SAO TRỜI MÊNH MÔNG
Nguyên tác: Hán văn: “Hạo Hãn Tinh Vân”
của Lâm Thanh Huyền
Hạnh Đoan lược dịch
CHƯƠNG 8: VĂN TÂM
Bốn mươi lăm năm xưa có hai vị giảng sư cao lớn khôi vĩ đi truyền đạo khắp Đài Loan. Từ thôn quê đến thành thị, họ chẳng nề lao khổ, mọi ngóc ngách hẻo lánh xa xôi nào cũng đặt chân tới để thuyết giảng, vì luôn mong muốn dân chúng khắp nơi đều được thấm nhuần Phật pháp.
Một ngày nọ họ tới miền nam làng Ngư Trì để thuyết giáo và được dân làng tiếp đón hết sức nồng hậu, còn đặc cách cho họ ngụ tại một kho nông gia yên tĩnh bên triền núi.
Nhưng vùng này vệ sinh rất kém, khu nông gia này đi đâu cũng nghe khai nồng mùi phân và nước tiểu. Dân làng có những hố phân to đùng, vừa dùng làm nhà xí và chứa phân luôn. Còn nước tiểu thì họ chứa riêng trong cái thùng to. Chỗ nào cũng vậy, cũng thum thủm thối, khai ngấy và ngan ngát hương phân.
Hai tu sĩ trẻ lãnh đủ mùi hương “đặc sản” này. Nhưng nhờ họ đã từng kinh qua môi trường huấn luyện nghiêm nhặt ở Tùng lâm nên họ rất giỏi kham nhẫn đối với mọi hoàn cảnh. Suốt hành trình hoằng pháp, họ đã từng chạm trán với nhiều cảnh trạng khốc liệt nên đã quen chịu đựng và biết an phận với mọi tình huống. Thùng nước tiểu to đùng chứa trong nhà không làm họ ngao ngán, họ bình thản nằm xuống dỗ giấc ngủ.
Ai dè khi họ vừa thư giản thân tâm, chuẩn bị chợp mắt thì bầu không khí càng về khuya càng quyện “hương nồng” và càng bốc mùi hôi thối đậm đặc, “chất nhân gian đặc sản” này nổi bật giữa cảnh vật yên tĩnh, ngào ngạt đến mức áp đảo hoàn toàn hai lỗ mũi họ khiến họ chẳng thể nào.. thở và chợp mắt được.
– Ôi! Chữ Vân ơi! Thầy kể chuyện gì nghe đỡ đi! Tôi chẳng làm sao nhắm mắt cho được!..
Vị tu sĩ nọ lay Chữ Vân, người nổi tiếng là đa văn, có một bụng đầy chuyện cổ tích Phật giáo hấp dẫn, có tài kể chuyện rất hay.
Chữ Vân dụi đôi mắt ngái ngủ nói:
– Tinh Vân à! Sao thầy cứ rù rờ không chịu ngủ hả?
– Tôi đang thắc mắc không hiểu sao mùi hương thum thủm nặc nồng cỡ đó mà huynh vẫn có thể ngủ được hay thế chứ?
– Dĩ nhiên là khó chết đi!.. Nhưng tôi ráng dỗ giấc đấy thôi!
– Còn tôi đã ráng hết sức mà chẳng cách chi chợp mắt nổi, này! Huynh kể chuyện nghe có được không?
– Được chứ! Vậy để tôi kể chuyện “Quốc Sư Ngọc Lâm” cho huynh nghe nhé!
Chữ Vân kể chuyện rất lôi cuốn, nội dung câu chuyện hấp dẫn tới mức mùi hôi thúi không còn ám ảnh họ. Cứ thế, hai người ngồi suốt tới sáng. Kẻ kể, người nghe, say sưa.. mặc cho thùng nước tiểu to tướng không ngừng bốc mùi nơi nhà kho. Trời vừa rựng sáng thì chuyện kể cũng vừa xong.
Đại sư nghe xong cảm động vô cùng, bảo Chữ Vân:
– Nhất định tôi không phụ công thức suốt đêm chịu khó kể chuyện của thầy đâu! Tôi sẽ đem chuyện này viết ra cho mọi người cùng thưởng thức..
Sau đó hai người cùng rời khỏi nhà kho, bắt đầu một ngày mới trên con đường hoằng pháp.
Vì Phật pháp lập tâm, vì chúng sinh lập mệnh
Đại sư vốn có tài văn chương cự phách, sau đó không lâu tại chùa Lôi Âm Ngài đem câu chuyện đã được nghe, soạn thảo, thêm thắt tình tiết cho tăng phần hấp dẫn rồi viết thành truyện “Ngọc Lâm Quốc Sư”(*) đăng trên tạp chí “Nhân sinh”, rồi cho xuất bản thành sách; thậm chí mấy mươi năm sau tác phẩm này được chuyển thể sang kịch bản, trình chiếu liên tục trên truyền hình, rất được quần chúng ái mộ và từng vang bóng một thời.
Nghe Đại sư thuật lại nguyên nhân viết truyện “Ngọc Lâm Quốc Sư”, tôi bồi hồi cảm động. Với cái nhìn của một nhà sáng tác thì thùng nước tiểu chốn thôn quê cũng đủ khơi cảm hứng văn chương.
