Công Phu Trưởng Lão
Trích giảng: Hòa thượng Huệ Thông
Hư Thân chuyển ngữ
Có một bậc trưởng lão công phu thâm hậu, dù bệnh nặng đến đâu, cũng có thể nhập định quên thân liền ba giờ đồng hồ.
Sự biến đổi của thời tiết, người tu cần phải khéo dụng tâm. Thế nào là khéo dụng tâm? Chính là biết thu nhiếp vọng tưởng. Đã đánh thất nhiều lần như vậy, vẫn phải nói về vọng tưởng. Đánh thất nhiều như thế mà vọng tưởng vẫn không nhiếp phục được, thì vẫn chưa gọi là có công phu.
Thế nào là công phu?
Công phu chính là: thân không thể được, tâm không thể được, quên thân quên tâm, điều đó phải dựa vào chí tinh tấn, lòng tha thiết cầu thoát sinh tử. Nếu còn lơ là, thì vọng tưởng cứ như vậy nổi lên, thất này qua thất nọ, cũng chẳng thể làm chủ nổi nó.
Muốn làm chủ vọng tưởng thì sao?
Là không bị cảnh giới chuyển, mà phải chuyển được thân tâm mình. Nói thì dễ, làm mấy chục năm còn khó. Vì sao? Vì nghiệp chướng nặng nề. Muốn liễu sinh thoát tử, không phải chuyện dễ.
Hiện nay, thời cuộc đã chuyển, vài chục năm nay là lúc tốt nhất. Lúc tốt như thế này thì phải tận lực dụng công. Việc thế gian hễ hưng rồi lại suy. Chúng ta đang dụng công đánh thất, là nhân duyên thù thắng bậc nhất. Nếu xem thường việc này, thì công phu khó thành tựu.
Công phu thành tựu rồi thì sao?
Bệnh khổ có đến, mà nếu công phu đủ sâu, thì cũng chẳng bị chuyển. Xưa kia người tu hành, khi mắc bệnh, chỉ đóng cửa phòng lại – lúc nào khỏi bệnh thì lúc ấy mở cửa. Đó là công phu xưa vậy. Còn nay, học hành bao nhiêu năm, mà vẫn chẳng thể làm chủ nổi một chút công phu.
Người xuất gia như tôi, xưa nay cũng phát tâm sống trọn đời nơi thiền đường. Nhưng thiền đường chẳng dễ gặp. Mới giải phóng, đến cái ăn cái mặc còn không đủ. Thời kỳ Cách mạng Văn hóa, trong phòng cũng bị phá hoại. Cảnh ấy đem so với bây giờ, thì nay chẳng khác nào thiên đường! Vậy nên phải tận lực dụng công. Đây là nói về ngoại cảnh.
Nội chướng là gì?
Là bệnh khổ, là nghiệp chướng hiện tiền, lúc đó phải làm sao dụng công được? Cho nên phải nhờ vào công phu thường nhật tích lũy.
Tôi có một vị tiền bối, công phu rất sâu. Dù có bệnh nặng đến đâu, thân này ông cũng có thể quên đi trong ba tiếng đồng hồ. Đó là nhờ công phu thường ngày mà thành tựu.
Người có công phu giống như người “biết làm người”, bình thường đã biết vì người khác, nên lúc cần đến thì mới có thể sử dụng. Còn bình thường không chịu vì người, thì đến lúc cần, cũng chẳng khởi tác dụng.
Tâm thức nghiệp lực của ta, nếu được bồi dưỡng sâu dày, thì như tổ sư Lai Quả nghe được tiếng “tán hương” liền có sở ngộ. “Tán hương” là tiếng hiệu bắt đầu thời công phu. Khi nghe đến liền có pháp sinh khởi, tức là có chỗ ngộ.
Người xưa công phu sâu xa: có người đang học ở trường mà vẫn niệm Phật đến nỗi trong mộng cũng niệm Phật, niệm đến nhất tâm bất loạn. Thầy quy y hỏi: “Con mà tìm được cái người đang niệm Phật ấy, thì chẳng phải chuyện đơn giản đâu.”
Người ấy từng ở Kim Sơn, phát nguyện ba năm không nói lời nào, ba năm không ngả lưng, ba năm vào đại điện lễ Phật mà đầu chẳng ngẩng lên một lần. Có người hỏi: “Tượng Bồ Tát trong đại điện là nam hay nữ?”
– Ông trả lời: “Không biết.” Vì sao? Vì ôm chặt lấy câu “niệm Phật là ai”, chẳng hề buông.
