MA CHƯỚNG
TRÊN ĐƯỜNG TU
QUYỂN I
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
MA TÂM MA SỰ CỦA NGƯỜI TU

 

CHƯƠNG SÁU

Hôm nay, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình đi vào phần ma chướng của tưởng ấm.

KINH: A Nan, thiện nam tử kia, tu pháp Tam Ma Đề, khi thọ ấm hết rồi, tuy chưa hết mê lầm, nhưng tâm đã rời khỏi hình hài như chim ra khỏi lồng, điều ấy đã thành tựu được rồi.

GIẢNG: Khi hành giả tu Như Huyễn Tam Ma Đề, không những quán chiếu tiêu dung được sắc tướng của mình rồi, lại tiêu dung được thọ ấm, bước lên đến tưởng ấm, đó là lớp sương mù thứ ba dệt bằng những quang minh của dung thông vọng tưởng, tức là những quang minh vi tế lắm rồi. Lúc bấy giờ, thần thức trong tưởng ấm ấy đã gần như rời khỏi hình hài của thọ ấm, hết cả những cảm giác cùng những phiền lụy đối với sắc thân này. Thần thức hành giả ví như con chim ra khỏi lồng, ra khỏi lồng của sắc thân và của cảm giác của những vọng tình. Ta cũng nên nhớ rằng trong giai đoạn này, tất cả ma chướng đều do sự tưởng, sự ưa, mong cầu mà ra, và trong cả thập ma chướng của tưởng ấm đều là bị quỷ nhập. Lúc này, tâm thức hành giả như con chim ra khỏi lồng, lên đến bình diện cao vời, rất khinh an, khá tự tại.

KINH: Từ phàm thân đó, tiến lên trải qua sáu mươi thánh vị Bồ Tát, được ý sanh thân, tùy ý đi ở, không còn ngăn ngại…

GIẢNG: Kinh dạy rằng, khi tu hành trải qua sáu mươi thánh vị Bồ Tát sẽ được ý sanh thân, tức là hành giả dùng tâm tưởng để có thể tạo những hóa thân được. Nhưng đó là tương lai nếu hành giả tiếp tục tu hành, còn lúc này thì chưa. Trong đạo Phật có ba giai đoạn tạo hóa thân: Từ địa thứ nhất đến địa thứ bảy thì có được tam muội nhạo ý sanh thân, tức là vào tam muội, dùng sức tâm mình để tạo những hóa thân. Từ địa thứ tám, được vô sanh pháp nhẫn, lên đến địa thứ mười, thì được giác pháp tự tánh tánh ý sanh thân, lúc bấy giờ hành giả không cần phải nhập tam muội mằ lúc nào cũng có thê hóa thân bời bời được. Lên đến Đẳng Giác hay Phật thì được chủng loại câu sanh vô hành tác ý sanh thân, lúc này, hành giả không cần tác ý, muốn hiện vô lượng vô biên thân lúc nào cũng được. Ở đây Phật dạy, vị này dần dần có thể đi đến chỗ có thể vào tam muội tạo hóa thân được.

KINH: Ví như người ngủ say nói mơ, người ấy tuy không hay biết gì nhưng lời nói đã có âm vận thứ tự, khiến người không ngủ đều hiểu biết được. Ấy thì gọi là phạm vi của tưởng ấm.

GIẢNG: Ý Kinh muốn nói rằng, khi hành giả lên được tưởng ấm, thì nếu so với phàm phu thì đã gần với diệu pháp thân hơn rồi, nhưng chỉ nhìn thấy một cách lờ mờ thôi, giống như người ngủ mê nói mớ, tuy không hay biết gì rõ rệt, nhưng lời nói đã mạch lạc, người tỉnh nghe có thể hiểu được. Cũng như trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, các vị Bồ Tát ở phần thập hồi hướng, hay thập địa, nhìn pháp thân thấy lờ mờ mà thôi, chưa rõ rệt.

KINH: Nếu biết giữ động niệm, tư tưởng hư vọng tiêu trừ, thì nơi tâm giác minh như bỏ hết bụi nhơ, một giòng sinh tử, đầu đuôi soi khắp, gọi là hết tưởng ấm. Người ấy mới có thể vượt hết phiền não trược, xét lại nguyên do, cội gốc là vọng tưởng dung thông.

GIẢNG: Khi hành giả vào được màn sương mù của tưởng ấm rồi, thì thấy tâm trong sạch, sáng láng như bỏ hết bụi nhơ, bỏ hết những thô kệch của sẳc ấm, bỏ luôn những vọng tình của thọ ấm, vào được tưởng ấm, cho rằng đã rửa sạch những bụi dơ rồi, lúc đó thấy được một giòng sinh tử, đầu đuôi soi khắp, nhưng thực ra đó mới chỉ là tưởng ấm thôi. Đên khi hành giả vượt qua tưởng ấm vào đến hành ấm thì lúc bấy giờ mới thấy dòng sinh tử đầu đuôi soi khắp, mọi vật đều là quang minh phụt lên (flash), trong con sâu, con kiến, núi sông, cánh hoa, người, vật, vân vân, chỉ thấy toàn quang minh phụt khởi lên cả, thấy rõ trong người có một trường lực khởi lên như tia chớp nháng, vì thế trong kinh gọi là “ĐIỂN”. Trở lại đoạn Kinh trên, hành giả đã gột được sắc ấm, gột thêm được cảm giác của thọ ấm, đến đây, lại gột thêm được tưởng ấm, gần giống như Ngài Ca Diếp, vào được đến diệt thọ tưởng định, (tức là diệt được thọ ấm và tưởng ấm đến chỗ bất động), thì như vậy gọi là vượt được phiền não trược, tiêu diệt được tất cả những phiền não tham, sân, si của mình, tức là những phiền não ở ba ấm đầu. Khi vào đến hành ấm (ấm thứ tư), thì mắc vào những phiền não khác, đó là mạn và nghi. Thì đây, tôi xin đọc phần ma chướng trong tưởng ấm.

KINH: A Nan, thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không còn mắc các tà lự…

GIẢNG: Tà lự là không còn mắc các vọng tình, nhưng vẫn còn mắc những tâm tưởng.

KINH: Tính viên định phát minh, trong Tam Ma Đề, tâm lại ưa được viên minh, thúc dục tư tưởng, tham cầu những thiện xảo.

GIẢNG: Lúc này hành giả đã vào định khả rồi, nhưng Tam Ma Đề ấy vẫn còn vướng tâm tưởng, là màn sương mù thứ ba, lúc đó tâm lại thích được viên minh, (tròn sáng hơn trước), hành giả thúc dục tâm tinh tấn hơn để tham cầu những thiện xảo, để được nhiều thần lực hơn. Tất cả mười ma chướng trong tưởng ấm đều do tâm ưa thích mong cầu mà ra. Mong cầu những thiện xảo tức là mong cầu nhiều sự biến hóa thần thông.

KINH: Khi bấy giờ, Thiên ma chờ được dịp ấy…

GIẢNG: Khi có một người tu cao, dù ngồi trong nhà kín hay ngồi trên núi cao, đạo lực càng cao, hào quang tỏa càng nhiều, Thiên ma thường đến đi quanh dòm ngó, chỉ chờ dịp tâm hành giả khởi lên mong cầu một điều gì thì hiện ra ngay thứ ấy để quấy phá.

KINH: Cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói Kinh Pháp, người đó không biết bị ma gá, cũng tự bảo đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu thiện xảo kia, trải pháp tọa thuyết pháp. Thân hình người đó giây lát, hoặc làm tỳ kheo cho ngưòi kia thấy, hoặc làm Đế Thích, hoặc làm phụ nữ, hoặc làm tỳ kheo ni, hoặc nằm trong nhà tối, thân có hào quang chói sáng…

GIẢNG: Loại thiên ma này lại không gá tinh thần vào người tu, lại gá vào người khác, tự nhận là đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến cho hành giả tu hành trải pháp tỏa thuyết pháp, rồi biến thành nhiều thân hình, tùy theo ý thích của hành giả, hoặc biên thành tỳ kheo, nhẫn đến thành Đế Thích (không phải dễ đâu), hay biến thành phụ nữ, vân vân, đủ trò thần biến làm cho hành giả khởi tâm mê mệt.

