MA CHƯỚNG
TRÊN ĐƯỜNG TU
QUYỂN II
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
MA TÂM MA SỰ CỦA NGƯỜI TU

 

CHƯƠNG TÁM

Vừa rồi chúng ta tụng hai phẩm Hoa Nghiêm là “Như Lai danh hiệu” và “Tứ thánh đế”, tôi chắc quý vị đã nhận thấy cái ý của Kinh. Trong “Như Lai danh hiệu”, Kinh chỉ muốn nói rằng, các cõi thì vô lượng, mà Chư Phật xuất hiện các nơi là theo phương tiện huệ thiện xảo, tức là tùy theo chúng sanh nơi đó ưa thích những gì thì phương tiện xuất hiện theo như thế. Vì vậy, các Ngài thường lấy những danh hiệu chiêu dụ chúng sanh nhiều nhất để dễ nhiếp phục, vì vậy, danh hiệu các Ngài có vô lượng, vô số, trong Kinh nói là có 400 ngàn ức danh hiệu. Nhưng danh hiệu nào cũng vậy thôi, cũng chỉ là Bát Nhã, Đại Bi và Quang Minh mà không có gì khác cả. Còn “Tứ thánh đế” cũng vậy (đây là Ngài Văn Thù Sư Lợi nói), Ngài nói rằng, ở cõi Ta Bà này thì gọi là Khổ, Tập, Diệt, Đạo (tứ đế). Tứ đế của Thanh Văn thường thường chỉ là Diệu Đế khổ, tập, diệt, đạo thôi, nhưng lên hàng Bồ Tát đạo thì trở thành “tứ thánh đế”, là vì do tâm không tịch của các Ngài quán chiếu nên trở thành Thánh đế.

Vậy thì, trong cõi Ta Bà này các Ngài dùng chữ “Khổ, Tập, Diệt, Đạo” nhưng ở các cõi khác Ngài lại dùng những chữ khác, chỉ là vì phương tiện thiện xảo thôi. Thí dụ như trong cõi Mật Huân, chữ “khổ” chuyển thành chữ “phiền não” hay “trói buộc” còn chữ “tập” thì dùng chữ khác để gây âm hưởng trong tâm thức chúng sanh cõi đó khiến họ bám vào đó để sau này dễ điều phục tâm hơn. Còn chữ “diệt” trong cõi Mật Huấn thì Ngài dùng chữ “ly phiền não” hay “vô cấu” còn chữ “đạo” thì gọi là “sang bờ bên kia” v.v… Tóm lại, sự xuất hiện của Chư Phật biến hiện vô cùng, vì Chư Phật bao giờ cũng dùng phương tiện huệ độ sanh, mà tất cả cũng chỉ do lòng Đại bi và Bát nhã của các Ngài thôi.

Hôm nay, chúng ta trở về phẩm Ma chướng…

Trong lần trước, tôi đang giảng đến phần Ma chướng của hành ấm, tức là một hành giả tu Như Huyễn Tam Ma Đề vào được hành ấm rồi, khi quán chiếu để tiêu dung hành ấm, tức là tiêu dung cái ngã của mình thì vấp phải những ma chướng ra sao?

Nhưng hôm nay, trước khi giảng tiếp, tôi muốn nói kỹ với quý vị về “Ngũ Ấm”, vì nó là điểm hết sức cốt yếu trong Đạo Phật. Tất cả Kinh đều xoay tròn quanh điểm ngũ ấm ấy, vì vậy, sau khi Phật giảng Kinh Lăng Nghiêm thì Ngài nói về nó (ngũ ấm). Nên hôm nay cần giảng kỹ về nó, vì tôi thấy có nhiều vị học Kinh lâu năm cũng không hiểu rõ ngũ ấm là gì, có khi chỉ hiểu được sắc, thọ, tưởng mà thôi, chứ không hiểu được hành ấm và thức ấm ra sao, và nhiều khi cũng không hiểu chấp ngã và chấp pháp là như thế nào. Nói về ngũ ấm xong thì sẽ phải đối chiếu với ngũ nhãn, ngũ trược, rồi lại phải nói qua về không gian, thời gian trong ngũ ấm đó.

Hôm nay là một bài giảng quan trọng, tôi xin nói thong thả cho quý vị nghe và xin cố nhớ lấy và suy tư về nó.

Vậy, thế nào là ngũ ấm? Tất nhiên, chúng ta cũng biết nó là năm lớp sương mù, những lóp sương mù đó, trong Kinh thường dùng hai chữ để chỉ, hoặc gọi là “ngũ uẩn” hay là “ngũ ấm”. Ngũ uẩn là gì? “Uẩn” là “nhóm họp”, “ấm” là “ngăn che”. Nhóm họp lại rồi mới ngăn che, tức là các pháp nổi lên bời bời như đám sương mù ngăn che khiến ta không nhìn được chân tâm. Thường chúng ta sống là chỉ hay bơi lội trong sắc ấm này, những người chịu khó tu hành khá một chút thì bơi lội trong thọ ấm và tưởng ấm mà thôi, ít khi biết đến hành ấm và thức ấm, vì vậy, dĩ nhiên là chưa thể biết Diệu tâm là gì. Cũng như không thể biết những vô minh hoặc là gì, vì thường khi chúng ta học Phật Pháp, thì ta chỉ biết đến kiến hoặc và tư hoặc thôi, tức là những vô minh chi mạt, mà không biết được vô minh căn bổn. Dĩ nhiên, chúng ta là những người ít có thiền quán, nên khó thể biết rõ những cái đó là gì, nhưng ta có thể suy luận trong Kinh mà lý giải ra ít phần, về cái cơ cấu nội tại của thân và tâm này (ngũ ấm), trong Kinh bộc lộ nhiều chân lý lớn, mà hiện giờ các nhà phân tâm học cũng chưa biết nổi. Chúng ta là nương theo Kinh và tin vào cái đó, thấy rằng nó rất hợp lý và rất đúng, và chắc không có sự khám phá, nào của phân tâm học có thể đi ra ngoài lời Kinh được cả.

