BÌNH AN TRONG DÂN GIAN
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định
Chương 2: An thân, an tâm, an gia, an nghiệp
Tôi không phải chuyên gia khoa học kỹ thuật, cũng không phải chuyên gia về lĩnh vực sinh lý, dinh dưỡng, phân tích tâm lý hay các vấn đề gia đình càng không phải chuyên gia quản lý doanh nghiệp; tôi là một nhà tu hành. Tôi xử lí, khai thông vấn đề dựa trên tinh thần Phật pháp. Đứng trên lập trường của tín đồ Phật giáo, tôi đem những kinh nghiệm tu học Phật pháp để xử lí các vấn đề về thân, tâm, hoàn cảnh môi trường cuộc sống nhằm đưa ra các giải pháp một cách chỉnh thể, cung cấp cho mọi người một số hướng dẫn mang tính nguyên tắc nhằm đạt được mục đích an thân, an tâm, an gia và an nghiệp.
I. Vậy chúng ta muốn ai được an thân, an tâm? Người biết cách làm cho người khác an tâm nhất định sẽ có cách để tự an tâm
1. Thực hành con đường của một vị Bồ-tát ắt phải tôn trọng người khác, nhờ tôn trọng người khác mà tâm an, thân an
Người bình thường trước tiên luôn yêu cầu an thân rồi mới yêu cầu an tâm, cũng có nghĩa là con người cho rằng cơ thể mình có được sự đảm bảo an toàn thì mới có thể an định nội tâm. Trước hết cần có sự đảm bảo an toàn cho bản thân mình, sau đó mới nghĩ đến những người khác trong xã hội.
Nhưng với người học theo Phật, lấy an tâm là nguyên tắc cơ bản để an thân, lấy việc làm người khác an ổn hoàn thành công đức tự an ổn bản thân, đây là quan niệm của một nhà tu hành theo đạo Bồ-tát.
Do sau khi tâm đã an định, thân thể cũng tự nhiên an định. Tâm lý lành mạnh, cho dù thân thể có bệnh tật thì vẫn được coi là một người khỏe mạnh; nếu tâm lý không lành mạnh, cho dù cơ thể khỏe mạnh thì người này vẫn là người có vấn đề, đều có thể tạo thành nỗi lo lắng cho gia đình, cho xã hội.
Nếu bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu bạn đều nghĩ đến sự an toàn, an định, hạnh phúc và lợi ích của người khác trước thì bạn nhất định là một người rất an định, nhờ đó người thân, bạn bè thân thiết của bạn thấy được sự an toàn.
Thế nên, người tu hành theo đạo Bồ-tát phải quên mình vì người, an tâm để an thân.
Làm thế nào để an tâm? Điều quan trọng nhất là khiến cho tâm của chúng ta không tiếp nhận mặt tiêu cực của hoàn cảnh môi trường, cũng không vì tâm niệm lệch lạc của một cá nhân làm ảnh hưởng đến môi trường xã hội, đó chính là “bảo vệ môi trường tâm linh” mà Pháp Cổ Sơn đã đề xướng.
Làm thế nào an thân? Đó là phải thực hành “gìn giữ lễ nghi trong giao tiếp giữa người với người” mà Pháp Cổ Sơn đã nêu ra, trong đó bao gồm: phép lịch sự từ trong tâm; phép lịch sự từ trong hành vi cử chỉ của thân thể và phép lịch sự trong lời nói. Như vậy, yêu cầu chúng ta từ ngôn ngữ, thân thể cho đến hành vi động tác, biểu cảm khuôn mặt đều phải thể hiện rõ sự tôn kính, tôn trọng, cảm ơn, cảm kích và biết ơn đối với người khác.
Do chúng ta chân thành lễ phép với người khác nên điều mà chúng ta nhận lại chắc chắn là sự an định, an toàn và tất nhiên hoàn cảnh môi trường mà chúng ta sống cũng sẽ an toàn.
2. Thân tâm bình an
Nguyên nhân chính thân thể bất an là do cơ năng của cơ thể không cân bằng, Phật pháp gọi là sự mất thăng bằng của “tứ đại”, cũng có nghĩa là mất điều tiết về nóng lạnh, mất điều tiết về thức ăn, ngủ không điều độ, vận động không đủ hoặc vận động quá độ, làm việc và nghỉ ngơi không đúng cơ chế vận hành sinh lí… những điều này đều khiến cơ thể của chúng ta mất cân bằng, do vậy không thể khống chế sự lo âu trong lòng, gây ra tình trạng không kiểm soát được nội tâm và cơ thể, cũng có thể làm tổn hại cho sức khỏe.
