bất không

Phật Quang Đại Từ Điển

(不空) (705-774) Phạm: Amoghavajra. Cũng gọi Bất không kim cương. Nhà dịch kinh ở đời Đường và là người được truyền pháp làm vị tổ thứ sáu của Mật giáo. Sư là người nước Sư tử (Tích lan), ở mạn nam Ấn độ. Người rất thông minh, lúc nhỏ sư theo chú đi qua các nước vùng biển nam, về sau xuất gia. Năm 14 tuổi sư theo Tam tạng Kim cương trí học chương Tất đàm, tụng trì kinh chữ Phạm. Năm 16 tuổi, sư vượt biển Nam đến Lạc dương vào năm Khai nguyên thứ 8 (720) đời vua Huyền tôn nhà Đường. Có thuyết nói sư là con của Bà la môn ở miền bắc Thiên trúc, mồ côi từ nhỏ, theo chú đến Vũ uy, Thái nguyên, sau thờ ngài Kim cương trí làm thầy. Năm 20 tuổi, sư thụ giới Cụ túc ở chùa Quảng phúc tại Lạc dương vào năm Khai nguyên 12. Sư thông minh hơn người, rất được thầy quí trọng, hiểu thấu hết các pháp năm bộ ba mật. Khi ngài Kim cương trí thị tịch, vâng theo lời thầy dạy, sư về Ấn độ cầu pháp, rồi cùng với các sư Hàm quang, Tuệ biện đáp thuyền đi Tây trúc, qua Quảng phủ, Ha lăng đến Tích lan, theo A xà lê Phồ hiền (có thuyết nói A xà lê Long trí) nhận lãnh 18 hội Kim cương đính du già và Đại tì lô giá na đại bi thai tạng, mỗi thứ mười vạn bài tụng, năm bộ Quán đính, Chân ngôn bí điển, hơn năm trăm bộ kinh luận tiếng Phạm, đồng thời, được truyền các ấn bí mật, văn nghĩa chữ tính tướng của chư tôn, rồi sư đi khắp năm xứ Ấn độ. Vào năm Thiên bảo thứ 5 (746), sư trở về kinh đô, làm phép Quán đính cho vua Huyền tôn và trụ trì chùa Tịnh ảnh. Vì sư cầu mưa linh nghiệm, nên được vua ban hiệu là Trí tạng và ban áo đỏ. Khi An lộc sơn và Sử tiêu minh làm phản, sư đến ở chùa Đại hưng thiện tại Trường an tu phép Nhương tai (cầu thoát khỏi tai nạn). Đến khi Trường an bị phá, Huyền tôn đến Thành đô lánh nạn. Vua Túc tôn lên ngôi ở Linh vũ, lúc ấy sư tuy ở trong vùng loạn quân, nhưng nhiều lần sư sai sứ bí mật dâng thư cho Túc tôn để thăm hỏi và bày tỏ lòng trung thành của sư. Túc tôn cũng bí mật sai sứ đến cầu đại pháp nơi sư. Thời vua Đại tôn, sư đặc biệt được phong chức Hồng lô khanh và ban hiệu Đại quảng trí tam tạng. Sư từng thiết lập đạo tràng Mật giáo trên núi Ngũ đại thuộc tỉnh Thái nguyên để mở rộng hoạt động tuyên dương Mật giáo. Năm Đại lịch thứ 6 (771) sư dâng biểu trình 77 bộ 101 quyển kinh và một quyển mục lục đã được dịch từ năm Khai nguyên và xin vua cho đưa những kinh này vào Đại tạng. Giữa tháng 6 năm Đại lịch thứ 9, sư biết trước thời giờ đã đến, dâng biểu từ biệt vua và dâng kim cương linh chử năm chẽ (cái chuông nhỏ hình cái chày kim cương) rồi nằm nghiêng mà tịch, thọ 70 tuổi. Sư được truy tặng chức Tư không, thụy hiệu Đại biện chính, tháp thờ xá lợi của sư được xây tại chùa Đại hưng thiện. Sư cùng với các ngài Cưu ma la thập, Chân đế, Huyền trang, được gọi là bốn nhà phiên dịch lớn, có công rất to trong việc tổ chức đối chiếu và xác lập âm vận một cách chặt chẽ giữa chữ Phạm và chữ Hán. Lại cùng với các ngài Thiện vô úy, Kim cương trí, được gọi là ba vị Đại sĩ thời Khai nguyên. Đệ tử nối pháp của sư gồm: Hàm quang, Tuệ siêu, Huệ quả, Tuệ lãng, Nguyên kiểu và Giác siêu, trong đó, Huệ quả được chính truyền làm tổ thứ 7. [X. Tống cao tăng truyện Q.1; Biểu chế tập Q.1, Q.6; Lưỡng bộ đại pháp tương thừa sư tư phó pháp kí Q.thượng, Q.hạ; Đại đường trinh nguyên tục khai nguyên thích giáo lục Q.thượng].