CHÁNH THÍCH

Chú Thích Từ Câu 31 Đến Câu 46

CHÚ THÍCH 31:

(1) Bát định là tám thứ định, đó là kể luôn tứ thiền của sắc giới gộp vào với tứ định của vô sắc giới mà gọi là thành bát định.

(2) tức cũng có tán tâm. Bởi chết có nghĩa là công đức của kiếp sống đến chỗ diệt tận, nên những chúng sinh tu “bất động” nghiệp khi chết tức là công đức “bất động” chấm dứt, tâm trở thành tán động trở lại.

(3) Sáu cõi trời dục vì vẫn thuộc dục giới nên chưa thuộc về định nghiệp bất động kia vậy.

(4) Theo Đàm Loan, bất động không phải là một chúng riêng biệt như Ấn Thuận Đại sư giải thích ở đây. Ngài (Đàm Loan) cho rằng trời, người trên cõi Cực Lạc do vì tín căn vào Đại thừa không hề thối chuyển, nên gọi là bất động vậy.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM THƯỢNG THỦ? LÀ DO KỆ RẰNG: “NHƯ TU DI NÚI CHÚA, THẮNG DIỆU KHÔNG GÌ HƠN”.

Thượng thủ là những người có học có đức, bất kể đi đứng nằm ngồi đều ở địa vị chủ tịch thì gọi là thượng thủ. Các đại đệ tử trong số đệ tử, như thượng thủ của Phật Thích Ca là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thượng thủ của Phật Tỳ Lô Giá Na là Văn Thù và Phổ Hiền. (Còn ở) thế giới Cực Lạc là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Thượng thủ là y như trợ giáo, là trợ (giúp) Phật giáo hóa (chúng sinh). Thượng thủ ở đây như núi Diệu Cao, vi diệu vượt bậc không gì sánh (được). Đem núi ra làm ví dụ, một là bởi (các Ngài) cao hơn, hai là bởi bất động.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM CHỦ? LÀ DO KỆ RẰNG: “TRỜI, NGƯỜI, TRƯỢNG PHU CHÚNG, CHIÊM NGƯỠNG KÍNH VÂY QUANH”.

Trượng phu chúng, bởi Cực Lạc không có người nữ vậy. Vây quanh là nhiễu quang Phật, hoặc một vòng, hoặc ba vòng, vốn là cách lễ của Ấn Độ biểu thị cung kính vậy.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM KHÔNG UỔNG LÀM TRỤ TRÌ? LÀ DO KỆ RẰNG: “QUÁN PHẬT BỔN NGUYỆN LỰC, GẶP KHÔNG UỔNG QUA KHÔNG, KHIẾN ĐƯỢC MAU ĐẦY ĐỦ, BIỂN LỚN CÔNG ĐỨC BÁU”.

Nói pháp (mà) không thể động (được) chúng, tức là uổng làm trụ trì (vậy). Bổn nguyện lực của Phật là khẩn yếu nhất. Không có nguyện lực này, tuy chúng sinh có nguyện, cũng không được vãng sinh. Do nhờ nguyện của Phật, chúng sinh vãng sinh vào nước kia, liền được không thối chuyển. (Như thế chính là) chẳng uổng làm trụ trì, vì cứu cánh (chúng sinh) sẽ thành Phật. Bổn nguyện của Phật là thành lập một thế giới thanh tịnh nhất, trang nghiêm nhất để lợi lạc cho chúng sinh. Thật ra trên cầu Phật đạo, dưới (giáo) hóa chúng sinh, là bổn nguyện của tất cả Bồ Tát. (Về) tâm Bồ Đề này thì Phật (với) Phật đều cùng đạo. Chỗ không đồng (giữa) các Ngài là ở chỗ tiểu tiết. Như bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà, (so) với nguyện của Phật Dược Sư thì có chỗ không đồng. Bốn mươi tám nguyện này, tóm lại mà nói có hai điểm quan trọng: một là người đến thế giới Cực Lạc, ai ai cũng sẽ như vậy, một nữa là khi họ muốn đến, chỉ cần niệm Phật thì sẽ đươc Phật đến tiếp đón lúc lâm chung, ngay đến mười niệm cũng được sinh, nên có thể chẳng phân chúng sinh sạch hay dơ, đều được nhiếp thọ, không vậy thời tâm chúng sinh dục, làm sao nương được vào lực tự niệm Phật mà được sinh Tịnh Độ? Song (nhờ) nương lực của Phật mới được như vậy, cho nên (Phật) không uổng làm chủ trì vậy. Chúng sinh (dù) thấy hóa thân của Phật, (cũng) có kẻ luống (uổng) qua không. Như đời Phật Thích Ca, những người theo Phật xuất gia mà còn đến mức có kẻ đọa địa ngục. Song nếu như thấy được Phật thật báo trang nghiêm (1), như A Di Đà Phật, thời chắc chắn không luống qua không, chắc chắn được thành tựu.

CHÚ THÍCH 32:

(1) Theo quan điểm về ba thân Phật của Đại thừa thì Thích Ca Mâu Ni Phật chỉ là hóa thân Phật mà thôi. Báo thân của chư Phật rất lộng lẫy trang nghiêm, vì đó là thân chân thật, là kết quả chân thật tương xứng với vô lượng công đức, vô lượng trí huệ mà Phật đã học đã hành trong ba vô lượng kiếp, dĩ nhiên báo thân như vậy phải rực rỡ vi diệu tối thượng, còn hóa thân là do tương ưng với bi nguyện mà thị hiện ra (vô lượng thân) theo căn cơ của chúng sinh để thị hiện Phật pháp độ sinh. Do đó báo thân mới là chân thân thật của chư Phật hết sức trang nghiêm. Và chỉ có báo thân và báo độ mới là chân thật độ sinh. Bởi hóa thân chỉ là hình ảnh của chư Phật thể hiện ra qua nghiệp lực và nghiệp tính (tham sân si) của chúng sinh, thế nên hóa thân chỉ có nhiệm vụ duy nhất là khơi lên lòng tin của chúng sinh vào báo thânbáo độ, và chỉ khi nào chúng sinh nhập vào báo độ gặp báo thân thì lúc đó chúng sinh mới đúng nghĩa là được cứu độ.

Tuy nhiên ý nghĩa về ba thân của Đại thừa không công đức máy móc một cách giản dị như vậy. Vì sự liên hệ giữa ba thân trên căn bản của tính KHÔNG và Bát Nhã khiến mỗi một thân, một độ đều hàm ý viên dung bất khả tư nghì, khiến Đại thừa cũng trở nên bất khả thuyết là vậy.

NGHĨA LÀ (DO) GẶP PHẬT KIA, BỒ TÁT CHƯA CHỨNG TỊNH TÂM, RỐT CUỘC SẼ ĐẮC PHÁP THÂN BÌNH ĐẲNG, CÙNG VỚI BỒ TÁT TỊNH TÂM KHÔNG KHÁC; (CÒN) BỒ TÁT TỊNH TÂM (SẼ) CÙNG VỚI BỒ TÁT THƯỢNG ĐỊA, RỐT CUỘC CÙNG ĐƯỢC TỊCH DIỆT BÌNH ĐẲNG.

Bồ Tát sơ địa đắc tịnh tâm vô lậu. Bồ tát địa tiền (tức) thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng đều chưa đắc tịnh tâm. Đắc pháp thân bình đẳng có nghĩa là thông đạt giáo lý cứu cánh của tất cả các pháp, bát nhã hiện tiền tương với chân lý. Ở đây cho rằng pháp thân người người đều có phần, đành vậy, song chưa đến (mức) chứng ngộ tức là chưa đắc, như sản nghiệp của cha mẹ, các con ai nấy đều có phần, song chưa thừa tự (thì) rồi ra (vẫn là) chưa đắc được. Đây nói Bồ Tát chưa chứng tịnh tâm [khai ngộ] gặp Phật (sẽ) đắc pháp thân bình đẳng, sẽ không khác gì so với Bồ Tát tịnh tâm, là ví dụ như tài sản của người khác, tuy chẳng phải của mình có, (song) nếu được ân chủ nhân mời mọc, thì cũng dùng hưởng không khác gì chủ nhân. Phật lực vô biên, ngay trong kinh (nói về) Phật Thích Ca cũng có rất nhiều các sự tích kiểu như vậy. (Do) Phật lực gia bị, thời phàm phu có thể được thiên nhãn. Nay người sinh Tịnh Độ tuy chưa tịnh tâm, đến đó liền giống với Bồ Tát tịnh tâm. Mà Bồ Tát tịnh tâm ở sơ địa cũng bình đẳng so với các Bồ Tát thượng địa khác từ nhị (đến) thập địa, bởi rốt cuộc đồng đắc tịnh diệt (1).

CHÚ THÍCH 33:

(1) Theo Đàm Loan Đại sư chưa đắc tịnh tâm là các Bồ Tát đăng địa (chứ không phải là địa tiền như Ấn Thuận Đại sư giảng), từ sơ địa (tức “Hoan Hỉ địa”) lên đến thất địa (tức địa thứ bảy, “Viễn Hành địa”).

