MA CHƯỚNG
TRÊN ĐƯỜNG TU
QUYỂN I
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
MA TÂM MA SỰ CỦA NGƯỜI TU

 

CHƯƠNG HAI

Hôm nay, chúng ta làm một cuộc hành trình đi vào Kinh Lăng Nghiêm. Trong tuần trước, tôi đã trình bày với quý vị về kinh nghiệm chứng đắc của bà Vô Sanh Nữ Sĩ, những kinh nghiệm chứng đắc ấy cho ta thấy rằng, bà tu một cách rất tinh tấn. Tu theo pháp môn Tịnh Độ, nếu tu chuyên chú đều đặn, thì thường ít khi gặp cảnh ma chướng. Nhưng có lẽ bà hơi gấp gáp, phần lại quá sức tinh tấn dũng mãnh nên đã trải qua sáu ngày ma chướng. Lúc đầu tâm bà rất kinh sợ, vì thấy nam, nữ, các thứ cô hồn, vân vân, lao xao chung quanh. Đồng thời lại nghe tiếng người cho bài chú mới, rồi lại có tiếng trẻ con nói rằng: “Ta là đức Phật A Di Đà đây”. Nhưng tâm bà rất dũng mãnh, trong suốt sáu ngày ấy, ban đầu còn khởi tâm sợ hãi đôi chút, sau bà chỉ nắm vững câu chú và câu niệm Phật, thì tất cả ma chướng điều phải lui, rồi bà vượt thoát phần ma chướng quấy nhiễu ấy.                                    , .                  ,

Cho chúng ta thấy rằng: Thiền hay Tịnh cũng đều là thiền quán. Sự khác nhau là Thiền thì thiên về Bát Nhã, về phi thần hóa, thiên về tự lực, song đôi khi người ngồi thiền thấy mình chơi vơi, không biết tiến về nẻo nào, nhiều khi muốn lùi cũng không được nữa. ít có chỗ bám víu, nên nhiều vị ngồi thiền, có cảm tưởng rằng đương trèo lên một vách đá dựng đứng mà không biết bám vào đâu. Nếu bám vào cái “không” là một chuyện rất khó. Trong khi ấy, pháp môn Tịnh Độ cũng là thiền quán, nhưng thiền quán thiên về Đại Bi, về nhất nguyên thần hóa, về thần lực, (người tu cũng ít khi gặp cảnh ma chướng), nhưng nếu cảnh ma chướng hiện lên thì vẫn còn có Kinh, câu thần chú và nhất là câu niệm Phật để bám víu. Vì vậy, người xưa thường nói, người tu thiền phải là người thượng thượng căn mới có thể tu được, còn nếu ở mức độ trung căn, thì nên tu Tịnh và tham bác một chút Mật Tông. Còn những người muốn tu thiền, lại gặp những vị đạo sư còn kém cỏi, trong thâm tâm hay khởi sự mong cầu, thì nhiều phần trăm, những thiền sinh ấy chỉ luẩn quẩn đi vào vòng ma đạo. Trong Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng, các cảnh ma chướng thường do sự mong cầu gấp gáp mà ra.

Do bài học của vị Vô Sanh Nữ Sĩ, chúng ta cần làm một cuộc hành trình nhỏ đi vào Lăng Nghiêm, cùng đọc tụng lại những giòng Kinh về ma chướng, rồi sau đó sẽ cùng bình giải. Kinh Lăng Nghiêm và Hoa Nghiêm bổ xung nhau rất mật thiết. Hoa Nghiêm thì nói về những cảnh giới siêu xuất bất tư nghì của những bậc đã gần hết vọng rồi, mười phần thì các ngài đã được đến tám, chín phần, nói về thần lực hải của chư Phật, cùng nguyện lực hải của chư Đại Bồ Tát. Sau khi chúng ta đọc tụng xong Hoa Nghiêm, ta cũng hiểu và thấm một ít phần thế nào là Phật, thế nào là Bồ Tát và thế nào là những tâm hành của những vị đó để chúng ta có thể bắt chước ít phần. Như vậy, Hoa Nghiêm tả những bình diện siêu xuất của thức ấm, nơi đó thần biến tự tại, và các vị đó thường bay bổng tuyệt vời để làm hạnh độ sanh. Điều đó làm cho chúng ta khởi tâm vui mừng khấp khởi, yên trí rằng có vô lượng thần linh luôn luôn phóng quang minh gia trì cho chúng ta. Ngược lại, khi đọc đến Lăng Nghiêm thì khác hẳn. Lăng Nghiêm nói hẳn về một bình diện khác, (và cũng là để bổ xung cho Hoa Nghiêm), trong Lăng Nghiêm ít nói đến chư Phật và Bồ Tát mà lại nói ngay đến các chúng sanh là chúng ta đang bơi trong biển nghiệp, những chúng sanh ấy khởi tâm vọng như thế nào; rồi vọng đó lại khởi lên thành thức ra sao, trường thức tâm đó biến ảo mênh mang chuyển biến thế nào để thành căn, trần, thức, rồi thành năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), hay ra bảy đại (địa, thủy, hỏa, phong, không, thức, và kiến đại), hoặc chuyển thành sáu nhập (nhãn nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, thiệt nhập, thân nhập và ý nhập), mười hai xứ (sáu căn và sáu trần), mười tám giới (sáu căn, sáu trần và sáu thức), chuyển biến và tạo những mê đồ ảo phố thế nào. Rồi đức Phật mới chỉ con đường đi ra khỏi vọng, tức là con đường “Như Huyễn Tam Ma Đề”. Sau khi ngài chỉ con đường đi ra khỏi vọng rồi, ngài còn nói thêm về những cảnh giới khác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trên trời, dưới đất, vân vân, tức là chúng sanh bị ngụp lặn trong biển nghiệp thế nào.

Chúng ta đều hiểu rằng, như trong Hoa Nghiêm dạy pháp giới này được dựng lên bởi ba biển: Thần lực hải của chư Phật, Nguyện lực hải của chư đại Bồ Tát và Nghiệp lực hải của chúng sanh. Hoa Nghiêm nói nhiều về Thần lực hải và Nguyện lực hải mà ở trên biển đó pháp giới được nương vào. Nhưng Lăng Nghiêm lại nói hẳn về một phía nghiệp lực hải của chúng sanh. Ngài dạy thế nào là khởi vọng? Tại sao lại khởi vọng? Rồi cái vọng đó trở thành thức, biến thành một thiên la võng quang minh, chuyển triển thẩm thấu trùng trùng với vô vàn những màng lưới như thế, rồi nó cột lại, xoáy tròn thành mắt, tai, mũi, lưỡi, vân vân, thành những cảnh giới y báo bên ngoài, rồi thành chánh báo bên trong với các căn thức ra sao.

Nói về đạo Phật thì có rất nhiều thứ, nhưng chung quy vẫn chỉ là một. Như nói đến bộ ba căn, trần, thức. Căn thì ai cũng biết đó là những mắt, tai, mũi, lưỡi, vân vân, Trần là những cảnh giới bên ngoài, như chùa chiền, nhà cửa, núi sông, cây cối, vân vân, Thức là cái nhận biết đứng giao thoa giữa căn và trần. Rồi sau đó Phật lại dạy về ngũ ấm, đó cũng là một lối xếp hạng khác, nhưng chung quy cũng chỉ nói về pháp giới ấy thôi. Sự xếp hạng của ngũ ấm này là sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, và thức ấm. Một cách xếp hạng khác của Ngài là bảy đại: Đất, nước, gió, lửa, hư không, thức đại, và kiến đại. Rồi là sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, vân vân. Lúc đầu mới bước chân vào vùng trời của Kinh, tôi thực không hiểu và rất khổ tâm, nghĩ bụng rằng, tại sao trong Kinh đức Phật lại xếp hạng ra nhiều lối thế này? Chỉ thêm phần rối trí thôi! Nhưng sau, càng đọc lâu, càng thấm Kinh mới thấy rõ, mỗi cách xếp hạng, Ngài có nhằm những mục tiêu rõ rệt.

Ngũ ấm cũng là căn, trần, thức, nhưng Ngài xếp hạng một cách khác để tiêu dung một vài lối kiến chấp nào đó của chúng sanh. Vậy thì, xếp hạng thành ngũ ấm để tiêu dung kiến chấp gì? Còn xếp hạng thành bảy đại, thành lục nhập, vân vân, để tiêu dung những kiến chấp gì?

