NGUỒN THIỀN NHƯ HUYỄN
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
CHƯƠNG 2
THIỀN LÀ GÌ? CHIẾU SOI VÀ HỒI QUANG TỰ CHIỂU SOI. ĐỊNH VÀ HUỆ – CHỈ VÀ QUÁN – PHI TRẠCH DIỆT VÔ VI VÀ TRẠCH DIỆT VÔ VI
Muốn hiểu rõ con đường Thiền quán, thiết tưởng cần biết và thâm tín Lý Duy tâm sở hiện, biết rõ rằng mọi thứ tâm sở cũng như mọi cảnh giới đều chỉ là Tự-tâm biến hiện, chỉ là Thức biến, và cả pháp giới này cũng chỉ là một trường mênh mang mịt mùng của Thức biến.
Nhưng Thức là gì?… Thức tức là QUANG MINH, là những luồng quang minh được luôn luôn không ngừng nghỉ phát ra từ những trung tâm (foyer) khởi vọng tức là những tâm thức đầy nghiệp-lực vọng tưởng cùng vọng tình của các chúng sanh, cũng như từ vi-trần-số những trung tâm khởi Diệu dụng tức là những tâm thức vô nhiễm của Chư Phật và Đại Bồ Tát.Và từ thời vô thủy, những luồng quang minh ấy đã dệt nên vô lượng vô vàn những màng lưới thiên la võng quang minh, và những màng lưới ấy, tùy theo nghiệp lực chiêu cảm cũng như tùy theo sự gia trì của thần lực cùng nguyện lực, đã làm ẢNH HIỆN nên một hình ảnh pháp giới trước mắt mỗi chúng sanh… Bởi thế, nên các kinh Đại thừa thường luôn nhắc tới quang minh. Và ngay đến những bậc Tổ thiền Đốn ngộ, như ngài Huệ Năng hoặc Lâm Tế Nghĩa Huyền, vốn là những vị triệt để muốn lìa tướng để đi thẳng vào Tánh, cũng đôi khi phải nhắc đến quang minh. Vì ngài Huệ Năng từng nói: “…., cái tâm thức ĐI VÀO CẢNH VÔ TẬN QUANG MINH mà chứng cõi tự-giác, xa lìa mọi hư vọng giác tưởng, tồn cái tâm tự ngộ QUANG MINH THÔNG TRIỆT…” (Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch Thích Minh Trực, trang 49). Còn như ngài Lâm Tế, thì trong một bài thuyết pháp, từng nhắc đến: “người đùa với QUANG ẢNH”, cùng “6 luồng thần quang ra vào không ngớt nơi mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý…”
Xem thế thì đủ hiểu rằng pháp giới này được dệt nên bằng quang minh của tâm niệm từ thời vô thủy. Nên kinh nói: Pháp giới được treo trên đầu một sợi lông, trên đầu một tâm niệm. Những sự vật bên ngoài hay thân căn của chúng sanh thì được dệt nên bởi những quang minh THÔ KỆCH, ít tự-tại-lực biến hiện của những vọng tưởng Kiên cố nói theo danh từ của kinh Lăng Nghiêm, và những quang minh ấy thuộc về Tướng phần của Thức sở năng biến. Còn tâm thức chúng sanh thì được dệt nên bởi những quang minh VI TẾ, nhiều tự tại lực biến hiện của những vọng tưởng hoặc hư-minh, hoặc dung-thông, hay u-ẩn, hay hư-vô vị-tế, và thuộc về Kiến phần của Thức sở năng biến.
Và hai thành phần ấy, Kiến phần và Tướng phần, hay tâm thức cùng sự vật cảnh giới, vì chúng vốn dĩ đều là quang minh. Thức biến cả, nên chúng bắt buộc phải CHIẾU SOI lẫn nhau, chiếu soi hoài hoài không ngừng nghỉ, và không thể không chiếu soi được…Có điều là tâm thức vốn khinh thanh vi tế, tinh minh sáng láng hon, nên chiếu soi mạnh mễ và rõ rệt. Còn sự vật cảnh giới, vì trọng trược thô kệch, ít sáng láng hơn, nên chiếu soi cùng phản ảnh ở một mức độ mờ tối.
Cho nên nghiệp dĩ của chúng sanh và sự vật là chiếu soi. Vì đều là thức biến, đều là GIÁC TÁNH, và đã là giác tánh, thì dĩ nhiên phải chiếu soi…Do đó, các vật nhu con sông, trái núi, tảng đá, chiếc lá cây, một hạt bụi hay một hành tinh, cũng đều có lối chiếu soi của chúng, cũng đều trùng -trùng phản chiếu pháp giới tuơng tự nhu những tấm gương lồi lõm mờ tối, như kinh Hoa Nghiêm đã dạy. Có điều là lối chiếu soi hay phản chiếu của chúng, chúng ta thường không lưu tâm tới nên không hay biết mà thôi… có thể nói rằng lối chiếu soi ấy thường là đơn sơ, mờ đục, gần như hôn- trầm vô-ký, vì chỉ là chiếu soi phản chiếu, mà chưa có tác động TRẦM TƯ. Vì thứ thức giác thô sơ của chúng mới chỉ thăng hoa tới mức đó mà thôi.
