CHUÔNG TRONG PHẬT GIÁO

Thích Thiện Phước

 

Lời nói đầu

Tự bao đời tiếng chuông chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh của con người, âm hưởng tiếng chuông cũng đã đi vào thi ca tạo nên nét nhân văn đáng quí.

Đạo Phật không những được bộc lộ qua chân lý sâu xa tối thượng, mà còn là một cái gì rất thực, rất gần gũi với cộng đồng dân tộc, đấy chính là những nét văn hóa nghệ thuật. Trong đó, chuông là một trong các pháp khí mà Phật giáo đã sử dụng để thể hiện nét văn hóa nghệ thuật ấy.

Hơn bao giờ hết, tiếng chuông chùa lúc nào cũng hòa nhịp theo dòng chảy của thời gian vô cùng, lắng đọng trong không gian vô tận, gắn liền với cuộc sống đời thường. Tiếng chuông tự nó còn là một giai điệu thiền vị, đưa con người về với hiện hữu, để quán chiếu xoa diệu chuyển hóa khổ đau, nuôi lớn những hạt giống thương yêu, thương yêu chính mình và tất cả chúng sanh đang còn trầm luân đau khổ!.

Xin lắng đọng tâm hồn, thở thật sâu, bước đi từng bước chậm rãi, nghe từng tiếng chuông chùa, để ta có nhiều niềm an lạc, mĩm cười dễ thương cùng vạn vật, nhẹ nhàng êm ái như tiếng chuông chùa lúc nào cũng ngân nga đánh thức ta trở về với  thực tại đang là.

Tịch dương còn chút tia hồng
Chiều thu lá đổ cửa không nhuộm vàng
Đôi bờ sóng nước mênh mang
Lặng nghe chuông đỗ canh tàn mù sương.
Thích Thiện Phước

DẪN NHẬP 

Đạo Phật từ khi sáng ngời ở tận miền Tây Vức dần dần lan tỏa khắp vùng Đông Nam Á, chân lý tối thượng giác ngộ giải thoát ấy đã đưa con người về với thực tại để cảm nhận ý thức thật rõ về mình. Và hoàn cảnh xung quanh đều phản ánh rất thực tế về chân lý đó: Một ngôi chùa có mái cong cong trong cảnh điền viên tịch mịch, một tiếng chuông ngân nga trong sương mù lan tỏa, tất cả làm cho con người cảm thấy nhẹ nhõm thoát tục mà trong cuộc sống đời thường không nơi nào tìm thấy được. Tự bao đời tiếng chuông chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh của con người, âm hưởng tiếng chuông cũng đã đi vào thi ca tạo nên nét nhân văn đáng quí. Phật pháp không bao rời khỏi những pháp thế gian mà luôn gắn liền với cuộc sống thực tại của con người. Chân lý của đức Phật không ồ ạt như dòng thác cuốn trôi đi những tinh hoa của nền văn hoá khác. Đạo Phật đi vào tâm thức con người như nguồn nước hiền hòa lúc nào cũng âm thầm ngấm ngầm vào lòng đất để cho muôn loài cỏ cây đều được đơm hoa kết trái. Nhẹ nhàng như tiếng chuông thu không gợi cảm, thức tỉnh  tất cả những ai đang còn say sưa tham đắm những dục vọng xấu xa trong dòng đời phù hoa nầy. Tiếng chuông như đang kêu gọi hồn ai hãy mau mau phát khởi tình thương yêu vô lượng đối với mọi loài, khoan dung tha thứ để rồi người được hạnh phúc và ta cũng được hạnh phúc. Mục đích của con người là đi tìm hạnh phúc, song con đường để đạt đến niềm hạnh phúc ấy cũng có nhiều môn. Đạo Phật không những được bộc lộ qua chân lý sâu xa tối thượng mà còn là một cái gì rất thực, rất gần gũi với cộng đồng dân tộc, đấy chính là nét văn hóa nghệ thuật. Trong đó chuông là một trong những pháp khí Phật giáo đã sử dụng để thể hiện nét văn hóa nghệ thuật ấy. Vậy tiếng chuông cha có những sự mầu nhiệm đặc điểm  quan trọng nào, và nó có những ảnh hưởng lợi ích gì trong sinh hoạt thường nhật của một tòng lâm cũng như cảm hóa đến tất cả loài hữu tình. Đây chính là điều sắp được trình bày trong tập sách nhỏ  này.

XUẤT XỨ

Dù ở thôn quê hẻo lánh hay nơi đô thành náo nhiệt, chắc có lẽ ai ai khi nghe boong… boong… boong… êm đềm ngân nga vào hai buổi sớm chiều thì đều nhận ra ngay đó là tiếng “Chuông chùa”. Chuông chùa thật êm ả gần gũi với con người.

Chuông âm Hán Việt là chung (钟,là một loại pháp khí để báo giờ trong các tự viện, tiếng Phạn “Ghanta” dịch ý là Chuông, dịch âm là  kiền chuỳ (椎, 槌).

Theo kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 24 chép: “Vào Rằm tháng 7, ngày chư tăng thêm một tuổi hạ. Phật bảo A Nan mau mau đánh kiền chùy để triệu tập đại chúng”.

Chuông được sử dụng rất rộng rãi trong sinh hoạt Tăng đoàn Phật giáo. Trong tòng lâm bất luận khi làm Phật sự gì hoặc sinh hoạt thường ngày cũng đều không thể thiếu tiếng chuông.

Truyện Thông Tải chép: “Phật Câu Lưu Tôn, nơi kinh viện chùa Kiền Trúc, làm cái chuông bằng đá xanh, khi mặt trời mọc đánh lên thì có các vị hóa Phật, cùng mặt trời hiện ra, diễn rõ 12 bộ kinh, người nghe pháp chứng được thánh quả không thể xiết kể?.

Sách Ngũ Kinh Thông Nghĩa nói: “Chuông là tiếng mùa thu; Vạn vật đến mùa thu thì thành, đến mùa Đông thì ẩn, nên đúc vàng làm chuông, tiếp nối nhau không dứt”.

Sách Châu Lễ Khảo Ký chép: “Họ Phù làm chuông”. Sách Tây Kinh Ký chép: “Lấy cá kình khua chuông Hoa”.

Bộ Thích Danh chép: “Chuông là không – trống rỗng – vậy vì ở trong trống rỗng cho nên chứa  được nhiều khí, tiếng  mới kêu to.

Kinh sơn Hải chép: “Kỳ Bá là cháu của Viêm Đế nhân vì có trống mà cho đúc chuông”.

Tại Trung Hoa các triều đại vua chúa cho đúc chuông để làm loại nhạc khí trong các buổi lễ tế tự, yến  hương, nhưng sau khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa thì chuông trở thành pháp khí đặc thù trong tự viện, loại pháp khí nầy phần nhiều được làm bằng đồng xanh. Có hình tròn thon dài, miệng chuông hướng xuống, phía gần miệng chuông thường thì có hoa văn tạo những làn sóng nhỏ, tục gọi đó là “Thuỷ ba”, xung quanh có 4 gù (mặt đóng) chính là điểm để đóng cho tiếng chuông phát ra. Ở Việt Nam ta xem đó là tượng trưng cho 4 mùa xuân hạ thu đông, mỗi mùa đóng vào một gù khác nhau nói lên sự vận hành thay đỗi liên tục của thời gian và âm vang cũng có phần gia giảm không đồng, thành chuông có thể trang trí  những phạn tự hoa văn hay có những quả chuông được khắc vào bài minh, thậm chí khắc cả Bộ kinh – như quả chuông ở chùa Đại Chung Bắc Kinh khắc trọn Bộ kinh Hoa Nghiêm vào, hoặc những lời cầu nguyện chúc phước lành, tên tự viện, tên người thí chủ… không ngoài mục đch sao cho cõi âm mau siêu thoát chốn dương gian được thấm nhuần lợi lạc: Phong điều vũ thuận, quốc thới dân an, Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển…Và tất cả những quả chuông đều được treo trên giá, dùng chày gỗ để đánh. Thế nên người xưa có câu: “Hồng chung tại giá hữu khấu tắc minh” (Hồng chung ở trên giá có đánh mới kêu).

Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu xác định chuông có từ thời nào. Nhưng theo sử liệu ghi lại thì chuông ở Trung Hoa đã được sử dụng vào  thời nhà Chu (557 trước TL – 89 TL). Tuy nhiên chúng ta cũng có thể căn cứ vào một vài tài liệu mà có thể xác định được nguồn gốc của chuông.

– Theo quyển Quảng Hoằng Minh Tập (Số 2130) trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh chép: Vào Thời lục triều  (420 -479) đã có nhiều lầu chuông.

Lý Tuần nói: “Thời Đông Tấn tại Huyện Kê Diệm phát hiện  trong một cái giếng của gia đình nọ tìm thấy quả chuông dài 3 tấc đường kính  rộng  4 tấc trên thành chuông có khắc bài Minh”.

Theo sách Nam sử Tề chép: “Thời Võ đế do nội cung thâm sâu không nghe được tiếng trống ngoài đoan môn, nên cho đúc chuông treo ở lầu Cảnh Dương tiếp ứng với tiếng trống khiến cho cung nhơn mỹ nữ nghe được thức dậy trang điểm”.

Ấn Độ đã biết sử dụng chuông trên 2000 năm trưóc, chắc có lẽ chuông đã được sử dụng rộng rãi trong cung đình, và đặc biệt là chùa chiền. Các hình nghệ thuật điêu khắc chùm chuông, xuất hiện vào thời kỳ đầu của Phật Giáo, chúng ta có thể tìm thấy trong các trụ đá của vua A Dục (Asoka) và những ngôi tháp tôn trí Xá lợi của Phật. Các nước lân cận đã chịu ảnh hưởng nền văn hóa của Ấn Độ như: Tích lan, Miến Điện cũng sử dụng chuông và ngay cả trống nữa, nhằm để thể hiện lòng thành của tín đồ trong lúc hành lễ cầu nguyện.

Quyển Saddharmàlankàra, một tác phẩm văn học tôn giáo thời trung đại của người Tích Lan ghi rằng: Chuông sử dụng đầu tiên ở Tích Lan vào những dịp đặc biệt như triệu tập Tăng chúng. Sau nầy dần dần trở thành một phần nghi lễ cúng dường âm nhạc dâng lên Đức Phật.

Quyển Hề Nang Quất Dữu chép: “Chuông có tên gọi là Trường Khiếu, Sán Cốc”.

Thiên Nhĩ Nhã chép: “Đại chung gọi là Tú trung chung, còn gọi là Phiểu, Tiểu chung gọi là Sạn”. Bộ Na sớ chép: “Tôn Viêm nói: tiếng của Tú thâm trầm ngân dài. Tiếng của Phiểu nhẹ nhàng ngắn ngủi”.

Bộ Quần Thư Khảo Sách chép: “Trong nhạc khí đồ có loại Đặc thuỳ chung  hình dáng giống như cái linh lớn”.

– Năm Thiên Hoà Thứ 5 (556) thời Bắc Chu, bài Nhị Giáo Chung Minh đã được khắc trên ba quả chuông được xem là những quả chuông lớn nhất thời bấy giờ. Hai trong ba cái nầy được đúc vào năm 570 và 665 TL.

– Sách Tục Cao Tăng Truyện chép: “Năm thứ 5 đời Tùy Đại Nghiệp (609) ngài Trí Hưng nhận lo việc chuông tại chùa Thiền Định ở kinh đô Trường An. Kể từ đó, Bắc Châu không ngừng đúc chuông để an trí trong các tự viện” Việt Nam ta thời nhà Lý có  câu chuyện kể về thiền sư Minh Không sang vua nhà Tống xin đồng đúc tứ khí cho Đại Việt trong đó có chuông Qui Điền và ngày nay những phường đúc vẫn còn thờ Ngài Minh Không xem là vị tổ của nghề đúc./.

ĐẶC ĐIỂM 

– Tại sao trên đầu quả chuông có hình con rồng? Đó là câu hỏi mà người Phật tử tại gia có tính tò mò khi nhìn thấy hình dáng quả chuông. Thật ra thì đó là Con Bồ Lao, vốn là một loài cổ thú sống ở biển Nam Hải.

Lời Tiết Tông chú giải rằng: “Trong biển có cá to tên Kình, tại cù lao ở biển có thú tên Bồ Lao, sợ cá kình đánh; mỗi lần cá kình đánh Bồ lao kêu to. Nên phàm chuông muốn kêu tiếng to, mới làm con Bồ Lao1 ở trên, còn chày dộng thì chạm hình cá kình2” .

Chuông thường được đúc bằng đồng xanh và cũng có số ít chuông thời xưa đúc bằng sắt. Nói nói đến việc đúc chuông nghe qua thì dường như đơn giản nhưng nghệ nhân đúc thế nào cho tiếng chuông được du dương, hình dáng quả chuông đạt được nét thẫm mỹ? âu cũng là một công trình nghệ thuật có tính gia truyền.

Sách Khảo Công Ký chép: “Đúc chuông lớn mà ngắn thì tiếng nghe như vội vàng thôi thúc, chuông nhỏ mà dài thì tiếng chuông nghe chậm rải thì tiếng sẽ vang xa”.

Chuông có nhiều loại và tùy theo mức công dụng của nó mà hình dáng tên gọi cũng khác nhau.