KINH: Người tu hành ngu mê, lầm là Bồ Tát tin lời dạy bảo, lay chuyển cái tâm, phá luật nghi của Phật, lén làm chuyện tham dục…

GIẢNG: Chúng ta để ý thấy rằng, trong phạm vi của thọ và tưởng ấm, ma chướng đều đưa đến tham dục, và tham dục là chướng ngại rất lớn trên con đường tu hành, sau đó, lên càng cao thì vấp vào mạn và nghi. Khi thiên ma tới, làm nhiều chuyện biến hóa cho hành giả khởi tâm tin tưởng rồi sau đó trải tòa thuyết pháp, hành giả vì thấy sự biến hóa đó liền đắm nhiễm cho rằng vị này đã đắc đạo, nghĩ rằng đây là một bậc đại Bồ Tát, tin lời dạy bảo của thiên ma, tâm bị lay chuyển, không tin ở cái huệ không tịch nữa, không giữ được bi nguyện tâm từ nhiều kiếp, không giữ được tâm Bát Nhã, nên bị lung lay, dần dần đi vào giới phạm, rồi len lén làm chuyện tham dục.

KINH: Miệng ma ưa nói những sự may rủi biến đổi, hoặc nói Như Lai ra đời  chỗ Mỗ…

GIẢNG: Thiên ma hay nói đến sự may rủi, mà người tu hành cần không cầu đến sự may rủi, may cũng không cảm thấy vui, mà rủi cũng không cảm thấy buồn, như thế mới giữ được cái tâm bất động được, còn lúc nào cũng chỉ cầu may rủi thì tâm hành giả hay bị chao động, lao đao, lại cầu sự biến đổi, vì biến đổi là thần thông tự tại để đi đến cho thần biến, nhưng trong lúc tu hành vì không khởi móng tâm tìm cầu điều đó, vì càng tu thì thần thông tự hiện, nhưng nếu có sự mong cầu gấp gáp thì lạc vào ma đạo ngay, thiên ma dễ lọt vào để quấy phá, nên bao giờ cũng phải giữ tâm Đại Bi, Bát Nhã và Vô sở cầu hạnh, vì lệch ra khỏi ba điều đó, thì rơi vào ma đạo.

KINH: Hoặc nói có kiếp hỏa, hoặc nói có đao binh khủng bổ người ta, khiến cho gia tư không cớ gì phải hao mất. Ấy gọi là giống quái quỷ, tuổi già thành ma, quấy rối người tu hành. Khi ma quấy chán rồi, bỏ thân người không gá nữa, thì đệ tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nên giác ngộ trước, thì không vào luân hồi, nếu mê lầm không biết thì đọa vào ngục vô gián.

GIẢNG: Người tu hành không hiểu nghe theo những lời đó, mất chánh thọ, sẽ đọa địa ngục vô gián. Đọc Kinh Lăng Nghiêm, muốn hiểu kỹ, phải lần mò tìm kiếm về những loại quỷ trong Kinh. Trường hợp này có thứ “quái quỷ” quay phá. Và đoạn trên cũng nói đến rất nhiều loại quỷ rất khó hiểu. Ta chỉ có thể lò mò giảng được ít phần thôi, muốn giảng rõ thì phải có pháp nhãn. Chỉ các vị có tri kiến hiện tiền, chúng sanh biến hóa thế nào các vị thấy ngay, chứ có thiên nhãn cũng giảng không xong, còn chúng ta chỉ suy đoán thôi, nói mò mẫm hiểu được ít phần chứ không phải tri kiến hiện tiền. Thí dụ như trong đoạn Kinh ở trước phẩm Ma chướng, ngài giảng mười hai loại chúng sanh biến hóa ra sao, các loài quỷ biến hóa từ loài này sang loài kia, rồi lên làm súc sanh, sau lên làm người, làm hạng người như thế nào, vân vân. Tất cả những thứ đó phải có pháp nhãn mới nhìn thấy rõ sự chuyển hóa như thế nào, còn phàm phu chúng ta thì chỉ dựa theo lời kinh, tức là theo thánh ngôn lượng, cộng thêm sự suy đoán mà thôi. Đó là ma chướng thứ nhất thuộc về tưởng ấm, trong mười trường hợp ma chướng thuộc về tưởng ấm đều bị quỷ nhập cả, họ đến quấy phá người tu hành để họ đi lạc đường. Nên trên con đường tu hành, càng hiểu sâu bao nhiêu, ta càng phải nắm chắc câu niệm Phật và câu chú, còn nếu khoa chân đi vào con đường thiền quán mà không có thầy giỏi, nếu chỉ mong lấy chút sức khỏe thì không sao, còn mong xa hơn nữa thì chỉ làm mồi cho ma thôi. Phần đông các vị đạo sư bây giờ đều chưa đủ điều kiện. Chân đạo sư có ít nhất là thiên nhãn cao và có một phần huệ nhãn, còn những vị chỉ có nhục nhãn thôi thì chỉ là thọ nghiệp sư, không thể nào dạy được người, chỉ có thể nói lại cho người nghe một ít kiến thức mình biết thôi, vì sao? Vì không có thiên nhãn và huệ nhãn, nên không thấy được căn cơ của người, cũng không có tha tâm thông, túc mạng thông, hơn nữa, chính thầy còn đầy những bất tịnh hôi nhơ, vô minh thì dày đặc, đọc Kinh chưa chắc đã hiếu được yếu nghĩa mà đi dạy người, thì chỉ làm hại giới thân huệ mạng mà thôi.

Trong bộ “Tọa thiền yếu chỉ” nói rõ, khi có người đến cầu đạo, thì người thầy phải dùng thiên nhãn để nhìn xem căn cơ của người học trò đến đâu, sau đó phải khảo đến giới, nếu trong kiếp này, có lỡ phạm trọng giới rồi thì thôi đi về đi, làm một cư sĩ tại gia, dọn con đường cho kiếp sau tu. Vì vậy, theo tôi, làm đạo sư chân chính rất khó, vì lơ mơ là cả thầy lẫn trò đều dắt nhau vào địa ngục cả. Nên không có ai đọc Lăng Nghiêm mà không khởi tâm sợ hãi. Tôi đi nói pháp gần mười năm nay, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình đi giảng kinh hay làm đạo sư, chỉ biết rằng, đọc Kinh thấy hay thì nói lại cho quý vị nghe, tùy quý vị suy nghĩ và chấp nhận hay không. Những bộ kinh lớn thế này, phải là một bực Đại Bồ Tát có đầy đủ thiên nhãn lẫn huệ nhãn mới có thể giảng nổi, phàm phu chúng ta chỉ nói gượng với nhau, mò tìm ý nghĩa thâm sâu thôi. Nên tôi sợ nhất là có người đến lễ lạy mình xì xụp và gọi mình bằng thầy, vì không đáng được hưởng những thứ đó. Vì vô minh còn dày đặc, chỉ đọc mấy cuốn sách và nói chuyện lại cho người nghe, mình chỉ có thể là một thiện hữu thôi, còn muốn làm một bậc thầy thì phải có thiên nhãn, huệ nhãn và một chút pháp nhãn.

HỎI: Xin ông giải thích phân biệt cho biết Tây Phương Cực Lạc và Niết Bàn là một hay là khác? Nếu bảo rằng Cực Lạc chính là nơi đã thành Phật thì Niết Bàn nào đâu? Vì theo tôi nghĩ, Cực Lạc cũng chỉ là một “quán trọ” cho hành giả nghỉ chân để tiếp tục con đường đến Chánh Đẳng Chánh Giác.

