TỨ PHẦN LUẬT 四分律
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm.
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng
PHẦN THỨ BA TĂNG SỰ
CHƯƠNG VI: Y
I. Y PHẤN TẢO
Một thời Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, nước Ba-la-nại. Bấy giờ có năm tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
«Chúng con nên thọ trì loại y nào?»
Đức Phật dạy:
«Nên thọ trì y phấn tảo[1] và mười loại y[2] như: câu-xá, kiếp-bối, khâm-bạt-la, sô-ma, xoa-ma, xá-nâu, ma, sí-di-la, câu-nhiếp-la, thẩn-la-bát. Mười loại y như trên nhuộm thành màu sắc ca-sa[3] để thọ trì.
Tỳ-kheo được y nơi gò mả, đức Phật cho phép dùng. Tỳ-kheo nhận được y nguyện,[4] đức Phật cho phép dùng.
Tỳ-kheo trên đường đi cách gò mả không xa, thấy y phấn tảo quý giá,[5] e ngại không dám lấy, đức Phật cho phép lấy.
Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Có một người con của một giòng họ lớn xuất gia. Từ những nơi chợ búa, nơi đường hẻm đi đến nghĩa địa, chỗ bỏ đồ rác rưới, ông lượm được y xấu cũ đem về làm y tăng-già-lê để thọ trì. Phu nhơn Vua Ba-Tư-Nặc trông thấy, tâm từ niệm phát sanh, liền lấy y rất quý giá xé ra, dùng đồ bất tịnhbôi rồi đem bỏ nơi đó để tỳ-kheo lượm. Tỳ-kheo e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nếu họ vì tỳ-kheo thì nên lấy.»
Có tỳ-kheo thuộc giòng họ lớn xuất gia. Ông lượm những y cũ xấu nơi đống rác, nơi cầu tiêu, nơi đường hẻm, nơi chợ búa đem về làm tăng-già-lê. Vị trưởng giả thành Xá-vệ thấy, sanh tâm từmẫn, đem nhiều y tốt bỏ nơi đường hẻm, nơi cầu tiêu, và sai người coi chừng đừng cho ai lấy, để cho tỳ-kheo lấy. Bấy giờ có các tỳ-kheo đi vào thôn xóm, nhìn thẳng xuống trước bước chân mà đi nên không thấy. Người được sai coi chừng kia, thưa:
«Sao đại đức không nhìn qua nhìn lại?»
Khi ấy tỳ-kheo thấy, nhưng e ngại không dám lấy. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nếu họ vì tỳ-kheo thì cho phép nhận.»
Có tỳ-kheo lấy áo của người chết ở nơi hố chôn, e ngại, bạch Phật, đức Phật hỏi:
«Với tâm niệm nào khi ông lấy chiếc áo ấy?»
Vị ấy thưa:
«Với tâm niệm là đồ phấn tảo, chứ không với tâm trộm.»
Đức Phật dạy:
«Như vậy thì không phạm. Tuy nhiên, từ nay về sau không được lấy áo người chết nơi hố chôn người.»
Có cư sĩ giặt y rồi phơi nơi tường rào. Các tỳ-kheo mặc nạp y, thấy tưởng là y phấn tảo nên lấy. Cư sĩthấy, kêu nói:
«Y của tôi đó, đừng lấy!»
Tỳ-kheo nói.
«Tôi tưởng là y phấn tảo nên lấy.»
Nói xong, bỏ y lại đi. Tỳ-kheo kia e ngại, bạch Phật. Đức Phật hỏi:
«Với tâm niệm gì khi ông lấy y đó?»
Tỳ-kheo kia thưa:
«Với ý nghĩ là y phấn tảo cho nên lấy, chứ không lấy có tâm của kẻ trộm.»
Đức Phật dạy:
«Không phạm. Từ nay về sau không được lấy y phấn tảo nơi tường, nơi rào.»
Bấy giơ, có y một người chết ở trước đại quan đoán sự. Tỳ-kheo lấy y của người ấy. Sau đó quan đoán sự sai Chiên-đà-la đem xác chết bỏ. Chiên-đà-la nói:
«Tại sao không bảo người lấy y đem xác chết bỏ?»
Quan đoán sự hỏi:
«Người nào lấy y?»
Chiên-đà nói:
«Sa-môn Thích tử lấy.»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên lấy y người chết, chỗ quan đoán sự.»
Bấy giờ tỳ-kheo trên đường đi, cách gò mả không xa, thấy y của người chết chưa rã, liền lấy đi. Người chết liền đứng dậy nói:
«Đại đức chớ lấy y của tôi đi!»
Tỳ-kheo nói:
«Ngươi là người chết, làm gì có y!»
Nói rồi vẫn lấy y đi, không bỏ lại. Người chết theo tỳ-kheo đến ngoài cửa ngõ Kỳ-hoàn, ngã xuống đất. Các tỳ-kheo khác thấy hỏi tỳ-kheo này:
«Người ấy nói gì vậy?»
Tỳ-kheo này trả lời:
«Tôi tưởng người ấy đã chết nên lấy y đem về đây.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên lấy y của người chết chưa rã.»
Có người chăn bò để áo trên đầu ngủ. Tỳ-kheo thọ trì y phấn tảo thấy tưởng là ngưới chết, nhưng nghĩ: «Đức Thế Tôn không cho phép tỳ-kheo lấy áo của người chết chưa rã.» Nghĩ như vậy xong, liền lấy xương tay của người chết đánh trên đầu của người chăn bò; khiến cho vỡ đầu. Người chăn bò liền đứng dậy hỏi:
«Tại sao Đại đức đánh tôi?»
Tỳ-kheo nói:
«Tôi tưởng ông chết.»
Người chăn bò nói:
«Thầy không phân biệt được tôi sống hay chết sao?»
Nói xong liền đánh tỳ-kheo gần chết. Các tỳ-kheo [850a1] bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Người chết chưa rã, không được đánh.»
Nhóm sáu tỳ-kheo sử dụng phi y làm đãy đựng bát, đãy đựng giày dép, ống đựng kim, và chứa ngọa cụbằng gấm bông, đệm bằng dạ, nệm gối, da rái cá. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được dùng phi y làm đãy đựng bát, cho đến đựng kim, không được chứa ngọa cụ bằng gấm bông, đệm bằng dạ, nệm gối, da rái cá.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo bắt gặp ngọa cụ bằng gấm bông, đệm bằng dạ, gối, nơi gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép lấy dùng.»
Có tỳ-kheo bắt gặp y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù-lâu,[6] nơi gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép lấy, nhưng lột bỏ da và cỏ; ngoài ra, được phép chứa làm đồ trải đất.»
Có tỳ-kheo bắt gặp giường dây bằng da, giường cây, giường đơn nơi gò mả, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép lấy, nhưng lột bỏ da, rồi chọn một trong mười loại y bao lại.»
Có tỳ-kheo bắt gặp giường dây, giường cây, giường đơn nơi gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép lấy, trừ hai loại giường làm bằng dây da và tóc.»
Có tỳ-kheo thấy được xe kéo, dù, xe kéo bộ tại gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép lấy.»
Có tỳ-kheo thấy được bình đựng nước rửa, gậy, quạt tại gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép lấy.»
Có tỳ-kheo thấy được liềm, lưỡi dao, móc tại gò mả, e ngại không dám lấy; bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép lấy.»
Có tỳ-kheo thấy được tiền nơi gò mả, tự mình mang đi. Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được lấy.»
Có tỳ-kheo cầm lấy đồng, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Phải đập cho mất hình tướng rồi mới được mang đi.»
Có tỳ-kheo thấy được y bị trâu nhơi, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép lấy dùng.»
Có tỳ-kheo thấy được y chuột gặm, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép lấy dùng.»
Có tỳ-kheo thấy được y bị cháy, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép lấy dùng.»
Y phấn tảo có mười loại:[7] y bị trâu bò nhơi, y bị chuột gặm, y bị lửa cháy, y kinh nguyệt, y sản phụ, y trong miếu thần hoặc y bị chim tha đi hay gió bay rơi các nơi thì được lấy, y gò mả, y nguyện,[8] y thọ vương chức, y vãng hoàn. Mười loại y trên gọi là y phấn tảo.
Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la cùng với Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà đánh nhau, nên có nhiều người chết. Các tỳ-kheo muốn đến đó để lấy y người chết, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép đến đó. Nếu có người thì nên nói rồi mới lấy. Không có người thì mới tự ý lấy.»
Bấy giờ Vua A-xà-thế cùng Tỳ-lê-xa đánh nhau, có nhiều người chết. Tỳ-kheo muốn đến lấy y của người chết, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên đến nói rồi mới lấy. Nếu không có người thì tùy ý lấy.»
Trường hợp có số đông cư sĩ tụ họp nơi gò mả, cởi y bỏ một đống, để chôn người chết. Tỳ-kheo trì phấn tảo thấy, tưởng là y phấn tảo, nên lấy đi. Các cư sĩ thấy nói:
«Y của chúng tôi. Chớ lấy!»
Các tỳ-kheo nói:
«Chúng tôi tưởng là y phấn tảo.»
Nói xong liền bỏ xuống đất rồi đi. Tỳ-kheo e ngại, bạch Phật. Đức Phật hỏi:
«Các ông lấy với tâm niệm thế nào?»
Các tỳ-kheo thưa:
«Chúng con nghĩ là y phấn tảo chứ không lấy với tâm trộm cắp.»
Đức Phật dạy:
«Như vậy thì không phạm. Nhưng không được lấy y đang để thành đống.»
Có các cư sĩ, đốt người chết nơi gò mả. Các tỳ-kheo trì phấn tảo thấy khói, kêu các tỳ-kheo khác đến để lấy y phấn tảo. Các vị ấy nói:
«Vâng.»
Các tỳ-kheo liền đến, im lặng đứng một chỗ. Bấy giờ có cư sĩ trao cho tỳ-kheo một chiếc y quý giá. Vị tỳ-kheo thứ hai nói:
«Hãy mang lại đây. Tôi chia với thầy.»
Vị tỳ-kheo kia nói:
«Chia cho ai? Người cư sĩ nói cho tôi kia mà!»
Hai tỳ-kheo tranh nhau. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên đến hỏi người cư sĩ y này cho ai, tùy theo người cư sĩ trả lời mà quyết định. Nếu người cư sĩ nói, ‹Không biết›, hoặc nói, ‹Cho cả hai› thì mới phân làm hai phần.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo đến nơi gò mả lấy y phấn tảo. Từ xa trông thấy y phấn tảo, một tỳ-kheo liền chỉ và nói:
«Y đó của tôi.»
Tỳ-kheo thứ hai liền chạy đến lấy. Hai vị tranh nhau, đều nói là của mình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Y phấn tảo không có chủ, ai lấy trước thì được.»
Có hai tỳ-kheo cùng đến nơi gò mả để lấy y phấn tảo. Hai vị từ xa thấy y, đều chỉ tay, và nói y ấy của tôi. Vừa nói hai người đều chạy đến để lấy. Hai người cùng tranh nhau, đều nói của mình. Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Y phấn tảo không có chủ. Hai người đồng thời lấy thì chia làm hai phần.»
Bấy giờ có số đông cư sĩ chở người chết đến gò mả. Tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, liền nói với các tỳ-kheo khác:
«Chúng ta nên đến để lấy y phấn tảo. Hôm nay chắc lấy được nhiều.»
Tỳ-kheo kia nói:
«Các thầy đi đi. Tôi không đi được.»
Các tỳ-kheo liền đi, lấy được nhiều y phấn tảo, đem về trong Tăng-già-lam, giặt sạch, sửa sang lại. Tỳ-kheo kia thấy, nói tỳ-kheo này rằng:
«Thầy làm gì mà không cùng tôi đi lấy y? Tôi đi lấy được khá nhiều đem về đây.»
Tỳ-kheo này nói:
«Đem đến đây chia cho tôi với.»
Tỳ-kheo kia nói:
«Thầy không cùng tôi đi lấy, sao đòi chia?»
Hai vị tranh cãi nhau. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Thuộc về vị đi lấy kia.»
Có số đông tỳ-kheo trì y phấn tảo, hẹn nhau đến gò mả lấy y phấn tảo. Có hai tỳ-kheo được y quý giá. Các tỳ-kheo kia nói:
«Chia cho chúng tôi với.»
Tỳ-kheo kia trả lời:
«Tôi được y này, tại sao bảo chia cho thầy?»
Nhiều vị cùng tranh, tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tùy theo sự cam kết trước. Được nhiều ít nên cùng chia cho nhau.»
Phật ở tại nước Xá-vệ. Có các cư sĩ, khi ông bà hay cha mẹ chết, dùng tràng phan bảo cái, y vật trang trí nơi mộ của ông bà hay cha mẹ. Tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, bèn lột lấy đi. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, trộm lấy vật của người mà tự nói tôi biết chánh pháp. Xem thế thì có gì là chánh pháp? Chúng ta vì tổ phụ mẫu hay phụ mẫu xây mộ phần, dùng tràng phan bảo cái để cúng dường, sao họ tự tiện lột lấy đi. Làm như chúng ta vì sa-môn Thích tử xây mộ phần cúng dường. Sự thật chúng ta vì ông bà, cha mẹ của chúng ta mà dùng tràng phan bảo cái trang trí nơi mộ phần để cúng dường kia mà!»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được lấy vật như vậy.»
Trường hợp các vật ấy gió thổi bay đến chỗ khác, hoặc chim ngậm bay đi rớt chỗ khác. Tỳ-kheo thấy, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Trường hợp như vậy thì cho phép lấy.»
Các tỳ-kheo thấy y vật trang nghiêm cúng dường nơi tháp, liền lấy. Lấy rồi e ngại, bạch Phật. Phật hỏi:
«Với tâm niệm nào khi ông lấy?»
Tỳ-kheo thưa:
«Với ý nghĩ là y phấn tảo nên lấy, chứ không với tâm niệm trộm cắp.»
Đức Phật dạy:
«Như vậy thì không phạm. Nhưng không được lấy y vật trang nghiêm cúng dường nơi tháp.»
II. KỲ-BÀ ĐỒNG TỬ
1. Kỹ nữ thành Vương-xá
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ ở Tỳ-xá-ly có một dâm nữ tên là Am-bà-la-bà-lợi,[9] nhan sắc vô cùng xinh đẹp. Ai muốn cùng ngủ một đêm thì phải trả năm mươi lượng vàng. Ban ngày cũng phải trả năm mươi lạng vàng như vậy. Bấy giờ, Tỳ-xá-ly do có dâm nữ này nên người trong bốn phương tụ tậpvề đó. Quốc pháp nhờ vậy mà cực kỳ sáng chói.
Các đại thần thành Vương-xá nghe đồn: «Tỳ-xá-ly có một dâm nữ [851a1] tên là Am-bà-la-bà-lợi, nhan sắc vô cùng xinh đẹp. Ai muốn cùng ngủ một đêm thì phải trả năm mươi lượng vàng. Ban ngày cũng phải trả năm mươi lạng vàng như vậy. Bấy giờ, Tỳ-xá-ly do có dâm nữ này nên người trong bốn phương tụ tập về đó. Tỳ-da-ly nhờ vậy mà cực kỳ sáng chói.»
Các đại thần đến chỗ Vua Bình-sa tâu:
«Đại vương biết chăng, tại nước Tỳ-xá-ly có một dâm nữ tên là Am-bà-la-bà-lợi, nhan sắc vô cùng xinh đẹp. Ai muốn cùng ngủ một đêm thì phải trả năm mươi lượng vàng. Ban ngày cũng phải trả năm mươi lạng vàng như vậy. Bấy giờ, Tỳ-xá-ly do có dâm nữ này nên người trong bốn phương tụ tập về đó. Tỳ-xá-ly nhờ vậy mà cực kỳ sáng chói.»
Nhà Vua nghe xong liền ra lệnh cho các đại thần:
«Các khanh sao không đưa dâm nữ ấy về đây?»
Bấy giờ trong thành Vương-xá, có một đồng nữ tên là Sa-la-bạt-đề,[10] xinh đẹp không ai sánh kịp, hơn cả Am-bà-la-bà-lợi. Các đại thần liền an trí dâm nữ này. Ai muốn ngủ với dâm nữ này một đêm phải trả với giá một trăm lượng vàng, và một ngày cũng như vậy. Bấy giờ thành Vương-xá nhờ có dâm nữ này nên người bốn phương tụ tập về, nhờ vậy mà cực kỳ sáng chói. Bấy giờ con Vua Bình-sa tên là Vô Úy[11] cùng dâm nữ này chung ngủ trong đêm. Dâm nữ có thai. Từ đó dâm nữ ra lệnh cho người giữ cửa rằng: «Nếu có khách cần gặp thì nói tôi bị bệnh.» Sau đó, đủ ngày tháng, dâm nữ hạ sanh một bé trai, tướng mạo xinh đẹp. Dâm nữ liền dùng vải trắng bọc hài nhi này, bảo tớ gái đem bỏ ra ngoài đường. Người tớ gái làm theo lời sai bảo, bồng hài nhi đem bỏ.
Cũng vào buổi sáng tinh sương lúc ấy, Vương tử Vô Úy muốn đi xe đến yết kiến Phụ vương nên sai người dọn dẹp dọc đường. Bất ngờ, từ xa Vương tử trông thấy một vật trắng dọc đường, liền dừng xe, hỏi người bên đường rằng:
«Cái gói trắng đó là gì?»
Người bên đường trả lời:
«Một đứa bé.»
Vương tử hỏi:
«Còn sống hay chết?
Người bên đường nói:
«Nó sống.»
Vương tử liền ra lệnh bồng về. Vương tử Vô Úy không có con nên đem về nhà giao cho nhũ mẫu nuôi dưỡng. Vì «Nó sống» cho đặt tên là Kỳ-bà.[12] Đồng tử được Vương tử lượm nên gọi là Đồng tử.[13] Theo thời gian lớn khôn, Vương tử rất yêu mến.
Một hôm Vương tử kêu Kỳ-bà Đồng tử đến và nói:
«Con muốn ở lâu nơi Vương gia mà không có tài nghề gì thì không được thọ hưởng bổng lộc của Vua. Con cần học kỹ thuật.»
Kỳ-bà Đồng tử trả lời:
«Con sẽ học.»
2. Học thuốc
Kỳ-bà Đồng tử tự nghĩ: «Tay ta nên học nghề gì để có được nhiều của cải mà ít bận rộn?» Nghĩ xong, Kỳ-bà Đồng tử quyết định học nghề thầy thuốc. Nghề này đại tài phú mà ít bận rộn. Kỳ-bà Đồng tử nghĩ tiếp: «Ai dạy nghề thầy thuốc cho ta đây.» Thời gian ấy, Kỳ-bà Đồng tử nghe tại nước Đắc-xoa-thi-la[14] có vị thầy thuốc họ A-đề-lê, tên là Tân-ca-la, tay nghề rất cao. Vị này có thể dạy ta được.» Kỳ-bà Đồng tử liền đến nước kia, chỗ Tân-ca-la ở, thưa:
«Con muốn theo thầy học nghề làm thuốc, xin thầy dạy cho con.»
Tân-ca-la trả Lời: «Được!»
Thời gian bảy năm, Kỳ-bà Đồng tử theo học nghề thầy thuốc. Một hôm tự nghĩ: «Nghề thầy thuốc này ta phải học tập bao lâu mới xong?» Nghĩ rồi, Kỳ-bà Đồng tử liền đến chỗ vị thầy thưa:
«Con học nghề làm thuốc này bao lâu mới xong?»
Vị thầy liền trao cho một cái giỏ và dụng cụ đào rễ cây, nói với Kỳ-bà Đồng tử:
«Con đến nơi nước Đắc-xoa-thi-la, trong phạm vi một do tuần, tìm xem các loại cây, có loại cây nào không phải là thuốc đem về đây.»
Kỳ-bà Đồng tử liền vâng lời thầy dạy, đến nước Đắc-xoa-thi-la, trong phạm vi một do tuần tìm kiếm mà không thấy loại cây nào không phải là thuốc. Những loại cây mà Kỳ-bà Đồng tử thấy đều là vật có thể phân tích để dùng vào thuốc được cả. Kỳ-bà Đồng tử mang giỏ không trở về, đến chỗ vị thầy thưa:
«Thưa thầy con đã đến nước Đắc-xoa-thi-la tìm loại cây nào không phải là thuốc, trong phạm vi một do tuần. Con tìm khắp nơi, không thấy có loại cây nào là chẳng phải thuốc. Tất cả đều có thể phân chất dùng vào thuốc được hết.»
Ông thầy dạy thuốc trả lời Kỳ-bà Đồng tử rằng:
«Nay con có thể về. Y đạo như vậy đã thành. Trong cõi Diêm-phù-đề này, ta là hạng nhất. Sau khi thầy qua đời, con là người kế thế.»
3. Chữa bịnh
1. Bấy giờ Kỳ-bà Đồng tử tự nghĩ: «Nay ta, trước hết nên trị bệnh cho ai? Nước này vừa nhỏ, lại ở vùng biên phương. Ta nên về lại bổn quốc để bắt đầu mở y đạo tại đó.» Nghĩ xong, Kỳ-bà Đồng tử liền trở vềlại thành Bà-già-đà.
Trong thành Bà-già-đà, bấy giờ có người vợ của đại trưởng giả mang phải trọng bệnh đau đầu mười hai năm, các thầy thuốc đều không thể chữa trị được. Kỳ-bà Đồng tử nghe liền đến nơi nhà đó nói với người giữ cửa rằng:
«Nhà ngươi vào thưa với trưởng giả là có người thầy thuốc ở ngoài cửa.»
Người giữ cửa liền vào thưa. Vợ ông trưởng giả hỏi:
«Tướng mạo của ông thầy thuốc thế nào?»
Người giữ cửa thưa:
«Ông thầy thuốc tuổi còn nhỏ.»
Bệnh nhân liền nghĩ: «Các vị thầy thuốc lớn tuổi có kinh nghiệm kia còn chưa chữa trị được, huống là tuổi nhỏ.» Bà ta liền bảo người giữ cửa ra nói với ông thầy thuốc là nay ta không cần thầy thuốc nữa. Người giữ cửa liền ra nói:
«Tôi đã vì ông vào thưa với vợ ông trưởng giả. Mà vợ ông trưởng giả nói nay không cần thầy thuốc nữa.»
Kỳ-bà Đồng tử lại nói:
«Người có thể vì tôi vào thưa với vợ ông trưởng giả cho phép tôi chữa trị. Nếu lành thì tùy ý cho tôi thứ gì cũng được.»
Bấy giờ người giữ cửa lại vào thưa với bà chủ:
«Ông thầy thuốc nói cho phép ông ấy được chữa. Nếu lành thì tùy ý cho ông ấy thứ chi cũng được.»
Vợ ông trưởng giả nghe xong liền nghĩ: «Nếu như vậy thì không tốn gì.» Bà ra lệnh cho người giữ cửa gọi vào. Được gọi, Kỳ-bà Đồng tử vào, đến chỗ vợ ông trưởng giả hỏi:
«Bệnh khổ của bà thế nào?»
Vợ ông trưởng giả trả lời:
«Bệnh như vậy, như vậy.»
Kỳ-bà Đồng tử lại hỏi:
«Bắt đầu từ chỗ nào?»
Bà ta nói:
«Bệnh bắt đầu như vậy, như vậy.»
Kỳ-bà Đồng tử hỏi tiếp:
«Bệnh bao lâu rồi?»
Bà trả lời:
«Bệnh chừng ấy thời gian.»
Kỳ-bà Đồng tử hỏi xong nói:
«Bệnh này tôi có thể chữa trị được.»