– PHẠM CHUNG: Phạm tức là thanh tịnh vì để tôn xưng trong khi làm Phật sự vậy. Còn gọi là đại chung, câu chung, tràng chung, hồng chung, kình chung, bồ lao, hoa kình, hoa chung, cự chung. Đa phần được đúc bằng đồng xanh, thông thường chuông cao khoảng 1,5 m đường kính khoảng 6 tấc  dùng để tập chúng và báo giờ  vào hai thời sớm tối. – Theo quyển 4 sách Tổ  Đnh sự Uyển: Phạm chung còn gọi là Kình Am vì lấy tích cá Kình và Bồ lao vậy.

– BÁN CHUNG: Chiều cao và kích cở bằng ½ Phạm Chung  nên gọi là bán chung còn gọi là hoán chung, tiểu chung. Chung nầy cũng được đúc bằng đồng cao khoảng 6 đến 8 tấc thường an trí ở một góc tại chánh điện, vì để đánh phổ cáo và mở đầu các pháp hội  nên cũng có tên là Hành Sự Chung  (chuông sử dụng trong khi hành lễ).

– TĂNG ĐƯỜNG CHUNG: Chuông treo trước Tăng đường gọi là “Tăng đường chung”. Loại chuông này hơi nhỏ, khi cần triệu tập tăng chúng thì đánh chuông, cho nên còn gọi là “Tập chúng chung”. Nếu như Trụ trì và chúng tăng khi đến tăng đường thì đánh 7 tiếng. Lại nữa chương Pháp Khí chép: Tăng đường chung đánh khi tập chúng,  lúc trụ trì đến trong chúng, vào trong Tăng đường thì đánh 7 tiếng, khi thọ trai, ăn cháo hạ đường, phóng tham, uống trà, tuần đường… đánh 3 tiếng. Nếu Trụ trì không đến tăng đường, hoặc nghỉ ngơi thì không được đánh”.

Bộ Sắc Tu Bách Trượng Thanh Qui chép: “Khi đánh đại chung, Tăng đường chung, điện chung là Trụ trì lên điện Phật thắp nhang”.

Lại nữa bộ Sắc Tu Bách Trượng Thanh Qui phần Thỉnh Tăng Thủ Tọa chép: “Đương ty hành giả đánh chuông Tăng đường  đại chúng đồng trở về liêu”.

– TRAI CHUNG: Chuông an trí tại trai đường.

– ĐIỆN CHUNG: Chuông an trí tại chánh điện. Có thuyết khác cho rằng: Điện chung là tên gọi khác của Tiểu chung và Bán chung. Lại nữa chương pháp khí cũng nói: Điện chung: “Trụ trì hai thời lên điện Phật thắp nhang thì đánh 7 tiếng”

– NHẬP ĐƯỜNG CHUNG: Bộ Thiền Lâm Tượng Khí Tiên phần Bái Khí Môn chép: “Đường là Tăng đường vậy. Khi đại chúng thọ trai vào trong tăng đường  thì đánh 18 tiếng đại chung do đó gọi là Nhập đường chung,  đây cũng là tín hiệu để vào tăng đường”.

Trong quyển Vĩnh Bình Thanh Qui phần  Phó Chúc Phạn Pháp chép: “Nhập đường chung cũng là tín hiệu vào trai đường khi ăn cháo, sau khi khai tĩnh, khi thọ trai, đánh  ba tiếng trống trước mọi người đến chỗ ngồi, còn khi thọ trai đánh ba tiếng trống sau”.

– BIÊN CHUNG: Chuông treo một mình gọi là chung còn treo theo thứ lớp lớn nhỏ gọi la Biên chung, đây thuộc loại nhạc khí của triều đnh.

Theo quyển Luận Ngữ Đồ Giải của Mao Bội Kỳ chép: “Biên chung ở Trung Quốc dùng để tế tự, thấy xuất hiện từ đời nhà Thương và có trên 3500 năm lịch sử. Vo thời cổ đại dng Biên chung ở cung đình để diển tấu âm nhạc,  rất ít lưu truyền ở dân gian, mỗi khi triều kiến nhà vua, gặp lúc chinh chiến, tế tự đều phải đnh chuông nầy”. Chuông nầy treo nhiều cái theo thứ tự lớn nhỏ trên một cái giá nên khi đnh âm thanh phát ra tiết tấu cũng khác nhau”.

– BÁO CHUNG: Thường được treo ở thiền đường mỗi ngày vào lúc sáng sớm trước hết phải đánh chuông nầy, sau đó đại chuông mới đánh lên (phần nầy đã được đề cập rõ ở mục cách đánh chuông của các tông phái).

– GIA TRÌ CHUNG: Loại chuông nầy miệng hương lên trên, dùng để đánh lên trong lúc tụng kinh bái sám. Tiếng chuông gia trì đ?ợc sử dụng khi bắt đầu tụng tụng kinh, còn ở trong thời kinh thì đánh lên để trợ hơi,  báo hiệu sắp hết đoạn kinh đang tụng hoặc chuyển sang câu niệm Phật… Cũng thường đánh lên khi lạy một mình, gặp lúc đông người thì đánh lên để báo hiệu cho mọi người cùng lạy cho đều, loại chuơng nầy người Hoa gọi là Khánh.

– KHÁNH: Ngày nay trong tự viện dùng đồng đúc thành có  hình dáng như cái bát đặt trên cái kệ để bên trái của điện Phật, lúc tụng kinh hay các pháp hội đều do thầy duy na sử dụng, ở Trung Hoa từ đời Tống trở về sau các tự viện đều sử dụng loại khánh nầy. Khánh được sử dụng trong lúc niệm tụng, do thầy duy na điều khiển. Khi vị Trụ trì, các bậc ôn túc, vua quan… lễ Phật đều đánh 3 tiếng. (Theo Phật Quang Đại Từ Điển tr 6274).

NĂNG LỰC CỦA TIẾNG CHUÔNG

Theo tín ngưỡng của Phật giáo đồ cho rằng âm vang của chuông thần biến khắp muôn nơi vạn hương, làm vơi bớt nỗi đau khổ của cuộc đời, thấu đến cõi địa ngục u ám, chúng sanh nào bị đọa nơi địa ngục nhờ nghe tiếng chuông nầy liền được giải thoát. Lại nữa tiếng chuông chùa thanh thoát của có thể giúp cho loài quỉ đói nhẹ bớt lòng tham lam sân hận giải thoát kiếp đọa đày. Tín đồ Phật giáo quan niệm rằng khi đánh chuông nhờ năng lực của chuông mà âm siêu dương thới nên thường phía bên trong họ dán những tên họ vào để cầu người chết mau siêu thoát kẻ sống chóng qua khỏi tai ương… Quyển A Dictionnary of Symbols (London, 1692, trang 23) cho rằng âm thanh của chuông là biểu trưng của năng lực sáng tạo. Chuông treo lơ lửng là tượng trưng cho sự huyền bí của trời đất. Hình dáng của chuông xuất phát lấy từ hình vòm trời.

Phần Thánh Tiết, Bộ Sắc Tu Bách Trượng Thanh Qui chép: “Đánh đại chung vì để vân  tập Tăng chúng lên đại điện và cảnh tỉnh sự hôn trầm”.

Tiếng chuông đầu hôm là nhắc nhở mọi người biết rằng cơn vô thường đến với tất cả chúng ta bất kỳ lúc nào không hứa hẹn, thời gian rất ngắn ngủi và nhanh chóng, đánh vào lúc gần sáng là khuyên mọi người hãy tinh tấn tu hành hầu thoát khỏi cảnh khổ đau không vướng mắc vào con đường tội lỗi, mau vượt ra vùng luân hồi sanh tử. Tiếng chuông sớm hay chiều không những cảnh tỉnh dương thế mà còn lan toả khắp cùng pháp giới thấu suốt đến chốn điạ ngục đau khổ tối tăm.

Ý nghĩa số tiếng khi đánh chuông:

Nhịp hai tiếng: Tiêu biểu cho nhị đế – tục đế và chơn đế. Ý nói chân lý của Phật dung thông không ngăn ngại, bao trùm khắp cả pháp thế gian và xuất thế  gian.

Lôi thất: Tiêu biểu cho thất chi tội. Hành giả sau khi đoạn trừ được bảy chi tội nầy thì liền chứng vào thất giác chi: Trạch pháp, khinh an, hỷ, trừ, xả, định, niệm.

Đánh ba tiếng: Chúng sanh từ bấy lâu do ba nghiệp sáu căn gây tạo nhiều tội lỗi về sau sẽ đọa vào ba đường dữ địa ngục ngạ quỉ súc sanh. Nhưng cũng có ý nghĩa là trừ ba độc tham sân si để vượt lên ba giải thoát chứng đắc ba đc: Pháp thân đức, bát nhã đức, giải thoát đức.

Đánh 108 tiếng: Tượng trưng cho diệt trừ hết 108 phiền não, 108 tam muội mỗi chày đánh lên mà thành tựu.

Bộ Cam Châu chép: “Phàm đánh 108 tiếng chuông là để tương ứng với con số 12 tháng 24 khí 72 hầu”.

Dứt bốn tiếng: Một hành giả dành trọn đời mình tu tập theo giáo pháp của Đức Phật không ngoài mục đích là sao cho tiêu trừ được bốn tướng sanh lão bệnh tử và chuyển thành bốn trí:

*Thành sở tác trí: Năm thức trước nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý.

*Diệu quan sát trí: Thức thứ sáu –  Ý thức.

* Bình đẳng tánh trí:  Thức thứ bảy – Mạt Na thức.

* Đại viên cảnh trí: Thức thứ tám – A Lại Da thức.

Hành giả khi nghe tiếng chuông sẽ liền chắp tay phát nguyện:

Phiên âm

Nguyện thử chung thinh siêu Pháp giới,
Thiết vi u ám tất giai văn,
Văn trần thanh tịnh, chứng viên thông,
Nhất thiết chúng sanh thành chánh giác.

Dịch nghĩa:

Cầu tiếng chuông nầy thấu các pháp giới
Trong Thiết Vi tối tăm thảy đều nghe
Việc trần trong sạch chứng bực viên thông
Tất cả chúng sanh thành chánh giác.

Với năng lực siêu nhiên ấy, tiếng chuông có thể làm cho con người vơi đi biết bao phiền não, phát sanh trí huệ nuôi lớn tâm bồ đề khiến cho chính mình thoát khỏi ba đường ác và thành tựu được đạo quả giải thoát. Như vậy tâm nguyện tự lợi lợi tha luôn luôn hiện hữu trong mỗi hành giả  khi nghe tiếng chuông:

Phiên âm:

Văn chung thinh, phiền não khinh;
Trí huệ trưởng, bồ đề sanh,
Ly địa ngục, xuất hỏa khanh
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.

Án dà ra đế da ta bà ha (3 lần)

Dịch nghĩa:

Nghe tiếng chuông phiền no nhẹ
Trí huệ lớn đại đạo sanh
Lìa địa ngục khỏi hầm lửa
Cầu thành Phật độ các loài.

Án dà ra đế da ta bà ha. (3 lần)

Đây chính là tán thán sự diệu dụng sâu xa khó nghĩ bàn của tiếng chuông. Ngoài ra tiếng chuông khi phát ra còn nói lên sự vận hành của vũ trụ, tiêu biểu chơn lý của một Tôn giáo.

Song tiếng có ba loại khác nhau:

1. Tiếng có chấp thọ chủng lớn là tiếng của tất cả loài hữu tình.

Tiếng không chấp thọ chủng lớn là tiếng gió, mưa… của tất cả loài vô tình phát ra.

Tiếng cả hai chấp thọ chủng lớn, phải đợi người (hữu tình) dùng chày gỗ (vô tình) đánh vào tiếng mới phát ra. Chính là tiếng chuông nầy vậy.

Chuông được dùng chày gỗ để đánh: Theo ngũ hành tướng sanh và ngũ hành tương khắc thì kim khắc mộc chính vì thế dùng chày gỗ đánh chuông thì tiếng sẽ kêu to và vang xa. Hơn nữa chày có chạm hình con cá. Theo quyển Mười Vạn Câu Hỏi Vì sao NXB Văn Hóa Sài Gòn: “Cá không có mi mắt do đó khi ngủ cá không thể nhắm mắt”. Và cá là loài thích hoạt động, ngụ ý là khi đánh tiếng chuông vang ra có công năng thức tỉnh lòng người.

Hơn nữa Phật pháp không lìa tất cả các pháp thế gian, khi nhìn thấy chiếc lá rơi, dòng nưóc chảy, một áng mây bay trên nền trời… đều là những cảnh tượng để ta quán chiếu lại tự tâm nương vào ngoại cảnh để tỏ suốt nguồn tâm, không hướng ngoại để truy cầu.

SỰ MẦU NHIỆM CỦA TIẾNG CHUÔNG 

Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Khi đánh chuông hành giả phải  nguyện các khổ trong tất cả đường dữ đều dừng nghỉ. Nếu có ai được nghe tiếng chuông và nói kệ khen ngợi thì diệt trừ được tội nặng trong 500 ức kiếp sanh tử?.

Ngài Bách Trượng nói: “Tòng lâm đánh chuông, đánh buổi sớm là phá hôn trầm đêm dài; đánh buổi tối là trừ sạch nỗi khổ chốn u minh. Dang chày cho hưỡn, kéo tiếng cho dài”.

Như ngày xưa Hòa Thượng Chí Công giúp đạo nhãn cho Võ Đế thấy tướng khổ địa ngục.

Đế hỏi:

– Lấy chi dứt được?

Chí Công Nói:

– Duy nghe tiếng chuông thì khổ ấy tạm dứt, Đế bèn hạ chiếu chùa am trong thiên hạ. Phàm đánh chuông tiếng phải chậm rãi.