ĐÁP: Trước hết, ta hãy phân tích chữ “Niết Bàn” trước, Niết Bàn của Thanh Văn và Đại Niết Bàn Tịch Tĩnh của chư Phật. Niết Bàn của Thanh Văn còn thấp hơn Tây Phương Cực Lạc, và Tây Phương Cực Lạc thì còn phải đi thêm xa nữa mới đến được Đại Tịch Diệt của Như Lai. Muốn đạt đến Niết Bàn của Thanh Văn là phải tiêu dung được phiền não chướng, tham, sân, si, mạn, nghi mà thôi. Tức là khi hành giả tới đó thì vọng tưởng kiên cố, vọng tưởng hư minh và dung thông không tác động nữa, hành ấm cũng bặt đi, những mầm móng sanh tử tạo nên trung ấm thân đã được tiêu diệt, nó tan thành mây khói, rơi vào chỗ đó, thì chỗ đó gọi là “Niết-Bần-hóa-thành-một-ngày” và cái đó không thể gọi là Đại Niết Bàn được, chỉ gọi là Niết Bàn cho hàng Thanh Văn thôi. Đến chỗ đó, hành giả không còn mầm móng của phân đoạn sanh tử, nhưng vẫn còn những mầm mong của “biến dịch sanh tử’’. Vậy thì, hành giả lại còn phải tiêu dung những mầm mống của biến dịch sanh tử mới có thể đến Đại Tịch Diệt Niết Bàn của Như Lai. Muốn tiêu dung được biến dịch sanh tử này, không còn cách gì khác ngoài chuyện cầu vãng sanh Cực Lạc thì mới có thể dễ tiêu dung được thôi, và cũng xin ông đừng nên nói Cực Lạc chỉ là một “quán trọ”, nói như vậy có vẻ hơi… xược đối với Phật A Di Đà, vì chỗ đó là một nơi rất tự tại thong dong, và tuy Cực Lạc cũng là huyễn, nhưng ngay ở nơi huyễn ấy hành giả được ngay ngôi bất thối chuyển và đi lên nữa sẽ thành Phật quả. Vì nơi Cực Lạc, hành giả sẽ tiêu dung tất cả những biến dịch sanh tử, còn ở cõi Ta Bà này, giỏi lắm chúng ta chỉ có thể tiêu dung được mấy cái tham, sân, si, mạn mà thôi, tức là những phân đoạn sanh tử tạo nên hình hài thô kệch này. Khi bỏ những thứ thô kệch này, hành giả sẽ vào được biến quang minh vi tế và ly dần những biến dịch sanh tử, gọi là trần sa hoặc, và vô minh hoặc.

Nay xin trở về kinh…

KINH: (bỏ một đoạn..) Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh. Trong Tam Ma Đề, tâm lại ưa thầm họp, lặng đứng tư tưởng, tham cầu được khế họp…

GIẢNG: “ưa thầm hợp…”, có nghĩa là tâm ưa vào sâu hơn nữa để được khế hợp với diệu tâm ấy.

Đạo Phật có cái khó là khi hành giả đi vào thiền quán, đến mức độ nào cũng vậy, không được khởi tâm mong cầu một cách thô kệch quá đáng, hành giả có thể có quyền mong cầu, nhưng tất cả những mong cầu thuộc về ngã thì không được, còn những mong cầu tự tha vô ngại, mong cầu được vãng sanh Cực Lạc để thành Phật độ sanh thì được, ngược lại, mong cầu vãng sanh chỉ để rong chơi sung sướng một mình thì tâm cũng bị tà lệch rồi.

KINH: Khi bấy giờ, thiên ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp..

GIẢNG: Trong tưởng ấm, thiên ma hay gá vào người khác để thuyết pháp, chiêu dụ hành giả.

KINH: Người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người thiện nam tử cầu khế hợp kia, trải pháp tọa thuyết pháp. Hình người đó và những người nghe pháp, bề ngoài không có thay đổi, nhưng lại khiến các thính giả trước khi nghe pháp tâm đã tự khai ngộ niệm niệm ròi đổi, hoặc được túc mạng thông, hoặc có tha tâm thông, hoặc thấy địa ngục, hoặc biết các việc hay dở trong thế gian, hoặc miệng nói bài kệ, hoặc tự tụng Kinh được, mỗi mỗi đều vui vẻ, được cái chưa từng có…

GIẢNG: Trong giai đoạn này, thiên ma đến chỗ hành giả rồi nhập vào người khác để thuyết pháp. Thiên ma ở đây, khác thiên ma trước là nó không biến hóa thành các tỳ kheo, tỳ kheo ni, mỹ nữ, vân vân, nhưng lại dùng sức của ma ngồi thuyết pháp không thôi. Lại nữa, dùng sức ma khiến cho các thính giả chưa nghe đã thấy tâm như được khai ngộ, đồng thời lại khiến thính chúng được một chút túc mạng thông, biết kiếp trước của mình, được một chút tha tâm thông, có thể đọc được những ý tưởng của kẻ khác, lại mở cho thính chúng một chút thiên nhãn, khiến họ thấy ít chút về địa ngục, hay tiên tri được vài việc hay, dở sẽ xảy ra trong thế gian này. Nên các thính chúng ngồi nghe khởi tâm tin tưởng, nghĩ rằng, chính Phật và Bồ Tát đang ngồi tòa thuyết pháp.

KINH: Người tu hành ngu mê, lầm là Bồ Tát, tâm sinh ra dính dáng yêu thương…

GIẢNG: Ở đây, nói đến những vấn đề nữ đệ tử yêu thầy, hoặc nam để tử yêu sư nữ của mình, vì đệ tử nghe ngày càng thán phục, tâm nảy sinh ra yêu đươmg.

KINH: Phá luật nghi của Phật, lén làm việc tham dục. Miệng ma thích nói Phật lớn, Phật nhỏ, Đức Phật Mỗ là Đức Phật trước, Đức Phật Mỗ là Đức Phật sau, trong đó cũng có Phật thật, Phật giả, Phật trai, Phật gái. Bồ Tát cũng thế, người tu hành thấy vậy, bỏ sạch bản tâm, dễ vào tà ngộ…

GIẢNG: “bỏ sạch bản tâm..”, tức là tâm từ bi, tâm không tịch và tâm vô sở cầu.

KINH: Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh, trong Tam Ma Đề, tâm lại ưa biết cội gốc…

GIẢNG: Ưa biết cội gốc gì? cội gốc của pháp giới này, cũng là của chính mình vậy.

KINH: Nơi sự vật chuyển hóa, muốn xét biết cùng tột chung thủy…

GIẢNG: Trong sự vật, như con sông, hòn đá, trăng sao, thú, người, vân vân, hành giả muốn khởi tâm biết cùng tột cội nguồn chung thủy của nó.

KINH: Thúc cái tâm sáng suốt thêm, tham cầu, nhận biết, chia chẻ. Khi bấy giờ, thiên ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào ngưòi khác, miệng nói Kinh Pháp. Người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu biết cội gốc kia, trải pháp tọa thuyết pháp. Người đó có uy thần làm cho những người cầu pháp đều kính phục, khiến cho thính chúng dưới pháp tọa, khi chưa nghe pháp tự nhiên tâm đã phục rồi. Tất cả bọn ấy đều cho rằng Niết Bàn, Bồ Đề, pháp thân của Phật tức là cái xác thịt hiện tiền.

GIẢNG: Lúc bấy giờ thiên ma dùng uy thần làm cho những người cầu pháp đều kính phục, lại nói rằng Bồ Đề, Niết Bàn chính là xác thân này thôi, và khi có xác thân này thì nên dùng đến cùng.

KINH: Cha con sinh nhau, đời này đến đời khác, tức là pháp thân thường trụ không mất.