Ngũ ấm là khi đối với một chúng sanh nào có tâm mờ mịt, không hiểu rõ từng lóp của tâm lắm thì Ngài dạy về ngũ ấm. Ngài nói về sắc ấm riêng, còn cái tâm (vọng tâm) của chúng sanh, Ngài xếp thành bốn lóp: thọ, tưởng, hành và thức, mà mỗi lóp càng đi sâu vào tâm thức lại càng vi diệu. Còn bảy đại: đất, nước, gió, lửa, hư không, kiến đại và thức đại. Lối xếp hạng này để tiêu trừ kiến chấp cho chúng sanh nào chưa rõ về sắc ấm. Ngài dạy riêng trong sắc ấm còn có bốn, năm lớp. Lóp đầu tiên đặc sệt là địa đại, sau đó là thủy đại, rồi đến hỏa, rồi đến phong đại. Còn riêng cái tâm, Ngài thu làm hai lóp: Kiến đại và thức đại. Rồi đến lục nhập, như con mắt trên thân ta, và cái bàn bên ngoài thân ta. Con mắt là căn, còn bàn kia là trần, hai cái ấy giao thoa lẫn nhau. Rồi đến mười hai xứ, sáu căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý, sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Rồi đến mười tám giới: sáu căn, sáu trần và sáu thức, vấn đề đặt ra là tại sao phải nói lục nhập? Trong Kinh luôn nhắc đến lục nhập vì Ngài muốn nhấn mạnh về tính chất của căn, trần đắm nhiễm, thu hút lẫn nhau không bao giờ có thể tách rời được, có trần là phải có căn, vì nó đều từ tàng thức đi xuống, một bên kiến phần hiện thành căn, một bên tướng phần hiện thành trần cảnh bên ngoài. Như cái mắt này, có bao giờ ta không nhìn thấy gì không? Chắc có người sẽ bảo rằng, khi nhắm mắt lại thì không nhìn thấy gì. Nhưng cái đó không đúng, vì khi nhắm mắt lại, ta nhìn thấy cái tối, rồi nếu nhắm lâu, ta sẽ nhìn thấy một vài cảnh, tùy theo chúng ta tưởng tượng, như có thể nhìn thấy ánh sáng, hay cầu vồng, hoặc hình ảnh, vân vân. Cả đến khi nằm ngủ, cũng thấy những cảnh trong mơ, ngay cả trong những lúc bất tỉnh, chúng ta tưởng rằng không thấy gì, nhưng lúc đó ta cũng vẫn có thức giác nhìn thấy một thứ gì đó, đến khi tỉnh dậy thì không nhớ, vì tâm ta chưa đủ ý thức sắc bén để nhận ra điều ấy. Nói tóm lại, không bao giờ ta không nhìn thấy gì, cũng như không bao giờ ta không nghe thấy, như khi có tiếng nói thì ta nghe thấy có tiếng, rồi đến khi tất cả chung quanh ta đều im lặng thì ta vẫn nghe thấy được sự im lặng, mà nếu là một vị tu hành cao, trong im lặng vị đó cũng nghe thấy được vô lượng âm thanh. Không bao giờ các căn ngừng nghỉ, lúc nào nó cũng đắm nhiễm với trần. Đó là một điều rất hiển nhiên mà không ai nghĩ đến. Ngay cả khoa học cũng chưa biết được điều đó, chỉ có đức Phật biết và nói cho chúng ta biết mà thôi. Như vậy, các căn đối với sáu trần không có gì cách biệt, mà chúng đều là sự biến hiện tương ưng từ tàng thức đi xuống, như hai vòi con sên, hai cái vòi đó luôn luôn ngọ nguậy và tương ưng với nhau. Vì vậy, đức Phật dạy về lục nhập để nhắc cho chúng sanh biết rõ rằng các căn trần đắm nhiễm nhau không thể rời. Biết được điều này, ta mới hiểu rằng, ta là bất tử, vì không bao giờ ta không có thân, không bao giờ chết, mà chỉ có hóa thân thôi. Như nếu bây giờ ta bệnh quá, ngã ra chết, thì lập tức ta sẽ có một thân khác gọi là “thân trung ấm”, thân này vẫn thấy một cái gì, vẫn nghe được, vẫn cảm thọ được, vân vân, rồi sau khi bỏ thân trung ấm sẽ theo nghiệp để thọ một thân khác, cứ thế, triển chuyển xoay vần mãi.

Còn mười hai xứ thì sao? Tại sao trong Kinh đã nói lục nhập rồi lại còn nói đến mười hai xứ? Chúng sanh thường chấp cho rằng căn và trần đều có xứ sở rõ rệt, như cái mắt thì ở trên mặt là một xứ sở, cái bàn ở ngoài kia cũng có xứ sở vị trí của nó, cái tai cũng thế, cũng có xứ sở của nó, mà tiếng trống hay một âm thanh nào thì cũng có chỗ của nó từ không gian đi lại. Nhưng trong Kinh Lăng Nghiêm Phật lại dạy rằng, “Tất cả các xứ sở đều luống doi”, như ta chấp con mắt chỉ ở đó, nhưng chính ra nó lại ăn thông sâu vào bên trong, sâu vào Tịnh sắc Căn, chuyển một hình ảnh lộn ngược thành một hình ảnh thẳng lại, rồi tịnh sắc căn lại ăn sâu vào trong tâm nên thực ra căn đó khắp giáp, chu biến tất cả pháp giới. Trở lại tiếng trống và cái bàn, ta tưởng rằng những thứ đó đều có xứ sở nhất định, nhưng thực ra không phải, những thứ ấy cũng đều phóng quang minh trong màn quang minh võng của pháp giới này, nên đều dính mắc vào nhau. Vì vậy trong Kinh nói, khi dơ một ngón tay, cả pháp giới đều rung động. Nên Phật dạy, mười hai xứ đều là luống dối để cho chúng ta rời bỏ quan niệm cố định có xứ sở ấy đi, và hiểu rằng các căn của ta bao trùm, chu biến khắp pháp giới. Nhìn cái bàn ù lỳ thế, nhưng thực ra, ta không thể chia cắt nó ra ngoài cái màn thiên la võng quang minh của pháp giới này. Còn mười tám giới là sao? Trong đạo Phật bao giờ cũng dạy theo hai lối, sau khi Ngài dạy căn và trần đắm nhiễm nhau không thể tách rời, hoặc dạy mười hai xứ, như mắt và cảnh, tai và tiếng, vân vân, chu biến khắp pháp giới, tức có nghĩa rằng Ngài dạy cái nhất như, tất cả đều MỘT. Nếu suy gẫm kỹ, chúng ta sẽ không biết cái ranh giới giữa căn và trần ở đâu, vì nó dính mắc chằng chịt với nhau. Sau khi Ngài dạy nhất như thế rồi, Ngài lại dạy đến sự phân biệt, liễu tri rành rẽ từng thứ một, đó là làm thế nào để phân biệt mười tám giới từ chỗ nào, đến chỗ nào, đạo Phật bao giờ cũng dạy hai mặt song chiếu như thế. Vì vậy mới có mười tám giới. Nên trong “ngũ đình tâm quán” có phép quán là “mười tám giới phân biệt quán”. Đó là nói sơ lược cho quý vị hiểu rằng, trong Kinh, Phật dạy không có gì gọi là dư thừa, Ngài dạy bất cứ gì cũng để chỉ tiêu trừ kiến chấp từ vô lượng kiếp của chúng sanh.

Vậy chúng ta hôm nay, sẽ đi vào phẩm Ma Chướng trong Kinh Lăng Nghiêm. Nhưng trước khi đi vào Kinh, tôi xin trả lời một vị Phật tử, yêu cầu muốn giảng về vấn đề khởi vọng, vô minh. Đây là một vấn đề then chốt trong Kinh Lăng Nghiêm, vì trong Kinh tất cả chỉ dạy về cái khởi vọng ấy, vọng chuyển biến thành những căn, trần, thức ra sao.

Từ lâu, tôi đã muốn nói về điểm này, (khởi vọng), nhưng phần đông quý vị chưa biết nhiều về Lăng Nghiêm, nên tâm thức chưa chín mùi để nghe, tuy rằng cái khởi vọng rất quan yếu. Vì nếu tu hành mà không hiểu thế nào là khởi vọng thì chưa đến chỗ căn bản.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, có ngài Phú Lâu Na đứng ra thưa hỏi Phật: “Bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn đã giảng nhiều về Diệu Tâm ấy, về Như Lai Tạng Chân Như nhiệm mầu, mà Ngài lại nói rằng Chân Như ấy vốn thanh tịnh, tuyệt nhiên không có một vật. Vậy thì tại sao tư nhiên lại hiện ra tất cả sơn hà, đại địa, và tất cả chúng sanh hữu tình này?’ ’ Tôi xin tóm luợc câu trả lời của đức Phật. Bắt đầu Ngài kể một câu chuyện về một người thanh niên tên Diễn Nhã Đạt Đa. Này ông Phú Lâu Na, ví như trong thành Thất La Phiệt có một chàng tên Diễn Nhã Đạt Đa. Một buổi sáng thức dậy, đứng soi mặt mình trong gương, thấy hình ảnh một khuôn mặt đẹp đẽ, anh ta khởi tâm ưa thích, rồi lại khởi tâm nghĩ rằng sao trong gương có khuôn mặt đẹp đẽ thế thì chắc ta cũng phải có đầu, nếu vậy sao cái đầu ấy không nhìn thấy mặt ta? Vậy ra chính ta không có đầu, hay đầu ta là yêu quái rồi chăng? Rồi bỗng nhiên phát cuồng, chạy rông khắp đường phố, vừa chạy vừa kêu la tìm kiếm cái đầu mình. Sau đó chừng vài chục trang Kinh, (Ngài trả lời rất rải rác mà người đọc cần chú ý kỹ để nối lại mới mong hiểu được đôi phần). Ngài lại nói một bài kệ, trong đó có hai câu rất quan trọng: “Tự tâm trở lại chấp tự tâm, không phải huyễn trở thành pháp huyễn”. Đó là tất cả những dữ kiện mà trong kinh Ngài trả lời về câu hỏi “Tại sao lại khởi vọng?” và chỉ có thế thôi.

