HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch
Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH
Mùa xuân, chư vị tổ chức lễ cầu nguyện ở chùa Quy Hóa, Hòa thượng Khế Mẫn thỉnh tôi ra thất đến chùa giảng Kinh Viên Giác và Tứ Thập Nhị Chương, qui y cho hơn ba ngàn người.
Mùa thu, ngài Mộng Phật mời tôi đến chùa Cung Trúc, giảng Kinh Lăng Nghiêm, ở tại đây khắc bản Kinh Lăng Nghiêm cùng thơ Hàn Sơn. Bản khắc hiện vẫn còn ở chùa này.
Mọi người mời tôi truyền giới. Phật sự xong, quan phủ Đại Lý là Trương Tùng Lâm, Lý Phước Hưng cùng Tăng chúng đến rước tôi qua Đại Lý, ngụ ở chùa Tam Tháp Sùng Thánh, thỉnh tôi giảng Kinh Pháp Hoa, mấy ngàn người đến qui y.
QUANG TỰ 30 GIÁP THÌN (1904) 65 TUỔI
Đề đốc Lý Phước Hưng mời tôi lưu lại Sùng Thánh. Tôi nói:
-Tôi không muốn ở thành thị, trước đây từng phát nguyện sẽ đến cất am ở núi Kê Túc nhưng bị các vị nơi đó ngăn cấm. Nay các ông đã có lòng hộ pháp, nếu có thể thì xin cấp cho tôi một mảnh đất ở Kê Túc để tôi cất am chiêu đãi khách thập phương, hầu cứu vãn tình thế suy đồi của Tăng chúng Vân Nam và hoàn thành tâm nguyên phục hưng đạo tràng ngài Ca-diếp. Tôi chỉ mong được như thế.
Các quan tán đồng và ra lệnh cho Tri huyện, Biện lý huyện Tân Xuyên lo liệu… kết quả, họ tìm được một tu viện hư hoại trong núi là Am Bát Vu. Tôi liền đến đó ở, chỗ mới này tuy không có phòng ốc, ăn chẳng chứa đồ cách đêm, nhưng tứ chúng mười phương đến đây đều được tôi dùng lễ tiếp đón tử tế.
Am Bát Vu
Am Bát Vu bị bỏ hoang kể từ năm Gia Khánh. Do thấy bên phải cổng chính có một tảng đá to nằm chắn (tạo thành thế Bạch Hổ không tốt), nên tôi quyết định dời đá đi và sẽ cho đào Ao Phóng Sinh nơi đây. Khi đào đất xem xét, thấy tảng đá không ăn sâu xuống, chỉ cao khoảng 3m13, rộng 2m53, trên mặt bằng phẳng, có thể ngồi kiết-già trên đó được, nên tôi quyết định dời nó qua phía tả, cách xa chỗ cũ hơn 90m.1
Nhân công tụ họp cả trăm người, ráng sức, khiêng, nạy, xeo… suốt ba ngày mà tảng đá không nhúc nhích, họ bỏ đi thẳng. Tôi bèn cầu chư thần Già-lam gia hộ, tụng chú Phật, rồi gọi hơn mười vị Tăng đến phụ tôi khiêng tảng đá qua phía tả an toàn. Việc này làm chấn động đám người bu xem, ai cũng kinh hãi vì sức thần trợ giúp.
Nhân việc này, họ ghi vào tảng đá là “Vân di thạch”. Các nhân sĩ đại phu làm thơ vịnh rất nhiều, tôi cũng ghi bài thơ:
Đá nằm sừng sửng đến lạ lùng
Dung nhan xưa cổ nhuộm rêu phong
Trời làm chưa trọn chờ ta đấy
Xem mây biến hóa ước theo rồng
Dời núi cả cười Ngu công vụng
Nghe pháp từng nghi hổ gõ thùng
Từ đây tám gió xô chẳng động
Băng tan, bầu bạn với ngàn thông
Bát Vu ủng hộ Phạm Vương cung
Ca Diếp đâu đà lưu hành tung
Học đạo quản chi ngàn vạn lý
Lên núi vượt qua cổ ngàn trùng
Bao năm linh thạch rêu mờ phủ
Dòng trăng cá quẫy giỡn bóng tùng
Nhìn xuống cửu Châu mờ khói bụi
Gió trời thoảng nhẹ tiếng chuông ngân
Vì trùng tu chùa viện, tiếp đãi khách thập phương, phát triển công việc, nên cần phải gấp rút hóa duyên, tôi giao sư Giới Trần lo liệu việc trong chùa, còn mình thì đi Đằng Xung. Từ Hạ Quan qua Vĩnh Xương đến Hòa Mộc Thọ…
Trì Địa Bồ-tát
Nghe kể trước đây vùng này có con đường đầy ổ gà lồi lõm dài tới mấy trăm dặm, rất khó đi, quan dân chưa từng tu sửa. Có một nhà Sư ở tỉnh khác đến, thấy vậy phát tâm tu bổ lại con đường, tự mình chịu nhọc ra sức làm mà không hề quyên mộ chi. Tùy khách qua đường hiến tặng thức ăn, vị Sư này sửa đường ròng rã ngót mấy mươi năm nay, miệt mài chăm chỉ. Con đường này nhờ có Sư ra công tu bồ nên mười phần đi được hết chín. Dân địa phương mang ân lắm, đòi tu bổ lại ngôi chùa Khổng Tước Minh Vương cho Sư ở, nhưng Sư không chịu, chỉ nguyện sửa đường thôi”.
Tôi nghe kể, rất hiếu kỳ, đi đến gần tôi thì gặp một vị Sư tay cầm cuốc, xẻng đang trên đường về. Vừa thấy ông, tôi tiến lại xá chào, hỏi thăm, nhưng ông chỉ nhìn mà không đáp. Tôi chẳng quan tâm, lẻo đẽo theo tới tận chỗ ông cư ngụ.
Ông thả dụng cụ xuống, leo lên bồ đoàn ngồi, tôi tham lễ, ông cũng chẳng thèm dòm tới, không nói không rằng, tôi bèn ngồi đối diện với ông.
