HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch
Chương 4
DU NGOẠN
Đại hội viên mãn, tôi lên đảnh Đại Loa, lễ đèn Trí Huệ. Ngày mồng 10 tháng bảy, tôi lễ tạ Bồ-tát Văn Thù rồi xuồng núi. Từ đỉnh Hoa Nghiêm, tôi nhắm hướng Bắc thẳng tiến.
Đến phủ Bình Dương (Lâm Phần) lễ Nam Bắc Tiên động, ở thành phía Nam có miếu vua Nghiêu xây rất tráng lệ.
Đi về hướng Nam đến Bồ Châu lễ miếu Hán Thọ Đình Hầu (Quan Thánh Đế).
Qua sông Hoàng Hà, vượt Đồng Quan, tôi vào đất Thiểm Tây. Đến Hoa Âm lên núi Thái Hòa, lễ miếu Tây Nhạc Hoa Sơn, thấy các cảnh đẹp rất nhiều. Tôi đến núi Thủ Dương, dạo một vòng quanh đất Thiểm, thăm chùa Quan Âm phía Tây Nam Hương Sơn và viếng mộ Trang Vương.
Vào đất Cam Túc, qua Kinh Xuyên, Bình Lương… Đến núi Không Động thì gần hết năm, tôi trở về Hương Sơn ở qua năm.
QUANG TỰ 11 (1885) ẤT DẬU – 46 TUỔI
Mùa xuân này, tôi rời Hương Sơn đi về phía Tây đến ải Đại Khánh vào đất Thiểm, qua Diệu Châu, Tam Nguyên, đến Hàm Dương xem cây cam đường của Triệu Bá. Đến Trường An, ngắm kinh thành hùng vĩ, xem nhiều di tích xưa. Trong thành có chùa Đại Từ Ân và tháp Đại Nhạn, tháp cao bảy tầng, từ đời Đường và các đời sau đều có đề bia, phía trước là rừng bia có hơn 700 cái. Phía Đông thành là cầu Bá Kiều, trên cầu có đình Chiết Liễu.
Đến chùa Hoa Nghiêm lễ tháp Hòa thượng Đỗ Thuận và Quốc sư Thanh Lương.
Đến chùa Ngưu Đầu, chùa Hưng Quốc, lễ tháp sư Huyền Trang.
Qua núi Chung Nam, phía Đông Ngũ Đài, thăm núi Hương cổ, chùa Bảo Tạng, Bạch Thủy Lãng. Nơi đây có hai vị Thánh tăng ở ẩn. Tôi đến thăm hang Ngũ Tổ, Ngân Động Tử ở Ngũ Đài.
Đến phía Nam Ngũ Đài gặp các bậc Thượng nhân, chư vị cất am tranh nơi đây, mời tôi cùng ở. Pháp Nhẫn ở hang Lão Hổ, Dã Khai ở Long Thung, Pháp Tánh ở Động Tương Tử, tôi cùng với Giác Lãng, Thế An ở Đại Mao Bồng.
Mồng 1 tháng 3, buổi sớm, phía sau điện bỗng thấy tinh tú bay loạn xạ, sao chổi hiện rõ trên nền trời, giây lâu mới mất, chẳng rõ là điềm gì?
Năm ngoái chiến tranh Trung-Pháp bắt đầu, năm này ký Hòa ước cắt An Nam thuộc Pháp.
QUANG TỰ 12 BÍNH TUẤT (1886) 47 TUỔI
Năm này Anh giao thiệp với Miến Điện.
QUANG TỰ 13 ĐINH HỢl (1887) 48 TUỔI
Trong hơn hai năm qua tôi ở trong am tranh phía Nam Ngũ Đài, cùng chư Sư đồng tu trao đổi kiến giải rất hữu ích.
Tháng 2, tôi hạ sơn đến núi Thúy Vi, lễ chùa Hoằng Dũ, viếng núi Thanh Hoa, qua chùa Tịnh Nghiệp núi Hậu An, lễ tháp Tuyên Tổ, đến chùa Thảo Đường lễ đạo tràng của Pháp sư Cưu Ma La thập.
