Chương 7
CAO THƯỢNG
7.1. Trốn chạy sự ân sủng
Triều nhà Tấn, tại Trường An, có sư hiệu Đạo Hằng (346-417).
Sư là môn nhân của Cưu-ma-la-thập, người làng Lam Điền, Thiểm Tây. 20 tuổi xuất gia, nghiên tập nội ngoại kinh điển, tất cả đều thông đạt. Sau Cưu-ma-la-thập bế quan, sư là người đứng đầu môn hạ, quán xuyến công việc hiệu đính và dịch thuật.
Vua Diêu Hưng, nước Tần, thường xuống chiếu ép sư hoàn tục tham gia triều chính, giúp đỡ việc cai trị thiên hạ (bởi vì sư Đạo Hằng có rất nhiều tài, đa văn, võ dũng, học vấn nội ngoại tinh thông, Diêu Hưng thấy sư khôi ngô tuấn tú, lại có tài sử trị việc nước, cho nên ép sư hoàn tục để trợ giúp việc chấn chỉnh vương nghiệp của mình), nhưng sư nhất định từ chối không chịu. Triều đình nhọc công khuyến dụ, hao tổn thời gian và phiền phức rất nhiều, cứ giằng co qua lại mãi cũng không được, cuối cùng được tha, sư liền cảm thán mấy câu rằng:
“Người xưa có nói một câu: Muốn giàu có tiền bạc, làm lớn mạnh thế lực cho mình tất phải hao tổn tinh thần của mình; muốn làm lớn mạnh danh vọng của mình có thể sẽ tạo thành họa sát thân mình!”
Thế là suốt đời sư ẩn cư trong núi, lấy cỏ cây hoa trái làm thức ăn nuôi thân, lấy thiền định làm thức ăn nuôi dưỡng huệ mạng, suốt đời không ra khỏi núi.
7.2. Đạo phong thanh thoát
Triều nhà Tấn, tại Lô Sơn, có sư Huệ Vĩnh và Huệ Viễn cùng ở tại Lô Sơn Liên Xã, tỉnh Giang Tây. Tướng quân Hà Vô Kị, trấn Nam, trấn giữ Cửu Giang, Giang Tây, có một đôi lần mở tiệc rượu tại Hổ Khê, mời sư Huệ Vĩnh và Huệ Viễn giá lâm. Đi theo sư Viễn còn có hơn 100 vị, mỗi mỗi điều đoan trang nghiêm chỉnh, nho nhã lễ phép; riêng sư Vĩnh thì đắp một chiếc y củ nát, vá khâu nhiều chỗ và một đôi giày cỏ, tay cầm tích trượng, ôm bát nhẹ nhàng, ung dung đi đến, thần khí tự tại, như như. Hà Vô Kị nói với mọi người: “Đại sư Huệ Vĩnh có phong cách thanh cao, siêu thoát ra ngoài trần tục, so với sư Viễn chỉ có hơn chứ không có kém”!
Lời bình:
Tuỳ tùng của sư Viễn hơn một trăm người, đều là những nhân tài và đức độ của Liên Xã, mà Hà Vô Kị còn phê bình, khen chê; nếu như người xuất gia ngày nay nuôi người ăn ở, cầm dù, gánh rương (xách vali), vội vàng tìm người phú quý, đi với những người có vị trí cao hơn mình, Hà Vô Kị trông thấy cảnh tượng này, không biết lại phê bình như thế nào đây!
7.3. Không thọ hưởng sự cúng dường của vua
Đời Diêu Tần, tại Trường An, có đại sư Phật-đà-da-xá (Buddhayaśas).
Lúc sư ở tại Cô Tạng (nay là tỉnh Cam Túc), vua Diêu Hưng sai di sứ đến thăm hỏi và tặng nhiều lễ vật quí trọng nhưng sư đều không nhận. Khi sư đến Trường An, vua Diêu Hưng đích thân ra đón tiếp, rồi đặc biệt kiến lập công thự mới nơi khu nhà khách tại vườn Tiêu Diêu để riêng cho sư, đồng thời cung cấp vật thực ăn uống, y phục, tọa cụ, thuốc men,… tứ sự cúng dường vô cũng sung mãn, nhưng sư đều không nhận, ngày chỉ ăn một lần (vào giờ ngọ), rất đơn giản. Y phục, ngọa cụ cúng dường cho sư chất đầy ba phòng, nhưng sư chưa từng dùng đến. Vua Diêu Hưng liền sai người đem bán, số tiền thu được xây một ngôi chùa ở Nam thành.
7.4. Vua đến không đón, khi về không tiễn
Thời Nam Bắc triều, nước Tề, tại Nghiệp Tây, Long Sơn, chùa Vân Môn, có sư hiệu Tăng Trù (xem mục 5.6).
Vua nước Tề, Văn Tuyên Đế, thường hay dẫn tùy tùng tả hữu và thị vệ đến chùa thăm hỏi và thỉnh giáo sư. Sư xưa nay vẫn ngồi trong phòng nhỏ, khi vua đến không đi đón tiếp, khi về cũng không đưa tiễn. Đệ tử của sư khuyên nên đối đãi với Hoàng đế ân cần một chút, nên đi đón tiếp, đưa tiễn. Sư trả lời:
“Ngày xưa, tôn giả Tân-đầu-lô(1), đi bảy bước đón tiếp vua Ưu Điền, khiến cho vua bảy năm mất nước, ta nay đức hạnh kém cỏi, so với tôn giả Tân-đầu-lô thì không bằng, nhưng cũng không dám phá hoại hình tướng tôn quý của người xuất gia, chỉ hy vọng rằng Hoàng đế nhân vì cung kính Tam Bảo mà được phước báo”.
Người trong thiên hạ đối với đức hạnh, tiết tháo của sư lại càng thêm cung kính.
7.5. Không giao du với người phú quý
Thời Nam triều, đời Nhà Lương (502-557), tại Chung Sơn, chùa Tống Hi, có sư hiệu Trí Hân.
Sư người Kiến Khương, Sơn Dương. Sư diễn giảng nghĩa kinh rất hay, danh đồn khắp nước. Thời vua Tề Vũ Đế, niên hiệu Vĩnh Minh (483-494) năm cuối, Thái tử thường hay đến dự lễ Tỉnh điền ở Đông thành, một đôi lần có ghé đến chùa lễ bái, thăm hỏi sư Trí Hân, nhưng sư thoái thác rằng có bệnh không thể tiếp khách. Sư thường ẩn cư trong Chung Sơn, thảnh thơi tự tại. Sư không lui tới giao tiếp với người phú quý, phong cách thanh cao rất khác người đời. Từ xưa đã không cất giữ vật dụng, tiền bạc cúng dường cho, sư đều đem đi xây dựng, tu sửa chùa viện.
