SAO TRỜI MÊNH MÔNG
Nguyên tác: Hán văn: “Hạo Hãn Tinh Vân”
của Lâm Thanh Huyền
Hạnh Đoan lược dịch
CHƯƠNG 11: VÂN THỦY
Có lần tôi đang đàm đạo cùng Đại sư, Ngài chợt mỉm cười bảo:
– Nếu như chú muốn viết kinh, thì có thể viết hai bộ kinh mà bất kỳ ai cũng không viết ra: đó là “Thùy Giác kinh” (kinh ngủ nghỉ), và “Lữ Hành kinh”
– Bạch, vì sao phải viết hai bộ kinh này ạ?- Tôi hỏi.
Đại sư cười, nói:
– Xuất gia từ thuở ấu niên tới giờ, lúc nào tôi cũng bận rộn đủ chuyện, hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi đàng hoàng. Có lúc mới nằm xuống giường, chưa kịp chợp mắt thì đã phải ngồi dậy để làm việc, tụng kinh, tổ chức công khoá.. bận đủ chuyện. Nhưng người ta đâu thể không ngủ? Bởi vậy, dần dần, tôi luyện được cách nghỉ ngơi đặc biệt cho mình, nghĩa là tôi có thể vừa ngủ vừa công tác, vừa ngủ vừa đọc kinh, vừa ngủ vừa theo công khóa sớm tối Hồi bé tôi thường ngủ trộm như vậy, thế mà cũng không bị sư phụ phát hiện ra. Trải qua mấy mươi năm, tới giờ thì ngay cả trong hít thở tôi cũng có thể đánh một giấc dài mà các đồ đệ cũng không hề hay biết.
Có lần tôi đang hướng dẫn chúng lễ Phật, vừa lạy xuống thì ngủ, nhịp chuông một tiếng, thì đứng dậy. Lạy thứ hai lại ngủ, nhịp chuông một cái thì đứng lên, và cứ như thế suốt, đến khi xong khóa lễ thì tôi cũng làm xong một giấc dài, thân tâm đều hồi phục sung mãn.
Có khi làm chủ lễ, khai lễ rồi thì ngủ, mãi cho đến khi Phật cũng lễ xong, kinh cũng tụng xong thì mới thức. Lạ ở chỗ là, các khóa lễ niệm Phật tụng kinh xưa nay tôi chẳng bao giờ làm sai hoặc có đứt đoạn, nên đại chúng hoàn toàn không hề biết là sư phụ của họ đã vân du phiêu bồng.. tận chín tầng mây!
Ngủ trong chớp mắt, ngay đó tỉnh liền
Đại sư kể:
Có lần tôi làm chủ trì pháp hội, hiện trường lúc đó có máy ghi âm. Lần đó sau khi ngủ xong, tôi ôm máy ghi âm ra kiểm tra lại. Nghe tiếng niệm Phật tụng kinh của mình từng chữ từng câu đều đều vang rõ mồn một, không hề sai sót tí ti, khiến tôi cũng cảm thấy phục mình không xiết kể, tự nhủ thầm: “Ối chà, Tinh Vân ơi là Tinh Vân ! Ông thật đáo để đấy nhé! Ngủ thế mà chẳng để lộ ra ngoài!
Rồi tôi đưa cho Từ Huệ, Từ Dung nghe. Sau đó, có một vài đồ chúng tìm đến, tôi mở máy họ nghe và bảo:
– Quí vị xem này, thật sự tôi ngủ suốt từ đầu đến đuôi đấy!
Bọn họ thưa:
– Bạch sư phụ! Hèn gì mà hôm ấy con nghe Ngài tụng niệm hay quá cỡ!
Nhắc đến câu nói dí dỏm của các đệ tử, Đại sư cũng không nín được, bật cười to.
Tôi nói :
– Bạch sư phụ, nếu viết truyện tích kể lại, thì có thể nói là “sư phụ thường ở .. trong định đấy!”
Đại sư bảo:
– Đấy là ngủ, chẳng lẽ tôi ngay cả nhập định và giấc ngủ cũng không phân rõ sao?
Đại sư là người ngay thẳng thành thực vô cùng, Ngài nói sở dĩ Ngài có được nhiều thời gian để làm biết bao công việc, tất cả là nhờ thời trẻ Ngài đã luyện được cái “công phu ngủ” này.
Mà các đồ đệ theo Đại sư cũng đều cảm nhận được rằng hình như Đại sư chưa xài hết sức mình, vì ngay cả khi ai nấy đều mệt phờ người, mệt muốn ngã lăn quay ra rồi mà sư phụ trông vẫn còn mạnh mẽ tỉnh táo lắm.
Chẳng hạn như chuyện đáp máy bay ra khỏi nước, chuyền phi cơ, sang xe; có người khổ sở vì thời tiết khác biệt, còn đang say sóng; ngã đông nghiêng tây, xìu tới ển lui” thì chỉ có mình sư phụ là vẫn bình thản và có đủ sức bắt tay làm việc tức thời.
Thí dụ như do lịch làm việc dầy đặc, bắt buộc phải quay gấp hai mươi mấy tập ” Tinh Vân Pháp Ngữ” cho tiết mục truyền hình, công tác thúc bách mệt đến nỗi sau đó chẳng ai còn sức để theo kịp Đại sư, các ban ghi âm, thu hình gì cũng đều mệt lả kham hết nổi; còn sư phụ dù đã lao động rất căng nhưng mặt vẫn tươi tắn, từng chữ từng lời nhả ra cứ như mây bay nước chảy.. Tất cả là nhờ tâm không phóng túng và biệt tài ngủ trong chớp mắt rồi tỉnh ngay của Đại sư. Việc này quả thật ít ai làm được.