Vậy thì thế nào là khởi vọng? Tại sao khởi vọng? Thực ra, khi nghe một lời kinh, mỗi vị lãnh hội đều riêng khác. Nhưng riêng tôi, cái khởi vọng chính là do tác động muốn tự chiếu soi, từ cái tâm tác ý muốn nhìn thấy, tìm thấy, một cái gì. Còn nếu là chiếu soi như những bậc Đại Bồ Tát, như ngài Quán Thế Âm chẳng hạn, “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”. Ngài cũng chiếu soi, nhưng không tác ý, không hữu tâm, không mong cầu bất cứ một điều gì, mà chỉ có tâm Bát Nhã và Đại Bi thì cái chiếu soi ấy đi lên, một lối chiếu soi “Như Huyễn Tam Ma Đe ”. Còn chiếu soi của phàm phu chúng ta là một loại chiếu soi đi xuống, vì nó hữu tâm. Nhìn thấy một người là khởi tâm ngay, khởi tâm phân biệt đẹp hay xấu, tốt hay dở, đáng yêu hay đáng ghét, vân vân. Tuy rằng chúng ta đều xuất sanh từ biển diệu tâm ấy, diệu tâm ấy là “giác tánh”, tức là không có lúc nào nó không chiếu soi. Bổn chất đã thế nên không thể ngừng chiếu soi được. Như tôi ngồi đây nhìn quý vị tức là tôi đương chiếu soi quý vị, ngược lại, quý vị nhìn lại tôi tức là quý vị đang chiếu soi tôi. Ngay cả khi ta nhìn một vật vô tình như cái bàn thì ta cũng chiếu soi nó, ngược lại, nó cũng có những quang minh mờ mờ chiếu soi lại ta, tuy thức giác không bằng thôi. Vì tất cả đều từ biển giác tánh ấy ra cả, nên không thể, không lúc nào ngừng chiếu soi. Ngay cả những người tu thiền định, hoặc người phu quét đường, hay làm ông lớn, ngay cả những hòn đá ù lù có vẻ vô tri giác, vân vân, cũng là đang chiếu soi và phản chiếu soi. Nhưng vấn đề đặt ra là vọng bắt đầu từ chỗ nào? Trở lại câu chuyện ví dụ của Phật về chàng Diễn Nhã, đức Phật muốn nói rằng, trong biển quang minh vốn bổn lai không có một vật ấy, bỗng nhiên có cơn lốc nhỏ, khởi tâm muốn chiếu soi. Nó quay đầu lại, xoáy thành một vết nước xoáy và muốn tách rời ra khỏi biển diệu tâm. Nó muốn chiếu soi, nhưng ngoài tâm ra, không có đối tượng gì để nói chiếu soi cả, nên nó đành quay đầu lại tự chiếu soi lấy chính nó. Như tôi vẫn thường ví, tương tự như một con rắn thần thoại, thân nó dài lê thê, nếu nó chỉ hồn nhiên không khởi tâm tác ý gì thì không sao, bỗng một lúc nó khởi tâm muốn quay đầu lại và nhìn thấy cái đuôi ngoe nguẩy tít đằng xa, nghĩ rằng đuôi ấy không phải là mình, bèn khởi tâm muốn ăn cái đuôi, nên cứ đuổi theo cái đuôi, cứ thế xoay vỏng mãi mãi từ vô lượng kiếp. Và tạo nên những trần cảnh có hình tướng rõ rệt. Trở lại câu chuyện Diễn Nhã, ta phải tỷ dụ như chàng Diễn Nhã chưa bao giờ biết soi gương là gì, vì đợt sóng mới khởi từ biển diệu tâm lên, rất hồn nhiên, thuần phác, trong sáng. Một sáng nọ, do sự vô minh bất giác nào, anh chợt nhìn vào gương, thấy có một khuôn mặt rất đẹp, lúc đó chàng vấp vào cái vọng đầu tiên là không biết rằng hình trong gương chính là mình, mà lại chấp đó là hình ảnh của một người khác, độc lập và chia cách với mình. Đó là cái vọng đầu của Diễn Nhã. Cũng như pháp giới này vốn chuyển từ tàng thức trong tâm ta mà hiện lên, rồi từ vô lượng kiếp đến nay, pháp giới đó từ tâm ta khởi, nhưng từ nhiều kiếp, ta soi gương vẫn tưởng pháp giới là khác biệt với mình. Đó là lóp vọng đầu tiên. Lóp vọng thứ hai là Diễn Nhã đã khởi tâm “ưa thích” khuôn mặt trong gương. Lóp vọng thứ nhất là không biết pháp giới này chính là Tâm ta ánh ra, rồi tự tách đôi, như hạt nước tự tách ra khỏi biển cả, rồi quay đầu nhìn lại biển cả ấy thì thấy tất cả mọi vật “lóe” lên, và chấp rằng đó là những thứ ngoài mình. Lóp vọng thứ hai là Diễn Nhã lại khởi tâm ưa thích khuôn mặt trong gương. Cũng như chúng sanh trôi lăn từ vô lượng kiếp, pháp giới chính từ tâm ta mà ra, nhưng vì vô minh, ta cứ lầm cho rằng nó không phải là ta. Rồi đi xuống thêm một tầng vọng nữa, (tầng vọng trước chỉ là vọng tưởng, tầng vọng thứ hai là vọng tình) tức khởi tâm ưa thích pháp giới ấy, cho rằng pháp giới đó lung linh, có nhiều hình dáng rất đẹp, nên ưa thích, rồi suốt ngày đuổi theo nắm bắt nó. Rồi đến lóp vọng thứ ba, vọng này tế nhị hơn là Diễn Nhã sau khi khởi tâm ưa thích cái đầu trong gương, lại hốt nhiên nghĩ rằng mình không có đầu, vì nếu mình có đầu thì đầu ấy phải nhìn được cái mặt chứ? Rồi lại bồi thêm một lớp vọng nữa rằng, có thể đầu mình trở thành yêu quái mất rồi, nên lại khởi thêm một vọng nữa là muốn đi kiếm cái đầu ấy. (Tức là kiếm cái tự ngã của mình. Như chàng thanh niên được gặp Phật ở nhà người thợ rèn). Cho thấy rằng, một câu chuyện Phật kể rất đơn sơ, nhưng nếu phân tích tỉ mỉ, ta sẽ thấy chập chùng những lớp vọng, hết lớp này, đến lóp khác, đưa lần chúng sanh vào một mê đồ không biết thế nào là đầu, thế nào là đuôi. Sau đó, Phật mới tóm tắt lại thành hai câu kệ: “Tự tâm trở lại chấp tự tâm, không phải huyễn trở thành pháp huyễn”. Biển chân tâm nhiệm mầu ấy, vốn là chơn, nay ta mang một điểm hư minh tách ra, và quay lại chiếu soi vào chính cái chơn tâm ấy.

HỎI: Nếu thực là chúng ta chiếu soi lại chính chúng ta, như vậy trong thiền định thì các thiền sư cũng chiếu soi lại chính cái biển tâm ấy, thì tại sao lại được thăng hoa? Lại đưa đến bờ giác mà không phải vào một bến mê? Ngược lại, có những thiền sư lại bị lạc vào nẻo tà, bời bời, rối mù mịt không biết đường ra? Cũng đều chiếu soi cả, sao kết quả lại không giống?

ĐÁP: Chúng ta bị đọa hay thăng hoa cũng vì sự chiếu soi ấy. Vì không lúc nào ta và các vật ngoài ta không không chiếu soi lẫn nhau được. Vì đạo lý vận hành của pháp giới này là như thế (tức là chiếu soi lẫn nhau). Chỉ có điều ta chiếu soi theo con đường đi xuống hay đi lên thôi. Nếu ta chiếu soi với một dụng tâm muốn tìm cầu, nắm bắt một điều gì, thì đó là chiếu soi hữu tâm, hữu ngã, con đường đi vào vọng, tức là con đường đi xuống. Ngược lại, nếu ta chiếu soi như Ngài Quán Âm, với tâm Đại Bi, Bát Nhã, không dụng tâm, không nắm bắt, không mong cầu thì đó là con đường đưa ta về biển giác. Vì vậy, giữa mê và ngộ chỉ cách nhau có nửa hào ly. Đó là do dụng tâm tác ý hay không. Các thiền sư cũng vậy, tùy theo tâm thức các vị dụng tâm thế nào thì nó sẽ nở ra thế ấy.

