CHÁNH THÍCH

Chú Thích Từ Câu 01 Đến Câu 30

I) KỆ TỤNG TỔNG THUYẾT:

NGUYỆN SINH KỆ:

Bổn luận văn này, trước hết dùng các kệ tụng để nói tổng quát, sau dùng văn trường hàng (1) giải thích. (Phần) kệ có tên là “Nguyện Sinh Kệ”, tức các kệ phát nguyện vãng sinh Tịnh Độ, để cầu sinh về cõi Phật. (Chữ) kệ là phạn ngữ (2), mỗi câu bốn chữ, năm chữ đến tám chữ, lấy bốn câu làm một bài kệ, gần giống với thơ Trung Hoa. Nguyện sinh kệ chính là tổng danh của các bài kệ sau đó. Các bổn (thuộc) tạng (kinh) đời Tống đều đặt (ba chữ) “Nguyện sinh kệ” ở trước các kệ tụng. Bổn của tạng Cao Ly đặt (các chữ ấy) ở dưới đề mục, trọn đầu đề là “Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sinh Kệ”, đưa (ba chữ) nguyện sinh kệ vào thành trọn tựa đề của bộ luận, là lầm vậy. “Nguyện sinh kệ” gồm 24 bài kệ. Hai bài kệ đầu bày tỏ ý quy kính (và) những gì (mình) nói lên, hoằng dương, tán thán, đều không phải cái thấy riêng của mình mà chính là những gì Phật nói, riêng mình không hề có công, (để) nói lên sự cung kính đối với Phật, cùng nêu rõ có được gì cũng toàn là do Phật mà thôi. Cho nên phàm đệ tử Phật làm luận, đều theo thái độ ấy, quy kính Tam Bảo. Bổn luận này chỉ quy kính Phật Bảo.

CHÚ THÍCH 1:

(1)  Văn trường hàng là văn xuôi, trái ngược với kệ tụng viết theo thể thơ.

(2)  Kệ theo phạn ngữ là Gatha, được phiên âm ra hán việt là Già Đà, đôi khi là Già Tha (được coi là phiên sai). Không hiểu sao lại đọc là kệ! Có người cho rằng đó là nói tắt chữ Kệ Đà, phiên âm từ Gatha, và theo Huyền Ứng Âm Nghĩa thì nói “kệ” cũng do phiên âm sai mà ra. Thông thường kệ được dịch là tụng, với ý nghĩa ca ngợi, khen tặng.

THẾ TÔN, CON MỘT LÒNG QUY MẠNG, TẬN THẬP PHƯƠNG VÔ NGẠI QUANG NHƯ LAI, NGUYỆN SINH NƯỚC AN LẠC.

Thế Tôn”: tiếng phạn là Bà Già Bà, cũng nói là Bạc Già Phạn (1), có nghĩa là được tất cả thế và xuất thế gian tôn kính.

Con một lòng quy mạng”: một lòng là chuyên tâm nhất chí quy tín Thế Tôn. Nếu không một lòng tức tín tâm không tha thiết. Quy mạng tức là Nam Mô của tiếng phạn. Như ý nghĩa “tương thử thân tâm phụng trần sát, thử tắc danh vi báo Phật ân” (2). Quy tín  là phải quy y và phải tin tưởng hoàn toàn không giữ một chút gì (3). Nếu chỉ tin một phần, ngoài ra thì không tin, ắt không được gọi là quy tín. Đây không hề có ý nói là tin (một cách) ngu (muội), đương nhiên vẫn cần có lý trí quyết định, song một khi đã quy tín, thì phải một lòng tin tưởng không giữ lại ý kiến của riêng mình. Điểm này (các) tôn giáo cùng có chung (và) không phân Đại thừa (hay) Tiểu thừa, không (thừa) nào lại (có thể) không như vậy.

Tận thập phương vô ngại quang Như Lai”: Vô ngại quang Như Lai tức là Vô Lượng Quang Như Lai, tức A Di Đà Bà Gia Phật (4), là chỗ để một lòng quy mạng về. Vô ngại quang tức từng quang một không (bị chướng) ngại, không như các thứ các, cũng không như âm thanh (đều) có trở ngại (5). Chỉ một mình quang là có thể dung hợp(với nhau) làm một, song vẫn có thể bị vật khác làm chướng ngại. Còn quang của Phật A Di Đà ở đây (gồm) thân quang, trí quang, ắt có thể chiếu khắp mười phương không bị vật nào chướng ngại hết. Như Lai là một trong mười hiệu của Phật, tên (theo) tiếng phạn là Đa Đà A Già Đà (6). Như có nghĩa là tương đồng bình đẳng, tức ý nghĩa tuyệt đối và không có phân biệt. Lai, phạn văn cũng có thể nói là “khứ”, có nghĩa là động. Nếu hiểu được chân như, đắc được Phật đạo này thì gọi là Như Lai.

Nguyện sinh nước An Lạc”: Nước nghĩa là thế giới. Nước An Lạc cũng gọi là An Dưỡng, cũng gọi là nước Cực Lạc. Nguyện sinh nước An Lạc, tức là cái ý tại sao lại quy mạng A Di Đà Phật vậy.

CHÚ THÍCH 2:

(1)  Phạn ngữ Bhagavat.

(2)  Hai câu này trích trong bài kệ phát nguyện của Ngài A Nan trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, có nghĩa là “đem thân và tâm (của mình) ra để phục vụ cho (vô lượng) các cõi như (số) vi trần, như thế mới gọi là báo đền ân của Phật”.

(3) Ý nói phải như hai câu kệ trên, khi quy tín là phải toàn thể thân và tâm không sót một chỗ nào là không tin phục.

(4)  A Di Đà Bà Gia: xem chúc thích (5) phần Huyền Luận.

(5)  Ý nói không ngại của Quang, tức ánh sáng, ở đây là giữa ánh sáng với nhau có thể giao thoa vào nhau, dung hợp lẫn nhau. Âm thanh có thể bị át đi bởi âm thanh khác, đó là chỗ chướng ngại nhau giữa âm thanh với nhau.

(6)  Đa Đà A Già Đa phiên âm của phạn ngữ Tathagata. Tatha nghĩa là “như thế, như vậy”, agata nghĩa là “đến, lại”.

CON Y TU DA LA, TƯỚNG CÔNG ĐỨC CHÂN THẬT, NÓI NGUYỆN KỆ TỔNG TRÌ, CÙNG PHẬT GIÁO TƯƠNG ƯNG.

Bài tụng này nói lên cái ý tại sao tạo ra bộ luận này. Tu Đa La (1) là khế kinh, ý nói khế kinh là khế cơ (2). Các công đức vô lậu (3) của Phật cùng đủ loại công đức của cõi Phật Cực Lạc thế giới (này), là công đức chân thật cứu cánh, viên mãn, vô lậu, và tương ưng với chân lý (4). Giờ đây nói kệ nguyện sinh, tổng trì [(tức) tất cả đều bao hàm bên trong] các loại công đức chân thật nói trên (5), bởi tương ưng cùng với những gì Phật giáo nói. Đây chẳng phải y theo một kinh, hoặc một mảnh, một đoạn kinh văn mà nói (kệ), mà chính là xét hết các tướng công đức của thế giới phương tây được nói đến trong các loại A Di Đà Kinh, mà nói lên kệ nguyện sinh.

CHÚ THÍCH 3:

(1) Phiên âm Hán Việt của phạn ngữ Sutra, dịch là khế kinh. Khế có nghĩa là đúng với, ăn khớp với, thích ứng, tương ưng với…

(2) Khế lý đúng khớp, tương ưng với chân lý. Chân lý, theo đạo Phật, tức thật tướng của pháp. Thật tướng này, theo Đại thừa, tự nó vốn không có, nên nói là KHÔNG. Song cái KHÔNG này không phải là đoạn diệt, bởi nó lại tùy theo căn tính của chúng sinh mà thể hiện ra ý nghĩa chân thật của nó. Chúng sinh có nhiều căn tính sai khác, nên thật tướng (KHÔNG) thể hiện ra, khi thì là vô thường, là khổ, là vô ngã, là Niết Bàn, khi thì là trí huệ, là từ bi, khi thì là một hữu tình giác ngộ, là Phật, khi thì là cả một thế giới trong sạch sáng ngời, là tịnh độ, khi thì là tất cả vô lượng vô biên thế giới, dơ hay sạch cũng đồng đẳng. Các căn tính sai khác này của chúng sinh gọi là “cơ”. Phật theo căn cơ của chúng sinh mà nói ra thật tướng (KHÔNG), thế nên những gì Phật nói đều khế lý và khế cơ vậy.

(3) Vô lậu (Anasrava) nghĩa đen là không rỉ ra, không bị rò, bị chảy ra. Tại sao đức Phật lại dùng chữ này để nói cho sự chứng đạo giải thoát của các bậc thánh A La Hán? Có lẽ vì các bậc thánh này đã an trụ vững chắc hoàn toàn vào thật tế (tức sự thật an nhiên bất động) của các pháp, nên vĩnh viễn không còn “sinh khởi” ra (tức không “rỉ” ra, không “lọt” ra) bất cứ một thứ hiện hữu nào nữa (nên nhớ mọi hiện hữu đều vô thường và biến chuyển đều thuộc bản chất của luân hồi). Vô lậu có khác với Niết Bàn. Niết Bàn là thật tướng của các pháp khi không còn một hiện tướng nào nữa (tức thật tướng vô tướng) nên Niết Bàn là thật tướng (tức chân lý) của sự chết. Còn vô lậu là thật tướng của các pháp khi còn đang là hiện tướng, tức đang trong trạng thái biến chuyển không thường, khi các pháp còn đang có đó, đang hiện hành đó, nên vô lậu được coi như thật tế của các pháp (đang hiện hành).

Phật tạo tác mọi công đức dựa trên thật tế của các pháp (đang hiện hành) chứ không dựa vào thật tướng Niết Bàn của các pháp (đã tịch diệt). Vì nếu dựa vào thật tướng Niết Bàn ắt không có các pháp để tạo công đức nữa. Do đó các công đức của Phật không phải như các công đức tạo tác của thế gian vô thường biến hoại thuộc hữu lậu và khổ đau. Các công đức này hoàn toàn vô lậu. Nghĩa là Phật thật sự có tạo nghiệp nhưng không hề thuộc về tính chất luân hồi của ba cõi hữu, mà nghiệp của Ngài thuộc tính chất công đức vô lậu, chân thật, viên mãn và tương ương với thật tướng của đạo Phật.

(4) Cõi Cực Lạc như thế chính là một thế giới hoàn toàn chân thật. Nó chính là thật tướng (KHÔNG) thể hiện ra ở một mức độ cao tột tương ưng với những căn cơ và trí huệ rất thâm sâu của những đại hữu tình, tức các đại Bồ Tát, và đặc biệt nhất là tương ưng với bổn hạnh nguyện của Phật A Di Đà. Cõi này do đó hết sức đặc biệt và kỳ ảo. Thật tướng (KHÔNG) của Đại thừa đến Tịnh Độ là đã thể hiện ra được mức tối thượng rồi. Tuy nhiên Tịnh Độ Cực Lạc của Phật A Di Đà lại còn tiến thêm bước nữa làm hé lộ ra một bộ mặt mới của cảnh giới thật tướng (KHÔNG) vi diệu bất khả tư nghì. Đại thừa của Tịnh Độ Cực Lạc thế giới quả thật không còn cách xa với Hoa Nghiêm thế giới là bao nữa.

(5)  Tức công đức vô lậu của Phật cũng giống như chân thật của Cực Lạc thế giới vậy.