Nhưng bước tới một loài chúng sanh hữu tình như loài người, thì thức giác đã nẩy nở và thăng hoa khá cao độ. Và dĩ nhiên là tâm thức phải chiếu soi cao hơn, rộng hơn, và nhất là SÂU HƠN. Tâm thức con người vốn là cái Hư-minh le lói mà Diệu tâm đã phổ vào tấm thân tứ đại thô kệch, nên tương tự như ngọn đèn luôn luôn chiếu soi không ngừng nghỉ. Ngay cả đến trong giấc ngủ hoặc lúc bất tỉnh nhân sự, sáu thức trước có thể bặt đi không hiện hành, song những nơi đáy tầng tâm thức vẫn liên miên lưu chuyển để le lói chiếu soi….Và suy động bởi sức Hành của nghiệp -lực từ vô thủy, tâm thức luôn luôn đắm nhiễm với sự vật, muốn thức giác sự vật, muốn suy nghĩ để biết các sự vật theo bề mặt, và đôi khi lại muốn suy tu cùng TRẦM Tư để thẩm thấu và NHẬP vào chiều SÂU của sự vật hay pháp giới.
Một con người chúng ta, sanh ra ở kiếp này, trên trái đất Nam thiện bộ châu này, mang cái thân căn này, và đứng đối diện với một ảnh tượng quốc độ y-báo tức pháp giới này. Tất cả những thứ đó đều chẳng phải là ngẫu nhiên, mà đều là do sự kết-tụ hiện tướng của mọi luồng tâm niệm của nghiệp lực QUÁ KHỨ. Những hiện tướng ấy chi phối bao trùm lên chúng ta, đôi khi nhẹ nhàng nhưng nhiều lúc rất nặng nề…Đe đối phó với cái biển mênh mang của quá khứ ấy, chúng ta chỉ có một thoáng HIỆN TẠI hết sức hư ảo phù du. Đó là một tâm niệm hiện tại của mỗi sát-na, vừa vụt lên biến mất ngay. Nhưng tuy hư ảo phù du, tâm niệm hiện tại ấy lại có thể có một khả năng thần-lực kỳ diệu lạ lùng, vì nó có thể hàm chứa thần lực của Diệu tâm. Tâm niệm ấy chính là điểm GIAO THOA giữa quá-khứ và vị lai, và nếu ta biết giữ nó luôn luôn ĐÚNG LẶNG VÀ SÁNG NGỜI, thì cả quá khứ mênh mang cùng cái vị-lai mịt mùng cũng đều tiêu dùng không còn vết tích. Và ta sẽ bước vào một chân trời tâm thức đầy an-lạc và tự tại lực….Còn như nếu chúng ta không biết dùng cái tâm niệm ấy để chiếu soi, để CHUYỀN, thì cái biển nghiệp-lực quá-khứ ngày một sâu dầy thêm, và vị-lai cũng chỉ có thể là tiếp tục chìm nổi trôi-lăn lưu chuyển…
Vậy thì con người phải khéo dùng cái tâm-niệm ấy ra sao, phải chiếu soi cách nào, khiến tâm-niệm có thể ĐỨNG LẶNG và SÁNG NGỜI ?! ?
Giữ tâm thức ĐỨNG LẶNG và SÁNG NGỜI, để có thể chiếu soi, XUYÊN qua những hình tướng bề ngoài của sự vật, THẨM THẤU VÀO CHIỀU SÂU VÀ THỂ NHẬP THẬT TƯỚNG (tức Bản-thể) của sự vật hay của pháp giới, đó có thể gọi là mục tiêu của việc hạ thủ công phu trong Thiền quán…Và đó cũng có thể tạm gọi là một định nghĩa của Thiền.
Thiền xuất xứ từ chữ Dhyana của tiếng Phạn, và từ ngữ Trung Hoa thường dịch là Tĩnh Lự. Tĩnh Lự nghĩa là: Suy tư (hay trầm tư, hay quán chiếu) trong Tĩnh Lặng, hoặc: vẫn Suy tư mà vẫn Tĩnh Lặng.
Cái khó và tuyệt diệu là ở chỗ đó: vẫn Suy tư quán chiếu mà vẫn Tĩnh lặng, tức là không khởi một mảy mún vọng tưởng cũng như không nhiễm vọng tình… Tĩnh lặng cũng tức là ĐÚNG LẶNG, và Suy tư quán chiếu cũng tức là chiếu soi SANG NGỜI. Cũng tức là vừa TỊCH vừa CHIẾU. Cũng tức là vừa ĐỊNH vừa HUỆ. Cũng tức là vừa CHỈ vừa QUÁN…Cũng tức là, tới một mức độ công phu nào đó, thì tâm thức hành giả chuyển thành cái KIẾN ĐẠI TỊNH DIỆU của Thức sơ năng biến, nó thưởng đứng lặng không lăng xăng dao động, lại thường chiếu soi sáng ngời khắp mười phương….Đứng lặng không có nghĩa là đúng ỳ ra đó,
mà là chuyển động vi tế và cực kỳ thần tốc, nên có vẻ như đứng lặng. Vì chuyển động thần tốc và không dứt nổi, nên phát sáng….Cho nên, tâm thức càng tĩnh lặng lại càng sáng ngời, và càng sáng ngời lại càng tĩnh lặng.
Cho nên, Thiền tức là tuyệt kỹ vận hành tâm thức để làm phát hiện hai trạng thái Biệt cảnh Tâm sở tức là Định và Huệ, và hai trạng thái này là hai lề lối bổ xung để chiếu soi.
Từ ngữ Tây Phương thường hay dịch chữ Thiền là Meditation. Chữ này không được đúng nghĩa mấy vì meditation, theo nghĩa Tây phương, thường là nằm trong vòng vọng-thức của phân-biệt-trí. Trong khi mục tiêu của Thiền là nhằm phá vỡ cái màn thiên-la-võng vọng thức của phân-biệt-tri (tức thức thứ 6), phá vỡ luôn cái lăng kính kiên cố chấp Ngã của Mạt na thức, để LỌT được vào Vô-phân biệt-trí của Tàng thức sơ năng biến, trở thành cái Kiến đại tịnh diệu đứng lặng và sáng ngời, để thẩm thấu chiều sâu và chứng nhập bản thể của sự vật, tức là Nhập một với sự vật,…. rồi lần lần gột luôn cả những móng niệm biến-dịch vi-tế cuối cùng để chứng nhập Diệu tâm tức Thật tướng của pháp giới.