Còn về “Lữ hành kinh”? – Tôi đến toà soạn “Tạp Chí Phổ Môn”, trong lúc lo tải đăng “Nhật ký Tinh Vân” liên tục, tôi chợt nảy ra một ý, bèn tìm trang thế giới địa đồ, kiểm tra và phát hiện ra một điều đáng nể: ít nhất mỗi tháng Đại sư đi vòng quanh thế giới một lần, có tháng đi rất nhiều lần, vừa ở Mỹ, Canada đó, thì thoắt cái đã sang Ấn Độ, Thái Lan. Vài ngày trước còn ở Pháp hay Nga; thì mấy ngày sau đã xuất hiện ở Nam Phi, Công Gô. Từ Nam chí Bắc từ Đông sang Tây đều in dấu chân Đại sư đi cùng khắp.
Đại sư nói:
– Ngày nay tôi đi cùng khắp thế giới, đáp phi cơ, đi xe, đi thuyền hoằng pháp.. xem ra rất bận rộn, bởi vì phạm vi di chuyển quá lớn. Song ngày xưa hoằng pháp nội trong Đài Loan, ngồi hỏa xa, xe hơi, thậm chí đi bộ, đi xe đạp, bôn ba đây đó cũng bận bịu giống vậy.
Ở Đài Loan, các nhân vật chính trị muốn tự quảng cáo cũng thường làm những chuyến công du khắp toàn tỉnh, đi ra tới đảo, để biểu thị mình là liêm chính, yêu dân, song thực sự ít nhiều gì họ cũng có tư lợi trong đấy.
Còn Đại sư ngót 50 năm nay, thường xuyên bôn ba đi khắp tỉnh, len lỏi vào khắp các ngõ ngách trong nhân gian hoằng pháp, nhưng hoàn toàn bằng tâm vị tha, vô ngã, vô vụ lợi.
Hiện nay, mặc dù Đại sư tuổi đã cao, song những chuyến đi chẳng những không giảm bớt mà còn tăng thêm. Mỗi lần nhìn thấy Ngài áo nhuộm phong sương, vượt ngàn trùng từ hải ngoại quay về, mà vừa về tới nơi là vùi đầu vào công tác ngay, tôi cảm thấy ngạc nhiên quá thể, không nén được phải buột miệng hỏi Ngài:
– Không lẽ sư phụ chẳng còn thời gian nào khác nữa ư?
Đại sư mỉm cười, đáp:
– Có, có chứ! Nhưng mà tuổi tôi đã cao, nếu lần lữa e sẽ không kịp!
Hiện nay Đại sư đi khắp thế giới. Có những vùng đất Ngài đi qua, ngoài tầm kiểm soát của Trung hoa Dân Quốc và có nơi không có trụ sở của tòa Đại sứ.
Nhưng nếu gộp lại những nơi Ngài từng đi qua và đem những vùng Ngài kiến lập Đạo tràng trên thế giới kiểm nghiệm lại, thì đây đúng là những “Sứ Quán Hoà Bình”. Những Sứ quán này hoàn toàn vượt xa các Sứ quán của Trung Hoa Dân Quốc.
Thế nhưng, nhắc đến hơn trăm Đạo tràng trên thế giới, sư phụ vẫn khiêm tốn nói:
– Tất cả đều do nhân duyên tạo thành mà thôi!
Đại sư bảo chỉ có các tự viện buổi đầu là Ngài nỗ lực sáng lập nên. Còn về sau, việc các Đạo tràng phát triển tăng tốc, có được tầm cỡ đại qui mô như thế này đều là do nhân duyên cả thôi
” Hai mươi năm trước, tôi được mời sang Mỹ dự lễ. Lần đầu đến Mỹ, thấy nước Mỹ văn hóa phong phú, có nhiều tài nguyên, dân tộc họ hòa bình, bao dung, thêm vào đó có rất nhiều người Trung Hoa di dân sang đây, rất cần được hướng dẫn về tâm linh. Tôi liền nảy ý muốn xây dựng một Đạo tràng tại Mỹ. Do Từ Trang là người có nhiều kinh nghiệm nhất nơi đất Mỹ, nên tôi đặïc cách giao trọng trách này cho Từ Trang.
Năm 1978 khởi sự xin phép, trước sau trải qua sáu lần đi gỏ cửa công, phải hội họp, dự thính, trải hơn trăm cuộc vận động, mãi đến năm 1985 mới được chấp thuận cho xây chùa, phải ba năm, chùa mới xây xong.
Nhớ lại thuở đầu kiến tạo chùa “Tây Lai” gian nan, Đại sư kể:
Hồi ấy, không riêng gì tín đồ ngoại giáo hằng ngày đến dưới núi làm đơn kiện cáo kháng nghị, mà ngay cả các pháp sư Trung Quốc tại Mỹ cũng đều viết đơn thưa gởi lên chính quyền yêu cầu dẹp bỏ Phật Quang Sơn, chuyện ầm ĩ đến mức sau đó các quan chức Mỹ thấy họ làm quá, chịu hết nổi, bèn tìm đến an ủi, động viên chúng tôi:
– Đừng thèm để ý tới họ làm chi! Chính phủ Mỹ đâu phải nghe theo họ làm gì!