Kinh Tạp Thí Dụ nói: “Dù bất cứ nơi đâu hễ nghe tiếng chuông đương nằm phải ngồi dậy, chắp tay phát khởi thiện tâm”. Thế nên người xưa răn dè:

Văn chung ngoạ bất khởi
Hộ pháp thiện thần sân
Hiên tiền giảm phước huệ
Lai báo đoạ xà thân.

(Nghe tiếng chuông mà chẳng chịu thức dây, hộ pháp long thiên nóng giận, hiện tại phước huệ tiêu mòn và đời sau sẽ đoạ làm thân rắn).

Truyện Phó Pháp Tạng chép: “Vua Kế Nị Tra vì chiến tranh sát hại nhiều sanh linh, khi chết đoạ làm loài cá to có ngàn đầu, vầng gươm quanh theo thân mà múa, vừa chặt liền mọc đầu lại, trong phút chốc đầu đầy khắp biển cả. Vị La Hán làm Duy Na trong Tăng, đánh chuông đúng thời, nếu nghe tiếng chuông thì vầng gươm ngừng bay ở trên hư không, vì cớ đó cậy người vào thưa nên đánh chuông lâu dài, cho tôi hết khổ. Qua 7 ngày sau quả nhiên hết thọ khổ?.

Lại đời Đường, đất kinh sư có vị Tăng ở chùa Đại Trang Nghiêm tên là Tam Quả, có người anh theo vua Đường đi vào Nam, giữa đường chết, vì không giữ gìn trai giới, nên đọa vào địa ngục hầm lửa, nhờ chùa Thiền Đình đánh chuông, tiếng vang thấu đến địa ngục, lúc ấy những người đồng thọ khổ đều sanh về cõi vui.

Kinh Tăng Nhất A Hàm chép: “Mỗi khi nghe tiếng chuông ngân lên thì các hình phạt trong ác đạo đều dừng nghỉ, chúng sanh nào đang chịu hình phạt  cũng được tạm thời yên vui. Nghe được tiếng chuông là phiền não nhẹ vơi”.

Quyển Phật Tổ Thống Kỷ, phần truyện Đại Sư Trí Giả cũng chép: “Nghe tiếng chuông hay sanh thiện tâm, tăng thêm chánh niệm”.

 

CHUÔNG TRỐNG BÁT NHÃ TRONG ĐẠO PHẬT 

Trong tòng lâm khi cử hành khoá lễ, trước giờ khởi sự và sau khi chấm dứt đều có  nghi thỉnh chuông trống Bát nhã. Nghi thức nầy cử lên để cung thỉnh chư Phật thiên long bát bộ và Tăng chúng hướng về bảo điện chứng minh cho buổi lễ được trang nghiêm thanh tịnh. Song ở Việt Nam ta việc sử dụng chuông trống bát nhã cũng có sự sai khác theo từng miền:

Miền Nam thì đánh tám tiếng “Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa” cho mỗi chập – mỗi lần đánh phải đủ ba hồi chín chập.

Miền Trung thì đánh theo bài kệ:

Phiên âm:

“Thỉnh Phật thượng đường
Đại chúng đồng văn
Bát nhã âm
Nhập Bát nhã Ba La Mật Đa (3lần)”.

Dịch nghĩa:

(Cung thỉnh chư Phật quang giáng điện đường, đại chúng đều được nghe âm thanh bát nhã thể nhập được pháp môn Ba La Mật).

Hay

Phiên âm:

Bát nhã hội
Thỉnh Phật thượng đường
Đại chúng đồng văn
Bát nhã âm
Phổ nguyện pháp giới
Đẳng hữu tình
Nhập bát nhã
Ba la mật môn.

Dịch nghĩa:

(Hội bát nhã thỉnh Phật quang giáng điện đường, đại chúng đều được nghe âm thanh bát nhã vang khắp pháp giới. Các chúng hữu tình đều thâm nhập được chân lý bát nhã, thể chứng được pháp môn Ba La Mật).

Âm vang của chuông trống bát nhã sẽ hoà nhập cùng tm niệm của hnh giả tạo  thành một thể tánh duy nhất. Thường thì chuông trống bát nhã được cử lên ba hồi lúc bắt đầu cuộc lễ, khi chấp dứt thì cũng đánh ba hồi, và có khi đánh một hồi tùy theo nghi tiết. Ngoài việc nghinh tiếp cung tiễn chư Phật, long thiên hộ pháp ra, việc đánh chuông trống Bát nhã còn tượng trưng cho ý nghĩa tinh thần rất lớn. Khi nghe âm vang oai hùng thanh thoát của chuông trống bát nhã mà mọi người đang có mặt trong buổi lễ không ai bảo ai đều phải đứng dậy lắng lòng thanh tịnh chắp tay trang nghiêm hướng về ba ngôi cao quí thu nhiếp thân tâm vào chánh niệm.

Hơn thế nữa trong xã hội phong kiến, chuông trống bát nhã còn được đánh lên đễ rước đưa vua quan khi đến đến viếng chùa.

Sách Tam quốc Chí diễn nghĩa hồi thứ 27 – “Quan Công Qua Năm Cửa Quan Chém Sáu Tướng Tàu” chép:

Sau khi Quan Công bị Hàn Phúc bắn trộm  trúng vào cánh tay trái trọng thương, ông đi đến cửa Nghi Thủy. Tại đây Biện Hỉ định ngầm hại nhưng may gặp sư phổ Tĩnh ở chùa Trấn Quốc, vốn là người đồng hương thị ý cho biết âm mưu của Biện Hỉ. Nhờ đó mà được thoát nạn và tiếp tục hộ tống hai người chị dâu sang Huỳnh Dương…

Đoạn tới chùa Trấn Quốc :“… Quan Công mừng lắm, lên ngựa với Biện Hỉ qua cửa Nghi Thuỷ. Đến trước chùa Trấn Quốc, hai người xuống ngựa các sư đánh chuông ra đón…?.

Trong nghi  lễ của Phật giáo, chuông trống bát nhã là một nghi tiết rất cần thiết để tăng thêm sự trang trọng.

NGHI THỈNH CHUÔNG

Ngoài những Pháp hội lớn và nghinh đón những vị cao Tăng ra, mỗi ngày còn đánh chuông vào hai thời sáng và tối, mỗi lần 108 tiếng, hoặc có nơi đánh trọn cả thời kinh. Phương pháp đánh chuông cần phải chậm rãi thong thả. Thường thì đánh 3 hồi mỗi hồi có 36 tiếng tổng cộng là 108 tiếng (36 x 3 = 108). Hành giả khi đánh chuông trước hết thầm tưởng bài kệ:

Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới
Thiết vi u ám tất giai văn
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông
Nhất thiết chúng sanh thành chánh giác

(Thức hai tiếng nhỏ)

Hồng chung sơ (nhị, tam) khấu bảo kệ cao ngâm, thương thông thiên  đường hạ triệt địa phủ. (1 tiếng)

Thượng chúc Việt Nam quốc tộc thạnh trị thái bình

Tứ chúng Tăng Ni cao tăng phước huệ (1 tiếng)

Tam giới tứ sanh chi nội các miễn luân hồi

Cửu hữu thập loại chi trung tất ly khổ hải (1 tiếng)

Ngũ phong thập vũ miễn tao cơ cận chi niên,

Nam mẫu đông giao câu triêm Nghiêu Thuấn chi nhật (1 tiếng)

Chiến mã hưu chinh địa lợi nhơn hòa,

Trận bại thương vong câu sanh Tịnh Độ (1 tiếng)

Phi cầm tẩu thú la võng bất phùng,

Lãng tử cô tôn tảo hoàn hương tịch (1 tiếng)

Vô biên thế giới địa cửu thiên trường,

Viễn cận đàn na tăng diên phước thọ (1 tiếng)

Sa môn hưng thạnh Phật pháp trường thăng,

Thổ địa long thần an tăng hộ pháp (1 tiếng)

Phụ mẫu sư trường tồn vong lương lợi

Lịch đại tổ nể đồng đăng bỉ  ngạn (1 tiếng)

Nam Mô Thanh Tịnh Pháp Thân  Tỳ Lô Giá Na  Phật. (1 tiếng)

Nam Mô Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật. (1 tiếng)

Nam Mô Thiên Bá Ức Hoá Thân Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 tiếng)

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lăc Tôn Phật. (1 tiếng)

Nam Mô Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật. (1 tiếng)

Nam Mô Ngũ Đài Sơn Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. (1 tiếng)

Nam Mô Nga Mi Sơn  Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. (1 tiếng)

Nam Mô Cửu Hoa Sơn  Đại Nguyện  Đại Tạng Vương Bồ Tát. (1 tiếng)

Nam Mô Phổ Đà Sơn  Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. (1 tiếng)

Sở nguyện Việt Nam quốc tộc thạnh trị thái bình Phật nhật tăng huy pháp luân thường chuyển.

(Mỗi chữ 1 tiếng từ thưa đến nhặt)

Tạm dịch:

Cầu tiếng chuông nầy vang khắp nơi
Thiết Vi tù tội tự bao đời
Nghe rồi siêu thoát căn thanh tịnh
Chứng bậc viên thông tâm thảnh thơi.

(Thức hai tiếng nhỏ)

Hồng chung vừa dóng, kệ báu ngâm cao

Trên thông thiên đường, dưới suốt địa phủ. (1 tiếng)

Kính chúc:

Việt Nam đất nước, thạnh trị thái bình

Bốn chúng Tăng Ni, tăng thêm phước huệ. (1 tiếng)

Bốn loài ba cõi, sớm thoát luân hồi

Tất cả hàm linh, xa lìa biển khổ. (1 tiếng)

Mưa hoà gió thuận, đói khát tiêu trừ Khắp nơi thái bình, như thời Nghiêu Thuấn. (1 tiếng)

Ngựa thôi chinh phạt, địa lợi nhơn hoà

Chiến sĩ trận vong, sanh về Tịnh Độ. (1 tiếng)

Chim bay thú chạy, không gặp lưới hầm

Kẻ sống lang thang, sớm  về quê cũ. (1 tiếng)

Vô biên thế giới, trời đất vững bền

Tín thí khắp nơi, tăng thêm phước thọ. (1 tiếng)

Sa môn  hưng thạnh, Phật Pháp lâu dài

Thổ địa long thần, an Tăng hộ  pháp. (1 tiếng)

Mẹ cha sư trưởng, mất còn đều  lợi

Tổ tiên  nhiều đời, đồng lên bờ giác. (1 tiếng)

Nam Mô Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na  Phật. (1 tiếng)

Nam Mô Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật. (1 tiếng)

Nam Mô Thiên Bá Ức Hoá Thân Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 tiếng)

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lăc Tôn Phật. (1 tiếng)

Nam Mô Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật. (1 tiếng)

Nam Mô Ngũ Đài Sơn Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. (1 tiếng)

Nam Mô Nga Mi Sơn Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. (1 tiếng)

Nam Mô Cửu Hoa Sơn Đại Nguyện  Đại Tạng Vương Bồ Tát. (1 tiếng)

Nam Mô Phổ Đà Sơn Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. (1 tiếng)

Kính nguyện:

Việt Nam đất nước, thạnh trị thái bình, Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển.

 (Mỗi chữ 1 tiếng từ thưa đến nhặt)

Trong Phật giáo sự nương lý mà khởi, sự cũng hay hiển lý. Đánh 108 tiếng chuông là mong sao cho 108 phiền não tiêu tan, tâm bồ đề tăng trưởng chính vì vậy mà Phật giáo cũng xưng là “Bá Bát Chung”.

NHỮNG BÀI KỆ CHUÔNG 

a. Kệ chuông cho năm canh.

Canh một

Nhất canh dĩ đáo thường thiền sàng
Tam nghiệp tịnh trừ đỗ thánh nhan
Thâm tín Phật ngôn hằng niệm Phật
Chỉ tu nhất hương vãng Tây Phương.

(Canh đầu đã đến chuẩn bị lên giường ngồi thiền, ba nghiệp sạch hết thì thấy dung nhan đức Phật, tin theo lời Ngài dạy thường nên niệm Phật, và chỉ một lòng hướng đến cõi Tây phương thôi).

Canh hai

Nhị canh dĩ đáo lự hư không
Thỉ giác phù sanh nhất mộng trung
Niệm Phật nhất tâm vô gián đoạn
Viên minh nhất điểm tận linh thông.

(Canh hai đến rồi bặt dứt lo nghĩ trong lòng trống rỗng như hư không, thế mới biết kiếp phù sanh chỉ là một giấc mộng. Vậy ta hãy nên nhất tâm niệm Phật khiến cho không gián đoạn, niệm đến khi một điểm  tròn đầy sáng suốt rồi thì linh thông tất cả).

Canh ba

Tam canh dĩ đáo khiển thùy ma
Thấu khẩu liên tâm tọa kết già
Niệm Phật nhất tâm vô tạp tướng
Công thành quả mãn kiến Di Đà.

(Canh ba đến rồi hãy mau đánh tan con ma ngủ đi, súc miệng lắng lòng thanh tịnh ngồi kết già. Nên nhất tâm niệm Phật khiến cho tạp tướng không xen vào, đến khi công viên quả mãn nhất định thấy Phật Di Đà).

Canh tư

Tứ canh dĩ đáo tận diên sanh
Tịnh mặc tầm đầu diễn phạm âm
Phật quốc phi diêu thiên bất viễn
Nguyên lai chỉ tại nhất tâm thành.

(Canh bốn đến rồi mạng sống cũng dần giảm, nên lẳng lặng tham tầm và diễn bày lời kinh tiếng kệ. Nếu hiểu được như thế thì dù cho nước Phật hay cõi trời cũng chẳng xa xôi, nhưng phải biết rằng tất cả ở chỗ một lòng thành mà thôi).

