Chú giải

1/. Thiên Thai (天台): Chữ台 từ Hán văn chuyển qua Hán Việt có hai phát âm, có thể đọc là đài hay là thai, chỉ một kiến trúc cao dùng làm nơi quan sát. Trên trời có sáu ngôi sao tụ lại tạo thành hình ba cái đài gọi là Tam Thai (三台). Sáu ngôi sao này tương đương với sao UMa, Lyn, LMi, Hip của thiên văn Tây phương. Sao Tam Thai là một sao của các sao trong phép xem số tử vi. Chùm sao tam thai còn gọi là Thiên Thai, có nghĩa là đài quan sát của trời.

Núi Thiên Thai là dải núi ở huyện Ninh Hải, tỉnh Triết Giang. Vì từ dải núi này nhìn thẳng lên trời thấy chùm sao Thiên Thai ở ngay trên không của vùng này nên gọi tên núi  là núi Thiên Thai.

Sau 8 năm hoằng pháp tại Kim Lăng đời nhà Trần, Trí Khải đại sư về ẩn tu và giảng dạy Phật giáo trong núi này trong suốt 10 năm. Giáo phái của ngài lập ra được gọi là ThiênThai Tông (nhà Tùy 581- 619). ThiênThai Tông lấy kinh Pháp Hoa làm kinh  gốc, lấy Trí Độ Luận làm kinh chỉ nam, lấy kinh Niết Bàn làm kinh phù trợ, lấy Đại Phẩm Bát Nhã kinh làm kinh quán pháp.  ThiênThai Tông xiển dương huyền nghĩa kinh Pháp Hoa nên còn được gọi là Pháp Hoa Tông. Pháp Hoa Huyền Nghĩa là một trong tam đại bộ của tông này. Hai bộ kia là Ma ha Chỉ Quán và Pháp Hoa Vân Cú.

Trí Khải (智顗) đại sư (538-597) họ Trần tên là Đức An. Người làng Dẫn Xuyên, tỉnh An Huy. Có sách lại nói quê ngài là Kinh Châu, huyện Hoa Dung.  Ngài 18 tuổi đi tu, theo thầy Tuệ Tư học đạo. Ngài là thầy giảng dạy Phật pháp cho vua Tùy Dưỡng Đế. Vì vậy Tùy Dưõng Đế đã tặng danh là Trí Giả Đại Sư. Sau này người ta thường gọi là Thiên Thai Trí Giả.

2/. Thiên Thai tứ giáo:  Trí Giả đại sư đã từ một rừng kinh điển của Đại Tiểu Thừa  phân tích  tất cả những gì Đức Phật giảng  dạy dựa vào nội dung của các kinh, dựa vào hình thức của sự giảng dạy chia làm hai nhóm: hóa pháp tứ giáo và hóa nghi tứ giáo. Hóa pháp tứ giáo là: Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo. Hóa nghi tứ giáo là: Đốn giáo, Tiệm giáo, Bí mật giáo và Bất Định giáo.

Ngoài tứ giáo của Trí Khải đại sư, trong Đại Thừa còn 6 loại tứ giáo khác ít biết hơn:

a) Tứ Giáo của Tông Ái (宗愛) đại sư: 1) Hữu tướng giáo, 2) Vô tướng giáo, 3) Đồng quy giáo, 3) Thường trụ giáo. Ngài Trí Khải có nhắc đến tứ giáo này trong cuốn Pháp Hoa Huyền Nghĩa.

b) Quang Trạch tứ giáo: Do sư Pháp Vân (法雲) tại chúa Quang Trạch (光宅) đưa ra vào đời Lương Vũ Đế (502-549). Sư dựa vào thí dụ của kinh Pháp Hóa chia tứ giáo làm: 1) Xe dê chỉ thanh văn giáo, 2) Xe nai chỉ duyên giác giáo, 3) Xe trâu chỉ Đại Thừa bồ tát giáo, 4) Xe trâu trắng lớn chỉ nhất thừa giáo.

c) Tứ giáo của sư Nguyên Hiểu 元曉, sư là người nước  Cao Ly. Tứ giáo của sư là: 1) Tam thừa biệt giáo, 2) Tam thừa thông giáo, 3) Nhất thừa phân giáo, 4) Nhất thừa mãn giáo.

d) Tứ Tông giáo do sư Đàm Ẩn 曇隱 ở chùa Đại Diễn 大衍đưa ra vào đời Băc Tề (550-577). Tứ Tông giáo là: 1) Nhân duyên tông, 2) Giả danh tông, 3) Bất chân tông, 4) Chân tông.

e) Tứ giáo của sư Chân Đế Tam Tạng 真諦三藏 đời nhà Lương梁 (502-558): 1) Tứ Đế giáo, 2) Vô tướng giáo, 3) Pháp tướng giáo, 4) Quán hạnh giáo.

f) Tứ giáo của sư Tuệ Uyển 慧苑 đời Võ Hậu nhà Đường (684-705). Đây là tứ giáo theo phái Hoa Nghiêm: 1) Mê chân dị chấp giáo, 2) Chân nhất phân bán giáo, 3) Chân nhất phân mãn giáo, 4) Chân cụ phân mãn giáo

3/. Nghi 儀: Là chữ tắt của chữ nghi thức, có nghĩa là phương thức, phương cách. Tứ giáo nghi có nghĩa là phương cách phân chia tứ giáo.

4/. Tứ giáo tụng:  Đây là bài khởi tụng, bài kệ đi ở phần đầu trước khi vào bài kinh hay bài giảng chính, nó thường dùng để tóm tắt những ý chính của bài kinh hay bài giảng, để giúp người đọc dễ nhớ những điểm chính, vì vậy nếu chưa học bài kinh hay bài giảng mà đọc những bài tụng này thì rất khó hiểu.

Tác giả của tám bài tụng này không rõ là ai. Trong bài Tứ Giáo Nghi số 1931 của Đại Tạng Kinh Việt Nam chỉ có 5 bài tụng. Ở đây chúng tôi xin bổ túc thêm 3 bài mà kinh số 1931 của Việt Tạng thiếu để cho đầy đủ.

Bài số 3, số 4, số 5 trong bài kinh số 1931 của Đại Tạng Kinh Việt Nam tương đương với bài  số 5, số 6 và số 8 của bài dịch này.  Ba bài số 3, số 4 và số 7 trong bài dịch này là những bài thiếu mà chúng tôi bổ túc. Những bài tụng này là những tóm tắt về sự tương đương của các quả vị của tứ giáo, khó nhớ và khó hiểu. Chúng tôi có làm ”Bản So sánh quả vị của Tứ Giáo “ đính kèm ở phần sau của bài đầy đủ và dễ hiểu hơn.

5/. Tăng thống 僧統: Đây là một quan chức của triều đình đặt ra, ban cho một vị tăng làm cai quản tất cả các việc tăng ni chùa chiền trong nước. Chức này được đặt ra do Vua Hậu Tần 后秦 Cao Tổ Diệu Hưng 姚兴 (năm 394-416) gọi là tăng chánh. Đến đời Bắc Ngụy Đạo Vũ Đế道武帝khoảng năm 396-397 đổi tên chức vụ này thành sa môn thông.  Người sa môn thống đầu tiên là sa môn Pháp Quả 法果.  Bắc Ngụy Văn Thành Đế 文成帝 lại đổi tên là đạo nhân thống, vào năm 452 Văn Thành Đế lại đổi tên là tăng thống. Người mang chúc tăng thống đầu tiên là tăng thống Sư Hiền 师贤.  Cơ quan làm việc của vị tăng thống là trực thuộc các văn phòng của nhà vua, thuộc hệ thống các tự 寺. Lúc đầu gọi là Giám Phúc Tào 監福曹, sau đổi là Siêu Huyền Tào 昭玄曹, sau vào năm Hòa Bình nguyên niên (năm 460) lại đổi là Siêu Huyền Tự 昭玄寺.  Vì vậy vị tăng thống lại gọi là Siêu Huyền đại thống. Đến đời nhà Đường thì đổi tên trụ sở thành Tăng Lục 僧录.

6/. Tăng Thống Tán Ninh贊寧: Làm tăng thống cho nước Ngô Việt, sau nước này sáp nhập vào nước Tống, Ngài lại làm tăng thống cho nhà Tống. Hiệu của ngài là Thông Tuệ 通惠, người tỉnh Triết Giang. Ngài viết rất nhiều sách gọi chung là Thông Tuệ Lục gồm 150 cuốn.

7/. Ngô Việt Quốc: Là một trong 10 nước của thời Ngũ Đại (907-979). Nước Ngô Việt (908-932) có thủ đô ở Hàng Châu. Gồm năm vua. Tiền Trung Di Vương là vị vua chót, sau đó nước này sát nhập vào nhà Tống.

8/. Tiền Trung Di Vương 錢忠懿王: Tên là 錢弘俶 Tiền Hoàng Thục 錢弘俶, tự Văn Đức, tại vị 948-978.

9/. Vĩnh Gia Tập 永嘉集:  Đây là tên của cuốn sách do  Ngụy Tĩnh 魏靖, vị quan tại  Khánh Châu 慶州, sưu tập những bài của  Huyền Giác 玄覺 đại sư (665-713), làm thành tập sách,  cuốn này có trong Đại Tạng Kính Việt Nam  số 2013 tên là Thiền Tông Vĩnh Gia Tập.  Ngài Huyền Giác là người tỉnh Ôn Châu huyện Vĩnh Gia, đời nhà Đường. Họ Đái 戴, tên là Minh Đạo. 8 tuổi xuất gia, có nơi ghi là 4 tuổi. Ngài gặp đại sư Huệ Năng, chỉ trong một đêm đàm đạo với Tổ Huệ Năng, ngài giác ngộ, người đời sau gọi là nhất túc giác. Sau ngài trở thành một đại sư của Thiền Tông.

10/. Quốc Sư 國師:  Đây là phẩm hàm do các vua ban cho những tu sĩ cố vân về tôn giáo của nhà vua. Theo sách  Phật Tổ Thống Ký 佛祖統記  thì vào năm 550 đời Bắc Tề ,vua Văn Tuyên Đế mời thầy Pháp Thường 法常vào cung  giảng kinh Niết Bàn và ban cho ngài phẩm hàm quốc sư.

11/. Tuyết Cư 雪居: tên của một đạo trường gọi là Tuyết Cư đạo trường trong núi Thiên Thai.

12/. Đức Thiều 德韶:  Sư Đức Thiều là đệ nhị tổ của Pháp Nhãn tông.

13/. Nghĩa Tịch 義寂đại sư: Theo sách  Phật Tổ Thống Ký 佛祖統記 thì Nghĩa Tịch đại sư ( năm 919-987), là vị tổ thứ 15 của Thiên Thai Tông. Sư họ Hồ, tên là Thường Chiếu. Ngô Việt Vương xây Chùa Loa Khê và tu viện Định Tuệ ban cho ngài và tặng hiệu là Tịnh Quang đại sư. Ngài là tác giả của cuốn Chỉ Quán Nghĩa Lệ 止觀義例 và Pháp Hoa Thập Sao 法華十鈔.

14/. Cuộc chiến tranh của An Lộc Sơn và Sử Tư Minh: Theo sách “Tục Thông giám Luận” thì An Lộc Sơn và Sử Tư Minh làm loạn ở thời Đường Huyền Tông. Cuộc loạn kéo dài từ năm 755 đến năm 763.

15/. Hội Xương 會昌 diệt Phật: Hội Xương là niên hiệu của Đường Võ Tôn. Thời Hội Xương năm thứ 5 (năm 845), nhà vua ra lệnh diệt trừ Phật giáo: Phá chùa đốt kinh. Nhà vua mất năm 846. Vua kế ngai là Đường Tuyên Tôn lại cho chấn hưng Phật giáo. Đây là một trong ba đại pháp nạn của Phật giáo Trung Hoa, gọi là Tam Võ diệt Phật. Vị vua diệt Phật đầu tiên là Bắc Ngụy Thái Võ Đế diệt Phật từ năm 444 đến năm 452. Vị vua kế vị là Ngụy Văn Thành Đế lại cho chấn hưng Phật giáo. Pháp nạn thứ hai là Bắc Chu Võ Đế diệt Phật từ năm 574 dến 578. 

16/. Đế Quán 谛观 đại sư:  Theo sách Phật Tổ Thống Ký cuốn 22: Vào năm 960 Tiền Trung Di Vương sai sứ giả mang quốc thư và 50 món báu vật qua nước Cao Ly để xin một bản sao của các sách của Thiên Thai Tông. Lúc đó bên Cao Ly là đời nhà Vương, dưới thời vua Quang Tôn (光宗). Sư Đế Quán theo lệnh vua Vua Quang Tôn mang sách đi sứ qua Trung Hoa vào năm 961. Sau sư Đế Quán đến Chùa Loa Khê bái ngài Nghĩa Tịch làm thầy và ở lại Loa Khê học đạo. Mười năm sau sư viên tịch tại đó. Sau khi sư viên tịch ( năm 971), người dọn phòng sư thấy cái hòm nhỏ đựng sách của sư phát ra hào quang và tìm thấy hai cuốn sách do sư soạn viết đó là cuốn Tứ Giáo Nghi quyển thượng và quyển hạ. Cho đến đời nhà Tống  khi sư Trí Viên tái bản cuốn Tứ Giáo Nghi thì vẫn còn đủ hai cuốn, Trí Viên đại sư chỉ tái bản cuốn thượng vì sư cho rằng cuốn thượng dễ hiểu và thực dụng cho người học đạo. Còn cuốn hạ sư nói là khoan tái bản vì bài bàn về sự phán giáo của các tông phái ở Nam Bắc Triều (năm 420-581) dài khó hiểu, không thực tế cho người mới học đạo. Nay thì chỉ còn cuốn thượng, cuốn hạ thất truyền.

Phật Tổ Thống Ký (佛祖統記)  của pháp sư Chí Bàn (志磐 ) soạn viết vào thời Vua Tống Độ Tông đời Nam Tống (1265-1274) thì cho rằng cuốn Tứ Giáo Nghi là chép lại đổi tên và sửa đổi đôi chút  của cuốn Kinh Khê Thiên Thai Bát Giáo Đại Y (荊溪天台八教大意).  Cuốn Thiên Thai Bát Giáo Đại Ý không phải là của ngài Kinh Khê. Kinh Khê Trạm Nhiên (荊溪湛然 711-782) là vị tổ thứ 9 của Thiên Thai Tông, ngài có viết nhiều sách nhưng không phải là tác giả của cuốn Thiên Thai Bát Giáo Đại Ý. Tác giả của cuốn này là sư Quán Đỉnh (灌頂) (561-632), tứ tổ của Thiên Thai Tông. Sư là người ghi chép cuốn Pháp Hoa Huyền Nghĩa và Ma ha Chỉ Quán trong khi Thiên Thai Trí Giả thuyết giảng.  Cuốn Thiên Thai Bát Giáo Đại Ý có trong Đại Tạng Kinh Việt Nam kinh số 1930. Chúng tôi có đọc qua cuốn Thiên Thai Bát Giáo Đại Ý thì thấy ý trong cuốn này rất gần với Tứ Giáo Nghi. Hòa thượng Hội Tánh thì kết luận là 60% tài liệu của cuốn Tứ Giáo Nghi lấy từ cuốn Thiên Thai Bát Giáo Đại Ý, 40% lấy từ Thiên Thai tam đại bộ. Lời văn của Tứ Giáo Nghi dễ hiểu hơn cuốn Thiên Thai Bát Giáo Đại Ý. Việc tham khảo sách khác để viết thành luận không có gì lạ cả. Ngài Đế Quán khi viết cuốn Tứ Giáo Nghi có lẽ chỉ có ý định viết cho mình đọc và học hỏi, không có ý khắc in xuất bản nên đã không viết lời tựa để nói rõ những sách tham khảo.

17/.  Trí Viên 智圓 đại sư: (năm 975-1022). Sư cùng thời với tăng thống Tán Ninh, giảng dạy Phật giáo tại núi Cô Sơn Hàng Châu.

18/. Phất Long 佛隴:  Là một đồi núi nằm ở phía tây nam của núi Thiên Thai. Thiên Thai Trí Khải, sư Đức Thiều từng ở đây tu hành. (Tự Điển Phật hoc của Đinh Phúc Bảo)

19/. Tứ Minh Thảo Am pháp sư 四明草菴 (1090-1167): Người đời Nam Tống, huyện  Minh Châu tỉnh Triết Giang. Pháp danh của sư là Đạo Nhân道因, vị tổ thứ 17 của Thiên Thai Tông.  Sư được vua Tống Chân Tôn ban danh Pháp Trí Đại Sư.  Sư còn có rất nhiều biệt hiệu: Tứ Minh Tôn Giả, Đức Cố, Thảo Am,  Thảo Am Đạo Nhân,  Thảo Am Nhân, Nam Hồ Nhân,  An Trụ, An Trụ Tử. Tứ Minh là núi Tứ Minh ở huyện Dư Diệu tỉnh Triết Giang. Trong núi Tứ Minh có Tứ Minh Đạo Trường, sư Đạo Nhân có ở qua ở đó. Sư viết nhiều sách:  Giáo Uyển Di Sự 教苑遺事,   Tứ Minh Tôn Giả Giáo Hạnh Lục 四明尊者教行錄 có trong Việt Tạng kinh số 1937, 淨土餘說 Tịnh thổ Dư Thuyết  có trong Đại Chánh Tạng… (Phật Tổ Thống Kỷ, Tục Cao Tăng Truyện).

20/. Cao Ly, Tân La:  Thời Tam Quốc nước Đai Hàn gồm có ba nước : Nước Cao Cú Ly 高句麗 (37 TCN-668), nước  Bách Tế百济 (18 TCN-660) và nước Tân La 新罗(57 TCN-935 ). Sau nước Tân La tiêu diệt nước Bách Tế và nước Cao Cú Ly, thống nhât. Vào năm 935 Vương Kiến 王建 lật đổ nước Tân La tạo ra nhà Vương và nước Cao Ly (918-1392). Chữ Cao Ly được phiên âm qua Anh văn là Korea, tức Đại Hàn ngày nay.

21/. Phù Tôn Kế Trung 扶宗繼忠 Pháp Sư: Sư họ Khâu 丘tên là Kế Trung, hiệu là  Phù Tôn (năm 1012-1082). Người đời Bắc Tống, làng Vĩnh Gia. Tu theo Thiên Thai Tông với sưThượng Hiền. Sư là tác giả của Tứ Minh Thập Nghĩa Thư 四明十 義 書 và Tứ Minh Nhân Nhạc Dị Thuyết Tùng Thư, hai cuốn này có trong cuốn Chữ Vạn Tục Đại Tạng Kinh,  Pháp Trí Di Thiên Quán Tâm Nhị Bách Vấn 法智遺編觀心二百問 cuốn này có trong Đại Chánh Đại Tạng Kinh. Còn cuốn Nhị Sư Khẩu Nghĩa và cuốn Phù Tôn Tập thì nay thất truyền. (Tục Cao Tăng Truyện, Phật Tổ Thống Ký cuốn 13).

22/. Lưu Thủy trưởng giả 流水長者: Theo  Kim Quang Minh Kinh phẩm thứ 16  thì ở nhiều kiếp trước khi Đức Phật còn đang tu bồ tát đạo, ngài tên là  Lưu Thủy trưởng giả. Một hôm hạn hán, Ngài thấy một cái ao gần khô trong đó mười ngàn con cá sắp chết. Ngài và người con dùng voi chở nhiều bịch nước đến đổ vào ao để cứu cá. Sau đó ngài lại thuyết pháp cho chúng nghe. Các cá sau khi chết được đầu thai vào cõi trời Đạo Lợi. Thành các thiên vương trở lại tạ ơn Ngài.

23/. Trí Giác 智覺:  Sư là người viết bài tựa này vào mùa đông Vạn Lịch thứ chin (1582), đời nhà Minh khi cuốn Tứ Giáo Nghi được cu sĩ Phùng Mộng Trinh tái bản. Theo lời tựa của cư sĩ Phùng Mộng Trinh thì vị sư đến thăm ông và tặng kinh sách Thiên Thai Tông là sư Chân Giác 真覺, không phải  sư Trí Giác. Theo bài giảng của HT. Hội Tánh thì thời Gia Tịnh và Vạn Lịch không có tênTrí Giác, nhưng có sư Chân Giác. Sư là môn đệ của sư Thiên Tùng 千松 của Thiên Thai Tông, vì vậy sư lấy hiệu là Bách Tùng Chân Giác 百松真覺, người huyện Côn Sơn崑山, họ Vương. Sanh năm 1536 mất năm 1595.

24/. Bế quan 掩關: Hay nhập quan. Chữ quan ở đây có nghĩa là cửa, cửa ải. Bế quan có nghĩa là đóng kín cửa lại. Nhập quan có nghĩa là vào phòng đóng kín cửa lại. Đó là một cách tu hành có ở các môn phái Phật giáo. Người tu hành ẩn mình vào trong phòng, đóng kín cửa, không tiếp khách để đọc kinh thiền định. Thời gian tùy người tu hành quyết định, có thể từ vài tuần cho đến vài năm. Pháp tu hành này có lẽ có nhiều đời trước nhà Tùy. Trong sách Tục Cao Tăng Truyện (năm 645) đã kể ở đời nhà Tùy năm Nhân Thọ (601-604) đã có các sư bế quan tu hành. Ở những tôn giáo khác ở Tây phương cũng có cách tu hành này nhưng gọi là cấm phòng hay tịnh tâm. (Tục Cao Tăng Truyện 續高僧傳, Việt Tạng số 2060)

25/. Kiết Hạ 結夏: Tiếng Phạn gọi là varsah, tiếng Pali là vasso, tiếng Anh là vassa. Varsah trong tiếng Phạn có nghĩa là mưa. Hán văn dịch là kiết hạ, kiết hạ an cư,  vũ an cư 雨安居,  tọa hạ an cư 坐夏安居, tọa hạ 坐夏 … Đây là một tục lệ của những người tu hành ở lại  trong tu viên không đi ra ngoài tu viện trong ba tháng mùa mưa ở Ân Độ, tục lệ  này có trước cả đạo Phật.  Ho muốn tránh giẫm phải những sinh vật sinh sôi nảy nở trong mùa mưa, và cũng tránh cho những người tu hành phải đi lại khó khăn trong mùa này.  Mùa mưa của Ấn Độ là từ tháng 8 đến tháng 11 theo lịch Ấn Độ, tương đương là tháng 7 đến tháng 10 của dương  lịch. Theo một số kinh điển thì cuộc kiết hạ lần đầu tiên của Đức Phật là ở Lộc Uyển.  Ở Trung Quốc không có mùa mưa, nên lấy ngày 16 tháng 4 âm lịch cho đến ngày 15 tháng 7 âm lich làm kiết hạ. Kiết hạ được cử hành tại Trung Quốc từ thời Hậu Tần (384-417). Ngày kết thúc của ngày kiết hạ gọi là ngày giải hạ 解夏 hay ngày quá hạ 過夏. Trong ba tháng kết hạ các tu sĩ phải tinh tiến học hành, thiền định, sám hối …

Ở Trung Hoa vì không có mùa mưa, nhưng mùa đông rất lạnh, nên có tổ chức kiết đông 結冬. Kiết đông bắt đầu từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch. Ngày nay ở nhiều thiền viện thì lại đổi ngày kết đông thành ngày thiền thất 禪七, đó là những khóa học thiền định từ 7, 21, 49, hay 70 ngày. (Wikipedia vasa, Phật học Từ Điển Đinh Phúc Bảo)

26/. Võ Lâm 武林: Một tên khác của thành phố Hàng Châu.

27/. Tứ Minh Trí Bàn 志磐:  Biệt hiệu là Đại Thạch, thầy tu theo Thiền tông và Thiên Thai tông. Giảng dạy Phật giáo ở núi Tứ Minh. Soạn viết cuốn Phật Tổ Thống Ký vào năm 1269, cuốn này có trong Đại Chánh Tạng Kinh. (Wikipedia về Phật Tổ Thống Ký 佛祖統紀)

28/. Sa môn Mông Nhuận 蒙潤:  Thầy họ Cố 顧, tên là Ngọc Cang 玉岡 ( năm 1276 -1343 ), đời nhà Nguyên, quê Gia Hoa 嘉禾( nay quận Gia Hưng tỉnh Triết Giang ). Thầy tu ở Hàng Châu, chùa Nam Thiên Trúc 南天竺. Thầy có viết cuốn Tứ Giáo Nghi Tập Chú 四教儀集注. (Đại Minh Cao Tăng Truyện大明高僧傳).

29/. Phật Hoan Hỷ Nhật 佛歡喜日: Đó là ngày 15 tháng 7 âm lịch là ngày giải hạ, các tăng ni đến trước điện Phật báo cáo thành quả của ba tháng tu tập của mình, và cho rằng Đức Phật rất vui mừng để nghe, vì vậy gọi là Phật hoan hỷ nhật.

30/. Phùng Mộng Trinh 馮夢禎 (1548-1605): Tự Khai Chi, hiệu Cụ Khu,  Chân Thực  cư sĩ. Đậu trạng nguyên năm 1577 làm tế tửu của quốc tử giám tại Nam Kinh, nay tương đương với chức viện trưởng viện đại học. Sau về ở ẩn tại Hàng Châu trên núi Cô Sơn.

31/. Ngũ Thời 五時:  Đức Phật từ khi thành đạo cho đến khi nhập Niết Bàn, Ngài thuyết pháp tổng cộng là 49 năm. Dựa vào những bộ kinh của Ngài thuyết giảng, Trí Giả đại sư chia làm năm thời kỳ: 1) Thời Hoa Nghiêm, 2) Thời Lộc Uyển hay thời A Hàm, 3) Thời Phương Đẳng, 4) Thời Bát Nhã, 5) Thời Pháp Hoa Niết Bàn. Năm thời kỳ này lại được so sánh với anh nắng của mặt trời từ lúc mọc cho đến lúc giữa trưa của Kinh Hoa Nghiêm. Thời Hoa Nghiêm đươc thí dụ như mặt trời mới mọc chỉ soi sáng những đỉnh núi cao (như nhật sơ xuất, tiên chiếu cao sơn 如日初出, 先照高山), nghĩa là trong thời này Ngài thuyết giảng cho những người có căn cơ thật cao trên các cõi trời trong 21 ngày  thiền định sau khi thành đạo.

Thời A Hàm được thí dụ như mặt trời đã lên cao hơn đã soi sáng đến những hang động của các núi (nhật chiếu u cốc 日 照 幽 谷) như trong bài của Trí Khải đại sư. Thật ra trong kinh Hoa Nghiêm không nói là mặt trời soi sáng các hang động. Nguyên văn của kinh Hoa Nghiêm nói rằng: Thí dụ như mặt trời mới mọc, trước hết soi sáng các đại sơn vương, sau đó đến cac đại sơn, sau đó mới đến các Kim Cương Bảo sơn, sau chót mới đên khắp mọi nơi (Thí như nhật xuất, tiên chiếu nhất thiết chư đại sơn vương, thứ chiếu nhất thiết đại sơn, thứ chiếu Kim Cương Bảo sơn, nhiên hậu phổ chiếu nhất thiết đại địa 譬如日出, 先照 一切諸大山王, 次照一切大山, 次照金剛 寶山然後普照 一切 大 地 ). Nhưng dựa vào bản dịch của Kinh Hoa Nghiêm của thời Đông Tấn Phẩm thứ 32 Bảo Vương Như Lai Tính Khởi viết rằng: Thí dụ như nhật nguyệt xuất hiện ở thế gian này, soi sáng đến tất cả các hang cùng núi sâu, không đâu không soi sáng đến (thí như nhật nguyệt, xuất hiện thế gian, nãi chí thâm san u cốc, vô bất phổ chiếu 譬如日月, 出現世間, 乃至深山幽谷, 無不 普照). Trí Giả đại sư đã gom các đại sơn và Kim Cương bảo sơn và nói là các hang động của các núi sâu là như vậy.

Thời Phương Đẳng: Trong kinh Hoa Nghiêm khi mặt trời lên cao soi sáng mọi nơi, giai đoạn này Trí Giả đại sư lại chia nó thành ba giai đoạn đó là: 1) Thực thời tức giờ thin lúc 7đến 9 giờ sáng, đó là thời Phương Đẳng. 2)  Ngu trung禺中thời tức giờ tỵ lúc 9 đến 11 giờ sáng, đó là thời Bát Nhã. 3) Nhật trung thời tức giờ ngọ lúc 11 đến 1 giờ trưa, đó là thời Pháp Hoa Niết Bàn, thời cáo nhất của đạo Phật.

Đức Phật giảng đạo trong 49 năm, Ngài giảng thời Hoa Nghiêm là 21 ngày, Ngài giảng thời A Hàm là 12 năm, thời Phương Đẳng là 8 năm, thời Bát Nhã là 22 năm, thời Pháp Hoa Niết Bàn là 7 năm, có sách nói là 8 năm. Ngài giảng kinh Niết Bàn là một ngày một đêm trước khi nhập diệt.  Sau đây là bài kệ của Trí Viên đại sư tóm tắt năm thời kỳ kể trên: 

華嚴最初三七日  Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật,

阿含十二方等八  A Hàm thập nhị Phương Đẳng bát,

二十二年般若談  Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm,

法華涅槃共七年 Pháp Hoa Niết Bàn cộng thất niên.

Dựa vào những kinh điển nào để nói số năm của từng thời thì không rõ ngoại trừ thời Hoa nghiêm và thời Pháp Hoa Niết Bàn là có nói trong Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Pháp Hoa. Theo kinh Hoa Nghiêm kể thì Ngài thuyết giảng kinh này. “Tại Bồ Đề đạo trường khi mới thành chánh giác”.   (Ư bồ đề đạo tràng thủy thành chánh giác 於菩提道場始成正覺).

Trong kinh Pháp Hoa Ngài nói: “Túc thoát anh lạc, canh trứ thô tệ cấu nị chi y 即脫瓔珞,更著粗敝垢膩之衣” ngài nói là  bỏ áo cao quý của  Lô Xá Na thân, mặc lên áo dơ bẩn để giảng dạy chúng sinh đó là thời A Hàm.

Trong Đại Tập kinh nói Như Lai thành đạo sau 16 năm giảng Đại Tập Kinh (Như Lai thành đạo thủy thập lục niên 如來成道始十六年). Nếu Ngài đắc đạo năm 30 tuổi thì 16 năm sau là 46 tuổi trở đi Ngài thuyết giảng về Đại Thừa,  đó là thời Phương Đẳng.

Trong Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh viết: Như Lai thành đạo 29 năm thì thuyết giảng kinh này (Như Lai thành đạo nhị thập cửu niên 如來成道二十九年 ), như vậy Đức Phật giảng kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã lúc Ngài 59 tuổi. Như vậy thời Bát Nhã có lẽ là 59 tuổi trở đi.

Trong Kinh Pháp Hoa có nói rằng: Đức Phật giảng kinh Pháp Hoa lúc Ngài thành đạo trên 40 năm (thành đạo dĩ lai tứ thập dư niên 成道已來四十餘年). Như vậy Đức Phật giảng kinh Pháp Hoa là sau 73 tuổi, Như vậy thời Pháp Hoa là 7 năm, vì Ngài nhập diệt vào năm 80 tuổi.

32/. Bát giáo 八教: Đốn giáo, Tiệm giáo, Bí Mật giáo, Bất Định giáo, Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo.

33/. Thời Hoa Nghiêm 華嚴時:  Theo những kinh điển của Đại Thừa thì Đức Phật sau khi đắc đạo, Ngài đã thiền định ở dưới cây bồ đề, trong 21 ngày thiền định đó,  Ngài đã xuất thần đến các cõi trời Đâu Xuất thiên 兜率天, tha hóa tự tại thiên  giảng dạy kinh Hoa Nghiêm. Theo các kinh điển của Phật Giáo Nguyên Thủy  thì trong 21 ngày đó Ngài đang hưởng pháp lạc, đang quan sát chúng sinh và nghĩ cách cứu độ chúng sinh.

Nguồn gốc của kinh Hoa Nghiêm: Theo các kinh điển của Đại Thừa và sách Đại Đường Tây Vực ký của sư Huyền Trang thì Long Thụ bồ tát có căn cơ rất cao, đọc hết Tam Tạng Kinh và tự nghĩ rằng Đức Phật, ngài có nhất thiết trí mà chỉ có từng đây điều viết trong Tam Tạng Kinh thì ta cũng có thể ra lập một giáo phái của ta. Lúc đó thiên nhân xuất hiện và khuyên Long Thụ bồ tát rằng: Đức Phật còn giảng dạy nhiều lăm ở các cõi trời, nhưng vì người ở thế gian này căn cơ yếu kém nên chỉ lưu lại có từng đó mà thôi, muốn biết thêm thì hay đến long cung xem những kinh của Phật dạy chưa được lưu truyền trên thế gian.

Long Thụ bồ tát đến long cung thấy có ba bộ Kinh Hoa Nghiêm: Một bộ lớn, một bộ trung bình và một bộ nhỏ. Những câu kinh trong bộ lớn nhiều như những hạt bụi khi ta lấy mười tam thiên đại thiên thế giới, số phẩm của cuốn này là nhiều như những hạt bụi do một tiểu thế giới.  Quyển trung bình gồm  498800 câu gồm 1200 phẩm. Long Thụ bồ tát thấy người ở thế gian này không có đủ khả năng để lãnh hội trí tuệ trong hai cuốn này. Ngài chọn bộ nhỏ để đưa về để truyền giảng.

Kinh Hoa Nghiêm được truyền vào Trung Quốc vào thời Đông Tấn vua An Đế, Nghĩa Hy năm thứ 14 (418). Ngài Phật Đà Bạt Đà La, tên tiếng Phạn là Buddhabhadra, tên dịch nghĩa là Giác Hiền, từ một nước nhỏ tên là Gia Tỷ La Vệ quốc (nay là Nepal) đưa đến. Ngài đến Kiến Khang nay là Nam Kinh) đạo trường. Nhà vua ra lệnh dịch cuốn kinh này ra Hán văn. Hàng trăm người phụ ngài dịch trong bốn năm mới hoàn tất. Cuốn này gọi là Lục Thập Hoa Nghiêm vì có 60 cuốn 34 phẩm.

Đến đời nhà Đường thời Võ Hậu (684-705), Võ Hậu mời quốc sư Thủ Hiền giảng kinh Lục Thập  Hoa Nghiêm. Bả nghe nói là Kinh Hoa Nghiêm có 80 cuốn có 39 phẩm. Bèn sai sứ thần qua nước Vu Điền于 闐 (tên tiếng Phạn Ku-Stana.  Nước này nay là một phần của tỉnh Tân Cương) thỉnh kinh và mời ngài Thực Nghĩa Nan Đà 實叉難陀, tên tiếng Phạn là Sikshananda (652-710 ) về giảng dạy và dịch ra Hán văn. Ngài và 200 người phụ tá mất ba năm mới dich xong. Cuốn này gọi là Bát Thập Hoa Nghiêm.

Đến đời Đường Đức Tôn, Trinh Nguyên năm thứ 12 (796 , thầy Bát Nhã Tam Tạng 般若三藏  từ Ấn Độ đến và mang lại bộ kinh Hoa Nghiêm có 40 cuốn, ngài mất 14 năm mới dịch ra Hán văn. Bộ này gọi là Tứ Thập Hoa Nghiêm. Tứ Thập Hoa Nghiêm thật ra là phẩm chót (Nhập Pháp Giới), của hai cuốn Lục Thập và cuốn Bát Thập Hoa Nghiêm, dài và đầy đủ hơn. Phẩm  Nhập Pháp Giới của Lục Thập Hoa Nghiêm gồm 17 cuốn, phẩm  Nhập Pháp Giới của Bát Thập Hoa Nghiêm gồm 21 cuốn, phẩm  Nhập Pháp Giới của Tứ Thập Hoa Nghiêm gồm 40 cuốn. Quyển thứ 40 là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm thì hai cuốn Lục Thập và Bát Thập Hoa Nghiêm không có.

34/. Thời Lộc Uyển 鹿苑時: Tên tiếng Phạn là Mrigadava, có nghĩa là vườn nai. Tiềng Pali thì lại gọi là Isipatana có nghĩa là đất thánh nhân hay tiên nhân. Nay tiếng Ấn Độ gọi là Sarnath, chữ Sarnath là do chữ Phạn Saravganatha có nghĩa là lộc vương. Vì vậy Hán văn có nhiều tên dịch: Lộc Dã Uyển, Lộc Dã Viên, Lộc Dã, Tiên Uyển, Tiên nhân Viên. Huyền thoại của vùng này rất nhiều. Theo Xuất Điệu Kinh 出曜經quyển 14 thì đất này là nơi có những tiên nhân, thánh nhân có phép ngũ thần thông lui tới. Một huyền thoại khác là ngày xưa có một vị vua của nước Ba La Nại 波罗奈国 Varanasi đi săn ở vùng này và bắt được cả ngàn con nai thuộc hai bầy nai. Một bầy nai có thiện nai vương, một bầy có ác nai vương. Hai nai vương bèn xin vua rằng: Xin vua tha cho các nai về rừng, mỗi ngày hai bầy nai sẽ thay phiên nhau đem nộp cho nhà vua một con nai để ăn thị như vậy nhà vua có thịt nai tươi ăn hoài. Vua đồng ý. Hai bầy nai bèn luân phiên nhau cúng dâng nai cho nhà vua. Một hôm đến phiên một con nai có thai của bên thiện nai vương phải nộp cho nhà vua ăn thịt. Con nai này xin ác nai vương nộp trước, đợi nó sinh con xong sẽ nộp bù lại. Ác nai vương không chịu. Sau cùng thiện nai vương tình nguyện mình đi nộp thế cho nai mẹ. Vua thấy thiện nai vương đến nộp minh, ngạc nhiên và hỏi hết nai rồi sao mà nai vương phải nộp minh? Nai vương thưa thật câu chuyên. Vua vô cùng cảm đông và từ đó bỏ không bắt các nai nộp mình nữa. Nến khu rừng này gọi là vườn nai.

Đức Phật sau khi đắc đạo đã đến đây chuyển pháp luân và độ cho năm tỳ kheo.

Dùng chữ “thời Lộc Uyển” để nói là giai đoạn Đức Phật giảng dạy cho Thanh văn thừa thì thật chưa đúng cho lắm, vì Ngài giảng kinh A Hàm trong 12 năm. Vì vậy nhiều học giả dùng danh từ đúng hơn phải là thời A Hàm.

35/. Kinh A Hàm: Chữ A Hàm là phiên âm từ chữ Phạn agama có nghĩa là đi và đến, vì vậy chữ A ham thời xưa dịch nghĩa là khứ (đi) và quy (đến). Ở đây có nghĩa là cuốn kinh được truyền lại từ đời này qua đời khác. Kinh A Hàm không phải là bản dịch tiếng Phạn của Tam Tạng kinh bằng tiếng Pali, tuy nội dung của hại bộ kinh thì rất gần nhau nhưng sự sắp xếp của hai bộ kinh khác nhau.Tam Tạng kinh Pali chia làm ba phần: kinh tạng, luật tạng và luận tạng. Bộ A Hàm được chia làm bốn phần: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng nhất A Hàm và Tạp A Hàm. Gọi chung là Tứ A Hàm.

– Kinh Trường A Hàm: Gồm 22 cuốn, được dịch từ chữ Phạn ra Hán văn vào đời  Hậu Tấn năm Hoành Thụy 後秦弘始  thứ 15 (413 ), dịch tai Trường An, do sư  Phật Đà Da Xá 佛陀耶舍 (Buddhayas), người nước Kophen đọc, sư  Trúc Phật Niệm 竺佛念 (người Lương Châu) dịch ra Hán văn, Đạo Sĩ Đạo Hàm 道含 bút ký.

– Kinh Trung A Hàm: Gồm 60 cuốn, được dịch từ chữ Phạn ra Hán văn vào đời Phù Tần Kiến Nguyên 苻秦建元 năm thứ 20 (384) do sư Đàm Ma Nan Đề 曇摩難提 (Dharmanandi) dịch. Đến đời Đông Tấn Long An năm thứ 2 (398) sư Gotama Samghadeva 瞿曇僧伽提婆 Cù Đàm Tăng Gia Đề Bà dịch lại.

-Tạp A Hàm Kinh:  Gồm 50 quyển, được sư Cầu Na Bạt Đà La 求那跋陀罗Gunabhadra (394-468 ) người trung Thiên Trúc đọc giảng dịch ra Hán văn vào đời Nam Triều Lưu Tống năm Nguyên Gia thứ 20 (443 ), sư Bảo Vân dịch ra Hán văn, sư Tuệ Quán ghi chép. Còn một cuốn khác tên là Biệt Dịch Tạp A Hàm Kinh gồm 20 quyển, dịch giả thất truyền, cuốn này có lẽ dịch trước cuốn Tạp A Hàm gồm 50 quyển.

– Kinh Tăng Nhất A Hàm: Gồm 50 quyển, được dịch ra Hán văn vào đời Phù Tần năm Kiến Nguyên thứ 20 ( năm 384 ), do sư  Đàm Ma Nan Đề 曇摩難提 (Dharmanandi) đọc giảng, sưTrúc Phật Niệm dịch ra Hán văn, sư Đàm Cảo 曇嵩 ghi chép. Cuốn này được sư Đàm Ma Nan Đề dịch lại vào đời Đông Tấn năm Long An thứ hai ( năm 398 ).

36/. Thời Phương Đẳng: Đó là thời kỳ Đức Phật giảng dạy bộ Kinh Phương Đẳng còn gọi là Phương Quảng (Vaipulya Sutra). Bộ kinh này là một trong năm bộ kinh chính của Đại Thừa gọi là Ngũ Đại Bộ: Bộ Hoa Nghiêm, bộ Bát Nhã, bộ Pháp Hoa, bộ Niết Bàn, bộ Phương Đẳng. Vậy Bộ kinh Phương Đẳng gồm tất cả những kinh Đại Thừa trừ bốn bộ kinh kể trên. Bộ kinh Phương Đẳng lại chia làm 12 đại bộ, nên còn gọi là Thập Nhị Bộ Kinh十二部经.  Đức Phật đã giảng bộ kinh Phương Đẳng trong 8 năm. Những kinh như: Kinh Duy Ma, kinh Tư Ích, kinh Lăng Già, kinh Lăng Nghiêm Tam Muội, kinh Kim Quang Minh, kinh Thăng Mạn…đều là những kinh của bộ này. Chữ vaipulya trong tiếng Phạn có nghĩa phương đẳng, phương quảng. Theo  kinh Thắng Mạn Bảo Quật 胜鬘宝窟 thì: Lý chánh vi phương, ngôn phú vi quảng 理正为方,言富为广 nghĩa là những lý thuyết giảng trong những kinh này là chánh thống không sai lạc, chư quảng có nghĩa là quảng đại, phong phú, những kinh này nói đến 84.000 pháp môn. Chữ đẳng có nghĩa là bình đẳng. Kinh Kim Cương nói rằng:  Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ 是法平等, 無有高下. Có nghĩa là Phật tính có ở mọi người, Phật pháp áp dụng cho mọi người  không ai hơn ai. 

37/. Thời Bát Nhã: Đây là thời thứ tư. Đức Phật giảng dạy về kinh Bát Nhã般若經. Theo quan niệm của Đại Thừa thì Đức Phật đã dùng 22 năm giảng dạy về các kinh Bát Nhã. Chữ bát nhã là chữ phiên âm của chữ Phạn prajna, có nghĩa là trí tuệ. Nhưng trong các kinh sách Phật giao không dùng chữ trí tuệ mà vẫn dùng chữ bát nhã là để phân biệt cái trí tuệ của đạo Phật khác với cái trí thường của con người. Trí của người đời có xấu có tốt, còn trí tuệ của Phật giáo là chỉ có tốt mà thôi. Còn dịch nghĩa của chữ bát nhã thì phải dịch là chánh trí tuệ hay chánh trí, vi diệu trí tuệ hay diệu tuệ. Chữ bát nhã thường đi chung với chữ  ba la mật đa 波羅密多, chữ phiên âm của chữ Phạn paramita, chữ này gồm hai chữ ghép lại, para có nghĩa ở  bên kia và mita có nghĩa đã đến. Vì vậy dịch nghĩa là đã đến bờ bên kia. Bát Nhã ba la mật đa có nghĩa là Diệu tuệ giúp chúng ta đi đên bờ giác.

Vào đời nhà Đường, pháp sư Huyền Trang (602-664) đã dịch hết cuốn Đại  Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh ra Hán văn, đây là bộ kinh dài nhất, gồm 600 cuốn. Trước thời nhà Đường thì một số cuốn trong bộ kinh này đã được các sư dịch ra Hán văn, gồm có tám bộ: Đại Phẩm Bát Nhã, Tiểu Phẩm Bát Nhã, Phóng Quang 放光 Bát Nhã, Quáng Tán 光讚 Bát Nhã, Đạo Hạnh Bát Nhã 道行, Kim Cương 金剛 Bát Nhã, Thắng Thiên Vương 勝天王Bát Nhã, Văn Thù Vấn文殊問 Bát Nhã. Trọng tâm của thời Bát Nhã là giảng về tánh Không.

38/. Thời Pháp Hoa Niết Bàn: Đây là thời thứ năm. Đức Phật dùng 7 năm có sách nói là 8 năm để giảng về kinh Pháp Hoa và Ngài dùng một ngày và một đêm trước khi Ngài nhập Niết Bàn giảng về kinh Niết Bàn. Kinh Pháp Hoa được ví như một đội quân vô địch đến chiến thắng tất cả các mặt trận, kinh Niết Bàn ví như một đạo quân đến thu dọn chiến trường.

Kinh Pháp Hoa, tên tiếng Phạn là Sad-dharma Pundarika Sutra, Sad-dharma có nghĩa là diệu pháp, Pundarika có nghĩa bông sen trắng. Sở dĩ dùng bông hoa sen trắng để đặt tên kinh này có nhiều nghĩa. Một nghìa là trong chúng sinh đều có một Phật tính trong trắng, thanh tịnh, hoàn mỹ và tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật. Một ý nghĩa khác theo Thiên Thai Tông là nói về quyền, thực, bản, tích của tứ giáo. Quyền có nghĩa là tạm thời. Thực là vĩnh viễn. Bốn thời kỳ trước chỉ là quyền giáo, là những giai đoạn phương tiện để đưa đến cái thực giáo là thời Pháp Hoa, bốn thời kỳ trước chỉ là dấu tích, là con đường để dẫn đến cái bổn là cái gốc mà Đức Phật muốn giảng dạy đó là Kinh Pháp Hoa. Thí dụ của hoa sen:

a) Hoa sen xuất hiện: Đó là thời kỳ các quyền giáo, đó là thời kỳ đặt ra những dấu tích, những con đường để đi đền mục đích, đó chính  là  tòng bản thùy tích從本垂迹.

b) Sen nở thấy nhụy sen đó là giai đoạn dùng cái giáo phái tạm thời để cho thấy cái giáo phái vĩnh cửu khai tích hiển bản 開迹顯本 và  khai quyền hiển thực 開權顯實. 

c) Hoa tàn sen thành: Đây là giai đoạn bỏ cái giáo phái tạm thời đi để chỉ nói đến cái mục đích vĩnh cửu, phế tích lập bản 廢迹立本, phế quyền lập thực廢權立實. 

Kinh Pháp Hoa là chữ viết tắt của chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Có ba bản dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Bản đầu tiên được dịch ra Hán văn vào thời Tây Tấn (265-316), do sư Trúc Pháp Hộ 竺法護 Dharmaraksa (239-316), người nước Đông Nguyệt Chi dịch. Bản này gồm 10 cuốn. Bản thứ hai được dịch vào thời Diệu Tần do sư Cưu Ma La Thập 鳩摩羅什 Kumarajiva (344-413) người  nước Quy Tư 亀茲国 dịch. Bản này gồm bẩy cuốn 28 phẩm. Cuốn kinh Pháp Hoa ngày nay dùng là cuốn này. Bản thứ ba được dịch vào đời nhà Tùy do hai sư Đạt Ma Cấp Đa 達摩笈多 DharmaGupta (?-619) người Nam Ấn Độ và sư  Đồ Na Quật Đa 闍那崛多 Jnanagupta (523-600) người Bắc Ấn Độ hợp dịch. Cuốn này gọi là Thiêm Phẩm 添品 Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Sở dĩ gọi là thiêm phẩm là vì có một vài phẩm có bổ túc thêm.

Thời Niết Bàn: Chữ Niết Bàn là chữ phiên âm của chữ Phạn Nirvana, chữ Pali là Nibbana, phiên âm ra Hán văn là Niết Bàn Na涅槃那,  Bát Niết Bàn般涅槃, Nê Hoàn泥洹, dịch nghĩa là diệt độ, tịch diệt, vô vi, giải thoát, tự tại, an lạc, bất sinh bất diệt. Chư Phạn còn dùng chữ Parinirvana, phiên âm là Ba lợi Mật Phước Nam 波利暱縛男 dịch nghĩa là viên tịch. Thật ra khi Đức Phật đắc đạo ở dưới cây bồ đề Ngài đã vào Niết Bàn rồi, khi Ngài hóa duyên ở thế gian này đã hết, Ngai thọ chung, vì để kính trọng Ngài nên dùng chữ nhập Niết Bàn.

Cuốn Đại Bát Niết Bàn kinh 大般涅槃經, tên tiếng Phạm là Maha parini rvana sutra do sư Đàm Vô Sấm 曇無讖 Dharma Raksa (385-433) dịch vào  đời Bắc Lương, Huyền Thủy năm thứ 10 ( năm 421), sư đến Đôn Hoàng (nay là tỉnh Cam Túc), được Hà Tây  Vương  Tự Cừ Mông Tốn (366-433) 沮渠蒙逊  tôn làm quốc sư và yêu cầu dịch kinh Niết Bàn. Lúc đó chỉ có 20 cuốn, dịch xong 20 cuốn bèn về Ấn Độ sưu tập được thêm 20 cuốn nữa đem về Bắc Lương dịch được tổng cộng là 40 cuốn, nhưng vẫn còn thiếu phần chót là phần thập vương chia xá lợi. Sư lại xin phép Hà Tây Vương về Ấn Độ sưu tập thêm. Kỳ này Hà Tây Vương không cho thầy đi vì sợ Bắc Ngụy Vương thỉnh sư qua nước Bắc Ngụy làm quốc sư. Nhưng sư nhất định xin đi, vương gia đành cho sư đi và cho người theo giết, sư mất năm 49 tuổi.

