BÌNH AN TRONG DÂN GIAN
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

 

Chương 9: Phật pháp trong đời sống

Phật pháp là các phương pháp tu hành để thành Phật. Trong suốt 49 năm thuyết pháp độ sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài chưa bao giờ coi đây là một môn học tri thức để yêu cầu mọi người phải nắm chắc, mà chỉ dạy cho chúng ta cách làm thế nào để tránh được khổ đau, dành được niềm vui trong cuộc sống. Vì thế, bản thân Phật pháp đã kèm theo những giá trị thực tiễn.

I. Tư tưởng cơ bản của Phật pháp – nếm trải khổ đau và tránh xa chúng

Tư tưởng cơ bản của Phật pháp là nếm trải khổ đau và tránh xa chúng. Nếm trải khổ đau là hiện thực của cuộc sống còn tìm cách để tránh xa chúng lại là mục tiêu của cuộc sống.

Có một lần trong lúc diễn giảng tôi có hỏi mọi người rằng: Có cặp vợ chồng nào kết hôn đã 10 năm mà chưa từng xảy ra cãi vã không? Kết quả có một vị là ủy viên trong ngành lập pháp giơ tay, hai vợ chồng vị này đều là đệ tử tam bảo, họ đối với nhau như hai người bạn đồng tu vì thế vợ chồng chưa từng xảy ra cãi vã.

Muốn để quan hệ vợ chồng hòa thuận, không xảy ra mâu thuẫn tưởng chừng như rất khó nhưng thực chất lại đơn giản. Chúng ta hãy thử nghĩ, khi đối phương muốn gây sự mà bạn lại không chịu nhường, cũng muốn trả đũa đối phương thì đó chẳng phải là đổ thêm dầu vào lửa hay sao? Đau khổ lại chồng chất đau khổ, một mình mình chịu khổ còn bắt người khác cũng chịu cùng, hà tất phải như vậy?

Lý lẽ này nghe qua thì thấy dễ hiểu nhưng để làm được lại không phải điều đơn giản, cho dù có là Phật tử nhiều năm tu tập nhưng khi gặp trường hợp thực tế như thế cũng có khi không vượt qua được thử thách. Thí dụ sẽ có người nói rằng: Hắn hại tôi đến nông nỗi này, tôi cũng phải làm cho hắn nếm trải cảm giác đau khổ như thế nào, nếu không thì sẽ không có gì gọi là luật nhân quả cả.

Lẽ nào luật nhân quả được lý giải như vậy? Nhân quả là chuỗi mắt xích quy định, phụ thuộc lẫn nhau xuyên suốt ba đời quá khứ, hiện tại, tương lai, nỗi đau khổ mà bạn đang và đã phải chịu chính là quả báo, gánh chịu sự đau khổ chính là chịu quả báo. Nếu bạn không chịu tỉnh ngộ, ngược lại còn ngày càng táo tợn hơn, ăn miếng trả miếng, hai bên đấu đi đấu lại, thù thù oán oán thì cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc. Những người thật sự hiểu được quy luật nhân quả là người nhận thức được sự đau khổ, chịu được khổ và sẽ lại không gây ra những điều đau khổ như vậy nữa. Vì thế, vợ chồng mà luôn làm khó dễ và tìm cách để trả thù nhau không những không phải là những con người từ bi mà còn rất ngu dốt.

II. Cách để tránh xa khổ đau

1. Chính tri kiến – thấy và biết đúng

Phật pháp đã chỉ ra bản chất của sự đau khổ, mục đích là để chúng ta tránh xa sự đau khổ đó. Nhưng làm thế nào để tránh xa sự đau khổ?

Tứ thánh đế trong Phật pháp gồm Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Trong đó, Khổ đế nói rõ về bản chất cuộc đời; Tập đế nói về nguyên nhân của các nỗi khổ; Diệt đế nói về trạng thái sau khi đã diệt hết đau khổ; Đạo đế tức con đường chân lí là con đường chuyển đổi phàm phu thành thánh hiền. Nội dung của đạo đế phân thành tám mục, được gọi là Bát chính đạo – tức tám con đường chân chính gồm:

Chính kiến – thấy và biết đúng như sự thật, chính tư duy – tư duy đúng sự thật,

Chính ngữ – nói năng đúng sự thật,

Chính nghiệp – tạo nghiệp chân chính,

Chính mệnh – nuôi sống thân mệnh bằng nghề chân chính,

Chính tư duy – suy nghĩ đúng đắn,

Chính niệm – ý niệm chân chính,

Chính định – sự tập trung đúng đắn,

Chính tinh tiến – sự nỗ lực siêng năng đúng đắn, chỉ cần tu thành tám chính đạo này sẽ thoát khỏi ranh giới của sự đau khổ.

