CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG GIẢI

Hòa Thượng Tuyên Hóa Lược Giảng
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định

 

Dẫn nhập

Chú Lăng Nghiêm là Chú quan trọng nhất, hơn hết thảy trong các Chú. Bao gồm hết thảy thể chất và diệu dụng của Phật Pháp. Chú này chia làm năm bộ : Kim Cang bộ, Bảo Sinh bộ, Liên Hoa bộ, Phật bộ và Nghiệp bộ. Năm bộ Kinh này thuộc về năm phương :

1. Kim Cang bộ : Thuộc về phương Ðông, Ðức Phật A Súc là chủ.
2. Bảo Sinh bộ : Thuộc về phương Nam, Phật Bảo Sinh là chủ.
3. Phật bộ : Thuộc về chính giữa, Phật Thích Ca Mâu Ni là chủ.
4. Liên Hoa bộ : Thuộc về phương Tây, Phật A Di Ðà là chủ.
5. Nghiệp bộ : Thuộc về phương Bắc, Phật Thành Tựu là chủ.

Nếu trên thế gian này, không còn người nào tụng Chú Lăng Nghiêm, thì Ma Vương sẽ xuất hiện. Nếu còn một người trì tụng, thì thiên ma Ba Tuần không dám xuất hiện. Vì chúng chỉ sợ nhất là Chú Lăng Nghiêm. Chúng muốn tiêu diệt nhất là Chú Lăng Nghiêm. Khi pháp bắt đầu diệt, thì Chú Lăng Nghiêm sẽ mất trước nhất, kể cả Kinh Lăng Nghiêm. Lúc đó thiên ma Ba Tuần sẽ xuất hiện, hoành hành đầy dẫy khắp nơi. Lúc ấy sẽ không có trời đất, không có Phật, chúng tuyệt đối chẳng sợ gì. Cho nên tôi khuyên mỗi người Phật tử, (tại gia và xuất gia) học thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm và trì tụng mỗi ngày, đây chính là hộ pháp, và khiến cho pháp tồn tại lâu dài, đừng xem thường không có ý nghĩa và quan hệ gì. Hiện tại ở đây chỉ có mấy chục người nghe giảng Chú Lăng Nghiêm. Nhưng chính mấy chục người này nghe giảng, đã giữ chân của bọn thiên ma. Khiến chúng hoảng sợ khi đề cập đến Chú này.

Tôi đã nghiên cứu Phật Pháp nhiều năm, không dám nói là hoàn toàn hiểu biết hết Chú Lăng Nghiêm và Chú Ðại Bi, nhưng bạn không thể nói tôi hiểu biết nhiều, cũng không thể nói tôi hiểu biết ít.

Có một lần đệ tử của tôi nói : “Chú Lăng Nghiêm thật là làm cho con bối rối, không cách chi con học và nhớ được.’’ Ðừng nhìn biển mà thở dài, đừng nghĩ Chú như biển cả, mà ra vẻ bạn không khi nào học thuộc nó. Tôi chỉ cho bạn một phương pháp. Ðừng có học hết một lần, mà phải học từng câu, từng hàng, từng hàng. Khi bạn học thuộc câu đầu, thì học câu kế tiếp. Nếu chưa thuộc câu đầu, thì đừng học câu kế tiếp. Ví dụ, đọc câu ‘’Nam Mô Tát Ðát Tha Tô Già Ða Da A La Ha Ðế Tam Miệu Tam Bồ Ðà Tỏa…’’, đọc đi đọc lại, đến khi bạn thuộc lòng, nhắm mắt lại đọc thuộc trôi chảy, thì hãy học câu kế tiếp. Nếu bạn tham học hết một lần thì bạn không thể nào nuốt chửng một lần được. Ðừng học hết một lần, đó cũng giống như muốn ăn một lần hết cả con bò. Học Chú phải từng chút, từng chút. Ðừng giống như nhìn biển chằm chằm rồi nghĩ : ‘’Nước nhiều quá, làm sao tôi có thể uống hết được.’’ Mặc dù Chú Lăng Nghiêm rất dài, nếu bạn định tâm thì sẽ học được. Nếu ai muốn xuất gia với tôi, thì phải học thuộc Chú Lăng Nghiêm và Chú Ðại Bi. Nếu không tôi sẽ không nhận làm đệ tử.

Nếu bạn thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm thì tôi công nhận bạn thành tâm một mức nào đó. Tại Trung Quốc thường thường học Chú Lăng Nghiêm phải mất sáu tháng. Vào mùa hè, có một đệ tử của tôi không ăn, không ngủ để học Chú Lăng Nghiêm, đó là biểu thị sự thành tâm, để bụng đói thì học dễ nhớ.

Tất cả các pháp đều là pháp diệu. Tôi giảng chữ “pháp diệu” phải mất nhiều ngày, nhưng sự giảng của tôi không sao sánh kịp được với Trí Giả Ðại Sư. Ngài giảng một chữ “diệu”, phải mất chín chục ngày. Cảnh giới pháp diệu vượt ra ngoài sự tính toán phân biệt. Muốn học thuộc Chú Lăng Nghiêm, đừng rơi vào sự tính toán phân biệt, càng phân biệt thì bạn càng khó học, càng tính toán thì càng không hiểu. Ðừng nghĩ : ‘’ Tại sao tôi không thể học Chú này ? ‘’ Ðừng nghĩ gì hết ! Mà phải đọc tụng, đọc tụng như là bổn phận và trách nhiệm của bạn. Ðừng học với sự vọng tưởng phân biệt so lường. Phân biệt là thức thứ sáu, tính toán là riêng về thức thứ bảy. Kinh Lăng Nghiêm mà chúng ta đọc là do nguyên nhân vấn đề của Ngài A Nan. Tại sao ? Vì Ngài chú tâm việc học mà coi nhẹ việc tu định. Nếu bạn muốn thâm nhập Chú Lăng Nghiêm, thì bạn phải trừ khử sạch sự tính toán và phân biệt. Ðừng dùng thức để học Phật Pháp, mà dùng chân tâm, đó mới chính là diệu pháp.

Hoà Thượng Tuyên Hoá

CHÚ LĂNG NGHIÊM
Kệ và giảng giải

Kệ :
“Cứu kính kiên cố định trung vương
Trực tâm tu học chí đạo tràng
Thân, miệng, ý nghiệp tu thanh tịnh
Tham, sân, si niệm yếu tảo quang
Thành tắc cảm ứng hoạch hiện chứng
Chuyên năng thành tựu đại thần thông
Hữu đức ngộ tư vinh diệu cú
Thời khắc mạc vong thiệu long xương”.

Giảng Giải : Lăng Nghiêm là tiếng Phạn dịch là “tất cả sự cứu kính kiên cố”, cũng có nghĩa là ” định.’’ định này là vua trong tất cả các định.

“Cứu kính kiên cố định trung vương.’’ Lăng Nghiêm là vua trong tất cả các định. ‘’Trực tâm tu học chí Ðạo tràng.’’ Tu đạo phải dùng tâm ngay thẳng, đừng dùng tâm cong vạy. Tâm ngay thẳng mới đạt được mục đích. Nếu bạn dùng tâm cong vạy ngoằn ngoèo tu Phật Pháp, thì tu chẳng thành tựu. ‘’Thân, miệng, ý nghiệp tu thanh tịnh,’’ ‘’Tham, sân, si niệm yếu tảo quang.’’ Tu pháp này thì miệng không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không chưởi mắng. Thân thì không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm. Ý niệm thì không tham, sân, si. Khi thân, miệng, ý ba nghiệp thanh tịnh tức là tổng trì. ‘’ Thành tắc cảm ứng hoạch hiện chứng.’’ Phải thành tâm thì mới có cảm ứng. Hiện tại thì chứng được năng lực không thể nghĩ bàn của Chú này. Lực lượng của Chú không thể nghĩ bàn. ‘’Chuyên năng thành tựu đại thần thông.’’ Nếu bạn chuyên tâm, tâm không phóng túng, không có tạp niệm, thì sẽ thành tựu đại thần thông. Chú Lăng Nghiêm có năm hội (năm đệ), có trên ba mươi đoạn pháp. Trong Chú lại có : Pháp hàng phục, pháp câu triệu, pháp tiêu tai, pháp tăng ích, pháp thành tựu, pháp cát tường .v.v., rất nhiều loại pháp. ‘’ Hữu đức ngộ tư linh diệu cú.’’ Có đức hạnh mới gặp được pháp này. Người không có đức hạnh, thì có gặp được cũng không hiểu. Những câu Chú thâm diệu này, thâm sâu không thể nghĩ bàn. ‘’ Thời khắc mạc vong thiệu long xương.’’ Thời thời phút phút đừng quên pháp này, hay thành tâm chuyên nhất, thì rạng rỡ hưng thạnh Phật Pháp. Ðó là lược nói đại khái về Chú Lăng Nghiêm. Nếu nói tỉ mỉ thì nói không hết được. Bạn muốn minh bạch, thì phải tự mình nghiên cứu kỹ càng. Ðây là diệu pháp trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được, đừng để lỡ mất cơ hội.

PHƯƠNG TIỆN TRÌ CHÚ

Trì tức là thọ trì, thọ nơi tâm, trì nơi thân. ‘’Trì‘’ cũng giống như dùng tay cầm vật gì. Trì niệm thần Chú thì đừng quên nó, đừng thiếu nó, phải niệm từ từ, thời thời phút phút tụng trì Chú này.

Trì Chú nên có một đàn tràng, gọi là Chú đàn, cũng giống như truyền giới, cần có giới đàn. Chú đàn phải thanh tịnh, không cho người vào hỗn tạp, chỉ có người trì Chú, tu pháp ở trong đó. Nghi kiến lập đàn là phương tiện trước khi trì Chú, kiến lập đàn vốn có quy củ nhất định, trong Kinh Lăng Nghiêm có nói đến, đây là vì người tụng Kinh hành đạo, cầu hiện chứng mà thiết lập. Hiện chứng là đời này đắc được lợi ích của Chú. Nếu “truy tố” phát tâm tán trì. “Truy” là người xuất gia ; “tố” là người tại gia, tán trì tức là không có đàn tràng, như vậy phải chuyên nhất tâm ý kiền thành cung kính. Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói : ‘’Nếu có chúng sinh, tâm khởi tán loạn, thì chẳng phải là Tam Ma Ðịa (định lực). Tâm nhớ miệng trì là Kim Cang Vương, thường tùy tùng theo các người thiện nam, hà huống người quyết định phát đại tâm bồ đề.’’ ‘’ Tán tâm trì Chú không ở trong định, thì có tám vạn bốn ngàn Kim Cang Vương hộ pháp thường theo bạn, hà huống quyết định phát đại tâm bồ đề !‘’ Trong Kinh lại nói : ‘’ Nếu không làm đàn, không nhập đạo tràng, cũng không hành đạo, tụng trì Chú này, vẫn đồng công đức nhập đạo tràng không khác. Cho đến đọc tụng biên chép Chú này, có ở trong người, thì ở đâu cũng yên nhà cửa vườn tược, tích nghiệp như thế không lâu sẽ ngộ vô sinh nhẫn.’’

Chỉ nói đơn giản chỗ chính yếu. Trì Chú phải “ba mật” tương ưng mới đắc được cảm ứng. Ba mật tức là : Miệng tụng thần Chú, tâm tưởng chữ Phạn, tay kết ấn tướng, cũng gọi là ba đàn. Tại sao gọi là thần Chú ? Vì diệu không thể tả. Tâm tưởng chữ Phạn, là quán tưởng mặt sau tâm Chú của mỗi chữ Phạn. Ba mật tương ưng tức là phương tiện trước khi trì Chú.

Thứ nhất là ‘’ Chú ngữ đàn.’’ Trì Chú thì tự nhiên kết thành đàn, đây là nói mỗi ngày, hoặc mỗi lần trước tiên niệm Chú Lăng Nghiêm một biến, sau đó trì tâm Chú một trăm lẻ tám biến. Tâm Chú tức là : ‘’ Ðát điệt tha. Án a na lệ tì xá đề, bệ ra bạt xa ra đà rị, bàn đà bàn đà nể, bạt xà ra bàng ni, phấn hổ hồng đô lô ung, phấn ta bà ha.’’ Tâm Chú này diệu không thể tả. Nếu trên thế gian không còn ai niệm Chú Lăng Nghiêm, thì tất cả yêu ma quỷ quái đều xuất hiện ra đời. Tâm Chú này có hai câu : ‘’ A na lệ, tì xá đề.’’ Một câu nghĩa là “dọc cùng tam tế”, một câu nghĩa là “ngang khắp mười phương”. Một khi niệm hai câu Chú này, thì thiên ma ngoại đạo không có chỗ đào thoát. Chúng sẽ lão lão thực thực nghe vẫy kêu. Chỉ sức lực của hai câu Chú này, thật không thể nghĩ bàn. Nếu sáng sớm bạn tụng niệm Chú Lăng Nghiêm một lần, sau đó tụng tâm Chú 108 lần, thì sẽ được phước báu vô lượng vô biên. Cho nên nói, nếu bạn trì tụng Chú Lăng Nghiêm, thì đời sau sẽ đắc được giàu sang phú quý bảy đời. Ðây là nói bạn muốn cầu phước báu trời người, nếu không muốn cầu, thì đương nhiên không cần. Nếu bạn muốn cầu quả báo xuất thế, thì sẽ đạt được mục đích. Ðây là ‘’ Chú ngữ đàn.’’

Thứ hai là :‘’ Tâm tưởng đàn.’’ Nghĩa là khi tụng tâm Chú, thì quán tưởng từng chữ Phạn. Nói đến chữ Phạn, có lúc sự tình không nhất định minh bạch, nếu minh bạch thì nhuệ khí, cảm thấy đã đủ rồi. Nếu không minh bạch, thì cảm thấy có chút ý nghĩa trong đó. Không minh bạch thì ví như ăn thức ăn, chưa ăn thì cảm thấy ngon, ăn rồi thì nếm qua : chua ngọt đắng cay, tâm tham ăn đã dừng lại, cảm thấy chẳng còn ngon nữa. Tu hành cũng như thế.

Nếu bạn không biết ý nghĩa của Chú, ý nghĩa chữ Phạn thì cảm thấy diệu không thể tả. Tâm niệm luôn luôn nghĩ muốn biết, nếu bạn biết rồi thì không chú ý. Quán tưởng chữ Phạn cũng lại như thế, vì chữ Phạn chúng ta chưa học qua, nên không biết ý nghĩa của nó, không giống như chữ Tàu. Ðây là chữ ‘’ đại ‘’ kia là hai chữ ‘’ Bồ Tát.‘’ Quán tưởng chữ Phạn sẽ đắc được ngũ nhãn lục thông, phải quán tưởng từng chữ rõ ràng, mở mắt nhắm mắt đều thấy rõ ràng, lâu dần thì chỗ diệu dụng sẽ phát sinh, có thể khiến cho bạn khai mở ngũ nhãn lục thông, thông nhân đạt quả, là vì chúng ta không minh bạch chữ Phạn, thì có một sức lực thần diệu.