40 cuốn kinh này chia làm 13 phẩm nên các phẩm quá dài và không rõ. Cuốn kinh này khi truyền đến Nam Triều Lưu Tống (420-479) các sư Tuệ Quán, Tuệ Nghiêm và cu sĩ Tạ linh Vận tu sửa và phân phẩm lại thành 36 cuốn và 25 phẩm. Cuốn của sư Đàm Vô Sâm gọi là Bắc Bổn Niết Bàn kinh, còn cuốn tu sửa lại gọi là Nam Bổn Niết Bàn Kinh.

Thời Đông Hán sư Chi Lâu Gia Sâm 支娄迦谶, Lokaksema, làm dịch kinh sư từ năm 167 đến 186. Sư có dịch hai cuốn  Phạn Bát Nê Hoàn Kinh梵般泥洹经hai cuốn, thời Tam Quốc (227- 280) sư Pháp Hiền 法贤 dịch Đại Bát Niết Bàn kinh hai cuốn, đời nhà Ngô cư sĩ  Chi Khiêm支谦 làm việc cho vua Ngô từ năm 223 -253, dịch Đại Bát Nê Hoàn Kinh hai cuốn. Sáu bản dịch kể trên nay thất truyền. Đời Đông Tấn sư Pháp Hiển 法显 (334-422) và sư Phật Đà Bát Đà La 佛陀跋陀罗 Buddhabhadra (359-429 ) dịch Đại Bát Nê Hoàn kinh 6 cuốn.

Thời Niết Bàn là thời mà Đức Phật tuyên lại cả bốn thời trước, để hy vọng những người có căn cơ ở trình độ nào cũng được cứu độ. Một trọng điểm khác mà Ngài muốn nói là sau khi Ngài nhập diệt các môn đệ hãy lấy giới làm thầy.

39/. Ngũ Vị 五味: Tiếng Phạn gọi là panca rasah, đó là 1) mùi sữa 乳味 ksira Anh văn dịch là milk, 2)  Lạc vị 酪味, dadhi , Anh văn dịch là coagulated milk. 3)  Sinh tô vị 生酥味 navanita,  Anh văn dịch là curdled milk. 4) Thục tô vị 熟酥味 ghrta, Anh văn dịch là butter.  5)  Đề hồ vị 醍醐味 sarpirmanda,  Anh văn dịch là clarified  butter. Đây là 5 giai đoạn biến chế của sữa. Kinh Niết Bàn quyển 40 dùng những giai đoạn biến chế của sữa để thí dụ sự giảng dạy của Đức Phật dựa vào căn cơ của chúng sinh:  thời Hoa Nghiêm ví như mùi sữa, thời A hàm ví như mùi lạc, thời Phương Đẳng ví như mùi sinh tô, thời Bát Nhã ví như mùi thục tô, thời Pháp Hoa Niết Bàn ví như mùi đề hồ. Nghĩa là phài từng bước một tùy theo sự trưởng thành của căn cơ của chúng sinh mà đưa ra phép dạy dỗ cứu độ.

40/.  Đốn giáo 頓教: Chữ đốn có nghĩa là đột nhiên. Đốn giáo là sự giảng dạy giúp hành giả thành đạo một cách đột nhiên. Đốn giáo chỉ dành cho những người đã có căn cơ rất cao, họ chỉ cần một lời giảng, một câu kinh là họ giác ngộ, không cần tu tập qua những giai đoạn tu hành theo thứ lớp. Trong Tứ Giáo thì đó là thời Hoa Nghiêm, những người đắc đạo trong giai đoạn này ở trên các cõi trời. Thiền tông cũng là một hình thức Đốn giáo. Anh văn dịch là sudden teaching hoặc sudden enlightenment. (tự điển Digital Dictionary of Buddism )

41/. Tiệm giáo 漸教: Chữ tiệm có nghĩa từ từ là lối giảng dạy giúp hành giả đi từ từ đến giác ngộ. Anh văn dịch là gradual teaching. Tiệm Giáo được chia làm ba nhóm nhỏ:

a) Sơ tiệm giáo đó là thời A Hàm hay còn gọi là thời Lộc Uyển

b) Trung Tiệm giáo đó là thời Phương Đẳng

c) Hậu tiệm giáo còn gọi là mạt tiệm giáo 末漸教đó là thời Bát nhã.

42/. Bí Mật giáo 祕密教: Còn gọi là mật tu 密修. Đó là giáo phái tu hành hoàn toàn bí mật, người này tu tập điều gì, đắc quả vị gì, người khác không biết được.

43) Bất định giáo 不定教: Đó là sự giảng dạy trong một khóa học, người này ngộ được cấp bậc này người kia ngộ được cấp bậc kia, không hoàn toàn đồng nhất. Hay khi thầy giảng về đại thừa nhưng người theo học lại chứng được Tiểu thừa hay ngược lại. Vì kết quả không nhất định nên gọi là bất định giáo. Anh văn dịch là indeterminate teaching.

44/. Tạng giáo 藏教: Còn gọi là Tam Tạng Giáo. Đó là giáo phái mà giáo lý dựa trên Tam Tạng Kinh. Đó là giáo phái Tiểu Thừa, nay gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy.

45/. Thông giáo 通教: Chữ thông có nghĩa là thông đồng với, ăn thông với. Thông giáo là cái cửa của Đại Thừa nó ăn thông với Tiểu Thừa, Biệt giáo và Viên giáo. Kinh điển, tu tập, giáo lý và quả vị thì sẽ được trình bầy trong phần Thông giáo trong bài Tứ Giáo Nghi. Anh văn dịch là shared teaching.

46/. Biệt giáo 別教: Chữ biệt này là chữ viết tắt của chữ khác biệt hay riêng biệt. Giáo phái này khác biệt với nhị thừa là Tạng giáo và Thông giáo vì nó là giáo phái ở ngoài tam giới. Viên giáo và Biệt giáo đều là giáo phái ở ngoài tam giới. Viên giáo là cho chư Phật, Biệt giáo là cho chư bồ tát.

47/. Viên giáo 圓教: Chữ viên là chữ tắt của chữ  viên mãn 圆满, hay còn gọi là cứu cánh viên mãn 究竟圆满, có nghĩa là pháp tối thượng, tối hậu, hoàn bị nhất, thượng thừa của đạo Phật. Đó là thuyết nhất thừa hay Phật thừa được Đức Phật giảng trong các  Kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa … Danh từ Viên giáo được đưa ra lần đầu tiên do sư Quang Thống 光統, hiệu là Huệ Quang (468-537)  đời Hậu Ngụy. Sư đưa ra thuyết tam giáo, trong đó Viên giáo là giáo thứ ba. Sau Thiên Thai Trí Giả đưa ra thuyết tứ giáo, trong đó Viên giáo là giáo thứ tư. Anh văn dịch là perfect teaching.

48/. Hóa nghi tứ giáo 化儀四教:  Nghi đây là chữ viết tắt của chữ nghi thức, phương thức. Hóa nghi tứ giáo là Đốn giáo, Tiệm giáo, Bí mật giáo và Bất định giáo. Đó là bốn nhóm mà Đức Phật giảng dạy khác nhau tùy theo căn cơ của hành giả. Sự phân chia này là phương tiện giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về các kinh điển Đại Thừa và Tiểu Thừa. Đức Phật không hề nói là bài giảng này là Đốn giáo, bài kia là Tiệm giáo. Trong khi Ngài giảng Đốn giáo cũng có lẫn Tiệm giáo, hoặc khi Ngài giảng Tiệm giáo cũng có lẫn Đốn giáo trong đó

49/. Hóa Pháp Tứ giáo 化法四教:   Chữ pháp đây có nghĩa là giáo pháp, giáo lý.  Hóa Pháp Tứ giáo là: Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo.

50/. 41 vị pháp thân đại sĩ :  Ở đây không phải là 41 người pháp thân đại sĩ mà là những đại sĩ đã có đạo quả cấp vị thứ 41.

51/. Lô Xá-na thân 盧舍那身: Đó là thân của Đức Phật Lô Xá Na. Tên phiên âm và viết tắt của tên Ma ha Tỳ Lô Xá Na, chữ Phạn là Mahavairocana, tên dịch nghĩa của ngài là Đại Nhật Như Lai 大日如來. Theo Mật Tông thì Đại Nhật Như Lai là vị Phật tối cao của tất cả các Phật, Đức Phật Thích Ca là Ứng thân của Ngài, Ngài là pháp thân của Đức Phật Thích Ca. (tự điển Phật Quang, )

52/. Viên Mãn Kinh 圓滿: Tên khác của  Kinh Hoa Nghiêm.

53/. Quyền giáo 權教: Chữ quyền trong kinh điển của Đại Thừa có nghĩa là tạm thời, Anh văn dịch là temporal, expedient. Quyền giáo là những giáo pháp tạm thời  nhằm đưa đến một giáo pháp vĩnh viễn là thực giáo 實教. Trong bài này Tạng giáo, Thông giáo và Biệt giáo đều là quyền giáo. Viên giáo là thực giáo. (tự điện điện tử Phật Quang)

54/. Sơ phát tâm 初發心: tấm lòng khi mới phát nguyện tu tập tìm giải thoát.

55/. Kiêm giáo 兼教: chữ Kiêm có nghĩa là thêm, như trong chữ kiêm nhiệm, kiêm chức. Trong bài này có nghĩa là phần chính nói đến Đốn giáo nhưng cũng nói thêm đến Viên giáo và Biệt giáo.

56/. Cùng tử 窮子: Kinh Pháp Hoa, phẩm thứ Tín Giải, thứ 4.

57/. Tam thừa 三乘: Thừa là xe, đó là ba cỗ xe để đi đến Niết Bàn, tiếng Phạn là triyana. Tam thừa là: Thanh Văn Thừa tiếng Phạn là sravakayana, Độc giác thừa tiếng Phạn là pratyekabuddhayana và Bồ tát thừa tiếng Phạn là bodhisattvayana.

58/. Một trượng sáu 丈六:  Kinh sách của Đại Thừa thường tả Đức Phật là trượng lục kim thân 丈六金身. Nếu theo đúng kích thước của Trung Quốc ngày nay thì một trượng sáu tương đương với 5.33m ngày nay, như vậy Đức Phật là một người khổng lồ. Điều này không đúng. Vì vậy chúng ta phải xem xuất xứ của lời tả trượng lục kim thân từ đâu ra. Lời tả này xuất phát từ “sách Hậu Hán thư, Tây Vực truyên, Thiên Trúc 后汉书, 西域传, 天竺” của Phạm Hoa 范晔 (năm 398-445) . Sách viết rằng vua Hán Minh Đế  nằm mơ thấy một vị thần rất cao lớn sắc vàng sáng chói. Vua hỏi quần thần. Có thần thưa rằng: Tây phương có vị thần tên là Phật , cao lớn một trượng sáu mặt như vàng. Từ đó các kinh sách Hán văn tả Đức Phật trượng sáu kim nhân, điều này là chuyện trong giấc mơ không phải sự thật.

59/. Liệt ứng thân劣應身: Theo Đạo Phật Đại Thừa thì chư Phật có ba thân:  Pháp thân, ứng thân và báo thân.

a) Pháp thân 法身, còn gọi là tự tánh than 自性身, tiếng Phạn là dharmakaya: Theo Đạo Phật Nguyên Thủy thì gồm tất cả những gì Đức Phật dạy. Theo Phật Giáo Đại Thừa thì gồm tất cả những gì Đức Phật dạy, và Phật tính, tính Không, Niết Bàn.

b) Ứng thân 應身, hay biến hóa thân 變化身, hay hóa thân 化身, tiếng Phạn là  nirmanakaya,  là thân thể bằng xương bằng thịt của Đức Phật. Ngài đã nhập Niết Bàn, nay chỉ còn một số xá lợi của ứng thân của ngài còn lại mà thôi.

c) Báo thân 報身 hay thọ dụng thân受用身, hay thọ thân, tiếng Phạn là sambhogakaya. Đó là cái sắc thân đầy công đức của Đức Phật, nay ngự tai cõi Sắc Cứu Cánh thiên của sắc giới, tiếp tục soi sáng thập địa và các cõi tịnh thổ, thuyết pháp cho chư bồ tát. Người ở dục giới không thấy được.

Liệt (劣) ứng thân: Chữ liệt có nghĩa là xấu, tồi tàn. Ở đây ý nói là Đức Phật bỏ cái thân cao quý của Đại Nhật Như Lai để lấy thân người, sống kiếp người để cứu độ chúng sinh ra khỏi bể khổ. Thân thể của Ngài cũng như thân thể của mọi chúng sinh chịu sinh, lão, bệnh, tử vì vậy gọi là liệt ứng thân.

60/. Năm vị tỳ khiêu (五比丘):  Đó là năm vị tỳ khiêu được đức Phật độ khi Ngài chuyển pháp luân lần đầu tiên ở vườn Nai. Đây là những vị đệ tử đầu tiên của đức Phật. Năm vị Tỳ khiêu đó là: Kiều Trần Như 憍陳如, tiếng Phạn là Kaundinya, A Thuyết Thị Asvajit 阿說示, Bạt Đề Bhadrika 跋提, Thập Lực Ca Diệp 十力迦葉 Dasabala-Kasyapa và Ma Nam Cấu Lợi 摩男拘利 Mahanama-Kulika.(Tự Điển  Buddist Glosaries)

61/. Từ thập nhị bộ kinh thành chín bộ kinh:  Thập nhị bộ kinh đó là 12 loại kinh sách của Phật giáo Đại Thừa:

1) Kinh

2) Ứng – tụng

3) Kệ hay phúng tụng 

4) Nhân – duyên

5) Bản sự

6) Bản sinh

7) Vị tằng hữu

8) Thí dụ 

9)  Luận nghị 

10) Tự thuyết

11) Phương quảng

12) Thọ ký

Trong Phật giáo Tiểu Thừa chỉ có 9 loại mà thôi, không có Tự thuyết, Phương quảng và Thọ ký. (Phật Quang đại tự điển)

62/. Bán tự giáo 半字教: Mãn tự giáo và Bán tự giáo gọi chung là Bán Mãn nhị giáo. Cách chia Bán Mãn nhị giáo đại khái cũng giống như sự phân loại Tiểu thừa và Đại thừa. Trong tiếng Phạm, nguyên âm (ma đa) và phụ âm (thể văn) còn rời nhau thì chưa hoàn toàn thành chữ, gọi là bán tự. Khi cả hai hợp lại để hoàn thành một chữ thì gọi là mãn tự. Từ đó dẫn đến quan điểm cho nghĩa lí Tiểu thừa giáo chưa rộng khắp, giống như chữ chưa đầy đủ, nên gọi là Bán tự giáo; còn nghĩa lí Đại thừa giáo tròn đầy, giống như chữ đã hoàn thành, cho nên gọi là Mãn tự giáo. Cách chia Phật giáo làm hai giáo Bán, Mãn này đã bắt đầu từ kinh Đại Bát Niết Bàn do ngài Đàm Vô Sám dịch vào thời Bắc Lương. (Tự Điển Phật Quang)

63/. Mãn tự giáo 滿字教: Có nghĩa là Phật giáo Đại Thừa.

64/. Đối giáo 對教: Theo nghĩa trong bài, nếu giảng Thông giáo, Biệt giáo và Đại thừa cho Thanh văn thừa là đối bán thuyết mãn對半說滿, đó gọi là đối giáo.

65/. Thực thời 食時:  Theo Bì La Tam Muội kinh 毘羅三昧經: Thì có 4 loại thực thời. Buổi sáng đó là giờ chư thiên và con người ăn, khoảng giữa trưa là lúc chư Phật thọ thực, lúc mặt trời sắp lặn đó là các thú vật gia súc ăn uống, đến lúc trời tối, lúc giờ tuất giờ hợi đó là lúc các ma quỷ ăn uống.

66/. Thời ngu trung 禺中時:  Đó là thời gian gần trưa lúc  giờ tỵ, 9 giờ đến 11 giờ sáng.

67/. Không Sanh 空生:  Ngài Tu Bồ Đề 須菩提, Subhuti  giỏi nhất về thuyết  Không của đạo Phật nên được gọi là Không Sanh. (Tự Điển Buddist Glosaries)

68/. Thân Tử 身子: Ngài  Xá Lợi Phất 舍利弗, tên tiếng Phạn là  Sariputra.  Mẹ ông  Khi mới sanh ông ra, con mắt ông giống như mắt con chim Xá Lợi (sari), nên ông được đặt tên là Sari, putra có nghĩa là con trai. Vì vậy phiên âm là Xá Lợi Phất. Dịch nghĩa là Thu Lộ Tử 鶖鷺子. Một tên dịch cũ của ông là Thân Tử. Thầy còn một tên khác là Ưu Ba Để Sa (s: Upatiṣya, p: Upatisya, 優波底沙), ý dịch là Đại Quang.

69/. Tam luân三輪:  Thân, khẩu, ý của Phật được ví như ba cái bánh xe, có thể đè bẹp và chiến thắng tất cả phiền não hoặc nghiệp của chúng sinh. Tam luân là:

a) Thân luân 身輪   còn gọi là thần thông luân 神通輪 hay thần biến luân 神變輪. Thân nghiệp của đức Phật có thể làm các loại thần biến để cho chúng sinh khởi chánh tín.

b) Khẩu luân 口輪còn gọi là giáo giới luân 教誡輪hay chánh giáo luân. Đức Phật giảng dạy những chánh pháp để dẫn dắt chúng sinh vào con đường chánh đao.

c) Ý luân còn gọi là ký tâm luân 記心輪. Đó là cái khả năng của đức Phật biết được long người khác, căn cơ của người khác và giảng dạy Pháp đúng trình độ cho người nghe. (Tam Tạng Pháp số, Phật Học đại từ điển Đinh Phúc Bảo).

70/. Tùy loại 類:  Khi đức Phật thuyết pháp ngài giảng dạy cho cả tam giới và ngoài tam giới, nên có vô số các loại thính giả khác nhau.

71/. Nhị Thừa: Thanh Văn thừa và Duyên Giác Thừa

72/. Phương tiện 方便: Tiếng Phạn là upaya hay upaya-kausalya, Anh văn dịch là skillful mean. Chữ phương là chữ viết tắt của chữ phương pháp, chữ tiện là chữ viết tắt của chữ tiện nghi. Phương tiện có nghĩa là những phương pháp và những tiện nghi giúp chúng ta dễ dàng đi đến mục đích mình mong muốn. Trong bài này và trong câu này có nghĩa là đến thời Pháp Hoa thì có thể bỏ nhị thừa hay tam thừa đi, vì những thừa nay chỉ là những phương tiện để đi đến nhất thừa. (theo Tam Tạng Pháp số, bài giảng của hòa thượng Hội Tánh)

73/. Nhân nhất人一 : Là một trong  bốn điều gọi là  tứ nhất 四一, tiếng Phạn là ekah pudgalah, Anh văn dịch là four categories of oneness. Tứ nhất là: 

a) Giáo nhất: Đó là tất cả những giáo phái, những giảng dạy của đức Phật nhằm đưa đến nhất thừa, đó là nhất Phật thừa.

b) Hạnh nhất: Tất cả những tu tập nhằm đạt đến một hạnh đó là Bồ tát đại hạnh.

c) Nhân nhất: Tất cả những người tu tập của tam thừa sau cùng sẽ quy về một bồ tát thừa mà thôi.

d) Lý nhất: Tất cả những điều giảng dạy đều gom trong một  lý đó là trung đạo thực tướng. (Tam Tạng Pháp số, Digital Dictionary of Buddhism)

74/. Quấn thập giáo 捃拾教: Quấn hay quấn đao 捃刀 đó là một loại dao dùng để gặt lúa. Thập 拾 là nhặt nhạnh. Quấn thập là sau khi đã gặt lúa, dùng dao đi mót nhặt những lúa còn sót lại. Quấn thập giáo là sự giảng dạy để cứu độ những người vì căn cơ yếu kém đã bị bỏ sót trong những thời trước. Thời Niết Bàn là thời mà đức Phật cố giảng dạy để độ những người bị bỏ sót trong những thời trước, vì vậy gọi là quấn thập giáo. Anh văn dịch là the teaching that cleans up after the harvest. (Phật Quang Điện Tử Đại Tự Điển, Digital Dictionary of Buddhism, Từ Hải)

75/. Đoạn diệt kiến (斷滅見): Còn gọi là đoạn kiến hay đoạn luận. Tiếng Phạn là uccheda-drsti, uccheda-vada, Anh văn dịch là nihilism. Đó là một quan niệm triết học của Ấn Độ cho là con người chết là hết. Không còn một cái gì sau cái chết. Đây là một trong 62 loại tà kiến ngoại đạo trong những kinh sách của Phật giáo. (Digital Dictionary of Buddhism

76/. Phù luật đàm thường giáo (扶律談常教): Phù là chữ viết tắt của chữ phù trợ. Phù luật có nghĩa là trợ giúp giới luật, nhấn mạnh về giới luật. Trong thời Niết Bàn Đức Phật đã nhấn mạnh đến vấn đề giới luật. Khi ngài A Nan hỏi Đức Phật: Khi Ngài còn tại thế chúng con bái Ngài làm thầy, nay Ngài nhập diệt chúng con bái ai làm thầy?  Đức Phật dạy: “Dĩ giới vi sư” (lấy giới luật làm thầy). Đàm thường giáo ở đây có nghĩa nói đến thường trụ, thường trụ là người nào cũng có Phật tinh, với Phật tính người nào có thể tu hành.

77/. Chân thường 眞常:  Chân thường chỉ cảnh Niết bàn chân không thường tịch (Tự Điển Phật Quang).

78/. Tam châu thuyết pháp (三周說法) : Cũng gọi Pháp Hoa tam chu. Đức Phật vì muốn cho hàng đệ tử Thanh văn ngộ nhập lí Nhất thừa thực tướng, nên Ngài dựa theo căn cơ thượng, trung, hạ mà nói pháp lập đi lập lại 3 vòng, gọi là Tam chu thuyết pháp.

a) Pháp thuyết chu (cũng gọi Sơ chu): Đức Phật vì hàng thượng căn, y cứ vào pháp thể mà trực tiếp nói thực tướng các pháp và lí Thập như, xóa bỏ phương tiện tam thừa, khiến họ liễu ngộ nhất thừa chân thực.

b) Thí thuyết chu (cũng gọi Trung chu): Đối với hàng trung căn chưa tỏ ngộ ở vòng đầu (sơ chu), đức Phật lại nói về ba xe rồi một xe lớn để hóa độ họ. Trước nói ba xe là dùng phương tiện, sau nói xe lớn để hiển chân thực giúp họ tỏ ngộ lí Nhất thừa.

c) Túc thế nhân duyên chu (cũng gọi Hạ chu, gọi tắt: Nhân duyên chu): Đức Phật vì hàng hạ căn không thể tỏ ngộ trong hai vòng thuyết pháp trước mà nói đời trước họ đã gieo nhân căn cơ nhất thừa dưới thời đức Phật Đại Thông Trí Thắng, khiến họ thấy rõ cơ duyên lâu xa đời trước mà được tỏ ngộ.

Tam chu trên đây được chia làm 4 giai đoạn là: Chính thuyết (Phật nói), Lãnh giải (nói lên sự hiểu tỏ của đệ tử), Thuật thành (Phật thừa nhận sự hiểu tỏ của các đệ tử) và Thụ kí (Phật nói trước về sự thành Phật của các đệ tử). Đức Phật theo đây để hóa độ đầy đủ 3 căn thượng, trung, hạ. [. Pháp hoa kinh nghĩa kí Q.3; Pháp Hoa Kinh Nghĩa Sớ Q.8 (Cát Tạng); Pháp Hoa Văn Cú Q.4, thượng; Pháp Hoa Kinh Huyền Tán Q.3]. Anh văn dịch là Three rounds in the explanation of the dharma. (Tự Điển Phật Quang, Digital Dictionary of Buddhism)

79/. Ca-chiên-diên tử 迦旃延子: Tên tiếng Phạn là Katyayana. Có mấy vị trong kinh Phật mang cùng một tên này. Ở đây muốn nói đến sư Katyayana of Kashmir. Sư là một luận sư của trường phái Hữu bộ Sarvastivada  vào thế kỷ thứ II TCN, là tác giả cuốn Phát Trí Luân 發智論. Sư chủ trương chỉ đọc kinh sách của Tiểu thừa, không đọc kinh sách của Đại Thừa.

80/. Sinh diệt tứ đế 生滅四諦: Đức Phật ở Lộc Uyển đã giảng cho năm tỳ kheo cái khổ của con người là phải sinh sinh diệt diệt mà mỗi người phải chịu, đó là khổ đế. Vì khổ nên đi tìm cái nguyên nhân của cái khổ đó là tập đế. Sau khi tìm ra nguyên nhân của cái khổ nên tìm cách diệt trừ nguyên nhân này đó là diệt đế và đi đến đạo đế. Khổ được sinh ra nhưng khổ cũng có thể được diệt trừ. Vì vậy gọi là sinh diệt tứ đế. (Phật Học Đại Từ điển).

Theo Thiên Thai Trí Giả, sinh diểt tứ đế là lối hiểu của những người còn mê mờ chân đế vì vẫn hiểu tứ đế qua sinh diệt, nhân quả của thế giới hiện tượng. Vọng nghiệp tạo khổ, tu tập đạo hạnh diệt khổ. Đây là lối hiểu của Tiểu thừa, Tạng giáo. (Trích Nền Tảng Phật Học Thiên Thai Tông, Paul Swanson, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch 2010)

Thiên Thai Trí Giả thuyết về Tứ Đế qua bốn giai đoạn: “Sinh diệt tứ đế đưa đến những thứ bậc chứng đắc thuộc Tạng giáo. Vô sinh diệt tứ đế đưa đến những thứ bậc chứng đắc thuộc Thông giáo. Sinh diệt bất khả tư nghị tứ đế đưa đến những thứ bậc chứng đắc thuộc Biệt giáo. Vô sinh diệt bất khả tư nghị tứ đế đưa đến những thứ bậc chứng đắc thuộc Viên giáo. (Trích Luận về Pháp Hoa Huyền Nghĩa. Nguyên tác “The Profound Meaning of The Lotus Sutra”, Giáo sư Haiyan Shen biên soạn. Việt dịch: Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm. Nxb Phương Đông, 2008).

81/. Nhị thập ngũ hữu二十五有: Chữ hữu ở đây có nghĩa là hữu sinh hữu tử, có luân hồi. Nhị thập ngũ hữu có nghĩa là trong tam giới có 25 cõi có vòng sinh tử, người ở trong những cõi này vẫn phải chịu trong vòng sanh tử. 25 cõi này là: 1) Địa ngục  hữu, 2) Súc sinh hữu, 3) Ngạ quỷ hữu, 4) A Tu La hữu,  5) Phất Bà đề hữu, 6) Cù Da Ni hữu, 7) Úc Đan Việt hữu, 8) Diêm Phù Đề hữu, 9) Tứ Thiền Xứ hữu, 10) Tam Thập Tam Thiên xứ hữu,   11) Viêm Ma Thiên hữu, 12) Đâu Suất Thiên Hữu, 13) Hóa Lạc Thiên hữu, 14) Tha Hóa Tự Tại Thiên hữu, 15) Sơ Thiền hữu, 16) Đại Phạm Thiên hữu, 17) Nhị Thiền hữu , 18) Tam Thiền hữu , 19) Tứ Thiền hữu, 20) Vô Tưong Hữu, 21) Tịnh Cư A Na Hàm hữu, 22) Không Xứ hữu, 23) Thức Xứ  hữu, 24) Bất Dụng Xứ hữu, 25) Phi tưởng phi phi  tưởng xứ hữu.                               

82/. Nhị báo (二報):   Hai dạng nghiệp báo: 1) Chính báo (正報) : Đó là loại nghiệp báo trực tiếp tác dụng lên thân thể hay con người như xấu đẹp, bệnh hoạn, tai họa… 2) Y báo (衣報) : Đó là loại quả báo không trực tiếp, quả báo này tạo ra những điều kiện, hoàn cảnh xung quanh, như quốc gia, gia đình, nơi làm, phương tiện của người chịu quả báo.

Theo sách Duy Thức Luận, nhị báo lại được chia làm 1) tổng báo (總報) là cái quả báo đưa người chịu đến các giới khác nhau trong lục đạo như: địa ngục đạo, nhân đạo…, 2) biệt báo (別報): Là cái báo tác dụng trực tiếp trên con người chịu quả báo như: giàu nghèo, xấu đẹp, thông minh, ngu đần… (Tự điển Đạo Uyển)

83/. Vô tưởng ngũ na hàm (無想五那含):  Đó là tứ thiền thiên 四禪天gồm 9 cõi. Những hưu tình ở tứ thiền thiên không còn ăn uống, không còn tị thức,  thiệt thức, nhãn thức, nhĩ thức, xúc thức chỉ còn ý thức. Ba cõi đầu là các cõi cho những người phàm cư ngụ. Cõi thứ tư là cõi cho những người ngoại đạo tu hành vô tưởng thiền định cư ngụ. Cõi thứ 5 đến cõi thứ 9 là các cõi của các thánh tu hành đắc A na hàm (阿那含) quả vị cư ngụ, năm cõi này cũng gọi là na hàm thiên.  A na hàm là chữ phiên âm của chữ Phạn anagamin, có nghĩa là không trở lại, đó là quả vị thứ ba gọi là bất lai quả. Chín cõi trời này là: 1) Phúc sinh thiên, 2) Phúc ái thiên, 3) Quảng quả thiên. 4) Vô tưởng thiên 5) Vô phiền thiên, 6) Vô nhiệt thiên, 7) Thiện kiến thiên, 8) Thiện hiện thiên, 9) Sắc cứu cánh thiên.

84/. Bàng sanh (傍生): Chữ bàng có nghĩa là bên cạnh. Bàng sanh là nhưng sinh vật sanh sống bên cạnh loài người, đó là các xúc vật. (Tự điển Phật Học Anh Hán Việt)

85/. Đồ lê sỉ (闍黎哆): Là chữ phiên âm của chữ Phạn preta, có nghĩa là ma đói. Tiếng Anh dịch là hungry ghost. (Digital Dictionary of Buddhism A.Charles Muller )

86/. A tu la (阿修羅):  Tiếng  Phạm là Asura, gọi tắt là Tu la. Là một trong lục đạo, một trong tám bộ chúng, một trong mười giới. Dịch nghĩa là Phi thiên (非天), Phi đồng loại (非同類), Bất đoan chính (無端正). Hai nghĩa cũ là Vô tửu (無酒), Bất ẩm tửu(不飲酒), những dịch nghĩa này rất ít dùng. Sở dĩ gọi là phi thiên là vì A tu la không có cái đức hạnh của thiên nhân nên không có thiên vị. Sở dĩ gọi A tu la là vô đoan chính là vì theo chuyện thần thoại Ấn Độ, phái nam của A tu la rất xấu nên gọi là không đoan chính, nghĩa là không đẹp. Phái nữ của A Tu La thì lại rất đẹp, nên được tuyển làm vợ của Đế Thích thiên vương. Sở dĩ gọi A tu la là Vô tửu hay bất ẩm tửu là theo huyền thoại của đạo Ấn Độ, A Tu La muốn biến cả vùng biển thành rượu để uống, nhưng làm không được nên bỏ không uống rượu nữa,  nên gọi là vô tửu hay bất ẩm tửu. A Tu La gọi là Phi Đồng Loại thì không rõ nguyên do tại sao.

A Tu La và Indra đều là những vị thần của đạo Ấn Độ. Cả hai đều được thu nhập vào đạo Phật làm thần hộ pháp. Indra trở thành một trong 12 vị thần tướng của đức Phật Dược Sư. Một số A Tu La trở thành bát bộ chúng.  A Tu La thường gây chiên tranh với Indra, Đế Thích thiên…

Vì A Tu La rất to lớn nên Anh văn đã dịch nghĩa là titan gods. Về hình tượng của A tu la cũng có nhiều thuyết, có thuyết bảo chín đầu nghìn mắt, miệng khạc ra lửa, chín trăm chín mươi chín tay, áu chân, thân hình to gấp bốn lần núi Tu di, có thuyết lại nói một nghìn đầu hai nghìn tay, một vạn đầu hai vạn tay, ba đầu sáu tay, cũng có thuyết bảo ba mặt mầu xanh thẫm, dáng phẫn nộ và khỏa hình, sáu cánh tay. [kinh Trường a hàm Q.10, Q.21; luận Đại trí độ Q.10, Q.11, Q.30; Phật địa kinh luận Q.6; Quan âm kinh nghĩa sớ kí Q.4; Pháp hoa kinh văn cú Q.2; Tuệ uyển âm nghĩa Q.thượng; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.2].

A Tu La được sanh ra bằng 4 cách: thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh. Thai sanh A Tu La sống như loài người. Noãn sanh A Tu La sống trong quỷ đạo, thấp sanh A Tu La sống trong xúc sinh đạo, hóa sanh A Tu La  sống ở thiên đạo và là những vua A Tu La.

Về nghiệp nhân của A tu la, các kinh phần nhiều nêu ra ba loại là tức giận, kiêu căng và nghi kị. Còn kinh Phật vị thủ ca trưởng giả thuyết nghiệp báo sai biệt, thì liệt kê mười loại sinh nhân của A tu la: 1. Thân làm chút ác nghiệp, 2. Miệng nói chút khẩu ác nghiệp, 3. Ý nghĩ  làm một chút ý ác nghiệp, 4. Khởi tâm kiêu mạn, 5. Khởi tâm ngã mạn, 6. Khởi tâm tăng thượng mạn, 7. Khởi tâm đại mạn, 8. Khởi tà tâm mạn, 9. Khởi tâm mạn mạn, 10. Quay về các thiện căn.

Cây đàn mà A tu la cầm, đặc biệt gọi là đàn A tu la. Khi A tu la muốn nghe một nhạc khúc nào thì cây đàn tự nhiên đánh ra. Như thế thì A tu la cũng có nhiều phúc đức. (Phật Quang đại từ điển, Bai Du Bách khoa tự điển)

87/. Phất Bà Đề châu (弗婆提): Nay  gọi là Đông Thắng Thần Châu  (东胜神洲). Tiếng Phạn là Purvavideha, Purva tiếng Phạn nghĩa là phía đông.  Nay gọi tắt là Videha.  Đây là một trong tứ châu, nằm ở phía đông của núi Tu Di (Phạm:  Sumeru), nằm trong Đại Hàm Thủy Hải (大鹹 水海). Người ở châu này thọ 250 tuổi.

88/. Diêm Phù Đề châu (閻浮提 ): Châu này nằm ở phía nam của núi Tu Di, trong biển Đại Hàm Thủy Hải, là cõi mà con người đang sinh sống. Tên tiếng Phạn là Jambudvipa. Jambu là tên của một loại cây, dvipa có nghĩa là châu. Người sống trên châu này có thể thọ đến 100 tuổi.

89/. Cồ Da Ni châu (瞿耶尼): Châu này ở phía tây của núi Tu Di, trong biển Đại Hàm Thủy Hải. Tên tiếng Phạn là Aparagodaniya. Apara là hướng tây. Người sống trên châu này có thể thọ đến 500 tuổi.

90/. Uất Đan Việt châu (欝單越): (Phạm:  Uttarakuru). Châu này ở phía bắc của núi Tu Di, trong biển Đại Hàm Thủy Hải. Người ở đó sống thọ 1000 năm, không bị chết yểu. Ở châu này không có thánh nhân xuất hiện nên không có Phật pháp, vì vậy châu này là một trong tám trường hợp rất khó để cứu độ, nó là một trong cái bát nạn. (Phật học từ điển)

91/. Bát nạn (八難):  Bát Nạn (Phạm: asta-aksana, Pali: attha akkhana, 八難): ý dịch là Bát Nạn Xứ (八難處), Bát Nạn Giải Pháp (八難解法), Bát Vô Hạ (八無暇), Bát Bất Nhàn (八不閑), Bát Phi Thời (八非時), Bát Ác (八惡); là 8 loại nạn xứ, tức là 8 loại cảnh giới mà một vị tu hành không thấy được Phật, không được nghe chánh pháp, không tu phạm hạnh để hướng đến đạo Bồ Đề. Đó là:  1) Địa Ngục,  2) Súc Sanh, 3) Ngạ Quỷ, 4) Uất Đan Việt châu  5) Biên địa (s; pratyanta-janapada, p: paccanta-janapada, 邊地),  6) Manh lung ám á  (Phạm: indriya-vaikalya, pali: indriya-vekalla, 盲聾瘖 啞, mù, điếc, câm, ngọng, các căn bênh này làm khó tiếp thu Phật pháp), 7) Thế trí biện thông (Phạm: mithya-darsana, Pali: miccha-dassana, 世智辯聰)  tức tà kiến, nhận thức , 8) Phật tiền Phật hậu ( Phạm: quanam anutpada, Pali: tathagatanam anuppada, 佛前佛後)  Sanh ra trước Phật hay sau Phật. (Phật Học Tinh Tuyển)

92/. Thiên đạo (天道): (Phạm: deva-gati). Thiên đạo có cả trong ba giới. Thiên đạo của dục giới, thiên đạo của sắc giới và thiên đạo của vô sắc giới.  Sắc giới và vô sắc giới chỉ có thiên đạo. Những người ở trong thiên đạo gọi là thiên nhân. Thiên nhân vẫn chịu luật luân hồi.

93/. Dục giới (欲界): Tiếng Phạn là kamadhatu, Anh văn dịch là desire realm. Sở dĩ gọi là dục giới là những thiên nhân ở trong thiên đạo của dục giới vẫn còn ăn uống, ngủ nghỉ và có những nhu cầu thể xác như trong thế giới con người. Có điều khác là những người trong thiên đạo của dục giới chỉ có sung sướng không có khổ não.  Nhưng đến khi phước của họ đã tận thì ngũ suy tướng sẽ xuất hiện, khổ mới hiện ra. Họ được thọ lâu và được hưởng các niềm vụi hơn loài người nhiều.

Thiên đạo của Dục giới gồm 6 cõi trời chia làm 2 nhóm: 1) Địa cư thiên (地居天): Đây là những cõi trời năm trên núi Tu Di gồm có Tứ Thiên Vương Thiên ở sườn núi và Đạo Lợi Thiên ở đỉnh núi. 2) Không Cư thiên (空居天): Đó là những cõi trời trong không trung quanh đỉnh núi Tu Di gồm có :  Dạ Ma thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên. Đây là 4 cõi của không cư thiên, những người làm thập thiện ở mức độ cao và thiền định mới đến mức vị đáo thiền định (未到定) ,vì trình độ chưa lên được tứ thiền thiên,  được  sống ở cõi này.

94/. Tứ Thiên Vương Thiên (四天王天) : Đó là bốn cõi trời của tứ đại thiên vương ngự trị, nó nằm ở bốn phía, ở sườn núi Tu Di. Tứ đai Thiên Vương là tứ đại hộ pháp của đạo Phật.  1) Trì Quốc thiên vương  (持國天王 , Phạm:  Dhritarastra).  Ngài trấn thủ ở  phía đông,  trên đồi Bạch Ngân Thùy (白銀埵 ) của núi Tu Di. Ở Trung Quốc tượng của ngai thường là một võ tướng cầm một cây đàn tỳ bà. Ở Nhật thì cầm một thanh gươm.  2) Tăng Trường Thiên Vương (增長天王 , Phạm: Vidradhaka). Ngài trấn thủ ở  phía nam,  trên đồi Lưu Ly Thùy(琉璃埵) của núi Tu Di.  Ngài giúp chúng sinh tăng trưởng về thiện căn. Ở Trung Quốc tượng của ngai thường là một võ tướng cầm một cây kiếm. Ở Nhật thì tay phải cầm một cây kích. 3)  Quảng Mục Thiên Vương , (廣目天王 ,  Phạm: Virapaksa).  Ngài trấn thủ ở phía tây, trên đồi Thủy Tinh Thùy (水晶埵) của núi Tu Di. Ngài có cặp mắt quan sát được mọi nơi để bao vệ các Phật tử.  Ở Trung Quốc tượng của ngài thường là một võ tướng cầm một cuộn dây. Ở Nhật thì tay phải cầm một cây bút, tay trái cầm cuốn kinh. 4) Tỳ Sa Môn thiên vương  (毘沙門 天王 , Phạm: Vaisravana), dịch nghĩa qua Hán văn là  Đa Văn Thiên Vương (多聞天王).  Ngài trấn thủ ở phía bắc, trên đồi Hoàng Kim Thùy (黃金埵) của núi Tu Di. Theo truyện thần thoại của Ấn Độ thì ngài là thần tài và võ thân. Vì vậy Thần Đạo của Nhật Bản đã phong ngài thành một trong bẩy phúc thần. Làng võ của Nhật cũng thờ ngài như một võ thần. Ở Trung Quốc tượng của ngài thường là một võ tướng cầm một cái lọng. Ở Nhật thì tay phải cầm một cây trụ, tay trái cầm một tháp xá lợi.

95) Đạo Lợi Thiên (忉利天) : Tiếng Phạn là Trayast rimsa, chữ này trong tiếng Phạn nghĩa là 33  cõi trời. Những cõi trời này ở trên đỉnh của núi Tu Di, ở giữa đỉnh núi là thành Hỷ Kiến (城喜見), tiếng Phạn là Sudarsana, còn gọi là Thiện Pháp  Đường Thiên (善法堂天),  nơi Đế Thích  Thiên chủ  Sakra devanam Indrah cư ngụ. Bốn hướng quanh thành Hỷ Kiến, mỗi hướng có 8 cõi trời.  Người sống ở trong những cõi trời này thọ tương đương với 36 triệu năm trên trái đất, nhưng vẫn phải chết kể cả Đế Thích Thiên Chủ.

96/. Đâu Suất thiên (兜率天), tiếng Phạn là Tusita, có nghĩa là tri túc, nên cũng gọi là Tri Túc Thiên. Ở trong nội viện của cõi tròi này cư ngụ vị bồ tát sẽ thành Phật trong tương lai. Nay là Di Lạc bồ tát.

97/. Hóa Lạc Thiên (化樂天): (Phạm:  nirmanarati-deva). Tầng trời thứ 5 của Lục dục thiên (六欲天). Một cõi trời mà những thiên nhân ở đó có thể trực tiếp biến hoá những đối tượng tạo khoái lạc cho chính mình. Còn gọi là Lạc biến hoá thiên (樂變化天).(Tự điển Phật Quang)

98/. Tứ trụ (四住): Trong kinh điển khác lại gọi là tứ trụ phiền não (四住煩惱). Sở dị gọi là trụ hay trụ địa là vì chúng sinh sinh sống và trú ngụ trong tam giới lục đạo nên có những phiền não do những nơi mình trú ngụ đưa đến. Chính vì vậy mà bị trói buộc vào nơi đó không thể thoát ra được. Chỉ có tu hành đoạn trừ phiền não mới có thể thoát ra khỏi lục đạo luân hồi. Bốn loại phiền não gồm có một kiến hoặc cho cả tam giới và bà loại tư hoặc, một tư hoặc cho mỗi giới.  Vô minh và trần sa hoặc tạo thành vô minh trụ địa (無明住地). Nếu đem vô minh trụ địa cộng vào tứ trụ đia thì gọi là ngũ trụ địa(五住地). Sở dĩ những phiền não này có chữ ÁI là vì tham phiền não đưa đến thích, thích đưa đến ái, ái đưa đến thủ, thủ đưa đến tạo nghiệp và luân hồi.

1) Kiến nhất thiết trụ địa (見一處住地): Đó là những quan niệm sai lầm khi nhìn các hiện tượng trong tam giới. Nó không phải thuần túy là do những gì từ những kiếp trước để lại.

2) Dục ái trụ địa (欲愛住地): Tham đắm các cảnh trần trong cõi dục. Đó là tất cả các tư hoặc của dục giới (sắc, hương, vị, thanh, xúc).

3) Sắc ái trụ địa(色愛住地): Dính mắc các pháp trong cõi sắc. Đó là tất cả những tư hoặc của sắc giới do chấp trước sắc thân (色身) gây ra. 

4) Hữu ái trụ địa (有愛住地): Dính mắc các pháp trong cõi vô sắc.  Đó là tất cả những tư hoặc của vô sắc giới.

Ba tư hoặc kể trên là do những tập khí (习气) của những kiếp trước để lại. Tứ trụ là những hoặc trong tam giới tạo thành phiền não chướng (烦恼障). Đoạn trừ được tứ hoặc này sẽ chứng được A la hán quả. Trần sa hoặc và vô minh hoặc là những hoặc ở ngoài tam giới. Hai hoặc này tạo thành sơ tri chướng (所知障). Đoạn trừ được trần sa hoặc chứng được bồ tát quả vị. Đoạn trừ được vô minh hoặc thì chứng được vô thượng Phật đạo quả vị. (Phập học vấn đáp, bài giảng của HT.Tịnh Không, HT. Hội Tánh, Thắng Man Kinh)

99/. Nhiễm ô vô tri (染污無知): Tiếng Phạn là Klistajnana cũng gọi nhiễm vô tri. Trong Tạng giáo vô tri đồng nghĩa với vô minh. Vô minh là chủng tử của phiền não. Những phiền não này tạo nên những chướng ngại vật làm chúng ta không tiếp thu được chân đế. Có hai loại vô tri: Nhiễm ô vô tri và bất nhiễm ô vô tri. Nhiễm ô vô tri là cái vô tri làm lu mờ tự tính của chúng ta. Thí dụ:  Trong chúng sinh  đều có Phật tính nhưng vì vô tri mà chúng sinh không nhận ra được. Loại bất nhiễm ô vô tri, trong Thiên Thai Tông gọi là trần sa hoặc. Thí dụ như chư bồ tát thấy chúng sinh phiền não nhiều như bụi trần làm sao độ nổi, hay thấy vô lượng pháp môn làm sao tu nổi, thấy đường đi đến Bảo Sở xa đến 500 dặm, làm sao đi đến vì vậy mà nản tri tu hành, loại vô tri này là bất nhiễm ô vô tri vì nó không ô nhiễm cái tự tính của hành giả.

100/. Thủ tướng hoặc (取相惑): Đó là những cái hoặc do chấp cái tướng bên ngoài gây ra. Loại hoặc này có cả trong ba loại hoặc: Kiến tư hoặc thì chấp cái tướng sinh tử, trần sa hoặc thì chấp cái tướng của Niết Bàn, vô minh thì chấp cái tướng của nhị biên (二边). Anh văn dịch là: The delution of attachement to external characteristics. (Tự điển Phật Quang, Digital Dictionary of Buddhism Charles Muller )

101/. Chi mạt vô minh (枝末無明): Chi là cành, nhánh, mạt là ngọn. Chi mạt vô minh là cái nhánh và cái ngọn của căn bản vô minh. Tiếng Phạn vidya có nghĩa là soi sáng thấy rõ, avidya không soi sáng, không rõ, không hiểu nên gọi là vô minh. Cái tự tướng của vô minh là ngu si (Phạm:  moha). Kiến tư hoặc là cái nhánh cái ngọn của cái căn bản vô minh. (Pháp Nhĩ Từ Khố)

102/. Thông hoặc (通惑): Kiến hoặc và tư hoặc là cả tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát ) đều phải đoạn trừ, Vi chung cho cả tam thừa nên gọi là thông hoặc . Trần sa hoặc và vô minh hoặc là giới bồ tát của Biệt giáo phải đoạn trừ nên gọi là biệt hoặc (別惑) ( Phật Quang tự Điển)

103/. Giới nội hoặc (界內惑): Đó là các kiến hoặc và tư hoặc của các chúng sinh trong tam giới (Dục giới, sắc giới và vô sắc giới). Trần sa hoặc và vô minh hoặc đó là những hoặc mà chư bồ tát và chư Phật sống ngoài tam giới phải đoạn trừ nên gọi là giới ngoại hoặc.( 界外惑) (Phật Quang tự Điển).

104/. Tám mươi tám sử (八十八使): Chữ sử ở đây là chữ viết tắt của chữ khu sử (驱使) có nghĩa là thúc đẩy và sai khiến. Đó là 88 loại kiến hoặc nó thúc đầy con người đi làm những chuyện xấu. 10 loại kiến hoặc là 1) Thân kiến, 2) Biên kiến, 3) Kiến thủ,4) Giới thủ, 5) Tà kiến, 6) Tham, 7) Sân, 8) Si,  9) Mạn,  10) Nghi. 10 loại kiến hoặc này kết hợp với tứ đế, như vậy nó sẽ thành 40 loại. 40 loại này lại kết hợp với tam giới nó sẽ thành 120 loại. Nhưng vì có một số đế không có đủ 10 loại kiến hoặc nên chỉ còn lại 88 loại mà thôi. Xin xem bản tóm tắt sau đây: Trong dục giới, khổ đế có đủ 10 loại kiến hoặc kể trên, tập đế chỉ có 7 loại kiên hoặc kể trên, không có những kiến hoặc số 1, số 2, số 4…Cũng như vậy bản này cho thấy số kiến hoặc ở các đế khác, các giới khác, tổng cộng kiến hoặc của từng giới, tổng cộng số kiến hoặc của tam giới.

105/. Lợi sử (利使): Chữ lợi ở đây là chữ viết tắt của chữ mạnh lợi, lợi hại. Đó là 5 loại kiến hoặc nó có tác dụng mạnh mẽ thúc đẩy làm những điều xấu: 1) Thân kiến, 2) Biên kiến, 3) Kiến thủ, 4) Giới thủ, 5) Tà kiến.

106/. Đốn sử (鈍使): Chữ đốn ở đây có nghĩa là có tác dụng yếu hơn, chậm hơn so với loại lợi sử. Gồm có tham, sân, si,  mạn,  nghi.