Kỳ-bà Đồng tử liền dùng thuốc tốt như váng sữa đem chưng rồi nhểu vào lỗ mũi bệnh nhân. Váng sữa được nhểu vào đó đều chảy ra nơi miệng của bệnh nhân. Bà vợ ông trưởng giả liền lấy đồ hứng lấy tinh sữa ấy để riêng một chỗ. Kỳ-bà Đồng tử thấy vậy, lòng ôm sầu não, vì nghĩ: «Với một ít váng sữa bất tịnh như vậy mà bà ta còn tiếc như thế, huống chi khi lành bệnh bà này trả ơn ta được là bao!» Bà vợ ông trưởng giả thấy Kỳ-bà Đồng tử có vẻ buồn hỏi:
«Tại sao thầy có vẻ sầu não?»
Kỳ-bà Đồng tử nói:
«Thật vậy, tôi có áo não.»
Bà ta hỏi:
«Tại sao thầy sầu não?»
Kỳ-bà Đồng tử đáp:
«Vì tôi tự nghĩ với một ít váng sữa bất tịnh như thế mà bà còn tiếc, thì khi bà lành bệnh trả ơn cho tôi thế nào? Nên áo não.»
Bà vợ trưởng giả nói:
«Vì việc nhà nên không dễ vất bỏ. Nó có thể dùng thắp đèn được nên tôi hứng lấy. Thầy cứ chữa bệnh chuyện gì phải sầu ưu.»
Kỳ-bà Đồng tử nghe nói như vậy liền tiếp tục chữa trị. Sau khi bệnh lành, vợ ông trưởng giả tạ ơn Kỳ-bà Đồng tử bốn trăm ngàn lượng vàng và tôi tớ, xe cộ. Kỳ-bà Đồng tử nhận được những phẩm vật này rồi, về lại thành Vương-xá. Đến cửa nhà của Vô Úy Vương tử, nói với người giữ cửa:
«Người vào tâu với Vương tử rằng Kỳ-bà Đồng tử ở ngoài cửa.»
Người giữ cửa liền vào tâu. Vương tử ra lệnh người giữ cửa gọi vào. Kỳ-bà Đồng tử vào rồi, đầu mặt kính lễ xong, đứng qua một bên, tường trình đầy đủ tất cả sự việc đã qua với Vô Úy Vương tử và nói:
«Tất cả tặng vật nhận được xin dâng lên Vương tử.»
Vương tử nói:
«Thôi đi! Khỏi phải làm điều đó. Con cứ tự tiện xử dụng.»
Đây là con bệnh đầu tiên mà Kỳ-bà Đồng tử cậu chữa trị.[15]
2. Lúc bấy giờ, Vua Bình-sa mắc phải chứng bệnh xuất huyết nơi đường đại tiểu tiện. Các thị nữ thấy đều cười bảo rằng:
«Hiện Đại vương cũng mắc phải bệnh như bọn phụ nữ chúng ta.»
Vua Bình-sa, nghe qua hổ thẹn, liền kêu Vô Úy Vương tử bảo rằng:
«Hiện cha mắc chứng bệnh như vậy, con có thể vì cha tìm thầy thuốc chữa gấp được không?»
Vô Úy thưa:
«Có Kỳ-bà Đồng tử rành về nghề thuốc, có thể chữa trị bệnh cho phụ vương được.»
Nhà Vua bảo kêu đến. Vô Úy vương tử kêu Kỳ-bà Đồng tử đến hỏi rằng:
«Con có thể chữa bịnh cho phụ vương của ta được không?»
Kỳ-bà Đồng tử thưa:
«Có thể chữa được.»
Vô Úy bảo:
«Nếu được, thì ngươi đến chữa gấp.»
Kỳ-bà Đồng tử đến chỗ Vua Bình-sa, kính lễ sát chân Vua xong, đứng lui qua một bên, rồi hỏi Vua rằng:
«Đại vương bị bệnh khổ thế nào?»
Nhà Vua trả lời:
«Bị bệnh như vậy, như vậy.»
Kỳ-bà Đồng tử hỏi:
«Bệnh phát khởi từ đâu?»
Vua trả lời:
«Bệnh bắt đầu như vậy, như vậy.»
Kỳ-bà Đồng tử hỏi tiếp:
«Bệnh phát bao lâu rồi?»
Nhà Vua nói:
«Bệnh phát từ lúc đó.»
Hỏi xong, Kỳ-bà Đồng tử thưa:
«Có thể chữa trị được.»
Kỳ-bà Đồng tử liền lấy cái máng bằng sắt, đựng đầy nước ấm, bảo Vua Bình-sa vào trong máng nước. Vua liền vào. Bảo Vua ngồi trong nước; Vua liền ngồi. Bảo Vua nằm trong nước, Vua liền nằm. Khi ấy, Kỳ-bà Đồng tử dùng nước rưới lên Vua mà chú thuật; Vua liền ngủ. Kỳ-bà Đồng tử nhanh nhẹn bước vào trong nước, dùng dao bén mổ ngay chỗ ung nhọt của Vua; rửa sạch, dùng thuốc thoa. Thoa xong, bệnh lành. Nơi mụt nhọt mọc lông lại, giống như chỗ không bệnh. Đâu đó xong, Kỳ-bà Đồng tử liền thay máng nước đầy, dùng nước rưới Vua, chú thuật. Vua tỉnh dậy hỏi:
«Chữa cho ta đi!»
Kỳ-bà Đồng tử thưa:
«Tôi đã trị xong.»
Nhà Vua nói:
«Chữa khỏi không?»
Kỳ-bà Đồng tử thưa:
«Đã khỏi rồi.»
Nhà Vua liền dùng tay sờ, mà không biết mụt nhọt ở chỗ nào.»
Vua hỏi:
«Nhà ngươi chữa trị bằng cách nào, đến nỗi không còn dấu mụt nhọt nữa?»
Kỳ-bà Đồng tử thưa:
«Tôi chữa bệnh há có thể còn lại dấu mụt nhọt ư?»
Bấy giờ Vua tập hợp các thị nữ mà nói rằng:
«Kỳ-bà Đồng tử, người thầy thuốc này đại lợi ích. Ta nghĩ rằng, ta phải ban thưởng của cải rất nhiều mới được.»
Các thị nữ liền lấy các loại anh lạc, vòng xuyến đeo nơi tay chân, kể cả các vật quý báu dùng để che kín thân người nữ và tiền vàng, ma ni, chơn châu, lưu ly, bối ngọc, pha lê, gom thành một đống lớn.
Bấy giờ, nhà Vua kêu Kỳ-bà Đồng tử đến nói rằng:
«Nhà ngươi chữa bệnh cho ta lành, ta dùng những vật này để trả ơn ngươi.»
Kỳ-bà Đồng tử thưa với đại vương:
«Thôi, tâu Đại vương, như vậy đã là ban cho tôi rồi. Tôi vì Vương tử Vô Úy mà chữa bệnh cho Đại vương.»
Khi ấy, Vua ra lệnh rằng:
«Nhà ngươi không được chữa bệnh người khác.[16] Chỉ chữa bệnh cho ta, cho Phật, cho Tăng tỳ-kheo và người trong cung mà thôi.»
Đây là con bệnh thứ hai mà Kỳ-bà Đồng tử đã chữa trị.
3. Lúc bấy giờ, tại thành Vương-xá có ông trưởng giả thường bị đau đầu, không có thầy thuốc nào chữa trị được. Bấy giờ, có vị thầy thuốc nói với ông trưởng giả là sau bảy năm ông trưởng giả sẽ chết. Có ông lại nói, sau sáu năm, sau năm năm, cho đến sau một năm sẽ chết. Có ông lại nói sau bảy tháng sẽ chết, hoặc sáu tháng, cho đến một tháng sẽ chết. Có ông lại nói sau bảy ngày sẽ chết.
Bấy giờ, ông trưởng giả tự mình đến nhà Kỳ-bà Đồng tử nói rằng:
«Ông chữa bệnh cho tôi. Tôi sẽ đền ơn ông một trăm ngàn lượng vàng. »
Kỳ-bà Đồng tử nói:
«Không thể được.»
Ông trưởng giả lại nói:
«Tôi sẽ trả ơn ông hai trăm ngàn. Ba trăm ngàn. Bốn trăm ngàn lượng vàng.»
Kỳ-bà Đồng tử nói:
«Không thể được.»
Bệnh nhân nói:
«Tôi sẽ làm tôi tớ và tất cả gia nghiệp của tôi sẽ thuộc về ông.»
Kỳ-bà Đồng tử nói rằng:
«Không phải tôi vì tiền bạc ít mà nói là không thể chữa được bịnh cho ông. Nhưng vì trước đây Vua Bình-sa có ra lệnh cho tôi rằng: ‹Khanh chỉ chữa bệnh cho ta, cho Phật, cho Tăng tỳ-kheo và người trong cung mà thôi, chứ không được chữa cho người khác.› Cho nên tôi nói không thể được. Nay nếu ông đến xin phép Vua thì tôi mới dám chữa.»
Ông trưởng giả liền đến tâu với Vua:
«Nay tôi có bệnh ngoặt nghèo. Xin Vua cho phép Kỳ-bà Đồng tử trị bệnh cho tôi.»
Vua liền kêu Kỳ-bà Đồng tử đến nói rằng:
«Trong thành Vương-xá có ông trưởng giả bị bệnh, ông có thể trị được không?»
Kỳ-bà Đồng tử trả lời: «Được.»
Nhà Vua nói:
«Nếu trị được thì đến trị.»
Lúc ấy, Kỳ-bà Đồng tử liền đến nhà ông trưởng giả, và hỏi rằng:
«Chứng bệnh của ông thế nào?»
Trưởng giả trả lời:
«Chứng bệnh tôi như vậy, như vậy.»
Kỳ-bà Đồng tử lại hỏi:
«Bệnh phát khởi từ đâu?»
Bệnh nhân nói:
«Bệnh từ như vậy, như vậy khởi phát.»
Kỳ-bà Đồng tử hỏi tiếp:
«Thời gian bệnh lâu mau rồi?»
Trưởng giả nói:
«Thời gia bệnh là, chừng ấy.»
Hỏi xong, Kỳ-bà Đồng tử nói:
«Bệnh này tôi chữa được.»
Khi ấy, Kỳ-bà Đồng tử liền cho uống nước muối, khiến bệnh nhân bị khát; rồi cho uống rượu đến say. Kế đó, buộc bệnh nhân vào giường, tập hợp thân nhân đến xung quanh. Kỳ-bà Đồng tử dùng dao bén mổ đầu, banh xương sọ ra, chỉ cho thân quyến thấy trùng đầy trong đầu của bệnh nhân. Đây là căn nguyên của chứng bệnh. Kỳ-bà Đồng tử nói với mọi người:
«Như lời thầy thuốc trước đây đã nói, sau bảy năm bệnh nhân sẽ chết. Ý là sau bảy năm cái não hết nên phải chết. Nói như vậy là vì không khéo thấy. Hoặc có những vị nói sau sáu, năm, bốn, ba, hai và một năm sẽ chết, vì nghĩ rằng, sau khi hết não sẽ chết. Tất cả cũng không thấy rõ. Hoặc nói sau bảy tháng cho đến một tháng sẽ chết, cũng không thấy rõ. Còn vị thầy thuốc nói bảy ngày sẽ chết. Nói như vậy là vì nghĩ, trong vòng bảy hôm, não của bệnh nhân sẽ hết nên phải chết. Chính vị thầy thuốc này mới là người khéo thấy. Nếu nay không chữa trị, qua bảy ngày, não hết, sẽ phải chết.»
Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử trừ sạch bịnh trong đầu xong, đổ váng sữa, mật vào đầy trong đầu, sau ghép xương sọ rồi may lại, dùng thuốc tốt bôi. Tức thì, bệnh khỏi, thịt đầy lại như cũ, tóc mọc lại, như chỗ không bị mổ không khác.
Kỳ-bà Đồng tử hỏi ông trưởng giả:
«Ông nhớ lời hứa trước đây không?»
Ông trưởng giả trả lời:
«Tôi nhớ trước đây có nói, ‹Nếu thầy chữa bệnh tôi lành, tôi sẽ làm tôi tớ và tất cả gia nghiệp của tôi sẽ giao cho thầy›».
Kỳ-bà Đồng tử nói:
«Thôi, Trưởng giả, như thế là đã cho tôi rồi. Chỉ nên dùng lời nói trước.»
Khi ấy, ông trưởng giả liền đem bốn mươi vạn lượng vàng, để tạ ơn. Kỳ-bà Đồng tử dùng một trăm ngàn lượng dâng lên Vua, một trăm ngàn lượng cung phụng thân phụ, hai trăm ngàn lượng tự mình sử dụng. Đây là bệnh nhân thứ ba, mà Kỳ-bà Đồng tử chữa trị.
4. Lúc bấy giờ, tại nước Câu-thiểm-di có con ông trưởng giả vì ham đùa trên cái bánh xe,[17] nên ruột bên trong bị thắt lại, ăn uống không tiêu, không bài tiết được, nhưng tại nước đó không ai chữa trị được. Ông nghe nước Ma-kiệt có vị thầy thuốc rất giỏi, có thể chữa được bệnh này, liền sai sứ đến tâu với Vua:
«Con ông trưởng giả nước Câu-thiểm-di bệnh. Kỳ-bà Đồng tử có thể chữa được. Cúi xin Vua cho phépđến.»
Vua Bình-sa cho gọi Kỳ-bà Đồng tử đến hỏi rằng:
«Có con ông trưởng giả nước Câu-thiểm-di bị bệnh, ngươi có thể chữa được không?»
Kỳ-bà Đồng tử trả lời là được.
Nhà Vua nói:
«Nếu chữa được, thì đi chữa cho họ.»
Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử đi xe đến nước Câu-thiểm-di. Kỳ-bà Đồng tử vừa mới đến nơi thì con ông trưởng giả đã chết, nghe tiếng kỹ nhạc đưa ma. Kỳ-bà Đồng tử liền hỏi rằng:
«Ở đây có việc gì mà có tiếng kỹ nhạc, tiếng trống kèn vậy?»
Người bên cạnh trả lời:
«Con ông trưởng giả bị bệnh mà ông đến chữa đó, đã chết rồi. Đó là tiếng kèn trống đưa đi chôn.»
Cậu Kỳ-bà Đồng tử có tài giỏi phân biệt tất cả các loại âm thanh, nên bảo khiêng trở lại, và nói:
«Người này chưa chết.»
Kỳ-bà Đồng tử nói như vậy, họ liền khiêng trở lại.
Kỳ-bà Đồng tử xuống xe, lấy dao bén mổ ngay bụng, vạch chỗ ruột bị thắt, chỉ cho cha mẹ và thân nhâncủa bệnh nhân xem và nói rằng:
«Đây là vì đùa trên bánh xe nên khiến cho ruột bị thắt lại như vầy. Do đó ăn uống không [853a1] tiêu, chứ không phải là chết.»
Kỳ-bà Đồng tử liền giải thông ruột ra, sắp lại như cũ, rồi may ngoài da, dùng thuốc tốt thoa nó. Sau đó vết mổ lành, lông mọc trở lại giống như chỗ không mổ.»
Con ông trưởng giả trả ơn cho Kỳ-bà Đồng tử bốn mươi vạn lượng vàng. Vợ của con ông cũng đem bốn mươi vạn lượng vàng để đền ơn người đã cứu chồng mình sống lại. Cha mẹ của bệnh nhân mỗi người cũng đem bốn mươi vạn lượng vàng để hậu tạ cho Kỳ-bà Đồng tử. Đây là bệnh thứ tư mà Kỳ-bà Đồng tử đã cứu chữa.
5. Lúc bấy giờ, quốc vương Úy-thiền[18] là Vua Ba-la-thù-đề,[19] ròng rã mười hai năm bị bệnh đau đầu, không có thầy thuốc nào chữa được. Vua nghe Vua Bình-sa có vị thầy thuốc đại tài, có thể chữa trị chứng bệnh của mình được, liền sai sứ đến tâu với Vua Bình-sa rằng:
«Ba-la-thù-đề mắc bệnh, Kỳ-bà Đồng tử có thể chữa trị được. Xin Vua cho phép Kỳ-bà Đồng tử được đến chữa.»
Vua liền gọi Kỳ-bà Đồng tử đến hỏi:
«Ngươi có thể chữa bệnh cho Ba-la-thù-đề không?»
Kỳ-bà Đồng tử trải lời:
«Có thể được.»
Nhà Vua nói:
«Nếu chữa được thì đi chữa.»
Vua nói tiếp:
«Vua ấy từ bọ cạp mà ra. Khanh khéo giữ mình, chớ để mất mạng.»
Kỳ-bà Đồng tử thưa:
«Xin vâng.»
Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử đến nước Úy-thiền, chỗ của Ba-la-thù-đề, kính lễ sát chân, rồi đứng qua một bên, hỏi Vua rằng:
«Bệnh trạng thế nào?»
Nhà Vua trả lời:
«Bệnh trạng như vậy, như vậy. »
Kỳ-bà Đồng tử hỏi:
«Bệnh bắt đầu từ đâu?»
Nhà Vua nói:
«Bệnh bắt đầu như vậy, như vậy.»
Kỳ-bà Đồng tử hỏi tiếp:
«Từ khi phát bệnh đến nay, bao lâu rồi?»
Bệnh nhân nói:
«Thời gian bệnh là chừng ấy.»
Theo thứ tự hỏi xong, Kỳ-bà Đồng tử nói:
«Bệnh này tôi có thể chữa được.»
Nhà Vua nói:
«Nếu dùng váng sữa hay thuốc trộn váng sữa, ta không uống được. Nếu cho ta uống thuốc trộn váng sữa, ta sẽ giết ngươi.»
Chứng bệnh này các thứ thuốc khác không trị được. Chỉ có váng sữa trị được mà thôi.
Kỳ-bà Đồng bèn bày chước, tâu với Vua:
«Y pháp trị bệnh của tôi, mai, trưa, chiều, tối xin được phép tự do ra vào.»
Nhà Vua nói với Kỳ-bà Đồng tử:
«Tùy ý ngươi cứ ra vào.»
Kỳ-bà Đồng tử lại tâu tiếp.
«Nếu cần vị thuốc quý giá, phải cởi ngựa để đi cho nhanh, xin Vua cho phép.»
Vua liền cấp cho con lạc đà đi năm mươi do tuần ngày. Kỳ-bà Đồng tử liền dùng thức ăn rất mặn cho Vua ăn. Rồi ở chỗ kín đáo, nấu váng sữa làm thuốc. Làm cho nó thành màu nước, vị nước. Kỳ-bà Đồng tử đưa thuốc cho mẹ của Vua và dặn:
«Khi nào Vua thức dậy, khát nước, đòi uống nước, thì đưa thứ thuốc này cho Vua dùng.»
Kỳ-bà Đồng tử đưa thuốc cho mẹ của Vua rồi, liền cỡi con lạc đà có sức chạy năm mươi do tuần ngày mà đi.
Vua thức dậy khát nước, đòi uống. Bà mẹ đưa thứ thuốc nước đó cho Vua uống. Khi thuốc tiêu hóa, cảm thấy có mùi váng sữa, Vua nói:
«Kỳ-bà cho ta uống váng sữa, là oan gia của ta, làm sao chữa bệnh ta được. Hãy cấp tốc kiếm, đưa đến đây.»
Sứ giả liền đến chỗ Kỳ-bà Đồng tử ở, tìm không có. Hỏi người giữ cửa rằng:
«Kỳ-bà Đồng tử ở đâu?»
Người giữ cửa nói:
«Kỳ-bà Đồng tử, cởi con lạc đà đi năm mươi do tuần ngày, đã đi rồi.»
Vua càng thêm lo sợ, nói:
«Cho ta uống váng sữa là oan gia của ta, làm sao chữa trị cho ta được!»
Lúc ấy, nhà Vua có một người đi bộ giỏi, tên là Ô, một ngày có thể đi sáu mươi do tuần. Nhà Vua liền kêu đến bảo:
«Ngươi có thể truy đuổi Kỳ-bà Đồng tử được chăng?»
Người ấy thưa:
«Có thể.»
Nhà Vua nói:
«Ngươi đến gọi về đây!»
Nhà Vua dặn:
«Kỳ-bà Đồng tử có kỹ thuật cao, ngươi chớ nên ăn những thức ăn gì do Kỳ-bà Đồng tử đưa. Có thể ngươi bị thuốc độc đó.»
Ô thưa:
«Vâng.»
Và theo lời dạy của Vua.
Kỳ-bà Đồng tử đi đến nửa đường, khỏi phải lo sợ nữa, ngừng lại làm thức ăn, nên Ô, người chạy nhanh đuổi theo kịp. Nói với Kỳ-bà Đồng tử:
«Vua Ba-la-thù-đề sai gọi ông.»
Đáp, sẽ đi liền.
Kỳ-bà Đồng tử mời Ô ăn. Ô không chịu ăn. Kỳ-bà Đồng tử tự mình ăn nửa trái a-ma-lặc,[20] để lại nửa trái, uống nước cũng để lại nửa ly. Dưới móng tay Kỳ-bà Đồng tử đã phục sẵn thuốc độc, thuốc ấy ngấm vào nửa trái và nửa ly nước còn lại. Kỳ-bà Đồng tử nói với ông Ô rằng:
«Tôi đã ăn nửa trái và uống nửa ly nước rồi, còn lại mỗi thứ phân nửa đây, ông có thể dùng đi.»
Ô liền nghĩ: «Kỳ-bà Đồng tử đã tự mình ăn nửa trái và uống nửa ly nước rồi, số còn lại bảo ta ăn, chắc không có độc.» Nghĩ như vậy rồi, Ô liền ăn nửa trái A-ma-lặc và uống nửa ly nước còn lại. Liền bị ói,[21] không thể đi được nữa. Kỳ-bà Đồng tử đem thuốc để trước Ô và nói rằng:
«Giờ đó, giờ đó, ông uống thuốc này sẽ khỏi bệnh.»
Kỳ-bà Đồng tử liền cởi con lạc đà đi năm mươi do tuần ngày đó tiếp tục đi.
Sau đó, Vua cùng Ô đều lành bệnh. Vua Ba-la-thù-đề sai sứ gọi Kỳ-bà Đồng tử, nói rằng:
«Nhà ngươi đã trị lành bệnh cho ta. Ta xin tạ ơn nhà ngươi gấp bội lần so với phẩm vật mà nhà ngươi đã thu được nhiều hay ít nơi nước kia.»
Kỳ-bà Đồng tử nói:
«Thôi, tâu Đại vương, như thế là đã ban cho tôi rồi. Tôi vì Vua Bình-sa nên trị bệnh cho Vua mà thôi.»
Bấy giờ, Vua Ba-la-thù-đề cho đưa đến một chiếc y quý giá, trị giá bằng phân nửa nước để tạ ơn.
Nhà Vua nói với Kỳ-bà Đồng tử:
«Nhà ngươi không thuận ý, nay ta xin biếu chiếc y này để gọi là báo ân.» Đây là con bệnh thứ năm mà Kỳ-bà Đồng tử đã chữa trị.
7. Bấy giờ, đức Thế Tôn bị bệnh dư nước,[22] nói với Tôn giả A-nan:
«Ta bị bệnh dư nước. Cần được chữa trị.»[23]
Tôn giả A-nan nghe đức Thế Tôn dạy như vậy, đến chỗ Kỳ-bà Đồng tử nơi thành Vương-xá, nói rằng:
«Đức Như Lai bị chứng dư nước, cần được chữa trị»
Kỳ-bà Đồng tử cùng A-nan đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
«Đức Như Lai bị chứng dư nước phải không?»