Quán tưởng chữ Phạn cũng là phương pháp khóa tâm lại, chế tâm tại một chỗ đừng cho khởi vọng tưởng, ấn nhập từng chữ Phạn vào trong tâm, bất cứ mở hoặc nhắm mắt đều rõ ràng. Như thế lâu dần sẽ đắc được tam muội.

Thứ ba là :‘’ thủ ấn đàn.’’ Thủ ấn cũng gọi là thủ quyết. Một số cho rằng Kháp quyết niệm Chú tức là Sáp quyết. Ðã minh bạch Chú ngữ đàn và quán tưởng đàn rồi, thì Thủ ấn đàn cũng phải minh bạch. Trong quyển Nhứt Tự Phật Ðảnh Luân Vương Niệm Tụng Nghi Quy cũng nói rõ : ‘’ Bạch tản cái Phật đỉnh ấn ‘’, dùng hai ngón cái, mỗi ngón bắt lấy đầu ngón thứ tư, chạm nhau, hai đầu ngón cong như hình cái lọng, hai ngón giữa cong một chút chạm nhau, hai ngón út dựng thẳng chạm nhau tức thành đại bạch tản cái Phật đỉnh luân vương. (Xem hình ở dưới).

Kháp quyết niệm Chú, tức là bạn phải tập trung tinh thần, bạn làm động tác này, thì không nên khởi vọng tưởng gì khác. Chẳng phải ý nghĩa gì khác, chẳng phải nói một khi Kháp quyết thì linh. Nếu bạn không có vọng tưởng gì khác, không Kháp quyết cũng là ba mật tương ưng. Nên biết chân lý, tại sao phải có ba mật tương ưng ? Vì Chú ngữ đàn, quán tưởng đàn, thủ ấn đàn, đều muốn bạn đừng khởi bất cứ vọng tưởng gì. Cho nên chuyên nhất thì linh, phân chia thì tán loạn.

Lại có Thủ ấn Kim Cang quyền, Kim Cang chưởng, Kim Cang phược. Không giống ‘’ Bạch tản cái Phật đỉnh ấn ’’ rất phức tạp. Hai bàn tay nắm lại, gọi là Kim Cang chưởng, nhưng đừng trợn mắt, bằng không thì thành Kim Cang trợn mắt. Mười ngón tay bắt chéo với nhau ngửa lên, gọi là thủ ấn Kim Cang chưởng, úp xuống gọi là thủ ấn Kim Cang phược. (Xem hình ở dưới) Hết thảy pháp Tam muội đều do Kim Cang quyền, Kim Cang chưởng, Kim Cang phược sinh ra. Khi bạn niệm Chú thì ba đàn tương ưng. Ba thủ ấn này muốn kết ấn nào cũng được, đều thành ‘’Lăng Nghiêm vương đại bạch tản cái Phật đỉnh tâm Chú ấn.’’ Sau đó quán tưởng tụng niệm Chú này, thì ba mật sẽ tương ưng. Ðược như thế thì sẽ đắc được thân, miệng, ý tam luân không thể nghĩ bàn của mười phương chư Phật. Bất cứ sở cầu thế gian, xuất thế gian, không có gì mà chẳng được như ý, nhưng tốt nhất vẫn là vô sở cầu. Vì có sở cầu thì có tâm tham, có tâm tham thì chẳng đắc được cảm ứng hiện thời, không thể được vô lượng công đức. Nếu vô sở cầu thì công đức mới lớn.

Nếu bạn không thể bắt ấn, thì trong bộ mật có ba bài Chú, tùy ý niệm cũng thành đàn. Thứ nhất là Pháp Giới Chân Ngôn : “Án phạ nhật la đà đổ một.’’ Niệm rồi thì pháp giới đều thanh tịnh. Thứ hai là Thanh Tịnh Chân Ngôn : ‘’ Án lam sa ha.’’ Thứ ba là khi Phóng Diệm Khẩu thì niệm Ba Ðàn Chân Ngôn : ‘’ Án hạ hồng.’’ Ba đàn tức là Phật, Pháp, Tăng.

Chữ “Án” là trên đỉnh Tỳ Lô làm Phật đàn.
Chữ “Hạ” là trong miệng Di Ðà làm Pháp đàn.
Chữ “Hồng” là trong tâm A Súc làm Tăng đàn.

Ba câu Chú này mỗi câu niệm bảy biến, thì ba mật cũng tương ưng. Trước khi niệm Chú, niệm ba bài Chú này cũng rất tốt.

Nam Mô Lăng Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát

Giảng giải :
Nam Mô là tiếng Phạn, dịch là “quy mạng”, “cung kính”. Tức là đem thân tâm tính mạng của chúng ta đều quy y cho Phật. Cung kính Phật năm thể sát đất. Chỉ có Phật là chúng ta tin. Lăng Nghiêm tức là tất cả sự việc, tức không phải là một thứ việc, mà là bất cứ sự việc gì cũng đều bao quát trong đó, cứu kính đạt đến mức không thể phá hoại được. Câu này là quy mạng tất cả chư Phật trong hội Lăng Nghiêm, tất cả các Bồ Tát. Tụng Chú Lăng Nghiêm thì trước hết phải quy mạng Lăng Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát, đọc ba lần.

Diệu trạm tổng trì Bất Động Tôn, Thủ Lăng Nghiêm vương thế hi hữu.

Diệu trạm tổng trì Ðấng Bất Ðộng, Chú Thủ Lăng Nghiêm hiếm có trong đời.

Giảng giải : “Diệu trạm”, diệu tức là không thể nghĩ bàn, không thể tưởng tượng được. Nếu tưởng tượng được, biết được thì không nói đến diệu. Diệu là vượt ra ngoài ý dự đoán. Tư tưởng không đạt đến được, cho nên gọi là ‘’ Không thể nghĩ bàn.’’ Trạm là trạm thâm, tức là sâu dày thậm thâm. Không những là diệu, mà còn diệu sâu dày thậm thâm, không thể nghĩ bàn.

“Tổng trì” là “tổng tất cả Pháp, trì vô lượng nghĩa”. Tổng tất cả Pháp tức là bao quát hết thảy các Pháp. Trì vô lượng nghĩa, tức là thọ trì nghĩa vô lượng, đều bao quát ở trong đó. Cho nên ‘’diệu trạm‘’ là hiển mật viên dung. Tổng trì là tùy duyên phổ ứng, tất cả tận hư không biến pháp giới, cảnh giới có sự mong cầu, không thể không cảm ứng. Bổn thể thường trụ tức bất động, bổn thể là tịch nhiên bất động, cảm mà toại thông. Diệu trạm, Tổng trì và Bất động cả ba đều là diệu trạm, ba mà một. Cả ba đều là tổng trì, một mà ba. Cả ba đều là bất động, chẳng phải ba, chẳng phải một, cũng ba cũng một. Phân tích kỹ thì ý nghĩa trong mỗi một cái đều có ba ý nghĩa.

“Ðấng Bất Ðộng” tức là danh hiệu chỉ cho Phật.
“Hiếm có trong đời” là thế, xuất thế đều tốt hơn hết.
“Chú Thủ Lăng Nghiêm hiếm có trong đời.’’ Câu này là khen ngợi Lăng Nghiêm đại định. Tu hành Lăng Nghiêm vương đại định này, sẽ sinh ra tất cả các định, tất cả các định đều từ định này mà sinh ra. Hiếm có trong đời là nói trên thế gian không dễ gì có, khó gặp khó thấy nhất. Câu kệ này là do Ngài A Nan bị Chú Phạm Thiên mê hoặc, Phật nói Chú Lăng Nghiêm rồi phái Bồ Tát Văn Thù dùng ‘’Chú‘’ đi cứu Ngài A Nan đem về. Ngài A Nan cảm tạ thâm ân của Phật, cho nên nói bài kệ hình dung sự cảm thọ của Ngài.

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng. Bất lịch Tăng kỳ hoạch pháp thân.

Tiêu diệt tưởng điên đảo của con, trong trăm ngàn ức kiếp, không phải trải qua số kiếp A Tăng Kỳ, mà chứng được pháp thân.

Giảng giải : Con người từ vô lượng kiếp đến nay, có những vọng tri vọng kiến, tà tri tà kiến, điên đảo mộng tưởng. Tưởng điên đảo tức là chẳng phải thường cho là thường, chẳng phải đoạn cho là đoạn, chẳng có cho là có, chẳng không cho là không ; chạy theo cảnh giới không thật, không thể chuyển được cảnh giới không thật, tức cũng là người bị cảnh chuyển, mà không thể chuyển được cảnh, tức cũng thường bị nghiệp phong dắt đi. Sự sai lầm chỉ là chút chút không nhiều, nhưng chỉ một chút chút này, mà khác biệt với chân chánh thường trụ chân tâm, tính tịnh minh thể, sai lầm hàng ngàn dặm. Ðiên đảo tức là không nên tưởng mà tưởng, không nên tham mà tham, không nên sân mà sân, không nên mê hồ mà mê hồ. Nói rõ ra là tưởng điên đảo trong tự tánh. Không thể đại công vô tư, tức là điên đảo. Thứ tưởng điên đảo này, là nguyên nhân khiến cho chúng ta thọ sinh tử, trong sáu nẻo luân hồi. Tu thì phải tiêu trừ tưởng điên đảo. Như Ngài A Nan là người thông minh như thế, mà vẫn có tưởng điên đảo giống nhau. Sức trí nhớ của Ngài rất phi thường. Phật nói hết thảy Kinh điển, một khi lọt qua tai thì vĩnh kiếp không quên. Nhưng khi Ngài thấy nữ Ma Ðăng Già thì Ngài bị giao động, liền theo cô ta vào trong nhà ngoại đạo. Ðây là tưởng điên đảo của Ngài. Người nam thì tham, người nữ thì ái, tức là tưởng điên đảo. Ðây là từ vô lượng kiếp đến nay đều có. Cho nên nói Thủ Lăng Nghiêm Vương đại định, đại pháp này rất hiếm có trong thế gian, sẽ tiêu trừ tưởng điên đảo đời đời kiếp kiếp, từ vô lượng kiếp đến nay.

‘’ Không phải trải qua số kiếp a tăng kỳ mà chứng được pháp thân.’’ Ðức Phật tu hành trải qua ba đại A tăng kỳ kiếp mới thành Phật. Cho nên :

Tam kỳ tu phước huệ,
Bách kiếp chủng tướng hảo.

Nghĩa là :

“Ba A Tăng kỳ tu phước huệ
Trăm kiếp trồng tướng tốt”.

Tu phước một trăm đại kiếp, mới đắc được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. A tăng kỳ kiếp tức vô lượng số, ba A tăng kỳ kiếp tức là ba vô lượng số. Số mục này có bao nhiêu ? Dùng máy điện toán cũng đếm không được. Bây giờ Ngài A Nan nói : ‘’ Không phải trải qua số kiếp A tăng kỳ, mà chứng được pháp thân.’’ Tôi đắc được đại định kiên cố của Chú Lăng Nghiêm, không cần trải qua ba A tăng kỳ kiếp mà có thể đắc được pháp thân, cũng sẽ thành Phật, chứng được pháp thân tự tại, thần thông biến hóa. Thành tâm tụng Chú Lăng Nghiêm thì không cần trải qua thời gian lâu dài cũng sẽ đắc được pháp thân.

Nguyện kim đắc quả thành Bảo vương, hườn độ như thị Hằng sa chúng, tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo phật ân. Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh, ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, như nhứt chúng sinh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ Nê-hoàn.

Nay con nguyện khi đắc được quả Bảo Vương, trở lại độ chúng sinh nhiều như số cát sông Hằng, đem thân tâm này phụng sự chúng sinh, khắp các cõi nhiều như số hạt bụi, đó mới là báo ơn Phật. Lại thỉnh Ðức Thế Tôn chứng minh : Vào đời ác năm trược, con thề xin vào trước. Nếu còn một chúng sinh chưa thành Phật, con sẽ không thủ chứng quả vị Nê Hoàn.

Giảng giải : Ngài A Nan ở trước nói : ‘’ Tiêu diệt tưởng điên đảo của con trong trăm ngàn ức kiếp, không phải trải qua số kiếp a tăng kỳ mà chứng được pháp thân.’’ Bây giờ lại nói : ‘’ Nay con nguyện khi đắc được quả Bảo vương.’’ Nay tôi phát nguyện, nguyện trước khi thành Phật, đắc quả tức là đắc Phật quả, Bảo Vương tức là Phật.

“Trở lại độ chúng sinh nhiều như số cát sông Hằng”. Tôi thành Phật không phải vì chính mình, còn phải trở lại thế giới Ta Bà, giáo hóa chúng sinh nhiều như số cát sông Hằng. Tất cả chúng sinh tôi đều phải giáo hóa.

‘’ Ðem thâm tâm này phụng sự chúng sinh, thân khắp các cõi nhiều như số hạt bụi.’’ Tâm tức trí huệ Bát nhã. ‘’ Phụng sự chúng sinh khắp các cõi nhiều như số hạt bụi.’’ Biến hóa đến mười phương thế giới để giáo hóa chúng sinh. Tôi dùng nguyện lực phổ biến khắp mười phương cõi nước, nhiều như số hạt bụi thế giới, để giáo hóa chúng sinh.

‘’ Ðó mới là báo ân Phật.’’ Dùng tâm chí thành khẩn thiết mới báo đáp được ân đức của Phật đối với tôi.

‘’ Lại thỉnh Ðức Thế Tôn chứng minh.’’ Lại kiền thành thỉnh cầu Thế Tôn chứng minh nguyện lực này của A Nan.

‘’ Vào đời ác năm trược con thề xin vào trước.’’ Chúng sinh trong đời ác năm trược rất khó độ, tôi phải độ trước. Năm trược là : Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược, chúng sinh cang cường khó điều, khó phục. Tôi phải vào trước thế giới Ta Bà tội ác để độ chúng sinh.

