HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch
Chương 7
NHẬP DIỆT
Tháng 10, bệnh Sư ngày càng trở nặng, Ngài ra lệnh đồ chúng gấp rút tu bổ cho xong phần bên trong Tháp Hải Hội. Cho bài trí nhất nhất đúng pháp. Trước tiên là cúng dường Phật tượng, an kinh, tiếp đến là sái tịnh Tăng phòng, rồi cử vài vị Tăng vào đấy ở, sớm hôm niệm Phật.
Thứ tư, ngày 7/10/1959, (tức mồng 6 tháng 9 Kỷ Hợi). Sư nhận được tin Lý Tế Thâm ở Bắc Kinh tạ thế, Sư nói: “Thôi, ông đi trước, Ta cũng sắp đi rồi”!
Thị giả nghe nói rất ngạc nhiên.
Mấy ngày sau Sư không ra khỏi giường, hơi thở như trong trạng thái ngủ. Hằng ngày Thị giả vào hầu bên cạnh, Sư thấy thế bảo:
-Hãy ra ngoài đi, tôi có thể tự lo liệu được.
Giờ ngọ ngày 12, Sư ra lịnh rước Tôn tượng Phật vào cung phụng tại biệt thất. Thị giả thấy Sư có điều khác thường, vội qua cấp báo với Phương Trượng và ba liêu Chức sự. Tối đến họ tề tựu quanh Sư vấn an, thỉnh Ngài vì đạo trụ lâu nơi đời. Sư nói:
-Việc đến nước này rồi mà các ông còn làm như người thế! Hãy phái người vì tôi niệm Phật tại Đại Điện. Chúng xin Sư ban cho lời khai thị và di chúc cuối cùng. Sư nói:
-Phần hậu sự cho tôi, mấy ngày trước đã đặn cả rồi, giờ chẳng cần phải nói lại nữa. Còn hỏi tôi mấy lời tối hậu thì chỉ có thế này:
Khuyên tu Giới, Định, Huệ
Ắt diệt tham sân si…
Rồi Sư nằm nghiêng bên tả, nói:
-“Chánh niệm chánh tâm, dưỡng xuất tinh thần đại vô úy, độ người độ dời”…Chư vị vất vả nhiều rồi, hãy về nghỉ sớm đi!
Chúng từ tạ lui ra.
Trong đêm khuya…
Núi Vân Cư địa thế vốn cao. Càng vào thu gió càng lạnh dữ, lá cây rơi xào xạc, cổ thụ cao ngất trời, gió thổi vi vút như muốn lay động vạn vật trong bóng đêm… Trong thất, ngọn đèn nhỏ như hạt đậu tỏa ánh sáng le lói, ngoài cửa sương rơi giọt giọt, nhìn lại thảo am, chỉ có Lão nhân nằm yên trong đó. Xa xa bên Đại điện văng vẳng tiếng chuông u minh ngân nga và lời tụng kinh vang vọng nối tiếp nhau như tiễn đưa Ngài ra đi.
Sáng ngày 30 (tức 12 tháng 9 âm lịch) Hai thị giả bước vào thất, thấy Sư ngồi tĩnh tọa như thường, hai má hơi ửng hồng giống như hôm qua, chẳng dám làm kinh động nên nhè nhẹ lui ra đứng hầu ngoài cửa.
12 giờ, từ ngoài song họ nhìn vào thấy Sư bước xuống giường, tự lấy nước uống rồi đứng dậy lễ Phật. Thị giả sợ Sư bị bệnh đã lâu, thân thể suy yếu dễ té nên bước vào. Sư ngồi xuống, bảo thị giả:
Ta nằm mộng thấy có một con bò đạp gãy cầu Phật Ấn, lại thấy dòng suối Bích Khê ngừng chảy. Rồi Ngài nhắm mắt, không nói nữa.