QUÁN TƯỚNG THẾ GIỚI KIA,
HƠN HẲN ĐƯỜNG BA CÕI.
CỨU CÁNH TỰA NHƯ KHÔNG
RỘNG LỚN KHÔNG BỜ BẾN.
CHÍNH ĐẠO ĐẠI TỪ BI,
THIỆN CĂN XUẤT THẾ SINH.
QUANG MINH SẠCH ĐẦY ĐỦ
NHƯ GƯƠNG VÀNH NHẬT NGUYỆT.
ĐỦ TÍNH CHẤT TRÂN BẢO,
GỒM HẾT DIỆU TRANG NGHIÊM
QUANG VÔ CẤU RỰC RỠ
SÁNG SẠCH RỌI THẾ GIAN
CỎ CÔNG ĐỨC BẰNG BÁU
MỀM MẠI CHUYỂN TRÁI PHẢI,
CHẠM VÀO SINH THẮNG LẠC
HƠN CA CHIÊN LÂN ĐÀ.
HOA BÁU NGÀN VẠN LOẠI
CHE KHẮP SUỐI AO HỒ,
GIÓ THOẢNG LAY HOA LÁ
QUANG GIAO THOA LOẠN CHUYỂN.
CUNG ĐIỆN CÙNG LẦU GÁC
THẤY KHÔNG NGẠI MƯỜI PHƯƠNG,
CÂY TẠP ĐỦ QUANG SẮC,
LAN CAN BÁU GIÁP VÒNG.
VÔ LƯỢNG BÁU GIAO NHAU
HƯ KHÔNG TRÀN LƯỚI VÕNG,
ĐỦ LOẠI LINH VANG HƯỞNG
NGÂN NGA ÂM DIỆU PHÁP.
MƯA HOA, Y TRANG NGHIÊM
VÔ LƯỢNG HƯƠNG HUÂN KHẮP.
MẶT TRỜI PHẬT HUỆ SÁNG
SẠCH TRỪ THẾ SÁM SI.
PHẠM THANH NÓI VANG XA
VI DIỆU VỌNG MƯỜI PHƯƠNG
A DI ĐÀ CHÍNH GIÁC
PHÁP VƯƠNG KHÉO GIỮ TRÌ.
NHƯ LAI TỊNH HOA CHÚNG
HÓA SINH HOA CHÍNH GIÁC.
YÊU THÍCH PHẬT PHÁP VỊ
THIỀN TAM MUỘI MÓN ĂN.
DỨT LÌA THÂN TÂM NÃO
THƯỜNG THỌ LẠC KHÔNG NGƯNG.
ĐẠI THỪA THIỆN CĂN GIỚI,
BẰNG, KHÔNG DANH XẤU XA:
NGƯỜI NỮ VÀ CĂN KHUYẾT,
GIỐNG NHỊ THỪA CHẲNG SINH.
CHÚNG SINH BAO ƯỚC MUỐN,
TẤT CẢ ĐỀU ĐẦY ĐỦ.
NÊN CON NGUYỆN VÃNG SINH
NƯỚC PHẬT A DI ĐÀ
VÔ LƯỢNG VUA BÁU LỚN,
ĐÀI HOA SẠCH VI DIỆU.
TƯỚNG ĐẸP RẠNG MỘT TẦM,
SẮC TƯỢNG VƯỢT QUẦN SINH.
NHƯ LAI TIẾNG VI DIỆU,
ÂM PHẠM VỌNG MƯỜI PHƯƠNG.
ĐỒNG ĐẤT, NƯỚC, LỬA, GIÓ,
HƯ KHÔNG, KHÔNG PHÂN BIỆT.
CHÚNG TRỜI, NGƯỜI BẤT ĐỘNG,
BIỂN TRÍ THANH TỊNH SINH.
NHƯ TU DI NÚI CHÚA
THẮNG DIỆU KHÔNG GÌ HƠN.
TRỜI, NGƯỜI, TRƯỢNG PHU CHÚNG,
CHIÊM NGƯỠNG KÍNH VÂY QUANH.
QUÁN PHẬT BỔN NGUYỆN LỰC
GẶP KHÔNG UỔNG QUA KHÔNG,
KHIẾN ĐƯỢC MAU ĐẦY ĐỦ
BIỂN LỚN CÔNG ĐỨC BÁU.
NƯỚC AN LẠC THANH TỊNH
THƯỜNG CHUYỂN VÔ CẤU LUÂN,
HÓA PHẬT, BỒ TÁT NHẬT,
NHƯ TU DI TRỤ TRÌ.
VÔ CẤU QUANG TRANG NGHIÊM,
MỖI NIỆM VÀ MỖI THỜI,
CHIẾU KHẮP CÁC PHẬT HỘI,
LỢI ÍCH CÁC QUẦN SINH.
NÀO MƯA NHẠC TRỜI, HOA,
Y, DIỆU HƯƠNG… CÚNG DƯỜNG,
KHEN CÔNG ĐỨC CHƯ PHẬT,
KHÔNG CÓ PHÂN BIỆT TÂM.
NHỮNG THẾ GIỚI NÀO KHÔNG
PHẬT, PHÁP, CÔNG ĐỨC BẢO,
CON ĐỀU NGUYỆN VÃNG SINH
HIỂN PHẬT, PHÁP NHƯ PHẬT.

Hai mươi mốt bài kệ trên nói rộng về sự trang nghiêm (do) công đức. (Và) sẽ được giải thích rõ ràng trong phần giải thích (bằng) trường hàng bên dưới.

CON LÀM LUẬN NÓI KỆ
NGUYỆN GẶP PHẬT DI ĐÀ
CÙNG KHẮP CÁC CHÚNG SINH
SINH VỀ AN LẠC QUỐC.

Bài tụng cuối này chính là (để) hồi hướng và lưu thông (1). Gặp Phật A Di Đà, trừ ra khi lâm chung gặp Phật, cũng có thể ngay trong lúc còn sống mà gặp, như gặp trong mộng, gặp trong (thiền) định chẳng hạn. Sơ tổ Liên Tông là Huệ Viễn Đại sư từng mấy phen gặp Phật Di Đà trong tam muội. Song ở đây ước nguyện của Thế Thân Bồ Tát là mệnh chung vãng sinh (để) gặp Phật. Do bi tâm của ngài rộng lớn nên trừ mình gặp (Phật) ra, còn nguyện cùng với các chúng sinh đồng gặp. Thế Thân đem công đức tạo luận hồi hướng cho chính mình và chúng sinh, có thể do đó mà (được) vãng sinh Cực Lạc. Hồi hướng là hồi cái này hướng cái kia, ý muốn nói đem công đức này ra dùng vào việc (vãng sinh) kia vậy.

CHÚ THÍCH 4:

(1) Lưu thông có nghĩa là để phổ biến đến khắp chúng sinh.

CÁC CÂU CÚ THUỘC TU DA LA (VỀ) VÔ LƯỢNG THỌ, CON ĐÃ DÙNG KỆ TỤNG (ĐỂ) NÓI TỔNG QUÁT XONG.

II- GIẢI THÍCH TRƯỜNG HÀNG.

1) NÊU TÔNG LƯỢC THÍCH (1)

LUẬN RẰNG: CÁC NGUYỆN KỆ NÀY (MUỐN) NÓI LÊN NGHĨA GÌ? VÌ (MUỐN) QUÁN THẾ GIỚI AN LẠC, (MUỐN) GẶP PHẬT A DI ĐÀ, (MUỐN) NGUYỆN SINH (VỀ CÕI) NƯỚC KIA.

Luận này theo các “nguyện sinh kệ” để phân biệt rộng ra, khiến các cương mục rành mạch, sắp xếp phân minh. Bồ tát Ấn Độ tạo luận phần nhiều tông [theo] kinh, không coi trọng việc giải thích văn cú. Những gì các nguyện kệ ở trên nói lên là có nghĩa gì vậy? (Đáp) rằng: (là để) quán tưởng thế giới Cực Lạc như ngay trước mắt, khiến cho những (gì) thù thắng của (thế giới) nọ rành rành phân minh, cùng được chính mình gặp Phật A Di Đà, làm cho tín tâm vững chắc (để) phát nguyện sinh về cõi nước kia. Niệm Phật có nhiều môn, môn mà (tổ) Huệ Viễn đề xướng là “trì danh niệm Phật”. Bộ luận của Thế Thân Bồ Tát (lại) là “quán tưởng niệm Phật”. Thật ra Thế Thân cũng không chuyên chú về quán tưởng, (chúng ta) sẽ thấy ở văn bên dưới, song lấy quán tưởng làm trọng tâm mà thôi. (Ngoài ra) những gì Kim Cương Kinh trình bày chính là “thật tướng niệm Phật” (2). Có người nói “thật tướng niệm Phật” là thượng phẩm thượng sinh, cần phải là người căn khí (3) cực sắc bén mới có thể (thành tựu) được. Song chúng sinh thời mạt pháp, tâm thô lại tán, quán tưởng cũng không dễ thành tựu, cho nên coi trì danh niệm Phật là đối cơ (4). Những gì nói đây đã đành vẫn là sự thật, song nếu có được phương pháp khéo hơn, cùng được chuyên gia chỉ bảo, thì vẫn có thể tu trì, từ cạn vào sâu, từ tiểu thành đại, không gì (lại) không thành tựu. Chẳng hạn như trước quán bạch hào…, sao cho (bạch hào) đó rành mạch phân minh, tiếp lại (quán) rộng ra, (rồi) bất chợt liền thấy toàn thân. Người ngày nay có người cho cảnh giới Hoa Nghiêm là huyền đàm (5), kỳ thật người (nào) có thể tu (thì) đều có thể (do) tu mà thành tựu được. Lúc tu trước cần phải “an lập”, tức trói niệm (vào) một tướng, cứ (những gì) phù động (6) (là) không thật, sau dần ổn định, gọi là “an lập”. Như vậy mà tu trì có thể thành công (7).

CHÚ THÍCH 5:

(1) Có nghĩa là nêu lên cái ý hướng nền tảng của toàn bộ luận và giải thích sơ qua ý hướng đó.

(2) Về ba loại niệm Phật này vốn chiếu theo ba loại Bát Nhã mà lập thành. Trì danh niệm Phật tương ưng với văn tự Bát Nhã, quán tưởng niệm Phật tương ưng với quán chiếu Bát Nhã, và thật tướng niệm Phật tương ưng với thật tướng Bát Nhã. Việc phân chia niệm Phật theo công đức của Bát Nhã này dễ gây hiểu lầm cho nhiều người. Thật ra vấn đề niệm Phật phải gắn liền với ý nghĩa vãng sinh, dù là trì danh, quán tưởng hay thật tướng. Đại thừa khi đến giai đoạn Tịnh Độ ở đây, thì ý nghĩa chính yếu của nó chính là Cực Lạc thế giới của A Di Đà Phật, chứ không phải là cái khả năng suy xét thâm thúy của tâm thức con người. Ở đây không phải một cá nhân nào đó chứng được thật tướng là Đại thừa, mà vãng sinh Tịnh Độ mới là Đại thừa. Đại thừa ở đây là cả một thế giới vô hạn trong đó thế gian vô tình và chúng sinh hữu tình đều là thật tướng. Tu Đại thừa ở đây là cả một thế giới vô biên đồng tu, chứ không phải là một cá nhân xuất sắc nào đó mà thôi. Do đó nếu không vãng sinh Tịnh Độ thì mọi công năng tu trì niệm Phật (dù là trì danh, quán tưởng hay thật tướng) đều trở thành công đức cá nhân, và không còn gì là ý nghĩa Đại thừa, đặc biệt là Đại thừa của Tịnh Độ nữa.

(3) Căn là gốc rễ, gốc gác, ý nói cái căn tính, cái tính chất gốc hay bản tính của mình. Khí là đồ vật, đồ dùng, thường được dùng để ví dụ cho chúng sinh mỗi khi đức Phật trình bày về căn cơ của chúng sinh. Mỗi chúng sinh là một đồ dùng để sử dụng hay chứa đựng chân lý. Cái khả năng sai khác để duy trì và đón nhận chân lý của chúng sinh do đó được gọi là chân khí.

(4) Đối cơ là thích đáng, đúng hợp với căn cơ của chúng sinh.

(5) Huyền đàm nghĩa là các vấn đề thâm sâu vi diệu. Đàm là bàn bạc với nhau, huyền là u huyền, bí ẩn, khôn lường.

(6) Phù động: phù là nổi lên trên, động là lao xao không yên. Tâm tưởng con người luôn lao xao khởi lên không ngớt thì gọi là phù động.

(7) Ấn Thuận Đại sư vốn thiên về tính KHÔNG Bát Nhã học nên nhận định của ngài về Tịnh Độ cũng không khỏi dựa trên Bát Nhã học. Có thể nói Bát Nhã học là một bản thể thật tại luận, thế nên người học Bát Nhã rất thực tế và khoa học, thiên về lý trí phân tích, tìm tòi một cách thực nghiệm, và luôn luôn ở tại thế gian này. Trong khi Tịnh Độ, và đặc biệt Cực Lạc thế giới của Phật A Di Đà, có thể nói là một vũ trụ thật tại luận, nên Tịnh Độ đòi hỏi cá nhân phải từ bỏ tất cả những gì là nó, thuộc về nó. Tịnh Độ muốn cá nhân trở về với suối nguồn của nó, vốn là một thật tại đang hoạt động ngay đây và tức thì, nhưng không hề bị hạn cuộc trong giới hạn của cá nhân, mà tỏa ra khắp mọi phương mọi thời, chúng ta có thể tạm gọi đó là vũ trụ, nhưng là thứ vũ trụ không hạn lượng, không biên tế. Không có cái vũ trụ ấy đang hoạt động, đang hiện hữu đây, thì cá nhân cũng không có nữa. Cái trí huệ xây dựng nên từ lý trí của cá nhân sẽ không sao thể nhận ra và hội nhập vào được cái thật tại vũ trụ vô biên này. Nhưng chỉ với lòng tin, cá nhân chấp nhận chuyển bỏ mọi tình cảm, lý trí, cũng như cả cái thế giới của nó (vốn là giới hạn của cá nhân), để đón nhận ra, qua sự thực hiện việc vãng sinh, một thật tại bao la về cả thế giới lẫn chúng sinh của Cực Lạc thế giới.

Ý nghĩa này rất khó để trình bày cho thỏa đáng. Vì chúng ta có thể dễ hiểu lầm khi nghe các chữ như vũ trụ, thế giới, và thật tại… Phải hiểu các thế giới mà chúng ta thật tại đang ở trong nó không hề phải là cái thật tại vũ trụ luận của Tịnh Độ. Thế giới đó và thật tại đó hoàn toàn bị quy định bởi tình cảm và lý trí của cá nhân, nên chúng chỉ là những giới hạn của cá nhân mà thôi. Một khi quy về Tịnh Độ, cái bản ngã của cá nhân phải chịu hàng phục  trước cái thật thể quang minh vô lượng vô biên vô ngại của Phật A Di Đà, và thế giới thật tại của chúng ta phải được xóa bỏ ngay để chuyển sang cái thế giới thật tại cực lạc vô biên và tràn ngập quang minh huy hoàng.

Thế nên pháp môn Tịnh Độ Cực Lạc là pháp môn tin tưởng và vãng sinh, chứ không hề phải là pháp môn tôi luyện cho cá nhân Ấn Thuận Đại sư trình bày ở trên.

LÀM SAO QUÁN? LÀM SAO SINH TÍN TÂM? NẾU THIỆN NAM TỬ, THIỆN NỮ NHÂN, NGƯỜI NÀO TU “NĂM MIỆM MÔN” THÀNH TỰU, RỐT CUỘC SẼ SINH VỀ NƯỚC AN LẠC, GẶP PHẬT A DI ĐÀ KIA.

Tu “ngũ niệm môn” là tu năm thứ pháp môn niệm Phật. “Tín” chính là tin (và) nguyện, “quán” chính là trí tuệ. “Biển lớn Phật pháp, tín mới có thể vào, trí mới có thể qua” (1). Tu năm niệm môn này chính là phương tiện để tu quán và sinh tín tâm vậy. Song cần phải tu cho được thành tựu, mới được sinh (về nước) kia, không phải vừa tu là sinh ngay vậy. Niệm Phật là dùng tâm mà niệm, nay có người cho (niệm) là đọc ra chữ là lầm. Niệm có nghĩa là tâm chuyển động nơi một cảnh (mà thôi). Có nghĩa như khi niệm Phật thời tâm ở nơi Phật, khi niệm pháp thời không quên “tất cả các pháp không sinh không diệt” chẳng hạn, (đó là) trói niệm (lại để) không quên vậy. Có thể niệm đến “nhất tâm bất loạn” tức đắc thiền định, thành tựu trí huệ, ngoài ra không có pháp nào khác. Niệm niệm tiếp nhau không ngoài một niệm này (2), (nếu) có thể được như thế, tức có thể vãng sinh gặp Phật A Di Đà (3).