Canh năm

Ngũ canh dĩ đáo pháp môn khai
Phổ nguyện đồng đăng bát nhã đài
Liểu triệt tam thừa dung nhị đế
Cao huyền huệ nhật tịnh vân mai.

(Canh năm đã đến cửa pháp cũng mở ra, nguyện cho khắp tất cả mọi loài đều lên đài bát nhã, rõ suốt ba thừa dung thông giữa tục đế và chơn đế, mặt trời trí tuệ sáng suốt cao vời vợi sẽ xua tan những đám  mây mù buổi sớm).

b. NHỮNG BÀI KỆ CHUÔNG KHÁC.

Kệ chuông tọa thiền tối.
Sơ canh dĩ đáo thường thiền sàng
Tam nghiệp tịnh trừ đổ thánh nhan
Thâm tín Phật ngôn thường niệm Phật
Chỉ tu nhất hương nhập Linh San.

(Canh đầu đã đến rồi chuẩn bị lên giường ngồi thiền, ba nghiệp sạch hết thì thấy dung nhan đức Phật, tin theo lời Ngài dạy thường nên niệm Phật, và chỉ một lòng hướng đến chốn Linh Sơn).

Kệ chuông tọa thiền khuya.
Ngũ canh dĩ mãn pháp môn khai
Truy bạch đồng đăng bát nhã đài
Liễu triệt tam thừa dung nhị đế
Cao huyền huệ nhật kiến Như Lai.

(Canh năm đã mãn cửa pháp cũng mở ra, nguyện cho tất cả người xuất gia tại gia đều lên đài bát nhã, rõ suốt ba thừa dung thông giữa tục đế và chơn đế, khi mặt trời trí tuệ cao vời vợi soi tỏ thì thấy được Như lai).

Kệ chuông trưa.
Kình chùy cử xử ngục môn khai
Đẳng đẳng chư vong thính pháp lai
Phật hiệu kinh thinh siêu khổ hải
Hàm linh thoát hoá thường kim giai.

(Chày kình đã khua vừa lúc ấy cánh cửa địa ngục cũng mở toang, các vong linh mau mau đến đây để nghe pháp, nương nhờ lời kinh tiếng kệ và danh hiệu Phật mà vượt khỏi biển khổ, tất cả hàm linh đều giải thoát hướng lên bờ  giác ngộ).

Khai chuông khuya.
Ngũ canh chuông động vật tham miên
Đẩu tẩu tinh thần hướng Phật tiền
Nhất bái nhất thinh xưng thánh hiệu
Hoa trì dĩ chủng nhất chi liên.

(Năm canh chuông đóng chớ mê ngủ nữa, mau mau phấn chấn tinh thần hướng đến Phật đài, mỗi niệm mỗi câu đều xưng danh hiệu, ngay lúc ấy ao sen đã trổ một bông vàng).

Thâu chuông khuya.
Chung thinh cửu thập hựu lôi chùy
Tịnh diện tăng già đẳng tri
Tham phóng tứ thời tuân khổ chế
Hạ đơn lưỡng bộ các oai nghi.

(Dộng 90 tiếng chuông lại đổ hồi, báo cho tất cả chư tăng đều hay biết, tham thiền ngày 4 thời thảy noi theo phép tắc, khi xuống giường cất bước phải sửa sang đầy đủ các oai nghi).

Khai chuông tối.
Sơ canh dĩ đáo khán đơn thiền
Cá cá tham tầm thập nhị duyên
Liễu đắc vị sanh tiền phụ mẫu
Tham phương bất nhậm Tổ sư truyền.

(Canh đầu đã đến rồi nên ngồi thiền, ai nấy đều phải tham cứu 12 nhân duyên, hiểu rõ được câu: “Khi cha mẹ chưa sanh ta là ai”, thế mới không uổng công sức tham phương học đạo với những gì Tổ sư đã truyền thừa).

Thâu chuông tối.
Sơ canh dĩ mãn vô thượng tấn tốc
Ngưỡng lao đại chúng an tọa tịnh trung
Văn chung thinh nhất tâm kế niệm
Nam mô A Di Đà Phật.

(Canh đầu đã mãn cơn vô thường đến thật mau chóng, ngưỡng mong đại chúng an tọa trong chánh niệm, nghe tiếng chuông phát khởi chánh niệm. Nam Mô A Di Đà Phật).

Khai chuông tối.
Bồ Lao nhất chuyển hướng chung thinh
Phạm sát kình chuỳ chấn địa minh
Lục thú tài văn phiền não tức
Tam đồ xạ thính khổ toan định.

(Bồ lao một khi chuyển động thì nghe tiếng chuông vang lên, chày kình ở chốn phạm sát làm chấn động cả cõi địa ngục, sáu nẻo vừa nghe dứt hết phiền não và ba đường cũng liền dừng nghỉ hình phạt).

Thâu chuông tối.
Nghe chuông mau lẹ chớ dần dà
Đêm lụn canh tàn bóng xế qua
Khi mất thân người ôi khó được
Siêng tu giải thoát niệm Di Đà.
Khai chuông chiều
Mộ thời chung động nguyện chư linh
Tốc phó liên đài thoát địa minh
Nghiệp chướng tận trừ qui lạc quốc
Vãng lai tam giới độ mê tình.

 (Dộng chuông buổi chiều nguyện cho các vong linh, mau thoát chốn địa ngục bước lên đài sen, phủi sạch nghiệp chướng để về nước Tây phương Cực lạc, qua lại ba cõi để độ người mê).

Thâu chuông chiều
Khấu chuông dĩ mãn cửu liên khai
Đại chúng kiên trì tịnh giới trai
Trú dạ tứ thời hằng niệm Phật
Đồng qui Tịnh độ kiến Như Lai.

(Dộng chuông vừa xong thì hoa sen chín phẩm cũng nở ra, đại chúng nên  trì trai giữ giới. Ngày đêm sáu thời nên thường xuyên niệm Phật, để cùng về Tịnh độ gặp đức Như Lai).

CÁCH ĐÁNH CHUÔNG CỦA CÁC TÔNG PHÁI.

 Báo chuông thường được treo ở thiền đường mỗi ngày vào lúc sáng sớm trước hết phải đánh chuông nầy sau đó đại chuông mới đánh lên. Ở phía dưới báo chung luôn có treo một bảng gỗ. Loại bảng gỗ nầy tuỳ theo tông phái của thiền tông mà hình dáng cũng khác nhau:

Tông Lâm Tế làm bảng hình chữ nhật ngang.
Tông Tào Động làm bảng hình chữ nhật đứng.
Tông Pháp Nhãn làm bảng hình tam giác.
Tông Qui Ngưỡng làm bảng hình bán nguyệt.
Tông Vân Môn làm bảng hình tròn.

Mỗi ngày khi đến giờ toạ thiền thì gõ bảng đánh chuông để báo hiệu đến giờ chỉ tĩnh. Qui củ đánh bảng và chuông của mỗi tông phái cũng bất đồng.

Tông Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn mỗi ngày đánh 4 lần tức khoá lễ buổi sáng, điểm tâm, buổi ngọ trai và chiều tối. Cách đánh mỗi lần:

1/ Một bảng một chuông.
2/ Hai bảng một chuông.
3/ Ba bảng một chuông.

Ngày đánh 4 lần như thế thì tổng cộng có 36 tiếng.

Tông Qui Ngưỡng và Vân Môn mỗi ngày đánh 3 lần tức vào lúc ăn điểm tâm, giờ ngọ trai và thời khoá tối.

Cách đánh mỗi lần:

1/ Một bảng một chuông.
2/ Hai bảng hai chuông.
3/ Ba bảng ba chuông.

Ngày đánh ba lần như thế thì tổng cộng có 36 tiếng.

Sách Thiền Môn Nhật Tụng chép: “Chuông bảng 5 tông phái, tổng cộng đều có 36 tiếng nếu như bớt đi hoăc thêm vào thì không phải là đạo Phật vậy, Tây lai ý, chánh pháp Nhãn tạng, hàng trời người đều suy tôn Pháp Phật, thanh qui Tổ sư phải tôn trọng! Tôn trọng!”.

Tòng Lâm ngày xưa vị Tăng trông coi việc đánh chuông đó gọi là Chung đầu. Tri khách ra lệnh cho chung đầu đánh ba tiếng chuông để tri khách thắp nhang”. Theo quyển 8 Bách Truợng Thanh Qui Chứng Nghĩa Ký (Vạn Tục 111, 428 thượng).

LỊCH SỬ CHUNG BẢN NĂM TÔNG PHÁI 

1. Tông Qui Ngưỡng:

Người khai sáng tông này là Thiền sư Linh Hựu. Vì đệ tử của Ngài là Tuệ Tịch trụ tại Qui Sơn ở Đàm Châu, và Ngưỡng Sơn ở Biểu Châu cả hai cng xiển dương tông phong của môn phái, nên đời sau gọi chung là tông Qui Ngưỡng. Thiền sư Linh Hựu (771 – 853) qua Trương Khâu Phúc Châu, 15 tuổi xuất gia với sư Pháp Thương ở chùa Kiến Thiện, thọ cụ túc giới tại chùa Long Hưng – Hàng Châu, nghiên cứu sâu rộng Kinh Luật của hai thừa. Năm 23 tuổi, vân du qua Giang Tây tham yết với tổ Bách Trượng Hoài Hải, được tổ khí trọng.

Cuối niên hiệu Nguyên Hòa (820), vâng lời của Hoài Hải đến Qui Sơn khai pháp, kiến tạo tự viện do vì sau đó gặp nạn Đường Vũ Tông (841 – 846) diệt chùa, đuổi tăng, sư phải hóa trang trốn tránh.

Đầu năm Đại Trung (847), quan sứ Hồ Nam tên là Bùi Hưu thỉnh sư về  chùa cũ, và đổi tên chùa lại là Đồng Khánh tự. Thiền phong từ đó hưng thạnh, Thiền giả đến tham học đang đc có lúc hơn 1.500 người. Hơn 40 người nối pháp, đứng đầu là: Tuệ Tịch và Trí Nhàn.

Thiền Sư Linh Hựu hoằng dương Phật pháp trên 40 năm, ngi viên tịch vào năm Đại Trung thứ bảy (853).

Trong Ngũ gia tông phi Qui Ngưỡng tông hưng khởi rất sớm, nhưng suy vong cũng nhanh, sự truyền thừa chừng khoảng 150 năm.

Qui Sơn Linh Hựu nói: “Một trăm năm sau, ta xuống núi làm con trâu, trên lưng có hiện ba chữ là “Trâu núi Qui”. Vì thế kiểu chung bảng của tông Qui Ngưỡng là hình tam giác. Câu chữ là “Tam loại hóa thân”.

2. Tông Lâm Tế:

Người khai sáng Tông này là Thiền sư Nghĩa Huyền. Vì phong cách hoằng dương đặc biệt theo tơng môn tại Thiền viện Lâm Tế ở Trấn Châu nay thuộc tỉnh Hà Bắc, do đó mà đời sau gọi là Tông Lâm Tế.

Thiền sư Nghĩa Huyền người huyện Nam Hoa Tào Châu. Sau khi xuất gia Ngài đi du phương học đạo, từng đến tham học với Thiền sư Hy Vận ở núi Hoàng Bá Hồng Châu và Thiền sư Đại Ngu ở Than Đầu Cao An.

Năm thứ 8 đời Đường Đại Trung (854), ngi đến Trấn Châu sng lập viện Lâm Tế bên bờ sông Hô Đà, tiếp Tăng độ chúng, tông phong từ đời mà hưng thạnh. Sư viên tịch vào ngày 10 tháng 4 năm Hàm Thông thứ tám (867).

Lục Tổ bảo Hoài Nhưỡng rằng: “Tổ Bát Nhã Đa La có huyền ký là dưới chân người sẽ xuất hiện một con ngựa giỏi giày đạp chết cả thiên hạ?. Vì thế kiểu chung của tông Lâm Tế là hình chữ nhật ngang. Câu chữ là “Hoành hành thiên hạ?. Người xưa sửa lại là “Hoành biến thập phương”.

3. Tông Tào Động:

Người khai sáng tông này là Thiền sư Lương Giới, đệ tử truyền thừa của ngài là Thiền sư Bổn Tịch trước sau trụ tai huyện Động Sơn Cao An Giang Tây và Tào Sơn ở huyện Cát Thủy hoằng dương tông phong, nên đ?i sau mới gọi tông này là Tào Động.

Thiền sư Lương Giới (807 – 889) qu Chữ Kỵ nay thuộc huyện Chữ Kỵ, Chiết Giang, trước thọ giới với Ngũ Trệ Linh Mặc, sau đi khắp nơi tham học, từng tham yết cc thiền sư như:  Phổ Nguyện, Linh Hựu và Đàm Thạnh. Pháp tự của Lương Giới có Vân Cư Đạo Ưng và Tào Sơn Bổn Tịch chừng 26 người.

Tông Tào Động này đến đời Thiền sư Bổn Tịch thì phát triển mạnh. Bổn Tịch người Bồ Điền Tuyền Châu, năm 19 tuổi xuất gia, ngài đến tận Cao An bái Lương Giới làm thầy học Phật. Pháp hệ Tào Sơn truyền đến đời thứ tư thì hết, nhưng nhờ pháp mạch của pháp tự của Động Sơn là Vân Cư Đạo Ưng mà được lu di.