Sẵn văn tâm nhạy bén tinh tường, cộng thêm ý từ dồi dào và khả năng sáng tác thiên phú; hai năm sau tại Tiều Khê Nghi Lan, chùa Viên Minh, Đại sư lại cặm cụi viết tác phẩm “Thập đại đệ tử”. Mỗi ngày viết cả vạn từ, viết xong thì trời đà xế bóng; khi đó Ngài mới gác bút, đi dọc theo triền núi, tản bộ ven sông; lặng ngắm dòng nước chảy miên man. Nhìn ráng chiều ửng phía trời tây, phả sắc vàng lóng lánh trên vách núi. Giữa cảnh trời mây yên tĩnh, Đại sư nghĩ thầm: “sinh như húc nhật huy hoàng, tử như tịch dương an tĩnh” (sinh như nắng sớm rạng rở, tử như chiều tàn lặng lẽ..). Chiều tàn nhanh theo ánh mặt trời dần khuất bên sông, sư phụ nảy ra ý nghĩ: “Đời người ngắn ngủi tựa như mặt trời mọc và lặn, chỉ có văn chương là có thể lưu truyền lâu; không những có thể gieo ảnh hưởng cho con người thời bây giờ, mà cả đến ngàn vạn năm sau, thông qua văn chương mọi người trên thế giới vẫn có thể tiếp xúc và lãnh hội tư tưởng thâm diệu của đạo Phật”.
Nếu hiểu được tấm lòng Đại sư: “vì pháp lập tâm, vì chúng sinh lập mệnh, vì chư thánh xa xưa tiếp tục học, vì vạn thế khai đại thái bình”.. thì có thể thông cảm sâu sắc rằng, ẩn chứa bên trong tâm hồn Đại sư không chỉ là Phật tâm mà còn là văn tâm. Ngài thuộc giới trí thức mang tấm lòng kẻ sĩ truyền thống: “Gánh vác trách nhiệm nặng nề không thể không kiên nghị đến cùng” (Sĩ bất khả hoằng nghị, nhậm trọng nhi đạo viễn).
Thế nên, Đại sư không những là nhà tôn giáo, mà còn là nhà văn học, nhà văn hóa. Công nghiệp bình sinh cả đời Ngài hầu như văn học với tôn giáo luôn gắn liền nhau, cùng phát triển song hành và là trọng tâm nòng cốt xuyên suốt cả đời Ngài.
Thuật lại chuyện lần đầu sáng tác văn chương, sư phụ còn nhớ như in:
“Năm tôi 11 tuổi, chiến tranh Trung Nhật bùng nổ, cha tôi đi buôn rồi biệt tích. Tôi theo mẹ đi khắp nơi tìm kiếm nhưng chẳng thấy tăm hơi. 12 tuổi tôi xuất gia, sau khi xuất gia rồi, nỗi đau mất cha không ngừng ám ảnh, khiến tâm tư non dại của tôi lúc nào cũng ảm đạm như có vầng mây đen bao phủ, lẫn khuất trong đó là một nỗi buồn da diết khó nguôi.
Đến năm 16 tuổi, tôi đem tâm tình thương nhớ cha viết thành bài: “Thư gửi không bao giờ tới” (Nhất phong vô pháp đầu đệ đích tín). Lúc đó pháp sư Thánh Phác là thầy dạy văn cho chúng tôi, sau khi duyệt xong, ông phê vào mấy chữ: “Sắt đá cũng phải rơi lệ”. Hơn nữa, ông còn bỏ ra hai tiếng để đọc và bình cho mọi người nghe. Ai nấy đều rất cảm động; riêng tôi, tôi vô cùng cảm kích tấm lòng ưu ái của pháp sư dành cho.
Bất ngờ hơn nữa là, nửa tháng sau, thầy Thánh Phác bộ dạng rất hớn hở cầm cuốn tạp chí vui vẻ đưa cho tôi.
Hóa ra thầy đã âm thầm chép lại bài văn từ bản thảo, rồi đích thân gởi đến tòa soạn báo Trấn Giang và chịu khó canh chừng cho đến khi thấy bài đăng. Sở dĩ thầy không cho tôi hay vì sợ lỡ như bài không được đăng sẽ làm thương tổn lòng tự trọng của tôi”
Bài văn đầu tiên được đăng lên báo khiến Đại sư cảm động không thôi và càng củng cố quyết tâm dùng văn chương hoằng pháp của Ngài.
Dùng văn tự phục hưng Phật giáo
Vào niên đại 30, văn học Bạch Thoại rất thịnh và đã sản sinh ra một số tác giả ưu tú như: Ba Kim, Băng Tâm, Lão Xá, Lỗ Tấn v.v.. Cũng có nhiều thành phần trí thức viết văn gây ảnh hưởng lớn như: Hồ Thích, Tế Nguyên Bồi, La Gia Luân, Từ Phục Quan v.v.. Nhân đó nhiều phong trào văn nghệ được phục hưng sôi nổi rầm rộ. Mà ảnh hưởng mạnh nhất vẫn là sách truyện, báo chí, tạp chí. Đại sư cũng hăm hở đọc các sách báo đương đại, càng đọc càng cảm hứng phấn khích, đọc xong Ngài càng muốn dùng văn chương cải cách những tập quán tệ lậu trong Phật giáo, đưa Phật giáo đến chỗ phục hưng.