Thường khi chúng ta học về năm ấm lại cứ tưởng rằng sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm là khác nhau, riêng biệt. Nó cũng khác, nhưng cũng là một. Là một vì chúng chỉ là thức biến ra thôi, đều là thức tâm, là những quang minh của tâm thức phụt lên từ thời vô thỉ đến giờ kết lại thành. Nhưng nó khác nhau ở mức độ thô kệch hay vi tế. Thí dụ như sắc ấm là một lớp sương mù thô kệch nhất, và trong Kinh Phật dạy Ngài A Nan rằng, sắc ấm đó, được kết nên bởi những vọng tưởng kiên cố, tức là những vọng tưởng xoay vần miên viễn từ thời vô thỉ, có nhiều vọng tình, nên kết lại rắn chắc, có trọng lượng khiến ta sờ mó thấy được, vì thế gọi là vọng tưởng kiên cố. Như vậy, pháp giới này chỉ là một trường thức biến mênh mang, không có gì ngoài những quang minh tâm thức cả, không có vi trần, không có vật, tất cả chỉ là những quang minh hiện lên do thức biến ấy thôi, tất cả đều do tâm phân biệt của chúng sanh nhìn thấy đó là vi trần, là vật, là núi sông v.v… Neu chúng ta là những nhà khoa học đi tìm một viên gạch cơ bản để xây dựng pháp giới này, thì khoa học chưa tìm thấy nổi, vì những thứ đó đều chỉ là ba động phụt ra từ tâm thức, rồi kết tụ lại thành những hạt cực vi, nên ta cho là vi trần, vì vậy, Đức Phật luôn luôn nói rằng: “Vi trần chỉ tạm gọi là vi trần, chứ không phải thực là vi trần. Đó là chân lý mà ngay những nhà bác học lớn lao nhất cũng chưa hiểu nổi, vì họ chưa đọc Đạo Phật, nên vẫn loay hoay mù mịt, đứng giữa bờ mé của sắc và không mà không hiểu tại sao nó lại như thế, tại sao nó lại không như thế? Vì vậy, khoa học cứ thắc mắc tại sao những cực vi nhiều khi có vẻ như làn sóng ba động, đôi khi nó có vẻ như hạt tử. Vì chính nó chỉ là những ba động tâm thức, khi vọng tình mạnh mễ thì nó kết lại thành cái hạt, hay vi khuẩn, nên vì vậy nó có hai mặt, pháp giới bao giờ cùng có hai mặt, một mặt là Bát nhã (là những luồng lực sóng), một mặt là Đại bi (là khi nó kết lại thành những hạt tử), vì vậy, chúng ta phải hiểu chân lý duy tâm sở hiện là chân lý của Bát nhã và Đại bi chi phối và bao trùm tất cả pháp giới này. Không hiểu cái đó thật là uổng một kiếp người.

Ngay trong sự sống thường ngày của chúng ta cũng vậy, khi ta có tâm mơ tưởng lan man thì cái đó là những lượng sóng, đến khi tâm mơ tưởng lâu dần kết tụ thành một lời nói, việc làm thì nó sẽ thành những hạt tử, rồi lại rơi trở lại trong vô thức, tạo thành những chủng tử tập khí thành cái nhân cho vị lai.

Vậy thì sắc ấm là thô kệch nhất, lên trên một tầng nữa là vào đến thọ ấm, trong lớp sương mù này, Phật gọi đó là do những vọng tưởng hư minh kết thành. Hư minh tức là nó đã vi tế hơn sắc ấm rồi, nhưng nó vẫn là hư minh thôi, vì sự nhìn của nó rất lệch lạc. Lên thêm một tầng nữa, càng vào sâu bao nhiêu thì càng vi tế, nhiều tự tại lực và càng biến hóa bấy nhiêu, vì ở sắc ấm, ta thấy sự biến hóa rất chậm chạp, khó khăn, nhưng càng vào sâu thì thấy sự biến hóa thường hằng và đương nhiên. Lên đến lớp thứ ba là lóp tưởng ấm, nó được kết tập bằng những vọng tưởng dung thông, dung thông vì lớp sương mù này được kết bằng những quang minh trung bình ở giữa, nửa vi tế, nửa thô kệch, nên một mặt nó có thể đi sâu vào trong, tiếp xúc được với hành ấm, và thức ấm mặt khác nó có thể đi ra ngoài tiếp xúc với thọ ấm, và sắc ấm. Vì vậy Phật dạy rằng: Này ông A Nan, ông đừng tưởng rằng tâm của ông khác với thân, vì sao? Vì khi ông nghĩ đến quả me chua, tự nhiên trong miệng chảy nước tức là trong tâm tưởng, gửi đi một tín hiệu tác động vào thân căn nên miệng nới chảy nước miếng. Đức Phật lại còn nói rõ rằng, sở dĩ nó tác động được như thế vì tâm tưởng và thân căn là cùng một thể, không khác, vì nếu nó khác thì không bao giờ có thể tác động vào nhau được. Như vậy, thân và tâm chỉ cùng một thức biến, không sai khác, ngay cảm giác cũng vậy, trong lóp tưởng ấm nó lanh lợi hơn và có nhiều khả năng, nó khiến cho mình dễ đọa, cũng dễ đi lên. Tưởng ấm này có nhiều cơ năng, tức là những khả năng làm việc của nó:

1/. Nó có khả năng hồi tưởng (memory). Như hôm qua ta nhìn thấy đóa hoa hồng ngoài vườn, hôm nay ta có thể nhớ lại được, khi nhớ lại, nó tạo nên một lạc tạ ảnh tử trong tâm thức, vì khi nhớ đến hoa hồng là ta có thể tưởng tượng ra được hoa hồng ngay. Đó là sự hồi tưởng.

2/. Nó có thể có khả năng tưởng tượng (imagination), nó có thể tưởng tượng ra nhiều hình ảnh khác nhau, thường là nhớ lại một chút kinh nghiệm đã qua rồi vẽ thêm lên, hoặc là hoàn toàn tưởng tượng một hình ảnh mới không thật.

3/. Nó có khả năng dự tưởng, là phóng về tương lai, còn hồi tưởng là về lại quá khứ.

4/. Nó cũng có khả năng biểu tượng. Tức là khi nó nghe một ý kiến trừu tượng, thì trong tâm thức sẽ hình dung ra một hình ảnh nào đó. Tỷ dụ như Phật nói rằng, thức ấm chảy nhanh như thác, thì ta nghĩ ngay đến hình ảnh của một thác nước.

Hỏi: Nhưng đó là những trường hợp mầ ta đã nhìn thấy một hình ảnh rồi, thì trong tâm thức ta có thế hồi tưởng đen hình ảnh đó một cách dễ dàng. Nhưng trường hợp một người mới sanh ra đã bị mù thì lầm sao họ biết được hình ảnh cái thác nước để tưởng tượng được?

Đáp: Vẫn có thể tưởng tượng ít nhiều, vì ta nên nhớ rằng, trong tâm thức ta không những chỉ có ý thức thôi, mà còn có tiềm thức và vô thức nữa, nhiều khi nó tưởng tượng bằng những hồi tưởng từ các kiếp trước, do những chủng tử cũ nổi lên, như con rồng, có ai nhìn thấy nó? hoặc trong Kinh hay nói đến chim Kim Súy Điểu, thì tâm thức dựa theo lời tả trong Kinh, ta vẫn có thể mơ màng tưởng tượng những vật ta chưa từng thấy, như loài chim Kim Súy Điểu nó giống như một con chim Đại Bàng cánh lớn, chỉ cần xoải cánh đập là có thể bay xa hàng vạn dặm, và trí ta cũng có thể tưởng tượng được.

Hỏi: Đó là với những người đã nhìn thấy con chim và có một chút khái quát về loài chim, nhưng những người mù mới sinh đã bị mù rồi, chưa có một hình ảnh gì trong đầu óc người ta cả, làm sao có thể tưởng tượng được những thứ đó?

Đáp: Chúng ta vẫn có thể suy theo Kinh, vì trong vô thức (a lại da thức) mà sau này có dịp tôi sẽ nói kỹ hơn, nổi lên những hình ảnh cũ. Vì ta nên biết, tuy người mù bị sanh manh thật, nhưng trong đời sống họ vẫn có mầu sắc nên họ có thể tưởng tượng theo trí tưởng tượng riêng của họ, dựa trên những kinh nghiệm từ vô thỉ. về vấn đề này, có nhiều điều lạ mà chúng ta cũng cần biết và chỉ có Đạo Phật mới nói thôi. Nay ta trở lại về những cơ năng của ý thức và tưởng ấm.