Đi thăm núi Thái Bạch cao tới 54.000m, đã tháng sáu rồi mà tuyết vẫn chưa tan, tôi đến thăm các chùa Nhị Bản, Đại Bản, lên đỉnh ngắm hồ Đại Long. Qua phủ Hàn Trung thăm Bái Tướng Đài của Hán Cao Tổ, viếng Bao Thành Miếu của Gia Cát Lượng, chiêm ngưỡng Ngọn đèn vạn niên của Trương Phi cùng các thắng cảnh nổi tiếng.
Đến phía Nam huyện Tân Đô, Quảng Hán, tôi ở lại chùa Bảo Quang đến hết năm.
Năm này vào đất Xuyên, đi lang thang một mình. Một bát, ba y ngao du sơn thủy, hoàn toàn không vướng bận, cảnh cũng giúp thanh tâm.
QUANG TỰ 14 MẬU TÝ (1888) 49 TUỔI
Tháng giêng, tôi đi từ chùa Bảo Quang vào Thành Đô, lễ viện Văn Thù chùa Chiêu Giác, viếng cung Thanh Dương chùa Thảo Đường, đi qua hai con sông ở Hoa Dương, rẽ về phía Nam đến huyện Mi Sơn, Hồng Nhã.
Đến núi Nga My, tôi lên Kim Đỉnh dâng hương. Ban đêm chiêm ngưỡng hào quang Phật, thấy chiếu sáng như có vạn ngọn đèn, giống hệt ngàn sao tụ hội. Các thắng cảnh nơi đây thật khó mà tả hết được.
Vào chùa Bảo Quang, tôi tham học vói Thượng nhân Ứng Chơn, ở lại mười hôm rồi đến chùa Vạn Niên, lễ Điện Tỳ Lô.
Tháng 5, tôi qua sông Lô, đến Nhã An, qua sông Đại Độ, phải vượt cầu Lô Định làm bằng dây cáp cao hơn 30 trượng. Ai qua sông này cũng hồi hộp sợ mất vía.
Tôi đi về hướng Tây, qua Để-tiển-lô, Lý Đường, Ba Đường, về hướng Bắc đến Sát-mộc-đa (tức Xương Đô), phía Tây đến Thạc Đốc, Lạp Lý… Vùng này đất rộng người thưa, gồm các sắc dân như: Hán, Tạng, Phồn, Mông, Di… Dao, Đồng… ngôn ngữ phức tạp khó nghe. Người nói được tiếng Hán rất ít. Ở Lý Đường có núi Thần-công-cát là Thánh địa của Lạt- ma giáo. Ở Ba Đường, có nhiều núi non cao hiểm trở. Sát-mộc-đa thì có nhiều sông ngòi. Các sắc dân này hầu hết theo Lạt-ma giáo.
Từ Lạp Lý tôi đi đến Giang Đạt vượt qua vùng này là đến lãnh thổ của Tây Tạng.
Vào đất Tạng, qua sông Điểu Tô, đến thủ đô Lạp Tát (Lhassa) của Tây Tạng – Trung tâm hành chính tôn giáo của toàn quốc.
Vùng Tây Bắc của núi Đạt-bô-lạp có cung điện Potala cao 30 tầng, sắc vàng lóa mắt, xây cất trang nghiêm, đây là nơi đức Phật sống Đạt-lai-lạt-ma cư ngụ và thuyết giảng. Có hai mươi ngàn Lạt-ma tu học ở đây. Vùng phụ cận có ba ngôi chùa lớn là Cát-nhĩ-đan, Biệt-bạn, sắc-lạp, mỗi chùa có hơn ngàn tăng chúng. Tôi không rành tiếng Tạng nên chỉ đến các chùa dâng hương và lễ Đức Phật sông mà thôi.
Rồi tôi đi về phía Tây, qua Công-cát, Giang-tư, đến Nhật-khách-tắc (Tashihunpo). Phía Tây vùng này có chùa Tashihunpo kiến trúc hoành tráng đẹp đẽ, rộng đến mấy dặm, là Trung Tâm Tôn Giáo Hành Chính thứ nhì của Tây Tạng do các vị Ban Thiền lãnh đạo, có khoảng bốn-năm ngàn vị Lạt-ma.
