HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch

 

Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH

(TT)

NGÀY THỨ NĂM, THẤT THỨ HAI

20 tháng Giêng, Quí Tỵ (5/3/1953)

Những người đã có đầy đủ lòng tin sâu dày ở trong Thiền Đường này, đương nhiên là đang nỗ lực dụng công, các bậc Thượng tọa, chư sư lão tham, công phu đương nhiên là thuần thục.

Trong số những người thuần thục đó cần phải biết dụng công hồi hổ (quay trở lại), cần phải thấu đến tận nguồn suốt đáy, cần phải sự lý viên dung, cần phải động tịnh vô ngại, chẳng nên cứ ngồi sửng như chết, chẳng nên trầm không chấp tịnh (thủ tịch) đắm trước cảnh an tĩnh. Nếu như đã say đắm cảnh tịnh, không chịu quay trở lại, thì giống như con cá trong nằm trong vũng nước chết (nước đọng) không có hy vọng nhảy đến Long Môn, chỉ là con cá bị nhốt trong băng giá, hoàn toàn vô dụng.

Người mới phát tâm, dụng công cần phải thống thiết. Đối với việc sinh tử, phải sanh lòng hổ thẹn buông hết vạn duyên. Vừa mới dụng công có chút lực lượng mà buông không hết, thì chuyện sinh tử ắt chẳng liễu.

Bởi vì tôi và các ông từ vô thủy đến nay, bị thất tình lục dục mê hoặc. Hiện giờ từ sáng đến chiều thảy đều trong thinh sắc qua ngày, không biết gì đến chân tâm thường trụ, cho nên mới bị trầm luân trong biển khổ. Bây giờ các ông và tôi đã giác ngộ, hiểu rằng mọi việc trên thế gian đều khổ não, có thể tận tình buông hết thì lập tức thành Phật.

NGÀY THỨ SÁU, THẤT THỨ HAI

21 tháng Giêng, Quí Tỵ (6/3/1953)

Những vị đến tham dự kỳ đả thất này, theo tôi thấy thì đa số là những thiện nam tín nữ mới phát tâm, cho nên quy củ pháp tắc đều chưa thông, cử chân nhấc bước đều khuấy động đến sự an tĩnh của người. May gặp Thường trụ từ bi, tìm đủ cách trợ giúp chúng ta thành tựu đạo nghiệp. Chư sư Thủ lĩnh đã phát tâm vô thượng đứng ra hướng dẫn, hỗ trợ chúng ta đúng như pháp mà tu hành, cơ hội này quả thật là muôn kiếp khó gặp. Quý vị cần phải dũng mãnh tinh tấn, tu cả trong lẫn ngoài.

Tu bên trong là nhẹ nhàng cử câu thoại đầu Niệm Phật là ai?”,hoặc niệm một câu “A Di Đà Phật, chẳng khởi tham sân si… cùng các tạp niệm khác, khiến cho chân tâm pháp tánh được hiển lộ

Tu bên ngoài: là ngăn giết hại, lại phóng sinh. Chuyển Thập ác thành Thập thiện. Từ sáng đến tối không nên uống rượu ăn thịt tạo nên tội nghiệp chất chồng. Phải biết hạt giống Phật là do duyên sinh. Nếu gây ác nghiệp nhiều quá thì chắc chắn phải rơi vào địa ngục. Nhờ bồi đắp Thiện nghiệp thì tự nhiên đời sẽ đưa đẩy cho ông hưởng phúc.

Cổ nhân dạy chúng ta: “Các điều ác chớ làm, các điều thiện vâng làm” tức là đạo lý này vậy. Các vị hãy xem kỹ nguyên do vì sao vua Tỳ Lưu Ly tàn sát hết dòng họ Thích Ca thì rõ. Gần đây nhân dân thế giới gặp nạn là do nghiệp sát quá nặng nên mới chiêu phải quả báo như thế. Vì vậy mà tôi thường khuyên mọi người không nên giết hại mà hãy phóng sinh, ăn chay, niệm Phật… chính là vì muốn cho các vị thoát khỏi sự báo ứng của nhân quả luân hồi. Chư vị cần phải tin sâu, lo gieo trồng căn lành, chân thật tu hành để thành tựu Phật quả.

NGÀY THỨ BẢY, THẤT THỨ HAI

22 tháng Giêng Quí Tỵ (7/3/1953)

Phù sinh nhược mộng
Huyễn chất phỉ kiên
Bất bằng ngã Phật chi từ
Hoạt toại siêu thăng chi lộ.

Kiếp phù sinh như mộng
Huyễn chất chẳng được bền
Nếu không nương vào lòng từ của Phật
Làm sao có thể siêu thăng?