5/. Nó cũng có khả năng danh ngôn, vì khi phóng ra một hình ảnh rồi, thì nó đặt cái tên cho hình ảnh đó, chẳng hạn như gọi cái đó là con chó, con kiến, cái bàn, người nam, người nữ, núi, sông, chùa chiền v.v…

6/. Cuối cùng là nó có khả năng tri giác, vì ý thức là một thức tri giác mạnh nhất. Sau này khi giảng về duy thức tôi sẽ đi sâu vào những cơ cấu của tri giác ra sao, mà chính bây giờ những triết gia Tây Phương họ cũng muốn biết về điều này lắm, nhưng vì họ không đọc Kinh nên nhiều cái còn mù tịt. Thí dụ bên Pháp, có ông Merleau Ponty cũng viết về tri giác là gì? Nhưng Đạo Phật dạy chúng ta về tri giác rõ ràng, đầy đủ hơn nhiều lắm. Đó là sáu khả năng của tưởng ấm. Đi sâu hơn nữa, thì tưởng ấm tương tự như cái thân cây, mọc lên gốc cây gọi là hành ấm. Ở đây, nó được kết tụ bằng những quang minh rất vi tế, mà Đức Phật gọi là quang minh của vọng tưởng u ẩn. u là tối, ẩn là ẩn, những quang minh xoay vần lâu đời kết thành một cái nút là gốc cây, nút đó chính là cái lăng kính chấp ngã kiên cố của chúng sanh. Sau đó, hành giả (tu Như Huyễn Tam Ma Đề) đi sâu thêm, vượt được hành ấm, tức là phá được chấp ngã để vào thức ấm vi diệu. Thức ấm tạm hình dung như một cái nhà kho, nó là một biển quang minh, mà trong Kinh Lăng Già gọi là “hiện thức” tức là cái thức tâm vi diệu hiện tướng lên thành ra biển quang minh đó, còn trong duy thức thì gọi là A-lại-da thức, tức là cái kho chứa, nó chứa tất cả những hình ảnh, những kinh nghiệm sống của mình, và của các chúng sanh từ vô luợng kiếp. A-lại-da thức này chính là cái thức sơ năng biến khi Diệu tâm bị bất giác, nên đầu tiên hiện tướng ra biển quang minh sơ năng biến đó…

Phật tử (cắt ngang): A Di Đà Phật!! Xin ông vui lòng giảng lại phần hành ấm cho…

Đáp: Tôi xin nói xong phần thức ấm này đã, sau đó sẽ giảng lại phần hành ấm cho ông nghe. Chúng ta là đi vào diễn trình tự nhiên của thức tâm đang đi xuống, từ vi tế đi ra cõi thô kệch. Trong biển quang minh sơ năng biến có cả chân lẫn vọng, vì ở đó chúng sanh đã bắt đầu chấp pháp rồi. Khi một vị Thanh Văn tu vào được đến đây thì vị đó chỉ ngồi gột phiền não không thôi, tức là phiền não chướng, sau đó dừng chân nơi không hải và đắc quả A La hán. Còn các vị Bồ Tát, khi đã gột được xong phiền não chướng, lại cần gột thêm những biến dịch sanh tử vi tế, tức là gột nốt những sở tri chướng để đi đến chỗ thức ấm vi diệu chỉ toàn là Chân, lúc đó nhà Phật gọi là Bạch Tịnh Thức, hay Vô cấu thức. Lúc đó là lúc thành Phật. Sau khi gột xong, nó sẽ trở thành Bạch Tịnh Thức, nó vẫn chỉ là cái đó thôi, nhưng tùy theo mức độ thanh tịnh mà có sự nông, sâu, lên đến Bạch Tịnh Thức thì sẽ thành Phật. Còn A La Hán thì không làm chuyện đó. Danh từ nhà Phật chập chùng ghê gớm, vì quá nhiều danh từ nên ta dễ lạc, khi lên đến Bạch Tịnh Thức thì nó cũng chính là Như-Lai-Tạng-Xuất-Triền. Còn tàng thức cả chân lẫn vọng thì gọi là Như-Lai-Tạng-Tại-Triền. Tại triền là còn trong sự triền phược, còn có vọng, đến khi gột nốt đuợc những vọng cuối cùng đó thì trở thành Chân, thành Như-Lai-Tạng-Xuất-Triền. Người Phật tử mới bước chân vào Phật học, dễ ngơ ngác về những danh từ chập chùng, nhưng sau khi học một thời gian, thấm Kinh đôi chút, thì mới thấy rằng danh từ nào cũng cần thiết. Tôi xin nói sơ như thế để quý vị thấy trình tự tu hành ra sao mà thôi.

Biển chân tâm đó không có tướng mạo, chỉ có Chư Phật nhìn thấy thôi, con mắt phàm phu chúng ta không thể nhìn thấy nổi. Tự nhiên, bất giác khởi lên, vì vô minh hằng khởi, hiện lên biển quang minh có tướng mạo gọi là tàng thức sơ năng biến, cái đó cũng là một biển quang minh mênh mang, nhưng đã có tướng rồi, (trong Kinh Lăng Già gọi là hiện thức). Khi hiện tướng thì trong biển quang minh đó lại hiện lên những vết xoáy quang minh nhỏ mọc lên tương tự như những gốc cây bèo, tức là cái nút chấp ngã của chúng sanh. Trong biển quang minh ấy kết lại vô lượng, hằng hà sa gốc cây bèo như thế , thì tức là vô lượng vết xoáy chấp ngã của chúng hữu tình, đó chính là hành ấm, sau đó nó lại mọc lên thân cây tức là ý thức hay tưởng ấm, lần lần đi xuống đến những phần thô kệch hơn. Đó là hành trình đi vào vọng và kết thành chúng sanh.

Thân cây là ý thức sẽ mọc lên năm cành cây là năm thức kia. Sau đó nó nở ra những hoa và lá, là những tâm sở cùng với thọ ấm và sắc ấm. Khi nó mọc thành hoa lá, tức là thành sắc thân này thì nó mang năm cái giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi và thân gọi là phù trần căn vì nó có tướng mạo. Tuy có tướng mạo nhưng những căn ấy lại ăn sâu vào thần kinh và não bộ của chúng ta, khi nó đi vào thần kinh hệ đó, tức là vào đến thọ ấm và tưởng ấm ấy, thì nhà Phật gọi là Tịnh sắc căn. Khi đi sâu hơn nữa vào đến hành ấm và thức ấm thì gọi là Thắng nghĩa căn, nên ta phải hiểu nó có từng lóp, từng lóp một, từ thô đến tế.

