GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP BA
Bài 35
TÔNG TỊNH ĐỘ (phần 6)
TRÍCH YẾU PHÁP NGỮ của CHƯ CỔ ĐỨC
Niệm câu “A Di Đà Phật” được thuần thục rồi, thì những giáo lí tiêu biểu nhất trong 3 tạng 12 bộ kinh đều gồm chứa trong đó; 1.700 công án1, cơ quan hướng thượng2, cũng ở trong đó; 3 ngàn oai nghi 8 vạn tế hạnh, 3 nhóm tịnh giới, cũng ở trong đó. Chỉ một mực niệm Phật, buông bỏ cả thân tâm và thế giới, đó là đại bố thí; chỉ một mực niệm Phật, không một niệm tham sân si, đó là đại trì giới; chỉ một mực niệm Phật, không màng chuyện thị phi nhân ngã, đó là đại nhẫn nhục; chỉ một mực niệm Phật, không gián đoạn, không để cho tạp niệm xen lẫn vào, đó là đại tinh tấn; chỉ một mực niệm Phật, không để bị vọng tưởng xua đuổi, đó là đại thiền định; chỉ một mực niệm Phật, không bị các đường hiểm trở khác3 mê hoặc, đó là đại trí tuệ. (Đại sư Ngẫu Ích)
Trong tất cả các pháp môn tu hành, nếu tìm pháp môn dễ hành trì nhất, dễ thành tựu nhất, thích hợp nhất, viên đốn nhất, thì không pháp môn nào bằng lấy tâm tín nguyện sâu sắc mà trì danh hiệu Phật. Tin sâu sắc tức là tin đức Thích Ca Như Lai có tướng phạm âm, lời nói quyết không hư dối; tin đức Thế Tôn A Di Đà có tâm đại từ bi, lời nguyện quyết định chắc thật. Vả lại, lấy niệm Phật cầu vãng sinh làm nhân thì chắc chắn sẽ cảm được cái quả vãng sinh thấy Phật; như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, điều này không đợi hỏi Phật mà phải tự tin vậy. (Triệt Ngộ thiền sư(1))
Người đời chỉ biết, nơi thiền môn lấy sự liễu ngộ làm trên hết. Tỏ ngộ nguồn gốc của tâm thì thoát khỏi sinh tử. Vậy niệm Phật há không phải là pháp môn giải thoát sinh tử ư? Người tham thiền phần đông chưa chắc đã thoát sinh tử, nhưng người niệm Phật thì chắc chắn là thoát sinh tử, không nghi ngờ gì cả. Nguyên nhân là vì, tham thiền thì lìa tư tưởng, còn niệm Phật thì chuyên ở tại tư tưởng. Vì chúng sinh từ lâu đã chìm trong vọng tưởng, xa lìa quả thật là khó. Nếu ngay ở tư tưởng ô nhiễm mà biến đổi thành tư tưởng thanh tịnh – tức là lấy độc chống độc, là phương pháp hoán chuyển vậy. Cho nên tham cứu thì khó ngộ, mà niệm Phật thì dễ thành. Nếu quả thật có tâm tha thiết với việc sinh tử, xin hãy đem cái tâm tham thiền để niệm Phật, thì lo gì trong một đời này không liễu thoát sinh tử! (Đại sư Ham Sơn(2))
Trong khi niệm Phật không nên có tư tưởng nào khác; không có tư tưởng nào khác tức là “chỉ”. Trong lúc niệm Phật thì tâm phải thấy biết rõ ràng; thấy biết rõ ràng tực là “quán”. Trong một niệm có đầy đủ chỉ và quán, chẳng phải có chỉ và quán riêng biệt. Chỉ tức là nhân của định, định tức là quả của chỉ; quán tức là nhân của tuệ, tuệ tức là quả của quán. Một niệm không sinh mà thấy biết rõ ràng. Một niệm không sinh tức chiếu soi mà vắng lặng. Được như thế thì tịnh nghiệp chắc chắn thành tựu; mà thành tựu như thế thì đều là Thượng-phẩm. (Thiền sư Triệt Ngộ)
Ngày nay người tu tịnh nghiệp, có người suốt ngày vừa niệm Phật vừa sám hối phát nguyện, mà Tây-phương vẫn còn xa vời, sự vãng sinh không bảo đảm, chẳng có gì lạ, đó là tại vì cái cây ái chưa bị nhổ bỏ, sợi dây tình vẫn còn buộc chặc. Nếu có thể xem sự ân ái ở cõi Ta-bà đồng như nhai sáp4, bất luận là bận rộn hay nhàn rỗi, động hay tịnh, khổ hay vui, lo hay mừng, chỉ cần dựa vào một câu Phật hiệu, vững vàng như núi Tu-di, tất cả cảnh duyên đều không lay động. Hoặc có lúc thấy mình lười mỏi, tập khí phiền não hiện ra trước mắt, hãy phấn chấn khởi câu niệm Phật, tức thì, như cây trường kiếm ỷ-thiên(3), làm cho ma quân phiền não không nơi trốn thoát! Lại cũng như cái lò lửa lớn đang cháy to phừng phực, đốt cháy tiêu tình thức từ vô thỉ, không có gì còn sót lại. Người ấy tuy hiện ở nơi làng ngũ-trược5, nhưng toàn thân thật sự đã ngồi ở nước hoa-sen; đâu phải đợi đức Di Đà nắm tay, đức Quán Âm dắt dẫn, mới tin họ được vãng sinh! (Thiền sư Triệt Lưu).