Tấm bảng Phật pháp Tây truyền vượt không gian
“Tây Lai Tự” có thể nói là tấm bảng Phật pháp Tây truyền vượt muôn dặm trọng yếu của Đại sư, bởi vì nó hàm chứa ý nghĩa ” Phật pháp Tây lai” đặc biệt (đem Phật pháp truyền sang phương tây), từ nội dung lẫn hình thức đều được “Quốc tế hóa”. Chùa “Tây Lai” được kiến tạo bằng nhiều vật dụng đặc biệt chở từ các nước trên thế giới sang. Như tượng Phật, chuông mõ và gạch men thì mang từ Đài Loan qua, đá ốp lát thì của Ý, còn đá Hoa cương được xuất xưởng từ Trung Quốc. Thép sắt thì chở từ Hàn quốc, Phật cụ thì lấy từ Nhật Bản. Các thứ còn lại thì được bổ sung từ các sản vật tại Mỹ. Chùa “Tây Lai” mang đủ tính chất hiện đại lẫn truyền thống, truyền thống là các ngôi kiến trúc Đại Hùng Bảo Điện, Thiền Đường, Pháp Đường, Tàng Kinh Các v.v.. còn hiện đại là các hệ thống điện tử tối tân được trang bị cực kỳ hoàn hảo, rất tiện cho việc tổ chức đại hội và tất nhiên đây là một Trung tâm hội nghị vô cùng thích nghi, còn có cả trường “Đại học Tây Lai”.
Tôi đã nhiều lần được mời đến chùa “Tây Lai” diễn giảng, cũng từng ngụ qua đó, mỗi lần đến “Tây Lai” và đứng nơi hành lang, chiêm ngưỡng mái ngói đỏ tráng lệ và tường vách nguy nga, tôi có cảm giác như mình đang đứng giữa giao điểm Đông và Tây, giữa lằn ranh của truyền thống và hiện đại, lòng bỗng thấy xúc động sâu sắc.
Nếu nói chùa “Tây Lai” của Đại sư là cửa ngõ giao tiếp với muôn phương trên thế giới thì sẽ thầm thầm nhận ra dụng ý của Ngài, vì chỉ có kiến lập một ngôi tự viện trang nghiêm nề nếp; đầy khí phách, hoành tráng như thế này, mới có thể hoằng dương tôn chỉ “Phật Giáo Nhân Gian” tại đất Âu Mỹ, mới có thể thành lập được cõi Tịnh Độ tại phương tây.
Tháng 11 năm 1988 chùa “Tây Lai” được khánh thành. Ngay lúc đó Tạp Chí “Life” (là tờ báo hoằng pháp), đã tả chùa “Tây Lai” như là “Tử Cấm Thành” của nước Mỹ và còn ca ngợi đây là “ngôi chùa đẹp nhất Tây Bán Cầu!”
Sau khi chùa “Tây Lai ï” xây xong, phong trào học Phật ở Mỹ rộ lên, khởi sắc cực thịnh, liền theo đóù khắp nơi trên đất Mỹ nhiều Đạo tràng khác lần lược mọc lên, thảy đều dùng tên “Phật Quang Sơn” đặt cho Đạo tràng.
Tiếp sau nước Mỹ là các thành phố của của Canada, tất cả đều có tự viện Phật Quang Sơn.
Đại sư nói:
– Sau khi chùa “Tây Lai” xây xong, nhiều tín đồ pháp lữ Phật Quang Sơn khắp nơi trên nước Mỹ dốc sức xây dựng các Đạo tràng, Tịnh xá, đa phần đều do Phật tử tại đó phát tâm, chạy vạy quyên góp cả.. đây thật sự chẳng phải do Phật Quang Sơn có công năng đặc biệt, mà vì Phật pháp xưa nay vốn mầu nhiệm, chỉ bởi chưa hiển hiện ra thôi!
Tôi đã hai lần đến diễn giảng ở Mỹ, Canada, từng ghé qua nhiều Đạo tràng Phật Quang Sơn ở Bắc Mỹ, Đạo tràng nào cũng tôn nghiêm thanh tịnh và thành là Trung tâm tín ngưỡng của tín đồ Phật tử tại đó, các pháp sư nơi Đạo tràng này người nào cũng đều nhiệt tình vô tư lợi, đạo tâm kiên cố, khiến tôi cảm động vô cùng.
Chuyện thần kỳ khi kiến lập chùa “Hà Hoa”
– Bạch Thầy, sau đó, Đạo tràng Phật Quang Sơn đã được kiến tạo tại Âu Châu như thế nào?
Đại sư đáp:
– Xưa nay tôi vốn không ưa bàn về những điều thần bí, song Đạo tràng Phật Quang Sơn ở hải ngoại cũng có một chuyện tích làm xúc động lòng người.
Để tôi kể chuyện xây dựng Phật Quang Sơn ở Hà Lan cho mà nghe!
“Vào năm 1945 khi kháng chiến sắp kết thúc, La Phụ Văn là tình báo Quốc Quân, được lệnh đến Triết Giang chụp hình cây cầu sắt trên sông Tiền Đường, không may bị quân Nhật phát hiện, chúng nả đạn như mưa vào phi cơ, La Phụ Văn trong lúc nguy cấp phải nhảy dù thoát thân.
Trong lúc chạy trốn thì người bạn đồng hành bị trúng đạn chết, còn một mình La Phụ Văn tiếp tục bôn đào, trông thấy có cái miếu đá bên vệ đường, La liền chạy vào đó ẩn núp, ông nhìn lên thấy tượng Bồ-tát tạc cạnh đấy, vội chạy đến núp sau lưng Ngài.
La phụ văn vừa núp xong thì nghe tiếng giày của quân Nhật đuổi tới, La không dám thở mạnh, đinh ninh rằng phen này mười phần mình chết chắc chứ chẳng còn hi vọng gì. Thế nhưng quân Nhật lùng sục quanh đấy ngót mấy lượt, mà vẫn không phát hiện ra chỗ La đang ẩn núp, nên bỏ đi.
Đợi quân Nhật đi xa, La từ sau lưng Bồ-tát bước ra, mệt tới mức chẳng còn nhúc nhích gì nổi, đành đánh liều nằm ngủ đại nơi một xó trong miếu.