Hôm sau, ông vo gạo, tôi nhen lửa. Cơm chín, ông không mời, tôi cũng cầm bát tự đơm đầy cho mình. Ăn xong, ông vác cuốc, tôi gánh sọt, cùng làm việc, khiêng đá, xúc đất, ban đường… Cùng làm cùng nghỉ… Như thế được hơn mười hôm, mà vẫn chưa chuyện trò, hai bên đều im lặng.
Chớ nhận cầu vồng là ráng chiều
Một tối nọ, trăng chiếu sáng như ban ngày, tôi ngồi kiết-già trên tảng đá lớn ngoài chùa. Đêm chưa khuya lắm, ông đi nhè nhẹ đến sau lưng tôi, hét to:
-Ở đây làm gì?
Tôi hé mắt đáp:
-Xem trăng!
-Trăng ở đâu?
Tôi đáp:
-Chiếu sáng vằng vặc.
Ông bảo:
Đồ đa ngư mục Chơn nan biện
Hưu nhận hổng nghê thị thái hà
(Rất nhiều mắt cá khó phân biệt
Chớ nhận cầu vồng là ráng chiều)
Tôi đáp:
Quang hàm vạn tượng vô kim cổ
Bất thuộc âm dương tuyệt chướng giá.
(Sáng dung vạn tượng vô kim cổ
Chẳng thuộc âm dương, bặt ngăn che)
Ông nắm tay tôi, cười to nói:
-Khuya rồi, mời Thầy về nghỉ.
Sáng ra, ông hoan hỷ bắt chuyện, xưng mình tên Thiền Tu, người Tương Đàm, xuất gia từ bé. Năm 24 tuổi, nơi Thiền đường Kim Sơn, được chỗ thôi dứt2. Sau đó ông đi viếng cảnh núi, đến Tây Tạng, qua Miến Điện rồi về nước. Thấy con đường này khúc khuỷu, nghĩ tội nghiệp người, ngựa đi vất vả, vốn mến mộ hạnh ngài Trì Địa Bồ-tát, nên ông đến đây, nguyện ra sức tu sửa… đến nay đã mấy mươi năm. Giờ ông đã 83 tuổi, chưa gặp được tri kỷ. Nay hữu duyên, may mắn hạnh ngộ một người như tôi nên giải bày hết tâm tư…
Tôi cũng kể ông nghe chuyện của mình. Hôm sau, ăn sáng xong, tôi cáo từ. Cả hai đồng cười lớn và chia tay.
Kính thỉnh Hòa thượng đến tụng kỉnh
Tôi đến Đằng Xung quyên góp, đang ở Hội Quán Hồ Nam, chưa kịp trình sổ ra đã thấy có mấy người mặc đồ tang đến, dập đầu làm lễ, thưa:
-Kính thỉnh Hòa thượng đễn tụng kinh.
Tôi đáp:
-Tôi không phải thầy đám.
Các hiếu tử thưa:
-Xin Hòa thượng hãy vì chúng con mà tụng kinh giùm.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Ở đây không có Hòa thượng nào sao?…
Vị chủ tiệm giải thích:
-Đại sư nên đi tụng Kinh, sự việc thật trùng hợp. Nhóm người này là con cháu của Ngô Thái Sử. Thái Sử bình sinh tu trì rất cẩn mật. Mấy mươi năm nay, ai cũng ca ngợi ông là bậc thiện nhân. Ông thọ hơn tám mươi, con cháu có tới mấy chục người, đậu Hiếu Liêm mấy vị, Tú tài còn nhiều hơn. Khi sắp mất, ông tự xưng là Hòa thượng, dặn con cháu dùng Tăng phục mai táng, cấm không cho khóc lóc, không được sát sinh hay rước thầy đám đến tụng kinh. Ông còn dự báo là sẽ có một vị cao tăng đến làm lễ siêu độ cho mình. Nói xong, ông ngồi xếp bằng mà mất. Trải qua mấy ngày, mặt mũi vẫn tươi như lúc còn sống. Hôm nay, Đại sư đến đây quả thật là có duyên.
Tôi nghe vậy bèn nhận lời., đến nhà họ tụng kinh, làm lễ thí thực suốt bảy ngày, dân chúng trong làng cùng các vị quan nhân thân sĩ đều đến tỏ lòng hoan hỉ, mừng rỡ tán thán, xin qui y hơn nghìn người. Các quan về hưu cũng nài thỉnh, khẩn khoản năn nỉ xin tôi hãy trụ lại Đằng Xung, tôi giải thích:
-Tôi vì phát nguyện trùng hưng đạo tràng núi Kê Túc nên mới đến đây quyên góp, do vậy chẳng thể ở lại đây được.
Họ hiểu ra, vui vẻ đua nhau hỷ cúng.
Tôi trở về núi, có đủ tiền để kiến tạo phòng ốc, bèn soạn lập Thanh Qui, tổ chức tọa Thiền giảng Kinh, chấn chỉnh Luật nghi, mở Đàn giới… Năm ấy bốn chúng đến cầu giới hơn bảy trăm người. Các chùa bản địa ở đây cũng dần thay đổi theo, chịu mặc đúng pháp phục, ăn chay và cho tu sĩ đến nghỉ lại.
Năm này Nhật-Nga khai chiến, Trung Quốc tuyên bố đứng ngoài cuộc.
Ngài Hư Vân kể:
1. Ngô Thái Sử
Nguyên trước đây chùa Vạn Phật (ngoài cửa đông Đằng Xung) có một lão Tăng cả đời hành đạo chí thành, chuyên niệm Phật và tụng kinh Kim Cang. Lúc đó Ngô công, (ông nội của quan Ngô Thái Sử) thường cúng dường vị Tăng này. Khi con dâu Ngô công sắp sinh, cụ bỗng thấy lão Tăng nọ hiện đến, đi thẳng vào phòng mình. Sau đó nàng dâu liền sinh ra đứa con trai (là Ngô Thái Sử hiện thời) Ngô công lấy làm lạ bèn cho kiểm tra thử, mới hay ở bên chùa Vạn Phật, lão Tăng kia đã viên tịch.
