TỨ PHẦN LUẬT 四分律

Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm.
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng

 

PHẦN THỨ NHẤT

CHƯƠNG III: BẤT ĐỊNH [1]

I. GIỚI THỨ 1
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di khi còn là bạch y có người bạn có vợ tên là Trai ưu-bà-tư[2] nhan sắc đoan chánh. Ca-lưu-đà-di cũng tướng mạo đoan chánh. Ca-lưu-đà-di để ý đến Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý đến Ca-lưu-đà-di.

Ca-lưu-đà-di đến giờ, đắp y, mang bát, đến nhà Trai-ưu-bà-tư. Hai người cùng ngồi nơi chỗ kín.

Khi Ca-lưu-đà-di cùng Trai-ưu-bà-tư nói chuyện, Tỳ Xá-khư Mẫu[3] có chút việc đến nơi đó. Từ xa, Tỳ Xá-khư nghe tiếng nói của Ca-lưu-đà-di. Ưu-bà-tư (ưu-bà-di) này có lòng mộ đạo, nghe bên trong có tiếng nói của tỳ-kheo, khởi ý nghĩ: «Không chừng tỳ-kheo nói pháp.» Do vậy liền đến dựa nơi vách để nghe. Nhưng lại chỉ nghe tiếng nói phi pháp. Tỳ Xá-khư lại nghĩ: «Nghe tiếng của tỳ-kheo mà lại nói những việc phi pháp. Tỳ-kheo không nên nói những lời như vậy!» Bà liền nhìn qua lỗ nhỏ, xem thấy Ca-lưu-đà-di với Trai ưu-bà-tư cùng ngồi trên gường nói việc phi pháp. Thấy vậy, Tỳ Xá-khư Mẫu bèn nghĩ: «Tỳ-kheo này ngồi chỗ phi pháp, lại nói lời phi pháp. Nếu phu chủ của người đàn bà này thấy thì họ sẽ mắng chửi vợ, sanh tâm bất tín.» Khi ấy, Tỳ Xá-khư Mẫu ưu-bà-tư liền ra khỏi nhà này, vội vàng đến chỗ đức Thế tônđảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Bạch đức Thế tônrồi, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu ba vòng cáo lui.

Khi ấy, đức Thế tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố hỏi Ca-lưu-đà-di:

«Có thật ông cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi riêng ở chỗ khuất vắng chăng?»

Ca-lưu-đà-di trả lời:

«Thật vậy, bạch Thế tôn

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách:

«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao ông cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi riêng chỗ khuất vắng?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi bảo các tỳ-kheo:

«Ca-lưu-đà-di là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới tập mười cú nghĩacho đếnchánh pháp tồn tại lâu dài

Muốn nói giới này nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, cùng một người nữ, một mình ngồi tại chỗ khuất chỗ kín, chỗ có ngăn che, chỗ có thể hành dâm, nói lời phi pháp. Có vị ưu-bà-di trụ tín nói một pháp trong ba pháp, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, và tỳ-kheo ngồi ấy tự xác nhận ‹tôi phạm tội này.› Vậy cần xử trị một trong ba pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, hoặc đúng như lời ưu-bà-di trụ tín. Cần như pháp xử trị tỳ-kheo ấy. Đây gọi là pháp bất định.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Người nữ: người nữ có trí, chưa mạng chung.

Ngồi riêng: một tỳ-kheo, một người nữ.

Chỗ khuất kín: có hai loại. Một là khuất vắng đối với thấy; hai là khuất vắng đối với nghe. Khuất vắng đối với thấy là hoặc do bụi trần, do sương mù, trong bóng tối, không thấy nhau. Khuất vắng đối với nghe là nơi mà tiếng nói thường không nghe được.

Nơi có ngăn che: hoặc do cây, do vách tường, do rào, hoặc do vải và các vật khác có thể ngăn che.

Nơi có thể hành dâm: nơi có thể dung chứa hành động về dâm dục.