Vào thời kỳ này, Đại sư và bạn đồng học là Trí Dũng cùng sáng lập ra nguyệt san “Sóng thần”, tự làm chủ bút và cùng hợp sức ra được hai mươi mấy số, còn chủ biên thêm phụ bản “Từ Quang” nêu lên một số tư tưởng tân tiến mới mẻ nhằm cải thiện lại tập tục lễ bái, chấn chỉnh lại cơ cấu quản lý tôn giáo. Đại sư còn dành thời gian để viết cho báo Trấn Giang, giữ việc phụ trách trang “Tân Thanh” và “Tần Già” có thể nói là lúc đó tài hoa Đại sư phát đến đỉnh điểm.
Nếu như chiến sự đừng xảy ra có lẽ Đại sư đã tiến mạnh trên sự nghiệp hoằng pháp bằng văn chương.
Khi nhân duyên đưa đẩy Ngài trôi dạt đến Đài Loan, được một thời gian, Ngài lại cầm bút viết tiếp. Thời đó những tác phẩm văn chương Phật giáo rất hiếm, các tác phẩm mang tính cách văn học lại hiếm hơn nữa. Sư phụ viết bài trên tạp chí “Giác Sinh” làm cảm động rất nhiều người.
“ Khi tôi cho ra thiên tiểu thuyết: “Trà hoa tái khai đích thời hậu” (Khi hoa trà nở lại) giáo sư Tiền Giang Triều lúc đó đang dạy ở đại học Trung Hưng, đọc xong rất cảm động. Mến mộ, ông cùng vài người bạn đáp xe từ Đài Bắc lặn lội đến Trung Lịch thăm tôi. Bây giờ giao thông hiện đại, tối tân nên từ Đài Bắc đi Trung Lịch chẳng mất nhiều thời giờ, chứ vào thời buổi đó thì quả là xa thăm thẳm. Như bây giờ mà đọc văn chương Phật giáo có xúc động thì cũng chẳng nói làm gì, song vào thời đó chuyện viết lách chưa được xem trọng, Phật giáo còn bị cho là mê tín, nên có được những người thuộc thành phần trí thức đọc văn chương Phật giáo mà cảm động thì rất hi hữu. Bởi vậy khi nghe họ thú nhận nhờ thiên tiểu thuyết của tôi mà họ được mở sáng, tôi còn xúc động hơn cả họ nữa.”
Sau đó không lâu, Đại sư lại cho ra cuốn sách: “Chơn chánh đích qui y xứ” (chỗ qui y chơn chánh). Thầy Thường Giác vừa xem qua thì từ Hương Cảng mua ngay một cây bút máy, khắc chữ K, đặc biệt mang tới tặng Đại sư, gọi là quà khuyến khích và hi vọng sư sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm hay nữa.
Hồi tưởng lại lúc đó Đại sư kể:
Thời ấy vật chất rất thiếu thốn, có được cây bút máy khắc là quí lắm. Càng quí hơn nữa là trong đó chứa đựng cả một tấm thịnh tình hậu hĩ. Tôi tự hứa là sẽ dốc hết tâm huyết sáng tác để không phụ lòng mong mỏi của bao người.
Cũng trong thời kỳ đó, khi được hòa thượng Diệu Quả cử đến trông coi sơn lâm ở chùa Pháp Vân Miêu Lật, ba tháng trời ngụ giữa rừng, nhân cơ hội bế quan một mình, hằng ngày Đại sư viết không ngừng nghỉ và hoàn thành cuốn: “Vô thanh tức đích ca xướng” (Lời ca vô thanh) cuốn sách này cũng làm nhiều người xúc động. Có một số tín đồ mua một lần cả ngàn quyển để phát không cho từng nhà.
Đa số độc giả khắp nơi nhiệt liệt hưởng ứng, cổ vũ và bày tỏ lòng hâm mộ sôi nổi, điều này càng củng cố thêm duyên nợ hoằng pháp bằng văn chương và ý hướng dùng văn học truyền giáo của Đại sư.
Năm 1951, Ngài được pháp sư Đông Sơ cử làm chủ bút Nguyệt san “Nhân Sinh” kiêm luôn việc tuyển lựa, duyệt đọc văn.
Đại sư hết ý niệm đối nghịch với người Nhật từ lúc Ngài bắt đầu học tiếng Nhật. Một năm sau Ngài dịch: “Quán-Thế-Âm Bồ-tát Phổ Môn Phẩm Giảng Thoại”. Cũng trong năm này Đại sư khởi sự viết tác phẩm: “Thích-Ca-Mâu-Ni Phật truyện” và chính thức phát hành năm 1955.
Bốn mươi lăm năm trước khi “Truyện Phật Thích-Ca” xuất bản đã từng vang bóng một thời, vì đây là một tác phẩm văn học giá trị, lời văn ưu mỹ, ý từ hay, tích truyện cảm động.. Đại sư đã thổi một luồng sinh khí mới mẻ đầy ấn tượng vào thời buổi đó. Cuốn sách này được in ấn công phu, trình bày trang nhã; là quyển sách Phật giáo đầu tiên có bìa cứng, đạt đủ điểm ưu về hình thức lẫn nội dung do chính Thư cục bán ra nên không hề giống một số sách in ấn cẩu thả qua loa, dù trải qua nhiều năm tháng, khi đọc lại tác phẩm này vẫn còn khiến người ta nao lòng xúc động.
Đại sư kể:
Hồi ấy, khi tôi viết tới chỗ Đức Phật tu hành kiên cường siêu việt và chỗ Ngài nhọc nhằn độ sinh, tôi xúc động rơi nước mắt, lệ tuôn dầm dề, không sao cầm được.