Do ngoại cảnh tác động, áp lực của hoàn cảnh, môi trường cũng có thể khiến chúng ta mất đi sự cân bằng. Vốn không định cáu giận nhưng lại cáu giận, vốn không định uống rượu nhưng lại uống rượu, vốn không định đánh bạc nhưng lại đánh bạc, vốn không định ăn uống vô độ, nhưng để nguôi đi buồn phiền liền ăn uống vô độ… tất cả mọi hiện tượng như vậy căn nguyên của nó đều là sự mất cân bằng nội tâm, cuối cùng dẫn đến cơ năng của cơ thể mất sự điều tiết.
Trong cuộc sống thường ngày, khi bạn phát hiện trong lòng có mâu thuẫn, đau khổ, mất cân bằng, trước tiên phải chú ý đến hơi thở, sau đó để ý trong lòng bạn đang nghĩ gì? Sau đó đánh giá bản thân một cách khách quan, quan sát bản thân mình tại sao lại nổi giận? Giận vì điều gì? Xem khi bạn tức giận hơi thở thế nào, tim đập thế nào? Tiếp đó hãy chú ý đến cảm giác của chính mình, có phải là rất khó chịu?
Có thể nói, khi nội tâm bất an, hãy lập tức chuyển tâm niệm sang việc quan sát mọi phản ứng của cơ thể mình, tâm trạng sẽ lập tức bình tĩnh trở lại. Cách cân bằng và ổn định thân thể, nội tâm này rất hữu ích, nhưng phải thường xuyên luyện tập.
Vì vậy, thực hành “bảo vệ môi trường tâm linh” trên thực tế là vận dụng Phật pháp để điều chỉnh “tâm” của chúng ta, tất nhiên không thể tu luyện thành Phật ngay tức thì, nhưng ít nhất có thể dùng một số phương pháp đơn giản này khiến cho cơ thể và tâm lý cân bằng.
Ngoài ra, khi gặp phải khó khăn, nếu chỉ lo lắng, đau khổ sẽ chẳng ích gì, nên tự nhắc nhủ mình niệm danh hiệu Phật A-di-đà, thánh hiệu Quan Âm Bồ-tát, cầu xin sự phù hộ của Phật, Bồ-tát cho bạn sự tự tin và sức mạnh. Trên thực tế, khi bạn niệm A-di-đà Phật hoặc thánh hiệu của Bồ-tát Quan Thế Âm thì tâm trạng của bạn đã cân bằng, ổn định trở lại.
3. An cư lạc nghiệp – Hạnh phúc và an toàn gia nghiệp
Định nghĩa “gia” là nhà hay gia đình tức chỉ những người cùng chung sống với nhau, mỗi chúng ta ai cũng có gia đình, mỗi gia đình thuộc các tầng lớp không giống nhau trong xã hội. Có gia đình chắc chắn sẽ có gia quyến, “quyến” có nghĩa là người yêu thương, thân thương, thân cận, quan tâm chăm sóc. Những người thân thuộc mà thăm viếng, quan tâm chăm sóc lẫn nhau đó đều được gọi là gia quyến. Trong gia đình, mỗi thành viên cần chăm sóc, quan tâm, động viên, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, nhất định phải có trách nhiệm, nghĩa vụ và quan hệ phân chia vai vế.
Gia đình ngày này thường là gia đình nhỏ được chia ra từ đại gia đình, vì vậy khả năng an định của gia đình tương đối yếu kém, vợ chồng thường cãi nhau, ly hôn vì những chuyện nhỏ nhặt. Những đứa trẻ mới lớn đã bắt đầu chống đối, thậm chí bỏ nhà đi lang thang.
Từ một gia đình nhỏ, một dân tộc rồi dần dần mở rộng phạm vi hơn nữa, nếu chúng ta có thể coi các cơ quan, các công ty, đoàn thể mà mình phục vụ như gia đình của mình thì ta có thể mở rộng tấm lòng khoan dung.
Phật dạy chúng ta nên xem sự nghiệp của Như Lai như việc nhà, xem tất cả chúng sinh như gia quyến, gia đình, như vậy quan niệm về “gia đình”, “sự nghiệp” trong Phật giáo có phạm vi rất rộng lớn.
Bồ-tát Duy-ma-cật trong Kinh Duy-ma-cật (Sở Vấn) coi tất cả mọi phiền não như hạt giống Như Lai, coi những điều thường tình của chúng sinh là gia nghiệp của Phật.