2. Thái thú Trần Lan Khanh
Thái Thú Trần Lan Khanh quê ở Chiết Giang, Thiệu Hưng, sinh trưởng tại Côn Minh, quy y với Hòa thượng Nham Lâu. Bình sinh ông dốc lòng niệm Phật, thường trì kinh Kim Cang. Lúc trẻ đi thi, vừa đặt chân đến Hàng Châu thì có cảm giác nơi đây là cố hương của mình, rồi ông sực nhớ, kiếp trước mình chính là vị Tăng sĩ tu tại chùa Tây Hồ. Ông thường kể chuyện này cho bạn bè nghe, tả vanh vách về ngôi chùa, về cách bài trí trong phòng cho đến từng ngọn cây cọng cỏ, hoa lá mọc trong vườn chùa… Mọi người không tin, cho là hoang đường, họ tìm đến tận chùa Tây Hồ để kiểm chứng thì thấy tất cả đúng y như lời ông kể. Ông còn nói vợ mình hiện nay kiếp trước là nữ đàn việt, làm chủ tiệm hàng mõ cạnh chùa, từng cúng dường ông một chiếc Cà-sa, do có chút cảm tình mến mộ mà đời này kết thành duyên nợ… Người nghe đều cho là lạ kỳ, càng tăng thêm tín tâm. Cuộc sống Thái thú rất nhiều phúc báo, con cháu đông. Hiện đời tuy ông tin Phật, chịu niệm Phật mà không có ý khoác áo nâu sòng. Năm Quang Tự 33, tôi đến chùa Phúc Hưng ở Côn Minh, thường cùng ông trò chuyện, có nhắc nhở nhiều lần, nhưng ông không tỉnh. Trong kinh nói: “Phú quí học đạo nan”, nghĩ thật đúng và đáng tiếc lắm vậy.
3. Tăng Diệu Trạm
Tăng Diệu Trạm ở chùa Nhiên Đăng, Côn Minh, tu pháp niệm Phật và thuộc lòng hết kinh Hoa Nghiêm. Thầy sống rất giản dị, ngoài chiếc áo nạp, không có vật dư. Dốc lòng hoằng dương Tịnh độ, đạo phong quảng bá khắp cùng. Tổng đốc Sầm Dục Anh, Vương Văn Thiều rất kính tin, thường thỉnh đến dinh quan cúng dường, sau đó Vương Văn Thiều được chuyển vào kinh làm quan Đại Học Sĩ. Một hôm, Vương đang ngồi dự tiệc trong nhà, bỗng thấy Trạm đến. Lát sau thì nghe người nhà báo tin tỳ thiếp đã sinh con rồi. Vương liền điện đến Côn Minh hỏi thăm thì hay tin thầy Diệu Trạm vừa mới nhập diệt.
4. Đề Đốc Đường Minh Canh
Đường Minh Canh thường kể tôi nghe kiếp trước ông là một vị Tăng tên Chiêu Thông Phủ ở miếu Quan Đế. Chuyên tu khổ hạnh, siêng niệm Phật trì kinh. Tổ tiên ông xưa là Phật tử thuần thành, một lòng kính tin Tam bảo, rất hay cúng dường chư Tăng. Khi Minh Canh sinh ra, Trụ trì chùa có đến thăm, cũng thường khuyên Minh Canh xuất gia nhưng ông không chịu.
Ngài Hư Vân nhận xét:
Từ Phật giáo truyền sang Trung Hoa, các tông phái rất thịnh. Tu theo Phật pháp là để liễu sinh tử. Ngài Vĩnh Gia nói: “Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không, vị liễu hoàn tu thường túc trái”. (Liễu rồi nghiệp chướng vốn là không, chưa liễu hoàn thân đền nợ trước). Liễu hay chưa liễu, hành, giả phải để tâm suy xét, dẫu có khác đường đi song đích đến vốn đồng, giống như trăm sông đều đổ về biển cả. Những vị Tăng kể trên đây đều có công phu hành trì chơn chánh, song tất cả đều sinh làm con nhà đàn việt (là đích thân tôi chứng kiến hay nghe kể), âu cũng là ngã rẽ tạm thời. Nhưng nhân đây xin nhắc các vị tu hành: Phải luôn tự cảnh giác, sách tấn mình.
QUANG TỰ 31 (1905) Ất TỴ – 66 TUỔI
Mùa xuân, Hòa thượng Bảo Lâm chùa Thạch Chung mời tôi đến truyền giới. Giới tử có hơn 800 người. Phật sự xong, sư Giới Trần bế quan tại Am Bát Vu, còn tôi đi Nam Dương hoằng hóa.
Vị trụ trì kỳ lạ ở Miến Điện
Tôi đến chùa Thái Bình miền Nam Miến Điện, giảng xong Kinh Di Đà thì số người quy y lên khoảng vài trăm. Công việc hoàn tất, tôi vượt núi Dã Nhơn, đến Ngõa Thành, Tân Nhai. Do bị nhiễm khí độc ở núi Dã Nhơn nên đến đây thì phát bệnh nặng, phải nghỉ tạm trong cái chòi ven đường, ngày đêm trời nóng như thiêu. Tôi ráng đi đến chùa Quan Âm ở Liễu Động, gặp vị Trụ trì người Trung Quốc tên Định Như. Mới đầu, tôi xá chào, ông không thèm ngó tới, tôi bèn lên chánh điện tĩnh tọa. Chập tối, tới khoá lễ tụng kinh, ông lên điện khai chuông, tôi phụ đánh trống, khi tụng xong bài sám hối. Ông xướng “Giết, giết, giết!” và lễ ba lạy.
