Chương 6
HẠNH TỪ VẬT
6.1. Nhẫn khổ cứu ngỗng
Thời Phật còn tại thế, có một Tỷ-kheo đến cửa hàng Kim hoàn để khất thực. Bấy giờ, người thợ bạc đang xâu sợi dây chuyền hạt trai cho quốc vương, thấy Tỷ-kheo đến khất thực, ông ta bỏ trân châu xuống đi lấy phẩm vật cúng dường. Trân châu không chịu nằm yên trong máng, do nó tròn, nên lăn xuống đất. Trong nhà ông ta lại có nuôi một con ngỗng, nó đi ra, thấy hạt trai nằm trên đất liền ăn mấy hạt. Ông thợ bạc mang thực phẩm ra cúng dường Tỷ-kheo, phát hiện thấy mất trân châu. Ông ta cho rằng vị Tỷ-kheo đã lấy dấu đi. Vị Tỷ-kheo sợ rằng nói do ngỗng ăn, ngỗng sẽ bị giết, cho nên đã không thừa nhận và cũng không phủ nhận. Do đó, ông thợ bạc xách gậy đánh sư đến đổ máu, máu chảy lênh láng trên đất. Lúc ấy, con ngỗng thấy máu lại đến rúc. Ông thợ đang giận đánh chết luôn con ngỗng. Vị Tỷ-kheo không cầm được lòng thương xót, rơi lệ. Ông thợ bạc cảm thấy kỳ lạ, hỏi sư vì sao bị đánh không khóc mà thấy ngỗng chết lại khóc? Vị Tỷ-kheo nhân thấy ngỗng đã chết mới nói rõ nguyên do, ông thợ bạc nghe xong vô cùng cảm động, cung kính đảnh lễ sám hối xin Tỷ-kheo tha tội.
6.2. Nhịn khát đến chết để bảo vệ con vịt
Đời nhà Tấn, tại Hoặc Sơn, có sư Tăng Quần.
Sư Tăng Quần có cuộc sống thanh bần nhưng giữ khí tiết cao thượng. Sư có một am tranh trong Hoặc Sơn, huyện La Giang. Hoặc Sơn là một hòn đảo nhỏ, trên đỉnh có một tảng đá lớn, đường kính đến mấy trượng, trên tảng đá có một dòng suối chảy ra, nước trong veo, mát rượi, vị ngọt.
Am tranh và tảng đá cách nhau một cái rãnh sâu, trên có một cây cầu gỗ, có thể qua lại lấy nước. Hôm nọ, có một con vịt rừng, cánh bị gãy không bay được, đậu lại ở trên “Độc mộc kiều”. Tăng Quần muốn đi lấy nước, thấy con vịt rừng bị gãy cánh đứng trên cầu, sư định lấy tích trượng đuổi nó đi, nhưng lại sợ nó rơi xuống rãnh núi sâu mà chết, thế là sư trở vào, không đi lấy nước nữa. Mấy ngày liền, con vịt trời vẫn còn đứng đó. Vì vậy, sư không có nước uống, khát mà chết.
Lời bình:
Vì muốn bảo toàn sự sống cho loài vật mà không nghĩ đến thân mình, thật không có sự từ bi nào lớn hơn như thế, và cứu tế như vậy mới thật là vĩ đại. Hoặc giả, có người sẽ nói rằng: “Vì bảo toàn mạng sống cho con ngỗng mà cam chịu bị đánh đập đau khổ thì còn có thể chấp nhận, còn giống như Quần đại sư hy sinh cả sự sống của mình không phải là quá đáng sao”? Ôi! Thánh nhân xem thân thể mình như một bộc da thối, cuộc đời bất quá chỉ như một giấc mộng, như huyễn, như bọt nước, như ánh chớp mà thôi, nếu như đối với chúng sanh có lợi ích thì đem sự sống của mình bỏ đi như bỏ nước mũi, nước đàm vậy thôi, đâu thèm nhìn. Giống như đức Phật thuở xưa khi còn hành Bồ tát đạo, đem thân mình cho hổ đói ăn, cắt thịt cho chim… đều là xả thân vì tâm thương người thương vật hết vậy! Những kẻ phàm phu chấp giữ, tham luyến chiếc thân do bốn đại giả hợp mà thành này có thể hiểu hết được hành động của Thánh nhân sao?”