Chúng ta chìm trong kiếp sống điên đảo đảo điên như mộng huyễn này, ngày qua ngày không biết được sự tự tại của Đức Phật, không nghĩ đến việc thoát sinh tử, cứ theo thiện ác mà thăng trầm, tùy nghiệp lực mà thọ báo.

Người đời đa số làm thiện ít, tạo ác nhiều, nên ít kẻ giàu sang mà lắm người bần cùng. Chìm trong sáu nẻo luân hồi thọ muôn vạn khổ sở. Có kẻ sáng sinh chiều chết hoặc chỉ sống được vài năm. Có người sống hết tuổi già mới chết… Nhưng tất cả đều không làm chủ được mình. Vì vậy mới có chủ trương nương vào bi nguyện của Phật để có thể tu hành. Bởi chư Phật và Bồ tát có uy lực, có hạnh nguyện từ bi hỷ xả, thừa khả năng cứu giúp chúng ta ra khỏi biển khổ, đến được bờ quang minh.

Từ bi nghĩa là thấy tất cả chúng sinh quá thống khổ, nên dùng lòng lân mẫn thương xót cứu độ, khiến họ lìa khổ được vui.

Hỷ xả, nghĩa là thấy tất cả chúng sinh khởi tâm niệm tốt gieo trồng phúc điền thảy đều tùy hỷ tán thán. Đối với các chúng sinh đang cần sự giúp đỡ, đều tùy theo nhu cầu mà bố thí cho họ. Lúc Thế Tôn còn đang tu, Ngài đã hành Bồ tát hạnh, bố thí hết đầu, não, xương, tủy… Cho nên Ngài từng nói: “Trong cõi Tam thiên Đại thiên, chưa có một mảnh đất nhỏ nào mà ta không từng bỏ thân chôn xương“.

Hôm nay, chư vị cần phải nỗ lực bám vào câu thoại đầu mà khán, chẳng nên để thời giờ trôi suông.

LỜI KHAI THỊ GIẢI THẤT

23 tháng Giêng, Quí Tỵ (8/3/1953)

Xin mừng quí vị đã hành xong hai kỳ thiền thất. Đã đến lúc giải thất, tôi xin chúc mừng quí vị. Nếu mượn lời người xưa mà nói thì không có kết thất hay giải thất gì cả, chỉ có một câu thoại đầu quý vị cần tham cho đến lúc khai ngộ mà thôi. Hiện giờ dù quý vị đã ngộ hay chưa, chúng tôi cứ chiếu theo quy củ mà hành sự. Trong thời gian đả thất, quí vị không phân biệt ngày đêm, cốt để khai ngộ, cũng vì muốn đào tạo nhân tài trong cửa Phật, nếu chỉ sống đắp đổi cho qua ngày thì thật là uổng phí thời gian vậy.

Hôm nay trên Thường trụ, có Đại Hòa thượng cùng Chư sư Thủ lĩnh, noi theo quy tắc của cổ nhân đồng đến khảo sát công phu của các vị. Mong các vị đừng nói bậy, chỉ cần thành thật đem công phu của mình trình ra, mỗi người đáp một câu, nếu tương ưng thì Thường trụ sẽ chứng minh cho quý vị. Người xưa nói: Tu hành ba đại kiếp, ngộ trong khoảng sát na”. Công phu được đắc lực thì chỉ trong khoảng gảy móng tay là ngộ rồi.

Xưa, Thiền sư Giác ở Lang Nha có một bà đệ tử đến thân cận tham thiền. Sư dạy bà tham câu “Tùy tha khứ” (Mặc kệ nó). Bà thực hành không hề lui sụt. Một hôm nhà bà phát cháy, bà nói Mặc kệ (Muôn duyên đều buông bỏ, bà cứ theo lời dạy mà tu), lại một bữa khác, trong nhà đang chiên bánh, ông chồng nhóm lửa. Bà múc bột bỏ vào chảo dầu, nghe vang lên một tiếng “xèo”, bà bỗng ngộ đạo, liền nhắc chảo dầu trút xuống đất, vỗ tay cười vang. Ông chồng cho là bà nổi cơn khùng, liền mắng: “Bà làm như vậy chẳng phải điên là gì?”. Bà nói: Mặc kệ nó. Rồi đi đến chùa Thiền sư Giác cầu ấn chứng. Sư Giác chứng nhận bà đã thành Thánh quả.

Hôm nay vị nào đã ngộ rồi, xin đứng dậy bước ra nói thử một câu xem? (Đợi một lúc không có ai đáp, Hòa thượng Hư Vân liền bước ra khỏi Thiền Đường), Pháp sư Ứng Từ… tiếp tục cuộc khảo vấn. Sau giờ chỉ tịnh, Hòa thượng Hư vân mới bước vào Thiền Đường ban lời khích lệ, xong Ngài khai thị tiếp rằng:

“Cõi hồng trần quá rộn ràng náo nhiệt, phải có công phu và chịu khó lắm mới đến đây ngồi tĩnh tọa tham thoại đầu. Người Thượng Hải các ông nhờ căn lành thâm sâu Phật pháp hưng thịnh, hội đủ phúc duyên đặc biệt lắm nên mới có được cái đại sự nhân duyên tốt như thế này.