Chính kiến vô cùng quan trọng, chính kiến là tin vào quy luật nhân quả ba đời. Sau khi có được chính kiến sẽ tin rằng nỗi đau khổ mà bản thân mình phải gánh chịu bắt nguồn từ nghiệp trong quá khứ. Có người hay nói: Cuộc đời này tôi chưa từng làm hại ai, vậy tại sao tôi phải chịu những tổn thương? Phải biết rằng quả của ngày hôm nay chính là nhân gieo nên từ kiếp trước.

Từ vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay, chúng ta lưu lạc sinh tử, hết kiếp này đến kiếp khác, không biết đã kết được bao nhiêu thiện duyên và ác duyên với chúng sinh; kết được thiện duyên sẽ nhận được quả thiện, kết ác duyên sẽ bị ác báo, vì thế quả báo không thể chỉ thấy ở kiếp này. Có nhiều người vì chưa nhận được sự báo ứng nên cho rằng không có luật nhân quả, trên thực tế, những tội ác gây ra trong kiếp này nếu không bị báo ứng ở kiếp này thì kiếp sau cũng không tránh khỏi.

2. Không gây ra tội ác sẽ không bị báo ứng

Làm thế nào để tránh được khổ đau, dành được niềm vui trong cuộc sống? Đầu tiên hãy dừng gieo nhân ác, nghĩa là không được gây ra một điều ác nào nữa, sau đó phải thẳng thắn đón nhận báo ứng, đồng thời cũng phải cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sinh. Cho dù người khác có làm mình đau khổ cũng không được gây gổ ngược lại mà còn phải nghĩ cho họ, cầu phúc hộ cho họ, đây chính là tinh thần của Bồ-tát. Nếu hành được Bồ-tát đạo thì cho dù bản thân phải chịu đau khổ, ấm ức cũng sẽ không cảm thấy thiệt thòi.

Tôi có một đệ tử tại gia, sinh ra chưa đến ba ngày đã bị người cha đem bán. Khi ông ấy 50 tuổi cũng là lúc phải chuẩn bị ma chay cho cha mẹ nuôi trước lúc lâm chung. Lúc này cha mẹ đẻ của ông ấy cũng đang ở tuổi gần đất xa trời, gánh nặng chăm sóc bốn người họ lại đè lên vai ông ấy. Mọi người đều cảm thấy bất công cho ông ấy nhưng ông ấy lại nói với tôi như thế này: Thưa sư phụ, tôi thật sự là một người rất may mắn, người ta chỉ có một mẹ một cha, riêng tôi thì lại có những hai mẹ hai cha.

Ông ta nghĩ được như vậy nên trong lòng ông ta cảm thấy rất thanh thản, vui sướng. Ngược lại nếu ông ấy oán trách rằng: cha mẹ đẻ của tôi thật chẳng phải con người, sinh tôi ra chưa đến ba ngày đã đem bán, bây giờ già ốm lại còn bắt tôi chăm sóc họ, quả thật là không còn gì là đạo lý. Nếu ông ấy nghĩ như vậy thì sẽ luôn cảm thấy rất khổ sở.

Trong cuộc sống hiện nay mọi thứ đều yêu cầu phải công bằng, nhưng liệu có cách nào để làm được? Thí dụ vì sao chỉ có người vợ phải mang nặng đẻ đau mà người chồng lại không?

Vì thế, trên một phương diện nào đó hoàn toàn không thể đòi hỏi sự công bằng. Ý nghĩa thực chất của công bằng là mỗi người đứng trên lập trường và góc độ của mình để làm tốt vai diễn của mình, nỗ lực hết trách nhiệm, đó chính là sự công bằng.