Đến 12 giờ 30 Sư kêu hai thị giả đồng vào, Ngài mở mắt nhìn khắp, nằm nghiêng bên hữu nói:
-Các con hầu ta mấy năm nay, tận tụy cực nhọc đáng cảm. Việc ngày trước không bàn đến nữa. Ta mười năm gần đây, ngậm đắng nuốt cay… trước bao dèm báng, oan khuất, Ta đều nhẫn chịu. Chỉ mong bảo lưu được đạo tràng Phật Tổ trong nước, gìn giữ thanh quy Tổ đức cho Tự viện, ta dốc hết sức tàn chỉ mong bảo tồn được chiếc Đại y cho người xuất gia – Phải biết Đại y này là do ta liều mạng giành lại… Các con ngày nay đều là đệ tử đã vào cửa của ta, phải nhận thức rõ những gì đã từng xảy ra. Nhớ, ngày sau nếu các con có kết am hay cần trụ bốn phương, thì phải kiên trì bảo tồn Đai y này. Làm thế nào để bảo tồn vĩnh viễn?- Chỉ có một chữ: -“GIỚI!”…Nói xong, Ngài chắp tay lại bảo:・ “Trân trọng“… Hai vị thị giả rơi lệ lui ra ngoài, đứng hầu dưới hiên.
Đến 1g45, hai thị giả vào thăm. Thấy Sư nằm nghiêng bên hữu theo thể kiết tường và đã thị tịch rồi. Họ vội và báo cho Trụ trì cùng đại chúng hay, tất cả tề tựu tụng kinh tiễn biệt, ngày đêm luân lưu niệm Phật. Thứ hai 18/9 ÂL đóng cửa khám, Thứ ba 19/9 ÂL trà tỳ, lúc châm lửa. khói trắng cuồn cuộn bốc cao, nghe hương thơm xông khắp. Khi mở khám, thu được hơn trăm viên xá-lợi ngũ săc, hạt nhỏ thì vô số. Màu trắng là nhiều nhất, thảy đều tinh khiết, sáng óng ánh, lấp lánh. Thứ năm 21/9 Â.L đem tro xương Ngài nhập tháp Hải Hội núi Vân Cư.
Sư thọ thế 120 tuổi, hạ lạp 101 tuổi.
Tính ra, Sư nhập diệt vào ngày Thứ ba, 12 tháng 9 Â.L (nhằm ngày Mậu Thìn tháng Giáp Tuất năm Kỷ Hợi) tức 13/10/1959 Dương lịch. Nghe tin Hòa thượng Hư Vân chùa Chân Như núi Vân Cư tịch diệt, cả thế giới chấn động, tiếc thương1 Chi tiết ngày, tháng, năm Sư mất được nghiên cứu và trích từ tài liệu của đệ tử Sư là cư sĩ Ứng Thang (Chu Kinh Tru) vì ông ghi rõ ràng, chính xác nhất.
***
Phụ lục:
CÔNG HẠNH ĐỜI SƯ
Chu Kính Trụ
Khi tôi viết bài này tôi đã đọc Niên Phổ tỉ mỉ rất nhiều lần, cảm thấy Sư trong 100 năm Tăng lạp này, không gì mà không là việc quan trọng đáng ghi lại. Bởi vậy dường như chẳng cách chi hạ bút.
Sau đó do Sầm Học Lữ nhiều lần thúc hối, trách cứ, tôi mới bắt đầu viết, tôi đem cả một đời công hạnh Sư phụ, đúc kết lại như sau:
Hạnh Thanh Tịnh: Sư bị ép kết hôn mà không nhiễm, trên thuyền Ninh Ba từ chối nữ sắc, thật không thẹn với bốn chữ “Phạm hạnh thanh tịnh“.