GIẢNG: Luận lý của thiên ma rất quyến rũ ghê gớm, nếu ta không vững tin thì tâm cũng bị lung lay, hoang động như chơi. Thiên ma bảo rằng, xác thân này chính là bồ đề, tức là làm chuyện tham dục, sinh ra con, cha con noi nhau chính là thường trụ. Thuyết pháp như thế nhưng có nhiều người vẫn cho là có lý, tin theo, một phần vì sức ma ghê gớm quá, phần không có trí huệ không tịch vững nên tin theo. Hiện nay, nhiều người tu bị ma chướng này…

KINH: Đều chỉ hiện tại, tức là cõi Phật, không có cõi tịnh cư và thân kim sắc nào khác..

GIẢNG: Lời ma nói: “Chỉ có xác thịt hiện tiền, cha con sinh nói nhau là thường trụ, cõi này là hiện tại, chính là cõi Phật mà không còn có cõi nào khác, không có Tịnh Độ, không có thân kim sắc nào cả “ Vậy thì, Phật tử chúng ta nghe thế thấy đồng ý không?

Phật Tử (trả lời): Cũng đúng, mà cũng không đúng, nếu cõi này cho là Tịnh Độ thì chúng ta phải tu cho thân tâm thanh tịnh đã, còn vẫn ô uế thì làm thế nào thành tịnh độ được.

ĐÁP: Đúng vậy, nên…

Phật Tử (cắt ngang): Thưa ông, tôi cảm thấy bối rối và có nghi tình, hồi trước ông có nói qua về Đại Bát Niết Bàn đó là thường, lạc, ngã, tịnh. Vậy thì có phải thế giới này nó cũng là Niết Bàn không?

ĐÁP: Đại Niết Bàn chính là pháp thân, mà pháp thân ấy cũng không rời thế giới này, chúng ta ngồi đây là chúng ta đang ngồi trong pháp thân của Phật. Tỷ dụ, nhiều người cho rằng cõi Ta Bà và cõi Cực Lạc khác nhau, cũng đúng và cũng sai. Ngược lại, nếu nói cõi Ta Bà và Cực Lạc là một thì cũng đúng, cũng sai. Vì sao thế? Vì tất cả các cõi đều dung thông với nhau. Cõi Ta Bà và cõi Cực Lạc khác nhau ở phần thô, như chúng ta ngồi đây, tức là ngồi ở trung tâm của cõi Ta Bà này, còn trung tâm phần thô của cõi Cực Lạc lại ở bên kia, cách xa mười vạn ức cõi Phật. Như thế cõi Ta Bà và Cực Lạc khác nhau chứ gì? Nhưng nếu nói khác hẳn cũng không đúng, vì nó chỉ khác nhau ở phần thô thôi, còn phần tế lại dung thông với nhau. Thí dụ một hành giả khi tịnh được tâm, thì dù ngồi ngay đây, cõi Cực Lạc ở ngay sâu trong tâm vị đó. Vì vậy, chúng ta phải hiểu những từng lớp quang minh chồng chồng lớp lớp như thế.

Trở lại Kinh, thiên ma cũng có nhiều biện tài lập luận khiến nhiều người bị lầm, chẳng hạn ma biện luận rằng, cõi Ta Bà ngay đây cũng là Cực Lạc, đâu có khác, vì đâu cũng là cõi Phật cả, thì tại sao lại phải tu Tịnh Độ xin vãng sanh làm gì? Nên chúng ta phải hiểu rõ cái một và cái khác như thế nào để đừng bị roi và tà kiến biện luận của ác ma. Nó vẫn khác nhau về phần thô, và vì chúng ta còn ở mức độ thô, nên phải cầu xin vãng sang chỗ thô kia đã, rồi trong cái đó mới có thể tu lên được. Còn muốn tịnh hóa để biến Ta Bà thành Cực Lạc ngay đây thì phải tu để chuyển hóa tâm thức đến chỗ quang minh vi tế mới được, sở dĩ chúng ta phải trốn chỗ này vì chúng ta căn cơ còn thấp kém, cạn mỏng, chung quanh chỉ toàn những điều nghịch duyên thôi, không vượt nổi, thì phải cầu sang bên kia. Còn nếu tu cao, tâm được tự tại thì Ta Bà cũng chính là Cực Lạc, không khác! Thiên ma nói rất lắt léo, đôi khi cũng dùng lời Phật dạy để biện luận, nhưng ác ma chỉ dùng một nửa câu, còn một nửa câu lại khác, nên nếu không đủ trí huệ, dễ bị lạc vào tà ngộ.

KINH: Người tu hành tin lãnh những điều đó, bỏ mất bản tâm…

GIẢNG: “bỏ mất bản tâm..” tức là bỏ cái tâm Từ Bi và Bát Nhã.

KINH: Đem thân mạng mà quy y ma, được cái chưa từng có, người đó u mê, lầm là Bồ Tát, suy xét cái tâm như thế, phá luật nghi của Phật, lén làm việc tham dục, miệng ma ưa nói mắt, tai, mũi, lưỡi đều là Tịnh Độ, hai căn nam nữ tức là chỗ thật Bồ Đề, Niết Bàn…

GIẢNG: Thời bây giờ hiện nay cũng có nhiều môn phái ngoại đạo nói đúng y như lời trên Phật dạy, như đạo sư Rajesh dạy rằng, trong tự do luyến ái, hành giả sẽ kiếm được sự giải thoát trong ấy.

KINH: Bọn kia không biết, đều tin lời nhơ nhớp đó. Ắy gọi là giống Cổ-Độc quỷ, và giống Áp-Thắng quỷ, tuổi già thành ma quấy rối người tu hành. Khi ma quấy chán rồi, bỏ thân người, không gá nữa thì đệ tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nên giác ngộ trước, thì không vào luân hồi, nếu mê lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô Gián.

GIẢNG: Trong pháp giới này, có rất nhiều thứ quỷ, mà chính chúng ta cũng nhiều lúc có những tâm niệm quỷ, nên một phần cũng là quỷ, nhưng là một thứ quỷ ý thức, biết suy tư và biết tự chế riễu. Giống như cái gương soi, biết chiếu soi và cũng tự chiếu soi, khi ta có thể tự chế riễu mình và hổ thẹn, ân hận thì con đường đi đến Phật quả đã bắt đầu ngắn lại.

HỎI: Thưa ông, tại sao tụi ma quỷ thần thông cũng có nhiều thế mà vẫn là ma?

ĐÁP: Chúng ta phải hiểu có hai loại thần thông. Tỷ dụ như một hành giả tu thiền quán rất cao, nhưng trong tâm nếu còn giữ cái ngã, mong cầu đắc được nhiều thần thông, thì sẽ có thần thông nhưng nó không phải là đại thần thông, mà chỉ là một thứ thần thông của ma thôi, có thể biến hóa nhiều hơn người bình thường chứ không có thể hóa hiện nhiều thứ. Còn nếu muốn có đại thần thông của Phật thì phải có cái tâm vô ngã. Ma Vương là một bậc khá cao, vì vậy mới ngự ở đảnh trời dục giới, trên cả vua Đế Thích, nhẫn đến trên cả trời Đâu Xuất có Đức Di Lặc thuyết pháp về Duy thức. Vì vậy, Ma vương có thần thông lớn, nhưng vì vẫn giữ cái ngã, nên tâm bị lệch thành ra ma.

HỎI: Chứ nó không có sự sáng suốt sao?