6.3. Mua súc sanh nuôi
Thời Nam triều, đời nhà Trần (557-589), tại Dương đô, chùa Hưng Hoàng, có sư hiệu Pháp Lãng.
Sư họ Chu, người huyện Phái, tỉnh Từ Châu (nay thuộc Giang Tô Phái, Huyện Đông). 21 tuổi xuất gia. Lúc đầu theo Thiền sư Đại Minh Bảo Chí tu thiền, sau theo Tăng Huyên học Tam Luận và các kinh Hoa Nghiêm, Đại Phẩm…Niên hiệu Vĩnh Định thứ 2 (558), đời Trần Võ Đế, tháng 11, sư phụng sắc vào kinh trụ trì chùa Hưng Hoàng, tuyên giảng các kinh luận: Hoa Nghiêm, Đại Phẩm, Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận… phát huy áo nghĩa mà người trước chưa từng nói đến, giải thích nghĩa khó cho người sau thông suốt, chúng theo học có hơn ngàn người. Sư giảng kinh luận hơn 20 năm.
Niên hiệu Thái Kiến thứ 13, đời Hoàn Đế, sư thị tịch, thế thọ 75. Tác phẩm có: Trung Luận huyền nghĩa, Tứ tất đàn nghĩa (mỗi thứ 1 quyển).
Bình sinh, người ta bố thí cúng dường, sư đều dùng vào việc in kinh, tạo tượng, dựng chùa tháp và cứu tế những người nghèo khổ, nguy cấp. Thấy ở đâu có bán súc sanh là mua về nuôi, cho nên, ngỗng, vịt, gà, chó… ở đầy phòng sư. Lúc sư ngủ nghỉ, những con vật này tuyệt đối im lặng không con nào lên tiếng; lúc sư nhìn chúng tất cả đồng loạt kêu lên giống như thổi loa đánh trống rất lớn. Lẽ nào đối với sư Lãng chúng cảm ơn bằng cách biểu hiện như thế?
6.4. Thương kính hạnh bố thí
Đời nhà Tuỳ, ở Tương Châu, chùa Diễn Không, có sư hiệu Linh Dụ.
Sư họ Triệu, người Cự Lộc, tỉnh Định Châu, Khúc Dương (Hà Bắc). 15 tuổi đến Triệu đô, chùa Ứng Giác, xuất gia. Sư là người học rộng, nhiều tài, tinh thông kinh tạng và luật tạng, danh đồn ra tới nước ngoài. Lúc người ta bố thí cho sư, sư từ bi đáp lễ cung kính. Sư hân hạnh cúng dường cà-sa cho các Hòa thượng, số lượng hơn ngàn chiếc. Những người bệnh khổ đến xin thuốc, sư cung cấp thuốc men càng không thể tính đếm. Chỉ cần vật gì có thể ăn được, sư nhất định cúng dường cho đại chúng trước. Đối với loài súc sinh, sư cũng không mắng đuổi, nhổ khạc vào chúng. Thậm chí những lúc sư trách móc hoặc thăm hỏi những em nhỏ, hay răn bảo giáo giới, hạn chế các đồ đệ của mình, sư đều tự xưng tên, còn đối phương thì gọi là ‘nhân giả’, hết lời khuyên bảo, tha thiết dạy dỗ, người nghe đều cảm động rơi lệ.