Đức Phật dạy:
«Đúng như vậy, Kỳ-bà Đồng tử. Như lai muốn chữa trị.»
Kỳ-bà Đồng tử bạch Phật:
«Như Lai muốn xổ bao nhiêu lần?»
Phật dạy:
«Cần ba mươi lần.»
Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử cùng A-nan đến thành Vương-xá lấy ba bó hoa ưu-bát[24] đem về nhà. Kỳ-bà Đồng tử lấy một bó xông thuốc và chú thuật dặn đưa đức Như Lai ngửi, sẽ xổ được mười lần. Lấy bó thứ hai, xông với thuốc và chú thuật, dặn đưa đức Như Lai ngửi, sẽ xổ được mười lần nữa. Sau lấy bó thứ ba xông với thuốc và chú thuật, dặn đưa đức Như Lai ngửi, thì sẽ xổ được chín lần. Kế đó uống một bụm nước nóng,[25] sẽ xổ được một lần nữa. Theo đó Kỳ-bà Đồng tử lấy ba bó hoa đặt trên tay Tôn giảA-nan. Tôn giả A-nan đem hoa ra khỏi thành Vương-xá, đến chỗ đức Thế Tôn, lấy một bó hoa dâng lên đức Thế Tôn. Ngài ngửi, liền xổ được mười lần. A-nan dâng bó hoa thứ hai, lại xổ được mười lần tiếp. Bó thứ ba, xổ được chín lần. Kỳ-bà Đồng tử quên dặn Tôn giả A-nan dâng nước nóng lên đức Phật. Nhưng đức Thế Tôn biết rõ tâm niệm Kỳ-bà Đồng tử, liền kêu A-nan bảo lấy nước nóng đem đến. A-nan nghe Phật dạy liền lấy nước nóng đem đến dâng lên đức Phật. Đức Phật liền uống một bụm nước nóng. Chứng dư nước liền khỏi. Phong khí cũng theo đó mà điều hoà.
8. Bấy giờ, Vua Bình-sa nghe Đức Phật bị bệnh, cùng tám vạn bốn ngàn người hộ giá đi đến chỗ đức Thế Tôn; kính lễ hỏi thăm Ngài, rồi ngồi lui qua một bên.
Lúc ấy, Vua Ưu-điền nghe Đức Thế Tôn bệnh, cũng dẫn bảy vạn người đến thăm. Vua Ba-la-thù-đề cùng với sáu vạn người đến thăm. Vua Phạm Thí cùng với năm vạn người. Mạt-lợi Phu nhân, Lê-sư-đạt-đa, Phú-la-na.
Bốn Đại thiên vương và các thuộc hạ tuỳ tùng. Thích Đề-hoàn Nhơn cùng Đao lợi chư thiên. Diệm thiêntử cùng với Diệm thiên. Đâu-suất thiên vương cùng Đâu-suất chư thiên. Hóa lạc thiên vương cùng Hóa lạc chư thiên. Tha hóa tự tại thiên vương cùng Tha hóa tự tại thiên. Phạm thiên vương cùng với chúng Phạm thiên. Ma-hê-thủ-la thiên vương cùng với Ma-hê-thủ-la chư thiên. Tất cả đều đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên.
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng cùng với năm trăm tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ sát chân, lui đứng qua một bên.
Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề nghe đức Thế Tôn bệnh, cũng cùng năm trăm tỳ-kheo-ni; A-nan Tân-đề cùng năm trăm ưu-bà-tắc; Tỳ-xá-khư Mẫu cùng năm trăm ưu-bà-di, đến chỗ đức Thế Tôn, [855a1] đầu mặt kính lễ thăm hỏi Ngài.
Bấy giờ, Đề-bạt-đạt-đa nghe đức Thế Tôn bị bệnh cũng đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt lễ sát chân, ngồi qua một bên. Lúc ấy, Đề-bạt-đạt-đa thấy trước đức Thế Tôn bốn bộ chúng nhóm hợp, liền khởi ý nghĩnhư vầy: «Nay ta có thể uống thuốc như Phật, khiến bốn bộ chúng đến thăm hỏi ta.» Nghĩ xong, liền đến chỗ Kỳ-bà Đồng tử nói rằng:
«Tôi muốn uống thứ thuốc như Phật uống. Ông có thể cho tôi uống được không?»
Kỳ-bà Đồng tử nói:
«Thứ thuốc đức Thế Tôn dùng tên là Na-la-diên,[26] thứ thuốc này chẳng phải ai cũng dùng được. Chỉ có Chuyển luân vương, bậc đã thành tựu Bồ-tát, đức Như Lai mới có thể dùng được.»
Đề Bà nói:
«Nếu không cho tôi dùng tôi sẽ hại ông.»
Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử sợ bị hại mạng nên liền đưa thuốc cho Đề-bà-đạt-đa. Do uống thuốc này mà Đề-bà-đạt-đa bị bệnh nặng, thân tâm đều đau khổ, cô đơn một mình, không ai tới lui thăm viếng, cũng không có bà con chăm sóc. Đề-bà-đạt-đa tự nghĩ: «Như ta hiện nay, không ai cứu giúp. Chỉ có đức Như Lai.»
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn biết tâm nghĩ Đề-bà-đạt-đa như vậy, liền từ núi Kỳ-xà-quật, thân phóng ra ánh sáng «thi dược»[27] chiếu đến Đề-bà-đạt-đa, khiến tất cả bệnh khổ liền được chấm dứt. Sau khi Đề-bà-đạt-đa được lành bệnh không lâu, đến các ngã đường trong thành Vương-xá xướng lên rằng:
«Thái tử Tất-đạt-đa xả bỏ ngôi vị Chuyển luân vương xuất gia làm đạo. Nay làm nghề thầy thuốc để nuôi sống. Tại sao biết như vậy? Chính tôi vừa được chữa lành đây, nên tôi biết.»
Các tỳ-kheo nghe biết; trong đó có vị thiểu dục tri túc sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Đề-bà-đạt-đa: «Đức Như Lai dũ lòng thương đối với ông, sao ông không biết đền đáp?»
Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, bạch Phật:
«Thật chưa từng có! Thế Tôn đã dũ lòng thương đối với Đề-bà-đạt-đa. Nhưng Đề-bà-đạt-đa lại không trả ơn.»
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Không phải chỉ đến hôm nay ta dũ lòng thương đối với Đề-bà-đạt-đa mà không được trả ơn đâu. Vào đời quá khứ, có nhà Vua tên là Nhất Thiết Thí,[28] làm Vua cõi Diêm-phù-đề. Khi ấy cõi đất Diêm-phù-đề rộng và bằng phẳng, nhân dân đông đúc, no đủ vui sướng vô cùng. Hồi ấy Diêm-phù-đề có tám vạn bốn ngàn thành, năm ngàn ức tụ lạc, sáu vạn biên thành. Bấy giờ, có bệnh nhân đến chỗ Vua Nhất Thiết Thí, thưa với Vua rằng:
«Tôi nay không ai cứu giúp. Chỉ có Vua thôi.»
Bấy giờ, nhà Vua tập hợp các danh y trong cõi Diêm-phù-đề, chỉ cho thấy bệnh nhân này và hỏi các lương y rằng:
«Bệnh nhân này cần dùng thứ thuốc gì?»
Các lương y khám bệnh rồi thưa:
«Theo bệnh của người này, người thường không thể cho thuốc được. Chỉ có các bậc thành tựu Bồ-tát mới có thể cho phương thuốc được.»
Nhà Vua hỏi:
«Cần thứ thuốc gì?»
Lương y nói:
«Bệnh nhân này nếu có được thịt máu sống do Bồ-tát từ tâm để ăn trong hai mươi chín ngày thì mới lành được.»
Vua Nhất Thế Thí khởi tâm nghĩ rằng: «Sanh tử miên viễn, luân chuyển không bờ, chịu các khổ não; hoặc đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh bị chặt chân tay, xẻo tai, xẻ mũi, móc mắt, bổ đầu, cuối cùng đâu có ích gì» Vua liền giao việc nước cho quần thần, vào trong chỗ vắng, tư duy bốn hạnh vô lượng. Bấy giờ, Vua Nhất Thế Thí dùng dao bén cắt thịt nơi đùi vế, sai người đem đến cho bệnh nhân ăn, trải quahai mươi chín ngày như vậy, sau đó Vua hỏi sứ giả rằng:
«Bệnh nhân thế nào?»
Sứ giả tâu với nhà Vua:
«Bệnh nhân đã lành.»
Nhà Vua bảo, dẫn đến ta xem.
Sứ giả liền tắm rửa người bệnh, mặc áo mới dẫn đến chỗ Vua. Vua hỏi?
«Bệnh của ngươi thế nào?»
Người bệnh nói:
«Đã lành.»
Nhà Vua nói:
«Thôi, nhà ngươi tuỳ ý mà lui.»
Khi người kia ra khỏi cửa, chân bên hữu vấp phải đá chảy máu. Người khác thấy vậy hỏi:
«Nầy nam tử! Tại sao chân của ngươi bị chảy máu?»
Người kia liền nói:
«Ông Vua phi pháp này! Vua tệ ác này! Vua dâm dục phi pháp này! Vua ham mê tà kiến nầy! Tôi vấp phải then cửa trong nhà của ông ấy, nên chân bị thương chảy máu như vậy.»
Mọi người nói:
«Chưa từng có hạng người nào vô ân như thế này. Vua Nhất Thế Thí trong vòng hai mươi chín ngày tự lấy thịt và máu thân mình, để chữa trị bệnh cho được lành, mà đối với Vua không có sự trả ơn, lại còn thêm tiếng oán!»
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Vua Nhất Thiết Thí lúc bấy giờ chính là bản thân ta vậy. Bệnh nhân lúc ấy chính là Đề-bà-đạt-đa hiện nay. Đời trước ta tỏ lòng từ mẫn đối với Đề-bà-đạt-đa, nhưng đã không được trả ơn. Hiện nay cũng như vậy, không hề trả ơn.»
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì Đề-bà-đạt-đa nói kệ này rằng:
Tất cả núi và biển,
Ta không cho là nặng.
Người không trả ơn kia,
Ta cho đó là nặng.
Người không đền đáp ơn,
Như bệnh hủi xấu ác;
Hoặc là bệnh hủi trắng,
Không trả ơn cũng vậy.
«Vậy các tỳ-kheo luôn luôn cần nghĩ đến việc trả ơn. Hãy học như vây.»
Lúc bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử chăm sóc bệnh đức Thế Tôn và dùng thang tiêu xổ, cùng thịt loài chim đồng nội, chữa lành căn bệnh. Đây là bệnh nhân thứ sáu được Kỳ-bà Đồng tử chữa lành.
III. ĐÀN VIỆT THÍ Y
1. Kỳ-bà thỉnh nguyện
Một hôm, Kỳ-bà Đồng tử mang chiếc y quý giá[29] đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn:
«Con trị bệnh cho Quốc vương, trị bệnh cho Đại thần, hoặc được một quốc độ, hoặc được một tụ lạc. Cúi xin đức Thế Tôn cho một ước nguyện.»
Đức Phật dạy:
«Ta không hề cho ai ước nguyện mà vượt quá điều nguyện.»[30]
Kỳ-bà Đồng tử lại thưa:
«Con xin một ước nguyện thanh tịnh.»[31]
Đức Phật dạy:
«Nguyện thanh tịnh ấy là gì?»
Kỳ-bà Đồng tử thưa:
«Chiếc y quý giá này, con nhận được từ Vua Ba-la-thù-đề, giá trị bằng phân nửa nước. Cúi xin đức Thế Tôn ai mẫn, vì con nạp thọ. Từ nay về sau, nguyện đức Thế Tôn cho phép các tỳ-kheo nào muốn khoác y của đàn-việt cúng, hay y phấn tảo, thì tùy ý được mặc.»
Bấy giờ, đức Thế Tôn chấp thuận bằng cách im lặng. Kỳ-bà Đồng tử được đức Thế Tôn chấp thuận, liền đem bình nước rửa bằng vàng rửa tay đức Phật, rồi đem chiếc y rất quý giá dâng lên Ngài. Đức Phật vì lòng từ mẫn nên vì ông mà nhận. Kỳ-bà Đồng tử đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì Kỳ-bà Đồng tử nói các bài pháp, khiến sanh hoan hỷ, rồi Kỳ-bà Đồng tử lễ Phật cáo lui.
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, vì các tỳ-kheo, mà tùy thuận nói pháp, ngài dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu đà, nhiếp trì oai nghi, thiểu dục tri túc, có trí tuệ, ưa nếp sống xuất ly. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Tất cả các loại y quý giá, y nầy là bậc nhất. Như bò cho ra sữa, trong sữa cho ra lạc, trong lạc cho ra tô, trong tô cho ra thục tô, trong thục tô cho ra đề hồ là tinh chất đệ nhất. Y nầy cũng như vậy, trong tất cả các loại y nó là đệ nhất. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo tùy ý khoác y của đàn-việt dâng cúng, hay y phấn tảo.»
2. Các loại y quý
Bấy giờ, Vua Bình-sa nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo chứa y đàn-việt cúng, liền đem y khâm-bà-la quý giá đang mặc dâng cúng cho tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận nói:
«Đức Phật chưa cho phép chúng tôi chứa loại y quý giá. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép chứa y quý giá khâm-bà-la.»
Sau đó, Vua lại sai người đem y quý giá cù-lâu[32] đến. Các tỳ-kheo không dám nhận, vì đức Phật chưa cho phép chứa y quý giá cù-lâu. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép chứa.»
Nhóm sáu tỳ-kheo chứa cù-lâu bằng lông vừa rộng vừa dài. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:
[855a1]«Không được chứa.»
Đức Phật dạy tiếp:
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo chứa cù-lâu rộng ba khủy tay, dài năm khủy tay, lông dài ba ngón tay, tịnh thí rồi mới chứa.»
Bấy giờ Kỳ-bà Đồng tử nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo chứa y của đàn-việt cúng, liền sai người đem cù-lâu bằng lông ngắn, nhà Vua mặc, đến cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không dám nhận, và nói vì đức Phật chưa cho phép chúng tôi chứa loại cù-lâu bằng lông ngắn này. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép chứa.»
3. Nhận và chia
Bấy giờ, nơi thành Vương-xá có các ưu-bà-tắc nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo chứa y đàn-việt cúng, liền sai người đem rất nhiều loại y tốt cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không biết nên làm như thế nào, liền đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép nhận và chia.»
Các tỳ-kheo không biết nên chia như thế nào. Đức Phật dạy:
«Nên đếm số người nhiều hay ít. Như mười người thì chia làm mười phần. Cho đến trăm người thì chia làm trăm phần. Khi chia y, số y vừa có thứ tốt, vừa có thứ xấu, người chia y vội lấy phần mình. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy, mà nên sai người khác chia, khiến người khác lấy phần.»
Người kia tự lấy phần của mình. Đức Phật dạy:
«Không được tự lấy phần, mà nên rút thăm để chia.»
Vị tỳ-kheo kia tự rút thăm. Đức Phật dạy:
«Không được tự mình rút thăm khi chia. Khi rút thăm, không được để cho thấy.»
Bấy giờ, có vải y quý giá thứ Vua mặc, không thể chia được. Đức Phật cho phép cắt ra để chia. Từ nay về sau, cho phép dùng dao để cắt rọc vải.
Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận được vải chưa giặt. Đức Phật cho phép tự mình giặt, hoặc sai người giặt. Lúc ấy, cần chậu để giặt. Đức Phật cho phép dùng chậu để giặt. Hoặc không có ván để giặt, đức Phật cho phép sắm ván để giặt. Hay cần kéo để cắt, đức Phật cho phép sắm kéo để dùng.
4. Y cát triệt
Khi đức Thế Tôn từ thành Vương-xá du hành trong nhân gian đến phương nam. Trên đường đi, thấy cánh đồng ruộng, người ta đắp bờ xung quanh những thửa ruộng rất khéo. Thấy vậy, đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
«Ông có thấy những thửa ruộng này không?»
Tôn giả thưa:
«Có thấy, bạch đức Thế Tôn.»
Đức Phật hỏi ông A-nan:
«Ông có thể vì các tỳ-kheo mà chế pháp y như vậy được không?»
Tôn giả thưa:
«Bạch đức Thế Tôn, con có thể chế được.»
Đức Phật bảo Tôn giả:
«Ông nên trở về dạy các tỳ-kheo.»
Bấy giờ, Tôn giả A-nan trở về lại thành Vương-xá dạy các tỳ-kheo may y cắt rọc như vầy: Đây là điều dài, đây là điều[33] ngắn, đây là lá,[34] đây là đường may thứ nhất, đây là đường may thứ hai, đây là đường may giữa, đây là lá điều hướng hai bên.[35]
Bấy giờ, tại thành Vương-xá có số đông tỳ-kheo đã khoác y cắt rọc.[36] Sau khi đức Thế Tôn du hànhtrong nhân gian từ phương nam trở về thành Vương-xá, thấy các tỳ-kheo số đông đã khoác y cắt rọc nên nói rằng:
«A-nan là người thông minh, đại trí tuệ. Ta chỉ nói sơ qua mà có thể giải nghĩa rộng rãi. Đệ tử các đức Như Lai, Vô sở trước, đời quá khứ, đã mặc pháp y như vậy; như Ta hiện nay. Đệ tử của các đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đời vị lai, cũng sẽ mặc pháp y như vậy; như ta hiện nay. Vì y của sa-môn, dùng dao cắt rọc may thành, nên không bị oán tặc cướp đoạt. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo cắt rọc may thành y an-đà-hội, y uất-đà-la-tăng, y tăng-già-lê.
Bấy giờ, các tỳ-kheo cắt rọc may thành y an-đà-hội, mặc sát thân, lá y ngoài đường biên mau hư, bụi đất vào trong lá, từ đó về sau cho phép may y an-đà-hội không cắt rọc. Các tỳ-kheo khoác y uất-đà-la-tăng, tăng-già-lê cắt rọc, lá y ngoài đường biên cũng mau bị hư, bụi đất vào bên trong ẩm ướt. Đức Phậtdạy:
«Từ nay về sau cho phép khoác y uất-đa-la-tăng, tăng-già-lê cắt rọc, nhưng lá y ngoài đường biên may thành chân chim, hoặc lá y ngoài đường biên may thành cái lề, hoặc may thành răng con ngựa.»
Các tỳ-kheo không biết may bao nhiêu điều. Đức Phật dạy:
«Nên may năm điều, không được may sáu điều. Nên may bảy điều, không được may tám điều. Nên may chín điều, không được may mười điều. Cho đến mười chín điều, không được may hai mươi điều. Nếu quá số điều này, không được chứa.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo vận xếp ngược niết-bàn-tăng[37] vào nhà bạch y, bị bung nên lộ hình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy. Cho phép làm cái dây để cột.»
Bầy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chứa và xử dụng cái dây cột có màu sắc đẹp. Đức Phật dạy:
«Không được tích chứa và xử dụng cái dây có màu sắc đẹp như vậy.»
Các tỳ-kheo dùng gấm để làm. Đức Phật dạy:
«Không được làm bằng gấm.»
Các tỳ-kheo chứa và xử dụng cái dây màu trắng. Đức Phật dạy:
«Không được dùng màu trắng để làm. Cho phép nhuộm màu ca-sa để chứa dùng.»
Nhóm sáu tỳ-kheo may dây thắt lưng vừa rộng, vừa dài. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được may như vậy. Cho phép may bề rộng bảy ngón tay, vòng quanh lưng ba bận. Nếu nhận được cái đã may rồi, nên làm hai lớp, ba lớp, bốn lớp. Nếu ba, bốn lớp bị rối loạn thì cho phép may dính lại. Nếu ngắn thì cho phép làm dây nối thêm. Nếu mỏng manh, mà thường cột sợ mau đứt thì nên làm cái khâu hay cái móc.»
Các tỳ-kheo dùng vật báu làm (khâu và móc). Đức Phật dạy:
«Không được dùng những vật quý báu để làm. Nên dùng xương, ngà, sừng, thiết, đồng, bạch lạp, chì, kẽm, chỉ, cây, hồ giao để làm.»
Các tỳ-kheo không biết đặt cái móc thế nào. Đức Phật dạy:
«Dùng chỉ khâu hoặc xâu lỗ rồi buộc vào.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo buộc nhưng bị hư đứt hoài. Đức Phật cho sửa chữa. Nhưng lại không biết sửa thế nào? Phật bảo hoặc xếp lại rồi dùng chỉ khâu, hoặc trên đầu dây sờn hư thì lấy chỉ khâu nối lại, hoặc vá lại.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo vào tụ lạc không chịu cột tăng-kỳ-chi.[38] Khi đi y bị rơi, lộ hình. Đức Phật dạy:
«Không được không buộc y mà vào tụ lạc. Cho phép buộc dây hay khâu lại.»
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất vào nhà bạch y, bị gió thổi, y cắt rọc bị tuột khỏi vai. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy
«Cho phép trên đầu vai đặt cái khâu hay cái móc.»
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian. Bấy giờ, phần đông tỳ-kheo cầm y, hoặc đội y trên đầu, hoặc choàng nơi vai, hoặc quấn nơi thắt lưng. Bấy giờ, có tỳ-kheo tự là Già-phạm-bà-đề,[39] đến bên sông Hằng, chỗ đức Phật muốn lội qua, dùng thần lực vẹt nước để Phật lội qua. Khi Phật lội qua sông rồi, thấy các tỳ-kheo phần nhiều cầm y, hoặc đội y trên đầu, hoặc choàng nơi vai, hay quấn nơi thắt lưng. Thấy vậy, Ngài nghĩ: «Các tỳ-kheo này cầm nhiều y như vầy. Ta nên vì các tỳ-kheo quy định số lượng y hoặc nhiều hoặc ít như thế nào cho có giới hạn. Nếu quá thì không được chứa.»
5. Kỹ nữ thành Tỳ-da-li
Thế Tôn từ nước Bà-xà, du hành nhân gian đến Tỳ-xá-ly. Bấy giờ Am-bà-la-bà-đề nghe đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành nhân gian đến Tỳ-xá-ly, liền đi xe đến chỗ đức Thế Tôn. Từ xa nhìn thấy đức Thế Tôn, tướng hảo đoan nghiêm, sanh tâm cung kính hoan hỷ, liền xuống xe đi bộ đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi lui qua đứng một bên. Bấy giờ, đức Phật nói pháp khuyến hóa khiến sanh hoan hỷ. Nghe đức Phật nói pháp rồi, Am-bà-la-bà-đề vui mừng hớn hở bạch Phật:
«Cúi xin đức Thế Tôn và các Tăng tỳ-kheo, sáng mai con thỉnh thọ thực và nghỉ lại tại vườn con một đêm.»[40]
Đức Thế Tôn hứa khả bằng cách im lặng. Am-bà-la-bà-đề biết đức Phật hứa khả rồi, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh đức Phật rồi cáo lui.
Thế Tôn đang ở trong vườn của Am-bà-la tại Tỳ-xá-ly.