Thật ra khó mà xác định tịnh tâm này theo các tầng bậc thứ đệ của Bồ Tát đạo. Chỉ biết ở đây Thế Thân Bồ Tát xác định là đắc tịnh tâm thì sẽ đắc được pháp thân bình đẳng. Bình đẳng là chỗ thấy của Bát Nhã trí đối với các pháp (vì các pháp đều là KHÔNG vô tự tính) trên phương diện bản thể hay tự tính. Pháp thân là chỗ chiếu của Bát Nhã trí hiển hiện các pháp (vì KHÔNG tức là tất cả các pháp) trên phương diện hình tượng hay tác dụng. Như vậy tịnh tâm chính là Bát Nhã trong giai đoạn chiếu phá ngã và pháp đều KHÔNG, tức xóa hết mọi giới hạn của cá nhân.

Phật A Di Đà là hiện thân viên mãn trí quang Bát Nhã, thế nên gặp Phật sẽ đắc pháp thân bình đẳng đã đành rồi. Song Ấn Thuận Đại sư cho rằng đắc này là dựa theo người khác (tức Phật) mà được chứ không phải tự được (như Bồ Tát đã chứng tịnh tâm). Thí dụ của Đại sư đưa ra rất rõ ràng. Vậy vấn đề là: một phàm phu (chưa tịnh tâm) sinh về Cực lạc đắc pháp thân bình đẳng, so với một Bồ Tát tịnh tâm cũng đắc pháp thân bình đẳng song ở tại cõi này, hai chỗ đắc ấy có bằng hay y hệt nhau hay không? Ấn Thuận Đại sư cho là chỗ đắc thì là một, song một đàng tự giác, còn một đàng dựa vào người khác (tức “tha lực) mà đắc, nói cách khác là đắc “nhờ”!

Hiểu như Đại Sư thì việc “vãng sanh” mất hết mọi ý nghĩa. Vãng sinh như thế chỉ như đến nhà người khác thăm chơi,  trước sau gì vẫn là nhà người ta, mình chỉ được chủ nhân tử tế thì hưởng thụ đôi chút, rồi ra thì chả được chút gì thật sự là của mình! Mọi ý nghĩa “lợi tha” của Tịnh Độ còn gì nữa? Lại nữa, còn gì chuyển đổi căn bổn nghiệp của hữu tình cho bằng phút chuyển sinh? Và có gì thành tựu hữu tình ngoài nhân duyên? Trong Tịnh Độ toàn thể nhân duyên (gồm y báo và chính báo) đều là “chính đạo, đại từ bi, xuất thế thiện căn”, rồi hữu tình đâu có mang hiện nghiệp mà bước vào Tịnh Độ đâu, trái lại phải chờ đến lúc chết tức dứt hiện nghiệp đó mới vãng sinh, lấy hẳn một gốc rễ, một sở y hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn thanh tịnh. Đã là chúng sinh của cõi nào thì nghiệp của cõi đó chính là mình, chính là gia sản của mình. Hiểu theo nghĩa sinh về Tịnh Độ để “hưởng”, để “nhờ” thật hoàn toàn lầm lẫn.

Đoạn sau chính văn nói “Bồ Tát tịnh tâm cùng với Bồ Tát thượng địa” (có lẽ chính chữ “thượng địa” ở đây mà Ấn Thuận Đại sư mới cho rằng các Bồ Tát chưa chứng tịnh tâm là thuộc địa tiền thập trụ, thập hạnh và hồi hướng). Tịch diệt vẫn là ý nghĩa chính của Niết Bàn. Bồ Tát thượng địa khi chưa bổ vào địa vị Phật thì vẫn lấy cứu cánh là Niết Bàn (như Tâm kinh nói: “Bồ Đề Tát Đỏa y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố tâm vô quái ngại… cứu cánh Niết Bàn”). Nhưng vì Bồ Đề tâm, nên Bồ Tát sẽ không xả phiền não chúng sinh để chứng Tịch diệt “giải thoát” (tức Niết Bàn thuộc Tiểu thừa). Trái lại lại chứng lấy tất cả các pháp bình đẳng một tướng tịch diệt vậy. Đây là Niết Bàn ngay tại thế gian.

Đàm Loan Đại sư lấy lý lẽ là Bồ Tát ở địa thứ bảy tức “Viễn thành địa” đắc đại tịch diệt nên cho rằng Bồ Tát tịnh tâm phải từ địa thứ bảy trở lên và chưa tịnh tâm là Bồ Tát từ sơ địa trở lên, và từ địa thứ bảy trở xuống.

LƯỢC NÓI TÁM CÂU, THỊ HIỆN SỰ THÀNH TỰU TUẦN TỰ (VỀ CÁC SỰ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ĐỨC, (NHẰM) LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI CỦA NHƯ LAI, CẦN PHẢI BIẾT.

Đây là tóm kết. Bảy câu trước là lợi mình, câu sau cùng là lợi người.

C- Quán sự trang nghiêm (do) công đức của Bồ Tát.

THẾ NÀO LÀ QUÁN (SỰ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ĐỨC (THUỘC VỀ) BỒ TÁT? QUÁN (SỰ) TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC (THUỘC VỀ) BỒ TÁT LÀ QUÁN CÁC BỒ TÁT KIA CÓ BỐN LOẠI THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (CHÂN) CHÍNH TU HÀNH, CẦN PHẢI BIẾT.

Các Bồ Tát ở đây vốn chỉ cho các đại Bồ Tát đã có tu, chứ không phải chỉ Bồ Tát sơ tâm mà nói (1).

CHÚ THÍCH 34:

(1) Đàm Loan Đại sư cũng cho rằng cái hạnh nghiệp của Bồ Tát ở đây là thuộc địa thứ tám tức “Bất động địa” trở lên. Song vấn đề đặt ra là chúng sinh vãng sinh về cõi kia có phần gì trong các hạnh nghiệp này không? Ấn Thuận Đại sư xác nhận là không, còn Đàm Loan Đại sư tuy không đặt vấn đề này ra, nhưng theo ý văn thì cũng hoàn toàn không nhận.

Nhưng xét theo nguyên tắc của Bát Nhã thì vốn dĩ một chúng sinh là đã đủ trọn mọi nguyên lý viên mãn của Phật quả, tức vẫn gọi là Phật tính vậy. Nó chỉ cần đợi đủ duyên là phát lộ ra mà thôi. Cực Lạc thế giới của A Di Đà Phật là một thắng duyên vô cùng viên mãn ở chỗ nó có thể làm cho Phật tính của chúng sinh phát triển hoàn toàn vô ngại viên mãn. Nếu cho rằng Bồ Tát phải tu rồi mới có hạnh nghiệp công đức như nói ở đây, thì còn ở đâu tu viên mãn cho bằng tại Cực Lạc này? Thế nên vãng sinh Cực Lạc mới là tu hành chân chính. Nếu cho Bồ Tát phải tu ở đây đó cho thành trước rồi mới sinh về Cực Lạc để “biểu diễn”, thì đã thành rồi cần gì phải về Cực Lạc nữa, mà Cực Lạc cũng thua xa các nơi khác kia thì cần gì ai phải sinh về Cực Lạc mà ích lợi gì? Ý nghĩa của Cực Lạc thật sự thậm thâm không lường, cần phải cẩn thận xét kỹ.

Tóm lại vãng sinh về Cực Lạc chính là để dự phần vào các hạnh nghiệp nói sau đây của chư Bồ Tát vậy.

NHỮNG GÌ LÀ BỐN? MỘT LÀ NƠI MỘT CÕI PHẬT, THÂN KHÔNG ĐỘNG ĐẬY MÀ (ĐẾN) KHẮP MƯỜI PHƯƠNG, (LÀM) ĐỦ LOẠI ỨNG HÓA, (ĐÚNG) NHƯ PHẬT (MÀ) TU HÀNH, THƯỜNG LÀM CÁC PHẬT SỰ. DO KỆ RẰNG: “NƯỚC AN LẠC THANH TỊNH, THƯỜNG CHUYỂN VÔ CẤU LUÂN, HÓA PHẬT, BỒ TÁT NHẬT, NHƯ TU DI TRỤ TRÌ”. VÌ ĐỂ KHAI (MỞ) ĐÓA HOA (TRONG) BÙN LẦY CỦA CHÚNG SINH VẬY.

Các đại Bồ Tát không lìa cõi Phật mà ứng hóa được mười phương, có thể lấy (ánh) Thái dương làm ví dụ. Thái dương không động mà ánh sáng phủ khắp đại thiên (1), chúng sinh mỗi chốn đều thấy mặt trời hiện diện. Bồ Tát lấy lợi người để lợi mình, thế nên phải như thật mà tu hành. Thường chuyển pháp luân thanh tịnh, giáo hóa chúng sinh, chính là Phật sự. Chúng sinh như hoa sen trong bùn đọng, nay được mặt trời Bồ Tát hóa làm thân Phật chiếu sáng, mới được nở hoa.