6.5. Mua hồ phóng sanh
Đời nhà Tuỳ, quốc sư Trí Giả Huệ Nghĩa, núi Thiên Thai, chùa Quốc Thanh, ở tại vùng biển Lâm Hải. Mỗi ngày sư thấy mấy người lớn tuổi đi đánh cá mưu sinh, giăng lưới đánh cá dài hơn 4 trăm lý, trong sông ngòi thì đặt tường tre để bắt cá, và trong khe suối thì chặn đê tạo hố để bẫy cá, lớn nhỏ không dưới 60 tuổi. Trí giả đại sư thấy vậy trong lòng không chịu nỗi, liền lấy tiền người ta cúng dường cho sư mua một khúc biển (nay là phía Tây huyện Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông), làm hồ phóng sanh rất lớn, và dâng biểu lên nói rõ với Hoàng thượng bấy giờ là vua Trần Hậu Chủ.
Trần Hậu Chủ liền hạ lệnh cấm dân vùng này đánh bắt cá. Vì sự kiện này mà dựng một bia đá kỷ niệm, lệnh cho quan Tế Tửu quốc tử học Từ Hiếu khắc văn bia, lời văn rất bi thương, thê thảm, người xem đến đều ai thương cảm động và có chút tĩnh ngộ.
6.6. Cắt tai cứu chim Trĩ
Đời nhà Tuỳ, tại Triệu Quận, núi Chương Hồng, có sư Trí Thuấn, người Triệu Châu. Có một lần sư đi du lịch ở phương bắc, tỏ ý khen ngợi núi Hoàng Ninh, bèn dựng một thảo am trên núi và tu ở đó.
Một hôm, có người thợ săn đuổi bắt chim Trĩ, chim Trĩ bay vào trong phòng sư Thuấn, sư tha thiết khuyên người thợ săn tha cho một sinh mạng, người thợ săn không nghe, nhất định tìm cho bằng được chim Trĩ. Thế là sư Thuấn cắt lỗ tai của mình đưa cho người thợ săn để đổi lấy sự sống cho chim Trĩ. Người thợ săn thấy vậy thất kinh liền cảm ngộ được tội nghiệp của mình, cuối cùng anh ta bỏ hết cung tên, phá bỏ tất cả dụng cụ săn bắn, quyết định bỏ nghề đi săn. Nhân đây, những người trong thôn xóm cảm động, tự ý bỏ nghề săn bắn. Sư Thuấn mỗi lần thấy người nào nghèo khổ đều rơi nước mắt đầm đìa khuôn mặt, cởi hết y phục cho họ mặc đỡ lạnh, chia thức ăn của mình cho họ ăn, lòng từ bi cứu thế như vậy không chỗ nào không đến.
Lời bình:
Mạnh Tử nói: “Làm việc chí tâm thành ý người ta không thể không cảm động”. Đức hạnh của sư Thuấn đây đã chứng minh câu nói ấy.
6.7. Đến gặp quan giúp người nghèo
Đời nhà Tuỳ, tại Kinh sư, vùng Giao Nam, có Thiền sư Phổ An, người Kinh Dương, Kinh Triệu.
Vào thời Bắc Chu (557-581), vua Vũ Đế (561-579), niên hiệu Kiến Đức thứ 3 (573), chủ trương tiêu diệt Phật giáo, bắt Tăng ni hoàn tục. Sư Phổ An trốn đến ẩn cư ở cốc Tiên Tử, tại Chung Nam Sơn, cần tu khổ hạnh, không giữ gìn thân thể hình hài, có lúc sư thoát hết y phục nằm trên cỏ ở trong rừng cho muỗi đốt, muốn bố thí máu; có lúc nằm trong đám thi thể tạp loạn, muốn dùng thân thể bố thí cho hổ báo ăn. Bấy giờ chính phủ ra thông báo trọng thưởng, nếu ai tróc nã và bắt nộp một người xuất gia, sẽ cho 10 đoạn tơ lụa. Có một người muốn bắt sư Phổ An đi nộp để lãnh thưởng, sư biết chuyện vui vẻ an ủi người đó: “Tôi thấy anh nghèo khổ túng thiếu, cũng muốn giúp anh có chút thu nhập, bây giờ tôi còn một ít thức ăn, anh hãy dùng đi, dùng xong rồi anh hãy đem tôi vào kinh thành nộp để lãnh thưởng”.