Hiếu: Sư triều lễ Ngũ Đài, lễ xá-lợi, đốt tay… cầu báo ân song thân. Trong mắt một số người, có thể cho là Ngài ngu hiếu, song nếu là kẻ vô trí sẽ không thể nào thành tựu được Đức đại hiếu như vậy, Đó là Hiếu thế gian của Sư. Còn khi Sư trùng hưng các đạo tràng Kê Sơn, Nam Hoa, Vân Môn, Vân Thê v.v… thì chính là Hiếu xuất thế gian của Sư. Hiếu thế gian và Xuất thế gian, Sư đều có đủ, nếu không phải là bậc Đại bồ-tát, thật khó mà làm được như vậy!
Nhẫn: Cả đời Sư sông bàng bạc chữ Nhẫn – Khéo nhẫn những đều khó nhẫn – chỉ Sư mới làm được.
Định: Định lực của Sư rất phi thường tất nhiên ai cũng thấy.
Xả: Sư từ chức ở Cổ Sơn vào núi xả hết sở hữu, sau đó xây các ngôi danh lam: Nghinh Tường Thiền Tự, Vân Thê, Nam Hoa, Vân Môn… Tất cả Sư đều: – Xây xong là ra đi – Ngôi kiến trúc cuối cùng Sư xây là: chùa Chân Như núi Vân Cư Giang Tây, Sư cũng tự náu nương nơi am tranh, trọn cả đời không giữ một vật riêng, phòng riêng, từ bỏ hết mọi hưởng thụ cá nhân. Hạnh xả này của Sư có thể gọi là khuôn phép mẫu mực cho đời.
“Mùa hạ năm Kỷ Sửu, Sư từ Vân Môn tới Hương Cảng. Sầm hỏi: – “Thế sự biến đổi, tương lai con ở đâu mới hợp?“, Sư trầm ngâm hồi lâu rồi dạy: “Người học đạo đi đến đâu cũng là quê nhà, buông hết thì là đạo tràng, cư sĩ hãy khéo an tâm”.
Sư còn ngầm chỉ giúp là Cư Chánh hợp Đài Loan, Lý Hán Hồn hợp Mỹ. Lý từng hỏi bản thân Sư thế nào, Sư nói: “Trăm vạn Tăng, Ni không chỗ nương, tôi cần phải nhẫn để hướng dẫn họ.”
Rồi Sư tự đề thơ cho bức tượng mình rằng:
Giá cá si hán
Hữu thậm lai do
Mạt pháp vô đoan
Tham dục xuất đầu
Ta tư thánh phái
Nhất phát nguy thu
Kỷ sự bất nguyện
Đoan vi nhân ưu
Hướng Cô Phong đỉnh
Trực câu điếu lý
Nhập đại hải để
Phát hỏa tiên âu
Nhen lửa nấu bọt
Bất hoạch tri âm
Đồ tự bi thương
Tiếu phá hư không
Mạ bất tức lưu
Y! vấn cừ vi hà bất phóng hạ?
Thương sinh khổ tận na thời hưu
Tạm dịch:
Anh chàng si này
Là từ đâu tới?
Mạt pháp không mối
Tham dục xuất hiện
Buồn cho đạo Thánh
Ách nạn vừa phát
Việc mình chẳng quản
Chỉ lo người đau,
Hướng Cô Phong đỉnh
Thả lưỡi thẳng, câu
Vào đáy biển sâu
Nhen lửa nấu bọt
Chẳng gặp tri âm
Chỉ tự buồn rầu
Cười phá hư không
Chửi chẳng câu mâu
Này, hỏi anh vì sao chẳng buông?
Thương sinh khổ đến tận cùng thì ngưng.
Từ Bi: Xem cách Sư mật khuyên Lý Hán Hồn, Cư Chánh, ắt Sư đã dự biết trước hết cả rồi, ngoài kế sách Sư ở lại giữ Vân Môn ra, còn có tấm lòng từ bi vô bờ lo cho số phận Tăng, Ni nội địa. Bởi vậy Sư mới nói: “Việc mình chẳng quản, chỉ lo nỗi đau của người”. Sư tình nguyện vì chúng sinh thọ khổ. Và rõ ràng là Ngài đã khổ đến cùng kiệt. Trong Niên Phổ, Sư tự thuật, có hai việc này là chẳng đề cập đến. Nhưng đâu phải là không trọng yếu? Tôi đã tìm trong tài liệu của các bằng hữu và kể ra đây, để thấy rõ Ngài thật là đại từ đại bi vậy!