‘’ Nếu còn một chúng sinh chưa thành Phật, con sẽ không thủ chứng quả vị Nê Hoàn.’’ Tôi thủy chung không thể thủ chứng quả A La Hán. Sơ quả Tu Ðà Hoàn, nhị quả Tư Ðà Hàm, tam quả A Na Hàm, tứ quả A La Hán, cũng không thể thủ quả vị Niết Bàn của Phật. Nếu còn chúng sinh chưa thành Phật, thì tôi ở tại đây đợi để giáo hóa họ, khiến cho họ đều thành Phật, rồi sau tôi mới thủ chứng quả vị Nê Hoàn. Quả vị Nê Hoàn của nhị thừa tức quả vị A La Hán, Phật thì quả vị Niết Bàn, tức cũng là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ðây là sự phát nguyện của Ngài A Nan, đến giúp Phật hoằng dương, trợ giúp Phật Thích Ca Mâu Ni để giáo hóa Chúng sinh.

Đại hùng đại lực đại từ-bi, hi cánh thẩm trừ vi tế hoặc, linh ngã tảo đăng vô thượng giác, ư thập phương giới tọa đạo tràng.

Ðại hùng đại lực đại từ bi. Nguyện cầu trừ sạch hết hoặc vi tế, khiến cho con sớm thành vô thượng giác. Kiến lập đại đạo tràng trong khắp mười phương.

Giảng giải : ‘’ Ðại hùng ‘’, tức là đại anh hùng, cũng bao quát đại trí, đại huệ, đại hạnh, đại nguyện trong đó.
‘’ Ðại lực’’, càng không thể so sánh thứ sức lực to lớn này. Tức có đại hùng lực, lại có đại từ bi. Dùng đại hùng đại lực để chủ trì tâm đại từ bi. Từ là ban cho chúng sinh hết thảy sự vui sướng, bi là cứu hết thảy khổ của chúng sinh. Thương chúng sinh không thể cùng tận, tất cả nguyện của chúng sinh đều đầy đủ. Chúng sinh có nguyện cầu gì với Phật, Phật đều làm cho họ được như ý.

‘’ Nguyện cầu trừ sạch hết hoặc vi tế’’. Ở trên đã thỉnh Phật ‘’ Tiêu diệt tưởng điên đảo của con, trong trăm ngàn ức kiếp‘’, là chỉ tiêu trừ kiến hoặc, tư hoặc bây giờ lại tiêu trừ trần sa hoặc. Trần sa hoặc là một thứ hoặc vi tế, chỗ mà bạn cảm giác không đến được, trầm ở dưới đáy tâm của bạn, vọng niệm vi tế, vô minh. Nguyện cầu đại hùng đại lực của Phật Thế Tôn trừ khử mê hoặc vi tế của tôi.

‘’ Khiến cho con sớm thành vô thượng giác.’’ Khiến cho con sớm thành Phật đạo.
‘’ Kiến lập đại đạo tràng trong khắp mười phương.’’ Kiến lập đạo tràng lớn trong mười phương thế giới, để hoằng dương Phật Pháp. Có người nói Ngài A Nan phát nguyện này rất mâu thuẫn. Ở trước nói : ‘’ Nếu còn một chúng sinh chưa thành Phật, con sẽ không thủ chứng quả vị Nê Hoàn.’’ Bây giờ lại hy vọng sớm thành Phật đạo, ngồi đạo tràng trong mười phương thế giới. Nguyện này không phải là mâu thuẫn chăng ? Không phải. Ở trước Ngài nói : ‘’ Con sẽ không thủ chứng quả vị Nê Hoàn ‘’. Là độ hết chúng sinh mới thủ chứng quả Nê Hoàn, nếu chưa độ hết thì không thủ chứng chánh giác ! Bây giờ thỉnh Phật gia bị cho Ngài. Khiến cho thô hoặc, tế hoặc của Ngài dứt sạch, chúng sinh cũng độ hết, khiến cho nguyện lực của Ngài mau chóng được thành tựu.

‘’ Khiến ‘’ là sử khiến cho Ngài sớm chứng được vô thượng giác, sớm thành Phật đạo, tức cũng thỉnh Phật giúp Ngài, Ngài phải độ hết chúng sinh. Nói : ‘’ Nếu còn một chúng sinh chưa thành Phật ‘’, là chỉ chúng sinh có duyên với Ngài, Ngài đều phải độ hết. Nếu chúng sinh không có pháp duyên với Ngài, thì đợi người khác độ, không phải tôi là luật sư biện hộ cho Ngài A Nan, chắc chắn là như thế. Nếu hết thảy tất cả chúng sinh trên thế giới đợi Ngài A Nan đi độ, thì các Bồ Tát khác làm gì ? Ðợi hương khói chăng ? Không có lý này. Phật, Bồ Tát cũng phân công hợp tác, mỗi vị tận hết khả năng, tùy duyên độ sanh. Giống như chúng ta ở đây có nhiều người khách đến, mọi người phân công hợp tác, bên đây lo phòng xá, bên kia lo quét dọn, đằng kia thì cắt cỏ. Ðây đều là ai lo việc nấy, là vì thành tựu đạo tràng, là ý nghĩa này. Cho nên bạn đừng cho rằng Ngài A Nan phát nguyện này mâu thuẫn, bạn phê bình như thế cũng làm cho Ngài A Nan một thân tội quá. Ngài A Nan muốn độ bạn nhưng mà bạn lại phê bình Ngài, nói Ngài mâu thuẫn. Ngài A Nan mâu thuẫn là việc của Ngài, chính bạn không mâu thuẫn thì được rồi. Các vị nghĩ xem, “đừng dùng tâm phàm phu để dò Thánh trí, dùng tâm tiểu nhân để đo bụng quân tử”, chỉ loạn thêm, phê bình là không thể được.

Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong, thước-ca-ra tâm vô động chuyển.

Tính hư không có thể tiêu vong, tâm hư không chẳng bao giờ lay động.

Giảng giải : ‘’Thuấn nhã đa‘’ là gì ? ‘’Thước ca la ‘’ lại là gì ?
‘’Thuấn nhã đa tính khả tiêu vong.’’ Là nói tính hư không cũng có thể không còn. Bạn nói hư không có thể không còn chăng ? Không thể. Vì nó là không, còn tiêu cái gì ? Nó vốn là không có gì, có gì để tiêu ? Nhưng Ngài A Nan lại nói nó có thể tiêu vong. Ðây chỉ là từ giả thiết. Hư không không thể tiêu vong cũng có thể tiêu vong.

Nam mô thường trụ thập phương Phật.
Nam mô thường trụ thập phương Pháp.
Nam mô thường trụ thập phương Tăng.
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Phật Ðảnh Thủ Lăng Nghiêm.
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam mô Kim Cang Tạng Bồ Tát.

Giảng giải : ‘’Nam mô thường trụ thập phương Phật, Nam mô thường trụ thập phương Pháp, Nam mô thường trụ thập phương Tăng.’’ Ðây là quy y Tam Bảo. Chúng ta quy y mười phương chư Phật. Lại quy y pháp của Phật nói. Lại quy y mười phương ba đời hiền Thánh Tăng. Hiền Thánh Tăng là đại Bồ Tát, đại A La Hán đều bao quát trong đó.

‘’ Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật ‘’. Quy y mười phương Tam Bảo rồi, lại quy y Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni theo tiếng Phạn dịch là “năng nhân tịch mặc”, “năng nhân” là phổ độ chúng sinh, “tịch mặc” là tịch nhiên bất động. Năng nhân cũng là cảm mà toại thông. Hay dùng nhân từ thí cho chúng sinh. Ðây là động tĩnh không hai. Năng nhân là động, tịch mặc là tĩnh. Ðộng tĩnh nhất như. Trong động tức là tĩnh, trong tĩnh tức là động. Ðộng không ngại tĩnh, tĩnh không ngại động. Bạn tu đạo tu đến động tĩnh nhất như, thì tìm được bổn thể, càng không có vọng niệm gì.

‘’Nam mô Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm‘’. Lại quy y Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm đại định này.

‘’ Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. ‘’ Lại quy y Quán Thế Âm Bồ Tát.

‘’ Nam mô Kim Cang Tạng Bồ Tát.’’ Lại quy y tám vạn bốn ngàn Kim Cang Tạng Bồ Tát. Niệm Chú Lăng Nghiêm thì có tám vạn bốn ngàn Kim Cang Tạng Bồ Tát thường bảo hộ bạn, theo hầu hai bên. Cho nên niệm Chú Lăng Nghiêm không phải là sự trồng căn lành một đời một kiếp, mà là đã trồng căn lành trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp về trước, mới có thể học và trì tụng Chú Lăng Nghiêm. Không phải trồng căn lành nơi một đức Phật, hai đức Phật, ba, bốn, năm đức Phật mà đã trồng căn lành với vô lượng ngàn vạn đức Phật, mới gặp được Chú Lăng Nghiêm.

Có người nghĩ : “Sư phụ, hôm qua Ngài nói, không minh bạch là diệu. Vậy tại sao lại phải giảng cho chúng con nghe “! Tôi giảng là việc của tôi, bạn không nghe là việc của bạn. Bạn có thể ngủ tại đó, đó lại càng diệu, nhập Tam ma địa ngủ. Một khi ngủ thì đi gặp Chu Công. Chu Công nói : ‘’ Hoan nghênh bạn đến ! Ðánh một ván cờ với bạn ‘’, thì đánh cờ tại đó, đợi giảng xong Chú Lăng Nghiêm thì bạn cũng đánh cờ xong, nói : ‘’ Ồ, cái gì thế ? ‘’ tôi cũng không biết.
Có một vị cư sĩ muốn cầu tôi quán đảnh cho các vị. Tôi cũng muốn làm tròn ý nguyện của các bạn. Bây giờ tôi dùng Quán Âm đại pháp để quán đảnh toàn thể các bạn. Mọi người đều ngồi tại chỗ, chắp tay lại, nhất tâm niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, tốt nhất là hãy nhắm mắt lại, đem tâm chân thành ra, đừng hoài nghi cũng đừng có tâm thử nghiệm. Phải nhất tâm nhất ý để tiếp thọ quán đảnh. Các bạn tu Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn, phải thành tâm một chút, từ từ tu pháp này. Tu pháp này tương lai sẽ đắc được thiên thủ thiên nhãn (ngàn tay ngàn mắt). Giống như Bồ Tát Quán Âm đến giáo hóa chúng ta. Ðây là kỳ vọng của tôi đối với các bạn. Tu pháp phải có hành vi chánh đáng, tâm địa tốt, không thể dùng tâm tham, không thể dùng tâm ô nhiễm đi lường gạt người. Không thể dùng pháp này đi phan duyên bên ngoài. Phải lão lão thực thực, không thể có hành vi bất chánh đáng, điều này rất quan trọng.

Nhĩ thời Thế Tôn, tùng nhục kế trung, dõng bá bảo quang, quang trung dõng xuất, thiên diệp bảo liên, hữu hóa Như Lai, tọa bảo hoa trung, đảnh phóng thập đạo, bá bảo quang minh, giai biến thị hiện thập Hằng hà sa, Kim Cang Mật Tích, kình sơn trì sử, biến hư không giới, đại chúng ngưỡng quan, uỶ aí kiêm bảo, cầu Phật ai hựu, nhứt tâm thính Phật, vô kiến đảnh tướng, phóng quang Như Lai, tuyên thuyết Thần Chú.

Lúc bấy giờ, từ trong nhục kế của Ðức Thế Tôn, vọt ra trăm luồng quang minh báu. Trong quang minh vọt ra hoa sen báu ngàn cánh. Trong hoa sen báu ngàn cánh, có hóa thân Như Lai ngồi trên đỉnh, phóng ra mười đạo trăm quang minh báu, mỗi mỗi quang minh, đều biến hiện vô số Kim Cang Mật Tích, nhiều như số cát mười sông Hằng, tay bưng núi, tay cầm chùy đầy khắp trong hư không. Ðại chúng đều chiêm ngưỡng quan sát, vừa sợ vừa thích, cầu Phật thương xót, một lòng lắng nghe Phật, từ tướng vô kiến đảnh của Như Lai, phóng quang minh diễn nói thần Chú.

Giảng giải : ‘’ Lúc bấy giờ ‘’, tức là lúc nói Chú Lăng Nghiêm. Bây giờ lại là lúc giảng Chú Lăng Nghiêm. Nói Chú Lăng Nghiêm là mấy ngàn năm về trước. Giảng Chú Lăng Nghiêm là mấy ngàn năm về sau. Nghe Chú Lăng Nghiêm là bây giờ, không phải quá khứ, cũng không phải vị lai. Vì quá khứ đã qua rồi, vị lai thì chưa đến. Còn về hiện tại, hiện tại cũng không ngừng. Nay bạn nói đây là hiện tại thì đã quá khứ rồi. Hiện tại cũng không tồn tại. Tại sao nói như thế ? Vì tâm quá khứ không thể đắc được, tâm hiện tại không thể đắc được, tâm vị lai không thể đắc được, ba tâm không thể đắc được. Chỉ có Chú Lăng Nghiêm là đắc được.

‘’ Ðức Thế Tôn ‘’, là thế, xuất thế, đều tôn kính. Lại không so sánh thì càng tôn quý, cao siêu tức là Phật. Lúc đó từ trên đỉnh nhục kế của Phật phóng ra trăm luồng quang minh báu, trong quang minh báu vọt ra hoa sen báu ngàn cánh. Trăm báu ở đây là biểu hiện bách giới. Hoa sen báu ngàn cánh là biểu hiện thiên như. Nói là nói như thế, thật ra không phải là biểu hiện bách giới thiên như mà là vô cùng vô tận, vô lượng vô biên. Có thể nói ba ngàn đại thiên thế giới, đâu chẳng phải từ trăm quang minh báu hóa thành. Trên hoa sen báu có hóa thân của Phật. Hóa thân là do không mà hóa có. Nói nó có, nó lại không có, nói nó không có, nó lại có. Hốt hiển, hốt ẩn, hốt có, hốt không. Ngước mặt xem ở trước, hốt nhiên lại ở sau. Hóa thân Như Lai, tức là Phật biến hóa thân, ngồi trên hoa sen báu ngàn cánh. Trên đầu hóa thân Như Lai, lại phóng ra mười luồng trăm quang minh báu. Mười luồng quang minh biểu hiện mười pháp giới. Mỗi mỗi quang minh đều phổ biến thị hiện Bồ Tát Kim Cang Mật Tích nhiều như số cát mười sông Hằng. Kim Cang Mật Tích cũng là Kim Cang Hộ Pháp, tức cũng là Hộ Pháp Kim Cang. Mật Tích tức là trầm mặc bảo hộ bạn. Niệm Chú có ít nhứt tám vạn bốn ngàn Kim Cang bảo hộ bạn. Thực ra không chỉ có chừng ấy, mà có nhiều như số cát mười sông Hằng, dùng máy điện toán cũng tính không được, số Hộ Pháp Kim Cang trong trầm mặc bảo hộ bạn. Bạn tự mình không nhìn thấy, nhưng có thật.