Cũng cần nói ngay rằng: từ ngữ Định của Trung Hoa có những nghĩa trùng nhau, vì Định có nhiều mức độ nông sâu, nên dễ lẫn lộn… Tỷ dụ như khi hành giả quán vật ngoại sắc hoặc một điểm nội-sắc như chót mũi hay hơi thở, và nếu tâm thức hành giả bước vào trạng thái tập trung, không có tạp niệm khác xen vào, thì trạng thái tập trung đó cũng được gọi là Định… Nhưng đó chỉ là thứ Định thấp kém nông cạn, vì còn có chủ thể và khách-thể, và từ ngữ Phạn gọi là Dharana, tức là concentration… cần ghi rằng: khi tâm thức tập trung vào một vật gì, nó luôn luôn làm phát xuất những luồng sóng ba động quang minh, lần lần xoáy-tròn chôn ốc, mỗi lúc mỗi ôm sát lấy vật đó. Vì trong chữ Dharana, có chữ Arani nghĩa là xoáy tròn (tourbillon).
Tiến xa hơn nữa, tâm thức hành giả không những tập trung, mà còn mở rộng cùng thẩm thấu chiều sâu để mong NHẬP MỘT với đối tượng quán chiếu, xóa bỏ mọi ranh giới giữa chủ-thể và khách-thể… Tác động thẩm thấu ấy được gọi là Tĩnh lự, hay Trầm tư, hay Dhyana.
Tới khi tác động thẩm thấu đạt tới mức độ Nhập Một, thì từ ngữ Phạn gọi trạng thái nhập một ấy là Samadhi, trong khi từ ngữ Trung Hoa vẫn gọi là Định.. Thứ định này dĩ nhiên là cao và SÂU hơn thứ Định nói trên… Nhưng nếu trong cơn định này, tâm thức hành giả vẫn còn gợn niệm chấp trước, chấp rằng cơn định là có, rồi có xuất có nhập, và đối tượng quán chiếu là có..v.v… thì vẫn còn là một cơn định có trụ, chưa phải là vô trụ.
Cần ghi rằng: từ ngữ Samadhi bao gồm cả định lẫn Tam muội. Nhưng định thường là thuộc về giai đoạn Không quán, còn Tam muội thuộc về giai đoạn Giả quán nhu ở chương sau đây sẽ trình bày rõ… Và tới khi hành giả bước tới Trung đạo song chiếu thuần thục rồi, tức là tới chỗ tột-bờ-mé, thì định với Tam muội lại trở thành một. Tỷ dụ như Đại Định Thủ Lăng Nghiêm có thể gọi là Thủ Lăng Nghiêm tam muội…
Vậy Thiền là tuyệt kỹ nhằm phát hiện hai tâm-sở là Định và Huệ đến chỗ đồng đều, hoặc thực hiện Chỉ và Quán đến chỗ đồng đều, và song chiếu. Khi đạt tới chỗ đồng đều và THÂM SÂU, hoặc song chiếu thâm sâu, thì công phu Thiên quán có thể bay bổng tuyệt vời… Nếu Định quá nhiều và Huệ quá ít, thì tâm thức dễ rơi vào Sa-định hoặc hôn trầm. Trái lại, nếu Huệ quá nhiều và Định quá ít thì lại dễ rơi vào vọng-tưởng tán loạn. Nên cần khéo dụng tâm ở chỗ đó… Nên ngài Huyền Giác từng nói ‘‘KHÉO KHÉO LÚC DỤNG TÂM, KHÉO KHÉO KHÔNG TÂM DỤNG… ”.
Định và Huệ vốn là hai tâm-sở, tức là hai lề lối sinh hoạt hoặc hai nhịp-điệu rung chuyển, của tâm thức, đều cùng từ một tâm thức ấy mà phát hiện, nên dĩ nhiên không thể lìa nhau được. Lìa nhau không được mà hiệp với nhau cũng không xong… Sở dĩ nói Định và Huệ là tùy theo mức độ thiên trọng nơi tâm thức của hành giả mà thôi. Hai thứ đó như hai mặt đồng tiền, không thể tách rời được, và luôn luôn bồi dưỡng lẫn nhau. Cũng tương tự như Trí huệ Đại Bát Nhã và tâm Đại Bi luôn nương vào nhau và bồi dưỡng lẫn nhau.
Về điểm Định-Huệ này, Thiền sư Thiên Cơ có viết:
“Hạ thủ công phu tu Thiền, thiết yếu là ở Định Huệ. Cần biết, Định với Huệ như đồng một vật bên trong và bên ngoài, là hai mà không phải hai, chia rời không được. Khi định sanh thì hôn trầm cũng theo đó mà sanh, nếu hôn-trầm sanh thì định mất… Khi huệ sanh thì tán loạn cũng theo đó mà sanh, nếu tán-loạn sanh thì huệ mất…Ta có diệu pháp điều trị, cần phải ĐỊNH LÓNG SÁNG thì định với huệ mới thành công… Hai cái này lìa nhau không được, hiệp một cũng không được, phải lẫn nhau dung hợp mới là diệu pháp. Khéo biết pháp này thì thành đạo không khó… “. (Trích tập Thiền Đốn ngộ, bản dịch Thanh từ, trang 149).