Cũng vậy, khi ta làm phước bằng một đồng tiền nhỏ, hay một bao gạo lớn, tất cả cũng tùy vào sự dụng tâm cầu mong cho mình, thì phước đức rất hữu hạn, đó là sự chiếu soi đi xuống, đi vào ma nghiệp, đưa ta vào vọng. Ngược lại, làm phước với một tâm vô ngã, chỉ thuần do lòng bi bình đẳng, không chấp đến của cho, người nhận, và hành động cho, và quán chiếu tất cả đều chỉ là huyễn ảo, (như huyễn tam ma đề) thì phước ấy trở thành vô cùng vô tận, và đó là sự chiếu soi đi lên. Vì vậy, trong kinh thường nhắc rằng, mê ngộ cùng đường. Vì cùng là một tác động chiếu soi, nhưng dụng tâm lại khác.

Nay tôi xin đưa ra thêm mấy “hình ảnh” cho quý vị thấy rõ. Như buổi sáng ra vườn tưới cây, cầm vòi nước xịt vào cây cỏ, làn nước sẽ tóe ra như một trận mây mù, trong đó hiện lên một cầu vồng bảy mầu. Ánh mặt trời kia vốn như diệu tâm chúng sanh, không có mầu sắc, nhưng khi đi qua làn mưa bụi thì tự nhiên nó lại hiện ra bảy mầu. Vậy thì bảy mầu sắc kia là Vọng, trong khi ánh mặt trời trong sáng tức là Chân. Nó hiện bảy mầu là vì khi đi vào lăng kính của nước thì tự nhiên luồng sóng của ánh mặt trời (tức bản lai uyên nguyên) bị khúc xạ, rồi bị giao thoa với nhau (tự chiếu soi) lóe lên bảy mầu huyễn ảo. “Không phải huyễn trở thành pháp huyễn” là vậy. Một thí dụ khác trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Một người nằm dưới một tàng cây giữa cánh đồng nhìn lên trời, lúc đầu không dụng tâm nên chỉ thấy trời xanh xanh, mây trắng trắng. Nhưng nếu người ấy cứ dương mắt lên nhìn chăm chú vào hư không, một lúc thì bỗng nhiên trong hư không sẽ hiện lên những hoa đốm bay lăng xăng.” Pháp giới cũng y như thế, “lóe” lên.

Một thí dụ khác, một người hay sợ ma, khi đến ở một lâu đài lạnh lẽo, để hoang trong nhiều năm. Bên Anh Quốc có nhiều lâu đài hoang vắng, mỗi lâu đài có đến năm, sáu chục phòng, nếu một người tới đó không khởi tâm sợ hãi gì, chỉ ngồi đọc Kinh, tụng chú thì lúc đó tâm vị đó bình thản, đối tượng của vị đó chỉ là những hình ảnh rất đẹp đẽ của chư Phật và chư Đại Bồ Tát, thì một ngày nào đó, luồng quang minh tương ưng với quang minh của Chư Phật và chư Đại Bồ Tát nên sẽ nhìn thấy những cảnh giới đẹp đễ, thanh tịnh. Nhưng nếu người đó không tụng chú, không biết đọc kinh, ngày đêm lúc nào cũng lo sợ, ban đêm nghe tiếng gió thổi, hay những giọt nước chảy tí tách rỉ ra từ vòi nước, đều tưởng tượng đó là những âm thanh ma quái, lâu dần, vì tâm họ bập bềnh, phát ra những luồng quang minh kêu gọi những luồng sóng tương ưng thì rồi một ngày nào đó sẽ chiêu cảm, kết tụ những yêu khí bên ngoài, dần dần kết thành hình bóng thực khiến người sợ ma kia nhìn thấy được. Tóm lại, tùy theo tâm hành giả mong cầu một điều gì thì lâu dần sẽ có những hiện tượng “trong ứng ngoài hợp” mà hiện ra cảnh giới ấy.

Một thí dụ khác là triết gia Jean Paul Sartre người Pháp, nổi tiếng khắp thế giới. Các triết gia phần đông là những người hiếu kỳ, tò mò, họ hay thử nhiều điều quái lạ. Một lần, Sartre thử một loại ma túy (mescalin) khá nặng, sau khi chích một mũi ma túy vào thân, sau đó về bị một ảo giác lạ lùng. Trong bảy tháng trời lúc nào cũng nhìn thấy một con cua to tướng hiện ngay trước mặt, không biết làm thế nào cho nó biến đi, và khoảng bảy tháng sau thì nó mới nhạt dần và biến mất. Nếu chúng ta có ảo giác nhìn thấy một con cua như vậy, ảo giác ấy theo ta từ nhiều kiếp thì đến một kiếp nào đó, nó sẽ hiện hình thực sự trước mặt, đó chính là cái “vọng tưởng kiến cố” nó trở thành như thế. Sở dĩ chúng ta sinh ra đời với tất cả pháp giới chung quanh, đều là do những vọng tưởng từ vô lượng kiếp, tin rằng, đây là bàn, kia là cây, núi, sông, cảnh giới, chúng sanh, vân vân, tập khí kiên cố dần dần sẽ nở ra y báo y hệt như vậy. Một ví dụ khác, trong một làng có khoảng hai trăm ngàn người, chỉ có một người chiêm bao thấy một con quái vật có hai đầu, khi thức dậy, anh kể lại thì họ chỉ coi đó là những gì không thật, hiện lên trong giấc mơ của riêng người ấy. Nhưng nếu tỷ dụ như cả hai trăm ngàn người ấy cùng chiêm bao thấy con quái vật hai đầu, thì lúc ấy, tất cả đều tin rằng con quái vật hai đầu ấy là thực có, và cái kiên cố vọng tưởng cộng nghiệp ấy có thể qua một thời gian dài, chiêu cảm sự hiện hình của quái vật. Vì tất cả những vật đều đến từ vô hình, chiêu cảm bởi cái tưởng của mỗi loài chúng sanh và khởi lên. Đó là lời dạy của Kinh Lăng Nghiêm.

Đó là vấn đề khởi vọng. Sau đó còn nhiều vấn đề khác, vì khi vọng khởi lên thành một trường thức biến, những quang minh tâm thức thường xoay theo hình trôn ốc nên dần dần biến thành căn, trần, thức. Nên mới có duy thức học, và mọi pháp. Và con đường trở về ra sao, vân vân. Trong kinh dạy về vấn đề khởi vọng là then chốt.

Về “Như Huyễn Tam Ma Đề”, tôi cũng xin giảng qua một chút cho quý vị có thêm ý kiến. Trong Thanh Văn thừa chưa có quán như huyễn, họ chuyên tu về tự lực, ví như một người chèo thuyền bằng tay thôi. Vậy mà muốn lên được đến bậc cao nhất cũng phải sáu mươi kiếp xuất gia, được gặp Phật mới đắc được quả A La Hán. Trong sáu mươi kiếp xuất gia giữ giới và thiền quán, ta tự hỏi có làm được không? Tôi trộm nghĩ, chỉ là nửa kiếp cũng không nổi rồi, đừng nói liên tiếp tu trong sáu mươi kiếp không đứt đoạn. Còn thiền quán của các ngài ra sao? Có hai loại thiền quán, một là “đối trị”, hai là “chánh quán”. Đối trị để chữa căn bệnh của mình, dụ như ta là người nhiều tham dục thì phải tu quán bất tịnh, hay nhiều sân hận, phải quán từ bi, hoặc người chậm lụt, ngu si thì phải quán nhân duyên cho thêm trí huệ, người tâm lúc nào cũng tán loạn thì quán sổ tức, người nhiều ngã mạn thì quán mười tám giới phân biệt để biết rằng trong người có ngũ uẩn như thế ấy, để ta nhìn rõ rằng, cái ngã không có thật. Tất cả những thứ đó đều là lối quán đối trị (chữa bệnh). Sau khi chữa được cái bệnh ấy rồi, lúc đó hành giả tiến lên được một bực nữa, đi vào “chánh quán”. Vậy chánh quán là gì? Thường ban đầu hành giả sẽ tu tứ niệm xứ, tức là quán thân bất tịnh, quán tất cả cảm giác là khổ (thọ thị khổ), rồi quán tất cả vọng tâm đều vô thường và pháp vô ngã. Pháp là những đợt quang minh phụt lên, gọi là hành pháp, cũng gọi là nội pháp hay ngoại pháp. Sau khi quán tứ niệm xứ, hành giả phải quán tứ đế để bước vào bốn quả thánh, hoặc quán thập nhị nhân duyên để bước vào bậc Duyên Giác. Nhưng có một thứ quán bao trùm tất cả Thanh Văn thừa gọi là quán nhân duyên. Quán nhân duyên là quán tất cả các pháp đều do nhăn duyên hội tụ mà thành, không có pháp nào đơn thuần, như trong thân căn chúng ta, có vô lượng tế bào họp lại, vì vậy trong kinh dùng chữ tụ lạc, họp lại như họp chợ. Vô lượng tế bào họp thành thân này, vô lượng cảm giác họp lại thành thọ ấm, vô lượng tâm tưởng ý nghĩ họp lại thành tưởng ấm, rồi vô lượng những ý chí, hành nghiệp họp lại thành hành ấm, cuối cùng vô lượng những ý thức li ti vi tế họp lại thành thức ấm. Đó gọi là quán nhân duyên.