Đạo Ưng (865 – 902) người Ngọc Điền U Châu. Sau khi xuất gia, có thời gian dài chỉ chuyển nghin cứu luật chứ không nghiên cứu Phật học, sau theo Lư?ng Giới học pháp ma thâm nhập  huyền chỉ.

Vân Cư Đạo Ưng lại truyền pháp cho Đồng An Đạo Phi, Đồng An Quan Chí, Lương Sơn Duyên Quan và Thái Dương Cảnh Huyền.

Trong năm tông nhà Thiền thì tơng Qui Ngưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn từ đời Tống về sau đều thất truyền, chỉ có hai tông Lâm Tế và Tào Động là còn tồn tại, nhưng pháp mạch của Tào Động không rộng bằng Lâm Tế, cho nên mới có câu : “Lâm Tế trùm khắp thiên hạ, Tào Động chỉ có một góc”.

Đến đời Thanh  tông Tào Động chỉ còn hai hệ phái là: Thọ Xương và Vân Môn, nhưng sau Tuệ Kinh thì hệ phái Nguyên Lai đã không còn dấu vết khảo cứu, còn hệ phái Nguyên Hiền thì sau cuộc vận động của Thái Bình Thiên Quốc cũng không còn chấn hưng nữa, chỉ có hậu duệ của Viên Trừng nơi các chùa ở vng Giang Nam tránh được binh hỏa, cho nên tồn tại được lu di.

Động Sơn Lương Giới khi hành cước qua khe suối thấy trời in bóng dưới đáy nước mà khai ngộ. Vì thế kiểu chung bảng tông Tào Động là hình đứng (chữ nhật  đứng). Câu chữ là “Lập địa đăng thiên”, người xưa sửa lại là “Đảnh thiên lập địa”.

4. Tông Vân Môn:

Người khai sáng Tông này là Thiền sư Văn Yển hoằng dương Tông phong riêng một phái tại Quang Thái Thiền viện ở núi Vân Môn Thiều Châu nay thuộc phía Bắc huyện Nhũ Nguyên, tỉnh Quảng Đông, do đó mà đời sau mới gọi Tông này là Vân Môn Tông.

Văn Yển (864 – 949) quê ở  Gia Hưng Tô Châu. Sau khi xuất gia, sư tham phỏng khắp các Thiền sư như Động Nhã, Sơ Sơn, Tào Sơn, Thiên Đồng, Qui Tông, Càn Phong, Quán Khê, cuối cùng đến Tào Khê lễ bái tháp Lục Tổ, tiếp là đến chỗ Linh Thọ Như Mẫn ở Phúc Châu, được Như Mẫn khí trọng. Sau sư kế thừa pháp tịch của Như Mẫn. Đến đời Trùng Hiển (980 – 1052) người Toại Châu, thì Tông phong Vân Môn đại chấn, xưng hiệu là Trung Hưng.

Tông Vân Môn phát hưng ở thời Ngũ Đại, đến đời Tống thì vô cùng long thạnh, và dần dần suy vi Nam Tống. Thời Tống mạt tuy có Viên Thông, Thiện Vương, Sơn Tế hoằng dương, pháp tịch xướng thạnh lại, nhưng đến đầu nhà Nguyên thì pháp hệ tiệt diệt, không còn cách nào khảo hạch được. Tông Vân Môn này, pháp mạch chỉ truyền được 200 năm.

Vân Môn Yển vẽ hình cái bánh ở vách, người đời nói rằng: “Bánh Vân Môn, trà Triệu Châu”, Vì thế kiểu chung bảng của Vân Môn là hình tròn. Câu chữ là “Viên mãn báo thân”.

5. Tông Pháp Nhãn :

Người khai sáng ra Tông này là Thiền sư Văn Ích, sau được Chúa Nam Đ?ờng ban cho thụy hiệu là “Đại Pháp Nhãn Thiền Sư”, nên hậu thế gọi Tông này là Pháp Nhãn Tông.

Thiền Sư Văn Ích (885 – 958) quê ở Dư Hàng, xuất gia năm 7 tuổi, sau đến chùa Dục Vương ở Ninh Châu theo Thiền sư Hy Giác học luật và tham cứu Phật điển, lại đi nhiều nơi tham học, nổi tiếng khắp nơi. Sau Thỉ Tổ của Nam Đường là Lý Thăng Kiến Quốc, thỉnh sư đến Kim Lăng, trụ tại Thiền viện Báo Ân, ban hiệu Tịnh Tuệ Thiền Sư. Sư có 63 pháp tự, trong đó Thiên Thai Đức Thiều đứng đầu.

Pháp Nhãn Tông là một trong ngũ gia tông phi của Thiền tông Trung Hoa được khai sáng sau cng. Văn Ích, Đức Thiều và Diên Thọ, thay nhau truyền thọ và cực kỳ long thạnh vào thời đầu nhà Tống, về sau dần dần suy vi.

Pháp Nhãn Văn Ích lãnh hội được câu nói của Vân Môn “Một gậy đánh chết rồi đem cho chó ăn, nhưng quí là làm sao cho thiên hạ thái bình”, Vì thế kiểu chung bảng của Pháp Nhãn là hình bát quái. Câu chữ là “Thiên hạ thái bình”.

 

CÁC GIAI THOẠI VỀ CHUÔNG 

TIẾNG CHUÔNG CHỈ RÕ TÁNH NGHE.

Kinh Lăng nghiêm chép:

Khi bấy giờ, đức Như Lai bảo ông La Hầu La đánh một tiếng chuông, rồi hỏi ông A Nan rằng: “ Ông có nghe chăng?” Ông A Nan và đại chúng đều nói: “Có nghe”.

Chuông hết ngân, không tiếng, Phật lại hỏi rằng: “Ông có nghe chăng?” A Nan và đại chúng đều đáp: “Không nghe”.

Khi đó, La Hầu La đánh một tiếng, Phật lại hỏi rằng: “Ông có nghe chăng?” A Nan và đại chúng đều nói: “Có nghe”.

Phật hỏi A Nan: “Thế nào thì có nghe, còn thế nào thì  không nghe?”.

A Nan và đại chúng bạch Phật: “Tiếng chuông nếu đánh lên, thì chúng con được nghe; đánh lâu tiếng hết, tăm vang đều không còn, thì gọi là không nghe”.

Như Lai lại bảo La Hầu La đánh chuông, rồi bảo A Nan rằng: “Theo ông bây giờ có tiếng không?”.

A Nan và đại chúng đều nói: “Có tiếng”.

Ít lâu tiếng dứt, Phật lại hỏi rằng: “Theo ông, bây giờ có tiếng không?”.

A Nan và đại chúng đều đáp: “Không tiếng”.

Lát sau, La Hầu La lại đánh chuông, Phật lại hỏi rằng: “Theo ông, bây giờ có tiếng không?”.

A Nan và đại chúng bạch Phật: “Tiếng chuông nếu đánh lên, thì gọi là có tiếng; đánh lâu tiếng hết, tăm vang đều không còn, thì gọi là không tiếng”.

Phật quở A Nan và đại chúng: “Hôm nay các ông sao nói trái ngược, lộn xộn như thế?”.

Đại chúng và A Nan đồng thời bạch Phật: “Phật bảo chúng con trái ngược lộn xộn, là sao?”.

Phật dạy: “Ta hỏi ông về nghe, thì ông nói là nghe, ta hỏi về tiếng, thì nói là tiếng, chỉ cái nghe và cái tiếng mà trả lời không nhất định như thế, sao lại không gọi là trái ngược lộn xộn? A Nan, tiếng tiêu mất, không tăm vang, thì ông gọi là không nghe; nếu thật không nghe, thì tính nghe đã diệt rồi, đồng như cây khô, khi tiếng chuông lại đánh lên, làm sao ông còn biết được. Biết có, biết không là tự cái tiếng hoặc không, hoặc có, đâu phải tính nghe kia vì đó mà có, mà không; nếu tính nghe thật là không, thì còn cái gì biết là không nữa.

Vậy nên A Nan, cái tiếng ở trong cái nghe tự có sinh, có diệt, không phải vì ông nghe cái tiếng sinh diệt, mà làm cho tánh nghe của ông thành có, thành không. Ông còn lộn lạo, lầm cái tiếng làm cái nghe, lạ gì chẳng mê mờ, lấy cái thường làm cái đoạn. Tóm lại, ông không nên nói rằng rời các thứ động tĩnh, đóng mở, thông bít, thì cái nghe không có tánh.

Như người ngủ mê, nằm trên giường gối; trong nhà có người, trong lúc ngườii kia ngủ, giã một cối gạo; người ấy trong chiêm bao nghe tiếng giã gạo, lầm thành vật khác, hoặc cho là đánh trống hoặc cho là đánh chuông. Tức trong chiêm bao người ấy cũng lấy làm lạ rằng sao tiếng chuông lại vang lên như cây, như đá. Khi chợt tỉnh lại, liền nghe tiếng chày, thì người ấy tự bảo người nhà rằng chính trong lúc chiêm bao, tôi đã lầm tiếng chày này là tiếng trống. A Nan! Người đó, trong chiêm bao, đâu nhớ những chuyện động tĩnh, đóng mở, thông bít; hình người kia tuy ngủ nhưng tánh nghe không mờ, dầu cho hình ông tiêu tan, thân mạng dời đổi diệt mất, làm sao tánh nghe ấy lại vì ông mà tiêu diệt được.

Do các chúng sinh, từ vô thỉ đến nay, rong rũi theo thanh sắc, theo niệm mà lưu chuyển, không hề khai ngộ bản tánh thanh tịnh hằng thường; không theo cái thường, chỉ theo các thứ sinh diệt, do đó, đời đời bị tạp nhiễm mà phải lưu chuyển.

Nếu bỏ cái sinh diệt, giữ tính chân thường; cái sáng suốt chân thường hiện tiền, thì các tâm niệm căn, trần, thức. Ngay đó đều tiêu mất; tướng vọng tưởng là trần, tánh phân biệt là cấu, hai cái đó đã xa rời, thì pháp nhãn của ông liền được trong suốt, làm sao lại không thành bậc vô thường chánh giác?”.

(Theo quyển 5 Kinh Lăng Nghiêm – Tâm Minh dịch)

TIẾNG CHUÔNG CHÙA HÀN SƠN.

Với sức diệu dụng cảm hóa không lường như thế tiếng chuông đã đánh thức lòng người, gợi cho con người một cảm xúc mãnh liệt với thiên nhiên cuộc sống các văn nhân mặc khách của nhiều triều đại cũng đã có không ít lời ca vịnh đối với tiếng chuông và từ đó tiếng chuông chùa  đã đi sâu vào văn học. Như bài “Phong Kiều Dạ Bạc” được xem là một kiệt tác của thi nhân Trường Kế.

Ngày xưa, đời Đường bên Trung Hoa nổi danh là thời văn thơ lỗi lạc và xuất phát nhiều danh sĩ nhất. Hồn thơ bao giờ cũng phảng phất trong tất cả mọi tầng lớp người: Từ bình dân đến trí thức và bậc quan trường thi sĩ, thậm chí các vị sư, chú tiểu ở nơi cảnh chùa thanh vắng cũng dào dạt ý thơ, thật biết bao nguồn cảm hứng của thi nhân.

Vào thời điểm kinh thành Trường An chìm trong khói lửa  mịt mù hoà cùng với tiếng reo hò vang dội của quân An Lộc Sơn, đã báo hiệu thời đại hoàng kim của triều đại Đuờng Minh Hoàng đến hồi phải loạn ly tan tác. Khi nhà vua chạy trốn sang đất Thục trong cảnh núi non hiểm trở, đêm nằm nhớ đến  hoàng cung  nguy nga lộng  lẫy nay đã vào tay của kẻ khác, thật đau đớn vô cùng. Và nhà thơ Trường Kế vốn là  một đại quan tiến sĩ Ngự Sử Đài, chẳng kịp hộ giá vương tôn lánh nạn nên đành xuống thuyền lưu lạc đến tận  miền Giang Nam. Đêm nọ ông đáp thuyền trên bến Cô Tô, nằm co ro trong khoang thuyền mơ màng ngắm cảnh. Trong đêm vắng cô liêu ấy ông nhìn  vầng trăng đang từ từ vươn lên trong bầu trời đen tối, trên bến nước tất cả sự vật như mênh mông xa vời trống vắng, duy chỉ có vầng trăng khuyết treo lơ lửng trên nền trời. Đêm càng về khuya, trăng càng sáng và sương cũng bắt đầu rơi, những chú quạ ăn đêm rướn cổ bay rời rạc kêu lên những tiếng não nùng trong đêm vắng. Mấy chiếc thuyền chài trên bến Cô Tô đậu san sát vào nhau chong những đốm lửa hồng lập lòe. Một cảnh thật nên thơ, có vẻ buồn buồn, mông lung lơ lửng! Hồn thơ trổi dậy, thi sĩ Trường Kế tức cảnh ngâm lên:

Phiên âm:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang Phong ngư hỏa đối sầu miên.

Dịch:

Quạ kêu trăng lặn sương rơi,
Lửa chài, cây bãi đối người nằm co.

Còn hai câu nữa thi nhân nghĩ không ra, ý thơ bị nghẹn, không sao làm trọn bài được. Lòng buồn tức tối vô hạn, chẳng hiểu vì sao mình bỗng cụt hứng như vậy, và cứ thế ông nằm nghĩ ngợi… Cũng vào giờ nầy, nơi chùa Hàn Sơn, vị Hòa thượng đang thong dong dạo cảnh trước sân, soát xét thấy sự tu hành của mình còn lờ mờ như ánh trăng mồng 4 chưa được hoàn toàn, ví như trăng kia còn khuyết. Buồn lòng, Ngài thốt lên:

Phiên âm:

Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung,
Bán tự ngân câu bán tự cung.