Bồ Tát Kim Cang Tạng một tay bưng quả núi lớn, một tay cầm cái chùy báu lớn, xem lớn cỡ nào, đầy khắp hư không.

“Ðại chúng đều chiêm ngưỡng quan sát, vừa sợ vừa thích, cầu Phật thương xót”. Sợ sệt, trong tâm như có con thỏ đang nhảy nhót. Nói không dám nhìn, lại bỏ chẳng đặng, muốn nhìn lại sợ sệt, đầu tóc đều dựng đứng, toàn thân đều nổi da gà.

“Vừa sợ vừa thích”, vừa có sợ vừa có sự ưa thích. Hai thứ tâm tình, hai thứ tư tưởng.

‘’ Cầu Phật thương xót‘’. Lúc đó bèn cầu Phật Thích Ca thương xót chúng ta.
‘’ Một lòng lắng nghe Phật ‘’. Lúc đó thật không có vọng tưởng, nhất tâm, không có tâm thứ hai. Không giống như các bạn nghe Chú Lăng Nghiêm, pháp sư giảng tại đây mà trong tâm khởi vọng tưởng, không thể nhất tâm. Ðương nhiên tôi không có đại oai đức như Phật, cho nên tôi giảng cho các bạn nghe, các bạn đều khởi vọng tưởng.

‘’ Từ tướng vô kiến đảnh của Như Lai.‘’ Không thấy được tướng đảnh của Phật. Tướng vô kiến đảnh này nhìn tựa có như không có, nói không có lại như có. Tướng vô kiến đảnh là bạn nhìn không thấy, cũng là không chỗ nào mà chẳng thấy, chẳng nhìn chẳng thấy.

‘’ Phóng ra quang minh diễn nói thần Chú.’’ Tức là Như Lai biến hóa trên hoa sen báu lớn, trên tướng vô kiến đảnh của Ngài sinh ra trăm quang minh báu, trăm quang minh báu lại có hoa sen báu ngàn cánh. Trên hoa sen báu ngàn cánh lại có hóa thân Như Lai, lại phóng đại quang minh diễn nói thần Chú. Ðây là Phật hóa Phật tuyên thuyết thần Chú. Không phải một số người có thể nghe được. Ðương thời, đều là những vị pháp thân Ðại Sĩ, đại Bồ Tát mới có thể nghe được thần Chú. Bạn muốn nghe thì trước phải học Chú Lăng Nghiêm. Học xong rồi mới có thể nghe.

Phật Ðảnh Quang Minh Ma Ha Tát Ðát Ða Bát Ðát La Vô Thượng Thần Chú

Lược thích danh nghĩa:

Giảng giải :

Tên Chú Lăng Nghiêm gọi là : ‘’ Ma Ha Tát Ðát Ða Bát Ðát La Ðà La Ni.’’ Lại gọi là : ‘’ Ma Ha Tát Ðát Ða Bát Ðát La Vô Thượng Thần Chú.’’

Ma Ha là tiếng Phạn, dịch là “Ðại” (lớn). Thể, tướng và dụng đều lớn. Thể khắp mười phương, tận hư không biến pháp giới là đại dụng. Nói đến tướng, nó không có tướng. Chú có tướng gì ? Nhưng vô tướng vô bất tướng. Cũng có thể nói nó chẳng có dụng gì, nhưng vô sở bất dụng (không có dụng gì mà không dụng). Tận hư không khắp pháp giới không chỗ nào mà không dụng. Dụng này là đại dụng, tướng là đại tướng, thể là đại thể, đó là nghĩa chữ Ma Ha.

‘’ Tát Ðát Ða ‘’, cũng là tiếng Phạn. Dịch là “bạch sắc” (màu trắng), cũng là thanh tịnh, nghĩa là không nhiễm ô. Cho nên nói : ‘’ Tướng tuyệt không nhiễm là trắng.’’ Chú Lăng Nghiêm là bạch tịnh pháp, là pháp thanh tịnh không nhiễm.

‘’ Bát Ðát La ‘’, cũng là tiếng Phạn. Dịch là “cái lọng”. Ðây là ví dụ. Ví dụ một cái lọng dùng để che vạn vật, che hộ hết thảy người có đức, ai có đức hạnh thì người đó gặp được pháp này. Người không có đức hạnh thì không gặp được pháp này. Cho nên nói : ‘’ Tam quang phổ chiếu thấu tam tài.’’ Phần đông cho rằng :‘’ Tam quang ‘’ là : nhật, nguyệt, tinh (mặt trời, mặt trăng, và sao). Nhật, nguyệt, tinh là ba thứ ánh sáng bên ngoài. Tụng trì Chú Lăng Nghiêm, thì trên thân có quang minh của thân, trong miệng có quang minh của miệng, trong tâm có quang minh của tâm. Thân miệng ý ba nghiệp đều phóng quang. Bạn nghe nói qua cái này chưa ? Ðây là nghe cái chưa nghe, thấy cái chưa thấy. Quang trên thân phóng ra là hoàng quang (quang minh màu vàng). Tu thành công rồi liền thành kim quang, kim quang vạn đạo. Bắt đầu tu Chú Lăng Nghiêm là hoàng quang, lâu dần thì biến thành kim quang. Cho nên nói :‘’ Tử ma kim sắc vạn đạo quang minh sung mãn pháp giới.’’ Nghĩa là vạn luồng hào quang vàng tía đầy khắp pháp giới. Ðều do tu Chú Lăng Nghiêm mà thành. Quang minh trong miệng phóng ra là hồng quang (quang minh màu đỏ). Quang minh trong tâm phóng ra là bạch quang (quang minh màu trắng). Nhưng có khi trong miệng cũng phóng ra hoàng quang, có khi lại phóng thanh quang (quang minh màu xanh), có khi lại phóng ra hắc quang (quang minh màu đen). Có lúc quang minh xanh, vàng, đỏ, trắng, đen đều phóng ra. Bất quá phải tu thành rồi mới có được.

‘’ Bát Ðát La ‘’ tức là uẩn ấm vạn đức (bao che vạn đức). Cây lọng trắng lớn bảo hộ che chở hết thảy chúng sinh có đức, chúng sinh thọ trì Chú Lăng Nghiêm. Cho nên nói : ‘’ Tam quang phổ chiếu thấu tam tài.’’ Tam tài tức là thiên, địa và nhân (trời, đất và con người).

‘’ Diêm phù thế giới nễ bất lai.’’ Tại thế giới Diêm Phù này bạn tìm khắp nơi cũng không được, nhất định phải thọ trì Chú Lăng Nghiêm mới đắc được thứ quang minh này.

‘’ Ðại đức đại thiện năng ư đắc.’’ Phải có đại đức hạnh, đại thiện mới đắc được pháp môn này.

‘’ Vô đức vô thiện bất minh bạch.’’ Nếu người không có đức hạnh, không có công đức lành thì dù có gặp được cũng sẽ lầm lẫn, hai bên trái nhau. Nhìn thấy vàng cho là đồng, thấy vòng kim cương cho là pha lê. Thấy được Chú Lăng Nghiêm, nhưng mà cho rằng rất là tầm thường, không có gì, không biết là quý báu ! Không biết là diệu, không biết công đức của Chú Lăng Nghiêm, là không thể nghĩ bàn. Tâm quang tức là ý niệm, tức là thức thứ sáu. Nếu bạn không tu hành, thì dùng gì cũng chẳng có. Nếu tu hành thì sẽ phóng quang. Vừa mới nói quang minh, không những chỉ thân miệng ý ba nghiệp thanh tịnh, phóng ra quang minh thanh tịnh, mà còn có quang minh mầu đỏ quấn chung quanh. Nếu bạn tụng Chú Lăng Nghiêm thì tự nhiên có quang minh mầu đỏ quấn chung quanh. Cho nên nói : ‘’ Thiên đóa hồng liên hộ trụ thân.’’ Hoa sen đỏ phóng ra quang minh màu đỏ.

‘’ Tọa câu kỵ tu mặc kỳ lân.’’ Thời đại khoa học mà nói cái này, thì người học khoa học sẽ cười rụng răng, bất quá như vậy cũng tốt, bằng không chẳng thể cười rụng răng, ngày ngày còn tại đó khoa học, khoa học !

‘’ Vạn yêu nhất kiến vãng viễn đóa.’’ Khi yêu ma, quỷ quái thấy oai đức tướng pháp thân, thân ngàn đóa hoa sen đỏ, thì đều xa lánh ẩn trốn.

‘’ Tế Công pháp sư hữu diệu âm.’’ Tụng Chú Lăng Nghiêm lại có quang minh màu tím, quang minh màu trắng quay chuyển. Tại sao khi tụng Chú Lăng Nghiêm, thì yêu ma quỷ quái không dám xuất hiện ? Vì sức mạnh quá lớn, khắp tận hư không biến pháp giới, không có chỗ nào mà không có tường quang khí đầy khắp. Cho nên có người tụng Chú Lăng Nghiêm, thì bổ thêm chánh khí cho trời đất. Một người tụng Chú Lăng Nghiêm là sức lực của một người, trăm người tụng Chú Lăng Nghiêm là sức lực của trăm người, như vậy thì yêu ma quỷ quái trên thế gian đều lão lão thực thực.

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, cũng dài nhất trong các Chú. Chú này quan hệ đến sự hưng suy của Phật Giáo. Nếu trên thế giới không có người nào tụng Chú Lăng Nghiêm thì thế giới sớm sẽ hủy diệt. Vì trên đời không còn chánh pháp. Chỉ có Kinh Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm là quan trọng nhất trong chánh pháp. Kinh Lăng Nghiêm mà nói, là vì Chú Lăng Nghiêm, là giải thích Chú Lăng Nghiêm, tán thán Chú Lăng Nghiêm. Trong Kinh Lăng Nghiêm có đoạn Kinh nói về kết pháp đàn rất tỉ mỉ. Muốn biết tỉ mỉ thì xem Kinh Lăng Nghiêm.

Chú Lăng Nghiêm gọi là Phật đảnh quang minh, là trên đảnh hóa thân của Phật nói. Cho nên là vi diệu không thể nghĩ bàn. Mỗi câu có đường lối dùng của mỗi câu, mỗi chữ đều có ảo diệu của mỗi chữ, đều không thể nghĩ bàn.

‘’ Phật đảnh quang minh ‘’, tức là biểu thị năng lực của Chú phá trừ hết thảy hắc ám, thành tựu hết thảy công đức. Nếu bạn thọ trì Chú Lăng Nghiêm thì tương lai nhất định sẽ thành Phật, nhất định sẽ được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Nếu thường tụng niệm Chú Lăng Nghiêm, thì có thể tiêu trừ nghiệp chướng đời quá khứ. Ðây là diệu dụng của Chú Lăng Nghiêm.

Sao gọi là ‘’ Vô ‘’ ? Vì cao minh vô cực, quang minh đến cực điểm rồi, thì không có gì siêu hơn quang minh này.

‘’ Thượng ‘’, là tôn thượng chẳng gì bằng.

‘’ Thần ‘’, tức là không thể nghĩ bàn, cũng là oai linh không thể dò được.

‘’ Chú ‘’, tức là cảm ứng đạo giao, có một thứ sức mạnh. Bạn niệm Chú thì có cảm ứng.

‘’ Phật Ðảnh Quang Minh, Ma Ha Tát Ðát Ða, Bát Ðát La, Vô Thượng Thần Chú.’’ Phật đảnh quang minh như cây lọng lớn, che chiếu khắp hết thảy người trì tụng Chú. Trên đây là đại khái ý nghĩa danh xưng.

Tôn chỉ dịch Chú

Phiên dịch Kinh, Chú gồm có bốn cách : Phương pháp phiên dịch Kinh Chú có bốn nguyên tắc.

Thứ nhất : ‘’ Âm chữ đều dịch, như Kinh văn vậy.’’ Âm cũng dịch, chữ cũng dịch, tức là hết thảy tất cả Kinh văn.

Thứ hai : ‘’ Âm chữ đều không dịch, Kinh sách bằng tiếng Phạn.’’ Âm là Phạn âm, chữ là chữ Phạn, tức là Kinh điển bằng Phạn văn.

Thứ ba :‘’ Dịch âm không dịch chữ, chữ vạn vậy.’’ Như chữ vạn chỉ dịch âm của nó.

Thứ tư : ‘’ Dịch chữ không dịch âm, các Chú ngữ vậy.’’ Dịch chữ thành văn tiếng Trung Hoa, nhưng âm là âm tiếng Phạn. Tất cả các Chú đều là một loại này, dịch sang tiếng Anh cũng giống nhau, chữ là chữ Anh văn, nhưng âm là âm tiếng Phạn. ‘’ Kim Cang đệ tứ.’’ Bây giờ nói là loại thứ tư này, dịch chữ không dịch âm.

Lại có năm loại không dịch:

1. ‘’ Bí mật : Là các Chú vậy. ‘’ Người khác không biết được, rất bí mật, làm sao có thể dịch. Chú ngữ mà dịch ra thì không còn bí mật nữa. Bí mật như thế nào ? Là trong một câu bao hàm nhiều ý, rất nhiều sức lực, rất nhiều cách dùng cho nên không dịch.

2. ‘’ Ða hàm Bạt Già lục nghĩa.‘’ Một câu bao hàm rất nhiều ý nghĩa cho nên không dịch. Như ‘’ Bát nhã ‘’ gồm có văn tự bát nhã, quán chiếu bát nhã, thực tướng bát nhã, có ba ý nghĩa cho nên không dịch. Lại như Bạt Già Phạm có sáu nghĩa cho nên không dịch. Sáu nghĩa là :

  1. Thứ nhất: Tự tại, tức là không nói dối. Khi nói dối thì tâm theo đuổi bên ngoài cho nên không được tự tại.
  2. Thứ hai: Xí thạnh tức là quang minh xí thạnh, không phải là ngũ uẩn xí thạnh.
  3. Thứ ba: Ðoan nghiêm, đoan chánh oai nghiêm, trang nghiêm.
  4. Thứ tư: Là danh xưng.
  5. Thứ năm: Là cát tường.
  6. Thứ sáu: Là tôn quý.

3. ‘’ Bổn vô. Như diêm phù thụ.’’ Tại Trung Quốc vốn không có cây Diêm phù, nếu dịch ra thì không ai hiểu, cho nên giữ nguyên cây Diêm phù.

4. ‘’ Thuận cổ. Như A nậu đa la tam miểu tam bồ đề.’’ Tức là cổ nhân dịch ra không sai. A nậu đa la tam miệu tam bồ đề nghĩa là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tôn trọng cổ nhân phí nhiều tâm huyết dịch ra. Chúng ta không tiêu tân lập dị làm ra cái mới, nói tôi giỏi hơn cổ nhân.