Phật giáo Trung Quốc từ xưa đến nay tuy có các Tông, Giáo, Luật, Tịnh, Mật… nhưng nếu kiểm thảo một cách nghiêm túc thì chỉ có Thiền Tông là vượt trên tất cả (mấy hôm đầu, tôi đã nói qua cả rồi). Chỉ vì gần đây, Phật pháp suy vi, nhân tài chưa xuất hiện. Tôi trước kia đã từng đi khắp nơi trú ngụ, xem tình hình hiện nay càng không bằng ngày trước. Nói đến đây, bản thân tôi rất hổ thẹn vì không biết chi hết mà lại dựa vào lòng từ bi của Thường trụ, quý vị quan khách đã đẩy tôi ra đứng trước. Địa vị này lẽ ra phải mời Pháp Sư Ứng Từ mới đúng, vì Ngài là bậc Thiện tri thức, Tông, Giáo đều thông, là vị Trưởng lão đáng cho người nương tựa, chẳng cần mời tôi đến cho có bạn.

Tôi bây giờ già yếu, việc gì làm cũng chẳng được, chỉ mong quý vị khéo tiến tu, không nên thối đọa. Tổ sư Quy Sơn có dạy: “Điều đáng buồn là chúng ta cùng sanh cuối thời Tượng pháp, cách Phật đã xa, Phật pháp thưa thớt, người nhiều lười biếng nên đành đem cái thấy thiển cận mà nói ra để khyến khích người sau”. Ngài Quy Sơn hiệu là Linh Hựu, người Phước Kiến, thân cận với Tổ sư Bách Trượng mà phát minh được tâm địa. Tư Mã Đầu đà Hồ Nam quan sát thấy non Quy có địa thế rất tốt, hội đủ điều kiện cho một ngàn năm trăm Tăng chúng ở tu. Bấy giờ ngài Quy Sơn đang làm chức Điển tòa trong pháp hội Bách Trượng. Tư Mã Đầu đà đến gặp Ngài, phát hiện ra đây chính là ông chủ của non Quy, bèn thỉnh Ngài đến đó khai sơn. Ngài Quy Sơn là người thuộc triều nhà Đường. Phật pháp đến thời Đường nhằm cuối thời Tượng pháp, cho nên Ngài mới buồn tủi than sinh chẳng gặp thời, phật pháp khó hiểu, tín tâm của chúng sanh dần dần thối thất, chẳng chịu gắng công tu học cho nên Phật quả không có ngày thành. Chúng ta hôm nay cách ngài Quy Sơn đã hơn một ngàn năm, chẳng những thời Tượng pháp đã qua, mà thời Mạt pháp đã trôi hơn chín trăm năm rồi. Căn lành của người đời nay càng thêm ít ỏi, cho nên người tin Phật pháp rất nhiều, mà người ngộ đạo rất ít. Tôi lấy bản thân mình mà so sánh thì phương tiện để học hỏi Phật pháp thời nay có nhiều hơn.

Khoảng năm Hàm Phong, Đồng Trị thứ 9 (1851-1874) chùa miếu các nơi đa số đều bị hư nát. Trong vùng Tam Giang, chùa Thiên Đồng chỉ còn có một mái nhà. Đến khoảng năm Thái Bình nhờ một vị Lão túc ở núi Chung Nam đến trùng hưng. Lúc ấy chỉ có một bầu, một nón, đâu có gì để nói nhiều. Về sau, Phật pháp dần dần hưng thịnh, các nơi mới có người đứng ra gánh vác thẳng đến ngày nay. Lại có người quảy túi đa, đối với Phật pháp chân chánh hành trì, không thuyết giảng một lời. Thuở xưa, các Thiền sư đi du phương tham học, chỉ đi đường bộ. Ngày nay, đã có xe lửa, xe hơi, tàu thủy, phi cơ. Xem ra thì tưởng chừng như có phước, chẳng ngờ là càng thêm khổ, trăm đường phóng dật, chỉ trói buộc thêm.

Tuy nhiên, Phật học viện ở khắp nơi cũng tùy thời mà hướng dẫn, các Pháp sư được đào tạo mỗi ngày một nhiều, nhưng mà vấn đề căn bản thì chẳng ai để ý đến. Từ sáng đến tối chuyên cầu tri giải, chẳng cầu tu chứng. Đồng thời cũng chẳng biết chỉ một pháp tu chứng là giải quyết được vấn đề căn bản.