Sáng hôm sau, khi thức dậy ông chạy đến ngay trước tượng Bồ-tát, định lễ cảm tạ Ngài một chút rồi đi, nhưng khi nhìn lại chỗ mình vừa nấp đêm qua, La giật bắn người, ông bàng hoàng vì phát hiện ra tượng Bồ-tát được tạc trên vách đá, hoàn toàn không hề có chỗ trống nào để người ta có thể đứng núp ở phía sau. La chợt hiểu, hèn gì mà quân Nhật lùng sục kỹ thế mà vẫn không tìm ra ông. “Hoá ra Bồ-tát đã hiển linh, cho mình núp trong vách đá..” Khi đó La Phụ Văn xúc động quá, lệ tuôn như mưa, chẳng biết làm sao để đáp tạ ân Ngài. Bỗng dưng ông nhớ đến những lời hát trong vở kịch, liền chắp tay, chí thành khấn nguyện:
– Hôm nay nhờ ân Bồ-tát cứu mạng, ngày sau con nhất định đến trùng tu ngôi miếu và tô đắp lại kim thân Ngài.
Sau đó không lâu, Đại Lục bị bao vây, La Phụ Văn phải theo quân đội chạy sang Đài Loan, rồi được cử đến trông coi Đại sứ Quán ở Việt Nam, trước khi đi, bạn ông là Vương Hải Thọ tặng ông cuốn kinh: “Phổ Môn” để hộ thân, ông bèn mang cuốn kinh ấy theo. Về sau, do công tác thuyên chuyển đổi đi mãi, cuối cùng ông được phái đến Hà Lan. Sau khi nghỉ hưu ở Hà Lan, ông liền mở một nhà hàng chay Trung Quốc; trong tiệm ăn Trung Quốc này; nổi bật, bắt mắt nhất là Thánh tượng Bồ-tát Vi Đà, đây chính là kim thân của vị Bồ-tát từng đã cứu ông; khi ông bị quân Nhật truy đuổi ráo riết.
Hằng ngày ông chí thành lễ bái Thánh tượng, công việc phát đạt vô cùng. Tiệm của ông nổi tiếng là tiệm chay Trung Quốc ngon nhất.
Sau đó, La Phụ Văn bị bịnh, đành phải sang tiệm ăn cho người khác, nhưng ông giao ước với họ là phải tiếp tục thờ phụng Thánh tượng Bồ-tát như ông đã làm.
Bịnh ông ngày càng trầm trọng, thầy thuốc cho hay là bịnh đã nguy kịch lắm, chỉ còn chờ phát tang thôi. Vợ ông rất buồn rầu, bỗng bà nhớ đến vị Bồ-tát đã từng hiển linh cứu mạng ông và nghĩ: “Vì sao không đến cầu Ngài cứu thêm một lần nữa?”
Thế là bà dắt díu con cái đến lễ cầu Bồ-tát.
Nói ra cũng lạ, sau đó La Phụ Văn được lành bịnh.
Để cảm tạ Bồ-tát, họ bèn mua lại tiệm cơm ấy.
Một hôm, có người khách Trung Quốc đến tìm La Phụ Văn, La hỏi ông ta tìm mình có việc gì?
Ông ta đáp:
– Tôi muốn mời tiên sinh đến tụng cho mẹ tôi một thời kinh.
La Phụ Văn bảo:
– Uý trời ơi! Vì sao mà lại mời tôi đi tụng kinh chứ?
Người ấy kể lể:
– Mẹ tôi qua đời tại Hà Lan, trước lúc lâm chung có than, trối rằng bà chết ở đất khách quê người nên chẳng được ai tụng kinh tiễn đưa, e chết không nhắm mắt. Tôi nghe kể tiên sinh có mang theo bên mình một cuốn kinh Phật, mới đường đột thỉnh Ngài đến tệ xá, xin hãy vì mẹ tôi tụng kinh đưa tiễn dùm!
La Phụ Văn cảm thấy rất lạ, bởi vì bản thân ông từng trải qua hai kỳ tích, mặc dù tin Phật chí thành, nhưng hồi nào tới giờ ông chưa từng tụng kinh, thấy người này tận hiếu, bị lòng thành của ông ta làm cảm động, nên không nỡ từ chối, đành chẳng quản khó khăn, đi đến chỗ mẫu thân ông ta, tụng một biến kinh “Phổ Môn” tống biệt.
Ông làm giống y như học sinh tiểu học, chữ nào câu nào trong kinh cũng đều tụng hết. Việc này bỗng khai mở cho La Phụ Văn một ý quan trọng: “Rõ ràng là người Trung Quốc ở Hà Lan rất cần có chùa, thế thì tại sao không xây một ngôi chùa ở nơi đây? Như thế chẳng những ta có được pháp sư tụng kinh, mà Bồ-tát Vi Đà cũng có thể hộ trì giúp cho nhiều người!”
Thế là La Phụ Văn liền cùng người bạn thân tên Văn Cụ Vũ, sốt sắng hướng dẫn kiều dân ở đấy, đến trung tâm thành phố mua một cuộc đất giá ba mươi ngàn dollars Mỹ để xây dựng chùa và họ mời pháp sư Phật Quang Sơn qua khởi công xây dựng, làm trụ trì và hoằng pháp ở đây.
Đại sư nói:
– Nhân duyên đúng là khó nghĩ lường! Hai mươi năm trước tôi có đến Hà Lan, khi đó tín đồ chở tôi đến một nhà hàng Trung quốc để dùng điểm tâm, đối với tiệm cơm này tôi có ấn tượng sâu sắc lắm, vì hiếm thấy tiệm nào thờ Thánh tượng Bồ-tát Vi Đà cực lớn và tôn nghiêm như thế. Mười mấy năm sau, khi đồ chúng mách tôi là hiện có người đang quyên góp, họ đã mua được đất và ngỏ lời mời pháp sư Phật Quang Sơn qua xây chùa và trụ trì. Tôi liền đi Hà Lan, tới tiệm cơm La tiên sinh, vừa trông thấy tôn tượng Bồ-tát Vi Đà, tôi nhận ra đây chính là nơi hai muơi mấy năm xưa mình từng ghé qua dùng điểm tâm lần đầu, tức khắc tôi đồng ý ngay.