Đến kinh thành, Hoàng đế thấy sư, từ chối nói: “Hiện nay nước ta quốc pháp rất nghiêm khắc, không cho phép trong dân gian có người xuất gia, nay lại nghiêm khắc hơn, không cho phép người xuất gia lui tới ở trong núi rừng, để xem các ông đi đến chỗ nào”? Thế rồi thả sư về núi.
6.8. Ở với người bệnh
Đời nhà Đường, ở Đơn Dương, có sư Trí Nham (600-677).
Sư họ Hoa, người Khúc A, Đơn Dương. Trí dũng hơn người, khôi ngô tuấn tú. Đời Tùy, niên hiệu Đại Nghiệp, khoảng 605~616, làm Tướng quân, luôn lập chiến công vang dội. Năm 40 tuổi, đến Dự Châu (An Huy), núi Hoàn Công, theo Thiền sư Bảo Minh xuất gia. Trinh Quán thứ 17 (643), đến núi Ngưu Đầu, yết kiến Thiền sư Pháp Dung, được khai ngộ, thừa tự chánh pháp. Sau, sư đến trụ ở các chùa Bạch Mã, Thê Huyền, cuối cùng trụ ở thành Thạch Đầu.
Sau khi sư xuất gia, những người làm việc chung với sư trong quân đội như Thứ sử Mục Châu Nghiêm Soạn, Thứ sử Cù Châu Trương Sước… nghe nói bèn cùng nhau tìm đến hỏi nguyên do. Thấy sư ở trong núi sâu, một mình lặng lẽ, bèn nói: “Tướng quân! Không phải Ngài bị phát điên chứ? Vì sao lại đến đây ở một mình trong núi rừng tuyệt tích thế này”!?
Sư đáp: “Cái trầm mê và cái điên của tôi thì rất tỉnh, còn các anh say đắm công danh lợi lộc thế tục mới đúng nghĩa trầm mê, sống điên điên khùng khùng, mơ mơ hồ hồ đấy”!
Trong thời gian ở Thạch Đầu, sư ở với những người bị bệnh dịch. Sư vì họ thuyết pháp, rồi hút những mủ máu và rửa sạch những vết thương, bó thuốc cẩn thận chu đáo cho họ.
Niên hiệu Nghĩa Phong thứ 2, đời Cao Tông, sư thị tịch, thế thọ 78, pháp lạp 39. Sau khi viên tịch diện mạo sắc mặt không thay đổi, và phát ra mùi thơm rất đặc thù, hơn mười ngày mới hết.
6.9. Lấy miệng hút mủ cứu thương
Đời nhà Đường, ở Bồ Châu, chùa Nhân Thọ, có sư Trí Khoan (tục cao Tăng truyện chép là Chí Khoan, 566~643).
Sư họ Diêu, người Hà Đông, Bồ Châu. Bác lãm các kinh, lấy Niết Bàn, Địa Luận làm tâm yếu. Thường đọc tụng kinh Duy Ma Cật và Giới bổn, cảm hoá đến thiên thần đi quanh phòng sư, tán lễ và ủng hộ. Sư bản tánh từ bi, khoan dung độ lượng, hay giúp đỡ người bệnh tật, không kể xuất gia hay tại gia, xa hay gần, nếu như bị bệnh mà không có người chăm sóc thuốc thang thì sư dùng xe đưa người bệnh về phòng mình, tự chăm sóc lo liệu hết mọi việc. Đã từng có một người bệnh, trên bụng mọc một cái nhọt lớn, mủ trương lên bên trong chảy ra không được, sư đã dùng miệng hút nó ra, người bệnh nhờ vậy mà lành.