CHÚ THÍCH 35:

(1) Đại thiên tức tam thiên đại thiên thế giới, đó là phạm vi về không gian một vị Phật ảnh hưởng nhiếp hóa. Phật giáo giải thích về thế giới như sau: mỗi một thế giới có một trục làm trọng tâm, đó là núi Tu Di. Chuyển vòng quanh một nửa Tu Di này gồm ba lớp: gió, nước và kim (tức đất). Trên phần kim luân,  tức xung quanh nửa trên quả núi Tu Di có tám lớp biển, chín lớp núi xen kẽ nhau. Núi Tu Di ở giữa cao nhất, đẹp nhất nên gọi là “Diệu Cao” (Thế giới con người thuộc Thiện Bộ Châu ở phía nam núi này trên biển “Diêm Hải”). Trên đỉnh núi Tu Di là cõi trời Đao Lợi. Như trên gọi là một tiểu thế giới. Một ngàn tiểu thế giới này là một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới. Một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Ba lần một ngàn (tiểu thế giới) nên gọi là tam thiên (ba ngàn) đại thiên thế giới.

HAI LÀ DO THÂN ỨNG HÓA KIA (TRONG) MỌI THỜI, KHÔNG TRƯỚC KHÔNG SAU, MỖI TÂM MỖI NIỆM PHÓNG ÁNH SÁNG LỚN, ĐỀU CÓ THỂ ĐẾN KHẮP CÁC THẾ GIỚI TRONG MƯỜI PHƯƠNG, (ĐỂ) GIÁO HÓA CHÚNG SINH, (BẰNG) ĐỦ PHƯƠNG TIỆN, (DO) TU HÀNH TẠO NÊN, TRỪ DIỆT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH. DO KỆ RẰNG: “VÔ CẤU QUANG TRANG NGHIÊM, MỖI NIỆM VÀ MỖI THỜI, CHIẾU KHẮP CÁC PHẬT HỘI, LỢI ÍCH CÁC QUẦN SINH”.

Đoạn này nói Bồ Tát hóa (ra) thân Phật ứng (vào) thế (gian), chẳng hề có trước sau, mà đồng thời đến khắp mười phương, đồng phóng ánh sáng. Cho nên cái bất động là thân chân (thật) của Bồ Tát, còn các (thân) kia hoằng hóa ở bên ngoài là ứng hóa thân. Ở đây nói thân Phật gồm có ba: pháp, báo và hóa thân. Hóa thân tức là thân ứng hóa. Song (ba thân) cũng có khi gọi là pháp thân, ứng thân, hóa thân. (Theo đây thì) ứng thân tức đồng với báo thân. Nay lấy (quan điểm) trước làm chủ yếu. Lại có một cách phân loại khác: một là chân thân, một nữa là ứng hóa thân. Chân thân là trừ hóa thân có thọ mệnh hữu hạn ra, (còn) có một chân thân thọ vô lượng. Song nếu muốn nói cho rõ ràng, thời phải nhờ tông Duy Thức, phân ra làm pháp thân, tự thọ dụng thân, tha thọ dụng thân và hóa thân nữa là bốn. Trừ pháp thân mà ai nấy đều sẵn có ra, Phật còn có một tự thọ dụng thân được trang nghiêm bởi trí tuệ (và) công đức, hoàn toàn thanh tịnh. Đó chính là chân thân của Phật, phàm phu không sao thấy được. Lại (còn) có tha thọ dụng thân của Phật mà các Bồ Tát thấy được, (gồm) vô lượng tướng hảo, và các phàm phu, nhị thừa, và Bồ Tát sơ tâm cũng không thể thấy được. (Thân Phật mà) Bồ Tát chưa chứng ngộ và phàm phu có thấy được thời chẳng qua là hóa thân mà thôi. Hóa thân hoặc lớn như núi Tu Di, hoặc thọ tám vạn bốn ngàn năm, (song) vẫn (chỉ) là hóa thân. Tha thọ dụng thân (mà) đã (có thể) đến khắp tất cả mọi chỗ, thì nói gì đến chân thân? Song các thân này, đều không lìa (ngoài) pháp thân, nên cũng có khi gọi tất cả thân là pháp thân vậy. Giờ nói (về) Bồ Tát: tất cả chúng sinh đều có pháp thân, song chưa (được) trang nghiêm (nên) gọi là tố pháp thân (1). Bồ Tát một mai đăng địa (2), Bát Nhã hiện tiền, có thể thấy tha thọ dụng thân của Phật, vị này cũng phần (nào) chứng (được) pháp thân, từ bi bát nhã cũng có (được) ít phần, nên cũng đã có pháp thân thuộc thật báo trang nghiêm, có thể khởi ra thân ứng hóa. “Mỗi một tâm một niệm phóng ánh sáng lớn” là trong một tâm niệm phóng ánh sáng lớn vậy. Phàm phu trong một tâm niệm (chỉ) thành tựu một sự, (nếu nói) làm đủ loại sự, tuyệt đối không thể được, cần phải nhiều niệm lâu dài mới có thể thành tựu được ít phần. Song Bồ Tát thời có thể ngay nơi chỗ khởi tâm động niệm liền phóng ánh sáng lớn, đến khắp mười phương, để làm gì? (Để) giáo hóa chúng sinh, dùng đủ phương tiện, trừ khổ ách cho tất cả chúng sinh vậy. Song Bồ Tát (khi) cứu khổ, không (chỉ giới) hạn nơi giáo hóa, có vị dùng thần lực chuyển địa ngục trở thành mát mẻ, tựa vua trong thế gian loài người, có thể có quyền lực khiến lao ngục tù phạm, tạm được nghỉ ngơi đó vậy.

CHÚ THÍCH 36:

(1) Tố nghĩa là phác tố, còn thô sơ chưa được tinh luyện. Tố pháp thân ý nói như Phật tính của chúng sinh hoặc “tại triền Như Lai Tạng”. Đành rằng chúng sinh tất cả đều có Phật tính, nhưng cần phải tích tập công đức và trí tuệ trong vô lượng kiếp để trang nghiêm (hay nói khác là để phát triển đến mức viên mãn) lúc đó mới gọi là Phật hay pháp thân đúng nghĩa.

(2) Đăng địa: Đăng nghĩa là lên, đi lên trên một chỗ cao. Ở đây là vào trong địa vị của thập địa Bồ Tát.

BA LÀ (CÁC HÓA THÂN BỒ TÁT) KIA TRONG TẤT CẢ CÁC THẾ GIỚI KHÔNG SÓT (MỘT THẾ GIỚI NÀO), CHIẾU CÁC ĐẠI CHÚNG CỦA CÁC PHẬT HỘI KHÔNG SÓT (MỘT ĐẠI CHÚNG NÀO), (MỘT CÁCH) RỘNG LỚN VÔ LƯỢNG CÚNG DƯỜNG CUNG KÍNH, TÁN THÁN CHƯ PHẬT NHƯ LAI. DO KỆ RẰNG: “NÀO MƯA NHẠC TRỜI, HOA, Y, DIỆU HƯƠNG… CÚNG DƯỜNG, KHEN CÁC CÔNG ĐỨC PHẬT, KHÔNG CÓ PHÂN BIỆT TÂM”.

Bồ Tát hóa thân này nơi tất cả thế giới không bỏ sót thế giới nào, dùng ánh sáng chiếu khắp không sót đại chúng của Phật hội nào, đem vô lượng rộng lớn cúng dường, cung kính, tán thán chư Phật của tất cả các thế giới (1).

CHÚ THÍCH 37:

(1) Lễ kính, cúng dường, tán thán chu Phật chính là chính đạo của Đại thừa vậy. Cái quan niệm cho rằng tu tập trong đạo Phật chỉ là thiền định nhằm giải thoát quả là hạn hẹp và nghèo nàn. Với Đại thừa sự liên hệ với chư Phật qua các hạnh nghiệp lễ bái, cúng dường, tán thán (tức gồm cả chiêm ngưỡng quán tưởng) là tối quan trọng. Sự liên hệ ở đây không hề có tính chất sùng bái thần tượng kiểu tôn giáo, mà nó hoàn toàn thiết yếu để thực hiện và thành tựu con đường Đại thừa, tức con đường thành Phật. Con đường Đại thừa là con đường thực hiện Bồ Đề tâm. Bản chất Bồ Đề tâm vẫn chỉ là tâm thức. Mà tâm thức phi duyên thì không khởi, nghĩa là không lập được. Vì vậy Bồ Đề tâm cũng bắt buộc phải có đối tượng làm sở duyên để khởi và để lập. Và sở duyên lý tưởng và chân chính nhất của Bồ Đề tâm chính là chư Phật mười phương (phải trọn cả mười phương chư Phật thì sở duyên mới viên mãn, nhờ vậy Bồ Đề tâm cũng sẽ viên mãn theo). Tâm có sở duyên để lập, tâm còn cần hạnh nghiệp để huân nữa, thế nên Bồ Tát cần thiết phải lễ bái bằng thân nghiệp, tán thán bằng khẩu nghiệp, cung kính quán tưởng bằng ý nghiệp… để huân tập bằng Bồ Đề tâm vậy. Thế nên Phổ Hiền hạnh nguyện cũng lấy lễ kính, tán thán, cúng dường làm đầu. Ngoài ra là hạnh hồi hướng để lập thành và huân tập từ bi tâm.