Sáng mai, lên điện tụng xong, ông cũng lễ ba lạy và làm y như vậy, tôi lấy làm lạ nên không bỏ đi. Ngày ba bữa, trong thức ăn, ông đều dùng hành, tỏi, sữa bò và các thức tạp. Tôi không ăn được, nhưng không nói gì, đành uống nước. Ông thấy vậy, sai người nấu cháo không bỏ hành, tỏi… tôi mới ăn được. Đến ngày thứ bảy, ông mời tôi uống trà. Tôi hỏi ông:
– Vì sao phải hô “Giết”… rồi lạy như thế?
– Ông đáp: – “Giết quỷ!”- Và kể tôi nghe quê ông ở Bảo Khánh, cha làm quan Võ, mất tại Vân Nam. Ông xuất gia tu ở chùa Phổ Đà, học vẽ với Hòa thượng Trúc Thiền. Hơn mười năm trước, ông từ Hương Cảng đến Tinh Châu. Lúc lên thuyền bị một người Âu ngược đãi thậm tệ nên từ đấy ôm hận không nguôi. Ở đây, tranh ông vẽ khéo, được nhiều người ưa chuộng nên kinh tế khấm khá.
Kể xong, ông bảo:
– Suốt mười năm nay, tôi thấy các khách Tăng đến đây, đa số toàn có tính khí kỳ ôn, chẳng ai có được đạo hạnh viên dung vô ngại như thầy. Bởi thấy thầy đàng hoàng, tôi kính quý lắm nên mới giải bày tâm sự…
Tôi khuyên ông “Oán thân bình đẳng”, nhưng ông có vẻ chưa nguôi ngoai.
Bệnh tôi thuyên giảm dần rồi bình phục. Tôi cáo từ, ông kiên quyết giữ lại, tôi giải thích mình còn trọng trách phải đi hóa duyên, ông mới chịu để tôi đi. Ông cúng dường tiền lộ phí, lo lương thực và mua vé xe cho tôi đến Ngưỡng Quang, sốt sắng đánh điện báo tin cho cư sĩ Cao Vạn Bang đến đón tôi rồi trân trọng từ biệt.
Tôi đến Ngưỡng Quang, gia đình Cao cư sĩ cùng Giám viện Tính Nguyên chùa Long Hoa ra đón. Gia đình họ Cao rất quí tôi, họ nói:
-Chúng con nghe Hòa thượng Diệu Lão nhắc Thầy mãi, mấy chục năm nay bặt tin, giờ Thầy đến hẳn Ngài vui lắm. Vừa rồi chúng con nhận được tin Hòa thượng Diệu Lão đang định trở về Đường Sơn để tu sửa Ninh Đức, Quy Sơn lại.
Hôm sau, tôi đi viếng tháp Đại Kim, tham quan các thắng cảnh xong thì vội vã cáo từ vì lo Hòa thượng đang gấp về nước. Cao cư sĩ tiễn tôi lên thuyền và đánh điện cho chùa Cực Lạc (đảo Tân Tức) hay để lo tiếp đón.
Bị đưa tới một vùng núi xa tít
Thuyền cập bến, do trên thuyền có người bệnh dịch chết, nên phải treo cờ cấm, tất cả hành khách đều bị đưa tới một vùng núi xa tít để xét nghiệm. Hơn ngàn người bị đưa lên núi, không có nhà trú ngụ nên phải ở ngoài trời, chịu cảnh phơi mình ngoài nắng mưa. Hằng ngày mỗi người được phát một chén gạo và hai củ cải, tự nấu nướng lấy. Bác sĩ đến khám ngày hai lần. Được một tuần thì số người được cho về hơn phân nửa, đến ngày thứ mười thì tất cả đều được về hết, chỉ còn lại mình tôi. Điều này khiến tôi càng sốt ruột, mà càng nôn nóng, bệnh càng nặng thêm, toàn thân đau đớn, tôi bỏ ăn dần.
Đến ngày thứ mười tám, y sĩ đến thăm, khiêng tôi sang một ngôi biệt thất vắng vẻ không người, tôi mừng lắm. Có một ông già đi tuần tra đến hỏi thăm, biết tôi là người Tuyền Châu, ông thở dài nói:
-Chỗ này là dành cho bệnh nhân sắp chết ở, họ đem Thầy vô đây, nghĩa là Thầy chỉ còn nước nằm chờ họ mổ xác khám nghiệm thôi!
Tôi giải thích cho ông hiểu là tôi có nhiệm vụ phải đi đến chùa Cực Lạc. Ông nhìn tôi thương hại, bảo:
-Thôi, để tôi mang thuốc đến cho Thầy dùng…
Rồi ông trao cho tôi chén trà Thần Khúc. Tôi uống cạn, hai ngày sau thấy trong người có vẻ khỏe hơn. Ông già dặn:
-Khi bác sĩ đến, hễ nghe tiếng tôi tằng hắng ở ngoài, thì Thầy phải lo mà ngồi dậy liền nghe, ráng phấn chấn tỏ vẻ cho tươi tỉnh đó! Nếu họ đưa thuốc thì tuyệt đôi không được uống!…
Ôi trời ơi! Nguy rồi…
Y sĩ đến, mọi việc diễn tiến như lời ông lão dặn, kẹt một điều là khi họ lấy thuốc, rót nước, ép tôi uống quyết liệt đến nỗi tôi không thể không tuân, bất đắc dĩ phải nốc cạn. Y sĩ đi rồi, ông lão bước vào hỏi thăm. Nghe tôi kể đã uống hết thuốc, ông hoảng kinh kêu lên:
-Ôi trời ơi! Nguy rồi… Ngày mai nếu như Thầy còn sống thì tôi sẽ cho Thầy chút thuốc để Thầy uống cầu may, giờ chỉ còn biết trông cậy vào Phật Tổ gia ân cứu độ cho Thầy mà thôi!