Về phía các kinh sách, thì các nhà Thiền Đốn ngộ thường hay nói đến Định-Huệ. Ngài Thiên Thai Trí-Khải thường nói Chỉ-Quán, nhưng cũng nói Định- Huệ. Cỏn các kinh như Lăng Nghiêm, Viên Giác thì nói gần như đồng đều, cả Định-huệ lẫn Chỉ-quán…
Tuy nhiên, danh từ Định-Huệ là để chỉ cho trạng thái tâm thức nhiều hơn. Còn Chỉ-Quán là chỉ cho phương thức tu tập.
DIỄN TRÌNH BIỆN CHỨNG CỦA TÂM THỨC TRÊN CON ĐƯỜNG THIỀN QUÁN: XA MA THA, TAM MA BÁT ĐỀ VA TAM MA ĐỀ:
Diễn trình biện chứng này thường gồm ba giai đoạn, nên nhà Phật thường hay nhắc tới ba a-tăng-kỳ kiếp. Thời gian vốn là một vọng tưởng khởi lên từ những biệt-nghiệp cộng nghiệp của 1 chúng sanh hay của một loài chúng sanh, nên kiếp-số hay sát-na có thể kéo dài hay thu ngắn cũng là tùy thuộc nhịp điệu tâm thức của chúng sanh ấy… Neu hành giả tu tập tinh tấn và đúng mức theo Chân-pháp, thì a-tăng-kỳ kiếp có thể thu lại khá ngắn ngủi. Còn như nếu hành giả tu hành lắt lay, trồi lên trụt xuống, chìm chìm nổi nổi, thì cũng phải kéo dài tới ba a-tăng-kỳ kiếp mới có thể đặt chân lên bờ giải thoát được.
Ba giai đoạn là:
– Hành trình đi từ GIẢ VÀO KHÔNG, hoặc là đi từ CÓ VÀO KHÔNG. Giai đoạn này, kinh Lăng Nghiêm mệnh danh là từ XA MA THA, để nhằm đi vào nơi Tĩnh lặng của Không hải, tức là một thứ KHÔNG tam muội mới chớm… Không hải tức là biển thức sơ năng biến của Thức thứ tám, và vì những quang minh của nó rất là hư-vô vi tế nên gọi là Không hải. cần nhớ rằng từ thứ Không tam muội mới chớm ấy cho đến trạng thái tâm thức TỘT KHÔNG của bậc Diệu giác, còn rất nhiều mức độ nông sâu.
Trong giai đoạn này, sự tu tập của hành giả thiên trọng về CHỈ nhiều hơn là về QUÁN, về sự tạo dựng ĐỊNH lực nhiều hơn là sức HUỆ quán chiếu… Cuộc hành trình này cũng nhằm tiêu trừ hết mọi Kiến hoặc cùng Tư hoặc trong tâm thức hành giả, để đạt tới CÀN HUỆ, tức là thứ huệ khô sáng láng nhưng chưa thấm, hoặc ít thấm nước Đại Bi.
Tất cả những pháp môn Thiền quán của các bậc Nhị thừa, dù là quán Bất tịnh, quán Từ bi, quán Giới phân biệt, quán nhân duyên, quán Tứ-đế, quán sổ tức (Sổ, Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh)… hoặc là quán Tứ niệm xứ chăng nữa… cũng đều nằm trong giai đoạn tiến trình tự GIẢ VÀO KHÔNG này.
Về phía các Bồ Tát, thì sự tu tập của các bậc Tam Hiền tức Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi hướng, cũng thường nằm ở giai đoạn tiến trình này… Tuy nhiên, các bậc này đã phát tâm Bồ Đề rộng lớn từ lâu đã lập Đại Bi nguyện dũng mãnh từ nhiều kiếp, vì Thập Trụ là còn dừng ở Lý, nhưng Thập Hạnh đã đi vào Sự, cỏn Thập Hồi hướng là nhằm tiến tới Sự-Lý vô ngại cùng Tự-Tha vô ngại. Cho nên, trong tiến trình vào Không này, tâm thức của các bậc đó đã pha trộn nhiều dụng công dùng trí-huệ để quán GIẢ rồi… Nhưng mặc dầu như vậy, sức Huệ quán chiếu vẫn chưa cân bằng với sức Định và lộ trình tiến tu vẫn thiên trọng về Không và vẫn nhằm đạt tới niềm tĩnh lặng của Không hải.
Cũng cần ghi ngay rằng: Kết quả hay quả vị mà hành giả thành tựu đuợc, thường không phải là do pháp môn tu tập, mà tùy thuộc nhiều hơn ở căn cơ cùng lối quán chiếu của hành giả.
Tỷ dụ như tu pháp môn sổ tức. Nếu 1 hành giả mang nặng căn cơ Nhị thừa, không hiểu và không chịu tin những chân-lý lớn lao về Đại bi hay Duy tâm sở hiện, rồi mang cái nhãn-quan Nhị thừa để tu tập sổ tức, tức là chỉ biết quán chiếu theo Trí-huệ Bát Nhã về Ngã- không thôi mà chưa biết huân tập Đại Bi, thì kết quả nhiều lắm cũng chỉ đạt được những cơn định trong Cửu thứ đệ định hoặc làm tiêu mòn một số phiền não thô mà thôi… Nhưng nếu 1 hành giả khác, biết huân tập thêm lòng Đại Bi và biết quán chiếu theo những đạo-lý lớn của pháp giới, thì tuy cũng tu sổ tức hành giả này lại có thể đạt tới những tam muội kỳ đặc hơn hoặc làm tiêu dung những kiến chấp vi tế hơn tức là những trần-sa- hoặc.
– Hành trình từ KHÔNG VÀO GIẢ, hoặc từ KHÔNG TRỞ RA GIẢ.