Ngài Vĩnh Gia trong Chứng Đạo Ca có nói: Chỉ được gốc, cần chi ngọn, như ngọc lưu ly ngậm ánh trăng. Ôi! Lúc mạt pháp gặp thời ác, chúng sanh phước mỏng khó điều phục. Cách Phật càng xa, tà kiến sâu. Ma mạnh pháp yếu nhiều oán hại. Nghe nói pháp đốn giáo Như Lai. Hận chưa nghiền nát như ngói bể, Làm tại tâm, ẩn tại thân. Đừng có kêu oan chớ trách người. Nếu muốn tránh nghiệp đọa vô gián. Chớ chê chánh pháp luân Như Lai. Ta trước bao năm theo học vấn. Từng viết sớ sao tìm kinh luận. Phân biệt danh tướng mãi không thôi, Vào biển đếm cát chỉ chuốc nhọc. Lại bị Như Lai thường quở trách. Đếm trân bảo người có ích gì?

Ngài Huyền Giác đã đại triệt đại ngộ với Lục Tổ. Lục Tổ gọi Ngài là “Nhất Túc Giác”. Thế nên cổ nhân nói: “Tầm Kinh thảo luận cũng giống như người vào biển đếm cát”. Pháp của Thiền tông giống thanh bảo kiếm Kim Cang Vương, gặp vật liền chém, chạm đến mũi nhọn liền chết, là pháp môn vô thượng, lập tức thành Phật.

Cũng như Thiền sư Thần Tán, đi hành cước lúc còn nhỏ tuổi, nhờ thân cận với Tổ sư Bách Trượng (724-814) mà được khai ngộ. Về sau, Ngài quay về nối nghiệp thầy bổn sư. Bổn sư hỏi:

-Ông rời ta đi các nơi có thu được sự nghiệp gì không?

Ngài đáp:

-Vẫn không được gì.

Bổn sư bèn sai Ngài hầu hạ như trước. Một hôm, Bổn sư đang tắm, sai Ngài kỳ lưng. Thần Tán vỗ vào lưng Thầy nói:

-Phật đường đẹp quá mà… Phật chẳng thiêng.

Bổn sư không hiểu ý, quay đầu lại nhìn.

Ngài nói tiếp:

-Phật tuy chẳng thiêng mà hay phóng quang!

Hôm khác, Bổn sư ngồi bên cửa sổ xem Kinh, có một con ong chui đầu vào tờ giấy dán ở cửa sổ để tìm lối thoát ra ngoài. Thần Tán thấy vậy nói:

-Thế giới rộng thênh thang chẳng chịu ra, cứ vùi đầu vào giấy cũ, biết bao năm mới thủng?

Rồi đọc bài kệ:

Không môn bất khẳng xuất
Đầu song dã thái si
Bách niên tán cố chỉ
Hà nhật xuất đầu thời.

Cửa không chẳng chịu chui ra
Lủi vào song cửa… thật là quá ngu!
Trăm năm dùi giấy mịt mù
Cứ làm kiểu ấy bao giờ thoát qua?

Bổn sư nghe nói, cho là mắng mình, bèn đặt Kinh xuống hỏi:

-Ông rời ta đi hành cước một thời gian, gặp ai, học những gì mà khi về ăn nói lạ lùng như vậy?

Thần Tán thưa:

-Con từ khi lìa Thầy đến hội của Ngài Bách Trượng nhờ Ngài chỉ dạy được chỗ thôi dứt. Vì nhớ Thầy tuổi đã già nên quay về để báo thâm ân.

Bổn sư bèn bảo đại chúng đến giờ cơm thỉnh Thần Tán thuyết pháp. Thần Tán liền lên tòa, đề cao phong môn của tổ Bách Trượng, nói:

Linh Quang độc diệu
Quýnh thoát căn trần
Thể lộ chân thường
Bất câu văn tự
Tâm tánh vô nhiễm
Vốn tự viên thành
Đãn ly vọng duyên
Tức như như Phật.

Linh Quang riêng chiếu
Vượt khỏi căn trần
Hiển hiện chơn thường
Chẳng nệ văn tự
Tâm tánh không nhiễm
Vốn tự viên thành
Chỉ lìa vọng duyên
 Tức như như Phật.

Bổn sư liền cảm ngộ, nói:

-Chưa bao giờ lão tăng được nghe việc rốt ráo như thế này.

Rồi đem việc chùa giao lại cho Thần Tán, lại đảnh lề Thần Tán và tôn làm Thầy.

Quí vị hãy xem việc ấy thật là dễ dàng, đâu cần gột rửa gì? Quí vị và tôi ngày hôm nay đả thất được hơn mười ngày, vì sao lại không ngộ đạo? Chỉ vì chúng ta không chịu dụng công đến chỗ chết tiệt cái tâm lăng xăng, hoặc chỉ xem như trò đùa trẻ con, hoặc cho rằng dụng công tham thiền thì phải ngồi yên trong Thiền Đường mới được. Kỳ thật điều đó chẳng đúng. Người chân thật dụng công thì chẳng còn phân chia động, tịnh… đầu đường xó chợ, bất cứ chỗ nào cũng dụng công được.

