GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 18
BỐN QUẢ THANH VĂN

Các vị đệ tử Phật, nghe giáo pháp tiểu thừa bằng âm thanh(1) của phật, tỏ ngộ lí lẽ về bốn sự thật, đoạn trừ kiến tư hoặc của ba cõi, chứng nhập niết bàn, đều thuộc vào tăng Thanh-văn. Tăng Thanh-văn, từ địa vị phàm phu tu tập đến địa vị A-lahán mới ra khỏi ba cõi. Trong khoảng thời gian đó, các ngài phải trải qua “bốn chỗ hướng tới”, phải chứng “bốn quả vị”, mới gọi là thành tựu trọn vẹn, chứ không phải chỉ một bước mà được thành công.

Những kiến hoặc1 và tư hoặc2 trong ba cõi làm cho tất cả chúng sinh mê loạn, điên đảo, không thể thoát khỏi vòng luân hồi, chấm dứt sinh tử. Cho nên các bậc thánh tiểu thừa cần phải đoạn trừ kiến tư hoặc. Thứ tự của quá trình đoạn kiến tư hoặc này cũng tức là thứ tự của quá trình trải qua bốn chỗ hướng tới (hướng) và chứng đắc bốn quả vị (quả).

Thứ nhất, hướng Tu-đà-hoàn và quả Tu-đà-hoàn. Tu-đà-hoàn dịch là Nhậplưu (vào dòng), nghĩa là bước đầu nhập vào dòng thánh; cũng dịch là Nghịch-lưu (ngược dòng), nghĩa là lội ngược dòng sông sinh tử đang chảy xiết(2); lại dịch là Dự-lưu (dự vào dòng), nghĩa là được dự vào dòng thánh nhân. Hành giả phải đoạn trừ 88 sử(3) kiến hoặc của ba cõi mới chứng được quả vị này. Đang khi chưa đoạn trừ hết thì tức là “hướng”; khi vừa đoạn trừ hết thì đó là “quả”.

Thứ hai, hướng Tư-đà-hàm và quả Tư-đà-hàm. Tư-đà-hàm dịch là Nhất-lai (trở lại một lần), nghĩa là còn phải thọ sinh trở lại các cõi trời và cõi người của Dục giới, mỗi nơi một lần nữa(4). Ngoài mọi kiến hoặc của ba cõi đã dứt sạch, hành giả còn phải đoạn trừ sáu phẩm tư hoặc đầu(5) của cõi Dục mới chứng được quả vị này. Trong khi đang đoạn trừ từ phẩm một đến phẩm năm thì tức là “hướng”; khi vừa đoạn trừ hết phẩm sáu thì đó là “quả”.

Thứ ba, hướng A-na-hàm và quả A-na-hàm. A-na-hàm dịch là Bất-lai (không lại) hay Bất-hoàn (không quay trở lại), nghĩa là không quay trở lại cõi Dục nữa. Hành giả phải dứt sạch mọi kiến hoặc của ba cõi và cả chín phẩm tư hoặc của cõi Dục mới chứng được quả vị này. Đang khi đoạn trừ phẩm bảy và phẩm tám thì tức là “hướng”; khi vừa dứt sạch phẩm chín thì đó là “quả”.

Thứ tư, hướng A-la-hán và quả A-la-hán. A-la-hán gồm có ba nghĩa: một là “sát tặc” (giết giặc), nghĩa là giết sạch giặc phiền não; hai là “ứng cúng” (thọ cúng dường), nghĩa là đạo cao đức trọng, làm ruộng phước(6) cho thế gian, xứng đáng nhận sự cúng dường của cả trời và người; ba là “bất sinh” (không tái sinh), nghĩa là nhập niết bàn vĩnh viễn, không còn phải chịu phần đoạn sinh tử nữa. Hành giả phải dứt sạch mọi kiến hoặc của ba cõi và chín phẩm tư hoặc của cõi Dục, cùng 72 phẩm tư hoặc của tám địa cõi Sắc và cõi Vô-sắc3, mới chứng được quả vị này. Đang khi chưa đoạn trừ hết 72 phẩm của hai cõi trên thì tức là “hướng”; khi vừa đoạn trừ hết thì đó là “quả”.