107/. Thân kiến (身見), (skt. Satkaya-drshti). Ảo tưởng cho rằng thân mình hay cái ngã là có thật, trường tồn, một trong ngũ kiến. Từ thân kiến đưa đến ngã chấp.

108/. Biên kiến (邊見): (Phạm: Antagraha-drshti): Chữ biên ở đây có nghĩa là biên giới, nghĩa là nghiêng xa về một bên. Có hai loại biên kiến 1) Thường kiến (常見): Tin là cái ngã là trường tồn. 2) Đoạn kiến (断見): Tin chết là hết.

109/. Kiến thủ (見取): Là tin chặt vào cái y kiến sai lầm của mình.  (Digital Dictionary of Buddhism Charles Muller)

110/. Giới thủ (戒取):  Giữ chặt vào những giới luật sai lầm của ngoại đạo hay tà đao. (Tam Tạng Pháp Số).

111/. Tứ niệm xứ (四念處 ): (Phạm: catvāri smṛti-upasthānāni, Pali: cattāro sati-patṭḥānāni ): Từ gọi tắt của Tứ Niệm Xứ Quán (四念處觀), còn được gọi là Tứ Niệm Chỉ (四念止), Tứ Niệm Trụ (四念住), Tứ Ý Chỉ (四意止), là bốn loại đầu tiên trong 37 phẩm trợ đạo của Phật Giáo Tiểu Thừa. Đây là bốn loại phương pháp nhằm để tập trung tâm vào một điểm, đề phòng tạp niệm, vọng tưởng và đạt được chân lý. Chữ niệm (念) ở đây không phải là đọc đi đọc lai mà là tâm niệm (心念), nghĩa là tâm hằng nghĩ đến. Xứ (處) hay trụ (住) là nơi. Tứ niệm xứ có nghĩa là bốn nơi tâm phải hằng suy ngẫm đến. Tứ Niệm Xứ gồm có:

(1) Thân Niệm Xứ (Phạm: kāya-smṛty-upasthāna, Pali: kayekāyānupassi viharati atāpi sampajāno satimā, 身念處): quán thân thể là bất tịnh.

(2). Thọ Niệm Xứ (Phạm: vedanā-smṛty-upasthāna, Pali: vedanāsu vedanānupassi viharati ātāpi sampajāno satimā, 受念處): quán thọ là khổ.

(3). Tâm Niệm Xứ (Phạm: citta-smṛty-upasthāna, Pali: citte cittānupassi viharati ātāpi sampajāno satimā, 心念處): quán tâm vô thường.

(4). Pháp Niệm Xứ (Phám: dharma-smṛty-upasthāna, Pali: dhammesu dhammānupassi viharati ātāpi sampajāno satimā, 法念處): quán pháp là vô ngã.

112/. Quán thân bất tịnh (觀身不淨Pali: kayanupassana): Quán thân bất tịnh liên quan đến sắc uẩn, dùng để trị cái long tham của con người. Có 5 loại bất tịnh:

1) Sinh xứ bất tịnh: Con người được thụ thai, sống trong bụng mẹ, được sinh ra từ nơi bất tịnh.

2) Chủng tử bất tịnh: Con người được sinh thành do ba thứ hợp lại: cái nghiệp của mình, cái tinh khí của cha mẹ, ba duyên hợp lại nên tạo thành bào thai. Tinh khí cũng từ nơi bất tịnh mà ra, vì vậy chủng tử là bất tịnh.

3) Tướng bất tịnh: Tướng ở đây là thân thể, là ngoại tướng. Thân thể con người  gồm 36 loại bất tịnh họp thành: Lông, tóc, móng tay, móng chân, răng,  gỉ mắt, gỉ mũi, gỉ tai, nước mắt, nước miếng, phân, nước tiểu, ghét, mồ hôi, da, mắu, thịt, … và có cửu khổng (mắt, mũi, miệng, đường đại tiểu tiện…) thường thải ra những chất hôi thối.

4) Tính bất tịnh: Tính ở đây là chỉ tâm tính, suy nghĩ. Nó gồm tất cả vọng tưởng và những phiền não.

5) Cứu cánh bất tịnh: Cứu cánh ở đây nghĩa là sau cùng. Con người dù giàu sang hay nghèo hèn, đẹp hay xấu, hiền hay ác…sau khi chết cũng chỉ là một cái xác thối nát, một nắm xương tàn.

Người tu hành phải biết dùng cái thân bất tịnh này để đi tìm cái thanh tịnh, dùng cái giả thân này để đi tu cái chân thân.

113/. Quán thọ là khổ (觀受是苦) : Chữ thọ ở đây nghĩa là cảm thọ.  Đó là những cảm giác do  mắt, tai,  mũi, thiệt, xúc giác, ý niệm đưa đến. Nó liên quan đến thọ uẩn. Có ba loại cảm giác :  Lạc thọ 乐受cảm giác vui vẻ, khổ thọ (苦受) cảm giác đau buồn, xả thọ(捨受)cảm giác không vui không khổ.  Mỗi một loại cảm giác này lại chia làm hai loại: a) Hữu vật nhiễm (有物染 bodily feeling):  Cảm giác liên quan đến thể xác. b) Vô vật nhiễm (无物染 mentally feeling): Cảm giác liên quan đến tinh thần. Như vậy là có sáu loại thọ uẩn. Từ những cảm giác này đưa đến thương, ghét, oán hận….Khổ thọ đương nhiên là khổ rồi. Lạc thọ tại sao cũng là khổ?  Là vì cái lạc sẽ chấm dứt, vì mất cái lạc nên đau khổ, cái khổ đó gọi là hoại khổ (坏苦). Xả thọ là loại cảm thọ không buồn không vui nhưng sau cùng vẫn sẽ gây khổ não, nó sẽ gây ra một loại khổ gọi là hành khổ (行苦), hành là đi, là di chuyển, là sự thay đổi, sinh diệt không ngưng nến nó cũng gây ra một loại khổ trong người cảm thọ. Dục giới có cả ba loại khổ. Sắc giới và vô sắc giới chỉ có hoại khổ và hành khổ.

114/. Quán tâm vô thường (觀心無常): Chữ tâm ở đây là tâm thức. Đặc biệt liên quán đến tâm thức số 6, gọi là ý thức (意識 mano consciousness). Công việc chính của ý thức là đi gom nhặt những cảm giác (sensory perceptions), đánh giá, tính toán, đưa ra những cảm xúc và cường độ của cảm xúc thích nghi, liên hệ ý thức hiện tại với những ý thức trong quá khứ và dự trù những gì trong tương lai để đưa ra những phương cách gọi là pháp. Cái tâm thức này tùy hoàn cảnh bên ngoài nó sinh ra, thay đổi và biến mât từ sát na này qua sát na khác. Vì vậy nó là vô thường.

115/. Quán pháp vô ngã (觀法無我):  Nhân và duyên kết hợp lại sinh ra Pháp, pháp sinh ra tướng.  Vì nhân và duyên là vô thường nên pháp là không, tướng là giả. Vì vậy tất cả pháp là vô ngã.

116/. Tứ như ý túc (四如意足): (Phạm: catur-rddhipada, Pali: catu-iddhipada, 四如意足): còn gọi là Tứ Thần Túc (四神足), là phần thứ 3 trong 37 phẩm trợ đạo nhằm đạt được mục đích giác ngộ của Phật Giáo, gồm có 1) Dục Như Ý Túc, 2) Tinh Tấn Như Ý Túc, 3) Tâm Như Ý Túc, 4) Tư Duy Như Ý Túc. Các pháp này tùy theo năng lực mong muốn, nỗ lực, tâm niệm, quán sát mà có được định và tùy theo cái định ấy mà có được các loại thần biến, cho nên được gọi là Tứ Thần Túc. (Phật Học Tinh Tuyển)

117/. Ngũ căn (五根) :  (Phạm: pañcendriyāni, 五根): tức Năm căn vô lậu (無漏五根), dùng để hàng phục phiền não, đưa vào Thánh đạo và có tác dụng tăng thượng, thuộc trong 37 phẩm trợ đạo, gồm có:

(1) Tín Căn (Phạm: śradhendriya, 信根): niềm tin vào Tam Bảo, đạo lý Tứ Đế, v.v…

(2) Tấn Căn (Phạm: vīryendriya, 進根): hay còn gọi là Tinh Tấn Căn, siêng năng dũng mãnh tu các pháp lành.

(3) Niệm Căn (Phạm: smṛtīndriya, 念根): nghĩ nhớ đến các pháp đúng.

(4) Định Căn (Phạm: samādhīndriya, 定根): năng lực khiến cho tâm dừng lại một chỗ, không bị tán loạn; 

(5) Tuệ Căn (Phạm: prajñendriya, 慧根): nhờ có định mà trí tuệ quán xét sanh khởi, cho nên biết được như thật chân lý.

Năm pháp này là căn bản thường khiến cho sanh khởi hết thảy các thiện pháp. (Phật Học Tinh Tuyển)

118/. Thất giác chi (七覺支):  (Phạm: saptapodhyaṅgāni, Pali: satta-pojjharigā, 七覺支): còn gọi là Thất Đẳng Giác Chi, Thất Biến Giác Chi, Thất Bồ Đề Phần, Thất Bồ Đề Phần Bảo, Thất Giác Phần, Thất Giác Ý, Thất Giác Chí, Thất Giác Chi Pháp, Thất Giác Ý Pháp, gọi tắt là Thất Giác, là 1 trong 37 phẩm trợ đạo, gồm có:

(1). Trạch Pháp Giác Chi (Phạm: dharma-pravicaya-sambodhyaṅga, 擇法覺支): nghĩa là chọn lựa sự đúng sai của pháp, lấy cái đúng và bỏ đi cái sai,

(2). Tinh Tấn Giác Chi (Phạm: virya-sambodhyaṅga, 精進覺支): là chọn lựa pháp đúng đắn và tinh tấn chuyên tâm tu tập pháp ấy.

(3). Hỷ Giác Chi (Phạm: srīti-sambodhyaṅga, 喜覺支): an trú trong pháp vui đúng đắn.

(4). Khinh An Giác Chi (Phạm: prasrabdhi-sambodhyaṅga, 輕安覺支): là đoạn trừ tà ác, đạt được sự an lạc nhẹ nhàng của thân tâm vào sự tăng trưởng thiện căn.

(5). Xả Giác Chi (Phạm: supeksā-sambodhyaṅga, 捨覺支): là xả bỏ đi tâm phân duyên với ngoại cảnh và quay trở về sống bình an.

(6). Định Giác Chi (Phạm: sammādhi-sambodhyaṅga, 定覺支): là nhập vào thiền định, tâm và cảnh trở thành một, làm cho tâm không tán loạn gọi Định Giác Chi,

(7). Niệm Giác Chi (Phạm: smṛti-sambodhyaṅga, 念覺支): khi tu tập đạo pháp, trú trong chánh niệm và thường làm quân bình trí tuệ. Khi tâm được bình lặng với 3 Giác Chi Trạch Pháp, Tinh Tấn và Hỷ, hành giả quán sát các pháp khích lệ tâm mình. Khi tâm bị dao động thì dùng tâm Khinh An Giác Chi để nhập vào thiền định và làm cho tâm được an tịnh. Trong khi đó 3 Giác Chi trước thuộc về Tuệ và 3 Giác Chi sau thuộc Định còn Giác Chi cuối cùng thuộc về cả Định và Tuệ.

119/. Trí Khải Đại Sư giải thích tứ đế qua Chân 眞, Trung 中, Lý 理, và Sự 事.

Sinh diệt tứ đế là lối hiểu của những người còn mê mờ chân đế vì hiểu tứ đế qua sinh và diệt, nhân và quả của thế giới hiện tượng. Vọng nghiệp tạo khổ, tu tập đạo hạnh diệt khổ. Đây là tứ đế của Tiểu thừa và Tạng giáo.

Thiên Thai Trí Khải nói về ý nghĩa của thánh 聖 và đế 諦. “Thánh” đối nghịch với tà thuyết là cái đã bị tiêu diệt. “Đế” được phân định làm ba phần (Pháp Hoa Huyền Nghĩa, T33, 701a14-17). Tôi hiểu ba định nghĩa nầy với nghĩa bản thể, hiện thực, và thực hành của chân lý.

Trước hết, Thiên Thai Trí Khải nói, được gọi là “đế” vì “tự tánh bất hư”自性不虛. Trong truyền thống Thiên Thai, đế chỉ cho chân lý là cái chẳng phải là trống không cũng chẳng phải có định tánh, nhưng đồng thời là Không và Giả.

Thứ hai, được gọi là “đế” vì hành giả chứng đạo khi không thấy sai lầm về tứ đế nầy. Đây là yếu tố hiện thực, mang theo giá trị thực chứng. Khi thấy rõ tứ đế, trí tuệ nhìn thực tại như thị.

Thứ ba, gọi là “đế” vì được dùng như phương tiện để hiển bày. Đây là yếu tố thực hành. Người chứng đao có thể giúp người khác cùng chứng đạo. Như Trí Khải nói, phàm phu không nhận thực tại như nó là, không mở được trí tuệ, và không thể giải thích nó. Chư vị Thanh Văn, tuy nhiên, có tiếp nhận được thực tại, có mở được phần nào trí tuệ, và có thể giải thích nó, nhưng qua cái thấy “sinh diệt”.  (Trích Nền Tảng Phật Học Thiên Thai Tông, Gíáo sư Paul Swanson, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, nxb Phương Đông, 2010)

Sinh diệt Tứ Đế (生滅四諦) là Tứ Đế của Tạng Giáo. Tạng giáo lấy thập nhị nhân duyên làm căn bản để giải thích pháp và tướng của mọi việc. Vì vậy pháp và tướng hữu sinh hữu diệt.  Con người luân hồi trong tam giới nên khổ, đó là Khổ đế.  Con người vì phiền não hoặc nghiệp nên phải sinh tử luân hồi, đó là nguyên nhân của cái khổ, đó là tập đế.  Vì thấy được cái khổ, vì biết được nguyên nhân của cái khổ nên đi tìm cách diệt trừ nó đó là diệt đế và đạo đế. (Tam Tạng Pháp Số)

Cái hiểu về “vô sinh diệt tứ đế” là cái hiểu của những người hiểu về chân đế qua lý Không. Chư vị nầy hiểu khổ, tập, diệt, và đạo, không có định tánh. Đây là giáo lý Không của Đại thừa Thông giáo. (Trích Nền Tảng Phật Học Thiên Thai Tông, Gíáo sư Paul Swanson, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, nxb Phương Đông, 2010)

Vô sinh tứ đế (無生四諦): Thông giáo lấy thuyết không để nhìn và phân tích mọi pháp, mọi tướng.  Vì tất cả pháp là không, tất cả tướng là giả, nên không có cái tướng bức bách của cái khổ đế, nên không có cái tướng hòa hợp của tập đế, vì nhân (tập đế) và quả (khổ đế) đều là không. Đạo bất nhị tướng, diệt vô sinh tướng, không sinh nên không diệt.

120/. Vô lượng tứ đế (無量四諦): Cái hiểu về “vô lượng tứ đế” là cái hiểu của những người chưa thực sự hiểu được tánh đồng nhất của vạn pháp, hoặc Trung Đạo vì họ hiểu qua hiện tượng (mặc dù cao hơn lối hiểu của Tạng giáo). Sự kiện rằng, ngoài Không ra, có vô số trần lao, vô minh, khổ, nghiệp mê vọng v.v… cần phải vượt qua. Chỗ nầy tương ưng với giáo lý Giả của Đại thừa Biệt giáo. (Trích Nền Tảng Phật Học Thiên Thai Tông, Gíáo sư Paul Swanson, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, nxb Phương Đông, 2010)

Biệt giáo là đạo chư bồ tát hành trì. Chư bồ tát ở ngoài tam giới thấy hằng hà sa số thế giới, thấy hằng hà sa số chúng sinh vì vậy thấy hằng hà sa số khổ đế, thấy hằng hà sa số nguyên nhân (tập đế) gây ra khổ đế, và cũng có vô số pháp để diệt trừ vì vậy có hằng hà sa số đạo đế và diệt đế. Đó là vô lượng tứ đế.

121/. Vô tác tứ đế (無作四諦): Cái hiểu về “vô tác tứ đế” là cái hiểu của những người phần nào hiểu được tánh đồng nhất của vạn pháp vì họ hiểu ngay nơi thực tại. Họ vẫn được xem là “ít nhiều mê vọng” với nghĩa rằng họ vẫn còn trong vòng ngôn từ, trong khi chân lý thì vượt ngoài văn tự và khái niệm. Được gọi là vô tác vì “không niệm, không tâm, không người tạo tác” (Pháp Hoa Huyền Nghĩa, T33, 701b8). Ở thứ bậc nầy, luân hồi tức Niết Bàn, chứng ngộ đồng mê vọng.

Thiên Thai Trí Khải chỉ rõ lối giải thích về vô tác ở đây khác với lối giải thích từ kinh Thắng Man (T12, 221b16-222a3). Theo kinh Thắng Man, diệt đế đặc biệt được nhìn như giáo lý tối thượng của chư Phật, tức chân, thường, thiện xảo khác với vô thường, hư dối, và thô thiển. Thiên Thai Trí Khải không nhìn nhận đây là giải đáp sau cùng, đại sư nhấn mạnh rằng tất cả tứ đế phải được tiếp nhận như một toàn khối, và tất cả bốn pháp đều là “chân, thường, thiện xảo”. Đại sư cho rằng lời giải thích trong kinh Thắng Man tương ưng với Biệt giáo, [dù rằng] bản văn dùng chữ “vô tác” nhưng khi luận về tứ đế thì vẫn còn nằm trong thứ lớp trước sau, vì vậy có thể được nhìn như “vô lượng”. (Trích Nền Tảng Phật Học Thiên Thai Tông, Gíáo sư Paul Swanson, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, nxb Phương Đông, 2010)

122/. Tại thế và xuất thế trong tứ đế (在世出世四諦): Tứ Đế lại chia làm những nhân quả tại thế và xuất thế.  Khổ đế là quả, tập đế là nhân ở tại thế.  Diệt đế là quả, đạo đế là  nhân  của  xuất thế.

123/. Phàm vị (凡位): Đó là những quả vị hay trình độ tu hành của những người phàm mới bắt đầu học về Phật đạo, Anh văn dịch là level of  worldling. Phàm vị lại được chia làm hai phần:  Ngoại phàm vị (外凡) và nội phàm vị (內凡). Ngoại phàm vị, Anh văn dịch là outer worldling, đây là trình độ thấp nhất, đó là những hành giả nghe Phật pháp bắt đầu tin theo. Nhưng thân, khẩu, y chưa làm theo được những điều dạy của Phật pháp. Còn đầy đam mê về những sắc, thanh, hương, vị, xúc nhưng đã biết và học được một ít Phật pháp, biết làm một ít phúc đức. Ngoại phàm vị của Tạng Giáo còn gọi là tam hiền vị (三賢位 ) hay tư lương vị (資糧位). Ngoại phàm vị của Thông giáo là thập tín vị.  Nội phàm vị, Anh văn dịch là stage of inner worldling. Khi hành giả đã tu hành xong ngoại phàm vị, đã hiểu được cái lý của Phật pháp, đã hàng phục được phần nào tham, sân, si; Hành giả đã tiến lên nội phàm vị.  Nội phàm vị của Tạng Giáo còn gọi  là tứ thiện căn (四善根), hay  tứ gia hành vị (四加行位). Nội phàm vị và ngoại phàm vị gọi chung là phàm vị hay còn gọi là thất hiền vị (七賢位), hay thất phương tiện vị (七方便位).  Nội phàm vị của Thông giáo là thập trụ vị.

124/. Thánh vị (聖位): Thánh vị của Tạng giáo còn gọi là thất thánh vị. Thánh vị cũng có 7 cấp tu hành, đó là:

a. Tín hạnh

b. Pháp hạnh

c. Tín giải

d. Kiến đắc

e. Thân chứng

f. Thời giải thóat

g. Bất thời giải thoát 

Có tứ quả: Sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả. Có 3 đạo vị: Sơ quả là kiến đạo vị (見道位). Nhị quả và tam quả là tu đạo vị (修道位), nghĩa là còn đang tu hành để diệt trừ kiến hoặc và tư hoặc. Tất cả những quả vị từ tứ quả hướng (四果向) trở về trước đều gọi chung là hữu học đạo (有學道), nghĩa là còn phải học thêm. Tứ quả là A la Hán quả thì gọi là vô học đạo (無學道), nghĩa là không còn gì để học thêm nữa.

Ở đây chúng tôi sẽ giản dị giải thích sự liên quan giữa những cấp bậc tu hành và các quả vị như sau:

a. Tín hạnh (信行): Còn gọi là tùy tín hành (隨信行). Hành giả có căn cơ còn yếu hay độn căn, trí tuệ chưa đủ, cần được người giảng dạy về pháp mới hiểu, mới tin, mới hành.

b. Pháp hạnh (法行): Còn gọi là tùy pháp hạnh (隨法行). Hành giả có căn cơ khá hay lợi căn, có trí tuệ cao, một mình có thể tự nghiên cứu giáo lý, nghe pháp liền hiểu và áp dụng tu hành.

Hành giả tu tập tín hạnh và pháp hạnh là vừa từ phàm vị lên thánh vị. Nên còn phải tiếp tục tu hành tứ đế ở một cách khác gọi là thập lục tâm (十六心) của  bát nhẫn bát trí (八忍八智) của tứ đế. Hãy lấy thí dụ khổ đế của Tứ đế, người phải nhẫn nhục chịu khổ, vì chịu khổ mới sinh ra cái trí khôn để đi diệt trừ các khổ. Từ đó khổ đế của dục giới sinh ra một nhẫn một trí gọi là pháp nhẫn và pháp trí; khổ đế của sắc giới và vô sắc giới sinh ra loại nhẫn và loại trí. Cũng như vậy tập, diệt và đạo đế của dục giới, sắc giới và vô sắc giới cũng tạo ra những nhẫn và trí của nó, tổng cộng là 8 nhẫn 8 trí. Cái lòng tu tập bát nhẫn bát trí này gọi là thập lục tâm.

Hai cấp vị tín hạnh và pháp hạnh là giai đoạn tu tập từ sơ quả hướng (初果向) đến sơ quả. Cẩn thận đừng lầm tín hạnh là sơ quả hướng và pháp hạnh là sơ quả. Sơ quả hướng, còn gọi là hành trung tu đà hoàn (行中須陀洹), là khi hành giả tu được 15 tâm trong 16 tâm của bát nhẫn bát pháp. Sơ quả, còn gọi là trụ quả tu đà hoàn (住果須陀洹), là khi hành giả tu tâm thứ 16, đến đây hành giả đã đoạn trừ được kiến hoặc.

c. Tín giải (信解): Người đốn căn, sau khi đã đạt được sơ quả, đã thấu hiểu được tứ đế sẽ tu tập tín giải vị.

d. Kiến đắc (見得): Con gọi là kiến chí (見至). Người lợi căn sau khi đạt sơ quả, sẽ tu tập kiến đắc vị.

Tín giải và kiến đắc là hai cấp dùng để tu nhị quả và tam quả. Trước khi đi đến nhị qua cũng phải tu xong nhị quả hướng, còn gọi là thắng tiến tu đà hoàn (勝進須陀洹), đó là hành giả đã diệt trừ được 1 đến 5 phẩm tư hoặc của dục giới. Khi hành giả diệt trừ đươc phẩm thứ 6 tư hoặc của dục giới thì hành giả chứng được nhị quả, còn gọi là trụ quả tư đà hàm (住果斯陀).

Sau khi chứng được nhị quả, hành giả sẽ tiến lên tam quả hướng, gòn gọi là thắng tiến tư đà hàm (勝進斯陀含), hành giả phải đoạn trừ được phẩm 7, phẩm 8 tư hoặc của dục giới. Sau  khi chứng được tam quả hướng, hành giả phải diệt trừ nốt phẩm thứ 9 tư hoặc của dục giới  thì  sẽ chứng được tam quả vị, còn gọi là trụ quả A na hàm (住果阿那含), còn gọi là bất hoàn quả (不還果).

e. Thân chứng (身證): cấp vị này là tu tập tứ quả hướng (四果向), còn gọi là thắng tiến a na hàm (勝進阿那含). Hành giả phải đoạn trừ 71 phẩm tư hoặc của sắc giới và vô sắc giới.

f. Thời giải thoát (時解脫), còn gọi là tuệ giải thoát (慧解脫). Hành giả có độn căn thì thuộc thời giải thoát, nghĩa là những hành giả này cần thời gian lâu hơn để chứng được tứ quả, để trở thành A la hán, vì vậy còn gọi là thời giải thoát A la hán. Đến đây hành giả đã đoạn trừ được tam giới cửu địa 81 phẩm tư hoặc.

g. Bất thời giải thoát (不時解脫): Còn gọi là câu giải thoát (俱解脫). Đây là cho những hành giả có lợi căn, không cần thời gian thêm để chứng được tứ quả.

125/. Ngoại phàm vị (外凡位): Ngoại phàm vị lại được chia làm ba cấp 1) Ngũ đình tâm: Đây là những pháp môn dùng để đối trị với các loại tham của lòng người và ngũ chướng (五障). Ngũ chướng là: Phiền não chướng, nghiệp chướng, sanh chướng, pháp chướng và sở tri chướng. 2) Biệt tướng niệm   và 3) Tổng tướng niệm, hai pháp môn này dùng để quán cái khổ đế của dục giới.

126/. Nội phàm vị (內凡位): Nội phàm vị được chia làm 4 cấp 1) Noãn vị , 2) Đỉnh vị, trong hai cấp này hành giả tu tập 16 hạnh của Tứ Đế của dục giới. 3) Nhẫn vị: Vị này được chia làm ba cấp nhỏ : a) Cấp hạ nhẫn : Tu tập 16 hạnh của Tứ Đế của dục giới và 16 hạnh của Tứ Đế của sắc giới và vô sắc giới, đó là 32 hạnh. b) Cấp trung nhân: Tu 31 lần, mỗi lần gôm 32 hạnh với luật giảm duyên giảm hạnh, giảm đến khi hết chỉ còn một hạnh chót là hạnh thứ  32, thì hành giả đến cấp nhị sát na và hoàn tất cấp trung nhân, đi lên cấp thượng nhẫn.  c) Cấp thượng nhân: Chỉ có một hạnh là hạnh số 32 để tu tập, tu xong hạnh này, hành giả đạt được nhất sát na, hoàn tất cấp thượng nhẫn, đi lên cấp thế đệ nhất vị. 4) Thế đệ nhất vị: Đây là quả vị chót của phàm vị của Tạng giáo. Hành giả chứng được quả vị này sẽ được vào ly sinh vị (離生位), sẽ chứng được kiến đạo vị (見道位) và sau cùng được sơ quả vị , chuyển vào thánh vị. Nội phàm vị còn gọi là tứ gia hành vị, hay tứ thiện căn.

127/. Ngũ đình tâm (五停心) và ngũ đình tâm quán (五停心觀) :  Chữ đình ở đây là chữ viết tắt của chữ đình chỉ. Chữ tâm ở đây chỉ tâm thức thứ 6, cái vọng tâm. Năm phép quán để làm lắng tâm hồn xuống và diệt trừ ngũ dục. Đó là:

a) Bất tịnh quán (Phạm: Azubhàsmfti): Quán tưởng thân thể của con người là nhơ nhớp để đối trị lòng ham muốn về thể xác.

b) Từ bi quán (Phạm: Maitrì-smfti). Quán tưởng lòng thương xót để đối trị với phiền não oán giận.

c) Duyên khởi quán (Phạm: Idaôprat yayatà-pratìkyasamutpàda-smfti).  Quán tưởng 12 duyên khởi thuận và nghịch để đối trị phiền não ngu si.

d) Giới phân biệt quán (Phạm: Dhàtuprabheda-smfti). Quán tưởng các pháp 18 giới đều do sự hòa hợp của đất, nước, lửa, gió, không và thức để đối trị cái ngã chấp.

e) Số tức quán (Phạm: Ànàpàna-smfti).  Đếm số hơi thở ra, thở vào để đối trị tâm tư tản loạn, giữ cho tâm đứng yên ở một cảnh. (Tự Điển Phật Quang)

128/. Bất tịnh quán (不淨觀):  Lòng tham của chúng sinh thường ở hai nhóm

a) Ngũ dục: Tài, sắc, danh, ăn uống, ngủ nghỉ.

b) các sắc trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Tham lại được chia làm ngoại tham, nội ngoại tham, và biến nhất thiết xứ tham (徧一切處貪).  Ngoại tham là khi hành giả gặp thấy những điều mình thích bên ngoài và khởi lòng ham muốn. Nội ngoại tham là khi hành giả nẩy lòng tham từ bản thân mình đưa đến tham những sắc trần bên ngoài. Thí dụ như một người phụ nữ tham sắc đẹp của thân thể mình nên không ngừng đi tìm sửa sắc đẹp. Biến nhất thiết xứ tham là khởi long tham ở mọi thứ ngũ dục và sắc dục.

Trong tứ niệm xứ (四念處) cũng có quán thân bất tịnh, cái bất tịnh quán này là quán cái thân của chính mình bất tịnh. Còn cái bất tịnh quán của ngũ đình tâm là quán cái thân bất tịnh của người khác, của ngoại cảnh.

Để đối trị với cái ngoại tham về nữ sắc hay nam sắc, thì tu cửu tưởng quán (九想觀, Phạm: navasamjna). Đó là 9 điều nghĩ về hình ảnh của cái xác chết.

1. Sình thối (trương tưởng, vyadhmatakasamjna),

2.thâm đen (thanh tưởng, vinilakasamjna),

3.Da thịt bể nứt (hoại tưởng, vipadumakasamjna),

4. Chẩy máu mủ hôi thối ( Huyết đồ tưởng, vilohitakasamjna),

5.thân thể rữa nát ( nùng lạn tưởng, vipuyakasamjna),

6. Sâu bọ chim thú ăn thị (đạm tưởng, vidagdhakasamjna),

7. Da thị mất hết chỉ còn bộ xương (tản tưởng, viksiptakasamjna)

8. Bộ xương rã nát ( cốt tưởng, asthisamjna),

9. Hỏa tang chỉ còn nắm tro (thiêu tưởng, vidagdhakasamjna).

Để đối trị nội ngoại tham thì phải tu bát giải thoát (八解脫, phạm: astau vimoksah):

1. Nội hữu sắc, tưởng quán ngoại sắc giải thoát ( 内有色想觀外色解脫) : Nếu lòng ta nghĩ đến một cái gì gây nên tham muốn thì hãy nhìn xem cái bất tịnh của vật đó ở ngoài đời để diệt trừ tâm tham của mình đi. Nếu hành giả làm được như vậy thì đạt đến sơ thiền.

2. Nội vô sắc, tưởng quán ngoại sắc giải thoát (内無色想觀外色解脫):  Tuy nội tâm không có sắc tưởng, không có lòng tham cũng nên quán cái bất tịnh của các vật bên ngoài để làm cho lòng tham được tận diệt hơn. Nếu hành giả làm được như vậy thì đạt được nhị thiền.

3. Tịnh thân tác chứng, cụ túc trụ giải thoát (淨身作證具足住解脫):  Nhất tâm quán tưởng quang minh, thanh tịnh để lòng không khởi tham đó là tịnh thân tác chứng, nếu ta làm được một cách viên mãn đầy đủ đó là cụ túc trụ, thì hành giả chứng được tứ thiền. Chú ý: trong tám giải thoát không có tam thiền, vì tam thiền là nơi nhiều khoái lạc.

4. Không vô biên xứ giải thoát (空無邊處解脫)

5. Thức vô biên xứ giải thoát (識無邊處解脫),

6. Vô sở hữu xứ giải thoát (無所有處解脫),

7. Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát (非想非非想處解脫):  Giải thoát số 4, 5, 6, 7 là cho những hành giả ở vô sắc giới tu hành, quán khổ, không, vô thường, vô ngã để tâm ý đoạn trừ tất cả, đó là tứ không định (四空定).

8. Diệt thọ tưởng định, thân tác chứng, cụ túc trụ (滅受想定身作證具足住): Đó là thiền định để tận diệt cho thọ và tưởng tâm không còn phát khởi nữa. đó là diệt thọ tưởng định (滅受想定) hay còn gọi là diệt tận định (滅尽定). Hành giả khi chứng được định này đắc A la hán quả, thoát ra khỏi tam giới.

Biến nhất thiết xứ tham: Đây là một loại tham nặng nhất vì tham tất cả mọi thứ. Để đối trị với lòng tham này thì phải tu bát thắng xứ (八勝處, Phạm : astavabhibhv-ayatanani ).  Bát thắng xứ rất giống như bát giải thoát nên ở đây không đi vào chi tiết.

129/. Từ bi quán (慈悲觀): Một khi tâm sân khuể của con người nổi dậy, thì tất cả các cửa chướng sẽ mở ra, lòng ác độc sẽ sinh ra. Để đối trị với ngọn lửa sân khuể, hành giả tu các pháp môn của từ bi quán: Thất chu duyên từ,  tứ vô lượng tâm, tu nhẫn nhục pháp môn….

a) Thất chu duyên từ (七周緣慈): Đây là pháp môn tu hành, lấy lòng từ bi  bình đẳng đối xử với 7 nhóm người mà ta hàng ngày thường tiếp xúc  1. Nhóm thượng thân gồm có: Cha mẹ và thầy cô,  2.Nhóm trung thân gồm có: Anh chị em, vợ chồng, 3.Nhóm hạ thân gồm có: con cái, bạn bè, người quen biết.  4. Nhóm không thân không oán, 5.  Nhóm hạ oán, 6. Nhóm trung oán, 7. Nhóm thượng oán.  Lấy ba loại an lạc để giúp đỡ những người này: Thượng lạc là thiền lạc, Trung lạc là cung cấp các thuốc men, thức ăn thức uống, quần áo … Hạ lạc là nơi ở.

b) Tứ Vô Lượng Tâm: a) Từ vô lượng tâm: Lấy lòng yêu mến đem lại an lạc cho tất cả các chúng sinh. b) Bi vô lượng tâm: Lấy lòng thương xót cứu giúp tất cả các chúng sinh trong cảnh khổ. c)  Hỷ vô lượng tâm: Phát lòng vui mừng khi thấy những người khác thoát cảnh khổ đau. d) Xả vô lượng tâm: Là bỏ cái lòng yêu lòng ghét, lòng hận thù đối với các chúng sinh.

c) Tu nhẫn nhục pháp môn: Tu 25 nhẫn nhục pháp môn (xin xem Đại Trí Độ Luận.

130/. Số tức quán (數息觀): Để trị cái lòng tản loạn, không tập trung trong lúc thiền định thì hành giả phải tu tập số tức quán. Số là đếm số.  Tức là chữ viết tắt của chữ khí tức (氣息), nghĩa là hô hấp, tiếng Phạn là anapana-smrti. Trong lúc thiền định nếu không tập trung, thì tập đếm số nhịp thở ra và vào.

131/. Nhân duyên quán (因緣觀): Duyên giác thừa quán 12 nhân duyên, chuyên tâm về nguyên nhân đưa đến Khổ để tự giải thoát.

Trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa, phần Tích Môn, khi Thiên Thai Trí Giả giải thích về Diệu Cảnh, Diệu Trí,  thập nhị nhân duyên được chia ra bốn thứ lớp. Xin xem “Luận về Pháp Hoa Huyền Nghĩa”, nguyên tác: The Profound Meaning of the Lotus Sutra by Haiyan Shen – Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch. Nxb Phương Đông 2008, thuvienhoasen.com.

132/. Niệm Phật quán (念佛觀): Niệm Phật quán cũng dùng để đối trị với những chúng sinh có nhiều chướng nghi khi tu tập. 1) Chướng ngại thường nhất là khi đọc kinh, làm lễ buồn ngủ. Lúc đó nên quán 32 tướng tốt của đức Phật để đối trị. 2) Ác niệm tư duy chướng: Khi đọc kinh hay thiền định thì có những ý tưởng xấu hay hình ảnh xấu xuất hiện trong óc. Để đối trị thì nên quán Thập lực của đức Phật, tứ vô sở úy (四無所畏), thập bát bất cộng pháp (十八不共法) của Câu Xá Luận. 3) Cảnh giới bức bách chướng (境界逼迫障): Đây là hoàn cảnh bên ngoài náo nhiệt, ồn ào, hay hoàn cảnh bên trong như đau ốm…Tất cả những trường hợp này nên quán ứng thân Phật hoặc niệm Đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm bồ tát.

133/. Biệt tướng niệm xứ (別相念處): Tiếng Phạn là svalaksana-sm rtyupasthana. Trong tứ niệm xứ hành giả đã hiểu được thân là bất tịnh, thọ là khổ, tâm là vô thường, pháp là vô ngã. Chữ biệt ở đây là cá biệt, chữ tướng ở đây là  cảnh giới, hình tướng, vì vậy biệt tướng niệm sứ là quán đến cái cảnh giới, hình tướng của thân là bất tịnh, thọ là khổ, tâm là vô thường, pháp là vô ngã từng trường hợp một. Đây là suy ngẫm tu tập riêng về khổ đế của dục giới.

134/. Tổng tướng niệm xứ (總相念處)  : Trước khi tu tập tổng tướng niệm xứ, hành giả phải tu tập những giai đoạn :

a. Cảnh biệt quán tổng (境別观總): Quán thân bất tịnh, thì quán thọ bất tịnh, quán tâm bất tịnh, quán pháp bất tịnh…

b. Cảnh tổng quán biệt (境總观別): Quán thân bất tịnh, quán thân là khổ, quán thân vô thường, quán thân vô ngã…

c. Cảnh tổng quán tổng (境總观總): Xem cái tướng hay cảnh giới chung của thân, thọ, tâm và pháp với cái bất tịnh, khổ, vô thường và vô ngã. Đây là suy ngẫm tu tập riêng về khổ đế của dục giới.

135/. Tư lương vị (資糧位): Tư là tư bản nghĩa là tiền bạc, lương là lương thực. Tư lương vị có nghĩa là quả vị chuẩn bị những tiền đường, lương thực cho chuyên tu hành dài và khó của hành giả. Nói một cách khác là chuẩn bị khả năng, tinh thần cho hành giả trên con đường tu hành dài và khó.

136/. Noãn vị (煗位, Phạn: usma-gata): Noãn là sưởi nóng, hâm nóng. Đây là quả vị đầu tiên của nội phàm vị. Trong quả vị này hành già tu tập thập lục hạnh tướng (十六行相, Phạm: sodasakara) của tứ diệu đế trong dục giới. Đó là 16 cách phân tích tu tập Tứ Diệu Đế, mỗi một cách tu tập gọi là một hạnh tướng. Mỗi một cái cảnh của tứ diệu đế mà để ta trông vào, hướng về mà tu tập gọi là duyên (緣), vì vậy không gọi là khổ đế mà gọi là khổ duyên: 1) Khổ duyên:  là Vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. 2) Tập duyên: là nhân, là tập, là sinh, là duyên. 3) Diệt duyên: là diệt, là tận, là diệu, là ly. 4) Đạo duyên: Là đạo, là như, là hành, là xuất.

137/. Đỉnh vị (頂位, Phạn: Murdhavastha): Đây là quả vị thứ nhì của nội phàm vị. Trong cấp bậc này hành giả vẫn tu tập thập lục hạnh tướng của noãn vị nhưng thâm cứu hơn.

Hành giả chứng được đỉnh vị dù có làm ác nghiệp, bị đầy xuất ác đạo thì cũng không lâu, thiện căn trong họ không mất.

138/. Nhẫn vị (忍位, Phạm: ksanti): Đây là quả vị thứ ba của nội phàm vị, được chia làm ba nhóm nhỏ: 1) Hạ nhẫn vị, 2) Trung nhẫn vị, 3) Thượng nhẫn vị.

1) Hạ nhẫn vị (下忍位, Phạm: mrdu ksanti):  Tu hành 16 hạnh tướng của tư đế của sắc giới và vô sắc giới và tiếp tục tu hành 16 hạnh tướng của tứ đế của dục giới, tổng cộng là 32 hạnh tướng của tứ đế.  Thứ tự tu hành trước sau được đánh số từ số 1 đến số 32, tu hành từ số một trước từ từ lên đến số 32. Xin xem bản tóm tắt trên đây.

2) Trung nhẫn vị (中忍位, Phạm: Madhya ksantih) : Trung nhẫn vị tu hành rất dài và khá phức tạp, vẫn tu tập 32 hạnh tướng của tứ đế, nhưng phải tu tập 31 vòng gọi là chu (周).  Rồi lại phải theo luật giảm duyên giảm hạnh (减缘减行), nghĩa là tu tập được bao nhiêu vòng thì bỏ duyên nào đi, tu tập được bao nhiêu vòng thì bỏ hạnh nào đi. Theo luật này thì có 7 vòng trong đó mỗi vòng bỏ một duyên và một hạnh, và  có 24 vòng mỗi vòng bỏ một hạnh.  Thứ tự bỏ các duyên và các hạnh thì theo thứ tự đánh số ở 2 bản ghi trên đây, bỏ từ số nhỏ cho đến số lớn. Khi tất cả các duyên và các hạnh đã bỏ hết chỉ còn một hạnh chót là hạnh thứ 32, thì hành giả đã đạt được đến cấp gọi là  nhị sát na (二剎那), trung nhẫn vị coi như viên mãn và hành giả đi vào thượng nhẫn vị. Hạnh thứ 32 có sách nói là khổ hạnh, có sách nói là không hạnh, có sách nói là phi thường hạnh, có sách lại nói là tùy căn cơn của hành giả mà nó có thể là một trong 4 hạnh của khổ duyên của dục giới. Điều mà các sách đều đồng ý nó là một hạnh của khổ duyên của dục giới. Hành giả đạt được đên thượng nhấn vị thì được cái phuc năm loại bất sanh (五种不生)

a. Sanh bất sanh: không bị tái sanh qua noãn sanh hay thấp sanh.

b. Xứ bất sanh: không bị sanh ở Vô tưởng thiên, Đại Phạm thiên xứ và Uất Đan Việt châu (欝單越, S. Uttarakuru), châu này ở phía bắc.

c. Không bị sanh ra có những tật hiểm nghèo như: nam căn bất thường, nam nữ căn lẫn lộn (hermaphroditism)…

d. Hưu bất sanh: Không sanh vào dục giới hưu thứ tám, sắc giới đệ nhị thiên.

e. Hoặc bất sanh: bất sanh kiến hoặc

f. Bất sanh vào các ác đạo.

3) Thượng nhẫn vị (上忍位, Phạm: adhimatra ksanti): Khi hành giả tu tập nốt hạnh thứ 32, khi đó hành giả đã chứng được cấp nhất sát na (一剎那) và hoàn tất thượng nhẫn vị và đi vào thế đệ nhất vị, lên kiến đạo vị và chứng được sơ quả.

139/. Thế đệ nhất vị (世第一位, Phạm: laukikagra-dharma): Đây là quả vị chót của phàm vị của Tạng giáo. Hành giả chứng được quả vị này sẽ được vào ly sinh vị (離生位), sẽ chứng được kiến đạo vị (見道位) và sau cùng được sơ quả vị, chuyển vào thánh vị. Đây là quả vị chót của hạng hữu lậu (有漏).

Hữu lậu: Chữ phạn là sasrava, thường trong Phật học gọi tắt là lậu. Chữ lậu (漏) trong Hán văn có nghĩa là rỉ ra, rò ra (Anh văn: leaking). Rò có thể từ trỏng ra ngoài, hay từ ngoài vào trong như mái nhà bị dột. Con người có 9 lỗ (tai, mắt, mũi, miệng, đường đại tiểu tiện), từ 9 lỗ này các chuyện xấu từ bên ngoài đổ vào bên trong con người, hay những cái xấu từ bên trong con người đổ ra ngoài, làm ô nhiễm tâm linh, thân thể của con người nên gọi là hữu lậu, trong y khoa có dùng danh từ bệnh lậu. Trong Phật học chữ hữu lậu tương đương với chữ phiền não. Hành giả phải tu trì đến thánh vị, đến cấp A la hán, bồ tát và chư Phật thì mới có thể ngưng chỉ những chuyện xấu từ bên ngoài rò vào trong mình và vào hạng vô lậu (無漏, Phạm: Asasrava). Chữ lậu và chữ vô lậu đượng dùng một cách rộng rãi trong Phật học. Chữ lậu thường chỉ phiền não, ô nhiễm, thuộc về tam giới, còn kiến và tư hoặc, mê muội, chưa giác ngộ, còn sai lầm…Chữ vô lậu thì ngược lại. Thí dụ: Trong Tư Thánh Đế: Khổ Đế và Tập Đế là nhân và quả của cõi mê lầm, là pháp hữu lậu; Diệt Đế và Đạo Đế là nhân và quả của cõi giác ngộ, thuộc về pháp vô lậu.

140/. Gia hạnh vị (加行位): hay tứ gia hạnh vị (四加行位). Quả vị gồm noãn vị, đỉnh vị, nhẫn vị, thế đệ nhất vị.  Tên dùng trong Đại Thừa tương đương với nội phàm vị hay tứ thiện căn của Tạng Giáo. Gia là chữ viết tắt của chữ gia tăng, hạnh là thiện hạnh. Gia hạnh vị: nghĩa là phải cố găng tăng thêm tu hành thân ý khẩu thiện hạnh.  Còn gọi là tứ thiện căn. (Tam Tạng Pháp Số)

141/. Thất phương tiện vị (七方便位): Phương là chữ viết tắt của chữ phương pháp. Tiện là chữ viết tắt của chữ tiện nghi. Đây là bảy phương pháp giúp chúng sinh đoạn trừ phiền não, hoặc nghiệp. Đây là tên khác của Tạng giáo phàm vị, còn gọi là thất hiền vị.

142/. Vô học (無學, Phạm: Asaiksa): Trong Tạng giáo, sơ quả, nhị quả, tam quả là cách hữu học quả vị, nghĩa là người tu hành còn phải tu tập học hành thêm. Quả vị thứ tư là A la hán quả là vô học quả vị đến đây sự tu tập đã viên mãn. ( Phật Học Thường Thức Từ Vị)

143/. Vô sanh (無生, Phạm: ajanita): Có nghĩa là không sanh không diệt. Từ dùng chỉ các vị A la hán hay cõi Niết Bàn.

144/. Sát tặc (殺賊, Phạm: arihat, ariham): Giết giặc. A la hán chữ Phạn là arhat hay arhan là do hai chữ Phạn ghép lại: Ari là giặc, hán là giết, vì vậy Hán văn dịch là sát tặc. Giặc ở đây là những kiến hoặc và tư hoặc nó đã cướp đi các công đức, trí tuệ của con người. A la hán là những vị có thể diệt trừ được, nên gọi A la hán là giết giặc (phiền não).

145/. Ứng cúng (應供, Phạn: arhat): Chữ arhat trong tiếng Phạn có nghĩa xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được thờ lạy, xứng đáng được kính trọng. Vì vậy Hán văn dịch là ứng cúng, ứng nghi (應儀), ứng chân (應真).  Chữ ứng ở đây là chữ tắt của chữ ứng cai (應該) nghĩa là xứng đáng, đáng phải. Ứng cúng là xứng đáng được cúng dường. Ứng nghi là xứng đáng được kính trọng bằng các nghi lễ. Ứng chân là chữ đầu tiên được dùng để dịch nghĩa chữ arhat ở cuối đời nhà Hán. Chữ chân ở đây là mượn từ Đạo giáo chữ chân nhân (真人), có nghĩa là người đắc đạo. Ứng chân có nghĩa là người đắc đạo đáng kính trọng.

146/. Hữu dư niết bàn (有餘涅槃, Phạn: Sopadhi-sesa-nirvana): Đây là một trong bốn loại Niết Bàn của đạo Phật:

a) Hữu dư Niết Bàn, b) Vô Dư Niết Bàn, c) Vô trụ Niết Bàn (無住涅槃), d) Tánh Tịnh Niết Bàn (性淨涅槃)

Một trong những giải thích về hữu dư niết bàn:  Đó là hành giả chứng được quả vị để vào Niết bàn nhưng vẫn còn sắc thân.  Như chư A la hán dù chứng được tứ quả, tất cả những kiến hoặc, tư hoặc đã tận diệt, tất cả những chủng tử của tham sân si, các phiền não đà đoạn trừ nhưng vẫn phải sống trên cõi đời này cho đến hết kiếp người đương mang vì phải chịu cái quả của kiếp trước còn lại. Cuộc sống trên cõi đời này sau khi chứng được tứ quả cho đến khi nhập diệt gọi là hữu dư Niết bàn. Nói tóm lại là hành giả đã đắc đạo nhưng còn sắc thân.

147/. Một trong những giải thích về Vô dư niết bàn (無餘涅槃, Phạn: nirupadhisesa nirvana): Đó là hành giả chứng được quả vị để vào Niết Bàn và không còn sắc thân nữa, nghĩa là đã nhập diệt, thì sẽ vào vô dư niết bàn.

148/. Cô điều giải thoát (孤調解脫):  Cô là cô độ, một mình. Chữ 調 trong Hán văn khi chuyển qua Việt văn nó có hai phát âm: 1) Điều là một chữ Hán Việt, như trong chữ điều hành. 2) Điệu là chữ Nôm, như trong chữ điệu bộ, yểu điệu… Chữ điệu ở đây có nghĩa là kiểu cách.  Cô điều giải thoát là giải thoát theo cách một mình. Mình tu hành là để độ mình mà không độ người khác, tự độ không có tha độ.