Dịch:

Mồng ba, mồng bốn trăng mờ,
Nửa in móc bạc nửa ngờ vòng cung.

Rồi Ngài nín lặng, không sao làm nốt hai câu sau, lòng bứt rứt khó chịu, Ngài trằn trọc mãi không ngủ được, chú tiểu trong chùa thấy Thầy mình hơi khác hơn mọi hôm, lo sợ, vào bạch Hòa thượng rằng:

– Bạch Thầy, hôm nay chắc thầy không được an vui?.

Vị Hòa thượng bèn kể việc làm thơ của mình cho chú tiểu nghe. Bỗng chú tiểu vụt thưa:

– Bạch Thầy, khi nãy con vào điện thắp hương, có làm được hai câu thơ, đây con xin đọc cho Thầy nghe và thử ráp vào xem có hợp không:

Phiên âm:

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để bán phù không.

Dịch:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in dưới nước cài trên không.

Nghe xong, vị Hòa thượng vui mừng reo lên rằng: Hay, hay lắm, hay lắm! Thế là hôm nay thầy trò ta đã làm được một bài thơ rồi, vậy con hãy mau mau vào thỉnh một hồi chuông để thầy trò ta làm lễ cúng dường Phật tổ bài thơ nầy:

Phiên âm:

Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung,
Bán tự ngân câu bán tự cung,
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để bán phù không.

Dịch:

Mồng ba mồng bốn trăng mờ,
Nửa in móc bạc nửa ngờ vòng cung,
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in dưới nước nửa cài trên không.

Một hồi chuông vang lên ngân nga giữa đêm khuya tịch mịch, lan toả khắp cả thành Cô Tô và tiếng chuông ấy lọt đến tai Trường Kế trong lúc ông đang mải mê tìm vần thơ. Bấy giờ Trường Kế nghe được tiếng chuông chùa, bỗng la lên: Ha ha…! Được rồi, có rồi, ta đã được hai câu nữa rồi, như thế ta đã làm trọn được bài thơ, rồi ông bắt đầu đọc:

Phiên âm:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang Phong ngư hỏa đối sầu miên,
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,
Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền.

Dịch:

Quạ kêu trăng lặn sương rơi,
Lửa chài, cây bãi đối người nằm co,
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

Tiếng chuông chùa đã làm lòng Trường Kế thoát khỏi cái sầu lo khoắc khoải để tìm lại được trạng thái yên vui thoả mãn. Và cũng tiếng chuông làm tràn trề những vầng thơ bất hữu, đến nỗi hai thầy trò trong phút chốc vượt khỏi sự ngăn cách nội tâm và ngoại cảnh, hoà nhập vào bức tranh thiên nhiên để thốt lên những dòng thơ tuyệt tác.

(Theo tạp chí Từ Quang)

DANH TỪ CHUÔNG U MINH.

Theo như thuyết tương truyền thì nguyên thời Lương Võ Đế còn tại vị, ông là một vị vua rất tôn sùng đạo Phật, nên đã lập ra 72 cảnh chùa để truyền bá và duy trì chánh pháp của Như Lai. Nhân ông đọc thấy những tội khổ của chúng sanh đã diễn tả trong kinh Địa Tạng, nên lấy làm cảm động thương xót. Một hôm mới khẩn cầu Hòa Thưọng Chí Công– một vị nhục thân Bồ tát – dùng thần thông khai nhãn quang cho Ngài được thấy suốt cõi U Minh để quan sát những tội khổ của chúng sanh phải lãnh chịu.

Sau khi đã nhận thấy ngục nào cũng đầy chật những tội nhân ốm o tiều tụy và chịu đủ mọi cực hình rất khổ não, ông hỏi Hòa thượng:

– Bạch Ngài, xin Ngài từ bi hoan hỉ chỉ cho một phương pháp để khiến cho tội nhân ở cõi ấy bớt được sự đau khổ?

Hòa thượng liền đáp:

– Tâu bệ hạ, xét ra trong khi quá đau đ?n khổ sở, nếu họ nghe được những tiếng ngân nga âm u lảnh lót như tiếng chuông rền, họa may họ mới dịu bớt phần nào những sự đau khổ.

Đó rồi, Lương Võ Đế liền sắc chỉ cho các chùa trong toàn quốc đều phải đúc những cái chuông thật lớn gọi là Đại Chung để mỗi ngày bốn thời, đóng lên, khiến cho những tội nhân ở cõi U Minh đều nghe thấu, cho bớt sự đau đớn khổ sở.

Và cũng từ thời Lương Võ Đế, người ta mới kêu cái Đại Chung là chuông U Minh.

Vì thế, sau nầy chư Tổ cũng lấy ý nghĩa đó mà đặt ra bài kệ khai chuông như sau:

Phiên âm:

Nguyện thử chung thinh siêu Pháp giới,
Thiết vi U ám tất giai văn,
Văn, trần thanh tịnh, chứng viên thông,
Nhất thiết chúng sanh thành chánh giác.
Văn chung thinh, phiền não khinh;
Trí huệ trưởng, bồ đề sanh,
Ly địa ngục, xuất hỏa khanh;
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.

Dịch nghĩa:

Pháp giới, chuông này, nguyện tiếng vang!
U Minh tù tội khắp ba đàng
Nghe rồi nghiệp chướng tiêu mòn hết,
Viên giác, chúng sanh chứng rõ ràng
Nghe chuông, nhẹ hẳn nỗi phiền đau!
Trí huệ, Bồ đề phát rất mau.
Địa ngục phát ra, qua hồ lửa,
Nguyện thành Phật qủa, độ trần lao.

Cho nên từ ấy tới nay, các chùa cứ theo đúng như thế mà mỗi ngày đêm phân ra bốn thời chuông, mà thời nào cũng có đầy đủ các bài bài khai và thâu chuông.

Những thời chuông U minh, không những lợi lạc riêng cho tội nhân ở chốn U đồ mà còn lợi lạc chung cho tất cả chư Tăng Ni ở chùa, nhớ đến bổn phận phải công phu, bái sám, niệm Phật, tham thiền, tấn tu đạo nghiệp, ngõ hầu làm tròn sứ mạng tự lợi lợi tha, duy trì chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai.

(Theo Tạp chí Từ Quang)

GIAI THOẠI TRÍ HƯNG.

Trong phần Thích Trí Hưng sách Cao Tăng Truyện chép: Có một người mất báo mộng với vợ rằng: “Tôi không may bị bệnh chết, đoạ vào địa ngục nhưng lại nhờ vào tiếng chuông của Ngài Trí Hưng ở chùa Thiền Đình đóng, làm rung động cõi địa ngục khiến cho bao nhiêu người đồng chiụ khổ đều được thoát khỏi. Có người hỏi Ngài Trí Hưng vì sao tiếng chuông có sự cảm ứng lạ lùng như thế?

Trí Hưng đáp:

– Tôi không có diệu thuật gì khác, chỉ xem câu chuyện trong sách Phó Pháp Tạng truyện và công đức của tiếng chuông trong kinh Tăng Nhất A Hàm mà cung kính tuân hành theo thôi, nhưng sau khi đánh 3 hồi nếu muốn đánh thêm nữa thì phải có lòng chí kính. Nguyện cho chúng sanh ở các nẻo ác nghe được tiếng chuông nầy đều được thoát khỏi khổ đau. Đúng như lời nguyện mà cung kính thực hành thì nhất đnh sẽ đợc cảm ứng không thể nghĩ bàn.

QUẢ BÁO CỦA VUA SÀI ĐẾ.

Đời hậu Châu có vị vua tên là Sài Đế, tánh tình hung ác, huỷ báng Tam bảo thường hay phá chùa huỷ tượng Phật đập chuông để đúc tiền, lấy niên hiệu là Châu Thông. Một hôm ông ra lệnh phá hủy tượng Phật Di Đà bằng đồng ở chùa Đại Bi vùng Trấn Châu. Nhưng vì sợ oai linh của hộ pháp long thiên nên không ai dám ra tay. Vua nghe được bèn tức giận ngạo nghễ đến chùa và đch thân dùng búa bổ vào hông tượng Phật, rồi bảo bọn thợ cứ y theo đó mà làm. Khi về đến hoàng cung trong lòng cảm thấy bất an, hồi hộp sợ hãi lo toan  cuối cùng mắc phải căn bệnh ung thư lở lói bên hông đau nhức không thể chịu nỗi, căn bệnh ấy hành hạ thân xác  đến  ba sau năm ông mới thăng hà. Bấy giờ xứ Biện Đô có đại thần tên Châu Bá Thắng là người trước kia phò vua đánh giăc giữ nước. Khi tuổi về già  ông lui về chốn điền viên tịch mịch chuyên lo tu niệm. Đêm nọ ông nằm mộng thấy một nha lại thân mặc áo vàng đến mời ông vào trong một thành rất lớn để xem qua các cửa ngục. Đến ngục nọ ông thấy có người thân thể đen thủi nằm  trên giường sắt bị  ngục tốt đục khoét xương sườn đổ nước đồng sôi vào hông, đau nhức kêu la thê thảm. Châu Bá Thắng sanh lòng bi cảm miệng luôn luôn niệm danh hiệu Phật.

Ông hỏi ngục tốt:

– Người ấy phạm tội chi mà mắc quả báo như thế?.

Ngục tốt trả lời:

– Nguyên tội nhơn đó chính là vua Sài Đế vì không tin tam bảo đập chuông, phá huỷ tư?ng Phật nên chịu ác báo như vậy.

Châu Bá Thắng bèn than:

– Như thế chính là  chúa của tôi rồi!. Vậy làm thế nào để khỏi tội?

Ngục tốt đáp:

– Khi nào trên dương thế hết tiền niên hiệu Châu Thông thì vua ấy mới thoát khỏi địa ngục.

Đoạn nha lại dẫn Châu Bá Thắng trở về, khi vừa ra khỏi cửa thành thì nghe tiếng chuông chùa dọng Boong boong… ông tỉnh giấc, biết rằng đó là điềm ác mộng. Ông đem chuyện nầy kể lại cho những thiện hữu tri thức nghe ai nấy đều sửng sờ.

Đến thời vua Thái Tổ nhà Tống, triệu Khuôn Dẫn thống nhất giang sơn. Nhờ lúc nhỏ ông từng chứng kiến những việc làm của vua Sài Đế lại nghe lời tường thuật của Châu Bá Thắng nói về sự thống khổ của vua Sài Đế ở chốn âm ty, nên ba tháng sau khi lên ngôi ông truyền lệnh thu gôm hết tiên có niên hiệu Châu Thông lo tu bổ chùa chiền đúc chuông tạo tượng Phật, cuối cùng vua Sài Đế thoát khỏi cảnh khổ địa ngục.

VUA ĐƯỜNG ĐÚC CHUÔNG SIÊU TIẾN – CAO TỔ HOÀNG ĐẾ

Lại trong bộ Phật Tổ Thông Tải nói: “Huyện Thượng Ngươn có người dân chết ngang, thấy người bị gông trói trong 5 cây nói rằng: “Ta là Tiên Chúa trào Nam Đường, bị lầm nghe Tống Tề Khưu mà giết quân hơn một ngàn người, họ tố oan, ta bị cầm tù ở đây, nhờ người về nói với Từ quân: Phàm khi chùa viện dộng chuông, phải dài tiếng ra. Ta thọ khổ chỉ nghe tiếng chuông thì tạm hết. Hoặc có thể giúp ta đúc một qủa chuông thì càng hay”.

Lại nói: “Ta ngày ở ngôi, nước Vu Điền tặng ta một tướng Thiên Vương bằng ngọc, giấu trong đầu gối phía tả của của Phật trong chùa Ngoã Quan, không ai biết cả, người lấy đó làm chứng nghiệm”. Nghe xong hoát nhiên tỉnh dậy, hối hả đến tâu với vua Đường, qủa y như lời, vua cảm động khóc, đúc một qủa chuông cúng dường chùa Thanh Lương, khắc ở trên rằng: “Cầu siêu cho Liệt khảo Cao Tổ Hoàng Đế thoát u xuất ách”, và đem tượng ngọc xây tháp ở núi Tán Tượng”.

SƯ MINH KHÔNG VÀ TỨ KHÍ CỦA ĐẠI VIỆT

Thiền sư Minh Không tự Không Lộ (1076 – 1154), họ Nguyễn tên Chí Thành, sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn (1076) tại làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định làm bạn với Đạo Hạnh và Giác Hải. Năm Minh Không 29 tuổi, ba người sang Tây Trúc học. Minh Không đắc lục trí thần, trở về quê quán dựng chùa Diên Phúc, chuyên trì chú Đại Bi. Minh Không muốn tạo ra bốn kỳ quan của nư?c Đại Việt là: Tháp Báo Thiên, Đình Phổ Minh, Chuông Qui Điền, và Tượng Quỳnh Lâm, nhưng không có đủ đồng. Ngài bèn suy nghĩ:

– Nước Tống ắt có nhiều đồng tốt, có thể dùng đúc được.

Nghĩ xong sư thẳng đường sang Trung Hoa. Trước hết Ngài ngủ đêm tại nhà của một người giàu có, Minh Không xin sáu thước đất để lập tu viện Kỳ Viên, người trưởng giả cười nói:

– Ngày xưa thái tử nhà Lương lập Kỳ Viên có đất rộng đến cả ngàn dăm, nay ông xin mảnh đất bằng chiếc ca sa, chỉ có sáu thước thì làm được gì?.