Nay, tôi xin nói đến những cơ cấu của sự tri giác. Chúng ta tri giác hằng ngày mà không hề biết, như con mắt, lúc nào ta cũng thấy một cái gì, nhưng lại không hiểu cơ cấu nó ra sao. Thường chúng ta quan niệm là cái mắt này nhìn, nhưng thực sự không phải, thật ra nó chỉ là cái “cửa sổ” thôi, mà cái khác, tức giác tánh nó mới thực sự nhìn. Cũng vậy, cái tai, không phải nó tự có khả năng nghe đâu, mà nó cũng chỉ là cái cửa sổ mà thôi. Nay để tôi xin giảng dựa theo duy thức nhà Phật. Cần hiểu rằng, năm giác quan bên ngoài (phù trần căn) của chúng ta rất thô sơ, nó chỉ có công năng gom góp những chất liệu thôi, không quyết định được gì nhiều, như cái mắt khi nhìn, trong Kinh nói rằng, mắt chỉ có nhìn được hình thù của sự vật, là vuông, tròn, méo v.v… Thôi, và có thể biết được nó có mầu sắc hay không mầu sắc, và chỉ có thể biết được hai mầu đen và trắng mà thôi, còn những mầu khác thì không biết. Nên khi con mắt nhìn, nó thu thập, những dữ kiện đưa vào bên trong, vào đến não bộ (là ý thức) mới có quyết định. Lúc đó, nó đi qua thọ ấm, vào đến tưởng ấm não bộ làm một công việc rất vi diệu, còn hơn Computer nhiều, máy móc không ăn thua gì so với bộ óc con người đâu, nó rất vi tế phức tạp. Lúc bấy giờ, khi nhận được những dữ kiện do mắt đưa vào, nó dùng cái hồi tưởng, mà nhớ về các hình ảnh quá khứ, rồi mới quyết định rằng đó là mầu hồng, trắng, xanh v.v…

Lại nữa, nó còn biết rõ rằng đó không phải là mầu hồng của vải, mà là mầu của một đóa hồng, sau đó nó mới phóng ra một lạc tạ ảnh tử, một hình ảnh của nhận thức thì lúc bấy giờ chúng ta biết đó là đóa hoa hồng. Đó là môn duy thức học của nhà Phật, mà khoa học chưa biết rõ. Còn công năng của tai, khi nghe tiếng động, nó chỉ biết rằng, có tiếng động hay không có tiếng động, chứ nó không thể nhận định đó là tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng sủa của con chó, hay tiếng kêu của một con mèo v.v… nó chỉ đưa tất cả những âm thanh đó vào não bộ để cho ý thức làm việc. Lúc đó ý thức sẽ dùng những ký ức cũ, suy luận, so đo, rồi sẽ quyết định đó là tiếng chó, hay tiếng mèo v.v… Cái mũi cũng thế, nó chỉ biết có mùi hay không có mùi, mà không thể phân biệt đó là mùi thơm hay thối, hay đó là mùi của thứ hoa nào, hoặc mùi người, mùi súc sanh v.v… Mũi đưa mùi đó vào trong ý thức làm việc, lúc đó ý thức sẽ dùng tất cả kí ức phân biệt của nó, dự tưởng, phóng tưởng, danh ngôn v.v… và sẽ quyết định đó là mùi gì. về cái lưỡi cũng thế, nó không thể biết rõ các vị, nó chỉ biết một cách đơn giản là có vị hay không thôi, phần còn lại là do ý thức quyết định đó là vị đắng, ngọt, chua, cay v.v… Rồi đến cái thân thì nó cũng chỉ hồn nhiên biết có sự xúc chạm hay không có sự xúc chạm thôi, mà không biết vật đó là gì, phải để cho ý thức quyết định mới biết cái mịn đó là của một loại vải nhung, hay của da người v.v… Bây giờ khoa học mới nhận thấy rằng, con chó khác người ở chỗ mắt chó chỉ nhìn được hai mầu đen và trắng, ngoài ra không thể biết được những mầu khác. Vì vậy, nên ta thấy các thứ mầu đều là do vọng thức của chúng ta làm nổi lên cả, vì nếu quả thực mầu kia là xanh thì loài chó cũng phải nhìn thấy là xanh chứ? Nhưng vì loài người tâm thức đã cao hơn con chó nên lúc đó nó làm óng ánh lên nhiều thứ mầu sắc, xanh, tím, vàng, đỏ, trắng v.v…

Hỏi: Vậy thì tại sao tất cả mọi người đều công nhận cái đó là mầu vàng, xanh hay trắng?

Đáp: Đó là do cộng nghiệp mà ra, vì khi ta đặt một danh xưng, tất cả đều đồng ý gọi đây là mầu vàng, kia là mầu xanh, hoặc là cái bàn, cái ghế v.v… thì cứ theo thế mà gọi, đời này qua đời khác. Nhưng nếu có một loài quỷ nào đó nó lại không cho đó là mầu vàng, lại thấy đó là mầu đen, đỏ v.v… chẳng hạn.

Khi nghĩ lâu về bí ẩn của mầu sắc, ta mới thấy tuệ nhãn của nhà Phật thật siêu xuất, tất cả chỉ là ảnh tượng, do vọng thức hiện lên mà không có gì khác. Ngày nay, khoa học nhận thấy rằng, tất cả những mầu sắc đều do những chiều dài của ba động, nếu nó thay đổi chiều dài thì nó trở thành mầu khác. Vậy thì, những dữ kiện vào đến tưởng ấm, kết tụ thành những quyết định cho cái này là hoa hồng, thì những tri giác đó, một mặt ý thức chuyển lại thân xác những mệnh lệnh cần phải làm để đối phó với tiền trần ấy. Đồng thời, mặc khác, nó chuyển vào đến hành ấm để bồi đắp thêm cái chấp ngã, sau đó nó lại đi sâu vào thức ấm tạo thành một chủng tử lãng đãng trong ấy, đến khi cần, thì nó sẽ nổi lên ngay theo sự yêu cầu của ý thức và ta sẽ nhớ lại rất nhanh. Hoặc tỷ dụ như trường hợp ta gặp một người từ mười năm trước, ngồi nói chuyện với họ khoảng một giờ, lúc đó có một số tri giác rơi vào tâm thức ta, sau đó ta quên hẳn đi, không còn nhớ lại nữa. Sang đây, tình cờ gặp lại, ban đầu vì trí óc chưa kịp gợi lại những kí ức xưa nên ta vẫn còn ngờ ngợ, dường như có quen biết, nhưng không nhớ ra là ai, cái tên thì chịu, không thể nhớ nổi, còn tiếng nói nghe như quen quen. Trong lúc đó, ý thức hoạt động một cách tối đa, nó vớt vát những chủng tử cũ trong vô thức lên, nếu nó vớt lên được thì gọi là “nhớ”, còn không vớt nổi thì gọi là “quên”. Rồi người đối tượng sẽ nhắc nhở ta, tạo thêm duyên cho ta nhớ lại rằng ta gặp y ở đâu, sự nhắc nhở ấy sẽ tạo sức chiêu dụ kéo chủng tử trong vô thức lên bình diện ý thức, làm sáng tỏ lại hình ảnh cũ, nên ta nhớ lại. Đại khái, đó là cơ cấu tri giác trong tâm thức như thế, vì vậy, ở chỗ tưởng ấm là ranh giới của nhớ và quên. Đến khi hành giả vượt qua tưởng ấm rồi thì sẽ đến trạng thái “nhớ, quên như một” tức là tâm thức không trụ vào đâu nữa, lúc nào cũng nhớ tất cả, nhưng vì không trụ nên quên tất cả, không bám víu vào một hình ảnh nào, như gương soi sáng, một đối tượng đi qua thì nó hiện lên tâm thức ta ngay, rõ ràng, như thật. Điều kiện muốn nhớ tất cả thì phải quên tất cả, sở dĩ chúng ta không nhớ được mấy vì chúng ta chỉ trụ vào một số nào đó thôi, nếu ta quên tất cả thì ta sẽ nhớ tất cả, cũng vậy, vô lượng trụ tức là vô trụ vậy.

