THIÊN THAI
TỨ GIÁO NGHI
Sa Môn Đế Quán biên soạn
Bác sĩ Trần Văn Nghĩa
Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
Phiên dịch và Tường chú

2)  LỜI TỰA TỨ GIÁO NGHI CỦA H.T. TRÍ GIÁC

Đời nhà Tống, tăng sử soạn giả, tăng thống (5) Tán Ninh (6), hiệu là  Thông Huê viết rằng: Ở cuối đời nhà Đường, Ngô Việt Vương (7) Tiền Trung Ý (8) sau khi lo việc nước, có thì giờ nhàn rỗi thích nghiên cứu  Phật học.  Vương gia đọc Vĩnh Gia Tập (9) đến câu “Đồng trừ tứ trụ thử xứ vi tề, nhược phục vô minh Tam Tạng tức liệt”. Ngài không hiểu bèn thỉnh vấn quốc sư (10) Tuyết Cư (11) Đức Thiều (12).  Ngài Đức Thiều thưa rằng:   Nghĩa Tịch (13) pháp sư tại Thiên Thai Quốc Thanh Tự giỏi về diễn giảng giáo pháp này, ngài nhất định hiểu câu này. Vương gia bèn sai người đi mời Nghĩa Tịch pháp sư đên. Nghĩa Tịch pháp sứ thưa rằng:  Câu này là lấy từ cuốn Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa của Trí Khải đại sư. Cuốn này sau cuộc binh biến của An Lộc Sơn và Sử Tư Minh (14) và gần đây cuộc hủy diệt Phật giáo của năm Hội Xương (15) cuối đời nhà Đường đã mất hết rồi. Nay ở phía Đông Hải nước Cao Ly còn có bộ sách này vì nước này đang thịnh hành Thiên Thai Tông. Vương gia nghe xong thở dài. Vương gia bèn viết một quốc thư, sắm lễ vật và sai sứ gia qua nước Cao Ly để thỉnh xin một bản sao của các kinh sách. Vua Cao Ly bèn sai nhà sư Đế Quán (16) mang bản sao của các kinh sách của Thiên Thai Tông đem trở lại Trung Quốc. Ngài Đế Qnán cũng ở lại Trung Quốc theo Nhất Tịch đại sư tu học tại Loa Khê. Nhờ vậy mà giáo phái Thiên Thai Tông lại được chấn hưng.

Ngài Đế Quán tận học các bộ sách lớn của Trí Khải đại sư và soạn ra cuốn Tứ Giáo Nghi, cuốn này gồm hai cuốn: Quyển thượng và quyển hạ. Cuốn thượng nói về định nghĩa phán giáo của các môn phái. Cuốn hạ nói về những đường hướng khác biệt của các đại sư trong thời Nam Bắc Triều (năm 386 – 589).

Sau đến đời nhà Tống, tại Cô Sơn có ngài Trí Viên (17),  ngài cho tái bản quyển thượng vì ngài thấy cuốn này lời văn giản dị dễ hiểu, nó giúp cho học giả hiểu được những đại cương về tứ giáo, thật là một lợi ích lớn. Quyển hạ thì bàn về sự khác biệt về các môn phái của các đại sư ở đời Nam Bắc Triều.  Sự bàn cãi dài dòng tạm khoan cho khắc chư, tái bản và ấn hành. Từ đoạn văn cuối này chúng ta có thể thấy được đại khái cuổn hạ là nói về các môn phái diên giải về giáo lý của mình ở thời Nam Bắc Triều.

Vương gia xây một tu viên cạnh Loa Khê cho ngài Nghĩa Tịch, gọi tu viện là Tịnh Tuê Viện, và phong ngài là Tịnh Quang đại sư, truy phong chín vị tổ trước đây của Thiên Thai Tông và trao cho ngài tất cả những kinh điển thỉnh từ nước Cao Ly về. Thiên Thai Tông từ đó lại được trung hưng.

Ngài Đức Thiều và ngài Trí Khải cùng họ, như vậy có họ hàng xa với nhau, hai thầy đều là người ở vùng Phật Long (18), người ta nghi rằng ngài Đức Thiều là ngài Trí Khải tái sinh chăng?.

Đời nhà Minh, Thảo Am (19), Đạo Nhân pháp sư trong cuốn Giáo Uyển Di Sự viết rằng: Ngày xưa ngài Trí Khải làm hồ phóng sinh ở gần biển,  khi ngài phóng sinh các loại cá, ngài đều làm phép tam quy và thuyết pháp  cho các cá  trước khi thả ra biển. Ngài Trí Khải nhập diệt, đến cuối đời nhà Đường thì giáo phái Thiên Thai Tông đi vào thời sa sút. Trong khi đó ở phía Đông Hải các nước như Cao Ly, Tân La, (20) … thì giáo phái này đang thịnh hành. Đại sư Phù Tông, Kế Trung (21) nói rằng: Ngài Trí Khài có duyên ở vùng Đông Hải vì vậy giáo phái của ngài phát triển mạnh ở vùng này. Phải chăng đó là những cá ngài phóng sinh, được nghe ngài thuyết pháp nay đầu thai làm người thuyêt giảng lại giáo lý của ngài. Có nhiều người cho rằng chuyện này là hoang đường. Nhưng kinh có kể chuyên Lưu Thủy trưởng giả (22) được mười ngàn thiên tử đến tạ ơn vì ngài đã cứu các cá trong ao khô. Nếu đem so sánh hai câu chuyện này thì có khác gì đâu.