Thường thì mỗi khi viết tới khuya, tôi hay đến trước Phật đảnh lễ, vừa hi vọng nhờ sức gia trì của Ngài mà có thể tuyên dương thành công, giúp mọi người hiểu được tấm lòng từ ái và bi nguyện thiết tha của chư Phật, Bồ-tát; vừa phát thệ: nguyện đời đời kiếp kiếp thường đến cõi Ta-bà này giáo hóa chúng sinh.
Nhà nhà văn học nhà cách mạng nhiệt tình, dũng cảm
Từ lúc phát thệ nơi Đại Hùng Bảo Điện, suốt mười năm sau đó Đại sư dốc hết tâm huyết vào việc xiển dương văn hóa Phật giáo.
1957, Ngài sáng lập tuần báo “Giác Thế”, giữ chức Tổng biên tập và xuất bản cuốn “Ngọc Lâm Quốc sư”
1959, Đại sư thành lập “Nhà phục vụ văn hoá Phật giáo” và xuất bản cuốn “Thập đại đệ tử”
1960, xuất bản cuốn “Bát đại nhân giác kinh thập giảng”
1961, giữ chức giám đốc chủ nhiệm và phát hành báo “Phật Giáo Ngày Nay” kiêm hướng dẫn “Đoàn Văn Nghệ Ca Vịnh Thanh Niên Phật Giáo Nghi Lan” và là người xuất bản các “Ca Khúc Phật Giáo” đầu tiên ở Đài Loan.
1964, Đại sư xuất bản cuốn “Hải Thiên Du Tung” do Ngài biên soạn và đối chiếu với Phật học tùng thư Trung ương.
1965, cho xuất bản cuốn “Giác Thế Luận Tùng”
Những danh sách trên xem ra cực kỳ đơn giản, song hàm chứa biết bao tâm huyết Đại sư đã đổ ra cống hiến tất cả cho đạo pháp.
Đại sư nói:
– Tôi chủ biên nguyệt san “Nhân Sinh” suốt sáu năm, mưa gió gì cũng chẳng thể ngăn, cứ miệt mài làm việc, vừa biên tập vừa sáng tác cho kịp giao bản thảo.
Hồi đó giao thông chưa thuận tiện như bây giờ, thư tín cũng chẳng được nhanh, muốn gởi bài, tôi phải thân hành đi. Phải đem bản thảo từ Trung Lịch tới tận Đài Bắc giao tận tay pháp sư Đông Sơ, có lúc công việc thúc bách tới nỗi cơm nước chẳng kịp ăn, đi đến được Đài Bắc thì đói muốn xỉu, lão pháp sư cũng chẳng mời tôi ăn cơm, tôi cũng chẳng than thở kể mệt gì, chỉ tự nhủ thầm: “Sau này nếu tôi có chùa, nhất định sẽ tiếp đãi chu đáo, không bao giờ để cho người làm Phật sự phải đói”. Rồi tôi lại nghĩ:- “Chỉ cần giúp ích cho đạo thì có nề gì gian khổ?” Hồi đó tôi viết cho báo “Nhân Sinh”, “Giác Thế”, “Phật Giáo Ngày Nay”, mỗi số báo ít gì cũng phải nộp hai bài cho mỗi kỳ. Ngoài ra tôi còn phải đảm trách việc phát thanh cho bốn đài phát thanh, từ biên tập, ra báo, in ấn, phát hành.. nhất nhất tôi đều cáng đáng tất. Có thể nói là vì hoài bão mong muốn Phật giáo được phục hưng, nên dẫu có phải nhảy vào nước sôi lửa bỏng tôi cũng không từ nan!
Trong thời buổi đầy bảo thủ đó, Đại sư đã đem nhiệt tình cháy bỏng tràn trề tâm huyết của một nhà cách mạng và văn hóa, làm nóng lại bầu không khí giá băng của Phật giáo bằng đường hướng canh tân mới mẻ của mình. Phải nói là nếu không vắt kiệt hết sức lực, không dốc lòng vì đạo thì khó mà thực hiện chu toàn những trọng trách trên. Bởi vì tất cả những việc làm như biên tập, viết lách, xuất bản báo chí, thảy đều là những nghĩa vụ phụng hiến, mà hễ có được lợi lộc nào, thì Đại sư lại dồn hết vào việc hoằng pháp.
– Bạch sư phụ, làm sao mà thầy có thể làm việc hăng say không nản, không vụ lợi như thế?
Sư phụ đáp:
-Tôi tin rằng văn học nghệ thuật có thể giúp mỹ hóa nhân sinh, mỹ hóa Phật giáo, đem lại nguồn sinh khí cho đạo pháp, xem như “Nhất cử lưỡng tiện”. Bởi văn học nghệ thuật vừa giúp mở rộng hoằng pháp, vừa lưu lại ảnh hưởng dài lâu. Còn vì sao tôi có thể phụng hiến vô tư ư? – Hồi còn bé tôi có đọc truyện về Ngài Huyền Trang – thấy Ngài: “Ngôn vô danh lợi, hành tuyệt hư phù” tôi xúc động thấm thía và được soi sáng rất nhiều. Tôi cảm động vì “lời lẽ và tâm tư không vướng chút ý niệm danh lợi, vì hành sự trung thực mực thước, chẳng có chút khoa trương”. Như vậy chỉ có người “Ngôn vô danh lợi,” mới có thể chẳng nề gian khó đi tha hương khắp chốn để thỉnh kinh, dành trọn cả đời cho việc phiên dịch kinh Phật. Và chỉ có người “hành tuyệt hư phù” mới có thể từng bước từng bước đặt chân tới Ấn Độ rồi lại từng bước từng bước quay trở về. Từ đó, tôi học tập theo tinh thần của Ngài Huyền Trang, dốc lòng dốc sức phụng hiến không mỏi mệt, cho đến bây giờ vẫn theo tôn chỉ “ngôn vô danh lợi, hành tuyệt hư phù”.