149/. Thức (識): Trong bài này đang nói về cái thức khi chết và khi đầu thai. Câu kệ của bát thức có nói rằng: Đi sau đến trước làm chủ nhân (去後來先作主翁 khứ hậu lai tiên tác chủ ông) nghĩa là A lại da thức là cái thức chót rơi khỏi thân thể con người trước khi chết, là cái thức đầu tiên đi vào bào thai khi thụ thai. Sau khi thức rời khỏi cái thân thể đang chết, nó sẽ chuyển vào một cái thân thể tạm gọi là trung ấm thân (Anh: shuttle body) và nó sẽ đợi đến khi có đôi vợ chồng có những nghiệp quả đúng với những nghiệp quả của mình thì cái thức sẽ rời khỏi trung ấm thân để vào thai nhi. Trong trung ấm thân cũng có thức số 6, thức số 7, là vì hai thức này là hai thức quyết định sự chọn lựa và đầu thai, A lại da thức nhiều chỗ được giải thích là cái kho tàng trữ của các thức. Tuy nhiên, theo tôn sư của Thiên Thai Trí Giả là ngài Nam Nhạc Tuệ Tư, thức này được giải thích vô cùng thâm viễn như sau: “Bồ tát sơ phát tâm nhận biết có hai loại thức: thứ nhất là chuyển thức, còn gọi là giác tuệ, biết rõ tất cả pháp, dùng trí tuệ mà giải thích không sai trái. Thứ hai là tàng thức, sâu dày không đổi. Phương Tây bảo rằng là thức A lại da, đây cũng có tên là Phật tánh, cũng gọi là tự tính thanh tịnh tàng, cũng là Như Lai tàng. Nếu [có người] tùy thuận với sự [tướng] thì đó là bản tánh của trí tuệ. Khi nhận biết tường tận các pháp thì đó là tự tánh thanh tịnh tâm. Thức với tâm, hai cái dụng mỗi khác. Sáu thức của người phàm gọi là thức phân biệt, tùy theo nghiệp mà thọ quả báo trời, người hoặc thú. Bồ tát chuyển thức thứ bảy thì có thể chuyển được tất cả ác nghiệp đưa đến sanh tử, đó chính là Niết Bàn. Hiểu rõ được sáu thức phân biệt của phàm phu, thời không dời đổi, chính đó là tàng thức. Bảy thức này gọi là trí kim cang có thể phá tất cả kết tập của vô minh, phiền não, tức là Phật pháp. Ví như một vị tướng tài giỏi có khả năng hàng phục oán tặc khắp bốn phương, quốc gia yên định, đều vì người. Thức thứ bảy cang cường như kim cương đoạn được các pháp thì cũng như vậy. Tàng thức giả danh là thức thứ tám theo bờ sanh tử đến với Phật đạo. Phàm thánh, ngu trí chưa hề sai khác. Sâu rộng như hư không, cũng không dơ không sạch. Sinh tử, Niết bàn không một cũng không hai. Dù rằng chỉ là giả danh nhưng thật sự bất khả đắc.” (Trích Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa, Giáo sư Daniel Stevenson & Híroshi Kanno biên sọan, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, nxb Đông Phương, 2012)

150/. Danh sắc (名色): Trong bài này có chú giải danh là tâm, nghĩa là tâm thức, A lại da thức. Sắc ở đây là thể chất, là thể chất của cha mẹ kết hợp lại mà ra. Theo kinh Bồ Tát Xứ Thai Kinh (菩薩處胎經): Thai nhi từ khi thụ thai đến khi được 35 ngày là trong giai đoạn danh sắc.

151/. Lục Nhập (六入): Thai nhi lớn lên trong bụng mẹ, đến tuần thứ 6 hay tuần thứ 7 thì lục căn (tay, chân, mắt, mũi, tai, miêng…) bắt đầu được tạo ra, cho đến tuần thứ 19 thì hoàn bị. Cho đến tuần thứ 38 thì được sanh ra. Đức Phật đúng là bậc nhất thiết trí, trước đây mấy ngàn năm, khi y học còn thô sơ, trong Bồ Tát Xứ Thai Kinh ngài đã nói những điều gần y học ngày nay nói.

152/. Tập khí (習氣, Phạm: Vasana): Tập là chữ viết tắt của chữ tập quán (習慣), nghĩa là những thói quen. Khí đây là chữ tắt của chữ khí phân (氣分) hay tàn khí (殘氣), có nghĩa hơi hám. Tập khí là những thói xấu hay tốt do thói quen để lại. Trong trường hợp thói xấu, mặc dầu đã từ bỏ những thói xấu đó đi rồi nhưng hành giả vẫn còn hơi hám của cái xấu. Lấy thí dụ: Một cái bình đựng rượu, mặc dầu đã đổ hết rượu đi, đã rửa sạch bình, nhưng ngửi bình thì vẫn còn mùi rượu.

Theo đạo Phật Đại Thừa thì kiến hoặc, tư hoặc  hay các vọng hoặc đều có 3 thành phần: Chủng tử nằm trong A lại da thức, hiện hành (現行) là hành động do chủng tử nẩy sinh ra, và tập khí, mùi hơi hám hay hương thơm do chủng tử và hiện hành để lại. Các vị Thanh văn đoạn trừ được chủng tử và hiện hành, không đoạn trừ được tập khí. Các vị Duyên giác đoạn trừ một phần nào của tập khí, chư Phật đoạn trừ hoàn toàn các tập khí.

Tập khí lại được chia làm biệt tập khí (別習氣) và thông tập khí (通習氣). Biệt tập khí là những tập khí do từng loại phiền não chướng (tham, sân, si, mạn, nghi) gây ra.Thông tập khí là tập khí tổng quát của cả phiền não chướng và sở tri chướng gây ra.

Theo Duy Thức Tông tập khí có nghĩa là chủng tử tàng trữ trong A Lại da thức. Duy thức Tông chia tập khí làm ba loại: (vì sự hạn hẹp của bài này, nên chỉ liệt kê bản phân loại mà không đi vào chi tiết)

a) Danh ngôn tập khí (名言習氣): Danh ngôn tập khí lại được chia làm hai loại: Biểu nghĩa danh ngôn tập khí (表義名 言) và hiển cảnh danh ngôn tập khí (顯境名言). Còn một lọai tập khí rất gần với danh ngôn tập khí gọi là đẳng lưu danh ngôn tập khí (等流名言, Phạn: Nisyanda-vasana)

b) Ngã chấp tập khí (我執習氣, Phạn: atma-graha-vasana). Ngã chấp tập khí lại được chia làm hai loại: Câu sinh ngã chấp tập khí (俱生我執) và phân biệt ngã chấp tập khí (分別我執).

c) Hữu chi tập khí (有支習氣, Phạm: bhavavga), còn gọi là nghiệp tập khí (业习气).

Kinh Hoa Nghiêm quyển 40 lại kể 10 loại tập khí tốt do thiện căn sinh ra. 1) Bồ đề tâm tập khí (còn gọi là bổn khí本氣), 2) Thiện căn tập khí (thánh hạnh khí 聖行氣), 3) Giáo hóa chúng sinh tập khí (Hạ hóa下化), 4) Kiến Phật tập khí ( 上見thượng kiến), 5) Thọ sinh ở thanh tịnh thổ tập khí (受生thọ sinh), 6) Bồ tát hạnh tập khí (大行Đại hạnh), 7) Đại nguyện tập khí (十愿thập nguyện),  8) Ba la mật tập khí (十度thập độ), 9) Xuất sinh bình đẳng tập khí ( 理習Lý tạp), 10) Chủng chủng phân biệt cảnh giới tập khí (量習lượng tạp).

153/.Tứ hoằng nguyện (四 弘願):  Còn gọi là tứ hoằng thề, tứ hoằng thề nguyện. Đây là bốn điều thệ nguyện của chư bồ tát, chư Phật. Bốn điều thề nguyện này có dựa theo Tứ Diệu Đế. 1) Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ (衆生無边誓願度), 2) Phiền não vô số thệ nguyện đoạn (烦腦無數願断), 3) Pháp môn vô tận thệ nguyện học (法門無盡願學), 4) Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành (佛道無上願成).

154/. Lục độ (六度, Phạn: Sat-paramita ): Phiên âm từ tiếng Phạn là lục ba la mật (六波羅蜜). Paramita có nghĩa là đưa qua bên kia sông, ở đây có nghĩa đưa qua bể khổ của vòng sinh tử, vì vậy Hán văn dịch nghĩa là độ. Lục độ là sáu pháp môn giúp hành giả tu trì để thoát khỏ vòng sinh tử để đến bờ giác. Sáu pháp môn đó là: 1) Bố thí (Phạn: Dana), 2) Trì giới (Phạn: Sila), 3) Nhẫn nhục (Phạn: Ksanti),  4) Tinh tiến (Phạn: Virya),  5) Thiền định (Phạn: dhyana), 6) Trí tuệ (Phạn: Prajna).

155/. Các loại tướng hảo (種相好Chủng tướng hảo): Chủng tướng hảo là do hai danh từ ghép lại: Tam thập nhị tướng (三十二相, Phạn: dvatrimsan maha-purusa-laksanani) và bát thập chủng hảo (八十种好, Phạn: Asity-anuvyanjanani ), gọi tắt là chủng tướng hảo.

Chữ tướng và chữ hảo có khác nhau. Tướng là cái gì nhìn thấy trên thân thể con người thì gọi là tướng. Trên sắc thân của Đức Phật có 32 cái tướng tốt.

Hảo là hình dáng nhân từ, cung cách từ bi, vẻ oai nghi, làm cho người tiếp xúc cảm thấy an lạc, ấm cúng,  thiện cảm, cung kính… Đức Phật có 80 loại hảo này. 

156/. Cổ Thích Ca Phật (古釋迦佛): Đó là tên chung để chỉ tất cả chư Phật trong quá khứ. (Tam Tạng Pháp Số)

157/. A tăng kì (阿僧祇, Phạm: Asajkhya): Đây là tiếng phiên âm của chữ Phạn Asajkhya, có nghĩa là một con số lớn đến không thể đếm được. Một a tăng kì là một nghìn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu (vạn vạn là một ức, vạn ức là một triệu). Theo Đại Tì Bà Sa Luận (大毘婆沙論) quyển số 177 thì có ba loại a tăng kì: 1) Kiếp a tăng kì (劫阿僧企耶): Nếu lấy một đại kiếp là đơn vị, thì kiếp a tăng kì là vô số kể đại kiếp. 2) Sinh a tăng kì (生阿僧企耶): Một kiếp là có vô số lần sinh, nếu lấy số những lần sinh của một kiếp làm đơn vị, thì sinh a tăng kì là con số của vô lượng số lần sinh. 3) Diệu hạnh a tăng kì (妙行阿僧企耶). Nếu lấy số diệu hạnh làm trong một đời làm đơn vị thì diệu hạnh a tăng kì là con số của vô tận số diệu hạnh.(Pháp Tướng Từ Điển Đại Toàn)

158/. Tứ ác thú (四惡趣): Đó là đạo địa ngục, ma đói, súc sinh, và A tu la

159/. Thích Ca Văn Phật (釋迦文): Tên phiên âm khác của Thích Ca Mâu Ni Phật (Phật học Tự Điển của Đinh Phúc Bảo).

160/. Thi Tỳ Vương (尸毘王, Phạn: Sibi): Chuyện kể ở nhiều kiếp trước, Đức Phật là Thi Tỳ Vương, Ngài vì cứu con chim câu khỏi bị con ó ăn  thịt, đã  thẻo thịt mình để đổi mạng con chim câu. Con chim câu thật ra là thần Agni hóa thành, con ó là Đế Thích Thiên chủ Indra hóa thành, hai vị này muốn đến để thử tâm bố thí của vua Sibi. Câu chuyện này được kể rất nhiều trong các kinh bổn sinh của Đức Phật, Kinh Hiền Ngu quyển 1, Bồ Tát Bản Sinh Mạn Luận kinh… Trong Lục Độ Tập kinh quyển 1 thì kể câu  chuyện như trên nhưng tên vị vua là Tát Bà Đạt (薩婆達, Phạm: Sarvadatta ). Chữ Sarvadatta có nghĩa là bố thí tất cả, có lẽ không phải là tên của nhà vua. Trong kinh Bách Duyên cũng có kể câu chuyện vua Sibi nhưng hơi khác, trong chuyện con ó đến xin nhà vua bố thí đôi mắt để ăn, không có con chim câu.

Theo sách Phật Quốc Ký của sư Pháp Hiển  thì câu chuyện này xẩy ra ở nước Tú A Đa (宿呵多, Phạm: Swat) vì nơi đó còn có di tích của  chuyện này. Theo sách Đại Đường Tây Vực Ký của pháp sư Huyền Trang  thì câu chuyện xẩy ra ở nước Ô Trượng Na (烏仗那, Phạn : Udyana), Vùng này cũng rất gần Tú A Da và có nhiều di tích về chuyện bản sinh của Đức Phật trong đó có câu chuyện vua Sibi. Bố thí như Thi Tỳ Vương thật là viên mãn.

161/. Vua Phổ Minh (普明王): Kinh Nhân Vương kể chuyện vua Phổ Minh, Kinh Trí độ Luận quyển 4 kể cùng một câu chuyện nhưng với tên vua là Tu Đà Tu Ma (须陀须摩). Tạng kinh Pali kinh số 537 Maha Sutasoma jataka cũng kể câu chuyện này với vị hoàng tử tên là Sutasoma. Như vậy Tu Đà Tu Ma phải là tên phiên âm, Phổ Minh là tên dịch nghĩa của chữ Pali Sutasoma.

Chuyện kể ở nhiều kiếp trước Đức Phật là vua Phổ Minh, Ngài bị vua ác Lộc Túc Vương (鹿足王, Phạn: Kalmasapada) bắt để ăn thị. Ngài xin Lộc Túc Vương cho Ngài về nước 7 ngày để lo việc ngài hứa giúp các tăng già và trao việc nước cho thái tử, sẽ trở lại nộp minh cho ác vương ăn thịt. Đến kỳ hẹn Ngài ra đi, quốc dân, cận thần khuyên Ngài ở lại, nhưng Ngài thà chết không muốn phạm giới nói dối. Khi Ngài về nộp mình với ác vương, ác vương vô cùng cảm động, tha tất cả các người và quy y chánh pháp. Trì giới như Vua Phổ Minh thật là viên mãn.  (Phật Học Đại Từ Điển, Digital Dictionary of Buddhism Charles Muller, Bai Du Bách Khoa Tự Điển)

162/. Sạn Đề tiên nhân (羼提仙人, Phạn: Ksanti vadirsi): Ksanti nghĩa là nhẫn nhục, vì vậy tên còn được dịch là Nhẫn Nhục tiên nhân. Câu chuyện này được kể trong Kinh Hiền Ngu quyển 2, Đại Trí Độ Luận quyển 14…Chuyện kể ở nhiều kiếp trước Đức Phật là Nhẫn Nhục tiên nhân tu hành trong một rừng nọ, vua Già Lê (迦梨, Phạn: Kali) của nước Ba La (波罗) cũng  cùng các cung phi vào rừng du chơi. Vua đi ngủ, các cung phi đi chơi gặp Nhẫn Nhục Tiên Nhân, nghe người thuyết pháp. Vua tỉnh dậy thấy và nổi ghen, chém tay chân tiên nhân. Vua hỏi tiên nhân còn nhẫn nhục không? Tiên nhân bảo vẫn nhẫn nhục, để chứng minh lòng nhẫn nhục và tha thứ, máu chảy ra sẽ hóa thành sữa, chân tay sẽ liền lại. Vua sợ và hối cải. Tiên nhân bảo mai kia khi thành Phật vua sẽ là người được độ đầu tiên. Theo kinh Hiền Ngu, San Đề Già Lê phẩm: Thì người được Đức Phật độ đầu tiên là A Nhã Kiều Trần Như (阿若憍陳如, P.: Ajnatakaundinya). Tôn giả ở nhiều kiếp trước chính là vua Kali.

Theo sách Tây Vực Ký của thầy pháp sư Huyền Trang ghi lại thì nơi vua Kali chặt chân tay Nhẫn Nhục tiên nhân là nơi người sau dựng  tháp xã lợi lớn ở phia đông của thành phố Măng Yết li (瞢羯厘城, Phạn: Mung Ali). Nhẫn nhục đến như Sạn Đề tiên nhân thật là viên mãn. ( Kinh Hiền Ngu San Đề Già Lê phẩm, Kinh tạng số 2121, Tự Điển Bách Khoa Bai Du).

163/. Đại Thí Thái Tử (大施太子): Tên tiếng Phạn là Maha Atyaagavan, nghĩa là đại bố thí. Tên này cũng được phiên âm ra Hán văn là Ma Ha Đồ Già Phiền (摩訶闍迦樊), cả hai tên đều được dùng trong các kinh điển Hán văn.

Câu chuyện được kể trong kinh Hiền Ngu phẩm Đại Thi Trữ hải duyên: Ở nhiều kiếp trước, Đức Phật là thái tử của một nước nọ, Ngài tên là Đại Thí thái tử. Một năm nước bị hạn hán, dân tình đói khổ, Thái Tử lấy tiền trong ngân khố bố thí chúng sinh đến gần hết ngân khố. Vua giận, đuổi thái tử ra khỏi hoàng cung. Thái Tử vẫn tiếp tục bố thí và nghĩ đến đi tìm mượn ma ni bảo châu của Long Vương để hóa ra nhiều tài vật tiếp tế chúng sinh. Hải Thần thương tình thiện nguyện của Thái Tử, bèn vào Long Cung đánh cắp bảo châu cho Thái Tử. Thái tử bố thí hăng hái hơn. Sau Long Vương phát giác bảo châu bị đánh cắp bèn đến đòi lại. Thai Tử sau quyết tâm dùng gầu để tát cạn nước biên để gặp Long Vưong mượn bảo châu, Thái Tử làm việc đến ngất xỉu. Tứ Đại Thiên Vương thấy vậy bèn ra tay giúp đỡ, dùng thần thông tát cạn nước biển. Long Vương hoảng sợ, bèn cho Thái Tử mượn bảo châu để đi bố thí người nghèo. Tinh tiến đến như Đại Thí Tái Tử thật là viên mãn. (Kinh Hiền Ngu, Phật Học Đại Từ Điển Đinh Phúc Bảo)

164/. Đức Phật Phất Sa (弗沙佛): Tiếng Phạn là Tisya, tiếng Pali là Tissa. Anh văn dịch là Pusya Buddha, có lẽ phiên âm từ Hán văn. Theo Dĩ Lạc Kinh Du Ý quyển 1 và Câu Xá Luận quyển 80 có kể về Đức Phật Phất Sa gặp bồ tát Thích Ca.

Đức Phật Phất Sa là một vị tinh tú trên trời, tên là sao Sí Thịnh (熾盛宿Sí Thịnh tú). Ngài sanh ra dưới ngôi sao Phất Sa nên gọi là Phất Sa Phật. Ở rất nhiều kiếp trước, Ngài gặp hại vị bồ tát, bồ tát Thích Ca và bồ tát Di Lạc. Ngai xem xét tâm của bồ tát Thích Ca, thấy tâm của ngài chưa thuần thục, nhưng tâm của các đệ tử của ngài thì lại thuần thục hết. Bồ Tát Di Lạc thì tâm rất thuần thục, nhưng tâm của đệ tử thì hoàn toàn chưa thuần thục. Từ đó Ngài nghĩ Bồ Tát Thích Ca cố giúp người hơn là giúp mình, giúp chúng sinh thành đạo là khó, tự mình thành đạo thì dễ hơn,  nên Ngài muốn bồ tát Thích Ca thành đạo sớm để giúp chúng sinh. Lúc đó Bồ tát Thích Ca là một tiên nhân ngoại đạo lên rừng hái thuốc. Phất Sa Phật bèn vào một cái động trong một núi tuyết, nhập hỏa giới định, cả động sáng chói để đợi bồ tát Thích Ca. Bồ tát Thích Ca khi thấy Phật Phất Sa trong động, Ngài vô cùng hoan hỷ, đứng một chân, chắp tay lạy, mắt không nháy trong 7 ngày 7 đêm, làm kệ tán thán Phất Sa Phật. Vì vậy Ngài được thành Phật trong 91 kiếp, sớm hơn 90 kiếp dự định.

165/. Thượng Xà Lệ tu sĩ (尚闍黎 ): Theo Trí Độ Luận quyển thứ 17, Ở rất nhiều kiếp trước, Đức Phật là một vị tu sĩ tên là Thượng Xà Lệ. Vì Ngài có cái búi tó có hình con ốc nên còn gọi là  Loa Kế tiên nhân (螺髻仙人). Loa là con ốc, kế là búi tó.

Ngài rất tinh tiến, vào trong rừng thiền định, mỗi lần nhập định là nhiều ngày. Một con chim đến đậu trên đầu Ngài và đẻ một quả trứng trên cái búi tó của Ngài. Khi Ngài xuất định thấy có một quả trứng chim trên đầu, Ngài không dám động đậy sợ chim mẹ biết là đây không phải là cây và sợ không dám trở lại ấp trứng.  Ngài liền nhập đệ tứ thiền, ngưng thở và thiền định như vậy ba tháng đến khi chim con nở,  biết bay và mẹ con bay đi trong bình an, Ngài mới xuất định ốm yếu, biến mất trong làn gió mát. Vì Ngài có tổ chim trên đầu nên Ngài còn được gọi là Đỉnh Sào (顶巢). Đỉnh là đầu, sào là tổ chim, đỉnh sào có nghĩa đầu đội tổ chim. Thiền định đến như Loa Kế tiên nhân thật là viên mãn.

(Tam tạng Pháp Số, Phật Quang Điện Tử Đại Tự Điển, Đại tạng kinh số 620 Pháp Hóa Kinh Đại Thành Âm Nghĩa )

166/. Đại thần Cù Tần (劬嬪): Còn gọi là Cù Tần Đà (劬嬪陀), tên tiếng Phạn là Kapphina. Trí Độ Luận quyển 4 kể lại: Ở nhiều kiếp trước Đức Phật là Bà La Môn đại thân Cù Đà. Các nước tranh chấp đất đai và muốn dùng võ lực giải quyết.  Ngài đã khôn khéo chia Diêm Phù Đề châu thành 7 phần cho bảy nước và dẹp được những nguy cơ đại chiến.  Trí tuệ đến như đại thần Cù Tần thật là viên mãn. (Phật Học Đại Từ Điển Đinh Phúc Bảo, Đại Chánh Đại Tạng Kinh số 1509 Đại Trí Độ Luận)

167/. Tam thập tứ tâm (三十四心):  Gồm có

A) Bát nhẫn (八忍, Phạn:  Asta ksanti)

A1. Khổ pháp nhẫn: Đây là cái nhẫn khi quán các pháp về khổ đế trong dục giới. (P.: duhkhe dharma jnana ksantih)

A2. Khổ loại nhẫn:  Đây là cái nhẫn khi quán các pháp về khổ đế trong sắc giới và vô sắc giới.(P.: duhkhe’nvaya jnana ksantih)

A3. Tập pháp nhẫn: Đây là cái nhẫn khi quán các pháp về phiền não của tập đế trong dục giới.

A4. Tập loại nhẫn: Đây là cái nhẫn khi quán các pháp về phiền não của tập đế trong sắc giới và vô sắc giới.

A5. Diệt pháp nhẫn: Đây là cái nhẫn khi quán các pháp về diệt đế trong dục giới.

A6. Diệt loại nhẫn: Đây là cái nhẫn khi quán các pháp về diệt đế trong sắc giới và vô sắc giới.

A7. Đạo pháp nhẫn: Đây là cái nhẫn khi quán các pháp về đạo đế trong dục giới.

A8. Đạo loại nhẫn: Đây là cái nhẫn khi quán các pháp về đạo đế trong sắc giới và vô sắc giới.

B) Bát trí (八智, Phạn: asta jnana):

B1. Khổ pháp trí: Đây là cái trí do đoạn trừ kiến hoặc sinh ra khi quán các pháp về khổ đế trong dục giới.

B2. Khổ loại trí: Đây là cái trí do đoạn trừ kiến hoặc sinh ra khi quán các pháp về khổ đế trong sắc giới và vô sắc giới.

B3. Tập pháp trí: Đây là cái trí do đoạn trừ kiến hoặc sinh ra khi quán các pháp về tập đế trong dục giới.

B4. Tập loại trí: Đây là cái trí do đoạn trừ kiến hoặc sinh ra khi quán các pháp về tập đế trong sắc giới và vô sắc giới.

B5. Diệt pháp trí: Đây là cái trí do đoạn trừ kiến hoặc sinh ra khi quán các pháp về diệt đế trong dục giới.

B6. Diệt loại trí: Đây là cái trí do đoạn trừ kiến hoặc sinh ra khi quán các pháp về diệt đế trong sắc giới và vô sắc giới

B7. Đạo pháp trí: Đây là cái trí do đoạn trừ kiến hoặc sinh ra khi quán các pháp về đạo đế trong dục giới.

B8. Đạo loại trí: Đây là cái trí do đoạn trừ kiến hoặc sinh ra khi quán các pháp về  đạo đế trong sắc giới và vô sắc giới.

C) Cửu vô ngại đạo (九無礙道),

D) Cửu giải thoát đạo (九解脫道). 

C) Cửu Vô ngại đạo (九無礙道):  Tiếng Phạn là navanantarya marga. Đó là cái đạo, cái phương cách dùng để tu quán và đoạn trừ tư hoặc không một ngăn trở trong tam giới. Tam giới gồm 9 địa vì vậy có 9 đạo.  Dục giới là một địa, sắc giới gồm 4 địa : Sơ thiền thiên, nhị thiền thiên, tam thiền thiên và tứ thiền thiên, vô sắc giới gồm 4 xứ: Không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ.  Xin xem phần 81 phẩm tư hoặc.

E) Cửu giải thoát đạo, tiếng Phạn là navasv  anantarya  margesu. Đó là cái đạo đưa đến cái hoàn cảnh, cái tâm trạng, cuộc đời không còn bị ràng buộc bởi tư hoặc, một tình trạng tự tại. Trong tam giới có cửu địa, mỗi địa có một đạo như vậy. Đó là 9 giải thoát đạo.

Bát nhẫn và bát trí dùng để đoạn trừ kiến hoặc. Cửu vô ngại đạo và cửu giải thoát đạo dùng để đoạn trừ tư hoặc.

168/. Trượng sáu liệt ứng thân Phật (劣應丈六身佛liệt ứng trượng lục thân Phật): Thường kinh sách tả Đức Phật “trượng lục kim thân” . Một trượng của đời nhà Hán bằng 2.31 meters ngày nay, một trượng của Trung Quốc  ngày nay bằng 3.3 meters. Như vậy chiều cao của Đức Phật là một trượng sau có thể là 3.69 m hay 5.26 m. Nguyên nhân của sự sai lầm này là do sự xuất xứ của câu “trượng lục kim thân”. Trong sách Hậu Hán Thư, chương Tây Vực Truyên Thiên Trúc kể: Vua Hán Minh Đế (58AD-75AD), một đêm nằm mơ thấy một vị thần sáng như vàng cao  trượng sáu. Nhà vua sau đó hỏi quần thần vị thần này là ai. Quần thần tâu là Phật ở vùng Tây Vực. Hán Minh Đế bèn cử một phái đoàn  đi thỉnh kinh, đó là chuyện bạch mã thỉnh kinh và bắt đầu chuyện dịch kinh Phật,  mở ra thiên sử của Phật giáo đại thừa của vùng Viễn Đông. Từ đó Đức Phật cao trượng lục kim thân trong giấc mơ của Hán Minh Đế đã trở thành hình ảnh của Đức Phật trong các kinh điển Hán văn, hình ảnh này hoàn toàn không có thật. Chiều cao của Đức Phật là chiều cao bình thường của nam giới ở vùng bắc Ấn Độ ở thời đó.

Ứng thân, tiếng Phạn là niramanakaya. Chữ ứng ở đây là chữ viết tắt của chữ đáp ứng. Ứng thân có nghĩa là cái thân thể mà Đức Phật hóa hiện ra để đáp ứng với căn cơ của chúng sinh để cứu độ chúng sinh. Chữ sắc thân (色身, Phạn: rupakaya) hay chữ nhục thân (肉身) hay nhục thể (Anh văn: Physical body) có khác với chữ ứng thân vì những thân này không phải vì đáp ứng với sự cứu độ chúng sinh mà sinh ra nhưng là cơ thể của người thường.

Pháp thân của Đức Phật là Lư Xá Na Phật (盧舍那, Phạn: Vairocana), hay dịch nghĩa là Đại Nhật Như Lai (大日如來 , Phạn: Mahavairocana) , Ánh sáng của Ngài chiếu sánh khắp vũ trụ, vì Ngài xuống thế để cứu độ chúng sinh nên phải mang cái thân thể của con người, chịu đau ốm, đói khát, chịu sinh chịu tử nên gọi là liệt ứng thân. Liệt có nghĩa là xấu.

169/. Tam chuyển pháp luân (三轉法輪): Luân (輪) là cái bánh xe, tiếng Phạn là cakra, là một công cụ. Trong văn hóa Ấn Độ nó lại là một võ khí không ai thắng nổi vì nó được kể trong một chuyện thần thoại cổ:  Thuở xa xưa có một vị vua được trời ban cho một cái bánh xe bằng vàng có đầy phép lạ. Với bánh xe này ngài đè bẹp mọi địch thủ và thống trị thế giới với lòng nhân từ, lập ra một thánh triều, tiếng Phạn gọi là sarvabhauma, nhà vua đó được gọi là chuyển luân thánh vương, tiếng Phạn là cakravartin. Từ đó bánh xe có nghĩa là võ khí vô địch, là khả năng làm thay đổi, là khả năng thắng mọi địch thủ. Vì Phật pháp là pháp thắng được tất cả các tà kiến, tà tính, tà đạo của con người nên được gọi là pháp luân(法輪), tiếng Phạn dharmacakra.

Chuyển pháp luân. Theo kinh Dhammacakkappavattana Sutra của Tạng  kinh Pali thì khi Đức Phật giảng Tứ Diệu Đế và Bát chính đạo ở Lộc Uyển, thiên thần đã kêu lớn lên rằng  Đấng Chí Tôn đã chuyển pháp luân tại Lộc Uyển, và không ai có thể ngăn cản  lại  được.

Chuyển pháp luân được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nó có thể chỉ những thời điểm Ngài đưa ra tam thừa:  Theo Đạo Phật Nguyên Thủy thì Đức Phật chỉ chuyển pháp luân có một lần ở Lộc Uyển, giảng về đạo Phật Nguyên Thủy. Theo đạo Phật Đại Thừa thì Đức Phật chuyển pháp luân đến ba lần: Lần thứ hai ở đồi Linh Thưu (灵鹫山, Vulture Peak Mountain, Phạm: Griddhraj Parvat) ở Rajagriha, Ngài giảng về kinh Pháp Hoa, về bồ tát đạo, về Đại Thừa. Lần thứ ba Ngài chuyển pháp luân ở Shravasti (?) Giảng về Như Lai Tạng kinh (如來藏經) và những kinh khác, giảng về Kim Cương Thừa.

Tam chuyển pháp luân cũng được hiểu như những giai đoạn giảng dạy khác nhau của Đức Phật, vì vậy có :

1) Tam Luân Giáo (三轮教): a) Chuyển pháp luân (轉法轮), b) Chiếu pháp luân (照法轮), c) Trì pháp luân (持法轮).

2) Pháp Tướng Tông lại đưa ra thuyết Tam Pháp Luân (三轮教): a) Hữu tướng pháp luân, b) Vô tướng pháp luân, c) Vô thượng pháp luân.

3) Sư Trí Quang (智光 Jnanaprabha) lại chia ba thời kỳ giảng dạy của Đức Phật là: a) Tiểu Thừa: Dựa vào tâm hữu cảnh hữu, b) Đại thừa: dựa vào cảnh không tâm hữu, c) Vô tướng đại thừa (無上大乘 Madhyamaka) dựa vào cảnh tâm đều không.

4) Tam chuyển pháp luân cũng được hiểu như ba đề mục chính của một kỳ chuyển pháp luân ở Lộc Uyển của Đức Phật, đó là điều nói đến trong bài Tứ Giáo Nghi này. a) Thị chuyển pháp luấn (示轉法轮): Đó là Ngài giảng về Tứ Đế.  b) Khuyến chuyển pháp luấn (勸轉法轮): Là Ngài khuyên bảo các tỳ kheo khổ là như vậy, nên đi tìm căn nguyên của khổ, nên đi diệt trừ căn nguyên để hết khổ…c) Chứng chuyển pháp luấn (證轉法轮): Ngài nói về chính bản thân Ngài đã làm thế nào để đi đến diệt trừ được các căn khổ.

170/. Tam căn (三根性):  Đó là những hành giả có căn cơ Thanh Văn, căn cơ Duyên Giác và căn cơ Bồ Tát. 

171/. Các quả vị khác nhau: Thanh văn chứng được A la hán quả vị,  Duyên Giác chứng được  Bích chi Phật quả vị, Bồ tát chứng được bồ tát quả vị của Tạng giao.

172/. Thiên chân Niết Bàn (偏真涅槃): Thiên (偏) có nghĩa là lệch, nghiêng, không hoàn toàn. Thiên chân có nghĩa là chưa phải là cái thật hoàn toàn.  Thiên chân Niết Bàn: Trong kinh Pháp Hoa Hóa Thành Dụ, phẩm thứ 7:  Đường đi đến Bảo sở xa, khó và đầy nguy nan, vì vậy Phật với lòng từ bi, thương chúng sinh mệt nhọc nên tạo ra Hóa Thành để cho chúng sinh nghỉ chân trước khi lên đường đi đến Bảo Sở. Ở đây có nghĩa Tạng Giáo chứng được cái Niết Bàn chỉ mới là cái Niết Bàn tạm, nên gọi là Thiên chân Niết Bàn ( Kinh Pháp Hoa phẩm thứ 7, Phật Học Đại Từ Điển)

173/. Vô ngôn thuyết đạo (無言說道): Ngôn ngữ cũng là do nhân duyên sinh ra, nhân duyên vô thường, tánh và thể là không, tướng là giả. Lấy cái giả để diễn đạt cái cảnh giời, cái đạo lý của chân thực thì không thể diễn đạt được. Vì vậy cả ba người (Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát) đều ngộ cái chân thật lý, cái vô tư nghị cảnh giới này không phải bằng ngôn ngữ, gọi là vô ngôn thuyết đạo. Kinh Anh Lạc quyển hạ nói rằng: Cứu cánh chân lý, ngôn ngữ không thể diễn đạt được, tâm niệm cũng không thể nghĩ đến được (Anh Lạc kinh quyển hạ: Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt 瓔珞經卷下:言語道斷,心行處滅.) ( Phật Học Đại Từ Điển)

174/. Thể sắc nhập không (體色入空): Hành giả của Đại Thừa thể nghiệm được nhân duyên sinh pháp, pháp sinh tướng. Nhân và duyên vô thường, vì vậy tánh của pháp là không, tướng do pháp sinh ra đều là giả. Vì vậy tất ca pháp và tướng đều là không. Đây là cách hiểu đạo không của Đại Thừa (Phật Quang Điện tự Đại Từ Điển)

175/. Thập địa (十地, Phạn: dasa bhumi): Trong Đại Thừa  tu bồ tát đạo gồm những cấp vị sau đây: Thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, và thập địa. Tên và trình độ của những quả vị này tùy theo kinh và môn phái khác nhau. Trí Giả đại sư giảng thập địa là dựa vào thập địa của Ma Ha Bát Nhã Ba la Mật kinh và Đại Trí Độ Luân. Gồm có: 1) Kiền tuệ địa, 2) Tính địa, 3) Bát nhân địa, 4) Kiến địa, 5) Bạc địa, 6) Ly dục địa, 7) Dĩ biện địa, 8) Bích chi Phật địa, 9) Bồ Tát địa, 10) Phật địa.

Thập địa của Kinh Hoa Nghiêm: 1) Hoan Hỷ địa, 2) Ly cấu (垢) địa, 3) Phát quang địa, 4) Diệm (焰) tuệ địa, 5) Nan thắng địa, 6) Hiện tiền địa, 7) Viễn hành địa, 8) Bất động địa, 9) Thiện tuệ địa, 10) Pháp vân địa.

Thập địa của Thanh văn thừa: 1) Thọ tam quy địa, 2) tín địa, 3) Tín pháp địa, 4) Nội phàm phu địa, 5) Học tín giới, 6) Bát nhân nhẫn địa, 7) Tu đà hoàn địa, 8) Tư Đà hàm địa, 9) A na hàm địa, 10) A la hán địa.

Thập địa trong kinh Sutra of Brahma ‘s: 1) Thể tánh bình đẳng địa, 2) Thể tánh thiện tuệ địa, 3) Thể tánh quang minh địa, 4) Thể tánh nhĩ diễm (尔焰 ) địa, 5) Thể tánh tuệ chiếu địa, 6) thể tánh hoa quang địa, 7) Thể tánh mãn túc địa, 8) Thể Tánh Phật hống (吼) địa, 9) Thể tánh Hoa Nghiêm địa, 10) Thể tánh nhập Phật giới.

Theo sách Phật Thừa Thập Địa của Đại Thừa Đồng Tín quyển hạ: Thập địa của Duyên Giác thừa và của Phật Thừa như sau:

Thập địa của Duyên Giác thừa: 1) Khổ hạnh cụ túc địa, 2) Tự giác thậm thâm thập nhị nhân duyên địa, 3) Giác liễu Tứ Thánh  địa, 4) Thậm thâm lợi trí địa, 5) Cửu thánh đạo địa, 6) Quán liễu pháp giới, hư không giới,chúng sinh giới địa, 7) Chứng tịch diệt địa, 8) Lục thông địa, 9) Triệt hòa mật địa, 10) Tật tưởng tiện bạc địa.

Thập địa của Phật Thừa:  1) Thậm thâm nam trí quản minh tri tuệ địa, 2) Thanh tịnh tự phần uy nghiêm bất tư nghị minh đức địa, 3) Thiện Minh nhật chàng thực tướng hải tạng địa, 4) Tinh diện kim quang công đức chư thần thông trí tuệ địa, 5) Đại luân uy tạng minh đức địa, 6) Hư không nội thanh tịnh vô câu viên quang khai tương địa, 7) Quảng thắng pháp giới tạng minh giới địa, 8) Phổ giác trí tạng năng tịnh vô cấu biên vô ngại trí thông địa,9) Vô biên đức trang nghiêm hồi hướng năng chiếu ninh địa, 10) Tì Lư xá na  trí hải tạng địa. (Thám Huyền ký quyển 7)

176/. Bát nhân địa (八人地): Trong Hán văn chữ nhân (人) và chữ (忍) có cùng phát âm, vì vậy đây chính là quả vị tu tập bát nhẫn. Xin đọc bát nhẫn ở câu 167 A. (Tam Tạng Pháp Số)

177/. Kiến địa (見地, Phạn: darsana blumi): Bồ tát đến đây đã đoạn trừ được 88 sử kiến hoặc, thấy được chân đế của tứ đế nghĩa là đã chứng được đạo loại trí (câu 167- B8). Theo Đại Phẩm Bát Nhã kinh quyển 6, Phát Thú (發趣) phẩm: Thì bồ tát ở quả vị này phải tu thập bất xả (不) hạnh. Quả vị này tương đương với dự lưu quả của Tạng giáo. (Phật Quang Điện tử Tự Điển).

178/. Vô gián tam muội (無間三昧): Còn gọi là vô gián thiền định (Phạn: anantarya Samadhi, Anh văn: meditation of no interruption), gọi tắt là vô gián định. Tam muội là chữ phiên âm của chữ Phạn Samadhi, dịch nghĩa là định hay chánh định (正定). Đây là một phép tu của đạo Phật khiến tâm tịnh ở một trình độ cao. Thiền là chữ viết tắt của chữ thiền na (禪那), chữ phiên âm của tiếng Phạn dhyana, có nghĩa trầm tư về một chân lý, một giáo lý… đến chỗ thấu triệt in sâu vào tâm thức. Vì vậy thiền và định có hơi khác nhau, trong đạo Phật thường đi chung, là một phép tu hành quan trọng của đạo Phật, nó làm tăng cái trực giác, từ đó đến lục thần thông và đạt được các trí tuệ gọi là thiền tuệ. Trong đạo Phật có tứ thiền bát định.

I) Tứ thiền là:  A) Thế gian thiền, B) Thế  gian và xuất thế gian thiền,  C) Xuất thế gian thiền,  D) Phi thế gian phi xuất thế gian thiền.

A) Thế gian thiền: Lại gồm ba loại:

1) Tứ Thiền Định gồm 4 cấp: a. sơ thiền, b. nhị thiền, c. tam thiền và d. tứ thiền. 

2) Tứ vô lượng tâm gồm thiền định để quán về  từ, bi, hỷ, xả.

3) Tứ vô sắc định: a. Không vô biên xứ định, b. thức vô biên xứ định, c. vô sở hũu xứ định, d. phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

B) Thế gian và xuất thế gian thiền gồm 3 loại:  a. Lục diệu môn, b.Thập lục đặc thắng (特勝), c. Thông minh (通明).

C) Xuất thế gian thiền gồm 4 loại: a. Quán thiền (觀禪), b. Luyện thiền (煉禪), c. Huân thiền (薰禪), d.Tu thiền (修禪).

D) Phi thế gian phi xuất thế gian thiền: Đây là phép thiền định của chư bồ tát.

II) Bát định là: 1) Sơ thiền thiên định, 2) Nhị thiền thiên định, 3) Tam thiền thiên định, 4) Tứ Thiền thiên định, 5) Không xứ thiên định, 6) Thức xứ thiên định, 7) Vô sở hữu xứ thiên định, 8) Phi tưởng phi phi tưởng xứ  thiên định.

Vô gián tam muội là tên khác của luyện thiền: Hành giả đã thiền định đến cấp cửu thứ đệ định (九次第定). Nghĩa là đã tu tập xong tứ thiền định của thế gian thiền (sơ, nhị, tam, tứ thiền) và đã tu tập định đến hết Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên định. Nay đến cấp thứ 9 là diệt tận định (滅盡定, Phạn: nirodha samapathi), chỉ có chư A la hán mới đến cấp bậc này.

179/. Bạc địa (薄地, Phạn: tanu blumi):  Đến đây hành giả đã hoàn tất sáu phẩm đầu của chín phẩm tư hoặc của dục giới, ba phẩm còn lại là hạ thượng, hạ trung, hạ hạ. Như vậy tư hoặc đã nhẹ đi nhiều, vì vậy gọi là bạc, chữ bạc có nghĩa là mỏng manh. Tương đương với Tạng giáo nhị quả, tư đà hàm quả còn gọi là nhất lai quả. ( Phật Học Từ Điển, Phật Quang Điện Tử Đại Từ Điển, Digital Dictionary of Buddhism )

180/. Ly dục địa (離欲地, Phạn: vita ragva blumi): Ly là rời khỏi, dục là dục giới, ly dục địa là quả vị mà hành giả ra khỏi dục giới.  Hành giả đã đoạn trừ được tất cả cửu phẩm tư hoặc của dục giới, có đủ lục ba la mật. Tương đương với Tạng giáo tam quả, còn gọi là A na hàm quả hay bất hoàn quả. Hành giả khi tái sinh sẽ vào sắc giới ngũ tịnh cư thiên. (Phật Quang Điện Tử Đại Từ Điển, bài giảng của HT. Hội Tánh)

181/. Dĩ biện địa (已辦地, Phạn: krtavi blumi): Dĩ có nghĩa là đã hoàn tất, biện: điều phải làm, muốn làm đã làm. Dĩ biện địa là đến đây hành giả đã hoàn tất những gì phải làm. Đã đoạn trừ được 72 phẩm tư hoặc còn lại, đã đoạn trừ tất cả các kiến hoặc, nhưng còn tập khí, tương đương với Tạng giáo tứ quả, A la hán quả. Quả vị của Tạng giáo đến A la hán quả là hết. Tạng giáo không còn quả vị nào để so sánh với quả vị số 8, 9, 10 của Thông giáo. (Digital Dictionary of Buddhism, bài giảng của HT. Hội Tánh)

182/. Chánh sử (正使): Là cái nguyên nhân chính, trong câu này là các chủng tử của kiến hoặc và tư hoặc.(Phật Giáo Đại Từ Điển).

183/. Bích Chi Phật (辟支佛, Phạn: Pratyeka buddha):  Là Phật quả vị do những hành giả của Duyên giác hay Độc giác chứng được. Duyên Giác và Độc Giác đều là những hành giả có căn cơ và tự mình chứng được Phật quả không theo cách tu hành hay hướng dẫn của một bậc thầy. Bích Chi Phật không giảng dạy cứu độ chúng sinh nhưng có thể làm những phép lạ do lục thần thông của mình để khai thị chúng sinh.

Duyên giác (緣覺, Phạn: Pratyeka Buddha, Anh văn: enlightened by contemplation on dependent arising) và Độc giác (獨覺, Phạn: pratyekabuddha, solitary realizer), nhiều kinh sách cho rằng Duyên giác và Độc giác là một, nhưng theo bài Tứ Giáo Nghi và sách Đại Trí Độ Luận của Long Thụ bồ tát thì có  khác nhau. Duyên giác dựa vào thập nhị nhân duyên ngộ đạo, Thanh Văn dựa vào Tứ Diệu Đế ngộ đạo. Người dựa vào trí tuệ và căn cơ của mình ngộ đạo khi không có Phật tại thế thì gọi là Độc giác.

I) Độc giác theo các sách Đại Tì Bà Sa (大毘婆沙), Câu Xá Luận (俱舍論), Du Già Sư Địa luận(瑜伽師地論) được chia làm hai loại:

a) Bộ hành Độc giác (部行獨覺): Đó là những hành giả của Thanh Văn thừa đã chứng được bất hoàn quả nhưng sau đó rời khỏi Phật đạo, tự chứng được A la hán quả và Phật quả. Loại này gọi là Tiểu Bích Chi Phật.

b) Lân giác dụ độc giác: Lân là con kỳ lân, con kỳ lân chỉ có một cái sừng ở đỉnh đâu nên gọi là độc giác (獨角, Anh văn: Unicorn). Chữ độc giác (獨角) của con lân và độc giác (獨覺) của sự giác ngộ có cùng phát âm nên dùng làm thí dụ đề đặt tên. Lân giác dụ độc giác có nghĩa là độc giác theo kiểu sừng con lân. Đây là loại độc giác hoàn toàn dựa vào căn cơ và trí tuệ của mình để đi đến đắc đạo. Loại này được gọi là Đại Bích chi Phật.

Theo kinh Du Già Sư Địa luận thì có ba loại độc giác Bích chi Phật.  Loại thứ nhất tương đương với Đại Bích Chi Phật, loại thứ hai tương đương với Duyên giác Bích Chi Phật. Loại thứ ba tương đương với Tiểu Bích Chi Phật.

II) Duyên giác còn gọi là Nhân Duyên giác:

Duyên Giác là người không dựa vào lời dạy của người khác, tự mình quán pháp Duyên Khởi (s: pratītya-samutpāda, p: paticca-samppāda, 緣起) mà khai ngộ. Hàng Duyên Giác này lại quán Thập Nhị Nhân Duyên (s: dvādaśāṅga-pratītya-samutpāda, p: dvādasaṅga-paṭicca-samuppāda, 十二因緣) mà chứng ngộ.

Theo kinh Hoa Nghiêm Hạnh Nguyện Phẩm Sớ Sao quyển bốn thì có ba loại Duyên giác:

a) Duyên giác chi Duyên Giác (緣覺之緣覺): Trong loại này nhân và quả đều là Duyên Giác.

b) Thanh văn chi Duyên giác (声闻之緣覺):  Nhân là Thanh Văn, quả là Duyên giác

c) Bồ tát chi Duyên giác (菩萨之緣覺):  Nhân là bồ tát, quả là Duyên Giác.

Theo Đại Thừa Nghĩa Chương quyển 17 phân chia Thanh Văn và Duyên giác như sau:

a) Là Thanh Văn nhưng không phải là Duyên giác, đó chính là Thanh Văn.

b) Là Duyên giác nhưng không phải là Thanh Văn, đó chính là người Lân Giác Dụ [độc giác, đại Bích chi Phật].

c) Là Thanh văn cũng là Duyên giác, đó chính là Bộ Hạnh [độc giác, tiểu Bích chi Phật].

d) Là Duyên giác cũng là Thanh Văn, đó chính là Nhân Duyên Giác.

Duyên giác cũng có 10 cấp bậc tu hành. Xin xem câu 175 Thập Địa. (Phật Quang Phật học Từ Điển)

184/. Liệt thắng ứng thân [Phật] (劣勝應身): Xin đọc câu 168 về Ứng thân và chữ liệt (劣). Chữ thắng (勝) ở đây có nghĩa là hơn mặc dầu vẫn là ở cái thân xấu nhưng đã hơn nhiều. Ở đây có ý so sánh với hành giả đắc quả vị Phật của Tạng giáo. Để so sánh, hay xem lại cách tả trạng thái của hành giả chứng Phật quả trong phần Tạng giáo trước đây:  Ngài đến dưới cây mộc bồ đề, lấy cỏ làm bồ đoàn [ngồi thiền định, ngộ đạo], thành liệt ứng thân [Phật] (木菩提樹下以草為座成劣應身).  Trong Thông giáo, cảnh đắc đạo Phật: Ngồi dưới cây thất bảo bồ đề, lấy thiên y làm bồ đoàn, hiện liệt thắng ứng thân thành Phật. ( 坐七寶菩提 樹下以天衣為座。現帶劣勝應身成佛).

185/. Thật tướng, thật tính của chư pháp (Chư pháp thật tính tướng 諸法實性相):  Đây là câu kinh trích từ kinh Hoa Nghiêm sáu mươi: Tính ( Phạn: svabhava, Anh văn: Nature) và tướng (Phạn: laksana, Anh văn: characteristic). Tính là ở bên trong, tướng là lộ ra ngoài. Thật tính thật tướng của chư pháp ở đây có nghĩa là Niết Bàn, vì vậy câu sau nói cả tam thừa đều chứng được (tam thừa diệc giai đắc, 三乘亦皆得), nhưng vẫn chưa gọi là Phật (diệc bất danh Phật 亦不名佛). (Bài giảng của HT. Hội Tánh).

186/. Vẫn chưa gọi là Phật (diệc bất danh Phật 亦不名佛):  Nghĩa là theo Biệt Giáo và Viên Giáo thì ngươi tu hành Thông Giáo nói là đã chứng được Phật quả vẫn chưa phải là Phật quả theo Biệt giáo và Viên giáo, đó chỉ mới là Phật của Thông  giáo mà thôi, còn cần tu tập để thành những quả vị Phật cao hơn.