Chăm lo tốt cho gia đình nhỏ của bản thân mình là nền tảng của hạnh nguyện Bồ-tát, nhưng nếu mở rộng hơn, coi tất cả những muộn phiền của chúng sinh như của gia đình, gánh vác “sự nghiệp Như Lai” thì đó càng là ý nguyện sâu rộng của hạnh nguyện Bồ-tát. Nhưng mọi người chớ nên đảo ngược trật tự, nhất định phải bắt đầu từ nhỏ đến lớn thì mới thực sự đạt được an toàn, vững chắc và bình an.
II. An thân – nằm ở sự chăm chỉ, cần cù, tiết kiệm trong cuộc sống
1. Nhịp độ cuộc sống quá nhanh không hẳn đã là điều xấu, ngược lại cuộc sống quá nhàn hạ cũng chưa hẳn đã tốt
Rất nhiều người lao vào kiếm tiền nhằm “phòng khi về già, phòng khi cơ hàn”, hy vọng sau khi vất vả phấn đấu kiếm tiền thì những năm tuổi già sẽ được hưởng thụ cuộc sống an nhàn, ổn định, dường như mục đích kiếm tiền chỉ để cuộc sống của chính mình có được sự đảm bảo về sau.
Do đó, rất nhiều người đều nói rằng, khi về già, điều quan trọng nhất là phải có “tiền dưỡng già”. Nhưng rất nhiều người chỉ vì “tiền dưỡng già” mà vợ chồng già có thể cãi vã, cãi cọ với con trai con gái, anh chị em, bạn bè, kết quả là “tiền dưỡng già” lại trở thành vật mang lại bất an.
Để bảo đảm an toàn, đối với quốc gia, phải là cất giấu sự giàu có nơi nhân dân; đối với cá nhân mỗi người, không ngại đem thành quả do nỗ lực mà có cất giữ trong xã hội, trong quần chúng, gửi gắm sự an toàn của mình vào xã hội, đó mới là đáng tin cậy nhất, là an toàn nhất.
Nếu chỉ mong bản thân an toàn, con cháu an toàn hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn thế hệ sau đều phải có cơm ăn, áo mặc, có nơi ở thì cách suy nghĩ này không những không đáng tin cậy, mà ngược lại có thể còn làm hại đến con cháu. Tất nhiên, trước tiên bản thân bạn phải tạo ra của cải vật chất, gia tăng của cải vật chất, sau đó người thân, đoàn thể, xã hội mới có thể được hạnh phúc từ sự nỗ lực của bạn.
Con người cần làm việc, nhưng làm việc không phải là cuộc sống, cuộc sống không chỉ là vì sự giàu có về của cải vật chất mà làm việc, càng không chỉ là để thoả mãn sự hưởng thụ về vật chất mà lao động cần mẫn, làm việc còn vì sự lành mạnh của cơ thể, của tâm hồn và cả sự cống hiến vì lòng biết ơn.
Một người chịu thương chịu khó thường rất khỏe mạnh. Cho dù cơ thể không được khỏe, người cần cù chịu khó vẫn biết tự chăm sóc mình; người chịu thương chịu khó cũng sẽ không cô đơn. Vì vậy tôi cổ vũ những người lớn tuổi, nhất định phải có việc gì đó để làm không nhất thiết là vì tiền, nếu không đó sẽ trở thành một cách sống không lành mạnh.
Sự chăm chỉ, cần cù, nỗ lực ngoài việc khiến cho cơ thể khỏe mạnh, tâm lý ổn định, còn giúp ta có được sự báo đáp về vật chất, nhưng có được sự báo đáp về vật chất phải sử dụng tiết kiệm, nếu không sẽ sinh ra những hành vi không lành mạnh với cơ thể và tâm hồn do hưởng thụ thú vui vật chất.
Nói cách khác, chăm chỉ, cần cù, nỗ lực làm việc đồng thời cũng cần phải tiết kiệm. “Tiết kiệm”, “cần cù” – hai nguyên tắc, hai phẩm chất này chính là bí quyết của cơ thể khỏe mạnh. Hơn nữa kết quả của việc tiết kiệm là sẽ có rất nhiều phúc lợi có thể cung cấp cho người khác, đến lúc đó bạn sẽ trở thành người được mọi người yêu mến, ca ngợi.
Bận, bận, bận, bận rộn nhưng đầy niềm vui! Mệt, mệt, mệt, mệt mỏi nhưng vẫn thích thú!
Người bận rộn có nhiều thời gian nhất; chăm chỉ, khỏe mạnh là tốt nhất.
