mình, ngày mốt lại lo âu về con cái của chính mình, người như vậy mong thành tựu chắc hẳn mười phần khó khăn, vì bị tạp duyên khống chế!

Tiền tài, vật phẩm cúng dường đúng là quan trọng thứ yếu! Thật sự hành pháp tắc chẳng đoái tiếc thân mạng, chẳng tiếc nuối nhân duyên, chuyên tâm dốc chí, sẽ rất dễ thành tựu. Ở đây, đức Thế Tôn tuyên nói với dụng ý khiến cho chúng ta nhất định cầu tam-muội, chớ ôm ấp những ý niệm khác, hoặc băn khoăn, hoặc dính mắc. Phải vứt bỏ các duyên, chỉ hành pháp, chỉ cầu pháp, căn bản là chẳng ngó ngàng tới những thứ khác. Nếu bận lòng, quý vị sẽ chẳng thể bố thí được. Chẳng bận lòng thì thật sự là bố thí, đừng đắm nhiễm chúng nữa, đừng thủ hộ chúng nữa, đừng hướng đến chúng nữa. Vốn là bố thí, cho nên nói “xuất gia, buông xả thế gian là phương tiện bố thí bậc nhất”.

(Kinh) Thú đắc tam-muội, vật sanh yếm tâm. Hiền Hộ! Thả trí như tư tầm thường cúng cụ. Phù cầu pháp giả, sư nhược hữu tu, nãi chí ưng đương tự cát kỳ thân, cơ phu, chi thể, cung phụng ư sư. Sư nhược tu mạng, thượng vô ái tích, huống dư ngoại vật nhi bất phụng sư.

()趣得三昧勿生厭心。賢護且置如斯尋常供具。夫求法者師若有須乃至應當自割其身肌膚肢體供奉於師。師若須命尚無愛惜況餘外物而不奉師。

(Kinh: Tiến nhập tam-muội, đừng sanh tâm chán. Này Hiền Hộ! Hãy để các vật cúng tầm thường như vậy lại đó. Phàm là người cầu pháp, nếu thầy cần dùng, thậm chí hãy nên cắt thân mình, da thịt, chân tay để dâng hiến cho thầy. Nếu thầy cần mạng, còn chẳng yêu tiếc, huống hồ các vật ngoài thân khác mà chẳng dâng cho thầy).

Đức Thế Tôn nói như thế, thật ra là vẫn muốn cho chúng ta quy kết vào lòng chân thành, gieo mình vào tâm trí. Kinh điển Đại Thừa và kinh điển của Thanh Văn Thừa sai khác rất lớn. Do kinh điển Thanh Văn Thừa thuận theo Tục Đế, xét theo giới luật, cách tu tập, cũng như [các lời] dạy bảo đều rất mềm mỏng, đều là pháp thuần bạch, chỗ nào cũng đều an ủi, nói dịu dàng, nói tịch diệt thanh tịnh. Nhưng trong kinh điển Đại Thừa, có nhiều chỗ nói mạnh mẽ, hăng hái, nói oai đức, muốn khiến cho chúng sanh nhanh chóng thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Ở đây, thực tế đều là nói theo oai đức, chúng ta phải khéo quan sát cơ chế khác biệt giữa hai loại giáo pháp này. Nếu chẳng khéo quán, người ta sẽ thường nẩy sanh ngờ vực.

Lúc học tập Bồ Tát giới bổn, rất nhiều người chẳng muốn xem. Chẳng hạn như trong đó có bốn đại nguyện, “thà đọa địa ngục, ngàn lưỡi mâu đâm vào thân suốt một kiếp, hai kiếp” v.v… Rất nhiều người sợ hãi các thệ nguyện đó, nói đó chẳng phải quá tàn nhẫn, quá lố, chẳng tương ứng hay sao? Có phải là có chút vượt ngoài pháp tắc cơ bản về đạo đức nhân luân hay không? Thật ra, chẳng phải vậy! Ẩn sau những lời dạy của đức Thế Tôn là cách nói an ủi to lớn, cách nói chân thật to lớn.

Sự an ủi to lớn ấy rốt ráo khiến cho quý vị thoát lìa nỗi hoang mang sanh tử, thoát khỏi các pháp tắc bị ràng buộc bởi sanh tử, khiến cho quý vị sanh khởi sự vô úy, tùy thuận tương ứng pháp tánh. Nếu chuẩn xác nương theo pháp tánh, người ta sẽ chẳng sanh lòng sợ hãi. Vì sao? Chẳng còn con đường nào khác. Nếu chẳng nương theo thệ nguyện như thế, cứ thuận theo sự cảm nhận dựa trên nghiệp tập của chính mình, người ta sẽ sợ hãi. Nhưng nếu thuận theo pháp tánh, sẽ ngay lập tức giải thoát, rốt ráo an ổn, lần lượt nương tựa như thế, sẽ chẳng nẩy sanh sợ hãi. Giáo ngôn ở đây cũng giống như thế, vì các vật ngoài thân đáng nên cúng dường vô ngại, đối với tự thân thì sao? Cũng giống như thế. Đấy thật sự là nhắc nhở chúng ta vì cầu tam-muội, hãy nên dũng mãnh phát tâm.

(Kinh) Hiền Hộ! Kỳ cầu pháp giả, thừa sự pháp sư, tương hộ tùy thuận, kỳ sự nhược thử. Hựu thừa sự sư, như nô tùy chủ, như thần sự quân, sự sư diệc nhĩ. Tư nhân như thị, tật đắc tam-muội.

()賢護其求法者承事法師將護隨順其事若此。又承事師如奴隨主如臣事君事師亦爾。斯人如是疾得三昧。

(Kinh: Này Hiền Hộ! Người cầu pháp thừa sự pháp sư, hộ trì, tùy thuận như thế đó. Lại nữa, thừa sự thầy như đầy tớ theo chủ, như bầy tôi phụng sự vua, phụng sự thầy cũng thế. Người như thế sẽ mau chóng đắc tam-muội).

Mau chóng đắc tam-muội là duyên khởi của tất cả các hành vi [thừa sự, tận lực dâng hiến]. Nhờ vào những hành vi đó triệt để trừ bỏ Thân Ngã Chấp và Pháp Ngã Chấp, Tài Ngã Chấp, cho đến triệt để vứt bỏ tự ngã, trở về tam-muội chánh hạnh. Nếu chúng ta bị Ngã Chấp và Pháp Chấp ngăn chướng, hoặc tham luyến các tài vật, tham luyến thế tục, mà muốn thành tựu pháp này, sẽ chẳng thể được!

(Kinh) Đắc tam-muội dĩ, đương niệm ức trì, thường niệm sư ân, hằng tư báo đáp.

()得三昧已當念憶持常念師恩恆思報答。

(Kinh: Đã đắc tam-muội, hãy nên nghĩ nhớ, thường nghĩ tới ân thầy, luôn nghĩ báo đáp).

Nếu chẳng phải như vậy, sức tam-muội sẽ có tiến thoái. Đối với chuyện này, từ các câu chuyện về Thiện Đạo đại sư đã có một công án. Khi Thiện Đạo đại sư tại thế, do nhân duyên từ Quán Kinh, Ngài chứng đắc Niệm Phật tam-muội tại chùa Ngộ Chân ở huyện Lam Điền (thuộc tỉnh Thiểm Tây). Do vậy, có nhiều vị tỳ-kheo theo Ngài tu tập pháp tắc. Có vị tỳ-kheo sau khi chứng tam-muội, sanh tâm tăng thượng mạn che lấp tâm trí, nên sức tam-muội chẳng hiện, kết quả là phỉ báng tam-muội ấy. Nếu chúng ta duyệt tạng (đọc Đại Tạng Kinh), sẽ có thể thấy trong rất nhiều kinh điển đều có cách nói như vậy. Chẳng phải là hễ chứng bèn vĩnh viễn chứng. Có người sau khi chứng đắc tam-muội lực, do tham cầu cảnh giới của tam-muội lực, đọa vào cái tâm thế tục, tức là tâm tham. Sau đấy, ngoại duyên vừa quấy nhiễu, chẳng hạn như có tạp âm, tạp duyên, tạp cảnh tướng, sẽ sanh tâm sân. Do vậy, liền đọa lạc! Thuở đức Thế Tôn tại thế, cũng có tỳ-kheo đọa lạc như thế. Do công đức chứng tam-muội bèn sanh vào Vô Sắc Giới Thiên, sau tám vạn đại kiếp, thiện căn và nhân duyên đã hao hết, liền đọa vào đời ác. Vì thế, thường nghĩ tới ân thầy, thường mong báo đáp, thật sự là một thứ tư lương cơ bản để duy trì sức tam-muội. Thật ra, Niệm Phật tam-muội chủ yếu nhất là tri ân, báo ân đó thôi! Vì hết thảy đều do công đức thanh tịnh của chư Phật Như Lai ban tặng, chúng ta chẳng có một pháp nào để có thể đạt được, chẳng có một thiện căn nào tồn tại, mà cũng chẳng tồn tại một ác pháp nào, cũng chẳng có một nghiệp tướng vô ký tiếp nối nào, chỉ nương theo đại công đức tạng của chư Phật Như Lai làm sanh mạng, tùy thuận ý thức. Như thế thì sẽ dễ thành tựu, dễ đạt được, dễ tương ứng. Nếu hơi tồn tại tri kiến của chính mình, sẽ rất khó đạt được tam-muội lực, tương ứng với các đại công đức lực. Đối với pháp tắc này, chúng ta vẫn phải nên tư duy.

(Kinh) Hiền Hộ! Thị tam-muội bảo, bất dị khả văn.

()賢護是三昧寶不易可聞。

(Kinh: Này Hiền Hộ! Báu tam-muội này, chẳng dễ được nghe).

Trong phần trước nói là “tam-muội vương”; ở đây lại nói là “tam-muội bảo”, cho thấy chẳng dễ nghe tam-muội này. Từ vô thỉ tới nay, chúng ta trầm luân trong thế tục, bận bịu trong các thứ sự vụ, nếu nương theo những lời dạy trong kinh giáo thì cũng có các thứ ngăn che, chướng nạn, như trong khi tu nhân, Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn xuất gia, phụng sự thầy suốt ba vạn sáu ngàn năm, do bị thiên ma ngăn chướng, vẫn chẳng được nghe! Nhưng chúng ta bị sự vụ thế tục che lấp, chẳng hạn như có người theo đuổi phước báo nhân thiên, có người theo đuổi đủ loại sự vụ trong thế gian, làm đủ loại chuyện thuộc về sự tướng, chẳng có dịp nghe pháp, chẳng thể tu tập pháp tắc như vậy, chẳng thể trao đổi pháp tắc như vậy. Trên thực tế cũng là bị thiên ma che lấp, gây chướng ngại. Nghe pháp rất khó, trong thế tục, chúng ta muốn thành thục nghiệp của chính mình, nhưng do nghiệp liên tục, ở trong nghiệp liên tục thì sẽ chẳng thể tự thoát ra được, chẳng thể tự giải quyết được, như thế thì sự liên tục của nghiệp chính là chỗ khiến cho “chẳng dễ nghe pháp”. Đó cũng là sự thật nẩy sanh bởi cái gọi là “các ma che lấp, ngăn chướng”.

Đối với cơ chế và cơ duyên nghe pháp, chúng ta thường rất khó thật sự sanh khởi lòng tôn trọng! Vào thời Tùy – Đường, nếu có chỗ nào giảng pháp, hoặc là trong núi rừng, dưới tàng cây, hoặc chỗ thanh vắng, mọi người đều đến đó, yêu thích. Nhưng nghe pháp trong hiện thời thì thường là mang tánh chất hình thức hóa nhiều hơn. Do vậy, tuy người nghe đông đảo, nhưng người đạt được lợi ích rất hiếm hoi! Như chúng ta tụng niệm công khóa cũng vậy, nếu thật sự yêu thích, công khóa như thế sẽ trở thành cơ duyên tăng thượng để chúng ta tu chứng, thành tựu Bồ Đề cho chúng ta. Nếu có thái độ ứng phó “làm hòa thượng một ngày, giộng chuông một ngày”, hoặc có cảm giác nhọc nhằn, chán ngán, như thế thì sẽ hoàn toàn tương phản! Trong cơ chế học tập liên tục hiện thời, rốt cuộc chúng ta dùng cái tâm yêu thích, hay là cái tâm chán ghét, tâm ứng phó? Thực sự là [kết quả sẽ sai khác một trời, một vực] nếu chọn lựa cái tâm sai khác. Một niệm ấy hoàn toàn do chính mình, chứ cơ chế ngoại vi như người khác, hoặc đạo  tràng v.v… thuần  túy  là  trợ  duyên.