CHÚ THÍCH 6:

(1) Trích theo Đại Trí Độ Luận của Long Thụ Bồ Tát, mở đầu phần “Thích Sơ phẩm trung như thị ngã văn nhất thời”. Nguyên văn: “Phật pháp đại hải, tín vi năng nhập, trí vi năng độ”.

(2) Nghĩa là bao nhiêu niệm đi nữa cũng chỉ là niệm Phật.

(3) Theo ý của Ấn Thuận thì dường như phải tu cho thành tựu “ngũ niệm môn” này mới được vãng sinh.Nhưng theo chín phẩm vãng sinh của Quán Kinh thì không có chút gì khó khăn trong việc vãng sinh và tín tâm mới là căn bản cho việc vãng sinh. Như vậy phải chăng “tu ngũ niệm môn thành tựu” ở đây không hề phải là sự thành tựu cho cá nhân về niệm và quán (như Ấn Thuận hiểu), mà thật ra phải là sự thành tựu của tín tâm vậy. Nếu tu niệm tu quán thành tựu mà không có lòng tin, thì cũng không được vãng sinh, do đó vẫn bị hạn cuộc trong cái thật tại của cá nhân, và như vậy không thể thật chứng được thật tướng viên mãn, vừa vô hạn vừa bao trùm mọi không và thời gian. Do đó tu “ngũ niệm môn” ở đây là cách thức khơi dậy một lòng tin tương ưng với Tịnh Độ, mục tiêu là để vãng sinh về Cực Lạc và gặp Phật A Di Đà. Và vì tính chất hoàn toàn chân thật của Cực Lạc thế giới tương ưng với chính lý của Đại thừa, nên lòng tin vào Tịnh Độ này tự nó có đủ tính chất trí huệ, thiền định và từ bi của Đại thừa vậy.

Theo quan điểm này, những gì Ấn Thuận Đại sư giảng giải ở trên không thích đáng chút nào. Cách thức tu ngũ niệm môn hết sức giản dị như bổn luận đây trình bày, và trung tâm điểm chính là tín tâm.

NGHĨA GÌ LÀ “NĂM NIỆM MÔN”? MỘT LÀ LỄ BÁI MÔN, HAI LÀ TÁN THÁN MÔN, BA LÀ TÁC NGUYỆN MÔN, BỐN LÀ QUÁN SÁT MÔN, NĂM LÀ HỒI HƯỚNG MÔN.

Trên đây là lược đưa ra tên của năm môn. (Môn) một là thân nghiệp, (môn) hai là khẩu nghiệp, (môn) ba, bốn, năm là ý nghiệp. Tác nguyện môn có thể đắc định. Quán sát môn có thể đắc huệ. Hồi hướng môn đắc công đức đại bi. (Còn phân làm năm) là (để) phân từ nông vào sâu, nếu như tổng trì (được) cả năm, chắc chắn được vãng sinh. Lại năm môn này luận chủ vốn y theo “nguyện sinh kệ” mà thành lập: y theo hai bài kệ đầu lập lễ bái môn, tán thán môn (và) tác nguyện môn. Y theo 21 bài kệ kế tiếp thành lập quán sát môn. Y theo bài kệ sau cùng lập nên hồi hướng môn. Dưới đây là lược thích năm môn.

THẾ NÀO LÀ LỄ BÁI? THÂN NGHIỆP LỄ BÁI A DI ĐÀ NHƯ LAI ỨNG CÚNG CHÍNH BIẾN TRI, DO VÌ Ý MUỐN SINH VỀ NƯỚC KIA.

Dùng thân kính lễ, hoặc chắp tay, hoặc hỏi han, hoặc đảnh lễ (1). Song lễ Phật phải như là (đang) có Phật tại đó. Ứng cúng tức là A La Hán (2), đáng được người, trời cúng dường. Chính Biến Tri tức Tam Miệu Tam Bồ Đề, hoặc Tam Miệu Tam Phật Đà (3), nghĩa là biết chân chính và biết khắp hết. Như Lai, Ứng Cúng (và) Chính Biến Tri là ba loại đức hiệu của Phật. Dùng thân nghiệp kính lễ Như Lai, vì có ý một lòng nguyện sinh về nước kia.

CHÚ THÍCH 7:

(1) Đảnh lễ là cuối lạy sát xuống, đưa đỉnh đầu sát xuống để lễ lậy.

(2) Arhat từ động từ gốc Arh có nghĩa là xứng đáng, đáng được. Hán dịch là Ứng (đáng được) hoặc ứng cúng (đáng được cúng dường), phiên âm Hán Việt là A La Hán.

(3) Samyak-Sambuddha: Samyak phiên âm là “tam miệu”, có nghĩa là chính thật, chính xác… Sambuddha phiên âm là “tam bồ đề”, Sam (tam) dịch là đẳng, bình đẳng, và buddha (Bồ Đề hay Phật Đà) dịch là giác. Ngoài ra Sam còn dịch là “biến” và buddha là “tri”, tức “chính biến tri”.

THẾ NÀO LÀ TÁN THÁN? XƯNG DANH CỦA NHƯ LAI KIA, (ĐÚNG) NHƯ TRÍ TƯỚNG QUANG MINH CỦA NHƯ LAI KIA, (ĐÚNG) NHƯ DANH (VÀ) NGHĨA KIA, VÌ MUỐN NHƯ THẬT TU HÀNH (CHO ĐƯỢC) TƯƠNG ƯNG.

Thông thường (người ta) dùng miệng (để) trì danh niệm Phật, tức thuộc tán thán môn. Tại sao vậy? (Và có) giống như trẻ nhỏ gọi mẹ chăng? Không phải vậy. Bởi Phật danh là hồng danh (1) (bao gồm) vạn đức, xưng danh (ngài) là đồng với tán thán công đức của ngài. Như A Di Đà Bà Gia tức Vô Lượng Quang, tiêu biểu cho trí tướng quang minh của Như Lai. Chiếu theo danh để suy về nghĩa là ý nghĩa chân chính của tán thán. Vì Phật danh vô lượng, (nên) công đức của Ngài cũng vô lượng, (cũng) không thể suy lường, cho nên xưng danh tức là dùng khẩu nghiệp xưng tụng công đức của Phật này. Tựa theo người đời sùng bái một nhân vật nào đó, khi xưng danh người đó lên, ắt phải biết trước cái chỗ vĩ đại của nhân vật mà danh đó đại biểu, nếu không thì đâu có thể nói là sùng bái được. Xưng danh như thế tức đồng với tán thán. Đối với việc tu hành, thì cứ tất cả mọi thứ trong quá trình học Phật, đều là tu hành, hoặc tu phúc hoặc tu huệ. Song như Phật tu hành tức là tu hành tương ưng với định huệ. Đối với Phật danh có được sự hiểu rõ thâm sâu, trì danh như thế (mới) có thể y theo niệm mà tiến tu định huệ, theo đó mà cảm được Phật lực gia bị (mà) vãng sinh Cực Lạc. Vả như cầu (tu) định (thời) phương tiện có nhiều môn, như trì chú, cột tâm vào dưới rốn v.v… tuy được định song không thể sinh Cực Lạc. Chỉ có niệm Phật, đối với công đức của A Di Đà Phật, thấu hiểu sâu xa, đầy đủ tín nguyện mới có thể tương ưng (2) mà sinh về nước kia.

CHÚ THÍCH 8:

(1) Hồng có nghĩa là to lớn, tràn trụa. Danh hiệu của Phật là để chỉ cho các công đức bao la vô lượng của Phật nên gọi là “hồng danh”.

(2) Nguyên văn của chính văn dục như thật tu hành tương ưng. Theo Ấn Thuận Đại sư thì tương ưng ở đây là đúng lý, đủ điều kiện, để sinh về Cực Lạc. Nhưng vấn đề sinh về cõi nước kia là thuộc về lễ bái môn ở trên. Như vậy ở môn tán thán này tương ưng là tương ưng với danh và nghĩa của quang minh trí tướng của A Di Đà Phật.
Thế Thân Bồ Tát xác định vấn đề vãng sinh thuộc về thân nghiệp, vấn đề tu hành chân chính thuộc về khẩu nghiệp (và ý nghiệp). Muốn vãng sinh về Cực Lạc thì hãy lễ bái A Di Đà Phật, muốn tương ưng tu hành như thật thì hãy xưng danh A Di Đà Phật. Rõ ràng ở đây cho thấy công năng vi diệu của A Di Đà Phật, hơn là năng lực tu tập của cá nhân hành giả, đã biến chuyển các hành nghiệp lễ bái, tán thán thông thường, trở thành sự tu hành chân thật. Có nghĩa là tự danh hiệu của A Di Đà có công năng chân thật hóa như thế, chứ không phải là do nỗ lực tu hành tạo tác của cá nhân. Tu vãng sinh như thế trở thành một mặt triệt tiêu cá nhân tính tức bản ngã của chính mình, mặt khác hiển lộ ra một thật tại chân thật công đức viên mãn của Phật A Di Đà (và cõi nước kia). Cá nhân vẫn tác nghiệp qua thân (lễ bái) và khẩu (tán thán), song nhờ danh hiệu A Di Đà Phật mà vượt ra được cái cá nhân tính hạn hẹp của chính mình, chuẩn bị “hòa” mình vào Cực Lạc thế giới qua hai môn sau

THẾ NÀO LÀ TÁC NGUYỆN? TÂM THƯỜNG TÁC NGUYỆN: MỘT LÒNG CHUYÊN NIỆM RỐT CUỘC (SẼ) VÃNG SINH VỀ CÕI NƯỚC AN LẠC, BỞI MUỐN NHƯ THẬT TU HÀNH SA MA THA VẬY.

Tác nguyện là phát nguyện vậy. Tâm thường tác nguyện là cần phải thường thường tác nguyện. Một lòng chuyên niệm quyết định vãng sinh về (nước) An Dưỡng. Tác nguyện như thế là bởi muốn như thật tu hành Sa ma tha. Sa ma tiếng tàu là chỉ (1). Tâm của phàm phu tán loạn bay nhẩy, chỉ là dừng tâm vào một cảnh, không để cho bay bổng vậy. Niệm (so) với chỉ thì niệm như giây cột (chặt) không cho động, đến khi tâm tĩnh chỉ, thì đó là chỉ, nên còn tên là tâm trụ. Cho nên tu định thật ra là tu niệm. Nếu có thể niệm niệm nối tiếp nhau, chính niệm (trở nên) rõ ràng, ắt có thể đắc chỉ. Đắc chỉ (mới) chính là tu hành chân thật (2).

CHÚ THÍCH 9 :

(1) Samatha phiên âm là Sa ma tha, dịch là “chỉ” tức dừng đứng lại, ngăn lại, cấm ngăn…

(2) Theo Ấn Thuận Đại sư “đắc chỉ mới là tu hành chân thật”, cho thấy quan điểm của Đại sư từ đầu đến cuối là mọi vấn đề vãng sinh dựa theo năm niệm môn đều do từ nỗ lực của cá nhân tu tập. Như thế rõ ràng Đại sư cũng chấp nhận vãng sinh Tịnh Độ rất “khó”, cá nhân phải ra sức thành tựu niệm và quán đến mức hoàn hảo thì mới vãng sinh được. Nhưng chính văn của bổn luận không cho thấy một sự “hoàn hảo” kiểu cá nhân tính ấy ở đâu hết. Chính văn chỉ giản dị nói rằng “vì muốn” như thật tu hành Sa ma tha nên thường tác nguyện: một lòng chuyên niệm rốt cuộc vãng sinh về vãng sinh về cõi nước An Lạc. Có lẽ đúng hơn, ý văn hình như cho rằng nếu tâm chuyên niệm bất cứ gì cũng không phải là như thật tu hành Sa ma tha, nhưng nếu chuyên niệm rằng ta “chỉ” sẽ vãng sinh về An Lạc mà thôi, thì nó chính là như thật tu hành Sa ma tha. Nên muốn như thật tu hành Sa ma tha thì hãy tác nguyện dứt khoát một lòng (chuyên niệm) vãng sinh, và đây chính là công năng chân thật của cõi Cực Lạc.

Sa ma tha là chỉ, dừng đứng lại mọi tâm hành. Nhưng với Đại thừa Tịnh Độ, Sa ma tha là dừng đứng lại hết mọi sở hành, không phải chỉ của cá nhân, mà cả của cái thế giới mà cá nhân đang sống trong đó. Như không phải chỉ có cái người trong giấc mơ hết hoạt động, mà phải cả toàn thế giới mơ cũng phải ngưng hoạt động. Ngưng như thế không phải là mất hết tâm thức, mà trái lại người nằm mơ sẽ đưa tâm thức mình trở về với thế giới thật sự để tỉnh giấc dậy. Cũng thế, cá nhân dựa vào cõi An Lạc chân thật, gắn liền tâm niệm mình vào cõi đó, để phát nguyện chắc chắn sẽ vãng sinh. Đây mới đúng là công năng chân thật của Sa ma tha làm dừng đứng lại hết mọi hoạt động của cá nhân và thế giới của họ.

THẾ NÀO LÀ QUÁN SÁT? (DÙNG) TRÍ TUỆ QUÁN SÁT, CHÍNH NIỆM QUÁN (NƯỚC) KIA, BỞI MUỐN NHƯ THẬT TU HÀNH TỲ BÀ XÁ NA VẬY.