Giai đoạn này, kinh Lăng Nghiêm và Viên Giác mệnh danh là TAM MA BÁT ĐỂ (Samapatti), dùng sức quán chiếu của những quang minh tâm thức, chiếu soi các sự vật, nhằm thẩm thấu và thể nhập tất cả cảnh giới tức là pháp giới.
Giai đoạn này thiên trọng về QUÁN nhiều hơn, tăng cường sức HUỆ quán chiếu, vì ĐỊNH lực đã tạm đầy đủ rồi.
Giai đoạn này nhằm tiêu trừ những trần-sa-hoặc trong tâm thức hành giả…
Khi Không quán tạm thành tựu rồi, hành giả (có thể là một bậc A na hàm hay A La Hán, hoặc một Bồ Tát ở Thập Hồi hướng) bước vào nơi Không hải, nhìn rõ thấy cái biển quang minh trùng-trùng của Thức sơ năng biến nơi Tàng thức. Thấy sinh mạng của mình dung thông dính mắc chằng chịt với sinh mạng các chúng sanh, dính mắc dung thông với khắp pháp giới. Thấy tất cả những bóng tối tăm (tức sắc tướng thô kệch) đều biến đi đâu mất hết, thấy pháp giới chan hòa quang minh, chỉ là 1 biển pha lê trong vắt. Thấy những phiền não (thô) hết sạch. Thấy mình lâng lâng, chẳng bận chút bụi trần, vô cùng an lạc tự tại.
Lúc đó hành giả có thể bỏ thời gian chừng 5 năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa… để làm kiên cố và thuần thục cái KHÔNG tam muội ấy.
Nhưng tuyệt đối không nên dừng chân ở giai đoạn ấy. Vì Không tam muội đó mới chỉ là một thứ Định hữu-biên, chưa phải là Chánh-định hay Đại định, và con đường Phật đạo hay chứng nhập Diệu-tâm (tức Tột không-Diệu hữu) còn dài xa. Lúc đó là đứng ở trên một ngọn núi khá cao rồi, thân đã ở trong hư-không nhưng chân còn dính ở mỏm núi. Nên mọi sự móng- niệm sai lệch với Chánh pháp đều rất nguy hại cho sự tiến tu của giới-thân huệ mạng… Lúc đó, an lạc thì có an lạc, tự-tại thì có tự-tại, nhưng chưa phải là Chân-lạc cũng chưa phải là Đại-tự-tại lục. Vì chưa khởi được nhiều diệu dụng.
Nếu móng niệm ưa thích niềm an lạc đó, hoặc lầm nghĩ cho rằng mình đã chứng đắc và tới bến nguyên sơ thì mắc phải bệnh Triền-không, rớt vào Định-tính Nhị thừa, rồi dừng chân ở đó, không muốn hồi tâm vào Đại thừa để tiến tu… Hoặc móng niệm kiến-chấp sâu nặng hơn nữa, nghĩ rằng cái Thần-ngã của mình nó thật là tối linh, và những quang minh của nó đã tạo dựng nên vũ trụ này, thì liền lạc vào tà kiến ngoại đạo, và thứ tà-kiến ấy thì thật là khó thức tỉnh. Trừ phi do túc duyên cũ, được gặp một vị Phật hay Đại Bồ Tát điểm hóa khiến cho thức tỉnh.
Vậy thì một khi Không quán đã khá kiên cố và thuần thục rồi, tuyệt đối cần phải dũng mãnh HÙNG KHỞI ĐẠI BI TÂM, hoặc luôn NHỚ LẠI VÀ TĂNG CƯỜNG những ĐẠI BI NGUYỆN từ nhiều kiếp. Để từ nơi Không hải ấy, đi TRỞ RA GIẢ, đi sâu vào GIẢ QUÁN.
Một vị hành giả, từ trước tu theo Nhị thừa, thì lúc đó cần hiểu về Diệu tâm và dũng mãnh hưng khởi Đại bi tâm.
Còn một vị, tu theo con đường Bồ tát đạo từ lâu, từng phát những Đại bi nguyện từ nhiều kiếp, thì cần nhớ những bi-nguyện ấy, tăng cường thêm bằng Tứ- gia-hạnh, để bước vào Kiến-đạo, tức là vào Thập Địa.
Nên giai đoạn tiến trình Không vào GIẢ này, thường bao gồm những bậc Nhị thừa đã biết phát đại tâm đi vào Bồ tát đạo, cùng những bậc Bồ tát từ đệ- nhất địa (tức Hoan hỷ địa) đến đệ-thất địa (tức Viễn hành địa).
Đã phát tâm Đại Bi, thì phải ‘‘‘‘thõng tay vào chợ” đi vào bụi hồng nhân thế, vào các cảnh giới, trải tâm mình trên các cơ-duyên, nhẫn chịu mọi hoàn cảnh, rồi với lòng không-mong-cầu, dùng Phương-tiện-huệ làm mọi thi-vi tạo tác để Độ SANH cho khế hợp với đạo lý cùng căn co chúng sanh.
Ở những thứ bậc đó, thì kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập địa, dạy rằng: các vị Bồ tát mới nhập Địa thì Định lực (sức Chỉ) chưa bằng các vị A La Hán, nhưng nguyện lực từ nhiều kiếp lại sâu sa hơn nhiều, và quán lực cũng mạnh hơn. Và khi bước tới đệ lục địa, thì định lực ngang bằng vị A La Hán, nhưng nguyện lực thì vượt xa và quán lực cũng vậy, do tâm Đại Bi hằng khởi từ nhiều kiếp.