Chúng ta phải nhận biết rõ ràng đối với điều này!

(Kinh) Chánh sử hữu nhân, quá bách thiên kiếp, đản cầu văn danh, thượng bất đắc văn, hà huống văn dĩ, thư tả, tụng trì, chuyển phục vị tha, phân biệt thuyết dã. Hiền Hộ! Giả sử Hằng hà sa số chư Phật thế giới thịnh mãn trân bảo, trì dĩ hành Đàn, kỳ phước tuy đa, do diệc bất như văn thử kinh danh.

()正使有人過百千劫但求聞名尚不得聞何況聞已書寫誦持轉復爲他分別說也。賢護假使恆河沙數諸佛世界盛滿珍寶持以行檀其福雖多猶亦不如聞此經名

(Kinh: Nếu như có người trải qua trăm ngàn kiếp, chỉ cầu được nghe tên, còn chưa được nghe, huống hồ là nghe xong, biên chép, tụng trì, lại còn vì người khác nói phân biệt. Này Hiền Hộ! Giả sử đựng đầy trân bảo trong Hằng hà sa số thế giới của chư Phật, dùng để bố thí, phước ấy tuy nhiều, vẫn chẳng bằng nghe tên của kinh này).

Trong rất nhiều kinh điển Đại Thừa, đức Thế Tôn đều có cách nói hy hữu như vậy. Chẳng hạn như đối với danh tự Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, đức Thế Tôn cũng từng thọ ký: Nếu là người có thể nghe tên kinh này, phước đức của người ấy chẳng thể nghĩ bàn. Đối với sự thọ ký tướng đại công đức này, thật sự là lời lẽ thành thật, nhưng có nhiều chúng sanh chẳng thể sanh lòng tin đối với chỗ này, chẳng thể yêu thích. Chúng ta biết Lục Tổ nghe một câu kinh Kim Cang “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (hãy nên đừng trụ vào đâu mà sanh tâm) liền được chứng ngộ, tâm sanh quang minh, tâm sanh hoan hỷ. Nếu thiện căn của chúng ta chín muồi, hoặc là cơ hội chín muồi, nghe tên của kinh Ban Châu Tam Muội này, cũng sẽ đạt được phước đức chẳng thể nghĩ bàn!

(Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn vị trùng minh thử nghĩa, dĩ kệ tụng viết: – Ngã niệm quá khứ vô lượng thời, cụ túc số mãn lục thiên tuế, thường tùy pháp sư bất tạm xả, sơ bất văn thị tam-muội danh. Phật hữu quyết hiệu vi Chí Thành, thời bỉ tỳ-kheo danh Hòa Luân. Kỳ ư Thế Tôn diệt độ hậu, tỳ-kheo quảng thuyết thị tam-muội. Ngã thời vi bỉ thiên hạ vương, mộng trung văn cáo tam-muội xứ.

()爾時世尊爲重明此義 以偈頌曰 我念過去

無量時具足數滿六千歲。常隨法師不蹔舍初不聞是三昧名。有佛厥號爲至誠時彼比丘名和輪。其於世尊滅度後比丘廣說是三昧。我時爲彼天下王夢中聞告三昧   處。  

(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì muốn nói rõ lại nghĩa này, dùng kệ tụng như sau: – Ta nhớ quá khứ vô lượng thời, trọn đủ con số sáu ngàn năm, thường theo pháp sư chẳng tạm rời, trọn chẳng nghe tên tam-muội này. Đức Phật danh hiệu là Chí Thành, tỳ-kheo khi ấy tên Hòa Luân. Sau khi Thế Tôn đã diệt độ, tỳ-kheo rộng nói tam-muội này. Thuở đó ta làm vua cõi đời, trong mộng nghe nói chỗ tam-muội).

Ở đây, nêu lên một trường hợp, có thể là quốc vương chẳng có cơ hội nghe pháp, nhưng trong mộng, biết chỗ tuyên thuyết tam-muội. Có nhiều vị Bồ Tát, cho đến chư Phật đều phát diệu nguyện rộng lớn rất sâu, muốn khiến cho hết thảy hữu tình trầm luân dùng các thứ nhân duyên để thoát lìa biển khổ sanh tử, hoặc dùng Hiển Giáo, hoặc dùng Mật Giáo, hoặc dùng giáo pháp trong lúc ban ngày, hoặc dùng giáo pháp trong mộng, hoặc dùng giáo pháp trong Tam Tạng mười hai bộ loại để tuyên nói diệu tướng trang nghiêm, cho đến danh hiệu bí mật, danh hiệu Hiển Giáo, cho đến sức thần thông nhiếp hóa trọn khắp. Thệ nguyện căn bản của Văn Thù Bồ Tát quy kết vào một thệ nguyện, chính là muốn khiến cho nhiều hữu tình ngu độn, ương bướng ở trong mộng sẽ được gặp gỡ thí giáo, hoặc khiến cho nhiều hữu tình chẳng có cơ hội nghe pháp sẽ có dịp nghe pháp trong mộng. Vì thế, có chúng sanh từ trong mộng nghe danh hiệu của chư Phật, giáo ngôn của chư Phật, được sức thần thông chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật gia trì, thấy diệu tướng quang minh của chư Phật.

Bốn loại thấy Phật là hiện tiền thấy Phật, trong mộng thấy Phật, trong định cảnh do sức thần thông thấy Phật, cho đến lúc lâm chung xả báo sẽ thấy Phật, đều là do thiện căn thù thắng đã chín muồi. Nay chúng ta học tập, tu tập một pháp Ban Châu, tức Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền tam-muội, điều được tuyên nói [trong pháp tắc này] chính là muốn khiến cho chúng sanh trong hiện tiền thấy mười phương chư Phật, gặp Phật nghe pháp, chẳng nhờ vào phương tiện, chẳng đến thế giới ở phương khác, mà Phật cũng chẳng đến đi, chúng ta cũng chẳng đến đi, chỉ nương vào cái tâm thanh tịnh, do thiện căn thành thục mà nghe pháp rất sâu, chứng Vô Sanh Nhẫn, chọn lựa sanh tử.

(Kinh) Hòa Luân tỳ-kheo thường tuyên chuyển, vương đương thính thọ thị diệu kinh, tùng mộng ngụ dĩ tức thôi cầu, cung nghệ tỳ-kheo thỉnh tam-muội.

()和輪比丘常宣轉王當聽受是妙經。從夢寤已即推求躬詣比丘請三昧。

(Kinh: Hòa Luân tỳ-kheo thường tuyên nói, vua sẽ nghe nhận diệu kinh ấy, đã tỉnh giấc mộng liền tìm cầu, cung kính xin sư dạy tam-muội).

Tam-muội ở đây là nói tắt của Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền tam-muội, chẳng phải là tam-muội nào khác. Báu tam-muội này là vua của hết thảy các tam-muội. Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm nói Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm tam-muội là vua của hết thảy các tam-muội, vì sao ở đây lại xuất hiện một tam-muội vương khác? Chúng ta chẳng khảo cứu điều này, nhưng có một điều: Công đức của Lăng Nghiêm tam-muội và Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền có sai khác hay không? Có phải là được truyền dạy dưới danh xưng khác nhau hay không? Hay là công đức có sai khác? Nói thiện xảo thì có thể là Lăng Nghiêm tam-muội nhiếp hóa một loại căn cơ riêng biệt, còn Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền tam-muội thâu nhiếp trọn khắp hết thảy hữu tình phàm ngu lẫn phàm thánh hữu tình! Vì thế, tam-muội này có thiện xảo rộng lớn!

(Kinh) Toại xả vương vị nhi xuất gia, cung kính cúng dường bất tạm hưu. Kinh lịch tam vạn lục thiên niên, đản nguyện hậu phùng bỉ tuyên lưu, thường vị thiên ma lai cố nhiễu, chung cánh vị quả nhất thính văn. Thị cố tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, chư ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, ngô cố giới nhữ thử thành ngôn, nhữ đương thú trì thị tam-muội.

()遂舍王位而出家恭敬供養不暫休。經歷三萬六千年但願後逢彼宣流。常爲天魔來固擾終竟未果一聽聞。是故比丘比丘尼諸優婆塞優婆夷。吾故誡汝此誠言汝當趣持是三昧。

(Kinh: Bèn bỏ ngôi vua để xuất gia, cung kính cúng dường, chẳng tạm nghỉ. Trải qua ba vạn sáu ngàn năm, chỉ mong được nghe pháp thầy nói, thường bị thiên ma đến quấy nhiễu, trọn chẳng một lần được nghe thấy. Vì thế, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, các ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, ta nay răn dạy lời chân thành, nên tiến nhập, trì tam-muội này).

“Giới nhữ” là khuyên bảo mọi người, khích lệ kẻ hữu duyên: “Nhữ đương thú trì thị tam-muội” (Ngươi hãy nên tiến nhập, thọ trì tam-muội này). Kinh Hiền Hộ từ mở đầu cho đến hiện thời, chỗ nào cũng đều khiến cho chúng ta nghe dạy, đọc tụng, giải nói, cho đến tu hành pháp tắc tam-muội này. Đức Thế Tôn dùng đủ mọi tỷ dụ, đủ mọi hướng dẫn, để khiến cho chúng ta sanh lòng tin quyết định đối với pháp này.

(Kinh) Kỳ dục kính thừa bỉ pháp sư, nhược kinh nhất kiếp cập đa kiếp, bị phụng dược thang, chư diệu thiện, cầu văn như thị tam-muội kinh.

()其欲敬承彼法師若經一劫及多劫。備奉藥湯諸妙膳求聞如是三昧經

(Kinh: Muốn kính trọng thừa sự pháp sư, trải qua một kiếp và nhiều kiếp, dâng đủ thuốc thang, các món ngon, cầu nghe kinh tam-muội như thế).

Hầu thầy, cúng dường để thật sự nhanh chóng thành tựu công đức của tam-muội này.

(Kinh) Hựu biện ức số chúng y phục, sàng phu, đăng chúc, cập chư trân. Tinh cần như thị bất giác bì. Vị thính như thị diệu tam-muội.

()又辦億數衆衣服牀敷燈燭及諸珍。精勤如是不覺疲爲聽如是妙三昧。

(Kinh: Lo toan ức số các y phục, giường, mền, đèn đuốc, và các báu. Siêng ròng như thế chẳng thấy mệt. Vì nghe diệu tam-muội như thế).

Duyên khởi của tất cả các sự cúng dường đều vì để tam-muội này tồn tại và được truyền bá trong cõi đời. Vì lẽ nào? Người truyền bá, tu tập, lắng nghe, cho đến người tùy hỷ tam-muội này, người đến nghe cùng chẳng nghe, đều đã gieo chủng tử chẳng thể nghĩ bàn nơi Vô Thượng Bồ Đề, trong đời vị lai, nhất định sẽ thành Phật. Vì thế, sự cúng dường này rất có ý nghĩa, được đức Thế Tôn cổ vũ, tán thán.

(Kinh) Tỳ-kheo tự vô, đương khất phụng, nãi chí thân mạng vô lận tích.

()比丘自無當乞奉乃至身命無吝惜。

(Kinh: Tỳ-kheo chẳng có, xin về dâng. Dẫu xả tánh mạng, chẳng keo tiếc).

Người xuất gia không có gì để có thể cúng dường, bèn có thể dùng những vật dụng chính mình xin được để cúng dường, hoặc dùng thân để cúng dường. Biểu hiện của người xuất gia là buông xả thế tục, thủ hộ, tu tập, truyền bá pháp.

(Kinh) Hà huống dư vật hữu tích tâm, như thị cầu giả đắc tam-muội. Thọ ân thường niệm tư báo ân, trí nhân văn dĩ ưng quảng thuyết.

()何況餘物有惜心如是求者得三昧。受恩常念思報恩智人聞已應廣說。

(Kinh: Huống hồ tiếc nuối các vật khác, người cầu như thế đắc tam-muội. Chịu ân thường nghĩ báo đáp ân, người trí nghe rồi nên rộng nói).