Quán thông thường chỉ là lắng nghe người khác nói (và) phân biệt sự lý một cách tán tâm, không hề phải là cái quán sát muốn nói ở đây. Quán sát chân chính cần phải đắc (thiền) định. Y theo định mới có thể thành quán, nếu không cứ quán sát cho nhiều sẽ bù đầu rối óc, mất ngủ nôn nao. Nếu có thể đắc chỉ (rồi) mới quán, (thì) mới có thể đắc trí huệ. Nên (sách) Đại Học (1) có nói: “(Yên) tĩnh rồi sau mới có thể (suy) lự” cũng là cùng với lý (lẽ) này vậy. Ví như ngọn đuốc giữa gió, chập chờn bất định (thì) làm sao có thể soi sáng (các) vật? Song quán huệ với chỉ không giống nhau. Trí huệ quán sát cũng tức là phân biệt, tầm cầu, quyết trạch (2). Nếu có người quán một đóa hoa hồng, nhìn mãi không thôi, có thể nhân quán mà thành chỉ. Như quán ý nghĩa của màu hồng kia là những gì, (rồi) đi sâu vào phân biệt quyết trạch, (thì) mới có thể ở trong chỉ (mà) tu thành quán.  Như bất tịnh quán (3), quán các sự tướng biến hóa, (để) cầu thật tướng [thể tính, tác dụng và hình tướng (4)], đó mới (chính) là quán. Nay những gì để quán là A Di Đà Phật, cõi nước, và Bồ Tát? Chính niệm là cột tâm vào một cảnh, không nhào sang (hai) bên, gọi là niệm. Niệm có thể làm (thanh) tịnh tâm ta, khai (mở) huệ ta, giảm phiền não của ta, (thì) gọi là chính niệm. Tỳ bà xá na(5) tức là phạn ngữ của quán. Tu chỉ mà không tu quán, ắt dừng lại ở định, không thành trí huệ được. (Nên) cần phải tu quán, mới tiến bộ được (6).

CHÚ THÍCH 10:

(1) Đại học là một trong bốn sách (tứ thư) dạy làm thánh hiền của Nho Giáo, gồm Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử.

(2) “Phân biệt” là suy tưởng theo hai cực đối đãi như lớn-nhỏ, phải-trái, đúng-sai… “Tầm cầu” là tìm tòi theo suy luận. “Quyết trạch” là chọn lọc phán xét.

(3) Là quán xét 36 vật bất tịnh (tức không được trong sạch) trong cơ thể con người, mục đích để diệt trừ tham dục về thể xác.

(4) Ý nói thật tướng được xét đến qua ba phương tiện là thể tính, tác dụng và hình tướng.

(5) Vipasyana từ ngữ căn drs có nghĩa là “thấy”, hợp với tiếp đầu ngữ Vi ngụ ý chia ra, phân ra, lan ra. Drs chuyển thành động từ gốc Pasya(ti), thêm Vi vào đầu thành Vipasyati là “thấy ra”, thấy rõ ra. Chuyển thành danh từ Vipasyana, phiên âm là Tỳ Bà Xá Na, Trung Hoa dịch là quán hay quán sát.

(6) Cũng như đoạn trên, Ấn Thuận Đại sư chỉ giải thích theo quan điểm Phật học thông thường chỉ và quán. Thật ra ở đây chỉ, quán gắn liền với ý nghĩa vãng sinh và sự trang nghiêm của Cực Lạc thế giới. Có nghĩa là đối với hành giả Đại thừa ở đây, chỉ có thể tu chỉ, quán được bằng cách nguyện vãng sinh và nhớ tưởng cảnh giới trang nghiêm của cõi Cực Lạc mà thôi. Các cách tu chỉ quán khác như tứ niệm xứ, bất tịnh quán… đều không thích hợp ở nơi đây.

QUÁN SÁT (CÕI NƯỚC) KIA CÓ BA LOẠI. NHỮNG GÌ LÀ BA LOẠI? MỘT LÀ QUÁN SÁT (SỰ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ĐỨC CỦA CÕI NƯỚC PHẬT KIA. HAI LÀ QUÁN SÁT (SỰ) TRANG NGHIÊM DO CÔNG ĐỨC CỦA PHẬT A DI ĐÀ. BA LÀ QUÁN SÁT (SỰ) TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC CỦA CÁC BỒ TÁT.

Y theo kinh (mà quán sát), có thể phân biệt làm ba: một là y báo (1) của Phật, đó là cõi nước của Phật. Hai là chính báo (2) của Phật, chính là Phật A Di Đà. Ba là bạn bè (3) của Phật, chính là các Đại Bồ Tát. Thế nào gọi là công đức? Công là dùng sức, đức là nghiệp thiện. Như dùng công sức mà được khéo thành tựu thì gọi là công đức. Nay tất cả những cảnh giới trang nghiêm của Thế giới Cực Lạc từ đây mà có được (?), không thứ nào lại không phải là từ thiện nghiệp do đức Phật (làm) mà thành, cho nên (chúng) là thành quả tu hành tinh tiến của Phật, (và) gọi là công đức. Trang nghiêm là trang sức (một cách) vi diệu (4). Chủ, bạn, cõi nước (5) có vô biên công đức (để) trang nghiêm, đều phải từng thứ một mà quan sát.

CHÚ THÍCH 11:

(1) Y là nương vào, báo là báo đáp lại (không thể tránh khỏi), dùng để chỉ cho kết quả như là một đáp ứng chắc chắn phải xảy ra đối với tác nhân. Y báo là kết quả của các tác nghiệp về phương diện bối cảnh, môi trường, tức chính là thế giới quả báo tương ưng với tác nghiệp nhân. Xem chú thích kế tiếp.

(2) Chính báo là kết quả của các tác nghiệp nhân về phương diện hữu tình. Mọi hành nghiệp đều đưa đến một kết quả, gọi là quả báo. Song mọi hành nghiệp đều phải có một môi trường để tạo tác, nghĩa là chúng ta y vào một thế giới thì mới tạo nghiệp được, không có thế giới không có chỗ tạo nghiệp. Do đó khi thành quả báo, quả báo này cũng gồm hai phương diện, một là thế giới, hai là hữu tình. Thí dụ người tác nghiệp ác sẽ bị quả báo là một thế giới ác (như địa ngục, ngạ quỹ…) gọi là y báo, và phải mang lấy một thân xấu xí… gọi là chính báo.

(3) Nguyên văn là Phật chi bạn lữ.

(4) Chữ trang nghiêm nghĩa nôm na là trang điểm, trang sức, làm đẹp. Quan điểm này là một đặc trưng của Đại thừa Phật giáo, không hề có trong Tiểu thừa Phật giáo. Thay vì dùng trí tuệ để diệt tận mọi hành nghiệp, tuyệt hết mọi liên hệ với ba cõi luân hồi, để thể nhập Niết Bàn như con đường Tiểu thừa, thì Đại thừa dùng trí huệ để đi vào ba cõi, tạo các hành nghiệp của lục độ ba la mật, biến các hành nghiệp thành công đức vô thượng, biến trí huệ tịch diệt thành trí huệ vô thượng, dùng hai thứ đó “làm đẹp” cho chính mình và “làm đẹp” luôn cho cả thế giới của mình (tịnh độ) để mà độ chúng sinh chứ không nhập Niết Bàn.

Trang nghiêm như thế là làm đẹp bằng công đức và trí huệ cho bản thân và cõi nước riêng của mình. Đây là một giai đoạn chuẩn bị thành Phật trên con đường Đại thừa Phật giáo (có thể so sánh với giai đoạn tu 32 tướng tốt liên hệ với Phật giáo Tiểu thừa).

(5) Chủ là đức Phật A Di Đà. Bạn là các vị Bồ Tát của cõi Cực Lạc. Cõi nước là cõi Cực Lạc.

THẾ NÀO LÀ HỒI HƯỚNG? KHÔNG BỎ TẤT CẢ CÁC CHÚNG SINH KHỔ NÃO, TÂM THƯỜNG TÁC NGUYỆN, HỒI HƯỚNG LÀM ĐẦU, DO (ĐỂ) THÀNH TỰU TÂM ĐẠI BI VẬY.

Không bỏ tất cả các chúng sinh khổ não, y như trong nhà lửa không bỏ (các) quyến thuộc (của mình) (1). Đây chính là Bồ Tát phát tâm, nên thường nguyện lấy hồi hướng làm đầu, chuyên nguyện tất cả chúng sinh đều sinh Cực Lạc, như vậy mới có thể thành tực tâm đại bi. Có nghĩa là hoa nở gặp Phật đắc vô sinh nhẫn (2) rồi lại ngự thuyền từ cứu vớt chúng sinh vậy (3).

CHÚ THÍCH 12:

(1) Xem phẩm Phương Tiện, kinh Pháp Hoa.

(2) Theo Quán Vô Lượng Thọ Kinh, người thượng phẩm thượng sinh, hóa thân sinh vào kim cương đài (hoa) theo Phật tiếp dẫn về cõi Cực Lạc, tức thời ngộ vô sinh pháp nhẫn.

(3) Đại bi tâm là tâm cứu độ khổ não của chúng sinh. Ở đây Ấn Thuận Đại sư không nói rõ là cứu vớt chúng sinh ra làm sao. Nhưng chúng ta phải nên hiểu trước rằng độ ở đây là cùng với chúng sinh đồng sinh về An Lạc vậy. Ở giai đoạn Tiểu thừa, đức Phật Thích Ca độ chúng sinh bằng bát chính đạo, đưa chúng sinh đến quả Niết Bàn giải thoát. Ở đây vì là con đường Đại thừa, độ chúng sinh có nghĩa là làm cho chúng sinh thành Phật, hóa hiện Tịnh Độ để cứu độ lại các chúng sinh khác. Thế nên ý nghĩa đại bi độ sinh ở đây không phải là dạy chúng sinh ngồi thiền, trì giới, tinh tấn chi cả, mà là hồi hướng công đức tu Tịnh Độ của mình về tất cả chúng sinh khiến họ (phát tín tâm, nguyện vãng sinh và rốt cuộc sẽ được) cùng mình vãng sinh về Tịnh Độ.

Tóm lại Tịnh Độ dứt khoát là Đại thừa Phật giáo. Ý nghĩa về “vãng sinh Tịnh Độ” luôn luôn bị hiểu lầm là yếu đuối và trốn tránh. Nhưng câu nói không bỏ tất cả các chúng sinh khổ não, thâm thường tác nguyện, hồi hướng làm đầu… chứng tỏ tu Tịnh Độ là tu Đại thừa. Vãng sinh Tịnh Độ không phải là tìm chỗ sướng tránh chỗ khổ, mà chỉ là do đại bi tâm, nên tìm lấy phương tiện tối thắng để cứu độ chúng sinh mà thôi. Phật quả và Tịnh Độ chính là phương tiện đệ nhất tối thắng để độ sinh. So sánh ra, độ sinh theo lối Niết Bàn của Tiểu thừa vẫn chưa được cứu cánh vì không phát huy ra hết được các phẩm tính vô lượng vô biên vi diệu tối thắng của chân lý tuyệt đối (đệ nhất nghĩa đế). Độ sinh bằng Tịnh Độ không những hiểu rõ hết mọi phẩm tính vô lượng kia của đệ nhất nghĩa đế, mà còn cho thấy cả chỗ viên dung vô ngại giữa thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế nữa (do điểm này mà Thiện Đạo Đại sư mới chủ trương phàm phu nhập báo độ là vậy).

2) NÓI RỘNG VỀ QUÁN SÁT:

A- Quán (sự) trang nghiêm (của) công đức (của) cõi nước (của) Phật kia.

THẾ NÀO LÀ QUÁN SÁT (SỰ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ĐỨC CỦA CÕI NƯỚC PHẬT KIA? DO THÀNH TỰU (NĂNG) LỰC KHÔNG THỂ SUY LƯỜNG, DO Y NHƯ TÍNH (CHẤT) CỦA BÁU MA NI NHƯ Ý, (VỐN LÀ) TƯƠNG TỢ TƯƠNG ĐỐI PHÁP.

Trở xuống  là nói rộng về quán sát, tức môn thứ tư của “ngũ niệm môn”. Trước hết quán sự trang nghiêm công đức của cõi nước Phật. Ma Ni có nghĩa là như ý của phạn văn. Ma ni như ý là tiếng hoa tiếng phạn cùng nói. (Năng) lực không thể suy lường chính là tác dụng không thể suy lường. Do tương tợ tương đối pháp (câu này) thuần túy là pháp cú của phạm văn, ý nói cõi Phật trang nghiêm không thể suy lường tương tự như bảo châu Ma Ni vậy. Cả hai có thể (đem ra để) đối chiếu với nhau nên mới nói là tương tợ tương đối pháp. Đoạn này ý nghĩa như sau: bảo châu Ma Ni (hay nói đến) trong Phật pháp là một viên ngọc nhỏ, rất là sáng sạch, có thể đáp ứng mọi nguyện vọng của con người, nên gọi là như ý; lại có thể (làm cho) tai qua nạn khỏi, trăm bệnh không sinh. Nay lấy (nó) làm thí dụ cho thế giới Cực Lạc, (thì) cũng giống như vậy, (cõi này) bình an, tự do, khoái lạc, không tai không nạn, vàng ròng trải đất, bảy báu trang nghiêm, tất cả (ước nguyện đều) như ý, đi lại mặc tình. Song lấy như ý làm nghĩa chính yếu, cho nên (nói cõi đó là) không thể suy lường vậy.

QUÁN SÁT (SỰ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ĐỨC CỦA CÕI NƯỚC PHẬT KIA GỒM CÓ 17 SỰ CẦN PHẢI BIẾT. THẾ NÀO LÀ 17?

– MỘT LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) THANH TỊNH,
– HAI LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) LƯỢNG,
– BA LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) TÍNH,
– BỐN LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) HÌNH TƯỚNG,
– NĂM LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) ĐỦ LOẠI SỰ,
– SÁU LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) DIỆU SẮC,
– BẢY LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) XÚC,
– TÁM LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) TRANG NGHIÊM,
– CHÍN LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) MƯA,
– MƯỜI LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) QUANG MINH,
– MƯỜI MỘT LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) THANH,
– MƯỜI HAI LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) CHỦ,
– MƯỜI BA LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) QUYẾN THUỘC,
– MƯỜI BỐN LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) THỌ DỤNG,
– MƯỜI LĂM LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) KHÔNG CÓ CÁC BẠN,
– MƯỜI SÁU LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) ĐẠI NGHĨA MÔN,
– MƯỜI BẢY LÀ (SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) TẤT CẢ CÁC SỞ CẦU.