Sau đó, bọn thổ phỉ Niễu Cảm làm loạn, quan phủ bắt sư lưu đày đến Tây Xuyên, dân làng mở tiệc tiễn sư đi và tặng nhiều tiền bạc, y áo thực phẩm, vải vóc… Sư nhất định không lấy, chỉ mang theo một con lừa để chở kinh sách.
Trên đường đi sư gặp một vị Tăng tên là Bảo Hoàng, chân bị thương không đi được, nằm duỗi chân bên đường, sư nhường cho vị Tăng ngồi lên xe lừa còn mình gánh kinh sách. Bấy giờ gặp năm nông dân làm mùa thất bát, dân chúng thiếu cơm ăn áo mặc, sư dùng một ít gạo thổi cơm cho họ ăn đỡ đói, cởi y phục đang mặc của mình cho họ mặc, có lúc sư nhường toàn bộ phần cơm của mình cho họ, có lúc sư ăn ít lại, với lòng từ mẫn sư khuyên tất cả mọi người niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ.
6.10. Nuôi chuột
Đời nhà Đường, ở Tương Châu, chùa Cảnh Không, có sư Huệ Ý. Sư đem thức ăn còn lại trong bát để nuôi chuột già trong thiền phòng. Trong phòng sư có hơn một trăm con chuột già, tất cả đều rất ngoan ngoãn và thân cận sư để lấy thức ăn. Con chuột nào bị bệnh sư dùng tay vỗ về an ủi nó.
6.11. Dệt chăn nuôi chó
Đời nhà Đường, ở Việt Châu, chùa Gia Tường, có sư Trí Khải.
Sư họ Phùng, người Đơn Dương. Thuở niên thiếu, theo đại sư Cát Tạng, Tam Luận tông, ở Gia Tường, xuất gia. Vì da dẻ sư có màu đen, nên có hiệu là Ô Khải. Sư thường khai giảng Tam Luận (Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận). Vào đời Đường Thái Tông, niên hiệu Trinh Quán, năm đầu, 627, sư trú trì chùa Tiểu Long Tuyền, ở huyện Dư Diêu, Triết Giang. Bấy giờ, theo tập tục của người Việt, trong nhà có chó đẻ phần lớn đem bỏ ngoài đường. Sư Trí Khải thương xót chúng, lượm hết đem về nuôi, càng lúc càng nhiều, 10 con rồi 50 con. Sư dùng lông thú dệt thành cái chăn cho chúng ngủ, không chê chúng bẩn thỉu.
Niên hiệu Trinh Quán thứ 20, sư ngồi trên giảng tòa mà thị tịch.
6.12. Thương người bệnh thối
Đời nhà Đường, tại Ích Châu, chùa Phước Thành, có sư Đạo Tịch.
Sư người Tứ Xuyên, trú trì chùa Phước Thành, Ích Châu. Tính tình sư rất nhân từ. Có một người mắc bệnh rất hiểm nghèo, toàn thân trương mủ lên, lại bị thối một lỗ, chỗ bị thối mủ hôi nồng nặc, người nghe thấy đều phải bịt mũi. Sư Đạo Tịch cung cấp cho y cơm áo, việc làm rất hết lòng, tuyệt đối không phải cố ý giả trang thiền tướng, mà bình tĩnh như thường. Thậm chí, có khi sư dùng chung thức ăn với người bệnh, giúp mọi người giặt áo quần. Có người hỏi sư, vì sao có thể nhẫn chịu được hoàn cảnh sống như thế. Sư trả lời: “Yêu thích thanh tịnh sạch sẽ, chê ghét mùi hôi ô uế, đây là tâm lý bình thường của con người. Tôi là người tu hành, vì muốn liễu sanh thoát tử, phải có khả năng khắc phục thất tình lục dục, há không tu được trí tuệ bình đẳng như như bất động sao? Tôi chỉ bất quá lợi dụng hoàn cảnh này để rèn luyện thân tâm tôi thôi”.