Sáng hôm sau, ông lão đến. Tôi ngồi trên nền đất, mắt mở trao tráo mà không thấy gì, ông đỡ tôi dậy, thấy máu tuôn đầy đất. Ông đưa thuốc cho tôi uống, gấp rút thay đổi y phục, lau sạch máu trên nền nhà và nói:
-Như người ta mà uống thuốc hôm qua, thì không chờ đến tắt hơi đã bị mổ bụng rồi, còn Thầy tới giờ vẫn chưa tiêu mạng… Đúng là Phật, Tổ linh thiệt…
Rồi ông dặn tiếp:
-Chừng 9 giờ bác sĩ đến, hễ nghe tôi tằng hắng thì Thầy phải ráng giữ cho tươi tỉnh nghen!
Bác sĩ đến, thấy tôi, họ chỉ trỏ, cười cười rồi bỏ đi.
Đợi ông già vô, tôi hỏi thăm, ông đáp:
-Họ cười vì Thầy chẳng chết đó!…
Tôi sực nhớ lúc đưa tiễn, Cao cư sĩ có tặng cho ít tiền, tôi lấy bốn mươi đồng trao cho ông già, nói:
Xin biếu bác hai mươi đồng, đáp tạ lòng chăm sóc. Phần còn lại bác làm ơn tặng các y sĩ giùm, miễn sao họ chịu thả tôi đi…
Ông già bảo:
-Tôi không lấy tiền của Thầy đâu! Hôm nay có y sĩ người Âu đến khám, không lo được. Ngày mai có y sĩ người Cát Lãnh, tôi có thể thuyết phục họ.
Chiều tối, ông lão đến bảo:
-Tôi đã chi hai mươi bốn đồng, dàn xếp với họ xong xuôi. Sáng mai Thầy lên đường được rồi!
Tôi nghe nói, an lòng, trịnh trọng cảm ơn ông lão.
Sáng hôm sau, y sĩ đến. Xem bệnh xong thì gọi thuyền chở tôi qua biển. Ông già dìu tôi lên thuyền.
Vì sao mà ra nông nỗi như vầy?
Tôi thuê xe hơi đi đến Cung Quảng Phước, các vị ở đấy thấy tôi hình dung quái dị nên chẳng thèm hỏi han, bỏ mặc tôi ngồi suốt hai giờ, tôi không nén được bao cảm xúc ngỗn ngang, buồn vui lẫn lộn. Vui là mình vừa thoát chết, buồn vì thấy thầy Tri khách không tròn nhiệm vụ. Cuối cùng, cũng có một vị Sư già đến, ra là Thượng tọa Giác Không, tôi xưng tên, đảnh lễ, lễ xong thì hết ngóc dậy nổi. Sư Giác Không đỡ tôi dậy, ngạc nhiên hỏi:
-Cao cư sĩ đánh điện báo tin đã hơn 20 ngày rồi mà không thấy ông tới. Hòa thượng cùng đại chúng thảy đều sốt ruột ngóng trông. Vì sao mà ra nông nỗi như vầy?
Bấy giờ, già trẻ mới xúm lại chật nhà, trăm thuyền đổ về một bến, tíu tít hỏi thăm… rộn ràng như Tết. Chẳng bao lâu Hòa thượng Diệu Lão tới, Ngài bảo:
-Ngày nào tôi cũng ngóng tin và thầm lo là ông bị tai nạn gì đó… tôi đang tính về Quy Sơn thì nhận được tin ông đến nên đành hoãn lại chờ. Vì sao mà lâu thế?…
Tôi thưa:
-Con thật có lỗi!…
Rồi tôi thuật lại mọi việc. Hòa thượng và đại chúng nghe kể, vừa sợ vừa mừng, đồng chắp tay niệm Phật rồi cùng về chùa Cực Lạc.
Đừng ngồi lâu quá mà sinh bệnh
Hòa thượng nhắc tôi uống thuốc. Tôi thưa:
-Con về được đến nhà, vọng niệm hết sạch, nghỉ ngơi vài ngày thì khoẻ lại ngay thôi.
Sau đó Hòa thượng thấy tôi mỗi lần tĩnh tọa đều ngồi tới mấy ngày, liền khuyên:
-Khí hậu Nam Dương nóng, không giống ở nước mình, ông đừng ngồi lâu quá mà sinh bệnh.
Tôi thưa:
-Con không biết điều này.
Ngài dạy tiếp:
-Ông hãy ở đây giảng một bộ Pháp Hoa gieo duyên với chúng sinh, còn ta phải trở về nước. Giảng Kinh xong, ông đừng về Vân Nam vội, mà hãy ghé Cổ Sơn trước nhé, ta có việc cần nhờ ông.
Tiễn Hòa thượng lên thuyền xong, tôi bắt đầu giảng kinh, quy y cho mấy trăm người. Chư Phật tử ở Mã Lai mời tôi đến Đình Thanh Vân giảng Kinh Dược Sư. Lúc tôi trở về Cát Long Pha (Kualumpur) thì các cư sĩ Diệp Phật Hữu, Hoàng Vân Phàm v.v… mời tôi đến chùa Linh Sơn giảng Kinh Lăng Già. Mỗi khi các khóa giảng kết thúc, số người đến xin quy y có hơn vạn.
Mùa Đông, Tăng chúng tỉnh Điền đánh điện đến báo là chính phủ hiện đang trưng thu tài sản các chùa. Sư Ký Thiền (Bát Chỉ đầu đà) mời tôi về cùng bàn việc cứu vãn tình thế. Nhưng cận Tết rồi, tôi đành ở lại Cát Long Pha cho hết năm.
QUANG TỰ 32 BÍNH NGỌ (1906) 67 TUỔI
Qua xuân, tôi trở về nước. Thuyền đi ngang Đài Loan, tôi ghé vào tham quan chùa Linh Tuyền. Sau đó đến Nhật Bản chiêm bái các thắng cảnh già lam nổi tiếng. Lúc này hai nước Trung-Nhật đang có hiềm khích nên người Nhật rất để ý đến các tu sĩ Trung Quốc và cấm tiệt, không cho tăng Nhật sang Trung Hoa. Tôi rất muốn liên kết Phật giáo đồ Trung-Nhật, nhưng thấy chính sự quá căng nên chưa thể tiến hành.