Quán các công đức của cõi Phật tổng cộng phân thành 17 sự, trước hết là nêu lên danh mục.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) THANH TỊNH LÀ DO KỆ RẰNG: “QUÁN TƯỚNG THẾ GIỚI KIA, HƠN HẲN ĐƯỜNG BA CÕI”.

Pháp môn của bộ luận này tới đây phải từ trong định mà khởi quán. Nay những người không tu định được thì đối với các kệ luận này chỉ có thể có được sự thấu hiểu (mà thôi). Song (như thế) cũng có tác dụng, bởi sau này đi tu chỉ (do) có sự thấu hiểu này thời có thể sau khi đắc định (rồi sẽ) khởi quán (1).

Song quán về công đức thanh tịnh của thế giới Cực Lạc thì phải quán lấy tướng trạng hơn hẳn ba cõi – cõi sắc, cõi dục, cõi vô sắc. Cõi dục có các dục giữa nam nữ, dục về lợi lộc này nọ, sáu cõi trời cõi dục (2) cũng gồm trong đó. Người không dục thì thành 18 cõi trời thuộc tứ thiền của sắc giới (3). Còn trên nữa là cõi vô sắc, cũng gồm bốn cõi trời (4). Ba cõi gồm 28 cõi trời (đều) luân chuyển sinh tử, ô nhiễm ràng buộc không thanh tịnh. Đến như A La Hán như các ngài Mục Kiền Liên này nọ, ắt đã vượt khỏi ba cõi, (tuy) khỏi ba cõi, (song) không có nghĩa là thân lìa khỏi ba cõi và không hề bị phiền não của ba cõi trói buộc (5). Do phàm phu không lìa khỏi được, bị ba cõi trói cột, nên gọi phiền não là tạp nhiễm. Đã có phiền não, ắt bất kể bất cứ nghiệp thiện hay ác nào (cũng) đều là không thanh tịnh, các quả chiêu cảm cũng không thanh tịnh; không những chính báo không thanh tịnh (mà) y báo cũng như vậy. Nên thế giới Cực Lạc đã do công đức vô lậu của A Di Đà Phật mà thành, vốn không có tạp nhiễm, nên thắng hẳn ba cõi vậy. Còn như nói xuất thế (thì) cũng chính là có ý nói vượt quá ba cõi vậy (6).

CHÚ THÍCH 13:

(1) Ấn Thuận Đại sư vẫn dẫn giải theo quan điểm học Phật cứng ngắc theo thế tục và thuộc cá nhân. Sự quán sát ở đây thật ra không hề phải do đắc định rồi mới tu quán này. Mục tiêu của bổn luận là để vãng sinh Cực Lạc A Di Đà. Nếu cho rằng phải đắc định khởi quán huệ rồi mới được vãng sinh thì dường như không phải là chủ trương của các kinh về Tịnh Độ Cực Lạc. Vãng sinh (Cực Lạc) là một ý nguyện, có nghĩa là một hành nghiệp luân chuyển, nó đi ngược lại với tác dụng của định huệ (diệt phiền não thuộc hành nghiệp luân hồi) mà Ấn Thuận quan niệm. Như thế đủ thấy người tu Tịnh Độ vẫn còn đủ mọi hành nghiệp luân chuyển, nên mọi ý nghĩa về định huệ, chỉ quán ở đây đều là do năng lực của A Di Đà và cõi Tịnh Độ mà ra.

Do đó quán sát ở đây chỉ là một sự quán tưởng giản dị mà thôi, không cần phải ngưng hành lại rồi mới quán sát. Mục tiêu chính yếu là để phát lòng tin chính xác về cõi nước kia trên căn bản chuyên niệm (tức phát nguyện phần trước) vãng sinh.

(2) Tức lục dục thiên gồm Tứ Thiên Vương Thiên, Đao Lợi Thiên (hay Tam Thập Tam Thiên), Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Đà Thiên, Lạc Biến Hóa Thiên và Tha Hóa Tự Tại Thiên.

(3) Sắc giới gồm bốn từng Thiền. Sơ Thiền Thiên gồm ba cõi trời: Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên và Đại Phạm Thiên. Nhị Thiền Thiên cũng có ba: Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên và Quang Âm Thiên. Tam Thiền Thiên cũng có ba: Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên và Biến Tịnh Thiên. Sau cùng Tứ Thiền Thiên gồm 9 cõi trời: Vô Vân
Thiên, Phúc Sinh Thiên, Quảng Quả Thiên, Vô Tưởng Thiên, Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Kiến Thiên, Thiện Hiện Thiên và Sắc Cứu Cánh Thiên.

(4) Bốn cõi trời vô sắc là Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hửu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

(5) Ý nói các bậc A La Hán trong cõi này vẫn phải chịu quả báo như ngài Mục Kiền Liên bị ngoại đạo đập chết, chứng tỏ nhục thân các ngài vẫn liên hệ với nghiệp quả báo ba cõi.

(6) Phần dưới có nói Cực Lạc do “Thiện căn xuất thế sinh”.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) LƯỢNG LÀ DO KỆ RẰNG: “CỨU CÁNH TỰA HƯ KHÔNG, RỘNG LỚN KHÔNG BỜ BẾN”.

A Di Đà Kinh không hề có nói thế giới Cực Lạc ở phương tây rộng lớn như hư không, vô bờ vô bến. Kinh nói như thế chỉ là phương tiện vì phàm phu. Nếu đúng theo chỗ mà chính đức Phật kia trụ (thì) do bởi khế nhập chân lý, sự lý vô ngại, (nên) tự (thế giới ấy) có thể nói là không bờ bến.

SỰ THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) TÍNH LÀ DO KỆ RẰNG: “CHÍNH ĐẠO ĐẠI TỪ BI, THIỆN CĂN XUẤT THẾ SINH”.

Chữ tính (theo) phạn văn, cùng với chữ giới, ý nghĩa cũng không khác gì, vốn có nghĩa là nhân tố (1). Nên 18 giới (2) cũng có khi dịch là 18 tính. Sự thành tựu (của) công đức (về) tính tức là y theo nhân mà có nghĩa (tịnh độ?). Nay xin giải thích: do công đức vô lậu [thiện căn xuất thế] mà sinh, (do) thiện căn đã đoạn phiền não mà sinh. Song rốt là do loại thiện căn xuất thế nào sinh đây? Đáp, một là chính đạo, hai là từ bi. Chính đạo là bát chính đạo, chính là chính kiến, chính tư (duy), chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định. Chính đạo cùng có chung với tiểu thừa. Đại từ bi là của (riêng) đại thừa không chung (với tiểu thừa), mà vốn là nhân của Phật quả vậy (3).

CHÚ THÍCH 14:

(1) Nhân tố có nghĩa là yếu tố nhân đối với quả. Chữ “giới” theo phạn văn là Dhatu, cũng có nghĩa là “tính”. Mọi hiện hữu đều là những thành quả. Mà quả dĩ nhiên phải có nhân. Quả bị nhân quy định và hoàn toàn bị hạn cuộc trong giới hạn của nhân. Thế nên các yếu tố nhân căn bản được gọi là giới (Dhatu) vậy.

(2) Phật giáo phân tích toàn thể hiện hữu ra thành 18 lãnh vực căn bản giới hạn tất cả mọi hiện hữu, nên gọi là 18 giới, và xác định tất cả mọi tính chất của hiện hữu nên gọi là 18 tính.

18 giới gồm 6 nội giới: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. 6 ngoại giới: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Ý và một phần pháp thuộc tâm thức, ngoài ra thuộc hình tướng vật chất. Còn 6 giới trung gian hoàn toàn thuộc tâm thức gồm 6 thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

(3) Ấn Thuận Đại sư, trong “Trung Quán Luận Giảng Ký” cho rằng tính KHÔNG học là chung của Đại thừa và Tiểu thừa. Chỗ khác nhau là Tiểu thừa không có đại từ bi mà thôi. Nên ở đây ngài cũng giải thích chữ chính đạo là bát chính đạo của Tiểu thừa. Đại sư chủ trương một đạo Phật chung cho Đại lẫn Tiểu thừa, chứ không chấp nhận một đạo Phật Đại thừa hoàn toàn tách biệt khỏi Tiểu thừa. Tuy nhiên chữ chính đạo ở đây chưa chắc là bát chính đạo của Tiểu thừa chút nào. Vì theo bài kệ bên dưới: “Đại thừa thiện căn giới… giống hai thừa không sinh”, thì Thế Thân Bồ Tát xác định Cực Lạc thế giới là thuần thúy Đại thừa. Lại nữa bát chính đạo thuộc Đạo Đế trong Tứ Đế là con đường đưa đến tịch diệt Niết Bàn tức Diệt Đế trong Tứ Đế. Tịnh Độ nói chung được “tạo” nên từ công đức chân thật trong ý hướng từ bi độ sinh của chư Phật, hoàn toàn không có ý nghĩa gì là tịch diệt ở nơi đây. Thế nên phải nói chính đạo ở đây là Đại thừa Bồ Tát đạo, giác ngộ và độ sinh đồng thành Phật đạo.

Do đó ý nghĩa xuất thế ở đây cũng là nghĩa của Đại thừa. Không phải là xuất thế theo lối đoạn trừ tất cả mọi phiền não trói buộc với ba cõi, mà là đại bi tâm (cứu độ tất cả không sót một chúng sinh nào) trên căn bản Bát Nhã trí (tất cả các pháp là KHÔNG) cộng thêm với hạnh nguyện bao la bất động như hư không. Đó mới là những yếu tố căn bản làm phát sinh một phương tiện thiện xảo tối thắng để độ sinh, đó chính là Tịnh Độ vậy.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) HÌNH TƯỚNG LÀ DO KỆ RẰNG: “QUANG MINH SẠCH ĐẦY ĐỦ, NHƯ GƯƠNG VÀNH NHẬT NGUYỆT”.

Hình tướng là hình sắc tướng mạo vậy, lấy quang minh làm thể, (sự) tròn đầy của quang minh thanh tịnh là thể tính của mình. Như gương, như mặt trời, như mặt trăng. Như gương ví dụ cho sự đầy đủ thanh tịnh, mặt trời mặt trăng ví dụ cho quang minh. Song quang tướng của cõi Phật vốn mát mẻ, không giống như ánh sáng mặt trời làm hư hại da dẻ của con người (1).

CHÚ THÍCH 15:

(1) Ở đây  đã nói về lượng của Cực Lạc là không bờ bến, và tính của Cực Lạc là thiện căn Đại thừa. Vì Cực Lạc là một thế giới, thế nên phải có lượng, có tính và phải có hình tướng ra sao nữa. Ở đây hình tướng không thể xác định được, vì lượng của thế giới này như hư không vô bờ bến. Nên chỉ lấy tính chất quang minh của chính đạo Đại thừa ( tức quang minh của A Di Đà Phật) vốn trong sạch và viên mãn, cùng với tính chất đại bi bao trùm thâu nhiếp các chúng sinh, để ví như là gương sáng sạch và tròn sáng như khuôn mặt trời mặt trăng. Hình tướng như thế là tương ưng với “thanh tịnh”, “lượng” và “tính” ở trên.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) ĐỦ LOẠI SỰ LÀ DO KỆ RẰNG: “ĐỦ TÍNH CHẤT TRÂN BẢO, GỒM HẾT DIỆU TRANG NGHIÊM”.

Đủ tính chất trân bảo, ý nói không phải chỉ bảy báu mà thôi. Bởi đầy đủ tất cả trân bảo, nên có thể đầy đủ các trang nghiêm vi diệu (1).

CHÚ THÍCH 16:

(1) Phần này đi vào chi tiết các sự sự vật vật như là các hiện tướng của toàn thể thế giới Cực Lạc. Đồng thời cũng là xác định về phần thể chất của thế giới này. Bảo rằng “chất” của thế giới này là trân bảo vả đủ mọi vẻ đẹp là một điều hết sức khó tin đối với nhiều người. Có người bác bỏ hoàn toàn, có người cho đó là lối nói ẩn dụ tượng trưng. Như thế là bởi họ không có được một căn bản đứng đắn thuộc trí tuệ Đại thừa. Hoa Nghiêm kinh nói: “Nhất thiết duy tâm tạo” (tất cả duy tâm tạo). Và Tâm không phải là một thật thể thuần nhất bất biến. Tâm theo Duy Thức học là một tổng hợp các yếu tố nhân, nên Tâm chính là giới, là tính, là chỗ để thể hiện ra tất cả các hữu tình và các thế giới. Sở dĩ Tâm tổng hợp được tất cả các nhân tố là bởi Tâm không có thật tính thuần nhất bất biến, Tâm vốn là KHÔNG. KHÔNG như vậy không phải là diệt tận mà là để (có tác dụng) tổng hợp các nhân. Do đó muốn thấy được và hiểu được tính KHÔNG của tâm thì phải quán sát cho rõ và thấu tõ cho được nguyên tắc nhân quả của tâm, (tức tác dụng viên mãn của tâm vừa là nhân là quả), và muốn chứng thực được tính KHÔNG  của tâm thì phải chứng thực được các pháp đang hiện hành (tức các hữu tình và thế giới) chính là tâm (nghĩa là vừa là nhân vừa là quả). Do đó quán tâm chính là quán KHÔNG, và chính là quán sắc tướng hiện hành, là quán thế giới và chúng sinh trong mười phương cõi. Thế giới và chúng sinh như thế là quả, và đồng thời cũng là nhân, cũng là (đại) tâm, cũng là KHÔNG. Thế giới và chúng sinh là nhân ở chỗ chúng sinh tạo nghiệp. Nghiệp nhân này tác động hai mặt y báo (tức thế giới) và chính báo (tức chúng sinh). Nghiệp nhân vô lượng kiểu, nên thế giới và chúng sinh cũng vô lượng kiểu.

Nghiệp nhân của Cực Lạc thế giới là “Chính đạo đại từ bi, thiện căn xuất thế”, lại nghiệp này thuần túy thanh tịnh “hơn hẳn đường ba cõi”, thế nên phần thế gian vật chất của cõi nọ toàn bằng châu báu, đẹp đẽ vô cùng có gì lạ đâu.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) DIỆU SẮC LÀ DO KỆ RẰNG: “QUANG VÔ CẤU RỰC RỠ, SÁNG SẠCH RỌI THẾ GIAN”.

