Bi ký về việc chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai thành lập ao phóng sanh

(năm Dân Quốc 23 – 1934)

Đức Đại Giác Thế Tôn… (cho đến) coi thường bỏ qua (phần này giống hệt như trong bài bi ký ở trên nên lược đi). Chùa Quốc Thanh là ngôi chùa hàng đầu của núi Thiên Thai. Hòa Thượng Khả Hưng cực lực khôi phục, lại thỉnh pháp sư Tĩnh Quyền phụ trợ, muốn mở rộng lòng từ bi của Phật, Tổ để khơi gợi thiện niệm cho người đời, do đó bèn lập ao phóng sanh nơi vườn rau phía Tây của Tam Môn. Dòng Khê Thủy từ Tây Sơn đổ vào nơi đó, nước chảy vào chảy ra cuồn cuộn, là chỗ thích hợp nhất để nuôi cá. Mùa Thu, mùa Hạ, nhằm buổi trời trong, đêm trăng, tiết Xuân, tiết Đông thì sau giờ Ngọ, trước lúc xế chiều, đại chúng đến đây niệm Phật hiệu vang vang, nhiễu quanh ao ba vòng hồi hướng Tịnh Độ để những loài thủy tộc ấy đều gieo thiện căn xuất thế cũng như khiến cho đại chúng đều phỏng theo bi nguyện của Phật, của Tổ. Do muốn tỏ rõ ý nghĩa “do phóng sanh mà đạt được lợi ích”, [chùa Quốc Thanh] sai Quang viết bài ký để thưa cùng bậc sáng suốt mai sau.

Trộm nghĩ: Phóng sanh vốn là để đề xướng kiêng giết, ăn chay. Nếu con người suốt đời ăn chay sẽ trở thành không phóng sanh mà phóng sanh lớn lao vậy. Nay tôi chép lại bài thơ răn đừng ăn thịt của cư sĩ Hoàng Sơn Cốc[1] đời Tống để mong mọi người lúc ăn thịt hãy suy nghĩ đôi ba phen, ắt chẳng nỡ ăn và tâm chẳng dám ăn nữa sẽ bừng bừng dấy lên. Bài thơ ấy như sau:

Ngã nhục, chúng sanh nhục,
Danh thù, thể bất thù,
Bổn thị nhất chủng tánh,
Chỉ vi biệt hình khu,
Khổ não tùng tha thụ,
Phì cam vi ngã nhu,
Mạc giao Diêm Quân đoán,
Tự sủy ứng hà như?
(Thịt ta, thịt chúng sanh,
Danh khác, thể vốn đồng,
Vốn cùng một chủng tánh,
Chỉ hình hài khác nhau!
Khổ não chúng hứng chịu,
Béo ngon ta hưởng riêng,
Chớ đợi Diêm La xử
Tự suy sẽ biết mà!)

Bài thơ ấy có ý nghĩa lắm thay! Trung hậu, khoan dung cách đạo chẳng xa, điều gì chẳng muốn [người khác] làm cho chính mình thì chớ làm cho người khác. Lòng nhân với con người, yêu thương loài vật ấy [chính là] đại kinh đại pháp thành thủy thành chung, chẳng cần phải nói tường tận về ý nghĩa nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo sâu xa! Nguyện những ai thấy nghe đều suy nghĩ sâu đậm.

[1] Hoàng Sơn Cốc tên thật là Hoàng Đình Kiên, tự là Lỗ Trực, hiệu là Sơn Cốc đạo nhân, vốn là một nhà thư pháp (calligrapher) nổi tiếng thời Bắc Tống, quê ở huyện Tu Thủy, tỉnh Giang Tây. Ông làm thơ, viết chữ, vẽ tranh đều xuất sắc nên được xưng tụng là Tam Tuyệt. Đương thời, ông nổi tiếng không kém Tô Đông Pha nên người đương thời thường dùng từ ngữ Tô Hoàng để chỉ hai bậc văn gia này.