Lên đại thừa thì chuyên nói đến thần lực bất tư nghi, ít nói đến tự lực nữa, mà dùng thần lực, ví như người đi thuyền dùng sức gió và buồm mà đi. Mật Thừa là sự bừng nở tối hậu của Đại Thừa. Tất cả Mật Tông đều là những phương tiện thiện xảo tối cao để chiêu cảm sự gia trì của thần lực. Lập đàn tràng, tụng chú, quán chủng tử, vẽ Mạn Đà La, vân vân, đều là những phương tiện thiện xảo để chiêu cảm sự gia trì thần lực tột bực. Trong Đại Thừa nói rõ rằng, ngay một vị Đẳng Giác, chỉ cần một bậc nữa là thành Phật, các ngài cũng cần phải gần Phật mới có thể gột nổi vô minh vi tế cuối cùng, tức là vẫn cần phải có sự gia trì của thần lực Phật mới được.

Nay ta thử đọc mấy trang Kinh Lăng Nghiêm trong phần ma chướng xem Phật dạy những gì. Sau khi mò mẫm đi theo những lời Kinh lâu, lúc đó ta nói về thiền thì may ra có thể hiểu rõ được một vài phần. Đây là phần chót trong Kinh, phẩm “Phân biệt các ấm ma ”, ma chướng của ngũ ấm.

KINH: Khi bấy giờ đức Như Lai gần chấm dứt thời thuyết pháp, ở nơi Sư Tử tọa, vịn ghế thất bảo.

GIẢNG: Thường chỗ Phật ngồi thì gọi là Sư Tử tọa, có ghế thất bảo. Dù là thất bảo hay không là tùy mắt chúng sanh nhìn vào. Nếu chỉ là cặp mắt thường của một người phàm phu thì thấy ghế của Phật ngồi chỉ là một cái ghế làm bằng gỗ thường, nhưng với con mắt của các bậc Bồ Tát thì sẽ thấy ghế đó là loại ghế làm bằng thất bảo (bảy thứ báu). Cũng có khi, ghế thất bảo có nghĩa đó là một cái ghế làm bằng thất bảo của một vị vua nào đó cúng dường Phật, nhưng nếu nói đến phương diện duy tâm sở hiện thì là tùy nơi con mắt người nhìn.

KINH: Xoay về Tử Kim Sơn, trở lại dựa nơi ghế, bảo khắp đại chúng và ông A Nan rằng: Bọn ông là hàng Duyên Giác, Thanh Văn hữu học…

GIẢNG: Ý Ngài muốn nói các đệ tử Thanh Văn, Duyên Giác hàng hữu học chưa hiểu rõ về Như-Huyễn-Tam-Ma-Đề.

KINH: Ngày nay đã hồi tâm hướng về Vô Thượng Diệu Giác đạo Đại Bồ Đề, và tôi cũng đã chỉ dạy phép tu chân chính.

GIẢNG: Phép tu chân chinh là phép tu “Như-Huyễn-Tam-Ma-Đề. ” trong Bồ Tát đạo để đắc tới quả Phật, chứ không phải đắc cái Niết Bàn một ngày của hàng Thanh Văn.

KINH: Nhưng các ông còn chưa biết những ma sự nhỏ nhiệm trong lúc tu chỉ, tu quán.

GIẢNG: Tu chỉ là tu “không tam muội”, còn tu quán là tu về giả và trung, tức là như huyễn tam ma đề. Thế nhưng pháp môn của Thanh Văn cũng có chỉ, quán. Nhưng cái chỉ, quán có khác.

KINH: Nếu cảnh ma hiện ra, ông không biết được thì sẽ tu tâm không đúng và mắc vào tà kiến; hoặc bị ma ngũ ấm của ông, hoặc bị Thiên Ma, hoặc mắc quỷ thần, hoặc gặp lỵ mỵ…

GIẢNG: Ngài kể mấy thứ có thể làm cho hành giả bị hại vì ma. Một là ma ngũ ấm là những phiền não trong tâm hành giả, khi những phiền não trong ngũ ấm khởi lên đều chiêu cảm ngoại ma tới. Sau này sẽ nói rõ. Hai là bị Thiên Ma hay mắc quỷ thần, vì có những loại quỷ thần có thần thông đều có thể làm hại hành giả được. Hay gặp lỵ mỵ, đó là những loài vật như báo, trăn, hồ ly, nhẫn đến những cây cổ thụ sống ngàn năm, hay những hỏn đá, vân vẩn, cũng có thể thành một loài tinh mỵ được. Nên phải hiểu pháp giới biến hiện ghê gớm, không phải chỉ nói suông tưởng tượng đâu. Nên ở đây, Ngài dạy chúng ta phép tu chân chính để có thế thoát những ma chướng ấy.

KINH: Mà trong tâm không rõ, nhận giặc làm con…

GIẢNG: Những loài ma có nhiều sức thần thông rất lạ. Đôi khi nó có thể khiến cho người tu nói pháp được rất hay, rất quyến rũ, những lời trong bài nói pháp ấy chín phần đều đúng, chỉ có một phần là đưa vào tà đạo. Cũng như những tụi đi lừa đảo lừa người rất giỏi, nói rất đúng, nhưng chỉ có một vài câu sai mà ít ai để ý.

KINH: Lại nữa, có khi được một ít đã cho là đủ…

GIẢNG: Ấy gọi là “tăng thượng mạn”. Dụ như một hành giả tu thấy một cảnh giới vi diệu như thấy một đóa sen, chung quanh bừng sáng những hào quang chói lòa, hay cảm thấy trên đầu bốc một ngọn lửa sáng ngời mà không làm cho hành giả cảm thấy nóng, ngược lại, thấy trong tâm rất an lạc, mát mẻ, thì vội cho rằng ta đã đắc đạo rồi. Đó đều là sai.

KINH: Như Vô Văn Tỳ Kheo được tứ thiền, nói ta là chứng bậc thánh; đến khi quả báo chư thiên hết, suy tướng hiện ra, thì phỉ báng quả A La Hán còn phải thụ sinh nên đọa vào ngục A Tỳ…

GIẢNG: Đó chính do lòng ngã mạn, được một chút tưởng rằng đã chứng đắc rồi, nên rơi vào tà kiến, làm quyến thuộc của ma. Như chuyện Vô Văn tỳ kheo, tức là Thiện Tinh tỳ kheo, đắc được tứ thiền. Ở mức thiền định này đã là rất cao, có thể bặt được hơi thở, chui xuống đất nằm nhiều tháng cũng không chết, cũng đã biết phóng hào quang và một chút biến hóa. Đệ tứ thiền cũng gọi là “bất động diệt vô vi”, nhưng chưa phải là vô vi của “vô sanh pháp nhẫn” (đệ bát địa). Vị tỳ kheo này cũng lạ, chỉ mới lên được đệ tứ thiền nhưng luôn nhận mình đắc quả A La Hán. (Đệ tứ thiền chỉ có định lực thôi, có thể làm bặt được hơi thở nhưng phiền não tham, sân, si vẫn còn, muốn được quả vị A La Hán thì phải diệt được những phiền não của tham, sân, si về phần thô). Vị tỳ kheo này cứ mỗi lần Phật đi vào thành khất thực là ông thường đi theo sau, mỗi chỗ Phật đi qua đều in lại dấu chân ngàn xoáy trên đất, người nào may mắn trông được vết chân Phật cũng tiêu trừ được nghiệp chướng nhiều. Nhưng vị này cứ đi theo sau Phật và xóa hết những dấu chân ấy. Vì nghĩ rằng, mình đã đắc quả A La Hán đến khi chết, thấy suy tướng hiện ra, bèn phỉ báng lời Phật về quả A La Hán nên phải đọa vào địa ngục A Tỳ. Đó là chuyện của Vô Văn Tỳ Kheo, “vô văn” có nghĩa là không biết nghe, không biết gì mà cứ cho mình đắc quả càn bậy như vậy. Nên Phật mới cảnh giác rằng, đừng nên giống như vị Vô Văn tỳ kheo ấy, tu hành được một ít, tưởng đã đắc quả thánh thì sẽ bị rơi vào lưới ma, sau sẽ bị đọa địa ngục.

KINH: Tâm thể giác viên bản giác diệu minh cùng thập phương chư Phật không hai, không khác.

GIẢNG: Kinh Lăng Nghiêm khó hiểu vì chồng chất những danh từ, mà chữ nào cũng hơi giống nhau. “Tâm thể giác viên bản giác diệu minh…” có nghĩa như Chân Tâm diệu minh. Đoạn này, ý Ngài muốn dạy rằng, tâm chúng sanh và tâm Phật vốn không khác, chỉ khác ở chỗ Mê và Giác thôi.