Đêm ấy Minh Không tung áo cà sa mình che cả đám đất ngàn dặm. Thấy có thần thông người, trưởng giả đem vợ con đến quì lạy xin qui y Tam bảo. Sáng sớm Minh Không mặc pháp phục, chống tích trượng vào triều.

Vua hỏi:

– Sư muốn gì?

Minh Không đáp:

– Bần tăng xuất gia đã lâu, nay muốn tạo tứ khí cho Đại Việt, nên không quản ngại ngàn dặm tới đây, xin bệ hạ bố thí cho một ít đồng:

Vua hỏi:

– Có bao nhiêu đồ đệ đi theo?.

Minh Không đáp:

– Đi một mình chỉ xin đầy tay nải nầy thôi.

Vua nói:

Đường về quí quốc xa xôi lắm, vậy Thầy muốn lấy bao nhiêu thì tùy.

Với chiếc tay nải Minh Không nhét hết kho đồng của nước bạn nhưng vẫn chưa đầy. Minh Không bèn quẩy tai nải lên vai, vào cung chào vua về nước. Vua tiếc nhưng không biết sao lấy lại kho đồng.

Vua Tống sai bá quan tiễn về nước, sư từ rằng:

– Một tay nải đồng nầy một mình bần tăng vận sức quải nổi, không dám làm phiền nhọc các ngài tiễn đưa.

Nói xong sư bước ra lấy tai nải máng vào đầu gậy nhẹ nhàng mang đi. Đến sông Hoàng Hà sư lấy nón thả xuống nước làm bè sang sông, chỉ trong khoảnh chớp mắt đã đến bờ.

Sau khi về nước, Ngài đem đồng đến chùa Quỳnh Lâm, đúc một tượng Phật A Di Đà thật to, một đỉnh tháp lấy tên Báo Thiên, một đại hồng chung tại làng Phả Lại, và một chiếc đỉnh lớn tại chùa Phổ Minh. Số đồng còn đủ để đúc quả hồng chung cho chùa Đại Phương nặng ba ngàn năm trăm cân, một quả hồng chung khác cho chùa Diên Phúc ở huyện Giao Thủy, nặng ba ngàn cân. Công quả xong rồi Minh Không đọc bài kệ:

Phiên âm:

Lạp phù việt đại hải
Nhất tức vạn lý trình
Tống đồng nhất nan tận
Phấn túy thiên câu lực:

Tạm dịch:

Nón nổi vựợt đại dương
Một hơi muôn dặm đường
Kho đồng trong một túi
Dang tay ngút  ngàn phương.

CHÚA NGUYỄN PHÚC ÁNH THOÁT NẠN.

Vào thời Nam Bắc phân tranh, quân Tây Sơn đang trong tư thế mạnh, giặc giã cướp bóc loạn lạc khắp nơi. Lúc ấy Nguyễn Phúc Anh bị quân Tây Sơn đánh bại, đôn đáo chạy ẩn khắp nơi, khi ẩn lúc hiện, một thời long đong khổ cực. Bấy giờ quân Tây Sơn lùng tìm, chúa Nguyễn Phúc Anh và ông Nguyễn Huỳnh Đức đành phải vượt thác trèo non vào Nam ẩn náo, tình cờ  đến chùa Long Tuyền – tức  chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở Tiền Giang. Hòa thượng Nguyệt Hiện với lòng bi mẫn của đạo Phật nên cho tá túc. Khi Nguyễn Phúc Anh đến chùa, cách trang phục như kẻ thường dân, nói tránh rằng: “Tôi là Khách phương xa đến xin ở tạm”. Qua cử chỉ và tình thế đất nước hiện tại, Hoà thượng biết đây là người phi thường, nhưng vẫn không  nói ra mà tiếp đãi tử tế. Nguyễn Phúc Anh vì lặn lội gió sương, lo đến vận mệnh của đất nước, nên mắc phải chứng bệnh thương hàn ăn ngủ không ngon, tinh thần hốt hoảng. May thay hoà thượng là người giỏi về dược thảo, thấy vậy thương xót, hết lòng thưa hỏi. Vì thấy Ngài là người có đức hạnh cao vời nên ông nhận là sự thật. Từ đó, Hoà thượng tận tâm lo toan thuốc thang, cơm áo cho vua.

Vài hôm sau vừa được khoẻ thì quân Tây Sơn ruồng bắt. Nhưng cửa chùa bấy giờ nhện giăng bít cả lối vào, cảnh vật trở nên hoang sơ, trông như chùa  hoang không có người ở nên chúng kéo nhau đi thẳng.

Lúc ấy trong chùa chúa tôi đều hoảng hốt, chẳng biết ẩn náo nơi nào. Hoà thượng bỗng dưng nhớ đến quả hồng chung trên đại điện, tâu:

– Xin Hoàng thượng tạm vào lánh nạn.

Nguyễn Phúc Anh nhận lời, khi vua vừa ngồi ngay ngắn thì  Nguyễn Huỳnh Đức và Hoà thượng cùng vài điệu nhỏ kéo dây thả chuông xuống. Dọn dẹp phi tang xong ông Nguyễn Huỳnh Đức chạy tháo ra ngoài tìm nơi ẩn náo. Lát sau có một toán quân nữa  kéo vào bao vây khuôn viên chùa và lục soát khắp nơi nhưng chẳng thấy ai ngoài Hoà thượng già và vài chú điệu. Sau cùng đến chỗ hồng chung có vài tên quân nghi ngờ nên cùng nhau xô thử. Song chẳng thấy nhúc nhích chi chúng mới kêu số đông lại cùng nhau hè nhấc lên. Nhưng  càng không xê dịch nỗi. Bọn chúng ngớ ngẫn làm lạ nhìn nhau!. Lúc ấy có tên thủ lãnh bàn rằng:

– Cái chuông nầy chắc để đây đã lâu rồi, bằng cớ là ở chùa chỉ có một lão Hoà thượng và năm ba chú điệu trói gà không chặt thì làm ăn gì?. Thôi! Chúng ta đi nơi khác. Nhờ vậy mà được thoát nạn. Sau khi bình định đất nước Nguyễn Phúc Anh lên ngôi vì nhớ lại ơn cũ nên sắc tứ cho chùa.

 

TIẾNG CHUÔNG TRONG THƠ VĂN

Tiếng chuông chùa không chỉ đơn thuần ngân nga làm vơi đi bao phiền muộn khổ đau mà còn là hiệu lệnh của trời người là phép lớn của Phật Tổ. Theo quan niệm Phật giáo “Vạn sự khởi đầu nan” khi khai giới đàn, Tác pháp an cư, Tết Nguyên đán, hay tổ chức những Pháp hội lớn đều có nghi thức khai chung bảng để cung thỉnh chư Phật, thiên long bát bộ quang giáng đạo tràng chứng minh công đức. Hầu cho cho pháp hội được thành tựu viên mãn, nên nhất nhất đều có nghi khai chung bảng, nhưng điều đáng nói ở đây là  khía cạnh triết lý văn chương sâu xa của nó.

Cũng là một vật thể bình thường tròn tròn vuông vuông, nhưng nói lên tính quyền thật trong Phật giáo, lúc nào cũng hỗ tương nhau, có sức diệu dụng không thể nghĩ bàn bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới:

Nhất cá viên hề nhất cá phương
Đại thiên sa giới tuyệt tư lương
Kim chung mộc bảng tùng tư chấn
Vạn cổ sum nhiên tuyển Phật trường.

Tạm dịch:

(Một cái tròn chừ một cái vuông, cõi đại thiên nhiều như số cát sông hằng cũng không thể nghĩ bàn, chuông vàng bảng gỗ từ đây dống, muôn đi trường tuyển Phật lúc nào cũng dập dìu đông đúc).

Chỉ một tiếng chuông thôi mà xé nát cả hư không, làm rơi rụng sạch những vô minh phiền não và  làm tiêu tan  khối u tà kiến ngã chấp:

Nhất chùy đả phá thái hư không
Vạn lý cô vân tuỳ tán lạc
Túng ngộ đồng đầu thiết ngạch nhơn
Nhậm bỉ như tư hoán bì xác.

(Chỉ một chày nầy thôi nhưng khi đánh lên thì phá tan cả cõi hư không, làm rơi rớt những đám mây vô minh rời rạc khắp nơi, giả như gặp những kẻ đầu đồng trán sắt – cơ phong lanh lợi,  mặc theo đây mà thay hình đổi dạng).

Nếu có những ai đang còn bị danh lợi buộc ràng bỗng dưng nghe tiếng chuông tỉnh mộng. Thấy rằng thân người mong manh vô thường, sớm còn tối mất vì thế nên siêng năng tu tập không dám để thời gian trôi qua.

Nghe chuông tỉnh giấc ta bà
Danh lợi buộc ràng nguyện thoát ra
Nếu mất thân người thôi khó gặp
Cần lo giải thoát niệm Di Đà.

Khung cảnh thiên nhiên tuyệt trần hiện lên, khi tiếng chuông chùa vừa vang vọng.

Chốn tòng lâm dộng hồi chuông cảnh tỉnh
Khi muôn sao lấp lánh rọi thiền môn
Cửa từ bi thoang thoảng nén hương trầm
Đêm huyền diệu lâng lâng hồn Phật tử.

Ta còn cảm nhận được năng lực của tiếng chuông thấu suốt khắp cõi ta bà, làm vơi đi phiền não nghiệp chướng của chúng sanh.

Nguyện chuông kêu thấu cõi ta bà
Pháp giới chúng sanh đạo Thích Ca
Ngân nga siêu độ tiêu phiền não
Nguyện đến Tây Phương thấy Di Đà.

Từ nghìn xưa tiếng chuông chùa, luôn tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm sống động nhất là giữa lúc sương mù lan toả, dưới ánh trăng ngà, con người đã cảm nhận một cách trọn vẹn như hơi thở như nhịp đập con tim. Trong bài Hà Nội Tức Cảnh nhà thơ Dương Khuê đã thật sự cảm xúc:

Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ

Đời sống tâm linh và xã hội đã hoà quyện vào nhau thành một thực thể, cùng một lúc ta tiếp xúc trọn vẹn cả hai cội nguồn tâm linh và huyết thống, chính là nét nhân bản đẹp đẽ muôn đời của tổ tông từ cuộc sống hiện tại cho đến mai sau. Ta lại nghe âm điệu của tiếng chuông chùa buồn bả ngân lên chia sẻ cùng sông núi trong hoàn cảnh tan thương, suy sụp của đất nước quê hương:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ Canh gà Thọ Xương
Tiêu điều mặt nước sông Hương
Héo khô đỉnh Ngự tan thương cổ thành.
(Ca dao)

Tiếng chuông không hoàn toàn phảng phất những nỗi u buồn man mác của đêm thu mà còn là một âm thanh thoát tục, nhờ tiếng chuông tàn ngân lên mà cảnh vật đêm thu trở nên đẹp đẽ nên thơ.

Đêm thu chùa thoảng tiếng chuông tàn
Phong đỏ, trăng ngời, sóng nguyệt tan.
Diên Hựu Tự – Huyền Quang Thiền Sư (Huệ Chi dịch)

Tiếng chuông không còn dừng lại với ý nghĩa tiếng chuông êm đềm trong  chốn già lam hay tự viện nào đó mà nó có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống con người, làm cho lòng người trở nên tràn đầy cảm xúc ý thơ dạt dào.

Làm sao mà không cảm xúc được khi  hồi chuông thu không thong thả ngân dài trong êm trường tịch mịch, có năng lực thức tỉnh lòng người đang còn nặng kiếp trần ai:

“Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng
Thử hỏi lòng ai đã tỉnh chưa” 

Khung cảnh thiên nhiên nhịp sống hài hòa tinh tế, tiếng chuông chùa ấm áp đã hiện diện và nó gắn liền với con người, quê hương dân tộc:

Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm
Chuông hôm gió sớm trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi.
Nguyễn Bính

Dưới mái chùa rêu phong ẩn mình trong hoa lá, hương hoa hòa quyện lan toả trong không khí tịch mịch, giữa cảnh trăng thanh gió ấy tiếng chuông thức tỉnh lại vang lên:

Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân lành mọi mái tranh.
Huyền Không

Và ở một khoảnh khắc nào đó thời gian, sự vật không còn là hình ảnh đơn độc u buồn nữa vì khi cảnh tượng: “Ngô đồng nhất lạc diệp, thiên hạ cộng tri thu” vẫn có tiếng chuông chùa ngân nga kịp thời xuất hiện trong buổi Vu lan về:

Mỗi độ Vu lan rằm tháng bảy
Chiều xa vang dội tiếng chuông chùa
Ngày xưa sống lại trong tâm trí
Mỗi một tâm hồn một trẻ thơ
Ngày xưa sống lại trong tâm trí
Mường tượng hình ai đượm võ vàng
Khoắc khoải chiều nay cơn gió thoảng
Chuông chùa vang vọng nhớ Vu lan.
Khuyết Danh

Hơn bao giờ hết tiếng chuông chùa xem như giọt nước cành dường làm tan đi bao ưu sầu phiền muộn trong lòng nhân thế. Vào lúc hoàng hôn vừa bao phủ hay buổi sớm tinh sương khi nghe tiếng chuông chùa ngân vang làm lắng đọng cõi lòng. Đồng thời chỉ tiếng chuông chùa thôi cũng diễn tả và chuyên chở chân lý sâu xa của đạo Phật, chuông chùa thong thả thanh thoát không vội vàng thôi thúc  mà ngư?c lại khiến lòng người lắng đọng không hối hả bon chen. Âm thanh nhè nhẹ cho  bao dục vọng vơi đi, cho tham lam lắng xuống, và luôn  mang tính chất từ bi dung tha của Phật giáo, được diễn tả qua mấy vầng thơ của  thi sĩ Trúc Điệp:

Đây dư âm của hồn chuông quá khứ
Đương gào hồn thức tỉnh mộng thiên thu
Hỡi sinh linh trong kiếp sống  mê mù
Say đắm mãi cõi lòng thêm đau khổ.