7.6. Không dẫn đường cho giặc
Triều nhà Tuỳ (581-618), tại Kinh Châu, núi Thanh Khê, có sư hiệu Đạo Duyệt.
Sư người Kinh Châu. Thường trì tụng kinh Bát Nhã. Lúc sư còn trú trì chùa Ngọc Tuyền, gặp bọn Ngưu Sán tạo phản, chạy vào chùa cướp bóc, vơ vét hết tài sản lương thực, lại muốn giết chết cả sư. Đạo Duyệt không một chút sợ hãi. Bọn loạn tặc thấy sư không một chút sợ hãi thì không giết, gọi sư dẫn đường đi đến nơi bí mật, sư đi mấy bước rồi ngồi xuống đất nói: “Ta là người xuất gia, không phải là người dẫn đường, thân thể của ta do bốn đại hư huyễn mà hợp thành, muốn giết cứ giết”. Ngưu Sán hết sức kinh hãi và khâm phục khí tiết cao thượng của sư, liền đưa sư về chùa.
7.7. Không vào cung
Triều nhà Đường, có Tăng thống nước Tân La là pháp sư Từ Tạng (Tân La ngày nay là Hàn Quốc) đến thỉnh kinh.
Sư họ Kim, xuất thân từ Vương tộc Tân La, sớm mang ý chí xuất trần. Sau khi song thân qua đời, sư từ vợ con, bỏ ruộng vườn, xây dựng chùa Nguyên Ninh.
Sư tính tình thầm lặng, siêng tu Phật pháp. Sau đó có cảm ứng hiển hiện, mọi người đều kính phục. Quốc Vương mấy lần triệu sư vào cung, sư đều không đi. Quốc vương rất giận, mệnh lệnh đem sư giam ở nhà tù trong núi, chờ ngày gia hình xử quyết. Sư nói với tên sứ giả rằng: “Ta thà giữ giới một ngày mà chết chứ không sống một đời phá giới”. Sứ giả nghe nói rất cảm động, không nỡ tâm giết sư, viết biểu tấu trình sự việc lên Quốc vương, cuối cùng Vương cũng cảm động phong cách của sư mà tha tội.
Từ đó, danh đồn khắp chốn, muôn người tranh nhau đến thọ giới. Thiện Đức Vương, niên hiệu Nhân Bình thứ 3 (634, tức Trinh Quán nhà Đường năm thứ 8), phụng sắc dẫn đầu đoàn Tăng lữ hơn 10 người đến nước đại Đường thỉnh kinh. Vừa đến Trung Hoa, trước hết sư lên Ngũ Đài Sơn lễ bái Văn Thù, mấy ngày sau bỗng có dị Tăng xuất hiện tặng cà sa và xá lợi của đức Thích Tôn.
Sư đến Kinh sư, được Đường Thái Tông tri ngộ, trước sau cho trú ở biệt viện Thắng Quang và chùa Vân Tế. Niên hiệu Trinh Quán 17 (643), Thiện Đức Vương triệu sư về nước. Sư đến từ biệt, Tông đặc dẫn vào cung ban tặng tơ lụa gấm vóc, nhưng sư chỉ xin thỉnh một bộ Tạng kinh hơn 400 pho và các Thánh tượng, bảo cái…
Sau khi về nước, sư thường vào cung giảng luận Đại thừa, hoặc ở chùa Hoàng Long truyền giới Bồ tát, Đại Hoằng Luật tạng. Sư thụ sắc, nhậm chức Đại quốc thống (Tăng thống), thống lý Tăng Ni.
Người trong nước thọ giới, thờ Phật, thỉnh sư chú nguyện số không thể kể hết. Sư còn sáng lập các chùa Thông Độ, Giới Đàn, rộng độ bốn chúng. Chùa Thông Độ ngày nay chính là một trong ba ngôi chùa lớn nhất của Hàn Quốc. Niên hiệu Nhân Bình 14, chùa Hoàng Long xây tháp 9 tầng mới xong, giữa tháp an vị 6 viên xá lợi Phật mà sư nhận được từ dị Tăng tại Ngũ Đài Sơn, số xá lợi còn lại phân phát cho các chùa Thông Độ, Giới Đàn và Đại Hòa. Suốt đời, sư kiến tạo chùa tháp có hơn 10 ngôi, nơi nào cũng tốt đẹp.
Tác phẩm gồm có: Yết-ma tư ký 1 quyển, Mộc-xoa ký 1 quyển, Xuất Quán Hạnh Pháp…cả thảy hơn 10 quyển.
7.8. Thà chết không vào cung
Triều nhà Đường, tại Bì Châu, núi Song Phong, có thiền sư Đạo Tín, Tổ thứ tư Thiền tông.
Sư trú trì chùa Song Phong, Hoàng Mai (nay là tỉnh Hồ Bắc), hơn 30 năm. Vào niên hiệu Trinh Quán (627-650), vua Đường Thái Tông ba lần xuống chiếu mời sư đến thủ đô. Một cách nhìn thông thái, tứ Tổ thoái thác có bệnh, từ chối không đi. Hoàng đế mệnh lệnh cho sứ giả nếu như lần này không vào kinh thì sẽ lấy đầu. Khi sứ giả đến Tổ đưa cổ ra cho chém, không một chút sợ hãi. Sứ giả đem việc này bẩm báo lên Hoàng đế, Đường Thái Tông than thở không thôi, cuối cùng không làm khó Tổ nữa, lại còn đem những tơ lụa quý hiếm tặng cho Tổ. Cuối đời Tổ ở hẳn trong núi.