Nói lời phi pháp: tức là nói về pháp dâm dục.

Ưu-bà-tư trụ tín :[4] tin Phật, Pháp, Tăng; quy y Phật, Pháp, Tăng; không giết, không trộm, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống ruợu; khéo ghi nhớ sự việc không nhầm lẫn, nói lời chơn thật khônghư vọng.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, tự nói có làm việc đó thì nên theo lời tỳ-kheo nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, mà không tự nói làm việc đó thì nên như lời của ưu-bà-tư nói mà xử trị.[5]

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên như lời ưu-bà-tư nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên y theo lời ưu-bà-tư nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, [601a1] không tự nói đến đâu, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên y theo lời ưu-bà-tư mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo không tự nói tự nói chỗ nhắm đến, không tự nói đến đâu, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói làm việc đó thì nên y theo lời của ưu-bà-tư mà xử trị.

Trong đây, không xác định pháp nào, cho nên gọi là bất định.[6]

II. GIỚI THỨ 2
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di khi còn là bạch y có người bạn có vợ tên là Trai ưu-bà-tư[7] nhan sắc đoan chánh. Ca-lưu-đà-di cũng tướng mạo đoan chánh. Ca-lưu-đà-di để ý đến Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý đến Ca-lưu-đà-di.

Ca-lưu-đà-di đến giờ, đắp y, mang bát, đến nhà Trai-ưu-bà-tư. Hai người ngồi nơi chỗ trống, cùng nói chuyện.

Khi Ca-lưu-đà-di cùng Trai-ưu-bà-tư nói chuyện, Tỳ Xá-khư Mẫu có chút việc đến nơi đó. Từ xa, Tỳ Xá-khư nghe tiếng nói của Ca-lưu-đà-di. Ưu-bà-tư (ưu-bà-di) này có lòng mộ đạo, nghe bên trong có tiếng nói của tỳ-kheo, khởi ý nghĩ: «Không chừng tỳ-kheo nói pháp.» Do vậy liền đến dựa nơi vách để nghe. Nhưng lại chỉ nghe tiếng nói phi pháp. Tỳ Xá-khư lại nghĩ: «Nghe tiếng của tỳ-kheo mà lại nói những việc phi pháp. Tỳ-kheo không nên nói những lời như vậy!» Bà liền nhìn qua lỗ nhỏ, xem thấy Ca-lưu-đà-di với Trai ưu-bà-tư cùng ngồi chỗ trống trải nói việc phi pháp. Thấy vậy, Tỳ Xá-khư Mẫu bèn nghĩ: «Tỳ-kheo này ngồi chỗ phi pháp, lại nói lời phi pháp. Nếu phu chủ của người đàn bà này thấy thì họ sẽ mắng chửi vợ, sanh tâm bất tín». Khi ấy, Tỳ Xá-khư Mẫu ưu-bà-tư liền ra khỏi nhà này, vội vàng đến chỗ đức Thế tônđảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Bạch đức Thế tôn rồi, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu ba vòng cáo lui.

Khi ấy, đức Thế tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố hỏi Ca-lưu-đà-di:

«Có thật ông cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi riêng ở chỗ trống chăng?»

Ca-lưu-đà-di trả lời:

«Thật vậy, bạch Thế tôn

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách:

«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao ông cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi riêng chỗ trống?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi bảo các tỳ-kheo:

«Ca-lưu-đà-di là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩacho đếnchánh pháp tồn tại lâu dài

Muốn nói giới này nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, cùng một người nữ, một mình ngồi tại trống, chỗ không thể hành dâm, nói lời thô tục. Có vị ưu-bà-di trụ tín nói một pháp trong hai pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, và tỳ-kheo ngồi ấy tự xác nhận ‹tôi phạm tội này.› Vậy cần xử trị một trong hai pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, hoặc đúng như lời ưu-bà-di trụ tín. Cần như pháp xử trị tỳ-kheo ấy. Đây gọi là pháp bất định.