ĐÁP: Có chứ, nhưng sáng suốt theo cái ngã của họ thôi. Lấy một thí dụ dễ hiểu, ta thấy các vị đại bác học, khoa học, tâm lý học, vân vân, đều là có sự thông minh và thần thông của ma cả, vì cái thông minh và thần thông ấy còn có cái ngã trong đó, chỉ trừ một vài người vừa là bác học, vừa là tu sĩ, thì sự thông minh bắt đầu chuyển sang cái huệ của Phật. Chúng ta đều sống trong màng lưới thần thông của ma hết, ngày nào còn sử dụng điện thoại, xe hơi, máy bay, Computer, vân vân, đều là thần thông nhỏ của ma. Tóm lại, còn cái ngã thì là ma, bỏ cái ngã thì là Phật. Dù là một người sơ phát tâm, làm một hạnh rất nhỏ, chẳng hiểu thần thông là gì, chẳng biết trời đất xoay vòng như thế nào, nhưng nếu cái hạnh ấy làm một cách vô ngã thì lúc đó ta là Phật, lúc khác, làm điều gì lại rơi vào cái ngã thì lại trở lại làm ma, cả ngày ta cứ như con thoi, khi thì là ma, khi thì là Phật, nhưng làm ma thì nhiều. Vì vậy, người xưa hay bỏ hạt đậu đen, đậu trắng để kiểm soát tâm niệm mình trong một ngày.

KINH: Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh. Trong Tam Ma Đề, tâm lại ưa biết các việc trước sau.

GIẢNG: Đoạn kinh này, Phật lại nêu lên một loại ma chướng khác là tâm hành giả này lại ưa biết các việc trước sau, có nghĩa rằng hành giả muốn biết túc mạng, hoặc tiên tri được những sự việc xảy ra . Trên kia cầu khế hợp, cầu thần thông, còn đây thì lại ưa biết các việc trước sau. Để làm gì? Để nói cho người khác phục và sợ mình.

KINH: Chín xét cùng khắp, tham cầu được thầm cảm. Khi bấy giờ thiên ma chờ được dịp ấy, cho tỉnh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó thật không biết bị ma gá, cũng tự bảo đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu cảm ứng kia, trải pháp tọa thuyết pháp, có thể khiến cho thính chúng tạm thấy cái thân như đã trăm ngàn tuổi, tâm sinh ái nhiễm, không thể rời bỏ, đem thân làm nô bộc, cúng dường tứ sự không biết mệt mỏi.

GIẢNG: Lúc bấy giờ, thiên ma dùng lực khiến cho người ngồi nghe đều sinh tâm nhìn thấy giảng sư như là một người già trăm ngàn tuổi cảm thấy rất thương mến sinh lòng cảm kích, không muốn rời vị ấy, chỉ muốn đem thân mình là nô bọc cho thầy.

KINH: (Thiên ma) lại khiến cho mỗi người dưới pháp tọa tâm biết đó là vị Tiên sư, là vị thiện tri thức, riêng sinh lòng pháp ái, dính như keo sơn, được cái chưa từng có. Người tu hành u mê, lầm là Bồ Tát, gần gũi tâm ma, phá luật nghi của Phật, lén làm việc tham dục. Miệng ma ưa nói ta ở kiếp trước trong đời Mỗ, trước độ người Mỗ, lúc đó là thê thiếp, anh em của ta, nên nay lại đến độ cho nhau; ta sẽ cùng các ngươi theo nhau về cảnh giới Mỗ, cúng dường Đức Phật Mỗ, hoặc nói có cõi trời Đại Quang Minh riêng biệt, Phật ở trong đó và là chỗ nghỉ ngơi của tất cả các đức Như Lai.

GIẢNG: Thiên ma lại dùng luận điệu nói rằng ngày trước những người này đều là thân bằng quyến thuộc của tạ, thì nay phải theo nhau đến cảnh giới kia. Đó tức là có tâm “ái kiến hữu ngã”. Ngược lại, nếu nói như thế mà có tâm đại bi bát nhã thì khác hẳn. Nên chỉ cần một điều là lúc nào ta cũng phải xét bất cứ khi làm việc gì, ta khởi lên tâm niệm gì, có từ bi không? Có bát nhã không? có ngã haỵ vô ngã, và chẳng cần làm gì nhiều, nếu trong một ngày ta chỉ có khoảng độ hai mươi niệm của từ bi, bát nhã thôi cũng là khá lắm rồi, trong khi đó có cả hàng trăm, hàng ngàn tâm niệm hữu ngã. Đó là tất cả tiêu chuẩn để phân biệt giữa ma và Phật chỉ có thể.

KINH: Bọn không biết kia, đều tin những lời phỉnh gạt đó, bỏ mất bản tâm. Ấy gọi là giống lệ quỷ, tuổi già thành ma, quấy rối người tu hành. Khi ma quấy chán rồi, bỏ thân người không gá nữa, thì đệ tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nên giác ngộ trước thì không vào luân hồi, nếu mê lầm không biết, thì đọa vào ngục Vô Gián.

GIẢNG: Vì tâm thức chúng sanh vô lượng, nên cảnh giới cũng vô lượng. Đoạn kinh này nói đến có giống “Lệ Quỷ” quấy rối người tu hành.

KINH: Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh. Trong Tam Ma Đề, tâm lại ưa đi sâu vào khắc khổ, siêng năng, thích ở chỗ thầm vắng, tham cầu sự yên lặng. Khi bấy giờ thiên ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói Kinh Pháp. Người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo là đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu thầm lặng kia, trải pháp tọa thuyết pháp, khiến cho thính chúng mỗi người đều biết nghiệp cũ của mình; hoặc ở nơi đó bảo một người rằng: “Ngươi nay chưa chết đã làm súc sinh”, rồi bảo một người khác đạp cái đuôi đằng sau, liền khiến người đó đứng dậy không được; cả trong một chúng đều hết lòng kính phục, có người móng tâm lên thì nó đã biết ý, ngoài luật nghi của Phật ra, nó lại càng thêm khắc khổ, chê bai tỳ kheo, mắng nhiếc đồ chúng, phơi lộ việc người ta, không tránh cơ hiềm. Miệng ma ưa nói những họa phúc chưa đến và khi đã đến rồi thì mảy may không sai. Ấy gọi là giống Đại lực quỷ, tuổi già thành ma, quấy rối người tu hành. Khi ma quấy chán rồi bỏ thân ngưòi không gá nữa thì đệ tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nên giác ngộ trước thì không vào luân hồi, nếu mê lầm không biết thì đọa vào ngục vô gián.

GIẢNG: Trường hợp này, hành giả có lại có tâm niệm ưa đi sâu vào khắc khổ, siêng năng, thích ở chỗ thầm vắng, tham cầu được sự yên lặng vân vân… sẽ có giống Đại lực quỷ đến quấy nhiễu, thì cũng là lời khế hợp như trên, tôi xin lược bớt…

KINH: Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên đỉnh phát minh. Trong Tam Ma Đề, tâm lại ưa hiểu biết, siêng năng, xét tìm, tham cầu biết túc mạng… Khi bấy giờ thiên ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói Kinh Pháp. Người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã đươc Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu hiểu biết kia, trải pháp tọa thuyết pháp, được hạt châu báu lớn, hoặc khi ma hóa làm súc sinh, miệng ngậm hạt châu với những đồ kỳ lạ như đồ trân bảo, giảng sách, phù độc đến trao trước cho người tu hành, rồi sau cọ gá vào thân thể, hoặc khi ma bảo người nghe pháp, có hạt châu Minh Nguyệt chôn ở dưới đất, đương soi sáng chỗ đó, làm cho các thính giả đươc cái chưa từng có. Ma thường ăn cây thuốc chứ không ăn cơm, hoặc khi mỗi ngày chỉ ăn một bữa hạt vừng hoặc hạt mạch, do sức ma chấp trì, thân hình vẫn béo tốt. Ma lại chê bai tỳ kheo, mang nhiếc đồ chúng, không tránh sự cơ hiềm, trong miệng ưa nói kho báu phương khác và chỗ ẩn cư của các bậc thánh hiền thập phương. Những người đi theo sau, thường thấy có người kỳ lạ. Ấy gọi là giống Quỷ Thần núi rừng, thổ địa, thành hoàng, sông núi, tuổi già thành ma, hoặc khi kêu gọi làm điều dâm dục, phá giới luật, cùng với những kẻ thừa sự lén làm việc dâm dục, hoặc khi lại tinh tấn ăn toàn cỏ cây, việc làm không nhất định, cốt quấy rối người tu hành. Khi ma quấy chán rồi, bỏ thân người không gá nữa, thì đệ tử cùng thầy phần nhiều sa vào lưới pháp luật. Ông nên giác ngộ trước, thì không vào luân hồi, nếu mê lầm không biết thì đọa vào ngục vô gián.