6.13. Chăm sóc người bệnh gặp thánh hiền
Đời nhà Đường, ở Lạc Dương, viện Trung Than Thiết Cốc, có Thiền sư Trí Huy, trú trì chùa Trọng Vân, ở Kinh Đào.
Sư họ Cao, người Hàn Dương, Thiểm Tây, Trung Quốc. Sư nối pháp thiền sư Khuê Phong Ôn, thuộc tông Hà Trạch đời thứ 7. Sư sáng kiến ra một đạo tràng gọi là “Ôn thất viện”, cung cấp cho mười phương Tăng lữ tắm gội, bố thí nước dùng và thuốc men. Có một Tỷ-kheo bị mắc bệnh hủi (phong), mọi người ai cũng chán ghét thầy và không muốn tiếp cận. Chỉ có sư Trí Huy là thường hay giúp thầy tắm rửa, giặt giủ. Không bao lâu, một hôm, sư đang tắm gội cho thầy ấy, đột nhiên có hào quang và mùi hương kỳ lạ từ trong người Tỷ-kheo bệnh hủi bay ra. Sư Trí Huy cảm nhận được điều kỳ lạ này thì vị Tỷ-kheo ấy trong chốc lát đã biến mất không thấy.
Lời bình:
Đức Phật từng nói: “Sau khi ta diệt độ, các Tỷ-kheo phải chăm sóc người bệnh cho thật tốt, bởi vì trong số những người bệnh có rất nhiều thánh hiền thị hiện để thử lòng các ông!” Nay, việc sư Trí Huy trú trì chùa Trọng Vân gặp một Tỷ-kheo bệnh và Ngộ Đạt quốc sư (đời Đường Ý Tông), gặp Ca-nặc-ca tôn giả, thật đúng với lời Phật nói vậy.
6.14. Quét đường trước khi đi
Đời nhà Đường, ở Kinh sư, chùa Hoằng Phước, có sư Huệ Bân, người Cổ Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Đông). Sư học rộng hiểu sâu, nghiên cứu tột cùng nghĩa lý kinh luận. Sau đó chuyển sang chuyên tu thiền định. Sư phát tâm lấy lòng từ bi cứu tế chúng sanh làm trách nhiệm của mình, mỗi khi đến mùa hạ (là mùa côn trùng sinh sản rất nhiều), đi ra đường sợ giẫm đạp côn trùng, cho nên, trước khi bước chân đi, sư lấy chổi quét lên mặt đất để khỏi sát sanh. Có ai đem cúng dường tài vật, sư bí mật đem đi làm bố thí cho người, tuy làm rất nhiều việc thiện, lại nói với mọi người đừng tiết lộ cho ai biết.
6.15. Cứu giúp những người ăn mày
Đời nhà Đường, có sư Đàm Tuyển, người Cao Dương (Hà bắc), trú tại chùa Hưng Quốc. Sư bẩm tính từ thiện, hay cứu tế giúp đỡ mọi người, chưa từng cất giữ tài vật. Sư đặt mua một cái nồi lớn, đem hết tất cả những vật thực của mình và của những người ăn mày xin được bỏ vào trong đó nấu thành cháo đặc, rồi gọi mọi người ngồi lại theo thứ tự, đích thân đơm cháo cho họ. Nhìn thấy ai ăn mặc rất nát, dung mạo tiều tụy, gầy ốm, sư đều xót thương rơi lệ, lòng bi mẫn, khó chịu rạo rực trong người, không có cách gì kiềm chế được. Bản thân sư cùng sống và đi khất thực với những người ăn mày như vậy trải qua rất nhiều năm.