Chẳng vì mấy bao xi măng mà tụng kinh
Tính tình Đại sư khẳng khái dứt khoát, từ trung niên đến lão niên, không hề thay đổi chút nào. Theo lời Ngài kể thì trong quá trình xây dựng Phật Quang Sơn, có một dạo chùa lâm vào cảnh không mua nổi xi măng, Còn đang lo lắng thì bỗng một hôm có tên thuộc hạ của một lão trùm chợ đen đến bảo sư phụ rằng:
– Lão gia nhà chúng tôi thỉnh Ngài đến tụng một thời kinh!
Đại sư nghĩ là đi để gieo duyên, còn đang trù trừ thì gã ấy đã chỉ vào công trình đang xây dang dở nói:
– Nếu như thầy chịu đi thì khoản xi măng xây chùa này ông chủ tôi bao hết cho!
Vừa nghe nói thế, Đại sư rất không vui, từ chối thẳng thừng:
– Cho dù chùa tôi xây không nổi, cũng chẳng vì mấy bao xi măng mà đi tụng kinh đâu!
Ngày nay, nhiều tục nhân thấy Đạo tràng Phật Quang Sơn trang nghiêm hùng vĩ, hương khói nghi ngút, vội cho là Phật Quang Sơn có bí quyết quản lý gì đó, hoặc nhờ khéo kinh doanh, kinh tài..? nghĩ vậy thật sai lầm! Vì Phật Quang Sơn đạt được thành công qui mô như hiện nay, tất cả đều nhờ vào tông phong “ngôn vô danh lợi, hành tuyệt hư phù” mà được người tin theo. Vì muốn khai sáng cho thế nhân, sư phụ ra lịnh bế quan, đóng cửa núi lại. Sau đó tông phong chiếu rạng, Đạo tràng ngày một thịnh, cuối cùng vì tổng thống Trần Thủy Biển thay mặt mọi người thỉnh cầu, sư phụ mới mở cửa trở lại.
Sư phụ nói:
– Phật Quang Sơn tồn tại là nhờ vào văn hóa, Phật giáo không phải chỉ có chùa am là đủ, – vì văn hóa chính là tịnh tài – không những có thể đem lại hữu ích hiện thời cho Phật giáo mà còn mang tính cách vượt thời gian, không gian, gây ảnh hưởng lợi ích đến cả thiên thu ngàn đời, không đâu mà không ảnh hưởng đến.
Hiện nay mọi người thấy Phật Quang Sơn thành công nhiều về mặt văn hóa, song tôi cho rằng vẫn còn quá ít, ít là vì nhân tài văn hóa Phật giáo chưa đủ. Nếu nhân tài đủ thì đâu chỉ có thế. Chẳng biết là phải cần thời gian bao nhiêu lâu nữa mới đào tạo đủ nhân tài như yêu cầu.
Đào tạo nhân tài văn hóa cho Phật giáo đòi hỏi rất nhiều thời gian. Mấy mươi năm nay có nhiều công ty, đại xí nghiệp, bỏ tiền của ra thỉnh sư phụ bố thí hoặc dùng vào sự nghiệp văn hóa, sư phụ đều nhẹ nhàng từ chối. Lý do là vì nhân tài chưa đủ, thời cơ chưa chín. Không có nhân tài mà ráng làm sự nghiệp văn hóa thì chỉ tổ làm hao phí tiền bạc và phụ hảo ý của mọi người thôi.
Để đào tạo nhân tài văn hóa cho Phật giáo, sư phụ cho mở rất nhiều Phật học viện. Lập “Phật Quang học báo” và tạp chí “Phổ Môn” để giúp cho nền văn hóa Phật giáo thêm uyên thâm. Sư phụ dốc hết tiền của nhân lực, đầu tư toàn bộ của cải vật chất vào cho công cuộc in ấn bộ “Đại tạng kinh Phật Quang” và “Đại từ điển Phật quang”. Nếu đem so với bộ Đại Tạng kinh và Tự Điển trong lịch sử thì “Tạng Kinh Phật quang” và “Tự Điển Phật Quang” tất nhiên là sẽ được lưu truyền bền lâu, vì nội dung tỉ mỉ chuẩn xác với chú thích hiện đại ưu việt, được soạn thảo rất công phu và in ấn kỹ lưỡng.
Với tâm nguyện đem văn hóa Phật giáo gầy dựng ảnh hưởng lớn, Phật Quang Sơn đã biên tập cuốn “Học Thuật Luận Điển Phật Giáo Trung Quốc”, cho kết tập lại tất cả bài văn, luận, Phật giáo trong và ngoài nước. Tác phẩm này về sau chắc chắn sẽ trở thành là tác phẩm văn hiến Phật giáo tối quan trọng và rất cần thiết cho thời buổi đương đại.