Đến Thượng Hải dự hội nghị
Tháng ba tôi về nước. Đến Thượng Hải dự hội nghị cùng sư Ký Thiền và các Đại biểu Phật giáo, rồi cùng lên kinh dâng Thỉnh nguyện thư.
Đến kinh đô, chúng tôi tá túc tại chùa Hiền Lương, gặp các Sư: Pháp An, Đạo Hưng… nghênh đón và chiêu đãi. Túc Thân Vương Thiện Kỳ mời tôi thuyết giới cho Thái Phúc Tân nghe. Hồi năm Canh Tý tôi có theo xe vua nên quen biết khá nhiều vương công đại thần, họ đến, niềm nở hỏi thăm, cùng đóng góp ý kiến và giúp tôi soạn thảo Thỉnh nguyện thư dâng vua. Nhờ các vị ấy nhiệt tình hộ pháp, yểm trợ hết lòng nên mọi việc suôn sẻ. Triều đình ra chỉ dụ:
“Quang Tự thứ 32, ngày… tháng…
Thông báo:
Trước đây, khi ban chỉ dụ, triều đình không nêu rõ danh mục nên mới phát sinh tệ nạn quấy nhiễu dân lành. Gần đây, nghe kể rằng tại học đường, công xưởng ở các tỉnh… đã xảy ra những việc làm sai trái, thậm chí gây tổn hại đến cả người nước ngoài, như thế hoàn toàn không đúng với tôn chỉ triều đình đã định.
Nay, lệnh cho các quan Tuần Vũ, phải thông báo lại cho các quan địa phương biết là:
-Đối với các tự viện, chùa, am… dù lớn hay nhỏ, nghĩa là từ đất đai cho đến tài sản, hễ đã thuộc chùa và các tu sĩ… thì chính quyền địa phương bắt buộc phải quan tâm bảo vệ, không được phép xâm phạm hay gây tổn hại. Tuyệt đối không cho phép bọn sâu dân mọt nước lộng hành, cấm ngặt việc tịch thu tài sản chùa.
Nay ban dụ này để làm sáng tỏ đường lối ngay thẳng liêm chính của triều đình”.
Sau khi chiếu chỉ được ban hành, phong trào xâm phạm tài sản chùa chiền ở các tỉnh được dập tắt.
Xin thỉnh bộ Đại Tạng Kinh
Tôi ở lại kinh đô, đàm đạo với các vị chính quyền nhiệt tình hộ pháp này. Cùng bàn chuyện triều Thanh từ khai quốc đến giờ. Tôi kể họ nghe Vân Nam chưa có được bộ Đại Tạng Kinh (Long Tạng) và ngỏ ý muốn xin phép đi thỉnh về cho pháp ân Phật được lưu bố khắp gần xa. Việc này được Túc Thân Vương nhiệt liệt tán thưởng. Ông đích thân khởi xướng, các quan Đại thần Tổng Quản Phủ Nội Vụ cũng hết lòng ủng hộ, đồng giúp tôi dâng sớ lên vua:
“Tăng sĩ Hư Vân (Trụ trì chùa Nghinh Tường) Am Bát Vu núi Kê Túc, huyện Tân Xuyên, phủ Đại Lý, tỉnh Vân Nam, xin đệ đơn tấu trình:
Chùa Nghinh Tường vốn là thắng hội của Tôn giả Ca Diếp, là ngôi sơn tự, một đạo tràng cổ thuộc hàng danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhưng lại không có bộ Đại Tạng Kinh. Rất mong được ân trên cho phép tôi đi thỉnh bộ Đại Tạng này đề hưng long Phật Pháp và cũng để cho chư Phật tử khát pháp được thỏa lòng luyến mộ, có đủ duyên lành thấm nhuần pháp ân, đời đời được thờ phụng cúng dường…
(Đơn thỉnh cầu này đã được Túc Thượng Thư thuộc Bộ Dân Chính, Trụ trì Trừng Hải chùa Bá Lâm, Trụ trì Đạo Hưng chùa Long Hưng… đồng cam đoan đã xem xét kỹ lưỡng, cẩn thận), xin trân trọng dâng lên, rất mong được chấp thuận…
Nếu được phê chuẩn, chúng thần sẽ truyền cho Nha môn và các Ty Tăng Lục biết để tiến hành.
Kính trình và xin thỉnh Thánh chỉ.
Năm Quang Tự 32 ngày mùng 6 tháng 6. Nhà vua đã dùng bút son, phê vào: “Chuẩn tấu như thỉnh cầu, truyền tất cả tuân chỉ”.
Ngày 20 tháng 7. Vua ban chỉ dụ:
“Chùa Nghinh Tường Am Bát Vu núi Kê Túc, tỉnh Vân Nam, nay được vua sắc phong tên:” Hộ Quốc Chúc Thánh Thiền Tự”, cho phép thỉnh nguyên bộ Long Tạng).
Trẫm ban tặng Đại sư Hư Vân Tử Y, Bát, Ngọc Ấn, Tích trượng. Và sắc phong cho danh hiệu “Phật Từ Hồng Pháp Đại Sư”, để Đại sư phụng chí về núi truyền giới, giúp nước an dân.
Lịnh cho Quan Đại thần Phủ Nội Vụ thông báo cho trụ trì Hư Vân hay, tiếp nhận chỉ, về núi chấn chỉnh sơn môn mãi mãi, tùy nghi giáo hóa… Truyền nhân dân cùng quan lại địa phương phải hết lòng cung kính tuân lệnh, lưu tâm giúp đỡ, bảo vệ, không được coi thường”…
Phải về Cổ Sơn gấp
Việc vừa xong thì ngày 20 tôi nhận được thư Hòa thượng Diệu Lão từ cổ Sơn gởi tới, dạy rằng:
“Khi bắt đầu rước Đại Tạng Kinh, hãy đến Hạ Môn trước, sau đó sẽ vận chuyển Kinh từ Nam Dương về Vân Nam. Tạm thời ông hãy để Kinh ở Đất Hạ và nhớ phải về Cổ Sơn gấp”…
Lần chở Kinh về Nam này, nhờ sự trợ lực hộ pháp của các vị phật tử ở Kinh đô rất nhiều. Do sắp hết năm nên tôi ở lại Bắc Kinh đến sang xuân.