Lời bình:
Nghiêm Tử Lăng trước sống ở Đông Hán, người Diêu, họ Nghiêm, tên Quang, Tự Tử Lăng, lúc nhỏ cùng với vua Quang Vũ Đế nhà Hán, đi du học. Sau Quang Vũ lên ngôi, Tử Lăng ẩn thân đổi tên biệt tung tích, vua sai người đi tìm, khổ cực lắm mới tìm được đem về triều làm quan phụ tá vương nghiệp, nhưng ông ta cự tuyệt không chịu về, chỉ thích cày ruộng ở núi Phú Xuân. Triều nhà Tống, ở Lạc Dương, có Nhân Chủng Phóng, ẩn cư ở Chung Nam, ghiền rượu cùng canh, tự hiệu là Vân Khê túy tửu. Thời Tống Chơn Tông (998-1023), vua mời ông làm Tả Tư Giám, ông tìm cách từ chối, rồi trốn về núi. Sau đến đời Tống Nhân Tông (con Chơn Tông) lên ngôi (1023-1064), ông cũng cự tuyệt không nhận lời mời. Phong cách của hai người này, bất quá chỉ là phong cách của những ẩn sĩ mà thôi, đã thanh cao, nhưng vẫn chưa nghe qua việc uy vũ ép bức đến chết vẫn thản nhiên cự tuyệt không nhận! Phong cách thanh cao này, quả giống như loan phượng bay vút trên bầu trời cao, thật tại chỉ nhìn thấy mịt mờ không dấu tích, không bao giờ theo kịp! Tứ Tổ là người vô cùng vĩ đại, sư Từ Tạng cũng là người vô cùng vĩ đại!
7.9. Ba lần xuống chiếu mời vào cung đều từ chối
Triều nhà Đường, tại Phần Châu, chùa Khai Nguyên, có sư Vô Nghiệp, người Ung Châu, Thiểm Tây.
Vua Đường Mục Tông (821-825) phái Di Tả Nhai Tăng Lục (tên vị Tăng làm quan, bắt đầu có chức quan này từ thời Diêu Hưng, nước Tần, đến đời Đường lại phân làm hai, tả hữu Nhai Tăng Lục, giữ chùa, miếu, thế độ và quan hệ với những vị quan chức), mang chiếu thư đi thỉnh Vô Nghiệp vào kinh. Sư cười nói: “Bần Đạo không có đức hạnh gì, rất lấy làm hỗ thẹn phải làm phiền đến Hoàng thượng mời thỉnh, lần này tôi không thể từ chối, xin Ngài đi trước, tôi sẽ theo sau”.
Sau đó sư tắm gội thân thể, trải toạ cụ ngồi ngay ngắn, xong gọi đồ chúng lại, nói:
“Các người mắt thấy tai nghe, thân thể xúc chạm có cảm giác, ý thức biết căn tánh, thì mãi mãi không để giảm sút, và phải giống hư không vô cùng vô tận, hết thảy các hiện tượng bên ngoài chỉ là sáu căn tiếp xúc sáu trần sinh ra sáu thức hư vọng huyễn hoá mà thôi, vạn pháp chỉ có thức và do nhân duyên tạo thành nên bản tánh vốn không, tự tánh bản thể thì một hạt bụi không nhiễm, phổ biến khắp pháp giới, chỉ cần thấy rõ hết thảy đều là tâm thì diệt trừ được vọng tưởng phân biệt, hết thảy cảnh giới đều giống như hư không. Chúng sanh do vì vô minh không tỏ ngộ, bị ngoại cảnh mê hoặc, trôi lăn theo dòng chảy luân hồi trong sáu nẻo, ba cõi, tiếp nối từ đời này sang đời khác không chấm dứt. Nếu như có thể y theo lời ta đã dạy ở trên, thường cố gắng tu tập để hiểu rõ hết thảy các pháp như huyễn, như mộng, không có một pháp nào có thể phân biệt và nắm giữ, thì yên tâm ở chỗ chư Phật, tức là đã khế hợp với tâm pháp của chư Phật”.
Nói xong, sư ngồi ngay thẳng đến nửa đêm thì viên tịch. Linh Chuẩn trở về kinh, đem sự việc này trình tấu Hoàng thượng. Hoàng đế vô cùng cảm động, truy phong cho sư làm Đại Đạt Quốc Sư. Hai thời vua Đường Hiến Tông (806-821) và Đường Mục Tông (821-825) tổng cộng có ba lần xuống chiếu mời thỉnh sư Vô Nghiệp, sư đều từ chối.
7.10. Chiếu thư đến không đứng lên
Triều nhà Đường, ở Nhuận Châu, núi Ngưu Đầu, có sư Pháp Dung.
Sư họ Vi, người Diên Lăng, Nhuận Châu (Tây nam Đơn Dương, Giang Tô). 19 tuổi thông suốt kinh sử. Về sau đọc kinh Bát-nhã có ngộ, vào Mao Sơn xuất gia với Pháp sư Quỳnh Tam Luận Tông. Niên hiệu Trinh Quán thứ 17 (643) sư cất riêng một thiền thất bằng tranh dưới hang động phía bắc chùa U Thê, núi Ngưu Đầu, Kim Lăng (Nam Kinh) suốt ngày tọa thiền chuyên tâm tu hành. Hoàng thượng biết danh tiếng của sư, sai di sứ mời sư vào cung gặp mặt. Lúc sứ giả đến núi Ngưu Đầu, sư đang ngồi trên đất, đốt phân bò, nướng khoai lang ăn. Trời rất lạnh, nước mũi chảy đầy mặt. Sứ giả nói: “Có chiếu lệnh của Hoàng đế đến, mời tôn giả đứng lên nghe Thánh chỉ”. Sư vẫn điềm nhiên chú ý nướng khoai mà không hỏi ông ta. Sứ giả cười nói: “Nước mũi chảy đầy trên mặt Ngài rồi kìa”! Sư nói: “Ta đâu có rảnh công phu vì người thế tục lau mũi”. Hoàng thượng nghe việc này khen là hy hữu liền trọng thưởng và biểu dương sư.
Niên hiệu Trinh Quán 21, sư giảng kinh Pháp Hoa dưới núi, trời mưa hoa báu. Niên hiệu Vĩnh Huy thứ 3 (652) được mời đến chùa Kiến Sơ giảng Đại Phẩm Bát Nhã, thính giả đông đảo, đại địa chấn động! Người đời gọi thiền pháp ấy là “Ngưu Đầu Thiền”. Về sau gọi pháp hệ là “Ngưu Đầu Tông”. Tương truyền Đạo Tín từng vào núi Ngưu Đầu truyền trao pháp môn đốn giáo cho sư rồi trở ra. Ngưu Đầu Thiền chịu ảnh hưởng của Tam Luận tông và Thiền tông, chú ý vào không tịch. Thiền phong chú trọng ở chỗ vô tâm tuyệt quán, hoặc tuyệt quán vong thủ, rất giống với thiền pháp của Đạo Tín. Người đời sau cũng gọi sư là “Ngưu Đầu Sơn Tăng”, “Dung Đại Sư”, “Huệ Dung”. Tác phẩm: Tâm Minh.