Chùa Hà Lan xây xong rồi, đặc biệt mời Nữ Hoàng Anh đến dự lễ khai mạc, chính phủ Hà Lan thấy chùa không có đèn chiếu sáng xung quanh liền hỏi sư Trụ trì ở đấy:
– Vì sao không chiếu đèn sáng xung quanh?
Trụ trì đáp:
– Vì tiền điện mắc quá, chúng tôi phải tiết kiệm!
Khi đó chính phủ Hà Lan liền hứa, sau này các chùa ở Hà Lan có xài đèn thì chi phí điện sẽ do chính phủ trả.
Đây quả là việc tốt lành, vì trước đây vùng này thường có bọn con nghiện đến tụ tập ở đây. Khi chùa được xây xong, có đèn chiếu sáng rỡ, đám người nghiện cũng giảm bớt đi”.
Nghe xong câu chuyện Đại sư kể về nhân duyên xây chùa ở Hà Lan, tôi cảm động hết sức, không nén được, nói:
– Chuyện hay quá!
Đại sư bảo:
– Đúng là câu chuyện quá thần kỳ, nhân duyên ngẫm ra thật khó nghĩ khó lường!..
Mỗi một ngôi chùa là một giai thoại
Chùa “Hà Hoa” xây rồi, việc hoằng pháp ở Âu châu của Phật Quang Sơn cũng bước vào giai đoạn phát triển cực thịnh. Tiếp theo đó là bên Anh có người xin hiến tặng một ngôi Giáo đường Thiên Chúa cho Phật Quang Sơn, rồi thêm một làng quê ở Pháp tình nguyện hiến tặng nữa, cả chính phủ cũng phụ trùng tu giúp, còn ở Thụy Điển thì Hội Hồng Thập Tự cũng phát tâm phụ giúp việc xây dựng Đạo tràng..
Đại sư nói:
– Những việc này không phải do sức mình tôi làm nên, mà là nhân duyên nó khiến thế!
Hơn tám trăm năm sau khi Phật nhập niết bàn, Phật pháp Đông truyền Trung Quốc, Nam truyền Thái Lan, Miến Điện.. Hơn hai ngàn năm sau khi Phật nhập diệt, Đại sư đã đem Phật pháp Tây thì truyền sang Mỹ, Canada, Bắc thì truyền Âu Lục, Đông thì truyền đến tận các vùng phương đông, Nam truyền xa đến tận Phi Châu, Úc châu.. Mặc dù Đại sư khéo đổ cho “nhân duyên”, nhẹ nhàng phủ nhận công sức mình, song nếu như không phải nhờ vào đức độ rộng lớn và tâm nguyện “rung chuyển trời đất” của Ngài, thì khó mà cảm ứng được vậy, biết bao nhân duyên khó nghĩ khó lường làm sao có thể nhất loạt hội tụ và xảy ra đúng lúc đúng thời lạ lùng như thế?
Bởi vậy, Hội trưởng Triệu Phác Sơ, một bậc đức cao vọng trọng của Phật giáo Đại Lục, trong những năm cuối đời đã tóm kết bằng một câu: ” Những việc Đức Phật làm chưa xong, thì nay có Tinh Vân hoàn thành tiếp rồi, chính phủ hai bờ không đạt tới đích, nhưng Tinh Vân thì lại đạt được!”
Từ khi ánh Phật quang chiếu khắp các châu Mỹ, Úc, Phi và hằng loạt ngôi chùa được khởi công xây, thì: “mỗi ngôi chùa là một giai thoại.” (nhất gian tự viện nhất thung mỹ đàm).
Năm 1988 nữ sĩ Thốn Thời Kiều là Hoa kiều cư trú ở Úc, bà đến Đài Loan thăm viếng Phật Quang Sơn, mời thỉnh pháp sư Phật Quang Sơn đến Úc xây dựng Đạo tràng. Cũng trong năm ấy, Từ Dung được mời sang Úc gặp Thị trưởng thành phố Ngọa Long Cương là Frank Arkell, được nghị viên toàn thành trợ giúp, hiến tặng vùng đất 26 mẫu anh.
Năm sau, sư phụ dẫn chúng đến Úc khảo sát và mua thêm cuộc đất hai trăm mẫu anh nữa. Năm 1990, Thị trưởng Frank Arkell và B. H. P được phái đến Phật Quang Sơn Cao Hùng để tham dự tổ chức “hội nghị Học Thuật Sắt Thép Quốc Tế” và trú qua đêm tại Phật Quang Sơn, khi họ tận mắt nhìn thấy Phật Quang Sơn hùng vĩ trang nghiêm, và chứng kiến cảnh sư phụ giảng kinh cực thịnh tại “Nhà Kỷ Niệm Quốc Phụ”, họ cảm động quá, liền phát nguyện dốc toàn lực ủng hộ việc xây chùa Nam Thiên ở Úc châu. Ngày khánh thành, các báo chí nơi đó đều loan tin và đăng tải việc này lên trang đầu, Tỉnh Trưởng New South Uy Nhĩ Tư là Bốc Phác Nhất, hướng về Đại sư ngỏ lời cảm tạ, cảm tạ Đại sư đã nhìn xa trông rộng cho xây chùa tại Úc châu và đặt tên là “Nam Thiên”, Ngài đã khai sáng nền văn hóa Phật giáo, để chúng sinh ở Nam bán cầu được biết đến đạo pháp. Tiếp theo là “Giảng Đường Nam Thiên” ở Sydney, chùa “Trung Thiên” và “Giảng Đường Trung Thiên” ở Côn Sĩ Lan. “Trung Tâm Thiền Tịnh” ở ven biển Hoàng Kim, (Golden coast) Queensland, “Đạo tràng Tây Úc” ở Pert, “Đạo tràng Phật Quang Sơn” ở Melbourn, ” Đạo tràng Phật Quang Duyên” ở Bắc đảo và “Phật Quang Sơn” ở Nam đảo New zealand, toàn bộ vùng New Australia đều được ánh Phật quang soi rọi cùng khắp.