Đặc biệt là sau khi được trang bị đầy đủ chính trị, chính kiến của Phật pháp, thấm nhuần tinh thần của nhân quả người ta sẽ nhận thức được rằng mỗi người đều có phúc báo khác nhau, nhân duyên và trí tuệ của riêng mình và hoàn cảnh của mỗi người không giống nhau. Nếu hiểu được đạo lý này thì cho dù có công bằng hay không đều có thể thoải mái, không bị phiền muộn, kẻ thù tự nhiên sẽ bớt đi.

IV. Tác dụng của Phật pháp

Tác dụng của Phật pháp có thể phân ra thành ba tầng thứ:

1/ Đối nhân xử thế, 2/ Xua tan phiền não, 3/ Viên mãn thành Phật.

Từ ba tầng thứ này có thể thấy chúng ta không nên tham vọng viển vông, không nên mong một bước lên trời mà hãy từ tốn, khởi điểm bắt đầu từ cuộc sống hằng ngày; vả lại cho dù ở vào tầng thứ nào cũng đều phải dựa vào sự nỗ lực của bản thân chứ không phải luôn chờ đợi gia trì của Phật, Bồ-tát.

Tuy nhiên, sự gia trì của ngoại lực không phải là không có. Người ta thường nói: Tự cứu mình trước người khác mới cứu mình; được người khác giúp đỡ rồi mới được trời giúp. Nếu bản thân không chịu bỏ ra một chút công sức nào, một khi bị cắt viện trợ từ bên ngoài sẽ rơi vào vực thẳm của sự đau khổ. Thí dụ nói hôm nay không có cơm ăn, người khác có thể sẽ cho bạn một gói mì, nhưng còn bữa tiếp theo thì sao? Cứ coi như bữa tiếp theo họ lại cho bạn thêm một gói mì, vậy còn ngày mai thì sao? Cho dù có người ngày nào cũng cho bạn một gói mì nhưng lỡ có một ngày người này đi xa hoặc ngay bản thân anh ta không tự nuôi nổi bản thân ngày ba bữa, thế thì bạn không còn chỗ nào để dựa dẫm. Có thể có nhiều người tin vào thần quyền, kì vọng vị thần này sẽ, ban cho mình tất cả, tiếc rằng đó chỉ là tín ngưỡng chứ không phả là sự thực.

Nhưng cần phải lưu ý rằng, mặc dù Phật pháp nói với chúng ta rằng tự lực cánh sinh rất quan trọng, nhưng phủ nhận tha lực, việc hoàn toàn chỉ dựa vào bản thân mình là không đúng, như vậy sẽ lại trở thành ngoan cố, bảo thủ; chúng ta vẫn cần có người chỉ dẫn chúng ta làm thế nào để vận dụng Phật pháp và luôn tin vào sự phù hộ của Phật, Bồ-tát và Hộ pháp Long Thiên.

V. Cư sĩ tại gia nên tu hành như thế nào?

Từng có một vị tín chủ nói với tôi như thế này: Thưa sư phụ, con rất ghen tỵ với các anh em không có gánh nặng gia đình, họ có thể chuyên tâm cho việc tu hành, và lại đều có sắc thái của đạo hành.

Ý của anh ta là mỗi gia đình có những nỗi khổ tâm không giống nhau. Chỉ không biết nỗi khổ nhà anh là rốt cuộc là do tình cảm yếu đuối hay là nỗi niềm sâu kín riêng tư của mỗi người, mỗi hoàn cảnh. Tóm lại mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Vậy thì làm thế nào để biến những nỗi khổ tâm này trở nên dễ dàng hơn? Quả thực trong kinh Phật bộ Lục Phương Lễ Kinh dành riêng hướng dẫn cho cư sĩ tại gia, làm thế nào để bản thân mình có chừng mực, làm thế nào để tu hành.