Ở những thứ bậc đó, các vị Bồ Tát (vì các A La Hán hồi-tâm Đại thừa cũng đã thành Bồ Tát rồi) có thể: Hoặc dùng nhục-thân đi vào cảnh giới để độ sanh. Hoặc từ nơi Không-hải của Tàng thức, nhập tam-muội- Nhạo-ý-sanh-thân, tác ý khởi diệu-dụng, hóa hiện một số hóa thân để đi vào các đạo độ sanh. Theo kinh Hoa Nghiêm, một vị Bồ Tát sơ-địa đã có thể hóa hiện 100 hóa thân đi vào 100 cõi, trong khi một vị A La Hán Càn-huệ không hóa hiện nổi hóa thân mặc dầu định lực nhiều hơn. Xem thế thì đủ hiểu tâm Đại Bi cùng quán lực quan trọng là nhuờng nào… Còn những vị Bồ Tát từ nhỊ-địa trở lên có thể hóa hiện nhiều hóa-thân hơn.
Những hóa thân này là những sắc-tướng tạo dựng nên do sức quán và sức định, nên gọi là Định- quả-sắc. Trong khi các cảnh giới cùng chúng sanh lại là những sắc tướng được tạo dựng nên bởi những luồng quang minh của nghiệp-lực từ vô thủy, nên gọi là Nghiệp-quả-sắc hay Biến-kế-sở-chấp-sac.. Tuy nhiên, Định-quả-sắc cùng Nghiệp-quả-sắc tuy chẳng phải là một, nhưng cũng chẳng phải khác vì đều do Tự-tâm huyễn hiện. Nên hai bên vẫn có thể dung thông và hỗ tương tác động lẫn nhau.
Nhưng trong tất cả cảnh giới cùng thi-vi tạo tác để độ sanh ấy, Bồ Tát phải luôn quán chiếu mọi sự vật như: mộng, ảo, bào, ảnh, lộ, điển, như tiếng vang, như làn khói tỏa, như vết chim bay như trăng-đáy nước.
Tóm lại, là QUÁN NHƯ HUYỄN, khiến cho định-lực cùng quán lực ngày càng thâm sâu và thành tựu lần lần Như Huyễn tam muội.
Đồng thời, thành tựu PHÁP NHÃN và ĐẠO CHỦNG TRÍ, tức là biết tổng-tuớng của tất cả pháp, biết được một số biệt-tướng, biết rõ căn cơ của chúng sanh và pháp môn thích hợp với chúng sanh ấy… Trong khi ở giai đoạn Không quán, hành giả mới đạt được Càn-huệ hay HUỆ NHÃN, cùng NHỨT THIẾT TRÍ mà thôi. Tức là chỉ biết những tổng-tướng các pháp là Không, Vô thường, Khổ, Vô ngã,… mà chưa biết các biệt tướng. Cũng như chưa thấy rõ căn cơ chúng sanh…
Thực ra, thì phép quán chiếu Như-huyễn tức là đã bước vào Song-chiếu-Trung-đạo rồi, vì là quán sự vật không-thật-không-hư, chẳng không chẳng Giả… Nhưng ở những thứ bực từ-sơ-địa đến đệ-thất-địa, vì khả năng quán chiếu như-huyễn chưa tuyệt vời, vẫn còn nghiêng về Giả quán. Nên vẫn gọi là giai đoạn GIẢ QUÁN.
– Giai đoạn ba và tối hậu là TRUNG ĐẠO SONG CHIẾU đến chỗ tuyệt vời, mà kinh Lăng Nghiêm hay Viên Giác mệnh danh là giai đoạn TAM MA ĐỂ (Samadhi) hay Thuyền Na, và ngài Mã Minh gọi là Chỉ quán song tu… cần ghi rằng chữ Samadhi dùng chung cho các thứ định, nông hay sâu (trong đó có sự thể-nhập giữa tâm thức chiếu soi và sự vật bị chiếu soi), nhưng ở đây, Tam ma đề là để chỉ cho những cơn Tam-muội lớn, những cơn Đại định Bất-nhị và Vô trụ, không phải là những cơn định nhỏ, cỏn kiến chấp và hữu biến.
Giai đoạn này là để chỉ cho lộ-trình tu chứng hay thiền quán của những bậc Đại Bồ Tát từ đệ-bát-địa trở lên đến Đẳng giác, Diệu giác.
Đệ-bát-địa là đạt được Vô sanh nhẫn, thấy rõ nhị-không tức là Ngã không và Pháp cũng gần không. Kinh Lăng Nghiêm gọi địa này là “Một tâm Chân-như”, còn kinh Hoa nghiêm gọi là Bất-động-địa hay là BIẾN HÓA ĐỊA.
Đại Bồ Tát ở địa này có thể tùy nguyện thọ sanh. Nhưng dù thọ sanh ở nẻo nào chăng nữa, cũng không còn phải mang nhục-thân, mà là Diệu-sắc-thân dệt bằng những quang minh cực kỳ vi tế. Thân tướng của Bồ tát có thể xuất hiện trước mắt chúng sanh giống như một nhục thân, nhưng vẫn là thân diệu sắc, tức là vô ngại và biến hiện khôn lường. Vì phương tiện độ sanh, muốn trụ thân bao nhiêu kiếp cũng được.
Từ đây trở lên, đối với Bồ tát, chỉ là Biến hóa, chỉ là BIẾN HIỆN tuyệt vời, có thể khởi diệu dụng gần như vô cùng tận.
Đại Bồ Tát có thể trụ ở Tam muội tịch bất động, tức là ở 1 mức độ sâu của Không hải (tức là Không), đồng thời không cần hữu tâm tác-ý mà vẫn có thể khởi lên mọi thứ GIẢ tướng (tức là Giả)… Hoặc hóa hiện những hóa-thân vô lượng để đi các cõi, các đạo độ sanh, hoặc hóa hiện những CẢNH GIỚI, và tất cả đều là độ sanh.