Sau khi xây chùa ở Úc châu, nhân duyên lập Đạo tràng ở Phi Châu cũng chín muồi.
1992 Nghị trưởng Hán Ni, Hạnh Ni Khoa của thành phố Bố Lãng Hạ Tư Đặc đích thân đem ba trăm mẫu đất ký giấy giao cho Phật Quang Sơn, thỉnh Đại sư lập chùa ở Nam Phi. Lúc đó Nghị Trưởng Hán Ni chỉ mới nghe đồn về Phật Quang Sơn, nhưng đến khi được tận mắt nhìn Phật Quang Sơn trang nghiêm khí thế, ngay lúc làm thủ tục ký tên hiến tặng đất, ông đã tuyên bố xin tăng số đất lên thành gấp đôi là sáu trăm mẫu, Đại sư liền cử pháp sư Huệ Lễ sang Nam Phi, lo đảm trách việc xây chùa.
Pháp sư huệ Lễ được Nghị trưởng Hán Ni ca ngợi là: “Phải năm ngàn người mới bì kịp dũng khí của Ngài”. Ở Nam Phi tài nguyên, nhân lực, mọi thứ đều thiếu thốn, phải mất ngót hai năm mới thành lập được “Phật Học Viện Phi Châu”. Có rất nhiều người Phi theo học, xuất gia; để tâm nghiên cứu Phật pháp. Hiện nay chùa “Nam Hoa” đã được xây xong.
Tổng cộng thì tại Phi Châu Phật Quang Sơn có chùa “Nam Hoa”, “Trung Tâm Thiền Tịnh” tại Tân Bảo, “Trung Tâm Thiền Tịnh” ở thành phố Bố lỗ Phương Đăng, “Trung Tâm Thiền Tịnh” ở Ước Bảo, sau đó còn khai triển mở rộng thêm các “Trung Tâm Thiền Tịnh” ở Đức Bổn, Lại Sách Thác v.v..
Hữu thì hữu hạn, vô thì vô hạn
Đại sư nói:
– Việc hoằng dương Phật pháp tại hải ngoại và xây đựng Đạo tràng ở nước ngoài, chẳng phải có tiền là làm được; mà là đối với Phật pháp phải có lòng tin, đối với chúng sinh phải có lòng thương, hơn nữa phải có nội lực huân tu thâm hậu tinh cần, thêm vào đó là lực hỗ trợ của các nhân duyên thù thắng, nhờ vậy mới thành tựu tốt đẹp.
Như tại chùa “Nam Thiên”, tự viện tuy có 26 mẫu, còn đang tiếc không có ruộng đất, thì chính phủ Úc đã cho chúng ta thuê hơn trăm mẫu đất ruộng, với giá thuê mỗi năm chỉ một đô úc, tương đương 30 đồng tiền Đài. Thế là Bộ Trưởng Bộ Di Trú ngay khi đó đã xuất ra một trăm đô, giúp ta tiền thuê đất cho trăm năm. Từ đó, di dân Úc Châu mỗi khi làm lễ tuyên thệ đều cử hành ở chùa “Nam Thiên”, do các tu sĩ giám sát.
Sự thật là, mười mấy năm nay, các chùa miếu ở địa phương khác cũng có ý muốn giao cho Phật Quang Sơn tiếp quản phát huy, hoặc người từ khắp nơi trên thế giới thường đến thỉnh Phật Quang Sơn sang chỗ họ lập chùa, hầu như không ngày nào mà không có, chỉ tiếc là Phật Quang Sơn nhân lực chưa đủ, nên thường xuyên phải từ chối hảo tâm của bao người.
Đại sư mỉm cười nói:
“Thế nên, đệ tử tôi “chẳng sợ tôi cần, chỉ sợ tôi không cần”. Cả đời tôi đây:- Một, chẳng cần tiền. Hai, chẳng tích trữ. Bởi vì có thì là có hạn, còn vô thì là vô hạn. Hơn nữa, chẳng phải hễ nói có người tặng đất, chịu hiến tự viện là chúng tôi cần, điều chúng tôi cần chính là nhìn thấy Phật pháp phát triển dài lâu, rằng mình có thể giúp người khai mở phúc tuệ được chăng? Nếu được vậy, thì dù không có một sở hữu nào, chúng tôi cũng phải bắt tay vào lo xẻ đất khơi ngòi, để sáng tạo nên một cõi Phật pháp phú quí vinh hoa. Còn nếu chẳng được thế, thì dù toàn đất có lót vàng, chúng tôi cũng không nhúc nhích và bất động như núi mà thôi!
Không riêng gì Đạo tràng hải ngoại, mà Đạo tràng trong nước cũng vậy. Đại sư kể lại hai nhân duyên đặc biệt khi nhận lập Đạo tràng trong nước:
Tôi đợi ngày này đã ngót ba mươi năm
“Năm 1949, tôi đến Cơ Long, tình cờ đi ngang qua một ngôi chùa, khi đó tôi chỉ dám đứng ngoài song cửa nhìn vào, thấy bên trong có một ni sư đang đứng trông ra phía tôi. Thuở ấy tuổi tôi còn nhỏ, mặt mũi non choẹt nên chẳng đủ bạo gan để tự tiện vào viếng chùa, bèn vội vàng bỏ đi.