Ngoài ra, cứ hai tháng Đại sư lại cho xuất bản: “Phổ Môn học báo” nhằm cung ứng kiến thức Phật giáo cho người học Phật, giúp họ có dịp tìm hiểu, nghiên cứu giáo lý, mở trí. Ngài còn lập thêm mục “Diễn đàn phát biểu”.
Vì muốn văn hoá Phật giáo được phổ biến khắp nơi, (được quần chúng hóa) Đại sư chẳng ngại khó nhọc, cho mở tiết mục hướng dẫn giáo lý trên ba đài truyền hình gồm: “Tinh Vân Thiền Thoại”, “Tinh Vân Pháp Ngữ và Tinh Vân Thuyết Dụ” được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt, về sau tất cả đề mục này đều được biên tập thành sách, thịnh hành một thời.
Để giúp nền văn hóa Phật giáo phát triển mạnh, sư phụ cho phát hành Nhật báo: “Nhân Gian Phúc Báo” và cho mở kênh “Truyền Hình Phật Quang” nhằm giải đáp thắc mắc về đạo. Ngài còn cho ra đĩa hát: “Như Thị Ngã Văn” và “Văn Hóa Hương Hải”
Nhà tôn giáo có văn tâm
Nhắc đến những công trình cống hiến đem lại vẻ vang cho nền văn hóa Phật giáo, Đại sư khiêm tốn nói:
-“Thập phương đến thập phương đi, cùng kết duyên với thập phương”, nhờ bao người góp công góp của mới thành tựu được như ngày nay.
Song các đệ tử sư phụ đều biết rõ, nếu không có hùng tâm của sư phụ làm điểm tựa tạo lực đẩy gây tác động mạnh thì mọi việc khó mà thành được.
Có một số huynh đệ tâm sự với tôi, cứ mỗi lần đến gặp sư phụ là trong lòng họ vừa mừng vừa lo, mừng là sẽ được nếm pháp nhũ cam lộ nơi sư phụ, lo là vì sư phụ hay nảy ra những ý tưởng đặc biệt rồi bất thần chỉ vào họ truyền lịnh: -“Việc này tôi giao cho chú làm đấy nhé!” – Kết quả là, bất kể nhiệm vụ khó khăn đến đâu, họ đều phải gồng mình, è cổ, ráng dốc hết tâm sức để chu toàn sứ mệnh. Có nhiều việc tưởng như bất khả thi, nhưng rốt cuộc rồi cũng hoàn thành.
Đại sư là một nhà văn hóa, điều này thì chẳng có gì để nghi, nhưng nếu nói chuẩn xác hơn thì Ngài đúng là “Một nhà tôn giáo có văn tâm” – các văn nhân thời cổ đại dụng văn tâm để tạc rồng, còn Đại sư dụng văn tâm để tạc Phật, tạc đến.. khắp nhân gian đều là Phật.
“Nhà tôn giáo có văn tâm” là, có thể dung hòa tôn giáo với văn học, Ngài dùng văn tâm để xem kinh, khéo thấu suốt đến chỗ tuyệt hay của kinh.
Đại sư nói:
-Trong kinh Phật bàng bạc tính văn học tuyệt kỹ, chẳng hạn như: kinh “Duy-Ma-Cật” có hơn hai vạn từ với cách hành văn ưu mỹ mới mẻ như thơ, còn kinh “Hoa-Nghiêm” kể chuyện Thiện Tài đồng tử đi tham vấn năm mươi ba lần tựa như truyện cổ “Nho Lâm Ngoại Sử”. Riêng kinh “Đại-Bảo-Tích” thì lại giống như nhiều thiên tiểu thuyết ngắn hợp thành, đúc kết lại những điều trọng yếu, đặc sắc rõ ràng. Còn “Kinh Bách Dụ” thì giống chuyện ngụ ngôn nhi đồng nhưng lại hàm chứa triết lý sâu xa, ngụ ý cảnh tỉnh thâm trầm.
“Nhà tôn giáo có văn tâm” là người có mắt tinh tường nhìn ra tính văn học trong tôn giáo, nhận ra được điểm ưu việt của văn học trong tác phẩm, giúp nhân sinh phát huy chân thiện mỹ. Biết dùng văn học chuyển tải tâm linh, và thông qua tâm linh, văn học được tỏa sáng. Văn học kết hợp với tôn giáo cũng giống như tượng vương có được sáu ngà quí, chẳng những không làm tổn giảm chân lý, mà còn giúp tôn giáo khởi sắc, tăng thêm vẻ tôn nghiêm và còn góp phần giúp tôn giáo lưu truyền rộng rãi.
Sư phụ kể:
Ngày xưa khi tôi đem kinh Phật so sánh với văn học. Nhiều nhân sĩ trong giáo giới không đồng ý, cho tôi là khinh lờn pháp Phật. Vì họ quan niệm: văn học là thế tục, Phật pháp là siêu thoát, nên không thể đem Phật pháp so sánh với thế tục ( xếp ngang với văn học).
Riêng tôi nhận thấy pháp vốn không đồng nhất, do được biên chép ra từ thời cổ đại; nếu người phiên dịch kinh Phật có tài sáng tác văn học cao siêu, thì kinh Phật càng dễ dàng lưu truyền sâu rộng. Như Phật giáo từng nói: “Nếu có thể học thuộc bốn câu kệ rồi đem dạy người thì công đức này đối với Phật pháp vượt hơn tam thiên đại thiên thế giới.