Các Lê-xa[41] nghe đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử du hành nhân gian, đang đến nơi Tỳ-xá-ly, liền mặc đủ loại y phục, trang sức bằng anh lạc, đi các loại xe đến nghinh đón đức Thế Tôn. Các Lê-xa hoặc có người khoác y phục anh lạc màu thiên thanh, thắng xe màu thiên thanh, ngựa màu thiên thanh, thị tùng cũng mặc màu thiên thanh, đao, mâu, phan, cái cũng màu thiên thanh. Hạt châu, lông, phất trần màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, ngựa xe thị tùng trang sức cũng như vậy. Có năm trăm Lê-xa như vậy đến chỗ đức Phật. Khi Am-bà-la-bà-đề nghinh đón đức Phật trở về, giữa đường gặp các Lê-xa, không bên nào chịu tránh nhường đường, nên nóc xe [856a1] đụng nhau. Trong số Lê-xa có một vị kỳ lão hỏi Am-bà-la-bà-đề rằng:
«Vì lý do gì nhà ngươi không tránh đường, ép sát nhau khiến nóc xe đụng nhau?»
Bà-đề trả lời:
«Sở dĩ như vầy là vì tôi thỉnh đức Phật và chư Tăng về nghỉ nơi vườn tôi. Tất cả tâm tôi đều hướng về đức Phật, nên không để ý các việc khác.»
Lê-xa nói:
«Tôi trao cho nhà ngươi một trăm ngàn lượng vàng, nhà ngươi nhường cho tôi được thỉnh Phật cúng dường có được không?»[42]
Bà-đề nói:
«Tôi đã thỉnh Phật và Tăng nghỉ đêm nơi vườn tôi, làm sao thay đổi được.»
Lê-xa nói:
«Tôi sẽ trao cho nhà ngươi hai trăm ngàn lượng vàng. Cho đến, mười sáu trăm ngàn, để được thỉnh đức Thế Tôn về cúng dường một ngọ trai.»
Am-bà-la-bà-đề đều trả lời:
«Không thể được.»
Lê-xa lại nói:
«Đem tài sản phân nửa nước đưa cho nhà ngươi. Nhà ngươi để tôi được thỉnh Phật thọ thực, có được không?»
Am-bà-la-bà-đề nói:
«Dầu ông cho tôi toàn bộ nước Tỳ-xá-ly, tôi cũng không thể thay đổi được.»
«Tại sao vậy?»
«Vì tôi đã nguyện được thỉnh Phật và Tăng đến nơi vườn để cúng dường.»
Bấy giờ, năm trăm Lê-xa nổi sân hận đưa tay lên, nói
«Am-bà-la-bà-đề đã bỏ qua chúng ta rồi.»
Nói xong, họ liền cho xe đến vườn Am-bà-la.
Thế Tôn ở tại vườn kia, đang nói pháp cho vô số chúng vây quanh. Từ xa thấy năm trăm Lê-xa đến, Ngài bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo nào chưa thấy chư thiên Đao-lợi xuất du, thì nên xem các Lê-xa này. Khi chư thiên Đạo-lợi muốn xuất du thì cũng giống như các Lê-xa này không khác.»
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Các ngươi hãy cẩn thận tâm niệm, nhiếp trì oai nghi. Đây là lời dạy của ta.
Tỳ-kheo, thế nào là các ngươi hãy cẩn thận tâm niệm?
«Tỳ-kheo quán thân trên nội thân, an trụ chánh niệm[43]; tinh cần, nhiếp trì niệm không tán loạn, điều phục xan tham, tật đố, ưu não thế gian. Quán thân trên ngoại thân, an trụ chánh niệm; tinh cần, nhiếp trì niệm, không tán loạn, điều phục xan tham, tật đố, ưu não thế gian. Quán thân trên nội ngoại thân, quán thọ, ý và pháp cũng như vậy. Tỳ-kheo như vậy được chánh tâm.
«Tỳ-kheo, thế nào gọi là nhiếp trì oai nghi?
«Tỳ-kheo hoặc ra hoặc vào, co duỗi, cúi ngước, chấp trì y bát, hoặc ăn, hoặc uống, hoặc uống thuốc, đại tiểu tiện lợi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc đi, hoặc lại, hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc nói năng hay im lặng, tâm thường chuyên nhất. Đó gọi là tỳ-kheo nhiếp trì oai nghi.»
Bấy giờ, năm trăm Lê-xa ở Tỳ-xá-li đến chỗ đậu xe, xuống xe, đi bộ đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi năm trăm Lê-xa ở bên đức Phật thì oai thần của họ không còn nữa. Chỉ có ánh sáng oai đức tối thắng của đức Phật Thế Tôn ở giữa đại chúng không có gì sánh kịp. Như mặt trời đi trong bầu trời mùa thu không chút mây che, oai thần rực rỡ không gì sánh bằng. Cũng vậy, Đức Thế Tôn ở giữa năm trăm Lê-xa với thần đức danh xưng, tướng mạo đoan chánh không gì sánh kịp. Lúc ấy, trong chúng có bà-la-môn tự là Tân-kỳ-dương-nâu.[44] Bà-la-môn này từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch Phật:
«Con có điều muốn nói.»
Đức Phật dạy: «Ông cứ nói.»
Bà-la-môn này liền đối trước Phật nói kệ khen ngợi đức Như Lai:
Vua Ma-kiệt được thiện lợi,
Vua Ương già cầm giáp ngọc;
Phật xuất hiện nơi nước này,
Tiếng chấn động như núi Tuyết.
Như hương sen tinh khiết,
Khi nở thơm ngào ngạt.
Nay xem ánh sáng Phật,
Như mặt trời mới mọc;
Như mặt trăng trên không,
Không có mây che khuất.
Thế Tôn cũng như vậy,
Sáng chói trong thế gian.
Xem trí tuệ của Phật,
Như đuốc sáng ban đêm;
Cho đời con mắt sáng,
Giải quyết các nghi hoặc.
Các Lê-xa nói với bà-la-môn:
«Yêu cầu ông nói lại bài kệ này.»
Người bà-la-môn nói lại bài kệ này ba lần. Các Lê-xa cho đây là bài kệ rất hay, tặng thưởng năm trăm chiếc y. Người bà-la-môn nhận được số y này rồi, liền đem dâng lên đức Phật, nguyện cầu đức Phật dũ lòng thương vì họ mà nhận cho.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Lê-xa:
«Thế gian có năm thứ quý báu khó được. 1. Phật Thế Tôn ra đời trong thế gian là điều quý báu khó có được. 2. Đức Phật ra đời trong thế gian, nghe được lời thuyết giảng của Ngài là điều quý báu khó có được. 3. Đức Phật ra đời trong thế gian, nghe Ngài thuyết pháp mà tin và hiểu là điều quý báu khó có được. 4. Đức Phật ra đời trong thế gian, nghe Ngài thuyết pháp mà thật hành như pháp là điều quý báukhó có được. 5. Đạt được chánh tín và ưa thích là điều quý báu khó có được.»
Bấy giờ, năm trăm Lê-xa nghe Phật dùng mọi phương tiện nói pháp khai hóa rất vui mừng, bạch Phật:
«Chúng con xin phép được mời Ngài và các Tăng tỳ-kheo ngày mai thọ thực.»
Đức Phật Nói:
«Ta đã nhận lời mời của Am-bà-la-bà-đề rồi.»
Bấy giờ năm trăm Lê-xa đưa tay lên nói:
«Am-bà-la-bà-đề đã hơn chúng con!»
Nói xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước đức Phật kính lễ sát chân, nhiễu quanh rồi cáo lui.
Bấy giờ, Am-bà-la-bà-đề về nhà, sắm sửa đầy đủ các loại đồ ăn thức uống ngon bổ, sáng hôm sau đúng giờ đến thỉnh đức Thế Tôn phú trai. Đức Thế Tôn khoác y bưng bát cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tăng tỳ-kheo đến nhà Am-bà-la-bà-đề, an toạ nơi chỗ ngồi.
Bấy giờ, Am-bà-la-bà-đề dâng cơm lên đức Phật và Tăng tỳ-kheo với tất cả các loại đồ ăn thức uốngngon bổ. Khi đức Phật thọ thực xong, thì Am-bà-la-bà-đề rước bình bát của Ngài để xuống đất và đem bình nước rửa bằng vàng đến rửa tay Ngài, rồi đến trước đức Phật bạch:
«Nước Tỳ-xá-ly này thì có nhiều khu vườn, nhưng quang cảnh vườn ở đây là đẹp nhất. Nay con xin dâng cúng đức Thế Tôn làm chỗ nghỉ ngơi. Cúi xin Thế Tôn nhận cho.»
Đức Phật dạy:
«Nhà ngươi nên dâng cúng Phật và tứ phương Tăng. Tại sao vậy? Vì nếu vườn của Phật, và vật trong vườn hoặc phòng xá, và vật trong phòng xá hay bình bát, y, tọa cụ, ống đựng kim, cũng như tháp miếucủa Phật thì tất cả thế gian chư thiên, long thần, phạm thiên, sa-môn, bà-la-môn, chư thiên và người không thể xử dụng được.»
Am-bà-la-bà-đề thưa:
«Như vậy con xin dâng cúng Phật và tứ phương Tăng. Cúi xin Ngài nhận cho.»
Đức Phật dũ lòng thương nhận và chú nguyện cho:
Nếu xây cất chùa miễu,
Trồng vườn cây ăn trái,
Làm cầu đò người qua,
Đồng hoang cho nước trái,
Cho luôn nơi trú ngụ;
Những hạng người như vậy,
Ngày đêm phước thêm lớn.
Thường như pháp trì giới,
Người ấy hướng đường lành.
Bấy giờ, Am-bà-la-bà-đề lấy chiếc ghế nhỏ ngồi qua một bên, đức Thế Tôn nói các bài pháp, khiến Am-bà-la-bà-đề rất hoan hỷ, từ chỗ ngồi, liền được tiêu trừ các trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đã thành tựu chứng quả, bạch Phật:
«Từ nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, làm người ưu-bà-tư, trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.»
Am-bà-la-bà-đề được nghe đức Phật dùng mọi phương tiện nói pháp, lòng rất vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy kính lễ sát chân Ngài, rồi cáo lui.
6. Ba y
Bấy giờ, đức Thế Tôn ở nơi tịnh xứ tư duy, tâm tự nghĩ: «Các tỳ-kheo trên đường đi quảy theo nhiều y. Có vị đội y trên đầu. Có vị vắt nơi vai. Hoặc có vị quấn nơi thắt lưng.» Sau khi thấy, suy nghĩ như vầy: «Ta hãy chế định cho các tỳ-kheo số lượng y nhiều ít thế nào, chứ không được chứa nhiều quá.»
Hôm đó, đức Thế Tôn ngồi nơi đất trống. Đầu đêm khoác một chiếc y, đến nửa đêm cảm thấy lạnh. Khoác chiếc [857a1] y thứ hai, đến cuối đêm vẫn cảm thấy lạnh, mặc chiếc y thứ ba. Bấy giờ, đức Thế Tôn mới nghĩ như vầy: «Đời sau, người thiện nam không chịu đựng được sức lạnh, thì nên cho phépchứa đầy đủ ba y. Ta nên cho phép các tỳ-kheo chứa ba y, không được quá.»
Sáng hôm sau, nhân việc này đức Thế Tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo:
«Ở nơi chỗ yên tĩnh, Ta suy nghĩ: Tỳ-kheo trên đường đi quảy theo nhiều y. Có vị đội y trên đầu. Có vị vắt nơi vai. Hoặc có vị quấn nơi thắt lưng. Sau khi thấy, suy nghĩ như vầy: Ta hãy chế định cho các tỳ-kheo số lượng y nhiều ít thế nào, chứ không được chứa nhiều quá. Chính ta ngồi nơi đất trống, đầu đêm khoác một chiếc y, đến nửa đêm cảm thấy lạnh. Khoác chiếc y thứ hai, đến cuối đêm vẫn cảm thấylạnh, mặc chiếc y thứ ba. Nên Ta khởi ý nghĩ: Đời sau, người thiện nam sẽ không thể chịu đựng được sức lạnh, nên cho phép chứa đầy đủ ba y. Ta qui định cho các tỳ-kheo chứa ba y, không được quá. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo chứa ba y, nếu quá, không được chứa.»
Bấy giờ, có một trú xứ nọ, Tăng bốn phương nhận được tăng-già-lê quý giá, đem may ngọa cụ. Các tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên đem đổi vật khác rồi tùy chỗ dùng.»
Các tỳ-kheo không biết sai ai đi đổi, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép tỳ-kheo đem đổi. Hoặc sai người giúp việc Tăng-già-lam. Hoặc sa-di, ưu-bà-tắc đem đổi. Hoặc thí chủ tự đổi. Rồi tùy chỗ sử dụng.»
Thế Tôn ở tại nước Bạt-đề. Có tỳ-kheo nhận được y sô-ma, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép dùng.»
Có tỳ-kheo nhận được y la-hầu-đa,[45] bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép dùng.»
Có tỳ-kheo nhận được y a-đa-hầu-đa,[46] bạch Phật, Phật cho phép chứa dùng.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chứa y có màu sắc rực rỡ, Phật dạy:
«Không được chứa.»
Nhóm sáu tỳ-kheo lại chứa y bằng gấm có màu sắc rực rỡ. Đức Phật dạy:
«Không được chứa y bằng gấm. Y trắng nên nhuộm màu ca-sa rồi chứa.»
Nhóm sáu tỳ-kheo lại khoác y có tua không cắt rọc.[47] Đức Phật dạy:
«Không được chứa.»
Có nhóm sáu tỳ-kheo lại dùng gấm làm tua y, Phật không ‹cho phép chứa dùng.›
Nhóm sáu tỳ-kheo lại chứa y phả-na-đà-thi,[48] Phật dạy:
«Không được chứa. Những người ngu si này! Ta chế cái này; các ngươi lại làm cái khác!»
Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại. Có đàn-việt mời cơm. Theo thường pháp của các đức Phật, nếu khôngđến phú trai thì ở nhà đi xem xét các phòng ốc. Khi xem xét các phòng ốc, Ngài thấy có tỳ-kheo trải tăng-già-lê dưới đất, muốn ráp tấm vải mạng vào. Thấy vậy, đức Phật đến chỗ tỳ-kheo hỏi:
«Sao ngươi trải y dưới đất?»
Tỳ-kheo thưa:
«Con muốn khi mặc, mặt trong lộn ra ngoài thì tấm mạng này hiện ra.»
Đức Phật dạy:
«Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, việc thầy làm là phải.»
Khi các tỳ-kheo thọ thực xong trở về, đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo nói:
«Sau khi các tỳ-kheo đi thọ thực, Ta đi xem xét các phòng ốc, thấy có tỳ-kheo bung y dưới đất, muốn ráp tấm vải mạng vào. Thấy vậy ta đến chỗ tỳ-kheo hỏi tại sao thầy bung y dưới đất? Tỳ-kheo thưa, ‹Con muốn khi mặc, mặt trong lộn ra ngoài thì tấm mạng này hiện ra.› Ta liền kheo ngợi: ‹Lành thay! Lành thay! Việc thầy làm là phải.›
«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo may y mới, an-đà-hội một lớp, uất-đa-la-tăng một lớp, tăng-già-lê hai lớp. Nếu y cũ thì cho phép an-đà-hội hai lớp, uất-đa-la-tăng hai lớp, tăng-già-lê bốn lớp. Nếu y phấn tảo thì lớp nhiều ít tùy ý.»
Thế Tôn ở nước Khoáng dã. Chúng Tăng nhận được y khéo được thể hiện,[49] đức Phật cho phépchứa dùng. Nhận được y gấm, Phật không cho phép dùng. Các tỳ-kheo nhận được cái mùng (màn), đức Phật cho phép dùng.
Một thời đức Thế Tôn ở tại nước Bạt-kỳ, du hành trong nhân gian, đến núi Thất-thủ-ma-la, rừng Khủng úy, trụ trong vườn Nai. Khi ấy, có Bồ-đề Vương tử làm ngôi điện đường mới, nhưng chưa có sa-môn, bà-la-môn nào đến cả. Mọi người đang chờ đợi. Một hôm, Vương tử nghe đức Phật từ nước Bạt-kỳ du hành trong nhân gian, đến núi Thất-thủ-ma-la, rừng Khủng úy, trụ trong vườn Nai, liền sai người kêu Tát-xà, con trai của người bà-la-môn, nói rằng:
«Ngươi nhơn danh ta đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, thăm hỏi đức Thế Tôn đi đứng có được nhẹ nhàng không? Ít bệnh ít não không? Trụ chỉ có an lạc không? Rồi bạch như vầy: Thỉnh Phật và tăng nhận lời mời thọ thực của ta, và bạch Phật rằng: Ta vừa xây ngôi điện đường mới, chưa có sa-môn, bà-la-môn nào đến cả. Tất cả nhân dân đều đang mong chờ, cúi xin thỉnh đức Phật đến an toạ trước, sau đó, Bồ-đề vương tử ngồi mới được phước vô lượng.» Khi ấy, Tát-xà, con trai của người bà-la-môn, kính lễ sát chân Vương tử, rồi đến chỗ đức Thế Tôn, thành kính thăm hỏi, rồi lui ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:
«Bồ-đề vương tử cúi đầu dưới chân đức Thế Tôn, vấn an Thế Tôn, đi đứng có được nhẹ nhàng không? Ít bệnh ít não không? Trụ chỉ có an lạc không? Bồ-đề vương tử xin được phép thỉnh Phật và Tăng nhận lời mời thọ thực. Bồ-đề vương tử vừa mới xây xong ngôi điện đường, nhưng chưa có sa-môn, bà-la-môn nào đến cả. Tất cả nhân dân đang mong chờ, xin thỉnh Phật đến an toạ trước, sau đó Vương tử sẽ ngồi mới được phước vô lượng.»
Đức Thế Tôn hứa khả bằng cách im lặng. Tát-xà, con trai của người bà-la-môn, biết đức Phật hứa khảrồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật cáo lui, về lại chỗ Vương tử thưa như vầy:
«Sa môn Cù-đàm đã nhận lời thỉnh thọ thực bằng cách im lặng rồi. Bây giờ là lúc thích hợp»
Vương tử chuẩn bị cho sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ. Đêm vừa qua, sáng đến cho lau quét điện đường, dùng vải mới tốt trải từ tam cấp vào đến điện.
Đến giờ, sai người thỉnh Phật thọ thực. Đức Thế Tôn khoác y bưng bát cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tăng tỳ-kheo đến nhà Bồ-đề Vương tử. Bấy giờ, Vương tử ra ngoài cửa cung nghinh Ngài. Từ xa thấy đức Phật đến, liền đến trước Ngài đảnh lễ sát chân, rồi theo hầu Ngài đi vào, như người đệ tử biết vâng lời. Đức Thế Tôn vào trước nhà Vương tử, đứng im lặng.
Vương tử thưa:
«Cung kính thỉnh Thê tôn bước lên vải để đi lên điện, khiến cho con được phước an lạc.»
Lần thứ hai, lần thứ ba Vương tử cũng thưa đức Thế Tôn như vậy.
Đức Thế Tôn vẫn im lặng, quay lại nhìn Tôn giả A-nan. Tôn giả A-nan biết đức Phật không muốn bước lên trên vải mới để đi, là vì lợi ích sau này cho chúng sanh.
Tôn giả A-nan nói với Vương tử rằng:
«Xếp vải này lại. Như Lai không muốn bước lên trên để đi, là vì lợi ích sau này cho chúng sanh vậy.»
Vương tử vội vàng cho xếp vải lại và thỉnh Phật lên điện để cho con được phước. Lúc ấy, đức Phật mới lên điện, ngồi an nơi chỗ ngồi. Bấy giờ, Vương tử bắt đầu dâng cơm lên Phật và Tăng với tất cả đồ ăn thức uống ngon bổ. Đức Phật thọ thực và rửa bát xong, Vương tử lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi một bên. Đức Thế Tôn dùng mọi phương tiện vì Vương tử nói pháp rồi, từ chỗ ngồi trở về trú xứ, dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo nói:
«Vải quý trải dưới đất, không được đi lên trên, nếu đi thì sẽ như pháp trị.»
Bấy giờ, phòng xá của tỳ-kheo nhiều bụi đất, Phật cho phép rưới nước quét, rưới nước quét rồi lại có bụi, Phật cho phép dùng nước trộn bùn để trét. Nếu vẫn có bụi, đức Phật cho phép dùng các loại thảm y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu, và một trong mười loại vải, trải trên đất.
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giơ bà mẹ ghẻ của Vua Ba-tư-nặc có tín tâm nơi Phật pháp, đem vải gấm quý giá thứ Vua mặc dâng cúng cho tứ phương Tăng sau đó mạng chung. Bấy giờ các tỳ-kheo đem trải trên đất. Có những đại thần không tin ưa Phật pháp, có việc đến Tăng-già-lam, thấy các tỳ-kheo đem vải gấm đại quý giá thứ Vua mặc [858a1] làm đồ trải đất, họ cơ hiềm nói:
«Sa môn thích tử không biết nhàm chán, không biết đủ, có nhiều tham cầu, chứa dư thừa, tự nói là biết chánh pháp, mà đem vải gấm đại quý giá thứ Vua mặc trải dưới đất. Như vậy có gì là chánh pháp? Đàn-việt tuy dâng cúng, nhưng người thọ nhận phải biết đủ chứ?»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được dùng vải quý giá thứ Vua mặc trải dưới đất. Từ nay về sau cho phép làm nệm ngồi, nệm nằm, gối, màn che ở trên.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo quấn đầu, đến chỗ đức Phật thưa:
«Bạch Đại đức! Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin đức Phật chấp thuận.»
Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo không được quấn đầu như pháp của bạch y. Nếu quấn đầu thì sẽ như pháp trị.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo đầu bị lạnh, bạch Phật. Phật cho phép dùng lông mịn kết lại để quấn hay làm mão để đội.
Tỳ-kheo Đãn-đà-lư-đa-lê[50] khoác y đến chỗ Phật thưa:
«Đây là pháp trang nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin chấp thuận.»
Đức Phật dạy:
«Không được khoác y như vậy, trừ trong Tăng-già-lam. Đây là pháp của bạch y. Nếu mặc như vậy sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo khoác một y đến chỗ Phật, bạch:
«Đây là pháp trang nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin chấp thuận.»
Đức Phật dạy:
«Không được mặc một y, trừ nơi đại tiểu tiện. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo khoác y chui đầu,[51] đến chỗ Phật thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin chấp thuận.»
Đức Phật dạy:
«Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo khoác y ngắn đến chỗ đức Thế Tôn thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin chấp thuận.»
Đức Phật dạy:
«Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo khoác y bằng da, đến chỗ Phật bạch:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin Ngài chấp thuận.»
Đức Phật dạy:
«Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo mặc áo kép đến chỗ đức Phật thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.»
Đức Phật dạy:
«Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo mặc khố đến chỗ Phật, bạch:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.»
Đức Phật dạy:
«Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo quấn chân đi đến chỗ Phật, thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.»
Đức Phật dạy:
«Không được quấn như vậy. Đây là pháp của bạch y. Nếu quấn sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo quấn chân bằng cỏ bồ đến chỗ Phật thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin Thế Tôn cho phép.»
Đức Phật dạy:
«Không được quấn như vậy. Đây là pháp của bạch y, nếu quấn sẽ như pháp trị.»
Đức Phật nói các tỳ-kheo tiếp:
«Các ông là những người ngu si, tránh những điều ta cấm chế, lại tạo ra những việc khác. Tất cả các pháp của bạch y như vậy, không được mặc.»
Bấy giờ. Các tỳ-kheo giả bện tóc thành búi tó, đến chỗ Phật thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin Thế Tôn cho phép.»
Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy. Đây là pháp của ngoại đạo, nếu làm như vậy sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo thọ trì bát bằng cây, đến chỗ Phật thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin hứa khả.»