Sau này, tôi mới biết ngôi chùa ấy là chùa “Cực Lạc” Của pháp sư(*) Tu Huệ”, vị Ni Sư ấy thường được người ta ca tụng là “nữ trung đại trượng phu” (bậc nữ lưu có chí khí trượng phu)..
Ba mươi năm sau, khi lão pháp sư Tu Huệ làm Trị Sự Trưởng “Hội Phật Giáo Cơ Long”, sư tự động đến chùa Phổ Môn tìm tôi, ngỏ ý rằng, thấy những việc Phật Quang Sơn làm tất cả đều vì sự nghiệp “Phật Giáo Nhân Gian”, xem ra rất hợp ý sư, nên sư muốn hiến tặng ngôi chùa “Cực Lạc” của mình cho Phật Quang Sơn.
Khi đó tôi nghĩ: “Trên núi nhân sự thiếu thốn, nếu như nhận mà làm không tốt, há chẳng phải là thẹn với hảo ý của sư lắm sao?” vì vậy, tôi nhẹ nhàng từ chối và mời sư đến Phật Quang Sơn tham quan.
Không ngờ, lão pháp sư sau khi tham quan Phật Quang Sơn xong thì càng kiên quyết bày tỏ nguyện vọng xin được hiến tặng chùa Cực Lạc cho Phật Quang Sơn hoằng pháp, và còn phát nguyện xin được làm một thành viên ở đây, tôi bị thành ý của sư lay chuyển đến xúc động, bèn chấp thuận lời thỉnh cầu của sư.
Do chùa Cực Lạc là ngôi tự viện lớn nhất Cơ Long, có nguồn gốc lịch sử rất lâu đời. Tin tức lão pháp sư hiến chùa đồn ra, các nhân sĩ trong dịa phương hay được, tìm đủ cách để can ngăn, nhưng pháp sư khăng khăng không đổi ý, còn họp chúng ra quyết nghị: – không những biến chùa Cực Lạc thành tự viện thuộc Phật Quang Sơn mà còn hiến luôn khoản tiền hiện có trong chùa hơn ngàn vạn, kể cả số vàng để dành của chùa.
Khi lão pháp sư Tu Huệ giao chùa cho tôi thì niên kỷ đã cao đến tám mươi, sư sung sướng nói:
– Tôi đợi ngày này ngót đã ba mươi năm, hôm nay tâm nguyện của tôi cuối cùng mới được hoàn thành!
Điều này làm tôi nhớ lại cảnh ba mươi năm về trước, thuở mình đứng ngoài song e dè ngóng cổ nhìn vào chùa Cực Lạc của pháp sư. Nếu như chẳng phải suốt ba mươi năm nay tôi kiên trì hoằng pháp, tâm hằng vì đạo, hoàn toàn vô tư vô lợi, thì lão pháp sư Tu Huệ cũng chẳng thể phát lòng tin to tát cương quyếtø giao chùa cho tôi như thế!
Nhân duyên chín muồi việc tự thành
Đó là nhân duyên năm 1949 khi sáng lập “Biệt Viện Cực Lạc” ở Cơ Long. Ba mươi năm sau: 1979, nhân duyên thành lập “Biệt Viện Viên Phúc” ở Gia Nghĩa cũng chín mùi.
Mùa hạ năm 1979, quản lý chùa “Viên Phúc” ở Gia Nghĩa là lão Lý trưởng Trần Đẩu Uyên đã hơn bảy mươi tuổi, đang nằm ngủ dưới tàng cây phía sau chùa, thì mơ thấy có một người lớn tiếng gọi:
– Đại Thọ! Đại Thọ! Đại Thọ!
Trần Lý trưởng giật mình thức giấc, không rõ giấc mộng có ý gì, bèn kể lại với người bạn trong chùa, chẳng biết điều này có liên quan gì tới món tiền thuế hai triệu mà chùa đang nợ hay không? Có người bàn với ông ta rằng:
Huyện Cao Hùng có một địa danh tên “Đại Thọ”, làng Đại Thọ này có Đạo tràng Phật Quang Sơn, do Đại sư Tinh Vân trông coi, chẳng biết có phải là Bồ-tát chỉ điểm cho chúng ta đến tìm Đại sư hay chăng?
Vì không đành để ngôi cổ tự có nguồn gốc lịch sử lâu đời vì thiếu nợ thuế bị sung công, Trần Đẩu Uyên cùng các người bạn hộ pháp trong chùa như Giang Vượng Căn, Ông La Nghĩa v.v.. đồng đến Phật Quang Sơn tìm tôi, nài xin tôi tiếp quản ngôi chùa dùm.
Năm 1981 chúng tôi cho trùng tu và sửa đổi lại chùa Viên Phúc, đây là ngôi điện vũ duy nhất biểu hiện thế giới Hoa Tạng toàn thế giới, cũng đáng được gọi là khu biệt viện tôn nghiêm bậc nhất ở Gia Nghĩa.
Đại sư thuật lại tỉ mỉ từng chi tiết, có thể thấy được những việc to tát vĩ đại của các tự viện này đều là nhân duyên sinh các pháp, là “kết quả tự nhiên thành”, chẳng phải do mình ra sức an bài.
