Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
(Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà)
Pháp Nhiên thượng nhân
Việt dịch: Hòa thượng Thích Giác Quả

 

CHƯƠNG XIV: CHƯ PHẬT CHỨNG THẬT

Đoạn văn diễn bày: Vô lượng chư Phật trong sáu phương không chứng thật các pháp tu khác, mà duy nhất chứng thật pháp tu Niệm Phật.

Trong “Quán Niệm Pháp Môn”, Đại sư Thiện Đạo nói rằng: “Lại như trong “kinh Di Đà” bảo rằng: Trong sáu phương, phương nào cũng có vô lượng, vô số (hằng hà sa số) chư Phật, đức Phật nào cũng hiện tướng lưỡi rộng dài che phủ cả một ngàn triệu thái dương hệ (Tam thiên đại thiên thế giới) nói lời chân thật: “Hoặc đức Phật tại thế hay sau khi đức Phật diệt độ, mọi phàm phu đã tạo tội, nếu hồi tâm niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà nguyện sanh Tịnh Độ, nhiều là niệm trọn đời, ít là niệm bảy ngày hay một ngày, thậm chí là niệm mười câu, ba câu hay chỉ một câu v.v… đến khi sắp lâm chung, đức Phật và Thánh chúng tự đến nghinh đón liền được vãng sanh.” Qua đây, vô lượng vô số chư Phật trong sáu phương đều hiện tướng lưỡi là hành động chứng thật rằng, tội chướng của hàng phàm phu được tiêu diệt để được vãng sanh. Nếu không nhờ chứng thật ấy mà được vãng sanh, thì chư Phật hiện tướng lưỡi trong sáu phương, sau khi thè lưỡi khỏi miệng thì không bao giờ co lại vào miệng được, và tự nhiên sẽ bị đốt cháy tiêu mất.

Đồng thời, trong “Vãng Sanh Lễ Tán” cũng trích dẫn “kinh A Di Đà” rằng: Như vô lượng vô số chư Phật ở phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, cho đến phương Trên, phương Dưới; vô lượng vô số chư Phật, mỗi đức Phật ở tại thế giới của mình của các phương trên đều hiện tướng lưỡi rộng dài che phủ cả một ngàn triệu thái dương hệ nói lời chân thật rằng: Chúng sanh các ngươi! Tất cả nên tin tưởng sự chứng thật ấy và tin tưởng Kinh được hết thảy chư Phật hộ niệm. Sao gọi là “Hộ niệm”? “Giả như có chúng sanh nào xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà hoặc bảy ngày hay một ngày, cho đến mười câu thậm chí chỉ một câu hay một niệm v.v… thì nhất định được vãng sanh; do chứng thật sự kiện này nên được gọi là “kinh Được Hộ Niệm”.”

Lại nói rằng:

Như Lai sáu phương thè lưỡi chứng,
Chuyên niệm danh hiệu đến phương Tây,
Đến rồi hoa nở nghe pháp mầu,
Hạnh nguyện Mười địa1 tự nhiên thành.

Tương tợ, trong “Quán Kinh Sớ” cũng trích dẫn “kinh A Di Đà” rằng: Lại nữa, chư Phật trong Mười phương lo sợ chúng sanh không tin tưởng lời thuyết giảng chỉ do một mình đức Thích Ca, nên vào thời điểm ấy chư Phật đồng tâm đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài che phủ cả một ngàn triệu thái dương hệ, nói lời chân thật rằng: “Chúng sanh các ngươi! Tất cả nên tin tưởng lời đức Phật Thích Ca đang thuyết giảng, đang tán thán, đang chứng thật là: Hết thảy phàm phu không kể có tội, có phước nhiều hay ít, đã tạo tác lâu xa hay hiện tại, chỉ cần hoặc là trọn đời cho đến bảy ngày hay một ngày, thuần nhất chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, thì nhất định vãng sanh, chắc chắn không có nghi ngờ.”

Tương tợ, trong “Pháp Sự Tán” nói rằng:

Thuần nhất niệm Phật chớ nghi ngờ,
Chư Phật sáu phương đã chứng thật,
Ba nghiệp tinh chuyên không tạp nhiễm,
Hoa sen trăm báu hiện tức thời.

Trong “Tịnh Độ Ngũ Hội Pháp Sự Tán”, Thiền sư Pháp Chiếu nói rằng:

Hạnh tu nhanh nhất trong vạn pháp,
Chẳng thể sánh bằng pháp Tịnh Độ,
Lời vàng không chỉ Thích Tôn dạy,
Chư Phật mười phương cũng ấn chứng.

Hỏi thêm rằng: Tại sao chư Phật trong sáu phương chỉ chứng thật pháp Niệm Phật?

Đáp: Nếu căn cứ vào ý kiến của Đại sư Thiện Đạo, pháp Niệm Phật chính là Bổn nguyện của đức Phật A Di Đà, do thế mới chứng thật pháp ấy; xét về các pháp khác thì không phải Bổn nguyện, nên không chứng thật là điều hẳn nhiên.

Hỏi: Nếu căn cứ vào Bổn nguyện của đức Phật mà chứng thật pháp Niệm Phật, thì hai Kinh và “kinh Quán Vô Lượng Thọ” đều có trình bày pháp Niệm Phật, tại sao không chứng thật?

Đáp: Giải thích vấn đề này có hai nghĩa – Thứ nhất: Trong hai Kinh và “kinh Quán Vô Lượng Thọ” v.v… dù có trình bày về Niệm Phật là Bổn nguyện, nhưng có trình bày thêm về các pháp tu khác, vì thế mà không chứng thật, riêng Kinh này (kinh A Di Đà), chỉ thuần nhất trình bày pháp Niệm Phật nên được chứng thật. Thứ hai: Trong hai Kinh và kinh Quán Vô Lượng Thọ”, dù không có lời chứng thật, nhưng Kinh này đã chứng thật, thì căn cứ Kinh này để liên hệ đến các Kinh kia; nghĩa là, nội dung các Kinh ấy có trình bày Niệm Phật là Bổn nguyện của đức Phật, thì vẫn chuyên chở ý nghĩa đã được chứng thật; tức là, chứng thật ở Kinh này thì ý nghĩa ấy xuyên suốt các Kinh kia. Do thế, Đại sư Thiên Thai ghi trong “Thập Nghi Luận” rằng:

Lại nữa, “kinh A Di Đà”, “kinh Đại Vô Lượng Thọ”, “kinh Cổ Âm Thanh Đà La Ni”2v.v… đều dạy: Khi đức Phật Thích Ca thuyết giảng Kinh này thì có vô lượng vô số chư Phật khắp thế giới trong mười phương, mỗi vị đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài che phủ cả một ngàn triệu thái dương hệ, để chứng thật cho lời đức Thích Ca là: Hết thảy chúng sanh niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, vì nhờ vào năng lực thệ nguyện Đại bi Bổn nguyện của Phật, mà nhất định vãng sanh thế giới Cực Lạc.