KINH: Do vọng tưởng, các ông mê chân lý thành ra lỗi lầm. Si ái phát sanh, sinh mê cùng khắp nên có hư không; hóa mãi cái mê không thôi, nên có thế giới sinh ra…

GIẢNG: Thế nào là si? Si chính là niệm vô minh khởi lên. Ta chính là biến chân tâm diệu minh thanh tịnh tuyệt vời, trong đó không có một vật, hốt nhiên khởi lên một móng niệm, tự tách ra rồi quay trở lại tự chiếu soi chính nó. Đó gọi là Si. Khi tự chiếu soi đến một mức độ lóe ra nhiều cảnh giới lại khởi tâm ưa thích (ái) cảnh giới ấy. Như chàng Diễn Nhã, hốt nhiên tự soi gương, nhìn thấy khuôn mặt đẹp đẽ, nhưng không nhận ra đó chính là khuôn mặt của mình (si), sau đó lại khởi tâm ưa thích cái mặt ấy (ái), nên càng đi sâu vào vọng hơn. Mê muội vi tế kết thành hư không. Mê muội thô thành cảnh giới.

HỎI: Si, ái sinh ra thế giới hữu lậu. Còn thế giới vô lậu thì cái gì sinh ra?

ĐÁP: Trong kinh Hoa Nghiêm, pháp giới này được dựng lên bởi ba biển: thần lực hải của chư Phật, nguyện lực hải của chư đại Bồ Tát, và nghiệp lực hải của toàn thể chúng sanh. Si ái (nghiệp lực hải) sinh ra cõi hữu lậu. Còn thần lực hải và nguyện lực hải sinh ra cõi vô lậu. Cũng như cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà không phải do nơi si ái của chúng sanh mà có, mà do thần lực từ lòng đại bi bình đẳng của Ngài A Di Đà hóa hiện ra để độ chúng sanh (cõi vô lậu).

Vì si ái ấy, nên quên rằng ta chính từ biển chân tâm diệu minh ra, rồi khởi tâm tự chiếu soi, làm lóe lên nhiều cảnh giới và đắm nhiễm, ưa thích nó, dần dần kết lại thành vật. Nhưng khởi đầu, si ái còn trong phạm vi mê muội vi tế nên kết thành hư không trước. Sau cái mê hóa mãi không thôi, càng ngày càng đắp đổi, càng dày lên những vọng hiện lên thành sắc tướng, từ đó thế giới được thành lập. cần hiểu rằng, hư không và thế giới ấy cũng là một và cũng là khác, vì cũng từ một mà sinh, nhưng tầng lóp mỗi khác, một đằng vi tế, một đằng thô kệch hiện tướng. Đằng kia có vẻ như ánh sáng (hư không), đằng này cũng là ánh sáng, nhưng nó tối tăm hơn, đậm nét hơn.

KINH: Các cõi nước số như vi trần ở thập phương, trừ cõi vô lậu, đều do vọng tưởng mê lầm kiến lập.

GIẢNG: Ban đầu vì si, ái nên bắt đầu có hư không, dần dần hiện ra sắc tướng, các cõi hữu lậu mà chúng sanh phải trôi lăn hiện lên như vi trần. Chỉ trừ các cõi vô lậu, tức là những cõi Tịnh Độ, do thần lực của chư Phật, và nguyện lực của Đại Bồ Tát tạo dựng lên, còn tất cả cõi lực đều từ vọng tưởng mê lầm kiến tập. Vì vậy, trong kinh Lăng Già có chỗ Phật nói thật hay. Lúc đó, đức Phật ngồi ở bìa rừng nói với A Nan rằng: Này ông A Nan, một hôm ta cũng ngồi ở bìa rừng như thế này, có một vị Bà La Môn đến, chẳng kịp lễ lạy mà cật vấn ngay rằng, thưa sa môn Cù Đàm, thế giới này là tạo ra chăng? (tức là có phải có một đấng Thượng Đế nào đó tạo ra hay có cái gì sanh ra thế giới này chăng?) Ta trả lời rằng, đó là thế luận (hí luận) thứ nhất của các ông, (chứ không phải Ngài nói rằng thế giới này được tạo ra). Vị Bà La Môn lại hỏi thêm rằng, vậy thì thế giới này chẳng tạo ra chăng? Ta lại trả lời rằng, chẳng phải tạo ra là thế luận thứ hai của ông. Sau đó vị Bà La Môn lại dồn dập hỏi luôn một hơi, thế giới là đoạn chăng? Là thường chăng? Là chẳng thường chăng? Là sát na chăng? Có nhân chăng? Không nhân chăng? Phật ôn tồn trả lời rằng, đó là những thế luận của các ông, chẳng phải chỗ ta nói. Ta chỉ nói rằng, tất cả thế giới này khởi lên do những vọng tưởng mê lầm tích lũy từ vô thủy mà ra.

KINH: Nên biết hư không sinh ra trong tâm ông… ,            ,

GIẢNG: Cái hư không rộng lớn ấy cũng từ trong tâm của ông ánh ra.

KINH: Cũng như một chút mây điểm trên vùng trời, huống nữa là các thế giói ở trong hư không.

GIẢNG: Hư không rộng lớn bao la thế mà chỉ nổi lên trong tâm ông tương tự như một đám mây nhỏ nổi lên nền trời xanh mà thôi. Và tất cả pháp giới sơn hà hải địa này cũng thế, đều từ trong tâm ta ra cả. Đủ biết cái tâm bất tư nghì đến dường nào.

HỎI: Cái tâm “bất tư nghì” ấy cũng là cái tâm mê vọng phải chăng?

ĐÁP: Không, cái tâm ấy chính là diệu tâm, còn những niệm mê vọng khởi lên từ diệu tâm làm hiện lên những cảnh giới thôi.

Trong kinh có cái khó là chữ dùng hay giống nhau. Cũng dùng một chữ “TÂM” nhưng có lúc Ngài ám chỉ vọng tâm, khi lại có nghĩa là chân tâm, người học phải biết khi nào chân, khi nào vọng. Diệu tâm rất bao la, trong ấy khởi những đợt sóng, những cơn lốc vọng vi tế tạo thành hư không, rồi cứ xoay vần theo vọng mãi không thôi, thì nó sẽ đặc lại thành thế giới. Vậy thì, Phật dạy hư không được dệt còn những gì có hình tướng được tạo nên do những vọng tưởng thô kệch của chúng sanh.

KINH: Một người trong các ông phát minh được chân lý.

GIẢNG: “Phát minh được chân lý” là hiểu được cái chân, cái vọng rồi.

KINH: Trở về bản tính…

GIẢNG: Là tu hành Như Huyễn Tam Ma Đề để trở về bản tính của Như Lai Tạng Chân Như nhiệm mầu.

KINH: thì hư không thập phương thảy đều tiêu mất…

GIẢNG: Khi một hành giả tu đến chỗ trở ve được diệu tâm thì mọi sắc tướng sơn hà, đại địa, nhẫn đen hư không cũng đều tiêu dung, không cỏn mảy mún gì.

KINH: Làm sao các cõi nước hiện có trong hư không ấy, lại không rung động…

GIẢNG: Ý ngài muốn nói rằng, nếu có một người trong các ông hiếu lối duy tâm sở hiện, tu hành như huyễn tam ma đều trở được về bản tính diệu tâm ấy, thì “hư không thập phương thảy đều tiêu mất”. Nhưng cái hư không thập phương mất đối với vị hành giả đó thôi, còn chúng sanh khác thì tất cả vẫn còn. Tuy nhiên, các cõi nước đều bị rung động bởi sức chuyển tâm của hành giả.

KINH: Các ông tu thiền định, trau dồi phép Tam Ma Đề, tâm được thông suốt, ám hơp với các vị Bồ Tát và các vi vô lậu đại A La Hán thập phương thật sự vắng lặng thì tất cả Ma Vương, quỷ thần, loài trời, phàm phu, đều thấy cung điện mình không cớ gì đổ vỡ, đất liền rung động, các loài thủy lục bay nhảy đều kinh sợ.

GIẢNG: Khi một hành giả tu lên mức làm tiêu dung được sắc tướng của các cõi và hư không, thì tất cả pháp giới bị rung động, trong sự rung động ấy, những cung điện của Ma Vương, các vị quỷ thần trung bình, hay các loài trời không cớ gì đều bị đổ vở. Vì thế, Ma Vương và Thiên ma mới cần phải tới quấy phá.

KINH: Phàm phu tối tăm không rõ, còn bọn kia đều được năm thứ thần thông, trừ lậu tận thông, đương luyến tiếc cảnh trần lao, làm sao lại để cho ông phá hoại chỗ ở? Vậy nên các loài quỷ thần, Thiên Ma, vọng lượng, yêu tinh, trong lúc ông tu phép tam muội đều đến quấy phá.