Sắc phân làm hiển sắc [xanh, vàng, đỏ, trắng], hình sắc [lớn, nhỏ, tròn, vuông], và biểu sắc [các tác động của thân và khẩu] v.v… Nay công đức (về) diệu sắc bao gồm cả ba loại này, song căn bổn hơn hết là hiển sắc. Nên diệu sắc ở đây cũng lấy quang sắc [hiển sắc] mà (ta) có thể thấy làm chủ (yếu). Đó là ánh sáng vô cấu sáng sạch rực rỡ mạnh mẽ, rọi sáng thế gian, thanh tịnh bậc nhất (1).

CHÚ THÍCH 17:

(1) Trên kia nói về hình tướng, dưới này nói về màu sắc. Tuy phân làm hai nhưng chỉ lấy quang minh để diễn tả mà thôi. Bản thể của Cực Lạc thế giới là quang minh trí tướng vô lượng, thế nên hình tướng và màu sắc của thế giới này đều thể theo quang minh đó mà trình bày. Không những thế mà kể cả lượng, cả tính, cả mọi sự vật cũng không ngoài tác dụng (tức công đức chân thật) của quang minh ấy hiển hiện.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) XÚC LÀ DO KỆ RẰNG: “CỎ CÔNG ĐỨC BẰNG BÁU, MỀM MẠI CHUYỂN TRÁI PHẢI, CHẠM VÀO SINH THẮNG LẠC, HƠN CA CHIÊN LÂN ĐÀ”.

Xúc là cảm giác bằng thân, (như) thô, tế (1), trơn, sáp, các thứ như thế vậy. Thế giới Cực Lạc, mọi xúc chạm đều (vi) diệu, nay chỉ đề ra cỏ công đức (bằng) báu chất, nghĩa là chỉ lấy một (tính chất) tổng quát làm đại biểu tính mà nêu ra vậy thôi. Cỏ công đức báu chất là loại cỏ do công đức của bảy báu (2) mà thành, song bảy báu này không cứng chắc như bảy báu của thế gian, mà do báu chất mềm mại mà thành, chạm vào tay nghiêng ngả phát sinh (niềm) an lạc thắng diệu, so với ca chiên lân đà còn là hơn nhiều. Ca chiên lân đà là một chứ vải mềm mại trơn láng bậc nhất của Ấn Độ, như tơ trơn của Trung Hoa (3).

CHÚ THÍCH 18:

(1) Cảm giác thô là cảm giác mạnh bạo, xúc chạm mạnh hoặc cường độ cảm giác mạnh mẽ. Cảm giác tế ngược lại rất nhẹ nhàng và êm dịu.

(2) Bảy pháp theo Pháp Hoa Kinh đề ra là “Kim, ngân, lưu ly, xà cừ, mã não, trân châu, mai côi”. Vô Lượng Thọ Kinh kê ra là “Kim, ngân, lưu ly, pha lê, san hô, mã não, xà cừ”. A Di Đà Kinh là “Kim, ngân, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não”. Đại Trí Độ Luận là “Kim, ngân, tỳ lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, xích trân châu”.

(3) Theo Đàm Loan, Ca chiên lân đà là một thứ cỏ mềm mại bên Ấn Độ.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) TRANG NGHIÊM GỒM CÓ BA LOẠI CẦN PHẢI BIẾT. NHỮNG GÌ LÀ BA? MỘT LÀ NƯỚC, HAI LÀ ĐẤT, BA LÀ HƯ KHÔNG.

Trang nghiêm nói ở đây, không phải nói cho các thứ hương, hoa, phiên, tràng (1) (để) ở trước Phật. Nay trang nghiêm ở thế giới Cực Lạc có ba loại: một là trong nước, hai là trên (mặt) đất, ba là trong hư không, đều có chỗ rất thù thắng.

CHÚ THÍCH 19:

(1) Phiên là cờ hiệu, tràng là cờ hay trụ cột có ghi hoặc khắc kinh vào đó.

TRANG NGHIÊM (VỀ) NƯỚC LÀ DO KỆ RẰNG: “HOA BÁU NGÀN VẠN LOẠI, CHE KHẮP SUỐI AO HỒ, GIÓ THOẢNG LAY HOA LÁ, QUANG GIAO THOA LOẠN CHUYỂN”.

Trong ao suối đều đầy hoa báu, gió lộng lá hoa (làm) quang sắc giao thoa (nhau).

TRANG NGHIÊM (VỀ) ĐẤT LÀ DO KỆ RẰNG: “ CUNG ĐIỆN CÙNG LẦU GÁC, THẤY KHÔNG NGẠI MƯỜI PHƯƠNG, CÂY TẠP ĐỦ QUANG SẮC, LAN CAN BÁU GIÁP VÒNG”.

Cung điện trên mặt đất của thế giới Cực Lạc, không chướng ngại lẫn nhau, nên có thể thấy mười phương như hư không (1). Lại có nhiều cây tạp lan can chạy giáp vòng quanh.

CHÚ THÍCH 20:

(1) Ý nói thấy khắp các thế giới bất tận trong không gian.

TRANG NGHIÊM (VỀ) HƯ KHÔNG LÀ DO KỆ RẰNG: “VÔ LƯỢNG BÁU GIAO NHAU, HƯ KHÔNG TRÀN LƯỚI VÕNG, ĐỦ LOẠI LINH VANG HƯỞNG, NGÂN NGA ÂM DIỆU PHÁP”.

Trong hư không có các lưới võng báu giăng ngang nhau, trên võng có (treo) linh, phát ra các âm thanh. Khắp nơi trên thế giới Cực Lạc đều có pháp âm, không giống như thế gian ngũ trược (1) nghe pháp rất khó khăn.

CHÚ THÍCH 21:

(1) Ngũ trược tức năm thứ ô trược, ý nói là bất tịnh. Một là kiếp trược: theo Phật giáo, tuổi thọ của chúng sinh có hai giai đoạn tăng và giảm, tuổi thọ tối thiểu là 10 tuổi và tối cao là 8 vạn 4 ngàn tuổi.Bắt đầu từ 10 tuổi, cứ 100 năm tăng lên 1 tuổi gọi là kiếp tăng, ngược lại từ 8 vạn 4 ngàn tuổi cứ mỗi trăm năm giảm xuống 1 tuổi cho đến khi chỉ còn 10 tuổi gọi là kiếp giảm. Lại vũ trũ có 4 giai kỳ: thành, trụ, hoại, không. Mỗi một thời kỳ này kéo dài 20 lần kiếp tăng giảm. Vào thời kỳ trụ kiếp, mỗi phen tuổi thọ con người giảm đến 20000 tuổi thì 4 thứ ô trược kia bắt đầu khởi dậy, và giai đoạn này gọi là kiếp trược. Hai là kiến trược: các chúng sinh vào giai đoạn kiếp trược bắt đầu khởi lên các thứ kiến hoặc như thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, và giới cấm kiến. Ba là phiền não trược: cũng từ giai đoạn kiếp trược các tư hoặc tham sân si dấy thịnh gọi là phiền não trược. Bốn là chúng sinh trược: do hai thứ trược trên chúng sinh trong giai đoạn kiếp trược trở nên khổ nhiều phước ít, tâm độn thể yểu, dễ sinh khổ báo nên gọi là chúng sinh trược. Năm là mạng trược: do các kết quả trên tuổi thọ của chúng sinh càng ngày càng giảm thiểu cho đến khi chỉ còn 10 tuổi, gọi là mạng trược.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) MƯA LÀ DO KỆ RẰNG: “MƯA HOA, Y, TRANG NGHIÊM, VÔ LƯỢNG HƯƠNG HUÂN KHẮP”.

Mưa có nghĩa là từ trời rơi xuống. Mưa hoa, y, trang nghiêm là (từ) trời rơi xuống hương hoa, y áo, cùng các thứ trang nghiêm, (nên) gọi là mưa hoa, y các thứ, trang nghiêm. Trong (các thứ) trang nghiêm có vô lượng (thứ) hương, cho dù thuận hay nghịch chiều gió cũng không chỗ nào huân ướp.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) QUANG MINH LÀ DO KỆ RẰNG: “MẶT TRỜI PHẬT HUỆ SÁNG, SẠCH TRỪ THẾ ÁM SI”.

Quang minh nói ở các phần trên là thuộc quang minh sắc của thế giới vật chất. Còn ở đây chỉ cho huệ quang của Phật, quang minh thanh tịnh, hệt như mặt trời sáng có thể phá trừ ngu si, hôn ám, mê muội của thế gian. (Đây) là thuộc quang minh của tâm lý giới (1).

CHÚ THÍCH 22:

(1) Dĩ nhiên Phật là vô lượng quang và tận thập phương vô ngại quang, thế nên thế giới của Ngài đâu cần phải có ánh sáng mặt trời soi sáng. Mặt khác, quang này lại là trí quang, nên không phải chỉ soi sáng mà còn dẹp sạch si ám vô minh của thế gian nữa. Thật ra các quang minh sắc về hình tướng và diệu sắc ở trên với quang minh ở đây chỉ là một trí quang vô ngại của Phật A Di Đà. Nó chính là bản thể thanh tịnh của tất cả các công đức của Phật A Di Đà. Dĩ nhiên theo Đại thừa, do nhờ Bát Nhã chiếu phá ngã và pháp đều KHÔNG vô tự tính, nên Bát Nhã là gốc rễ của thanh tịnh. Rồi từ Bát Nhã này là căn bản dấy khởi đại bi tâm, trang nghiêm Tịnh Độ, thành tựu chúng sinh, mọi việc đều không lìa ngoài Trí Bát Nhã căn bản này. Nhờ vậy lục độ vạn hạnh của Bồ Tát đều trở nên thanh tịnh và hoàn toàn là những công đức chân thật. Như vậy nhờ Bát Nhã mà Bồ Tát tịnh hóa chúng sinh cũng như những hạnh nghiệp của mình, để lấy đó làm tịnh nhân, cho đến khi thành quả thì chính báo của Bồ Tát là Phật thân thanh tịnh, và y báo là Tịnh Độ. Do đó phải nói rằng Bồ Đề tâm là động cơ căn bản của con đường Đại thừa. Song Bát Nhã trí chính là toàn thể con đường ấy từ khởi điểm đến chung cuộc. Con đường Đại thừa là con đường thanh tịnh, nhưng không phải cái thanh tịnh của Niết Bàn tịch diệt, mà là sự thanh tịnh hóa toàn thể thế giới và chúng sinh bằng Bát Nhã trí hay trí quang ở đây vậy.

Toàn thể Tịnh Độ sở dĩ thanh tịnh viên mãn để được gọi là Tịnh Độ, đó là vì bản thể của Tịnh Độ (y báo cũng như chính báo) hoàn toàn là trí quang Bát Nhã. Thế nên hình tướng, màu sắc và quang minh của Cực Lạc đều là một trí quang vô ngại của A Di Đà mà thôi.

Tác dụng căn bản này của Bát Nhã biến Bát Nhã trở thành căn bản để phương tiện tịnh hóa chúng sinh và cõi nước như phần sau cùng nói: “Bát Nhã nhiếp phương tiện…”.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) DIỆU THANH LÀ DO KỆ RẰNG: “PHẠM THANH NÓI VANG XA, VI DIỆU VỌNG MƯỜI PHƯƠNG”.

Người Ấn tự cho ngôn ngữ của họ do Phạm Thiên truyền lại, gọi là phạm thanh. Phạm thanh ở nước Cực Lạc có thể (vang) đến các nơi xa, không cần lớn tiếng mà có thể đi rất xa, âm thanh này hòa nhã vi diệu, mười phương đều nghe, người nghe (liền) khởi tâm thanh tịnh (1).

CHÚ THÍCH 23:

(1) Theo Đàm Loan Đại sư, đây chính là âm thanh của A Di Đà Phật. Bản văn mà ngài giảng giải đọc câu kệ đầu là phạm thanh ngộ sâu xa (nguyên văn: “Phạm thanh ngộ thâm viễn”). Nhưng có lẽ nên hiểu là bất cứ âm thanh nào trong cõi Tịnh Độ thì đúng hơn. Vả lại mọi âm thanh ở đây đều khởi lên từ quang minh trí tướng kia, nên có âm thanh nào lại không phải là của A Di Đà Phật và có âm thanh nào lại không khai ngộ thâm sâu đâu? Như A Di Đà Kinh nói trên Cực Lạc thế giới có nhiều loài chim reo hót và cho đến tiếng gió thổi xào xạc qua lá cây… các âm thanh ấy đều có tác dụng khai ngộ sâu xa cho kẻ nghe đều bị nhiếp tâm về Tam Bảo. Và kinh giải nói: “Các loài chim ấy đều do Phật A Di Đà này muốn cho pháp âm lan rộng nên biến hóa mà làm ra” (Xem Quán Vô Lượng Thọ Kinh trình bày còn chi tiết hơn nữa).

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) CHỦ LÀ DO KỆ RẰNG: “A DI ĐÀ CHÍNH GIÁC, PHÁP VƯƠNG KHÉO TRỤ TRÌ”.

Cực Lạc thế giới là một cõi nước (nên) tự nhiên phải có chủ, song không không giống như vua chúa ở nhân gian, lấy thống trị là việc làm. Chủ ở đây là chính giác A Di Đà, tức A Di Đà Phật [chính giác là nghĩa của Phật]. Pháp vương có nghĩa là được tự tại đối với pháp. Phật A Di Đà đối với được tự tại. Trụ trì (thì) trụ ở nơi yên bất động, trì là chống giữ không đổ. Có thể ở yên (trong) Phật Pháp không để cho sụp đổ là trụ trì, như vị phương trượng của một ngôi chùa. Khéo trụ trì là không để cho biến chất vậy. Phật pháp đã đạt đến địa vị cứu cánh, tự (đó) không còn cái gọi là phải tiến bước nữa. Nên những gì đáng sợ chính là xen tạp không còn chính nữa, thế nên phải khéo làm trụ trì để khỏi biến đọa.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) QUYẾN THUỘC LÀ DO KỆ RẰNG: “NHƯ LAI TỊNH HOA CHÚNG, HÓA SINH HOA CHÍNH GIÁC”.