Thuở xưa, có Hòa thượng Đồ Tử đi du phương. Một hôm trên đường vào chợ đi ngang qua cửa hàng thịt, thấy khách hàng đến mua tấp nập, ai cũng đòi chủ tiệm cắt thịt nạc cho mình. Người bán thịt nổi giận buông dao xuống hỏi: –Có miếng nào không phải là thịt nạc đâu nà?” Hòa thượng Đồ Tử nghe nói, bỗng nhiên khai ngộ.

Đủ thấy sự dụng công của người xưa, chẳng phải chỉ hạn cuộc ở trong Thiền Đường. Hôm nay, các ông chẳng ai kể lại nhân duyên ngộ đạo của mình, thật là uổng phí thời giờ. Xin kính thỉnh Pháp sư Ứng Từ cùng các Đại hòa thượng khảo sát lại xem!

PHÁP NGỮ GIẢI THẤT

Ngài Hư Vân ra khỏi Thiền Đường, Pháp sư Ứng Từ khảo vấn từng người một. Sau khi khai thị xong, mỗi người đến chỗ đã định sẵn ngồi xuống. Ngài Hư Vân lại bước vào Thiền Đường, ban lời nhắc nhở. Sau khi đã nói lời khai thị và mở đầu buổi uống trà xong, mọi người đứng dậy. Ngài Hư Vân mặc áo màu xanh, ngồi xếp bằng như Đức Phật, lấy cây gậy trúc vẽ một vòng nói:

Tài kết thất, hựu giải thất
Giải kết mang mang liễu hà nhật
Nhất niệm vong duyên chư cảnh tức
Ma ha bát nhã ba la mật.
Tâm cảnh tịch, thể dụng quy
Bổn tự viên minh vô trú dạ
Na phân Nam Bắc dữ Đông Tây
Vạn tượng tùy duyên Quán Tự Tại.
Điểu đề hoa tiếu nguyệt lâm khê
Tức kim giải thất, nhất cú tác ma sinh đạo
Chung bảng hống thời bát bồn khiêu
Đế quán Bát Nhã ba la mật…
Giải!

Vừa kết thất đã giải thất
Giải – kết rộn ràng ngày nào hết
Một niệm quên duyên, muôn cảnh dứt
Ma ha bát nhã ba la mật
Tâm cảnh lặng, thể dụng về
Vốn tròn sáng, không đêm ngày
Đâu phân Nam Bắc hay Đông Tây
Muôn sự tùy duyên: Quán Tự Tại!
Chim hót hoa cười trăng rọi khe.
Bữa nay giải thất, một câu nói làm sao?
Chuông trống khưa thời, bát chậu nhảy
Hãy quán Bát Nhã ba la mật
-Giải thất!-

Sau khi giải thất tại chùa Ngọc Phật, các cơ quan cùng đoàn thể Phật giáo chợ Hàng Châu phái cư sĩ Đỗ Vĩ đến Thượng Hải thỉnh Sư sang Hàng Châu.

Ngày 19 tháng 2 Â.L (2/4/1953), Sư đi Hàng Châu, đến chùa Tịnh Từ chủ trì Pháp hội, qui y cho mấy ngàn người. Mọi người mời Sư trụ trì chùa Linh Ẩn, nhưng Sư cáo bệnh từ chối. Sau đó, Hòa thượng Diệu Chân núi Linh Nham, Pháp sư Vô Ngại… mời Sư sang Tô Châu lập Pháp hội, Sư bèn sang Tô Châu.

Xong Pháp hội, Sư đi dạo cảnh- Hổ Khưu, lễ tháp tổ Thiệu Long. Thấy tháp viện đã bị cường hào chiếm đoạt, tháp đá và bia không còn, chỉ còn đống gạch vụn. Vào năm Quang Tự (1875- 1908), Sư đã từng đến đây lễ viếng tháp Tổ, tất cả hình ảnh ngày xưa hãy còn trong ký ức. Sư bèn moi trong ngói đá, tìm ra cái nền cũ, thương lượng với các thân sĩ địa phương cùng các Phật tử hộ pháp Thượng Hải lo việc trùng tu lại, Sư mời Hòa thượng Diệu Chân cùng Hòa thượng Sở Quang ở Hổ Khưu lo việc trùng tu. Được một tháng thì hoàn thành.