GIẢNG: Phàm phu ngu si tối tăm khi thấy đất trời rung động không biết vì cớ gì, nhưng các vị Ma Vương và những loài quỷ thần khác có năm thứ thần thông (thiên nhãn thông, túc mạng thông, thiên nhĩ thông, như ý túc thông và tha tăm thông), vì luyến tiếc cảnh trần lao thì không bao giờ chịu để cho người tu hành phá hoại cung điện của họ. Ma Vương trên đảnh trời dục giới thường hay hóa hiện ra rất nhiều cảnh đẹp, như hóa hiện ra thiên nữ múa hát, vậy mà người tu hành làm cho dục giới ấy đổ vỡ, dĩ nhiên là họ không chịu rồi, phải tìm cách phá là chuyện đương nhiên. Ngay cả những loài quỷ thần cũng thế, cũng có nhiều đền đài cung điện và nhiều người phục tùng, họ vẫn còn tâm ưa thích những thứ đó, mà có một người tu làm rung rinh thì họ dễ nổi giận dữ. Còn loài tinh mị yêu quái (như một con hổ trong rừng tu luyện thành tinh), gặp phải người tu huyễn tam ma dề, thân tâm hành giả chiếu ra những hào quang thanh tịnh, mà tám thức của loài đó lại đục ngầu, nên bị va chạm thương tổn thì đương nhiên họ cũng không để hành giả được yên mà tìm mọi cách quấy phá.

KINH: Song các ma kia tuy có giận dữ, nhưng bọn chúng trong trần lao, các ông ở trong diệu giác, thì cũng như gió thổi ánh sáng, như dao chém nước, hẳn không đụng chạm nhau được.

GIẢNG: Những vị tu Như Huyễn Tam Ma Đề lên những bình diện cao, đã vượt qua sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, qua cả hành ấm, mấp mé vào thức ấm, còn những bọn ma kia ở trong trần lao, tức là trụ trong quang minh thấp kém hơn, nên quang minh của Ma không làm gì dược. Nhưng nếu hành giả khởi tâm sai lệch, thì có một kẽ hở, ma có thể lợi dụng kẽ hở ấy mà lọt vào hại được.

KINH: Các ông như nước sôi, bọn kia như giá cứng, tạm gần hơi ấm thì không bao lâu sẽ tiêu tan. Chúng nó luống ỷ thần lực, nhưng chỉ làm người khách. Nếu chúng nó có thể phá rối được là do người chủ ngũ ấm trong tâm ông, nếu người chủ mê lầm, thì khách được dịp quấy phá.

GIẢNG: Cái tâm bên trong hành giả là chủ, mà nếu tâm đó cũng lầm lạc vào tà đạo thì tà ma bên ngoài mới có thể nhiễu hại. Còn như tâm thanh tịnh, trong sáng, ngoại ma không thể quấy phá được. Vậy thì trong khi tu thiền, nếu hành giả khởi những tâm niệm sai lệch, tự mãn, tăng thượng mạn, tham dục, sân hận, tà kiến, vân vân, đều là mở cửa mời ma vào nhiễu hại.

KINH: Đương lúc tu thiền, giác ngộ không lầm, thì các ma sự kia không làm gì ông được. Khi năm ấm đã tiêu trừ, vào tính sáng suốt, thì bọn tà ma kia là kẻ tối tăm, sáng phá được tối, đến gần tự phải tiêu mất, làm sao còn dám ở lại quấy phá thiền định?

GIẢNG: Khi ngữ ấm tiêu trừ, hành giả đi gần đến diệu tâm thì vào được tính sáng suốt, mà bọn tà ma kia chỉ được dệt nên bằng những quang minh thấp và thô kệch, thì sáng sẽ phá trừ tối tăm, bóng tối tự phải tiêu diệt, làm sao mà có thể quấy phá được nữa?

KINH: Nếu không tỏ ngộ bị ngũ ấm làm cho mê lầm, thời chính ông là A Nan lại phải làm con của ma và thành người ma.

GIẢNG: Nếu ngũ ấm khởi lên mê lầm lệch lạc thì chính ông A Nan là đệ tử thân yêu của Phật, là người đã dày công tu hành nhiều kiếp, cũng trở thành con của ma và thành ma dân.

KINH: Như nàng Ma Đăng Già sức còn hèn kém, chỉ dùng chú thuật bắt ông phá luật nghi của Phật; trong tám muôn hạnh chỉ phá một giới; nhưng vì tâm ông thanh tịnh nên vẫn chưa chìm đắm. Bọn ma này thì phá hoại toàn thân bảo giác của ông, như nhà quan tể thần, bỗng nhiên bị tước hết, tịch thu hết linh đinh quanh lộn không thể nương cứu.

GIẢNG: Nàng Ma Đăng Già sức còn non nớt, chỉ dùng một ít chú thuật của ngoại đạo mà khiến cho ông A Nan gần phá giới thể rồi. Mà nàng Ma Đăng Già vẫn còn là nạn nhỏ, chỉ bị phạm có một giới thôi, còn bọn ma này có thể phá toàn giới thân huệ mạng, tương tự như một người làm quan lớn, vì một lỗi lầm nào đó, bị nhà vua tịch thu tước quyền và tài sản không còn một mảy may gì.

Đó là những câu ráo đầu về ma sự. Nay, ta bắt đầu bước vào những cảnh ma sự thuộc sắc ấm.

KINH: A Nan nên biết, ông ngồi đạo tràng tiêu diệt các niệm, niệm đó nếu hết thì tâm ly niệm sáng tỏ tất cả, động tĩnh không rời, nhớ quên như một.

GIẢNG: Khi hành giả ngồi đạo tràng tu như huyễn tam ma đề, thì dần dần lúc đầu chưa tiêu diệt nổi ngay được sắc ấm, nhưng hành giả rút được thần thức vào sâu, tiêu dung được giác và quán, tức là cái biết và xét nghĩ, và lặng lẽ vào nhị thiền. Khi tiêu dung được giác quán, thì hành giả không cỏn khởi lên những niệm phân biệt nữa, động và tĩnh, nhớ và quên không khác. Tâm lặng lẽ vui mừng.

KINH: Đương khi an trụ nơi chỗ đó mà vào tam ma đề, thì như người tỏ mắt ở chỗ tối tăm, tính biết được diệu tịnh, nhưng tâm chưa phát ra trí sáng suốt. Thế thì gọi là phạm vi của sắc ấm.

GIẢNG: Lúc bấy giờ, phạm vi của sắc ấm vẫn còn, nhưng hành giả đã rút được thần thức đi qua thọ ấm, vào tưởng ấm khiến cho hành giả ly được niệm, niệm không cỏn nữa, gần gần ở bờ mé của định, lúc đó bắt đầu hành giả có được tâm nhãn, không cần nhìn bằng mắt nữa, vì vào đến thọ ấm thì có được thiên nhãn, vào tưởng ấm thì có được một chút huệ nhãn, những thứ nhãn ấy, chỉ có một cách mập mờ, ẩn hiện, mà chưa được thuần thục.

Trở lại tâm trạng của hành giả trong đoạn kinh trên, tâm nhãn mới khởi lên, nhưng còn bị vướng ở sắc ấm, cũng như người có mắt sáng mà đi ở nơi tối tăm, chưa nhìn thấy rõ, vẫn chỉ thấy lờ mờ.

KINH: Nếu con mắt sáng tỏ, mười phương rộng mở không còn tối tăm nữa thì gọi là hết sắc ấm. Người đó mới có thể vượt khỏi kiếp trược, xét lại nguyên do thì cội gốc là vọng tưởng kiên cố.

GIẢNG: Khi tu dần lên cao, thì tâm nhãn sẽ sáng hơn, quán chiếu sắc ấm mạnh hơn, lúc đó sắc ấm bị tiêu dung hành giả sẽ nhìn thấy thập phương rộng mở. Như thế, hành giả vượt khỏi “kiếp trược ”. Kiếp trược là khi trong tàng thức khởi lên những lượn sóng si ái, khiến dần dần hiện lên hư không (cho trong sáng) và sắc tướng (chỗ đặc và tối) thì lúc đó chúng ta bước vào kiếp trược. Nhưng sau đó, tâm thức van tiếp tục đi vào vọng sâu hơn, để thành hình những kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược chung. “Xét lại nguyên do thì cội gốc là vọng tưởng kiên cố… ” Lời kinh nói rất cô đọng, Ngài chỉ nói “xét lại nguyên do…’’ mà không biết nguyên do là cái gì? Nhưng suy nghĩ lâu mới hiểu rằng, sắc ấm ấy chỉ là vọng tưởng kiên cố.

KINH: 1) A Nan, chính đương trong lúc chín xét tính diệu minh, tứ đại không kết hợp, thì trong một thời gian ngắn tâm có thể ra khỏi các ngăn ngại, ấy gọi là tỉnh minh trào ra tiền cảnh. Đó chỉ do công dụng tạm được như thế không phải là chứng bậc thánh. Nếu không nhận là chứng ngộ, thì cũng gọi là cảnh giới tốt, nếu nghĩ là chứng bậc thánh, thì liền mắc vào các tà kiến.