Hỏi: Nhưng nếu quên hết sạch, thì ta sẽ cho người đó là ngớ ngẩn.

Đáp: Người quên một cách ngớ ngẩn lại khác, vì lúc đó tâm thức họ mù mịt, không trong sáng như một tấm gương trong. Mù mịt là vì trong tâm thức đầy tạp nhạp những hình ảnh lộn xộn, nên không thể nhớ nhất thiết một cái gì, trong khi cái trong sáng của một tấm gưong phản chiếu lại khác. Vật gì đi qua nó, nó cũng đều ảnh hiện lên, nhưng lại không giữ lại nó một cái gì cả, cái không giữ lại, là cái “quên”, còn cái ảnh hiện lên tấm gương là cái “nhớ”. Khi đến chỗ cực vô thì sẽ biến thành hữu, và ngược lại. Sở dĩ chúng ta không nhớ được hết vì chúng ta chỉ trụ vào một số hình ảnh, nên những hình ảnh khác phải bị quên lãng. Đến khi ta quên hết không trụ vào cái gì, thì tâm thức ta lúc đó sáng ngời, thì ta sẽ nhớ được hết. Đức Phật khác chúng ta là ở chỗ đó, Ngài quên hết, nên Ngài nhớ hết mọi chuyện.

Hỏi: Thưa ông, cái “nhớ” và cái “quên” có phải ở trong vô phân biệt trí không?

Đáp: Đúng vậy, vì vô phân biệt trí là mình quên hết, nên mới nhớ tất cả. Nên chư Phật và chư Bồ Tát các Ngài không có nhớ riêng một chúng sinh nào, vì thế mà Ngài nhớ tất cả chúng sanh. Ngược lại, phàm phu chúng ta lại chỉ nhớ đến những người thân của mình thôi, còn những người khác thì chúng ta không hề nghĩ đến, vì chúng ta không vô lượng trụ nên chúng ta không có vô trụ. Chân lý lớn lao và hiển nhiên như thế mà ngay cả những nhà bác học lớn cũng chưa thể hiểu. Đó là nói sơ qua về năm ấm và hành trình của nó.

Nay, ta sang ngũ nhãn và đối chiếu với ngũ ấm xem sao, rồi sau đó ta sẽ nói đến ngũ trược và không gian, thời gian đối chiếu ra sao.

Nay, chúng ta nói về ngũ nhãn trước. Ngũ nhãn gồm có: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Nhục nhãn là phần đông chúng ta đều có, đó là hai con mắt thịt này, khi nhìn thế giới thì chỉ thấy được một khúc rất hạn hẹp trên bình diện của sắc ấm thôi. Nhưng nếu một hành giả tu Như Huyễn Tam Ma Đe, vượt qua được sắc ấm, vào đến thọ ấm và tưởng ấm thì lúc đó hành giả bắt đầu có thiên nhãn, trong thọ ấm và tưởng ấm hành giả dùng thiên nhãn nhìn thấy được cõi trời dục giới, nhìn thấy ma, địa ngục, quỷ v.v… Rồi lên đến tưởng ấm, thiên nhãn của hành giả nhìn thấy cõi trời của sắc giới, càng đi sâu vào tâm thức, thiên nhãn càng mở rộng, rồi đi sâu vào đến hành ấm thì sẽ thấy cõi trời Vô sắc. Qua được hành ấm để lọt vào thức ấm tức là bắt đầu bước vào cái không hải vi diệu, thì lúc đó hành giả sẽ có huệ nhãn, thấy tất cả đều chỉ là một biển quang minh. Nhưng lúc đó chưa có được pháp nhãn, và ở nơi biển không hải ấy, hành giả phải khởi tâm Đại Bi, khởi nhiều thứ hóa thân để vào nhiều cảnh giới độ sanh thì mới sẽ có Pháp nhãn. Đen khi hành giả lại tiếp tục đi sâu hơn nữa, gột hết tất cả những thứ vọng trong thức ấm, để vào Bạch Tịnh Thức thì lúc bấy giờ sẽ có Phật nhãn. Như vậy chúng ta nên biết rằng, cảnh giới của Hoa Nghiêm và cảnh giới của Cực Lạc là ở màng sương mù của thức tâm vi diệu đó. Khi hành giả bắt đầu bước vào thức tâm ấy, nhưng chưa gột được hết vọng, đó là thức sơ năng biến (đệ bát thức) và lúc đó hành giả sẽ thấy Đức A Di Đà và cõi Cực Lạc. Đức A Di Đà nói rằng: “Cõi nước của Ta vi diệu hơn cõi trời rất nhiều” vì phải vào được đến thức ấm đó. Vì vậy, tôi mới nói rằng vấn đề sang Cực Lạc không phải là dễ đâu, nếu có dễ là do lòng đại bi gia trì và vì khi chết ai cũng đều có cơ may là tâm thức có một lúc nào đó có thể lọt vào Tàng Thức một khoảng thời gian rất ngắn. Còn nếu có sự hành trì trong lúc sống thì do lòng từ bi của Chư Phật gia hộ, cộng thêm những chủng tử đã huân tập, nên có nhiều cơ may được vãng sanh. Còn cảnh giới Hoa nghiêm lại cao hơn cảnh giới Cực Lạc, tức là đi sâu vào gần đến Bạch Tịnh Thức. Còn khi nào vào đến tưởng ấm thì giống như trường hợp Ngài Đàm Loan, lúc gần chết, nhìn thấy các Thiên nữ xuống đón, nhưng Ngài từ chối không đi theo, mà ngồi niệm Phật thêm vài ngày để lọt vào thức ấm vi diệu ấy, nhìn thấy Đức A Di Đà sang đón Ngài mới đi.

Hỏi: Cảnh giới Hoa Nghiêm, theo ông nói, cao hơn cảnh giới Cực Lạc. Như thế, có phải chăng chỉ sang tới Cực Lạc rồi còn phải đi nữa mới đến được cảnh giới của Hoa Nghiêm, như vậy, Cực Lạc cũng chỉ là một quán trọ cho hành giả nghĩ chân, giống như là một Niết Bàn hóa thành của Thanh Văn mà thôi. Có đúng chăng?

Đáp: Chúng ta không thể coi cõi Cực Lạc là một quán trọ hay Niết Bàn hóa thành của Thanh Văn được. Vì sao? Vì chính nơi Cực Lạc mà ta có thể thành Phật được, vì đó cũng chính là thức tâm vi diệu của Phật A Di Đà và cũng chính là Tạng Quang Minh của Pháp giới.

Hỏi: (cắt ngang) ồ, theo tôi nghĩ, đó cũng chỉ là một “quán trọ” thôi, vì sau đó còn phải đi nữa mới lên đến quả vị Phật mà…

Đáp: Vâng, nhưng sá gì vào mấy ngôn từ ấy? Miễn sao chúng ta hiểu được ý Kinh là tốt lắm rồi. Ông muốn cho đó là “quán trọ” cũng được, nhưng nơi chỗ Cực Lạc ấy chúng ta sẽ thành Phật được mà không cần phải đi đâu thêm nữa. Lúc đó, hành giả đi mà không đi. Chúng ta là những Phật tử không bám víu vào những danh ngôn, nên không cần phải tranh luận đúng, sai. Vì tất cả cũng chỉ có thế, chỉ quanh quẩn đi trong tâm thức của mình mà thôi.