GIẢNG: Trong trường hợp này, hành giả lại mong cầu biết túc mạng, thì người tu hành khi ngồi nghe thiên ma gá vào người khác thuyết pháp, bỗng nhiên thấy mình có hạt châu báu lớn, làm nhiều thần thông biến hoá để dụ người tu hành sau lại thường chê bai tỳ kheo, hoặc mắng nhiếc đồ chúng, lại lập dị tác quái, chỉ ăn cây thuốc, không ăn cơm. Người tu hành tin thiên ma, sức ma khiến họ thấy nhiều điều kỳ lạ, như đến chỗ nào đó thấy một con rắn lớn, một cái sừng, hay một loại nước quỷ vân vân, vì ma cũng có thể có thần thông biến hóa rất giỏi. Đó là giống Quỷ Thần Núi Rừng, thổ địa, thành hoàng, sông núi tuổi giầ thành ma. Loại ma này cũng kêu gọi hành giả làm việc dâm dục, phá giới luật của Phật, khi thì tinh tấn tu hành, ăn toàn cỏ cây, khi thì buông lung làm điều cấm giới, cốt chỉ quấy rối người tu hành mà thôi, khi chán nó liền bỏ đi, cả thầy lẫn trò đều sa vào lưới pháp luật.

Phật Tử: Nghe ông giảng thế này, thật tôi khởi tâm không dám thờ ai làm thầy cả. Sợ lầm lẫn lại đi lạc mất chánh đạo.

ĐÁP: Chúng ta phải nên chín chắn suy xét trước khi thờ một vị đạo sư làm thầy, phải biết vị nào là chính sư, có đầy đủ phạm hạnh, hay tà sư xúi đệ tử làm việc dâm dục và đầy chấp ngã. Riêng tôi, nếu tôi gặp một vị thầy thế này thì tôi bái phục và có thể hy sinh thân mạng mình để cầu được giáo pháp, phải là một vị như Hải Tràng tỳ kheo trong Kinh Hoa Nghiêm, ngồi độ năm, bảy ngày, nhẫn đến một vài tháng, thân thì ùn ùn tuôn ra những hóa thân vô lượng để độ sanh.

HỎI: Nhưng theo như ông nói ở trên, thiên ma cũng có rất nhiều thần thông, nó cũng có thể biến hóa ra rất nhiều thứ, còn không biết hóa thân thì có biến hóa được không? Và có thể biến được bao nhiêu hóa thân?

ĐÁP: Đúng vậy, thiên ma cũng có thể dùng thần thông của mình biến hóa được, như Ma Vương có thể biến cả ngàn thể nữ ra múa hát, nhưng đó là Ma Vương mới có thể biến hóa được nhiều thế, Thiên ma thường có lẽ chỉ biến hóa được một, hai hóa thân thôi. Điều cốt yếu là ta phải xem họ có ngã mạn không? Có dạy chúng ta đi vào đường dâm dục không? Nhất là cái ngã, đôi khi rất vi tế khó nhận biết được. Như đoạn kinh trên: “Ngoài luật nghi của Phật ra, nó lại tu hành càng thêm khắc khổ”. Nhưng sau đó lại thêm một câu: “Chê bai tỳ kheo, mắng nhiếc đồ chúng, phơi lồ việc người, không tránh sự cơ hiềm, vân vân ”. Vì vậy, trên con đường tìm cầu một vị thiện tri thức, ngoài mục đích tìm kiếm, ta còn phải dựa vào KINH để huân tập thêm trí huệ mới có thể biết được thực hư.

HỎI: Nhưng làm thế nào để có thể gặp được một vị thiện tri thức để có thể tôn làm thầy?

ĐÁP: Đó thì còn phải tùy ở túc duyên và cái tâm tha thiết muốn lên đường trở về của hành giả nữa, thì khi cơ duyên chín mùi, lúc đó tự nhiên sẽ có người đến. Sở dĩ chúng ta còn lang bang vì tâm chúng ta chưa quyết định, nay thế này, mai thế khác, thay đổi luôn luôn, nên cơ duyên chưa chín thôi.

HỎI: Vậy thì, cho chắc ăn, ta cứ lấy Kinh làm thầy quách?

ĐÁP: Nếu có vị thầy bằng xương bằng thịt vẫn thích hơn. Vì ta có thể trực tiếp học giáo lý sống động của Đức Phật qua vị thầy đó. Hơn nữa, do phạm hạnh và sự tu chứng của vị đạo sư tỏa ra những quang minh làm ta có thể dễ tu, dễ chứng hơn, trí huệ dễ khai mở hơn.

KINH: Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh. Trong Tam Ma Đề, tâm lại ưa biến hóa các thứ thần thông, nghiên cứu nguồn gốc biến hóa, tham cầu có thần lực. Khi bấy giờ thiên ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó thật không hay biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu thần thông kia, trải pháp tọa thuyết pháp. Người đó, hoặc tay cầm ngọn lửa, nắm chia ngọn lửa trên đầu tứ chúng nghe pháp; ngọn lửa trên đỉnh những người nghe pháp đều dài vài thước, mà cũng không đốt cháy, cũng không có nóng. Người đó hoặc đi trên nước như đi trên đất bằng, hoặc ở giữa hư không, ngồi yên không lay động, hoặc vào trong bình, hoặc ở trong dãy, hoặc vượt cửa sổ, hoặc thâu qua tường, không chút ngăn ngại, chỉ đối với đao bình thì không được tự tại. Người đó tự bảo là Phật, thân mặc bạch y, chịu tỳ kheo lễ bái, chê bai thiền luật, mắng nhiếc đồ chúng, phơi lộ việc người, không tránh sự cơ hiềm. Trong miệng thường nói thần thông tự tại, hoặc lại cho ngưòi thấy cõi Phật một bên. Đó là do sức quỷ mê hoặc, không có gì là chân thật. Người đó khen ngợi việc hành dâm, không từ bỏ những việc làm thô tục, bảo những sự ôm ấp lẫn nhau là truyền pháp. Ấy gọi là những giống Sơn Tinh, Hải Tinh, Phong Tinh, Hà Tinh, Thổ Tinh và những loài tinh mỵ của tất cả cỏ cây đã sống nhiều kiếp, có sức lớn trong trời đất, hoặc là Long Mỵ, hoặc là tiên chết rồi, sống lại làm mỵ, hoặc quả báo đạo tiên đã hết, kể năm thì phải chết, nhưng hình hài không hư nát, nên loài quái khác gá vào. Bọn ấy tuổi già thành ma, quấy rối ngưòi tu hành. Khi quấy chán rồi, bỏ thân người không gá nữa, thì đệ tử cùng thầy phần nhiều sa vào lưới pháp luật. Ông nên giác ngộ trước thì không vào luân hồi, nếu mê lầm không biết, thì đọa vào ngục vô gián.

