đại bát niết bàn kinh hậu phần

Phật Quang Đại Từ Điển

(大般涅槃經後分) Gồm 2 quyển, do ngài Nhã na bạt đà la dịch vào đời Đường. Cũng gọi Đại bát niết bàn kinh đồ tì phần, Niết bàn kinh hậu phần, Xà duy phần, Hậu phần. Thu vào Đại chính tạng tập 12. Nội dung tường thuật về sự tích trước và sau khi đức Phật nhập diệt. Trong tạng kinh Tây tạng, kinh này được thêm vào ở cuối kinh Đại bát niết bàn. Kinh này chia làm 4 phẩm rưỡi là: 1. Phẩm Di giáo. 2. Phẩm Ứng tận hoàn nguyên. 3. Phẩm Cơ cảm đồ tì. 4. Phẩm Thánh khu khuếch nhuận và phần còn lại của phẩm Kiều trần như. Cứ theo Đại đường cầu pháp cao tăng truyện Hội minh truyện và Đại chu san định chúng kinh mục lục quyển 2 nói, thì kinh này là do hai ngài Nhã na bạt đà la người Nam thiên trúc và Hội ninh người Trung quốc dịch trong năm Lân đức (664- 665) đời Đường tại nước Ba lăng vùng Nam hải, và được đưa về Trường an vào đầu năm Nghi phụng. Kinh này được gọi là Đàm vô sấm dịch Đại bát niết bàn kinh hậu phần (Phần sau của kinh Đại bát niết bàn do Đàm vô sấm dịch). Nhưng, những việc tường thuật trong kinh này phần nhiều giống với nội dung của kinh Du hành trong Trường a hàm, tức là văn Niết bàn Tiểu thừa, khác với ý trong kinh Đại bát niết bàn do ngài Đàm vô sấm dịch. Cho nên ngài Nghĩa tịnh nhận định là kinh này không dính dáng gì đến Niết bàn Đại thừa. Song, Khai nguyên thích giáo lục quyển 11 thì căn cứ vào những câu như (Đại 55, 591 thượng): Thường lạc ngã tịnh, cảnh giới của Phật và Bồ tát không phải là chỗ mà Nhị thừa có thể biết được… mà cho kinh này có mang nghĩa lí của Niết bàn Đại thừa, và mạch văn liên tiếp nhau. Theo Đại bát niết bàn kinh sớ quyển 33 của ngài Quán đính dẫn lời kinh Cư sĩ thỉnh tăng thì biết, trước đời Đường, kinh Đại bát niết bàn hậu phần còn có ba phẩm là: Phẩm Thiêu thân, phẩm Khởi tháp, phẩm Chúc lụy. Nhưng mục Nghi kinh ngụy soạn tạp lục trong Xuất tam tạng kí tập quyển 5 xếp kinh Cư sĩ thỉnh tăng vào loại Kinh tồn nghi (kinh còn ngờ là giả). Lại Niết bàn kinh sớ tam đức chỉ qui quyển 20 của ngài Trí viên đời Tống cho rằng, phẩm Di giáo và phẩm Hoàn nguyên của kinh này tương đương với phẩm Chúc lụy, phẩm Đồ tì và phẩm Khuếch nhuận tương đương với phẩm Thiêu thân, còn phẩm Khởi tháp thì vẫn chưa được truyền đến Trung quốc. Ngoài ra, Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết quyển 6 đoạn 3 nói, Niết bàn hậu phần vốn nằm trong Ngụy mục (mục kinh giả), mãi đến Đại Đường san định mới được xếp vào loại kinh chính. Cứ đó suy ra, nếu kinh Cư sĩ thỉnh tăng là kinh giả, thì kinh Niết bàn hậu phần có lẽ đã do các vị Hội ninh giả tạo chăng? Điều này cũng chưa thể biết chắc được. [X. Tống cao tăng truyện Q.2 truyện Trí hiền; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.12; Đại tạng cương mục chỉ yếu lục Q.3; Duyệt tạng tri tân Q.25].