Đức Phật dạy:
«Không được thọ trì bát như vậy. Đây là pháp của ngoại đạo không được chứa, nếu chứa sẽ như pháptrị.»
Có tỳ-kheo thọ trì lầu đựng bát[52] đến chỗ Phật thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin hứa khả.»
Đức Phật dạy:
«Đây là pháp của ngoại đạo. Không được thọ trì. Nếu chứa sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo khoác mang khăn tay thêu[53] đến chỗ đức Phật thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin cho phép.»
Đức Phật dạy:
«Đây là pháp của ngoại đạo, không được mang. Nếu mang sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo mặc áo cỏ đến chỗ đức Phật thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin cho phép.»
Đức Phật dạy:
«Không được mặc, đây là pháp của ngoại đạo, nếu mặc sẽ như pháp trị.» Các loại y như vầy: «hoặc bằng cỏ, bằng cỏ bà-sa, bằng vỏ cây, bằng lá cây, bằng châu anh lạc, tất cả những loại y như vậy, đều không được chứa dùng, nếu chứa dùng sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo khoác y bằng da của ngoại đạo, đến chỗ Phật, thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin thuận cho.»
Đức Phật dạy:
«Không được chứa, nếu chứa sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo mặc lông chim kên kên đến chỗ đức Phật thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.»
Đức Phật dạy:
«Đây là pháp của ngoại đạo, không được dùng. Nếu dùng sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo khoác y khâm-bà-la bằng tóc người đến chỗ Đức Phật thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.»
Đức Phật dạy:
«Đây là pháp của ngoại đạo, không được mặc, nếu mặc mắc thâu-lan-giá.»
Có tỳ-kheo khoác y khâm-bà-la bằng đuôi ngựa, đuôi trâu nước, đến chỗ Phật thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin cho phép dùng.»
Đức Phật dạy:
«Đây là pháp của ngoại đạo, không được mặc, nếu mặc sẽ như pháp trị.»
Có tỳ-kheo loã thể đến chỗ Phật thưa:
«Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin hứa khả.»
Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy, đây là pháp của ngoại đạo. Nếu lộ thân thì phạm thâu-lan-giá.»
Đức Phật dạy tiếp:
«Các ngươi là những người ngu si. Tránh những điều ta đã ngăn cấm, lại tạo ra bao nhiêu cái khác. Tất cả các pháp của ngoại đạo như vậy không được làm.»
7. Pháp thức phân vật
Bấy giờ, có tỳ-kheo nơi trú xứ nọ, hiện tiền Tăng nhận được nhiều y vật có thể chia. Các tỳ-kheo không biết nên làm như thế nào, đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép phân chia.»
Các tỳ-kheo không biết cách chia.
Đức Phật dạy:
«Nên đếm số người nhiều hay ít, hoặc mười vị, hoặc hai mươi vị, cho đến trăm vị, thì chia trăm phần. Nếu có hai thứ tốt xấu, cho phép trộn lộn với nhau để chia.»
Vị chia tự lấy phần mình trước. Phật dạy:
«Không được tự lấy phần mình trước, mà nên bốc thăm để chia.»
Vị chia tự bốc xăm. Đức Phật dạy:
«Không được tự mình bốc thăm. Khi bốc thăm, không nên để cho thấy.»
Khi bốc thăm chia vật có khách tỳ-kheo đến. Đức Phật dạy:
«Nên chia phần cho họ.»
Hoặc khi vừa chia phần xong, hoặc lúc chưa bốc xăm, hay lúc đang bốc xăm mà có khách tỳ-kheo đến, thì tất cả đều chia phần cho họ. Chỉ trừ khi bốc xăm rồi, có khách tỳ-kheo đến thì không được chia phần, hay khi đã vui vẻ nhận phần rồi, dù có khách tỳ-kheo đến cũng không được chia phần, hay chia còn dư đem chia trở lại, đã xong mà có khách tỳ-kheo đến cũng không được chia phần, hoặc đã cho sa-di, hay sai người chia rồi, dù có khách tỳ-kheo đến cũng không được chia phần.
Trường hợp, khi tỳ-kheo đang chia y, mà khách tỳ-kheo đến quá nhiều, nên việc chia y bị vất vả phiền phức, có thể sai một người đứng ra chia, bằng pháp bạch yết-ma. Trong chúng nên sai một người có khả năng yết-ma hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật được hay không tụng luật được, miễn có thể tác pháp yết-ma, tác bạch như sau:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Y hoặc phi y của trú xứ này nhận được, nên chia cho hiện tiền Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai Tỳ-kheo… làm người chia y. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Trú xứ này nhận được y hoặc phi y, nên chia cho hiện tiền Tăng. Nay Tăng sai Tỳ-kheo… làm người chia. Các trưởng lão nào chấp thuận trú xứ này, y hoặc phi y nhận được, nên chia cho hiện tiền Tăng, Tăng sai Tỳ-kheo… làm người chia, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận sai Tỳ-kheo… làm người phân chia rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Bấy giờ, tỳ-kheo nhận được y bà-thâu-già,[54] bạch Phật, đức Phật cho phép chứa dùng.
Các tỳ-kheo bị lạnh, bạch Phật. Phật [859a1] cho phép khoác y có độn bông.
Có trú xứ nọ, chỉ có một Tỳ-kheo, hiện tiền Tăng nhận được nhiều y, Tăng có thể chia. Các tỳ-kheo không biết làm sao, bạch Phật. Phật dạy:
«Nếu tại một trú xứ nào, chỉ có một tỳ-kheo ở, mà hiện tiền Tăng nhận được nhiều y. Tăng có thể chia.»
Nhưng các tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật, Phật dạy:
«Nếu trú xứ nọ, có một tỳ-kheo ở, mà nhận được y, hiện tiền Tăng có thể chia. Nếu có khách tỳ-kheo đến từ bốn người hoặc hơn bốn người thì nên đem y trao cho một Tỳ-kheo, khiến bạch nhị yết-ma rồi chia. Nếu có ba người nên cùng nhau nói ba lời để thọ. Nếu có hai người cũng cùng nhau nói ba lời để thọ. Nếu chỉ có một người thì tâm niệm miệng nói: «Đây là phần của tôi.»
Có trú xứ nọ, có Tỳ-kheo, tưởng có Tỳ-kheo, muốn chia y theo biệt bộ.[55] Các tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy:
«Không thành chia, mắc đột-kiết-la.»
Có trú xứ nọ, nghi có Tỳ-kheo, chia y theo biệt bộ. Các tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy:
«Không thành chia, mắc đột-kiết-la. »
Có trú xứ nọ, có tỳ-kheo, khởi tưởng không tỳ-kheo, chia y biệt bộ. Tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy:
«Không thành chia, không phạm.»
Có trú xứ nọ, không tỳ-kheo, tưởng có tỳ-kheo nên chia y. Các tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy:
«Thành chia, mắc đột-kiết-la.»
Có trú xứ nọ, nghi là không tỳ-kheo, chia y. Không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy:
«Thành chia, mắc đột-kiết-la.»
Có trú xứ nọ, không tỳ-kheo tưởng là không tỳ-kheo, chia y. Các tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy:
«Thành chia, không phạm.»
Bấy giờ, có trú xứ nọ có tỳ-kheo, tưởng có tỳ-kheo, thọ y biệt bộ. Các tỳ-kheo không biết thành thọ y hay không. Bạch Phật, Phật dạy:
«Không thành thọ y, mắc đột-kiết-la.»
Có trú xứ nọ, nghi có tỳ-kheo, thọ y biệt bộ. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy:
«Không thành thọ, mắc tội đột-kiết-la.»
Có trú xứ nọ, có tỳ-kheo, tưởng không tỳ-kheo, thọ y biệt bộ. Các tỳ-kheo không biết thành thọ hay không, bạch Phật. Phật dạy:
«Không thành thọ, không phạm.»
Có trú xứ nọ, không tỳ-kheo, tưởng có tỳ-kheo thọ y. Các tỳ-kheo không biết thành thọ hay không. Bạch Phật, Phật dạy:
«Thành thọ, mắc đột-kiết-la.»
Có trú xứ nọ, nghi là không tỳ-kheo thọ y. Các tỳ-kheo không biết thành thọ hay không. Bạch Phật, Phật dạy:
«Thành thọ, mắc đột-kiết-la.»
Có trú xứ nọ, không tỳ-kheo, tưởng không tỳ-kheo thọ y. Các tỳ-kheo không biết thành thọ hay không, bạch Phật. Phật dạy: «Thành thọ, không phạm.»[56]
8. Tăng vật
Lúc bấy giờ, tại nước Xá-vệ có nhiều vị tỳ-kheo nổi tiếng qua đời, nên để lại nhiều Tăng-già-lam và nhiều cây ăn trái, ruộng vườn thuộc Tăng-già-lam; có nhiều phòng riêng và các vật dụng thuộc phòng riêng; có nhiều bình đồng, chậu đồng, búa, đục, giá đèn; có nhiều vật nặng; có nhiều giường dây, giường cây, nệm nằm, nệm ngồi, gối, chứa nhiều y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu; có nhiều người giữ Tăng-già-lam, nhiều xe cộ, nhiều bình nước rửa, tích trượng, quạt; nhiều đồ nghề thợ sắt, đồ nghề thợ mộc, đồ nghề thợ gốm, đồ nghề thợ da, đồ nghề đan, dao cạo tóc; nhiều y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim. Các tỳ-kheo không biết làm như thế nào, bèn bạch Phật. Phật dạy:
«Người nổi tiếng nhiều hay không nổi tiếng, tất cả đều thuộc về Tăng.»
Các tỳ-kheo đem cây ăn trái ruộng vườn của Tăng ra chia. Đức Phật dạy:
«Không được chia. Những thứ ấy thuộc về tứ phương Tăng.»
Các tỳ-kheo đem phòng riêng, và các vật thuộc phòng riêng ra chia. Phật dạy:
«Đó là vật của tứ phương Tăng, không được chia.»
Các tỳ-kheo đem bình đồng, chậu đồng, búa, đục và các thứ trọng vật khác ra chia. Phật dạy:
«Đó là vật của tứ phương Tăng, không được chia.»
Các tỳ-kheo đem giường dây, giường cây, nệm ngồi, nệm nằm, gối ra chia. Phật dạy:
«Đó là vật của tứ phương Tăng, không được chia.»
Các tỳ-kheo đem y-lê-diên-đà, mạo-la mạo-mạo- la, cù-lâu ra chia. Phật dạy:
«Không được chia, vì vật của tứ phương Tăng. Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo chỉ có cù-lâu rộng ba khủy tay, dài năm khủy tay, lông dài ba ngón tay thì được chia cho hiện tiền Tăng.»
Các tỳ-kheo đem xe cộ, người giữ Tăng-già-lam ra chia. Phật dạy:
«Không được chia, vì thuộc tứ phương Tăng.»
Các tỳ-kheo đem bình nước, bình nhỏ chứa nước rửa, tích trượng, quạt ra chia. Phật dạy:
«Không được chia, vì vật của tứ phương Tăng.»
Các tỳ-kheo đem đồ nghề sắt, đồ nghề mộc, đồ nghề gốm, đồ nghề da, đồ nghề tre ra chia. Phật dạy:
«Không được chia, vì vật của tứ phương Tăng. Từ nay về sau chỉ cho phép chia dao cạo tóc, y bát, tọa cụ, ống đựng kim.»
Các tỳ-kheo đem đồ câu-dạ-la[57] ra chia. Phật dạy:
«Hiện tiền Tăng nên chia.»
Bấy giờ, có trú xứ nọ, hai bộ Tăng nhận được nhiều y vật có thể chia, mà số lượng Tăng tỳ-kheo thì nhiều, tỳ-kheo-ni ít. Các tỳ-kheo không biết làm như thế nào. Bạch Phật. Phật dạy:
«Nên chia làm hai phần.»
Bấy giờ không có tỳ-kheo-ni, chỉ có thức-xoa-ma; cũng chia làm hai phần. Khi ấy, không có tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na cũng không có, chỉ có sa-di-ni. Đức Phật dạy:
«Cũng chia làm hai phần. Nếu không có sa-di-ni thì chia hết cho Tăng (tỳ-kheo).»
Có trú xứ nọ, hai bộ Tăng nhận được nhiều vật. Tỳ-kheo ít, tỳ-kheo-ni nhiều. Bạch Phật. Phật dạy:
«Nên chia làm hai phần. Không có tỳ-kheo chỉ có sa-di, cũng chia làm hai phần. Không có sa-di thì chia hết cho tỳ-kheo-ni.»
Có tỳ-kheo-ni ở tại nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến nơi thôn không có trú xứ tỳ-kheo. Sau khi đến thì mạng chung. Các tỳ-kheo không biết y bát của vị ấy nên chia cho ai, bạch Phật. Đức Phậtdạy:
«Nơi đó, nếu có ưu-bà-tắc tin Phật, hoặc người giữ vườn, nên lấy cất, sau đó trong năm chúng xuất gia, người nào đến trước thì trao cho họ. Nếu không có ai đến, thì đem đến trú xứ Tăng-già-lam nào gần đó để giao.»
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Có trú xứ có nhiều tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu bà di, Quốc vương Đại thần, và nhiều ngoại đạo, sa-môn, bà-la-môn. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
«Ta muốn tịnh tọa tư duy ba tháng, đừng cho phép người ngoài vào. Chỉ trừ người mang thức ăn.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo tự lập quy chế rằng:
«Đức Thế Tôn dạy như vậy, ‹Ta muốn tịnh tọa tư duy ba tháng, đừng cho phép người ngoài vào. Chỉ trừ người mang thức ăn.› Người nào vào, phải sám ba-dật-đề.
Bấy giờ, có trưởng lão Hòa-tiên Bạt-đàn-đa Tử[58] cùng cả thảy sáu mươi vị tỳ-kheo, tất cả đều sống ở a-lan-nhã, khất thực, trì y phấn tảo, làm pháp dư thực không ăn, nhất tọa thực, nhất đoàn thực, ngồi nơi gò mả, ngồi nơi đất trống, ngồi dưới bóng cây, thường xuyên ngồi, tùy lúc ngồi, thọ trì ba y. Họ từ nước Ba-la đến tịnh xá Kỳ-hoàn, nước Xá-vệ, hỏi các tỳ-kheo:
«Phòng của đức Như Lai ở chỗ nào? Chúng tôi muốn đến thăm.»
Các tỳ-kheo [860a1] nói:
«Như Lai dạy như vầy: ‹Ta muốn tịnh tọa tư duy ba tháng, đừng cho phép người ngoài vào. Chỉ trừ người mang thức ăn.› Nếu người nào vào phải sám ba-dật-đề.»
Hòa Tiên hỏi:
«Thế Tôn có nói như vậy sao?»
Các tỳ-kheo đáp lời:
«Các tỳ-kheo tự lập quy chế rằng: ‹Nếu vị nào vào sẽ phải sám ba-dật-đề.›»
Hòa Tiên nói:
«Tôi không chấp thuận quy chế của các trưởng lão. Tại sao vậy? Vì đức Phật có dạy như vầy: ‹Phật không chế thì không được tự chế. Phật đã chế thì không được trái phạm.› Phải tùy thuộc vào những pháp đã chế mà học tập. Chúng tôi đều là những tỳ-kheo A-lan-nhã, cho đến thọ trì ba y, được tùy ýthăm hỏi đức Thế Tôn.»
Bấy giờ, trưởng lão Hòa Tiên cùng sáu mươi tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên. Đức Thế Tôn an ủi và hỏi rằng:
«Nầy Hòa-tiên! Ông có được an lạc không? Ăn uống có bị thiếu thốn không? Trụ chỉ an tịnh không? Ông từ đâu đến đây? Ông không nghe tỳ-kheo nói những gì hay chăng?»
Hòa Tiên thưa:
«Con trụ chỉ được an lạc, không bị chuyện ăn uống làm khổ nhọc. Con cũng có nghe các tỳ-kheo khác nói. Bạch Đại đức! Con cùng cả thảy sáu mươi tỳ-kheo nước Ba-La, đều sống a-lan-nhã, cho đến thọ trìba y. Chúng con từ nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian đến nước Xá-vệ, hỏi các tỳ-kheo ở tại Kỳ-hoàn, ‹Phòng đức Thế Tôn ở chỗ nào? Chúng tôi muốn đến thăm.› Các tỳ-kheo nói như vầy, ‹Đức Thế Tôn cần tịnh tọa tư duy ba tháng, không cho người ngoài vào, chỉ trừ người mang thức ăn. Nếu vị nào vào thì phải sám ba-dật-đề.› Con liền hỏi, ‹Đức Thế Tôn có bảo sám ba-dật-đề như vậy không?› Các tỳ-kheo nói, ‹Chúng tôi tự lập ra quy chế như vậy.› Con liền nói, ‹Tôi không chấp thuận quy chế ấy. Tại sao vậy? Vì đức Phật có dạy như vầy: Phật không chế không được tự chế. Nếu đã chế không được trái phạm. Phải tùy thuộc vào những pháp đã chế mà học tập. Chúng tôi đều là những người sống a-lan-nhã, cho đến thọ trì ba y, được tùy ý thăm hỏi đức Thế Tôn.›»
Đức Phật dạy:
«Lành thay, lành thay Hòa-tiên! Các ông đều là những người a-lan-nhã thọ trì ba y, được tùy ý thăm hỏi. Nếu có ai như vậy, thì cũng được thăm hỏi đức Thế Tôn, theo ý muốn.»
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn cho phép các vị a-lan-nhã được tùy ý thăm hỏi đức Thế Tôn. Có vị hoặc trở thành tỳ-kheo a-lan-nhã, hoặc có vị không thọ thỉnh mà thường đi khất thực; hoặc có vị xả bỏ y của đàn-việt dâng cúng mà trì y phấn tảo, hoặc có vị xả bỏ y dư mà chỉ trì ba y.
Bấy giờ, các tỳ-kheo xả bỏ y, dồn lại thành một đống lớn. Các tỳ-kheo không biết làm như thế nào, bèn bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên bố thí cho chúng Tăng, hoặc cúng cho Phật, hoặc cúng cho tháp, hoặc cúng cho một người.»
Các tỳ-kheo nghe nói cho một người, bèn mang cho bạch y. Có tỳ-kheo thấy vậy bạch Phật. Đức Phậtdạy:
«Không được cho bạch y hay ngoại đạo.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo e ngại không dám cho tỳ-kheo-ni những thứ như phi y, đãy đựng bát, đựng giày dép, ống đựng kim, dây ngồi thiền, dây lưng, mão, khăn chùi chân, khăn trùm đầu, khăn gói giày guốc. Đức Phật dạy:
«Nên cho tỳ-kheo-ni phi y.»
Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: «Có nên chia phần cho những vị đang hành ba-lợi-bà-sa, ma-na-đỏa hay không?». Họ bạch Phật. Phật dạy :
«Nên chia.»
Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: «Những vị bị tác yết-ma ha trách, hoặc bị yết-ma tẫn xuất, yết-ma y chỉ, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, yết-ma tác cử, những người bị các yết-ma như vậy, có nên chia phần hay không?» Họ bạch Phật. Phật dạy:
«Nên để dưới đất hay sai người đưa.»
Bấy giờ, có các tỳ-kheo nhận được y ngoại đạo, không nhuộm, liền mặc. Bạch Phật. Phật dạy:
«Không được mặc y như vậy. Nên nhuộm rồi sẽ mặc.»
Có các tỳ-kheo sai bạch y làm việc. Bạch y đòi phần y. Họ bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép tính công của họ nhiều hay ít, trả bằng thức ăn hay bằng vật ngang giá.»
Các tỳ-kheo tự nghĩ: «Nên chia đồng phần vải cho người giữ Tăng-già-lam, sa-di, hay không?» Họ bạch Phật. Phật dạy:
«Nếu Tăng hòa hợp thì cho phép chia cho sa-di đồng một phần vải. Nếu không hòa hợp thì nên chia cho phân nửa, hay một phần ba. Nếu Tăng không cho thì không được chia. Người giữ Tăng-già-lam thì chia cho một phần tư. Nếu Tăng không cho thì không được chia. Nếu chia thì sẽ như pháp trị.»
Các tỳ-kheo e ngại không dám đem vải biếu cho cha mẹ, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nên biếu.»
9. Tỳ-lưu-ly
Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ những người họ Thích ở Ca-duy-la xây xong một ngôi nhà mới, chưa có sa-môn hay bà-la-môn nào đến ngồi. Thái tử Tỳ-lưu-ly[59] lại đến ngồi trước, các Thích tử đều giận dữ, mắng:
«Ta mới xây xong ngôi nhà mới. Đức Phật chưa ngồi. Mà con của một nữ tỳ hạ tiện đã ngồi trước rồi.»
Bấy giờ, có kẻ thị tùng bà-la-môn không tin ưa Phật, nói rằng:
«Các Thích tử Xá-di mắng ông là con của một nữ tỳ hạ tiện, mà ông có thể nhịn được chăng?»
Thái tử nói:
«Hiện tại ta không có thế lực nên chưa được tự do. Nếu cha ta qua đời, khi ta lên làm vua, lúc ấy ngươi sẽ nhắc lại ta.»
Sau đó, vua Ba-tư-nặc bị mất ngôi, thái tử Lưu-ly tự lên làm vua. Vị đại thần không tin Phật kia tâu:
«Trước đây các Thích tử đã mắng Vua. Vua có thể nhịn được sao? Nay cần phải chinh phạt họ.»
Vua liền tập hợp bốn binh chủng ra khỏi thành Xá-vệ; kéo đến nước Xá-di. Bấy giờ đức Thế Tôn vì lòng từ mẫn nên đã hiện trước trên đường đi của vua Lưu-ly. Ngài ngồi dưới một bóng cây cằn cỗi bên đường. Khi vua Lưu-ly đến, thấy đức Phật đang ngồi dưới bóng cây cằn cỗi, liền xuống xe đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:
«Có nhiều cây đại thọ tốt tươi nhiều bóng mát, tại sao Ngài không ngồi, lại ngồi dưới bóng cây cằn cỗi thế này?»
Đức Phật Nói:
«Đại vương! Dưới bóng mát của thân quyến, thật là an lạc.»
Nhà vua nghe câu nói ấy liền nghĩ:
«Đức Thế Tôn vì từ mẫn nước Xá-di nên nói như vậy.» Nhà vua liền kéo quân trở về nước Xá-vệ.
Vị đại thần bà-la-môn không tin Phật, lần thứ hai, lần thứ ba cũng tâu rằng:
«Trước đây các Thích tử mắng nhà vua là con của nữ tỳ hạ tiện. Nay cần phải chinh phạt họ.»
Nhà vua liền tập hợp bốn binh chủng, ra khỏi Xá-vệ, cách nước Ca-duy-la-vệ[60] không xa, nhà vua cho dựng một doanh trại nhỏ để phòng vệ. Bấy giờ các Thích chủng ở Ca-duy-la-vệ đều có khả năng bắn xa không trật. Có người bắn xa một do tuần vẫn trúng đích. Có người bắn xa bảy mươi dặm vẫn trúng đích. Có người bắn sáu mươi dặm, năm mươi dặm, bốn mươi dặm, ba mươi dặm vẫn trúng đích. Bấy giờ có người bắn trúng doanh trại của nhà vua, có người bắn trúng nóc trại, hoặc trúng càng xe hoặc trúng yên ngựa, dàm ngựa, cương ngựa, hoặc trúng ngón tay, hoặc trúng ngọc trai nơi tai, ngọc trai nơi tóc, hạt ngọc trai bị hư nhưng không gây thương tích. Lúc ấy, vua Lưu-ly rất hoảng sợ hỏi:
«Các Thích tử cách đây xa gần?»