5. ‘’ Sinh thiện. Bát nhã tôn trọng.’’ Hay sinh ra đủ thứ pháp lành, cho nên cũng không dịch. Bát nhã cũng sinh thiện, cũng không dịch. ‘’ Kim thuộc đệ nhất.’’ Hiện thuộc đệ nhất bí mật không dịch.

‘’ Chánh mạch vân. Hiển giáo.’’ Như thọ phương hiển thuyết. Mật Chú. Như thọ dược mật trị.’’ Kinh cũng như toa thuốc, rất minh hiển. Mật Chú giống như liều thuốc, một liều thuốc đó, trị chứng bệnh đó, đến thời tự nhiên có sức lực đó, bạn không dễ gì biết được cho nên gọi là mật trị.

‘’ Nghĩa khai tam lực.

6. Lý pháp lực.’’ Dùng một chữ bao hàm vô biên diệu lý, như nguyên hưởng lợi trinh.

7. Oai đức lực. Tam bảo thần Thánh gọi là đức lực lớn, như thanh thế của vua thần.

8. ‘’Thực ngữ lực.’’ : Mật Chú có ba thứ lực. A. Lý pháp lực : Ðạo lý không có bờ mé, cho nên trong một chữ bao hàm vô lượng vô biên đạo lý vi diệu. Như Kinh Dịch có nói ‘’ Nguyên hưởng lợi trinh.’’ Bốn chữ, tức bao quát trong bát quái có rất nhiều nghĩa lý. B. Oai đức lực : Sợ oai đức đại chúng. Phật Pháp Tăng Tam Bảo thần Thánh, gọi là xưng phổ văn, công đức cũng lớn, lực lượng cũng lớn, đủ đại oai đức. Giống như quốc vương đại thần đủ thanh thế lớn. C. Thực ngữ lực.

‘’ Chân ngôn chú nguyện. Siêu phàm nhập Thánh. Như chiếu sắc kế cực.’’ Chúng ta niệm chân ngôn chú nguyện cho người, nói nguyện cho bạn được hết thảy cát tường, bình an. Vì ở đây không có vọng ngôn nên gọi là chân ngôn. Giống như chân ngôn trong bốn mươi hai Thủ Nhãn đều là chú nguyện, như nguyện cho bạn siêu phàm nhập Thánh, sớm thành Thánh quả. Chân ngôn lại như chiếu thư hoặc sắc ngữ của hoàng đế, kêu bạn làm gì thì bạn làm cái đó. “Kế cực” tức là thừa kế ngôi vua làm hoàng đế.

‘’Trường thủy diệc vân. Tự cổ bất phiên. Lược có ngũ ý.’’ Trường Thủy Pháp Sư nói từ xưa không dịch đại lược có năm ý nghĩa.

a) ‘’ Chư Phật mật ngữ, dư Thánh nan thông.’’ Những lời chư Phật nói, ngoài Thánh hiền ra, đều không ai hiểu được.

b) ‘’Chư Phật mật ấn, như vương ấn tín.’’ Tâm ấn bí mật của chư Phật giống như ấn tín của vua.

c) ‘’ Tổng trì pháp môn, Bà Già lục nghĩa.’’ Hay tổng tất cả pháp, trì vô lượng nghĩa, tức going như Bạt Già có sáu nghĩa.

d) ‘’Quỷ thần vương danh, Hồ sắc tự hộ.’’ Tên của quỷ thần vương, kêu chúng đến thủ hộ gia trì.

e) ‘’ Bất tư nghì lực, xá tội thọ thức.’’ Tội nghiệp đều xá miễn, gọi chúng đến nhận chút chức vụ, làm việc.

‘’ Cô Sơn viết. Chư Kinh mật Chú, liệt gia bất phiên.’’ Cô Sơn Pháp Sư nói chiếu theo quy cụ chư Kinh mật Chú thì không nên dịch.

‘’ Tự cô nhân sư, đa hữu di thuyết, Thiên Thai hội chi, bất xuất tứ tất.’’ Tất cả các pháp sư thời xưa đều thuyết pháp không giống nhau. Tông Thiên Thai tổng quát lại những sự thuyết pháp không ra ngoài bốn tất đàn.

‘’ Nhất vân Chú giả, quỷ thần vương danh. Xưng kỳ vương hiệu, bộ lạc kính chủ, bất cảm vi phi, thử thế giới hoan hỷ ích dã.’’ Trong Chú có tên các vua quỷ thần, như trong Chú Lăng Nghiêm có nhiều tên các vua quỷ thần, như Cưu Bàn Trà, Tỳ Xá Già. Bạn xưng tên đại quỷ vương thì tiểu quỷ vì cung kính quỷ vương, cho nên không dám làm càn, đều giữ quy cụ. Ðây là thế giới tất đàn. Khiến cho hết thảy mọi người trên thế gian đều được ích lợi vui vẻ.

‘’ Nhị vân Chú giả, như quân trung mật hiệu, tương ưng vô sở ha vấn, không tương ưng tức chấp trị, thị vi nhân sinh thiện ích dã.’’ Lại như trong quân đội, mỗi ngày đều có mệnh lệnh, từ lệnh của quan phát ra, binh lính ở dưới đều biết. Ban đêm trên đường trở về, nếu gặp nhau người không nhận ra liền hỏi mệnh lệnh. Hoặc đáp ‘’ thiên ‘’ hoặc đáp ‘’ địa.’’ Nếu đáp đúng thì chẳng có việc gì. Nếu trả lời sai thì sẽ có chuyện. Bạn không thể hỏi kẻ khác mệnh lệnh là gì. Nếu bạn đáp đúng thì không trách phạt bạn. Nếu đáp không tương ưng, thì bắt bạn để trị tội. Ðây là vì sinh thiện ích vậy.

‘’ Tam vân Chú giả, mật mặt già ác, dư vô thức giả, như tiện nhân bôn tha quốc. Tác xưng vương tử, thê dĩ công chủ, đa sân nan sự, nhân lai phẩu minh, giả nhất kệ ngôn, mặc nhiên tự hiết, tức đối ác trị phá ác ích vậy.’’ Bí mật của Chú hay tiêu trừ tội nghiệp, nhưng người không biết, giống như kẻ địch trốn ra nước khác, lường gạt người nói tôi là thái tử của nước nọ. Vua tin lời, bèn gả công chúa cho y, y là kẻ bần cùng bỗng nhiên giàu có, ra vẻ ta đây, rất là sân hận, cái này cũng không đúng, cái kia cũng không đúng. Khắp thân đều nóng giận, rất khó phục dịch. Có một người biết lai lịch của y. Bèn giả mượn một bài kệ nói y. Bài kệ này trước đã nói qua, nhưng mọi người đều quên mất, tôi làm lại một bài kệ :

‘’Không đức đi nước khác
Lường gạt thảy mọi người
Vốn là kẻ bần cùng
Sao lại quá sân hận.’’

Không có đức hạnh chạy đi đến nước khác, lường gạt hết thảy mọi người, bổn lai là một kẻ bần cùng, hà tất quá sân hận. Ðọc bài kệ này cho y nghe thì y liền lão thực, bảo cho biết rằng mọi người đều biết bí mật của y, thì y không dám nóng giận, đây là đối trị tập quán kẻ ác, làm cho chừa bỏ tập quán ác.

‘’ Từ vân Chú giả, chư Phật mật ngữ, duy Thánh nãi tri, như vương tác Tiên đà bà, nhứt danh tứ thực, Diêm, thủy, khí, ngựa dã, quần hạ mạc nhiêu, duy trí thần tri. Chú kỳ nhất ngữ, biến hữu chư lực, bệnh dũ tội diệt, sinh thiện hợp đạo, nhập lý đệ nhất nghĩa.’’ Chú là ngôn ngữ bí mật của chư Phật. Chỉ có chư Phật mới biết đạo lý của nó. Cũng như Quốc vương muốn Tiên đà bà. Tiên đà bà là gì ? Là muối, nước, khí, ngựa đều là tiên đà bà. Vua muốn Tiên đà bà, thì chẳng ai biết vua muốn gì. Chỉ có quan là người có trí huệ mới biết. Ví như lúc vua ăn cơm, thì muốn Tiên đà bà, ông quan có trí liền biết là muốn muối, ăn cơm xong lại muốn Tiên đà bà, tức là muốn nuớc rửa tay và xúc miệng. Khi vua muốn đi du hành thì muốn Tiên đà bà, tức là ngựa, cho nên nói bốn thứ vật đồng một tên gọi. Muốn xem vua lúc nào muốn gì, phải biết cơ. Cho nên nói chỉ có ông quan có trí mới biết. Chú cũng như thế, một câu Chú có rất nhiều ý nghĩa. Quỷ thần đều biết. Chỉ có một câu Chú bao hàm rất nhiều nghĩa lý, rất nhiều sức lực. Sức lực gì ? Là trị hết bệnh, giải độc, tiêu trừ nghiệp chướng, còn có thể sinh thiện, hợp làm một với đạo. Khôi phục thiên lý vốn có.
‘’ Chú cụ tứ ích, diệc như thị dã.’’ Chú có đủ bốn điều ích lợi, cũng giống như Tiên đà bà, một lời có đủ bốn nghĩa. Bốn điều lợi ích là đối trị tất đàn, phá ác tất đàn, nhập lý tất đàn, sinh thiện tất đàn, như đã nói ở trên.

Chú Lăng Nghiêm rất là hiếm có, là pháp hội khó gặp được. Nhưng các bạn tại đây nghe Chú Lăng Nghiêm một bên thì nghe, một bên thì ngủ, không những tự mình không đắc được thọ dụng, còn người khác cũng ngồi đó khởi vọng tưởng, đó là hành vi không cung kính pháp. Nếu như bạn học pháp mà không nghe lời thầy, đó gọi là trộm pháp. Lúc bạn nghe pháp mà không chú ý nghe, ngủ gục đó gọi là mạn pháp. Mạn pháp và trộm pháp đều không hợp pháp, lúc các bạn nghe pháp nghĩ muốn buồn ngủ, thì có thể trước khi đến nghe uống ly cà phê, hoặc một ly trà, chớ đừng đến đây, chịu không được, rồi ngủ tại đây, đánh cờ với Chu Công. Ðó là làm cho thời gian trôi qua không, bỏ mất cơ hội. Bạn phải biết, bạn đến giảng đường này là vì pháp mà đến, không phải vì ngủ mà đến, cũng không phải vì ăn mà đến. Tức nhiên vì pháp mà đến thì phải được một chút pháp, đừng lụy tôi lãng phí nhiều khí lực, bạn nhập tam muội ngủ tại đó, rất tự tại, rất đoan nghiêm, rất cát tường cũng rất tôn quý, đều bao quát sáu nghĩa Bát già phạm. Như vậy chẳng tốt chút nào. Cho nên tôi hy vọng những người ngủ lúc nghe Kinh thì hãy phấn chấn tinh thần lại, đừng ngủ nhiều như thế.

‘’ Vu Khê vân, sơ viết. Quỷ thần vương danh như Tỳ Xá Già, Cưu Bàn Trà,Yết La Ha Ðẳng. Hựu sơ hội Bà già đế đẳng. Giai chư Phật Bồ Tát danh. Thử xử văn giả cảm kỳ ân. Hựu sơ hội mạt Bạt Xà La, Thương yết la chế bà đẳng. Giai Kim Cang mật tích hiệu. Thử xử văn giả, úy kỳ oai, giai hoan hỷ ích, hựu mỗi hội mạc, hoặc như quân trung mật lệnh, hoặc như mật mặc già ác, hoặc thị chư Phật mật ngữ, vô phi dục linh văn trì tụng giả. Hoan hỷ sinh thiện, diệt ác nhập lý nhi dĩ. Cố hiển mật thuyết, nghĩa lợi nhất dã.’’ Vu Khê Pháp Sư nói, tên của các vua quỷ thần : Tỳ Xá Già, Cưu Bàn Trà tức là quỷ ứng hình, Yết La Ha .v.v., đợi khi giảng đến Chú thì sẽ nói rõ. Lại đầu sơ hội Bà già bà đế .v.v., đều là danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát, khiến cho người nghe đến cảm kích thâm ân của Phật Bồ Tát. Lại cuối sơ hội Bạt đồ la, Thương yết la chế bà .vv., đều là tên của Kim Cang Mật Tích. Khiến cho hết thảy thiên ma ngoại đạo, li mị nghe đến thì sanh tâm kinh sợ, đó đều là những sự hoan hỷ ích lợi. Lại cuối mỗi hội, hoặc như mật lệnh trong quân đội, hoặc trong sự tịch mặc che lấp sự xấu ác, hoặc là lời bí mật của chư Phật, đâu chẳng phải là muốn cho người nghe Chú Lăng Nghiêm, người trì tụng Chú Lăng Nghiêm hoan hỷ sinh thiện, tiêu trừ ác nghiệp, khôi phục lại bản thể thiên lý. Cho nên hoặc hiển nói hoặc mật nói đều lợi ích chúng sinh như nhau.

‘’ Trường Thủy diệc viết. Ðát Ðiệt Tha tiền. Chư cú Chú ngữ. Câu thị quy mạng chư Phật Bồ Tát Chúng hiền Thánh đẳng. Cập tự Chú nguyện gia bị, ly chư ác quỷ bệnh đẳng chư nạn. Cú án tự hạ, phương thuyết Chú tâm, nhiên thử tức thị bí mật Thủ Lăng Nghiêm dã, tự cổ bất phiên.’’ Trường Thủy pháp sư nói ở trước Ðát Ðiệt Tha (trước tâm Chú) đều là quy mạng chư Phật, Bồ Tát, hiền Thánh, hoặc là chú nguyện gia bị, viễn ly chư ác quỷ bệnh, ly khổ đắc lạc .v.v., đến chữ Án mới nói tâm Chú. Tâm Chú này đều là bí mật của Thủ Lăng Nghiêm đại định.

‘’ Bổ Di vân. Thánh địa mật ngữ, phàm khải năng giải túng phiên hoa ngôn, nghĩa diệc mạc nhiêu, liệt như điển ngữ danh vật, vật thật bất dị, hậu nhân mạc tri. Kỳ do đại vũ nhu Mao. Dĩ Triệu ngưu dương, thanh địch thanh chước. Dĩ triệu thủy tửu. Nhi dong tục giả. Bất liễu thử vi hà ngữ. Hiển mật chi đàm, diệc nhược thử dã.’’ Trong Bổ Di nói mật ngữ tại địa vị Thánh nhân, chúng ta phàm phu tục tử làm sao hiểu được ? Tuy nhiên lại phiên dịch thành Hoa ngữ, cũng không thể hiểu được nghĩa lý của nó. Như điển ngữ, danh vật, nhưng người sau nghe, chẳng biết chỉ cái gì ? Ðây giống như người nói lời văn nhã, gọi bò là ‘’ đại vũ ‘’ gọi dê là ‘’ nhu mao ‘’ ; nói ‘’ thanh địch ‘’ là chỉ nước, nói ‘’ thanh chước ‘’ là chỉ rượu. Người không có học vấn thì không hiểu là nói cái gì ? Giống như bây giờ tôi nói ra bạn mới biết, nếu tôi không giảng thì bạn cũng không biết đại vũ, nhu mao, thanh địch, thanh chước là gì ? Nói các thứ hiển mật cũng giống như vậy.