Thường thì, khi bận rộn, chúng ta có thể cảm thấy rất mệt mỏi, khi mệt mỏi sẽ thấy rất buồn bực. Thực ra, bận rộn cũng là một hạnh phúc. Hoặc cũng có người cho rằng, người bận rộn chắc chắn sẽ có rất ít thời gian, trên thực tế, người bận rộn có nhiều thời gian, bởi vì họ sẽ quý trọng thời gian, sắp xếp thời gian, chạy đua với thời gian, tranh thủ thời gian để làm những việc họ nên làm, muốn làm, cần làm.
2. Thư giãn cơ thể sẽ giúp cho nụ cười luôn nở trên môi
Thư giãn có thể khiến cho cơ thể khoẻ mạnh hơn, khi gặp phải bất cứ chuyện gì, gặp bất cứ ai đều không phải sợ hãi, lo lắng. Trong lòng có cảm giác biết ơn người khác thì sẽ luôn nở nụ cười trên mặt. Nếu như thường xuyên mang trong mình trạng thái căng thẳng, âu sầu, tức giận hay là vắt óc suy nghĩ, nghĩ ngợi mông lung mà lại không biết bản thân mình là người như thế nào, trên mặt chắc chắn sẽ thiếu đi nụ cười, dẫn đến tâm lý không khoẻ mạnh, hệ quả tất yếu là cơ thể cũng không khoẻ mạnh.
Chúng ta nên giữ lòng bình lặng, đó cũng chính là không để xuất hiện trong đầu những việc lo âu, những việc không vừa ý. Bởi vì trên đời mười điều có hết chín điều không như ý. Đã biết có thể sẽ có tám, chín mươi phần trăm sẽ xảy ra việc không như mong đợi, vậy thì còn có gì có thể làm bạn không vừa lòng?
3. Biết phúc tích phúc, làm nhiều việc phúc đức, lợi người lợi ta, rộng gieo duyên lành
Cái gọi là “đắc đạo giả đa trợ” – người đắc đạo sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ, “hữu đức giả bất cô” – người có đạo đức không bao giờ phải cô đơn”, nếu như mọi người có thể xích lại gần với nhau hơn, biết suy nghĩ cho nhau, mang đến sự an toàn cho nhau, thì những người đó ít nhiều cũng sẽ mang lại cảm giác an toàn cho bạn, đó cũng là đạo lý “kính trọng người sẽ được người kính lại”.
Tất nhiên, làm như vậy giống như kiểu “bỏ gần tìm xa”, có người còn nghi ngờ nói “con người mà không vì lợi ích của bản thân mình thì trời tru đất diệt”, nếu như đến chính bản thân mình cũng không dám đảm bảo, không thể lo bản thân thì liệu có thể lo được cho người khác?
Trong Lời khuyên cho bốn chúng đệ tử của tôi có hai câu: “Lợi ích của người khác chính là lợi ích của bản thân mình; tận tâm tận lực là điều đầu tiên nên làm”. Ở đây chính là khuyến khích mọi người nên coi lợi ích của người khác là lợi ích của chính mình, song không phải là vì lợi ích của mình trước sau đó mới là lợi ích của người khác. Tuy nhiên, chúng ta nhất định phải nỗ lực hoàn thiện bản thân trước, chăm lo tốt cho bản thân mới có thể giúp ích cho người khác, giúp cho người khác trưởng thành hơn. Nhưng mục đích của việc hoàn thiện bản thân không phải là vì chính mình, mà là vì người khác. Như vậy là bạn đã an toàn.
Cuộc đời tôi luôn theo đuổi sự trưởng thành là vì gì? Là vì “Phật pháp hay như thế, vậy mà người biết nó thì lại ít, người hiểu lầm nó thì lại nhiều”. Để truyền thụ giáo lý nhà Phật cho nên bắt buộc phải tự mình tu dưỡng, tự hoàn thiện bản thân, hơn nữa còn phải vừa tăng cường học hỏi, vừa truyền đạt giáo lý Phật giáo, mở rộng nhân duyên, có như vậy mới khiến cho mình càng trưởng thành hơn.
III. An tâm – biết bằng lòng với những gì mình có trong cuộc sống
1. Cái ta thực sự cần không nhiều nhưng tham muốn thì nhiều quá đỗi!
“Cần” là gì? Là một khi thiếu nó thì không sống được. Ví dụ như là: ánh sáng mặt trời, không khí, nước, các thực phẩm tối thiểu, quần áo ấm, ngôi nhà che mưa che gió; trong thời đại chúng ta bây giờ là phương tiện giao thông, máy tính, điện thoại… đều là những thứ chúng ta cần. Nhưng những thứ này không được coi là ham muốn.