Nhà Minh, đời Vạn Lịch năm thứ chin (năm 1581) mùa đồng, sa môn Trí Giác (23) khảm định khắc in tại Tịnh Nghiệp Đường.

 

3) LỜI TỰA KHẮC IN THIÊN THAI TỨ GIÁO NGHI

CƯ SĨ PHÙNG MỘNG TRINH

Năm ngoái  Tịnh Nghiệp Đường và vườn vừa xây xòng, tôi ở đó dưỡng bệnh. Cùng ba bốn vị tu sĩ bế quan (24) kết hạ (25). Ngày ba lần đọc  kinh lễ Phật để cầu sau này được vãng sinh Tây phương,  Ăn xong đốt hương đọc các kinh điển, trong tiếng chuông tiếng mõ, dưới bầu trời đầy mây trắng lơ lửng, chim bay đến thật thân thiện, cỏ non mọc che cả lối đi,  ta bỗng quên cả những tham vong trong lòng, tâm hồn thanh thản của thánh hiền bèn xuất hiện. Đang lúc đó thầy Chân Giác vừa từ Võ Lâm (26) đến. Thầy  bàn với ta về Phật học của  Thiên Thai Tông. Thầy ở lại nhiều  ngày  phân tích những  điểm chính về các quan niêm của giáo phái này. Ta như đã ngộ được  Phật pháp của tông phái này, bèn chắp tay trước Phật nguyện đời đời kiếp kiếp hoành dương Thiên Thai Tông và Tịnh Thổ Phật Quốc. Các tăng lữ cùng dự buổi học cũng phát nguyện sẽ mãi làm bạn giúp ta trên đường tìm đạo.

Nguồn gốc của Thiên Thai tông có ghi trong quyển Phật Tổ Thống Ky của thầy Tứ Minh Trí Bàn (27) công  soạn viết. Còn cuốn Tứ Giáo Nghi thì do người Cao Ly, sa môn Đế Quán soạn lục từ cuốn Pháp Hoa Huyền Nghĩa.  Cuốn sách này gồm hai cuốn,  cuốn thượng  giảng về các định nghĩa  về phân chia các  giáo phái trong đạo Phật. Cuốn hạ nói về các đường hướng khác nhau của các tông sư của đời Nam Bắc Triều.  Nay chỉ còn lại cuốn thượng mà thôi. Trong sách này nói rõ về các định nghia then chốt về sự phân chia các giáo phái, giáo môn. Nếu học giả hiểu được những đại cương này thì đã học được qua nừa hoc thuyết này rồi. Người Nam Thiên Trúc, sa môn Mông Nhuận (28) có viết cuốn Tạp Chú gồm ba cuổn [về cuốn Tứ Giáo Nghi ] cũng khảo  cứu về học thuyết này rất hay, sách này gần đây được  tái bản tại Ngô Trung.

Nhập quan hai tháng nay vừa xuất quan đã trở lại những thói xấu cũ, không thể giữ những tịnh giới, uống rượu, ăn thịt, gần với thê thiếp như ngày xưa.

Có một người từ nhỏ lưu lạc tha hương, một hôm có người cho ông biết rằng quê ông ở nơi nọ, cha ông dòng họ, mồ mả tổ tông, nhà cửa ruộng vườn ở quê ông… như thế nào. Nhưng người này nghe xong ở lại không lên đường về thăm quê quán mình, phải chăng người này muốn làm người tha hương đất khách mãi chăng?  Mùa xuân này ta cũng bỏ chuyến đi về quê Thanh Sơn thăm nhà đã nhiều ngày rồi. Vì muốn lây tiền chuyến đi Thanh Sơn để khắc in cuốn Tứ Giáo Nghi và những bài liên quan để ấn hành, để chia sẻ với quý vị có cùng chi hướng, để mãn nguyện người cất giữ cuốn sách quý này, để những giáo lý của tông phái này lại sáng chói  như mặt trời giữa trưa, mãi lưu lại cùng núi song. Làm như vậy dù ta không về quê,  ở lại tha hương cùng có thể sám hối chuộc tôi một phần nào chăng?  Thôi hay làm như vậy!  Thôi hay làm như vậy!

Xuân Nhâm Ngọ (năm 1582), ngày Phật  hoan hỷ (29),  người cư sĩ  bệnh Phùng Mộng Trinh (30)  soạn viết.