Thành lập Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc

Khi Hòa thượng Hư Vân Tô Châu, có đến thăm chùa Thọ Thánh ở Bán Đường, lễ Tháp viện của ngài Thiện Kế đời Nguyên, xem bộ Kinh Hoa Nghiêm được chép bằng máu, đọc lời chế tán của ông Tống Liêm và cả những dấu tích xưa khắc trong bia đá. Nhận lời mời của các cư sĩ ở Nam Thông… Sư đến Ngân Sơn làm chủ Pháp hội, người từ các nơi đến qui y khoảng mấy ngàn. Công việc xong, cuối tháng 3 âm lịch Sư trở về Thượng Hải.

Tháng tư, Sư nhận được điện tín ở Bắc Kinh giục Sư đến đó. Tại đây, Sư vẫn trụ chùa Quảng Tế. Chư vị đại biểu Tăng già từ các nơi cũng kéo về, chính thức thành lập Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc. Sau khi Đại hội bàn thảo và biểu quyết các điều quan trọng xong, Sư đến tỉnh Sơn Tây Đại Đồng, tham lễ tượng Đại Phật bằng đá ở Vân Cương. Rồi Sư xin nghỉ, rời Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo đương thời khuyên Sư đến Lô Sơn dưỡng bệnh. (Trong Đại Hội có đề nghị nên bỏ phần giới luật nhưng Sư từ chối).

Bài Giảng:

TƯỚNG SUY TĂNG ĐỒ THỜI MẠT PHÁP

Thứ ba 23/1/1955 Â.L Ất Mùi

Đời có câu: Tú tài là tội đồ của Khổng tử, Hoà thượng là tội đồ của Phật… Mới nghe qua có thể cho đây là lời nói quá. Nhưng bây giờ nhìn hiện tượng mạt pháp, mới hiểu làm lục quốc mất, chính là lục quốc, không phải tại Tần. Hại Tần cũng do Tần, chứ không phải do thiên hạ. Còn làm Phật pháp diệt là đệ tử Phật chứ không phải do đạo nào khác. Nay nhân đáp lời người hỏi, tiện thể giải bày những khúc mắc luôn.

Hỏi: – Hiện nay muốn thay đổi năm tháng Phật lịch, chẳng dùng ngày mùng 8 tháng 4 là Lễ Tắm Phật được chăng?”

Đáp: Pháp vận Phật Thích Ca được chia làm ba thời kỳ: chánh, tượng, mạt. Chánh pháp, tượng pháp mỗi thời đều kéo dài một ngàn năm. Riêng mạt pháp là một vạn năm. Thời kỳ chánh, tượng đã qua rồi, còn mạt pháp đến nay đã qua 982 năm rồi. Nhưng mạt cũng có thể không? Làm sao có thể không? Nếu được nhiều người ủng hộ thì Phật pháp trường tồn vạn cổ, về sự tướng tuy có phân: chánh, tượng, mạt, nhưng nếu người sống chân chánh ngay trong thời mạt, thì mạt cũng thành chánh. Còn nếu tự sinh lui sụt, dù sống trong thời chánh pháp cũng có thể biến chánh thành mạt. Trong kinh tả thời mạt pháp có đủ tướng suy: hiện nay đều đã xuất hiện. Hiện tượng Tăng, Ni lập gia đình (tăng thú ni giá), ca sa đổi thành bạch y, bạch y lên Thượng tòa. Tỳ kheo xuống Hạ tòa – đây là những tướng suy mạt pháp đã hiện. Pháp Phật Thích Ca tính đến lúc con người thọ 30 tuổi thì pháp Đại thừa diệt. Lúc người ta thọ 20 tuổi thì pháp Tiểu thừa diệt. Lúc người thọ 10 tuổi thì chỉ còn sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Vào thời điểm mạt pháp, những pháp Phật thuyết đều sẽ bị diệt hết. Đầu tiên là Kinh Lăng Nghiêm, thứ đến là Kinh Bát Nhã Tam Muội. Chẳng hạn như theo kiến giải cư sĩ Âu Duơng Cánh Vô, ông cho Kinh Lăng Nghiêm“Bách nguỵ thuyết”, (trăm điều hư ngụy) và phản đối Kinh Lăng Nghiêm. Còn vị pháp sư nọ ở Hương Cảng nói: Kinh Hoa Nghiêm, Viển Giác, Pháp Hoa và Khởi Tín Luận… thảy đều là giả, Đây chính là hiện tượng mạt pháp.

Thuở quá khứ sau khi Phật Ca Diếp nhập diệt, chư thiên đem Tam tạng Thánh giáo củaa Ngài kết tập cất giấu rồi tạo tháp cúng dường. Thời Đường, chư thiên mách cho Luật sư Tuyên biết ở Nam Cao Tứ Đài, Chung Nam, chính là chỗ chứa kho tàng Thánh tích. (Kinh Tạng Tượng Phật Ca Diếp thời mạt pháp được cất ở đó, hiện nay có 13 vị Bồ tát Viên Giác đang gìn giữ tại hang này. Đến nay mỗi khi đến tháng chạp, trên không vang rền tiếng trống trời).