Tài liệu giáo lý chúng ta phong phú, chữ chữ như châu ngọc, ý tứ cao sâu, hay đến tuyệt diệu; lời văn ưu mỹ, thơ từ dồi dào; sức thuyết phục mạnh. Nếu không phải là những áng văn tuyệt tác mang tính văn học ưu việt, thì làm sao có thể lưu truyền bền vững được?
“Nhà tôn giáo có văn tâm” là hiểu rõ được tầm quan trọng của việc kết hợp văn học với tôn giáo sẽ đem lại lợi ích lưỡng toàn.
Đại sư nhắc đến Cưu-Ma-La-Thập, người được công nhận là nhà phiên dịch đệ nhất trong lịch sử:
-Vì sao mọi người đều cho Cưu-Ma-La-Thập là nhà phiên dịch đệ nhất? Vì Ngài có trình độ văn học uyên bác, cách hành văn lưu loát như mây bay nước chảy, khi đọc lên âm thanh tiết tấu nghe rất hay. Văn Ngài tự tại, diễn đạt tình ý khéo léo, không những lời lẽ làm xúc động lòng người mà còn dễ đọc dễ hiểu. Cưu-Ma-La-Thập dịch kinh, bất luận là về phương diện tôn giáo hay văn học, các tác phẩm của Ngài đều có giá trị rất cao, lưu ảnh hưởng sâu rộng.
Ngày nay chúng ta tụng đọc các kinh: Di Đà, Kim Cang, Pháp Hoa, đều nhờ vào bản dịch của Ngài. Lương Khải siêu và Hồ Thích đều cho rằng những bộ kinh này là văn học Bạch Thoại đầu tiên. Không những ảnh hưởng đến tư tưởng và nhân tâm mà còn ảnh hưởng cả về mặt văn học.
Điều này đã minh chứng, xác nhận rằng giá trị của văn tâm và Phật tâm, thi tâm và thiền tâm, thảy đều là tâm tâm tương ứng (khế hợp rất tương đắc).
Từ hai mươi lăm năm trước Đại sư đã dùng “Thiền thi và Thiền sư”; “Thiền và Văn nhân” để khai thị đại chúng. Trong đó có nêu lên hai quan điểm đáng suy ngẫm:- “Vì sao thiền sư khi khai ngộ thường làm thơ? Vì sao văn nhân theo đuổi cảnh giới tâm linh cao cả đến cuối cùng khi bước vào thiền đạo cũng lại làm thơ diễn tả cảnh thiền?”
Đại sư giảng giải:
-Vì Thiền sư nhận thấy thơ khai mở thẳng tắt nhất. Không những lời lẽ ý tứ hay mà lại thuần Thiền, giúp ta vượt thoát vũ trụ nhân sinh một cách áo diệu. Bởi vậy mà Thiền sư thường hay làm thơ, hầu như không một vị Thiền sư nào khai ngộ mà không làm thơ. Còn Văn nhân vì sao dễ bước vào đạo? – vì đối với cuộc sống, Văn nhân có những thể nghiệm sâu sắc hơn người thường, đối với cảnh vật dễ có cảm ngộ thâm trầm hơn. Giáo lý vi diệu của pháp Phật trình bày rõ ràng trong nhân sinh, có thể đáp ứng được niềm khát khao truy cầu chân lý của họ, giúp họ an trụ thân tâm. Văn học vốn có sẵn từ bên trong, còn cảm thụ sự việc là phần bên ngoài. Nhờ giáo lý Phật làm cốt lõi khơi nguồn khiến mạch văn học bộc phát, chứ không phải tạo ngôn cú để đùa bỡn hoặc sáng tác theo kiểu không ốm mà rên.
Tận thâm tâm, Đại sư nhận thấy rằng không riêng gì Phật đạo, thiền tư, văn tâm, mà tất cả những cảnh giới hướng thượng của nhân gian đều có thể tiếp xúc được với cõi tâm linh sâu thẳm (chân tâm). Chỉ cần người ta tiếp xúc được với chân tâm thì sẽ chiếu soi sông núi làu làu, sẽ thấy trong cuộc sống lặng lẽ hằng ngày bỗng tràn trề thiền cơ. Một mai bụi tan ánh sáng hiện thì .. thơ cũng hay, thiền cũng hay, văn cũng hay, Phật cũng hay, tất cả đều tuyệt, đều thú vị.
Văn tâm của Đại sư không chỉ phát trong sự viết lách và xuất bản, mà còn tỏa sáng trong tư tưởng và ngôn đàm. Mỗi lần nghe Ngài thuyết pháp, âm ba du dương trầm bổng như thác đổ trên ngàn, cơ phong cao vút, sừng sững như vách núi; lòng từ bi của Ngài tỏa rợp che mát khắp cùng; trí tuệ của Ngài hùng hồn, vang như sóng biển, ẩn trong tâm tình cao đẹp ấy là tấm lòng bao dung mênh mông. Mỗi khi nghe Đại sư nói, tôi thường có cảm giác như đang thưởng thức một áng văn tuyệt tác, ngôn cú sâu xa .. mà chỉ người có Văn tâm chín muồi và quá trình tư duy lão luyện mới có thể phát ra những lời lẽ tinh tế tuyệt diệu đến thế!