1. Tại gia nên biết Lục Phương Lễ Kinh

Tên gọi đầy đủ của Lục Phương Lễ KinhThi Già La Việt Lục Phương Lễ Kinh, đây là bộ kinh hướng dẫn cho những cư sĩ tại gia làm thế nào để chăm lo việc nhà và tu hành ngay trong môi trường sống gia đình. Vậy “Lục Phương” là gì? Trong kinh có chỉ ra: cha mẹ được coi là phương đông, bậc thầy được coi là phương nam, vợ chồng coi là phương tây, họ hàng gần xa được coi là phương bắc, nô bộc, tôi tớ coi là phía dưới, sa môn, Bà La Môn, và những vị tu hành đức cao vọng trọng là phía trên. Trên thực tế sáu hướng này đã bao gồm mạng giao tế giữa các phương diện trong cuộc sống. Kinh phân chia một cách rõ ràng vai trò của mỗi người, thí dụ cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái như thế nào, còn con cái nên đối với cha mẹ như thế nào; ngoài ra trong mối quan hệ thầy trò, nhân viên và lãnh đạo phải có trách nhiệm như thế nào…

Nói về đạo lý trong cuộc sống vợ chồng, kinh chỉ rõ, có năm điểm mà người chồng cần chú ý trong đối đãi với vợ: 1/ Đối đãi nhau đúng lễ, 2/ Uy nghiêm không đùa bỡn, 3/Áo quần ăn uống tạm đủ, 4/ Cung kính tôn trọng đúng lúc, đúng nơi, 5/ Biết cách giao việc cho vợ.

Mà vợ đối với chồng cũng cần chú ý năm điểm sau đây: 1/ Khi đứng phải đứng dậy trước, 2/ Khi ngồi phải ngồi sau, 3/ Nói lời hòa nhã, 4/Tôn trọng và thuận theo chồng, 5/ Luôn lắng nghe chồng.

Mặc dù do thời gian và không gian có sự khác biệt, nên những điều này chưa hẳn đã thích hợp trong cuộc sống hiện nay, nhưng chúng đã truyền đạt được nguyên tắc kính trọng, tin tưởng lẫn nhau, dù trong xã hội nào thì những điều này vẫn được đề cao.

2. Trong cuộc sống hằng ngày phải có thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý

Là một cư sĩ tại gia nên phải có một thời gian làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý, không nên ăn uống thiếu chừng mực, ăn chơi trác táng hoặc rượu chè bê tha.

3. Bổ sung thêm nhiều kiến thức bổ ích

Nếu một người chỉ kết giao với những người bạn rượu thì sẽ rất khó để có một thái độ sống khỏe mạnh, bình thường. Nho giáo chủ trương: kết bạn với người chính trực, kết bạn với người độ lượng và kết bạn với người giàu kiến thức. Kết bạn nên tìm những người thẳng thắn, không vụ lợi; nhưng người “thẳng thắn” không nhất định phải là người “thẳng thắn có sao nói đấy”, những người thẳng thắn không nhất định phải nói thẳng, nhiều khi nói thẳng quá sẽ gây ra thị phi. Người có độ lượng là người có thể thông cảm tha thứ, khoan dung cho bạn. Người giàu kiến thức là những người nhiều kinh nghiệm sống.

Trong Phật giáo có một danh từ chỉ cho bạn tốt là “thiện tri thức”. Phật Thích Ca Mâu Ni khích lệ chúng ta nên tiếp cận nhiều với thiện tri thức và tránh xa ác tri thức, đồng nghĩa với câu “cận quân tử nhi viễn tiểu nhân – gần gũi với bậc quân tử, tránh xa kẻ tiểu nhân” mà Nho giáo nói. Nhưng thiện tri thức là gì? Những người mang lại lợi ích vật chất lẫn tinh thần đúng phép đều là thiện tri thức. Còn về bản thân chúng ta, cho dù vẫn chưa phải là thiện tri thức nhưng cũng cần phải học cách để trở thành lương tri thức của người khác.

4. Nỗ lực hết trách nhiệm, không màng đến lợi ích

Nhiều người thường than phiền nói rằng vợ mình không ngoan hiền hoặc chồng mình không trung thực, mẹ chồng không biết thông cảm, con dâu không khéo léo, con cái không hiếu thuận… rốt cuộc ai là người không tốt? Tôi nghĩ rằng tất cả những người hay than phiền kia là những người không tốt. Thực ra chỉ cần coi những người trong gia đình mình là Bồ-tát, nỗ lực hết trách nhiệm của bản thân mình thì ít nhất bản thân bạn cũng không thấy hổ thẹn, làm được như vậy thì lẽ gì phải oán giận người khác.