Từ đất Xuyên vào Tây Tạng, tôi đi hết một năm, mặt trời mọc thì đi, mặt trời lặn thì nghỉ, trèo đèo lội suối, nhiều ngày không gặp bóng người, ở đây chim thú nhìn đã khác Trung Nguyên, mà phong tục còn kỳ lạ hơn. Tăng chúng phần đông không giữ giới luật, pháp phục có hai màu, chia thành hai phái: Mũ Đỏ và Mũ Vàng. Mỗi phái đều có tự viện đồ đệ riêng. Nghĩ đến Hội chúng Kỳ Viên ngày xưa, tôi chỉ biết thở dài, rơi lệ. Cuối năm tôi trở về Lạp Tát.
QUANG TỰ 15 KỶ SỬU (1889) 50 TUỔI
Đầu xuân tôi đi về phương nam. Qua Lạp Tát – cửa khẩu quan trọng nhất giữa Tây Tạng và Ấn Độ – Tôi đến nước Bất Đan (Bhutan), vượt qua dãy núi đồi trùng điệp, chẳng biết tên gì, có thể là Thông Lãnh hay Tuyết Sơn .
Đến thành Dương Phủ, chiêm bái di tích Phật. Ghé hải cảng Mãnh-gia-lạp (Bangladesh), qua Tích Lan, chiêm bái các Thánh địa. Xong, tôi đi thuyền sang Miến Điện, lễ tháp Đại Kim. Đến Ma-la-miên Cát-tân-lợi, thấy nơi đây có một phiến đá to rất lạ, tương truyền là nơi Tôn giả Mục-liên ngồi thiền, người đến chiêm lễ rất đông.
Tháng 7 tôi bắt đầu về nước, từ Lạp Thú tới Hán Long Quan, Vân Nam, qua Lăng Ninh Long, Triệu Châu Ha Quan… đến Đại Lý, tôi viếng hồ Nhĩ Hải (hồ mang tên như vậy vì du khách đến tham quan sẽ được nghe tiếng sóng bạc vỗ trầm hùng, âm thanh vang xa đến mấy dặm, đây là một kỳ quan!)…
Tâm nguyện chính của tôi trên đường về là được viếng núi Kê Túc chiêm lễ Tôn giả Ca-diếp (đang nhập định chờ ngài Di Lặc hạ sinh). Vượt qua hồ Nhĩ Hải tôi đi về hướng đông bắc, qua Oạt Sắc, Bách Đát, Bình Sa, Sơn Giác, đi khỏi miếu Đại Vương An Na thì đến phường Nhất hội Linh Sơn, (tức Kê Túc Sơn Lộc). Giữa núi có khoảng đất bằng tên Minh Ca, tương truyền khi Tôn giả Ca-diêp vào núi, tám vị quốc vương đi theo tiễn Ngài đến đây rồi không chịu quay về, cùng ở lại tu hành, thành Thần hộ pháp nên mới có tên Miếu Đại Vương.
Ngài là bậc Kỳ nhân?
Tôi leo thẳng lên điện Ca-diếp, trong điện có thờ tượng Ngài. Nghe kể rằng khi Tôn giả A-nan đến đây lễ bái thì cửa đá tự mở, Ngài nhìn thấy khung cảnh bên trong rất trang nghiêm kỳ ảo và Tôn giả Ca-diếp đang ngồi nhập định. Cửa đá này có tên là Hoa Thủ, cao mười mấy trượng, rộng hơn mười trượng. Khi tôi đến chiêm ngưỡng thánh cảnh trên núi, thấy rõ ràng trên vách đá có in một lằn, vết tích nhìn giống như hai cửa thành khép lại. Hôm ấy, du khách đến tham quan nườm nượp, họ đi cùng các hướng dẫn viên. Lúc tôi đến thắp hương viếng lễ, bỗng nghe ba tiếng đại hồng chung ngân vang rõ to, dân bản xứ ở đây thảy đều hò reo, vui mừng lễ bái và phát biểu rằng: “Hễ có Thánh nhân đến thì Đại chung sẽ tự ngân rền như vậy, âm thanh của chuông, mõ chúng tôi đã được nghe vài lần, nhưng chưa bao giờ được nghe tiếng Đại hồng chung gióng lên như thế này, Ngài ắt là bậc Kỳ nhân?…
Tôi cảm ơn, không dám nhận. Hôm ấy là ngày 30 tháng 7 năm Kỷ Sửu (1889).