Nơi đây cũng gợi ý và khơi lên cho thấy rõ hơn ý nghĩa chân thật và đúng đắn nhất của Đại thừa. Đó là Đại thừa chính là Tịnh Độ và Hoa Nghiêm vậy.

BỐN LÀ (BỒ TÁT HÓA THÂN) KIA Ở NƠI TẤT CẢ CÁC THẾ GIỚI KHẮP MƯỜI PHƯƠNG, CÁC CHỖ NÀO (KHÔNG CÓ) BIỂN CÔNG ĐỨC LỚN PHẬT, PHÁP, TĂNG (TAM) BẢO TRỤ TRÌ TRANG NGHIÊM, (THÌ SẼ) HIỂN BÀY ĐẾN KHẮP (CÁC NƠI ĐÓ) KHIẾN (HỌ) HIỂU BIẾT, VÀ NHƯ THẬT MÀ TU HÀNH. DO KỆ RẰNG: “NHỮNG THẾ GIỚI NÀO KHÔNG, PHẬT, PHÁP, CÔNG ĐỨC BẢO, CON ĐỀU NGUYỆN VÃNG SINH, HIỂN PHẬT, PHÁP NHƯ PHẬT”.

Bốn loại công đức của Bồ Tát, một là như thật tu hành, trợ Phật thuyết pháp, hai là phóng ánh sáng diệt khổ cho chúng sinh, ba là cúng dường chư Phật ở mười phương, loại thứ tư này là đến các chỗ không có Phật pháp để kiến tập Tam Bảo. Bồ Tát ứng hóa ở nơi không có Phật pháp, làm Phật, nói pháp, độ Tăng. Công đức của trụ trì Tam Bảo như biển lớn, khiến chúng sinh có được (sự) tu hành. Lại không chỉ một chỗ, (mà) những thế giới nào không có, Bồ Tát sẽ theo nguyện đến giáo hóa vậy.

D- Trang nghiêm công đức nhiếp quy (về) thanh tịnh.

LẠI (CHO) ĐẾN ĐÂY (LÀ ĐÃ) NÓI VỀ SỰ THÀNH TỰU TRANG NGIÊM CÔNG ĐỨC CỦA CÕI NƯỚC, SỰ THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC CỦA PHẬT, SỰ THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC CỦA BỒ TÁT, BA LOẠI TRANG NGHIÊM (DO) NGUYỆN TÂM THÀNH TỰU NÀY (LÀ) DO NÓI TÓM NHẬP VÀO MỘT CÂU PHÁP. MỘT CÂU PHÁP LÀ NÓI CHO CÂU THANH TỊNH. CÂU THANH TỊNH LÀ VÌ NÓI CHO PHÁP THÂN VÔ VI CHÂN THẬT TRÍ TUỆ.

Đến đây (đã) nói – (có nghĩa là) đã nói ở trên về ba loại thành tựu, tức là sự trang nghiêm (do) nguyện tâm của Phật A Di Đà, nếu không có nguyện này, thời (ba loại thành tựu) sẽ không được thành.

Song dù có nguyện, mà nếu không có hạnh, cũng rốt cuộc không được thành. Nguyện đây tức là bốn mươi tám nguyện, hoặc (chỉ là) một đại nguyện Bồ Đề. Ba loại thành tựu trang nghiêm nguyện tâm này, lấy một câu pháp bao quát lại mà nói, có thể nói tức là hai chữ thanh tịnh. Mà cái gọi là thanh tịnh chính là pháp thân vô vi chân thật trí tuệ, cũng chính là Bát Nhã vô lậu xuất thế, để phân biệt với vọng thức hữu lậu hữu vi của thế gian. Ba loại trang nghiêm, (và) tất cả các thanh tịnh, đều (1) do pháp thân vô vi này mà hiển hiện vậy. Nói về sự khác biệt giữa hữu vi và vô vi: người Trung Hoa nói đến hữu vi và vô vi, phần nhiều bị ảnh hưởng của Nho (giáo) và Đạo (giáo). Hữu vi và vô vi trong Phật pháp rất là đơn giản. Vi có nghĩa là tạo tác, hễ nói sinh, có diệt, có tạo, có quả, có nhân, đủ loại nhân duyên hòa hợp mà sinh đều là pháp hữu vi. Theo đó làm chuẩn thời tất cả mọi thứ thuyết pháp, độ thế này nọ của Phật và Bồ Tát, không thứ nào chẳng phải là hữu vi. Còn pháp vô vi là tính Không của các pháp vậy. (Như thế thì) ngay Bồ Đề tứ trí (2) do chủng tử mà sinh của Phật (cũng) vẫn là hữu vi. Trong pháp vô lậu cũng vẫn có pháp hữu vi. Một định nghĩa khác là: hữu vi là do nghiệp phiền não làm ra, nói cách khác, sinh tử tạp nhiễm đều là hữu vi. Giải nghĩa như thế thì nghiệp quả vô lậu phải là vô vi. Hai loại định nghĩa này trong A Hàm Kinh thời có, song kiểu định nghĩa trước thì phạm vi của hữu vi rộng, nghĩa là quả giới, định, huệ vô lậu của Phật cũng là pháp hữu vi. Nay y theo thuyết sau (thì) trí huệ vô lậu tương ưng với chân thật đều thuộc về pháp thân vô vi nhiếp hết.

CHÚ THÍCH 38:

(1) Chỗ này nguyên văn có hơi thiếu hụt, song có thể là do thiếu sót hoặc lầm lẫn của ấn loát mà ra.

(2) Bồ Đề tứ tri tức bốn Phật trí (jnana) phân thành bốn loại:

– Đại viên kính trí

– Bình đẳng tính trí

– Diệu quán sát trí

– Thành sở tác trí.

Sự phân loại này thuộc Duy Thức pháp tướng tông. Tu tập để thành Phật nơi đây là do chuyển tám thức thành bốn trí. Nguyên tắc trì chủng và hiện hành của thức và trí có thể nói là đồng nhất, chỉ khác ở nơi bản chất của chủng tử và hiện hành mà thôi. Nghĩa là nếu hoàn toàn là chủng tử vô lậu thì thức sẽ thành trí và hiện hành sẽ từ uế độ phiền não thành Tịnh Độ an lạc.

THANH TỊNH NÀY CÓ HAI THỨ CẦN PHẢI BIẾT, NHỮNG GÌ LÀ HAI? MỘT LÀ THANH TỊNH (THUỘC) KHÍ THẾ GIAN, HAI LÀ THANH TỊNH (THUỘC) CHÚNG SINH THẾ GIAN. THANH TỊNH (THUỘC) KHÍ THẾ GIAN LÀ (NHƯ) TRƯỚC ĐÃ NÓI (VỀ) 17 LOẠI THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC CÕI NƯỚC PHẬT, ĐÓ GỌI LÀ THANH TỊNH (THUỘC) KHÍ THẾ GIAN. THANH TỊNH (THUỘC) CHÚNG SINH THẾ GIAN, NHƯ TÁM LOẠI THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC (VỀ) PHẬT VÀ BỐN LOẠI THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC (VỀ) BỒ TÁT ĐÃ NÓI TRÊN, ĐÓ GỌI  LÀ THANH TỊNH (THUỘC) CHÚNG SINH THẾ GIAN. MỘT CÂU PHÁP NHƯ THẾ NHIẾP HAI LOẠI THANH TỊNH CẦN PHẢI BIẾT.

Tất cả không thứ nào không thanh tịnh, thanh tịnh không ngoài thanh tịnh (thuộc) khí thế gian – trang nghiêm công đức cõi nước Phật, (và) thanh tịnh (thuộc) chúng sinh thế gian – trang nghiêm công đức của Phật và Bồ Tát. Nên một câu thanh tịnh, nhiếp trọn tất cả công đức của cõi kia do trí huệ quán sát vậy.

III – GIẢI RỘNG VỀ HỒI HƯỚNG.

BỒ TÁT NHƯ THẾ (MỘT CÁCH) RỘNG RÃI VÀ TÓM LƯỢC (MÀ) TU HÀNH SA MA THA VÀ TỲ BÁT XÁ NA, (NHỜ ĐÓ) THÀNH TỰU TÂM MỀM MẠI, (VÀ) BIẾT (ĐÚNG) NHƯ (SỰ) THẬT (VỀ) CÁC PHÁP (MỘT CÁCH) RỘNG RÃI VÀ TÓM LƯỢC, (VÀ) NHƯ THẾ (LÀ) THÀNH TỰU SỰ  HỒI HƯỚNG (BẰNG) PHƯƠNG TIỆN.