7.11. Chịu chết nuôi Tăng chúng
Đời nhà Đường, tại Cổn Châu, Chùa Pháp Tập, có sư Pháp Xung.
Sư họ Lý, tự Hiếu Đôn, người làng Thành Kỷ, Lũng Tây (Cam Túc). 24 tuổi làm quan dưới trướng của Dương Tướng Quân. Một hôm, nhân đọc kinh Niết Bàn mà phát tâm xuất gia. Bái Huệ Cao học kinh Đại Phẩm, Tam Luận, Lăng Nghiêm…Sau vào núi Vũ Đô tu nghiệp.
Niên hiệu Trinh Quán năm đầu (627), triều đình hạ lệnh: ai một mình độ người xuất gia, phạm tội tử hình. Sư đến núi Dịch Dương tu thiền, giảng kinh Lăng Nghiêm. Bấy giờ, những ai không có độ điệp (chứng điệp) của quốc gia cấp phát làm người xuất gia, sư Pháp Xung đều thâu nhận hết. Nhưng vì mỗi ngày người một đông, nên lương thực thiếu hụt. Sư liền đi đến gặp vị trưởng châu, nói: “Tôi đến đây xin được chịu trách nhiệm xử chết, chỉ xin ngài bố thí cho lương thực để cứu giúp người xuất gia an tâm tu tập, suốt đời ngài sẽ được phước báo và được sự chở che của Tam Bảo”. Châu trưởng rất vui mừng, khen ngợi chí khí của sư, dám chịu phạm vào luật pháp để cứu mọi người.
7.12 Không dự yến tiệc
Triều nhà Đường, có Thiền sư Thao Quang, dựng một am tranh tịnh tu tại núi Linh Ẩn, Sơn Tây. Thứ sử Hoàng Châu, Bạch Cư Dị, chuẩn bị cơm chay cúng dường, viết một bài thơ thỉnh sư đến thọ cúng. Sư viết một bài kệ gởi lại cho Bạch Cư Dị, từ chối lời mời của ông, trong kệ có câu: “Chốn phồn hoa đô thị ồn ào, thật không phải là chỗ của người xuất gia chúng tôi lui tới, đi rồi sợ rằng tiếng ca uyển chuyển du dương của chim Hoàng oanh trước Kim ngọc đường cũng sẽ nỗi giận bay đi” . Phong cách của sư là cao siêu như vậy.
Lời bình:
Ngày xưa, có một vị đại đức đã viết một bài kệ từ chối lời mời dự yến tiệc quyền quý của triều đình, có câu: “Hôm qua, tôi rất vui mừng khi nhận được lời mời của Ngài. Hôm nay tôi cũng muốn đi tham dự yến tiệc, nhưng ra đến cửa, đi được vài bước, dựng cây tích trượng suy nghĩ kỉ một chút, thấy rằng người xuất gia chỉ thích hợp ở trong hang núi, thực sự không thích nghi tham gia yến tiệc của quốc gia đại thần”.
Ý cảnh thanh cao này cùng với sư Thao Quang trước sau thật chẳng khác nhau. Hai bài kệ này người xuất gia nên sớm hôm tụng niệm, kỉ lưỡng xem xét một lần.
7.13. Không nhận y và danh hiệu
Triều nhà Đường, tại Việt Châu, tu viện Thanh Hoá, có Thiền sư Toàn Phó.
Sư họ Hà, tự Lai Thế người xứ Côn Sơn (nay thuộc Giang Tô). Thuở bé sư nghe các thiền hội thạnh hành liền xin xuất gia nơi Đại sư Thanh Bình ở Giang Hạ (nay là huyện Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc). Sau sư đến Ngưỡng Sơn Nam Tháp ở Viên Châu (nay là huyện Nghi Xuân tỉnh Giang Tây) yết kiến Thiền sư Quang Dũng, đối đáp qua lại, sư khế ngộ sâu cơ của Ngưỡng Sơn, nối pháp ngài, thuộc tông Quy Ngưỡng(1). Sau đó, sư trú trì thiền viện Thanh Hoá ở Cáp Hồ Sơn. Vua Trung Hiến Tiền Thị sai di sứ mang áo ca-sa đỏ tặng cho sư, sư dâng biểu lên Hoàng thượng cực lực từ chối không nhận, sứ giả lại mang tới lần nữa, sư lại từ chối, nói :
“Tôi không phải giả trang thiền tướng khiêm nhượng không nhận, tôi chỉ sợ rằng người đời sau đam mê dục vọng lợi danh học đòi theo tôi tiếp nhận sự ban tặng thì hỏng mất đạo lớn”!
Sau đó ít lâu, vua Trung Hiến lại ban tặng cho sư Tôn hiệu Thuần Nhất Thiền sư, sư vẫn từ chối không tiếp nhận.
7.14. Dứt khoát từ chối nhận y đỏ
Thời Ngũ Đại, nhà Hậu Hán (947-950), ở Đệ Châu, chùa Khai Nguyên, có sư hiệu Hằng Siêu.
Sư người Uyển Dương, trú trì chùa Khai Nguyên, diễn giảng kinh luận hơn 20 năm. Trước sau các sứ thần nhận chức Mục châu vùng này đều ngưỡng mộ sư, rất nhiều người đến để lại danh thiếp, bày tỏ ý muốn gặp sư, sư sai thị giả thu nhận danh thiếp, nhưng rất ít người được gặp sư chuyện trò. Bấy giờ, quan thủ Lý Công Tố cảm mến phong cách đức hạnh của sư, muốn dâng biểu lên Hoàng thượng xin ban tặng áo ca-sa đỏ cho sư. Sư viết một bức thư ngăn cản ông ta, trong thư có đoạn: “Tôi thệ nguyện truyền bá chánh pháp, giảng giải kinh luận cho đến già, không muốn bị cuộc sống danh lợi của thế tục làm cho ô nhiễm”. Lý Công lại một lần nữa sai người đến khuyên sư nên tiếp nhận, sư nhất định từ chối không thay đổi, và nói: “Nếu ngài còn đến đây khuyên tôi, tôi sẽ trốn sang Lô Long (nay là tỉnh Hà Bắc, phủ Vĩnh Bình)”.