Tôi lên đỉnh Thiên Trụ, đây là chỗ cao nhất núi, từ chân núi lên đây ước chừng 30 dặm, có một Điện bằng đồng, một tòa Tháp Lăng Nghiêm, theo tài liệu thì toàn núi có 360 am, 72 chùa lớn., nhưng đến nay tất cả tính ra còn không đến mười chùa, Tăng chúng không khác gì người đời, sống theo kiểu cho con cháu kế thừa sản nghiệp. Và nếu không phải là con cháu của bản sơn thì đừng hòng được ở, họ tuyệt đối không cho khách Tăng trú ngụ qua đêm. Tôi nghĩ đến pháp hội hưng thịnh thời xưa rồi nhìn cảnh suy tàn hiện tại, chỉ biêt áo não xót xa. Rất muốn ra tay chỉnh đốn, nhưng chưa biết sẽ bắt đầu như thế nào.
Tôi xuống núi theo đường Lương Vương Sơn, đến huyện Vân Nam, qua núi Thủy Mục, Linh Thứu, Tử Khê, đến phủ Sở Hùng, ngoài Tây môn có chùa Cao Đảnh, tôi bèn ngụ lại đây.
Lúc tôi mới đến nơi thì không ai biết, chỉ nghe mùi hương lan tỏa thơm ngào ngạt khắp chùa, vị Tăng chấp sự vội bước ra vái chào, cung kính thưa:
– Thượng tọa đến lan tiên phả hương thơm ngát, thật quá đỗi lạ kỳ?… tôi từng nghe truyền thuyết kể rằng: “Núi này có loài lan tiên lạ lắm, chưa ai thấy qua hình dạng nó như thế nào, nhưng hễ có bậc Chân nhân cao hanh đến thì nó tỏa hương”… Hôm nay hương lan thơm ngào ngạt, xông khắp núi, chắc chắn là do đức của Ngài chiêu cảm nên!”
Họ tiếp đãi rất ân cần và nài nỉ mời tôi ở lại. Tôi nôn trở về đất Tương nên nhã nhặn từ chối, chỉ nghỉ lại một đêm rồi lên đường.
Tôi đi khắp nơi, từ phủ Côn Minh, Khúc Tịnh v.v… Đến Vũ Xương, Hồ Bắc, lễ Hòa thượng Chí Ma chùa Bảo Thông và học pháp Sám Đại Bi.
Đến Cửu Giang tôi vào Lô Sơn lễ Hòa thượng Chí Thiện ở chùa Hải Hội, tham gia Hội niệm Phật.
Qua An Huy dạo chơi nơi Hoàng Sơn, đi viếng núi Cửu Hoa, lễ tháp Bồ-tát Địa Tạng Vương, thăm cung Bách Tuế, lễ Hòa thượng Bảo Ngộ (Ngài là bậc giới hạnh tinh nghiêm, định lực bậc nhất).
Rồi tôi qua sông, đến núi Bảo Hoa, lễ Hòa thượng Thánh Tính, ở đây cho đến hết năm.
Trong khoảng hai năm này, tôi đi nghìn dặm, trừ lúc qua biển phải dùng thuyền, còn lại toàn là lội bộ. Tôi trèo đèo lội suối, xông pha sương tuyết gió mưa, vượt qua sỏi cát núi ghềnh… ngắm quang cảnh thời tiết đổi thay mà trăng tâm hằng sáng. Thể lực ngày một cường tráng, cất bước nhẹ nhàng chẳng thấy mệt.
QUANG TỰ 16 CANH DẦN (1890) 51 TUỔI
Tôi đến Nghi Hưng lễ Hòa thượng Nhân Trí chùa Hiển Thân, ở đây qua mùa hạ. Xong, đến Cú Dung lễ Hòa thượng Pháp Nhẫn, phụ Ngài tu bổ chùa Xích Sơn, ngụ lại hết mùa đông.
QUANG TỰ 17 TÂN MÃO (1891) 52 TUỔI
Tôi đến Kim Lăng kết bạn với Hòa thượng Tùng Nghiêm giúp Ngài tu bổ chùa Tịnh Thành và đàm đạo với cư sĩ Dương Nhân Sơn về Nhân Minh Luận, Bát Nhã Đăng Luận, ở chùa Tịnh Thành hết mùa đông.