“Ân nhân” là người có ân với ta. Nếu đối với lợi ích thực tế và tướng công đức của Ban Châu tam-muội mà chẳng hiểu biết, có lẽ cũng sẽ có kẻ cho rằng “vì sao là có ân và chẳng có ân cơ chứ?” Vì tu tập có thành thục hay không, có tương ứng hay không. Do đó, đối với chỗ chịu ân, có thể hiểu biết hay không, vẫn thật sự là một ẩn số! Thông qua học tập, thông qua nhận biết, trao đổi lẫn nhau, cho đến tuyên nói, tu tập pháp tắc này, đối với ân đức, chúng ta hãy nên thật sự có sự hiểu biết rõ ràng!

“Trí nhân văn dĩ quảng tuyên thuyết” (Người trí nghe xong sẽ tuyên nói rộng rãi): Người trí huệ thật sự thành thục, sẽ thường tuyên nói pháp này. Vì sao? Nếu truyền bá, lưu thông pháp này, sẽ có thể khiến cho hữu tình hữu duyên thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, được thấy mười phương chư Phật, nghe giáo ngôn rộng lớn. Đó là do tam-muội nên đa văn, do đa văn nên có thể chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Cơ chế này chẳng thể nghĩ bàn! Vì thế, người tuyên nói tam-muội này có thể khiến cho hữu tình trong thế gian đạt được sự yên vui rốt ráo!

(Kinh) Ức na-do kiếp chuyên tinh cầu, tư diệu tam-muội nhĩ nãi văn. Giả sử Hằng sa chư thế giới, thịnh mãn trân bảo dụng hành Đàn. Năng ư thị trung thuyết nhất kệ, thử nhân công đức quá ư bỉ.

()億那由劫專精求斯妙三昧爾乃聞。假使恆沙諸世界盛滿珍寶用行檀。能於是中說一偈此人功德過於彼。

(Kinh: Ức na-do kiếp chuyên ròng cầu, mới được nghe diệu tam-muội này. Giả sử thế giới như Hằng sa, chứa đầy trân bảo đem bố thí. Người có thể nói một kệ trong đó, công đức sẽ vượt xa người trước).

Trong [các loại] bố thí, tài bố thí chỉ là bố thí để kết duyên, tức bố thí thuộc về phước đức. Chỉ có hành pháp, nghe pháp, đích thân chứng pháp tắc, như thế mới là cơ hội to lớn có thể khiến cho chúng sanh thành tựu Vô Thượng Bồ Đề. Công đức của một bài kệ là có thể làm cho con người thành Phật, còn công đức cúng dường trân bảo trong nhiều thế giới chỉ là hiện tướng phước đức, hai đằng chẳng thể so sánh được. Do vậy, “thử nhân công đức quá ư bỉ” (công đức của người ấy vượt hơn đó).

(Kinh) Chánh ngôn tuyên thuyết nhất kệ giả, quá ư chư kiếp na-do-tha. Hà huống văn dĩ năng quảng tuyên, tư nhân công đức bất khả thuyết.

()正言宣說一偈者過於諸劫那由他。何況聞已能廣傳斯人功德不可說。

(Kinh: Người chánh ngôn tuyên nói một kệ, vượt khỏi na-do-tha các kiếp. Huống chi nghe xong, lại rộng tuyên, công đức người ấy chẳng thể nói).

Đức Thế Tôn không ngừng khích lệ chúng ta đọc tụng, truyền bá, tu tập pháp tắc này. Nói đến công đức thì [xét theo pháp tánh], do chẳng có công đức, cho nên công đức rộng lớn. Vì công đức rốt ráo, cho nên chẳng có công đức để thấy, nhưng thật sự là công đức. Vì thế, “tư nhân công đức bất khả thuyết” (công đức của người ấy chẳng thể nói).

(Kinh) Nhược nhân nhạo hành ư Bồ Đề, đương vị nhất thiết cầu thị pháp.

()若人樂行於菩提當爲一切求是法。

(Kinh: Nếu ai thích hành đạo Bồ Đề, hãy vì hết thảy cầu pháp này).

Trong hết thảy mọi thời, mọi chốn, hãy nên lập tức tu tập, truyền bá rộng rãi, thường hành đạo, thường thủ hộ.

(Kinh) Tất năng chánh giác vô thượng đạo, văn dĩ an trụ tư định trung.

()必能正覺無上道聞已安住斯定中

(Kinh: Ắt với chánh giác vô thượng đạo, nghe xong, an trụ trong Định ấy).

Ở đây, đức Thế Tôn chọn lựa pháp. Các vị Bồ Tát hiện tiền nếu nhận biết mười phần rõ ràng, chọn lựa một pháp tắc, nhưng vẫn chưa rất thành thục, cần phải thông qua không ngừng học tập, quan sát, tu tập, cũng như so sánh thành tựu trong Phật pháp với nghiệp tướng luân hồi của thế gian thì mới có thể sanh khởi lòng yêu thích và tu tập pháp tắc ấy.

Trong phẩm này, đức Thế Tôn nêu ra sự chẳng thể nghĩ bàn của tam-muội này, nghĩ tới ân thầy rất quan trọng. Pháp này khó nghe, khó được. Chúng ta đừng nên vừa xong buổi giảng bèn bàn tán chuyện thế tục, đánh mất nhân duyên tăng thượng thanh tịnh của chính mình. Hãy nên thường tập quen tư duy pháp tắc như thế, trong tâm trí liên tục, trong nghiệp tướng, hãy nhiều lượt luyện tập, cũng phải nên nhanh chóng thành tựu công đức thiện căn như thế.

20. Phẩm thứ mười bảy: Chúc lụy

(Kinh) Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Phần, Chúc Lụy phẩm đệ thập thất.

()大方等大集賢護分囑累品第十七。

(Kinh: Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Phần. Phẩm thứ mười bảy: Chúc Lụy).

Hôm nay là ngày thánh đản của Đại Thế Chí Bồ Tát, nương cậy sự gia trì thù thắng này, chúng ta học tập viên mãn đoạn văn tự cuối cùng này.

“Chúc lụy” là sự căn dặn đối với một pháp tắc, bao gồm cách duy trì tiếp nối pháp ấy như thế nào, tu tập như thế nào, căn nguyên của pháp tắc ấy, ai là người truyền bá, cũng như người truyền bá nên truyền bá bằng cách nào, các pháp tắc cơ bản đáng được chấp thuận [để thủ hộ, truyền bá pháp ấy]. Sự chúc lụy của đức Thế Tôn có lược thuyết và cũng có quảng thuyết. Chẳng hạn như đức Thế Tôn chúc lụy Di Lặc Bồ Tát chỉ dùng bốn câu kệ, vì đối với các bậc đại trí, chỉ dùng lời phương tiện, lời giản lược đã khiến cho tâm trí họ tương ứng, còn đối với hữu tình phàm ngu (phàm phu, ngu muội) như chúng ta, phải tuyên nói cho nhiều, cho đến nói cặn kẽ, nói rộng rãi, nói trọn khắp, khiến cho chúng ta có pháp để nương cậy, hoặc là có ngôn thuyết để y chỉ.

Học tập một bộ kinh điển, Tự Phần là duyên khởi của kinh điển, [nêu ra] đối tượng để tuyên nói. Chánh Tông Phần là trực tiếp tuyên nói nội dung thực tế, khiến cho hữu tình hiện tiền tu tập, yêu thích pháp tắc. Hiện thời, chúng ta đang học phần Chúc Lụy chính là phần Lưu Thông, tức là nương theo lợi ích hiện tiền để thủ hộ pháp tắc, mong sao pháp tồn tại trong cõi đời, truyền rộng đến đời vị lai, hòng lợi ích hữu tình trong vị lai. Lưu Thông Phần là một bộ phận rất trọng yếu trong kinh điển. Tâm chúng ta duy trì liên tục đối với một pháp tắc, thâm nhập tu tập và nhận biết một pháp tắc, đấy cũng là nội dung thực tế của sự lưu thông, tức là đối với chuyện thành tựu Bồ Đề bèn tu tập chẳng lười nhác và nhận biết. Vì thế, có một cách nói ví von: Phần Chánh Tông giống như thắp đèn, thắp sáng ngọn đèn trong tâm trí của đại chúng hiện tiền, khiến cho chúng ta đối với pháp có một sự nhận biết hoàn chỉnh, sáng sủa, rõ ràng, có một thứ tự để tu tập. Lưu Thông Phần là truyền bá rộng rãi cho đời mai sau, khiến cho Phật chủng thành thục nơi hữu tình trong thế gian, giống như ngọn đèn này thắp chuyền sang ngọn đèn khác, chiếu sáng vị lai. Đèn vô tận, đèn này chuyền sang đèn kia, trí hỏa chẳng diệt, khiến cho chúng sanh tối tăm, hoặc hữu tình đang say ngủ vô minh được quang minh chiếu sáng rực, có cơ hội tỉnh giấc. Đây là một cơ chế tiếp nối pháp tắc, kinh điển về cơ bản đều được thiết trí như vậy. Sau khi chúng ta học tập, trong cuộc sống thường nhật, phải nên đối với Chánh Tông Phần, thủ hộ lợi ích hiện tiền như thế nào để giống như đèn sáng chiếu rực cả mình lẫn người? Đối với Lưu Thông Phần, lại nên như thế nào để truyền bá đến đời vị lai, lợi ích cho người đời sau? Thật sự là càng phải nên sanh tâm yêu thích, càng nên sanh tâm vui sướng.

Chúng ta còn phải giữ cho cái tâm của chính mình liên tục, duy trì liên tục đối với pháp, đối với các sự tướng phồn tạp trong thế tục và các ngôn thuyết chẳng tương ứng, đúng là chẳng nên nói. Nếu không, tuy học tập Phật pháp mà vĩnh viễn chẳng có cơ hội thành tựu! Giống như thí dụ đun nước ở phần trước, lại như mài giũa một món pháp khí, nếu tâm trí tản mạn, buông lung, đúng là sẽ rất khó thành thục pháp. Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm kia bị lãng phí! Nếu gặp được giáo ngôn thù thắng như thế mà chẳng yêu thích, cứ ham hố thế tục, vui thích tạp duyên, ham chuộng tán gẫu, đúng là đã phần nào cô phụ cơ duyên của chính mình. Nếu cô phụ cơ duyên của chính mình, mà chẳng rối loạn người khác, thì vẫn còn chấp nhận được! Nhưng không chỉ cô phụ cơ duyên của chính mình, lại còn nhiễu loạn [người khác] thấy nghe, đúng là chẳng tương ứng. Do vậy, trong các trường hợp học Phật, trong cơ duyên hành đạo của mọi người, phải quý tiếc! Trong nhân duyên thế tục, chẳng hạn như ở trong các hoàn cảnh thế tục nơi gia đình, xã hội v.v… vẫn cần phải nghĩ tưởng Tam Bảo, nghĩ tưởng ân đức của Phật, ân đức được học giáo pháp, ân đức của sư trưởng, ân đức dưỡng dục của cha mẹ, huống hồ trong đạo tràng, trong các dịp học pháp ư? Đối với các chỗ ấy, phải nên nghiêm túc, chớ nên qua loa.

Hôm nay là thánh đản của Đại Thế Chí Bồ Tát, dẫu đức Đại Thế Chí tới ngồi ở bên cạnh chúng ta, nếu quý vị vẫn chẳng yêu thích Phật pháp thì cũng chẳng đạt được lợi ích nơi Phật pháp. Chư Phật Như Lai phóng đại quang minh nhiếp thọ trọn khắp hết thảy chúng sanh, chẳng gián đoạn. Quý vị chẳng yêu thích Phật pháp, sẽ chẳng đạt được lợi ích nơi Phật pháp y hệt. Giống như kẻ ngủ mê, dẫu mặt trời mọc giữa bầu trời quang đãng, chiếu sáng rực Diêm Phù Đề, ngay lập tức chúng sanh đều đạt được phương tiện, ai nấy đều có ánh sáng, nhưng kẻ ngủ mê chẳng đạt được. Quý vị còn đắm chìm trong cơn mê ngủ vô minh, trong nghiệp tập tán loạn của chính mình, sẽ chẳng đạt được đại quang minh của chư Phật. Vì sao? “Được” và “chẳng được” là do cách dùng; vì chẳng biết dùng, cho nên chẳng thể đạt được. Chư vị thiện tri thức ơi! Nhất định phải trân quý từng cơ hội nhỏ nhặt của chính mình, mạng người vô thường còn hơn nước từ trên núi tuôn xuống, gặp pháp rất khó, nghe pháp rất khó, cứ ham thích nghiệp tập, lưu chuyển trong tam đồ bát nạn thật dễ! Tạo các ác nghiệp thật dễ, hành các thiện pháp thật khó, đã khó lại càng khó hơn! Do phước báo từ bao kiếp lâu xa tới nay, chúng ta mới có dịp nghe pháp. Nếu vẫn để [cơ hội đó] tiêu hủy trong chốc lát, đối với cái nhân đời sau, cái quả đời sau, chẳng phải là do nhân như thế nào, quả sẽ như thế ấy đó ư? Các vị Bồ Tát phải khéo tư duy! Nếu thật sự không biết, hãy nên khích lệ chính mình một phen!

(Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn cáo Hiền Hộ Bồ Tát ngôn: – Hiền Hộ! Thị cố, bỉ thiện nam tử hữu tịnh tín giả, thường đương tinh cần thính thử tam-muội.

()爾時世尊告賢護菩薩言賢護是故彼善男子有淨信者常當精勤聽此三昧。

(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Hiền Hộ Bồ Tát rằng: – Này Hiền Hộ! Vì thế, thiện nam tử có lòng tin trong sạch, hãy thường nên siêng ròng, nghe tam-muội này).

“Tinh cần” (精勤) là tâm phải nên chuyên chú, đối với pháp phải nên chuyên chú. Nếu ở trong tạp duyên, sẽ thường khiến cho cái tâm bị tán hoại, đổi khác. Đương nhiên, nếu quý vị hiểu rõ pháp tánh không gì chẳng trọn khắp, sự tướng gì cũng đều là vô sở đắc, đều chẳng có tự tánh; đó là hành pháp phương tiện. Nếu hành pháp phương tiện, sẽ thật sự có thể dẹp trừ nỗi khổ, ban vui cho người khác!

(Kinh) Ký văn thọ dĩ, độc tụng, tổng trì, tư duy kỳ nghĩa.

()既聞受已讀誦總持思惟其義。

(Kinh: Đã nghe nhận rồi, đọc tụng, tổng trì, tư duy ý nghĩa).

Tướng đại công đức của Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền tam-muội cũng thuộc về pháp tổng trì. Nói “tổng trì” tức là trong một pháp có thể trọn đủ hết thảy các tướng công đức chân thật.

(Kinh) Quảng vị thế gian phân biệt, diễn thuyết.

()廣爲世間分別演說。

(Kinh: Rộng vì thế gian, phân biệt, diễn nói).

Mọi người diễn nói đều là diễn nói gì vậy? Có tương ứng với pháp hay không? Chính mình có yêu thích pháp tắc ấy hay không? Nếu chúng ta vẫn chẳng tôn trọng, chẳng yêu thích nhân duyên của pháp, làm sao có thể vận dụng Phật pháp vào chỗ phi pháp cho được? Chúng ta chẳng thể không chú ý ngôn hạnh của chính mình, chớ nên không biết ngôn hạnh của chính mình. Nay vẫn còn đang ở trong giai đoạn an cư, còn có Tam Bảo, được chư Phật, Bồ Tát gia bị, có thể khiến cho cái tâm chúng ta đặt vững trong thiện duyên, nhưng sau khi An Cư kết thúc, đúng là mỗi người có nghiệp báo riêng, nghiệp duyên sẽ theo sát bầu bạn!

Giả sử chúng ta qua một trăm hai mươi ngày An Cư, hoặc thông qua học tập kinh Ban Châu, đã có sự liễu giải, yêu thích, tu tập, không ngừng thường tư duy, thường nghĩ tưởng kinh Ban Châu, trong hết thảy mọi nơi, mọi chỗ đều chẳng bỏ mất mỗi niệm hoặc mỗi chuyện để tùy thuận pháp tắc. Đó gọi là “tu ngay trong mỗi niệm” nhằm uốn nắn tự tâm, uốn nắn nhân duyên, hoặc là như thật biết cái tâm, như thật biết nhân duyên, trong hiện tiền phiền não mà đích thân chứng Bồ Đề. Đó là chuyện mười phần có ý nghĩa. Nếu nhân duyên này chẳng thể chín muồi, tiếp tục tồn tại sau khi An Cư thì sẽ là như thế nào? Chúng ta đều nên tự xét kỹ, vì sau khi An Cư, cơ hội tập trung học tập, cơ hội được nhắc nhở, cơ hội trao đổi như vậy có thể là càng ít hơn, nhân duyên của mỗi người trở nên mười phần rời rạc, những thứ thuộc về thế tục như nói chuyện gẫu, làm những chuyện vô bổ v.v… chẳng thể mười phần trọn khắp cổ vũ, khích lệ [cái tâm tấn tu của hành giả]. Khi đó, chúng ta vận dụng Phật pháp sẽ càng mệt mỏi hơn! Nay chúng ta ở chỗ ít tốn sức, trong cơ hội thừa thế học tập và tu tập, quán sát, mà vẫn chẳng yêu thích, thì dấn mình vào thế tục sẽ là “chệch đi ngàn dặm!” Đấy chẳng phải là nói theo kiểu sợ hãi đâu nhé! Mọi người phải nên tư duy, vì trong thế giới Diêm Phù Đề này, thiện ít, ác nhiều, nghịch duyên lừng lẫy, kẻ hoại pháp, diệt pháp, và các tạp duyên ngập tràn cõi đời. Người như pháp, chánh pháp, hướng về pháp, hạnh tăng thượng đã ít ỏi lại càng hiếm hoi hơn, giống như trân bảo trong thế gian khó có, khó gặp! Các vị thiện tri thức hãy khéo quan sát nhé!

(Kinh) Nghi thiện thư tả, an trí tạng trung.

()宜善書寫安置藏中。

(Kinh: Hãy nên biên chép, đặt trong kho báu).

“An trí tạng trung” trên thực tế là cất chứa, trân tàng, cung kính. “Tạng” ở đây chẳng phải là phong kín, mà là khiến cho chúng ta yêu thích pháp tắc ấy, ví như thủ hộ vật báu gia truyền. Đấy đích xác là trân bảo ma-ni do Phật Thích Ca truyền lại cho chúng ta, có thể sanh ra hết thảy công đức.

(Kinh) Sở dĩ giả hà? Hiền Hộ! Ư ngã diệt hậu, đương lai chi thế.  

()所以者何賢護於我滅後當來之世。

(Kinh: Vì cớ sao vậy? Này Hiền Hộ! Sau khi ta diệt độ, trong đời tương lai).

Cũng tức là thời hiện tại của chúng ta, đức Thế Tôn đã nhập diệt ba ngàn năm, Di Lặc Thế Tôn vẫn chưa giáng thế. Trong thời gian chẳng có Phật này, phần nhiều là ác tri thức ra đời, ma não hại hữu tình trong thế gian, nếu chẳng nương theo giáo pháp, chúng ta sẽ chẳng có gì để độ thoát. Vì thế nói giáo pháp này hết sức trân quý.

Di giáo mười phần trân quý! Trong thời đại này, nếu chúng ta chẳng nương theo giáo pháp của Phật Thích Ca, thật sự sẽ tất nhiên đọa vào tam đồ bát nạn! Nay chúng ta ở trong tám nạn, vẫn còn có kinh giáo của Phật pháp để có thể tu tập, học tập, huân tu, truyền đạt, đúng là phước đức chẳng thể nghĩ bàn! Đáng phải nên tôn trọng, đáng phải nên nghiêm túc tư duy! Đối với chỗ này, nếu coi thường chẳng quan tâm, một khi chút phần thiện căn tán hoại, ác nghiệp tất nhiên chín muồi nhanh chóng, như thế thì tam đồ bát nạn sẽ khó thể chẳng phải là quê nhà, quý vị còn trở về đâu được nữa! Các vị thiện tri thức chẳng thể không tư duy!

Thời gian kết thúc An Cư càng ngày càng gần, tôi càng cảm thấy tâm tình ngày càng mười phần nặng nề, trọn chẳng phải là thanh thản, vì nếu nghiên cứu pháp sâu xa, yêu thích tu tập pháp tắc, nhất định sẽ dẫn khởi sự coi trọng [pháp tắc tam-muội này] nơi mỗi cá nhân chúng ta. Nhiều khi người có duyên lại vô phước, kẻ có phước lại vô duyên. Kẻ vô duyên phần nhiều hướng về, do hướng về còn có thể thành thục thiện căn. Nếu chúng ta trong lúc có cơ duyên mà chẳng yêu quý, chẳng trân trọng, mai sau cơ hội gặp pháp lần nữa sẽ rất ít. Cơ hội tăng thượng để tiếp tục tu tập pháp đã ít ỏi lại càng hiếm hoi hơn! Thật sự đáng tiếc! Đối với chuyện này, chúng ta nhất định phải sanh ý tưởng tôn trọng.

(Kinh) Hữu chư Bồ Tát Ma Ha Tát bối, tịnh tín tâm giả, vị chúng sanh cố, đương cầu đa văn. Cầu đa văn cố, đương nghệ chư phương, thính thọ chánh pháp. Hiền Hộ! Thị cố, bỉ chư thiện nam tử hữu dục lạc giả, cụ túc tín tâm giả, nhiếp thọ chánh pháp giả, ái nhạo chánh pháp giả, tổng trì Tu Đa La giả, vị như thị đẳng quảng tuyên thuyết cố, dĩ Như Lai lực gia trì cố.

()有諸菩薩摩訶薩輩淨信心者爲衆生故當求多聞。求多聞故當詣諸方聽受正法。賢護是故彼諸善男子有欲樂者具足信心者攝受正法者愛樂正法者總持修多羅者爲如是等廣宣說故以如來力加持   故。

(Kinh: Có các vị Bồ Tát Ma Ha Tát là kẻ tín tâm thanh tịnh, vì chúng sanh mà cầu đa văn, hãy nên cầu đa văn. Do cầu đa văn, sẽ đến các phương, nghe nhận chánh pháp. Này Hiền Hộ! Vì thế, các thiện nam tử là kẻ có ham muốn yêu thích, trọn đủ tín tâm, nhiếp thọ chánh pháp, yêu thích chánh pháp, tổng trì Khế Kinh, sẽ vì những người như thế mà tuyên nói rộng rãi, do được Như Lai lực gia trì).

“Dĩ Như Lai lực gia trì cố” (Do được Như Lai lực gia trì): Trong việc hồi thí công đức của giáo ngôn A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề thù thắng nhất, nếu lìa khỏi sự gia trì của đức Thế Tôn, sẽ chẳng thể thành tựu. Do đó, hết thảy Bồ Tát Ma Ha Tát từ sơ phát tâm, cho đến chứng đắc Đẳng Giác, Diệu Giác Bồ Tát, đều nương vào công đức của chư Phật để niệm niệm tăng thượng, đó gọi là “chẳng rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”. Chúng ta là hữu tình trong thời Mạt Pháp, niệm nào cũng đều nên chẳng lìa Phật, chẳng lìa Pháp, chẳng lìa Tăng, chẳng lìa Tử, chẳng lìa Giới. Nếu rời khỏi cơ chế như thế, chúng ta sẽ chẳng được Tam Bảo gia trì, sẽ rơi vào tri kiến thế tục, tri kiến phiền não, thậm chí tà kiến, ác kiến, lưu chuyển trong tam đồ bát nạn. Điều này có thể khiến cho các vị thiện tri thức khéo tư duy, khéo quan sát, khéo chọn lựa.

(Kinh) Thư tả như thị Đại Thừa kinh điển, dĩ Như Lai ấn, ấn phong chi dĩ.

()書寫如是大乘經典以如來印印封之已。

(Kinh: Biên chép kinh điển Đại Thừa như thế, dùng ấn của Như Lai để đóng ấn, niêm phong).

Vì sao phải dùng ấn của Như Lai để in vào, phong kín? Nhằm nói rõ kinh giáo này do kim khẩu của đức Thế Tôn tuyên thuyết, chẳng phải do người đời sau biên soạn. Điều nhận biết này mười phần trọng yếu! Nếu có kẻ ngờ vực, pháp này sẽ chẳng thành. Nếu có kẻ hủy báng, kẻ đó sẽ bị đọa lạc. Dùng ấn của Như Lai để in vào, vì đây là giáo ngôn chân chánh, có thể nương vào, có thể thuận theo, có thể đọc và chép, có thể tu tập, có thể truyền bá. “Có thể” tức là để thủ hộ người có lòng tin thanh tịnh, thủ hộ người chứng pháp, thủ hộ người yêu thích pháp, cho đến thủ hộ người muốn thành tựu pháp này, đều dùng Phật ấn, Phật lực để gia trì, khiến cho chúng ta sanh khởi chánh tín và yêu mến, cung kính và chân thành!