Khi lên tới đệ-cửu-địa tức là Thiện-huệ-địa, thì kinh Lăng nghiêm gọi địa này là: “Khởi DIỆU DỤNG của Chân như”…
Khởi diệu dụng của Chân như là biến hiện các thứ sắc-tướng, thân căn hay cảnh giới, để độ sanh… Vì đi vào GIẢ hay Song-chiếu, là tiến tới chỗ khởi diệu dụng và Biến-hiện để độ sanh… Neu đi vào Giả mà chỉ có đơn độc một nhục thân thôi, rồi dùng hai tay hai chân và lời nói để độ sanh, thì đó cũng là đi vào Giả nhưng mới ở mức độ đơn sơ thấp kém. Đi tới chỗ cao thì đi vào Giả là phải Diệu dụng và biến hiện nhiều thứ sắc-tướng, nhiều hóa thân để độ sanh. Vì có như thế mới có thể đi vào Song chiếu tới chỗ tuyệt vời được…Và đó chính là lời dạy tỏa ra từ các kinh Hoa nghiêm, Duy ma cật, Đại định Thủ lăng nghiêm hay Quán Vô lượng thọ… trong các Kinh A Di Đà hay Duy Ma Cật, Phật từng dạy rõ rằng: “Các thứ chim ấy đều không phải là do nghiệp báo sanh ra mà là do Đức A Di Đà hóa hiện… Cà các cõi Phật cũng vậy, đều như huyễn, như mộng, như ảnh, và đều do các Đức Phật HÓA HIỆN ra để độ sanh mầ thôi…”. Và trong Đại Trí Độ Luận, Ngài Long Thọ cũng dạy rằng: “Đại Bồ Tát phải hiện Vô biên thân thì mới độ được vô lượng chúng sanh…”.
Ở đệ-cửu-địa, Đại Bồ Tát trụ trong tam muội tịch bất động, mà vẫn hóa hiện vô lượng hóa thân, đi thuyết pháp ở các cõi, cúng dường tất cả Chư Thế Tôn, và độ sanh các cõi.
Lên tới đệ thập địa, tức Pháp vân địa, thì sức biến hiện càng ghê gớm hơn nữa. Đại Bồ Tát này vào Thọ-chức-vị, được Chư Phật mười phương phóng hào quang đến quán đảnh… Rồi ngự trên một Đại-bửu-liên- hoa nơi cõi trời sắc cứu cánh, nhập THỦ LĂNG NGHIÊM Tam muội, tức Kim cang tam muội, tức Như-huyễn tam ma đề, phóng hào quang bao trùm các cõi… Rồi xuống cung Đâu Suất làm vị Nhứt sanh bổ xứ, chờ thời tiết để giáng thần đản sanh.
Trên Pháp vân địa là bậc Đẳng giác, rồi Diệu giác.
Trong giai đoạn tối hậu của lộ trình này, lẽ dĩ nhiên là Đại Bồ Tát tiếp tục quán chiếu Như huyễn đến chỗ tuyệt vời, cùng quán chiếu chân lý tối thượng Duy tâm sở hiện. Tức là tất cả đều do Tâm biến hiện, và không hề có cảnh giới ngoài Tâm. Vì thế, ngài Mã Minh mới nói: “Chánh niệm bậc nhất là quán Duy tâm sở hiện, nghĩa là không có cảnh ngoài Tâm…”.
Trên lộ trình này, Đại Bồ tát gột sạch mọi vô minh vi tế lăn tăn chấp pháp, thành tựu PHẬT NHÃN và NHỨT THIẾT CHỦNG TRÍ. Thành tựu VÔ SỞ CẦU HẠNH, VÔ TÁC DIỆU LỰC VÀ VÔ TÁC DIỆU ĐỨC của ngài Quán thế Âm và của Chư Phật… Đến những thứ bực này, thì cảnh giới nào cũng xuất hiện lung linh, chan hòa quang minh như được mô tả trong kinh Hoa nghiêm hay Duy ma cật.
Bởi vậy, nên kẻ hành nhân trên con đường dài xa của Thiền quán, nếu không muốn lạc vào những nẻo đường trên, cần phải hiểu rõ và thâm tín rằng: tất cả pháp giới chỉ là Tự-tâm biến hiện, là Huyễn-hiện của Tự-tâm, là ảnh hiện-không-thể-nghĩ bàn…Và Chư Phật, vốn là những bậc đã chứng nhập trọn vẹn Diệu- tâm, nên có thể khởi diệu dụng không thể nghĩ bàn để độ sanh. Do đó, nên trong kinh Tâm địa quán, Phật đã dạy rõ: “Phật là gì? Là thần thông BIẾN HÓA TRÀN ĐẦY thế gian… ”. Và các kinh đại thừa luôn luôn nhắc nhở về những Quang minh chư biến, thường trụ, và đầy tự tại lực biến-hiện của Chư Thế Tôn.
Lộ trình Thiền quán gồm ba giai đoạn Không, Giả, Trung trên đây, đã được giảng dạy bởi những kinh như Lăng nghiêm, Viên giác, cùng những bộ đại luận như Đại Thừa Khởi tín, hay Đại trí độ luận của các Ngài Mã Minh và Long Thọ…
Và trong bài Bát Nhã Tâm Kinh nói bởi Đức Quán Thế Âm, lộ trình ấy cũng được thâu tóm vỏn vẹn trong mấy câu: “Sắc bất dị Không, Không bất dị sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc… ”. sắc bất dị không là chỉ cho giai đoạn hành trình, đi từ các thứ sắc-tướng hay hình tướng tâm tưởng để lọt vào nơi Không hải, và thành tựu Không quán. Không bất dị sắc, là chỉ cho giai đoạn hành trình đi từ nơi Không hải ấy để trở ra vào Giả, và thành tựu Giả quán… Còn sắc tức thị Không, Không tức thị sắc là chỉ cho giai đoạn Trung-đạo song chiếu tới chỗ tuyệt vời.