“Ham muốn” là gì? Là những món hàng xa xỉ phẩm, đồ trang sức ngoài những đồ dùng tất yếu khác, mục đích chỉ là để thoả mãn hư vinh, hoặc là chỉ để giữ thể diện trước mặt người khác. Song trong những bối cảnh, địa vị khác nhau, để có thể kết hợp ăn ý với hoàn cảnh lúc bấy giờ thì cần phải có một sự nghiêm túc nhất định, đó cũng có thể được coi là một loại cần thiết, nhưng cần phải biết mức độ để điều chỉnh thích hợp.
2. Người ta thường nói chỉ cần còn rừng thẳm thì không sợ thiếu củi đun, ngụ ý rằng còn sinh mệnh thì vẫn còn có tương lai và hy vọ Tôi vẫn còn hơi thở, đương nhiên là đã mãn nguyện
Khi trong lòng bạn cảm thấy tức giận, lo lắng, sợ hãi, không thể giữ thăng bằng được thì hãy đọc bốn câu này, bạn sẽ có thể bình tâm trở lại. Mặc dù chẳng còn gì nữa, nhưng vẫn còn hơi thở, chí ít vẫn chưa phải là chết; chỉ có sống mới có thể thở, chứng tỏ vẫn còn hy vọng, chứng tỏ bạn là một người có phúc báo, vậy thì hà tất phải lo lắng, buồn rầu, sợ hãi làm gì!
3. Khi theo đuổi tư lợi cũng cần phải biết thỏa mãn với những gì đang có để làm yên lòng mình. Vì phúc lợi của chúng sinh nên cần tận tâm tận lực để làm yên lòng người khác
Bằng lòng với những gì mình có thì sẽ không bao giờ có ham muốn mãnh liệt đến mức tham lam vô tận, có như vậy mới có thể khiến lòng mình cảm thấy thanh thản.
Làm yên lòng người là hành vi của Đức Phật, là một hành vi từ bi. Bắt nguồn từ bi nguyện để tạo phúc chúng sinh, mưu cầu hạnh phúc cho họ. Nếu chỉ biết bằng lòng với bản thân, điều này không chỉ không có ảnh hưởng tích cực mà thậm chí có thể dẫn đến tiêu cực.
4. Các bậc cao nhân thường yên tâm khi có đạo, người ở tầng lớp trung đẳng yên tâm với công việc, người ở tầng lớp hạ đẳng yên tâm khi có danh lợi
Người ở tầng lớp thượng đẳng yên tâm khi có đạo, phát tâm bồ đề, hành thiện tích đức. Người ở tầng lớp trung đẳng yên tâm với công việc, họ có thể tiếp nhận nhiều công việc bận rộn, để không có thời gian nghĩ đến phiền phức hoặc gây phiền phức cho người khác. Người ở tầng lớp hạ đẳng chỉ yên tâm theo đuổi những ham muốn về vật chất, danh lợi. Hy vọng mọi người chí ít có thể làm được những việc để yên lòng mình, chứ đừng giống như những người hạ đẳng kia, chỉ biết theo đuổi danh lợi mà thôi.
IV. An gia – cần biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình
1. Chức năng của gia đình là ở chỗ biết kính trọng, giúp đỡ lẫn nhau, có tinh thần trách nhiệm, biết giữ đúng vai trò của các thành viên, cùng nhau đồng cam cộng khổ, cùng nhau trưởng thành trong quan hệ đạo đức giữa các thành viên trong gia đình.
Sự ấm áp của gia đình ở chỗ biết yêu thương, kính trọng lẫn nhau. Điều đáng quí của gia đình đó là sự giúp đỡ lẫn nhau. Ý nghĩa của việc giúp đỡ lẫn nhau là khiến cho người đang cần giúp đỡ có thể nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Khi giúp đỡ đối phương, đừng tỏ ra kiêu ngạo hay tự cao tự đại, đừng cho rằng mình là người ban ơn, người khác phải biết ơn, mà trái lại bạn nên thầm biết ơn họ, biết ơn vì họ đã cho bạn cơ hội để cống hiến, cơ hội trưởng thành hơn trong lúc đáp ứng nhu cầu của họ.