Tể tướng Oanh Vương Phùng Đạo biết danh đức của sư, viết thư thăm hỏi và kết giao với sư, sư viết thư đáp lời: “Bần Tăng từ nhỏ đã từ bỏ cha mẹ, lập chí tu hành, chủ yếu là hy vọng được Ngài Di Lặc Bồ tát rũ lòng từ ái, sau khi mạng chung được sanh lên cung trời Đâu Suất, ở trong nội viện nghe pháp, không muốn lãng truyền hư danh đến tai tể tướng. Tôi tu hành thấy rõ rằng, mọi thứ danh lợi trong đều hư huyễn, không thật!”. Tể tướng xem thư xong lại càng thêm tôn kính sư, dâng biểu lên tấu rõ với triều đình, hậu Hán Cao Tổ liền ban tặng cho sư áo ca-sa đỏ. Ngày sư viên tịch, mọi người đều nghe thấy nhạc trời vang khắp hư không, đây là điều chứng minh sự thật sư được sanh lên cung trời Đâu Suất!
Lời bình:
Được mặc áo ca-sa đỏ và kết giao với đại quan tể tướng là điều mà người ta thèm khát, hy vọng, nhưng chỉ sợ rằng không được. Vậy mà Toàn Phó thiền sư và Hằng Siêu thiền sư, cả hai vị đại đức đều kiên quyết từ chối, dường như tiếp nhận là một sự sĩ nhục lớn. Tiết tháo thanh cao người ngày nay không thể xâm phạm, có thể chiếu soi thiên cổ, ảnh hưởng đời sau, thật có thể khiến cho những người đam mê, vui sướng kết giao bạn bè với người quyền quý, say đắm lợi danh tỉnh mộng.
7.15. Không thích ở vương cung
Thời Ngũ đại, đời hậu Đường (923-936), ở Định Châu, chùa Khai Nguyên, có sư Trinh Biện, người Trung Sơn. Sư tu hành khắc khổ, thường lấy máu viết kinh. Bấy giờ, tại Tinh Châu (tỉnh Sơn Tây, Thái Nguyên), không cho Tăng lữ ở miền khác đến cư trú. Sư liền dã ngoại đến đó, ẩn cư trong một cổ mộ. Một hôm, Vũ Hoàng Đế đi săn, sư mạnh dạn ra khỏi mộ đi đến kinh thành giảng kinh. Thấy cờ, người, xe, ngựa của vua, sư vội vàng ẩn thân trong mộ, nhưng bị Vũ Hoàng phát hiện kéo ra, hỏi sư vì sao lại ở đây, và kiểm tra chỗ ở của sư trong cổ mộ, chỉ thấy tọa cụ bằng cỏ, trên bàn bút mực, kinh điển, sớ sao rất nhiều, liền sinh lòng kính phục, mang sư vào cung cúng dường. Tào Thái hậu rất kính ngưỡng, tôn trọng sư. Hôm nọ, sư nói với Thái hậu rằng: “Bổn chí của tôi chủ yếu là tu học Phật pháp, ở lâu trong cung thế này có cảm giác như bị trói buộc tay chân”. Vũ đế liền thả sư tự do.
7.16. Dấu thư giới thiệu vào trong tay áo
Triều nhà Tống, tại Minh Châu, có Thiền sư Tuyết Đậu Trọng Hiển.
Sư tự Ẩn Chi, người Toại Ninh (Đồng Nam, Tứ Xuyên). Gia thế giàu có, theo Nho giáo. Thuở nhỏ kế thừa gia học song chí lại xuất thế, nên lúc tuổi thanh xuân đã bỏ tục vào đạo theo Nhân Sân viện Phổ An xuất gia. Ban đầu học kinh luật và xen cả thế pháp. Sau khi thụ giới cụ túc sư chuyên tu định nghiệp. Sư đến Bắc Tháp, Phục Châu (Thiên Môn, Hồ Bắc) tham kiến Thiền sư Trí Môn Quang Tộ, y chỉ 5 năm được nối pháp làm truyền nhân tông Vân Môn(1).
Một hôm, sư Hiển định hành cước một chuyến đến sông Tiền Đường. Học sĩ Tăng Công đề nghị với sư rằng: “Ngài nên đến chùa Linh Ẩn. Chùa Linh Ẩn ở gần sông Tiền Đường là một danh lam thắng cảnh nỗi tiếng trong thiên hạ, trụ trì chùa Linh Ẩn là Thiền sư San. Ông ấy là bạn của con”. Rồi viết một lá thư trao cho sư mang đi.
Sư đến chùa Linh Ẩn, lặng lẽ theo chúng tu hành, trải qua hơn ba năm. Một hôm, Tăng Công phụng mệnh xuất xử Chiết Tây, thuận đường ghé thăm sư. Đến chùa Linh Ẩn, hỏi thăm Thiền sư Trọng Hiển thì không có ai biết. Bấy giờ trong chùa có hơn ngàn người, Tăng Công lệnh cho cấp dưới kiểm tra danh sách từng người mới tìm được sư. Tăng học sĩ hỏi sư vì sao trước đây đã viết thư giới thiệu trao cho mang đi mà không đưa ra cho trụ trì. Sư Hiển lấy lá thư cất trong tay áo ra, vẫn còn nguyên vẹn, chưa tháo phong bì. Sư nói: “Ý tốt và sự quan tâm của huynh tôi rất cảm kích, nhưng chỉ là một vị Tăng hành cước, ngao du vân thuỷ như tôi, đối với danh lợi thế gian không cần đến làm gì, sao lại dám kỳ vọng vào lời giới thiệu của huynh để được danh dự, hiển đạt?”. Tăng công cười lớn. Thiền sư San nhân vì việc này mà đối với sư Hiển có một cách nhìn đặc biệt hơn.
Sau, sư ra hoằng pháp trụ trì chùa Thuý Phong, Tô Châu. Năm sau sư chuyển sang chùa Tư Thánh núi Tuyết Đậu, học chúng vân tập rất đông, tông phong cực thịnh nên được tôn xưng “Tổ trung hưng tông Vân Môn”. Bởi sư ở lâu nơi núi Tuyết Đậu nên người đời sau gọi sư là Tuyết Đậu Thiền sư. Sau khi mất, thụy là Minh Giác Đại Sư. Đệ tử có 84 người, đứng đầu là Thiên Y Nghĩa Hoài. Tác phẩm: Minh Giác Thiền sư ngữ lục, 6 quyển.