Phật tử (Giải thích): Không! Ý tôi muốn nói như thế để tâm mình đừng chấp vào cái gì thì mới đi xa được, cũng như trong Hoa Nghiêm, Phật nói đến “Niết Bàn hóa thành ” của Thanh Văn chỉ là một “quán trọ ” cho các Ngài nghỉ chân, sau đó còn phải đi tiếp nữa…

Đáp: Ông nói như thế là hơi cao, chúng ta cần hiểu rằng, gọi thế nào cũng được, quán trọ hay Cực Lạc cũng thế thôi. Nhưng cái chữ “đi nữa” của ông dễ bị hiểu lầm là phải đi đến một chỗ nào khác nữa, nhưng sự thật, nếu được vãng sanh Cực Lạc thì chúng ta không phải đi đến đâu nữa. Nói cho cùng, nói thế nào cũng đều là đúng và cũng không đúng, vì sao? Vì ngôn ngữ thế gian rất hạn hẹp, mỗi một danh xưng đều mang một ý nghĩa riêng của nó, nên nó trở thành có phân biệt, có đi, có đến, có đẹp, có xấu, có thành quả chánh giác hoặc chưa thành quả chánh giác v.v… kỳ thật, khi lên đến tột cao thì không còn một mảy may phân biệt nào, tất cả đều Như như, Tịch tĩnh, trong sáng tròn đầy, chiếu soi tất cả nhưng đồng thời cũng không dung chứa riêng một thứ gì, vì lúc đó đã ra khỏi không gian và thời gian rồi. Nếu còn mê thì còn có khởi điểm, còn có cuối cùng, còn ngộ thì không có khởi điểm, không có cuối cùng, đi mà không đi, tu mà không tu. Vì vậy, Chư Phật và các vị Đại Bồ Tát mới làm được những vô công dụng hạnh, vô tác, vô nguyện bời bời để độ chúng sanh kiếp này sang kiếp khác mà lòng không nhàm mỏi. Còn chúng ta vì còn chấp nên mới chỉ làm một vài năm là đã thấy mỏi chán, đụng chạm một vài người tính tình không họp là đã không muốn làm, vì chúng ta còn chấp nhiều quá, chấp có mình, có người, chấp còn có mình tu, còn có làm những công hạnh, còn có người nhận, còn có quả chứng đắc thì tâm dễ trồi sụt.

Đó là xong phần ngũ nhãn. Nay, ta sang phần ngũ trược…

Ngũ trược gồm có: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược. Ngũ trược lại tương xứng với ngũ ấm. Kiếp trược tương xứng với sắc ấm, nghĩa là khi một chúng sanh bừng con mắt dậy, thấy có hư không và có sắc tướng thì tức là đã vào kiếp trược, là vào cái kiếp có hình, có tướng, có nặng, có nhẹ, có khổ có vui v.v… còn những vị đã được vãng sanh Cực Lạc thì chỉ nhìn thấy những diệu sắc tướng và thấy hư không đầy khắp, sắc tướng thô kệch ù lỳ không chuyển được là những khu vực tối tăm, đồng thời có hư không thì chúng sanh đó đã rơi vào kiếp trược vậy. Còn khi chúng ta vào được đến thọ ấm thì có cái kiến trược, thọ ấm là một màn sương mù của tất cả vọng tình nổi lên, yêu, ghét, thương, giận, buồn v.v… nó làm cho tâm thức mù mịt, làm lệch lạc tất cả cái kiến (nhìn) của chúng ta. Dụ như khi chúng ta dùng con mắt này nhìn một người, hay một vật, thì kiến trược bao giờ cũng làm cho chúng ta có cái nhìn lệch lạc, qua một lăng kính của vọng tình. Như khi ta yêu ai, thì là thấy tất cả những gì họ làm cũng dễ thương, những gì họ có đều tốt, đều đẹp, ngược lại, nếu ghét ai ta thấy cái gì họ cũng xấu, nhẫn đến tiếng cười của họ ta cũng cho là vô duyên tệ, chỉ muốn họ đi đâu cho khuất mắt thôi. Đó chính là cái lăng kính của vọng tình, gọi là kiến truợc. Rồi khi hành giả vượt qua thọ ấm, vào đến tưởng ấm thì sẽ có phiền não trược, tức là tư hoặc. Vì tất cả chỉ do mức độ “nhìn” của chúng ta mà ra. Như những thứ yêu, ghét cứ triền miên trong tâm tư thì sau này ta lại suy tư hoài về những thứ ấy, sau nó kết thành những “cục” trong tâm tưởng tức là những phiền não trược. Lấy một thí dụ điển hình cho dễ hiểu, nếu ta ghét một người nào đó, mà xui xẻo cứ phải gặp họ hoài, ngày nào cũng suy tư và huân tập thêm sự ghét đó, lâu dần nó vón lại thành một cục phiền nào to lớn, khó thể gột nổi, nó kiên cố đến độ nhiều khi đến kiếp sau, ta lại đi kiếm chính người đó để trả thù. Cũng như trong truyện “tình sử” của Trương Chi – Mỵ Nương, có nói “khối tình đem xuống tuyền đài chưa tan…”. Đó là nó đã kết thành một “khối” phiền não không tan được, rồi kiếp sau, nhân duyên cũ lại đẩy gặp nhau, hoặc nghịch, hoặc thuận rồi vay vay trả trả mãi, đó cũng gọi là tư hoặc. Tất cả phiền não chúng ta có là do cái “tư” này mà ra, vì suy nghĩ mãi về ghét, yêu và ái dục mà ra. Như Nguyễn Du tả Kim Trọng, sau khi gặp Kiều, về nhà tưởng nhớ đến người gặp gỡ, “Niềm riêng, nhớ ít tưởng nhiều…”, Chính thật, Kim Trọng chỉ thấy nàng Kiều một lát thôi, nhưng về nhà thì cứ tưởng tượng ra nhiều mãi, đó là do cơ năng của tư hoặc, càng ngày, càng huân tập cho những chủng tử mê đắm, tạo thành một khối trong tâm, và rốt cuộc phải đi kiếm nàng.

