Bồ-Tát Hay Khóc
Sakya Minh-Quang
Bồ-tát Hay Khóc, còn gọi là Thường Đề Bồ-tát (常啼菩薩) theo tiếng Hán hay Sadā-prarudita theo tiếng Phạn, được nói đến nhiều nơi trong kinh luận Đại Thừa. Ví dụ, Luân Đại Trí Độ nói: Bồ-tát có hiệu là “Hay Khóc” vì Bồ-tát này thuở nhỏ hay khóc, hoặc có chỗ bảo vì thực hành tâm đại bi mềm mại, thấy chúng sinh chịu khổ bởi nghèo cùng, già bệnh nên Ngài thương xót rơi lệ; có chỗ lại bảo vị Bồ-tát này sinh ra trong đời không có Phật, vì cầu Phật đạo nên ở trong chỗ rừng sâu vắng vẻ buồn khóc suốt bảy ngày bảy đêm. Lại nữa, phẩm Thường Đề Bồ-tát và phẩm Pháp Dũng Bồ-tát trong Kinh Đại Bát-nhã ghi Bồ-tát Hay Khóc vì cầu pháp Bát-nhã Ba-la-mật thâm sâu mà không tiếc thân mạng, xả thân cúng dường.
Thực ra, có biết bao vị Bồ-tát Hay Khóc đang ở xung quanh chúng ta bởi “chúng sinh cang cường khó độ” (Kinh Địa Tạng), hay vì thế sự điên đảo:
Sự đời nước đục bụi trong
Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu!
(Truyện Kiều-Nguyễn Du)
Nước tính vốn trong mà người cho là đục, còn bụi bặm vẩn đục mà người lại lấy đó làm trong! Cũng vậy, tình đời đen bạc, thiện ác đảo điên, có người chọn cách “mũ ni che tay”, ẩn nơi rừng thẳm non cao:
Sự đời thấy vậy thời hay vậy.
Thà ẩn non cao chẳng biết nghe.
(Huỳnh Mẫn Đạt)
Nhưng Bồ-tát không như vậy. Dù biết rằng: “Tu trên núi bị muỗi cắn; tu thành thị bị người cắn,” Bồ-tát vẫn:
Đời ngũ trược con thề vào trước
Còn một chúng sinh chưa thành Phật
Quyết không tâm niệm nhập niết-bàn!
(Kinh Thủ Lăng Nghiêm)
Phát tâm Bồ-đề, mang hành trang là lý tưởng Bồ-tát đạo vào đời làm sứ giả của Như Lai, người con Phật chân chính phải chấp nhận cái đau của đời: cái đau của hiểu lầm, lạnh nhạt, phỉ báng và bội bạc vô ơn… Nhiều khi nước mắt Bồ-tát sơ phát tâm đã chảy thầm vì đời vì Đạo! Mỗi lần đau là mỗi lần phản tỉnh; một lần phản tỉnh là mỗi lần buông xuống. Buông xuống để có thể nhẹ nhàng, thong dong tiếp tục con đường! Gánh lên đã khó, buông xuống lại càng khó hơn! Chỉ bậc Đại nhân sức mạnh mới có thể buông xuống hoàn toàn.
Thực ra, có buông xuống được chúng ta mới có thể gánh vác được; mới có thể “gánh Đạo vì Đời” để đi trọn con đường Bồ-tát dài xa và nhiều hiểm nạn. Cũng như Kinh Pháp Hoa nói Pháp sư muốn hoằng dương Kinh Pháp Hoa phải vào nhà Như Lai là từ bi, mặc y Như Lai là nhẫn nhục, và ngồi tòa Như Lai là an trú nơi Bát-nhã tuệ thấy tất cả các pháp là không! Thực ra, có Bát-nhã tuệ thấy tất cả các pháp là không, tức buông xuống, thì mới có thể thành tựu từ bi và nhẫn nhục cứu cánh, để có thể đi trọn con đường “Gánh Đạo vì Đời”!
Đắm lợi tham danh thế gian cuồng
Chỉ người sức mạnh có thể buông
Biết buông, mới biết làm sao gánh
Gánh Đạo vì Đời… nước mắt tuôn!
Gánh Đạo vì Đời nước mắt tuôn
Nhắc mình luôn nhớ một chữ buông!
Càng buông sức gánh càng thêm lớn
Đi trọn con đường Đạo chẳng buông!
“Gánh Đạo vì Đời” là lý tưởng Bồ-tát. Như Bồ-tát Quán Âm nghìn mắt nghìn tay, “trong cõi đời cười ra nước mắt” này, mỗi người chúng ta hãy là đôi mắt của Quán Âm, đôi tay của Bồ-tát, để cùng nhau trở thành “thiên thủ thiên nhãn”, hộ trì Chánh Pháp, lợi ích chúng sinh.
Khải khúc vô sinh: cần kẻ hiểu
Ca câu chánh kiến: ít người yêu
Mong sao cùng với người tri kỷ
Vì Pháp quên mình buổi liêu xiêu!
Đường xa gánh nặng ai là người tri âm tri kỷ để cùng chia sẻ đây?