187): Lợi căn và độn căn (利根, 鈍根): Lợi căn (利根, Phạn: riksna-indriya) : Người có căn cơ tốt, lanh lợi hấp thụ Phật pháp một cách dễ dàng. Độn căn (鈍根, Phạn: mrdv-indriya): Người có căn cơ yếu, không hiểu được những giảng dạy uyên thâm của Phật pháp. Cái khả năng hiểu được, ngộ được Phật pháp được chia làm ba cấp gọi là tam căn (三根, Phạn: trin-indriyani): Thượng căn, trung căn, hạ căn. Lợi căn là thượng căn. Độn căn là hạ căn. (Digital Dictionary of Buddhism. Charles Muller).

188/. Thiên không (thiên không bất kiến bất không 偏空不見不空): Thiên 偏 có nghĩa là lệch, nghiêng, không hoàn toàn. Thiên không (偏空) là cái không chưa hoàn toàn. Cái không hoàn toàn phải gồm cả cái bất không.

189/. Bất không (不空; C: bùkōng; J: fukū) Chẳng phải Không (s: aśūnya), tức Giả, còn gọi là Diệu Hữu. “Không Như Lai Tạng là chân không. Bất không Như Lai tạng là diệu hữu. Không bất không Như Lai tạng là diệu hữu tức là chân không; chân không đầy đủ diệu hữu. Diệu hữu phi hữu chẳng ngại chân không; chân không phi không chẳng ngại diệu hữu.” (Trích Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật, quyển 16. Tuyên Hóa Thượng Nhân thuyết giảng, Việt dịch: sư Thích Minh Định).

190/. Độn căn Bồ tát của Thông giáo và của Tạng giáo lập hạnh, lập nhân khác nhau (行因雖殊):  Bồ tát của Tạng giáo là chỉ hàng phục được các hoặc, chưa đoạn trừ được chủng tử của các hoặc, nên còn mang các hoặc để đi cứu độ chúng sinh trong tam giới, tu hành lục độ vì vậy trong bài dùng chữ Lưu hoặc nhuận sinh (留惑潤生). Bồ tát Thông giáo đã đoạn trừ được các hoặc nhưng còn tập khí, tiếp tục ở trong tam giới tu hành lục độ, cứu giúp chúng sinh vì vậy trong bài dùng chữ: phù tập nhuận sinh (扶習潤生). Mặc dầu hạnh và nhân khác nhau, quả thì giống nhau, vẫn ở lại trong tam giới để giúp chúng sinh.

191/. Trung đạo (中道, Phạn: madhyama pratipad): Trong thời đức Phật có rất nhiều giáo phái ngoại đạo. Chủ trương của các phái này rất khác nhau, phái thì chủ trương tu khổ hành, phái thì chủ trương dục lạc, phái thì nói là có nhân quả, phái thì nói không có nhân quả, phái thì duy tâm, phái thì duy vật… Đức Phật giảng dạy tránh những cực đoan trong cách tu học, như không theo dục lạc hay sống khổ hành tuyệt đối, đó là trung đạo của Phật giáo Tiểu Thừa.

Sau vào khoảng 150 TCN-250 TCN Long Thụ (Nagarjuna) bồ tát Và ngài Đề Bà (提婆, Sa. Arydeva) dựa vào quan niệm trung đạo đưa ra trường phái Trung Quán (中觀學派, Phạn: Madhyamaka) trong cuốn Trung Luận 中論).

Ngài Cưu Ma La Thập (鳩摩羅什, Kumarajiva) là người đầu tiên đem quan niệm trung quán vào Trung Quốc vào những năm sau 384.

Trong Phật giáo, tùy theo giáo phái mà quan niệm về trung đạo khác nhau:

1) Trung đạo của Phật giáo Nguyên Thủy: Theo kinh A Hàm, nếu tu tập theo bát thánh đạo và thập nhị nhân duyên, hành giả sẽ ra khỏi  thường kiến và  đoạn kiến,  hữu kiến và  vô kiến, hành giả sẽ chứng được  chánh kiến  trung đạo, chứng được Niết Bàn. Đây là về mặt thực hành của trung đạo  dưới cái nhìnTiểu Thừa.

2) Bộ Phái Phật giáo: (部派佛教, Nikaya Buddhism): Vẫn theo quan điểm của kinh A Hàm. Trung đạo là xa rời đoạn kiến và thường kiến. 

3) Trung Quán Tông của Đại Thừa: Lấy lập trường của Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh: Xa rời tất cả các chấp trước đó là trung đạo. Lập trường này được tóm tắt trong bài kệ của Long Thụ bồ tát: Bất sinh diệc bất diệt, Bất thường diệc bất đoạn, Bất nhất diệc bất dị, Bất lai diệc bất xuất. (不生亦不滅, 不常亦不斷, 不一亦不異, 不來亦不出)

4) Tam Luận Tông (三論宗) lại dựa vào bài kệ trên đưa ra thuyết  Bát Bất trung đạo (八不中道) gồm ba loại trung đạo:  a) Tục Đế Trung Đạo (世諦中道) , b) Chân Đế Trung Đạo (真諦中道), c)  Nhị Đế hợp Minh Trung Đạo (二諦合明中道 ).

5) Trung Đạo:

Thiên Thai Trí Giả nói: “nhất sắc nhất hương vô phi trung đạo” (一色一香無非中道 / Một sắc một hương đều là Trung đạo). Nghĩa là lí thực tướng Trung đạo tiềm tàng trong hết thảy mọi vật, dù nhỏ nhặt như nhất sắc, nhất hương cũng có đủ bản thể của thực tướng Trung đạo. Theo tông Thiên Thai thì đây là cảnh giới chứng ngộ hiển bày sau khi quán chiếu tất cả các pháp dưới ánh sáng của 3 pháp quán: Không, Giả, Trung. [Xem chương Viên Đốn trong Ma ha Chỉ Quán Q.1, thượng].

Long Thụ Bồ Tát nói trong Trung Quán:

Bất sinh diệc bất diệt

不生亦不滅。

Bất thường diệc bất đoạn

不常亦不斷

Bất nhất diệc bất dị

不一亦不異。

Bất lai diệc bất xuất.

不來亦不出

Không phải sinh cũng không phải diệt,

Không phải một cũng không phải khác,

Không phải thường cũng không phải đoạn,

Không phải đi cũng không phải đến.

Điều cần nhấn mạnh ở đây là xin đừng lầm Trung đạo với Trung dung của Nho giáo. Trung dung là không thái quá, không bất cập. Trung đạo trong Thiên Thai tông chính là Tam đế (Không, Giả, Trung). Nếu cần phải gọi với một tên khác thì Không là Chân Không, Giả là Diệu Hữu, và Trung tức là Trung đạo. (Trích “Lục Đại Tông Chỉ dưới cái nhìn Viên giáo Thiên Thai Tông” pháp thoại cư sĩ Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm trình bày tại Vạn Phật Thánh Thành vào ngày kỷ niệm Hòa Thượng Tuyên Hóa nhập Niết Bàn mùng 10 tháng 8, 2013).

Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh 菩 薩 瓔 珞 本 業 經 (T24, No.1485, 1010-1023) cũng nói qua về Trung Đạo. Không nên lầm với Bồ Tát Bản Nghiệp Kinh hoặc Bồ Tát Anh Lạc Kinh cũng là những bản kinh được kể là ngụy tác cùng thời với kinh Nhân Vương theo danh sách của Sato.

Tuy nhiên, kinh Anh Lạc không đưa ra bất cứ sự giải thích nào đối với việc làm thế nào Trung Đạo giải quyết vấn đề nhị nguyên giữa hữu và bất-hữu, giữa có và không, cũng không dưa ra ý nghĩa rõ ràng hoặc nội dung của chính đệ nhất nghĩa. Bản văn nầy cũng không luận về những “chân lý” nầy hoặc chỉ cho chân lý bản thể với hiện hữu khách quan, hoặc chúng chỉ là những lối nhìn khác nhau đối với một chân lý, và giá trị tương đối hoặc tuyệt đối của từng chân lý. Tuy vậy, đoạn văn trên đưa ra chỗ dựa trong sự thành tựu tam đế của Trí Khải Đại Sư với Trung Đạo đóng vai trò dung hợp hai chân lý Không và Hữu. Trong ý nghĩa nầy, Không đế đầu tiên của Trí Khải, một sự phủ nhận chủ tể, tương hợp với chân lý Vô của kinh Anh Lạc. Giả đế tương hợp với chân lý Hữu của kinh Anh Lạc, và Trung Đạo đế tương hợp với chân lý Trung Đạo đệ nhất nghĩa của kinh Anh Lạc.

Khái niệm về tam đế của Trí Khải Đại Sư về phương diện triết thuyết, có thể đã đâm chồi và liên tục phản tỉnh như một sự phát huy khái niệm nhị đế của Trung Quán và mở rộng bài kệ phẩm 24 Trung Luận, và tư tưởng về tam đế trong kinh Nhân Vương và kinh Anh Lạc phải được kể là đã làm nẩy mầm tư tưởng của Trí Khải Đại Sư và đưa đường sự phát huy khái niệm tam đế của đại sư. Cũng vậy, là hai bản kinh được xem là ngụy tác của Trung Hoa khoảng cuối thế kỷ thứ 5, hai bản văn nầy đã cung cấp tư lương đối với vấn đề nhị đế trong giai đoạn pháp sư Cưu Ma La Thập và nhà Lương. [Những bản văn nầy] đã lấp đầy phần nào khoảng cách đối với sự khảo cứu của chúng ta về nhị đế trong lịch sử Phật giáo sơ thời tại Trung quốc. (Trích Nền tảng Phật Học Thiên Thai Tông – Nhị đế đơm hoa trên đất Trung Quốc (Foundations of T’ien T’ai Philosophy / Paul L. Swanson biên soạn – Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, nxb Phương Đông, năm 2010.)

192/. Đãn trung (但中): Chữ đãn (但) có nghĩa là “chỉ là” (Anh văn: only). Đãn trung có nghĩa chỉ là trung mà thôi. Có hai cách để quán tam quán (không quán, giả quán, trung quán): 1) Biệt tướng tam quán (別相三觀) và 2) Thông tướng tam quán (通相三觀). Biệt tướng tam quán, còn gọi là thứ đệ tam quán (次第三觀), là ba quán này biệt lập với nhau,  quán pháp nào thì biết pháp quán đó, vì vậy quán trung ở trường hợp này không quán được không quán và giả quán vì ba pháp quán biệt lập. Trong các kinh điển của Đại Thừa gọi là song già nhị biên (雙遮二邊), nghĩa là hai bên bị che khuất, vì hành giả quán riêng rẽ từng pháp quàn một, không thấy được không quán và giả quán. Đó là cái trung đạo của đãn trung của Biệt giáo.

193/. Bất đãn trung (不但中): Bất đãn trung có nghĩa không phải chỉ là trung mà thôi. Cách thứ hai để quán tam quán (không quán, giả quán, trung quán) là thông tướng tam quán (通相三觀) nghĩa là quán một trong ba quán, thì thấy cả hai quán còn lại. Thí dụ quán trung quán thì thấy không quán và giả quán cũng là trung đạo. Trong kinh điển Đại Thừa gọi là song chiếu nhị biên (雙照二邊), nghĩa là hai cựu còn lại đều thấy hết.   Đây là cái trung đạo của bất đãn trung. Trung đạo của Viên giáo.

194/. Chân vị (真位): Chân vị là hành giả đã đã phá được vô minh, đã chứng được chân thân.

195/. Tự vị (似位): Nghĩa là tương tự vị, hành giả chưa phá được vô minh, chưa chứng được chân thân.

196/. Hóa Thành (化城): Thí dụ Hóa thành là thí dụ trong phẩm thứ 7 Hóa Thành Dụ của kinh Pháp Hoa. Hóa Thành là thành phố không có thật, do Phật hóa ra để giúp chúng sinh nghỉ chân trên con đường tu hành trước khi đến được  Bảo Sở.

197/. Tích sắc nhập không (析色入空): Chữ tích (析) ở đây là chữ viết tắt của chữ phân tích (分析). Sắc ở đây là hình thể. Tích sắc nhập không có nghĩa đem cái hình thể ra phân tích để chứng minh nó là không hằng hữu. Lấy thí dụ con người trong Phật học là do tứ đại (thổ, thủy, hỏa, phong), ngũ uẩn, nghiệp báo và nhân duyên tạo thành. Về mặt sinh học do tế bào, phân tử, nguyên tử … tạo thành. Nếu đem tách những thành phần này ra thì con người chỉ là hư không mà thôi. Không có một cái gì của con người là hằng hữu cả. Từ đó ta hiểu được con người chỉ là không. Đó là tích sắc nhập không.

198/. Thể sắc nhập không (體色入空):  Chữ thể ở đây là chữ viết tắt của chữ thể ngộ (體悟) có nghĩa hiểu được tính không của muôn vật, muôn pháp dựa vào nguyên tắc chung là nhân duyên sinh pháp, vì nhân duyên là vô thường, pháp và tánh là không nên vạn vật do pháp sinh ra là giả và không tồn tại mãi.  Đó là thể sắc nhập không.

199/. Kinh Anh Lạc (纓絡經): Tên viết tắt của cuốn Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp kinh (菩薩瓔珞本業經), kinh gồm quyển thượng và quyển hạ.  Cuốn kinh này do ngài Trúc Phật Niệm (竺佛念) dịch từ tiếng Phạn ra Hán văn vào những năm 376-378. Kinh này là kinh số 1485  trong Việt Tạng. Trong kinh này nói đến 42 quả vị về tu hành bồ tát đạo và gọi là lục luân vị (六輪位): Đồng luân vị (銅輪) là thập trụ còn gọi là tập chủng tánh (習種性), ngân luân vị (銀輪) là thập hạnh còn gọi là tánh chủng tánh(性種性), kim luân vị (金輪) là thập hồi hướng vị còn gọi là đạo chủng tánh (道種性),  lưu ly luân vị (琉璃) là thập địa còn gọi là thánh chủng tánh(聖種性), ma ni luân vị (摩尼) là đẳng giác còn gọi là đẳng giác tánh (等覺性), thủy tinh luân vị (水精) là Phật quả còn gọi là diệu giác tánh(妙覺性). Tổng cộng là 42 quả vị. Trong cuốn Nhân Vương Bát Nhã Kinh (仁王般若經) thì liệt kê 52 quả vị, vì vậy trong  cuốn Pháp Hoa Huyền Nghĩa Trí Giả đại sư đã dựa vào Nhân Vương Bát Nhã Kinh bổ túc thêm thập tín gọi là thiết luân vị (鐵輪). Tổng cộng là 52 quả vị.

52 quả vị của Biệt giáo cũng được chia làm phàm vị và thánh vị. Phàm vị lại được chia làm ngoại phàm vị và nội phàm vị. Thâp tín là ngoại phàm vị. Thập trụ, thập hạnh và thập hội hướng là nội phàm vị còn gọi là tam hiền vị. Thánh vị được chia làm nhân vị và quả vị. Thập địa và đẳng giác là nhân vị. Diệu giác là quả vị đó là bậc cứu cánh giác. ( HT. Hội Tánh,  Phật Học Đại Từ Điển)

200/. Ngũ hạnh (五行): Ngũ hạnh của kinh Niết Bàn: 1) Thánh hạnh:  Bồ tát tinh tiến tu tập giới, định, tuệ gọi là thánh hạnh. 2) Phạm hạnh:  Phạm có nghĩa thanh tịnh. Bồ tát lấy thanh tịnh tâm, từ bi tâm để cứu độ chúng sinh, mang lại an lạc. 3) Thiên hạnh:  Bồ tát thành tựu tất cả các nghĩa lý của chư pháp, không giả, trung một cách đầy đủ, đó là thiên hạnh. Ba hạnh trên là chư bồ tát tu hành để thượng cầu Phật đạo. 4) Anh nhi hạnh: Anh nhi là trẻ nhỏ. Bồ tát lấy từ tâm dịu dàng thương những thiên nhân, Tiểu Thừa, Duyên giác như thương những trẻ nhỏ. 5) Bệnh hạnh: Bồ tát lấy lòng vô duyên đại từ bi, bình đẳng giúp chúng sinh có những phiền não và bệnh hoạn. ( Phật Học Đại Từ Điển)

201/. Tín tâm (信): Đại Trí Độ Luận nói rằng: Phật pháp như biển cả, phải có lòng tin mới vào được, phải có trí tuệ mới vào được. (Phật pháp đại hải, tín vi năng nhập, trí vi năng độ 佛法大海, 信爲 能入,智爲能度),  vì vậy tín là điều đầu tiên. Bồ tát tin tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật, tin vào chư pháp để diệt trừ các hoặc, tu trì các giới luật để đoạn trừ phiền não,  tin vào đãn trung trung đạo. (Thiên Thai Tâm Thược, Bài giảng HT. Hội Tánh).

202/. Niệm tâm (念心): Niệm (念, Phạm: smrti, Anh văn: mindfulness, awareness). Trong Phật học niệm là chú tâm suy nghĩ, nhất tâm chuyên chú vào một điều gì. Niệm cũng có nghĩa thông thường là đọc đi đọc lại một điều gì để nhớ. Niệm có vọng niệm và chánh niệm (正念, Phạm: samyak smrti).  Chánh niệm là niệm về Phật pháp, nó là một điều trong bát chánh đạo. Cái khả năng chú tâm suy nghĩ về Phật pháp, gọi là niệm căn (念根, Phạm: smrtindriya, Anh văn: faculty of mindfulness) là một trong ngũ căn (五根). Tu tập về niệm căn là một cấp vị tu hành có ở Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo. Trong Tạng giáo là tứ niệm xứ, biệt tướng niệm trụ và tổng tướng niệm trụ. Trong Thông giáo là kiền tuệ địa. Trong Biệt giáo là niệm tâm. Trong Viên giáo là quán hạnh tức (觀行即), ngũ phẩm đệ tử vị. Nội dung tu tập niệm căn cũng thay đổi tùy giáo phái và trình độ. Đức Phật trong kinh Trường A Hàm (長阿含經) có giảng về lục niệm (六念,  Phạm: sad amusmrtayah). Sau trong kinh Tăng Nhất A Hàm (增一長阿, the Ekottaragama Sutra) Ngài lại giảng về thập niệm (十念, Pali: marananussati)

Lục niệm gồm có: 1) Niệm Phật (念佛, Pali: Buddhanussati), 2) Niệm Pháp (念法, Pali:dharmanussati), 3) Niệm tăng (念僧, Pali:sanghanussati), 4) Niệm giới (念戒, Pali:silanussati), 5) Niệm thí (念施, Pali:caganussati), 6) Niệm thiên (念天, Pali: upasamanussati ).

Thập niệm gồm có 6 niệm kể trên thêm niệm thứ 7) tử niệm (死念, Pali: marananussati), 8) Thân niệm (身念, Pali: kayagatasati), 9) Niệm an  bàn (念安般, Pali:anapanasati), 10) Tịch tịch niệm (寂寂念, Pali: upasamanussati).

Giải thích niệm tâm của Biệt Giáo có hai khuynh hướng:

1) Dựa vào kinh Thủ Lăng Nghiêm:  Sau khi đã hiểu chân tín một cách viên thong, ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới không còn gì trở ngại được nữa, đến đây các kiếp của quá khứ, của tương lai, những cảnh bỏ thân xác này lấy thân xác khác, những tập khí của các kiếp đều hiện ra trước mắt. Người thiện nam tử đều nhớ rõ ràng, không quên một chi tiết nào, đó là tâm niệm trụ (Chân tín minh liễu, nhất thiết viên thông. Ấm xứ giới tam, bất năng vi ngại. Như thị nãi chí, quá khứ vị lai, vô số kiếp trung, xả thân thụ thân, nhất thiết tập khí. Giai hiện tại tiền. Thị thiện nam tử, giai năng ức niệm, đắc vô di vong, danh niệm tâm trụ 真信明了,一切圓通,陰處界三,不能為礙.如是乃 至,過去未來,無數劫中,捨身受身.一切習氣.皆現在前.是善男子,皆能憶念,得無遺忘,名念心住.)

2) Cách giải thích thứ hai là dựa vào phẩm Bồ Tát thập chủng thâm niệm tâm (菩薩十種深念心) của Thập Địa Kinh luận (十地經論): Bồ tát phải luôn tâm niệm tu tập mười điều:1) Tịnh tâm (淨心), 2) Bất động tâm (不動心), 3) Yếm tâm (厭心), 4) Ly dục tâm (離欲心), 5) Bất thoái tâm (不退心), 6) Kiên Tâm (堅心),7) Minh thịnh tâm (明盛心), 8) Thuần hậu tâm (淳厚心), 9) Khoái tâm (快心), 10) Đại tâm (大心).

203/. Định tâm (定): Đã có tuệ tâm nghĩa là đã có trí tuệ về bát nhã, nhưng vi tế vọng tưởng còn luôn xuất hiện, cần tu định để đối trị.

204/. Bất thoái tâm (不退): Tương đương với noãn vị hay đỉnh vị của Tạng giáo.

205/. Hồi hướng tâm (迴向): Hồi hướng là chuyển trở lại. Bồ tát lấy công đức của mình chứng được hồi chuyển lại cho chúng sinh, để cứu độ chúng sinh, tương đương với trung nhẫn vị của Tạng giáo.

206/. Hộ pháp tâm (護法): Trong kinh Nhân Vương thì hộ pháp tâm đứng trước hồi hướng tâm.

207/. Giới tâm (戒): Tương đương với thượng nhẫn vị của Tạng giáo.

208/. Phục nhẫn vị (伏忍位): Theo Nhân Vương Bát Nhã Kinh quyển thượng, phẩm bồ tát hạnh: Chư bồ tát có 5 nhẫn phải tu hành 1) Phục nhẫn, 2) Tín nhẫn (信忍), 3) Thuận nhẫn (順忍), 4) Vô sinh nhẫn(無生忍)  bốn nhẫn kể trên mỗi nhẫn lại chia làm ba cấp, thượng, trung và hạ. 5) Tịch diệt nhẫn (寂滅忍) lại chia làm hai cấp thượng và hạ.

Phục nhẫn vị: Khi chư bồ tát tu hết thập tín vị, đã hàng phụ được 88 kiến hoặc, 81 phẩm tư hoặc,  nên gọi là phục nhẫn vị. Phục nhẫn vị tương đương với thất hiền vị của Tạng giáo, tương đương với kiền tuệ địa và tánh địa của Thông giáo.

Tín nhẫn: Tu hành theo đạo Phật, lòng tin rất là quan trọng. Lòng tin này được chia làm ba giai đoạn: Tín nhẫn, tín cầu (信求), tín chứng (信証). Tín nhẫn là bền bỉ kiên tâm, tìm hiểu Phật pháp. Tín cầu: Tinh tiến tìm hiểu thêm những gì mình chưa biết về Phật Pháp. 

Tín Chứng là tìm hiểu qua cuộc sống hàng ngày về Phật pháp.

Thuận nhẫn, vô sinh nhẫn, tịch diệt nhẫn.

209/. Phát tâm trụ (發心住): Sau thập tín, lòng tin của chư bồ tát đã vững, y trí kiên cố không còn gì lay chuyển được nên bước qua một giai đoạn tu tập mới gọi là thập trụ. Chữ 住 từ Hán văn chuyển qua Việt văn có hai phát âm: trụ và trú. Chữ trụ là chữ Hán Việt như trong chữ trụ sở. Chữ trú là chữ nôm như trong chữ trú ngụ. Chữ trụ trong Phật học có rất nhiều nghĩa khác nhau. Ở đây có nghĩa là nơi trú ngụ, nếu hiểu theo đời sống ngày nay thì có thể coi như một trường hay trung tâm huấn luyện, chữ Phạm là  vastha, Anh văn dịch là abode. Thập trụ (Pham: dasa vastha): 1) Phát tâm trụ ( Phạm: Srotapanna), 2) Trị địa trụ ( Phạm: Sakrdagamin), 3) Tu Hạnh trụ ( Phạm: Sakrd-agamin), 4) Sinh Quý Trụ (Phạm: preparation for anagamin), 5) Cụ túc phương tiện trụ (Phạm: anagamin ), 6) Chánh tâm trụ (Anh văn: preparation for arhatship), 7) Bất Thoái trụ (Anh văn: arhatship), 8) Đồng Chân trụ (Anh văn: pratyeka-buddhahood), 9) Pháp Vương tử trụ (Anh văn: Bodhisattavahood ), 10) Quán đỉnh trụ (Anh văn: Buddhahood).

Phát tâm trụ còn gọi là sơ trụ (初住),  có nghĩa phát bồ đề tâm. Trong phát tâm trụ này bồ tát phát và tu tập thập bồ đề tâm (十菩提心). Tương đương với quả vị tu đà hoàn (須陀洹) của Tạng giáo, tương đương với tam địa (bát nhân địa) và tứ địa (kiến địa) của Thông giáo. Biệt giáo sơ trụ vị  tương đương với Viên giáo sơ tín vị, đoạn trừ 88 kiến hoặc giống nhau, nhưng ngộ lý thì Viên giáo cao hơn nhiều.

210/. Trị địa trụ (治地住): Trị ở đây là trị lý (治理), chỉnh lý, địa ở đây là tâm địa. Trị ly tâm địa cho được thanh tịnh. Trị địa trụ theo kinh Hoa Nghiêm là bồ tát phát thập chủng tâm (十種心) để cứu độ chúng sinh: Lợi ích tâm, đại bi tâm, an lạc tâm, an trụ tâm (安住心), liên mẫn tâm (憐愍心), nhiếp thọ tâm (攝受心), thủ hộ tâm (守護心), đồng kỷ tâm (同己心), đạo sư tâm (導師心) tương đương với nhị quả hướng của Tạng giáo.

211/. Tu hành trụ (修行住): Theo kinh Hoa Nghiêm thì bồ tát phải tu học thập pháp ở thập giới: Quan sát chúng sinh giới, pháp giới, thế giới, địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

212/. Sinh quý trụ (生貴住):  Chư bồ tát từ thánh pháp sanh ra, được sống trên các cõi trời ngoài tam giới, là các bậc thánh nhân sau này sẽ thành Phật, vì vậy chư bồ tát là những thánh nhân sinh vào nơi cao quý. Trong sinh quý trụ chư bồ tát phải tu hành thập pháp: 1) vĩnh viễn bất thoái chuyển, 2) đầy tịnh tín nơi Phật sở, 3) Thiện quán sát pháp, 4) Liễu tri chúng sinh, 5) Liễu tri quốc thổ, 6) Liễu tri thế giới, 7) Liễu tri nghiệp hạnh, 8) Liễu tri quả báo, 9) Liễu tri sinh tử, 10) Liễu tri Niết Bàn.

213/. Cụ túc phương tiện trụ (具足方便住): Cụ túc có nghĩa là có đầy đủ. Phương tiện có nghĩa là các tiện nghi như thần thông, tài năng  …Trong trụ này bồ tát tu hành các thiện căn, để cứu độ chúng sinh,  để làm lợi cho chúng sinh, cho chúng sinh có cuộc sống an lạc, thương xót chúng sinh, cứu độ chúng sinh, giúp chúng sinh thoát ly tai nạn, giúp chúng sinh thoát ly cái khổ của sinh tử, giúp chúng sinh sinh tín niệm thanh tịnh, giúp chúng sinh điều phục phiền não, giúp chúng sinh chứng Niết Bàn.

214/. Chánh tâm trụ (正心住): Bồ Tát phải tu tập 10 loại  tâm định bất động pháp khi: 1) Nghe khen hay chê Phật, 2) Nghe khen hay chê pháp, 3) Nghe khen hay chê bồ tát, 4) Nghe khen hay chê  các pháp của bồ tát,  5) Nghe số chúng sinh hữu lượng hay vô lượng, 6) Nghe chúng sinh hữu cấu hay vô cấu, 7) Nghe chúng sinh dễ độ hay khó độ, 8) Nghe pháp giới hữu lượng hay vô lượng, 9) Nghe pháp giới hữu thành hay hữu hoại , 10) Nghe pháp giới nhược hữu, nhược  vô. Trong các trường hợp kể trên chư bồ tát phải tâm định bất động.

215/. Bất thoái trụ (不退住): Theo Đại Thừa Nghĩa Chương thì bồ tát tu hành đến đây chánh trí chánh kiến đã đầy đủ, đã là bậc bất thoái chuyển, không một tà kiến nào làm lay chuyển được. Có ba loại bất thoái: 1) Vị bất thoái, 2) Hạnh bất thoái, 3) Niệm bất thoái. Theo Biệt giáo thì từ phát tâm trụ đến bất thoái trụ, chư bồ tát tu thứ đệ tam quán, tu không quán đến đây là đã đoạn trừ tất cả kiến tư hoặc, siêu phàm nhập thánh, không còn là một phàm phu nữa.

216/. Nhị Phật vị (二佛): Phật vị của Tạng giáo và Phật vị của Thông Giáo. Theo chư tôn hòa thượng xưa (cổ đức 古德) thì bất thoái trụ không thể tương đương với Phật vị của Tạng giáo và Phật vị của Thông Giáo được.  Vì bồ tát ở Bất thoái trụ đoạn trừ hết 81 phẩm tư hoặc , nhưng vẫn còn tập khí, chỉ tương đương với quả vị A la hán của Tạng giáo, tương đương với đệ thất địa của Thông giáo là dĩ bạn địa (已辦地).  Phật vị của Tạng giáo và Phật vị của Thông giáo không những đoạn trừ 81 phẩm tư hoặc mà còn đoạn trừ một phần tập khí. Vì vậy Phật vị ở đây nên đổi là “ thánh vị ” thì đúng hơn.

217/. Đồng chân trụ (童真住): Đồng (童) là chữ viết tắt của chữ đồng tử (童子) tức trẻ em. Chân (真): Chữ viết tắt của chữ thiên chân (天真) nghĩa là hồn nhiên, ngây thơ, trong trắng. Đồng chân trụ: Bồ tát luôn giữ lòng mình trong trắng như một trẻ thơ. Trong Nho giáo cũng nói đến giữ tâm hồn trong trắng như một trẻ thơ nhưng dưới một danh từ khác: Xích tử chi tâm (赤子之心), Xích là mầu đỏ, xích tử là con nít mới sanh da còn đỏ hồng. Xích tử chi tâm: Tâm hồn của một trẻ sơ sinh. Tôn giáo của Tây phương cũng nói nếu tâm hồn không trong trắng như một trẻ em thì khó vào được nước thiên đàng.

Trong kinh Hoa Nghiêm nói là bồ tát phải giữ lòng trong trắng như một trẻ em để tu hạnh thập nghiệp (十業): Thân hạnh vô thất (身行無失), ngữ hạnh vô thất (語行無失), ý hạnh vô thất (意行無失), tùy ý thọ sinh (隨意受生), tri chúng sinh chủng chủng dục (知眾生種種欲), tri chúng sinh chủng chủng giải (知眾生種種解), tri chúng sinh chủng chủng giới (知眾生種種界), tri chúng sinh chủng chủng nghiệp (知眾生種種業), tri thế giới thành hoại (知世界成壞), thần túc tự tại sở hành vô ngại (神足自在所行無礙). Trên đây là 10 điều tu của đồng chân trụ.

Bồ tát tu hành đến đây đã đoạn trừ hết kiến hoặc và tư hoặc, cũng đã đoạn trừ được một phần tập khí, tương đương với quả vị Bích Chi Phật của Tạng giáo và Thông giáo.

218/. Pháp vương tử trụ (法王子住):  Đức Phật là Pháp Vương, chư bồ tát  là do chư Phật đào tạo để thừa kế gia nghiệp của Phật,  để sau này trở thành Phật,  vì vậy chư bồ tát là con của Pháp Vương. Pháp vương tử trụ là giai cấp tu tập của các con của Pháp Vương.  Tu hành đến cấp này chư bồ tát có năng tri thập pháp (能知十法): Đó là mười loại khả năng mà chư bồ tát tu tập dùng để cứu độ chúng sinh và tiến lên trên con đường tu hành. Pháp vương tử trụ tương đương với Bồ Tát địa của Thông Giáo.

219/. Quán đỉnh trụ (灌頂住): Lễ quán đỉnh 灌頂tiếng Phạn là abhisecani , quán (灌) là lấy nước đổ lên, đỉnh (頂) là đỉnh đầu. Đây là một nghi lễ đăng quang của các vua ở Ấn Độ, bằng cách lấy nước từ bốn biển quanh nước Ấn Độ, sai một con voi dùng vòi của nó mang bình nước làm lễ đổ lên đầu của người kế vương vị. Phật giáo Mật tông cũng làm lễ này bằng cách dùng nước cam lộ làm lễ quán đỉnh cho những ai được nhận vào đạo và cho những ai được thăng chức thành những giảng sư (acarya).

Quán đỉnh trụ coi như là cấp vị tu tập và hoàn tất của thập trụ. Trong trụ này chư bồ tát phải tu tập thập chủng trí (十種智): 1) Chấn động vô số thế gới, 2) chiếu diệu vô số thế giới, 3) Trụ trì vô số thế giới, 4) Đến thăm vô số thế giới, 5) Nghiêm trang và tịnh hóa  vô số thế giới, 6) Khai thị vô số chúng sinh, 7) Quán sát vô số chúng sinh, 8) Biết các căn của vô số chúng sinh,  9) Khiến vô số chúng sinh hướng về trí tuệ của Phật, 10) Khiến vô số chúng sinh điều phục được phiền não.

220/. Trần sa hoặc (塵沙惑): Trần sa có nghĩa là cát bụi, ở đây nghĩa là nhiều như cát bụi. Chúng sinh có hằng hà sa số kiến hoặc, tư hoặc, vô minh hoặc…. Chư bồ tát đứng trước hằng hà sa số hoặc của chúng sinh để cứu độ cũng có hằng hà sa số pháp môn, chư bồ tát cũng chưa rõ không biết phải dùng pháp nào để đối trị cho đúng, cái chưa rõ ràng này  của chư bồ tát gọi là trần sa hoặc. Vì cái hoặc này liên quan đến sự thiếu  hiểu biết về các pháp môn nên còn gọi là không hoặc (空惑). Để đối trị với không hoặc chư bồ tát phải tu tập giả quán (假觀) hay tục đế (俗谛). Khi chư bồ tát đoạn trừ được trần sa hoặc sẽ chứng được đạo chủng trí (道種智) là cái tri giúp chư bồ tát biết được sai biệt tướng (差別相) của chư pháp, sẽ biết rõ được pháp môn này khác biệt với pháp môn khác như thế nào. Chư bồ tát sẽ giải thoát được những nguy nan cho chúng sinh, thành tựu được giải thoát đức (解脫德). Vì trần sa hoặc là của chư bồ tát ở Biệt giáo nên trần sa hoặc còn gọi là biệt hoặc (別惑). Nếu bồ tát không đoạn trừ được trần sa hoặc thì không thể cứu độ được chúng sinh một cách hữu hiệu,  vì vậy trần sa hoặc là một chướng ngại trên con đường thành đạo  và hành đạo của chư bồ tát nên trần sa hoặc còn gọi là  hóa đạo chướng (化道障). Trần sa hoặc có trong tam giới và ngoài tam giới. Theo Ma Ha Chỉ Quán (摩诃止觀) quyển 3: Cái thể của trần sa hoặc là bất nhiễm ô vô tri (不染汙無知, Phạm: aklistajnana).  Sự không biết về các pháp môn để cứu độ chúng sinh là vì tu tập chưa đủ năng lực, không có một ác ý gì cả vì vậy nó là bất nhiễm ô.

221/. Tập chủng tánh (習種性, Phạm: samudanita-gotra):  Tập là chữ viết tắt của chữ tu tập (修習). Chủng là chữ viết tắt của chữ chủng tử (種子) có nghĩa là hạt giống. Tánh là tâm tánh. Tập chủng tánh là những chủng tử của tâm tánh do tu tập mà có được. Thập trụ là giai đoạn tu tập tạo nên tập chủng tánh này (Phật Quang điện tử đại từ điển)

222/. Từ giả quán vào không quán (假入空觀):  Xin xem chú thích # 299.

223/. Khai thông tuệ nhãn (開慧眼成): Trong Phật pháp có 5 loại nhãn: 1) Nhục nhãn (Phạm: mamasa caksus, Anh văn: physical eye): Mắt của người phàm phu, 2) Thiên nhãn (Phạm: divya caksus, Anh văn: heavenly eye): Mắt của chư thiên ở sắc giới, người trần do thiền định cũng có thể đạt được thiên nhãn. Thiên nhãn chỉ thấy được những gì do nhân duyên sinh ra, thiên nhãn không bị cản trở bởi trước sau, trong ngoài  hay ngày đêm. Thiên nhãn không thấy được thực tướng.  3) Tuệ nhãn (Phạm: prajna caksus, Anh văn: wisdom eye): Thấy được thực tướng. Đó là cái nhãn của chư A la hán và chư Bích Chi Phật. 4) Pháp nhãn (Phạm: dharma caksus, Anh văn: dharma eye): Thấy được tất cả các phương tiện pháp môn, giúp chúng sinh chứng đạo. 5) Phật nhãn (Phạm:  Buddha caksus, Anh văn: Buddha eye): Là có đủ những khả năng của các nhãn kể trên, không gì không thấy, không gì không biết. ( Wikipedia Hán văn)

224/. Nhất thiết trí (一切智, Phạm: sarvajna): Theo Tri Độ Luận thì trí (智) trong đạo Phật có ba loại: 1) Nhất thiết trí là cái trí của Thanh văn và Duyên Giác, biết cái tướng tổng quát của chư pháp là không. 2) Đạo chủng tri (道種智) là cái trí của chư bồ tát, biết rõ ràng sự khác biệt của chư pháp. 3) Nhất thiết chủng tri (一切種智, Phạm: sarvajna-jnana) đó là Phật trí (佛智). Theo kinh Lăng Già (楞伽經) thì tam trí là 1) Thế gian trí: cái trí của người đời, chấp trước hữu vô, phân biệt chủng chủng pháp, không thể rời khỏi thế gian. 2) Xuất thế gian trí (出世間智) : cái trí của nhị thừa,. 3) Xuất thế gian thượng thượng tri (上上智): cái trí của chư bồ tát và chư Phật, biết thực tướng của chư pháp và diệu giác. (Phật Học từ điển Đinh Phúc Bảo)

225/. Thập hạnh (十行):  Sau khi đã được tu tập các pháp môn ở thập trụ, nay bồ tát sẽ mang điều sở học để cứu giúp chúng sinh gọi là thập hạnh (十行), đó là mười điều mà chư bồ tát sẽ thực hành. Theo kinh Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp  thì thập hạnh : 1) Hoan hỷ hạnh (歡喜行), 2) Nhiêu ích hạnh (饒益行, 3) Vô vi nghịch hạnh (無違逆行), 4) Vô khuất não hạnh (無屈撓行), 5) Vô si loạn hạnh (無癡乱行), 6) Thiện hiện hạnh (善现行) 7) Vô trước hạnh (無著行), 8) Nan đắc hạnh (難得行), 9) Thiện pháp hạnh (善法行), 10) Chân Thực  hạnh (真實行). Ngoài ra kinh Lăng Nghiêm (楞嚴經) và kinh Hoa Nghiêm (華嚴經) cũng có nói đến thập hạnh của bồ tát.

Thường người ta thích lấy thập độ (十度) so sánh với thập hạnh vì thập độ và thập hạnh có nhiều điều giống nhau, vì vậy thập độ thường được nói chung với thập hạnh. Ở thập trụ điều chính chư bồ tát tu tập là Không quán (空觀), ở thập hạnh điều chính tu tập của chư bồ tát  là  Giả quán, từ không nhập giả, biết chư pháp là do nhân duyên sinh ra, như hoạn như hóa,  thập trụ giúp thấy chân không, thập hạnh giúp thấy hoạn hữu. Hai cấp tu hành bổ túc cho nhau.

226/. Hoan hỷ hạnh (歡喜行, Anh văn: The practice of giving joy): Điều đầu tiên bồ tát làm là đem lại an lạc, hoan hỷ cho chúng sinh. Theo kinh Hoa Nghiêm , quyển 11 thì bồ tát là một đại thí chủ, bồ tát bố thí tất cả cái gì mình có cho chúng sinh một cách bình đẳng,  không hối tiếc, không cầu danh, không cầu quả báo,  không cầu vì bố thí mà được tái sinh ở nơi tốt hơn.  Bồ tát làm hoan hỷ hạnh là để làm sống lại bản hạnh của chư Phật, làm thanh tịnh bản hạnh của chư Phật, để thọ trì bản hạnh của chư Phật, để hiển dương bản hạnh của chư Phật. Kim Cương kinh tông thông (金剛經宗通) viết : Bồ tát sau khi đã chứng  được  Như Lai tạng (Phật tính) thì đã rời khỏi các hình tướng, vì vậy khi bố thí không còn thấy người bố thí, không còn thấy  người được bố thí, không còn thấy tài vật bố thí, không còn  thấy cái phúc của sự bố thí, không còn thấy cái nghiệp của bố thí, không còn thấy cái quả báo của bố thí, không còn thấy quả của bố thí…. Nếu đem so sánh với thập độ, thì đây là thí độ (施度).

227/. Nhiêu ích hạnh (饒益行, Anh văn: Beneficial service): Nhiêu (饒) nghĩa là dư thừa, nhiều ích là làm lợi một cách dư thừa cho chúng sinh. Theo kinh Hoa Nghiêm quyển 11: Chư bồ tát trì giới và thuyết giảng các giới luật cho chúng sinh không cầu mong một tư lợi gì riêng cho mình; chỉ mong chúng sinh hiểu rõ các giới luật, thọ trì các giới luật để sớm thoát ly các phiền não, để thành tựu vô tng bồ đề Phật đạo. Nếu đem so sánh với thập độ, thì đây là giới độ (戒度).

228/. Vô vi nghịch  hạnh (無違逆行, Anh văn: the practice of no obstinacy ): Theo kinh Hoa Nghiêm quyển 11 thì bồ tát phải luôn tu tập nhẫn nhục, khiêm tốn trước sự chửi mắng, sỉ nhục, chê bai, hăm dọa, đánh đập…và coi những nghịch cảnh này như là những thử thách trên con đường tu tập bồ tát đạo. Hơn nữa nếu bồ tát tin vào tất cả các pháp là không, tất cả các tướng là giả thì nhữngnghịch cảnh này cũng không tồn tại mãi mãi. Bồ tát phải nhẫn nhục trong những hoàn cảnh này, không làm hại mình, không làm hại người khác, luôn tha thứ và hướng dẫn người khác về con đường chánh đạo. Nếu đem so sánh với thập độ, thì đây là nhẫn độ (忍度).

229/. Vô khuất não hạnh (無屈撓行, Anh văn: The practice of indomitability): Chữ khuất (屈) là chữ viết tắt của chữ khuất phục (屈服). Chư não (撓) là chữ viết tắt của chữ trở não (阻撓). Vô khuất não hạnh: là không khuất phục trước mọi trở ngại. Theo kinh Hoa Nghiêm quyển 11: Bô tát luôn tinh tiến, trước mọi khó khăn, mọi trở ngại, để tu hành  tự độ, để cứu độ chúng sinh, để tất cả được vĩnh viễn thoát ly biển khổ, đế chứng  vô dư Niết Bàn. Nếu đem so sánh với thập độ, thì đây là tiến độ (進度).

230/. Vô si loạn hạnh (無癡亂行, Anh văn: The practice of nonconfusion): Theo kinh Hoa Nghiêm quyển thứ 11, thập hạnh phẩm: Bồ tát thành tựu vô thượng chánh niệm, tâm vô tán loạn, kiên cố bất động , vô thượng thanh tịnh… nên hiểu tất cả các pháp không chút lầm lẫn, không chút si loạn,  rõ rãng minh bạch dù qua nhiều kiếp, đạt được nhất thiết tri, vĩnh viễn không thoái chuyển. Nếu đem so sánh với thập độ, thì đây là thiền độ (禪度).

231/. Thiện hiện hạnh (善現行, Anh văn: The practice of skillful manifestation): Hiện (現) ở đây là biến hiện. Thiện hiện là khéo hiển hiện ra cho chúng sinh để giảng dạy bát nhã, cứu độ chúng sinh. Bồ tát và chúng sinh có cùng một thể tính. Với cùng một thể tính đó, bồ tát lại có thể biến hiện ra vô  số hình tướng khác nhau  tùy loại chúng sinh mà chư bồ tát đến cứu độ. Trong cái đồng có cái dị đồng, trong cái dị đồng có cái đồng, đồng và dị đồng không phải là hai.  Đó là thiện hiện hạnh của chư bồ tát. (Kinh Thủ Lăng Nghiêm: Tắc ư đồng trung, hiển hiện quần dị, nhất nhất dị tướng, các các kiến đồng, danh thiện hiện hạnh, 則於同中,顯現群異,一一異相,各各見同, 名善現行).  Nếu đem so sánh với thập độ, thì đây là tuệ độ (慧度).

232/. Vô trước hạnh (無著行, Anh văn: The practice of nonattachment). Vì có thiện hiện hạnh, nên chư bồ tát không những xuất hiện ở một nơi, nhưng còn xuất hiện ở thập phương hư không, ở mọi nơi. Không những ở thế giới hiện thân, mà còn hiện thân ở vô số vi trần thế giới. Hiện thân ở  vô số vi trần thế giới mà không chấp trước  bụi trần. Hiện thân ở các sát thổ (剎土) nhưng không chấp trước sát thổ, sát thổ và bụi trần không trở ngại nhau, phương tiện này được gọi là vô trước hạnh.   Nếu đem so sánh với thập độ, thì đây là phương độ (方度).

233/. Nan đắc hạnh (難得行, The practice of that which is difficult to attain). Nan đắc có nghĩa là khó lắm mới đạt được. Theo Kinh Hoa Nghiêm, quyển 11, thập hạnh phẩm: Thì bồ tát phải khó lắm mới đạt được thiện căn, phải khó lắm mới điều phục được thiện căn, phải khó lắm mới đạt được tối thắng thiện căn, phải khó lắm mới đạt được bất hoại thiện căn, phải khó lắm mới đạt được  cái thiện căn mà không một thiện căn nào khác cao hơn được, phải khó lắm mới đạt được cái bất tư nghị thiện căn, cái vô tận thiện căn, cái tự tại lực thiện căn, cái đại oai đức thiện căn . Sau cùng là đạt được cái thiện căn của chư Phật. Với cái thiện căn này bồ tát đã hiểu được những Phật pháp một cách tối thắng. Thành tựu hoằng nguyện của chư bồ tát là độ tất cả chúng sinh đến bờ giác. Nếu đem so sánh với thập độ, thì đây là nguyện độ (願度).

234. Thiện pháp hạnh (善法行,The practice of good teaching):  Theo kinh Hoa Nghiêm quyển 11( Đại Chánh Đại Tạng Kinh  số 278) Vì chư bồ tát được tất cả các đà la ni (陀羅尼, Phạm : dharani)  nên thông hiểu tất cả Phật pháp, biết tùy cơ duyên của chúng sinh diễn giải Phật pháp, để giúp chúng sinh giải trừ những nghi nan, mở vô thượng đạo môn cho chúng sinh. Nếu đem so sánh với thập độ, thì đây là lực độ (力度).

235/. Chân thật hạnh (真實行, The practice of the truth): Chư bồ tát học tất cả chân thật ngữ của tam thế Phật, thành tựu nhất thiết thiện căn, tất cả nhất thiết như lai trí tuệ. Bồ tát biết tất cả những nghiệp báo, trí tuệ, căn cơ của chúng sinh ở quá khứ, hiện tại và vị lai. Muốn chúng sinh được tất cả chân thật tri, tất cả những chân thật chánh niệm, để thành tựu Như Lai vô ngại giải thoát.  Nếu đem so sánh với thập độ, thì đây là trí độ (智度) ( Kinh Hoa Nghiêm quyển 11).

236/. Tánh chủng tính (性種性): Tính trong đạo Phật tùy theo kinh điển có thể chia làm sáu loại, năm loại hay hai loại.

A) Theo kinh Anh Lạc thì có sáu loại tính. Có thể chia làm ba nhóm: tính thuộc về nhân, về quả, về cả nhân và quả.

1) Tập chủng tính (習種性, Phạm: samudanita-gotra, Anh văn: proclivity acquired by practice): Tính do tu tập mà đạt được, đây là chư bồ tát tu tập thập trụ, đoạn trừ kiến tư hoặc mà đạt được các tính, vì vậy thập trụ còn gọi là tập chủng tính. Tính này thuộc về nhân (因).

2) Tính chủng tính (性種性, Phạm: prakritistha-gotra, Anh văn : innate proclivity): Tính do sanh ra đã có. Thập hạnh là bản tính của chư bồ tát, vì vậy thập hạnh cũng gọi là tính chủng tính. Tính này thuộc về nhân (因)

3) Đạo chủng tính (道種性, Anh văn: Nature possessing the seed of Bouuddhahood): Tính do tu tập các Phật pháp, nên hiểu rõ ràng các pháp môn của chư Phật. Thập hồi hướng cũng gọi là đạo chủng tính. Tính này thuộc về nhân (因).

4) Thánh chủng tính (聖種性, Anh văn: The holy seed nature, Phạm: arya-gotra) Khi chư bồ tát tu hết thập địa, chứng được thánh vị. Vì vậy thập địa còn gọi là thánh chủng tánh. Tính này thuộc về nhân (因).

5) Đẳng giác tính (等覺性, Phạm: Sambodhi, Anh văn: virtually emlightened nature)  còn gọi là chánh đẳng giác, chánh giác. Đẳng giác tính thuộc về cả nhân (因) và quả (果).

6) Diệu giác tính (妙覺性,  Anh văn: marvelously enlightened nature). Đây là tánh của chư Phật. Tính này thuộc quả .

B)Theo kinh Phạm Võng ( 梵網經) Thì chỉ có 5 loại kể trên không có diệu giác tánh.