Quan hầu cận thưa:
«Cách đây bảy mươi dặm.»
Nhà vua nghe xong càng thêm hoảng sợ bội phần, nói:
«Không lẽ binh chúng của ta sẽ bị hại bởi các Thích tử sao?»
Bấy giờ, đại thần không tin Phật tâu với nhà vua rằng:
«Các Thích tử kia đều thọ trì năm giới, làm người ưu-bà-tắc; chịu chết chứ họ không bao giờ đoạn mạng chúng sanh đâu. Vua cứ tiến quân chớ nên sợ sệt.»
Do vậy, nhà vua tiến quân đến bao vây thành Ca-duy-la-vệ. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nếu ở đó không mở cửa thành thì không thể được. Hiện nay người trong thành tự họ đã không nhất trí. Người thì nói nên giao thành. Người nói không nên giao. Tình thế buộc phải bốc thăm.»
Bấy giờ Thiên ma Ba-tuần đứng về phía người giao thành. Qua bảy lần bốc thăm, số thăm đồng ý giao thành cho vua Lưu-ly nhiều hơn, nên cửa thành được mở để giao. Quân nhân ồ ạt kéo vào thành, và đóng cửa thành lại. Hang cùng ngỏ hẻm đều được đào hầm, bề sâu đến ngang lưng người; chôn [861a1] trai gai lớn nhỏ trong giòng Thích chủng, đặt sát nhau không có khoảng hở; rồi cho voi lớn đạp lên.
Lúc ấy, Thích tử Ma-ha-nam là ông ngoại của Lưu-ly nói với các người họ Thích rằng:
«Các người đừng nghĩ là vua Lưu-ly thả voi đạp chết người, mà nên quan sát nghiệp báo nhơn duyêncủa các Thích chủng ngày xưa đã tạo. Quả báo của định nghiệp mà nay phải nhận lấy.»
Vua Lưu-ly nghe, bèn hỏi Thích Ma-ha-nam:
«Ông muốn được nguyện gì?»
Ma-ha-nam nói:
«Các người họ Thích đã chết, là điều khổ não hiện nay của ta. Nguyện để làm gì? Nếu muốn ta nguyện, thì để cho ta vào trong hồ nước. Trong khi ta đang lặn dưới nước, thì các người họ Thích được tự do ra khỏi thành, mà không giết họ.»
Vua Lưu-ly nghĩ rằng: «Lặn dưới nước thì không lâu được. Có thể cho Ông như nguyện.»
Ma-ha-nam liền lặn xuống hồ nước, lấy tóc mình cột vào trong gốc cây để chết luôn dưới nước.
Vua Lưu-ly hỏi các đại thần:
«Thích Ma-ha-nam lặn xuống nước sao lâu thế?»
Quan hầu cận đến xem rồi tâu:
«Ma-ha-nam đã chết rồi.»
Nhà vua bảo đem thi hài đến nhà vua xem. Các quan tả, hữu liền đem thi hài đến để vua xem. Vua Lưu-y thấy liền sanh từ tâm, nói:
«Ma-ha-nam vì thân quyến nên không tiếc thân mạng.»
Liền ra lệnh cho người thả các người họ Thích. Các quan liền y lời, phóng thích các Thích chủng.
Các Thích chủng đều đã bị lột hết, nên trần truồng, chạy đến trong Tăng-già-lam. Các tỳ-kheo e ngại nên không dám cho y để họ mặc, vì đức Phật không cho phép cho y đến người bạch y. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho họ mượn y để khỏi trần truồng khi họ đến gặp ta.»
Các tỳ-kheo liền cho họ mượn y.
10. Thân hậu
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng đức Phật du hành đến nước Câu-tát-la, tạm thời ngồi nghĩ một nơi, khi đi quên chiếc y tăng-già-lê. Sau đó đức Phật nhớ lại, bảo A-nan rằng:
«Hãy lấy chiếc y này. Khởi lên ý tưởng thân hữu mà lấy.» Tôn giả A-nan thưa:
«Thế nào là tác ý thân hữu để lấy?»
Đức Phật dạy:
«Tùy thuộc vào thái độ lấy của mình mà khiến cho họ hoan hỷ.»
«Thế nào là tùy thuộc vào thái độ lấy của mình mà khiến cho họ hoan hỷ?»
Đức Phật dạy:
«Có bảy pháp gọi là do thương yêu mà làm lợi ích cho thân hữu: Cho thứ khó cho, làm việc khó làm, nhẫn điều khó nhẫn, việc mật nói cho nhau, không phanh phui việc của nhau, gặp khổ không bỏ nhau, nghèo hèn không khinh. Như vậy, A-nan, bảy pháp này gọi là do thương yêu mà làm lợi ích cho thân hữu, khiến kia hoan hỷ.»
Đức Phật liền nói kệ:
Cho thứ khó cho,
Làm việc khó làm;
Nhẫn điều khó nhẫn,
Là bạn thân tốt.
Việc mật nói nhau,
Bao che cho nhau;
Gặp khổ không bỏ,
Nghèo hèn không khinh.
Bảy pháp như vậy,
Người nào làm được;
Gọi là bạn thân,
Nên gần gũi họ.
Đức Phật dạy: «Nên lấy, với ý thân hữu như vậy.»
Có tỳ-kheo nọ chẳng phải thân hữu mà tác ý thân hữu để lấy. Đức Phật dạy:
«Chẳng phải thân hữu, không được tác ý thân hữu để lấy.»
Có tỳ-kheo nọ, tác ý thân hữu để lấy y ba-lợi-ca-la.[61] Đức Phật dạy:
«Không được tác ý thân hữu để lấy y này. Nếu không đủ thì không được lấy.
Phật ở tại thành Ba-bà.[62] Có một người Ma-la[63] tự là Lâu-diên,[64] là bạn của Tôn giả A-nan khi còn bạch y. Bấy giờ, A-nan khoác y, bưng bát, đến nhà ông ấy, an tọa chỗ ngồi. Lâu-diên đi vắng không có ở nhà, Tôn giả A-nan hỏi người vợ của ông:
«Lâu-diên đâu?»
Vợ Lâu-diên trả lời:
«Đi khỏi.»
A-nan bảo:
«Đưa cho tôi cái sọt y.»[65]
Vợ Lâu-diên liền lấy đem đặt trước A-nan. Tôn giả A-nan lựa lấy vải đại giá[66] đem về trong Tăng-già-lam, làm khăn lau mặt, khăn lau thân cho các Thượng tọa. Khi Lâu-diên Ma-la về, người vợ thuật lại sự việc. Ông liền đến trong Tăng-già-lam, đến chỗ A-nan, hỏi:
«Thầy có đến nhà tôi?»
«Vâng, có.»
«Thầy có lấy thứ gì không?»
«Có lấy.»
«Sao thầy không lấy thứ tốt mà lại lấy thứ xấu?»
«Chính tôi cần vải như vậy.»
Bấy giờ các tỳ-kheo có ý nghĩ: Với thân hữu bạch y, có nên lấy vải như vậy không. Bạch Phật. Đức Phậtdạy:
«Nên lấy.»
«Thân như thế nào để đáng lấy?»
«Như A-nan với Lâu-diên Ma-la thì nên lấy.»
Các tỳ-kheo thưa:
«Nếu chủ không có ở nhà, có nên lấy hay không?»
Đức Phật dạy:
«Cho phép, nếu là thân hậu, dù ở nhà hay đi vắng, đều được phép lấy.»
11. Di vật của Tỳ-kheo
Bấy giờ, đức Phật ở tại nước Xá-vệ, không đi phó trai. Theo thường pháp của chư Phật, nếu không đi phó trai thì sau đó đi xem xét các phòng. Khi xem xét các phòng, thấy có tỳ-kheo bệnh nằm một mìnhkhông ai chăm sóc, cúng dường. Vị ấy nằm chung với vật đại tiểu tiện. Thấy vậy, đức Phật đến chỗ tỳ-kheo bệnh, biết mà vẫn hỏi:
«Sao ông nằm chung với vật đại tiểu tiện? Có ai chăm sóc cơm cháo không?»
Vị tỳ-kheo bệnh thưa:
«Không.»
Đức Phật lại hỏi:
«Sao không có ai chăm sóc?»
Vị tỳ-kheo bệnh thưa:
«Vì khi con mạnh, con không thăm viếng bệnh người khác. Nên nay con bệnh, không có vị nào nuôi nấng cơm cháo.»
Đức Phật dạy:
«Ông không chăm sóc, cúng dường người bệnh, nên thất lợi, không được gì. Các ông là tỳ-kheo, không cùng chăm sóc cho nhau thì ai sẽ chăm sóc bệnh các ông?»
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền đỡ tỳ-kheo bệnh dậy, lau đồ bất tịnh nơi thân. Lau xong, rửa sạch. Rửa rồi, giặt y phơi khô. Đức Phật dọn dẹp những cỏ lá hư cũ mục mà vị tỳ-kheo bệnh đã nằm. Lấy nước bùn trét lên trên, rưới nước khiến cho sạch sẽ. Lại trải cỏ mới lên, bên trên trải một chiếc y, để tỳ-kheo bệnh nằm trở lại, lấy một chiếc y đắp lên trên, rồi Như Lai mới ra đi.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn thọ thực xong dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng ỳ-kheo, đem sự việc vừa xảy ra, không thỉnh mà nói:
«Sau khi Ta không đi thọ thực, đến xem xét các phòng, thấy có tỳ-kheo bệnh. Ta tự lo liệu mọi việc.»
Ngài kể rõ mọi việc cho các tỳ-kheo nghe, rồi bảo:
«Này các tỳ-kheo, từ nay về sau, nên chăm sóc tỳ-kheo bệnh, không được không chăm sóc. Nên cử người chăm sóc bệnh, không được không cử người chăm sóc bệnh. Nếu muốn cúng dường Ta thì nên cúng dường cho người bệnh. Cho phép các tỳ-kheo cùng Hòa thượng, hoặc đồng Hòa thượng, cùng A-xà-lê, hoặc đồng A-xà-lê, hoặc đệ tử nên chăm sóc lẫn nhau. Nếu vị nào không có người chăm sóc thì chúng Tăng nên cử người chăm sóc. Nếu không ai chịu chăm sóc thì sai theo thứ tự. Nếu theo thứ tự sai mà không chịu thì sẽ như pháp trị.»
Nếu không có tỳ-kheo thì tỳ-kheo-ni tùy theo công việc mà giúp đỡ, nhưng không được đụng chạm đến tỳ-kheo. Nếu không có tỳ-kheo-ni thì thức-xoa-ma-na cũng tùy theo công việc mà chăm sóc, nhưng cũng không được đụng chạm đến tỳ-kheo. Nếu không có thức-xoa-ma-na thì sa-di nên làm. Nếu không có sa-di thì sa-di-ni, cũng tùy theo công việc mà làm, nhưng cũng không được đụng chạm đến tỳ-kheo. Nếu không có sa-di-ni thì ưu-bà-tắc nên làm, nếu không có ưu-bà-tắc thì ưu-bà-di, cũng tùy theo công việc mà làm, nhưng cũng không được xúc chạm đến tỳ-kheo.
Người bệnh có năm việc khó chăm sóc: 1. Thèm ăn những thứ không được ăn, và không chịu uống thuốc. 2. Người nuôi bệnh có chí tâm mà người bệnh không nói như thật. 3. Cần đi lại không đi, cần đứng không chịu đứng. 4. Thân thể có đau nhức thì không thể chịu đựng nỗi. 5. Dù việc nhẹ có thể làm được, nhưng không làm, phải cậy nhờ người làm. Người bệnh có năm việc như vậy thì rất khó chăm sóc.
Người bệnh có năm việc dễ chăm sóc: 1. Không ăn những thứ không được ăn; chịu uống thuốc. 2. Nói như thật cho người nuôi bệnh. 3. Cần đi thì đi, không cần đi thì không đi, cần đứng thì đứng. 4. Thân thểcó đau nhức thì có khả năng chịu đựng. 5. Việc nhẹ có thể làm được thì làm. Người bệnh có năm việc như vậy thì dễ chăm sóc.
Người bệnh lại có năm việc khó chăm sóc, ngoài bốn việc như trên, việc thứ năm là không thể trụ tâmtĩnh tọa được. Người bệnh có năm việc này rất khó nuôi.
Người bệnh lại có năm việc dễ chăm sóc, ngoài bốn việc như trên, việc thứ năm là có thể [862a1] trụ tâm tĩnh tọa được. Người bệnh có năm việc như vậy thì dễ chăm sóc.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo ở tại nước Câu-tát-la, trên đường đi đến một trú xứ nhỏ, thấy có tỳ-kheo bệnh không ai chăm sóc, nằm chung với vật đại tiểu tiện. Vị ấy liền nghĩ như vầy: «Đức Thế Tôn đã dạy, ‹Phải chăm sóc người bệnh, không được không chăm sóc. Phải cử người coi sóc bệnh, không được không cử người coi sóc người bệnh. Nên cúng dường người bệnh, không được không cúng dường người bệnh. Người nào cúng dường người bệnh tức là cúng dường Ta.› Vị kia liền chăm sóc tỳ-kheo bệnh, sau đó người bệnh qua đời. Lúc bấy giờ, tỳ-kheo mang y, bát của người qua đời đến Kỳ-hoàn tinh xá, nước Xá-vệ, qua đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Phật dạy:
«Lành thay, lành thay, tỳ-kheo! Ông là người có thể chăm sóc tỳ-kheo bệnh. Nên cúng dường người bệnh. Nên cử người chăm sóc tỳ-kheo bệnh. Cúng dường tỳ-kheo bệnh là cúng dường Ta.»
Vị kia đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo qua đời đến, hiện tiền Tăng trú xứ này nên chia.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo qua đời cho người nuôi bệnh, nên bạch nhị yết-ma cho. Người nuôi bệnh đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo… tại trú xứ kia đã qua đời. Y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y; hiện tiền Tăng nơi trú xứ này nên chia.»
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng như vậy.
Tăng nên sai một vị có khả năng làm yết-ma, hoặc thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật hay không tụng luậtđược, miễn là có thể làm yết-ma, tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo… đã qua đời. Y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y của vị ấy để lại, hiện tiền Tăng nơi trú xứ này nên chia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận đem cho tỳ-kheo nuôi bệnh tên là… Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo… đã qua đời. Y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y của vị ấy để lại, hiện tiền Tăng nơi trú xứ này nên chia. Nay Tăng cho tỳ-kheo nuôi bệnh tên là… Trưởng lão nào đồng ý đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y của vị này để lại cho tỳ-kheo nuôi bệnh tên… thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y của vị ấy để lại, cho tỳ-kheo nuôi bệnh tên… rồi, nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
(Nếu Tăng yết-ma sai một vị chia y vật của vị qua đời, pháp yết-ma đó cùng pháp yết-ma này không khác, chỉ thêm một câu: «Nay Tăng trao y cho tỳ-kheo tên…. Tỳ-kheo tên… sẽ hoàn lại cho Tăng. Đây là lời tác bạch.»).[67]
Lúc bấy giờ, tại nước Xá-vệ có nhiều tỳ-kheo nổi tiếng qua đời, để lại ba y rất nhiều. Các tỳ-kheo không biết nên dùng y nào để cho người nuôi bệnh. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép lấy y mà vị qua đời thường dùng để cho. Đức Phật cho phép cho y người nuôi bệnh rồi. Lúc ấy có tỳ-kheo chỉ nuôi sơ sơ; hoặc có vị chỉ đỡ bệnh nhân ngồi dậy, hay nằm xuống; hoặc đưa cây; tăm xỉa răng, hay tách nước, cũng lấy y bát của người qua đời. Đức Phật dạy:
«Không được chỉ nuôi sơ sơ như vậy mà lấy y bát của người bệnh qua đời.»
Có năm việc mà người nuôi không được lấy y vật của người bệnh: 1. Không biết người bệnh nên ăn thứ gì và không được ăn thứ gì; thứ nên ăn thì không cho ăn, thứ không đáng ăn lại cho ăn. 2. Nhờm gớm đại tiểu tiện đàm dải của người bệnh. 3. Không có tâm từ mẫn, chỉ vì y thực. 4. Trong thời gian nuôi bệnh, không thể vì bệnh nhân lo liệu thuốc thang cho đến khi bệnh lành hay qua đời. 5. Không thể nói pháp cho bịnh nhân khiến cho hoan hỷ. Đối với bản thân, có sự tổn giảm thiện pháp.
Người nuôi bệnh có năm việc như vậy không được nhận lấy y vật của bệnh nhân.
Lại cũng có năm pháp, người chăm sóc bệnh nhân đáng được chia: 1. Biết người bệnh ăn thứ gì được, thứ gì không được. Thứ nên ăn thì cho ăn. 2. Không nhờm gớm đại tiểu tiện, đàm dải của bệnh nhân. 3. Có tâm thương yêu, không vì y thực. 4. Trong thời gian nuôi bệnh có lo liệu thuốc thang cho bệnh nhân đến khi lành bệnh hoặc qua đời. 5. Có thể vì bệnh nhân nói pháp khiến cho hoan hỷ. Đối với bản thân, pháp lành được tăng ích. Người có năm việc như vậy thì nên lấy y vật của bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân gần trút hơi thở cuối cùng nói: «Các thứ này của tôi. Sau khi tôi chết, dâng cúng cho Phật, Pháp, Tăng, tháp hoặc cho người. Nếu tôi không chết thì trả lại cho tôi.»
Đức Phật dạy:
«Không được di chúc như vậy, mà nên chia hiện tiền Tăng.»
Tỳ-kheo bệnh kia khởi ý nghĩ: «Tôi sẽ thọ trì ba y xấu.» Vì sợ người nuôi bệnh lấy đi.»
Đức Phật dạy:
«Nên thọ trì thứ tốt.»
Bấy giờ, bệnh nhân đem y bát gởi chỗ khác, sợ người nuôi bệnh lấy. Sau bệnh lành, không có để dùng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được có ý đem y bát gởi chỗ khác, sợ người nuôi bệnh lấy như vậy.»
Lúc bấy giờ, tại nước Xá-vệ có nhiều tỳ-kheo nổi tiếng qua đời, để lại ba y rất nhiều. Các tỳ-kheo không biết đem loại y nào để cho tỳ-kheo nuôi bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên nhận xét người nuôi bệnh như thế nào? Nếu tỳ-kheo nuôi bệnh tốt nhất thì cho ba y tốt. Nếu nuôi bệnh bực trung thì cho ba y vừa. Nếu nuôi bệnh tồi thì cho ba y xấu.»
Lúc bấy giờ, tại nước Xá-vệ có tỳ-kheo mắc nợ người khác, qua đời. Các tỳ-kheo không biết ai sẽ trả nợ đó, bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép đem trưởng y[68] để trả. Nếu không có thứ gì, thì bán ba y để trả; còn dư thì cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh nên hỏi tỳ-kheo bệnh, ‹Y nào là ba y? y nào là trưởng y? thầy có mắc nợ ai? có ai nợ thầy không? Thầy có hứa cho ai thứ gì không?› Nếu người nuôi bệnh không hỏi như vậy thì sẽ như pháp trị. »
12. Tạp sự
Bấy giờ, có tỳ-kheo thân hình bị bệnh ghẻ nhọt làm nhớp y và ngọa cụ. Phật dạy:
«Cho phép chứa y che thân.»[69]
Hoặc có y mà lông dính vào mụt ghẻ làm cho đau nhức, Phật cho phép dùng y mịn tốt để phủ bên trong, ngoài mặc niết-bàn-tăng. Nếu đến nhà bạch y thì nên nói rằng: «Tôi bị bệnh ghẻ.» Nếu bạch y nói: «Không sao, cứ ngồi,» thì nên vén niết-bàn-tăng rồi ngồi.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh lòi trĩ, dùng cây khô để gạt nên bị đau. Phật cho phép dùng lông mịn hoặc kiếp-bối, lông chim, y cũ để chùi. Dùng rồi, treo lên mà không giặt. Các tỳ-kheo thấy nhờm gớm, bạch Phật. Phật dạy:
«Không được dùng rồi treo lên mà không giặt. Phải giặt sạch.»
Có vị giặt rồi, nhưng không vắt nước cho khô, bị hư mục sanh trùng. Phật dạy:
«Nên vắt khô nước rồi phơi cho khô.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị ghẻ; bẩn y, ngọa cụ. Bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép sắm y che ghẻ.[70] Nếu tự mình không có thì cho phép lấy y ở trong Tăng để dùng.»
Khi lấy dùng, tỳ-kheo kia khi di chuyển không dám mang y che ghẻ từ trú xứ nầy đến trú xứ khác để dùng. Bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép di chuyển.»
Nhưng tỳ-kheo kia sau khi ghẻ lành, không đem về trả lại chỗ cũ. Phật dạy:
«Nếu ghẻ lành rồi, thì phải giặt, nhuộm, xếp ngay thẳng, trả lại chỗ cũ. Nếu không trả lại trú xứ cũ, sẽ như pháp trị.»
Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo làm màn che. Các bạch y thấy đều cơ hiềm rằng: «Sa-môn thích tửkhông biết đủ để dừng lại, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng ta biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Giống như quốc vương đại thần không khác!» Các tỳ-kheo [863a1] bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được may màn che.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo đại tiểu tiện, lộ hình nơi chỗ trống. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép dùng cỏ hoặc lá cây, nhánh cây, hay y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, hoặc cù-lâu để ngăn che.»
Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo làm mái che,[71] các bạch y thấy điều cơ hiềm nói: «Sa-môn thích tửkhông biết đủ để dừng lại, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng ta biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Giống như quốc vương đại thần không khác!» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Không được làm mái che.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo đi đường bị nóng. Bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép dùng cỏ hay lá, hoặc một trong mười thứ y để làm đồ che.»
Bấy giờ chúng Tăng nhận được y kép.[72] Phật dạy:
«Cho phép chứa dùng.»
Bấy giờ có tỳ-kheo không biết thọ trì[73] ba y. Phật dạy:
«Nên thọ trì. Nếu nghi nên xả. Xả rồi thọ lại. Nếu có ba y mà không thọ trì, phạm đột-kiết-la.»
Đức Phật dạy nên thọ trì ba y. Có vị thọ trì các loại tiểu y thay cho ba y, như khăn lau thân, khăn lau mặt, tấm giạ lót nằm. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được thọ trì các loại tiểu y như vậy để thay thế ba y.»
Phật dạy cho phép dùng y, bề dài bốn khuỷu tay, rộng hai khuỷu tay làm an-đà-hội; rộng ba khuỷu tay, dài năm khuỷu tay làm uất-đa-la-tăng; tăng-già-lê cũng vậy.
Bấy giờ, các tỳ-kheo y bị rách. Phật dạy:
«Cho phép vá đắp lại.»
Họ không biết vá đắp như thế nào. Phật dạy:
«Đặt một lớp vải lên trên rồi may lại, tùy theo miếng rách lớn hay nhỏ, vuông hay tròn mà vá.
Bấy giờ, các tỳ-kheo không mặc y cắt rọc vào tụ lạc. Bạch y thấy, đều cơ hiềm, nói:
«Sa-môn thích tử không biết đủ để dừng lại, không biết hổ thẹn, giống như ngoại đạo»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên không mặc y cắt rọc mà vào tụ lạc. Có năm nhơn duyên được lưu y tăng-già-lê lại: Hoặc nghi có sự khủng bố, hoặc có mưa, hoặc nghi có mưa, hoặc tăng-già-lê may chưa xong, hay giặt nhuộm hư rách dày nặng. Năm nhơn duyên như vậy được lưu y tăng-già-lê lại.»