Dị Thường Hạnh: Hạnh dị thường bàng bạc trong đời Sư. Điểm lạ khác nữa là Sư mỗi khi dạ hành, bất luận là lộ trình xa gần, dẫu đường núi gập ghềnh khúc khuỷu, gồ ghề… Sư đều chẳng hề dùng đèn. Tôi hỏi Sư:
-Có phải hai mắt Ngài phát quang? – Sư chẳng đáp.
Phương Tiện Hạnh: Sư chỉ dùng vài lời nói mà đã có thể giảng hòa, giải nguy ách cho ông Trương, Tri huyện Tân Xuyên, tránh chiến tranh cho Tây Tạng và Trung Quốc, nhiếp phục Lý Căn Nguyên. Giảng hòa nhóm thổ phỉ với ông Đường khiến địa phương này hơn mười năm an ổn. Bồ- tát hành Phương Tiện Hạnh, cần nhờ vào biện tài. Qua đây thấy rõ, hạnh này rất hữu ích cho chúng sinh.
Đại Vô Úy: Khi Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc thành lập, có người đề nghị nên thủ tiêu Kinh Phạm Võng, Tứ Phần Luật, Bách Trượng Thanh Quy v.v… Sư đều phủ quyết, không chấp nhận, cho rằng đây là những điều xằng bậy, ngông cuồng.
Những điều Sư đã sống, đã hành, quả là cuồn cuộn khí thế, người đương đại ai có thể bì kịp? Hạnh Đại Vô úy của Sư là như thế đấy.
Bất Phóng Dật: Sư một đời hành đạo chưa từng ngừng nghỉ. Kính Trụ tôi hầu Sư trước sau gần một năm, thấy Ngài luôn như thế, bất phóng dật.
Một đời hành đạo của Sư, chỉ vài lời thế này này làm sao có thể nói hết một phần vạn? Hơn nữa, trong Niên Phổ Tự Thuật vẫn còn nhiều điều cần nói mà không thể nói. Có một chuyện thế này: Khi Sư xây Tháp Phổ Đồng ở Nam Hoa, đã từng cho lưu một huyệt, và đề rằng: “Hư Vân di thuế“, (Hư Vân bỏ xác) đủ thấy Sư đã có dự định chọn ngày tàn của mình là xả thân ở đây (Nam Hoa).
Nếu như không có dòng thác thời cuộc rối ren, cộng thêm nhiều bức hại… thì ắt hẳn đạo tràng trăng nước Vân Cư vẫn chỉ là trăng nước mà thôi -Điều này trong Niên Phổ chưa đề cập đến, nhưng để bổ túc, tôi kể lại. Qua đây có thể thấy chí nguyện của Sư.
Sư phát nguyện trùng hưng chùa Quang Hiếu, Do nhân duyên thời cuộc chưa chín, nên không thể thực hiện tròn nguyện.
Chuyện trùng hưng Quang Hiếu, thôi thì đành đợi người hậu lai?… Trong niên phổ trang 406 có viết: “Đại tồn“, (giữ thay) và viết: “Tương lai” – Ắt Sư phát nguyện trùng lai! (trở lại)? Chẳng hỏi chi về nguyện này nữa, nhưng nhân đây tôi có một dự ký rằng: “Ngày sau, nếu có người phát tâm trùng hưng Quang Hiếu – Ắt là Sư tái lai, không nghi!
Trung Hoa Dân Quốc 57, đệ tử Chu Kính Trụ kính ghi.
HẾT