Biện định sai ngoa trong lời tựa tác phẩm Bách Trượng Thanh Quy

Xét ra, Bách Trượng thiền sư sanh vào năm thứ chín (720) đời Đường Huyền Tông, thọ chín mươi lăm tuổi, đến tháng Giêng năm Nguyên Hòa thứ chín (814) đời Đường Hiến Tông bèn quy tịch. Chương đầu tiên trong bộ Thanh Quy do Ngài biên soạn chính là phần Chúc Ly, chương kế tiếp là Báo Ân, chương tiếp theo đó là Báo Bổn[1]. Đây những thứ Phật sự hết sức quan trọng, trang nghiêm, nếu không có Phật điện thì nên cử hành ở nơi đâu?

Từ sau khi ngài Bách Trượng viên tịch, hơn hai trăm năm, đến năm Cảnh Đức nguyên niên (1004) đời Tống Chân Tông, Dương Ức[2] viết lời tựa cho bộ Thanh Quy, đối với quy định: “Bất lập Phật điện, duy thụ pháp đường” (Chẳng lập Phật điện, chỉ dựng pháp đường) liền cho rằng câu này rất hợp với lời Phật và Tổ đích thân dặn dò, đương thời đều tôn trọng ý kiến ấy. Trộm ngờ [câu ấy phải là]: “Tiền lập Phật điện, hậu thụ pháp đường” (Lập Phật điện trước rồi mới dụng pháp đường) thì mới phù hợp với ý Phật, Tổ đích thân dặn dò; nhưng gần một ngàn năm qua, không ai sửa cho đúng! Nay Hoằng Trữ thiền sư cũng dựa theo đó để luận đoán, khôn ngăn đau lòng buốt óc!

Chùa Thiền không có Phật điện thì sẽ hoàn toàn chẳng có tượng Phật ư? Hay là thờ Phật trong căn nhà nhỏ ở bên cạnh [pháp đường]? Vâng thánh chỉ chúc ly ở gian nhà phụ nhỏ nhoi thì chẳng những khinh Phật mà còn khinh vua cũng lớn lắm thay! Do chuyện này biết chữ Bất, chữ Duy ở đây chính là chữ Tiền và chữ Hậu bị chép sai. Bản Thanh Quy Chứng Nghĩa được khắc ở Dương Châu đã được sửa đổi cho đúng.

Nay tôi tỵ nạn sang Linh Nham, thấy họ sao lục bản của Trữ Công để soạn bài ký xây dựng điện Bảo Vương, rất sợ sẽ đem sai ngoa truyền sai ngoa khiến cho ngài Bách Trượng là vị thầy gương mẫu của trời lẫn người rốt cuộc bị vu báng có hành vi của tà ma, ngoại đạo. Do vậy, biện luận đại lược để mong những bậc thông sáng trong mai sau ai nấy tôn Phật kính Tổ, duy trì pháp đạo không suy sụp vậy. Hiểu cho tôi hay trách tội tôi, tôi đều chẳng màng!

***

[1] Chúc Ly là những nghi lễ nhằm chúc phước cho vương triều, bao gồm cầu đảo, chú nguyện cho vương triều được bền vững, vua khỏe mạnh, phước thọ, hoàng tộc được bình yên, tăng phước tăng thọ v.v…

Báo Ân là báo đáp đức ân của vương triều đất nước bảo hộ Phật pháp lẫn nhân dân. Tăng chúng thường cử hành lễ Báo Ân trong những dịp Quốc Kỵ (ngày giỗ của tiên vương), cầu mưa, cầu tạnh, hay trong những dịp có tai ương xuất hiện như sâu rầy, hạn hán v.v…

Báo Bổn là báo đáp ân đức trong Phật môn, như những ngày lễ Phật Đản, Thành Đạo, khánh chúc vía các vị Phật, Bồ Tát, Tổ Sư v.v…

Ngoài ra, vào mỗi dịp Sóc Vọng, ba hình thức báo đáp này được gộp chung thành một nghi lễ nhỏ gọi là Thù Ân Chúc Tán, tức là tăng chúng lạy tạ chư Phật, tôn pháp, thánh tăng, chư Tổ Sư, đại thiện tri thức, các vị thầy tổ truyền giới, truyền pháp, ân quốc vương, sư trưởng, đàn-na tín thí ủng hộ cúng dường cho Tăng chúng yên thân tu đạo.

[2] Dương Ức (974-1020), người xứ Bồ Thành (nay thuộc huyện Kiến Ngõa, tỉnh Phước Kiến), tự là Đại Niên. Nổi danh văn chương từ thuở thiếu thời. Tống Thái Tông đặc cách cho đi thi Đình, đọc bài viết của họ Dương phải khen ông ta là thần đồng. Ông làm quan tới chức Thị Lang và Tu Soạn. Bẩm tánh thanh liêm, chẳng e sợ quyền thế. Thoạt đầu không tin Phật, sau do được học sĩ Lý Duy khuyên dạy liền nghiên cứu Thiền học, sanh lòng tin sâu xa. Tham học với thiền sư Quảng Huệ ở Nhữ Châu, đắc pháp, liền dốc sức hộ trì pháp môn, được coi như lãnh tụ của những sĩ phu học Phật thời ấy. Ông từng vâng chiếu biên soạn bộ Đại Tạng Mục Lục, giảo chánh, ấn hành bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, cũng như tham dự đạo tràng dịch kinh.