Văn tâm của Đại sư cũng hiển lộ trong đời sống. Tại Đạo tràng chủ chốt Phật Quang Sơn đương nhiên là có “Thư viện”, “Nhà sách”, “Nhà trưng bày Mỹ thuật”, “Phường Trích Thủy”… “Nhà sách Phật Quang Sơn”.. tất cả đều đầy đủ, phong phú.. “Nhà Mỹ thuật” trưng bày hình tượng Phật cực kỳ tôn nghiêm, còn “Phường Trích Thủy” là nơi qui tụ đầy đủ văn hóa quần chúng ưa thích nhằm hỗ trợ và cung ứng cho mọi người đủ thể loại văn hóa phục vụ, các thứ này thường hiếm và khó tìm được ở các tự viện khác.
Chỉ người có Văn tâm mới có được tinh thần phục vụ văn hóa tinh tế, mới biết quan tâm và đáp ứng các nhu cầu của quần chúng một cách tận tụy như thế.
Bán Phật pháp, lời được nhân tâm
Cho đến bây giờ Đại sư vẫn còn miệt mài sáng tác không nghỉ. Tác phẩm “Mê Ngộ Chi Gian” rất được mọi người hoan nghênh. Có lần Đại sư từ hải ngoại về bảo tôi:
– Lần này, ta ở Úc bế quan mười ngày viết được hơn trăm bài “Mê Ngộ Chi Gian”, con cũng phải cố gắng thêm nhiều nhé!
Tôi đùa:
– Nếu con có thể viết cả trăm bài văn trong mười ngày thì giờ con đã là Đại sư Thanh Huyền rồi, đâu phải nhờ sư phụ giúp sức nữa!
Sư phụ không xem nặng hình thức mà rất chú trọng tới tinh thần hoằng dương chánh pháp, làm sao để có thể lưu truyền sâu rộng, Ngài nói:
– Chúng ta viết một bài văn, xuất bản thành sách cũng hữu ích cho người, vì ít ra sự nghiệp văn hóa cũng đem đến cái lợi là giúp người đọc có dịp mở sáng tâm. Xem như tôi “bán” Phật pháp, “lời” được nhân tâm, dẫn dắt người vào hướng sống xứng đáng, gieo cho họ tín tâm đời đời kiếp kiếp đối với Phật pháp. Bởi thế, dùng văn hóa phổ biến hoằng pháp là việc rất cần thiết và quan trọng.
Phật giáo đồ chúng ta thường nói: “quảng kết thiện duyên”.. thế rồi đi hóa duyên. Song, – hoá duyên, hoá tiền – là tối ngốc! Bởi vì hóa tiền đôi lúc đặt người vào tình thế miễn cưỡng, gây nhiều phiền bực cho họ, đôi khi chưa làm được công đức gì lớn lao, còn bị người khinh rẻ. Muốn hóa duyên thì tốt hơn nên hóa tâm, vì làm cho người cảm động hoan hỉ thì hóa duyên này mới là vô giá.
Văn hóa chính là đang hóa tâm, thực hiện việc cảm hóa lòng người, giúp người tỉnh giác. Người tỉnh giác thì đương nhiên cùng đạo tương ưng, đây chính là giá trị đích thực của văn hóa.
Tôi hỏi Đại sư:
– Vậy thì cần phải viết bao nhiêu nữa?
Đại sư mỉm cười nhìn tôi đáp:
– Cần phải viết, viết mãi!..
Nhìn nụ cười vui vẻ của Đại sư tôi thấy phảng phất như “Hoa trà đang nở”, trong lòng còn vang vọng âm hưởng của “Lời ca vô thanh”. Tôi chợt nhớ đến những tác phẩm gần đây của sư phụ: “Hữu tình hữu nghĩa”, “Vãng sự bách ngữ”, “Mê ngộ chi gian”..
Sư phụ nếu không là nhà tôn giáo bi trí của thế giới thì cũng là nhà văn học giàu tâm huyết khiến người nao lòng. Nếu không “từng bước trên đường đều in dấu hoằng pháp gian lao” thì “mỗi nẻo đường trên thế giới luôn nở ngát hoa văn học”
Cầm trên tay tác phẩm gần đây nhất của sư phụ, tôi bỗng xúc động hệt như thời thanh niên khi đọc các tác phẩm đầu tay của Ngài, một cảm giác ấm áp chợt trào dâng và tuôn chảy trong tâm tư. Đã bao đêm khuya canh vắng, tôi miệt mài tiếp xúc với văn tâm của sư phụ như thế này, điều đó đã giúp tôi, dù ở chốn non cao hay tận biển sâu, luôn có được phương hướng chuẩn xác. Trong lặng lẽ cô tịch lắng nghe âm vang “tiếng vỗ của một bàn tay”, tôi luôn noi theo phong cách của Đại sư, một phong cách kiểu mẫu điển hình của ngày xưa lẫn bây giờ. “Cổ đạo chiếu nhan sắc” chân dung của cuộc sống tuyệt vời không phải đang hiển hiện trước mắt hay sao?
(*) Được thầy Quảng Độ dịch là “Thoát vòng tục luỵ”
Sống trong thế gian không nên cưu mang lòng oán hận, không nên bất bình; phàm đối với mọi việc nếu biết dùng tâm bình thường đối đãi, dùng tâm bao dung mà tiếp giao, thì trong thế gian không có việc gì mà không giải quyết được.