Niệm Phật cần nhất tâm bất loạn, chỉ dùng một câu danh hiệu Phật mà cực lực đuổi dính(4), sức đã mạnh lại càng thêm mạnh. Tình thức một khi đã dứt, thì việc quá khứ không có để suy lường, việc vị lai trống rỗng để dự đoán, cảnh hiện tại tâm thức không nắm được; cả ba tâm đều dứt tuyệt, gọi là “khoảng trước khoảng sau đều dứt”. Đến bấy giờ thì hư không nát vụn, đại địa lắng chìm, vật ngã đều không, một pháp không lập. Trước mắt như vạn tượng hiện ra trong tấm gương lớn tròn đầy, không một điểm nào có thể so đo phân biệt, thân tâm trống rỗng, như mây bay qua lại; quang cảnh ấy gọi là “nhất tâm bất loạn”, và đến lúc này thì cũng chẳng có tâm để loạn. (Thiền sư Tam Phong(5))
Tôi thấy có kẻ hậu học, vừa mới đem câu niệm Phật đặt vào lòng thì đã nghĩ ngợi lung tung, tâm trí sục sôi không tỉnh giác, bèn cho rằng công phu niệm Phật không thể giúp mình nhiếp tâm! Ông đâu biết rằng, gốc rễ sinh tử đã có từ vô lượng kiếp, nay dễ gì đoạn trừ ngay trong phút chốc! Nhưng, trong lúc muôn niệm rối tung lại chính là lúc phải khởi công phu, mới thu vào đã tan ra, vừa tan ra đã lại thu vào, một thời gian lâu về sau, khi công phu thuần thục thì tự nhiên vọng niệm không sinh khởi nữa. Lại nữa ông nên biết, vọng niệm trùng trùng là vì thiếu câu niệm Phật. Không niệm Phật thì tâm như sóng cuộn triều dâng6, sát na không dừng nghỉ, há tự mình có thể giác tỉnh được ư? (Đại sư Liên Trì)
Đã có lòng tin chân thành, tâm nguyện thiết tha, ắt phải chí tâm chấp trì 6 chữ thánh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Không luận đi đứng ngồi nằm, nói im động tĩnh, mặc áo ăn cơm, khi đại tiểu tiện v.v…, đều không rời 6 chữ (hoặc 4 chữ) này. Phải giữ cho toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, tâm và Phật không hai, tâm Phật nhất như. Nếu có thể niệm niệm luôn hiện tại, niệm đến chỗ tục tình tan biến, tâm trống Phật hiện, thì ngay trong đời sống này có thể thân chứng tam muội, đến khi lâm chung liền vãng sinh bậc Thượng-phẩm-thượng-sinh; có thể nói đó là cách tu trì cực kì rốt ráo vậy. (Đại sư Ấn Quang)
CHÚ THÍCH
1. Thiền sư chỉ điểm cho người học, những biểu thị bằng ngôn ngữ, động tác, gọi là “công án”. Trong sách Ngũ Đăng Lục, số công án ghi chép được có 1.700 tắc.
2. Từ ngọn đến gốc gọi là “hướng thượng”; kĩ xảo chỉ dạy gọi là “cơ quan”. Thiền tông, những kĩ thuật chỉ dạy, dắt dẫn cho người học khai ngộ, gọi là “cơ quan hướng thượng”.
3. Những con đường hiểm trở khác là chỉ cho ngoại giáo, ngoại đạo v.v…, gọi tắt là “tha kì”. 04. Dụ cho sự không có lạc thú, như miệng nhai sáp, không có thú vị gì. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Ta vốn không có tâm ái dục, chỉ vì đáp ứng người mà làm việc phòng sự, đối với thân thể người để lộ ra đó, ta thấy thật vô vị, giống như miệng nhai sáp.”
4. Xin xem lại bài học số 32, sách Sơ Cấp Giáo Bản.
5. Sóng lớn gọi là “瀾” (lan); chữ “涌” vốn là chữ “湧” (dũng), nghĩa là nước dâng tràn trề. Ở đây có ý nói vọng niệm quá nhiều, như sóng cuộn triều dâng.