Cái tâm thế tục, tâm phàm phu chẳng chân thành. Phần nhiều tùy thuộc tánh tình của chính mình mà phát huy, tức là trong tri kiến đắm nhiễm, mỗi người sẽ tự phát huy tánh mạng của chính mình, cho nên xoay vần trong sáu đường, ai nấy tự hiển lộ sở đắc. Cái “sở đắc” đó thật ra là các thứ nhân duyên khác biệt đó thôi! Như Lai Thế Tôn vì khiến cho các loại tạp cư hữu tình trong tứ sanh cửu hữu thành tựu sức đại thiện xảo tự tại, cho nên đã tuyên nói với chúng ta Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền tam-muội, khiến cho chúng ta lắng nghe, đọc tụng, giải nói, tu tập thành tựu, muốn khiến cho chúng ta có thể chứng đắc tam-muội, cho đến đa văn, thậm chí thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. “Ấn” chính là ấn khả, chấp thuận tự tâm, thật sự phải nên chú ý, phải nên tư duy điều này!

(Kinh) Nhiên hậu an trí ư hạp tạng trung.

()然後安置於匣藏中。

(Kinh: Sau đó, an trí trong hộp đựng).

Không gì chẳng ngoài khiến cho chúng ta như thật tôn trọng, thủ hộ, trân tàng. Trong quá khứ, kinh điển phải đựng trong hộp bảy báu để khiến cho kẻ khác sanh tâm trân quý. Lại như tụng kinh thì phải tắm gội, rửa sạch tay, rửa sạch mặt, súc miệng sạch sẽ v.v… Vì sao? Chỗ nào cũng đều vun bồi cái tâm kiền thành, tâm cung kính, cũng tức là cái tâm chân thật. Nếu chẳng toàn tâm toàn ý, cứ tùy tiện đem kinh điển giống như vứt bừa ở nơi nào tiện tay, tùy ý giở đọc, bước qua, làm bẩn, quý vị làm sao có thể đạt được pháp ích? Làm sao có thể sanh khởi tâm tôn quý và chân thật cho được? Do vậy, trong phần Lưu Thông này, luôn khích lệ chúng ta tôn trọng, yêu thích pháp tắc này.

Vì tôn trọng, yêu thích pháp tắc, khiến cho chúng ta tôn trọng và yêu thích tự tâm. Vì tôn trọng và yêu thích tự tâm, khiến cho cái tâm thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh, sẽ thấy tự tánh chân thật, thành tựu Bồ Đề. Điều này thật ra là do nhờ vào công đức thanh tịnh rất sâu của chư Phật để ấn khế tự tâm mà thôi! Do vậy, nếu chẳng có sự ấn chứng tôn trọng và thanh tịnh, khải phát thanh tịnh, chúng ta sẽ chẳng thể biết chút phần Bồ Đề! Nghiệp tập và vọng tưởng từ vô thỉ đến nay của chúng ta đã chín muồi, chúng ta ở trong lục đạo mười phần thuần thục, chẳng nhờ vào bất cứ trợ duyên nào cũng có thể tùy ý luân hồi! Hành vi, ý thức, và tướng quả báo của chúng ta, bất luận mỗi ngày từ sáng đến tối làm gì, tư duy hay chẳng tư duy, chọn lựa hay không chọn lựa, đều là tiếp nối từ ngày này sang ngày khác, năm này qua năm nọ, chẳng nhờ vào bất cứ sức nào, cứ tự nhiên thuận lý thành chương. Nhưng đối với pháp có ngộ hay không, được nghe hay không, chân thành hay không, quả thật là vấn đề do chọn lựa và phước báo có thành thục hay không?

(Kinh) Hiền Hộ! Thị trung hà đẳng vi Như Lai ấn? Sở vị: Nhất thiết chư hành vô tạo, vô tác, vô tạo tác giả, vị tằng hữu, vô vi, vô tướng, vô tưởng, vô y, vô nhiếp, vô thủ, vô trụ. Nhất thiết chư hạnh tận, khổ nhân tận, hữu tận. Nhất thiết phiền não tận, vô sanh, vô diệt, vô đạo, vô đạo quả.

()賢護是中何等爲如來印所謂一切諸行無造無作無造作者未曾有無爲無相無想無依無攝無取無住。一切諸行盡苦因盡有盡。一切煩惱盡無生無滅無道無道果。

(Kinh: Này Hiền Hộ! Trong ấy, những gì là ấn của Như Lai? Tức là hết thảy các hành chẳng tạo, chẳng tác, chẳng có người tạo tác, chưa từng có, vô vi, vô tướng, vô tưởng, chẳng nương tựa, chẳng thâu nhiếp, chẳng giữ lấy, chẳng trụ. Hết thảy các hạnh tận, khổ nhân tận, hữu tận. Hết thảy phiền não tận, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng có đạo, chẳng có đạo quả).

Hết thảy các pháp đều là chưa từng có, nhưng dùng Phật ấn để in vào, khiến cho chúng ta biết điều chưa từng có. Hết thảy các pháp đều dứt bặt đối đãi, vì lẽ nào vậy? Do chẳng có tự tánh, chẳng thể lặp lại. Chỉ vì hữu tình phàm phu phiền não hư vọng nhận biết, chấp giữ, dùng các tri kiến cất chứa trong A Lại Da Thức của chính mình để ấn chứng, hứa khả đấy là thiện, đấy là ác, coi là đã từng có, coi là vô ký (chẳng thiện, chẳng ác), coi là tịnh, coi là trược, coi là phàm, coi là thánh v.v… Vô lượng vô biên nhận biết, chấp giữ đắm nhiễm như thế chẳng phải là Phật ấn, mà là tạo tác phần, là hữu lậu, là hữu vi, là chấp trước. Chấp trước như thế, trôi lăn trong tam giới là lẽ tất nhiên. Nhưng dùng ấn của Như Lai để in vào, đó gọi là “hết thảy chẳng tạo tác”, đều là chưa từng có. Do chưa từng có, cho nên “vô vi, vô tướng, vô tưởng, chẳng nương cậy, chẳng thâu nhiếp, chẳng giữ lấy, chẳng trụ. Hết thảy các hành đều tận, khổ nhân tận, hữu tận. Hết thảy phiền não tận, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng có đạo, chẳng có đạo quả”.

Nếu chỉ nói tới vô sanh, chúng sanh sẽ mê muội. Vì thế, đức Thế Tôn lần lượt dùng các thứ ngôn từ quyền biến, hướng dẫn chúng ta nhận biết Phật ấn, tức là chánh tín, chánh hạnh “chẳng nhiễm, chẳng chấp, chẳng đến, chẳng đi, bất cấu, bất tịnh”. Hết thảy các pháp vốn vô sanh. Nói “do nhân duyên mà sanh” sẽ phá trừ, lìa bỏ Thường Kiến và Đoạn Kiến, khiến cho chúng ta thoát ly hai loại Biên Kiến ấy.

Đọc đoạn kinh văn này giống như đọc Tâm Kinh, “vô trí diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố, Bồ Đề Tát Đỏa” nương theo trí huệ môn để quan sát, trọn chẳng có một vật, quang minh “không, tịnh”, trong ngôn thuyết thật sự đã trừ sạch hết thảy đắm nhiễm của chúng sanh, trừ hết thảy chấp trước của chúng sanh, trừ hết thảy phiền não của chúng sanh, cũng như [phá trừ] cưỡng chấp phiền não, cưỡng chấp nghiệp duyên, cưỡng chấp thiện duyên, cho đến các thứ khổ, cùng với cưỡng chấp các thứ tạo tác khổ.

(Kinh) Nhất thiết chư thánh, vô hữu phú tàng, ngu si sở hủy, trí giả sở xưng, xảo giả năng thọ.

()一切諸聖無有覆藏愚癡所毀智者所稱巧者能受。

(Kinh: Hết thảy các vị thánh, chẳng có vị nào ẩn giấu, bị kẻ ngu si hủy báng, bậc trí ca ngợi, người thiện xảo bèn có thể tiếp nhận).

Vì kẻ ngu si phần nhiều sanh tà kiến đoạn diệt, nói đoạn diệt theo kiểu ngoan không, khiến cho tâm trí của người khác bị mê loạn. Vì thế, nói “ngu si sở hủy”, tức là hủy hoại cái tâm thanh tịnh. Còn “trí giả sở xưng” tức là hết thảy người trí yêu thích, thủ hộ giáo ngôn như thế!

(Kinh) Như Lai Thế Tôn thuyết thử kinh thời, vô lượng chúng sanh, giai ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, chủng chư thiện căn.

()如來世尊說此經時無量衆生皆於阿耨多羅三藐三菩提種諸善根。

(Kinh: Khi Như Lai Thế Tôn nói kinh này, vô lượng chúng sanh đều gieo các thiện căn nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề).

Đây là nói chân thật. Chúng ta nghe đức Thế Tôn nói kinh giáo như vậy, giống như dùng ấn của Như Lai để ấn khế tự tâm. Tuy nhất thời chưa thể giác, vẫn còn nghi ngờ, băn khoăn, hoặc là ở giữa thành thục và chẳng thành thục, nhưng cơ duyên “ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, chủng chư thiện căn” (gieo các thiện căn nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề) đã chín muồi, tối thiểu là Nhĩ Căn đã được nghe. Đối với kinh điển, kinh giáo như thế và nội hàm của nó, chúng ta đã có thể nghe đầy đủ vẹn toàn từ đầu đến cuối một lượt, hoặc là thậm chí ngẫu nhiên nghe một câu, nửa lời, nếu đã có thể thoảng qua tai, sẽ đều là thiện căn. Vì khác với những lời thông tục, thêu dệt, lời thô ác, cho đến lời lẽ tà kiến trong thế tục, lời lẽ chánh giáo của chư Phật sẽ có thể khiến cho chúng sanh đạt được an lạc, gieo các thiện căn, thuần thục thiện căn, cho đến ắt sẽ đạt được Vô Thượng Bồ Đề. Vì thế, nghe kinh pháp cho nhiều là điều rất trọng yếu.

(Kinh) Bỉ Hằng hà sa đẳng chư Phật thế giới, hữu vô lượng A-tăng-kỳ chư Bồ Tát Ma Ha Tát chúng, giai tùng bổn quốc phát lai chí thử, hàm vi thính thọ thị tam-muội giả.

()彼恆河沙等諸佛世界有無量阿僧祇諸菩薩摩訶薩衆皆從本國發來至此咸爲聽受是三昧者。

(Kinh: Trong các thế giới của chư Phật nhiều như cát sông Hằng, có vô lượng A-tăng-kỳ các vị Bồ Tát Ma Ha Tát đều từ cõi mình xuất phát đến đây, đều là vì nghe nhận tam-muội này).

Tâm trí và sanh mạng của hết thảy chúng sanh chênh lệch chẳng giống nhau, biểu hiện muôn ngàn sai khác. Ở đây [đức Phật] nhắc tới các vị Bồ Tát Ma Ha Tát từ các thế giới ở phương khác, có sức tự tại như ý, tức sức thần thông vô ngại, có thể từ thế giới của chính mình đến vô biên thế giới ở phương khác. Sau đó, nương theo công đức danh hiệu của đức Thế Tôn trong thế giới của chính mình mà quay về, giống như chúng ta niệm danh hiệu của đức Bổn Sư A Di Đà Phật bèn có thể sanh về bổn quốc của A Di Đà Phật.