GIẢNG: Trong đoạn kinh này, hành giả Ịại tham cầu thần thông, biến hóa. Thiên ma chờ được dịp ấy, nhập vào người kia đến thuyết pháp, người đó đang lúc ngồi thuyết pháp, rồi lầm nhiều chuyện thần biến như hóa hiện ra lửa, đi trên nước, ngồi giữa hư không vân vần, rồi chê bai những việc của người, lại chê bai thiền luật. Loại ma này còn có thể hiện cho thính chúng thấy được cõi Phật, rồi lại nói rằng “Sự ôm ấp nhau là chuyển pháp…” cũng chỉ đi đến sự dâm dục thôi. Đó là do các Sơn Tinh, Hải Tinh, Hà Tinh (là loài tinh mỵ ở sông núi), Thổ Tinh, và các tinh mỵ của cỏ cây sống lâu năm, hay Long Mỵ, hay các vị tu tiên, khi chết rồi nhưng thân không hư nát, nên có một loài tinh mỵ khác gả vào tác oai, tác quái. Nên trong pháp giới, cõi vô hình có rất nhiều thứ lạ lùng, nên trong nhân gian, các câu chuyện truyền thuyết đều có thể có thực cả, nhưng Đạo Phật khuyên không nên dừng ở chỗ đó, vì vẫn còn rất thấp. Tỷ dụ như ta thờ thần núi, thần sông thì cũng được đấy, nhưng vì các vị đó tuy có chút ít thần thông, nhưng vẫn còn lội trong biển nghiệp. Tôn thờ họ thì lâu dần chúng ta càng lệ thuộc vào vị thần đó mà không tu lên cao được. Trong Đạo Phật không bác bỏ những chuyện ma quỷ, thần linh là không có, ngược lại, trong kinh nói là có tất cả, nhưng dạy là các ông phải đi qua, đừng nên thờ vì các vị đó còn trong biển nghiệp, chưa thể độ các ông được. Mong cầu những việc nhỏ thì được, nhưng cầu giải thoát thì không xong, vì chính các vị đó cũng chưa giải thoát.

KINH: Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu không mắc các tà lự, tính viên đỉnh phát minh. Trong Tam Ma Đề, tâm lại ưa vào chỗ diệt hết, nghiên cứu tính biến hóa, tham cầu cái rỗng không sâu nhiệm. Khi bấy giờ thiên ma chờ dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo là đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu rỗng không kia, trải pháp tọa thuyết pháp, ở trong đại chúng, hình của ngưòi đó bỗng hóa thành không, cả chúng không thấy gì, rồi lại từ hư không bỗng chốc hiện ra, khi còn, khi mất được tự tại.

GIẢNG: Đoạn Kinh trước, khi tu vào đến thọ ấm, có loại ma chướng rơi vào cái rỗng không, đoạn diệt thì hành giả thấy mọi vật đều là hư ảo, ôm lấy cái tính rỗng không ấy. Còn trường hợp nàỵ thì lên cao hơn, thấy cái biến hóa nhiều hơn, lại chấp vào biến hóa đó tham cầu cái rỗng không sâu nhiệm. Nhân cơ hội ấy, ma lại nhập vào một người tới thuyết pháp, lại biến hóa trong khi thuyết pháp, lúc thì biến mất làm cho cả thính chúng không thấy đâu nữa, rồi sau hiện trở lại.

KINH: Hoặc hiện cái thân rỗng suốt như ngọc lưu ly, hoặc duỗi tay, chân xuống phát ra mùi thơm chiên đàn hoặc đại, tiểu tiện như đường phèn cứng chắc. Người đó chê bai phá giới luật, khinh rẻ những người xuất gia, trong miệng thường nói không nhân quả, chết rồi là diệt hẳn, không có thân sau; lại các phàm thánh tuy được phép không tịch, vẫn lén làm việc tham dục và người thụ lĩnh cái dâm dục đó cũng được tâm rỗng không, bác không nhân quả. Ấy gọi là những giống tinh khí Nhật-nguyệt, bạc thực, kim, ngọc, chi thảo, lân, phụng, quy, hạc, trải qua ngàn vạn năm không chết, làm tinh linh sinh ra trong các quốc độ, tuổi già thành ma quấy rối người tu hành. Khi ma quấy chán rồi, bỏ thân người, không gá nửa, thì đệ tử cùng thầy phần nhiều sa vào lưới pháp luật. Ông nên giác ngộ trước thì không vào luân hồi, nếu mê lầm không biết thì đọa vào ngục vô gián”.

GIẢNG: Dơ tay, cất chân thì thân thể tiết ra mùi thơm chiên đàn, hay đi đại, tiểu tiện thì thấy thành đường phèn cứng chắc, thiên ma có thể hiến hóa nhiều thứ lăng nhăng như thế, người nào có tâm mong cầu, thích biến hóa thì phục lắm, nên vội tin theo, rồi sẽ đưa đến chỗ phá giới nghi của Phật, đưa đến tham dục. Kinh kết luận rằng, giống này là những giống tinh khí của nhật-nguyệt, hay những lân, phụng, quy, hạc… sống lâu năm thành tinh, hay những thứ đá quỷ để lâu năm cũng thành tinh.

KINH: Lại thiện nam tử kia, thọ ấm đã hư diệu, không mắc cái tà lự, tính viên định phát minh; trong Tam Ma Đề tâm lại ưa sống lâu, gian khổ quan sát tinh vi, tham cầu được nhiều tuổi; bỏ cái sống phân đoạn, lại trông mong cái tướng vi tế của biến dịch được thường trụ.

GIẢNG: Lúc này, hành giả tu lên đến mức độ khá cao rồi, nhưng lại không như một vị A La Hán, vì khi một vị A La Hán tiêu dung được phiền não của mình thì thường muốn bỏ thân ngay. Còn ở đây, tu đến mức độ có thế bỏ thân mình được rồi, nhưng tâm lại nảy sanh muốn sống lâu, lại quay ra tìm cái thân tướng thường trụ trong biến dịch sanh tử. Có nghĩa là tâm vẫn còn chấp vào cái xác thân, vì đáng lỵ tu lên để tiêu dung, rồi vào Niết Bàn tịch diệt, thì ngược lại, hành giả lại muốn trụ lại ở đó, cho rằng đây đã là mức độ tột cùng rồi, vì vậy mới rơi vào ma chướng.

KINH: Khi bấy giờ, Thiên ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không hề hay biết bị ma gá vào, cũng tự bảo được vô thượng niết bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu sống lâu kia, trải pháp tọa thuyết pháp. Người đó ưa nói đi về phương khác không hề chậm trễ, hoặc trải qua muôn dặm giây lát đã trở lại và đều lấy những vật noi đó; hoặc ở một chỗ, hay trong một nhà, chỉ trong vài bước bảo người ta đi từ vách đông qua đến vách tây, nhưng người ta đi mau cả năm không đến.

GIẢNG: Lúc đó, thiên ma cho tinh thần gá vào người khác, đến thuyết pháp, biến hóa cho người tu hành thấy rằng dù đi xa muốn ngàn dặm cũng chỉ cần giây lát đã đến nơi, và lại còn lấy được những vật nơi đó trở về cho thính chúng thấy. Hay ngược lại, thiên ma dùng ma lực của mình khiến chỉ trong một đoạn ngắn có vài bước như trong nhà, khiến thính chúng đi từ vách đông qua vách tây mà đi mau cả năm cũng chưa đến được.

KINH: Nhân đó ngưòi tu hành tin tưởng, nghi là Phật hiện tiền, miệng ma thường nói thập phương chúng sinh đều là con ta, ta sinh ra chư Phật, ta sinh ra thế giới, ta là Phật đầu tiên, tự nhiên ra đời, không nhân tu hành mà đắc đạo. Ấy gọi là ma Trụ-thế-tự-tại-thiên.

GIẢNG: Loài thiên ma này dám tuyên bố rằng “thế giới này do Ta sinh ra cả, nên tất cả chúng sanh đều là con ta, vân vân.” thì đó là một loại thiên ma ngông cuồng, hơi giống như vị Phạm Thiên, đó gọi là ma “Trụ-thế-tự-tại-thiên”…

KINH: Nó khiến bọn chưa phát tâm như bọn Giá Văn Trà, hay là Tỳ Xá đồng tử cõi Tứ Thiên Vương thích cái hư minh, đến ăn tinh khí ngưòi tu hành. Hoặc không nhân ông thầy, chính người tu hành tự xem thấy, bọn đó tự xưng là thần Chấm Kim Cang đến cho trường thọ. Bọn đó hiện thân gái đẹp, thịnh hành việc dâm dục, làm chưa đầy một năm gan não người tu hành đã khô kiệt, miệng nói lẩm bẩm một mình, nghe như yêu mị. Người ngoài chưa rõ nguyên do, nên phần nhiều người bị như thế, phải sa vào lưới pháp luật và chưa kịp hành hình đã chết khô trước. Thế là bọn ma quấy phá người tu hành kia đến phải ốm chết. Ông nên giác ngộ trước thì không vào luân hồi, nếu mê lầm không biết thì đọa vào ngục vô gián.