‘’Thượng tự chư giải bí mật bất phiên. Kim gia thích vân. Khảo chư cổ đức, diệc hữu phiên giả. Tãn trúc pháp hộ, chánh pháp hoa trung, đà la ni Chú, phiên tự hựu phiên âm dã, trì tâm phạm thiên sở vấn Kinh trung. Chú cú tự âm, diệc tịnh phiên dã.’’ Phần trước sở thuyết hết thảy đều là nói dụng ý bí mật không dịch. Bây giờ lại có người nói cổ đức cũng có phiên dịch Chú ngữ, như Trúc Pháp Hộ tôn giả trong Chú Chánh Pháp Hoa Ðà La Ni dịch văn lại dịch âm. Lại trong Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn Chú ngữ cũng đều phiên dịch thành Hoa ngữ, bất quá bản dịch này không chánh thức lưu thông, do đó rất ít người biết.

‘’Hựu ngũ bất phiên. Bạt già, phiên Thánh tôn, Diêm phù, phiên thắng kim. A nậu bồ đề, phiên vô thượng giác. Bát nhã, phiên trí huệ. Tích mật bất phiên, kim hà năng tri. Chí vu bí mật chư Chú. Ðường, kim cang trí Tam Tạng, lược xuất niệm tụng trung. Phiên thích Chú ngữ, bất không thượng sư, nhân vương bát nhã lý thú thích. Tống. Tam Tạng cầu ra. Thích thần Chú tứ thập bát danh. Hiền Thủ quốc sư, giải Bát Nhã Chú. Tây thổ Long Thọ Bồ Tát, trì minh tạng trung, thích Chuẩn Ðề Chú cập chư mật ngữ. Thủ hộ quốc chủ Ðà la ni Kinh. Ðại Bi không trí. Nhứt tự đẳng Kinh. Phật dữ Bồ Tát. Thân miệng tán thích tự chủng Chú ngữ. Niết bàn bát nhã. Hoa Nghiêm Kinh trung. Phật dữ Ca Diếp, thiện hiện, chúng nghệ tri thức, giải thích tứ thập nhị tự mẫu nghĩa, tắc tri chư bộ bí mật chân ngôn, diệc y mật tạng, khả phiên giải dã.’’ Lại trong năm thứ không dịch. Bạt Già Phạm dịch là Thánh tôn, A nậu bồ đề dịch là vô thượng giác, Bát nhã dịch là trí huệ, Diêm Phù dịch là thắng kim. Trước không dịch bây giờ sao lại dịch ? Cho đến bí mật của các Chú vào đời Ðường có vị Tam Tạng Kim Cang Trí lược ra có phiên dịch Chú ngữ trong niệm tụng nghĩa quy. Bất Không thượng sư trong Nhân Vương Bát Nhã Lý Thú Thích cũng giải thích qua Chú ngữ. Lưu Tống Tam Tạng Cầu Na tôn giả cũng phiên dịch thần Chú tứ thập bát danh. Quốc sư Hiền Thủ cũng giải thích Chú Bát Nhã. Bồ Tát Long Thọ trong Trì Minh Tạng cũng giải thích Chú Chuẩn Ðề và những bí mật của Chú. Trong Kinh Thủ Hộ Quốc Chủ Ðà La Ni, Ðại Bi Không Trí .v.v., Phật và Bồ Tát tán thán và giải thích loại chữ của Chú và lời lẽ ý nghĩa. Trong Kinh Niết Bàn, Kinh Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm, Phật và Tổ Sư Ca Diếp, Tu Bồ Ðề tôn giả, chúng thế thiện tri thức cũng giải thích nghĩa lý bốn mươi hai tự mẫu Hoa Nghiêm. Do đó biết rằng các bộ mật ngữ chân ngôn y chiếu theo đạo lý mật tạng cũng có thể dịch.

‘’Kim Lăng Nghiêm Chú. Ðát Ðiệt dĩ tiền. Ngũ hội chân ngôn. Án tự dĩ hậu, tài thị tâm Chú. Tịnh y Ðường Tuần Châu Hoài dịch thích. Xuất đại tạng thâm tự hàm.’’ Cho nên bây giờ Chú Lăng Nghiêm cũng có phiên dịch. Chú Lăng Nghiêm trước ‘’Ðát Ðiệt Tha‘’ là chân ngôn năm hội (năm đệ). Từ sau chữ Án mới là tâm Chú. Bây giờ y chiếu vào sự phiên dịch và giải thích của pháp sư Tuần Châu Hoài vào đời Ðường. Ðây là xuất từ thâm tự hàm trong đại tạng Kinh.

‘’ Thượng minh cổ thế nguyên phiên, hạ hiển dịch thành đa ích. Nhược khai phiên ích, lược liệt có nhị thập tứ.’’ Trước đã nói rõ dụng ý đời xưa vốn không dịch. Sau nói rõ chỗ ích lợi của sự phiên dịch đại khái có hai mươi bốn thứ.

1. ‘’Tri chư Phật hiệu, xưng thường tắc kiến Phật thân’’ : Biết được hết thảy danh hiệu của chư Phật. Như trước có một đoạn đều là danh hiệu của chư Phật. Xưng tức thường thấy thân Phật. Nếu bạn thường tụng Chú Lăng Nghiêm thì thường thấy được pháp thân của chư Phật.

2. ‘’Tri bổn Tam Bảo, trượng bằng oai đức gia trì’’ : Biết được Phật Pháp Tăng Tam Bảo. Nhờ oai đức để gia trì cho chúng ta.

3. ‘’Tri Kim Cang Tướng, tà ma tân lai quy hàng’’ : Biết Kim Cang Tướng như Bạt Ðồ La, Thương Yết La .v.v. Tất cả tà ma ngoại đạo đều đến quy hàng.

4. ‘’Tri quỷ thần vương, Bộ đảng hồi hộ vô ương’’ : Vì bạn biết vua quỷ thần thì bộ đảng dưới quyền của chúng sẽ cung kính bạn.

5. ‘’Tri Phật Chú, ngũ bộ đệ nhất tôn thắng’’ : Biết năm bộ, chính giữa là Phật bộ, Phật Tỳ Lô Giá Na là chủ. Phương nam là Bảo bộ, Phật Bảo Sinh là chủ. Phương đông là Kim Cang bộ, cũng là A Súc bộ, Phật A Súc, cũng là Phật Dược Sư là chủ. Phương tây Liên Hoa bộ, Phật Di Ðà là chủ. Phương Bắc là Yết Ma bộ, Phật Thành Tựu là chủ. Biết năm bộ Phật Chú là đệ nhất Tôn Thánh, là tối diệu.

6. ‘’Tri đảnh Chú, niệm thời chư Phật quán đảnh’’. Biết đây là Phật đảnh quang minh Ma Ha Tát Ðát Ða Bát Ðát La Vô Thượng Thần Chú. Bạn niệm Chú Lăng Nghiêm thì mười phương chư Phật đều đến quán đảnh cho bạn.

7. ‘’Thần Chú linh thông cảm ứng nan tư’’ : Linh thông cảm ứng không thể nghĩ bàn.

8. ’’Minh Chú sinh đại trí huệ quang minh’’ : Biết Chú thì sinh đại trí huệ, lại phóng đại quang minh.

9. ‘’Tri Chú vương nhứt thiết Chú trung tổng vương’’ : Biết Chú Lăng Nghiêm là vua trong tất cả các Chú.

10. ‘’Tri Chú tâm, tụng tức kiến tính minh tâm’’ : Biết đoạn đó là tâm Chú, thường thường tụng niệm lại chuyên nhất thì sẽ minh tâm kiến tánh, khai đại trí huệ.

11. ‘’Chú Ấn. Ấn tín phú quý vô vi’’ : Biết Chú ấn, tam pháp ấn, tụng trì Chú Lăng Nghiêm thì ít nhất trong bảy đời đều là người giàu có nhất trên đời.

12. ’’Chú quyết. Biến hóa vạn vật mạc trắc.’’ : Chú còn dịch là quyết. Thần thông của Chú biến hóa khó dò. Có người nói tôi tụng Chú không phải vì cầu giàu có, bạn cầu thần thông thì được thần thông, cầu khai ngộ thì được khai ngộ, cầu trí huệ thì được trí huệ, tùy ý bạn. Không phải muốn dạy bạn nhất định cầu phú quý.

13. ‘’Chú nguyện. Nhân quả tùy nguyện viên thành’’ : Muốn cầu gì, phát nguyện gì đều sẽ thành tựu.

14. ‘’Chú trớ, tương yếu họa phước vô sai’’ : Bạn niệm Chú, nguyện khiến cho kẻ khác được phước thì người đó liền được phước. Nguyện người đó gặp họa thì liền gặp họa, bất quá đừng có tâm làm hại kẻ khác. Niệm Chú nguyện cho kẻ khác gặp họa thì không đúng.

15. ‘’Chú chúc. Kỳ đảo Phật thiên như hưởng’’ : Bạn cầu gì thì như tiếng vang tùy tâm mãn nguyện không khác.

16. ‘’Chú pháp. Phát khai trí biện vô ngại’’ : Chú pháp hay khai mở trí huệ của bạn, khiến cho bạn được biện tài vô ngại.

17. ‘’Tri tự bổn. Tam tạng văn tự căn bổn’’ : Biết nguồn gốc tiếng Phạn, đây là căn bản tam tạng văn tự. Tam tạng là do Phạn văn phiên dịch ra.

18. ‘’Tri tự mẫu. Hiển mật Thánh hiền tùng sinh’’ : Biết hết thảy Thánh hiền hiển giáo và mật giáo đều từ tự mẫu sinh ra.

19. ‘’Tự nghĩa. Hàm nhiếp vô biên lý thú’’ : Nghĩa lý của chữ là bao hàm nghĩa thú vô biên.

20. ‘’Tự chủng. Nguyên vì chư Phật trí chủng’’ : Chữ Phạn nguyên là (hạt) giống trí tuệ của chư Phật.

21. ‘’Tri Phạn âm. Phật thiên tối tiên truyền xuất’’ : Biết âm của Chú là do Phật trời truyền ra trước nhất.

22. ‘’Tri tổng trì nhứt thiết pháp nghĩa tổng cai’’ : Hết thảy nghĩa lý của pháp đều nhiếp hết thảy.

23. ‘’Tri chân ngôn. Như sở thuyết bất khi’’ : Biết chân ngôn đều như sở nói, đều là chân thật, không có một câu vọng ngữ.

24. ‘’Tri mật ngữ. Quân lệnh Thánh chỉ vô duệ.’’ : Biết Chú ngữ giống như mệnh lệnh trong quân đội, lại như Thánh chỉ của hoàng đế không khác, không thể nói cho người khác biết.

‘’Tiền tứ. Cục ngữ hội, hậu nhị thập, thông Chú tâm.’’ : Bốn hạng trước là giới hạn nơi năm hội chân ngôn. Còn hai mươi hạng sau cũng bao quát tâm Chú trong đó.

‘’Thử tắc thống thị tiền hậu Chú ích. Nhược phiên mạc hậu Chú tâm. Pháp ích hữu lục.’’ : Ðây là nói rõ tổng quát sự dịch Chú. Nếu phiên dịch tâm Chú có sáu thứ lợi ích.

1. ‘’Nhứt tự hàm đa pháp nghĩa.’’ : Một chữ bao hàm rất nhiều nghĩa lý, lực lượng vô cùng vô tận, oai đức vô lượng vô biên.

2.’’Hoa Phạn âm tự viên thông.’’ : Chữ, âm đều phiên dịch thành Hoa văn (Hán ngữ), lại có Phạn văn, đều biết cả hai, hổ tương ứng dụng, viên thông vô ngại.

3. ‘’Biểu hiển tam tạng tam thập tâm.’’ : Tam tạng là Kinh, Luật và Luận.

4. ‘’Thị cai tam hiền địa đẳng diệu.’’ : Tam hiền tức là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng. Ðịa tức là thập địa, đẳng tức là đẳng giác, diệu tức là diệu giác.

5. ‘’Hồi quy tam thập thất Thánh.’’ : Tức là đã nói quả vị ở trước.

6. ‘’Kinh vĩ nhất thiết tự mẫu.’’ Tự mẫu Phạn văn có ngang có dọc.

‘’Mật Bộ. Vấn : Chân ngôn Phạn tự. Hà hữu như thị bất khả tư nghì thần dụng ích tướng. Ðáp : Thị chư Phật tâm thể cố, Pháp tính như thị cố. Nhứt tự chân đa pháp nghĩa cố, Bồ Tát hạnh nguyện cố, bất tư nghì thần lực gia trì cố.’’ Trong bộ môn Mật Tông này có người hỏi : Chân ngôn chữ Phạn tại sao có sự diệu dụng không thể nghĩ bàn như thế ? Có tướng trạng lợi ích như thế. Ðây là vì Chú chữ Phạn là chân tâm bổn thể chư Phật cho nên có thứ lực lượng không thể nghĩ bàn. Lại vì bổn tính của pháp có đại lực lượng như thế. Hơn nữa vì chư Phật Bồ Tát phát những hạnh nguyện không thể dùng tâm suy xét, không thể dùng lời nói bàn luận. Các bậc ấy dùng thần Chú để gia trì khiến cho bạn đắc được rất nhiều lợi ích.

‘’ Thử xuất phiên dịch linh đắc đa ích như thị, hạ phục giới khuyến hành nhân. Vô đắc vọng đàm’’ : Ðây là nói phiên dịch có rất nhiều lợi ích. Phía dưới lại khuyên bạn từ từ tu hành, đừng phạm giới luật, đừng vọng ngữ. Nếu không thì trì Chú sẽ không linh, không thể tùy tiện ăn nói lảm nhảm bậy bạ, tạo thị phi, không nên nói những lời không công bình.‘’Hựu đà la ni môn chư bộ yếu mục vân. Du già hội thuyết ngũ bộ.