QUANG TỰ 18 NHÂM THÌN (1892) 53 TUỔI
Tôi hẹn với sư Phổ Chiếu, Nguyệt Hà, Ấn Liên, cùng lên núi Cửu Hoa, sửa lai các am tranh nơi núi Thúy Phong và trụ ở đây tu.
Sư Phổ Chiếu giảng kinh Hoa Nghiêm, xiển dương tông Ngũ Giáo Nghi của ngài Hiền Thủ vốn đã bị mai một từ lâu. Các nơi nghe giảng tìm đến tham dự rất đông khiến giáo lý của ngài Hiền Thủ từ đây được phục hưng ở vùng Giang Hạ này.
QUANG TỰ 19 (1893) QUÍ TỴ 54 TUỔI
Tôi nghiên cứu kinh giáo tại núi Thúy Phong, mùa hè năm nay Pháp sư Đế Nhàn đến nhập hạ ở đây. Mãn hạ tôi đến Kim Sơn ở hết mùa đông.
QUANG TỰ 20 GIÁP NGỌ (1894) 55 TUỔI
Năm này chiến tranh Trung-Nhật phát khởi.
QUANG TỰ 21 ẤT MÙI (1895) 56 TUỔI
Trụ trì chùa Cao Mân ở Dương Châu là Nguyệt Lãng đến Cửu Hoa báo tin: Năm nay ở Cao Mân có thí chủ họ Châu thiết lập pháp sự, đã mở được bốn thất rồi, hiện muốn tổ chức cho đủ 12 thất. Lão pháp nhân Xích Sơn đã trở về chùa. Mọi người đều được mời về núi. Gần đến hạn kỳ, ai cũng bảo tôi xuống núi trước.
Tôi đến bến đò Đại Thông, đi men theo bờ sông, gặp lúc con nước dâng to, lái đò đòi tới sáu đồng mà túi tôi chẳng có được một đồng nên anh ta bỏ đi thẳng.
Ôi trời ơi! Sư Đức Thanh đây mà!
Tôi đành đi dọc theo bờ sông, đang bước thì trợt chân ngã xuống sông, chìm nổi suốt một ngày đêm, trôi đến bến Thải Thạch thì được các ngũ phủ vớt lên và báo cho Tăng chúng chùa Bảo Tích đến nhận. Các thầy đến nhìn, kinh hoảng kêu lên: “Ôi trời ơi! Sư Đức Thanh đây mà!” Họ vội vã khiêng tôi về cứu tỉnh. Hôm ấy là 28 tháng 6. Lúc này thân thể tôi thất khiếu đều ra máu. Nhưng chỉ tịnh dưỡng được vài ngày (vì phải đi Cao Mân).
Đến Cao Mân, thầy Tri sự thấy dung nhan tôi thảm hại, ngạc nhiên hỏi:
-“Có bệnh gì chăng?
– Tôi đáp:
– “Dạ không”.
Rồi lên yết kiến Hòa thượng Nguyệt Lãng. Thăm hỏi việc chùa xong, tôi được bầu làm chức sự. Tôi từ chối, chẳng kể chuyện mình bị té sông, chỉ xin được vào Thiền đường dự khóa đả thất tu tập.
Gia phong Cao Mân nghiêm lắm, được mời làm chức sự mà không tuân thì bị kết tội khinh mạn đại chúng, phải chịu đánh phạt. Tôi lẳng lặng nhận đòn, không phân trần gì, nhưng bệnh tôi trở nặng, thất khiếu máu chảy không ngừng, chỉ nằm chờ chết.
Tôi ở Thiền Đường, ngày đêm tinh cần thanh tâm, nhất niệm, chẳng cần biết đến thân xác ra sao. Hơn hai mươi ngày thì các bệnh tự khỏi. Bấy giờ sư Trụ trì Đức Ngạn ở bển Thải Thạch đến, mang theo y phục, vật thực đến cúng dường… nhìn thấy tôi mặt mày sáng rỡ, ông vui mừng hỏi thăm, an ủi… và thuật lại việc tôi bị té sông cho mọi người nghe, ai nấy đều cảm phục, không còn bắt tôi làm chức sự nữa.