GIẢNG: Đại khái đây cũng là một loại ma dâm dục đến quấy phá người tu hành, chuyên hút tinh khí làm cho hành giả bị suy yếu, khô kiệt đến chết.

KINH: A Nan nên biết mười thứ ma ấy, trong đời mạt pháp, hoặc xuất gia tu hành ở trong Đạo Phật, hoặc gá thân người, hoặc tự hiện hình, đều tự bảo đã thành Chánh Kiến Tri Giác, khen ngợi dâm dục, phá luật nghi của Phật; ma thầy trước cùng đệ tử ma dâm dục truyền nhau; tà ma như thế mê hoặc tim gan, ít thì chín đời, nhiều đến một trăm đời khiến cho người tu hành chân chính đều làm quyến thuộc của ma, sau khi mạng chung, chắc phải làm dâm ma, bỏ mất Chánh Kiến Tri đọa vào ngục Vô Gián. Nay ông chưa nên vào Niết Bàn trước, dầu được quả vô học, cũng phát nguyên vào trong đời mạt pháp kia, phát lòng đại bi cứu độ cho chúng sanh có lòng thâm tín chân chính, khiến cho khỏi mắc tà ma, được chính kiến tri, nay tôi đã độ ông ra khỏi sống chết, ông vâng lời Phật dạy thì gọi là báo ơn Phật.

A Nan, mười thứ cảnh ma hiện ra trong thiền định như thế, đều do tưởng ấm và tâm công dụng giao xen, nên hiện ra những cảnh ấy, chúng sanh ngu mê, không biết suy xét tự lượng, gặp nhân duyên đó mê không tự biết, tự bảo là lên bậc thánh, thành tội đại vọng ngữ, phải đọa vào ngục vô gián. Sau khi tôi diệt độ rồi, bọn ông cần phải đem những lời dạy này của Như Lai truyền bày cho đời mạt pháp, khiến cho khắp các chúng sanh, tỏ ngộ nghĩa đó, không để Thiên Ma được dịp quấy rối, giữ gìn che chở cho chúng sanh thành đạo Vô thượng.

Tới đây, có thể nói là hết phần Ma chướng của tưởng ấm, chương sau, chúng ta sẽ đi vào phần Ma chướng của hành ấm. Tôi cũng xin nhắc lại, tất cả những ma từ đầu đến đây đều thuộc về tham, sân, si. Từ đây trở đi, khi vào hành ấm thì các Ma chướng thuộc về lòng mạn và nghi. Vì vậy, ngài Hư Vân thiền sư ngày nào cũng tụng Lăng Nghiêm và cũng tụng chú nữa.

Xin thú thực là giảng phần Ma Chướng trong Kinh Lăng Nghiêm cũng là bạo gan làm một cuộc hành trình đi vào vùng tâm thức rất vi tế, nên chỉ có thể gượng giảng thôi. Vì có nhiều trường hợp phải có pháp nhãn mới có thể hiểu rõ lời Phật dạy.

HỎI: Khi xưa Tô Đơn Hà là một vị thiền sư, vào một ngôi chùa trong mùa đông rét lạnh, có một vị trụ trì ra đón, ngài muốn dạy vị trụ trì về trí huệ Bát Nhã, nên đem tượng Phật ra chẻ để lấy củi sưởi, thì cái đó có rơi vào sự đại ngã mạn chăng?

ĐÁP: Thì tôi vẫn nói, cần phải xét cái tâm trong hành động lúc đó. Thường các hành giả tu thiền ngữ lục, y vào Bát Nhã nhiều quá, thấy cử chỉ của ngài Đơn Hà thì tán thán lắm; gặp ma giết ma, gặp Phật giết Phật, và nếu cái tâm đó của ngài là do Đại Từ, Đại Bi và Bát Nhã thì được. Nhưng nếu có chút móng tâm hữu ngã thì ngài bị đọa nặng, có thể rớt vào A tỳ địa ngục. Đời sau này chúng ta đọc những câu chuyện ấy, lại nữa,trong sách không giải thích rõ ràng, tâm thức chưa thuần thục nên nhiều người kinh nghi. Những giáo lý nhà thiền là thiên về Bát Nhã mà thiếu xót phần Đại Bi, mà đạo Phật là phải song chiếu, ôm trọn cả hai bên, thì mới gọi là hoàn mãn được. Nếu trong khi ngài chẻ tượng Phật mà ngài có tâm Đại Bi để độ cho vị sư trụ trì thì được, nhưng nếu trong tâm có khởi một chút móng niệm ngông nghênh nào về ngã thì sẽ tạo nghiệp nặng.

Phật Tử: Sự thật văn của nhà thiền rất hay, nên người đọc cảm thấy khí khái lên đầy…

ĐÁP: Văn nhà thiền đôi khi cũng rất mê hoặc lòng người. Vì thiền thiên về Bát Nhã, mọi sự đều không, nên sổ toẹt mọi thứ, không còn thấy cái gì là quan trọng nữa. Tôi gặp rất nhiều trường họp có những vị say mê đọc sách thiền, lúc nào nói chuyện cùng nói sặc mùi bát nhã, cho rằng mình sắp đắc đến nơi rồi, trong khi thực sự chưa hiểu rõ phiền não, kiết sử là gì, đọc sách đến ba năm mà không đoạn được chút lòng sân nào, ai chê mình là nổi giận ngay. Vì vậy, chúng ta nên cẩn thận, thiền nhà Phật chỉ hợp với người thượng căn may ra còn lĩnh hội được, mà thời này là thời mạt pháp, căn cơ chúng ta cạn mỏng, ta nên nghe lời Phật dạy, tụng kinh, niệm Phật xin vãng sanh là phương pháp chắc chắn hơn cả.

Người Tàu được du nhập giáo lý Phật Đà bên Ấn, đa số theo Đạo Phật nhưng họ vẫn có sự tự hào về văn hóa họ, nên họ thường thổi phồng thiền Đông Độ thật cao để giữ danh thế của họ, lại nói quá về tông phong phóng khoáng, nói quá về Bát Nhã mà quên mất phần Đại Bi, vì thế mà đi hại cho người đời sau không nhỏ. Nên những cuốn sách về thiền như “Vô Môn Quan” vân vân, thì khi nào đọc, chúng ta phải có nhiều tâm Đại Bi, và Phật Pháp đã vững, có chánh kiến đầy đủ thì không sao, còn nếu chỉ có một chút Bát Nhã suông, lại chưa hiểu rõ thế nào là “KHÔNG” và “NGOAN KHÔNG” thì những cuốn sách đó chỉ đưa ta vào con đường lầm lạc mà thôi. Thí dụ như một hành giả xuất gia, đọc nhiều những loại sách đó mà không có tâm từ bi thì sẽ đi đến chỗ phá giới, còn người tại gia mà bị ảnh hưởng nhiều thì đưa đến mức độ phóng túng, không còn tin ở cái gì nữa, bàn thờ Phật, Kinh Phật cùng dẹp bỏ, luôn luôn lúc nào cùng nói rằng “vạn pháp giai không”, chỉ cần “kiến tánh thành Phật”, và cũng không hiểu rõ “Tánh” là gì???… 

Đến đây là hết phần Ma Chướng về sắc, thọ, tưởng ấm. Hết cuốn một. Cuốn hai sẽ nói về Ma Chướng ở giai đoạn hành ấm và thức ấm.

Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.

Nam Mô Hộ Pháp chư tôn Bồ Tát
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

Hết cuốn I xin xem tiếp cuốn II là trọn bộ