Nghĩa vụ và trách nhiệm của đạo đức gia đình chúng ta nhất định phải tuân thủ. Đó chính là làm cha phải cho đúng bậc làm cha, làm mẹ phải cho đúng bậc làm mẹ; làm vợ , làm chồng, làm con cái cũng phải làm đúng trách nhiệm của mỗi người, làm tốt vai trò của mỗi thành viên trong gia đình, tuyệt đối không được chấp vặt. Bởi các thành viên trong gia đình cũng giống như xã hội chúng ta vậy, đều là phân công hợp tác, mỗi người đều có công việc và nhiệm vụ riêng. Nếu như có thể làm được như vậy thì gia đình nhất định sẽ rất hoà thuận, vui vẻ.
2. Phàm là những người xây dựng trên quan hệ cùng chung sống tương ái, tương trợ lẫn nhau đều được coi là “gia đình”
Gia đình có thể bao gồm một vợ một chồng, có thể gồm nhiều thế hệ cùng chung sống, cũng có thể là một xã hội, một dân tộc, một quốc gia hay một thế giới. Phàm là người xây dựng trên mối quan hệ chung sống tương ái, tương hỗ lẫn nhau đều được coi là một gia đình.
3. Nội dung chủ yếu của an gia là tôn trọng, học tập, cảm thông lẫn nhau, đôi bên cùng nhau chăm sóc, cùng nhau cảm ơn và cùng nhau cống hiến
Nếu như gia đình mới chỉ giải quyết tốt về mặt vật chất thì vẫn chưa được coi là gia đình hoàn hảo. Gia đình toàn diện là phải làm thế nào cho mỗi thành viên trong gia đình đều tận tâm tận lực thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
4. Thành viên trong gia đình là những người bạn cùng nhau tu dưỡng lòng từ bi và trí tuệ
Đối xử với những thành viên khác trong gia đình giống như kính trọng Đức Phật, bởi vì bất cứ lúc nào họ cũng giúp đỡ chúng ta, luôn luôn cảnh báo cho chúng ta, cho chúng ta cơ hội học hỏi, trưởng thành hơn.
Đặc biệt những người là môn đồ của Phật giáo, là người đi theo đạo Phật, bất luận tính cách, hành vi của mỗi một thành viên trong gia đình như thế nào, nhưng họ đều là có tâm hướng Phật, tất cả họ đang giúp chúng ta trưởng thành, giúp chúng ta hướng về phía trước.
Hơn nữa, Đức Phật luôn cứu khổ cứu nạn, muốn cứu khổ cứu nạn trước hết phải học chịu khổ chịu nạn, khi đã có những trải nghiệm về khổ nạn thì mới có thể đạt được sự trưởng thành thực sự, mới thực sự cảm thấy thoải mái, có thể tìm ra cách cứu chúng sinh khỏi khổ khỏi nạn.
5. Từ bi không có kẻ thù, có trí tuệ không khởi phiền não
Khi chung sống với người nhà, nếu có thể thường xuyên đọc hai câu này, gia đình nhất định sẽ vô cùng vui vẻ.
Vận dụng trí tuệ đối xử với mình sẽ không bao giờ có khởi phiền não, nếu như không có trí tuệ thì phải đi học Phật pháp, nghe Phật pháp, mượn trí tuệ của Phật để giúp đỡ và soi sáng tâm hồn mình, cũng có thể vay trí tuệ Phật để soi sáng tâm hồn người khác, đồng thời học tập tấm lòng từ bi của Đức Phật để cảm hoá, quan tâm, và kính yêu tất cả mọi người.
V. An nghiệp – nằm ở sự trong sáng và tinh tế của hành vi, ngôn ngữ và cách suy nghĩ
1. Tất cả mọi cử chỉ điệu bộ, lời nói, hành động, cách suy nghĩ đều được coi là bài tập
Thông thường mọi người thường hay nói về “an nghiệp” là chỉ chức vụ, công việc của mình phải ổn định và được đảm bảo. Song nếu như chúng ta lấy phạm vi là sự trong sáng, tinh tế của hành vi, ngôn ngữ và cách suy nghĩ, tức là trong đó đã bao hàm cả hành vi cá nhân và công việc.
Chúng ta cũng nên chú ý đến hành vi của mình, không nên hấp tấp, làm việc không có chuẩn tắc, nói lời quàng xiên, nói năng tùy tiện, tâm tính thất thường, lòng này ý khác. Đây đều là những bài học tu dưỡng mà chúng ta cần phải tuân thủ trong cuộc sống hàng ngày.