Sinh (vào) thế giới Cực Lạc là do hoa mà sinh [hóa sinh]. Song hóa sinh có nhiều loại, các cõi trời và địa ngục đều là (hóa sinh). Nay hóa sinh này là mượn thai sen mà sinh. Hoa sen có đức tính khác thường, tự bùn ra mà không nhiễm. Quyến thuộc (ở) Cực Lạc hóa sinh như vậy ví cho ý nghĩa từ đời ác năm truợc sinh về (cõi) kia mà không nhiễm, nên gọi là “Như Lai tịnh hoa chúng”. Vì bất kể cả người có tội, như “đái nghiệp vãng sinh” (1), các độc bệnh phiền não của họ đều một lúc lắng xuống hết, như bệnh sốt rét do thuốc thang mà trấn áp xuống. Nên cái “tịnh” của An Dưỡng [quốc] chính là phiền não đã yên rồi mà chưa đoạn. Nghiệp được mang theo về (cõi này) cũng không phát sinh tác dụng (2). Nay chúng tịnh hoa từ đâu mà ra? Thế nào mới được vào thai sen? Chính là con cái của chính giác [Phật] từ hoa sen mà hóa sinh (3), giống như chúng sinh vốn do cha mẹ sinh vậy, nên đều thành quyến thuộc của A Di Đà Phật.

CHÚ THÍCH 24:

(1) Có nghĩa là mang theo nghiệp của cõi ác trược này mà sinh về Tịnh Độ. Ý nói người nghiệp này vẫn vãng sinh được với một vài điều kiện hết sức dễ dãi như trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh trình bày về hạ phẩm hạ sinh.

(2) Giải thích như Ấn Thuận Đại sư ở đây thật sự không hiển rõ nghĩa Tịnh Độ chút nào. Ngài coi cái “tịnh” của Cực Lạc chỉ là trấn áp bệnh xuống mà thôi. Thật ra “tịnh” của cõi kia chính là trí tướng Bát Nhã. Theo Phật giáo chỉ có hai thứ “tịnh” mà thôi, tịnh của Niết Bàn tịch diệt và tịnh của Bát Nhã trí chiếu ngã và pháp đều KHÔNG. Ý của Đại sư muốn nói là cá nhân sinh về đó chưa thật sự đủ tịnh nghiệp, nên được “tịnh” đó chỉ là phiền não nằm yên không sinh tác dụng mà thôi. Tịnh này chỉ là tịnh vay mượn của cõi kia, và Tịnh Độ chỉ là chỗ tránh né nghiệp khổ nhất thời vậy. Giải thích này nghe thì có lý, song chỉ biết chú trọng vào sự nghiệp cá nhân mà không hiển rõ liên hệ tính của duyên khởi chút nào.

Cá nhân và nghiệp dĩ của cá nhân không tự có ngoài duyên khởi được. Theo ý nghĩa này, hiện nghiệp mà chúng ta đang mang trong kiếp này không phải là toàn thể ta và thật sự có thật tính. Nguyên lý KHÔNG vô tự tính của tất cả các pháp này là nguyên lý chung cho tất cả từ chúng sinh lên đến Phật, nên đồng thời nó cũng là chỗ nối kết tất cả các pháp lại với nhau, giữa Phật và chúng sinh, giữa Tịnh Độ và uế độ, giữa báo độ và hoá độ… Các pháp hiển thể ra hoàn toàn khác nhau tùy theo công đức nghiệp nhân mà thành ra cõi trời, người và các ác đạo… Mỗi thế giới tách biệt không thể xen tạp vào nhau được, vì chúng không cùng chung công đức và phẩm tính của nghiệp nhân. Nhưng chúng lại cùng có chung bản thể KHÔNG hoàn toàn bình đẳng, mà KHÔNG lại tương ưng với Bát Nhã, thế nên các thế giới này có thể qua lại với nhau được một cách dễ dàng qua bản thể KHÔNG của chúng, và dưới sự chứng giám của Bát Nhã trí.

Tịnh Độ là hiện thân của Bát Nhã trí, thế nên qua Tịnh Độ, tất cả các thế giới khác trong mười phương dù tịnh hay uế đều hiển hiện, đều giao thoa qua lại. Như Quán Vô Lượng Thọ Kinh diễn tả: “Trong lọng báu (phát ra từ quang minh của hoa) hiện ảnh tam thiên đại thiên thế giới và tất cả Phật sự. Mười phương cõi Phật cũng hiện ở trong”. Hoặc như là “Mỗi một vẻ đẹp (của A Di Đà Phật) có 8 vạn 4 ngàn quang minh, mỗi một quang minh chiếu khắp mười phương thế giới…”. Do đó Tịnh Độ không phải là một thế giới tách biệt riêng ra ngoài ba cõi, mà nó bao trùm và liên hệ mọi cõi đến mức vô lượng (cứu cánh tựa hư không, rộng lớn không bờ bến). Ở đây ý nghĩa vãng sinh không phải là trốn tránh nghiệp báo mà là thể nhập vào thật tính KHÔNG của nghiệp báo và phát hiện tác dụng vô lượng bất khả tư nghì (hiện thân qua Cực Lạc thế giới) của thật tính KHÔNG của nghiệp báo vậy.

Tóm lại phải có nghiệp báo mới vãng sinh được. Tại sao vậy? Vì nghiệp báo chỉ là duyên khởi, mà duyên khởi chỉ là KHÔNG vô tự tính. Nên có nghiệp báo mới có duyên khởi, có duyên khởi mới có KHÔNG, và có KHÔNG mới có sự liên hệ làm một với Cực Lạc (hiện thân của KHÔNG  trí). Nếu diệt nghiệp báo ắt thành “tịnh” của Niết Bàn tịch diệt cá nhân mà thôi. Và sự vãng sinh ở đây chỉ là thể hiện liên hệ giữ uế và tịnh bình đẳng đều KHÔNG vô tự tính. Bình đẳng nên chỉ cần sự chấp nhận (tức tín tâm) là sinh chứ không cần tu tập đủ thứ theo lối cá nhân chấp ngã.

(3) Đã biết bản thể của cõi này và chúng sinh cõi này là quang minh trí tướng, nghĩa là thuần tâm thức thanh tịnh song nhiếp trọn toàn thể các pháp kể cả tâm lẫn sắc. Do đó sinh Cực Lạc dĩ nhiên phải hóa sinh. Còn thai sen đó là phương tiện nâng đỡ của A Di Đà Phật trong tiến trình độ sinh vậy.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) THỌ DỤNG LÀ DO KỆ RẰNG: “YÊU THÍCH PHẬT PHÁP VỊ, THIỀN TAM MUỘI MÓN ĂN”.

Thế giới Cực Lạc cũng có thọ dụng, song không giống như (cách) ăn uống của thế tục. Đồ ăn là dùng các phẩm vật dinh dưỡng để duy trì sinh mạng. Như các vật độc không được gọi là đồ ăn. Vị Phật pháp tức là Pháp hỉ (1), thiền tam muội là thiền duyệt (2), cả hai đều là đồ ăn (thuộc về) pháp. Thiền là tĩnh lự, có định có huệ. Tam muội là đẳng trì (3) tức là nghĩa của định, có nghĩa là bình đẳng giữ tâm không hề tán loạn cũng không hề sôi động. Huệ mệnh (4) của đại chúng ở Cực Lạc dùng định (và) huệ để nuôi lớn, nên lấy định huệ mà thọ dụng.

CHÚ THÍCH 25:

(1) Pháp hỉ tức niềm vui sướng hân hoan do sự thấu hiểu Phật pháp mang lại

(2) Thiền duyệt là niềm an lạc có được do thiền định mang lại.

(3) Đẳng trì: đẳng là bình đẳng, trì là giữ vững. Giữ tâm vững chắc trong một trạng thái liên tục lâu dài là đẳng trì.

(4) Người theo Phật pháp lấy trí huệ làm thân mạng nên gọi là huệ mệnh.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) KHÔNG CÓ CÁC (TAI) NẠN LÀ DO KỆ RẰNG: “LÌA XA THÂN TÂM NÃO, THƯỜNG THỌ LẠC KHÔNG NGƯNG”.

Bất kể khổ não (của) thân (hay) tâm, thế giới Cực Lạc đều không hề có. Vì thân nơi đó là hóa thân nên không có cái khổ của nhục thân. Lại phiền não không khởi, nên không có tâm não. Thường thọ các lạc, cũng không có các vấn đề của con người.

(SỰ) THÀNH TỰU (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) ĐẠI NGHĨA MÔN LÀ DO KỆ RẰNG: “ĐẠI THỪA THIỆN CĂN GIỚI, BẰNG, KHÔNG DANH XẤU XA, NGƯỜI NỮ VÀ CĂN KHUYẾT, GIỐNG NHỊ THỪA KHÔNG SINH”. QUẢ BÁO TỊNH ĐỘ LÌA HAI LOẠI LỖI XẤU XA CẦN PHẢI BIẾT: MỘT LÀ THỂ, HAI LÀ DANH. THỂ CÓ BA LOẠI: MỘT LÀ NGƯỜI NHỊ THỪA, HAI LÀ NGƯỜI NỮ, BA LÀ NGƯỜI KHÔNG ĐẦY ĐỦ CÁC CĂN. KHÔNG BA LỖI LẦM ẤY, GỌI LÀ “LÌA (SỰ) XẤU XA (VỀ) THỂ”. DANH CŨNG GỒM BA LOẠI: LÀ DO KHÔNG NHỮNG KHÔNG CÓ BA THỂ, MÀ CHO ĐẾN CÒN KHÔNG NGHE ĐẾN TÊN CỦA BA LOẠI NHỊ THỪA, NGƯỜI NỮ VÀ KHÔNG ĐỦ CÁC CĂN (KIA), NÊN GỌI LÀ “LÌA (SỰ) XẤU XA (VỀ) DANH”. BẰNG LÀ DO BẰNG NHAU MỘT TƯỚNG.

Đại nghĩa môn là Đại thừa nghĩa môn (1) vậy. Người sinh (về) An Dưỡng (quốc) đều lấy thiện căn của Đại thừa làm nhân [giới], bình đẳng và không có các danh xấu xa (2). Những gì gọi là có (bản) thể xấu xa tức chỉ cho người nữ, căn khuyết và nhị thừa – Thanh Văn và Duyên Giác. Thế giới Cực Lạc không phải chỉ không có ba loại người này mà còn không (có) cả ba loại danh ấy nữa, bởi (tất cả) đều bình đẳng một tướng vậy. Theo đó, Thanh Văn mà thế giới Cực Lạc có, chính là dùng thân Thanh Văn (song) hồi tâm (về) Đại thừa để mà sinh vào (đây), hoặc là do Phật thị hiện để trang nghiêm Tịnh Độ (3) chứ không hề phải (rằng là) Cực Lạc Quốc độ mà còn có hai thừa vậy.

CHÚ THÍCH 26:

(1) Phật pháp tổng quát gồm hai môn là Tiểu thừa và Đại thừa. Tịnh độ thuộc về ý nghĩa của môn Đại thừa, nên gọi là “đại nghĩa môn”.

(2) Hán văn: cơ hiềm danh. Đúng nghĩa cơ hiềm là chỉ trích, chê bai.

(3) Trang nghiêm Tịnh Độ, tức làm đẹp đẽ cho Tịnh Độ, làm cho Tịnh Độ không bị ai chỉ trích hết. Chữ bằng là bình đẳng (Hán văn là “đẳng”). Vì thể tính của tất cả chúng sinh nơi Tịnh Độ này đều lấy quang minh trí làm thể, nên bình đẳng trên phương diện thật tính đều KHÔNG vô tự tính, và trên phương diện hiện tướng thời đều có tướng, sắc và quang minh là công đức chân thật từ Phật A Di Đà. Do đó nói không có người nữ, căn khuyết và người thuộc nhị thừa, không có nghĩa là các người đó không được vãng sinh, mà là khi sinh về Cực Lạc rồi thì tất cả đồng bình đẳng một tướng, tức quang minh trí tướng của A Di Đà Phật.

Nhưng phải hiểu trí tướng vốn vô tướng (sắc tức thị KHÔNG), và đồng thời lại là tất cả tướng (KHÔNG tức thị sắc), thế nên phải hiểu chúng sinh sinh về đó đồng một thật tướng KHÔNG bình đẳng, song mỗi vị vẫn giữ lấy tướng riêng của mình tùy theo nguyện. Tại sao dám nói như vậy? Bởi chính các chúng sinh tự là KHÔNG, tự là thể Bát Nhã vậy. Do đó khi Bát Nhã hiển hiện, tác dụng của Bát Nhã không hề trở ngại hay phá hủy hiện tướng của chúng sinh.

(SỰ) THÀNH TỰU ĐẦY ĐỦ (CỦA) CÔNG ĐỨC (VỀ) TẤT CẢ CÁC CẦU MONG LÀ DO KỆ RẰNG: “CHÚNG SANH BAO ƯỚC MUỐN, TẤT CẢ ĐỀU ĐẦY ĐỦ”.

Đây là sự thành tựu lớn lao nhất của thế giới Cực Lạc, bởi nơi đây có thể thỏa mãn tất cả các nguyện cầu của chúng sinh, như ngọc Ma Ni vậy. Cực Lạc tuy tốt đẹp, như mọi loại hoa hương trang nghiêm, bảy báu đầy đất, (song nếu) không hợp (với) nguyện cầu của chúng sinh thì cũng là vô dụng thôi. Nên câu này là tối trọng yếu. Bởi nó nói lên trọn vẹn sự viên mãn của công đức lợi mình lợi người của Phật A Di Đà vậy (1).

