Cân Bằng Tịch Tĩnh và Tuệ Giác
(Định – Tuệ)
Nguyên bản: Balance Calm and Insight
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
Trau dồi thiền ổn định mà thôi
Sẽ không tiêu trừ sự phân biệt tồn tại cố hữu
Những cảm xúc phiền não có thể trở lại,
Làm nên tất cả những loại quấy rầy.
– ĐỨC PHẬT –
Tịch tĩnh bất động hay định lực có thể đè nén những cảm xúc chướng ngại ẩn tàng, nhưng nó không thể loại trừ hoàn toàn chúng. Tuệ giác nội quán là cần thiết bởi vì như được giải thích trước đây, nó có thể loại trừ hoàn toàn những cảm xúc phiền phức và những rối rắm hậu quả của chúng. Thiền ổn định (chỉ) và thiền phân tích (quán) bây giờ phải làm việc với nhau. Khi chúng thể hiện chức năng cách này, chúng có thể nhổ gốc những cảm xúc phiền phức và loại trừ những giới hạn của thông tuệ vì thế chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu tối hậu của việc giúp đở những kẻ khác một cách hiệu quả hơn.
Sự trong sáng và ổn định của tịch tĩnh bất động mở ra đường hướng cho phân tích để cung ứng một tuệ giác chân thật đầy năng lực vào trong tính không của sự tồn tại cố hữu (tự tính không). Với nhận thức trực tiếp về tính không của những hiện tượng ấy – chính chúng ta, người khác, và mọi sự vật – đưa chúng ta vào trong những cảm xúc tàn phá, các rắc rối có thể chiến thắng tại gốc rể của chúng.
Để phối hợp tịch tĩnh bất biến và tuệ giác đặc biệt (định tuệ song hành), chúng ta cần luân phiên thiền tập trung (chỉ) với thiền phân tích (quán) và đưa cả hai thứ đến sự hòa hiệp. Quá nhiều phân tích sẽ thúc đẩy trạo cử xao động, làm tâm thức không ổn định một cách nhẹ nhàng, nhưng quá nhiều ổn định sẽ làm cho chúng ta không muốn phân tích. Như hiền nhân Tây Tạng Tông Khách Ba nói:
Nếu chúng ta chỉ đơn thuần diễn tập thiền phân tích, tịch tĩnh bất biến phát sinh trước đây sẽ suy giảm. Do thế, đã leo lên con ngựa tịch tĩnh bất biến, chúng ta phải duy trì với phân tích và sau đó luân phiên điều này với thiền ổn định một cách định kỳ.
LIÊN HỢP TỊCH TĨNH BẤT BIẾN VÀ TUỆ GIÁC ĐẶC BIỆT
(Định Tuệ Hiệp Nhất)
Trước tiên, tịch tĩnh bất biến và phân tích như hai đầu của một cái cân, cái này trở nên hơi sáng suốt hơn khi cái kia trở nên rõ ràng. Nhưng bây giờ, khi chúng ta đã luân phiên thiện nghệ giữa thiền ổn định và phân tích (chỉ và quán), năng lực của chính phân tích làm cho tinh thần và thân thể uyển chuyển rộng sâu hơn trước đây, khi tịch tĩnh bất biến được đạt đến qua thiền ổn định. Khi tịch tĩnh bất biến và tuệ giác hoạt động trong cách này, đồng thời với năng lưc tương ứng, nó được gọi là “sự hợp nhất của tịch tĩnh bất biến và tuệ giác đặc biệt” (định tuệ bất nhị). Nó cũng được gọi là “tuệ trí phát sinh từ thiền tập”, như một sự tương phản với tuệ trí sinh khởi từ nghe, đọc, học, hay suy nghĩ.
Trước đây, trong khi đọc và suy nghĩ về tính không, ý thức của chúng ta hướng tới tính không như một đối tượng vận dụng trí óc của điều tra, vì thế tâm thức chúng ta và tính không tách rời và phân biệt. Nhưng bây giờ chúng ta đã có kinh nghiệm về việc thẩm thấu tính không mà không có cảm giác rằng chủ thể và đối tượng là xa cách với nhau. Chúng ta đang tiếp cận một thể trạng mà trong ấy tuệ giác và tính không giống như nước để vào trong nước.