B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Chỗ trống: không có tường vách kín đáo, không có cây cối, rào dậu khuất kín và không có các vật ngăn che.

Chỗ không thể hành dâm: chỗ không dung chứa hành động dâm dục được.

Lời nói thô tục: tức là nói việc dâm dục, khen ngợi hai đường tốt xấu.

Ưu-bà-tư trụ tín: tin Phật, Pháp, Tăng; quy y Phật, Pháp, Tăng; không giết, không trộm, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống ruợu; khéo ghi nhớ sự việc không nhầm lẫn, nói lời chơn thật không hư vọng.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, thì nên theo lời tỳ-kheo nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, tự nói có làm việc đó thì nên theo lời tỳ-kheo nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, tự nói có nằm, mà không tự nói làm việc đó thì nên như lời của ưu-bà-tư nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên như lời ưu-bà-tư nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, tự nói chỗ đến, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên y theo lời ưu-bà-tư nói mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo tự nói chỗ nhắm đến, không tự nói đến đâu, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói có làm việc đó, thì nên y theo lời ưu-bà-tư mà xử trị.

Nếu tỳ-kheo không tự nói tự nói chỗ nhắm đến, không tự nói đến đâu, không tự nói có ngồi, không tự nói có nằm, không tự nói làm việc đó thì nên y theo lời của ưu-bà-tư mà xử trị.

Trong đây, không xác định pháp nào, cho nên gọi là bất định.[8] *

 


 

[1] Ngũ phần 4 (T22n1421, tr.22c14). Tăng kỳ 7 (T22n1425, tr.289c18). Thập tụng 4 (T23n1435, tr.28b8). Căn bản 16 (T23n1442, tr.710a24). Pali, Aniyakaṇḍaṃ, Vin. iii. 186tt.

[2] Trai ưu-bà-tư 齋優婆私. Tăng kỳ 7: Con gái của một người bà-la-môn quen biết. Thập tụng: người quen cũ là ưu-bà-di Quật-đa. Căn bản 16: ưu-bà-di Cấp-đa 笈多. Pali: con gái của một nhà thí chủ; không nói tên cô gái.

[3] Tỳ Xá-khư Mẫu 毘舍佉母. Pali: Visakhā Migaramātā. Bà có nhiều con và cháu, tất cả đều giàu cóVì vậy, trong mọi lễ hay tiệc, bà đều được mời. Bà đến nhà này cũng do được mời.

[4] Tín nhạo ưu-bà-tư 信樂優婆私. Trong giới văn, nói là trụ tín ưu-bà-tư 住信優婆私. Tăng kỳ7 (T22n1425, tr.290c13): khả tín ưu-bà-di 可信優婆夷; có 16 điều để gọi là ưu-bà-di đáng tin: 3 quy y, 4 bất hoại tịnh, tăng chưa được lợi, giúp cho được lợi; đã được lợi, giúp cho tăng trưởng; tăng mang tiếngxấu, tìm cách dập tắt; không tùy ái, không tùy sân, không tùy bố, không tùy si; ly dục hướng thành tựugiới. Pali: saddheyyavacasā upāsikā, ưu-bà-di mà lời nói đáng tingiải thích: đây chỉ người nữ đã đắc quả, đắc hiện quán, đã học hiểu giáo pháp.

[5] Tăng kỳ 7: tác yết-ma mịch tội tướng mà xử trị.

[6] Pali, aniyato, vì không xác định là ba-la-di, hay tăng-già-bà-thi-sa, hay ba-dật-đề, nên gọi là bất định.

[7] Trai-ưu-bà-tư 齋優婆私. Xem cht.2 trên.

[8] Pali, aniyato, vì không xác định là ba-la-di, hay tăng-già-bà-thi-sa, hay ba-dật-đề, nên gọi là bất định.

* Bản Hán, hết quyển 5.