“Giai tùng bổn quốc phát lai chí thử” (Đều từ nước mình xuất phát đến nơi đây): Đều do nghe nói danh hiệu công đức thù thắng của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật trong thế giới Sa Bà, cho đến sự giáo hóa chẳng thể nghĩ bàn của tam-muội này. Do nhân duyên ấy mà từ nước mình ra đi, tới cõi này để thấy Phật, nghe pháp. Các vị Đại Bồ Tát Ma Ha Tát ấy đã từ vô lượng kiếp tới nay siêng tu các loại pháp, đối với Ban Châu tam-muội, hoặc còn gọi là Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền tam-muội, đều thuần thục vô ngại. Do đó, khi xưng danh hiệu Phật, liền gặp Phật: Nhân chính là quả, quả chính là nhân, đạt được phương tiện có thể thấy Phật, nghe pháp. Bồ Tát trong thế giới Sa Bà muốn đến thế giới phương khác để thấy Phật, nghe pháp, cũng phải xưng danh hiệu công đức của chư Phật trong thế giới phương khác. Nay chúng ta hướng tới, quan sát, tu tập, yêu thích, lắng nghe pháp tắc này. Trước kia, tôi ở tại một ngôi chùa thuộc tỉnh Hà Bắc, gặp một vị cư sĩ. Vị này niệm vị Phật nào, hình tượng của vị Phật ấy sẽ hiện tiền. Chẳng hạn như khi lạy tám mươi tám vị Phật [trong Hồng Danh Bảo Sám], niệm đến vị Thế Tôn nào, hình tượng, biểu cảm, cho đến động tác của vị Thế Tôn ấy đều hiện tiền. Tôi hỏi ông ta: “Các vị Phật khác nhau có gì khác biệt?” Ông ta nói: “Chủ yếu là tay kết ấn khác nhau, tướng âm thanh hơi khác nhau”. Đấy có thể là cách nói của mình ông ta, tôi cũng chẳng biết, cũng chưa từng thấy. Nếu thật sự đích thân chứng Niệm Phật tam-muội thì trông thấy chư Phật cũng chẳng phải là chuyện khó, vì sao? Mười phương Bồ Tát Ma Ha Tát đã sớm đích thân chứng pháp tắc như thế, cho đến đức Thế Tôn cũng nói: Đối với sự giáo hóa này, tôn giả Ma Ha Ca Diếp đã thành tựu pháp này để khiến cho người đời sau có chỗ để nương theo.

Hiện thời, chúng ta đang ở trên núi Kê Túc là chỗ tôn giả Ca Diếp đang giữ y [của Phật Thích Ca], nhập Định [chờ Phật Di Lặc giáng thế], chúng ta đã được tôn giả Ca Diếp nhiếp hóa bởi quang minh từ công đức chân thật của Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền tam-muội, vậy thì cớ sao chẳng yêu thích, tu tập pháp tắc này? Nếu chẳng yêu thích, tu tập, cứ đợi các nhân duyên khác, mong cho thiện căn chín muồi, vẫn chẳng biết sẽ là như thế nào? Vì trong pháp tắc thế tục, luyện thép thì cần phải dùng lò luyện thép. Nếu dùng các loại lò khác, sẽ rất khó luyện thành thép rất tốt! Vì thế, đối với sự tu trì của phàm phu hữu tình, nói theo hình tướng thế tục, sẽ rất quan trọng; nói theo trợ duyên, sẽ là hết sức quan trọng. Thậm chí là có mức độ quan trọng chẳng thể thay thế được!

(Kinh) Bỉ bối giai đắc bất thoái chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Thử thời, tam thiên đại thiên thế giới, nhất thiết đại địa lục chủng chấn động.

() 彼輩皆得不退轉於阿耨多羅三藐三菩提 。時此

三千大千世界一切大地六種震動。

(Kinh: Bọn họ đều đắc bất thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Khi đó, hết thảy đại địa trong tam thiên đại thiên thế giới sáu thứ chấn động).

Khi đức Thế Tôn nói giáo pháp liễu nghĩa rốt ráo, lợi ích rộng khắp hữu tình trong pháp giới. Vì thế, hết thảy các thế giới đều có sáu loại chấn động, hoặc là mười tám loại chấn động, rúng động hết thảy thế gian, cảm động hết thảy thế gian, nhuần thấm hết thảy thế gian, thuần thục thiện căn của hữu tình trong hết thảy các thế gian, muốn khiến cho hết thảy hữu tình đang mê muội, trơ lì, trầm luân sẽ thức tỉnh, giác ngộ, thoát khỏi tâm trí u ám, tối tăm. Vì thế, “chấn động” chính là tướng đại quang minh chiếu trọn khắp, là tướng thức tỉnh chúng sanh, là tướng cảm động thế gian.

(Kinh) Sở vị: Động, đại động, đẳng biến động.

()所謂大動等遍動。

(Kinh: Tức là động, đại động, đẳng biến động).

Trong mỗi thứ “động”, lại có ba loại động, cho nên cũng nói là “mười tám loại chấn động”. Chẳng biết mọi người đã từng thể nghiệm loại chấn động này hay không? Trong kinh giáo, có ghi chép như thế này: Nhằm lúc trong thế giới này và thế giới ở phương khác có thiện tri thức xuất thế, hoặc nhằm lúc có thiện tri thức chứng đắc thánh quả, hoặc vị nào thuộc địa vị Bồ Tát chứng đắc các phương tiện Thiền Định, hay phương tiện thần thông lực, mười phương thế giới sẽ cùng lúc chấn động, phóng đại quang minh. [Khi đó], tất cả những vị đã có các môn Thiền Định, các vị đã đắc thánh quả đều biết, đều dùng trợ duyên tán thán hy hữu, tán thán “thiện tai” (lành thay). Như khi Thích Ca Phật Thế Tôn xuất thế, mười phương chư Phật đều đến tán thán. Khi Ngài thành đạo cũng lại như thế, mà vị nào chứng đắc Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả, cho đến chứng quả trong các giai vị Bồ Tát, cũng đều đạt được các thứ oai đức và phương tiện cảm động thế gian. Ở chỗ này, chẳng cần phải nhờ vào ngôn thuyết!

Khi thầy Đại Hùng hành Ban Châu chín mươi ngày ở Đông Bắc, lúc xuất quan, toàn thể trời đất đều là màu trắng tinh, điềm chứng đắc ấy mười phần hy hữu, vì nội hàm và công đức của chín mươi ngày tu tập có thể cảm động rất nhiều hữu tình trong thế gian. Nếu thật sự hành pháp, như đạo tràng Hằng Dương Am này, cũng sẽ cảm động rất nhiều vị thiện tri thức có Thiền Định, có phước đức đều dùng sức phước đức của chính mình để nghĩ tưởng nơi này, cổ vũ, khích lệ cho đạo nghiệp ở nơi này được thành thục. Đương nhiên, người biết tự biết, người chẳng biết sẽ chẳng tự biết, người có thể thấy, có được phương tiện để trông thấy. Người chẳng thấy, nếu có thể tín thuận, cũng đạt được phương tiện lợi lạc, nhưng nếu chúng ta đối với công đức thù thắng ấy và sự gia trì oai đức thù thắng ấy lại chẳng cho là thù thắng thì chuyện ấy cũng sẽ chẳng thù thắng. Nếu dè bỉu thì chuyện ấy [đối với kẻ đó] cũng trở thành đáng dè bỉu!

Vì thế, sự chấn động này quả thật là lúc [các vị có trí, thánh nhân trong tam thiên đại thiên thế giới] bị cảm động, là tướng khích lệ, là sự biểu đạt chân thật của căn cơ chín muồi. Trước kia, tôi cho rằng chuyện này có thể là do oai đức trong Phật pháp. Về sau, tiếp xúc với một vị Bồ Tát trong Đạo gia đã đạt thành tựu nhất định. Ông ta cho biết trong Đạo gia, khi họ chứng đắc quả vị, đại địa cũng nghiêng ngửa, chấn động y hệt. Có người nói trong quá trình kinh hành Ban Châu, đại địa cũng rúng động. Có phải là giống như thế hay không? Có liên quan đến chuyện chứng quả hay chăng? Cứ để mặc đó, nhưng nó có thể cảm động thế gian.

Hơn nữa, pháp Ban Châu cảm động thế gian rộng lớn trọn khắp. Nếu chúng ta cảm kích Tam Bảo, dùng cái tâm cảm ơn để tu tập, duy trì pháp tắc này, sẽ là rất chẳng thể nghĩ bàn. Nếu dùng tâm kiêu mạn, tâm tà kiến để hành pháp này, sẽ bị nguy hại rất lớn. Vì thế, trong cơ chế tuyên truyền hoặc truyền bá pháp này, cứ nhắc đi nhắc lại, yêu cầu chúng ta, cứ nhiều lượt nhắc nhở chúng ta, phải xa lìa kiêu mạn, phải thanh tịnh, điều phục, nhu thuận. Đấy là điều trọng yếu hàng đầu. Nhưng pháp này lại cực dễ khiến cho người ta sanh khởi cái tâm kiêu mạn, vì có thể xuất sanh nhiều loại công đức và thiện xảo.

Hễ một khi kiêu mạn, sẽ bị hại. Khi ấy, đâm ra chẳng bằng kẻ tầm thường! Đó quả thật là chỗ lợi ích to lớn và chỗ nguy hại to lớn trong pháp này, các vị thiện tri thức nhất định phải tự khéo quan sát, tự khéo tư duy.

(Kinh) Dũng, đại dũng, đẳng biến dũng. Khởi, đại khởi, đẳng biến khởi. Chấn, đại chấn, đẳng biến chấn. Hống, đại hống, đẳng biến hống. Giác, đại giác, đẳng biến giác.

()大湧等遍湧。起大起等遍起。震大震等遍震。吼大吼等遍吼。覺大覺等遍覺。

(Kinh: Dũng, đại dũng, đẳng biến dũng. Khởi, đại khởi, đẳng biến khởi. Chấn, đại chấn, đẳng biến chấn. Hống, đại hống, đẳng biến hống. Giác, đại giác, đẳng biến giác).

Sáu loại chấn động ấy[3] được hiển lộ theo thứ tự, có trạng thái mỗi thứ sau cao hơn [thứ trước]. Sáu loại chấn động là nói chung, nói tách ra thì có mười tám loại, như nói “đại, đẳng, biến”, thật sự cảm động thế gian. Chúng ta chớ nên khinh miệt hoặc tự phụ đối với chuyện đạt được lợi ích nơi pháp tắc hay không, chỉ xét coi có lợi ích thế gian hay không, chỉ xét coi có thật sự cảm động hay không. Trong kinh điển nhà Phật, thường có cách nói sung mãn như “cảm động sung mãn”, hoặc “đại hỷ sung mãn” v.v… Thật ra, khi lợi ích sung mãn, sẽ cảm thấy chấn động, vui sướng, hữu lực tràn trề. Trong Tạng truyền Phật giáo, đã đặc biệt nêu ra tám loại “nội thọ dụng”; trong đó, sung mãn thọ dụng là loại thọ dụng bậc nhất. Bản thân trông thấy quang tướng và oai đức, sức lực trọn đủ, thiện xảo đầy đủ, chẳng phải là nói suông, chẳng phải là hý luận, mà là nội hàm như thật, công đức chân thành cảm động thế gian.

(Kinh) Nãi chí biên dũng trung một, trung dũng biên một. Thời, thử thế giới như thị đại động.

()乃至邊湧中沒中湧邊沒。時此世界如是大動

(Kinh: Cho đến ngoài rìa dâng lên, chính giữa chìm xuống, hoặc chính giữa dâng lên, ngoài rìa chìm xuống. Khi đó, thế giới này chấn động to lớn như thế).

Đại động như thế, trên thực tế là vì khi Phật Thích Ca tuyên nói pháp này đã cảm động thế giới. Như Thích Ca Mâu Ni Phật dưới cội Bồ Đề, ở trên tòa Kim Cang trải cỏ cát tường, phát ra thệ nguyện “chẳng chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, sẽ không rời khỏi tòa”, ngay lập tức đại địa chấn động. Vì thế, ma cung nứt rách, tan hoại. Do vậy, Ba Tuần liền tìm kiếm xem phương nào có Bồ Tát sắp chứng Bồ Đề, phát ra đại thệ nguyện, khiến cho các ma sanh lòng sợ hãi, cho nên hắn cố ý đến khiêu chiến. Có người nói quá trình tu tập pháp của chính mình thuận buồm xuôi gió; thật ra, chính là người tu tập gặp nhiều thử thách, nhưng khi trừ được thử thách thì sẽ chính là tướng thành tựu các pháp, cũng có nghĩa là một khi vượt qua, sẽ ở ngay chỗ đó mà đạt phương tiện thành tựu, do quán tự tánh vô sở đắc, chẳng sợ hãi. Do vậy, có thể vượt qua!

Hiện thời, người tu tập gặp nhiều duyên trái nghịch mà sanh lòng sợ hãi, do gặp duyên trái nghịch mà sanh áo não, do gặp duyên trái nghịch mà phỉ báng Phật pháp; đúng là đã đánh mất đại lợi của Phật pháp trong hiện tiền. Nhiều hữu tình hễ đả thất, hễ niệm Phật, hễ tụng kinh liền có chuyện chi đó xảy đến, bệnh cũng đưa đến, phiền não cũng đưa tới, gia đình xảy ra vấn đề, bình thường thì chuyện gì cũng đều thuận lợi, rất tốt đẹp! Chuyện này tùy thuộc chúng ta ở trong Phật pháp, sẽ nương theo lợi ích của Phật pháp để triệt để giải quyết các thứ chướng, nghiệp chướng, phiền não chướng, sở tri chướng từ vô thỉ tới nay như thế nào! Các chướng ấy chính là ma chướng. Khiến cho chúng nó bị tiêu trừ, sẽ có thể thật sự đích thân chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, sẽ đạt được pháp vô ngại, đạt được trí vô ngại, phương tiện vô ngại. Đối với điều này, phải nên tư duy, phải nên quan sát.