  1. Phật Bộ, Tỳ Lô vi chủ.
  2. Kim Cang Bộ, A Súc vi chủ.
  3. Bảo Bộ, Bảo Sinh Phật vi chủ.
  4. Liên Hoa Bộ, Di Ðà vi chủ.
  5. Yết Ma Bộ, Thành Tựu vi chủ’’ : Chính giữa, Phật Tỳ Lô Giá Na là bộ chủ. Chính giữa thuộc về thổ, thạnh vượng bốn mùa. Cho nên Phật là khắp cùng pháp giới. Phương đông, Kim Cang Bộ tức là Mật Tích Kim Cang, Phật A Súc là bộ chủ, tức Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật. Phương nam, Bảo Bộ, Phật Bảo Sinh là bộ chủ. Phương tây, Liên Hoa Bộ, Phật Di Ðà là bộ chủ. Phương bắc, Yết Ma Bộ, Phật Thành Tựu là bộ chủ.

‘’Ngũ bí mật tu hành niệm tụng nghĩa vân. Ngũ bộ. Tức ngũ mật du già pháp môn, vị tiêu tai, tăng ích, hàng phục, quân triệu, kính ái pháp dã. Kim thuộc Phật bộ. Tăng ích xuất thế pháp môn’’ : Có một quyển sách gọi là bí mật tu hành niệm tụng nghĩa thức, tức là năm pháp môn Du già bí mật. Trong năm pháp môn, có một môn thuộc Phật Bộ tức là tăng ích xuất thế pháp môn.

‘’ Tô Tất Ðịa Kinh vân. Phiến Ðể Ca. Tiêu tai pháp. Bổ sắt chưng ca. Tăng ích pháp. A tỳ giá lỗ ca. Hàng phục pháp. Thử tam bộ. Các hữu tam đẳng chân ngôn. 1. Thánh giả thuyết. Chư Phật. Bồ Tát. Duyên giác. Thanh văn. Các vi Thánh giả chân ngôn. 2. Chư thiên thuyết. Tùng tịnh cư thiên, nãi chí tam thập tam thiên, thị vi chư thiên chân ngôn. 3. Ðịa cư thiên thuyết, Bát bộ thần vương, danh vi địa cư thiên chân ngôn. Kim đương Phật Thánh, tăng ích bộ dã’’ : Trong Kinh Tô Tất Ðịa nói Phiến Ðể Ca tức tiêu tai pháp môn. Bổ Sắt Chưng Ca tức tăng ích pháp môn. A Tỳ Giá Lỗ Ca tức hàng phục pháp môn. Ba bộ này hợp lại có tam đẳng chơn ngôn.

1.  Một loại chân ngôn là pháp Thánh nhân nói tức là mười phương ba đời hết thảy chư Phật, hết thảy chư Bồ Tát, hết thảy Thanh Văn và Duyên Giác tứ bậc Thánh nói ra.

2. Chư thiên nói chân ngôn, bao quát từ trời Tịnh Cư cho đến trời Tam Thập Tam.

3. Ðịa Cư thiên chân ngôn, nhân gian cũng thuộc về địa cư thiên, đây là bao quát tám bộ vua quỷ thần, thuộc về Phật bộ tăng ích pháp môn.

‘’ Hội nghĩa vân. Mật bộ hữu tam. 1. Phật Bộ. 2. Bồ Tát Bộ. 3. Quỷ Thần Bộ. Các luận thượng trung hạ tam phẩm. Thành tựu tăng ích, danh thượng phẩm pháp. Nhương tai nhiếp triệu, danh trung phẩm pháp. Hàng phục, danh hạ phẩm pháp.’’ : Thành tựu, tăng ích đây là hai thứ pháp thuộc về thượng phẩm pháp môn. Nhương tai, nhiếp triệu là trung phẩm pháp môn. Nhiếp triệu tức là quân triệu, tức là tập nã pháp. Tiêu tai tức là bạn có tai nạn gì, tụng Chú thì liền tiêu trừ. Nhưng bạn còn phải trừ khử tai (nạn) trong tâm. Nếu bạn chỉ niệm Chú, mà trong tâm cứ khởi những vọng niệm không trong sạch nào tạp niệm đầy dẫy thì tai (nạn) căn bản không thể tiêu trừ được, niệm bất cứ Chú gì cũng vô dụng. Do đó muốn tiêu tai thì trong tâm trước phải thanh tịnh, thu thập tâm cho sạch sẽ, đó mới là chân tiêu tai. Nếu không, trong tâm đầy dẫy tham sân si thì niệm Chú gì cũng không linh. Do dó trong tâm là quan trọng nhất. Tâm nhất định phải từ bi lương thiện, giúp đỡ mọi người, chỉ có một thứ tâm tốt. Ðây là tăng ích tiêu tai pháp. Nhiếp triệu tức quân triệu pháp, giống như cảnh sát bắt phạm nhân, yêu ma quỷ quái làm việc ác, khiến cho người sinh bệnh, sinh tai nạn, khi bạn tụng Chú thì yêu ma quỷ quái bò ra. Nhưng bò là bò ra, song có thời chúng không phục, phải dùng đủ thứ phương pháp để giáo hóa chúng. Riêng hàng phục là hạ đẳng pháp. Thượng đẳng pháp không dùng bất cứ thế lực nào để đàn áp bức bách bất cứ ai, và bất cứ yêu ma quỷ quái, không thể đấu tranh với chúng. Ðừng học A Tu La đấu tranh kiên cố như thế. Tự mình biết rõ có một sức lực có thể hàng phục chúng, cũng đừng dùng. Phải dùng đức hạnh để giáo hóa chúng, cảm hóa chúng.

‘’ Thượng pháp hựu tam. Vị hạnh nghi, quán pháp, nghiêm sở. Tam phẩm pháp dã. Thông dĩ vô thượng bồ đề tâm vi chủ ’’ : Bất cứ tu pháp gì đều phải lấy bồ đề đạo tâm làm chủ, đại từ đại bi, đại hỷ đại xả. Không thể dùng đạo lực để áp bức bất cứ ai hoặc bất cứ yêu ma quỷ quái.

‘’ Nhược vô sư truyền. Tắc danh đạo pháp.’’ : Pháp phải có thầy truyền cho bạn. Nếu không có thầy truyền pháp tức gọi là ăn trộm pháp.

‘’Nhược vi hạnh nghi, tắc chiêu ác báo.’’ Nếu bạn không tìm cách để tu pháp này thì thiện thần hộ Chú sẽ không vui vẻ.

‘’Nhược phạm nghiêm sở chiếp dĩ công hiệu. Hướng tha nhân thuyết. Tịnh Phật bất tư nghì tứ tất ích’’ : Nếu bạn thường nói với kẻ khác rằng bạn trì Chú có linh cảm hiệu lực gì, niệm Chú Ðại Bi trị được bệnh gì, niệm Chú Lăng Nghiêm lại đắc được cảm ứng gì. Ðó cũng giống như bán thuốc cao, đây gọi là rao bán sự tu hành, không đúng. Nếu như thế thì sẽ gặp tai họa. cũng không đắc được sự lợi ích không nghĩ bàn của bốn tất ích.

1. ‘’ Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn Kinh vân. Hành nhân nhược dục tốc tụng. Tốc đắc tất địa. Nghĩa lợi thành tựu giả. Sở hữu nghi pháp. Bất đắc tiêm hào khuyết phạm. Sử giả ma chướng nhi đắc kỳ tiện. Thị cố hành nhân, đương tâm trì tụng. Trường thời vô gian. Sử quán tưởng chân ngôn tự chủng. Nhứt nhứt tinh thục, sự sự tương ưng. Phương thành du già vô tác diệu hạnh’’ : Nếu người thực hành hy vọng tu pháp muốn mau chóng đắc được lợi ích và thành tựu của Chú thì các phương pháp tu hành không được tơ hào khuyết phạm. Không thể không giữ quy cụ. Không thể cứ nghĩ đi lường gạt người, đi chiếm tiện nghi của người thì không được, như thế không những một chút cảm ứng cũng không có, ngược lại sẽ có tai họa. Nếu cứ khoe khoang công đức của mình thì sẽ có sự sơ hở, ma liền được tiện lợi, cũng giống như bạn có báu vật, không cất giữ nó mà lại để ngoài cửa thì nhất định bị người trộm đi. Cho nên tu Phật Pháp nhất định phải cẩn thận, đừng để thiên ma ngoại đạo được tiện lợi. Phải từ từ trì tụng. Trì Chú phải giống như mặc y, ăn cơm, ngủ nghỉ. Mỗi ngày không thể thiếu, phải lâu dài bền bỉ không được gián đoạn. Quán tưởng chữ Phạn cũng phải nhứt nhứt tinh thục, mọi việc phải tương ưng. Mỗi sự việc đều phải như pháp mới đắc được lực lượng không thể nghĩ bàn, mới thành tựu được du già vô tác diệu hạnh.

‘’ Hựu trì tụng giả, bất đắc tâm duyên dị cảnh, dữ nhân tạp ngữ. Tụng nhược gián đoạn. Tất địa bất thành ’’ : Trong tâm đừng khởi vọng tưởng, nghĩ tưởng viễn vông, mơ những điều không thể có hoặc là nói chuyện với người. Nếu bạn tụng Chú gián đoạn thì tất địa không thành. Tất địa tức là tam muội.

‘’ Hựu trì tụng bất y nghi pháp, hoặc bất trì giới, hoặc bất thanh tịnh, phi duy pháp bất thành tựu diệt đương chiêu tổn ’’ : Nếu bạn không giữ quy cụ, không giữ giới luật, hoặc trong tâm cứ khởi vọng tưởng nhiễm ô thì không những tu pháp không thể thành tựu, mà còn có họa của nó. Cho nên tu pháp Lăng Nghiêm phải đặc biệt chú ý. Thân miệng ý ba nghiệp phải thanh tịnh mới tương ưng, không để tùy tiện nói thị phi, hoặc khiến cho những người ở trong đạo tràng không được an lạc. Ðó là những điều không thể được. Nhất định phải quản thúc hành vi của mình, đi đứng nằm ngồi không rời khỏi nhà (tâm). Ðừng giặt đồ dơ thế người khác, phải từ từ chiếu cứ chính mình.

‘’ Bỉ Bộ minh vương. Giai Phật Bồ Tát. Chung bất sân hại. Sở hữu đãi tùng thiên long. Mãnh độc quỷ thần. Kiến kỳ quá cố. Tiện tức tổn hại ’’ : Phật Bộ, Liên Hoa Bộ, Kim Cang Bộ, Bảo Bộ, Yết Ma Bộ. Bộ chủ đều là minh vương, tức là Phật hoặc Bồ Tát. Các bậc ấy có tâm đại từ bi, không tổn hại chúng sinh. Nhưng đó đều là hộ pháp, thiên long, mãnh độc quỷ thần đều rất nóng giận. Mãnh quỷ ác thần thấy người tu pháp có lỗi lầm, liền cho họ một chút tai hại, hoặc là cho họ nhiều sự phiền não.

2.‘’ Kim Cang Ðảnh Du Già giáo giả, tu cụ trí huệ, minh liễu tam muội, cập chân ngôn pháp. Trụ Bồ Tát giới, phát bồ đề tâm. Như thị công đức. Hứa nhập niệm tong ’’ : Phàm là người tu Chú này phải có đủ trí huệ, thấu rõ tất cả định và pháp nghiêm mật trong Chú. Pháp ngôn ngữ trong Chú cũng phải biết. Nhất định phải giữ giới Bồ Tát trong Kinh Phạm Võng, phát tâm bồ đề. Như thế thì có công đức trì giới và có công đức phát bồ đề tâm, mới cho phép bạn tu pháp này.

3. ‘’ Bồ Tát thiện giới Kinh vân. Thọ trì thần Chú, ngũ bất đắc vi. 1. Thực nhục. 2. Ẩm tửu. 3. Ngũ tân. 4. Dâm sự. 5. Tại bất tịnh gia ẩm thực. Cụ thử ngũ giới. Năng đại lợi ích Chúng sinh. Năng trị ác thần độc bệnh’’ : Thọ trì tất cả thần Chú có năm thứ không thể phạm. Ngũ tân tức là hành, hành tây, hẹ, tỏi, nén. Bất tịnh gia tức là nhà đĩ điếm hoặc là gia đình làm chuyện nhiễm ô. Nếu giữ được năm giới này thì tu pháp nhất định được lợi ích lớn và còn lợi ích chúng sinh. Nếu giữ năm giới này ăn nhầm nấm độc thì cũng không sao. Cho nên vị cư sĩ Tiêu ăn nhầm nấm độc, chúng ta cầu cho y, Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiển thần thông chữa khỏi. Ðó là sự chứng minh.

4. ‘’ Pháp Uyển vân, đạo tục tụng trì, vô công hiệu giả, tự vô chí thành. Báng ngô vô chưng hoặc văn tự ngụy thế, hoặc âm vận bất điển, hoặc ẩm tửu đạm nhục, hoặc tạp thực huân tân, hoặc xúc thủ ô uế, hoặc lãng đàm tục ngữ, hoặc y phục bất tịnh, hoặc xứ sở bất nghiêm. Bát chủng pháp giới. Chí linh quỷ thần đắc tiện, phiên thọ kỳ ương ’’ : Trong Pháp Uyển Châu Lâm nói là tại sao người xuất gia và người tại gia tụng trì Kinh Chú không công hiệu ? Vì tâm không chí thành khẩn thiết. Tu mệt, tu mà cảm thấy không có cảm ứng gì, liền bắt đầu phỉ báng, nói không có gì chứng minh, chẳng có linh nghiệm gì, nói Chú này là giả, Kinh này là giả. Thực ra nguyên nhân trì Chú không linh là do văn tự ngụy tạo thay thế, hoặc âm vần niệm sai, hoặc uống rượu ăn thịt, hoặc ăn ngũ tân, hoặc đi đại tiểu tiện không rửa tay rồi cầm Kinh Chú, hoặc nói những lời thế tục, không giữ quy cụ, nói chuyện thị phi, hoặc mặc y phục không sạch sẽ, hoặc ở chỗ không nghiêm tịnh, phạm tám thứ giới pháp nói trên, khiến cho quỷ thần không cung kính, không những không có công đức, ngược lại có lỗi lầm.

‘’ Nhược dục hành trì. Mỗi tu táo dục. Miệng thường hàm hương. Chí thành đoạn trọn, phổ vi lục thú, phát tâm phỉ giải. Như thị chí ý. định nghiệm bất nghi ’’ : Nếu như bạn muốn tu pháp Chú Lăng Nghiêm, thì phải tắm rửa, súc miệng sạch sẽ. Phải có tâm chí thành khẩn thiết, thời thời khắc khắc không quên, khắp vì Chúng sinh trong lục đạo trời, người A tu la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục mà phát tâm bồ đề, không lười biếng giải đãi, chí thành khẩn thiết như thế thì nhất định sẽ có ứng nghiệm.

