bản sinh man

Phật Quang Đại Từ Điển

(本生鬘) Phạm: Jàtakamàlà. Không rõ tác giả. Có thuyết cho là do Thánh dũng (Phạm: Àrya zùra) biên tập. Là bộ sách Phật, trong đó thu chép ba mươi lăm loại sự tích bản sinh và giải thích pháp nghĩa của những sự tích đó. Có bản Hán dịch do Thiệu đức và Tuệ tuân đời Bắc Tống dịch chung và đặt tên là Bồ tát bản sinh man luận, tất cả mười sáu quyển, nội dung có hơi khác với nguyên bản tiếng Phạm, thu vào Đại chính tạng tập 13. Còn có bản dịch Tây tạng cũng đề tên Thánh dũng (Tạng: Hphags-pa dpah bo, hoặcDpah bo) trứ tác. Sách này không phải được biên tập theo một phương châm đặc định nào cả, nhưng vẫn có tình cảm tôn giáo. Nhận xét qua các kệ tựa của tác giả thì thấy sách này là do tuyển chọn các loại sự tích bản sinh từ đời xưa, rồi lọc lấy đại cương mà biên tập thành và biểu hiện bằng thủ pháp văn học. Trong có văn xuôi và văn vần xen lẫn, về kĩ thuật văn pháp và tu từ đều đã đạt đến trình độ rất cao. Sách này có phần chú sớ do ngài Pháp xứng soạn, thu vào tạng kinh Tây tạng Bản sinh bộ. Năm 1891, H. Kern ấn hành Bản sinh man bằng tiếng Phạm, thu trong Cáp Phật đại học đông dương tùng thư (Harvard Oriental Series, vol. I). Năm 1895, J. S. Speyer ấn hành bản dịch tiếng Anh, thu vào Phật giáo Thánh điển tập (Sacred Books of the Buddhists, vol.I). Cương giáo thúy (trong quyển Sách dẫn thì viết là Cương giáo toại) của Nhật bản, cũng đã dịch ra tiếng Nhật, thu vào Quốc dịch nhất thiết kinh của Nhật bản, tập 17. Ngoài ra, qua truyện kí của Nghĩa tịnh, thì được biết là những sự tích bản sinh trong Bản sinh man, từ xưa đã được lưu hành tại các nước miền Nam hải. Hiện nay, trên các bức vẽ trên vách của hang động A chiên đa (Phạm: Ajantà) ở Ấn độ, trong các bức chạm nổi của chùa Bà la phù đồ (Borobudur) ở đảo Trảo oa (Java), đều còn hình đồ của các sự tích bản sinh thuộc loại này. [X. Phạm ngữ Phật điển đích chư văn hiến (Sơn điền long thành)].