Vì thế, gặp nạn duyên trong hành pháp, thật sự là chỗ thù thắng. Các vị thiện tri thức trong quá khứ đều nhận định như thế! Vậy mà người hiện thời hễ gặp nạn duyên bèn tích cực trốn tránh, hoặc sanh nhiều nỗi oán hận, hoặc lắm điều chửi bới, thật là đáng tiếc! Lợi ích Phật pháp hiện tiền, kết quả là báng Phật. Đúng là thiện căn chẳng chín muồi, đúng là chuyện đáng tiếc nuối! Nhưng người chẳng sợ hãi, yêu thích Phật pháp, thật sự biết Phật pháp, ngay khi nguy nan hiện tiền, sẽ biết là đại lợi hiện tiền. Khi đó, bèn tán thán đức Thế Tôn, tán thán Tam Bảo, nghiệp duyên như thế sẽ ngay lập tức tiêu trừ, sẽ đạt được vô thượng đại lợi. Sau đấy, lại gặp chuyện kiểu đó, sẽ chẳng bị chướng ngại tí nào! Trong các pháp tu, hễ thiện căn có chút chín muồi, tất nhiên là nạn duyên sẽ hiện tiền. Ai nấy đều là như thế, chẳng phải là riêng một ai! Trong toàn bộ quá trình thành đạo của Phật Thích Ca, cùng với bảy lần bảy bốn mươi chín ngày dưới cội Bồ Đề, phần nhiều cũng là thị hiện. Kinh nghiệm thành Phật dưới cội Bồ Đề của Phật Thích Ca thật ra là kinh nghiệm về ma nạn đó thôi. Vượt qua các ma nạn càng nhiều, càng triệt để thấy rõ các ma nạn chẳng có tự tánh, xét kỹ bằng trí huệ, đích thân chứng Bồ Đề. Vì thế, hễ dụng công đôi chút, sẽ có người đến gây duyên chướng ngại, nếu tán Phật sẽ vượt qua, hễ nghi Phật, sẽ trầm trệ nơi đó. Báng Phật sẽ bị nguy hại. Điều này rất rõ ràng, các vị thiện tri thức phải nên khéo quan sát nhân duyên học pháp.

(Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn cáo tôn giả Ma Ha Ca Diếp.

()爾時世尊告尊者摩訶迦葉。

(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo tôn giả Ma Ha Ca Diếp).

Trong khi Di Lặc Hạ Sanh, cho đến trong khá nhiều kinh giáo, đều ghi chép khi Thích Ca Thế Tôn sắp nhập diệt, đã đem chánh pháp nhãn tàng chúc lụy cho tôn giả Ca Diếp. Cho đến đem y bát Ngài đang dùng, dặn dò tôn giả Ca Diếp hãy khéo thủ hộ, chờ đến năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau, khi Di Lặc Thế Tôn giáng thế, sẽ truyền cho Di Lặc Thế Tôn, và cũng ủy thác tôn giả Ca Diếp căn dặn Di Lặc Thế Tôn bốn câu kệ, tức “pháp bổn pháp vô pháp, vô pháp pháp diệc pháp, kim phó vô pháp thời, pháp pháp hà tằng pháp”[4]. Vì thế, tôn giả Ca Diếp quả thật đã đại diện cho tướng chánh pháp trụ thế, tướng chánh pháp tồn tại, là tướng lãnh thọ ấn khế của vị lai Phật, là tiêu chí trong Phật pháp.

Nay chúng ta vào núi Kê Túc, vào đạo tràng “giữ y, nhập định” thù thắng của tôn giả Ca Diếp như thế, phải nên cảm nhận là chuyện mười phần may mắn. Nếu chẳng cho là đúng, đã có nhiều khảo chứng, quý vị có thể tự tham khảo. Nếu là người có tín tâm, sẽ tự đạt được tín tâm an ủi, nhưng các vị thiện tri thức từ xưa tới nay, không chỉ là Hán truyền Phật giáo, Tạng truyền Phật giáo, Nam truyền Phật giáo, mà những vị thiện tri thức đạt Thiền Định ở một mức độ nhất định, có chứng ngộ nhất định, sẽ đều cung kính, mến thích, kính ngưỡng chẳng nghi đối với núi Kê Túc, tâm thường nghĩ tưởng, lễ kính phương vị ấy. Lời này chẳng khoa trương chút nào, cũng có thể là chúng ta đang ở nơi đây chẳng cho là đúng, đó gọi là “đang hưởng phước mà chẳng biết phước”, chắc là như thế đó!

(Kinh) Tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Mục Kiền Liên, tôn giả A Nan.

()尊者舍利弗尊者目犍連尊者阿難。

(Kinh: Tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Mục Kiền Liên, tôn giả A Nan).

Tôn giả Ca Diếp, tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Mục Kiền Liên, tôn giả A Nan, đấy là tứ đại đệ tử của đức Phật Thích Ca, đại diện cho hết thảy bậc Thượng Thủ của chúng Thanh Văn. Nếu chúng ta xem lời thọ ký của Phật Thích Ca dành cho các vị ấy sẽ biết: Tuy các Ngài là bậc Thượng Thủ của hàng Thanh Văn, thật ra, đã sớm thành Phật ở phương khác, hoặc đã sớm trụ nơi địa vị Bất Thoái Chuyển Đại Bồ Tát ở phương khác, dùng thân đại Bồ Tát nhiếp hóa thế gian, nhưng do người trong thế giới Sa Bà thọ trăm tuổi rất nhơ bẩn, các Ngài bèn hiện thân Thanh Văn để giúp Phật Thích Ca giáo hóa, hoằng truyền giáo pháp thù thắng của đức Thế Tôn, khiến cho pháp trụ thế. Phải nên lý giải sự thị hiện này như thế nào? Vẫn là nói “thiên lý giang thủy, thiên giang nguyệt” (ngàn dặm nước sông, ngàn bóng trăng). Vì các vị thánh nhân giống như vầng trăng, tỏa ra quang minh thanh tịnh, trong một ngàn thế giới, trong trăm thế giới, nếu có chỗ nào có nước, sẽ đều có thể soi bóng. Nước đục cũng có thể chiếu rọi vầng trăng rạng rỡ ấy. Ngũ trược ác thế giống như nước đục, mà quang minh thánh oai, thánh đức của bậc thánh nhân chiếu soi toàn thể pháp giới, trong mỗi thế giới đều chiếu rọi, đều vận dụng.

(Kinh) Cập Hiền Hộ Bồ Tát, Bảo Đức Ly Xa Tử, Thương Chủ trưởng giả, Tinh Đức trưởng giả tử, Vĩ Đức Ma Nạp Thủy Thiên trưởng giả đẳng, ngũ bách chúng nhân, tịnh dư chư thiên, thế nhân, tứ bộ chúng đẳng ngôn.

()及賢護菩薩寶德離車子商主長者星德長者子偉德摩納水天長者等五百人衆並餘諸天世人四部衆等言。

(Kinh: Và Hiền Hộ Bồ Tát, Bảo Đức Ly Xa Tử, trưởng giả Thương Chủ, trưởng giả tử Tinh Đức, trưởng giả Vĩ Đức Ma Nạp Thủy Thiên v.v… năm trăm người, và các chư thiên, người đời khác, bốn bộ chúng rằng).

“Chư thiên” ở đây là nói chung, vì trong Tự Phần đã ghi chép cặn kẽ rộng khắp các vị trời tới Trúc Lâm Tinh Xá nghe pháp. “Tứ bộ chúng đẳng”: Bốn bộ tức là các tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, tức những người được gọi là Phật giáo đồ. Từ chỗ này có thể thấy, khi đức Thế Tôn thuyết pháp, không chỉ có Phật giáo đồ, mà thật sự là toàn thể Diêm Phù Đề, hoặc [nói rộng hơn] là tuyên nói trong thế giới Sa Bà, tức tam thiên đại thiên thế giới. Thường là người học Phật chúng ta xem nhẹ điều này. Ba Tuần tuy ngăn trở đức Thế Tôn giáo hóa khắp nơi, nhưng do oai đức của đức Thế Tôn, hắn cũng đến dự pháp hội. Tuy là hiện đủ loại nguy nan, nhưng đức Thế Tôn khéo hướng dẫn, giáo hóa, khiến hắn phát Bồ Đề tâm. Ba Tuần cũng phát Bồ Đề tâm, do đại oai đức của đức Phật, chiếu thấu triệt tâm trí của hết thảy hữu tình trong thế gian, cho đến tâm trí của chúng sanh ma vương, đức Thế Tôn cũng khiến cho họ tâm khai ý giải. Trong giáo ngôn rốt ráo, chắc chắn là thí giáo như thế.

(Kinh) Ca Diếp.

()迦葉。

 (Kinh: Này Ca Diếp!)

Ở đây, lấy ngài Ca Diếp làm đối tượng để chúc lụy. Vì thế, chúng ta ở đạo tràng của ngài Ca Diếp tại núi Kê Túc này, nếu quý vị cảm thấy may mắn, sẽ nhận được sự gia trì bất cộng. Nếu cảm thấy bình thường, sẽ có nhân duyên bình thường!

(Kinh) Ngã kim dĩ thị tam đại A-tăng-kỳ kiếp tu thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề pháp, phó chúc nhữ đẳng.

()我今以是三大阿僧祇劫修成阿耨多羅三藐三菩提法付囑汝等。

(Kinh: Ta nay đem pháp A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề do ba đại A-tăng-kỳ kiếp tu thành, phó chúc cho các ông).

Đương nhiên là các  vị  trời, người, Thanh  Văn, Bồ  Tát  đã  được nhắc đến trước đó đều thuộc vào đối tượng được chúc lụy. Chẳng biết vị Bồ Tát nào đang hiện diện tại đây đã lãnh nhận sự phó chúc này trong thuở đức Thế Tôn còn tại thế?

(Kinh) Như thị đẳng nghĩa, nhất thiết thế gian sở bất năng tín. Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết Tu Đa La, tối thắng vi diệu, đệ nhất thậm thâm, ư đương lai thế, năng dữ nhất thiết chúng sanh A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Thị cố, ngã kim ân cần chúc nhữ, nhữ đương thính thọ, nhữ đương độc tụng, nhữ đương ức trì, nhữ đương tư duy, nhữ đương tu hành.

()如是等義一切世間所不能信。何以故如來所說修多羅最勝微妙第一甚深於當來世能與一切衆生阿耨多羅三藐三菩提。是故我今殷勤囑汝汝當聽受汝當讀誦汝當憶持汝當思惟汝當修行。

(Kinh: Các nghĩa như thế, hết thảy thế gian đều chẳng thể tin. Vì sao vậy? Tu Đa La do Như Lai đã nói vi diệu, thù thắng nhất, rất sâu bậc nhất, trong đời tương lai có thể ban A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề cho hết thảy chúng sanh. Vì thế, ta nay ân cần căn dặn ông, ông hãy nên nghe nhận, ông hãy nên đọc tụng, ông hãy nên nghĩ nhớ, gìn giữ, ông hãy nên tư duy, ông hãy nên tu hành).

Đây thật sự là căn dặn chúng ta, chúng ta biết tôn giả Ca Diếp chính là bậc thành tựu pháp này, vì sao vẫn phải nói “nhữ đương tu hành” (ông nên tu hành)? Mọi người hãy tự khéo quan sát.

(Kinh) Nhữ đương khai phát, nhữ đương quảng tuyên, nhữ đương giải thích, nhữ đương tận thiện, nhữ đương lưu bố, vật linh đoạn tuyệt.

()汝當開發汝當廣宣汝當解釋汝當盡善汝當流佈勿令斷絕。

(Kinh: Ông hãy nên khai phát, ông hãy nên tuyên nói rộng rãi, ông hãy nên giải thích, ông hãy nên trọn hết điều thiện, ông hãy nên truyền bá, đừng để đoạn tuyệt).