CHÚ THÍCH 27:

(1) Theo Thế Thân Bồ Tát, phần này nói về công đức lợi tha của A Di Đà Phật. Nhưng cũng đồng thời là xác định rằng chỉ có Cực Lạc thế giới mới là độ sinh chân chính và đúng nghĩa Đại thừa nhất. Bởi tất cả các vui thích mà chúng sinh ao ước đều được thỏa mãn đầy đủ. Câu kệ dường như không hề lựa chọn ra một thứ ao ước đặc biệt nào đó, như Niết Bàn, giải thoát, giác ngộ… mà chỉ nói tất cả ao ước đều mãn nguyện. Chứng tỏ về từ bi, vì quan tâm đến mọi ao ước và thỏa mãn đủ mọi ao ước của chúng sinh, nên từ bi viên mãn; về trí huệ, không phân biệt mong cầu nhỏ bé hay ước nguyện to tát, tất cả đều bình đẳng trí tướng, nên trí huệ viên mãn. Do đó nên dưới đây nói “cõi kia của Phật Vô Lượng Thọ là cảnh giới vi diệu thuộc đệ nhất nghĩa đế”.

LƯỢC NÓI (XONG) VỀ 17 LOẠI CÔNG ĐỨC (DÙNG) TRANG NGHIÊM CÕI NƯỚC CỦA PHẬT A DI ĐÀ KIA DO HIỆN BÀY (RA) SỰ THÀNH TỰU CỦA LỰC ĐẠI CÔNG ĐỨC LỢI ÍCH (CHO) TỰ THÂN CỦA NHƯ LAI VÀ SỰ THÀNH TỰU CỦA CÔNG ĐỨC LỢI ÍCH (CHO) NGƯỜI KHÁC. SỰ TRANG NGHIÊM CÕI CỦA PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ KIA (LÀ) CẢNH GIỚI (VI) DIỆU (THUỘC) ĐỆ NHẤT NGHĨA ĐẾ. MƯỜI SÁU CÂU VÀ MỘT CÂU TUẦN TỰ NÓI (RA), CẦN PHẢI BIẾT.

Thế giới Cực Lạc trang nghiêm tuyệt hảo là sự thành tựu công đức lợi mình lợi người của Phật. Cảnh giới này không phải tục đế mà có thể thấu rõ được. Ví như (cõi kia) nói xanh, vàng, đỏ, trắng, mềm mại, đều chẳng phải nhu thế gian (thường) hiểu, bởi cảnh giới của thế gian là do vọng thức mà nhận biết. Đế là mọi người (đều) công nhận. Tục đế tuy do thế tục (đều) công nhận, song không phải là sự hiểu biết chân thật. Nếu (là) đệ nhất nghĩa đế (1) [còn nói là thắng nghĩa đế], chính là cảnh giới đặc thù do thánh nhân lìa phiền não mà chứng được. Thật tướng được thấy (nơi cõi đó) tuy là không có hai, không khác biệt, nhưng các dị tướng đủ loại vẫn cứ đầy khắp khác biệt. Như đủ loại sự tướng hiển hiện nơi thế giới Cực Lạc, chính là cảnh giới tức lý mà sự, sự lý vô ngại, chẳng phải vọng thức của người tục mà có thể thấu tỏ được, mà là chỗ quán của Bát Nhã của Bồ Tát vậy. Mười sáu câu và một câu là: mười sáu câu đầu là công đức tự lợi, câu cuối là thành tựu công đức lợi người, bên trên đã y theo thứ tự mà nói ra (hết rồi).

CHÚ THÍCH 28:

(1) Đệ nhất nghĩa đế (paramartha-satya) luôn luôn đi đôi với thế (tục) đế (samvrti-satya). Parama có nghĩa là đầu tiên, trên hết (Hán dịch là đệ nhất và thắng), tối thượng. Artha là ý nghĩa. Paramartha (parama + artha) được dịch là đệ nhất nghĩa đế hay thắng nghĩa. Satya là sự thật, dịch là đế. Sự phân biệt chân lý (satya) thành hai loại đã được đề cập đến trong kinh hệ Bát Nhã và Tiểu thừa luận, song phải đến Long Thụ (Nagarjuna) thì ý nghĩa về hai đế mới được nhấn mạnh và trở nên căn bản cho mọi tìm hiểu về Phật giáo.

Đệ nhất nghĩa đế là sự thật tối thượng hay chân lý tuyệt đối thế nên nó phải là ý nghĩa của Phật giáo, hơn hết phải là của Đại thừa Phật giáo. Ý nghĩa cứu cánh đó chính là tính KHÔNG của Bát Nhã trí thuộc Đại thừa. Tịnh Độ do trí quang của A Di Đà Phật làm thế mà hiển hiện ra theo nguyện của Ngài, nên Tịnh Độ dĩ nhiên phải thuộc về đệ nhất nghĩa đế.

B- Quán sát trang nghiêm (do) công đức (của) Phật.

THẾ NÀO LÀ QUÁN (SỰ) THÀNH TỰU (VỀ) TRANG NGHIÊM (DO) CÔNG ĐỨC (THUỘC VỀ) PHẬT? QUÁN (SỰ) THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC (THUỘC VỀ) PHẬT GỒM CÓ TÁM LOẠI CẦN BIẾT. NHỮNG GÌ LÀ TÁM LOẠI? MỘT LÀ TRANG NGHIÊM TÒA, HAI LÀ TRANG NGHIÊM THÂN, BA LÀ TRANG NGHIÊM KHẨU, BỐN LÀ TRANG NGHIÊM TÂM, NĂM LÀ TRANG NGHIÊM CHÚNG, SÁU LÀ TRANG NGHIÊM THƯỢNG THỦ, BẨY LÀ TRANG NGHIÊM CHỦ, TÁM LÀ TRANG NGHIÊM KHÔNG UỔNG LÀM TRỤ TRÌ.

Trước hết nêu ra quán về tám loại trang nghiêm công đức của Phật, dưới đây là giải thích riêng (từng phần).

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM TÒA? LÀ DO KỆ RẰNG: “VÔ LƯỢNG VUA BÁU LỚN, ĐÀI HOA SẠCH VI DIỆU”.

Nay quán Phật, trước từ tòa mà quán lên. Tòa Phật của Tiểu thừa chỉ là cỏ cát tường (1), (còn) Phật thì lấy tướng lão Tỳ khưu. Đại thừa không như vậy. Tòa của trang nghiêm bằng bảy báu, khác nhau đủ thứ (như vậy), là vì cảnh giới của chúng sinh mỗi thứ mỗi khác. Nay quán tòa của Phật là tòa hoa sen thanh tịnh vi diệu do báu lớn làm thành. Đài này do Bồ Tát thập địa (2) thành Phật mới ngồi. Tòa tại sao là hoa sen? Một là hoa mọc lên khỏi bùn dơ mà không nhiễm, hai là hoa sen có trái: hoa là thân, trái là quả. Dùng nhân [hoa] tu hành thanh tịnh mà kết thành quả Phật. Tòa hoa này, kinh khác nói là một đóa hoa sen báu chúa màu hồng lớn, tượng trưng cho tâm con người, (ý nói) Phật nhân tu tâm mà thành. Tâm này là tâm hư vọng, song tu hành vẫn không rời vọng tâm này, (cho đến khi) lìa tâm vọng tức hiển tâm chân, hiện thành Phật đạo, nên Ban Châu Tam muội Kinh có nói: tâm này làm Phật, tâm này tức Phật.

CHÚ THÍCH 29:

(1) Truyền thuyết nói Thích Ca Mâu Ni Phật khi kết tòa ngồi đạo trường để thành Phật, có đồng tử tên Cát Tường dâng cỏ này cho Phật trải tòa mà ngồi, nên gọi là cỏ Cát Tường. Phạn ngữ là Kusa, phiên âm Cô Xà, Câu Thư…

(2) Thập địa tức địa thứ mười pháp vân địa (Dharmamegha-Bhumi), địa cuối cùng của Bồ Tát trước khi thành Phật. Pháp (Dharma) tức các pháp thuộc đệ nhất nghĩa, vân (megha) là mây, hình ảnh biểu tượng cho tất cả các pháp nghĩa đệ nhất, các công đức chân thật tối thượng đều tụ về (nơi vị Bồ Tát ở địa này), kết lại như mây để mưa cam lồ pháp đó xuống cứu độ toàn thể chúng sinh.

Về tòa sen xin xem chi tiết phần quán về hoa tòa trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM THÂN? LÀ DO KỆ RẰNG: “TƯỚNG ĐẸP RẠNG MỘT TẦM, SẮC TƯỢNG VƯỢT QUẦN SINH”.

Tướng là những gì dễ thấy hiển hiện đặc biệt trên thân, như tướng lông trắng giữa đôi lông mày này nọ. Đẹp là những gì tinh vi của tướng, có nghĩa là 32 tướng, 80 vẻ đẹp, chính là tướng đẹp của hóa thân Phật. Nếu là chân thân Phật [như trong Hoa Nghiêm Kinh nói] ắt có vô lượng tướng, vô lượng đẹp. Nay nêu lên một tướng trong 32 tướng căn bản, gọi là tướng thường quang, vì tướng này thường hiện diện, không phải như (hào) quang được phóng ra đặc biệt khi (hiển) thần thông, hay khi nói pháp. Một tầm là tám thước, thật ra là một trượng (1). Ánh sáng của Phật chiếu khắp cõi mười phương, sao lại chỉ nói có một tầm? Ví như lửa đuốc, nguồn sáng chỉ một điểm mà ánh sáng đầy cả phòng, nghĩa ấy là vậy. Sắc tượng là thân dáng có hình có sắc vậy. Sắc tượng vi diệu, trên hẳn tất cả chúng sinh.

CHÚ THÍCH 30:

(1) Một trượng là 10 thước. Thước đây là thước tàu, bằng 1/3 mét. Nếu nói một tầm là 8 thước, thì bằng 8/3 mét, còn cho là một trượng thì là 10/3 mét.

Về quán thân Phật, xem chi trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM KHẨU? LÀ DO KỆ RẰNG: “NHƯ LAI TIẾNG VI DIỆU, ÂM PHẠM VỌNG MƯỜI PHƯƠNG”.

Âm thanh của Như Lai vi diệu, trong tạng kinh có một kinh chuyên tán thán ba (thâm) mật của Như Lai (là) vi diệu, nói rằng nghe không phân xa hay gần, (âm) thanh của Ngài đều rõ ràng phân minh, như ngay bên tai. Bí mật nọ quả là không thể nghĩ bàn! Lại có thể tùy theo lời nghe pháp, tùy căn cơ (của họ) mỗi người mỗi khác. Hoặc (có người) nghe (thấy) là nói về không, hoặc (có người) nghe (thấy) là nói về có, (chứ) không phải chỉ âm thanh mềm mại dễ nghe mà thôi.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM TÂM? LÀ DO KỆ RẰNG: “ĐỒNG ĐẤT, NƯỚC, LỬA, GIÓ, HƯ KHÔNG, KHÔNG PHÂN BIỆT”. KHÔNG PHÂN BIỆT LÀ KHÔNG CÓ TÂM PHÂN BIỆT VẬY.

Tâm Phật như đất, không phân sạch dơ nặng nhẹ, (cứ) một thể (của mình) mà gánh vác, như nước, lửa, gió, hư không, bình đẳng (đối với tất cả) không phân biệt. Chúng sinh khởi tâm là phân biệt ngay. (Còn) Phật thì chẳng luận khen chê, đều không phân biệt. Song hiểu như thế, vẫn chỉ là theo sự tướng mà hiểu Như Lai thôi. Thật ra tâm Phật lẽ nào lại không nhận biết, sao có thể lại so sánh cùng với đất, nước, lửa, gió và hư không? Cho nên lấy gương mà ví dụ thì (ý nghĩa của) tâm Phật sẽ dễ dàng tỏ (hơn). (Như gương, cảnh) lại thì rành rành phân minh, (cảnh) đi (khỏi) thì chẳng lưu chút dấu vết; (lại) cũng như tâm chiếu (một cách) vô dục, cứ là không lúc nào không chiếu, không vật gì không chiếu, không phải như gỗ đá mà nên không phân biệt vậy. Nay Phật cớ gì lại là như vậy? Ra vì tâm không phân biệt có hai loại: một là định tâm, một là huệ tâm. Phàm phu không biết (đến) định cảnh. (Còn) người đắc định, do tinh thần tập trung, (nên) vọng niệm ngưng nghỉ, ban đầu còn chợt có vọng niệm ập lại, sau dần (các) thô phân biệt ngưng, tế phân biệt vẫn còn, tu nữa thời tế phân biệt cũng không còn, bèn tự cho rằng đã được “không phân biệt”, thật ra không phải vậy. Không phân biệt của Phật là từ trong định mà tu quán, thông đạt tất cả các pháp không có tự tính, (rồi) đắc trí không phân biệt mà ra. Như thế không phân biệt mà không gì không biết, trong kinh có lấy trống trời tự kêu để làm thí dụ, chính là (ý nghĩa) đây vậy.

GÌ LÀ TRANG NGHIÊM CHÚNG? LÀ DO KỆ RẰNG: “CHÚNG TRỜI, NGƯỜI, BẤT ĐỘNG, BIỂN TRÍ THANH TỊNH SINH”.

Chúng bất động là một loại cõi trời cao cấp, vốn do hoặc nghiệp bất động mà sinh. Nghiệp bất động tức là nghiệp định, (do) tu tứ thiền, bát định (1) mà đắc. Mới sinh vào cõi trời này, cũng (còn) có tán tâm, (khi) lâm chung cũng vậy (2). Song trong khoảng trung gian thì thường ở trong định, không phải như sáu cõi trời dục (3), chính đây gọi là chúng bất động (4). Thường thì chúng sinh tu hành, trước khi chưa thành Phật, đều qua lại trong khoảng (cõi) trời và người, nên tuy sinh Cực Lạc, vẫn còn đủ tướng (của cõi) trời và người, song vốn do biển trí thanh tịnh mà sinh. Điều này trong tiết thành tựu công đức quyến thuộc trước đã có nói qua. Nếu là phàm phu thông thường thì vốn là do hoa chính giác [biển trí thanh tịnh của Phật] (mà) hóa sinh, còn các Đại Bồ Tát, vốn đã đắc trí thanh tịnh, thì là do biển trí thanh tịnh của bản thân mà chuyển sinh.