Lời bình:
Người ngày nay được các quan chức, qúy nhân suy cử thì giống như được trân bảo hiếm có ở thế gian, ngày đêm dụng tâm truy tìm danh lợi. Có thể những người này chưa nghe nói qua tiết tháo thanh cao của Tuyết Đậu Thiền sư! Tôi thường kinh ngạc sự khai thị thiền cơ của Lão sư Tuyết Đậu, hai sự việc cây gậy và tiếng thét cùng đến một lúc, có khi như chớp điện rất nhanh, có khi như sấm sét đánh tỉnh cơn mê hoặc, không thua gì các trưởng lão Đức Sơn (cây gậy của Đức Sơn), Lâm Tế (tiếng thét của Lâm Tế). Khảo cứu một đời của sư mới biết rằng, khí lượng phong cách của sư vốn không giống người bình thường! Làm người xuất gia, tên gọi sa-môn, thật sự không thể không lấy làm tự ái.
7.17. Bỏ thư không xem
Triều nhà Tống, tại Vũ Ninh, Chùa Diên Ân, có thiền sư Huệ An (còn gọi là Pháp An), và thiền sư Viên Thông Pháp Tú (còn gọi là thiền sư Thiết Bích, hay Thiết Diện), trú trì chùa Pháp Vân, ở Đông Kinh cùng tham bái, học đạo với Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài ở Việt Châu. Sau đó, Thiền sư An về cư trú trong một tu viện rách nát ở một thôn vắng, tại Võ Ninh, một mình một bóng lặng lẽ suốt 30 năm. Còn Thiền sư Viên Thông Tú thì vâng chiếu của Hoàng đế trú trì chùa Pháp Vân, hào quang soi tỏ bốn phương, khắp nơi quy y.
Có lần Viên Thông Tú viết thư gởi cho Thiền sư An, muốn suy cử sư An, nhưng sư An nhận thư không đọc mà bỏ đi, thị giả đứng bên hỏi vì sao bỏ thơ đi không xem, sư trả lời: “Ta lúc đầu cho rằng Thiền sư Tú là bậc thấu triệt, sâu sắc, cao siêu, bây giờ mới biết ông ta là một thằng ngốc. Người xuất gia phải ở trong mồ hoang hay dưới gốc cây, tuỳ chỗ yên thân, nỗ lực cần tu cầu thoát sinh tử, nhanh chóng gấp rút cứu lấy mình như đang bị nguy cơ mất đầu. Ngày nay không chịu nỗ lực tu hành, duyên cớ gì phải ở nhà cao cửa rộng đầu đường cái lớn trong đô thị tứ thông bát đạt, nuôi dưỡng hàng trăm người nhàn rỗi chẳng có việc làm, như vậy chẳng khác nào người ngủ đã tỉnh rồi, mở to mắt mà vẫn đi đại tiện trên giường, ta lại có thể nói tốt cho ông ta sao”?
Lời bình:
Sư Tú đệ tử rất nhiều. Sư An chỉ sống một mình. Nếu đem hoàn cảnh của họ đổi cho nhau thì phong cách của hai người lại giống nhau. An đại sư không phải trách mắng Tú đại sư, chủ yếu là cảnh cáo người đời một chút, những người xuất gia ngu si mà thôi. Tuy nhiên, nuôi dưỡng cái chí thảnh thơi, thông thả như vậy còn khả dĩ. Ngày nay, chỉ nuôi dưỡng những thứ bận rộn, cả ngày bám vào chỗ dựa tìm cầu danh lợi … thì không thể nói được nữa rồi!
7.18. Đốt bình bát bằng gỗ quý trước mặt sứ giả
Triều nhà Tống, tại Minh Châu, núi Dục Vương, có thiền sư Hoài Liễn, người Chương Châu. Vào giữa niên hiệu Hoàng Hữu (1049-1054), vua Tống Nhân Tông triệu sư đến khai thị Phật pháp ở điện Hóa Thành, vua rất hài lòng, ban tặng cho sư hiệu Đại Giác thiền sư. Sư Liễn trì giới rất nghiêm mật. Hoàng đế có lần phái di sứ đến tặng cho sư bình bát làm bằng gỗ Long Não hương, sư cầm bát đốt trước mặt sứ giả, nói: “Người học Phật chỉ mặc y phục bằng vải thô xấu, dùng bình bát bằng đất nung, chiếc bình bát này bằng gỗ Long Não quá cao quý, xa hoa, không như pháp, không thể sử dụng”. Sứ giả trở về đem việc này tấu rõ với Hoàng đế, Hoàng đế nghe xong khen ngợi không thôi.
Lời bình:
Thiền sư Liễn đốt bát mà lòng không một chút sợ hãi, Tống Nhân Tông nghe sứ giả tấu rõ sự tình mà không sanh lòng giận dữ, thật đúng là điều mà người ta gọi: “Nếu như không phải là tiên sinh Nghiêm Tử Lăng thì không thể thành tựu được cái khoan hồng độ lượng của Quang Vũ Đế; nếu như không phải là Quang Vũ Đế thì không thể thành tựu được cái tiết tháo thanh cao của Nghiêm tiên sinh”! Khó mà biết được có phải là giai thoại của lịch sử Thiền tông hay không!
7.19. Nhân quả tu hành
Người xuất gia đời này giữ giới tu phước, nếu như chưa minh tâm kiến tánh, nguyện lực lại nhỏ bé, mong manh, lại không cầu sanh Tịnh độ, thì người này kiếp sau sẽ được quả báo giàu sang phú quý rất nhiều. Nhưng cũng có nhiều người bị phú quý vinh hoa mê hoặc, thậm chí tạo nghiệp ác, đọa lạc trong ba cõi. Có một vị Hòa thượng xua tay không tin những lời tôi nói. Thấy vậy, tôi nói tiếp, khỏi phải bàn luận đến kiếp sau, trước mắt tôi đã thấy có một người xuất gia, sống ở trong một am tranh, phía Bắc dãy Phong Sơn, kiên trì tu tập, tinh tấn, gian khổ 10 năm. Sau đó, thiện nam tín nữ biết được, rất ngưỡng mộ, tôn sùng, giúp ông ta xây dựng một tịnh xá riêng bên ngoài, mời ông ta đến ở đó, cúng dường lâu ngày, cuối cùng, ông ta bị chìm đắm trong danh văn lợi dưỡng, một chút đạo hạnh tu tập khổ cực trước đây cũng hoàn toàn tiêu rụi, hiện đời đã thấy rõ ràng cần gì phải nói đến kiếp sau? Vị Hòa thượng kia hỏi tôi nói vị Tăng đó là người nào? Tôi trả lời: “Chính là lão huynh đấy chứ ai”! Lão Hòa thượng nghe xong im lặng không nói năng gì.