Sang đến hành ấm, ở hành ấm thì gọi là “chúng sanh trược”, Trong biển thức tâm vi diệu khởi lên những con lốc quang minh xoáy lại, đến hành ấm kết thành một lăng kính, hay một cái nút, hoặc một cái “gốc cây bèo” làm thành mạng căn của chúng hữu tình. Khi có cái gốc ấy rồi, thì phải đi thọ sanh, hoặc là thấp sanh, hóa sanh, thai sanh v.v… Vì vậy, trong duy thức học mới có hai mươi tư pháp bất tương ưng hành, nói đến một pháp gọi là “đắc”, có nghĩa là được, là lúc đó, chúng sanh đắc được mạng căn thì phải đi thọ sanh, mà không có cách gì từ chối được. Nếu một hành giả có nhiều công phu tu tập từ nhiều kiếp, thì đứng trước bào thai cũng từ chối không vào, đó là do sức định của hành giả, lúc đó có thể niệm Phật, tụng chú v.v… và từ chối không vào bào thai. Như vậy, lúc đó có thể sẽ sanh được Cực Lạc nếu tâm hành giả có nguyện cầu vãng sanh. Nhưng trường họp này cũng rất khó, vì lúc đó tâm thức mê muội, không tự chủ được, phần lớn thường để cho nghiệp lực dẫn dắt, một câu niệm Phật còn chưa có thể nhớ được huống gì đến mười câu. Vì lý do đó nên ta cần hạ thủ công phu tu tập ngay từ lúc này để cho tâm thức vững vàng mới mong được vãng sanh. Vì vậy, đến giờ lâm chung, chúng ta phải thật tỉnh táo, và cái huệ giúp chúng ta trong giờ phút đó, nếu chúng ta thấy mình đi vào một ngôi nhà tranh, có người đàn bà đang đau đẻ thì đó là ta thọ sanh vào nơi bần cùng, nghèo kém. Còn khi thấy mình đi vào trong một lầu gác, nghe tiếng người đàn bà đau đẻ trên đó thì biết rằng ta sẽ thọ sanh trong nhà cao sang, làm một vương tôn công tử. Đó là những điều chúng ta phải nhớ, như suy cho cùng thì cũng rất khó nhớ, khi cơn bệnh nó khởi lên, thể xác đau đớn, tâm thức mịt mùng thì rất khó nhớ, và những phong luân của nghiệp lực mạnh mẽ ghê gớm. Vì vậy, chúng ta phải tập niệm Phật từ bây giờ, thì mới hy vọng nương vào thần lực của Chư Phật gia hộ, may ra thoát được.

Trở lại ngũ trược, chỗ này ta đang nói đến vụ “đắc” mạng căn, nên gọi là “chúng sanh trược”, tức là khi có cơn lốc vô minh từ vô thỉ kết thành cái gốc cây bèo, đó là cái ngã thì bắt buộc chúng sanh đó phải đi thọ sanh, chỉ trừ khi hành giả tu hành có huệ, từ chối không vào bào thai, cố giữ chí nguyện vãng sanh Cực Lạc. Những người tu Như Huyễn Tam Ma Đề không dừng chân ở đây, lại đi sâu vào thức ấm, tức phạm vi của mạng trược mà trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói…

Vậy thế nào là mạng trược? Là trong Tàng thức, còn có những biến dịch lăn tăn vi tế chấp pháp, tức là sở tri chướng. Thí dụ chúng ta là một hữu tình, có cái ngã phải đi thọ sanh, thì lúc đó, chúng ta vừa chấp ngã, đồng thời cũng chấp pháp một cách thô kệch, như chấp vào cái bàn, ghế, núi sông, súc vật, trăng sao, người tốt, xấu, kẻ đẹp đẽ hay xấu xí v.v… Đó gọi là “phân biệt chấp pháp”. Đồng thời, lại vừa câu sanh chấp ngã và phân biệt chấp ngã, vì từ hành ấm đi xuống, càng đi vào những bình diện thô kệch thì chúng sanh càng chấp ngã một cách nặng nề, đồng thời lại chấp pháp một cách rất thô kệch, đó gọi là phân biệt chấp pháp. Đen khi hành giả vượt được hành ấm, vào biển Không hải thì đắc được chút không tam muội, vào biển quang minh so năng biến. Nhưng ở đây, có nhiều tầng mức nông, sâu, nên hành giả vào biển không tam muội ấy thì chỉ mới chớm vào thôi, chưa phải là ở mức độ tột không của Chư Phật. Vậy trong cái biển quang minh uyên nguyên đó có những gì khởi lên làm lưu ngại? Đó là những vết xoáy, những cơn lốc xoáy. Trong Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng, lúc đầu, sở dĩ ta khởi vọng là do chúng ta khởi tâm muốn chiếu soi, lúc đó tâm chưa phải là của hữu tình nữa, mà là một thứ tâm của “giác tánh”. Những vết xoáy đó khởi tâm muốn chiếu soi, nhưng nó bị cái vọng là quên mất rằng chính nó là “Giác Tánh” nên quay lại tự chiếu soi lấy chính nó. “Tự tâm trở lại chấp tự tâm, không phải huyễn mà trở thành pháp huyễn” nên khi giác tánh ấy tự chiếu soi thì lóe lên muôn vàn đợi sóng lăn tăn, tương tự như một mặt trăng soi bóng trong nước, nếu mặt nước yên lặng thì mặt trăng ảnh hiện tròn đầy, còn mặt nước gợn lăn tăn thì mặt trăng ấy trở thành muôn vàn đốm sáng trên những đợt sóng lăn tăn ấy. Vô lượng những đợt sóng đó gọi là “mạng trược”, cùng gọi là “vô minh hoặc”, đó là căn bản vô minh, còn chúng ta thì lại bị vô minh thô kịch hơn gọi là “vô minh chi mạt”, là vô minh ngọn chi phối. Tất cả những gợn lăn tăn chấp pháp đó gọi là biến dịch sanh tử thì hàng Bồ Tát khi tu hành đến mức cao này phải gọt nốt nó. Sau này, nếu chúng ta có đọc Kinh Đại Bát Nhã, sẽ thấy rõ rằng đó là lối chấp chiếu soi, chấp giác giả và chấp trí giả. Chỗ đó là giác tánh, bỗng nhiên khởi tâm muốn chiếu soi, rồi sau đó lại khởi lên một vọng tưởng gọi là giác giả và tri giả. Đến khi một chúng sanh đã có thân hữu tình và cái ngã rồi thì lúc đó lại vấp vào vọng tưởng mà Kinh Đại Bát Nhã gọi là thọ giả, tác giả và kiến giả. Trong Đại Bát Nhã có nhiều danh từ mới nghe cứ thấy chập chùng mù mịt, ta phải mò mẫm từ từ mới có thể hiểu nổi. Trên kia, là có giác giả và tri giả chiếu soi, xuống một tầng thô kệch hơn, khi có đầy đủ ngã rồi thì có cái vọng thô, gọi là thọ giả, (chấp có người thọ), chấp có người là tác giả, chấp có người thấy gọi là kiến giả. Trên kia, là cái giác tánh tự khởi vọng lên rồi tự chiếu soi lấy chính nó, gọi là chấp pháp, cái chấp pháp này rất khó hóa giải. Trong Kinh nói rằng, một vị Đại Bồ Tát lúc đó mới biết được vô minh hoặc, mới thấy cái sanh tướng của vô minh, gột xong cái đó thì mới thành Phật được.

Hỏi: Có phải lúc bấy giờ hành giả vào được diệt thọ tưởng định?

Đáp: Diệt tưởng định nếu so với tầng mức này thì nó còn rất thấp, nó ở ranh giới giữa hành ấm và thức ấm, sắp bước sang thức ấm thì vào được diệt tưởng định. Diệt thọ tưởng là gì? Chính là diệt thọ ấm và diệt tưởng ấm. Còn sở tri chướng chấp pháp thì ở sâu hơn nữa. Đạo Phật nhiều khi dùng rất nhiều danh từ, nói về nhiều khía cạnh, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì thấy nó ăn khớp với nhau rất ghê gớm.