QUANG TỰ 33 ĐINH MÙI (1907) 68 TUỔI
Tháng giêng, tôi vận chuyển Tạng Kinh rời kinh đô vào đất Hổ tới Hạ Môn, mọi việc nhờ hai Thầy Văn Chất và Chuyển Đạo phụ sắp xếp, giúp đỡ.
Vừa đến đất Hạ thì tôi nhận được tin Lão Hòa thượng Diệu Liên đã viên tịch tại Quy Sơn ngay trong tháng này. Bấy giờ các bậc Trưởng lão, Tăng chúng khắp đất Hạ đều đổ về Quy Sơn dự lễ trà tỳ Hòa thượng. Linh cốt của Ngài được đưa về Hạ viện Cổ Sơn. Tôi tức tốc đến đó để lo hậu sự: xây tháp, tạc bia, truyền u Minh giới v.v
Ngày đêm bận rộn tất bật, đến mồng 10 tháng 4 thì làm lễ tiến tháp. Khi tháp vừa xây xong thì trời đổ mưa tầm tã suốt nửa tháng, khiến mọi người rất lo. Đến ngày mùng 8, khi truyền giới Bồ-tát xong, thì mưa tạnh. Sang mồng chín thì trời quang, trong trẻo. Hôm ấy, quan thân sĩ thứ kéo nhau lên núi tấp nập.
Đúng ngày mùng 10, làm lễ nhập tháp, cúng tế cả trăm bàn, đại chúng tụ lại tụng kinh. Cúng dường xong, đến lúc tụng chú Biến Thực, thì bỗng có luồng gió xoáy nổi lên hốt hết phẩm vật hiến cúng lên trời. Rồi từ linh khám xẹt một luồng hào quang xông thẳng lên đỉnh tháp, ai thấy cũng tán thán. Buổi lễ hoàn tất, khi đại chúng trở về chùa thì mưa lại trút xuống tầm tã như trước. Linh cốt của Hòa thượng được chia làm hai: Một nửa nhập tháp, một nửa đưa về chùa Cực Lạc ở Nam Dương thờ phụng.
Mật hạnh khó nghĩ lường
Lúc nghinh đón Tạng Kinh và hài cốt của Hòa thượng về Nam, đến Đình Quan Âm chùa Tân Tức (đảo Pênang), thì đại chúng đi đón có đến mấy ngàn người. Khi tụng kinh xong, tới hồi tụng chú Biến Thực, thì trời lại nổi một trận gió, rải hoa khắp nơi hàng vạn đóa, từ đỉnh linh khám xẹt một luồng bạch quang, bay thẳng đến đỉnh tháp cách đó một cây số.
Hai sự kiện này chính tôi đích thân tham dự, được chứng kiến tận mắt, nghe tận tai. Phật từng dạy: “Mật hạnh khó nghĩ lường”. Thuở còn sống, việc tu của Hòa thượng tôi không rõ, chỉ thấy Ngài không chuyên về Thiền, Tịnh… một bề lo kiến tạo và tu sửa chùa viện, tiếp chúng kết duyên, lấy đó làm bổn phận. Ai ngờ phút cuối đời của Ngài lại có những việc đặc biệt lạ lùng như thế.
Tôi từ sau khi xuất gia, phiêu bạt khắp nơi, đã lâu không thân cận Ngài, mấy mươi năm bặt tin tức, không gần gũi hỏi thăm, thật phụ ân đức của Ngài. Đến giờ phút chót thì tôi được lo hậu sự, xây tháp, phân chia xá-lợi… Nhớ lại những gì Ngài từng căn dặn thì hình như Ngài đã biết trước hết cả. Việc này thật khó nghĩ lường. Tôi chỉ kể sơ làm bằng chứng, mong có thể làm tăng thêm niềm tin cho người sau.
Nhân duyên lạ kỳ
Thuyền đến Đơn Na, các vị ở Quan Âm Đình mời tôi giảng Tâm Kinh. Xong việc, tôi xuống thuyền đi Thái Lan. Trên thuyền không có thức ăn chay, suốt ngày tôi ngồi kiết-già. Có một vị khách người Anh tiến lại trước chỗ tôi ngồi, nhìn chăm chú và hỏi:
-Hòa thượng từ đâu đến?
Biết ông ta sành tiếng Hoa, tôi đáp:
-Tôi ở Vân Nam.
Ông liền mời tôi ra phòng khách, đãi bánh và sữa bò. Nhưng tôi không ăn. Ông hỏi:
-Thầy ở miệt nào của Vân Nam?
-Chùa Nghinh Tường, núi Kê Túc.
Ông bảo:
-Đây là ngôi chùa có qui củ rất tốt.
-Ông đến đó bao giờ?
-Hồi làm lãnh Sự ở Côn Minh, Đằng Xung, tôi có đi tham quan các chùa ở khắp nơi.
Rồi ông Lãnh Sự hỏi tôi:
-Thầy ra nước ngoài làm gì?
Tôi kể mình thỉnh Đại Tạng Kinh chở về đất Điền, do thiếu lộ phí nên phải sang Tân Tức hóa duyên. Ông ta nói:
-Thầy có mang công văn theo không?
Tôi trình công văn và sổ hóa duyên ra. Ông xem và ghi vào con số ba ngàn đồng, quả là nhân duyên kỳ lạ! Xong, ông mời tôi dùng thức chay, cùng đi thuyền đến Thái Lan, lên bờ mới chia tay.
Tôi đang ngụ tại chùa Long Tuyền giảng Kinh Địa Tạng thì vị Lãnh sự Anh tìm đến trao cho tôi ba ngàn đồng rồi đi. Tôi muốn trở về Vân Nam, xây viện chứa Kinh (Tàng Kinh Điện) nhưng do sở phí còn thiếu quá nhiều, tiền cần đến vài muôn mà chuyến đi này hóa duyên chưa được bao, nên giảng Kinh Địa Tạng xong, vài ngày sau tôi lại giảng Phổ Môn phẩm, có khoảng vài trăm người đến nghe.