Thật sự dặn bảo tôn giả Ca Diếp, cho đến các vị thiện tri thức, các hữu tình, trong đời Mạt Pháp thuở vị lai, mong cho pháp này được lưu truyền rộng khắp, khai phát, có thể khiến cho chúng sanh tín giải, tu  tập, thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

(Kinh) Phục thứ A Nan! Nhược hữu chư thiện nam tử, thiện nữ nhân, niệm dục tu tập thử tam-muội kinh giả, dục độc tụng giả, dục thọ trì giả, dục tư duy giả, dục khai thị giả, dục quảng thuyết giả. Đương ưng linh tha sanh chánh tín cố, linh tha độc tụng cố, linh tha thọ trì cố, linh tha tư duy cố, linh tha khai thị cố, linh tha quảng thuyết cố, ngã kim vi bỉ an trụ Đại Thừa.

()復次阿難若有諸善男子善女人念欲修習此三昧經者欲讀誦者欲受持者欲思惟者欲開示者欲廣說者。當應令他生正信故令他讀誦故令他受持故令他思惟故令他開示故令他廣說故我今爲彼安住大乘。

(Kinh: Lại này A Nan! Nếu có các thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghĩ muốn tu tập kinh tam-muội này, muốn đọc tụng, muốn thọ trì, muốn tư duy, muốn khai thị, muốn rộng nói. Hãy nên khiến cho người ấy sanh chánh tín, khiến cho người ấy đọc tụng, khiến cho người ấy thọ trì, khiến cho người ấy tư duy, khiến cho người ấy khai thị, khiến cho người ấy tuyên thuyết rộng rãi, ta nay khiến cho người ấy an trụ trong Đại Thừa).

Khiến cho chúng sanh đạt được pháp ích như thế, đọc tụng, thọ trì, tư duy, khai thị, rộng nói v.v… Do nhân duyên ấy mà an trụ trong Đại Thừa.

(Kinh) Chư thiện nam tử, thiện nữ nhân bối, quảng khai phát dĩ, đương như thị học, thường đương niệm ngã như tư giáo sắc.

()諸善男子善女人輩廣開發已當如是學常當念我如斯教敕

(Kinh: Các vị thiện nam tử, thiện nữ nhân đã rộng khai phát rồi, hãy nên học như thế, thường nên nghĩ đến ta đã sắc truyền như thế).

Cũng có nghĩa là mọi người đừng quên mất lời căn dặn này.

(Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn thuyết thị kinh dĩ, tôn giả Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, A Nan, tự dư nhất thiết chư đại Thanh Văn, cập bỉ Hiền Hộ, Bảo Đức, Thiện Thương Chủ, Tinh Đức, Vĩ Đức, Thủy Thiên trưởng giả đẳng ngũ bách ưu-bà-tắc chúng. Cập bỉ tùng thập phương tha Phật quốc độ chư lai Bồ Tát Ma Ha Tát chúng, nãi chí nhất thiết thiên, long, quỷ thần, nhân phi nhân đẳng, bỉ văn Như Lai thuyết, giai đại hoan hỷ, phụng giáo tu hành.

()爾時世尊說是經已尊者摩訶迦葉舍利弗大目犍連阿難自餘一切諸大聲聞及彼賢護寶德善商主星德偉德水天長者等五百優婆塞衆。及彼從十方他佛國土諸來菩薩摩訶薩衆乃至一切天鬼神人非人等彼聞如來說皆大歡喜奉教修行。

(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói kinh này xong, tôn giả Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, A Nan, cùng với hết thảy các vị đại Thanh Văn, và Hiền Hộ, Bảo Đức, Thiện Thương Chủ, Tinh Đức, Vĩ Đức, trưởng giả Thủy Thiên v.v… năm trăm vị ưu-bà-tắc, cùng với các vị Bồ Tát Ma Ha Tát đến từ các quốc độ khác của chư Phật trong mười phương, cho đến hết thảy trời, rồng, quỷ thần, nhân phi nhân v.v… Họ nghe đức Như Lai nói đều hết sức hoan hỷ, vâng theo lời dạy tu hành).

Thông thường, trong phần kết thúc của kinh giáo đều nhắc nhở chúng ta như thế này, “giai đại hoan hỷ, phụng giáo tu hành” (đều hết sức hoan hỷ, vâng theo lời dạy mà tu hành), hoặc “y giáo phụng hành”. Phụng giáo tu hành là lời căn dặn trọng yếu nhất, lưu truyền quan trọng nhất, bảo ban quan trọng nhất, mà cũng là lời kết thúc cuối cùng mà mỗi cá nhân trong đại chúng hiện tiền phải nên y giáo tu hành, và cũng là ấn khế cuối cùng dành cho chúng ta. Do vậy, “phụng giáo tu hành” là chỗ sự quy kết tột cùng của toàn thể những người nghe pháp chúng ta, cũng là cơ duyên to lớn rốt cục của việc nghe pháp này. Chúng tôi đã giảng phẩm Hiền Hộ trong kinh Đại Tập, thông qua gần một tháng học tập, luyện tập một lượt, do được chư Phật và Tam Bảo gia bị, có thể kết nhân duyên “chẳng thoái chuyển” nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề với mọi người, khiến cho chúng ta cùng sanh An Dưỡng, cùng thành Bồ Đề! Cám ơn mọi người, pháp hội tới đây đã viên mãn!

Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Kinh giảng ký hết

[1] Phật giáo được truyền vào Tây Tạng dưới thời vua Songtsan Gampo (618-649), nhưng chỉ giới hạn trong cung đình. Đây là giai đoạn hình thành chữ viết Tây Tạng dựa trên văn tự Ấn Độ. Mãi cho đến thế kỷ thứ tám, dưới thời vua Trisong Detsen (755-787), vua thỉnh các học giả Ấn Độ sang truyền giáo. Trong số đó, có hai vị lỗi lạc nhất là Liên Hoa Sanh (Padamashambava) và Tịch Hộ (Śāntarakṣita, vị này chuyên dạy về Trung Quán). Liên Hoa Sanh đại sư chuyên dạy về Mật Tông, và được coi là sáng tổ của Phật giáo Tây Tạng. Các giáo pháp, kinh điển truyền thừa trong thời kỳ này được gọi là Cựu Mật, và được kế thừa bởi tông phái Cổ Mật (Nyingmapa). Đến thời vua Langdarma (836-842), tuy chỉ làm vua trong sáu năm, nhà vua đã bức hại Phật giáo, khiến cho nguyên khí của Phật giáo Tây Tạng bị tổn hoại nghiêm trọng. Sau cái chết của nhà vua, chế độ phong kiến tập quyền trung ương tan rã, nội loạn triền miên, các lạt-ma của Cổ Mật đa phần sống theo lối thế tục, để tóc, cưới vợ, sinh con, và giáo pháp có sự pha tạp các tín ngưỡng bản địa. Năm 1042, tôn giả Atisha (982-1054) được mời đến Tây Tạng để phục hưng giáo pháp. Các tông phái vâng theo sự truyền thừa của Ngài được gọi là Sarma (tân dịch). Trong thời kỳ này, các thiện tri thức Tây Tạng cũng sang Ấn Độ để cầu học, và từ đó, hình thành phái Sakya (sáng lập bởi Khon Konchok Gyelpo, người đứng đầu phái này vẫn là tại gia, và người đứng đầu luôn là con cháu dòng họ Khon). Một vị học giả khác là Marpa sang Ấn Độ cầu pháp với đại thành tựu giả Tilopa. Marpa có đệ tử tâm đắc là Milarepa. Đệ tử của Milarepa là tỳ-kheo Gamgopa là người sáng lập dòng tu Kargyupa. Phái Kargyupa có nhiều chi phái, nhưng hiện thời, tại Tây Tạng, chi phái Kargyupa lớn nhất là Karma-Kargyupa. Sau này, nhà cải cách tôn giáo Tsongkhapa vốn theo học với phái Sakyapa, đã chọn lọc các tinh hoa của Mật Giáo từ ba tông phái trên, nhấn mạnh vấn đề giới luật và Trung Quán, đã sáng lập dòng tu Gelugpa (phái của Đại Lai Lạt Ma).

[2] Công án vãng sanh tức là tranh luận không cần vãng sanh Cực Lạc, mà cầu vãng sanh Di Lặc Nội Viện, vãng sanh Hoa Tạng thế giới, vãng sanh cõi Diệu Hỷ của A Súc Bệ Phật v.v…

Biệt thời ý (Kālāntarābhiprāya) thoạt đầu chỉ đơn giản có nghĩa là Như Lai nói pháp dựa theo nhân duyên để khuyến hóa chúng sanh giải đãi sẽ tinh tấn. Chẳng hạn như nói “trì tụng danh hiệu Phật Đa Bảo sẽ chắc chắn chẳng thoái chuyển Vô Thượng Bồ Đề”, người ấy không thể ngay lập tức chẳng thoái chuyển được, nhưng việc trì tụng ấy sẽ tạo nhân duyên tốt lành cho người ấy không thoái chuyển trong quá trình tu trì. Hoặc như kinh Pháp Hoa nói “trẻ nhỏ gom cát làm tháp, dùng móng tay vẽ hình Phật, người vào tháp miếu, giơ tay cúi đầu đều thành Phật”, đều là những cách nói biệt thời ý. Về sau, khi giảng giải Tịnh Độ, một số vị đã đi quá xa, cho rằng tín nguyện niệm Phật vãng sanh trong một đời cũng là biệt thời ý, hành nhân không thể vãng sanh ngay trong một đời v.v… Hoặc cho rằng Cực Lạc là quyền tạm, niệm Phật vãng sanh chỉ là cách nói khuyến hóa để hành nhân đạt tới nhất tâm tịnh ý hòng tiếp tục tấn tu trong đời kế tiếp…

“Nan hành và dị hành” là tranh luận so với các pháp môn khác, Tịnh Độ là dễ hành, các pháp khác là khó hành. So trong các pháp niệm Phật thì trì danh là dễ hành, quán tưởng, thật tướng v.v… là khó hành.

“Tự lực và tha lực” là tranh luận chỉ cần tin vào bổn nguyện và phát nguyện vãng sanh là đủ, hoàn toàn trông cậy vào A Di Đà Phật tiếp dẫn, không cần phải gắng sức niệm Phật, đoạn trừ phiền não, tịnh hóa cái tâm… Những người theo chủ trương này kết án những người tin tưởng tu Tịnh Độ phải có ba tư lương “tín, nguyện, hạnh” là tu theo lối tự lực, hoàn toàn phủ nhận sức tiếp dẫn của A Di Đà Phật. Thậm chí còn có những phái như Tịnh Độ Chân Tông của Nhật Bản chủ trương có tín và nguyện là đã đủ để vãng sanh, niệm Phật chỉ là hình thức xưng dương Phật để cảm ơn, không cần chú trọng niệm Phật liên tục miên mật như Tịnh Tông Trung Hoa.

[3] Theo Pháp Hoa Văn Cú Ký, mặt đất tròng trành là Động, đất bằng đột ngột dâng cao lên là Khởi, chỗ trồi lên chỗ hụp xuống thì gọi là Dũng, có tiếng ầm ì trong lòng đất là Chấn, phát ra tiếng vang lớn như vật bị va đụng, xé rách thì là Hống, khiến cho chúng sanh giác ngộ thì gọi là Giác.

[4] Theo pháp sư Siêu Nhiên, bài kệ này phải hiểu như sau: Chữ Pháp đầu tiên là Phật pháp. Phật pháp là pháp bất nhị. Cho nên trong Phật pháp vốn chẳng có pháp và vô pháp để phân biệt, cũng tức là chẳng có hữu pháp và vô pháp. Nói đơn giản, Phật pháp chẳng phải có, chẳng phải không, mà cũng đừng nghĩ là Phật pháp vừa có vừa không. Mọi phân biệt nhị nguyên đối đãi đều là tình kiến. Đó là ý nghĩa của câu “pháp bổn pháp vô pháp”. “Vô pháp pháp diệc pháp”: Tuy Nhất Chân pháp giới là một pháp chẳng lập, nhưng cũng chẳng ngại hiển hiện vạn pháp, bao la vạn tượng. Tuy chẳng có một pháp để có thể nói, nhưng chẳng ngại dùng ngôn thuyết để diễn nói. “Kim phó vô pháp thời, pháp pháp hà tằng pháp”: Nay ta (Phật Thích Ca) đem cái pháp “không có pháp” giao phó cho ông, đối với các pháp mà ta đã nói trước kia, có pháp nào lại chẳng từng đã nói ư? Hoặc có thể nói là “ta thuyết pháp bốn mươi chín năm, một câu cũng chưa hề nói”.