Nay, ta nói qua đến vấn đề không gian và thời gian trong năm ấm đó. Người tu hành phải làm con cá Tích, đi ngược dòng vì trong Kinh nói rằng, chư Phật và Đại Bồ Tát thuận dòng sinh tử đi xuống để cứu độ, còn chúng sanh phải làm con cá Tích ngược dòng đi lên, ra khỏi bến Mê. Khi ngược dòng đi lên thì phải lội qua năm màn sương mù đó. Ở bờ bên này, tức là ở bến Mê, thì không gian và thời gian nảy nở trọn vẹn, từ sắc ấm sang đến thọ ấm vào đến tưởng ấm, không thời gian vẫn còn đầy đủ. Thông thường, vọng tưởng về không gian và thời gian đều do tư tưởng ấm (ý thức) rất nhiều. Đến khi vào đến hành ấm thì không, thời gian bắt đầu bị hóa giải, vào đến thức ấm thì hóa giải khá nhiều, gần hết, rồi càng lặn sâu vào thức ấm thì không, thời gian gần như không còn nữa. Nên tất cả vọng tưởng về không gian, thời gian, đều theo tập khí huân tập từ nhiều kiếp nhưng vào đến thức ấm thì gần như không còn nữa. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói nhiều về điều này, tỷ dụ như nói trong một hạt cát có vô lượng cõi, hay một sát na có thể kéo dài thành nhiều kiếp, hoặc một kiếp có thể thu ngắn lại thành một sát na v.v… Tức là Kinh muốn nói đến cái thức tâm vi diệu. Ta có thể mường tượng hình ảnh như sau: Tỷ dụ như một vòng tròn, trung tâm của vỏng tròn nằm tại trung điểm. Ở ngoài bìa của vòng tròn lớn thì không gian, thời gian nở đầy đủ trọn vẹn, càng đi gần vào trung tâm bao nhiêu thì không gian, thời gian càng tóp lại, tức là vào sâu đến trung tâm điểm thì không, thời gian hoàn toàn bị hóa giải. Chư Phật, các Ngài có ngũ nhãn là trụ ở trung tâm nên nhìn thấy ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai hiện tiền ngay trước mắt. Còn chúng ta, sở dĩ nhìn thấy quá khứ đi lùi mất, vị lai thì chưa tới vì chúng ta đứng tại cái bìa của vòng tròn lớn phía ngoài cùng, ở bìa này là chỉ nhìn thấy một khúc đi ngang.

Lại có một điểm quan trọng khác quý vị cần nên nhớ là khi tâm ta chỉ trụ ở mức sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm thì ta chỉ nhìn thấy sự chuyển động thường thường theo bề ngang, chỉ trông được một khúc bề ngang của Pháp giới, vì vậy, nên ta lấy quan niệm rằng con vật mẹ sinh ra con vật con. Nhưng từ hành ấm trở sâu vào trong, thì sự chuyển động như không đi ngang nữa, mà chỗ đó nó đều là flash cả, và sự chuyển động như phụt lên theo chiều dọc, nên nhà Phật gọi là “điển”. Vì nó phụt lên như Flashs theo chiều dọc như thế nên không, thời gian dần dần được hóa giải. Rồi vào đến thức ấm lại càng ghê gớm hơn nữa, nó chỉ toàn là những tia chóp quang minh phụt lên rất mau lẹ. Đây là một điểm rất khó và cũng là điểm then chốt nhất của Đạo Phật. Đây chính là ý của Phật khi Ngài nói: “Một niệm vi mật hiện tiền tịnh tĩnh” chính là chỗ này đây. Trong Kinh Phật dạy rằng, một niệm sanh ra, xong lại diệt đi ngay, vậy thì câu hỏi đặt ra là, trong đó có thời gian tính không? Ngày xưa, có Ngài La Thập (là vị đã dịch Đại Trí Độ Luận cùng tất cả Kinh điển Đại Thừa cho chúng ta có mà đọc tụng) và Ngài Huệ Viễn là tổ thứ nhất trong Tịnh Độ Tông viết thơ hỏi Ngài La Thập rằng: “Đức Phật dạy rằng, một niệm sanh ra thì diệt đi ngay, thì giữa cái sanh, diệt đó có một tí thời gian nào không? Cái sanh, diệt đó là nhất thời hay dị thời? Tức là nó sanh ở sát na này, và bị diệt đi ngay trong sát na đó (nhất thời, hay sanh ở sát nà này và bị diệt ở sát na khác (nhị thời)? Neu chúng ta cho nó có sanh lên và diệt đi, dù là tức khắc nó cũng phải mang trong nó một tính chất thời gian, còn không có tí nào thì làm sao sanh, diệt được? ” Câu hỏi này rất hay vì nó đã đến cho bờ mé, ở chỗ li ti cuối cùng, hay cái ngằn mé của tâm thức. Ngài La Thập trả lời rằng: Ngày xưa, Đức Phật nói thế cho chúng sanh hiểu được cái lẽ vô thường của vạn pháp mà thôi, chứ Ngài không nói nhất thời hay dị thời, Ngài không nói cái đó sanh và diệt cùng một sát na, hay sanh diệt ở hai sát na khác nhau. Nhưng sở dĩ ta thấy là một sát na hay hai sát na là tùy theo tâm thức bập bềnh của chúng sanh. Nếu tâm kém cỏi, nghiệp lực nặng nề thì thời gian hiện rõ, sẽ thấy nó sanh ở sát na này và diệt ở sát na khác, còn nếu tâm thanh tịnh, yên lặng như mặt nước hồ thu như tâm của Bồ Tát thì chỉ còn thấy một sát na thôi, vì lúc đó thời gian đã được hóa giải gần hết rồi. Đại khái là như vậy, phải quán chiếu sâu mới thấy.

Hỏi: Trường hợp thấy sanh, diệt cũng trong một sát na có phải là đã vào được đến đại định rồi không?

Đáp: Là vào được định thôi, còn đại định là tâm thức còn đi sâu hơn nữa vào biển Diệu tâm, vì đó là định của Phật rồi.

Như thế chúng ta phải hiểu rằng, càng đi ra những vòng ngoài bao nhiêu thì thời gian và không gian càng nở rộng rãi, càng rõ rệt. Ngược lại, rút sâu vào trung tâm thì không gian và thời gian sẽ dần dần bị hóa giải, lúc đó tam thế điều bình đẳng, quá khứ, hiện tại, vị lai đều hiện tiền trước mắt. Lấy một thí dụ cho dễ hiểu, khi ta gặp một người mà kết duyên chồng, vợ, sống với nhau 50 năm, một người chết đi, thì lúc đó ta không còn thấy người đó nữa, và lúc đó ta cho người kia là quá khứ. Nhưng đối với một vị Bồ Tát có thiên nhãn, vị đó thấy vợ mình, hay chồng mình đi đầu thai ở nơi kia, vì vậy, nên không có vị lai, không có quá khứ. Sở dĩ ta còn thấy có quá khứ, vị lai là vì con mắt thịt của chúng ta rất hạn hẹp, chỉ có một khúc là hết, từ buổi sáng qua đến buổi trưa là buổi sáng đã trở thành quá khứ rồi. Hay có người bạn đến thăm mình trước đây một giờ, khi họ từ giã là không còn nhìn thấy nữa, thì ta cho là quá khứ. Nhưng nếu có thiên nhãn thì ta vẫn cứ nhìn thấy người ấy, dù họ đi đến đâu cũng thấy như thế, thì không gian và thời gian lúc đó gần được hóa giải. Nhưng đây cũng chỉ là ý tưởng của tôi phỏng đoán thôi, không chắc là đúng, phải tu lên đến mức vào được hành ấm, thì mới tự chứng đươc.