Một hôm, tôi đang ngồi kiết già nhập định, thì quên luôn việc giảng kinh, ngồi thẳng đến chín ngày sau mới xuất định. Chuyện này đồn vang đến kinh đô, khiến từ Quốc vương, Đại thần, thiện nam tín nữ đều tìm đến lễ bái. Sau khi xuất định, tôi giảng kinh xong thì Quốc vương thỉnh tôi vào cung tụng kinh, cúng dường và khẩn khoản xin quy y. Quan thân sĩ thứ cũng đến quy y hơn mấy ngàn người.
Tỳ kheo ơi! Y, bát, giới chớ lìa thân
Sau lần nhập định ấy, đôi chân tôi bị tê liệt, mỗi lần cử động rất khó khăn. Sau đó, toàn thân tôi cứng đờ giống như cây khô, tôi không thể cử động cầm nắm gì, đến ăn cũng phải có người giúp. Các bác sĩ, lương y được mời đến chữa trị đủ cách mà bệnh không thuyên giảm, bệnh còn tăng nặng đến miệng tôi không thể nói và chẳng còn nhìn thấy được gì. Thầy thuốc thảy đều bó tay, nhưng tôi cảm thấy lòng rất bình thản, tuyệt chẳng thống khổ. Mọi việc tôi đều buông bỏ hết. Chỉ duy nhất một việc tôi không buông được – là tấm chi phiếu tôi may cất giấu trong cổ áo hiện thời không ai biết – Khổ nỗi, miệng tôi giờ không nói được, mà tay lại chẳng thể nhúc nhích. Lỡ như tôi chết đi… chỉ một mồi lửa là thiêu xong hết, nhưng… Đại Tạng Kinh sẽ chẳng chở về được đến nơi và lầu các Kê Túc khó bề xây dựng… việc này làm sao có thể bỏ mặc cho đành?…
Nghĩ đến đây tôi rơi nước măt, thầm khấn cầu Tôn giả Ca-diếp gia hộ cho. Khi đó sư Diệu Viên thấy tôi chảy nước mắt, miệng mấp máy… bèn tiến đến kề tai vào lắng nghe. Tôi nhờ ông lấy chén nước cúng ngài Ca-diếp cho tôi uống. Uống xong, tôi cảm thấy thân tâm thư thái mát mẻ và thiếp đi. Rồi tôi mơ thấy một vị Tăng hình dáng giống như ngài Ca-diếp, ngồi bên cạnh, lấy tay hữu xoa đầu tôi và bảo:
– Tỳ kheo ơi! Y, bát, giới chớ lìa thân. Đừng lo buồn nữa… Dùng y bát làm gối thì sẽ ổn thôi…
Tôi nghe lời, lấy y bát làm gối, xoay đầu lại nhìn thì chẳng thấy Tôn giả nữa, lúc này toàn thân toát mồ hôi, ngay đó cảm thấy an lạc khôn tả. Tôi đã có thể nói được chút ít, liền nhờ sư Diệu Viên đến trước bàn thờ Hoa Đà xin thuốc. Bắt được hai vị thuốc Dạ Minh sa và Mộc trất. Tôi uống xong, mắt liền thấy, miệng nói được. Lại xin ngài Hoa Đà một phương thuốc nữa, lần này toa cho là đậu đỏ loại nhỏ hạt. Tôi bèn dùng đậu đỏ nấu cháo ăn chứ không ăn tạp gì thêm nữa. Dùng như vậy được hai ngày thì đầu tôi lúc lắc được, lại cầu Hoa Đà tiếp tục, toa cho vẫn là đậu đỏ. Từ đó, tôi dùng đậu đỏ làm thức ăn. Đại tiểu tiện được thông, bài tiết ra đen thui. Dần dần tôi đỡ hơn, có thế ngồi dậy và bước đi được. Tính ra bệnh đã kéo dài hơn 20 ngày.
Tôi tạ ân đại chúng đã vì mình mà lao tâm phí sức, sư Diệu Viên ngày đêm túc trực chăm nom thật là cảm động. Tôi cũng lễ tạ ngài Hoa Đà, nguyện rằng sau khi xây xong Điện Già Lam, nhất định sẽ lập bàn thờ Ngài, cho thiên hạ đến bói xin thuốc được như ý.
Bệnh lành, tôi tiếp tục giảng Luận Khởi Tín. Lúc sắp xong, được chùa Cực Lạc ở Tân Tức phái người đến đón. Vua Thái Lan, các vương công đại thần, chư Phật tử thiện nam tín nữ đều đến tiễn biệt và cúng dường rất nhiều, nên được món tiền rất lớn. Khi tôi vào cung tụng Kinh, vua Thái Lan đã hiến tặng 300 mẫu đất tại Đỗng Lý, tôi bèn giao cho Hòa thượng Thiện Khánh chùa Cực Lạc, thiết lập xưởng cao su tại đây và cùng hai sư Thiện Khâm, Bảo Nguyệt ở lại xưởng đến hết năm.
QUANG TỰ 34 MẬU THÂN (1908) 69 TUỔI
Mùa xuân, tôi vẫn ở tại xưởng. Sau đó cùng Hòa thượng Thiện Khánh đến đạo tràng Quan Âm Các (do ông thành lập) đi tham quan các thắng cảnh xong thì tôi trở về chùa Cực Lạc, giảng phẩm Hạnh Nguyện trong bộ Luận Khởi Tín. Giảng kinh xong, tôi đóng cửa bế quan, đình chỉ việc giảng dạy, ngưng tiếp khách, ở chùa Cực Lạc đến hết năm.
Năm này, ngày 21 tháng 10, Hoàng đê mất, miếu hiệu là Đức Tông.
Ngày 22, Thái hậu Từ Hy tạ thế.