Dần dần, cảm giác vi tế duy trì của chủ thể và đối tượng tan biến, với chủ thể và đối tượng hoàn toàn hiệp nhất vào trong vô thức hay vô phân biệt. Như Đức Phật nói, “Khi ngọn lửa của sự hiểu biết về thực tại giống như nó phát sinh từ sự tự phân tích đúng đắn, gỗ của khái niệm được đốt cháy, giống như lửa của gỗ cọ xát với nhau.”
THIỀN QUÁN PHẢN CHIẾU
Đối với người mới bắt đầu, thật hữu ích để học hỏi việc lên kế hoạch này cho tiến trình tâm linh, bởi vì nó sẽ duy trì một ảnh hưởng đầy năng lực trên sự phát triển của chúng ta. Trong thời gian thực tập, chúng ta có thể luân phiên một ít thiền ổn định (chỉ) với một chút thiền phân tích (quán) nhằm để cho cả hai trải qua tiến trình và để làm mạnh sự thiền tập hiện tại.
1- Đầu tiên tập trung tâm thức chúng ta trên một đối tượng, thí dụ như một hình tượng của Đức Phật hay hơi thở.
2- Sử dụng thiền phân tích như được diễn tả trong bốn bước thiền quán về bản chất của “cái tôi”. Quán chiếu sự không thể hợp lý của việc quả quyết rằng tự ngã và thân/tâm hoặc là giống nhau hay khác biệt:
TÍNH ĐỒNG NHẤT
* “Cái tôi” và thân/tâm phải là hoàn toàn và trong mọi cách là một.
* Trong trường hợp ấy, thừa nhận một “cái tôi” sẽ là vô nghĩa.
* Sẽ là không thể để nghĩ về “thân thể tôi” hay “cái đầu tôi” hay “tâm thức tôi”.
* Khi tâm thức và thân thể không còn tồn tại nữa, tự ngã cũng sẽ không tồn tại nữa.
* Vì thân thể và tâm thức là số nhiều, những cái ngã của một người cũng là số nhiều.
* Vì “cái tôi” chỉ là một, tâm thức và thân thể cũng là một.
* Giống như thân thể và tâm thức được sản sinh và tan rả, vì thể phải thừa nhận rằng “cái tôi” cũng được sản sinh một cách cố hữu và tan rả một cách cố hữu. Trong trường hợp này, không phải các ảnh hưởng thỏa lòng của các hành vi đạo đức cũng không phải các tác động đau đớn của các hành động không đạo đức sẽ chịu kết quả cho chúng ta, hay chúng ta sẽ trải nghiệm những ảnh hưởng của những hành vi mà chính chúng ta đã chẳng từng làm.
TÍNH KHÁC BIỆT
* “Cái tôi” và thân/tâm sẽ phải là riêng biệt hoàn toàn.
* Trong trường hợp ấy, “cái tôi” phải tìm ra được sau khi tẩy trừ sạch tâm thức và thân thể.
* “Cái tôi” sẽ phải có những đặc trưng của sản sinh, bất động, và tan rả, là những thứ không hợp lý.
* “Cái tôi” một cách ngớ ngẩn phải chỉ là một thứ ảo ảnh của tưởng tượng hay thường còn.
* Một cách không hợp lý, “cái tôi” sẽ phải có những đặc trưng thân thể hay tinh thần.
3- Khi chúng ta phát triển một ít tuệ giác, trụ với tuệ giác ấy trong thiền ổn định (chỉ), thưởng thức tác động của nó.
4- Rồi thì, khi cảm giác giảm bớt một ít, hãy trở lại thiền phân tích (quán) để khôi phục cảm giác và phát triển tuệ giác hơn nữa.
Luân phiên giữa việc tập trung trên một chủ đề và phân tích trực tiếp về nó sẽ đẩy mạnh kinh nghiệm sâu sắc hơn.
***
Trích từ quyển How to See Yourself as You Really Are của Đức Đạt Lai Lạt Ma