Có người xuất gia nhìn thấy người ta phú quý hiển đạt, sanh tâm ước ao, thèm muốn, hy vọng có thể được như họ; cũng có người xuất gia xem thấy người ta hiển đạt, phú quý sinh tâm chán ghét, dường như không đếm xỉa đến. Cả hai hạng người xuất gia này đều không đúng. Vì sao? Bởi vì chỉ biết ước ao giống như người ta mà không biết rằng kiếp trước người ta là người xuất gia tu hành khổ hạnh, làm phước, cúng dường, bố thí rất nhiều. Nếu mình ngày nay cũng làm phước, bố thí, cúng dường, thì không cần phải ước ao gì hết, ngày sau ắt được phước báo giàu sang phú quý. Còn chỉ biết chán ghét người ta, mà không biết rằng sự tu tập khổ hạnh của mình bây giờ, quả báo đời sau sẽ được làm quan, có địa vị danh lợi như người ta! Thế thì vì sao phải chán ghét? Nếu như chưa thoát ly được sanh tử thì vẫn còn trao đổi, luân hồi hỗ tương cho nhau, giống như đào giếng thì có nước. Nghĩ đến sự sống chết không dừng này, có thể không khiến cho lòng ớn lạnh sao? Vì vậy, phải nhất tâm hướng thượng, dũng mãnh tinh tấn tu hành, không để một phút một giây lãng phí, ra khỏi tam giới, liễu thoát sanh tử, đâu có rãnh công phu để đi mơ ước hay chán ghét người ta?
7.20. Thích đồ cổ
Có một số người ưa sưu tầm đồ cổ, tụ tập lại một chỗ, mỗi người đem đồ cổ mình sưu tập được ra so sánh với nhau. Có người đem đồ cổ từ đời nhà Nguyên, nhà Tống hay từ thời Ngũ Đại ra, mọi người xem xong đều cười anh ta. Thấy bị cười vì niên đại các món đồ cổ của mình còn quá ít, liền sinh tâm phiền não. Tiếp theo có người đem đồ cổ từ đời nhà Đường, nhà Tấn, nhà Hán, nhà Tần, thời Tam đại (Hạ, Thương, Chu). Chỉ tiếc là không có được cái nồi của Cao Tân Thị, cái khoan của Toại Nhân Thị, cây đàn Cầm của Thần Nông, cây đàn Sắt của Thái Hạo, đá năm màu để vá trời của Nữ Oa… Trong số những người đó có một người nói: “Những đồ cổ của các anh sưu tầm cũng là rất cổ, nhưng mà không phải là thượng cổ, lại càng không phải là thượng cổ trong số những số thượng cổ”. Mọi người nói: “Như vậy là mặt trời và mặt trăng sao”? Người ấy nói: “Không phải, trước có thiên địa rồi sau mới có mặt trời mặt trăng”. – “Như vậy là trời đất chăng”? Người ấy lại nói: “Không phải, có hư không rồi mới có trời đất”. – “Vậy là hư không chăng”? Người ấy lại đáp: “Không thể nói được! Rất cổ. Đồ cổ của ta sưu tập được từ khi mặt trời mặt trăng chưa sinh ra, trời đất chưa thành lập, trước cả kiếp không. Các vị không tiếc nghìn vàng mua lấy một cái lư, một cái bát, một cuốn thư pháp… mà không biết coi trọng các vật tối cổ, tối bảo, quý hiếm này thì thật là uổng phí một kiếp chơi đồ cổ! Mọi người nghe rồi nhìn nhau im lặng không biết nói gì.
Không lâu, có người nói: “Vật hiếm là quý. Đồ cổ của Ngài mọi người ai cũng có như nhau, không phải chỉ một mình Ngài có, thì quý báu chỗ nào”? Người ấy trả lời: “Đại gia nói không sai, nhưng mà chỉ hơi ngu, ngu và không có không phải hai, cho dù là tôi có một mình cũng không phải sai”. Người kia lại hỏi: “Đồ cổ chúng tôi thấy rõ ràng trước mắt, có thể xem xét được, còn đồ cổ của Ngài đâu?”. Người ấy đưa hai tay ra cho mọi người xem(1). Mọi người lại nhìn nhau, không hiểu gì.