Tâm mềm mại là tâm tính điều hòa mềm mại, công (tu) thiền định (được) thâm sâu, nên tâm có thể được tùy ý. Nếu tâm không điều hòa mềm mại, thì không đắc (được) định, nghĩa là không thể quán sát thấu rõ (đúng) như (sự) thật các pháp (một cách) rộng rãi và tóm lược. Cho nên trước phải tu Sa ma tha – Chỉ, tâm mới được mềm mại, rồi tu Tỳ bà xá na – Quán, mới có thể biết các pháp (đúng) như (sự) thật. Gì gọi là chỉ? Gì gọi là quán? Chỉ có nghĩa là gom tâm (về) một cảnh, trụ yên (tâm ở đó) không động. Theo bổn luận này thì niệm niệm phát nguyện mà đắc định. Như tâm đối với cảnh khởi lên sự phân biệt, suy cầu mà quán sát, thì gọi là quán. Những ảnh tượng do tu chỉ quán mà sinh, tức là cái tướng hiện lên trong tâm, gồm có hai loại: một là các ảnh tượng có phân biệt, hai là các ảnh tượng không phân biệt. Loại trước là (loại) chỉ quán thông thường như đếm hơi thở, quán xương trắng chẳng hạn, (các thứ quán ấy) đều có phân biệt. Nếu như tu (quán) KHÔNG thời là ảnh tượng không phân biệt. Còn nói tu hành (một cách) rộng rãi và tóm lược thì tóm lược tức là tu chỉ, rộng rãi tức là tu quán. Biết các pháp (một cách) rộng rãi và tóm lược thì rộng rãi chỉ cho những gì đã trình bày ở trên, (như) quán công đức của tòa Phật, công đức thanh tịnh của cõi Phật v.v… Tóm lược chính là một câu sau cùng (nghĩa là) hai chữ thanh tịnh, tức là tổng quán tất cả mọi thanh tịnh.

Tu hành như thế, mới có thể thành tựu sự hồi hướng (bằng) phương tiện khéo. Lìa phiền não, nghiệp, khổ, tức là thanh tịnh. Long Thụ trong Đại Trí Luận có nói: Thanh tịnh tức là nghĩa KHÔNG. Do tính KHÔNG thanh tịnh, biến khắp tất cả các pháp, (nên các pháp) rốt cuộc tịnh diệt. Tu hành như thế, tâm được điều hòa mềm mại, (rồi) quán sát (đúng) như (sự) thật mà được ngộ nhập (hoặc) tuy chưa ngộ nhập, (song) đã có thể biết (đúng) như (sự) thật các pháp (một cách) rộng rãi và tóm lược, (nên) đạt đến cảnh tương tợ chứng (1). Y theo chỉ (mới) có thể thành quán, y theo quán huệ mới có thể thành tựu sự hồi hướng (bằng) phương tiện khéo, nguyên vì phương tiện phải y theo Bát Nhã mà khởi. Hồi hướng có hai loại (là) phương tiện khéo và không phương tiện [xem Đại Bát Nhã Kinh thời rõ]. Hồi hướng (bằng) phương tiện khéo là hồi hướng mà không có chấp ngã (và) chấp pháp. Không bám chắc là có người năng hồi hướng, (vì) hiểu rõ tất cả pháp (đều) bình đẳng không tịch, hai chấp ngã và pháp đều phá, (nên) cùng với KHÔNG tương ưng, hồi hướng như thế gọi là (hồi hướng bằng) phương tiện khéo. Bát Nhã Kinh của Đại thừa có nói: Các thứ công đức, nếu không tương được với KHÔNG vô sở đắc (2), sẽ không thể đạt đến (vào) biển công đức của Phật, không thể là vốn liếng (để) thành Phật. Hồi hướng cũng như thế, nên Bát Nhã Kinh nói, do vì không có được gì hết, mới có thể động (đậy), có thể ra (khỏi) (3), (mà) ra khỏi ba cõi (để) đến biển trí (biết) tất cả (4).

CHÚ THÍCH 39:

(1) Tương tợ là gần giống như. Gần chứng mà chưa thật sự đúng là chứng nên gọi là tương tợ chứng.

(2) Vô sở đắc (aprapti) nghĩa là “không được gì hết”, “không có cái gì hết”, “không đạt được cái gì hết”…

(3) Nguyên văn là “nãi năng động năng xuất”, ý giản dị chỉ là nhờ vô sở đắc thì mới “có thể chuyển di” ra khỏi ba cõi mà vào biển trí.

(4) Tức nhất thiết trí (sarvajnata). Đừng quên hồi hướng ở đây là hồi hướng bằng phương tiện khéo (xảo phương tiện: upaya-kausalya). Và phương tiện khéo chính là công đức tu hành vãng sinh Cực Lạc (qua ngũ niệm môn). Mọi ý nghĩa của các pháp trong luận này đều lấy ý nghĩa vãng sinh Cực Lạc thế giới của A Di Đà Phật làm trọng tâm.

GÌ LÀ HỒI HƯỚNG (BẰNG) PHƯƠNG TIỆN KHÉO CỦA BỒ TÁT? HỒI HƯỚNG (BẰNG) PHƯƠNG TIỆN KHÉO CỦA BỒ TÁT LÀ NÓI VỀ TẤT CẢ CÁC THIỆN CĂN CÔNG ĐỨC DO TU HÀNH NĂM MÔN LỄ BÁI NÀY NỌ… TÍCH TẬP LẠI, (SONG) KHÔNG CẦU SỰ AN LẠC GIỮ CHẮC NƠI THÂN MÌNH, (MÀ VÌ) MUỐN NHỔ HẾT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH, (NÊN) LẬP NGUYỆN GOM HẾT TẤT CẢ CHÚNG SINH CÙNG NHAU SINH VỀ NƯỚC PHẬT AN LẠC KIA, ĐÓ GỌI LÀ SỰ THÀNH TỰU HỒI HƯỚNG (BẰNG) PHƯƠNG TIỆN KHÉO.

Thiện căn (và) công đức tức cùng là một thứ, nhân do công (nên) được đức, thì gọi là công đức. (Chỉ) một công đức này chính là căn (rễ) để phát thành quả thiện. Như lúa là công đức của cầy cấy, dựa vào tiết xuân để phát lúa non, (thì) tức là căn thiện. Cái gọi là căn thiện công đức, tức là công đức tu năm niệm môn lễ bái môn, tán thán môn các thứ. Lấy công đức đó, không vì lợi ích cho thân mình, mà chỉ vì chúng sinh: (Do) nhổ hết khổ cho tất cả chúng sinh, (nên) phát nguyện gom trọn tất cả chúng sinh, cùng sinh (về nước) An Lạc. Hồi các công đức (do mình) tự (tu) hành để (quay) hướng (về) lợi lạc cho chúng sinh, nên gọi như thế là hồi hướng vậy.

BỒ TÁT NHƯ THẾ BIẾT RÕ (CÁCH) THÀNH TỰU HỒI HƯỚNG, (SẼ) LÌA XA BA LOẠI PHÁP TƯƠNG VI VỚI MÔN BỒ ĐỀ, NHỮNG GÌ LÀ BA? DO MỘT LÀ Y THEO MÔN TRÍ HUỆ, KHÔNG CẦU (LỢI) LẠC CHO RIÊNG  MÌNH, LÌA XA (CÁI) TÂM (CHẤP) TÔI (CHUYÊN) THAM ĐẮM (CHO) THÂN MÌNH. DO HAI LÀ MÔN TỪ BI, (MUỐN) NHỔ HẾT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH, LÌA XA (CÁI) TÂM KHÔNG (ĐEM LẠI) AN (LẠC) CHO CHÚNG SINH. DO BA LÀ Y THEO MÔN PHƯƠNG TIỆN, (LÀ) TÂM THƯƠNG TƯỞNG TẤT CẢ CHÚNG SINH, LÌA XA TÂM (CHỈ LO) CUNG KÍNH CÚNG DƯỜNG (CHO) THÂN MÌNH. ĐÓ GỌI LÀ XA BA LOẠI PHÁP TƯƠNG VI VỚI MÔN BỒ ĐỀ.