6.16. Truyền giới – phóng sanh
Thời Ngũ Đại (907-960), ở Hàng Châu, có Thiền sư Huệ Nhật Trí Giác, trú trì chùa Vĩnh Minh Diên Thọ 15 năm, thế độ cho hơn 1700 người. Sau sư vào núi Thiên Thai vì chúng truyền giới, ước tính hơn vạn người đắc giới. Sư thường vì thất chúng (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Thức-xoa-ma-na-ni, Sa-di, Sa-di ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di) truyền Bồ tát giới. Buổi tối sư làm lễ thí thực và thường phóng sanh. Ngày đêm sáu thời tinh tấn tu hành, ngoại trừ thời gian làm công quả, thời gian còn lại sư tụng kinh Pháp Hoa. Một đời sư tổng cộng tụng được một vạn ba ngàn bộ. Đến đời Tống Thái Tổ (960-976), niên hiệu Khai Bảo thứ 8 (975), ngày 26 tháng 12, sư đốt hương tạm biệt đại chúng rồi ngồi kiết già mà hoá.
6.17. Chăm sóc người bệnh như chính bản thân mình
Triều nhà Tống, ở Nam Khương Quân, chùa Vân Cư, có Thiền sư Cao Am Thiện Ngộ.
Sư trú trì chùa Vân Cư. Một khi nghe có người xuất gia bệnh nặng bị đưa đến Duyên Thọ đường (còn gọi là Niết-bàn đường, Vô thường viện, hay Như ý liêu v.v… là chỗ chư Tăng dưỡng bệnh) thì than thở không thôi, tựa như chính bản thân mình bị bệnh. Sớm chiều đi thăm hỏi mọi người, đích thân lo liệu cơm cháo, sắc thuốc. Thuốc men gì sư cũng đều nếm trước xem có độc tính hoặc có tác dụng gì không, rồi mới an tâm cho bệnh nhân dùng. Thời tiết lạnh lẻo, thì sư quan tâm lo lắng, an ủi vổ về lên vai mọi người: “Y phục mặc không phải quá mỏng chứ?”; trời nóng thì sư nhìn sắc mặt, hỏi: “Phải chăng rất nóng?”. Thậm chí, đến lúc họ viên tịch, không kể họ có tiền hay không có tiền, Tăng thường trụ hay Tăng thập phương, đều như pháp như luật tống táng.
Lời bình:
Trong kinh Phạm võng có nói đến tám loại phước điền, thì phước điền lớn nhất là chăm người bệnh. Người xuất gia không có nhà cố định, một thân một mình du hoá khắp năm châu, bốn biển, không nơi nương tựa, một khi bệnh hoạn thống khổ, rất cần người đồng tu hỗ trợ giúp đỡ thương yêu nhau. Vị trụ trì trong Tăng chúng, nếu như có người xuất gia bị bệnh không đi thăm hỏi chăm sóc, đến khi chết, không lo tang lễ, có thể nói rằng người xuất gia “ôm ấp lòng từ bi cứu độ chúng sanh sao”? Cho nên, phàm làm một vị trụ trì nên noi theo tác phong, đức hạnh của Thiền sư Cao Am.
TỔNG LUẬN
“Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín” là năm điều kiện cơ bản làm người, mà “Nhân” là đứng đầu; “Từ Bi Hỷ Xả” là bốn tâm vô lượng của người tu hành, học Phật, thì ‘Tâm từ’ đứng đầu. Nếu như không có tâm từ, thì dù có bác học, đa văn, chứng được thần thông tam muội, bất quá chỉ là ma quỷ mà thôi. Hoặc có người nói: “từ bi và oai nghiêm đều là bản sắc của đạo phhật! Hà tất chỉ suy tôn từ bi”? Ngài không biết rằng cứu người, hại người đều là biểu hiện lòng nhân, đây là hai mặt của một thể, nhiếp thọ người, thuyết phục người, cũng đều là biểu hiện lòng từ. Chủ yếu là muốn tốt cho người mà phải dùng nhiều phương pháp không giống nhau mà thôi. Bên ngoài thì biểu hiện oai nghi nghiêm khắc nhưng kỳ thật trong lòng đầy ắp lòng từ ái! Mặc dù bên ngoài oai nghiêm mà nội tâm tràn đầy từ ái mới là đại từ bi, chân chính. Không phải lấy một chút ân tình, một chút quan tâm mà gọi là từ bi được!