PHỤ CHÚ
1) Triệt Ngộ: tức đại sư Mộng Động. (Xin xem lại chú thích số 24, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 34, 35 và 36”, sách GKPH I.)
2) Ham Sơn (1546-1623): Ngài họ Sái, tên Đức Thanh, tự Trừng Ấn, hiệu Hạm Sơn (người Việt quen đọc là Hám Sơn), quê ở huyện Toàn-tiêu, tỉnh An-huy. Từ năm 12 tuổi đã thường lên chùa Báo-ân ở Kim-lăng để học tập kinh giáo, lại học thông cả Nho và Lão học. Năm 19 tuổi ngài lên núi Thê-hà (ở Trấn-giang) học thiền pháp với thiền sư Pháp Hội (1500-1579); rồi trở lại chùa Báo-ân xin xuống tóc xuất gia, thọ giới cụ túc. Vì ngưỡng mộ đại sư Trừng Quán nên tự đặt tên tự cho mình là Trừng Ấn. Năm 20 tuổi, ngài trở lại Thê-hà để theo tu học với ngài Pháp Hội, được truyền pháp môn niệm Phật công án, song tu Thiền – Tịnh. Năm 28 tuổi (1573) ngài du hành đến núi Ngũ-đài, thấy núi Ham-sơn kì tú, bèn đặt hiệu cho mình là Ham Sơn. Ngài từng cư trú ở các chùa Hải-ấn (ở Sơn-đông), Bửu-lâm (ở Tào-khê), v.v… để hoằng dương thiền pháp, đề xướng tu tập song hành công phu niệm Phật và khán thoại đầu. Ngài thị tịch năm 1623, thế thọ 78 tuổi, người đời xưng là Ham Sơn đại sư, cùng với các ngài Châu Hoằng, Chân Khả và Trí Húc, được xưng là bốn vị đại cao tăng của thời đại nhà Minh.
3) Trường kiếm ỷ-thiên: “Ỷ thiên” nghĩa là dựa vào trời, ý nói là cây kiếm rất dài, sắc bén.
4) Đuổi dính: Từ Hán ngữ là “truy đảnh” (xin xem lại mục “Niệm Truy Đảnh” ở đoạn XIII, bài 33 ở trước).
5) Tam Phong (1573-1635): Ngài họ Tô, hiệu là Hán Nguyệt, còn gọi là Pháp Tạng, hay Hán Nguyệt Pháp Tạng, quê ở huyện Vô-tích, tỉnh Giang-tô, là khai tổ của thiền phái Tam Phong, một chi phái của tông Lâm Tế thời nhà Minh. Ngài xuất gia năm 15 tuổi, rất ham thích học Thiền, nhân đọc Cao Phong Ngữ Lục có điểm nghi ngờ, bèn để tâm tham cứu. Trải hơn 10 năm, một hôm bỗng nghe tiếng cây tre gẫy mà hốt nhiên đại ngộ. Năm 52 tuổi ngài đến chùa Kim-túc tham yết thiền sư Mật Vân Viên Ngộ (15661642), được ấn khả phú pháp. Sau đó ngài khai pháp tòa ở thiền viện Tam-phong (núi Ngu-sơn, Tôchâu), được người đời xưng là Tam Phong Tạng Công. Ngài cũng cư trú tại nhiều chùa khác để hoằng pháp. Đương thời, tông Tào Động bài xích tông chỉ của “năm nhà”, chỉ đề xướng thuyết “tự tánh tự ngộ” do truyền thuyết “niêm hoa vi tiếu” của đức Phật Thích Ca mà thôi. Nhân đó ngài liền soạn sách Ngũ Tông Nguyên để phản bác, trong đó nhấn mạnh, từ Phật Oai Âm Vương cho đến nay, không một lời, một pháp nào mà không phù hợp với tông chỉ của “năm nhà”. Sự việc này đã làm khơi dậy cuộc tranh luận sôi nổi một thời trong giới học Phật ở Trung-quốc. Ngài thị tịch năm 1635, thế thọ 62 tuổi.
BÀI TẬP
1) Chân thành niệm Phật tức là tu hành sáu pháp qua bờ, tại sao?
2) Lấy lòng tin và tâm nguyện sâu sắc mà trì danh hiệu Phật; tin việc gì mà gọi là tin sâu sắc?
3) Người tham thiền chưa chắc thoát khỏi sinh tử, người niệm Phật thì chắc chắn thoát sinh tử, không có gì nghi ngờ; hãy nói duyên cớ vì sao.
4) Tại sao niệm Phật tức là chỉ quán?
5) Thời nay có người suốt ngày niệm Phật và sám hối phát nguyện, mà cảnh giới Tây-phương vẫn còn xa vời, việc vãng sinh không bảo đảm, vì sao?
6) Niệm Phật cần phải đạt đến trạng thái như thế nào mới gọi là nhất tâm bất loạn?