7.21. Hộ pháp
Mọi người đều biết rằng, đem giáo pháp của Phật truyền bá ra bên ngoài, kết giao với Vương công Đại thần là công tác hộ pháp. Nhưng không biết rằng, làm người xuất gia là việc hộ pháp chủ yếu nhất, việc này không thể không cẩn thận! Hộ pháp có ba điều: một là, xây dựng Chùa viện và tạo chỗ ở cho người tu hành; hai là truyền bá, tuyên dương Phật pháp; và ba là, khích lệ mọi người phát tâm xuất gia. Vì sao nói phải cẩn thận? Ví dụ, lấy điều thứ nhất để nói, xây dựng chùa viện bảo hộ người tu hành, nếu như tài sản xưa nay vốn thuộc sở hữu của chùa viện, bị người ta dùng bạo lực xâm chiếm, nay lấy lại trả cho chùa viện, đây là việc làm hợp lý. Nếu như tra xét hồ sơ, quyền tài sản không rõ ràng, năm tháng lại quá xa, hiện tại quyền sở hữu đã đổi cho người khác, chúng ta nhờ quyền thế để đoạt lại có được không? Vui vẻ hỷ xả đi mới là điều tốt đẹp nhất, thế lực người ta không bằng bạn, miễn cưỡng trả lại cho bạn, đó gọi là chỗ tụ tập oán nghiệp. Nếu như người xuất gia chỉ khuyến hoá các đại quan có thế lực, bảo người ta làm những việc công đức lớn, để tu sửa chùa viện cũ, mà không nghĩ đến rằng Phật pháp vốn bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sanh, người bình dân cũng phải cho họ có cơ hội tích tập góp công đức chứ, không nên chỉ hướng đến những người quyền quý để hoá duyên! Lại nữa, nếu như dùng thế lực bóc lột tiền bạc và sức lực của trăm họ để xây dựng chùa tháp, thì cho dù chùa tháp có rộng hơn ngàn mẫu, cao đến chín tầng mây, dùng gốc chiên đàn để xây dựng, dùng trân châu bảo ngọc để trang hoàng, thì Phật cũng chỉ thương chúng sanh đau khổ mà thôi, không thể hoan hỷ được. Những việc làm này không có công đức, ngược lại có tội, không thể không cẩn thận! Thứ hai, nói về việc truyền bá Phật pháp, nếu như trước tác hoặc giảng giải kinh điển, xa thì hợp với tâm Phật, gần thì khế hợp với yếu chỉ của kinh điển, chúng ta tán thán và truyền bá, tuyên dương việc đó. Điều này thì hợp lý. Nếu như thuyết pháp hoặc sáng tác mà giống như ngoại đạo, vọng kiến, tà thuyết, hoặc thấy biết nông cạn, lệch lạc, chúng ta phản đối và không chấp nhận cho lưu truyền. Vì sao? Nếu như người xuất gia lúc có sáng tác, trước thuật chỉ cố tìm cầu những nhân vật to lớn viết cho lời tựa, lời bạt, mà không nghiên cứu, suy nghĩ xem nội dung trước tác có hại cho người đời sau hay không, nếu có, không chỉ không có công đức mà còn có tội, không thể không cẩn thận! Điều thứ ba là, khích lệ người xuất gia. Nếu như người xuất gia này thật tu thật học, thực sự muốn được khai ngộ, có học vấn và có trí tuệ cao thì nên cúng dường họ. Người xuất gia phải có chánh tri kiến, tu học đến nơi đến chốn, nghiêm trì giới luật, tu hành thâm hậu, thì nên tín ngưỡng họ, gần gũi họ. Đây là điều hợp lý. Nếu như xuất gia là người giả trang thiền tướng, biểu hiện bên ngoài, mà bên trong không có đức độ của kẻ học thiền, xấu xa bỉ ổi, lại hạ lưu, cũng tôn kính họ, thân tín họ, có được không? Chẳng hạn người xuất gia thân cận, tìm chỗ dựa nơi những người phú quý, hy vọng họ che chở cúng dường, ưa dùng tơ lụa, cẩm tú cao quý để che đậy cái thân thể hôi thối… thì có nên thân cận hay không? Không nên! Vì sao? Vì làm vậy chỉ là tăng thêm độc tính vào trong cơ thể của họ, không chỉ không có công đức, trái lại còn có tội, không thể không cẩn thận! Nếu giống như đây, thì Vương công Đại thần duy trì ủng hộ Phật pháp, mà người xuất gia trái lại phá hoại Phật pháp, thật đáng buồn thay!.
7.22. Xuất gia
Người mới phát tâm xuất gia, tuy chí nguyện có lớn nhỏ khác nhau, nhưng ít nhiều đều có tâm đạo. Nhưng một thời gian sau, lại bị lợi danh, nhân duyên làm cho ô nhiễm. Tiếp đến lại kiến tạo chùa chiền, tu sức y áo, mua ruộng vườn, kinh doanh bất động sản, thu nhận đồ đệ, nuôi người ăn kẻ ở, cất giữ tiền bạc, dồn sức đi làm việc đời, đi tìm chỗ nương tựa, thì giống như người thế tục chẳng khác nhau. Trong kinh Phật có nói: “Một người xuất gia tu hành, Thiên ma ba tuần phải lo sợ”. Bây giờ vị Tăng đã biến thành người thế tục như vậy, Ma ba tuần có thể lấy rượu uống chúc mừng. Người phát tâm bồ đề xuất gia, việc trước hết phải biết một điều như vậy. Tôi đã từng thấy một vị sa-môn tu hành khổ hạnh trong rừng sâu núi thẳm, một khi xuống núi, bị những thiện nam tín nữ quy y cúng dường, lâu ngày liền mất đạo lực, sống một đời hèn hạ, huống hồ những người xuất gia tu tập đã quá tồi tệ! Người xưa có nói, sau khi xuất gia, nhất định phải ra khỏi nhà phiền não, phải cắt đứt mọi sự trói buộc ân tình cuộc đời, đó là xuất gia sau khi xuất gia. Xuất gia trước khi xuất gia thì dễ, xuất gia sau khi xuất gia mới là khó khăn. Tôi làm mấy việc này, rụt rè thận trọng, thấp thỏm lo âu, sợ phạm lỗi lầm đã thuật ở trên!
TỔNG LUẬN
Chương trước ghi chép hạnh Trung thần của các cao Tăng, chương này ghi chép hạnh Cao thượng. Hoặc có người hỏi: “Hạnh Cao thượng mới nói đây như vậy có tương phản với hạnh Trung thần không”? Không phải như vậy! Cần phải xem chỗ lập trường sao rồi mới nói! Ở trong rừng núi hang động khổ tu thành tựu, đạo phong vang khắp muôn nơi, triều đình nghe danh mời thỉnh, nếu như có nhân duyên, lời nói thích hợp, trên có thể độ được vua, dưới có thể độ được trăm họ, đây không phải là việc làm chân chính hoằng pháp lợi sanh sao? Chỉ sợ rằng đạo nghiệp tu hành không tốt, hạ thấp nhân cách của mình đi tìm cầu vinh hoa phú quý làm cho người xuất gia mất mặt thôi! Ôi, người xuất gia phải lấy tu hành làm sự nghiệp, tự tàm tự quý, nhân đó khiến cho Quốc vương và Đại thần biết rằng trong thiên hạ có những người xuất gia vui đạo tu hành, vứt bỏ danh lợi mà tán thán, ước ao họ, như vậy hạnh Trung quân rất nhiều, việc gì nhất định phải đối mặt trình thuật, dâng lời khuyên gián mới gọi là Trung? Cho nên, tôi đã ghi quốc sư Huệ Trung ở Nam Dương được bảy đời Hoàng đế tôn sùng, và Thiền sư Vô Nghiệp ba lần từ chối chiếu lệnh của Hoàng thượng triệu vào cung, tuy hai người chỗ tao ngộ và phương thức hành động không giống nhau, nhưng đạo nghiệp của họ thì cao quý như nhau, đều là những vị có hạnh Trung quân.