Hằng trăm đạo tràng được tiếp quản hoặc dựng lập, bảng danh sách dài đặc, khó mà ghi ra hết. Phật Quang Sơn trong và ngoài nước có đến hơn hai trăm tự viện trực thuộc, đa số đều là do người ta đến viếng Phật Quang Sơn xúc động rồi phát tâm, muốn cùng gầy dựng sự nghiệp hoằng pháp với Phật Quang Sơn, nên tự nguyện đem kinh doanh bao năm của viện hoặc các cuộc đất có giá trị liên thành hiến tặng Phật Quang Sơn; còn một số là do Phật Quang Sơn khảo sát rồi nảy ý muốn giúp ích cho việc tu học của tín đồ mà tự gầy dựng; song trong đây cũng nhờ vào tín đồ phát tâm đóng góp. Những năm gần đây người xin hiến tặng Đạo tràng rất nhiều, Phật Quang Sơn hầu như thọ nhận chẳng nổi nữa!
Đại sư cảm kích nói:
– Có nhiều Đạo tràng rất ưu mỹ cũng xin hiến tặng, vì khi người đứng đầu, người kế nhiệm vị chủ trì qua đời rồi thì chẳng còn ai có thể kham đảm đương tiếp, lúc này họ chỉ mong giao cho Phật Quang Sơn quản, nếu như chúng ta không nhận, thì Đạo tràng ấy sẽ nhanh chóng suy sụp, điều này cho thấy rõ nếu muốn hoằng dương Phật pháp, thì trước hếtø phải lo đào tạo nhân tài!
“Có nhân tài là có Đạo tràng! Có tiền kể như vẫn chưa đủ, mà còn phải có lòng, biết dụng tâm..”. Phật Quang Sơn hiện nay có hai mươi sáu Thư Viện, chín Nhà Mỹ Thuật. Thư viện thì tích góp từng cuốn, từng cuốn mua lại. Tượng Phật thì từng tượng từng tượng mang về, mấy mươi năm nay, xuyên thời gian, không gian, nghiền ngẫm tỉ mĩ nghiên cứu thấu đáo mới phát được như thế!
Tôi thường nói, người hoằng pháp cứ thẳng tiến lên trước không ngừng, một khi nhân duyên chín muồi thì việc sẽ tự thành!
Vào biển pháp bằng thuyền đạo của Đại sư
Nhớ lại những hành trình đã đi qua trên thế giới, Đại sư làm một cuộc tổng kết: “Chẳng lấy việc xây trăm ngàn chùa làm lớn, chẳng cho thân không viên ngói là nhỏ. Trên ngồi cùng quân vương, chẳng lấy làm vinh; dưới đi cùng hành khất chẳng lấy làm thẹn. Người xuất gia khéo lấy khéo bỏ, thung dung rũ tay áo, chẳng mang theo một phiến mây, chỉ cần tiến lên trước là được. Giống như đi bộ vậy, không ngừng bước tới và chẳng thể lùi”.
Tôi nghĩ, mặc dù dấu chân Đại sư in cùng thế giới, dù dốc hết tâm huyết sáng lập ra các Tùng lâm rộng lớn, song tâm tư Đại sư vẫn giống như đồng tử, tươi tắn, đơn thuần, nhẹ nhàng như mây bay giữa trời, linh động như nước trong nhân gian. Ngày xưa Thiền môn gọi các vị tăng đi (hành cước) tham học các nơi là ” tăng vân thủy”, ngầm ví họ thung dung tự tại như nước chảy mây trôi, lại gọi các vị tăng hành cước đức hạnh là: “có tánh vân thủy”, vì bản chất họ đặc biệt, nhất như; nhu thuận, khéo khắc chế; có phong cách giải thoát, tự nhiên; tính họ khiêm tốn, nhũn nhặn; thanh thoát, tự do tự tại họ khoác ca sa lồng mây sương, dạo trong nhân gian như thuyền lướt trên nước, những nơi họ đến không đâu không là pháp thủy tràn trề.
Đại sư đem Phật pháp hoằng dương khắp thế giới cũng tự nhiên tự tại, vô ngại như nước chảy mây bay. Bởi vậy, khi chúng tôi phỏng vấn Đại sư:
– Đi hoằng pháp khắp nơi trên thế giới, thầy đã gặp những khổ nạn nào?
Đại sư đáp:
– Chẳng có khổ nạn nào mà không trải qua!
Nghĩ đến Ngài từ thuở thanh niên, tất cả thời gian nghỉ ngơi đều cống hiến hết cho mọi người bình đẳng không phân biệt, hằng tỉnh giác; chúng tôi thấy mình được khai thị rất nhiều.
Cuộc lữ hành của sư phụ vẫn còn kéo dài không ngừng nghỉ; Ngài lấy nhân gian làm đường đi, lấy trí huệ làm thuyền bè; lấy Phật pháp làm La Bàn, lấy bờ bên kia là mục tiêu và từ bi làm bản hoài. Ngài du hành trong thế giới với hi vọng dùng thuyền đạo chở chúng sinh khắp năm châu bốn biển, đưa họ vào biển pháp. Trong mắt Ngài, việc xây dựng Phật Quang Sơn ở Cao Hùng và việc lập chùa Tây Lai ở Los Angeles chẳng có gì khác biệt, xây chùa ở đâu cũng giống như nhau, chùa không phân lớn nhỏ, chúng sinh nào phân cao thấp. Đối với mọi người Đại sư luôn lấy tâm bình đẳng, đều dùng thuyền đạo chở đưa.
Khi Đại sư nói:
– Người trên thế giới là người chung một nước, người xuất gia là người của muôn người, tôi thấy hình như có phiến mây cầu vồng bắc qua chân trời, màu sắc rạng rỡ nổi bật giữa khoảng không bao la lấp lánh trăng sao” Và chúng sinh trong cõi nhân gian khổ nạn này khi được ngự trên chiếc thuyền về bến của sư phụ, cuộc sống họ cũng trở nên rạng rỡ lấp lánh hệt vậy!