Năm trước Hiệp Hội Trung Quốc Phật Giáo mở Đại hội, mọi người bàn: “Phật pháp diệt là do đệ tử Phật làm diệt”.

Thật ra chính phủ chẳng để ý anh diệt hay không diệt. Lúc mở hội, chính phủ phái người đến dự. Trong hội nhiều giáo đồ thảo luận xôn xao, bởi vì những giáo đồ này đã đề xướng rằng: Các giáo lý trong Kinh Phạm Võng, Tứ Phần Luật, Bá Trượng Thanh Quy… làm hại chết nhiều thanh niên nam nữ nên cần phải thủ tiêu. Còn nói Đại lãnh y là y phục Hán tục, không phải Tăng phục nên ngày nay Tăng nhân cần phải sửa đổi, không được mặc, nếu còn mặc chính là bảo thủ chế độ phong kiến. Họ còn tuyên bố tự do tín ngưỡng, tin đạo tự do, nên chuyện tăng lập gia đình… hay ăn thịt uống rượu… đều phải để tự do, không ai được quản. Tôi nghe nói, không thể làm thinh, bắt buộc phải phản đối. Họ cũng bất đồng với ngày Lễ Tắm Phật. Không chịu công nhận mùng 8 tháng 4 là Lễ Tắm Phật. Tôi cứ y theo pháp bổn nội truyền: Từ thuở Pháp sư Ma Đằng viết sớ trình vua Minh: Phật thuộc tuổi Giáp Dần, sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm Chu Chiêu Vương 24.

Trong Ngụy thư, Sa môn Đàm Mô Tối cũng viết: Phật sinh ngày mồng tám tháng tư năm Chu Chiêu Vương 24 và Nhập Niết Bàn ngày 15 tháng 2 năm Mục Vương 52. Năm, tháng, đã được ghi rõ ràng như thế, bao triều đại đều tôn thờ không đổi. Năm Giáp Dần thời Chu Chiêu Vương tính đến nay đã 2982 năm, hiện tại bọn họ muốn đổi thành là 2502 năm. Xưa nay Khổng Tử, Lão Tử sinh sau Phật, giờ họ lại đem Khổng, Lão sắp cho sinh trước Phật. Tôi lúc đó trong Đại hội, cùng tranh luận với họ về Giới luật, Niên hiệu, Hán phục.,, và không chấp nhận huỷ bỏ thay đổi gì…

Khi hai Tôn giả Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đem Phật pháp từ Ấn Độ truyền sang Trung Quốc. lúc đó cách Phật nhập diệt còn chưa xa. Đương thời tại chùa Bạch Mã. Ban đêm nhìn về phía Đông thấy có ánh hào quang lạ lùng, Ma Đằng chỉ ra chỗ A Dục Vương chôn dấu xá lợi Phật. Minh đế lập tháp để cho Phật giáo, Lão giáo tranh tài ưu liệt, Ma Đằng bay lên không hiện đủ thần thông biến hoá. Pháp Lan xuất Đại pháp âm, tuyên dương pháp Phật. Trí huệ thần thông cao tột của hai Tôn giả này chẳng lẽ không thể nói rõ năm, tháng sinh của Phật hay sao? Sau này chư vị Cao tăng như Ma Thập, Pháp Hiển, Huyền Trang, Đạo Tuyên, tuy có nhiều thuyết, song cũng không khẳng định là phải thay đổi chỉnh sửa gì. Cho đến năm Dân Quốc thứ 2, cư sĩ Chương Thái Đàm cùng các cư sĩ… triệu tập khai mở Đại Hội Vô Giá tại chùa Pháp Nguyên Bắc Kinh, thảo luận ngày Lễ Vía Phật và nghị quyết mồng 8 tháng 4 là Lễ Tắm Phật. Hiện nay phần đông thế giới đều áp dụng theo lịch này và chính phủ cũng không hề bảo Phật giáo phải thay đổi. Tôi chủ trương phải dùng Phật lịch của mình. Đúng hay không đúng, phải y theo nếp xưa mà công bố.

Sửa đổi rất không tốt, thế mà bọn họ lại ương ngạnh muốn thay đổi những ngày Lễ vía của Phật. Tất cả đều không thể được! Họ không đồng ý dùng mồng 8 tháng 4 làm Lễ Tắm Phật mà đòi đổi thành 15 tháng 4. Luật Phạm Võng thuộc thời Hoa Nghiêm, Tứ Phần Luật thuộc thời A Hàm họ đều đòi huỷ. Bá Trượng Thanh Quy từ thời Đường tới nay được thiên hạ tôn kính phụng hành, họ lại muốn sửa đổi. Đại lãnh y được đắp từ thời Hán đến nay họ cũng muốn đổi nốt. Hãy xem, như thế thì có phải là mạt pháp hay không chứ? Do vậy tôi mới cùng họ tranh luận.