C) Nhị Chủng Tánh (二種性): Một cách phân lọai khác là chia các tánh thành hai nhóm lớn 1) Tánh do tu tập mà đạt được và tánh do bẩm sinh mà có. 2) Tánh của các thánh nhân và tánh của những người phàm phu gọi là ngu phu chủng tánh (愚夫種性, Phạm:  ubhaya-prakara)

237/. Tục đế (俗諦, Phạm: Samvrti-satya, Anh văn: worldly truth, relative truth, conventional truth) còn gọi là thế đế (世諦), thế tục đế (世俗諦), phúc tục đế (覆俗諦). Đế (諦)có nghĩa là một chân lý không thay đổi. Tục(俗) là trần tục, phàm trần. Theo Nghĩa Lâm chương hai(義林章二): Hình tướng, hiển hiện  mà mắt thấy được là trần tục.( Nghĩa Lâm chương nhị viết: Thể tướng, hiển hiện, mục chi vi tục. 義林章二曰: 體相,顯現, 目之為俗.). Đức Phật vì thấy chúng sinh căn cơ còn yếu kém, khó hiểu được những lý thuyết siêu hình nên đã giảng dạy lý thuyết của ngài dựa vào những điều phàm tục, hình tướng thấy hàng ngày để giúp chúng sinh hiểu cái thuyết vô thượng chân thật của ngài, vì vậy ngài giảng tục đế, khi chúng sinh có trình độ khá hơn thì ngài giảng chân đế (真諦). Khi chúng sinh có trình độ cao hơn nữa thì ngài giảng trung đế (中諦). Cả ba đế cũng chỉ giảng dạy một chân lý đó là thuyết Không của ngài ở ba trình độ khác nhau.

Dùng Tục đế để hiểu về thuyết không của vạn vật bắt đầu dựa trên những hình tướng ta thường thấy và chứng minh nó luôn thay đổi, không có một cá tính riêng vĩnh cửu của nó.  Lấy thí dụ về con người trong Phật học  là do tứ đại (thổ, thủy, hỏa, phong), ngũ uẩn, nghiệp báo và nhân duyên tạo thành. Về mặt sinh học do tế bào, phân tử, nguyên tử …tạo thành. Nếu đem tách những thành phần này ra thì con người không phải là thổ, không phải là hỏa…không phải là sắc uẩn, không phải là thức uẩn…Về mặt sinh học thì con người không phải là tế bào gan, tế bào tim… không phải là phân tử nước, phân tử đường…Vậy con người chỉ là hư không mà thôi. Không có một cái gì của con người là hằng hữu cả. (Phật học Đại Từ Điển)

238/. Pháp nhãn (法眼, Phạm: Dharma Caksu): Đây là cái tâm nhãn của chư bồ tát, thấy được thực tướng của chư pháp, thấy được các duyên, các nghiệp của chúng sinh, thấy được tất cả các phương tiện pháp môn, biết được pháp môn nào thích hợp dùng để cứu giúp tùy trường hợp. (Phật quang Điện Tử Đại Tự Điển)

239/. Đạo chủng trí (道種智): Trí (智,Phạm: jnana, Anh văn: cognition, wisdom, omniscience).

1) Theo A Tì Đàm Tì Bà Sa luận (阿毘曇毘婆沙論) thì tam trí (Phạm:tri-jnana ) là a) Pháp trí (法智), b)Tỷ trí (比智), c) Đẳng trí (等智) còn gọi là thế tục trí (世俗智).

2) Theo Bảo Tàng Luận (寶藏論) : thì tam trí là a) chân trí (真智), b) nội trí (內智), C) ngoại trí (外智).

3) Theo Đại Trí Độ Luân thì tam trí là : Nhất thiết trí, đạo chủng trí và nhất thiết chủng trí

a) Nhất thiết trí (一切智, Phạm: vastu jnana, Anh văn: omniscience): Nhất thiết trí là cái trí của Thanh văn thừa và Duyên giác thừa. Cái trí biết mọi chuyện một cách tổng quát.  Có một số kinh sách xưa dùng Nhất thiết trí đồng nghĩa với Phật trí.

b) Đạo chủng trí (道種智): Cái trí của chư bồ tát biết tất cả các pháp môn và dùng các pháp môn để cứu độ chúng sinh.

C) Nhất thiết chủng trí: (一切種智, Phạm: sarvajna  jnana, Anh văn: all inclusive cognition),còn gọi là Phật trí (佛智), Phật chủng trí (佛種智), Đại viên kính trí (大圓鏡智).  Chữ chủng (種) ở là chữ viết tắt của chữ chủng chủng (種種) có nghĩa là các loại.  Nhất thiết chủng trí là cái trí của chư Phật, biết tất cả mọi chuyện một cách rõ ràng.

240/. Thập hồi hướng (十迴向): Hồi hướng (迴向, Phạm: parinamana) có nghĩa là quay trở lại, đền đáp lại. Chữ hồi hướng được dùng khá rộng rãi trong đạo Phật. Có nhiều loại hồi hướng:

1) Đại Thừa Nghĩa Chương (大乘義章卷九) có liệt kê ba loại hồi hướng:  a) Bồ đề hồi hướng (菩提迴向), b) Chúng sinh hồi hướng (眾生迴向), c) Thực tế hồi hướng (實際迴向).

2) Đại Phương Quảng Phật  Hoa Nghiêm  Kinh Sớ quyển 26 (Đại chánh Tân Tu kinh số 1735): Có liệt kê 10 loại hồi hướng, khác với mười quả vị thập hồi hướng của 52 quả vị của bồ tát đạo giảng trong Kinh Hoa Nghiêm và trong Tứ Giáo Nghi.

3) Tịnh Độ Tông có giảng về hai loại hồi hướng: a) Vãng tướng hồi hướng (往相迴向), b) Hoàn tướng hồi hướng (還相迴向).

4) An Lạc Tập quyển hạ (安樂集卷下) của tôn giả Đạo Xước, (道綽),  đệ nhị tổ của Tịnh Độ Tông, lại liệt kê sáu loại hồi hướng dựa vào Vô Lượng Thọ Kinh quyển hạ (無量壽經卷下): 1) Tu chư thiện nghiệp hồi hướng Đức Phật A Di Đà (修諸業迴向阿彌陀佛),  2) Hồi nhân hướng quả (迴因向果), 3) Hồi hạ hướng thượng (迴下向上), 4) Hồi trì hướng tốc (迴遲向速), 5) Hồi thí chúng sinh bi niệm hướng thiện (迴施眾生悲念向善), 6) Hồi nhập khứ khước phân biệt chi tâm (迴入去卻分別之心).

5) Quả vị Thập hồi hướng là 10 điều mà chư bồ tát dùng để đền đáp lại công ơn của chư Phật, để giúp chúng sinh, làm tịnh hóa Phât thổ, Anh văn dịch là Ten Dedications of Merit. Thập trụ là tu tập về trí tuệ của tánh Không, thập hạnh là tu tập từ bi của Giả quán, thập hồi hướng là tu tập thực tướng của Trung đạo qua ba loại hồi hướng: Hồi hướng chúng sinh, hồi hướng Phật đạo và hồi hướng chân như. Theo kinh Hoa Nghiêm thập hồi hướng : 1)  Cứu hộ chúng sinh ly chúng sinh tướng hồi hướng (離眾生相), 2) Bất hoại hồi hướng (不壞), 3) Đẳng nhất thiết chư Phật hồi hướng (等一切諸佛), 4) Chi nhất thiết xứ hồi hướng (至一切處), 5) Vô tận công đức tạng hồi hướng (無盡功德藏), 6) Nhập  nhất thiết bình đẳng thiện căn (入一切平等善根), 7) Đẳng tùy thuận  nhất thiết chúng sanh hồi hướng (等隨順一切眾生), 8) Chân như tướng hồi hướng (真如相), 9) vô  phược  Vô trước giải thoát hồi hướng (無縛無著解脫), 10) Pháp giới vô lượng hồi hướng (法界無量).

241/. Ly chúng sinh tướng hồi hướng (離眾生相): Theo kinh Lăng Nghiêm: Chư bồ tát sau khi tu tập thập hạnh, nhất là thiện hiện hạnh, vô trước hạnh và tôn trọng hạnh thì thần thông đã đầy đủ, đã có đủ khả năng để làm những Phật sự có lợi cho chúng sinh vì đã có thiện pháp hạnh và chân thực hạnh. Lòng đã an trụ ở chân như Phật tính, đã xa mọi chấp trước, tiến lên con đường Niết Bàn, cứu độ chúng sinh mà xa rời chúng sinh tướng, đó là ly chúng sinh tướng hồi hướng.

242/. Bất hoại hồi hướng (不壞迴向): Trong kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Thập hồi hướng phẩm, phần 2 có một bài kinh dài về bất hoại hồi hướng. Ở đây xin tóm tắt một vài ý chính của bài kinh. Chư bồ tát vì đã kiên trì tu tập nên được bất hoại tín (不壞信), từ bất hoại tín sinh bất hoại thiện căn. Chư bồ tát đem thiện căn này trồng ở vô lượng vô biên Phật thổ, được vô lượng thiện quả.  Lấy những thiện quả này cúng dường chư Phật nên được chư Phật hộ niệm, chư pháp tương ứng, thành tựu được phương tiện hồi hướng, thiện xảo hồi hướng, quảng đại hồi hướng …Với những hồi hướng này chư bồ tát được thanh tịnh trí, nhất thiết chủng trí, được thấy vô số chư Phật, được vô biên thần lực để cứu độ chúng sinh, hàng phục ma quỷ, vượt mọi chướng ngại….  là bồ tát bất hoại hồi hướng.

Cũng có vài giải thích khác kinh Hoa Nghiêm, như trong kinh Lăng Nghiêm (楞嚴經) giảng: Phá hủy cái phá hủy, xa lánh cái xa lánh, đó là bất hoại hồi hướng (Hoại kỳ khả hoại, viễn ly chư ly, danh bất hoại hồi hướng 壞其可壞,遠離諸離,名不壞迴向.

243/. Đẳng nhất thiết chư Phật hồi hướng (等一切諸佛迴向): Theo kinh Hoa Nghiêm:  chư bồ tát đã theo chư Phật ở quá khứ, hiện tại và tương lai tu tập. Chuyên tâm tu hành hồi hướng đạo, đã thấy tất cả các sắc, các pháp, cái đẹp cái xấu, không sinh lòng thương, lòng ghét, tâm luôn tự tại, không chút sai lầm, quảng đại thanh tịnh, xa các phiền não, tâm ý nhu mì…chư căn thanh tịnh, đó là đẳng nhất thiết Phật hồi hướng. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm: Cái bản giác (Như Lai tạng) của chư bồ tát đã thanh tịnh, cái bản giác đó đã tương đương với Phật giác, nên gọi là đẳng nhất thiết Phật hồi hướng. (Bổn giác trạm nhiên, giác tề Phật giác, danh đẳng nhất thiết Phật hồi hướng. 本覺湛然, 覺齊佛覺, 名等一切佛迴向).

244/. Chí nhất thiết xứ hồi hướng (至一切處): Theo Kinh Hoa Nghiêm quyển thứ 22.  Xin tóm tắt ý chính của bài kinh dài như sau:  Chư bồ tát với những thiện căn tu tập của mình làm vô lượng công đức, và đem những công đức này đến khắp mọi nơi, đến vô lượng vô biên thế giới để cứu giúp chúng sinh.

245/. Vô tận công đức tạng hồi hướng (無盡功德藏迴向):  Theo kinh Hoa Nghiêm: Bồ tát phải sám hối trước chư Phật tất cả các trọng nghiệp của mình, nhờ lòng thành sám hối kính bái tam thế Phật, nhờ chư Phật thuyết Pháp cho nên gây được thiện căn, chuyên cần tu tập đạt được rất nhiều công đức, đem tất cả công đức này cúng dâng cho tất cả trang nghiêm Phật thổ đó là vô tận công đức tạng hồi hướng.

246/. Nhập nhất thiết bình đẳng thiện căn hồi hướng (入一切平等善根迴向): Theo kinh Hoa Nghiêm thập hồi hướng phẩm: Bồ tát tu hành bố thí ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tiến ba la mật, hành đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả … đạt được vô lượng thiện căn. Chư bồ tát lấy tất cả các thiện căn tu tập được để hồi hướng cho chúng sinh một cách bình đẳng, làm nơi cho chúng sinh nương tựa, để làm ánh sáng soi đường chỉ lối cho chúng sinh, làm đại đạo sư để hướng dẫn chúng sinh tu cầu Phật trí…. Đó là nhập  nhất thiết bình đẳng  thiện căn hồi hướng.

247/. Đẳng tùy thuận nhất thiết chúng sanh hồi hướng (等隨順一切眾生迴向): Theo Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Thập hồi hướng phẩm: Tùy ở đây có nghĩa là tùy theo, tùy thuận nhất thiết chúng sinh: Có nghĩa là tùy theo các ước nguyện chánh đáng, những thiện nguyện của chúng sinh mà giúp đỡ. Trong kinh lấy thí dụ bồ tát phải như mật bậc vua chúa trị nước bằng chánh pháp, bố thí cho chúng sinh tài vật, ngai vị và thân thể của mình, giúp chúng sinh xa khỏi tội lỗi, tù ngục, đó là cái nguyện đền đáp cho chúng sinh đó là tùy thuận nhất thiết chúng sinh hồi hướng.

248/. Chân như tướng hồi hướng (真如相迴向):  Chân như (真如, Phạm: bhuta-tathat, Anh văn:  thurness, suchness). Trong Phật học dùng nhiều danh từ khác nhau: Phật tính(佛性), chân như (真如), như như (如如), pháp giới(法界), pháp tính (法性), thực tướng (實相), như lai tạng (如来藏), pháp thân(法身), nhất tâm (一心), tự tánh thanh tịnh thân (自性清浄身), bất khả tư nghị giới (不可思議界). Trong Đại Chánh tân tu tạng kinh số 279, Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm kinh quyển 30 giảng về Chân như tướng hồi hướng rất tường tận, xin tóm tắt ý chính:  Bồ tát lấy tất cả những công đức tích lũy được cúng dâng cho Phật tính, hướng dẫn chúng sinh chứng được Phật tính.

249/. Vô phược vô trước giải thoát hồi hướng (無縛無著解脫迴向): Vô phược nghĩa không bị trói buộc.  Trước (著) là mặc, như mặc áo, vô trước nghĩa là không mang theo một điều kiện gì, một thành kiến gì. Bồ tát khi đem thiện căn, công đức, phương tiện,  Phật trí… của mình tu tập và tích lũy được ban tặng cho tất cả chúng sinh một cách bình đẳng, không tí ràng buộc, không một thành kiến, hoàn toàn vô điều kiện ban tặng, giúp đỡ chúng sinh.

250/. Nhập pháp giới vô lượng hồi hướng (入法界无量迴向): Trong kinh Hoa Nghiêm, thập hồi hướng phẩm có một bài rât dài về bồ tát nhập pháp giới vô lượng hồi hướng. Ở đây xin tóm tắt vài ý chính. Chư bồ tát với những thiện căn của mình làm vô lượng phạm hạnh ở vô biên thế giới và pháp giới, để dẫn dắt chúng sinh thoát ly chư ác, để được thanh tịnh, an trụ chúng sinh nơi chánh pháp. Chư bồ tát tinh tiến tu tập các pháp môn để diễn giảng các pháp môn đó cho chúng sinh… để chúng sinh được nhất thiết trí. Chư bồ tát với đầy Phật pháp quang minh, được tất cả pháp vân, tất cả pháp vũ, …vào tất cả các Phật thổ, các Phật pháp, các chánh trí, các thần thông, và vô biên pháp giới an trụ,  để tu bồ tát hạnh. Đó là nhập pháp giới vô lượng hồi hướng.

251/. Phương tiện hữu dư độ (方便有餘土): Theo Thiên Thai Tông thì có bốn loại tịnh độ, còn gọi là Phật độ.

a) Tịnh độ cao nhất là Thường Tịch quang tịnh độ (常寂光淨土):  Đây là nơi cư ngụ của chư Phật đã hoàn tất Diệu Giác quả vị, đã đạt được cứu cánh Phật quả, đã đoạn trừ tất cả vô minh hoặc.  Đây là nơi thường trụ , tịch diệt, quang minh Phật độ.

b) Thực báo trang nghiêm độ (實報莊嚴土): Còn gọi là Thực báo vô ngại độ (實報無障礙土), quả báo quốc (果報國). Đây là nơi cư ngụ của chư bồ tát đã đoạn trừ được một phần vô minh, hoàn tất sơ địa trở lên của Biệt Giáo và sơ trụ trở lên của Viên giáo. Phàm phu và nhị thừa không đến được nơi này.

c) Phương tiện hữu dư độ (方便有餘土): Còn gọi là Phương tiện độ (方便土), hữu dư độ (有餘土). Đây là nơi cư ngụ của chư A La Hán, Bích Chi Phật, chư bồ tát tu tập dưới cấp sơ địa cư ngụ. Hành giả đã đoạn trừ được kiến hoặc và tư hoặc đã vào phương tiện đạo, vì vậy gọi là Phương tiện độ. Vì hành giả còn những chướng ngại về thật tướng của trung đạo, còn vô minh căn bản hoặc, nên gọi là hữu dư nghĩa là còn dư lại, chưa đoạn trừ hết hoàn toàn.

d) Phàm thánh đồng cư độ (凡聖同居土): Còn gọi là Nhiễm tịnh đồng cư độ (染淨同居土), nhiễm tịnh quốc (染淨國). Đây là nơi cư ngụ của người phàm, Thanh Văn và Duyên Giác. Nó lại được chia là hai nhóm nhỏ:

1d) Phàm cư (凡居): Là nơi cư ngụ của các người trong địa ngục, ma đói, súc vật, a tu la và các thiện chúng sinh cư ngụ.

2d) Thánh cư (聖居) lại được chia làm thực thánh cư (實聖居) và quyền thánh cư (權聖居).

-Thực thánh cư là nơi cư ngụ của Thanh Văn thừa có tứ quả vị, Bích chi Phật, bồ tát của thông giáo từ lục địa trở lên, Biệt giáo ở cấp thập trụ.

– Quyền thánh cư: Quyền thánh là những thánh tạm thời, chư Phật, chư bồ tát vì để cứu chúng sinh có thể tạm hóa thành các thánh và tạm cư ngụ tại đây. Vì vậy một số thánh của tam thừa có thể cư ngụ tại đây hay tại phương tiện hữu dư thổ, pháp thân của chư bồ tát ở thực báo trang nghiêm thổ và thường tịch quang tịnh thổ, hay Diệu Giác Như Lai Phật vì được chúng sinh thỉnh cầu cũng có thể xuống đây tạm cư ngụ để giúp chúng sinh.

Một cách phân chia khác của Phàm thánh đồng cư thổ là dựa vào thanh tịnh và ô uế. Tây Phương cực lạc (西方極樂, Sukhavati) là phàm thánh đồng cư thổ thanh tịnh. Cõi Sa Bà (娑婆世界, Saha loka dhatu) là phàm thánh đồng cư thổ ô uế. (Đại thừa Huyền Luận quyển 5, Phật Học Vấn Đáp).

252/. Hạnh bất thoái vị (行不退位): Thoái (退) là đi lui. Bất thoái là không trở lui, không xuống cấp bậc, Anh văn nonretrogression, non backsliding.  Khi nói về một trình độ hay quả vị thì dùng chữ bất thoái vị hay bất thoái địa (Phạm: avinivartaniya, avaivartika). Có hai nhóm bất thoái trong Phật học: tam bất thoái vị và tứ bất thoái vị.

a) Tam bất thoái vị (三不退位). Theo Di Lạc Bồ Tát Sở Vấn Kinh Luận (弥樂菩萨初問經) thì có ba loại bất thoái: 1) Vị bất thoái (位不退), 2) Hạnh bất thoái (行不退), 3) Niệm bất thoái (念不退)

b) Tứ bất thoái vị: Có hai nhóm tứ bất thoái khác nhau tùy theo các kinh điển hay tông phái:

– Niệm bất thoái, hạnh bất thoái, vị bất thoái,  Xứ bất thoái (處不退), đó là tứ bất thoái của phái Tịnh Độ Tông (净土宗).

– Tín bất thoái, vị bất thoái, chứng bất thoái (證不退), hạnh bất thoái, đó là tứ bất thoái của Pháp Tướng Tông (法相宗)

– Hạnh bất thoái: Đó là các công đức  do sự tu hành đã đạt được,  công đức đó không bai giờ  bị thoái lui hay xuống cấp.

– Hạnh bất thoái vị: Đó là những quả vị do công đức tu hành đạt được không bao giờ bị thoái lui hay xuống cấp.Trong Biệt Giáo bồ tát tu hành từ bát trụ (Đồng chân trụ) cho đến hồi hướng thứ 10 (nhập pháp giới vô lượng hồi hướng), tất cả những quả vị này là hạnh bất thoái vị. (Phật Quang  Sơn Điện Tử Đại Từ Điển, Phật Học Từ Điển của Đinh Phúc Bảo, Digital Dictiona ry of Buddhism, Charles Muller)

253/. Thập địa (十地): Địa có nghĩa là đất (Phạm: prthivi, bhumi,  Anh văn: ground). Sở dĩ dùng chữ địa để đặt tên cho mười cấp vị tu hành này của bồ tát đạo là vì Đất có khả năng sinh sản cây cối và muôn vật, ở đây bồ tát tu tập thập địa để làm sinh ra những thiện căn cho chúng sinh;  Đất là quảng đại, kiên cố bất động, tượng trưng cho lòng của chư bồ tát vững chắc, không còn bị một cảnh giới nào lay chuyển;  Đất cũng là nơi chịu đựng, gánh vác tất cả  đời sống con người, bồ tát sẽ là đấng gánh vác tất cả trọng trách của đạo pháp và chúng sinh.

Có nhiều loại thập địa tùy theo giáo phái: Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo đều có cấp bậc tu hành gọi là thập địa, những thập địa này có trình độ cao thấp khác nhau xa, vì vậy không nên lẫn lộn. Ở đây xin liệt kê tất cả các thập địa của các giáo phái để tham khảo.

A)Thanh văn thừa thập địa: 1) Tức Thụ tam quy địa (即受三皈地), 2) Tín địa (信地), 3) Tín Pháp địa (信法地), 4) Nội phàm phu địa (內凡夫地), 5) Học tín giới địa (學信戒地), 6) Bát nhân địa (八人地), 7) Tu đà hoàn địa (須陀洹地), 8) Tư đà hàm địa(斯陀含地), 9)A na hàm địa(阿那含地), 10) A la hán địa (阿羅漢地.

B) Duyên giác thừa thập địa: 1)Tức khổ hành cụ túc địa (即苦行具足地), 2) Tự giác thậm thâm thập nhị nhân duyên địa (自覺甚深十二因緣地), 3) Giác liễu tứ thánh đế địa ( 覺了四聖諦地), 4) Thậm thâm lợi trí địa ( 甚深利智地), 5) Cửu thánh đạo địa (九聖道地  ), 6) Quán liễu pháp giới hư không giới chúng sanh giới địa (觀了法界虛空界眾生界地), 7) Chứng tịch diệt địa(證寂滅地), 8) Lục thông địa(六通地), 9) Triệt hòa mật địa (徹和密地), 10) Tập tưởng tiệm bạc địa (習想漸薄地).

C) Thông giáo thập địa còn gọi là tam thừa thập địa. Dựa vào Đại Phẩm Bát Nhã kinh quyển 6 (大品般若經卷六): 1) Kiền tuệ địa (乾慧地), 2) Tính địa (性地), 3) Bát nhân địa (八人地), 4) Kiến địa (見地), 5) Bạc địa (薄地), 6) Ly dục địa (離欲地), 7) Dĩ tác địa (已作地), 8) Tích chi Phật địa (辟支佛地), 9) Bồ tát địa (菩薩地), 10) Phật địa (佛地).

D) Biệt giáo thập địa còn gọi là Hoa Nghiêm thập địa: 1) Hoan Hỷ địa (歡喜地), 2) Ly cấu địa (離垢地), 3) Phát Quang địa(發光地), 4) Diệm tuệ địa (焰慧地), 5) Nan  thắng  địa (難勝地), 6) Hiện tiền địa (現前地), 7) Viễn hành địa (遠行地), 8) Bất động địa (不動地), 9) Thiện tuệ địa (善慧地), 10) Pháp vân địa (法雲地)

E) Viên giáo thập địa: 1) Thậm thâm nan tri quảng minh trí đức địa (甚深難知廣明智德地), 2) Thanh tịnh thân phân uy nghiêm bất tư nghị minh đức địa(清淨身分威嚴不思議明德地), 3) Thiện minh nguyệt tràng bảo tướng hải tàng địa (善明月幢寶相海藏地), 4) Tinh diệu kim quang công đức thần thông trí đức địa (精妙金光功德神通智德地), 5) Hỏa luân uy tàng minh đức địa (火輪威藏明德地), 6) Hư không nội thanh tịnh vô cấu diễm quang khai tướng địa (虛空內清淨無垢焰光開相地), 7) Quảng thắng pháp giới tàng minh giới địa (廣勝法界藏明界地), 8) Tối tịnh phổ giác trí tàng năng tịnh vô cấu biến vô ngại trí thông địa (最淨普覺智藏能淨無垢遍無礙智通地), 9) Vô biên ức trang nghiêm hồi hướng năng chiếu minh địa (無邊億莊嚴迴向能照明地), 10) Tỳ Lô giá na trí hải tàng địa (毘盧遮那智海藏地).

Ngoài năm nhóm thập địa chính kể trên còn có thập địa liệt kê trong Phạm Văn Đại Sự (梵文大事, Mahavastu), thập địa của Đại thừa thời sơ khai. ( 大乘初期, Đại thừa sơ kỳ thập địa) và Mật tông thập địa. Vì những thập địa này không rõ của giáo phái nào hay không rõ về cấp bậc tu hành nên không đi vào chi tiết.

Tên của các quả vị của bồ tát thập địa tùy theo kinh cũng khác biệt nhau, vì phạm vi hạn hẹp của bài này nên không liệt kê hết để so sánh. Bồ tát thập địa có giảng trong nhiều kinh điển, như trong bộ kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phật thuyết thập địa kinh (佛說十地經), Đại Bi Tâm Đa La Ni Kinh (大悲心陀羅尼經), Thập địa Kinh Luân (十地經論), Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Nhân Vương, Kinh Anh Lạc…Những định nghĩa và nội dung của các địa cũng khá khác nhau tuy kinh điển. Ở đây chỉ xin ghi lại một vài ý chính.

(Tham khảo: kinh Lăng Nghiêm, kinh Anh Lạc, Pháp Hoa Văn Cú)

254/. Hoan hỉ địa (歡喜地, Phạm: pramudita bhumi): Bồ tát Biệt Giáo nếu trước tu Không quán, sau tu Giả quán. Sau khi tu xong Giả quán đắc đạo chủng trí (道種智) mới tu tập Trung quán. Với Trung quán mới phá được một phần vô minh và chứng được một phần tam đức. Từ Hoan hỷ địa cho đến Đẳng giác, được gọi là Thánh chủng tính. Chứng được chứng bất thoái (證不退). Bồ tát tiếp tục tu hành bố thí ba la mật và hoàn tất thập vô tận nguyện.  Đến đây Bồ tát đã vào tới Bảo Sở, đã đi hết 500 dặm đường, đã chứng được pháp tính, thế tục bồ đề tâm đã biến thành thắng nghĩa bồ đề tâm, đã đoạn trừ thất cả các kết (結, Phạm: samyojana, Anh văn: shackle), các úy (畏, Phạm: bhaya, Anh văn: fear), đã thị hiện bát tướng thành đạo. Vì vậy chư bồ tát đầy pháp hỷ (法喜, Phạm: pritijanana), vì vô cùng hoan hỷ, nên gọi là Hoan hỷ địa. (Bài tóm tắt kinh Hoa Nghiêm Thập địa phẩm lược thuyết)

255/. Tam đức (三德): Theo kinh Niết Bàn (涅盤經): Tam đức là: Pháp thân đức (法身德, Phạm: dharmakaya), Bát nhã đức (般若德, Phạm: prajna) và Giải thoát đức (解脫德) (Pháp Tướng Từ Điển)

256/. Vô công dụng vị: 無功用位, Phạm: akaraniyavastha. Vô công dụng có nghĩa là không còn phải làm cái gì nữa, những điều cần làm đã hoàn tất. Nó là cấp thứ 9 của 18 cấp vị tu tập bồ đề trong Trung Biên Phân Biệt Luận (中編分別論). Nó tương đương với hoan hỷ địa của Biệt giáo. (Digital Dictionary of Buddhism, Charles Muller)

257/. Bát tướng (八相): Có nghĩa bát tướng thành đạo (八相成道, Phạm: asta-laksana) là tám giai đoạn thành đạo của đức Phật: 1) Giáng Đâu Suất (降兜率): Đức Phật là Hộ Minh bồ tát (護明菩薩, Phạm: Ekajati pratibuddha) ở cõi trời Đâu Suất (Tusita), cưỡi voi trắng có sáu ngà giáng trần. 2) Nhập thai: Nơi hoàng hậu Ma Da (摩耶夫人, Maya devi), hoàng hậu của  vua Suddhodana của tiểu vương quốc Kshatriya varna,  3) Giáng sinh: ở vườn  Lâm Ty Ni (藍毗尼, Lumbini), dưới cây vô ưu (無憂樹, Jonesia soka), 4) xuất gia, 5) Hàng phục ma vương Ba Tuần (波旬 Papiya) và ma quân, 6) Thành đạo: Thiền định đến ngày thứ 49, đến đêm chứng được  tứ diệu đế, giữa đêm ngộ thập nhị nhân duyên, sau đó chứng Trung đạo thật tướng.  7) Chuyển pháp luân tại Lộc Uyển, thuyết pháp trong 49 năm, 8) Nhập diệt tại thành phố Câu Thi Na (拘尸那城, Kusinagara) trong vườn Sa La Song Thụ (娑羅雙樹, vamaka sala vana). 

258/. Ly cấu địa (離垢地, Phạm: vimala bhumi):  Bồ tát khi đến ly cấu địa phải có mười loại trực tâm (直心), nhờ có mười loại trực tâm nên có thể tu trì thập thiện đạo (十善道, Phạm: kusala karma patha). Bồ tát cũng phải tu hành trì giới ba la mật. Tam nghiệp thanh tịnh, các giới luật vi tế luật không còn vi phạm, xa lìa tất cả ô nhiễm, cứu độ chúng sinh, đó là ly cấu địa.

259/. Phát quang địa (發光地, Phạm: prabhakari bhumi). Bồ tát tu đến tam địa, thiền định thâm hậu, đã được thọ trì Đà la ni (陀羅尼, Phạm: dharani), trí tuệ thành tựu, thấy được thật tướng của muôn vật, không còn lầm lạc vì những giả danh giả tướng. Bồ tát có ngũ thần thông và lậu tận thông, phát ra hào quang mầu vàng, mầu đỏ. Trong địa này Bồ tát phải tu trì nhẫn nhục ba la mật.

260/. Diệm tuệ địa (焰慧地, Phạm: arcismati bhumi). Đến tứ địa thì hào quang trí tuệ lại càng sáng hơn nữa, như một ngọn lửa, thiêu hủy tất cả phiền não, tất cả chấp trước. Trong địa này bồ tát phải tu tập tinh tiến ba la mật, tu tập thất bồ đề phần pháp) (七菩提分法).

261/. Nan thắng địa (難勝地, Phạm: sudurjaya bhumi): Bồ tát đến địa này khó có ai thắng được vì bồ tát có đủ các loại thần thông quảng đại lại học tất cả các môn của thế gian từ y học, khoa học, nghệ thuật, nông, công nghệ … để giúp đỡ chúng sinh,  để an trụ chúng sinh ở nơi vô thượng Phật pháp.  Trong địa này chư bồ tát phải tu tập tĩnh lự ba la mật(靜慮波羅密) hay trí ba la mật.

262/. Hiện tiền địa (現前地, Phạm: abhimukhi bhumi): Bồ tát đến địa này  hiểu rất rõ thập nhị nhân duyên, duyên khởi vì vậy mọi chuyện ở thế gian cũng đuợc giải thich rành mạch, biết rõ nhân duyên sâu xa của câu chuyện, biết rõ chân thật tính của vạn vật vì bát nhã trí tuệ hiện trước mặt ngài. Trong địa này chư bồ tát phải tu tập viên mãn bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật ở địa này chú trọng tu tập căn bản trí (根本智) để chứng ngộ tính không.

263/. Viễn hành địa (遠行地), Phạm: durangama bhumi): Bồ tát ở địa này tương đương với quả vị độc giác của Tạng giáo.  Ở địa này chư bồ tát đã đi gần đến bờ giác, đã khá xa cõi phàm trần sinh tử.  Từ sơ địa cho đến viễn hành địa, chư bồ tát đã chứng được Phương tiện hữu dư thổ. Chư bồ tát có tất cả các phương tiện trí tuệ,  lại quan sát thiện xảo nên chư bồ tát có thể liên hệ mọi chuyện của chúng sinh một cách khéo léo để cứu giúp chúng sinh. Ở địa này chư bồ tát phải tu tập viên mãn phương tiện ba la mật. Bát nhã ba la mật ở địa này chú trọng tu tập hậu đắc trí (後得智), trí này dùng để giáo hóa chúng sinh.

264/. Bất động địa (不動地, Phạm: acala bhumi) Bồ tát khi đến bát địa tất cả phiền não đã đoạn trừ, không còn bị phiền não lay chuyển vì vậy gọi là bất động địa. Bồ tát đến đây đã chứng được vô sinh pháp nhẫn (無生法忍), được thập tự tại (十自在), đã vào thực báo trang nghiêm thổ, ra ngoài vòng sanh tử. Trong địa này bồ tát phải tu trì viên mãn nguyện ba la mật. Bát địa chứng được niệm bất thoái nên còn gọi là bất thoái chuyển địa.

265/. Thiện tuệ địa (善慧地, Phạm: sadhumati bhumi): Chư bồ tát đến thiện tuệ địa có một hiểu biết sâu rộng về chúng sinh, biết tất cả những phiền não, những nghiệp quả, những căn cơ, những tùy miên (随眠), những thọ sinh, những tập khí, những thiền định, những hạnh nguyện của kiếp sau  với tất cả các tướng của nó. Chư bồ tát cũng có vô biên thần lực, thần thông, pháp môn… để cứu độ chúng sinh trong mọi hoàn cảnh nhưng  chư bồ tát cũng có một giới hạn mà không  vượt qua được như kinh Hoa Nghiêm viết:  Bồ tát biết rõ ràng con đường giải thoát nhưng cũng có những giới hạn, như nước thủy triều không qua khỏi giới hạn của nó… (đắc thâm giải thoát, hành ư thế gian, như  thực nhi tri, bất qua hạn cố, triều bất quá hạn, … 得深解脫, 行於世間如實而知,不過限故,潮不過限). Theo các giải thích thì điều giới hạn là luật nhân quả. Bồ tát dù có quyền phép vô biên trước những lời kêu cầu của chúng sinh vẫn phải tuân theo luật nhân quả, không thể đổi chết thành sống, đổi bệnh thành lành… vì đó là cái quả của người đó phải trả. Bồ tát chỉ có thể giúp phần nào mà thôi. Vì vậy bồ tát giúp nhân nhiều hơn giúp quả. Giúp chúng sinh đi vào con đường tu hành, làm công đức và các thiện nguyện hoặc thuyết pháp cứu độ chúng sinh. Trong địa này bồ tát phải tu hành viên mãn lực ba la mật.

266/. Pháp vân địa (法雲地, Phạm: aharmamegha bhumi) : Đến đây chư bồ tát đã được tất cả các lực, các vô úy, các pháp … nhiều không kể hết của Như Lai, chư bồ tát có thể lãnh hội tất cả Như Lai đại pháp, để làm Phật sự một cách sâu rộng trong chúng sinh. Trong địa này chư bồ tát phải tu tập viên mãn trí ba la mật.

267/. Đẳng giác vị (等覺位): Đây là quả vị cao nhất của chư bồ tát, cấp bậc kế là diệu giác vị, diệu giác vị là Phật vị. Bồ tát ở quả vị này có trí tuệ, thần thông, đạo lý và công đức tương đương với diệu giác. Bồ tát ở đẳng giác vị còn một phẩm vô minh chót, nếu đoạn trừ được phẩm vô minh chót này sẽ vào diệu giác vị thành Phật. Bồ tát ở đẳng giác vị còn gọi là kim cương tâm bồ tát (Thiên Thai Tâm Thược (天台心鑰), tác giả là pháp sư Thánh Nghiêm 聖嚴)

268/. Kim cương tâm (金剛心): Kim Cương 金剛:  Là chữ dịch nghĩa của tiếng Phạn là vajra, chữ Pali là vajira. Hán văn còn phiên âm chữ vajra là phược nhật la 縛日羅, hay bạt chiết la 跋折羅 trong những kinh điển khác nhau. Trong kinh Rigveda của Đạo Ấn Độ được viết vào 1700 BCE-1100 BCE đã nói đến vị thần Indra với vũ khí là môt thanh trượng ( Anh văn: club, bat ) gọi là vajra. Indra là vua của thiên đình của Đạo Ấn Độ, tương đương với Ngọc Hoàng của Đạo giáo, hay thần Zeus của Đạo Hy Lạp. Indra sau đã được thu nhập vào Đạo Phật và được  gọi là Đế Thích 帝釋  hay 帝释天Đế Thích Thiên, tiếng Phạn là Sakra Devanam Indra.

Võ khí của ngài là vajra, cây trượng phát ra sấm sét, chiến thắng tất cả các tà ma, vì vậy ngài còn là thần mưa gió sấm sét của đạo Ấn Độ. Khi người Ấn Độ tìm ra loại đá quý kim cương, có lẽ vì kim cương cũng lấp lánh phản chiếu ánh sáng như là cây trượng vajra phát ra những tia sáng của sét nên người Ấn Độ đã gọi loại đá quý này là vajra.

Vajra trong tiếng Phạn có ba nghĩa: Võ khí phát ra sấm sét của Indra, võ khí có hinh một cây trượng không phát ra sấm sét như cây dùi cui, một loại đá quý, Anh văn đã dùng ba chữ để dịch 3 nghĩa này: Thunderbolt, diamond club, diamond.

Trong Hán văn, chữ “金剛 kim cương ” có lẽ được mượn từ Đạo giáo qua, vì trong kinh Đạo Giáo của 抱樸子 Bảo Phác Tư (281CE-341CE) đã nói đến một loại đá quý ở dưới biển gần nước 扶南 Phù Nam gọi là kim cương. Khi dịch chữ vajra, Hán văn chỉ dịch có hai nghĩa : diamond club được dịch là金剛杵 kim cương xử, đây là võ khí có hinh một cái chầy, cây trượng (bat), cây dùi cui lớn, không phát ra sấm sét. Loại đá quý được dịch là金剛 石kim cương thạch, hay 金剛鑽 kim cương toản. Trong Hán văn ngày nay chữ kim cương được gọi là 鑽石toản thạch. Những hộ pháp trong đạo Phật mà dùng võ khí là kim cương xử thì được gọi là 護法金剛 hộ pháp kim cương, nhưng trong các kinh điển lại chỉ gọi tắt là kim cương. Hán văn đã bỏ mất cái nghĩa thunderbolt của vajra.

Trong Đạo Phật chữ kim cương thường có nghĩa là 不壞 bất hoại ( indestructible), cứng rắn, vô địch (invincible) chiến thắng mọi tà ma, mọi vọng tưởng, mọi phiền não để đi đến giác ngộ.

Kim cương tâm (金剛心, Phạm: citta vajra):  Bồ tát ở đẳng giác vị có cái tâm trí cứng và sáng như kim cương. Kiên cố bất hoại, vô ngại quang minh có thể thắng được tất cả vô minh phiền não của chúng sinh, đó là kim cương tâm của chư bồ tát. Theo  kinh Hoa Nghiêm thì có mười loại kim cương tâm: 1) Giác liễu pháp tính (覺了法性,Phạm: nispadayati), 2) Hóa độ chúng sinh (化度衆生),3) Nghiêm trang thế giới (莊嚴世界), 4) Hồi hướng thiện căn (善根回向), 5) Sự phụng đại sư (事奉大師), 6)Thực chứng chư pháp (實證諸法), 7) Quảng hành nhẫn nhục (廣行忍辱), 8) Trường thời tu hành (长时修行), 9) Tự hành mãn túc (自行滿足), 10) Mãn túc tha nguyện (滿足他願) (Kinh Hoa Nghiêm, Digital Dictionary of Buddhism, Charles Muller)

269/. Nhất sinh bổ xứ (一生補處, Phạm: eka jati pratibaddha):  Đó là vị bồ tát chứng được quả vị cao nhất, cần luân hồi một lần nữa thì sẽ thành Phật. Như Bồ tát Di Lạc đang ngự tại Đâu Suất thiên để chờ đầu thai làm người một lần chót để thành Phật. Nhất sinh (一生) là một cuộc đời nữa. Bổ xứ (補處): Bổ là trám vào. Bổ xứ là thế vào chức vị của Phật (Phật Quang Điện Tử Đại Từ Điển)

270/. Hữu thượng sĩ (有上士). Theo kinh Niết bàn: Nếu còn những điều phải đoạn trừ thì gọi là hữu thượng sĩ, nếu không còn điều gì phải đoạn trừ thì gọi là vô thượng sĩ. (Niết Bàn kinh viết: Hữu sở đoạn gả danh hữu thượng sĩ, vô sở đoạn giả danh vô thượng sĩ涅槃经曰:有所断者名有上士,无所断者名无上士). Bồ tát ở quả vị đẳng giác còn một phẩm vô minh phải đoạn trừ nên gọi là hữu thượng sĩ. Chư Phật không còn điều gì phải đoạn trừ nên gọi là vô thượng sĩ.

271/. Diệu giác vị (妙覺位, Phạm: subuddhi, buddhagrya): Đây là quả vị chót của Biệt giáo. Đến đây bồ tát đã đoạn trừ tất cả các vô minh, các phiền não, chứng được cứu cánh Phật quả. Viên mãn báo thân Phật ngồi trên đại bảo hoa vương tọa, dưới cây thất bảo bồ đề, trong liên hoa tạng thế giới. Ngài chuyển vô lượng tứ đế pháp luân cho các đốn căn bồ tát. (Phật Quang Điện Tử Đại Từ Điển)

272/. Đại bảo hoa vương tọa (大寶華王座): Tòa sen lớn làm bằng châu báu (Đinh Phúc Bảo Phật Học Đại Từ Điển)

273/. Thất bảo bồ đề (七寶菩提樹): Trong kinh Phật thường nói đến cây thất bảo bồ đề nhưng kinh sách nói rõ về cây thất bảo bồ đề thì rất ít.

Trong kinh A Di Đà có nói qua về cây thất bảo này: …Trong đạo trường có cây cao 400 dặm, chu vi của cây 5000 do tuần, cành lá tỏa ra tứ phía hai vạn dặm, do tất cả các châu báu tự nhiên kết hợp thành… tỏa ra vô lượng ánh sáng chiếu soi đến vô cực, trên cây có giăng mạng làm bằng châu báu. (..Kì đạo tràng thụ cao tứ bách vạn lí, kì mộc chu vi ngũ thiên do tuần, chi diệp tứ bố nhị vạn lí, nhất thiết chúng bảo tự nhiên hợp thành…vô lượng quang viêm chiếu diệu vô cực, trân diệu bảo võng la phuc kì thượng … 其道場樹高四百万里, 其木周圍五千旬, 枝葉四布 二万里,  一切眾宝自然合成 …無量光炎照耀無極,珍宝網羅覆其上)

Phật thuyết Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, quyển 2 (佛說無量清淨平等覺經卷第二) có viết như sau: … còn nữa lấy thất bảo làm thành cây.  Cây bạc: Rễ cây bằng bạc, thân cây bằng vàng, đốt cây bằng tủy tinh, cành cây bằng lưu ly, lá cây bằng san hô, hoa băng hổ phách, quả bằng xà cừ. Cây vàng:  Rễ cây bằng vàng, thân cây bằng thủy tinh, đốt cây bằng lưu ly, cành cây bằng san hô, lá cây bằng hổ phách, hoa cây bằng xa cừ, bằng bạc. Cây thủy tinh: Rễ cây bằng thủy tinh…. Cây lưu ly: Rễ cây bằng lưu ly… Cây san hô… Cây hổ phách…Cây bằng ngọc trắng…( …Phục hữu thất bảo cộng tác nhất thụ giả. Ngân thụ: Ngân căn kim hành, thủy tinh tiết, lưu li chi, san hô dệp, hổ phách hoa, xa cừ thật.  Kim thụ giả: kim căn, thủy tinh hành, lưu li tiết, san hô chi, hổ phách diệp, xa cừ hoa, ngân thực. Thủy tinh thụ:  Thủy tinh căn, Lưu li thụ giả: Lưu li căn,…San hô thụ giả:…Hổ phách thụ giả:… Bạch ngọc thụ giả:… 復有七寶共 作一樹者. 銀樹: 銀根,金莖,水精節,琉璃枝,珊瑚葉, 虎珀華,車磲實.金樹者: 金根水精莖,琉璃節,珊瑚枝, 虎珀葉,車磲華,銀實.水精樹者:水精根,…琉璃樹者: 琉璃根,…珊瑚樹者:…虎珀樹者:…白玉樹者:…) Hai loại thất bảo bồ đề thụ, 5 loại sau chỉ liệt kê tên mà không đi vào chi tiết.

274/. Liên hoa tạng thế giới (蓮華藏世界, Phạm: padma-garbha-loka-dhatu):  Theo Vũ trụ quan nhà Phật của  kinh Hoa Nghiêm thì vũ trụ là do bốn cái luân (輪, Anh văn: Wheel of atmosphere) tạo thành:  Dưới cùng là hư không gọi là không luân (空輪), trên không luân là phong luân (風輪, Phạm: vayu-mandala), trên phong luân là thủy luân (水輪,Phạm: ap-mandala), trên thủy luân là kim luân (金輪,Phạm: kancana mandala).  Trên kim luân có cửu sơn bát hải (九山八海). Quan niệm tứ luân (四輪) này khá phù hợp với cái kết cấu của thiên văn ngày nay. Nếu ta đem thứ tự của tứ luân xếp ngược lại thì thấy rõ không luân là ngoại tầng không gian, phong luân là bầu khí quyển, thủy luân là các đại dương,  kim luân là trái đất. Theo thiên văn học, thì trong không gian không có định hướng, trên cũng là dưới, dưới cũng là trên, vì vậy đổi ngược thứ tự của tứ luân không thay đổi kết cấu trong không gian.

Liên Hoa Tạng thế giới còn gọi tắt là Hoa Tạng thế giới, là tịnh thổ của Tỳ Lư Xá Na Phật (毘盧舍那佛 Vairocana) cư ngụ, Tỳ Lư Xá Na Phật là báo thân Phật, dịch nghĩa là quang minh biến chiếu vì vậy còn dịch nghĩa là Đại Nhật Như Lai (大日如來 Mahavairocana). Thế giới này là một bông hoa sen khổng lồ mọc trong Hương Thủy Hải (香水海) trên phong luân. Thế giới này từ dưới lên trên gồm 20 tầng, từ ngoài vào trong gồm 11 tầng, mỗi tầng này lại  có 10 thế giới, tổng cộng là 110 thế giới bao quanh trung tâm nơi Tỳ Lư Xá Na Phật cư ngụ. Thế giới Sa bà ở giữa tầng thứ 13 (Bát Thập Hoa Nghiêm Hoa Tạng Thế Giới phẩm)

275/. Hữu công dụng đạo (有功用道): Đó là cái đạo mà hành giả phải tu tập để tiến lên chứng được bản tâm của mình. Trong bồ tát đạo đó là giai đoạn từ sơ địa đến thất địa. Sau khi chứng được bản tâm  rồi, thành viên mãn pháp thân Phật, pháp thân này tự do viên mãn,  không cần tu tập thêm gì để làm nó viên mãn nữa nên  gọi là vô công dụng đạo ( 無功用道).Trong Tạng giáo, sơ quả, nhị quả và tam quả  là hữu công dụng đạo. A la hán quả là vô công dụng đạo.Trong kinh điển khác còn dùng chữ hữu học đạo (有學道) và vô học đạo (無學道), có nghĩa còn phải học thêm và không cần học gì nữa.

276/. Thường tịch quang tịnh thổ (常寂光浄土): Theo Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh Diệu Tông Sao (观无量寿佛经妙宗钞) và ThiênThai Tông  thì Thường Tịch Quang Tịnh Thổ là một trong bốn cõi PHật (四佛土). Chữ thường (常) là chữ viết tắt của chữ thường trụ (常住) có nghĩa là pháp thân, tịch (寂) là chữ viết tắt của chữ tịch diệt (寂滅) có nghĩa là giải thoát, quang là chữ viết tắt của chữ quang minh có nghĩa là bát nhã. Đây là tịnh thổ, nơi cư ngụ pháp thân chư Phật đã chứng được Diệu Giác cứu cánh quả vị. Xin đọc thêm câu giải thích số 251.

277/. Viên diệu (圓妙): Viên có nghĩa là viên dung (圓融), không lệch, không méo. Dung là dung hòa, là bao gồm tất cả một cách hòa hiệp. Diệu chữ Phạm là manju, theo Đại Nhật kinh sớ có nghĩa tối cao, không thể so sánh được ( Đại Nhật kinh sớ nhất viết: Diệu, danh canh vô đẳng bỉ, canh vô quá thượng nghĩa. 大日經疏一曰: 妙,名更無等比,更不過上義). Viên diệu ở đây có nghĩa là chứng được Không, Giả, Trung tam đế một cách hòa hiệp, đầy đủ và tối cao.Nói một cách khác là chứng được Trung đạo một cách tối cao. (Đinh Phúc Bảo Phật học đại từ điển, Phật Học Thường Kiến Từ Vị, Digital Dictionary of Buddhism Charle s Muller).