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo lật ngược tăng-già-lê mặc vào tụ lạc. Tỳ-kheo khác thấy, không vui, bèn bạch Phật. Phật dạy:
«Không được lật ngược y mặc vào tụ lạc.»
Có tỳ-kheo e ngại, nên ngay ngoài tụ lạc cũng không dám lật ngược y để mặc, nên bị nắng gió bụi trùng chim làm bẩn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Ngoài tụ lạc, cho phép lật ngược y để mặc.»
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo nhận được man y,[74] bề rộng bề dài vừa đủ, liền cắt rọc may y, vì thiểu dụcmuốn may thiếp diệp y bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép may. Tỳ-kheo nhận được man y, bề rộng bề dài đủ, muốn may y năm mảnh.[75] Bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép may.»
Bấy giờ các tỳ-kheo vì y phạm nên xả,[76] bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép xả giữa Tăng, hoặc trước đông người, hoặc trước một người, sau đó tịnh thí. Không được không xả. Khi xả rồi sau mới chỉ định.[77] Không được không xả mà chỉ định. Có tỳ-kheo nọ y không xả mà thọ dụng làm ba y, làm y ba-lợi-ca-la,[78] cố ý để hư hoại, cố ý đem thiêu đốt để dùng làm phi y hay mặc thường xuyên.[79] Phật dạy:
«Nếu không xả không được đem làm ba y thọ dụng, hay làm y ba-lợi-ca-la, cố ý để hư hoại, cố ý đem thiêu đốt, dùng làm phi y, hay mặc luôn luôn.» Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: «Ba-lợi-ca-la không hiện hữutrước mặt, có phạm ni-tát-kỳ hay không?» Đức Phật dạy:
«Không phạm ni-tát-kỳ.»
Vị kia y không xả bèn mặc. Bạch Phật. Phật dạy:
«Không được không xả mà mặc.»
Vị kia nghĩ không dám dùng y xả đọa;[80] đem cho người hay làm đồ đắp.[81] Bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép cho người khác làm đồ đắp.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo e ngại không dám mặc y bị cháy, y bị cướp, y bị trôi, bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép mặc.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo y không xả, bèn cùng người trao đổi. Bạch Phật. Phật dạy:
«Không được không xả y. Nên xả rồi sau mới trao đổi.»
Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‹Y của chúng Tăng quá mười ngày, phạm xả đọa hay không?› Bạch Phật. Phật dạy:
«Không phạm.»
Tỳ-kheo nào y tịnh thí không trả lại chủ, phạm đột-kiết-la. Vị nào ngăn không cho trả, cũng phạm đột-kiết-la.
Bấy giờ, có các tỳ-kheo y không nhuộm cho hoại sắc mà đem gởi nhà bạch y. Bạch y lấy mặc. Phật dạy:
«Không được không nhuộm cho hoại sắc mà đem gởi nhà bạch y. Nên nhuộm cho hoại sắc làm y sa-môn. Sau đó mới đem gởi nhà bạch y.»
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo được y trên hẹp dưới rộng đem làm tăng-kỳ-chi, bạch Phật. Đức Phật cho phéplàm.
Bấy giờ, có trú xứ nọ, hiện tiền Tăng nhận được y vật có thể chia. Nhóm sáu tỳ-kheo đem ra ngoài ranh giới chia nhau. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Không được ra ngoài giới chia.»
Bấy giờ có Trưởng lão tỳ-kheo, được nhiều người biết tiếng, du hành trong nhân gian, nhận được nhiều y vật mà hiện tiền Tăng nên chia, nhưng khó chia vì e ngại đức Phật không cho phép ra ngoài giới chia y vật. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật. Phật dạy:
«Nên sai người xướng như vầy: ‹Đến tại địa điểm đó để phân chia y vật. Y vật nào đáng chia thì sẽ được chia.›»
Vị kia không biết chia khi nào. Phật dạy:
«Phải làm dấu hiệu. Hoặc dựa theo con bóng qui định thời gian; hoặc un khói; hay thổi ốc; hoặc đánh trống, đánh kiền chùy, công bố đến giờ. Người tự đến hay nhờ người đến cũng nên chia phần.»
Có các tỳ-kheo nọ di chuyển ngọa cụ. Đức Phật dạy:
«Không được di chuyển.»
Trường hợp có phòng nhiều ngọa cụ, có phòng ít ngọa cụ. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, cho phép vị cựu trú, hoặc ma-ma-đế, hay người tri sự làm việc di chuyển ấy. Người nhận phòng nên hỏi trước, sau đó mới di chuyển.»
Có tỳ-kheo nọ đã di chuyển ngọa cụ, khi đi không trả lại chỗ cũ. Tỳ-kheo khác lại dùng. Phật dạy:
«Phải trả ngọa cụ lại chỗ cũ rồi mới đi, nếu không trả lại sẽ như pháp trị.»
Phòng xá bị hư sập. Các tỳ-kheo e ngại không dám di chuyển ngọa cụ, vì Phật có dạy: «Không nên di chuyển ngọa cụ.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Nếu phòng xá bị hư sập thì nên di chuyển ngọa cụ.»
Có vị di chuyển ngọa cụ đến các phòng khác. Các phòng khác không dám nằm nên bị hư hoại. Phật dạy:
«Nên sử dụng.»
Khi đức Phật đã cho phép dùng rồi, các tỳ-kheo không rửa chân, không lau chân (mà sử dụng); hoặc dùng làm y lót thân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Không được không rửa chân, không lau chân (mà sử dụng); hoặc dùng làm áo lót.»
Khi đức Phật đã không cho phép làm áo lót, các tỳ-kheo e ngại không dám đụng đến tay chân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Không được dùng làm y lót thân, chỉ giới hạn từ nách đến đầu gối mà thôi.»
Bấy giờ, các bạch y cúng y lót thân cho tỳ-kheo, tỳ-kheo e ngại không dám nhận, bạch Phật. Đức Phậtdạy:
«Y do đàn-việt dâng cúng nên tùy thuận mà nhận.»
Khi phòng xá bị hư hoại kia đã được sửa sang rồi, nhưng ngọa cụ không được trả lại. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Nếu phòng xá đã sửa sang rồi thì nên trả ngọa cụ lại. Nếu không trả, sẽ như pháp trị.»
Có các tỳ-kheo nọ di chuyển ngọa cụ của trú xứ này đến trú xứ kia. Phật dạy:
«Không được di chuyển ngọa cụ của trú xứ này đến trú xứ kia.»
Trường hợp nhân dân trong nước phản loạn khủng bố, nên trú xứ đó cũng bị hoại, các vị e ngại không dám di chuyển ngọa cụ, vì đức Phật không cho phép di chuyển ngọa cụ cố định của trú xứ này đến trú xứ kia. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nếu có trường hợp như vậy thì cho phép di chuyển.»
Vị kia, khi di chuyển ngọa cụ, không dám che dấu, sợ chạm phải trong thân,[82] vì đức Thế Tôn không cho phép làm y lót thân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Tùy theo đó mà phương [864a1] tiện che dấu khi di chuyển. Nếu người khác đuổi, bảo đứng dậy cũng không được đứng dậy. Cũng không được đuổi người khác đứng dậy. Nếu có tỳ-kheo khác có thể thương yêu che chở thì nên giao cho.»
Khi trong nước ổn định lại, nhân dân an khương, phòng xá sửa rồi, mà ngọa cụ chưa mang trở lại. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nếu không trả ngọa cụ trở lại, sẽ như pháp trị.»
Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nhận được vải từng đoạn vụn, màu sắc bậc nhất, muốn cắt may y năm mảnh, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép may.»
Bấy giờ, có trú xứ hiện tiền Tăng nhận được nhiều y vật có thể chia. Nhóm sáu tỳ-kheo đều nạnh nhau, không chịu đem cất nên bị mất. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Người nào thấy, phải đem cất.»
Lúc ấy khách tỳ-kheo đến, di chuyển y vật để qua phòng khác; không đảm bảo. Bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép lấy một phòng riêng kết làm kho chứa, bằng pháp bạch nhị yết-ma.»
Xướng tên phòng: Hoặc nhà tắm, nhà tầng, hay nhà kinh hành.[83] Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật hay không tụng luật được, miễn có thể tác phápyết-ma, tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận lấy phòng… kết làm kho chứa. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng lấy phòng… kết làm kho chứa. Trưởng lão nào chấp thuận Tăng lấy phòng… kết làm kho chứa thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã chấp thuận Tăng lấy phòng… làm kho chứa rồi.
«Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc ấy được ghi nhận như vậy.»
Lúc ấy, kho chứa không có người coi giữ nên không an toàn chắc chắn. Đức Phật cho phép sai người coi giữ vật, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Trong chúng sai một vị có khả năng yết-ma, hoặc Thượng tọahay thứ tọa, tụng luật được hay không, miễn là có khả năng tác pháp yết-ma, tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai Tỳ-kheo… làm người coi giữ kho, đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng sai Tỳ-kheo… làm người coi giữ. Các trưởng lão nào chấp thuậnTăng sai Tỳ-kheo… làm người bảo quản thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã chấp thuậnsai tỳ-kheo… làm người bảo quản rồi.
«Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc ấy được ghi nhận như vậy.»
«Nếu tỳ-kheo đó không chịu làm người coi giữ thì nên đặc ân cấp cháo. Nếu vẫn không chịu, thì tất cả y thực đã nhận được, nên chia cho hai phần. Nếu vẫn cố không chịu, thì nên như pháp trị.»
Lúc bấy giờ, Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu[84] sắm nhiều áo tắm mưa, sai người đem đến tinh xá dâng cúng. Các tỳ-kheo không biết sẽ làm như thế nào. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên chia theo thứ tự từ Thượng tọa. Nếu không đủ thì ghi nhận. Rồi sau đó nhận được, tiếp tục chia.»
Bấy giờ nhận được y đại quý giá nên vẫn tiếp tục chia. Phật dạy:
«Không được đem y đại quý giá tiếp tục chia mà phải đổi cho Thượng tọa. Nếu nhận được y vật không bằng nhau thì nên lấy y vật có thể phân chia trong Tăng cho đủ số bằng nhau để phân chia.»
Lúc bấy giờ, Tăng nhận được y ương-già-na-la,[85] bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép tích trử.»
Bấy giờ có tỳ-kheo mặc y phú thân của Tăng [86] đến trong nhà tắm, trong nhà ăn, làm cho cơm canh nhớp, bùn nhơ, khói hun, bụi bám. Phật dạy:
«Không được mặc y phú thân của Tăng vào phòng tắm, nhà ăn.»
Bấy giờ, tháng mùa đông, các tỳ-kheo bị lạnh. Bạch Phật. Phật cho phép mặc (đồ ấm), nhưng phải yêu quý gìn giữ đừng để nhơ nhớp. Lúc ấy có tỳ-kheo mặc vào nhà vệ sinh, nhơ nhớp hôi thúi. Phật dạy:
«Không được mặc vào nhà vệ sinh.»
Bấy giờ có tỳ-kheo phải đem y về phòng, rồi mới đến nhà vệ sinh nên bị cấp bách. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
Nên có cái giá y bên ngoài nhà vệ sinh, hoặc móc long nha hay cái trụ, hoặc nhà, hoặc cây, hoặc cỏ, hay đá; cho phép đem y móc hay để trên đó. Nếu trời mưa, nên để chỗ không mưa. Nếu mưa văng ướt vào chỗ để, tốt nhất đừng cho đụng đến cửa nhà vệ sinh. Khi lên nhà vệ sinh, ngồi xổm cho gọn đừng để nhớp y.
Có tỳ-kheo nọ mặc y đến chỗ đi kinh hành bị vướng cỏ, dính côn trùng, đất bụi bám, mưa thấm ướt, hư hoại Tăng y. Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Không được mặc Tăng y đến chỗ kinh hành.»
Lúc bấy giờ, có vị Thượng tọa tỳ-kheo bịnh già yếu, từ đường xa nhọc mệt đến. Phật cho phép phủ miếng giạ trên khăn trải nằm. Nên yêu quý giữ gìn mà nằm.
Bấy giờ, tại trú xứ nọ có tỳ-kheo kiết hạ an cư rồi, lại đến trú xứ khác ở, không biết nên nhận vật an cưnơi trú xứ nào. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Nơi nào ở nhiều ngày nhất thì nhận vật an cư chỗ đó. Nếu hai nơi bằng nhau thì nhận mỗi nơi phân nữa. Có tỳ-kheo nọ đem chia thức ăn của hạ an cư. Đức Phật dạy:
«Không được chia. Tùy theo sự dâng cúng mà thọ thực.»
Khi đức Thế Tôn đã nhận lời thỉnh của bà-la-môn Tỳ-lan-nhã [87] đã qua rồi, bảo Tôn giả A-nan rằng:
«Ông đến nói với bà-la-môn Tỳ-lan-nhã, đức Phật đã nhận lời thỉnh của ông ba tháng hạ an cư xong, nay muốn du hành trong nhân gian.»
Bấy giờ, Tôn giả A-nan vâng lời đức Thế Tôn dạy liền đến chỗ Tỳ-lan-nhã bảo rằng:
«Đức Thế Tôn nói như vầy: Ngài đã nhận lời mời của ông ba tháng hạ an cư xong rồi, nay muốn du hành trong nhân gian.»
Tỳ-lan-nhã nghe Tôn giả nói rồi, mới tự nghĩ rằng: «Mình thỉnh sa-môn Cù-đàm và Tăng tỳ-kheo trong chín mươi ngày rồi mà không cúng dường.» Tỳ-lan-nhã liền đến chỗ đức Thế Tôn, cung kính thăm hỏirồi lui ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện vì ông mà nói pháp, khiến cho ông được hoan hỷ. Tỳ-lan-nhã nghe đức Phật nói pháp rồi, rất hoan hỷ, liền bạch Phật rằng:
«Cúi xin đức Thế Tôn và các Tăng tỳ-kheo nhận lời thỉnh chín mươi ngày nữa của con.»
Đức Phật trả lời:
«Đã nhận lời thỉnh chín mươi ngày của ông rồi. Nay ta muốn du hành trong nhân gian.»
Tỳ-lan-nhã bạch Phật:
«Cúi xin Ngài và chư Tăng nhận cho con cúng dường một bữa ngọ vào ngày mai.»
Đức Thế Tôn nhận lời bằng sự im lặng. Tỳ-lan-nhã biết được đức Phật nhận lời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy vui vẻ, nhiễu quanh Phật rồi lui về. Trong đêm đó sắm sửa, đầy đủ các đồ ăn thức uống, sáng ngày đến thỉnh Phật và chư Tăng phó trai.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn cùng năm trăm Tăng tỳ-kheo khoác y, bưng bát, đến nhà Tỳ-lan-nhã, an tọa nơi chỗ ngồi. Tỳ-lan-nhã dâng các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ cúng dường Phật và chư Tăng. Các Ngài ăn xong để bát xuống, Tỳ-lan-nhã dùng ba y dâng cúng lên đức Thế Tôn và Tăng tỳ-kheo mỗi vị hai tấm điệp làm y mùa Hạ. Tỳ-kheo không nhận, nói rằng:
Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận y mùa hạ. Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.»
Lúc bấy giờ, Bạt-nan-đà trong nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép nhận y mùa hạ, nên lúc nào trong ba mùa xuân, hạ và đông, cũng đều tìm cầu y mùa hạ. Hạ an cư chưa xong cũng tìm cầu y, cũng thọ y. Có lúc Bạt-nan-đà Thích tử đang an cư tại một trú xứ này mà nghe trú xứ khác nhận được nhiều y an cư mùa hạ, liền đến trú xứ đó hỏi rằng:
«Các thầy đã chia y mùa hạ chưa?»
Các vị trả lời:
«Chưa chia.»
Bạt-nan-đà bảo:
«Mang ra đây. Tôi cùng các thầy chia.»
Bạt-nan-đà lại đến các trú xứ khác cũng hỏi rằng:
«Các thầy đã chia y mùa hạ chưa?»
Các vị trả lời:
«Chưa chia.»
Bạt-nan-đà bảo:
«Mang ra đây. Tôi cùng các thầy chia.»
Bấy giờ Bạt-nan-đà ở nhiều chỗ chia y nên nhận được nhiều y mang về Kỳ-hoàn. Các tỳ-kheo khác thấy hỏi rằng:
«Đức Thế Tôn cho phép tích trử ba y. Vậy số lượng y nầy là y của ai?»
Bạt-nan-đà nói:
«Nhiều trú xứ chia nên tôi nhận được số lượng y nhiều như vậy.»
Trong các tỳ-kheo, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Bạt-nan-đà trong nhóm sáu tỳ-kheo rằng: «Đức Thế Tôn cho phép tỳ-kheo nhận y mùa hạ. Sao thầy tìm cầu y mùa hạ vào tất cả thời xuân, hạ, và đông? An cư chưa xong cũng tìm y, cũng [865a1] thọ y? An cư nơi này đã nhận phần y rồi, lại đến nơi khác cũng nhận phần y?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà:
«Ông làm điều sai quấy, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải hạnh thanh tịnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nầy Bạt-nan-đà, Ta cho phép tỳ-kheo tích trử y mùa hạ, tại sao ông lại tìm cầu y mùa hạ trong tất cả các thời xuân hạ và đông? An cư chưa xong cũng tìm cầu y, cũng thọ y? An cư chỗ này đã nhận y rồi, lại đến chỗ khác nhận phần y nữa?»
Dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà trong nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, không được tìm cầu y mùa hạ trong tất cả các thời xuân, hạ và đông. An cư chưa xong cũng không được tìm cầu y, thọ y. Cũng không được an cư nơi này đã nhận y rồi, lại đến nơi khác nhận y nữa. Nếu nhận như vậy sẽ như pháp trị.»
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo khi đi, y mùa hạ chưa chia. Sau đó các tỳ-kheo chia y mùa hạ. Tỳ-kheo kia trở về hỏi rằng:
«Y mùa hạ chia chưa?»
Tỳ-kheo trả lời:
«Chia rồi.»
Tỳ-kheo kia hỏi:
«Có lấy phần y của tôi không?»
Tỳ-kheo nói:
«Không lấy.»
Khi đó tỳ-kheo kia giận, trách các tỳ-kheo rằng:
«Chưa chia y, tôi đi vắng. Sau đó mới chia y mùa hạ. Tôi an cư tại đây mà sao không lấy phần y của tôi?»
Các tỳ-kheo nghĩ: «Như vậy có thành pháp chia y không?» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Đã thành chia y rồi, nhưng phải đợi nhau. Hay dặn dò lại người chưa đi nhận dùm phần y mùa Hạ.»
Lúc ấy có tỳ-kheo chưa chia y đã đi. Khi ra đi dặn chung chung lại người chưa đi, là nhận phần y cho tôi với. Sau đó các tỳ-kheo chia y hỏi:
«Vị nào nhận phần y cho tỳ-kheo kia?»
Khi đó không ai nhận cả. Tỳ-kheo kia trở về hỏi:
«Chia y chưa?»
Các tỳ-kheo trả lời:
«Chia rồi.»
Vị kia hỏi tiếp:
«Có ai nhận phần y của tôi không?»
Các tỳ-kheo nói:
«Không ai nhận cả.»
Tỳ-kheo kia giận, trách các tỳ-kheo: «Khi chưa chia y, tôi đi vắng. Tôi dặn quí vị chia y vì tôi mà nhận dùm y. Tôi an cư tại đây. Tại sao khi chia y không vì tôi nhận phần?»
Các tỳ-kheo nghĩ: «Đã thành chia y chưa?» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Đã thành chia y rồi. Nhưng nên đợi người kia trở về. Hay người kia phải nhờ một vị nào nhận cho rõ ràng, chứ không được dặn chung chung.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo khi chưa chia y đã ra đi, có dặn một tỳ-kheo nhận dùm phần y mùa hạ của mình. Khi các tỳ-kheo chia y hỏi:
«Vị nào nhận phần y của tỳ-kheo kia?»
Người được dặn quên không nhận. Các tỳ-kheo chia y xong, tỳ-kheo kia trở về hỏi:
«Y mùa hạ chia chưa?»
Các tỳ-kheo nói:
«Chia rồi.»
Tỳ-kheo kia hỏi:
«Có nhận dùm phần y của tôi không?»
Các tỳ-kheo nói:
«Không nhận.»
Tỳ-kheo kia giận, trách các tỳ-kheo rằng:
«Khi chưa chia y, tôi đi vắng. Sau đó tôi có nhờ một tỳ-kheo nhận phần y của tôi. Tôi an cư tại đây, tại sao không vì tôi mà nhận phần dùm?»
Các tỳ-kheo không biết có thành chia y hay không? Đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Thành chia. Người quên có tội.»
Lúc ấy, có tỳ-kheo lưu lại thức ăn của mùa hạ an cư. Đức Phật dạy:
«Không được lưu lại. Tùy theo sự dâng cúng mà thọ dụng.»
Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên vào Niết-bàn, có nhiều y vật có thể chia cho hiện tiền Tăng. Tỳ-kheo nọ để quá mùa an cư. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được lưu lại. Nên chia y này cho hiện tiền Tăng.»
Vào lúc đó, có một đàn-việt muốn dâng cúng cho tháp, dâng cúng cho Tăng, cho phòng xá Tăng-già-lam, dâng cúng áo tắm, lý do là mới sanh con, hoặc mới cạo tóc, hay vì để tóc dài, hoặc về nhà mới, hay vì thân quyến qua đời làm lễ, nên hiện tiền Tăng nhận được nhiều y vật. Các tỳ-kheo lưu lại đến mùa hạ an cư. Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được lưu lại. Đây là y phi thời, hiện tiền Tăng nên chia.»
Lúc bấy giờ, có một tỳ-kheo ở tại trú xứ mình, nhận được nhiều y vật của mùa hạ an cư, vị ấy với ý nghĩnhư vầy: «Ta nên làm thế nào đây?» Vị ấy bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nếu có một tỳ-kheo an cư mà nhận được nhiều y vật hạ an cư của Tăng, vị tỳ-kheo kia nên tâm niệmrằng: ‹Đây là vật của tôi.›»
Hoặc thọ hay không thọ. Các tỳ-kheo khác đến không được nhận phần.
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được số nhiều y vật có thể chia, nhưng Tăng bị phá làm hai bộ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên chia làm hai phần.»
Chưa nhận được y vật có thể chia, mà Tăng bị phá làm hai bộ. Đức Phật dạy:
«Nên hỏi đàn-việt cúng cho ai. Nếu họ nói cúng cho Thượng tọa có tên như vậy, như vậy… thì nên theo lời của họ mà giao cho Thượng tọa đó. Nếu họ nói không biết, hoặc nói cúng cho tất cả thì nên chia làm hai phần.
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo, có một số y đã nhận được, có một số y chưa nhận được, mà Tăng bị phá làm hai bộ. Số y đã nhận được thì chia làm hai phần. Số y chưa nhận được nên hỏi thí chủ để biết họ cúng cho ai. Nếu họ nói: ‹Cúng cho Thượng tọa có tên như vậy, như vậy›, thì nên theo lời nói của họ mà giao cho Thượng tọa đó. Nếu thí chủ nói: ‹Không biết›, hoặc nói: ‹Cúng cho tất cả› thì nên chia làm hai phần.
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được y vật có thể chia. Có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia. (Phật dạy) bộ kia không được trao phần y cho họ.
Hoặc trường hợp chưa nhận được y vật, có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia. (Phật dạy) không được trao phần y cho họ.
