Bài ký về sự vãng sanh của Uông thái phu nhân mẹ ông Giang [Dịch Viên]

Pháp môn Tịnh Độ lợi ích rộng sâu. Từ khi đại pháp truyền sang phương Đông, hàng phàm phu sát đất tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương nhờ đó mà thoát khỏi Ngũ Trược, chứng lên cửu phẩm kể sao cho xiết? Ấy là vì Phật lực, pháp lực, chúng sanh tâm lực chẳng thể nghĩ bàn, cho nên được cái quả thù thắng, lạ lùng, đặc biệt như thế, quả thật là trong những giáo pháp được giảng trong một đời đức Phật, chẳng có một pháp nào được như thế, chỉ có pháp môn Tịnh Độ là như vậy mà thôi! Pháp môn này chỉ trọng thực hành, do cảm Phật nên có thể cậy vào Phật từ lực để đới nghiệp vãng sanh; so với những pháp chuyên cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử thì sự khó – dễ dẫu có nói trọn năm cũng chẳng thể hết được!

Cư sĩ Giang Dịch Viên ở Vụ Nguyên thoạt đầu làm giáo chức, thường giảng dạy học sinh phải chú trọng dốc hết sức hành hiếu – hữu, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình. Đối với việc giảng nói nghĩa lý, ắt mong sao nêu tỏ đến tột cùng, chẳng còn chút nào ẩn kín mới thôi! Do vì quá sức nhọc nhằn bèn bị bệnh nặng, bao nhiêu thầy thuốc chữa trị đều chẳng có công hiệu gì! Về sau có người bạn khuyên hãy lắng lòng niệm Phật bèn được lành bệnh. Do vậy, nhiều lượt thân cận tri thức, chuyên nghiên cứu Tịnh tông, mới biết pháp này quả thật là pháp môn thù thắng thành thủy thành chung để mười phương tam thế hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo dưới hóa độ chúng sanh. Vì thế, đối với người thân kẻ sơ đều đem pháp này để kính khuyên.

Mẹ ông ta là Uông thái phu nhân bẩm tánh hiền thục, vừa nghe nói như vậy liền phát tâm ăn chay niệm Phật, công khóa hằng ngày ắt niệm Phật hơn một vạn câu, kiêm trì tụng Quán Âm Phổ Môn Phẩm, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, các chú Vãng Sanh, Đại Bi v.v… để làm trợ hạnh. Mùa Xuân năm nay, do lánh nạn thổ phỉ, gặp phải đường hẹp, chiếc kiệu [cụ đang ngồi] va nhằm đàn bò, phu khiêng kiệu lẫn kiệu đều bị hất lăn xuống ruộng. Kiệu đã bị vỡ nát, nhưng mẹ ông Giang vẫn chẳng kinh, chẳng hãi, trọn chẳng bị thương tổn gì, do khi cụ ngồi trong kiệu đã thầm niệm phẩm Phổ Môn. Do vậy biết rằng: Vì mẹ ông Giang công phu miên mật nên mới được cảm ứng như vậy. Tuổi đã bảy mươi tám, tai thính, mắt sáng, trọn chẳng có vẻ già nua!

Đến cuối tháng Năm, cụ thị hiện bị bệnh nhẹ. Hôm Ba Mươi nghe cháu nội là Hữu Bằng giảng bốn mươi tám đại nguyện cho người khác còn sai người hầu lắng nghe. Nhân đấy hỏi ngày mai có phải là Mồng Một hay không? Ấy là cụ đã tính sẵn kỳ hạn về Tây vậy! Đến nửa đêm đi ngủ, cụ bị nghẹn đàm không có sức để khạc ra. Do vậy, cả nhà đều niệm Phật để cầu cho cụ mau được vãng sanh. Dịch Viên lại khai thị Phật nguyện rộng sâu, hãy nên sâu xa hướng về Tịnh Độ. Nếu có thể toàn thân buông xuống, nhất tâm niệm Phật, nhất định sẽ cảm ứng đạo giao, được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Khoảng một giờ sau đến giờ Thìn, cụ bèn ngồi an nhiên qua đời. Lúc cụ mất vẫn thấy quai hàm động đậy, ấy là trong tâm thầm niệm nhưng không nghe được tiếng cụ niệm. Từ giờ Thìn đến giờ Thân, suốt cả năm tiếng đồng hồ, niệm Phật không ngớt. Qua khỏi giờ Thân mới tắm gội, thay quần áo, khóc lóc v.v… Bởi lẽ người sắp mất, sức không thể chống đỡ được; nếu tắm rửa thay quần áo sẵn và khóc lóc v.v… chắc chắn sẽ bị phá hoại chánh niệm, chẳng thể vãng sanh được. Nay đã chẳng dời động, lại chẳng khóc lóc, mọi người đồng thanh niệm Phật, khiến cho trong tâm cụ chỉ có Phật niệm, trọn chẳng có niệm nào khác. Vì thế, cụ được chánh niệm rỡ ràng, theo Phật vãng sanh, thật đáng để bắt chước. Nguyện những kẻ con hiếu cháu hiền đều y theo đây thì lòng hiếu từ sẽ lớn lao thay!

Hơn nữa, mẹ ông Giang còn dặn dò sẵn con trai và con dâu: Sau khi cụ mất, đừng đặt hình tượng Phật lên đầu cụ, đừng bỏ tiền vào miệng, đừng đội mũ hoa, mặc áo thêu, quần áo liệm chỉ may bằng vải, cổ đeo tràng hạt mà thôi! Tất cả những thứ quần áo giấy, minh khí[1] đều chớ nên dùng. Trong đám tang nhất loạt dùng cỗ chay, chớ nên bắt chước thế tục dùng cỗ mặn để tế thần v.v… Ôi! Ngôn hạnh của mẹ ông Giang đều đáng làm khuôn mẫu cho đời Mạt, là bậc mẫu nghi trong chốn khuê các, là bậc thầy khuôn mẫu cho nữ giới. Người tuy đã mất, đức vẫn thường còn. Nguyện những bậc anh hiền chốn khuê các trong cõi đời nghe phong thái ấy đều nức lòng, bắt chước theo ngôn hạnh của mẹ ông Giang, giúp chồng dạy con đều thành hiền thiện khiến cho hạnh của hai bà Phi và ba bà Thái lại được thấy trong hiện thời. Lại do hiểu thấu sâu xa trong tâm vốn sẵn có Phật tánh nên dốc lòng tu tập tịnh nghiệp “tu chân ngay trong cõi tục”, ngõ hầu bao người đều giữ vẹn lễ nghĩa, nhân nhượng, cõi đời trở lại thuở Đường Ngu. Đấy vốn là dùng đạo “đạt đến bình trị tột bậc mà trọn chẳng có hình tích” để làm phương cách vãn hồi thế đạo nhân tâm vậy. Nguyện ai nấy đều gắng sức thì may mắn lắm thay!

***

[1] Còn gọi là “tùy táng vật” hoặc “bồi táng vật”, tức những thứ thường dùng để chôn theo người chết để người ấy sử dụng trong cõi Âm! Thời cổ, những gia đình quý tộc thường chôn theo người chết rất nhiều vật dụng bằng ngọc, bằng đá và những kim loại quý.