Đến đây, năm pháp môn niệm hoàn tất, trở xuống là tóm gom các yếu nghĩa của chúng, để cho thấy rõ là chắc chắn có thể tùy nguyện mà vãng sinh vậy. Bồ Tát có thể hồi hướng (bằng) phương tiện khéo như thế, tức có thể lìa xa ba loại pháp tương vi với Bồ Đề [giác ngộ của Đại thừa]. Một là trí huệ: (cái) tâm (chấp) tôi tham đắm thân mình, phạn ngữ gọi là Tát Ca Gia Kiến (1), tức là chấp (vào) tôi và của tôi. (Chấp này) gồm có chấp thô do (tâm) phân biệt mà sinh, và chấp tế (vốn có) từ vô thủy cho đến nay. Muốn phá kiến (chấp) này, chỉ có nhờ vào trí huệ mà thôi, vì kiến này lấy tình chấp làm gốc, cùng có (ngay) từ lúc sinh ra, cho nên phải y theo môn trí huệ mới có thể không cầu (lợi) lạc cho riêng mình. Do vì Bát Nhã của Phật pháp vốn lấy sự thông đạt được “tất cả các pháp không có gì là tôi” làm mục đích vậy. Hai là từ bi: tâm không (đem lại) an (lạc) cho chúng sinh là tâm không muốn làm cho chúng sinh được an lạc. Có thể lìa xa được tâm đó, tức tâm từ bi vậy. Cái ái của phàm phu chỉ giới hạn nơi một nhà một (dòng) họ, không thể ái khắp các chúng sinh, (không có ý muốn) nhổ hết khổ cho tất cả chúng sinh. Ba là phương tiện: dùng tất cả các phương tiện lợi ích cho chúng sinh. Nếu niệm niệm (đều) muốn nhổ hết khổ cho chúng sinh thì sẽ không khởi lên cái tâm (mong) thân mình được cung kính cúng dường. Nên chỉ biết lễ bái, tán thán mà không có trí huệ, từ bi, phương tiện và hồi hướng, thì sẽ tương vi với môn Bồ Đề, (do đó) thành Phật vẫn chẳng phải là chuyện dễ vậy (2).

CHÚ THÍCH 40:

(1) Tát Ca Gia Kiến (Satkaya-drsti): Satkaya phiên âm là Tát Ca Gia. Sat là hiện hữu, có đó, đang là đó, kaya là thân. Drsti là sự thấy, thấy là như vậy, chấp nhận là như vậy… Thấy là thân mình đang có đây và cho nó là thật có, thì gọi là thân kiến hay Tát Ca Gia kiến (Satkaya-drsti).

(2) Ý của Ấn Thuận Đại sư vẫn luôn luôn quy về và nhấn mạnh vào trí huệ, phương tiện. Còn từ bi và hồi hướng thì dĩ nhiên không thể chối bỏ được đối với Đại thừa Phật giáo rồi. Nhưng thật sự bổn luận này không hề dạy về trí huệ, từ bi hay ngay cả thiền định. Bổn luận chỉ muốn nói lên công đức chân thật của Cực Lạc thế giới và A Di Đà Phật. Công đức này vi diệu đến mức độ có thể làm cho người tu nguyện vãng sinh theo ngũ niệm môn sẽ hoàn toàn phù hợp với mọi chi tiết trong Bồ Đề môn (tức trí huệ, từ bi, phương tiện) của Đại thừa. Thế Thân Bồ Tát lập ra ngũ niệm môn chỉ để giúp cho người thực hành dễ khế hợp với việc vãng sinh theo ý nghĩa của Đại thừa. Nghĩa là chúng ta phải nên vãng sinh theo ngũ niệm môn thì mới không phụ công đức chân thật của Phật kia và cõi kia vậy.

DO BỐ TÁT LÌA XA BA LOẠI PHÁP TƯƠNG VI VỚI MÔN BỒ ĐỀ NHƯ THẾ, THÌ SẼ ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ BA LOẠI PHÁP TÙY THUẬN VỚI MÔN BỒ ĐỀ. NHỮNG GÌ LÀ BA? MỘT LÀ TÂM THANH TỊNH VÔ NHIỄM, DO KHÔNG VÌ RIÊNG THÂN MÌNH MÀ CẦU CÁC (LỢI) LẠC. HAI LÀ TÂM THANH TỊNH AN, DO NHỔ HẾT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH. BA LÀ THANH TỊNH LẠC, DO KHIẾN CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐƯỢC ĐẠI BỒ ĐỀ, DO GOM TRỌN CHÚNG SINH SINH VỀ CÕI NƯỚC KIA. ĐÓ GỌI LÀ TRỌN ĐỦ BA LOẠI PHÁP TÙY THUẬN VỚI MÔN BỒ ĐỀ, CẦN PHẢI BIẾT.

Trái ngược lại với ở trên, là sẽ được ba loại tùy thuận với môn Bồ Đề. Ba loại là: do không chấp (có) tôi nên tâm ấy (mới) thanh tịnh, (là vì) không vì thân mình mà nhiễm đắm các (lợi) lạc. Tâm thanh tịnh an là tâm thanh tịnh mà có thể nhổ hết khổ cho chúng sinh, có thể (đem lại) an (lạc) cho chúng sinh. Tâm thanh tịnh lạc là tâm làm cho chúng sinh được (lợi) lạc đại Bồ Đề, được (lợi) lạc sinh Tịnh Độ.

BA THỨ MÔN TRÍ HUỆ, TỪ BI VÀ PHƯƠNG TIỆN VỪA NÓI TRÊN, GOM LẤY BÁT NHÃ, BÁT NHÃ (LẠI) GOM LẤY PHƯƠNG TIỆN, CẦN PHẢI BIẾT.

Ba môn trí huệ, từ bi và phương tiện ở trên, tóm gom lại làm Bát Nhã và phương tiện – hai trí. Yếu nghĩa của Bát Nhã là ở chỗ vô ngã, chiếu (sáng) tính của tất cả các pháp là KHÔNG (Nếu) không phá (hai) chấp tôi và của tôi, thì ruốt cuộc chẳng phải là trí huệ. Trong các phương tiện thì lấy hồi hướng phương tiện khéo làm phương tiện trên hết. Phương tiện tức là diệu dụng khéo léo, từ Bát Nhã mà ra, Kinh (thường) nói là trước được Bát Nhã, sau được phương tiện. Như nấu quặng được vàng, dụ cho Bát Nhã, dùng vàng chế ra các đồ trang sức, là dụ cho phương tiện. Nay gom trọn lại làm hai môn Bát Nhã và phương tiện, (còn) một môn từ bi kia thì gom về nơi phương tiện. Vì từ bi do Bát Nhã sinh, cùng với phương tiện đồng vậy (1).

CHÚ THÍCH 41:

(1) Ba môn trí huệ, từ bi và phương tiện ở đây là do hồi hướng bằng phương tiện khéo mà thành tùy thuận. Nghĩa là phải tu cho tương ưng với vãng sinh Cực Lạc (tức tu bốn môn trước trong ngũ niệm môn) rồi hồi hướng sự vãng sinh ấy về tất cả chúng sinh, thời tự động sự hồi hướng này tự thuận theo ba môn Bồ Đề. Trong ba môn Bồ Đề này đã có sẵn Bát Nhã, và trong Bát Nhã lại sẵn có phương tiện. Ý nói trong sự hồi hướng “vãng sinh” này (tức hồi hướng bằng phương tiện khéo) đã có đủ Bát Nhã và phương tiện. Ở đây cho thấy ý nghĩa của Bát Nhã là đi từ chỗ vô ngã sang “thế gian” ngã, tức lấy sự an lạc của chúng sinh làm hành nghiệp của mình, rồi lại chuyển từ “thế gian” ngã sang “Tịnh Độ” ngã, tức đưa tất cả chúng sinh đồng về Tịnh Độ. Rõ ràng yếu nghĩa của Bát Nhã ở đây là Tịnh Độ, nên nếu chúng sinh không thấu tỏ được ý nghĩa của Tịnh Độ thì cũng không sao hiểu được chân ý nghĩa của Bát Nhã. Vì Bát Nhã là tiến trình đi từ cá nhân chấp ngã đầy phiền não mà lên đến cực điểm viên mãn là Tịnh Độ Cực Lạc, thế nên Bát Nhã gom trọm phương tiện “độ sinh” là vậy.

Đoạn chính văn ở đây kể cả Đàm Loan Đại sư và Ấn Thuận Đại sư đều chỉ giải thích về ý nghĩa của các từ “trí huệ”, “phương tiện”… mà không cho thấy rõ sự liên hệ của hồi hướng với Bồ Đề môn, Bồ Đề môn với Bát Nhã, Bát Nhã với phương tiện. Sự liên hệ đó chính là sự vãng sinh Tịnh Độ của cá nhân và toàn thể chúng sinh.

TRÊN ĐÃ NÓI LÌA XA TÂM (CHẤP) TÔI KHÔNG THAM ĐẮM THÂN MÌNH, LÌA XA TÂM KHÔNG (ĐEM LẠI) AN (LẠC) CHO CHÚNG SINH, LÌA XA TÂM (CẦU) CUNG KÍNH CÚNG DƯỜNG (CHO) RIÊNG THÂN MÌNH, BA LOẠI PHÁP NÀY (LÀ) LÌA XA TÂM CHƯỚNG (NGẠI CHO) BỒ ĐỀ, CẦN PHẢI BIẾT.