Hay trường hợp được y vật hay chưa được y vật, có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia. (Phật dạy) không được trao phần y cho họ.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia mà đi chưa đến, thì bị chết. Các tỳ-kheo không biết y bátcủa vị ấy nên trao cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Giao cho trú xứ vị kia muốn đến.»
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia, vừa đến nơi thì bị chết. Các tỳ-kheo không biết y bát của vị kia nên trao cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên giao cho bộ Tăng mà vị ấy đến.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị cử tội rồi mạng chung. Các tỳ-kheo không biết y bát của vị kia nên giao cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên giao cho cộng đồng yết-ma Tăng cử.»
Bấy giờ, Tăng nơi trú xứ nọ bị phá làm hai bộ. Có đàn-việt thỉnh hai bộ Tăng nầy thọ thực chung một chỗ, có dâng y và chỉ tơ. Các tỳ-kheo không biết nên chia y cho ai, chia chỉ tơ cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên hỏi đàn-việt để biết họ cúng tơ cho ai cúng chỉ cho ai. Nếu họ nói cúng cho Thượng tọa có tên như vậy, thì nên theo lời của họ mà giao cho Thượng tọa đó. Nếu họ nói không biết, hay nói cúng cho tất cả, thì nên chia làm hai phần.»
Bấy giờ, chúng Tăng nhận được y an cư mùa hạ, nhưng Tăng bị phá làm hai bộ, bạch Phật. Đức Phậtdạy:
«Nên đếm số người nhiều hay ít để chia.»
Hoặc chưa nhận được y an cư, mà Tăng bị chia làm hai bộ, bạch Phật. Phật dạy:
«Nên đếm số người để chia.»
Hay trường hợp nhận được y mùa hạ, hay chưa nhận được y mùa hạ, Tăng bị phá làm hai bộ (bạch Phật. Phật dạy): Nên đếm số người để chia.
Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận được y mùa hạ, rồi đến bộ khác. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên trao cho.»
Hoặc chưa nhận được y mùa hạ mà đến bộ khác. Phật dạy:
«Nên trao cho họ.»
Hay chưa nhận được y mùa mùa hạ, hoặc đã nhận được y mùa hạ mà đến bộ khác. Đức Phật dạy:
«Nên trao cho họ.»
Bấy giờ, có một cư sĩ thỉnh chư Tăng các trú xứ về một địa điểm cúng dường và dâng y. Các tỳ-kheo không biết làm thế nào, bạch Phật. Phật dạy:
Có tám loại dâng y: Dâng cho Tăng tỳ-kheo, dâng cho Tăng tỳ-kheo-ni, dâng cho hai bộ Tăng, dâng cho tứ phương Tăng, dâng cho Tăng trong một cương giới, dâng cho Tăng đồng một yết-ma, dâng cho người có nói rõ tên, [866a1] hay dâng cho một người. Đức Phật dạy tiếp:
Nếu dâng cho Tăng tỳ-kheo thì Tăng tỳ-kheo nên chia… cho đến dâng cho một người thì thuộc về một người.
Lúc bấy giờ, tháng mùa đông các tỳ-kheo bị lạnh. Họ bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép đội mão.»
Hoặc ngồi giữa đất trống bị nhức mỏi. Đức Phật cho phép sắm dây đai thiền[88]. Tỳ-kheo mình bị ghẻ và mồ hôi nhớp, Phật cho phép sắm khăn lau thân. Nơi mặt có mồ hôi, Phật cho phép sắm khăn lau mặt. Mắt bị chảy nước, cho phép sắm khăn lau mắt.
Lúc bấy giờ, Tất-lăng-già-bà-ta nhận được y mỏng đại quý giá, muốn chứa làm y mùa hạ. Phật dạy:
«Cho phép tịnh thí rồi thọ trì.»
Tịnh thí[89] có hai cách: Chơn thật tịnh thí, triển chuyển tịnh thí.
Chơn thật tịnh thí là nói:
«Đại đức nhất tâm niệm! Tôi có y dư (trưởng y) nầy, chưa tác tịnh. Nay vì muốn tịnh nên xả cho Đại đức, để làm chơn thật tịnh thí.»
Triển chuyển tịnh thí là nói:
«Đại đức nhất tâm niệm! Đây là y dư của tôi, chưa tác tịnh. Vì muốn cho tịnh nên xả cho Đại đức, để làm phép triển chuyển tịnh thí.»
Vị nhận làm pháp tịnh thí nên nói như vầy:
«Đại đức nhất tâm niệm! Thầy có dư y chưa tác tịnh, vì muốn tác tịnh nên cho tôi. Nay tôi xin nhận.»
Nhận rồi nên nói:
«Y này thầy muốn chuyển cho ai?»
Vị kia nên nói:
«Tôi chuyển cho tỳ-kheo tên như vậy.»
Vị thọ tịnh nên nói:
«Đại đức nhất tâm niệm! Thầy này có dư y chưa tác tịnh, vì muốn tịnh nên cho tôi, nay tôi nhận. Nhận rồi tôi sẽ cho Tỳ-kheo… Y này thuộc về tỳ-kheo ấy rồi. Thầy đã vì Tỳ-kheo… nên khéo giữ gìn mà mặc, tùy nhơn duyên sử dụng.»
Chơn thật tịnh thí phải nói với chủ rồi sau đó mới lấy dùng. Còn triển chuyển tịnh thí thì nói hay không, tùy ý mặc.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo nhờ người đem y cho tỳ-kheo kia mượn. Người được nhờ nghĩ là mình thân hậu với tỳ-kheo kia, bèn lấy dùng. Lấy như vậy có được hay không? Đức Phật dạy: «Không được khởi ý thân hậu để lấy.»
Hoặc đến đạo lộ,[90] có nên khởi ý thân hậu để lấy hay không? Đức Phật dạy: «Không được lấy.»
Hoặc đến nơi kia,[91] có nên khởi ý nghĩ thân hậu để lấy hay không? Đức Phật dạy: «Không được lấy.»
Hoặc tác ý thân hậu với người chủ sai mang y rồi lấy dùng;[92] thì có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Nên lấy.»
Hoặc đến nơi đạo lộ, nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Nên lấy.»
Hoặc đến nơi kia có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Nên lấy.»
Tỳ-kheo được cho mượn y qua đời. Người được nhờ mang y cho mượn bèn nhận với ý nghĩ là của tỳ-kheo kia đã qua đời. Nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Không nên nhận.»
Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Không nên nhận.»
Hoặc đến nơi kia, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Không nên nhận.»
Hoặc người chủ nhờ mang y đi cho mượn ấy qua đời. Người được nhờ mang khởi ý nghĩ là nhận y của tỳ-kheo qua đời; có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Nên nhận.»
Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Nên nhận.»
Hoặc đến nơi kia, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Nên nhận.»
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo nhờ mang y cho tỳ-kheo kia. Người được nhờ khởi ý nghĩ là mình thân tình với người nhờ,[93] nên lấy để dùng; có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Không nên lấy.»
Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Không nên lấy.»
Hoặc đến nơi kia, có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Không nên lấy.»
Tỳ-kheo được nhờ kia, khởi ý thân hậu với người được cho[94] y để lấy dùng; có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Nên lấy.»
Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Nên lấy.»
Hoặc đến nơi kia, có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: «Nên lấy.»
Người chủ nhờ mang y đi cho chết. Tỳ-kheo kia khởi ý là nhận y của người qua đời. Có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Không nên nhận.»
Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Không nên nhận.»
Hoặc đến nơi kia, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Không nên nhận.»
Tỳ-kheo được gởi cho y qua đời. Tỳ-kheo được nhờ kia liền nghĩ nhận y của vị qua đời. Có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Nên nhận.»
Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Nên nhận.»
Hoặc đến nơi kia, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: «Nên nhận.»
Bấy giờ, có cư sĩ đem y đến trong Tăng-già-lam thưa:
«Y này cúng cho Đại đức tỳ-kheo có tên là…»
Tỳ-kheo kia nói:
«Tôi không cần y.»
Cư sĩ liền đem y đến để trước tỳ-kheo rồi đi. Tỳ-kheo kia e ngại, nên không biết làm thế nào? Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép, vì thí chủ nên lấy cất. Khi cần, cho phép thọ trì.[95]
[1] Phấn tảo 糞掃. Thập tụng: bàn tẩu y 槃藪衣. Pali: paṃsukūla, (vải) lượm từ đống rác.
[2] Mười loại y hay mười loại vải: 1. câu-xá 拘舍, Pali: koseyya (Skt. kauśeya), vải quyến, lụa; 2. kiếp-bối 劫貝, Pali: kappāsa (Skt. karpāsa), miên bố, vải bông; 3. khâm-bạt-la 欽跋羅衣, Pali: kambala (Skt. nt.), mao bố, vải lông, lông thú; 4. sô-ma 芻摩, Pali: khoma (Skt. kṣauma), ma bố, á ma, vải lanh; 5. xoa-ma 叉摩, Pali: ? 6. xá-nâu 舍兔, Pali: sāṇa (Skt. śāṇa), vải gai thô; 7. ma 麻 Pali: bhaṅga (Skt. đồng); 8. sí-di-la 翅夷羅, Pali: (?); 9. câu-nhiếp-la 拘攝羅, Pali: (?); 10. thẩn-la-bát 嚫羅缽, Pali: (?); . Phiên âm ở đây không giống với các chương trước. Xem Phần I, Ch. iv. Ni-tát-kỳ 1 & cht. 8. Cf. Mahāvagga viii, Vin.i. 281: chỉ quy định sáu loại y hợp pháp: anujānāmi bhikkhave cha cīvarāni – khomaṃ kappāsikaṃ koseyyaṃ kambalaṃ sāṇaṃ bhaṅganti.
[3] Ca-sa 袈裟. Pali: kāsāya (Skt. kāṣāya), hạt sắc y, hoại sắc y, y màu vàng nâu.
[4] Nguyện y 願衣, lượm được do đứng chờ người vất bỏ trong bãi tha ma (Pali: āgamenta: đến đợi), xem đoạn dưới.
[5] Quý giá phấn tảo y 貴價糞掃衣. Vải tốt, quý, nhưng được vất bỏ đống rác. Thường vải bọc thây người chết của phú gia. Xem đoạn dưới.
[6] Xem cht. 22, Ch. v. Da thuộc.
[7] Thập tụng 27 (T23n1435 tr.195a27), 4 loại phấn tảo: 1. trũng gian y, bọc thây người chết, vất trong bãi tha ma; 2. xuất lai y, lượm trong bãi tha ma đem về cho tỳ-kheo; 3. vô chủ, bọc xác chết vô chủ; 4. thổ y, vất trong các đống rác trong xóm.
[8] Cầu nguyện y 求願衣; trên kia nói là nguyện y. Vải lượm từ bãi tha ma đem về chia giữa các tỳ-kheo, do có giao ước trước. Thập tụng gọi là xuất lai y; Pali: āgamenta: đến và đợi (paṃsukūlapariyesana, tìm cầu y phấn tảo)
[9] Am-bà-la-bà-lợi 菴婆羅婆利. Pali: Ambapālī.
[10] Sa-la-bạt-đề 娑羅跋提. Trong để bản đọc là Bà-la…婆羅. Theo âm Pali mà sửa lại. Vin.i. 268: Sālavatī.
[11] Vô Úy vương tử 無畏王子. Pali: Abhaya-rājakumāra.
[12] Kỳ-bà 耆婆. Pali: do được trả lời jīvati (nó sống), nên đặt tên là Jīvaka.
[13] Đồng tử 童子. Do Vương tử (Kumāra) lượm được, nên cho hiệu là Komārabhacca. Hán dịch không phân biệt hai từ Phạn khác nhau này: Komārabhacca, hiệu riêng của Kỳ-bà, và Kumāra, danh từ chung, Vương tử hay đồng tử.
[14] Đắc-xoa-thi-la 得叉尸羅. Pali: Takkasilā, thủ phủ của Gandhāra, được xem là một trung tâm học thuật danh tiếng thời bấy giờ. Nhiều vua chúa học ở đó.
[15] Hết quyển 39.
[16] Trong truyện kể Pali, Kỳ-bà không nhận tiền, mà xin chức thái y. Vua chấp nhận, và bảo kiêm luôn việc chữa bịnh cho Phật và các tỳ-kheo.
[17] Chơi trò nhào lộn, dộng ngược đầu xuống đất, rồi di chuyển như bánh xe lăn. Pali (Vin.i. 275): mokkhacikāya kīlantassa.
[18] Úy-thiền 尉禪. Pali: Ujjenī, thủ phủ của nước Avantī (A-bàn-đề)
[19] Ba-la-thù-đề 波羅殊提. Pali: Pajjota (Caṇḍa-Pajjota).
[20] A-ma-lặc 阿摩勒. Hán thường dịch là dư cam tử. Pali: āmalaka.
[21] Nguyên Hán: tiệp 啑; không có nghĩa gì ở đây. Pali: nicchāresi, tiêu chảy (hạ lỵ).
[22] Hán: hoạn thuỷ 患水. Pali: kāyo dosābhisanno, rối loạn dịch trong cơ thể (theo bản dịch Anh, B.D.iv. 394, n.1).
[23] Pali (Vin.i. 279): icchati tathāgato virecanaṃ pātun ti, «Như lai muốn uống thuốc xổ (hạ tể).»
[24] Ưu-bát 優缽; hay ưu-bát-la, hoa sen xanh. Pali: uppala (Skt. utpala).
[25] Nhất chưởng noãn thuỷ 一掌煖水. Pali, ibid., xổ xong lần thứ 29, Thế Tôn sẽ tắm (bhagavā viritto nahāyissati), sau đó sẽ xổ thêm một lần nữa.
[26] Na-la-diên 那羅延. Sjt. nārāyaṇa, lực sĩ của trời; biệt danh của thần Víṣṇu.
[27] Thi dược quang minh 施藥光明. Tống-Nguyên-Minh: thi lạc…施樂. Cf. Skt. (Bodhisattva-bhūmi) bhaiṣjya-da(-raśmi).
[28] Pali: Sabbadatta, nhưng nội dung truyện kể không đồng. Xem Jataka, truyện 460.
[29] Pali: y Siveyyaka, vải được sản xuất tại nước Sivi, cao giá nhất.
[30] Câu văn chuẩn khi Phật chấp thuận một ước nguyện. Nhưng văn Hán tối nghĩa. Xem Phần I, Ch.iv ni-tát-ky 27 & cht. 94. Tham chiếu Pali, Vin. i. 280: atikkantavarā kho tathāgatā, Như lai không bao giờ cho những ước nguyện vượt quá giới hạn.»
[31] Thanh tịnh, ở đây nên hiểu là «hợp thức.» Tham chiếu, Pali, ibid., yañca kappati, yañca anavajanti, ước nguyện ấy đúng pháp và không lỗi.
[32] Cù-lâu 氍氀. Pali: kojava (?), y hay chăn làm bằng lông sơn dương.
[33] Điều 條, rẻo vải hẹp mà dài, tượng trưng bờ ruộng.
[34] Diệp 葉, rẻo vải, như chiếc lá, chỉ khâu một biên dính vào y.
[35] Tham chiếu Ngũ phần 20 (T22n1421 tr.137a27): lá điều nửa bên trái để hở đường biên trái. Lá điều phải, hở biên phải. Lá điều giữa, hở cả hai phía.
[36] Cát tiệt y 割截衣. Pali: chinnaka, vải được cắt thành từng miếng vuông như thửa ruộng, rồi may lại thành. Thường gọi là phước điền y.
[37] Niết-bàn-tăng 涅槃僧; Pali: nivāsana, hạ y, nội y.
38 Xem cht. 161, Ch.i (phần iii).
[39] Già-phạm-bà-đề 伽梵婆提; hay Kiều-phạm-ba-đề; Pali: Gavampati, con trai phú hộ ở Ba-la-nại, một trong bốn người bạn của Da-xá.
[40] Xem Trường A-hàm 2 (T01, tr.13b20), kinh số 2 «Du hành»
[41] Lê-xa 梨奢. Pali: Licchavī, một bộ tộc rất hùng mạnh thời Phật, là chủ nhân của thành Vesāli (Tỳ-xá-li).
[42] Truyện kể bị nhảy sót nên thiếu mạch lạc.
[43] Ý chỉ 意止, tức niệm xứ. Cf. Trường A-hàm. đã dẫn, đoạn này, Phật giảng bốn niệm xứ cho các tỳ-kheo để cảnh giác khi Am-ba-bà-lị đến. Vì sợ các tỳ-kheo trẻ sẽ bị mê hoặc bởi sắc đẹp của cô. Trong Bản Hán trên, mạch lạc bị đảo lộn.
[44] Tân-kỳ-dương-nâu 賓耆羊菟. Ngũ phần 20 (T22n1421 tr.135c19): Ma-nạp Tân-kỳ-da 摩納名賓祇耶.
[45] La-hầu-đa y 羅睺多衣. Có lẽ chỉ một loại vải mỏng, Pali (=Skt.): lahuta (?).
[46] A-đa-hầu-đa y 阿哆睺多衣. Không rõ loại vải gì.
[47] Ngũ phần 20 (T22n1421 tr.137a17): Tỳ-kheo được y kiếp-bối, không cắt tua (râu) ở đầu.
[48] Phả-na-đà-thi 頗那陀施. Cf. Ngũ phần 20 (T22n1421 tr.138b01): có tỳ-kheo xin Phật cho dùng y chui đầu (quán đầu y 貫頭衣) rồi khoác y bạt-na 跋那 lên. Phật không cho. Có lẽ phả-na-đà-thi và bạt-na là một, nhưng không rõ phiên từ Skt. gì.
[49] Thiện hiển hiện y 善顯現衣.
[50] Đãn-đà-lư-đa-lê 誕陀盧多梨.
[51] Quán đầu y 串頭衣. Loại y có cổ; khi khoác chui đầu qua.
[52] Bát lâu 缽樓, với lời chua trong bản Hán: «Ba cây gậy chống xuống đất, đặt bát vào trong; bên trên, xỏ ngang các vật, rồi gánh trên vai mà đi. Vì thế gọi là lầu đựng bát.»
[53] Tú thủ y 繡手衣.
[54] Bà-thâu-già y 婆輸伽.
[55] Biệt bộ, chia theo nhiều nhóm riêng rẻ, trong cùng một trú xứ.
[56] Hết quyển 40
[57] Câu-dạ-la 俱夜羅.
[58] Hòa-tiên Bạt-đàn-đa Tử 和先跋檀陀子. Pali: Upasena Vaṅgataputta, em trai của Sāriputta, có tài hùng biện, tu hạnh đầu đà; Vin. iii. 230.
[59] Tỳ-lưu-ly 毘琉璃. Pali: Viḍūḍabha, con trai của Pasenadi (Ba-tư-nặc) với Vāsabhakhattiyā (một nữ tỳ của nhà họ Thích).
[60] Ca-duy-la-vệ quốc 迦維羅衛國; hay Ca-tỳ-la-vệ. Vì Nhà nước theo chế độ thành bang, nên gọi quốc hay gọi thành đều được.
[61] Ba-lợi-ca-la y 波利迦羅衣. Pali: parikara, dây đai, dây nịt; hoặc cái khố.
[62] Ba-bà 波婆. Pali: Pāvā, thị trấn của những người Malla (Lực sĩ). Phật đã ghé lại đây trên đường lên Câu-thi-na nhập Niết-bàn.
[63] Ma-la 摩羅, Pali: Mallā, tên một bộ tộc. Xem cht. 59 trên.
[64] Lâu-diên 樓延. Pali, Vin. 296, Roja.
[65] Y lộc 衣簏. Cái sọt hay cái giỏ để đựng vải hay y. Pali, ibid.: Bấy giờ Roja trao tay cho A-nan một giải bố (khomapilotā).
[66] Đại giá y 大價衣. Có sự nhầm lẫn ở đây. Chi tiết tiếp theo nói, chỉ là thứ vải xấu.
[67] Trong ngoặc, phụ chú nhỏ trong bản Hán.
[68] Trưởng y 長衣; xem Phần I, Ch. iv. ni-tát-kỳ 1.
[69] Phú thân y 覆身衣; xem Phần I, Ch.v. ba-dật-đề 89 về phú sang y: y che ghẻ.
[70] Xem Phần I, Ch. v, ba-dật-đề 89.
[71] Hiến 幰; màn xe. Chưa rõ tiếng Phạn.
[72] Phức y 複衣.
[73] Thọ trì 受持; Pali: adhiṭṭhita, được xử lý, hay được chỉ định như là sở hữu của cá nhân. Đây chỉ cách thức chỉ định, nghĩa là, phải làm thủ tục xả, nhận trước khi sử dụng.
[74] Man y 縵衣. y trơn, không cắt rọc. Cf. Hành sự sao (T40n1804 tr.106c27).
[75] Ngũ nạp y 五納衣: Cf. Hành sự sao (T40n1804 tr.105b26)
[76] Phạm xả, tức phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề; xem Phần I, Ch. iv.
[77] Chỉ định giao y được xả cho người nào.
[78] Ba-lợi-ca-la 波利迦羅: Còn gọi là ba-già-la, là tên gọi chung cho tất cả những y phụ ngoài ba y ra như: Tăng-kỳ-chi (áo che vai), niết-bàn-tăng (Xà rông), phú thân y (y che thân), thức thân căn (khăn lau thân), thức diện cân (khăn lau mặt), Cf. Hành sự sao (T40n1804 tr.109b21): dịch là trợ thân y 助身衣.
[79] Các quy định sử dụng y bị xả. Xem các điều ni-tát-kỳ, mục phạm tướng.
[80] Y xả đọa, tức y phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
[81] Bị y 被衣.
[82] Sợ bị cướp, phải nhét vào người để dấu.
[83] Kết khố tàng 庫藏, nhà kho để cất chứa đồ của Tăng. Pali, Vin.i. 284, bhaṇḍāgāra. Những nơi trong trú xứ Tăng được phép dùng làm nhà kho: aḍḍhayoga, nhà một mái, hay nhà mái bằng; pāsāda, lầu (trùng ốc); hammiya, biệt phòng, hay phòng hai tầng (có gác xép), hoặc hang.
[84] Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu 毘舍佉無夷羅母, hay Tỳ-xá-khư Lộc Tử Mẫu; xem Phần I, Ch. iv. ni-tát-kỳ 27 & cht. 91.
[85] Ương-già-na-la 鴦伽那羅衣. Chẳng biết thứ y gì. Hoặc một loại vải được sản xuất bởi người Aṅga.
[86] Tăng phú thân y 僧覆身衣, y phú thân của Tăng, cho dùng riêng; xem cht. 66 & 75 trên.
[87] Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã, xem Phần I, Ch.i, điều 1, duyên khởi.
[88] Thiền đới 禪帶. Cf. Ngũ phần 21 (T22n1421 tr.143c06)
[89] Xem Phần I, Ch.iv. điều 1, cht. 14.
[90] Đã mang ra đường, quyền sử dụng y không còn thuộc về người cho mượn, nên người được nhờ khởi ý thân hậu với người mượn để lấy dùng.
[91] Bầy giờ, quyền sử dụng thuộc về người được cho mượn.
[92] Vì người sai mang đi là chủ y đích thực. Xem trường hợp A-nan với Lâu-diên trên.
[93] Vì là cho thật, không phải cho mượn như trên kia, nên người nhờ mang đi cho này không còn là chủ đích thực của y nữa. Chỉ có thể sử dụng vật khi mà minh có ý nghĩ là thân tình với chủ nhân đích thực của vật đó.
[94] Người được cho bây giờ chủ đích thực của y.
[95] Hết quyển 41.