Tôi nói: – Muốn thay đổi chăng là các vị phải tự thay đổi kia. Phật là người Ấn Độ, nước Ấn một năm phân làm ba quý, một quý có 4 tháng. Còn nước Trung Hoa một năm phân làm bốn quý, một quý có ba tháng. Nước ta có phân niên hiệu, hàng can hàng chi Giáp, Tý… còn Ấn Độ thì không. Cho nên chuyện Cải triều hoán đại“, không những làm sai lệch loạn bậy, mà càng khiến việc thêm rối rắm mù mờ. Ngài Huyền Trang ở tại Ấn độ 18 năm cũng chưa từng khẳng định phải chỉnh lại niên đại. Tiền nhân đã thực hành những ngày lễ này cả một, hai ngàn năm rồi. Một khi đổi sửa, rất là không hay. Chúng ta sao cứ tự làm khổ mình, muốn đổi lung tung như vậy?

Tôi cùng Lý Nhậm Triều bàn bạc, tuyên bố những thay đổi trong Phật môn này chính là do hạng Hoại giáo đồ yêu sách, gây rối – Chính phủ nếu chẳng làm chủ thì những giáo đồ này sẽ mặc tình làm loạn làm càn, như thế sẽ khiến Phật giáo đồ Quốc tế phát sinh hoài nghi.

Chính phủ mời tôi lên kinh, dự Đại Hội Chiêu Đãi Phật Giáo Quốc Tế. Tôi đâu thể để cho nhóm Hoại giáo đồ làm loạn, sửa quy luật Phật chế được?

Các ông Lý Nhậm Triều v.v.. khuyên tôi hãy nhẫn nhục. Chính phủ thấy việc ầm ỹ đến không thể không can dự vào, liền hỏi nguyên cớ sửa đổi. thế là có người lên tiếng:

-Tăng Ni muốn mặc y hoại sắc.

Chính phủ hỏi: -Hoại sắc là sao?

Pháp sư Năng đáp:- Cà sa là hoại sắc, ngoài ra thì không phải.

Mọi người nghe xong đồng thanh nói: – Vậy thì chỉ lưu Cà sa và thủ tiêu mọi thứ khác!

Tôi buộc phải lên tiếng: Pháp sư Năng nói không sai! Phạn ngữ gọi Ca sa, Tàu gọi Hoại sắc. Ca sa có ba loại: Ngủ Thất Y Đại Y. Còn có thêm một áo trong và quần. Ấn Độ dùng ba y, còn quần? Theo phong thổ nước ta thì chính là Khố y.

Những Y này là vật tuỳ thân, ngủ cũng dùng, chết cũng không rời.

Tại Ấn Độ khí hậu nóng, còn Trung quốc khí hậu lạnh, cho nên bên trong mặc tục phục không cho có màu mè và đem tục y nhuộm thành hoại sắc, hễ làm Phật sự thì đắp Ca sa ở ngoài. Ca sa thì không mặc thường, xem như rất tôn kính. Từ triều đại Tống, Kim, Nguyên… biến Hán y thành Tăng y đến nay chưa hề sửa. Hán y đổi thành Tăng y được gọi là Đại lãnh y, chính là Y hoại sắc (cà sa) nếu muốn phân định giới hạn giữa đạo và đời thì không nên sửa đổi, còn nếu sửa đổi Đại lãnh y tức là khiến tăng, tục thành bất phân, giới tuyến hai bên nhìn không ra.

Chính phủ nghe tôi nói vậy, tán thành đồng ý. Còn bảo Phật luật Tổ quy” chẳng nên sửa đổi, hơn nữa còn phải giữ gìn và bảo tồn. Và thông báo tạm kết thúc họp.

Chư vị xem đây có phải là Tăng nhân tự hủy Phật pháp chăng? Hư Vân tôi già yếu, khó thể hộ đạo lâu. Rất hi vọng Tăng già có đầy đủ Chánh tri kiến để cùng nhau góp sức cứu vãn Phật giáo giữa cơn sóng cuồng. Được vậy Phật pháp mới không hoại diệt.

Về Lô Sơn

Tháng 5, Sư cùng thị giả Giác Dân đi về phương Nam, qua Vũ Hán. Sư lưu lại đây một thời gian ngắn, Thầy Nguyên Thành là Trụ trì chùa Bảo Thông, mời Sư ở lại, thỉnh Sư chủ trì hai kỳ Thiền thất. Xong việc, Sư đến Lô Sơn (cư sĩ Trần Chân Như đã hẹn đón Sư tại Khuông Lô). Tại Lô Sơn, Sư ở chùa Đại Lâm.