278/. Viên mãn (圓滿, Phạm: paripura): Vạn hạnh của Như Lai có đầy đủ, có tất cả các trí tuệ ở trong thế gian và ngoài thế gian, thành tựu  tất các đức vượt qua tất cả Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát, đó là viên mãn.(Tam Tạng Pháp Số)

279/. Viên túc (圓足, Phạm: sampada, Anh văn:  perfect in sufficiency): Theo Giáo Quán Cương Tông Quán chú (教觀綱宗贯註): Viên túc có nghĩa viên kiến sự lý, nhất niệm cụ túc (圓見事理, 一念具足). Nhất niệm cụ túc theo Thiên Thai Tông có nghĩa nhất niệm tam thiên (一念三千). Trong đạo Phật có thập pháp giới, mỗi giới này lại có thập giới, như vậy là một trăm pháp giới. Theo kinh Pháp Hoa Phương Tiện phẩm, mỗi giới có thập như (十如): Như thị tánh (如是性), như thị tướng (如是相), như thị thể (如是體), như thị lực (如是力), như thị tác (如是作), như thị nhân (如是因), như thị duyên (如是緣),như thị quả (如是果), như thị báo (如是報), như thị bổn mạt cứu cánh đẳng (如是本末究竟等十如是). Mỗi pháp giới có 10 như, 100 pháp giới có 1.000 như. Nếu đem kết hợp với tam thế thì thành 3.000 như. Theo Trí Độ Luận (智度論) tam thế (三世) là: Ngũ ấm thế gian (五蕴世間), chúng sinh thế gian (衆生世間) và quốc thổ thế gian (國土世間). Chỉ cần nhất niệm là có đủ ba ngàn tánh tướng pháp, có đủ lý cụ (理具) và sự tạo (事造) vì vậy gọi là viên kiến sự lý. Đó là viên túc ( Thiên Thai Tâm Thược, Đinh Phúc Bảo Phật học đại tự điển, Digital Dictionary of Buddhism Charles Muller)

280/. Viên đốn (圓頓) Theo Giáo Quán Cương Tông Quán chú (教觀綱宗贯註):  Tam đế (không, giả, trung) là thể của Viên giáo. Tam đế là cái đức tánh, cái pháp của thiên nhiên, không do một cái gì tạo thành nó cả, vì vậy nói Viên giáo là  thể phi tiệm thành (體非漸成) nghĩa là thể của Viên giáo tự nó có,  vì vậy gọi là viên đốn (Anh văn : Perfect and sudden enlightenment, to comprehend completely  and immediately the three principles of emptiness空假中) ( Thiên Thai Tâm Thược,  Đinh Phúc Bảo Phật học đại tù điển, Phật học thường kiến từ vị, Digital Dictionary of Buddhism Charles Muller)

281/. Viên phục (圓伏): Là chữ viết tắt của viên phục ngũ trụ (圓伏五住). Ngũ trụ là căn bản vô minh (根本無明), Kiến hoặc trụ địa (見惑住地), tư hoặc trụ địa (思惑) của dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Hành giả của Viên giáo, ngộ được Viên lý, có thể nhất tâm tam quán (一心三观), quán nhất cảnh tam đế, cảnh trí tương ứng, giúp đoạn trừ ngũ trụ cùng một lúc. Biệt giáo phải đoạn trừ các hoặc này từng cái một và không thể đoạn trừ hết một cách triệt để. (Anh văn: Perfect in overcoming all passion, delusion, ignorance) (Thiên Thai Tâm Thược,  Đinh Phúc Bảo Phật học đại từ điển, Digital Dictionary of Buddhism Charles Muller)

282/. Viên tín (圓信, Anh văn:perfect faith): Vì đã đoạn trừ được ngũ trụ phiền não, nên luôn tâm niệm viên dung tam đế, nên sanh chánh tín. Theo Tứ Giáo Nghi Tập Giải (四教儀集解),  Viên tín là niềm tin ở tất cả các pháp, tức  Không, Giả, Trung. (Tín nhất thiết pháp, tức không giả trung, danh vi viên tín. 信一切法,为空假中,名为圓信).

283/. Viên đoạn (圓斷): Vì tu tập nhất cảnh tam đế nên có thể nhất đoạn nhất thiết đoạn (一斷一切斷), chỉ cần đoạn trừ một hoặc là tất cả hoặc đều bị đoạn trừ, đó là viên đoạn. (Thiên Thai Tâm Thược,  Đinh Phúc Bảo Phật học đại tự điển, Digital Dictionary of Buddhism Charles Muller).

284/. Viên hạnh (圓行): Theo định nghĩa của Tứ Giáo Nghi Tập Chú: Viên hạnh là khi tu hành một pháp thì tu hành được tất cả các pháp.(Tứ Giáo Nghi Tập Chú hạ viết: Viên hạnh nhất hạnh nhất thiết hạnh 圓 行一行一切行 )

285/. Viên vị (圓位): Theo định nghĩa của Tứ Giáo Nghi Tập Chú: Viên vị là khi hành giả chứng được một quả vị thì được công đức của tất cả các quả vị. (nhất vị nhất thiết vị)

286/. Viên tự tại trang nghiêm (圓自在莊嚴): Tự tại (自在 ) tiếng Phạm là Isvara, Anh văn là independence, freedom. Chư hành giả tu tập khi đã có các phép thân thông, đi lại bất cứ nơi nào không còn bị một trở ngại, biết được mọi chuyện mọi việc ở trong tam giới và ngoài tam giới, có tất cả các trí tuệ. những hành giả này đã được tự tại. Theo kinh Pháp Hoa phẩm Tựa: Đoạn trừ tất cả các kết [phiền não], tâm hồn được tự tại (Tận chư hữu kết, tâm đắc tự tại 盡諸有結, 心得自在).Trong Phật học, tự tại được chia làm nhiều loại: Lưỡng tự tại (兩種自在), Tứ tự tại (四種自在, Phạm: caturdha vasita), ngũ tự tại (五種自在), bát tự tại (八自在) và tập tự tại (十種自在 ).

Trang nghiêm (莊嚴): Tiếng Phạm là alamkaraka hay vyuha, Anh văn dịch là to adorn có nghĩa là trang sức. Thám Huyền ký quyển 3 viết: Trang nghiêm có hai cách: Một là lấy công đức để trang sức, một là lấy các châu báu quần áo để trang sức (Tham huyền kí tam viết: Trang nghiêm hữu nhị nghĩa: nhất thị cụ đức nghĩa, nhị giao sức nghĩa 探玄記三曰: 莊嚴有二義: 是具德義, 二交 飾義 ).

Các loại trang nghiêm: Nhị trang nghiêm (trí tuệ và phuc đức), bồ tát tam trang nghiêm, bồ tát tứ trang nghiêm, bồ tát thập trang nghiêm, bồ tát 21 đại thệ [nguyện] trang nghiêm. Nói về công đức trang nghiêm thì có 29 loại gồm 17 loại là quốc thổ trang nghiêm, 8 loại Phật trang nghiêm và 4 loại là bồ tát trang nghiêm.

Viên tự tại trang nghiêm: Theo Thiên Thai Tâm Thược: Nhất tâm tam đế là sở trang nghiêm, nhất tâm tam quán là năng trang nghiêm (一心三諦為所莊嚴, 一心三觀為能莊嚴) đó là viên tự tại trang nghiêm.

287/. Viên kiến lập chúng sinh (圓建立眾生): Kiến lập ở đây có nghĩa dạy dỗ, hướng dẫn chúng sinh.  Viên kiến lập chúng sinh là dùng viên lực  để dạy dỗ chúng sinh để chúng sinh được cái ích của tức không (即空), tức giả (即假), tức trung (即中), cái ích  của đắc nhập (得入), xuất (出), song nhập xuất (雙入出), bất nhập xuất (不入出).

288/. Khai, thị, ngộ, nhập (開示悟入): Theo kinh Pháp Hoa Phương Tiện Phẩm: Đây là bốn lý do tại sao đức Phật xuất hiện ở thế gian này: Vì ngài muốn mở ra (khai) cho chúng sinh thấy cái gì Phật biết và Phật thấy,  ngài muốn chỉ (thị) cho chúng sinh cái gì Phật biết và Phật thấy, ngài muốn giúp chúng sinh hiểu ( ngộ)  và lãnh hội được những gì Phật biết và Phật thấy, ngài muốn dẫn dắt chúng sinh vào ( nhập) chỗ Phật biết và Phật thấy. (Đinh Phúc bảo Phật học Đại Từ Điển).

Ngoài ra, trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa, sư Trí Giả đưa ra một luận đề nổi bật về Tam Pháp và chúng sinh pháp diệu (衆生法妙) trong đó đoạn văn sau đây có sức thuyết phục về sự thanh tịnh của sáu căn vốn có liên hệ đến hoài bảo khai thị ngộ nhập tri kiến Phật như sau:

“Như khi kinh Pháp Hoa được thuyết với mục đích khiến chúng sinh khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật. Nếu chúng sinh vốn chẳng có Phật trí thì sao gọi là khai?. Hành giả nên biết rằng trí tuệ Phật vốn sẳn có nơi tất cả chúng sinh. Hơn nữa kinh nói “con mắt từ cha mẹ sinh” chính đó là “mắt thịt”… Nếu có người chưa từng đạt đến chỗ vô lậu, nhãn căn này vẫn thanh tịnh. Nếu mắt này có cái dụng đầy đủ thì chính đó là mắt Phật. Như vậy, đây là đoạn kinh văn giải thích về diệu pháp, tức chúng sinh pháp diệu (衆生法妙).” (Trích “Luận về Pháp Hoa kinh An Lạc Hạnh Nghĩa”. Nguyên tác: An Annotated Translation and Study of The Meaning of the Lotus Sutra’s Course of Ease and Bliss. Phiên dịch, chú giải: Giáo sư Daniel B. Stevenson & Hiroshi Kanno. Việt dịch, thi hóa: Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm. nxb Phương Đông, 2012). Xin xem thêm chú thích # 308.

289/. Chánh giác (正覺):  Tiếng Phạm: samma- sambodhi. Cái Như Lai thực trí, giác ngộ. (Anh văn: enlightenment ) (Đinh Phúc bảo Phật học Đại Từ Điển, Digital Dictionary of Buddhism Charles Muller)

290/. Bốn mươi hai quả vị (四十二位): Đó là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác và diệu giác (cứu cánh Phật quả), 42 quả vị của Viên Giáo.

291/. Rừng hoa ngọc lan: (薝蔔林 đảm bặc lâm) (Anh văn: campaka): Cây hoa ngọc lan.

292/. Bất nhị pháp môn (不二法門): Theo Kinh Duy Ma Cật ( 維摩經 ) Phẩm thứ 9 Nhập Bất Nhị Pháp Môn Phẩm:  Trong phẩm này kể 32 vị bồ tát kểt bất nhị pháp môn theo quan niệm của mình.  Đến vị bồ tát thứ 32, Văn Thù bồ tát nói rằng: Theo ý của ngài thì bất nhị pháp môn là, vô ngôn, vô thuyết, vô thị, vô thức, ở ngoài tất cả các vấn đáp đó là bất nhị pháp môn.  Nghĩa là bất nhị pháp môn là không có thể dùng từ ngữ để diễn tả nó ra, không thể khai thị được, chỉ có thể ngộ nó được. Tri Giả đại sư nói trong  Tịnh Danh Kinh Sớ: Pháp môn của 31 vị bồ tát là hữu ngôn ngôn ư vô ngôn (有言言於無言 ) là lấy ngôn ngữ để giảng cái không có thể giảng bằng ngôn ngữ, còn của Văn Thù bồ tát là vô ngôn ngôn ư vô ngôn (無言言於無言) không lấy ngôn ngữ để giảng cái không có thể giảng bằng ngôn ngữ. Suy gẫm kỹ lưỡng thì hai điều trên không có gì mâu thuẫn.

293/. Bát nhã tối thượng thừa (般若明最上乘): Đây là câu kinh trích tử kinh Kim Cương (金剛般若經): Như Lai vi phát Đại Thừa giả thuyết,  vi phát tối thượng thừa giả thuyết ( 如來爲發大乘 者說, 爲發最 上 乘者說 ). Tối thượng thừa pháp là Viên thừa, là Phật thừa.

294/. Nhất tâm ngũ hạnh (一心五行): Theo Kinh Niết Bàn ngũ hạnh là: Thánh hạnh (聖行), Phạm hạnh (梵行), Bệnh hạnh (病行), Thiên hạnh (天行), Anh nhi hạnh (嬰兒行 ). Không quán là thánh hạnh, giả quán là phạm hạnh, bệnh hạnh và anh nhi hạnh. Thiên hạnh là trung đế. Nhất tâm có đủ trung đế, giả đế và không đế đó là như lai hạnh đó là cứu cánh Phật. (Phật Học Đại Từ Điển)

295/. Ngũ phẩm đệ tử vị (初五品位): 1) Tùy hỉ (隨喜), 2) đọc tụng (讀誦), 3) thuyết pháp (說法), 4) kiêm hành lục độ (兼行六度), 5) chánh hành lục độ (正行六度)

296/. Diệu pháp (妙法): Hai chữ Diệu Pháp hàm chứa nhiều Huyền Nghĩa trong truyền thống Thiên Thai Tông. Ở đây, chúng tôi xin đi sâu vào chi tiết:

Trước khi đi vào chú thích về chữ “Pháp”, Thiên Thai Trí Giả đưa ra sự khảo sát về ý nghĩa chữ ‘Diệu’.

A. Ý nghĩa chữ Diệu qua ba khía cạnh (Pháp Hoa Huyền Nghĩa, T33, 692c-693a)

Phần nầy nói về ý nghĩa chữ Tế hoặc Diệu. Những chữ được dùng mượn từ Quang Trạch. Sau khi chỉ rõ ràng lối nhìn không chính xác của quan điểm truyền thống, Trí Giả đưa ra định nghĩa về ba khía cạnh nhân quả của Phật tánh liên quan đến tánh sâu rộng của Thể, siêu đẳng của Vị, và dài lậu của Dụng. Ba khía cạnh nầy được biểu thị qua tương quan với (i) nhân Phật tánh, (ii) quả Phật tánh, (iii) kinh Pháp Hoa, (iv) quán Tâm, (v) sáu thứ lớp nhận chân Phật tánh.

Ba khía cạnh của Diệu biểu thị liên quan đến nhân Phật tánh. Từ ba phối cảnh của nhân để đạt đến Phật tánh, tánh sâu rộng của Thể hướng về mỗi pháp giới trong mười pháp giới (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, người, trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, và Phật) bao gồm lẫn nhau, pháp giới nầy dung chứa chín pháp giới kia.

Mười pháp giới hiện diện đồng thời trong tâm chúng sinh, nhưng chúng sinh có thể không trực nghiệm tất cả cùng một lúc, tùy theo nghiệp lực trong quá khứ, hiện tại, và nơi mà tâm ý chúng sinh trụ vào. Khi một pháp giới được chúng sinh thể nghiệm, hình dáng pháp giới nầy có mặt trong tâm người nầy, nhưng cùng lúc chín pháp giới kia cũng có mặt, mặc dù không hiển lộ.

Sự siêu đẳng của Vị chỉ cho sự bất khả phân ly của Phật giới từ chín pháp giới kia: ‘chín Pháp giới cũng đồng như Phật giới’.

Phật giới không hiện diện tách rời chín pháp giới kia. Sự thiết yếu là tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, và khi thuận duyên, chúng sinh sẽ nhận ra Phật tánh có sẳn nầy, đó là, từ cõi địa ngục cho đến cõi Bồ tát đều có thể được hoán chuyển ngay tức khắc vào cõi Phật.

Sự dài lâu của Dụng chỉ cho tánh hoạt dụng của Trung Đạo trong việc giáo hóa chúng sinh. Cái Dụng nầy từ đâu đến? Từ trí tuệ nhận ra được ‘mười pháp giới là Không, Giả, và Trung Đạo.’ Mười pháp giới không có hiện hữu cố định, nhưng mang tên và có mặt tạm thời – đây là cái nhìn sâu thẳm vào thực tại : Không và Gìả tương đồng, và đây là Trung Đạo. Trung Đạo hoạt dụng ra sao? Chỗ nầy liên quan đến Tam Quán Không, Giả, và Trung Đạo. Khi Bồ tát vào Không, Bồ tát không dừng lại như Nhị Thừa (Thanh văn, và Duyên giác) dừng lại ở chỗ bị Không trói buộc. Với Không, Bồ tát đi vào trong Giả, đưa đến cái nhìn vượt thoát ra khỏi sự vướng mắc vào hiện hữu giả tạo. Với Thiên Thai Trí Khải, vào Giả tức là bước vào thế giới của giác quan để cứu chúng sinh. Bởi vì cái nhìn về Gìả như thế đó tức là hợp nhất với Không (đó là Gìả tức Không và ngược lại), bước vào Trung Đạo. Nói về cái Dụng của Trung Đạo liên quan đến việc của Bồ tát vào thế giới giả tạm với tâm Không để làm lợi ích chúng sinh. Bất cứ nơi nào còn vô lượng chúng sinh, hạnh Bồ tát cũng vô biên như vậy. Hạnh nguyện không cùng tận nầy làm thành cái Dụng không cùng tận. Hơn nữa, ba mặt Thể, Vị, và Dụng dung hợp lẫn nhau. Khi một mặt được nhận trực nghiệm, người tu có thể nhìn thấy cùng lúc cả ba mặt, bởi vì mặt nầy không tách rời mặt kia. Khi cả ba mặt được trực nghiệm, cái người tu thật sự thấy được là một thực tại đồng nhất của cả ba. Người tu không thể nhìn vào ba mặt nầy với một khái niệm đóng khung. Cả ba không đồng cũng không khác, là cái Trí Khải gọi là Tế hoặc Diệu. Chúng tôi trích dẩn văn ngôn của chính Trí Khải để diễn đạt tánh vi diệu nầy:

“Một mặt được nói đến bao gồm cả ba mặt, ba mặt được nói đến thật sự là một mặt. Ba mặt nầy không khác biệt nhau, không ngoài nhau, và cũng không là nhau. Vì vậy, được gọi là Diệu.”

(ii) Ba khía cạnh Diệu được biểu thị liên quan đến quả Phật tánh. Từ ba phối cảnh của quả Phật tánh, “sự sâu rộng của Thể’ chỉ cho bản tánh viên dung của thể, vì Thể ‘thấm nhâp mọi chốn” và có mặt nơi vạn hữu trong vũ trụ. Sự siêu đẳng của Vị chỉ cho vô lượng thời gian trong quá khứ khi Phật chứng đạt Phật tánh. Sự dài lâu của Dụng chỉ cho Tích môn (Phật ứng thân trong lịch sử) hiển lộ từ Pháp Thân Phật thuộc Bản môn (tánh giải thoát vượt thời gian), làm lợi ích chúng sinh trong ba đời quá khứ, hiện tại, và vị lai.

(iii) Ba khía cạnh Diệu có trong kinh Pháp Hoa. Đối lại với quan điểm của Kuang chai chỉ nói đến cái vi tế trong hiện tại, Trí Khải tranh biện rằng những bản kinh Phật trong quá khứ có cả thô lẫn tế trong tương quan với nhân và quả của Phật tánh. Đại Sư đi sâu vào năm thời giáo của Thế Tôn sánh với năm vị sữa, và phân loại nhân và quả trong năm thời giáo hoặc thô hoặc tế. Với Trí Khải, kinh Pháp Hoa hiện diện độc đáo như vị đề hồ được thuyết ra vào thời thứ năm, chỉ còn là vi tế. Kinh Pháp Hoa xiển dương chỉ thuần một nhân quả Phật tánh, là một thực tại đồng nhất. Một nhân quả của Phật tánh nầy là giáo pháp thiết yếu của Thế Tôn mà Trí Khải xác định là Thể viên dung, Vị siêu đẳng, và Dụng vô tận. Thể tánh của chánh pháp bao gồm tất cả, vì hướng về Chân Như thâm nhập vạn hữu. Vị của chánh pháp siêu việt bởi vì hướng về Phật tánh trong vô lượng quá khứ thuộc Bản môn. Dụng của chánh pháp vô tận bởi vì hướng về hoạt dụng của Phật thuộc Tích môn có thể làm lợi ích chúng sinh trong ba đời, với sự kiện rằng Tích môn đến từ Bản môn trong vô lượng quá khứ.

(iv) Trí Khải nhấn mạnh vào ba khía cạnh của Diệu, như đã nói trên, có thể nhìn thấy qua phép ‘quán tâm’. Nếu tâm chẳng là tâm chúng sinh, cũng chẳng là tâm Phật, Thể chật hẹp, ngược lại, Thể sâu rộng. Nếu tâm chẳng đồng như tâm Phật, Vị của tâm nầy thô lậu, ngược lại Vị siêu đẳng. Nếu tâm, tâm chúng sinh và tâm Phật chẳng là Không, chẳng là Giả, và chẳng là Trung Đạo, thì cái Dụng hạn lượng, ngược lại, Dụng vô tận cùng.

(v) Điểm sau cuối Trí Khải đề cập đến là sự biểu thị ba khía cạnh Diệu như đã nói trên cũng liên quan đến sáu thứ lớp đồng nhất. Sáu sự đồng nhất liên quan đến sáu thứ lớp chứng đắc chỉ một Phật giới có trong mười pháp giới. Điều nầy cũng nói lên rằng Thể của Diệu vô biên, Vị của Diệu vô lượng, và Dụng của Diệu vô tận.

Mục trên hiển lộ ý nghĩa của Diệu được Trí Khải kết luận như đưa đến ý nghĩa một chân lý duy nhất trong giáo pháp Thế Tôn. Điều nầy để nói rằng giáo pháp Thế Tôn liên hệ đến Nhất Chân : (i) nhất lý trong mười pháp giới (chân lý Thế Tôn muốn chuyển đạt là một), (ii) nhất giáo trong năm vị (tất cả giáo pháp của Thế Tôn có cùng mục tiêu là hướng dẩn chúng sinh đạt đến Phật tánh, (iii) nhất hành với phép quán tâm ( tất cả hành trì nhằm mục đích đạt đến chân tánh), và (iv) nhất nhân trong sáu sự đồng nhất là những hoán chuyển khác nhau của Thế Tôn (hiển lộ những thứ lớp chứng đắc) cuối cùng chỉ là Một – Pháp Thân, và tất cả chúng sinh đều có khả năng đạt đến Phật tánh.

B. Giải thích ‘Pháp (Pháp Hoa Huyền Nghĩa, T33, 693a – 696b)

Sự phân tích về chữ Diệu ở trên dọn đường cho Trí Giả giải thích kinh Pháp Hoa, là điều đại sư tận lực thành lập nền tảng giáo lý đối với sự liễu ngộ Phật pháp của mình đặt căn bản trên kinh Pháp Hoa. Điều nầy bởi vì nội dung kinh Pháp Hoa liên quan đến Chân Như như Phật thừa ôm trọn tất cả giáo pháp của Thế Tôn. Với một Phật thừa như một lực đồng nhất, Thiên Thai Trí Khải có thể kết hợp những quan điểm khác nhau, phân loại giáo pháp Thế Tôn, dung hợp những khác biệt với những phân chia khác nhau trong giáo pháp Phật, và đưa ra một sự giải thích hợp lý về những học thuyết chủ trương bởi những tông phái khác nhau. Làm như vậy, Trí Khải đại sư cho thấy rằng Phật giáo có thể được nhìn như một toàn khối, những lý thuyết và hành trì khác nhau thấy rõ là đối nghịch nhau nhưng thật sự liên tục, bởi vì là một phần chiến lược giáo pháp của Thế Tôn. Trí Khải gắng công hoàn thành một hệ thống không gián đoạn để xiển dương giáo lý Phật như một toàn khối phản ảnh nhu cầu vào thời điểm của Đại Sư kêu gọi sự đoàn kết trong thế giới Phật giáo ở hai miền Nam Bắc Trung Hoa (chúng tôi đã nói đến trong phần giới thiệu Chương 1, quyển I). Trí Khải cố công thành lập một hệ thống liên tục trong việc học Phật có thể bắt nguồn từ tấm lòng một đạo và trí tuệ bao la kết quả từ sự liễu ngộ được lời kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Hấp thụ được giáo lý diễn đạt trong mỗi bản kinh khác nhau, Trí Khải chắc hẳn là đã cảm nhận một sự thúc giục dùng tài hoa của mình gánh vác sự việc vĩ đại là hợp nhất giáo lý Phật, nhằm mục đích hài hòa những quan điểm trái nghịch trong các tông phái Phật giáo, và để thuyết phục mọi người rằng Phật giáo, như một toàn khối, sẽ đơm hoa kết trái rạng ngời trên đất Trung quốc.

Thiên Thai Trí Khải chú giải đề kinh Pháp Hoa bắt đầu với chữ “Pháp”. Điều nầy muốn nói rằng Thế Tôn thuyết “Pháp”, bởi vì Pháp là chân lý hoặc thực tại. Theo Trí Khải đại sư, Pháp có thể được phân ra ba loại : (i) Chúng Sinh Pháp, (ii) Phật Pháp, (iii) Tâm Pháp. Ba loại Pháp nầy trước hết được định nghĩa. Trong mục thứ hai, Trí Khải giải thích sâu hơn về ba pháp nầy.

I. Định nghĩa Tam Pháp (T33, 693a-b)

Đây là phần đầu tiên giải thích về chữ Pháp. Tam Pháp được định nghĩa và dẩn chứng từ kinh, và Trí Khải nhìn Tam Pháp lập nên giáo lý Phật.

(i) Về Chúng Sinh Pháp, Trí Khải trích dẩn một đoạn kinh Pháp Hoa “khiến chúng sinh khai, thị, ngộ, và nhập tri kiến Phật” gợi ý rằng tri kiến Phật có sẳn trong mỗi chúng sinh. Sự trực chỉ nầy đến từ chữ Khai. Để xác quyết văn từ của mình, Trí Khải lập luận: “Nếu chúng sinh không có sẳn tri kiến Phật, lý do gì Phật nói Khai?”

Cái vi tế của chúng sinh pháp luôn được nói đến trong những đoạn kinh Pháp Hoa về nhục nhãn của chúng sinh được sánh với thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn hoặc Phật nhãn. Điều nầy chứng minh chúng sinh pháp vi diệu, bởi vì nói lên rằng nền tảng của ngũ nhãn là một, và thiết yếu là sở hữu của chúng sinh. Ngay nơi chính mình, người tu có thể khai mở tri kiến Phật, và nhìn chính xác vào thế giới hiện tượng với cặp mắt nơi thân nầy. Một cách căn bản, chúng sinh pháp liên quan đến giáo pháp về Phật tánh có sẳn nơi mỗi chúng sinh, với điều nầy, Phật tánh như mục tiêu tối hậu trong sự phổ độ có thể được chứng đắc.

(ii) Về Phật pháp, sự vi diệu của Phật pháp được nói đến trong một đoạn kinh Pháp Hoa:

‘Dừng lại ! Dừng lại ! Không cần thiết giải nghĩa. Pháp của Ta quá vi diệu để trở thành khái niệm.’ 

Trí Khải kết luận: “Pháp Phật không vượt trên tương đối và tuyệt đối, là cái quá đổi sâu thẳm và vi diệu khó quan niệm và khó thấu hiểu”. 

Ý nghĩa của Diệu Trí liên quan đến Diệu Thực Trí được rút ra từ đoạn kinh văn nầy: “Trong tất cả chúng sinh, không một ai có thể lường được trí Phật.”

Diệu Trí liên quan đến sự thật tương đối được rút ra từ đoạn kinh:

‘Với tất cả các pháp của chư Phật, cũng không một chúng sinh nào có thể suy lường.’

Sự vi diệu của pháp Phật, gồm tương đối và tuyệt đối, được minh chứng từ câu kinh trích dẩn trên, Thiên Thai Trí Khải nói:

“Chỉ có Phật với Phật mới có thể hiểu tận tường thể tánh của vạn pháp.” 

Trên căn bản, pháp Phật, chỉ cho chân lý tương đối và tuyệt đối làm nền tảng cho tất cả những giáo lý của Thế Tôn.

(iii) Về Tâm Pháp, sự vi diệu của Tâm Pháp được nói đến trong nhiều đoạn kinh, như:

“Với tâm vun trồng và hấp thụ, chúng sinh quán tất cả các pháp không khứ cũng không lai.” 

“Tâm, Phật, và chúng sinh – cả ba đều không khác biệt”, và “Diệt một niệm cực vi trong tâm thì siêu việt tất cả những cuộn kinh trong Đại thiên thế giới.” 

Trên căn bản, Tâm Pháp chyển đạt đường lối thực dụng tiếp nhận vạn pháp. Bởi vì tâm chúng sinh chứa tất cả pháp, Trí Khải xác định rằng Phật tánh có thể được đạt đến qua phương pháp quán chiếu tâm.

(Trích “Luận về Pháp Hoa Huyền Nghĩa”. Nguyên tác: The Profound Meaning of the Lotus Sutra by Haiyan Shen – Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch. Nhà xuất bản Phương Đông 2008)

297/. Như ý bảo châu (如意珠): Còn gọi là ma ni bảo châu (摩尼珠): Theo Kinh Trí Độ Luận chương 59 viết:  Ma ni bảo châu là những mảnh mẻ (Anh văn: chip) của kim cương trượng (vajra, diamon club) của Đế Thích Thiên, khi đánh nhau với A-tu-la, kim cương trượng của ngài đã bị mẻ, những mảnh mẻ của kim cương trượng đã rơi xuống châu Diêm Phù đề. (Đại Trí Độ  Luận, q. 59: Thuyết ma ni bảo châu vi Đế Thich sở chấp  kim cương chi toái phiến, viết: Hữu nhân ngôn: Thị Đế Thích sở chấp kim cương dụng dĩ A-tu-la đấu thời, toái lạc Diêm Phù Đề . 智度論五十九:說摩尼寶珠為帝釋所執金剛之碎片, 曰:有人言:是帝釋所執金剛用與阿修羅鬥時, 碎落閻浮提.). Ma ni bảo châu là bảo châu biến ra tất cả những đá quý như kim cương, hồng bảo thạch (ruby), lục bảo thạch (emerald). Châu Diêm phù đề là trái đất của con người. Ma ni bảo châu là bảo châu có phép lạ. Trong những hinh vẽ Phật, tượng Phật đôi khi thấy tay cầm một viên ngọc, có lẽ đó là ma-ni bảo châu.

298/. Ba tâm không còn khác biệt nhau (三無差別):  Kinh Hoa Nhgiêm nói Tâm pháp, Phật pháp và chúng sinh pháp, cả ba không khác biệt nhau.

299/. Tức không, tức giả, tức trung (即空即假即中): Mặt thực hành đối với thuyết tam đế 三 諦 của Trí Khải Đại Sư chính là khái niệm về tam quán: Không, Giả, và Trung. (Xin xem thêm chú giải # 300).

A/. TÙNG GIẢ NHẬP KHÔNG:

Ở mức độ quán chiếu thứ nhất, “giả hữu” chỉ cho tri kiến sai lầm về thế giới hiện tượng như thực hữu (svabhava) của phàm nhân, và “vào không” có nghĩa là phủ nhận một chủ tể độc lập trong hiện tượng. Vì vậy, như Trí Khải nói: “Khi hành giả thấy được Không, hành giả không chỉ nhận lấy Không mà còn biết [thực tánh của] giả hữu.” (24b10-11)

B/.TÙNG KHÔNG NHẬP GIẢ:

Ở mức độ quán chiếu thứ hai, “giả hữu” chỉ cho một lối hiểu đúng và sự chấp nhận hiện tượng khách quan từ nhân duyên tương nhập sinh khởi. Không ở đây chỉ cho một sự trói buộc sai lầm vào chính khái niệm về Không, hoặc hiểu lầm Không là cái không của chủ nghĩa đoạn diệt. Trí Khải nói:

“Nếu hành giả hiểu [vào] Không, [hành giả hiểu rằng] chẳng có “không”. Vì vậy nên hành giả phải “vào lại” trong giả hữu. Hành giả nên biết rằng đường lối quán chiếu nầy được thuyết ra là để cứu chúng sinh, và nên biết rằng chân không phải chỉ là chân, nhưng là một phương tiện xuất hiện một cách giả tạm. Vì vậy mà gọi là “từ Không”. Hành giả phân biệt thuốc tùy theo bệnh, không có sự phân biệt thuộc khái niệm. Vì vậy mà gọi là “vào giả.” (Ma ha Chỉ Quán, T46, 24c8-11)

Ý tưởng nầy có thể so sánh [với tỷ dụ về] những người mù mới phục hồi được nhãn quang. Họ có thể nhận cả hai hư không và hình tướng, và có thể phân biệt được cỏ cây, gốc ngọn, cành lá, lương dược và độc dược. Ở chỗ “từ Giả vào Không”, người ấy nhận cả hai chân lý nhưng nghiêng về Không và không thể sử dụng hoặc nhìn thấy giả hữu. Nếu cặp mắt của người ấy mở ra và chấp nhận giá trị thực tại khách quan giả tạm, người ấy không chỉ nhận không [gian], nhưng còn nhận những hình sắc của giả hữu. Rồi thì người ấy có thể hiểu rõ ràng hiện tượng duyên sinh trong mỗi sát na trong đời sống hằng ngày, và dùng trí tuệ của mình để làm lợi cho người. (24c11-19)

C/.TRUNG ĐẠO ĐỆ NHẤT NGHĨA ĐẾ QUÁN:

Đây là mức độ cao nhất mà hành giả có thể tiếp nhận một cách đúng đắn và đồng thời giá trị của cả hai Không và Giả. Trí Khải Đại Sư nói:

“Trước hết, quán chiếu [và đạt trí tuệ liên quan đến] Không và Giả là không luân hồi [tự tánh]. Kế tiếp, quán chiếu [và đạt trí tuệ liên quan đến] không không là không cả Niết Bàn. Như vậy, cả hai cực đoan đều phủ nhận (12). Đây gọi là quán hai [mặt] Không như phương tiện nhằm mục đích thấy được Trung Đạo… Pháp quán thứ nhất dùng Không, và pháp quán thứ hai dùng Giả. Đây là phương tiện tiếp nhận chân lý trong cả hai [cực đoan], nhưng khi hành giả vào được Trung Đạo, cả hai chân lý [là nhau cùng lúc] chiếu soi. (Maha Chỉ Quán, T46, 24c21-26).

Ba pháp quán trên đã được trình bày theo tiến trình từ đầu đến cuối. Trí Khải Đại Sư gọi ba pháp quán nầy là “thứ đệ tam quán” . Trong tiến trình tam quán nầy, đường lối tu tập và chứng đắc của Nhị thừa và Bồ tát Thông giáo thuận hợp với pháp quán thứ nhất về Không. Đường lối tu tập và chứng đắc của Bồ tát Biệt giáo thuận hợp với pháp quán thứ hai về Giả. Đường lối tu tập và chứng đắc của chư Phật (Viên giáo) thuận hợp với pháp quán thứ ba về Trung Đạo (24c29-25a3). Tuy nhiên, với tiến trình quán chiếu, có những sự khác biệt cần phải biết. Thí dụ: “Nếu có người luận về tam quán, có giả hoặc chân, cạn hoặc sau. Nếu có người luận về tam tuệ, có cao hoặc thấp, trước hoặc sâu. Nếu có người luận về tam nhân, có thứ bậc chứng đắc lớn hoặc nhỏ khác nhau. Vì vậy, chúng ta không dùng thứ đệ tam quán次 第 三 觀 ở đây.” (Maha Chỉ Quán, T46, 25b6-8).

Viên Đốn Chỉ Quán” 圓 頓止觀 là pháp quán siêu việt được nói đến trong Maha Chỉ Quán. Trong trường hợp nầy, ba mặt Không, Giả, và Trung được quán chiếu tương tục, và liền thấy là một thực tại đồng nhất, phi nhị, và đồng nghĩa. Thiên Thai Trí Khải nói:

“Khi chân lý được quán như đối tượng của Chỉ, [thấy rằng] ba chân lý nầy chính là một. Khi Chỉ được gìn giữ như phương tiện [đưa trí tuệ] vào chân lý, [thấy rằng] ba pháp Chỉ là một. Thí dụ, ba tướng có mặt trong nhất niệm, và dù rằng là một niệm, ba tướng hiện diện… Khi quán chiếu cảnh, một cảnh là ba [Không, Giả, và Trung]. Ba con mắt của Mahesvara là ba con mắt trên một khuôn mặt.  Nếu có người quán “ba tức một”, “một tức ba” sinh khởi. Chỗ nầy vượt trên cái hiểu thuộc khái niệm. Nó là không giả cũng không chân, chẳng cao chẳng hạ, chẳng trước chẳng sau, chẳng đồng chẳng dị, chẳng lớn chẳng nhỏ. Vì vậy nên Trung Luận nói: {Các pháp từ nhân duyên sinh tức Không, tức Giả, và tức Trung Đạo.} (Maha Chỉ Quán, T46, 25b9-18).

Ở đây tam quán rõ ràng được xác định và nối liền với bài kệ trong Trung Luận là bài kệ nền tảng đối với khái niệm về tam quán của Trí Khải.

Giá trị tương đối của sự chứng đắc từ tam quán là sự giảm thiểu ảo tưởng và vô minh, và giá trị tuyệt đối là đắc được tam trí (Maha Chỉ Quán, T46, 25c29-26a5). “Từ Giả vào Không”, hành giả diệt được lớp kiến tư hoặc thứ nhất 見思惑, và đến được nhất thiết trí 一 切 智, thấy tánh Không trong tất cả pháp. “Từ Không vào Giả”, hành giả diệt được vô minh nhiều như cát bụi – trần sa hoặc 塵沙惑 – và đến được đạo chủng trí 道種智. Sau cùng, vượt qua hai cực đoan để vào Trung Đạo, diệt căn bản vô minh, đắc nhất thiết chủng trí 一 切 種 智.

Trong phần phân tích sau cùng, Trí Khải Đại Sư trình bày tam Chỉ và tam Quán là cái xảy ra, hoặc có mặt trong nhất niệm一 念. Đại sư tóm lược phần nầy trong Chỉ và Quán như sau:“Một cách tổng quát, [nội dung của] tất cả những nghĩa trước [về Chỉ và Quán] có mặt trong một niệm. Điều nầy có nghĩa như thế nào? Thấy được rằng thể tánh chân thực đồng với vô minh và kiến hoặc gọi là “Chỉ là thấy được chân tánh”. Thấy rằng tánh nầy trùm khắp, tịnh tâm để quán thực tánh khách quan nầy như đối tượng quán chiếu thì gọi là “Chỉ như [tư tưởng vào] phương tiện giả hữu sinh khởi từ nhân duyên”. Chấm dứt vọng động của luân hồi và tịch tĩnh của Niết Bàn gọi là “Chỉ như chấm dứt hai đối cực”. Thấy được rằng tất cả pháp có mặt tam thời là Không, rằng thể tánh của thực tại đồng với Không gọi là “pháp quán vào Không”.

Khi hành giả hiểu được tánh Không nầy, trí tuệ của hành giả hội nhập Trung Đạo, pháp tướng của cõi thế gian sinh diệt, và nhận lấy nó như nó thực sự là. Đây gọi là “pháp quán vào Giả”. Trong đường lối nầy [chứng ngộ rằng] trí tuệ Không tức Trung Đạo, phi nhị và vô phân biệt. Đây gọi là “pháp quán Trung Đạo”. (Maha Chỉ Quán, T46, 25b25-c3) (Trích Nền Tảng Phật Học Thiên Thai Tông, Nhị Đế Đơm Hoa Trên Đất Trung Quốc. Nguyên tác Foundations of T’ien T’ai Philosophy, Paul L. Swanson biên soạn – Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch. Nhà xuất bản Phương Đông 2010).

300/. Tam quán (三觀): Mặt thực hành đối với thuyết tam đế 三 諦 của Trí Khải Đại Sư chính là khái niệm về tam quán: Không, Giả, và Trung. Tam đế chỉ cho thực tại thuộc cảnh giới khách quan. Tam quán chỉ cho đường hướng tổng quát về mặt thực tập giúp hành giả đạt trí tuệ vào được chân tánh. Như Trí Khải đã viết những huyền sớ về kinh Duy Ma Cật “Chân lý như nhị đế và tam đế là cảnh giới khách quan, là cái chiếu soi qua tam quán”.

Tam đế là luận đề chính về mặt giáo thuyết trong “Pháp Hoa Huyền Nghĩa”, và tam quán là luận đề chính về mặt hành trì trong “Maha Chỉ Quán”.Tam quán thực sự chỉ cho cả hai tam chỉ (samatha) và tam quán (vipasyana). Sự phát triển khái niệm nầy của Thiên Thai Trí Khải được trình bày một cách yếu lược trong phẩm đầu nói về ý nghĩa của Chỉ và Quán trong tác phẩm Maha Chỉ Quán. Trước hết Trí Khải luận về “ba loại Chỉ” (Ma ha Chỉ Quán, T46, 24a 2-3): Thể Chân Chỉ, Phương Tiện Tùy Duyên Chỉ, và Tức Nhị Biên Phân Biệt Chỉ. Phần chi tiết như sau:

a/. Thể Chân Chỉ 體 眞 止: Đây là một bước đi trước chủ trương “hiện thực”, chấp nhận thực thể của thực tại khách quan, nhận thấy tánh không của vạn pháp, và sự thiếu vắng một chủ tể. Như Trí Khải nói:“Tất cả các pháp từ nhân duyên sinh. [Sự vật từ] duyên khởi là không và không có chủ tể… Vì hành giả biết do duyên khởi, hội tụ giả tạm, ảo hóa, và tánh không [của vạn pháp], đây gọi là thể. Những ảo tưởng thuộc khái niệm đến chỗ tận cùng khi chứng ngộ tánh không, nên Không là [tánh] của chân [lý]. Vì vậy mà gọi là “thể chân chỉ” (Ma ha Chỉ Quán, T46, 24a3-6)

b/. Phương Tiện Tùy Duyên Chỉ 方 便 隨 縁 止: Tư tưởng quán chiếu thực tại là sự giả hữu của vạn pháp đến từ nhân duyên, Trí Khải gọi là “không phi không” 空 非 空 . Tánh không của vạn pháp không có nghĩa rằng chẳng có gì cả. Sự có mặt giả tạm của vạn pháp như những thực tại tương nhập là chân thực. Trí Khải nói: “Nhị thừa [chỉ nhận lấy Không như] thể tánh của chân lý, vì thế nên không thấy cần phải nhìn vào “phương tiện tùy duyên chỉ”. Chư Bồ tát hiểu giả hữu, và đưa vào chỗ thực hành. Chư vị biết rằng không chẳng phải là không, vì vậy mà được gọi là “phương tiện”. Hành giả phân biệt và chọn thuốc trị được bệnh, vì vậy mà được gọi là “tùy duyên”. Tâm an trụ đối với thế tục đế, nên gọi là “chỉ” (Ma ha Chỉ Quán T46, 24a9-11).

c/. Tức nhị biên phân biệt chỉ 息 二 邊 分 別 止: Tư tưởng quán chiếu tánh đồng nhất của cả hai “cực đoan” Không và Giả. Sự phân chia và trói buộc một cách phiến diện vào không hoặc Giả đều sai lầm. Hành giả phải nhận thấy rằng cả hai Không và Giả, nếu hiểu đúng, chỉ cho cùng một thực tại, và thực tại đó thiếu tự tánh và đồng thời có mặt một cách giả tạm. Trí Khải nói:“[Nếu cho rằng] Luân Hồi thì nổi trôi, và Niết Bàn là một vị thế thường tịch của giác ngộ, thì đây là cái thấy phiến diện của việc tu hành, không thuận hợp với Trung Đạo. Chính vào lúc nầy, nếu hành giả thấy được rằng thế tục không hẳn là thế tục, thì cái thấy cực đoan về thế tục sẽ chấm dứt; nếu hành giả thấy được rằng phi-thế-tục [tánh là giả hữu], thì cái thấy cực đoan về Không sẽ chấm dứt. Đây gọi là “tức nhị biên phân biệt chỉ”. (Ma ha Chỉ Quán T46, 24a 13-15)

Trí Khải Đại Sư xác nhận rằng “tên gọi ba loại chỉ nầy không có trong kinh và luận nhưng chúng được gọi tên theo ý nghĩa trong tương quan với tam quán” (24a15-16). Chúng tôi sẽ khảo cứu nội dung của tam quán.

Tam quán của Trí Khải Đại Sư chỉ cho giáo thuyết về ba phương pháp quán chiếu đạt được trí tuệ vào chân tánh và chứng Bồ Đề. Tên gọi lấy từ kinh Anh Lạc, nhưng kinh nầy không đưa ra bất cứ chi tiết nào về nội dung của tam quán.

Trí Khải dùng những tên gọi nầy và phát huy sâu đậm song song với tam đế, là khái niệm rường cột trong giáo lý và thực hành Phật pháp của đại sư. Trí Khải định nghĩa ba mặt của tam quán như sau:

Tùng giả nhập không: đây là nhị đế quán. Tùng không nhập giả: đây là bình đẳng quán. Hai lối quán nầy là phương tiện để vào được Trung Đạo, nơi cả hai đế đều chiếu soi. Tâm niệm diệt, hành giả tức thời vào biển nhất thiết trí (sarvajna). Đây gọi là Trung Đạo đệ nhất nghĩa đế quán” (Ma ha Chỉ Quán, T46, 24b5-8). (Trích Nền Tảng Phật Học Thiên Thai Tông, Nhị Đế Đơm Hoa Trên Đất Trung Quốc . Nguyên tác Foundations of T’ien T’ai Philosophy, Paul L. Swanson biên soạn – Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch. Nhà xuất bản Phương Đông 2010)

301/. Tam đế (三諦): Mặt thực hành đối với thuyết tam đế 三 諦 của Trí Khải Đại Sư chính là khái niệm về tam quán: Không, Giả, và Trung. Tam đế chỉ cho thực tại thuộc cảnh giới khách quan. Tam quán chỉ cho đường hướng tổng quát về mặt thực tập giúp hành giả đạt trí tuệ vào được chân tánh. Như Trí Khải đã viết những huyền sớ về kinh Duy Ma Cật “Chân lý như nhị đế và tam đế là cảnh giới khách quan, là cái chiếu soi qua tam quán”.

Tam đế là luận đề chính về mặt giáo thuyết trong “Pháp Hoa Huyền Nghĩa”, và tam quán là luận đề chính về mặt hành trì trong “Maha Chỉ Quán”. (Xin xem chú thích # 299 và # 300).

Dưới đây là đồ biểu đưa ra tầm nhỉn tường tận hơn đối với đường lối phân tích về Tam Đế của Thiên Thai Trí Giả qua Lý, Trí, và Hành:

PHÂN TÍCH VỀ TAM ĐẾ CỦA THIÊN THAI TRÍ KHẢI

Nền tảng

Trí

Hành

Tam quỹ

三 轨

Chân tánh

眞 性

Quán chiếu

觀 照

Tư thành

資成

Tam Đế

三 諦

Trung

Không

Giả

1.Tam Đạo三 道

Khổ đạo

苦 道

Phiền não đạo

煩 惱 道

Nghiệp đạo

業 道

2. Tam Thức

三 識

Amala

菴 摩 羅

A lại da

阿 賴 耶

A đà na

阿 陀 那

3. Tam PhậtTánh

三 佛 性

Chánh nhân

正 因

Liễu nhân

了 因

Duyên nhân

緣 因

4. Tam Bát Nhã

三 般 若

Thực tướng

實 相

Quán chiếu

觀 照

Văn tự

文 字

5. Tam Bồ Đề

三 菩 提

Thực tướng

實 相

Thực trí

實 智

Phương tiện

方 便

6. Tam Đại Thừa

三 大 乘

Lý thừa

理 乘

Tùy thừa

隨 乘

Đắc thừa

得 乘

7. Tam Thân

三 身

Pháp thân

法 身

Báo thân

報 身

Ứng thân

應 身

8. Tam Niết Bàn

三 涅 槃

Tánh tịnh

性 淨

Viên tịnh

圓 淨

Phương tiện tịnh

方 便 淨

9. Tam Bảo

三 寶

Pháp

Phật

Tăng

10. Tam Đức

三 德

Pháp thân

法 身

Bát nhã

般 若

Giải thoát

解 脫

(Trích Thiền và Chỉ Quán, Paul L. Swanson biên soạn – Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch. nxb Phương Đông 2011)

302/. Thực tướng (實相):  Cả đoạn kinh nói về lý sám hối là trích từ kinh Phổ Hiền Quán Kinh (普賢觀經):  Niệm và tu cái lí của thật tướng của chư pháp, thể chứng thực tương của chư pháp, tội tướng sẽ diệt ngay. (Quán chư pháp thật tướng chi lí, thể chứng thật tướng, tội tướng tức diệt 觀 諸 法 實 相 之 理, 體 證實 相, 罪 相即 滅).  Chữ thực tướng ở đây là thực tướng của chư pháp.

303/. Lý tức (理即): Lý tức có nghĩa rằng nơi niệm niệm đều đồng với [chân] lý của Như Lai tạng, đồng với Không vì [đã sẳn] là như (tatha), đồng với Giả vì là nơi chứa đựng hoặc tạng (garbha), và đồng với Trung Đạo vì là chân lý (Ba loại trí tuệ nầy luôn có mặt trong bất cứ niệm nào, bất tư nghị. Như chúng ta đã giải thích ở phần trên, [chúng là một và đồng thời] là ba chân lý và một chân lý nhưng cũng chẳng ba, cũng chẳng một. Mỗi sắc mỗi hương đều gồm thu vạn pháp, và mỗi mỗi niệm đều như vậy. Đây là chỗ gọi là [chân] tâm Bồ Đề [ở thứ bậc] lý tức. Đó cũng là Chỉ và Quán [ở thứ bậc] lý tức. [Mỗi một niệm] đã có sẳn tịch tịnh là Chỉ. [Mỗi một niệm] đã có sẳn chiếu soi là Quán. (Trích “Nghiên cứu và phiên dịch đại phẩm thứ nhất Maha Chỉ Quán, Pháp môn viên đốn”. Nguyên tác: The Great Calming and Contemplation. Neal Donner & Daniel B. Stevenson  biên soạn – Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch. Nhà xuất bản Phương Đông TP. HCM 2009.)