Y theo trí huệ, phương tiện mà luận ba môn, y theo mặt lìa xa, tức là lìa xa (ba loại) tâm chướng (ngại cho) Bồ Đề. Tâm Bồ Đề không chướng (ngại) tức tâm Bồ Đề lìa chướng do hai trí vậy (1).

CHÚ THÍCH 42:

(1) Hai trí là Bát Nhã trí (prajna-jnana) và phương tiện trí (upaya-jnana). Bồ Tát thuộc thập địa sử dụng Bát Nhã để chiếu phá pháp ngã đều KHÔNG, cũng để khai hiển xuất thế gian huệ, nên gọi là Bát Nhã trí. Lấy đó làm phương tiện, Bồ Tát hóa tất cả các pháp để đi dần đến Nhất thiết trí, cũng có nghĩa là nhiếp hữu tình quy về thiện căn xuất thế, nên gọi là phương tiện trí.

TRÊN ĐÃ NÓI VỀ TÂM THANH TỊNH VÔ NHIỄM, TÂM THANH TỊNH AN, TÂM THANH TỊNH LẠC, BA LOẠI TÂM NÀY TÓM LƯỢC LẠI MỘT CHỖ, (LÀ) THÀNH TỰU TÂM DIỆU LẠC THẮNG CHÂN, CẦN PHẢI BIẾT.

Phương tiện thanh tịnh do y theo không nhiễm (không) chướng mà hiển, tức chính là ba loại tâm thanh tịnh. Ba loại tâm này tóm lược lại một chỗ, (nghĩa) là tổng hợp (tại) một chỗ. Tổng hợp ba tâm thanh tịnh này tất thành tựu tâm diệu lạc thắng chân. Thắng là ý nghĩa thù thắng, siêu việt tất cả thế tục, (và) thông đạt ý nghĩa pháp tính chân như KHÔNG vô ngã, như (trong đạo trường) nói nào là thắng nghĩa đế, chân như v.v… Cho nên thắng và chân tức là bổn tướng không nhiễm, không hư vọng của tất cả các pháp. (Còn) diệu lạc là (cái an) lạc của thanh tịnh không nhiễm, tức là (các an) lạc lìa khỏi trói buộc (1).

CHÚ THÍCH 43:

(1) Trói buộc (tức “hệ” hay “hệ phước”) ý nói cho các phiền não vướng víu nơi thân và tâm. Nói rõ hơn bản chất của thân tâm vốn dĩ vô thường biến động nên luôn luôn kết chặt với phiền não.

NHƯ VẬY BỒ TÁT (DO) TÂM TRÍ HUỆ, TÂM PHƯƠNG TIỆN, TÂM KHÔNG CHƯỚNG, TÂM THẮNG CHÂN, (NÊN) CÓ THỂ SINH VÀO CÕI NƯỚC THANH TỊNH CỦA PHẬT, CẦN PHẢI BIẾT.

Tâm không chướng là tâm không chướng (ngại) Bồ Đề vậy. Bồ
Đề gồm đủ bốn tâm (trên) đây, nên có thể sinh vào cõi Phật thanh tịnh của Phật A Di Đà (1).

CHÚ THÍCH 44:

(1) Như vậy hồi hướng (tức môn cuối trong ngũ niệm môn) bằng phương tiện khéo (tức bốn môn trong ngũ niệm môn) sẽ gồm bốn tâm kể trên. Nói cách khác tu ngũ niệm môn là chính đạo để vãng sinh Cực Lạc.

ĐÓ GỌI LÀ BỒ TÁT MA HA TÁT TÙY THUẬN NĂM LOẠI PHÁP MÔN, NHỮNG GÌ PHẢI LÀM (ĐƯỢC) TÙY Ý, TỰ TẠI (MÀ) THÀNH TỰU. NHƯ NHỮNG GÌ ĐÃ NÓI Ở TRÊN VỀ THÂN NGHIỆP, KHẨU NGHIỆP, Ý NGHIỆP, TRÍ NGHIỆP, PHƯƠNG TIỆN TRÍ NGHIỆP, TÙY THUẬN PHÁP MÔN.

Tổng kết năm niệm môn ở trên lại. Môn tác nguyện là trí nghiệp, môn quán sát  là ý nghiệp, môn hồi hướng phương tiện là phương tiện trí nghiệp. Năm loại pháp môn tùy thuận, nếu có thể đầy đủ và tu hành (được) viên mãn, ắt sinh (phương) tây như trở bàn tay.

Đến đây, có một vấn đề nảy sinh, tức quán trọn cõi Phật (đã nói) ở trên, dĩ nhiên là trang nghiêm, song sinh (phương) tây cũng chẳng phải là dễ dàng (1). Tâm thức chúng sinh vốn có mâu thuẫn, lại nghĩ đến cõi Phật viên mãn cùng cực, lại tưởng (chuyện) sinh (phương) tây dễ dàng, không thể nào kiêm cả hai (nên) mới có những người nghiên cứu Cực Lạc (không biết) rốt cuộc là loại thế giới nào. Có vị cho rằng chính là báo độ do báo thân (của) Phật A Di Đà cư ngụ. Chúng sinh nếu không thể tu năm niệm môn viên mãn, ắt không thể nào tùy ý vãng sinh. Cho nên mới có thuyết (cho rằng) niệm Phật (được) vãng sinh là “biệt thời ý thú” (2), song lại còn một thuyết khác thời cho rằng (Tịnh Độ) là hóa độ của hóa Phật, như có nói trong A Di Đà Kinh đại (và) tiểu (bổn). Các (cõi) nước có thời (gian) có địa (điểm), có hai thừa, (thì) phải là hóa thân độ. Song nếu (mà) là hóa độ, thì Cực Lạc (thế giới) hình như không phải là chỗ lý tưởng tối cao. Giờ đây quan điểm của Bồ Tát Thế Thân tương đối viên (dung) thông (suốt). (Theo đó) cho rằng (cõi ấy) là báo độ, vì trong (cõi) ấy không có hai thừa, căn khuyết, và người nữ, cho nên cần phải năm môn mới được vãng sinh, (chứ) không phải dễ dàng. Song chiếu theo tất cả các học chúng mà nói, thì Bồ Tát Thế Thân (còn) có riêng các pháp môn tuần tự từ từ mà thành tựu, như bổn văn dưới đây sẽ nói đến.

CHÚ THÍCH 45:

(1) Đại sư Ấn Thuận cũng như biết bao các bậc cổ đức xưa vẫn bị ám ảnh bởi các ý nghĩa nông sâu và các tầng bậc cao thấp trong Phật pháp nên khó mà dứt khoát chấp nhận hẳn sự vãng sinh Cực Lạc là dễ dàng. Song bên phía Tịnh Độ (tông), theo Đạo Xước phân biệt với Thánh Đạo, thì sự dễ dàng là phải căn cứ theo bổn nguyện lực của A Di Đà Phật. Tất cả vấn đề này cần phải bàn cãi cẩn thận và kỹ càng hơn.

(2) Xem chú thích (10), trong phần Huyền Luận.

IV – TUẦN TỰ TỪ TỪ MÀ THÀNH TỰU.

LẠI CÓ NĂM LOẠI (PHÁP) MÔN, TỰ TỪ TỪ THÀNH TỰU NĂM LOẠI CÔNG ĐỨC CẦN PHẢI BIẾT. GÌ LÀ NĂM MÔN? MỘT LÀ MÔN GẦN, HAI LÀ MÔN ĐẠI HỘI CHÚNG, BA LÀ MÔN NHÀ, BỐN LÀ MÔN PHÒNG, NĂM LÀ MÔN CHỐN VƯỜN RỪNG RONG CHƠI. NĂM LOẠI MÔN NÀY, THÌ BỐN LOẠI MÔN ĐẦU THÌ THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC VÀO, MÔN THỨ NĂM THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC RA.

Giờ năm môn vẫn không lìa khỏi năm môn lễ bái, tán thán v.v… Song nói năm môn ở đây là tu một môn thì có sự thành tựu của một môn, hoặc rộng hoặc sâu, đều đươc vãng sinh nước Cực Lạc vậy. Cũng (còn) là tuần tự (đi) sâu vào (như sau): môn gần là đến cảnh (giới) nước An Lạc, môn đại hội chúng là được (tham) dự (vào) đại pháp hội, môn nhà là như lên tòa nhà lớn, môn phòng là như vào phòng, môn chốn vườn rừng rong chơi là tùy ý hóa độ chúng sinh vậy. Đến nước Cực Lạc, mục đích mục đích là để thành Phật đạo, giáo hóa dẫn dắt chúng sinh, đâu phải chỉ vào phòng ở yên mà thôi, cho nên cần phải ra ngoài vườn rừng vậy. Giờ đây y theo luận này, không y theo chuyện niệm vị thứ trên dưới cố định, mà lấy phát tâm tu hành, càng vào càng sâu làm tuần tự.

MÔN VÀO THỨ NHẤT LÀ DO LẤY LỄ BÁI A DI ĐÀ PHẬT ĐỂ SINH VỀ CÕI NƯỚC KIA, (NÊN) ĐƯỢC SINH (VÀO) THẾ GIỚI AN LẠC, ĐÓ GỌI LÀ MÔN VÀO THỨ NHẤT.