Nói sâu hơn, người tu theo đạo Phật phải tu theo hai loại nghiệp gồm “tuệ nghiệp” tức nghiệp trí tuệ; loại còn lại là “phúc nghiệp” tức nghiệp phúc đức. Nghiệp trí tuệ viên mãn, ví như là Bồ-tát Văn Thù; nghiệp từ bi viên mãn, giống như Quan Thế Âm Bồ-tát. Khi tu tập hai loại nghiệp này gọi là phúc tuệ song tu, đến khi thành tựu gọi là phúc tuệ trang nghiêm, như vậy là đã thành Phật. Các chư Phật đều lấy sự nghiệp của Phật Như Lai để an định chúng sinh, tinh thần này là tấm gương sáng cho chúng ta học tập noi theo.
2. Thiện tài đồng tử dù gặp nhiều chướng ngại trên con đường tu tập nhưng vẫn kiên định theo tâm nguyện của đạo Bồ-tát
Những chúng sinh đã phát ra bồ đề tâm tuy là những người phàm phu, vẫn còn có khuyết điểm, nhưng họ đang ở thời kỳ đầu của quá trình tu hành đạo Bồ-tát, và được coi là những vị Bồ-tát đồng tử. Khi còn bé mới chập chững tập đi, thường đi không vững và thường hay bị ngã. Khi bị ngã nhiều thì thời gian đứng dậy sẽ ít hơn, nhưng thời gian bò trên đất lại nhiều hơn. Chính vì vậy càng phải luyện tập nhiều hơn nữa, dần dần sẽ cứng cáp và sau này mới có thể tự đứng dậy mà không cần ai đỡ.
Do đó khi là “Bồ-tát sơ cơ” phải tự nhủ bản thân rằng, bị ngã không sao hết, chỉ cần đứng dậy lại là được, tiếp tục tiến về phía trước, bước về phía trước theo con đường tu hành đạo Phật.
3. Toàn tâm toàn lực đối với hành vi của chính mình, có trách nhiệm chính là “kính nghiệp”, có chí vươn lên
Tất cả mọi việc nếu như đều lấy quan điểm “lợi ích cho người khác cũng chính là lợi ích của bản thân mình” làm tiêu chuẩn để đo lường đó chính là niềm vui bên bạn bè, sống cuộc đời thanh thản.
Chăm chỉ học hành, sống chan hoà với bạn bè là điều mà các cụ ta thường khuyên nhủ con em, nhưng làm được điều này thì quả không hề đơn giản. Ngay trong những việc làm đã thành công, trong lòng cảm thấy mãn nguyện, nhưng một khi xuất hiện một vài khó khăn, trắc trở hay vấn đề khó thì có thể nghi ngờ tất cả những việc đã làm. Đặt ra câu hỏi vì ai mà phải vất vả như vậy? Nếu như trong đầu nảy ra những suy nghĩ như thế thì không thể chuyên tâm học hành, sống thanh thản với mọi người được.
“Kính nghiệp” là có trách nhiệm với những việc mình đã làm; “tinh tiến” là nỗ lực không biết mệt mỏi, tận tâm tận lực làm việc, có chí vươn lên. Nếu như luôn giữ thái độ bảo thủ đối với tâm lực, thể lực, năng lực, vậy thì không được gọi là “kính nghiệp tinh tiến”.
Bất cứ hành vi nào đối với bản thân mình đều nên lấy quan điểm “lợi ích cho người khác chính là lợi ích của bản thân mình” làm mục tiêu. Không theo đuổi lợi ích cho bản thân, nhưng nỗ lực vì hạnh phúc và lợi ích của người khác. Và luôn suy nghĩ cho lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của người khác. Nếu như đối diện với tất cả mọi sự việc đều bằng tâm thái như vậy, thì bất luận bạn ở nhà, ở công ty, thậm chí ở bất cứ nơi đâu, tôi đều tin tưởng rằng các mối quan hệ của bạn sẽ tiến triển rất tốt, rất được lòng mọi người.
4. Sống ổn định và hài hoà, vững bước hôm nay, tiến tới ngày mai
Then chốt của việc tu hành phải nắm chắc hiện tại, an trú trong hiện tại. Những việc quá khứ đã qua, việc trong tương lai thì chưa tới, chỉ có giờ phút hiện tại là quan trọng nhất, nó cho chúng ta điểm tựa để có thể phát huy nỗ lực đúng lúc nhất.
Bây giờ, nếu như chúng ta có cơ hội để nỗ lực phấn đấu nhưng lại không chịu nỗ lực, có sân khấu mà không chịu diễn kịch. Bỏ qua một cơ hội chính là mất đi một lần khẳng định mình, như vậy thật đáng tiếc! Vì thế cho nên bây giờ chỉ cần có việc cho chúng ta làm, chúng ta nhất định sẽ cố gắng làm tốt.