Và:

Chuông cảnh tỉnh vang lên lời kể lể
Như khuyên lơn an ủi vạn linh hồn
Khắp trần gian mà vọng lại cô thôn
Cho tất cả một cái gì linh động.

Người dân làng quê cũng sống hiền hoà thuần thiện như tiếng chuông chùa:

Vì vậy làng tôi sông thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân sớm
Xây dựng tương lai xứ sở mình.
Huyền Không

Tiếng chuông linh thiên mầu nhiệm, vượt qua thời gian không gian, ý nghĩa đó bao giờ cũng là bức thông điệp tình thương của đấng Đại Giác.

Chuông không ngại ngày đêm mưa gió thổi
Chuông không vì sông núi bể đèo ngăn
Tiếng của chuông là bản thể xa xăm
Đây vọng lại mấy nghìn năm âm hưởng.
Trúc Điệp

Những ai đang não ruột thê lương nuối tiếc những gì đã mất, hay đeo đuổi theo những hy vọng hạnh phúc xa xăm, bạn có nghe chăng tiếng chuông thức tỉnh?. Tiếng chuông như cảm thông với những người đang lâm vào hoàn cảnh trớ trêu. Thúy Kiều sau những năm lưu lạc với những chán chường đau khổ, buộc lòng phải nương náu nơi cửa Phật để mong thoát kiếp trần duyên. Đại thi hào Nguyễn Du, trong tuyệt tác Đoạn Trường Tân Thanh, ông đã miêu tả sự hạ thủ công phu của Thúy kiều:

“Sớm khuya lá bối phiến mây
Ngọn đèn khêu nguyệt tiếng chày nện sương”

Lúc ánh tà dương dần dần khuất dạng dưới ráng vàng, trên bầu trời mênh mông có cánh chim đơn lẻ bay bay tìm nơi trú ngụ, tiếng chuông bỗng ngân lên trong khoảng không êm ả, làm vơi đi bao nỗi ưu tư phiền lụy, như thầm nhủ xót thương chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh nào đó, giữa buổi chiều tịch mịch cô liêu.

Xanh biếc cô đơn tím những chiều
Chuông chùa vơi nhẹ nỗi cô liêu
Ngân nga trong khoảng trời an tịnh
Thương cánh chim côi vọng sáo diều.
Thích Thiện Phước

Mái chùa Quê hương tôi.

Chuông còn gợi cảm lòng người phải tâm sự và thốt lên nỗi mất mát, chia ly tình mẫu tử trong buổi hoàng hôn da diết nhớ thường, như mất hết không gian vũ trụ:

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
(Nhất Hạnh)

Tiếng chày kình làm thức tỉnh biết bao người còn đắm chìm trong giấc mộng. Cuộc đời là bãi biển nương dâu, con người tuy sống trong cõi vô thường mà không hề hay biết, không ý thức được sự thay đổi của vạn hữu. Tiếng chuông chùa ngân lên làm họ giật mình tỉnh thức thấy rõ cuộc đời là vô thường. Chính vì thế họ cảm nhận được lẽ đích thực của cuộc sống. Tiếng chuông chùa đã  làm thức tỉnh lòng người trong bài “Hương Sơn Phong Cảnh”:

…Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Hững hờ khe Yến cá nghe kinh
Vẳng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Chu Mạnh Trinh

Ta còn nghe tiếng chuông chùa trong thơ của Bashô trong đêm xuân khi hoa đào đang toả hương thơm ngát:

Chuông chùa tàn dần
Hương hoa đào buổi tối
Vẫn còn vang ngân.

Không gian càng rộng càng yên tĩnh tiếng chuông nghe càng sâu lắng, khiến cho tâm hồn trở nên thuần tịnh. Khi tâm hồn thanh tịnh người ta có cảm nhận như đang trở về quê hương đch thực của chính mình. Vì lẽ ai ai cũng có một tuổi thơ hồn nhiên trong sáng, không bận bịu lo toan, không não phiền bi lụy. Chính tuổi thơ ấy đưa con người sống thực với hiện hữu chung quanh. Ôi! đẹp làm sao, một tiếng chim hót trong vòm cây xanh thẳm, một chiếc lá vàng rơi lác đác, một cánh bướm  bay chập chờn… với tất cả những gì ta yêu thương nhất. Lúc ấy âm vang chuông chùa là tiếng gọi thiết tha để đưa ta về với quê hương hiện thực, xua tan đi bao nỗi vấn vương trần tục của tâm hồn:

Đánh tan tục lụy hồi chuông sớm
Gõ nát trần tâm tiếng mõ trưa.

“Thâm ân nan báo trọng như sơn” đó là lời nhắn nhủ của người xưa. Gió chiều thổi lên bóng núi ngã màu tím thẳm, thời gian rồi sẽ biến đổi như vầng thái dương kia sớm chiều mọc lặn, nhưng “thâm ân dưỡng dục” vẫn là mãi mãi như núi cao sừng sững khó báo đền, và như tiếng canh chuỳ ngân nga lay động cả không gian, làm thức tỉnh biết bao tâm  hồn còn thơ dại.

Đỉnh núi vươn cao vầng dương xuống
Canh chày ngân động ánh trăng non.
Thích Thiện Phước

Tiếng chuông như có thần lực dũng mãnh trên thông đến thiên đường, dưới thấu suốt cả địa ngục, phá tan tối tăm, mang ánh sáng cho kiếp sinh linh đang đoạ đày đau khổ, được cảm nhận qua “Tiếng chuông Giao Thừa” của Thiền Sư Nhất Hạnh:

“Boong, boong… Nhè nhẹ tiếng đại hồng chung bắt theo nhịp trống ngân lên. Tiếp theo những tiếng trống oai hùng như sấm dậy, mở đầu cho những tiếng đại hồng chung ngân vang sung sương, bảy hồi chuông náo động cả đêm khuya tịch mịch, tưng bừng đón tiếp một mùa xuân mới… … Bốn phía thấp thoáng những ngọn đèn của xóm làng trở dậy cùng giao thừa. Có lẽ cửa nào cũng mở rộng, núi đồi mất hẳn vẻ hoang dại, trở nên hiền lành. Tiếng đại hồng chung oai nghiêm và ấm áp đã xua đuổi những bóng hình sợ hãi và đánh tan u tịch tất cả xóm làng đều đã thấy mùa xuân trở về?.

Đại hồng chung vẫn khoan thai điểm từng tiếng rành rọt, âm thanh ngân dài ấm áp và thuần hậu…?

Chuông chùa ngân nga không đánh mất đi không khí đạo vị của thiền môn mà còn làm tăng thêm sự giải thoát của lòng người. Tiếng chuông như tha thiết như lời nhắc nhở khuyên mọi người hãy mau mau trở về bến giác, qua tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.

“Trong làn không khí yên tĩnh êm đềm, tiếng chuông thong thả ngân nga… như đem mùi thiền làm tăng thêm vẻ đẹp của thiên nhiên. Lá cây rung động ngọn khói thướt tha, bông lúa sột soạt, như cảm tiếng gọi của Mâu Ni muốn theo về nơi hư không tịch mịch”.

Tiếng chuông còn là dòng suối từ bi tuôn chảy làm tắc đi ngọn lửa hận thù đen tối:

“Tiếng chuông ngân nga trong bóng hoàng hôn xuống, hởi Daniel! Thanh lương ở bên trời xa, anh có nghe tiếng chuông chùa vọng lại không? Anh cứ tin tưởng ở tương lai nhân loại, hãy cầu nguyện cho suối từ bi của Đức Phật mau dập tắc lửa cuồng bạo của mọi người”. (HT Nhất Hạnh – Tình người)

Tiếng chuông chùa ngân lên trong một không gian tĩnh mịch tô điểm cho một bức tranh thiên nhiên thêm sống  động đầy gợi cảm.

“Một buổi mai, tiếng chuông chùa từ từ ngân, tôi tựa lưng bên góc chùa tĩnh mịch, nhìn những đàn hải âu bay lượn thấp thoáng ở chân trời…?

(Tiểu thuyết Nhà Sư Vương Luỵ hay chuyện Con Hồng Nhạn Lưu Ly của Tô Mạn Thù – Bùi  Giáng dịch)

Âm thanh Tiếng chuông đôi lúc còn để trấn át những trần tình,  chận đường những kỷ niệm xa xăm trần tục nào đó đang len lỏi, dồn dập tuôn trào trong lòng của người đã khoác áo ca sa:

“Đoạn sư cụ quì trên chiếu cỏ cố thành tâm tụng niệm để quên những chuyện xa xưa. Một sự thầm tiếc thoáng qua lòng, sư cụ đã vội vàng đánh mõ khua chuông để che lấp. Đôi mắt sư cụ luôn luôn nhìn tướng Đức Thích Già như để cầu mong sự che chở?.

(Một Đêm Xuân – Thanh Tịnh).

Tiếng chuông chùa đã đi vào thi ca, truyện kể một cách nhẹ nhàng sâu lắng, bình dị mà thiêng liêng, đại chúng ta về với thực tại sống trong tỉnh thức an trú trong chánh niệm. Chuông chùa lúc nào cũng gắn liền với tâm tình của nhân loại và hòa quyện theo sự vận hành của vũ trụ không gian. Cho dù ở hoàn cảnh thời đại nào âm vang tiếng chuông chùa vẫn mãi mãi gợi nên những cảm xúc trong tâm hồn để thành những áng văn chương lưu lại đến ngàn sau.

 

KẾT LUẬN 

Đức Phật là bậc đại y vương, Ngài thị hiện ra đời để trị lành căn bệnh trầm luân khổ não của chúng sanh. Tuy nhiên bệnh thì không có một, nên thuốc cũng có nhiều phương. Sự và lý luôn đi đôi với nhau như hình với bóng, sự nương vào lý mà khởi, lý nương vào sự mà hiện bày. Khi đức Thế Tôn còn tại thế, chư Tỳ kheo ngày đến thì đi khất thực ăn một bữa giữa trưa, đêm về ngủ dưới gốc cây, không được quá ba hôm phải rời đi nơi khác. Sống một cuộc đời tha phương du hóa, lấy ba cõi để làm nhà kết bạn cùng với  núi non mây nước, mượn việc độ sanh làm chí hướng xuất trần. Không có nơi trú ngụ hằng thượng, không có vật gì khác ngoài ba y bình bát. Sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, chân lý của ngài  dần dần được các đệ tử truyền bá khắp nơi và cũng hòa nhập vào phong thái của từng lãnh thổ quốc gia,  hình ảnh chư vị Tỳ kheo tha phương du hóa ngày xưa cũng dần dà thay đổi để phù hợp cho một thời đại mới. Các tòng lâm, tự viện được kiến tạo làm nơi an trú của chư Tăng, cũng là điểm tựa tâm linh cho hàng Phật tử. Từ đó qui củ nhà thiền, nề nếp sinh hoạt trong tự viện cũng xuất hiện nhằm cung ứng cho phù họp với một tòng lâm thanh tịnh. Từ đó, các pháp khí sử dụng trong nghi thức hành lễ của Phật Giáo dần dần  phổ biến. Tuy nhiên khi người ta nghĩ đến một ngôi chùa thì “Chuông” bao giờ cũng thường được nhắc và hình dung đến. Ngoại hình của chuông ẩn tàng đường nét hoa văn tượng trưng cho chân lý sâu xa của Phật giáo đồng thời cũng hòa nhập vào thuyết lý của vũ trụ vạn hữu. Bên cạnh đó tiếng chuông  cũng là bức thông điệp cho những ai đang thành kính thiết tha gởi trọn tấm lòng mình quay về nương tựa đấng tam tôn.

Âm hưởng tiếng chuông tuy không biểu đạt hết những sự cao quí trong hình thức nghi lễ, trong sinh hoạt hay những điều linh ứng mầu nhiệm thiêng liêng của đạo Phật, nhưng với danh nghĩa đã là một tòng lâm thì không thể thiếu âm vang trầm bỗng du dương đó. Chuông làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm của một tòng lâm thanh tịnh, đồng thời cũng có năng lực siêu nhiên đánh thức lòng người.

Hơn bao giờ hết, tiếng chuông chùa vẫn hòa nhịp trôi theo dòng chảy của thời gian, gắn liền với sự vật, mãi mãi là âm thanh cao cả của nhân loại. Tiếng chuông tự nó còn là một giai điệu thiền vị, đưa con người về với thực tại, gieo rắc vào tâm hồn nhân loại những hạt giống thương yêu, thương yêu chính mình và tất cả chúng sanh đang còn trầm luân đau khổ!.

Cuộc sống đời thường có lúc ta thương yêu, buồn giận,… Bạn ơi! Xin lắng lại tâm hồn, thở thật nhẹ nhàng bước đi từng bước chậm rãi lắng nghe: Nghe thật kỹ thật sâu tiếng chuông chùa, để ta mĩm cười thật dễ thương cùng vạn vật, và có một nụ cười chuyển hóa với tất cả những nghịch cảnh khổ đau, nhẹ nhàng êm ái như tiếng chuông chùa lúc nào cũng ngân nga trong thực tại đang là!

Viên Giác 2003
Thích Thiện Phước