Trên đại cương, lộ trình Thiền quán thường gồm những giai đoạn như vậy. Nhưng trên thực tế, thì một kẻ hành giả, tùy theo căn cơ và thiên tư, vẫn có thể dung-nhiếp-triển-chuyển giữa 3 phép quán ấy như sẽ được trình bày rõ ràng ở chương 3…
ĐỊNH NGHĨA VỀ CON ĐƯỜNG THIỀN QUÁN CỦA NHÀ PHẬT:
Lộ trình trên đây là thiết yếu trên con đường Thiền quán mà Chư Phật đã chỉ bày. Tất cả pháp môn Thiền của nhà Phật, dù là Thiền Nhị thừa hay Đại thừa, là Thiền Đối-trị hay là thiền siêu xuất, dù là thiền Thiên thai hay Đốn ngộ… cũng đều nằm trong lộ trình này, hoặc là nằm trong một giai đoạn nào đó của lộ trình… Cần ý hội rõ điểm này để nhận thấy cái Lý Nhất quán giữa các pháp môn của nhà Phật.
Và cũng cần nhắc lại rằng con đường Thiền quán của Chư Phật thường gồm ba yếu tố tâm linh cơ bản là: Trí-huệ Đại Bát nhã Vô ngã Như-huyễn, Tâm Đại từ bi bình đẳng, và Tâm tuyệt đối Vô-sở-cầu… Nếu thiếu một trong những yếu tố đó, thì tiến trình của hành giả không thể trọn vẹn, và sẽ lạc vào những lề lối thiền ngoại đạo,
Đến đây, thiết tưởng đã có tạm đủ dữ-kiện để cố gắng làm một ĐỊNH NGHĨA về Thiền của nhà Phật.
Từ xưa đã có nhiều định nghĩa… Như ngài thiền sư Oánh Sơn định nghĩa rằng: “Tọa thiền chính là đi vào biển Phật tánh, là nêu bày cái Thể Chư Phật, cái diệu tính minh-tâm sẵn có được hiện tiền… ”. (Thiền Đốn ngộ, trang 181).
Hoặc Ngài Thiên-cơ định nghĩa rằng: “Hạ thủ công phu tu Thiền điều thứ nhất là Chánh giác. Chánh giác là phút giây nào, cũng Hồi-quang phản chiếu, chiếu soi lại cái linh minh của chính mình, không thế buông nó chạy đi..”. (Thiền Đốn ngộ, trang 152).
Hoặc cũng có thể định nghĩa rằng: Thiền của nhà Phật là hơi thở của Bát nhã và Đại bi.
Những định nghĩa trên đây đều đúng và cao, nhưng cô đọng quá và trừu tượng.
Để khiến cho rõ rệt và dễ hiểu hơn, thiền nghĩ có thể định nghĩa Thiền nhà Phật như sau:
“Thiền là lộ trình và diệu-kỹ của tâm thức, đứng TĨNH LẶNG VÀ CHIẾU SOI, chiếu soi vào ngoại sắc, rồi chiếu soi nội sắc, chiếu soi những cảm thọ tâm tưởng, rồi chiếu soi NỘI THỨC tức là cái TỰ THÂN LINH MINH SÁNG LÁNG của tâm thức, chiếu soi như vậy mà vẫn gắng KHÔNG KHỞI một mảy mún VỌNG TƯỞNG VỌNG TÌNH, để khiến cho những QUANG MINH tâm thức mỗi lúc mỗi TƯƠNG TỤC VI TẾ, khả dĩ thẩm thấu được chiều sâu của thân tâm, rồi LỌT VÀO TÀNG THỨC, nhìn rõ thấy những quang minh hư-vô vi tế của Thức sơ năng biến dung thông khắp pháp-giới, và như thế là LỌT ĐƯỢC VÀO KHÔNG HẢI và THÀNH TỰU KHÔNG QUÁN.
Nhưng tuyệt đối không được dừng chân tại đó, cần nhất tâm muốn CHUYỀN TÀNG THỨC và NHẬP PHÁP GIỚI. Nên từ nơi Không hải đó, lại khởi ĐẠI BI TÂM cứu độ, khởi GIẢ QUÁN, dùng nhục-thân của mình đi vào mọi cảnh giới, làm mọi thi-vi tạo tác, trải tâm trên mọi cơ duyên. Hoặc CAO hơn nữa, từ nơi Không-hải Tàng thức đó, dùng ngay những quang minh hư vô vi tế của Thức sơ năng biến để khởi lên nhiều sắc tướng hoặc cảnh giới hoặc hóa-thân để độ sanh… Để lần lần bước vào TRUNG ĐẠO SONG CHIẾU TUYỆT VỜI, khởi diệu dụng vô cùng tận, tâm thức luôn luôn không ngừng nghỉ làm con thoi qua lại giữa Không-hải và Pháp giới, và trôi lăn vào biến Diệu giác Vô-sở-đắc, ÔM TRỌN pháp giới vào thân-tâm mình… Là vì cái pháp giới này có phải là gì đâu, mà chỉ là một trường-thức-biến, và là ảnh-hiện-không-thế-nghĩ-bàn của Tâm mà thôi… ”………………..