5. Khi phương hướng đã rõ ràng, những bước đi tiếp theo phải vững vàng, chắc chắn
Trong cuộc đời của mỗi con người đều nên xác định sớm hướng đi cho riêng mình. Phải tính đến tài năng, hứng thú, cùng với tất cả những tố chất vốn có của bản thân bao gồm sức khoẻ, sự thông minh và tâm nguyện để làm căn cứ phán đoán, từ đó sẽ tìm được phương hướng lớn trong cuộc đời mình là gì.
Một khi đã xác định phương hướng rồi sẽ không được dễ dàng thay đổi, vị trí có thể thay đổi ví dụ như là hôm nay làm giám đốc, ngày mai nhận chức chủ tịch hội đồng quản trị; hôm nay là con trai, ngày mai đã có thể làm bố; hôm nay là vợ, ngày mai đã có thể là mẹ.
Địa vị có thể không ngừng thay đổi, nếu như địa vị của mỗi người không hề thay đổi, dẫn đễn chỗ đứng cũng không được điều chỉnh, như vậy là không tiến bộ, không phải là một người linh hoạt.
Sau khi chọn ra phương hướng đúng đắn, nắm chắc phương hướng, sau đó phải từng bước thực hiện nó, thận trọng trong từng bước đi tiếp theo. Nếu việc gì cũng làm được như vậy thì nhất định sẽ dẫn đến thành công.
6. Lấy trí tuệ để kiểm chứng hướng đi, lấy từ bi để đối nhân xử thế
Có rất nhiều người do ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, sự thay đổi của thời đại và những nhân tố khách quan khác, thêm vào đó điều kiện của bản thân cũng không được đầy đủ liền nảy sinh ra cảm giác mù mịt, mất phương hướng, không biết nên làm thế nào? Giống như khi bạn đi đến ngã ba đường, không biết phương hướng của mình rút cục là nằm ở hướng nào?
Trong lúc như thế tôi thường tự phản tỉnh, nghĩ rằng: “Phương hướng lớn cơ bản là của đời mình gì?” Nếu như phát hiện ra rằng tình hình hiện tại cách mục tiêu ban đầu quá xa, lúc đó sẽ phải dùng trí tuệ phán đoán để tìm cách thay đổi nó.
7. Không được ích kỷ, phải tự tìm kiếm sự an lạc thanh nhàn cho bản thân, không được đánh giá quá cao về khả năng của mình, không được tùy tiện hứa cho qua chuyện
Đừng nhìn lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân mà nên nhìn những lợi ích lâu dài, lợi ích cho số đông mọi người.
Sự trưởng thành vể nhân phẩm cùng với sự kiên cố, vững chắc của tâm bồ đề mới là thành công lớn nhất.
Thành công cần nhiều yếu tố, nhiều tầng diện; nó không phải chỉ là ở trong một sự kiện đặc biệt nào hay ở trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó mới gọi là thành công. Cho dù nhất thời tiền bạc, địa vị, sự nghiệp đều không đạt được như mong đợi, thì cũng không được phép đánh mất đi tâm bồ đề, đừng để đánh mất nhân cách bản thân. Cho dù mọi sự nỗ lực của mình đều không đi đến thành công, song chỉ cần trưởng thành hơn về nhân cách, phát triển hơn về nhân phẩm thì đó mới chính là thành công thực sự.
Mọi việc trên đời đều dựa nhiều yếu tố, nguyên nhân tạo thành. Các nhân tố này không phải chỉ một người là có thể kiểm soát được nó, chủ yếu vẫn là sự nỗ lực của cá nhân, song vẫn cần có sự hỗ trợ của mọi người xung quanh thì mới có thể thành công được. Cho nên, khi mọi việc đang thuận buồm xuôi gió thì đừng đắc ý mà quên đi nhiệm vụ; khi gặp gian nan vất vả cũng không được sa sút tinh thần; khi tình hình tiến triển tốt hơn cũng không quên tinh thần cảnh giác; khi tình hình trở nên tồi tệ cũng không được phép đánh mất lòng tin, mất ý chí; rất có thể thời cơ, hoàn cảnh, điều kiện sẽ đến và tình hình cũng có thể chuyển biến tốt ngay tức khắc.
Cho nên dùng hai quan niệm nhân duyên, nhân quả ở đây là hy vọng bạn có thể dũng
cảm đối diện với hiện thực, mở ra tương lai mới, sẽ không oán trời trách người, cũng sẽ không ghen tị hay ngưỡng mộ người khác. Bởi vì không có thất bại nào là vĩnh viễn, cũng không có người nào suốt đời đều là thành công.