Người xưa đau đáu với chuyện sinh tử. Một hơi thở ra không trở lại thì đi về đâu? Nếu tâm đặt nơi công phu, thì càng dụng càng đắc lực. Người ta khảo nghiệm lúc động, lúc tĩnh, lúc bệnh, đều phải dùng được công phu. Chính là phải tự kiểm điểm mình. Tập khí thói quen sâu nặng. Người có đạo tâm chân thật thì mỗi nén hương đều khảo nghiệm công phu, không nén nào được buông trôi. Dù là bậc cao minh, từng hành vi cử chỉ đều quán sát công phu có hiện tiền không.
Còn người hời hợt thì sao? Vọng tưởng đến thì đẩy một cái, tinh thần khá lên thì niệm câu thoại đầu vài lần… Than ôi! Người niệm thoại đầu, tôi cũng từng hỏi nhiều vị, làm sao để “niệm được giữ”?
Thế nào là niệm được giữ?
Niệm thoại đầu khác với niệm A Di Đà Phật. Niệm A Di Đà Phật là hữu tướng, tâm hướng về Cực Lạc. Còn thoại đầu là vô tướng, là tìm về tự tánh. Đây gọi là “tham”. Nếu niệm được giữ, tức là từng niệm tiếp nối, không để gián đoạn, không để xen lẫn vọng tưởng. Khi đã thuần thục, thì câu thoại đầu sẽ tự động đến tìm ta, đó chính là “công phu hiện tiền”.
Khi đạt đến công phu như vậy, mới có thể bàn đến sự thọ dụng của công phu. Một cây hương này, một thất này, hai mươi bốn cây hương mỗi ngày, có bao nhiêu cây ta làm chủ được?
Cho nên người biếng nhác là nguy hiểm. Tôi là người lười nhất! Lười thì công phu khó thành tựu. Cho nên phải từng khắc, từng niệm kiểm điểm chính mình. Nếu công phu đánh mất, phải tự hổ thẹn, tự răn trách bản thân.
Người xưa vì đạo, đạo tâm kiên cố. Người nay vì đạo, thì hời hợt. Việc tu hành như thế, chẳng dễ thành tựu. Lại lui sụt nữa, đánh thất cũng chỉ là “cho có”, năm nào cũng vậy, chẳng còn biết quý báu là gì. Không thấy được cái khó của việc liễu sinh thoát tử.
Hiện tại có được nhân duyên thù thắng như thế này, mọi người cần phải nỗ lực. Công phu thành tựu là của mình, chẳng phải của thường trụ. Thường trụ không mang đi được chút gì, chỉ là nơi thành tựu đạo nghiệp cho chúng ta.
Hãy xem một đạo tràng, để thành tựu người dụng công tu đạo, phải trải qua biết bao nhiêu sự việc. Vậy nên có được công phu là chưa đủ, nếu công phu chưa dùng được, phải sinh tâm hổ thẹn, phải tự hỏi vì sao lại chẳng thể dùng?
Chỉ cần ta tự phản tỉnh, vọng tưởng vốn là hư vọng, thì tâm thanh tịnh sẽ hiển lộ. Còn không phản tỉnh, thì vọng tưởng càng đập càng mê, buồn ngủ càng ngủ càng khoái, liễu sinh thoát tử cũng chẳng quan tâm, nghĩ mình còn trẻ…
Tôi nói cho quý vị nghe: tôi cũng như quý vị, mà tôi còn phải khẩn cấp hơn quý vị nữa! Một khi tâm lười biếng khởi lên, nghĩ rằng: “Già rồi, thôi vậy!”, thì hỏng rồi! Cái niệm ấy chính là pháp chướng đạo. Một hơi thở ra không trở lại, sẽ đi về đâu? Thành trâu làm ngựa, ai dám nói mình không có phần?
Khi niệm ấy vừa khởi, nếu là thiện duyên trợ đạo, thì vọng tưởng sẽ không thật. Cho nên nói:
“Thế gian không việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền.”
Xuất nhập, lui tới mọi nơi, mọi lúc, đều phải xét lại công phu mình có hiện tiền không. Không thể vừa rảnh rang, có điều kiện thì lại lười biếng. Điều kiện tôi cũng đầy đủ, chẳng ai quản, cho nên càng phải nghĩ đến lợi ích của việc dụng công tu đạo, phát khởi tinh tấn.
Tinh tấn là gì?
Là tinh mà không tạp, là tiến mà không lui. Mọi cử chỉ động tĩnh đều ở trong thoại đầu. Phải từng niệm từng niệm kiểm điểm bản thân, mới đáng gọi là người hướng đạo. Nói nhiều đều là lời suông, hãy tham đi!