304/. Viên quán (圓觀): Xin xem chú giải # 300

305/. Kiêm hành lục độ (兼行六度): Hành giả tu hành tùy hỷ, đọc tụng , thuyết pháp  công lực đến đây chưa sâu nên chỉ đi làm lục độ một cách thêm tu tập là chính. Khi tu tập xong, lúc đó chỉ làm lục độ để cứu nhân độ thế thì gọi là chánh hành lục độ (正行六度).

306/. Viên phục (圓伏): Tức nhất phục phục nhất thiết phục (即一伏一切伏),  chỉ cần điều phục một hoặc (惑) là tất cả các hoặc đều bị điều phục .

307/. Ngũ trụ phiền não (五住煩惱): Trong Phật học, phiền não có ba nhóm:  Kiến tư phiền não, trần sa phiền não và vô minh phiền não. Kiến tư phiền não lại chia làm ba loại:

1/. Kiến hoặc (見惑), còn gọi là kiến nhất thiết sứ trụ địa (一切見住地 ), không phải là sinh ra mà có, nó là do lòng phân biệt chấp trước mà sinh ra.  2/. Tư hoặc còn gọi là ái trụ địa (愛住地), là có từ thuở sơ sinh, nó do tham sân, si, mạn, nghi, ác kiến của nhiều kiếp để lại. Nó được chia làm  ba loại: 

a) Tư hoặc của dục giới,

b) Tư hoặc của sắc giới,

c) Tư hoặc của vô sắc giới.

Bốn loại phiền não này họp lại gọi là phiền não chướng (煩惱障)

3/.Trần sa hoặc và vô minh hoặc họp lại tạo thành vô minh trụ địa (無明住地).  Vô minh trụ địa là căn bản trụ địa (根本住地), thuộc về sở tri chướng (所知障). Bốn phiền não chướng và một sở tri chướng họp lại gọi là ngũ trụ phiền não (五住煩惱). A la hán chỉ diệt trừ được 4 phiền não chướng, không diệt trừ được sở trí chướng nên chưa ra khỏi tam giới. Bồ tát của Viên giáo từ sơ trụ trở lên mới có thể diệt trừ được sở tri chướng.

308/. Lục căn thanh tịnh vị (六根清淨位): Lục căn thanh tịnh vị là nội phàm vị của Viên giáo. Lục căn là nhãn, nhĩ, tị thiệt, thân, ý. Theo kinh Pháp Hoa, pháp sư công đức phẩm (法華經法師功德品):  Lục căn thanh tịnh vị của Viên giáo tương đương với tập tín vị của Biệt giáo. Sau lục căn thanh tịnh vị, tên các quả vị của Viên giáo và Biệt giáo hoàn toàn giống nhau, nhưng những phiền não đoạn trừ được và sở ngộ những lý thì hoàn toàn khác nhau. Những quả vị đó là: Thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa.

Không cần phải nhắc lại rằng Thiên Thai Trí Giả thừa hưởng gia nghiệp của bậc tôn sư là tôn giả Nam Nhạc Tuệ Tư. “Trong Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Ngĩa, sư Tuệ Tư. Một sự kiện nổi bật đáng lưu ý, ngoài Nam Nhạc Tuệ Tư, chính là Thiên Thai Trí Khải, là người đắc pháp của sư. Như [các nhân vật] cùng thời, sư Trí Giả và sư Quán Đảnh (và cả Nam Nhạc Tuệ Tư) nhìn sự thanh tịnh của sáu căn là quả của đạo, chứng được [lục căn thanh tịnh] tức vào được quả vị sau cùng để trở thành bất thối chuyển Bồ tát. Nhưng cùng một lúc, Thiên Thai Trí Giả và Quán Đảnh rất minh bạch khi nói rằng nhãn căn “vốn có đầy đủ (cụ具) những năng lực của ngũ nhãn”, Pháp Hoa Văn Cú trình bày chi tiết về năng lực của nhục nhãn trong phẩm Pháp Sư Công Đức tương quan với thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, và Phật nhãn. (T no. 1717, 34.140a 20-23). Thiên Thai Trí Khải nói với chúng ta: “Như vậy, mặc dù chúng ta có mắt thịt [cha mẹ sinh], đây chính là Phật nhãn. Vì là Phật nhãn nên nói là tịnh. Bởi vì [bản chất vốn] có đủ tất cả ngũ nhãn nên nói là cực diệu.” (T no. 1717, 34.140a 24-25) Ngoài ra, trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa, sư Trí Giả đưa ra một luận đề nổi bật về Tam Pháp và chúng sinh pháp diệu (衆生法妙) trong đó đoạn văn sau đây có sức thuyết phục về sự thanh tịnh của sáu căn vốn có:

“ Như khi kinh Pháp Hoa được thuyết với mục đích khiến chúng sinh khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật. Nếu chúng sinh vốn chẳng có Phật trí thì sao gọi là khai?. Hành giả nên biết rằng trí tuệ Phật vốn sẳn có nơi tất cả chúng sinh. Hơn nữa kinh nói “con mắt từ cha mẹ sinh” chính đó là “mắt thịt”… Nếu có người chưa từng đạt đến chỗ vô lậu, nhãn căn này vẫn thanh tịnh. Nếu mắt này có cái dụng đầy đủ thì chính đó là mắt Phật. Như vậy, đây là đoạn kinh văn giải thích về diệu pháp, tức chúng sinh pháp diệu (衆生法妙).” (Trích Luận Về Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa. Nguyên tác: An Annotated Translation and Study of The Meaning of the Lotus Sutra’s Course of Ease and Bliss. Việt dịch: Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm, nxb Phương Đông, 2012)

309/. Sơ tín vị (初信): Sơ tín vị đoạn trừ được 88 sứ kiến hoặc của tam giới, đã chứng được cái lý của chân đế.

310/. Chân lý (真理): Có nghĩa là cái lý của chân đế. Vì Viên giáo là nhất chứng là nhất thiết chứng, nên cũng chứng được cái lý của tục đế và trung đ

311/. Tứ trụ (四住): 1) Kiến hoặc (見惑), còn gọi là kiến nhất thiết sứ trụ địa (一切見住地), không phải là sinh ra mà có, nó là do lòng phân biệt chấp trước mà sinh ra.  2) Tư hoặc còn gọi là ái trụ địa (愛住地), là có từ thuở sơ sinh, nó do tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến của nhiều kiếp để lại. Nó được chia làm  ba loại:  a) Tư hoặc của dục giới, b) Tư hoặc của sắc giới, c) Tư hoặc của vô sắc giới. Bốn loại phiền não này họp lại gọi là phiền não chướng (煩惱障), cũng gọi là tứ trụ (四住).

312/. Kiến nhất thiết xứ trụ địa (見一切處住地): Trụ địa là Tam giới, là nơi các chúng sinh cư ngụ. Vì chúng sinh không biết ngũ ấm là không thật, là vô ngã, là không nên đã sinh ra những ác kiến, các kiền hoặc tạo nên những phiền não gọi là kiến nhất thiết trụ địa. Có 5 loại kiến hoặc: Thân kiến (身見), biên kiến (邊見), tà kiến (邪見), kiến thủ kiến (見取見), giới cấm thủ kiến (戒禁取見). (Digital Dictionry of Buddhism A. Charles Muller)

313/. Sắc giới gồm bốn cõi (色界四地): 1) Sơ thiền, 2) Nhị thiền, 3) Tam thiền, 4) Tứ thiền đó là sắc giới tứ địa. Tạo ra tứ sắc ái trụ điạ.

314/. Vô sắc giới tứ địa (無色界四地): 1) Không vô biên xứ, 2) Thức vô biên xứ, 3) Vô sở hữu xứ, 4) Phi tưởng phi phi tưởng xứ đó là vô sắc giới tứ địa.  Tạo ra tứ vô sắc ái trụ địa. (Đại Tạng Pháp Số)

315/. Biệt hoặc (別惑): Biệt là riêng biệt. Biệt hoặc là loại hoặc dành riêng biệt cho chư bồ tát phải đoạn trừ. Nó đối lại với Thông hoặc (hoặc chung).  Biệt hoặc là chỉ trần sa hoặc và vô minh hoặc. Trong khi giáo hóa chúng sinh, lẽ ra Bồ tát phải thông suốt vô lượng vô số pháp môn nhiều như bụi cát (trần sa), nhưng vì chưa đủ trí lực, không thể thông suốt hết vô số pháp môn nhiều như bụi cát để có thể giáo hóa một cách tự tại, vẫn còn chướng hóa đạo (cản trở việc giáo hóa truyền đạo), cho nên gọi là Trần sa hoặc. Còn vô minh hoặc là hoặc làm mê mất lí thể căn bản mà che lấp lí Trung đạo thực tướng. Dứt trừ được Biệt hoặc này thì có thể thành Phật. (Phật Quang Đại Từ Điển)

316/. Thông hoặc (通惑):  Đó là kiến hoặc và tư hoặc mà hành giả của Tam thừa đều phải đoạn trừ. (Phật Quang Đại Từ Điển)

317/. Đạo chủng trí (道種智): Là một trong tam trí (三智): Đó là cái trí của chư bồ tát, học tất cả các đạo pháp  và biết tất cả những  khác biệt của các đạo pháp để cứu độ chúng sinh. Nhất thiết trí (一切智, Phạm: sravaka): Đây là cái trí của chư Thanh văn, Duyên giác. Cái trí biết một cách tổng quát tất cả các pháp là không, các tướng là giả. Nhất thiết chủng trí (一切種智), đây là cái trí của chư Phật, còn gọi là Phật trí. (Phật Quang Đại Từ Điển).

318/. Hạnh bất thoái vị (行不退): bất thoái, tiếng Phạm là avinivartaniya, có nghĩa không thoái lui, không mất đi những cái gì đã đạt được. Đây là một trong ba cái bất thoái quả vị: Hạnh bất thoái (行不退), niệm bất thoái (念不退), vị bất thoái (位不退).  Viên giáo từ bát tín vị đến thập tín vị gọi chung là hạnh bất thoái vị, nó tương đương với Biệt giáo bát  trụ, cửu trụ, thập trụ, thập hạnh và thập hồi hướng quả vị.

319/. Tam đức này bất tung bất hoành (此之三德, 不縱不橫):  tam đức có nghĩa là: Giải thoát đức (Phạm: vimoksa), bát nhã đức (Phạm: prajna) và pháp thân đức (Phạm: dharma body)  có tầm quan trọng ngang nhau và hỗ trợ lẫn nhau.  Tuy ba là một, tuy một là ba.  Viên giáo chia vô minh thành 42 phẩm. 42 phẩm  là  theo sinh (生), trụ(住), dị (異), diệt (滅) tứ tướng mà ra. Mỗi một tướng lại có thập phẩm vô minh. Thập phẩm vô minh được chia làm ba nhóm: thượng, trung, hạ.  Thượng phẩm vô minh lại được chia làm: thượng thượng, thượng trung, thượng hạ. Trung phẩm vô minh được chia làm: trung thượng, trung trung, trung hạ. Hạ phẩm vô minh cũng được chia làm hạ thượng, hạ trung, hạ hạ. Đây là 9 phẩm vô minh cộng thêm một phẩm căn bản vô minh (根本無明) vào thành 10 phẩm vô minh. Khi hành giả đạt đến sơ trụ vị thì đã hoàn tất nội phàm vị và bước vào thánh vị.

Trước hết từ sơ trụ vị  đến cửu trụ vị  bắt đầu phải đoạn trừ thập phẩm diệt tướng vô minh (滅相無明), đi từ hạ hạ cho đến thượng thượng, gồm 9 phẩm, sau đó đến thập trụ vị thì đoạn trừ một phẩm diệt tướng căn bản vô minh (滅相根本無明). Đến đây diệt tướng vô mình hoàn toàn được đoạn trừ.

Kế đến thập hạnh vị hành giả đoạn trừ được thập phẩm dị tướng vô minh (異相無明). Sau đó đến thập hồi hướng vị hành giả  đoạn trừ được thập  phẩm trụ tướng vô minh (住相無明). Kế đến thập địa quả vị hành giả đoạn trừ 9 phẩm sinh tướng vô minh (生相無明).  Sau đó đến Pháp Vân địa quả vị (法雲地) hành giả bắt đầu đoạn trừ sinh tướng căn bản vô minh (生相根本無明). Sinh tướng căn bản vô minh rất khó đoạn trừ. Nó cũng được chia làm thượng, trung, hạ ba phẩm. Đến đệ thập địa hành giả đoạn trừ hạ phẩm sinh tướng căn bản vô minh. Đến đẳng giác vị hành giả đoạn trừ trung phẩm sinh tướng căn bản vô minh. Đến sát na trước khi thành Phật hành giả đoạn trừ thượng phẩm sinh tướng căn bản vô minh.

320/. Chữ thế Y tam điểm (世伊三點): Y (伊) là tiếng phiên âm Hán văn của một chữ Phạm cổ, nghĩa của chữ này không rõ. Nhưng theo phần chú giải của sách Cốc Hưởng Sao (谷響鈔) thì 500 trước CN, chữ Y cổ có nghĩa Bà La Môn, Phạm chí (Brahmi). Đến thời kỳ Lichchavi vào khoảng 400 – 750 sau CN, chữ này đổi thành một dạng mới, Hán văn gọi là thế Y,  chữ này có hình 3 điểm nằm ở ba đỉnh của một tam giác (∴).

Ba điểm của chữ Y trong kinh Phật gọi là Y tam điểm thường dùng để chỉ những gì tuy ba là một, tuy một là ba, không thể tách ra được, cả ba đều có tầm quan trọng như nhau. Ở trong bài này nói về tam đức (giải thoát đức, bát nhã đức và pháp thân đức) tuy ba là một, tuy một là ba, quan trọng ngang nhau, cần đạt được để thành Phật quả.( Pháp Nhĩ Từ Khố 法爾辭庫, Digital Buddhism dictionary Charles Muller)

321/. Thiên chủ tam mục (天主三目): Chữ thiên chủ tùy theo kinh sách khá khác nhau, có kinh sách nói là Indra, kinh khác lại nói là Siva, theo kinh Niết Bàn cuốn 2 phấm Ai thán (涅槃經卷二哀歎品) thì thiên chủ là Mahesvara phiên âm ra Hán văn là Ma Ê Thủ La (摩醯首羅), có ba con mắt, một con mắt ở giữa trán. Ở đây cũng dùng vị trí của ba con mắt để nói lên cái ý là tuy ba là một, tuy một là ba, không thể tách ra được, cả ba đều có tầm quan trọng như nhau. Ở trong bài này nói về tam đức tuy ba là một, tuy một là ba, quan trọng ngang nhau, cần đạt được để thành Phật quả. (Phật Quang Điện Tử Đại Từ Điển, Digital Buddhism dictionary Charles Muller)

322/. Bát tướng Phật (八相佛):  Đó là tám giai đoạn mà đức Phật trải qua để thành Phật. 1): Hạ thiên: Đức Phật từ cõi trời Đâu Suất giáng thế. 2) Nhập thai, 3) Sanh ra, 4) Xuất gia, 5) Hàng phục ma quỷ, 6) Thành đạo, 7) Chuyển Pháp luân, 8) Nhập Niết Bàn. (Đinh Phúc Bảo Phật Học Đại Từ Điển)

323/. Phần chứng quả (分證果): Qua năng lực quán chiếu [đạt đến thứ bậc] tương tự, đây là lúc hành giả bước lên cổ xe đồng. Vì là lần đầu tiên hành giả khởi sự xóa vô minh và nhận ra Phật tánh, khai mở kho tàng [chân pháp], và hiển lộ như thực. Theo tiến trình 52 quả vị, chỗ nầy phù hợp [với vị 41] sơ địa cho đến Đẳng giác. Vô minh phát sinh rất chậm, và trí tuệ gia tăng rõ rệt, ví như ngày thứ nhất cho đến ngày thứ mười bốn của tháng trăng, vòng ánh sáng càng ngày càng tròn trỉnh, và bóng tối dần dần tan biến. Nếu một người giác ngộ qua [sự thâm hội] sắc tướng của một vị Phật, thì [vị Bồ Tát nầy] sẽ hiển lộ tám vị thế [thọ mạng của một vị Phật], và chứng đắc Bồ Đề. Nếu một người giác ngộ qua [sự thâm hội] hình tướng từ một trong chín cõi khác [trong pháp giới], thì [vị Bồ Tát nầy] sẽ hiển lộ ‘thân cùng khắp’ như đã nói rõ ràng trong kinh Pháp Hoa. Đây là tâm giác ngộ [ở thứ bậc] phần chứng tức. Đây cũng gọi là Chỉ và Quán [ở thứ bậc] phần chứng tức, cũng như tuệ và diệt ở mức độ phần chứng tức. (Trích “Nghiên cứu và phiên dịch đại phẩm thứ nhất Maha Chỉ Quán, Pháp môn viên đốn”. Nguyên tác: The Great Calming and Contemplation. Neal Donner & Daniel B. Stevenson biên soạn – Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch. Nhà xuất bản Phương Đông TP. HCM 2009.)

324/. Chân nhân (真因): Chân có nghĩa là chân như bản tánh, tức pháp thân.

325/. Long Nữ thành chánh giác (龍女便成正覺): Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: Ta ở biển chỉ thường tuyên nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Ngài Trí Tích hỏi ngài Văn-thù-sư-lợi rằng: Kinh này rất sâu vi diệu là báu trong các kinh, trong đời rất ít có, vậy có chúng sanh nào siêng năng tinh tấn tu hành kinh này mau được thành Phật chăng? Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: Có con gái của vua rồng Ta-kiệt-la mới tám tuổi mà căn tánh lanh lẹ, có trí tuệ, ………nàng ấy có thể đến Bồ-đề.

Trí Tích Bồ-tát nói rằng: Tôi thấy đức Thích-ca Như Lai ở trong vô lượng kiếp làm những hạnh khổ khó làm, chứa nhiều công đức để cầu đạo Bồ-đề chưa từng có lúc thôi dứt, ta xem trong cõi tam thiên đại thiên nhẫn đến không có chỗ nhỏ bằng hột cải, mà không phải là chỗ của Bồ-tát bỏ thân mạng để vì lợi ích chúng sanh, vậy sau mới được thành đạo Bồ-đề. Chẳng tin Long nữ đó ở trong khoảng giây lát chứng thành bậc Chánh giác. Nói luận chưa xong, lúc đó con gái của Long vương bỗng hiện ra nơi trước, đầu mặt lễ kính Phật rồi đứng một phía nói kệ khen rằng:Thấu rõ tướng tội phước ….Độ thoát khổ chúng sanh. Bấy giờ, ngài Xá-lợi-phất nói với Long nữ rằng: Người nói không bao lâu chứng được đạo Vô thượng, việc đó khó tin. Vì sao? Vì thân gái nhơ uế chẳng phải là pháp khí, thế nào có thể được thành Vô thượng Chánh giác? Đạo Phật xa rộng phải trải qua vô lượng kiếp cần khổ chứa nhóm công hạnh, tu đủ các độ, vậy sau mới thành được. Lại thân gái còn có năm điều chướng: một, chẳng được làm Phạm thiên vương; hai, chẳng được làm Đế Thích; ba, chẳng được làm Ma vương; bốn, chẳng được làm Chuyển Luân Thánh vương; năm, chẳng được làm Phật. Thế nào thân gái được mau thành Phật?

Lúc đó, Long nữ có một hột châu báu, giá trị bằng cõi tam thiên đại thiên đem dưng lên đức Phật. Phật liền nhận lấy. Long nữ nói với Trí Tích Bồ-tát cùng Tôn giả Xá-lợi-phất rằng: Tôi hiến châu báu, đức Thế Tôn nạp thọ, việc đó có mau chăng? Đáp: Rất mau. Long nữ nói: Lấy sức thần của các ông xem tôi thành Phật lại mau hơn việc đó. Đương lúc đó cả chúng hội đều thấy Long nữ thoạt nhiên biến thành nam tử, đủ hạnh Bồ-tát, liền qua cõi Vô cấu ở phương Nam ngồi tòa sen báu thành bậc Đẳng chánh giác, đủ ba mươi hai tướng, tám mươi món đẹp, khắp vì tất cả chúng sanh trong mười phương mà diễn nói pháp mầu……(Kinh Pháp Hoa, Phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa )

326/. Thanh văn được thọ ký sẽ thành Phật (聲聞人受當來成佛): Trong kinh Pháp Hoa, Năm trăm đệ tử thọ ký phẩm, phẩm thứ 8: Đức Phật đã thọ ký cho các thanh văn như Xá Lợi Phất, Mục kiền Liên và 500 A La Hán sẽ được thành Phật.

327/. Tuệ thân (慧身): Hành giả nếu ngộ được tất cả những vọng tưởng là hư không, là sinh diệt, như vậy tưởng uẩn sẽ được thanh tịnh  vô ngại, khi đó tưởng uẩn sẽ thành tuệ thân. Tuệ thân là một trong ngũ phần pháp thân, là thân đã được thành tựu từ vô lậu trí tuệ. Năm phần của pháp thân là: Giới pháp thân, định pháp thân, tuệ pháp thân, giải thoát pháp thân, giải thoát trí kiến pháp thân. Trong bài này cho ta thấy sự liên quan giữa tam nhân Phật tánh (三因佛性 ) với tam thân và tam đức. Tam nhân Phật tánh có sẵn trong mọi người chúng ta. Tam nhân Phật tánh là chánh nhân Phật tánh (正因佛性 ), liễu nhân Phật tánh(了因佛性), duyên nhân Phật tánh(緣因佛性).  Duyên nhân Phật tánh phát khởi sẽ sinh ra giải thoát đức, giải thoát đức sẽ sinh ra nhất thiết ứng thân. Liễu nhân Phật tánh phát khởi sẽ sinh ra bát nhã đức, bát nhã đức sẽ sinh ra tuệ thân. Chánh nhân Phật tánh phát khởi sẽ sinh ra pháp thân đức, pháp thân đức sẽ sinh ra diệu pháp thân.  (Tam Tạng Pháp Số, Tự điển Danh Từ Phật Học Việt Anh, ).

328/. Bát nhã đức (般若德): Đó là trí tuệ  cứu cánh viên mãn của chư Phật,  thấy được cái thực tướng của vũ trụ và nhân sinh,  thấy được chư pháp bất sinh bất diệt, thanh tịnh vô tướng, bình đẳng vô nhị, bất tăng bất giảm,  có đầy đủ thường lạc ngã tịnh, có vô lượng vô biên trí tuệ. (Tam Tạng Pháp Số)

329/. Liễu nhân Phật tính (了因佛性): Là một trong ba loại Phật tánh. Chữ liễu (了) ở đây là chữ viết tắt của chữ liễu triệt (了彻) có nghĩa là triệt để. Liễu nhân Phật tánh là cái trí tuệ giúp con người ngộ được một cách triệt để thực tướng của chư pháp để đạt đến bát nhã đức và sinh ra tuệ thân. Anh văn: Wisdom that illuminates the thusness or tathagata, within. (Phật Học Đại Từ Điển của Đinh Phúc Bảo, Digital Buddhism Dictionary Charles Muller)

330/. Nhất thiết chủng trí (一切種智): Còn gọi là Phật trí, tiếng Phạm sarvatha-jnana. Đây là một trong ba loại trí của đạo Phật. Chỉ khả năng có thể dùng một loại trí mà biết được đạo pháp của tất cả chư Phật, lại còn có thể biết được nhân chủng của tất cảc chúng sinh (Tam Tạng Pháp Số, Từ Điển Phật Học Hán Việt)

331/. Thật báo vô chướng ngại thổ (實報無障閡土): Thực báo (實報): thật sự được đền đáp (Anh văn: true reward), Vô chứng ngại: Không có một cái gì cản trở (Phạm: anavrta). Thật báo vô chướng ngại thổ là một trong tứ thổ của đạo Phật. Đây là nơi cư ngụ của chư bồ tát , và những hành giả của Biệt giáo đã đắc thập địa quả vị trở  lên, hay Viên giáo đã đắc thập trụ quả vị trở lên. (Phật Học Đại Từ Điển của Đinh Phúc Bảo)

332/. Niệm bất thoái vị (念不退位):  Một trong 3 bất thoái, nói việc bồ tát đã lìa dứt căn bản vô minh, đã chứng được một phần trung đạo, vĩnh viễn không lui, không mất đức tin. (Từ Điển Phật Học Hán Việt)

333/. Nhất sanh bổ xứ (一生補處): Quả vị của Bồ Tát ngay dưới quả vị  Phật. (Từ Điển Phật Học Hán Việt)

334/. Vi tế vô minh (微細無明): Còn gọi là vô thủy vô minh, đây là loại vô minh có trong tâm thức ta không biết từ những kiếp nào. Khi nó khởi tâm động niệm trong chúng ta, chúng ta cũng khó thể nhận thấy được. Bồ Tát phải tu hành đến bát địa mới nhận thức được.

335/. Thường tịch quang thổ (常寂光土): Là nơi cư ngụ của pháp thân Phật, là những bồ tát đã đạt được Diệu giác quả vị. Đến thường tịch quang thổ thì hành giả không còn có tướng nữa. Quả vị trước là đẳng giác vị, hành giả đến đẳng giác quả vị sẽ cư ngụ ở thực báo thổ, còn những tập khí của vô thủy vô minh, còn gọi là sinh tướng vô minh,  chưa đoạn trừ nên còn có tướng.

336/. Lục tức (六即): Hành vị của Bồ tát Đại thừa gồm có 52 quả vị: Thập tín, Thập trụ, Thập hành, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, và Diệu giác được nói trong Kinh Hoa Nghiêm. Thiên Thai Tông cho đó là hành vị của Biệt giáo,Bồ Tát và lập riêng hành vị của Viên Giáo  Bồ Tát. Đó gọi là Lục tức. Lục Tức là:

1) Lí Tức (理即): Hết thẩy chúng sinh đều có Phật tính, có Phật hay không có Phật ở thế gian, Phật tính vẫn thường trụ. Hơn nữa mỗi sắc mỗi hương đều là Trung đạo. Lí tính tuy như vậy, nhưng vì chưa được nghe nên chẳng biết. Hạng phàm phu đó chỉ ngang bằng với Phật về lí tính, nên gọi là Lí Tức.

2) Danh tự tức (名字即): Hoặc từ trí thức, hoặc từ kinh  quyển mà được nghe đạo bồ đề nhất thực nói trên và từ trong danh tự mà lí giải thông suốt, biết rằng tất cả đều là Phật  pháp, tất cả đều có thể thành Phật.

3) Quán hành tức (觀行即 ): Chẳng những lí giải được danh tự mà hơn nữa còn y giáo tu hành, tâm quán rõ rang, lí tuệ tương ứng, việc làm như lời nói, lời nói như việc làm. Vị này tu năm phẩm quán hành như tùy hỉ đọc tụng v.v… (như kinh Pháp hoa đã nói), được gọi là Ngũ Phẩm đệ tử vị.

4) Tương tự tức (相似即): Bắt đầu nhập Thập tín vị do Biệt giáo đặt ra, phát ra quán hành tương tự như loại vô lậu thực sự. Nhập vị này thì được đức 6 căn thanh tịnh như kinh Pháp Hoa đã nói nên gọi là Lục căn thánh tịnh vị.

5) Phần Chứng tức (分證即):  Dựa vào quán lực tương tự mà phát chân trí, mới bắt đầu đoạn một phần vô minh mà thấy Phật tính, mở bảo tạng, hiển chân như, đó gọi là Phật tâm trụ. Kể từ đây trở về sau, trong 41 vị từ cửu trụ cho tới Đẳng giác, lần lượt từng phần phá hết 41 phẩm vô minh, lần lượt từng phần mà thấy Pháp tính;

6) Cứu cánh tức (究竟即):  Phá vô minh thứ 42 là nguyên phẩm vô minh, mở ra giác trí cứu cánh viên mãn. Sáu vị này theo thứ tự trước sau nông sâu. “Tức” có nghĩa là Thị (Tức thị: Tức là)

337/. Tướng tự giải phát (相似解發): Tương tự có nghĩa gần như, giống như. Giải phát: có nghia khởi phát lý giải, tuy chưa thật sự chứng được quán hạnh tức trung (觀行即中) nhưng đã được lục căn thanh tịnh, đã đoạn trừ được kiến tư hoặc, trần sa hoặc,  đã diệt phục được vô minh, đây là thập tín vị của Viên giáo,gọi là tương tự tức Phật. ( Phật Quang Điện Tử Đại Từ Điển)

338/. Phương tiện (方便):  (s, p: upāya, 方便): âm dịch là Âu Ba Da (漚波耶), một trong 10 Ba La Mật, còn gọi là Thiện Quyền (善權), Biến Mưu (變謀), chỉ sự uyển chuyển biến đổi tùy theo hoàn cảnh, không gian, thời gian; cũng là một loại phương pháp phát triển hướng thượng. Trong các kinh luận Phật Giáo thường dùng từ này, quy nạp lại thì ý nghĩa của nó có thể phân làm 4 loại:

(1) Đối với pháp chân thật mà nói, là pháp môn giả lập ra để dẫn dụ chúng sanh đi vào pháp chân thật; nên được gọi là Quyền Giả Phương Tiện (權假方便), Thiện Xảo Phương Tiện (善巧方便); tức chư Phật, Bồ Tát tùy theo căn cơ của chúng sanh để dùng các loại phương pháp ban cho lợi ích.

(2) Đối với Thật Trí (實智) của Bát Nhã mà nói. Theo Vãng Sanh Luận Chú (徃生論註) quyển hạ của Đàm Loan (曇鸞, 476-?), Bát Nhã là đạt đến tuệ như như, phương tiện là thông trí quyền xảo; nên lấy Quyền Trí (權智) để quán chiếu những sai biệt hiện ra trong Bình Đẳng Thật Trí (平等實智).

(3) Hai trí quyền và thật đều là pháp môn do chư Phật, Bồ Tát thường dùng để hóa độ chúng sanh.

(4) Là hạnh gia trì, tu tập để chúng ngộ chân lý.

Lại nữa, trong 12 phương tiện của Đại Thừa Nghĩa Chương (大乘義章) quyển 15 do Huệ Viễn (慧遠, 523-592) nhà Tùy trước tác, Pháp Hoa Huyền Tán (法華玄讚) của Khuy Cơ (窺基, 632-682), cũng có nêu ra 4 loại phương tiện khác, gồm:

(1) Tấn Thú Phương Tiện (進趣方便), giống như 7 phương tiện trước khi ngộ đạo, tức sự chuẩn bị hướng đến Bồ Đề.

(2) Quyền Xảo Phương Tiện (權巧方便), như Phương Tiện Trí trong 2 loại trí tuệ, lấy pháp môn của Ba Thừa để tùy theo vật mà quyền hiện.

(3) Thí Tạo Phương Tiện (施造方便, hay Thí Vi Phương Tiện [施爲方便]), như Phương Tiện Ba La Mật (方便波羅蜜) trong 10 Ba La Mật, tức làm những việc thiện xảo để đạt đến mục đích lý tưởng.

(4) Tập Thành Phương Tiện (集成方便), như thuyết về 6 tướng của Thập Địa Kinh Luận (十地經論), các pháp đồng thể nhưng biến tướng hiện thành, nghĩa là bản chất của các pháp đều như nhau; trong một có tất cả, và trong tất cả cũng thành một.

Hơn nữa, theo Pháp Hoa Văn Cú (法華文句) quyển 7 của Đại Sư Trí Khải (智顗), có nêu ra 3 loại phương tiện là Pháp Dụng (法用), Năng Thông (能通) và Bí Diệu (祕妙); ứng với đối tượng của Tam Giáo Tạng (藏), Thông (通) và Biệt (別). Tịnh Danh Kinh Sớ (淨名經疏) lại đề cập đến 3 loại phương tiện khác là Tự Hành (自行), Hóa Tha (化他) và Tự Tha (自他), v.v. Câu “Từ tâm vô lượng, quảng khai phương tiện chi huyền môn (慈心無量、廣開方便之玄門)” trong văn sớ trên có nghĩa là với tâm từ bi vô lượng, chư Phật đã mở rộng cánh cửa vi diệu của phương tiện để cứu độ chúng sanh; cho nên hình thức cúng Cầu Siêu, Cầu an cũng là phương tiện trong muôn vàn phương tiện khác của Phật Giáo.(Phật Quang Đại Từ Điển)

339/. Chánh tu (正修): Tiếng Phạm: bhavana, prapatti. Trong bài này những điều chuẩn bị để bắt đầu vào sự tu hành chính gọi là phương tiện có 25 loại phương tiện. Chánh tu là những tu tâm chính phải tu tập.  Chánh tu của Tạng giáo là tu chiết (bẻ gẫy) không quán (修析空觀), chánh tu của Thông giáo là tu thể không quán (體空觀), chánh tu của Biệt  giáo là thứ đệ tam quán (次第三觀), chánh tu của Viên giáo là nhất tâm tam quán (一心三觀 ).

340/. Áo vải vụn (集糞掃衣): Hán văn gọi là tập phẩn tảo y (集糞掃衣), Phạm: pamsukulika. Còn gọi là nạp y (衲衣), đó là những áo, vải …bị cháy, bị bò nhai, bị chuột nhấm, áo của người chết…Những áo, vải được vứt đi ở hẻm, nơi hoang dã cùng với phẩn và những vật ô uế, người tu sĩ đem về rửa sạch, cắt lấy những mảnh vải còn dùng được, chắp nối lại, may thành áo để mặc đó gọi là phẩn tảo y nghĩa là áo quét phẩn. Đây là một trong 12 điều mà các người tu khổ hành, các đầu đà phải làm. ( Phật Học Đại Từ Điển Đinh Phúc Bảo)

341/. Tam y (三衣, Phạm: trini civarani): Ba loại tăng y còn gọi là ca sa (Phạm: Kasaya): 1) Tăng già lê (僧伽梨, Phạm: Samghati) do 9 đến 25 mảnh vải chắp nối lại may thành. Đây là cái áo ngoại mặc cho những buổi đại lễ trang nghiêm. 2) Uất đa la tang (鬱多羅僧, Phạm: uttarasanga) do 7 mảnh vải chắp nối lại may thành. Áo trên dùng để mặc trong những buổi cúng lễ tụng kinh. 3) An đà hội (安陀会, Phạm:antarvas): do 5 mảnh vải chắp nối lại may thành, áo trong mặc khi đi ngủ hay làm lao động.

342/. Ngoại hộ thiện trí thức (外護善知識): Đó là một trong ba thiện trí thức. Ngoại hộ thiện tri thức là những người cung cấp ăn uống, quần áo cho ta an tâm tu hành. (Tam Tạng Pháp số)

343/. Đồng hành thiện trí thức (同行善知識): Đó là những người cùng chung tu học, cùng khuyến khích nhau tu tập tinh tiến.(Tam Tạng Pháp Số)

344/. Ngũ cái (五蓋): Tiếng Phạm: panca-nivaranani. Cái có nghĩa là che đậy. Ở đây có nghĩa là những phiền não làm che đậy cái chân tính của con người. Ngũ cái là:1)Tham dục cái,  2) Sân khuể cái, 3) Tùy miên cái (睡眠Phạm: middha): Tâm thân  mê muội, thân xác nặng nề mà chẳng sử dụng nổi, đến mức  che lấp tâm tính, 4)Trạo hối cái (掉悔, Phạm: aud dhatya-kaukrtya): Tâm xáo động do gọi là trạo, lo lắng phiền não về những việc đã làm đó gọi là hối, để đến mức che lấp mất tâm tính, 5) Nghi ngờ: Có ba loại nghi ngờ: a) Nghi sư: Nghi ngờ thầy mình, b) Nghi pháp: Không biết những điều nói trong kinh có thật hay không, c) Nghi minh: Mình nghiệp chướng nặng không biết có tu thành hay không. (Tự Điển Phật Học Hán Việt, Digital Buddhism Dictionary Charles Miller)

345/. Ngũ sự (五事): Ngũ sự có thể chỉ nhiều nhóm có năm điều trong đại Phật khác nhau. Ở bài này là 1) ăn uống, 2) ngủ nghỉ, 3) thân thể, 4) hơi thở,  5) điều hòa nhịp tim.

346/. Xảo tuệ (巧慧): đó là cái trí tuệ khôn khéo.

347/. Quán bất tư nghị cảnh (觀不思議境): Bất tư nghị, tiếng Phạm: acintya. Tư (思) ở đây là tư tương,  là suy nghĩ; Nghị (議) là nghị luân, là bàn cãi, là diễn tả. Bất tư nghị cảnh là cảnh giới cao đến nỗi không thể tưởng tượng ra được, không thể diễn tả ra được. Trong bài này là cảnh giới này là cảnh giới trung đạo của chư Phật và chư bồ tát. (Phật Giáo Hán Phạm Từ Điển, Phật Học Đại Từ Điển của Đinh Phúc Bảo)

348/. Ba ngàn tánh tướng (三千性相): Có 3 loại thế gian: Ngũ ấm thế gian (五陰世間), Chúng sinh thế gian (眾生世間) và Quốc thổ thế gian (國土世間).  Mỗi thế gian này có một ngàn tánh và một ngàn tướng, hợp lại gọi là ba ngàn tánh tướng (Phật Hoc Thường Thức Từ Vị)

349/. Trăm giới ngàn như (百界千如): Trăm giới (百界, bách giới). Thập giới là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, người, thiên nhân,Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật. Trong mỗi một giới lại có đủ 9 giới khác, như vậy 10×10=100, thành một trăm giới. Thập như (十如) hay thập như thị là: tướng, tánh, thể, lực, tác, nhân, duyên, quả, báo, bản mạt cứu cánh đẳng (本末究竟). Mỗi một giới đều có thập như, 100 giới có 1000 như. Vì vậy gọi là bách giới thiên như. (Phật Hoc Đại Từ Điển Đinh Phúc Bảo, Phật Học Đại Từ Điển)

350/. Xe này cao lớn quảng đại (其車高廣): Đây là thí dụ xe trâu trắng lớn của kinh Pháp Hoa.  Xe cao lớn quảng đại nay là tượng trưng cho Phật Thừa.

351/. Vô tác tứ hoằng thệ nguyện (無作四弘誓願): Vô tác, tiếng Phạm là akrta, akrtaka, có nghĩa là không do một nhân duyên nào tạo ra. Thiên Thai Trí Giả nói: “Nếu chúng sinh đã sẳn đồng với chứng ngộ thì không còn có điều gi khác để phải thủ đắc. Nếu chúng sinh đã sẳn đồng tánh Niết Bàn thì không có điều gì để phải đoạn diệt. Đây là trường hợp của nhất niệm, đây là trường hợp của tất cả niệm, và cũng như đối với tất cả pháp. Kinh Quán Bồ Tát Phổ Hiền cũng nói: “Đức Phật Đại Nhật thì cùng khắp”. Vì thế, phải biết rằng tất cả pháp là Phật pháp, bởi vì tất cả là cảnh giới của Như Lai”. (Trích “Nghiên cứu và phiên dịch đại phẩm thứ nhất Maha Chỉ Quán, Pháp môn viên đốn”. Nguyên tác: The Great Calming and Contemplation. Neal Donner & Daniel B. Stevenson  biên soạn – Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch. Nhà xuất bản Phương Đông TP. HCM 2009.)

Tứ hoằng thệ nguyện là: 1) Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, 2) Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, 3) Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, 4) Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.  Vô tác tứ hoằng thệ nguyện: Có nghĩa làm tứ hoằng nguyện này không có ý mong cầu được báo đáp lại một điều gì. (Phật giáo Hán Phạm Đại Từ Điển, Phật Học Thường Thức Từ Vị)

352/. Lập phan và dựng lọng báu (上張設幰蓋): Trên xe trâu trắng to lớn dựng phan và lọng báu, đoạn này có nghĩa là trên cái tâm quán về bất tư nghị cảnh nếu lại phát thêm chân chính bồ đề tâm, hành tứ vô tác hoằng nguyện, thượng cầu hạ hóa thì như gấm thêm hoa. Cái xe trâu trắng lớn lại được lập phan dựng lọng báu trên đỉnh xe.

353/. Như đặt một cái gối đỏ [ở trong xe ] (安置丹枕(車內枕)): Nếu hành giả khéo léo tu tập chỉ quán thì hành giả sẽ đi đến chỗ thường tịch đó là định, những cũng thường chiếu đó là tuệ. Có định tuệ thì hành giả như có cái gối đỏ trong xe, trên con đường tu hành có thể thong dong tiến tới, giúp người, giúp mình. Vậy cái gối tượng trưng cho sự nghỉ ngơi, thường tịch hay tịnh. Mầu đỏ tượng trưng cho ánh sáng quang minh tỏa ra, tượng trưng cho thường chiếu hay tuệ.

354/. Phá pháp biến (破法遍): Biến (遍) có nghĩa là tất cả, ở mọi nơi. Chữ pháp (法) ở đây là pháp chấp. Tất cả các hoặc đều do pháp chấp sinh ra. Tạng giáo và Thông giáo dùng Không quán để phá kiến hoặc và tư hoặc, nhưng chưa phá trừ được tất cả các hoặc. Biệt giáo dùng Không quán để phát trừ kiến hoặc và tư hoặc, dùng Giả quán phá được trần sa hoặc, sau dùng Trung quán phá được phần nào vô minh hoặc nhưng chưa phá trừ được hết. Viên giáo dùng nhất tâm tam quán để phá trừ các hoặc. Tâm Không thì tất cả các pháp là Không, tất cả các hoặc được phá hết.  Tâm Giả thì tất cả các pháp là Giả, tam đế ( chân đế, tục đế, trung đế) sẽ thành lập. Tâm Trung thì tất cả là Trung, không hoặc nào mà không phá trừ được. (Tam Tạng Pháp số, Phật Quang Điện Tử Đại Từ Điển)

355/. Tam quán để phá tam hoặc (三觀破三惑): Tam hoặc là kiến tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc. Tam quán là Không quán, Giả quán và Trung quán. Không quán phá trừ kiến tư hoặc, kiến tư hoặc là chấp trước, chấp trước được phá trừ trí tuệ sẽ xuất hiện, hành giả chứng được bát nhã đức. Giả quán phá trừ trần sa hoặc, trần sa hoặc là phân biệt tâm, phá được nó sẽ được tự tại, hành giả chứng được giải thoát đức. Trung quán phá trừ vô minh hoặc, phá trừ tất cả khởi tâm và động niệm, hành giả chứng được pháp thân, thấy được chân tánh, chân tướng.

356/. Chạy nhanh như gió (其疾如風): Xe trâu trắng lớn chạy nhanh như gió có nghĩa là sự tu tập sẽ tiến nhanh như xe trâu phóng chạy.

357/. Lục tế (六蔽): Tế (蔽) có nghĩa là che phủ, tiếng Phạm: sad vipaksa. Lục tế là: 1) khan tham (慳貪): Lòng tham ngăn cản sự phát sinh lòng bố thí , 2) Phá giới ngăn cản trì giới, 3) Sân khuể  ngăn cản sự phát sinh nhẫn nhục, 4) Liên niệm (憐念):  thương nhớ ngăn cản sự phát sinh tinh tiến, 5)Tán loạn ngăn cản sự phát sinh thiền định, 6) ngu si ngăn cản sự phát sinh trí tuệ. (Phật Học Đại Từ Điển).

358/. Diệt nhân duyên trí (滅因緣智): Diệt nhân duyên tiếng Phạm là vinasa-karana.  Khổ đế và tập đế cho ta thấy cái khổ và cái nguyên nhân gây ra cái khổ. Để đối trị với cái khổ và nguyên nhân gây khổ, ta phải tu đạo đế và diệt đế, tu 37 đạo phẩm, đoạn trừ phiền não, để chứng diệt đế Niết bàn. Đối với những bậc duyên giác có lợi căn cao hơn thì tu theo hoàn diệt môn (還滅門) của thập nhị nhân duyên, diệt trừ vô minh, vì vô minh là căn nguyên của sinh tử, vô minh bị diệt trừ là hành diệt, hành diệt là thức diệt, sinh diệt là lão tử u buồn khổ não đều bị diệt. Cần có trí tuệ mới có thể tu tập thập nhị nhân duyên hoàn diệt môn, cái trí tuệ đó gọi là “diệt nhân duyên trí”.

Thập nhị pháp môn có hai môn: 1) Lưu chuyển môn (流轉門) là con người cứ tạo nghiệp và chịu  luân hồi trong vòng sinh tử. 2) Hoàn diệt môn (還滅門) là những vị duyên giác tu tập để ngưng tạo nghiệp, chứng Niết bàn. (Phật giáo Hán Phạm đại từ điển, Phật Học Thường Kiến Từ Vị)

359/. Đặt một cái gối đỏ [ở ngoài xe] (安置丹枕(車外枕)): Cái gối đỏ ở ngoài xe thường là một cục gỗ dùng để chấn vào sau bánh xe khi xe ngưng ở một chỗ để cho xe khỏi  tự di chuyển. Biết tiến biết thoái cũng như cục gỗ chấn ở bánh xe để kiểm soát sự tiến thoái về đường hướng tu học của mình.

360/. Vô tác đạo phẩm (無作道品): Theo Đại Trí Độ Luận: Vô nguyện nên không tạo ra các nghiệp sinh tử, cũng gọi là vô tác (Đại Trí Độ Luận: Vô nguyện cố bất tạo sinh tử chi nghiệp, dịch danh vô tác《智度論》云:無願故不造生死之業,亦名無作). Vô nguyện có nghĩa vô cầu, nếu vô cầu thì lòng người sẽ thanh tịnh. Trong bài này nếu người tu chỉ quán mà chưa đủ để thành tựu thì phải tu thêm 37 đạo phẩm để giúp đỡ thêm, khi tu thêm 37 đạo phẩm thì phải giữ trong cái tinh thần vô tác. 37 đạo phẩm là: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lục, thất bồ đề phân, bát thánh đạo phân.

361/. Các phép tu sự trợ (事助): Nếu tu những chánh tu là tam chỉ tam quán, nhất tâm tam quán vẫn chưa đối trị được những phiền não, vẫn chưa khai ngộ được cái Viên giáo diệu lý, thì lúc đó phải tu tập thêm các sự trợ. Sự trợ như ngũ đình tâm, lục độ…thí dụ như người có nhiều lòng tham thì phải tu về bố thí …Trong kinh Pháp Hoa nói là ngoài xe trâu trắng lớn còn nhiều tùy tùng đi theo. Những tùy tùng này là nói đến các sự trợ.

362/. Diệt trừ pháp ái (離法愛): Khi tu tập các thắng pháp thì không nên khư khư ôm giữ nó khiến sinh ra  pháp chấp. Qua sông ta cần cái bè, sau khi qua sông rồi thì nên bỏ bè đi tiếp.

363/. Những kinh sách lớn của giáo phái Thiên Thai (台教廣本): Đó là những cuốn Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú, Ma Ha Chỉ Quán, Tịnh Danh Huyền Nghĩa, Tứ giáo nghĩa, Quan Âm Huyền Nghĩa của Trí Khải đại sư.

364/. Tịnh Danh Huyền Nghĩa (淨名玄義): Mùa xuân năm Khai Hoàng năm thứ 15 (năm 595), đời nhà Tùy. Tấn Vương Dương Quảng ( 晉王楊廣), lúc đó là tổng quản Dương Châu, mời Trí Khải đại sư đến giảng kinh Duy Ma Cật, ngài viết  bài giảng  đó thành Duy Ma Cật Kinh Huyền Nghĩa (維摩經玄義), quyển này còn gọi là Tịnh Danh Huyền Nghĩa (淨名玄義 ) gồm 4 quyển.

365/. Quyển hạ: Tứ Giáo Nghi một bộ gồm 2 quyển do Đế Quán (谛观) đại sư soạn. Đại Sư viết hai cuốn này là trong 10 năm lưu lại tại Loa Khê tu tập. Ngài mất vào năm 971, người ta dọn phòng ngài, thấy cái hòm nhỏ đựng sách của ngài phát ra hào quang và tìm thấy hai cuốn sách do ngài soạn đó là cuốn Tứ Giáo Nghi quyển thượng và quyển hạ. Cho đến đời nhà Tống  khi  Trí Viên đại sư (975-1022) cho khắc in cuốn Tứ Giáo Nghi thì vẫn còn đủ hai cuốn, Trí Viên đại sư chỉ cho khắc in cuốn thượng vì ngài cho rằng cuốn thượng dễ hiểu và thực dụng cho người học đạo. Còn cuốn hạ ngài nói là khoan khắc in vì bài dài bàn về sự phán giáo của các tông phái ở Nam Bắc Triều (năm 420-581) nên dài và khó hiểu, không thực dụng cho người mới học đạo. Nay thì chỉ còn cuốn thượng, cuốn hạ thất truyền. Đến đời nhà Minh, đời Vạn Lịch năm thứ chin (năm 1581) mùa đồng, Cư sĩ Phùng Mộng Trinh lại khắc in lại tại Tịnh Nghiệp Đường. Bản trong Đại Tạng Kinh của Đại Chánh Tân Tu là bản in lại của cuốn của cư sĩ Phùng Mộng Trinh.

Đồ biểu:

Đồ biểu 2 và 18: do dịch giả tổng hợp những đồ biểu trên mạng viết thành.

Đồ biểu 1:  Dịch từ đồ biểu chữ Hán. Lấy từ sách “Giáo Quán Cương Tông” (教觀綱宗 ) của Ngẫu Ích (蕅益) đại sư.

Đồ biểu 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10: Dịch và sửa đổi chút ít từ đồ biểu Hán văn. Lấy từ bài giảng Tứ Giáo Nghi của H.T. Hội Tánh (會性) và bài soạn viết của H.T. Tánh Văn (性文).

Đồ biểu 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17: Dịch và sửa đổi chút ít từ đồ biểu Hán văn. Lấy từ sách Thiên Thai Tông Viên Giáo Công Hạnh Vị Thứ Triết Luận (天台宗圓教功行位次折論) của tác giả Lương Quốc Siêu (梁國超)

Đồ biểu 19: Dịch và dựa vào Tứ Giáo Nghi bổ túc thêm.  Lấy từ đồ biểu Hán văn của H.T. Tịnh Không (净空).