GIẢNG: Khi hành giả tu hành rút được thần thức lên trên quá tưởng ấm, quay lại, quán chiểu sắc ấm (thân), và thấy rằng chính thân ấy là do quang minh của những vọng tưởng kiên cố dệt nên, không phải thực có. Trong khi quán sát như thế, tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) không còn kết hợp chặt nữa, lỏng ra, vì nhịp rung chuyến của quang minh tâm thức biến đổi. Lúc đó, trong một thời gian ngắn, tâm có thể trào ra khỏi các ngăn ngại của sắc ấm, đó gọi là tinh minh trào ra tiền cảnh. Đó chỉ là do dụng công tạm được như thế, chứ chưa phải chứng bậc thánh, nếu chấp rằng mình có chứng đắc thì sẽ rơi vào tà kiến.

KINH: 2) A Nan, lại đem cái tâm ấy, chín xét tính diệu minh, trong thân trở nên rỗng suốt, người đó bỗng nhiên ở trong thân mình nhặt ra thứ giun, sán mà cái thân vẫn y nguyên, không bị tổn thương. Ấy gọi là tỉnh minh trào vào hình thể, chỉ do tu hành tinh tấn tạm thấy được như vậy. Nếu không nhận là chứng ngộ thì cũng gọi là cảnh giới tốt, nếu nghĩ là chứng bậc thánh liền mắc các tà kiến.

GIẢNG: Bao giờ Ngài cũng lặp đi lặp lại câu này: “mang ngọn đuốc của tâm mình suy xét chín chắc tính diệu minh.” quán cái thân này là do quang minh kết hợp, là như huyễn, quán lâu dần sẽ thấy thân mình trong suốt và nhìn thấy những con thi trùng (giun, sán), cầm nhặt ra một cách dễ dàng mà thân không cảm thấy đau đớn, sứt mẻ gì. Nói một cách dễ hiểu hơn, khi hành giả qăn chiếu lâu dần, sức của tâm (định lực) lần mạnh, tâm nhãn nhìn qua được thân không lưu ngại, thấy trong suốt, nhìn thấy đủ mọi thứ trong thân một cách rõ ràng, ngay cả những con giun, sán (là một sinh vật khá nhỏ bé) cũng nhìn thấy rõ ràng, vì lúc đó thân không còn lưu ngại nữa, vì tất cả quang minh tâm thức đã thay đổi lên một nhịp điệu cao hơn, nên thân không lưu ngại nữa. Vì vậy, tu lên mức độ này thì ví dụ như có người cầm dao đến chém cũng không bị tổn thương. “Ấy gọi là tinh mình trào vào hình thể. “ tức là những rung động vi tế của tâm tinh minh sáng suốt truyền vào hình thể sắc ấm thô kệch này. Đó chỉ là do hành giả tinh tấn dụng công nên tạm thấy như thế, không phải là chứng bậc thánh, nếu biết thế thì cũng gọi là cảnh giới tốt, còn nếu chấp vào sự chứng đắc cảnh giới ấy, thì sẽ mắc vào tà kiến.

KINH: Lại dùng cái tâm chín xét trong ngoài…

GIẢNG: Ở trên, Phật dạy dùng cái tâm chín xét tính diệu minh, quán sắc ấm này là huyên, quán lâu sẽ thấy quang minh của tâm thức bắt đầu chuyển biến, có được một ít tâm nhãn, có thể nhìn thấy xuyên qua thân mà không có gì lưu ngại, lúc đó hành giả sẽ suy xét chín chắn cái ngoài thân và trong thân, nên Phật mới nói ‘‘dùng cái tâm chín xét trong ngoài” là vậy.

KINH: Khi đó, ý thức tư tưởng, ngoài bản thân ra, còn bén vào các nơi khác, đắp đổi làm khách, làm chủ, bỗng dưng ở giữa hư không, nghe tiếng thuyết pháp, hoặc nghe thập phương đồng diễn bày nghĩa thâm mật. Ấy gọi là tinh thần đắp đổi khi ly, khi hợp, thành tựu được thiện chủng, thì tạm được như thế, không phải là chứng bậc thánh, không nhận là chứng ngộ, thì cũng gọi là cảnh giới tốt, nếu nghĩ là chứng bậc thánh thì mắc các tà kiến.

GIẢNG: Sau khi hành giả dùng tâm ấy chín xét “trong-ngoài”, lúc đó, ý thức tư tưởng trào ra ngoài bén vào những nơi khác, nó thênh thang không cố định có thể đắp đổi làm khách, làm chủ, tức là chuyển từ chủ thể sang khách thể mà không còn phân biệt trong, ngoài nữa. Dụ như trông thấy con thằn lằn đương nằm sưởi nắng, hành giả có thế chuyến thức tâm của mình sang thức tâm con thằn lằn, thì lúc đó thẩn này sẽ trở thành khách và con thằn lằn kia trở làm chủ. Như vậy, hành giả có thế bén vào tất cả cảnh vật bên ngoài, cây cối, nhà cửa, nhẫn đến vào người, vật, đắp đổi làm khách, làm chủ lẫn nhau. Lúc đó, bỗng dưng trong hư không lại nghe có tiếng thuyết pháp rất thậm thâm vi diệu, đó chỉ là vì có tinh thần đắp đổi, khi ly, khi hợp mà thành tựu được một đạo lý thuần thiện, nên tạm được như thế, không phải chứng bậc thánh. Nói một cách khác, trường hợp này không phải như xuất hồn đâu, và còn cao hơn nhiều, Tâm ấy vừa quán chiếu trong, ngoài và lúc này tâm ấy thênh thang hơn, rộng mở hơn, dễ bén vào những cảnh giới bên ngoài, đắp đổi chủ, khách, lúc đó hành giả mới hiểu được tâm biến hóa vi diệu nhiệm mầu, và hiếu được về pháp duy tâm sở hiện. Rồi tự nhiên trên hư không, lại nghe được tiếng thuyết pháp, nhưng đừng chấp, cũng đừng khởi tâm sợ hãi những cảnh giới đó thì sẽ không đi vào tà kiến.

Chúng ta được túc duyên biết về pháp môn Tịnh Độ, trong những trường hợp cảnh giới thế này, điều hay nhất phải làm là nắm chắc câu niệm Phật và câu chú. Hơn nữa, câu chú còn là phương tiện thiện xảo chiêu cảm nhiều sức gia trì.

HỎI: Xin cho biết lối quán nhân duyên và quán như huyễn khác nhau ra sao?

ĐÁP: Quán nhân duyên là trường hợp thấy rằng thân căn này và tất cả pháp giới bên ngoài đều do nhiều nhân duyên tụ hợp lại, không có một pháp nào đơn thuần cả, duy trừ Diệu Tâm. Như con người là tổng kết của năm cái “chợ” nhóm hợp lại, chợ của những tế bào (sắc ấm), chợ của cảm giác (thọ ấm), chợ của những tâm tưởng (tưởng ấm), chợ của những ý chí phụt lên (hành ấm), và chợ của thức ấm. Tất cả những thứ đó, hội đủ nhân duyên sẽ tạo được một thân chúng sanh. Chính ra, cái ngã là Không, nhưng các vị Thanh Văn còn chấp nhân duyên vẫn thực có. Nên lối quán nhân duyên là một lối quán “như huyễn nửa chừng”. Vì chỉ biết được cái ngã là không, có thể đắc được quả thánh, nhưng vẫn tưởng những nhân duyên là thật có.

Tôi thường hay giảng nói và cảnh tỉnh người tu về vấn đề ma chướng, ma nữ, ma dân, vân vân. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu và nhận rằng, chúng ta đây cũng chính là những ma nữ, ma dân (kể cả chính tôi). Vì trong mỗi ngày, tâm niệm mỗi chúng ta khởi lên đều nhiều tà kiến chấp ngã lắm, vì những tâm niệm “hữu ngã” đều là ma cả. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tu hành mà không có Bồ Đề Tâm (tức là chấp ngã) đều là ma nghiệp.” Có thể nói, chúng ta mới hiểu đạo trên lý thôi, còn thực tế những ý tưởng, hành động, tạo tác thi vi vẫn là hữu ngã, vẫn thuộc về ma, và ta chưa ra khỏi dục giới này. Tất cả những tâm niệm vì danh vọng, tiền tài, vật chất, nhà cửa, xe cộ, tham dục, sân hận, si mê, vân vân, đều tạo ma nghiệp. Tu hành mà chấp ta tu, ta giỏi, ta đắc… đều là ma nghiệp. Chỉ trừ tâm Bát Nhã, Đại Bi và Bồ Đe Tâm. Một vị Bồ Tát sơ tâm nếu tâm vẫn còn hữu ngã, còn mong cầu một quả vị chứng đắc thì cũng vẫn dễ rơi vào ma nghiệp như thường.

Kỳ sau, tôi sẽ xin nói thêm một chút về ma sự trong sắc ấm, và tóm tắt con đường tu thiền quán, để biết rõ thiền nhà Phật khác với thiền ngoại đạo thế nào.