Có gì lại lễ bái Phật A Di Đà? Duy vì nguyện sinh cõi nước Phật kia. Nếu kính tin tha thiết, sáu thời lễ bái chân thành, tất được sinh vào cõi nước An Lạc.

MÔN VÀO THỨ HAI LÀ DO CA NGỢI PHẬT A DI ĐÀ, TÙY THEO DANH (VÀ) NGHĨA (MÀ) XƯNG DANH NHƯ LAI, Y THEO (QUÁN) TƯỞNG (VỀ) ÁNH SÁNG (CỦA) NHƯ LAI (MÀ) TU HÀNH, (NÊN) ĐƯỢC VÀO (TRONG) SỐ CHÚNG (CỦA) ĐẠI HỘI, ĐÓ GỌI LÀ MÔN VÀO THỨ HAI.

Tùy theo danh nghĩa xưng danh Như Lai, nghĩa là (khi) xưng danh cần phải biết các ý nghĩa có nơi danh ấy, cho nên xưng danh Phật chính là ca ngợi công đức của Phật. Miệng xưng danh hiệu của A Di Đà Phật, tâm tưởng thân quang và trí quang của Vô Ngại Quang Như Lai (đến Khắp) mười phương (đều) không (bị chướng) ngại. Trì danh niệm Phật như thế, tất được đến chỗ đại hội chúng của cõi Phật, (được) dự vào số của đại chúng (để) nghe pháp.

MÔN VÀO THỨ BA LÀ DO MỘT LÒNG CHUYÊN NIỆM LẬP NGUYỆN SINH (CÕI NƯỚC) KIA (ĐỂ) TU HÀNH TAM MUỘI TỊCH TĨNH SA MA THA (NÊN) ĐƯỢC VÀO TRONG THẾ GIỚI HOA TẠNG, ĐÓ GỌI LÀ MÔN VÀO THỨ BA.

Trong định duy có ý thức, các thức khác đều là không khởi, cho nên mắt không thấy sắc, tai không nghe tiếng, cho đến thân không cảm xúc. Ý thức (trong) một niệm đẳng lưu tương tục, an trụ, tịch tĩnh. Tâm định ắt phải có khinh an, khởi định tất có sự tinh tiến (của) thân tâm. Giờ đây lấy một lòng chuyên niệm lập nguyện sinh (cõi) kia làm phương tiện, (nghĩa) là niệm niệm phát nguyện vãng sinh, tu thành niệm Phật tam muội. Được vào trong thế giới Hoa Tạng, tất có thể thấy chỗ trụ của Phật A Di Đà (tức) chân tướng của thế giới Cực Lạc vậy. Hai (môn) trước là tán tâm, (còn) đây là tịnh tâm. Y vào môn này, có thể thấy quan điểm của hai môn trước chính là thân độ của ứng hóa vậy.

MÔN VÀO THỨ TƯ LÀ DO CHUYÊN NIỆM QUÁN SÁT SỰ TRANG NGHIÊM (VI) DIỆU CỦA (CÕI) KIA (ĐỂ) TU TỲ BÀ XÁ NA. (NÊN) ĐƯỢC ĐẾN CHỐN KIA, THỌ DỤNG ĐỦ LOẠI (AN) LẠC PHÁP VỊ, ĐÓ GỌI LÀ MÔN VÀO THỨ TƯ.

Trong kinh khởi huệ quán sát, chuyên niệm quán sát tất cả sự trang nghiêm công đức của cõi nước của Phật, (của chính) Phật, (và của) Bồ Tát. Quán huệ thành tựu, (thời) chứng nhập vào tịnh tâm địa, (và) có thể thọ dụng (an) lạc của pháp vị Đại thừa. Đó tất phải là tha thọ dụng độ [báo độ], Bồ Tát đã phần chứng pháp thân vậy. Mục đích tối cao (để) gặp Phật A Di Đà do đó (được) thành đạt. Ba môn trên lấy tín nguyện làm chủ, môn ở đây là huệ Bát Nhã (làm chủ). Cho nên bắt đầu luận có nói: “Làm sao (để) quán? Làm sao sinh tín tâm?”. Y theo đó mà an lập năm môn vậy.

MÔN RA THỨ NĂM LÀ DO ĐẠI TỪ BI, QUÁN SÁT TẤT CẢ CHÚNG SINH KHỔ NÃO, THỊ HIỆN ỨNG HÓA THÂN, VÀO TRỞ LẠI TRONG VƯỜN SINH TỬ RỪNG PHIỀN NÃO, (NHƯ) THẦN THÔNG RONG CHƠI, ĐẾN VÙNG ĐẤT GIÁO HÓA, DO BỔN NGUYỆN LỰC HỒI HƯỚNG VẬY, ĐÓ GỌI LÀ MÔN RA THỨ NĂM.

Bồ Tát đã chứng pháp thân, nghĩa là phải nên dùng tâm đại bi, thương nhớ (đến) chúng sinh khổ, khởi thân ứng hóa – (hoặc) thân Phật, thân Bồ Tát, đủ loại thân chúng sinh, quay vào trở lại vườn sinh tử rừng phiền não. Thân ứng hóa Bồ Tát cùng chúng sinh đồng sự, hiện ra tướng có phiền não sinh tử. Thần thông rong chơi khởi đủ thứ Phật sự độ thoát chúng sinh. Rong chơi có nghĩa là tự tại. Thần thông rong chơi tức thần thông tự tại vậy. Bốn (môn) trước là tự lợi mình, hướng lên tiến tu nên là vào; ở đây là lợi người, quay trở vào sinh tử, nên gọi là ra.

BỐN LOẠI MÔN VÀO CỦA BỒ TÁT (LÀ) SỰ THÀNH TỰU CỦA HẠNH LỢI MÌNH CẦN PHẢI BIẾT. MÔN THỨ NĂM RA CỦA BỒ TÁT (LÀ) SỰ THÀNH TỰU HỒI HƯỚNG LỢI ÍCH NGƯỜI. DO BỒ TÁT TU HẠNH CỦA NĂM MÔN NHƯ VẬY, LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI. MAU ĐƯỢC THÀNH TỰU A NẬU ĐA LA TAM MIỆU TAM BỒ ĐỀ.

Trên đây là tổng kết. Lợi mình lợi người là hạnh Bồ Tát, tu hạnh Bồ Tát, có thể thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề – vô thượng chính đẳng chính giác, tức là thành Phật. Mau được thành Phật là dùng bổn nguyện lực của A Di Đà mà tu hành, như con trẻ y theo người lớn mà đi, không có ngu dại lầm đường té ngã, thì mới có thể mới đến được. Pháp môn niệm Phật này do đó mới có tên là mau được thành tựu vậy.

Năm môn ra vào trên đây xin nêu ra thí dụ để cho sáng tỏ. Bắc Bình xưa gọi là Bắc Kinh vốn là đế đô của bao triều đại. Ai muốn đến Bắc Kinh để gặp Hoàng Đế, nếu đi cửa Chính Dương, tức là thành Bắc Kinh, (tức) như môn thứ nhất gần vậy. Đi vào thấy đường phố rộng dài, dân chúng qua lại, (tức) như môn thứ hai đại hội chúng vậy. Lại vào đến Tử Cấm Thành, xa thấy cung miếu đồ sộ, (tức) như môn thứ ba nhà vậy. Tiến vào trong cung viện đền điện, thấy nguy nga tráng lệ, không sao tả xiết, vua và các đại thần đang luận việc trong đó (tức) như môn thứ tư phòng vậy. Đã gặp gỡ Hoàng Đế rồi, sau đó tự tại thăm xem tất cả mọi thắng cảnh vườn tược, nhà nghèo phố cũ trong thành (tức) như môn thứ năm chốn vườn rong chơi. Năm môn này, nếu lấy nhiều người mà nói, thì tùy công đức tu hành (mà) không đồng, sâu cạn khác nhau. Tuy nói không đồng, song đồng là nước Cực Lạc, như đồng là thành Bắc Kinh vậy. Nếu lấy một người mà nói, thì ban đầu do lễ bái, càng tu vào càng vào sâu, rốt cuộc (là) thành Phật đạo. Đầu tiên hết (là) thân nghiệp lễ bái, liền sinh Cực Lạc, ắt được thành Phật, có thể nói là dễ hành vậy!

Luận này tóm gom hết ý nghĩa của tất cả (kinh thuộc hệ) A Di Đà kinh, hoằng dương đại pháp môn Tịnh Độ, trùm khắp cả ba căn (1) một cách chân chính, có thể cạn (mà cũng) có thể sâu, đã nghe được luận này, không thể lơ là coi nhẹ được vậy!

CHÚ THÍCH 46:

(1) Ba căn tức tiểu thừa, trung thừa và Đại thừa, theo sự phân biệt trong Pháp Hoa Kinh.