5. ‘’ Hiển mật viên thông vân. Kim Cang đảnh. Tô tất địa. Chuẩn Ðề Kinh đẳng. Giải thuyết hành giả, dụng công trì tụng, hoặc mộng kiến chư Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng, thiên tướng hoặc mộng kiến tự thân đằng không. Thừa mã độ giang, chủng chủng hương quang, cập chư dị tướng. Nhược đắc như thị ứng nghiệm, tắc tu sách phát tam nghiệp, gia công phủng niệm, bất đắc tuyên thuyết Chú trung cảnh giới. Huyễn mại giữ nhân. Duy đồng đạo giả. Bất vi danh lợi kính tán, phương đắc thuyết chi ’’ : Trong hiển mật viên thông nói lúc bạn dụng công trì Chú hoặc mộng thấy mình lạy Phật, mộng thấy Phật phóng quang minh, mộng thấy Phật đến rờ đầu, mộng thấy Phật vì bạn mà giảng Kinh thuyết pháp, hoặc mộng thấy Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn Thánh Tăng, hoặc thiên tướng trên trời, hoặc đủ thứ khác nhau, xuất kỳ những dị tướng rất đặc thù, hoặc mộng thấy thân mình bay lên hư không, hoặc cỡi ngựa qua sông, hoặc thấy đủ loại hương thơm quang minh tốt đẹp, đó là những cảnh giới tốt. Nếu đắc được những ứng nghiệm như thế thì tu thân miệng ý ba nghiệp phải cẩn thận, khiến cho thanh tịnh, phát đại bồ đề tâm và dụng tâm trì Chú thêm, không thể tuyên thuyết cảnh giới trong Chú. Không thể nói với người có bất cứ cảm ứng gì, kêu người tin bạn, có hảo cảm với bạn, hoặc kêu người cung kính bạn, tán thán bạn, những thứ đó đều không thể được. Chỉ đối với người đồng tu, đừng vì cung kính hoặc tán thán, mới có thể nói.

‘’ Lục Ðại Bi Kinh vân. Nhược nhân khẩn thiết niệm thời, hoặc phùng chủng chủng ma chướng. Hoặc hốt nhiên phà bố. Thân tâm bất an, hoặc đa sân đa thùy, thiệt nan trì tụng. Hoặc kiến chư dị tướng. Hoặc vu Chú nghi tâm, hoặc đa phân biệt tưởng, hoặc vô minh trước hữu. Nhược đối trị giả. Ứng quan Phạn thư lam tự hoặc quán A tự bỉ hài cảnh tưởng. Tự nhiên tiêu diệt. Ðương tri nhân duyên pháp bổn không dã.’’ : Trong Kinh Ðại Bi có nói : Nếu có người khẩn thiết niệm thì hoặc gặp ma chướng hoặc hốt nhiên sinh tâm sợ sệt, thân tâm bất an, hoặc nhiều nóng giận, hoặc thích ngủ, hoặc đầu lưỡi không thể niệm, hoặc thấy những diệu tướng yêu ma quỷ quái. Những dị tướng ở đây với dị tướng ở trên không giống nhau. Những dị tướng ở đây là những tướng xấu, những dị tướng ở trên là những dị tướng cát tường. Hoặc là sinh tâm nghi hoặc với Chú Lăng Nghiêm, hoặc tâm phân biệt, hoặc khởi vô minh chấp trước các hữu, bạn nhìn nghiệp chướng của người như thế nào đều có. Bây giờ bạn niệm từ từ Chú này rất khó được. Nếu có những cảnh giới không cát tường ở trên thì nên quán tưởng Phạn thư chữ Lam thì sẽ khiến bạn thanh tịnh, hoặc quán chữ A thì những cảnh giới không cát tường ở trên sẽ tiêu diệt. Phải biết nhân duyên pháp vốn là không.

‘’ Thượng giới sở thuyết Kinh. Kim Kinh toạn cụ. Duy Khổng hốt lược. Cố trọng tường dẫn.’’ : Những lời nói ở trên là khuyên người thực hành, trong Kinh đều đã nói qua. Chỉ sợ các bạn lơ là, cho nên nói tỉ mỉ để mọi người rõ.

‘’ Hạ chi ngũ hội chân ngôn. Tuy y cổ đức phiên dịch, hậu lai dẫn truyền pháp giả, lâm Chú thuyết mặc tùy ý. Bất tất cục định. Ứng giảng bất giảng. Khổng vân. Khả dữ ngôn nhi dữ chi ngôn. Thất nhân. Bất khả dữ ngôn nhi dữ chi ngôn. Thất ngôn. Tri giả bất thất nhân. Diệt bất thất ngôn. Thị cố Mạnh Tử. Hữu ngũ chủng giáo. Hữu ngũ bất đáp. Lăng Già Kinh Trung, diệt tứ chủng thuyết. Mật Bộ bất phiên, vi thôi phục chư ma ngoại dã ’’ : Ngũ hội chân ngôn dưới đây tuy nhiên y cứ cổ đức phiên dịch, hướng về người tương lai truyền pháp thì hoặc niệm ra tiếng hoặc niệm trong tâm, bất tất phải chấp trước. Ðiều nên nói thì bạn không nói như dạy người tu hành như thế nào thì bạn không nói, điều không nên nói thì bạn nói như bạn nói đắc được cảnh giới gì, sự linh nghiệm, khai ngộ chứng quả, thành Phật. Ðó là đại vọng ngữ, không thể nói. Ðức Khổng Tử có nói :

‘’ Lời có thể nói với người
mà không nói là lỗi người.
Lời không thể nói,
mà nói với người là lỡ lời.’’

Người tri thức nói những lời nói không thể sai lầm, cũng không thể nói bậy. Mạnh Tử cũng có năm điều không trả lời. Bộ Mật không phiên dịch là vì điều phục thiên ma ngoại đạo.

‘’ Tiền lai khai minh tam nghĩa. Giai vi pháp trung khẩn yếu. Ðặc vu Chú thủ. Dự biểu xuất chi ’’ : Những gì nói ở trên là ba thứ ý nghĩa, rất quan trọng đối với sự tu pháp. Ðặc biệt bây giờ là nói phần trước của Chú, phần sau là giải thích Chú.

‘’ Chú thích phiên nhị. Tử tiên. Ngũ hội chân ngôn. Sở dĩ hữu ngũ hội giả. Hiển mật viên thông vân. Tạng Kinh thần Chú. Bất xuất ngũ Bộ. Nhứt. Phật Bộ. Vị chư Phật Chú. Nhị. Liên Hoa Bộ. Chư Bồ Tát Chú. Tam. Kim Cang Bộ. Vị chư Kim Cang vương Chú. Tứ. Bảo Bộ. Vị Chư Thiên Chú. Ngũ. Yết Ma Bộ. Chư Quỷ thần Chú. Tiền đàn ốc trung. Ngũ Phật. Biểu ngũ Bộ chủ. Hựu ngũ Phật. Tức Phật Bộ. Quán Âm. Liên Hoa Bồ Tát Bộ. Cang tạng. Kim Cang minh vương Bộ. Thích Phạn. Bảo Sinh Chư Thiên Bộ. Tần na dạ ca. Yết Ma quỷ thần Bộ. Thử chi ngũ hội. Chư ngũ bộ Chú. Tất tổng trì dã. Hựu hương hoa bát kính. Mỗi thập phương giả. Diệc Kim Cang đỉnh Du Già Kinh trung. Thuyết thọ thập lục đại cúng dường pháp dã. Tựu phân vi ngũ ’’ : Phật bộ tức là Chú của chư Phật nói. Liên Hoa bộ tức là Chú của chư Bồ Tát nói. Kim Cang bộ tức là Chú của hết thảy Kim Cang Mật Tích. Bảo Bộ tức là Chú của Bảo Sinh bộ, là Chú quản lý chư Thiên. Yết Ma bộ là Chú quản hết thảy chư quỷ thần. Phía trước nói về tất đàn, ba mật phải tương ưng, nói về sự biểu hiện năm Ðức Phật bộ chủ.

‘’ Sửu sơ. Ðệ nhất hội chân ngôn.’’ : ‘’ Du già trung hữu tứ chủng niệm tụng. 1. Âm thanh niệm tụng. Xuất thanh niệm dã. 2. Kim Cang niệm tụng. Hợp miệng mặc niệm. 3. Tam ma đề niệm. Tâm niệm giả thị. 4. Chân thật nghĩa niệm, như tự tu hành. Hựu hoặc khai ngũ. 1. Xuất nhập tức tụng, tưởng Chú tự ngữ. Tùy xuất nhập tức. Tức xuất tự xuất. Tức nhập tự nhập. Tự tự lãng nhiên như quán minh châu. Tiền hậu vô gián. 2. Du già trì tụng. Tưởng tâm minh luân. Nội ngoại phân minh, Chú tự thứ đệ. Tùng tiền hữu du. Chu bố luân duyên. Chung nhi phục thủy. 3. Kim Cang trì tụng. Miệng trung vi vi mặc chuyển. 4. Vi thanh trì tụng, tự tự phân minh xưng niệm. Ðán khiến tự nhĩ văn chi. 5. Cao thanh trì tụng, khiến tha văn chi. Diệt ác sinh thiện, tường Kim Cang đỉnh. Ngũ tự. Chuẩn Ðề đẳng Kinh ’’ : Trong Du Già có bốn phương pháp tụng niệm :

1. Xuất thanh niệm tụng.
2. Kim Cang niệm tụng.
3. Tam ma đề niệm tức là tâm niệm.
4. Chân thật nghĩa niệm như tu hành theo chữ Phạn.

Lại có năm loại niệm tụng pháp :

1. Xuất nhập tức tụng pháp, nghĩ tưởng chữ Phạn, tùy hơi thở ra vào, thở ra chữ cũng ra, hít vào chữ cũng vào, mỗi chữ đều niệm rõ ràng.

2. Du già trì tụng pháp. Tưởng trong tâm có một vầng trăng, trong ngoài phân minh, chữ Phạn theo thứ lớp từ trước hướng vòng qua bên phải, khắp hết một vòng rồi bắt đầu trở lại.

3. Kim Cang trì tụng pháp, niệm thầm trong miệng, nói không có âm thanh nhưng lại nghe được, nói có âm thanh nhưng tựa như không có.

4. Vi thanh trì tụng pháp. Âm thanh rất nhỏ, mỗi chữ đều niệm rõ ràng, trong tai chính mình cũng nghe rõ ràng, không phải niệm vội vàng lên xuống, chính mình cũng không biết niệm hay không.

5. Cao thanh trì tụng pháp, là niệm lớn tiếng khiến cho người khác nghe được, trong nghi Kim Cang đảnh niệm tụng, ngũ tự, Kinh Chuẩn Ðề .v.v., có nói rõ ràng tỉ mỉ.

‘’ Như ý bảo Kinh trung, Diệu trụ Bồ Tát vấn, trì thử tổng trì vương chương cú, hà nhân bất kiến tam thế chư Phật. Phật ngôn. Dĩ vãng nghiệp cố ’’ : định nghiệp đã tạo trong quá khứ nặng.

‘’ Nghi vị đoạn cố ’’ : Hoài nghi không có đoạn.

‘’ Hữu vi tâm cố ’’ : Dùng một thứ tâm tham lại cầu pháp.

‘’ Vô phương tiện cố ’’ : Niệm bất như pháp.

‘’ Nhược năng tâm vô nghi hoặc, quyết định chuyên Chú, thị danh chân thật trì giả ’’ : Nếu trong tâm không có nghi hoặc, nhất tâm chuyên chú chữ Phạn hoặc Phạn âm, thì đó là người chân thật tu Chú pháp.

‘’ Hựu Diệu Tý Bồ Tát vấn, trì tụng chân ngôn, bất năng thành quả, vi pháp lực vô năng gia ’’ : Là pháp không có năng lực này chăng ?

‘’ Sở tác phi thời gia ’’ : Pháp sở tác không đúng thời chăng ?

‘’ Chủng tính phi tính gia ’’ : Hoặc là không có chủng tính Phật chăng ?

‘’ Chân ngôn khuyết lợi gia ’’ : Chú không có lội ích chăng ? Là giả chăng ?

“Tu trì khinh mạn gia.’’ : Ðối với Chú không cung kính chăng ?

‘’ Cúng dường bất cụ gia’’ : Cúng dường thần Chú không viên mãn chăng ?

‘’ Kim Cang thủ Bồ Tát đáp. Tu chân ngôn hành, cầu thành tựu giả, ứng đương ly chư phiền não, khởi vu thâm tín, phát bồ đề tâm, trọng Phật pháp Chúng ’’ : Ðối với Phật Pháp Tăng đều phải tôn trọng.

‘’ Viễn thập ác nghiệp ’’ : Thân phải giữ giới không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, ý phải trừ tham sân si, miệng đừng nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, chưởi mắng.

‘’ Ly tà kiến võng ’’ : Phải có tâm chánh tri chánh kiến, đừng có tà kiến.

’ Hành thập thiện pháp ’’ : Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không lưỡng thiệt, không ác miệng, không nói dối, không nói thêu dệt, không tham, không sân, không si.

‘’ Nhập đại mạn noa ’’ : Nhập đại đạo tràng.

‘’ Y A xà lê ’’ : Thầy quy cụ mô phạm, y chỉ sư.

‘’ Quyết chí dũng tấn ‘’ : Có chí quả quyết.

‘’Sám hối túc chướng.’’ : Sám hối nghiệp chướng đời quá khứ.

‘’Trợ bạn đồng hành’’: Giúp đỡ bạn lữ đồng tu.

‘’Cúng dường kiền khiết’’: Cúng dường trai, thủy quả đều phải sạch sẽ.

‘’Chân ngôn vô hóa.’’: Niệm phải chánh quyết.

‘’Kim bất như pháp.’’ : Bây giờ bạn tu không như pháp.

‘’Khải ứng nghiệm gia’’ : Cho nên không ứng nghiệm.

‘’Hạ vân. Túng Kinh ẩm tửu đạm tân. Chủng chủng bất tịnh, phá y vô đàn, Phật thiên bất tương vi quá’’ : Y áo không chỉnh tề, đội mũ không thẳng, y khấu cũng không khấu, lại không có đạo tràng, tuy là như thế, Phật trời cũng không cho rằng có lỗi.

‘’Thử giai Như Lai tùy cơ thuyết pháp, khiến đắc tứ tất ích dã, bất khả nghi chấp, tự thành kỳ thất’’ : Nay được lợi ích bốn tất đàn, không thể nghi hoặc, bằng không thì ngược lại có lỗi lầm.