Sở dĩ có những gia đình vì chuyện phân chia việc nhà chưa thỏa đáng hoặc thậm chí nguyên nhân làm gia đình xáo trộn mà sinh ra mâu thuẫn là do nội tâm họ có vấn đề; nếu không phải coi người nhà như kẻ thù thì cũng coi người nhà như món tài sản để chi phối.

Từng có một cặp nam nữ tìm gặp tôi, vừa gặp họ liền nói: Thưa sư phụ, chúng con chuẩn bị làm đám cưới.

Tôi nói: Chúc mừng! Chúc mừng!

Họ nói: Sau này chúng con mà cãi vã thì nhờ sư phụ đến phân giải giúp.

Tôi nói: Mong hai con đừng có tự mình tìm đến rắc rối như vậy, hai con vẫn còn chưa kết hôn đã chuẩn bị cãi vã.

Sau khi nghe tôi nói xong, người con trai nói với bạn gái của mình: Em nghe thấy chưa? Về sau nhớ phải nghe lời anh đấy, không được cãi vã với anh đâu nhé.

Người con gái lại nói rằng: Không đúng, phải là anh nghe lời em chứ, không được tranh cãi với em, có như vậy chúng ta mới không làm phiền đến sư phụ.”

Thực tế, đôi nam nữ này chưa kết hôn nhưng đã bắt đầu cãi vã.

Con người là thế, sẽ rất khó để vợ chồng không xảy ra cãi vã. Lục Phương Lễ Kinh nói trên đã nói rất rõ cho chúng ta biết nên làm thế nào để nỗ lực hết nghĩa vụ của mình, đối với người thân nên có trách nhiệm như thế nào, đối với cha mẹ nên có nghĩa vụ như thế nào? Đối với con cái nên như thế nào? Nếu mọi người đều biết làm thế nào để diễn tốt vai diễn của mình, có trách nhiệm như thế nào thì đôi bên sẽ không phải oán trách lẫn nhau.

5. Từ bi không có kẻ địch, trí tuệ không sinh ra phiền não

Có hai vị cư sĩ Hộ pháp của Pháp Cổ Sơn vì công ty làm ăn không khả quan mà bị cho thôi việc, tôi hỏi một người trong họ rằng: “Công việc của con thế nào?”

Anh ta rất từ tốn trả lời rằng: “Thưa sư phụ, sư phụ không phải lo lắng đâu.”

Thực ra tôi chỉ quan tâm tới anh ta chứ không phải lo lắng, nhưng anh ta lại bình tĩnh hòa nhã được như vậy, nếu là người khác chắc sẽ phàn nàn cả một hồi.

Tình cảnh của cư sĩ thứ hai thì còn đáng buồn hơn. Liên tục trong mấy tháng trước khi bị cho thôi việc, lãnh đạo cơ quan yêu cầu anh ta làm thêm giờ vì anh ta là người phụ trách một bộ phận, nhưng làm thêm giờ không được thêm tiền. Mọi người đều nghĩ rằng sau đợt này anh ta sẽ được thăng chức nhưng không ngờ sau khi công việc kết thúc anh ta lại bị cho thôi việc. Hầu hết mọi người khi gặp phải chuyện như thế này đều sẽ bất bình, giận dữ, nhưng anh ta lại không hề tức giận, vì anh ta nghĩ rằng bản thân mình đã học được nhiều thứ và trưởng thành hơn. Nhưng nhiều người lại bất bình thay cho anh ta, họ cho rằng ông lãnh đạo của anh ta thật chẳng ra gì.

Sau vài tháng xảy ra sự việc đó, tôi có hỏi anh ta: “Con đã có dự định công việc gì chưa?”

Anh ta đáp: “Thưa sư phụ, con đã tìm được công việc mới”.

Tôi nói: “Đó là vì con rất bình tĩnh nên mới có thể tìm lại được công việc mới nhanh như vậy”.

Thực tế cho thấy, gặp phải tình huống như vậy có tức giận cũng không giải quyết được gì, vậy thì cớ sao phải tức giận? Chi bằng hãy chấp nhận sự thật, dũng cảm đối mặt và sửa chữa, đây là một ví dụ rất hay trong việc áp dụng Phật giáo trong cuộc sống đời thường