Các hành giả tiểu thừa, khi tu đến quả vị A-la-hán tức là đã dứt sạch mọi kiến tư hoặc trong ba cõi, đã trải qua bốn chỗ hướng tới, chứng đắc bốn quả vị, có đủ sáu phép thần thông4, ở vào địa vị vô học5, việc cần làm đã làm xong6(7), không còn thân đời sau7, đó là bậc thánh cao tột trong hàng Thanh-văn vậy.

 

CHÚ THÍCH

1. Kiến hoặc là những phiền não do si mê về lí, thuộc về các thứ vọng kiến, do sự phân biệt sai quấy mà sinh ra các vọng chấp như ngã kiến, biên kiến v.v… Kiến hoặc có 88 phẩm, theo tông Câu Xá của tiểu thừa; còn tông Duy Thức của đại thừa thì lập ra 112 phẩm.

2. Tư hoặc là những phiền não do si mê về sự, những tình thức mê muội tham, sân, si v.v… nhiễm trước sự vật ở thế gian mà khởi lên các vọng tưởng. Tư hoặc có 81 phẩm, tức cõi Dục là 1 địa, bốn cõi Thiền ở cõi Sắc là 4 địa, bốn cõi Không ở cõi Vô-sắc là 4 địa, cộng lại là 9 địa; mỗi địa gồm 9 phẩm: vậy cả thảy là 81 phẩm.

3. Cộng 4 địa của cõi Sắc và 4 địa của cõi Vô-sắc là 8 địa, hợp lại cả thảy có 72 phẩm tư hoặc.

4. Không lường được gọi là “thần”, không bị chướng ngại gọi là “thông”. Sáu phép thần thông là: thiên nhãn thông; thiên nhĩ thông; tha tâm thông; túc mạng thông; thần túc thông; lậu tận thông.

5. Trong bốn quả vị của Thanh-văn thừa thì ba quả vị đầu gọi là “hữu học”, nghĩa là còn phải tinh tấn tu học; còn quả vị thứ tư (A-la-hán) được gọi là “vô học”, nghĩa là việc học đã viên mãn, không có gì để học nữa.

6. Đã đoạn trừ hết mọi kiến và tư hoặc của ba cõi, cho nên nói là “việc cần làm đã làm xong” (sở sự dĩ biện, hay sở tác dĩ biện). Nếu xếp hạng trong mười địa chung của ba thừa(8) thì địa vị này thuộc vào địa thứ bảy, tức Dĩ-biện-địa.

7. “Hậu hữu” tức là quả báo ở đời vị lai, hay nói cách khác, đó là thân tâm của đời sau. Các vị A-lahán và Phật Bích-chi đã tận diệt phiền não thì không còn phải thọ thân sau.

 

PHỤ CHÚ

1. Giáo pháp được Phật và các vị Bồ-tát nói ra thành lời, có âm thanh cho người nghe mà tu tập, gọi là “thanh giáo”. Thanh là một trong sáu cảnh, và là đối tượng của nhĩ căn. Tùy theo nhiều loại người hay chúng sinh khác nhau, thích dùng phương tiện gì để dễ tu tập, thì Phật dùng phương tiện đó để chỉ bày giáo pháp. Những phương tiện đó có thể là hình sắc (sắc cảnh – đối tượng của mắt), âm thanh (thanh cảnh – đối tượng của tai), mùi hương (hương cảnh – đối tượng của mũi), v.v… Vì vậy mà Phật có thể dùng cả sáu cảnh để làm phương tiện giáo hóa chúng sinh (lục trần thuyết pháp).

2. Từ Hán ngữ “bạo lưu” cũng nói là “bạo hà”, nghĩa là dòng nước mạnh, như dòng sông vào mùa lụt. Trong thuật ngữ Phật học, nó được dùng để dụ cho phiền não, hay nói rõ hơn, nó là một tên khác của phiền não. Bạo lưu có sức cuốn trôi người ta, súc vật, nhà cửa; phiền não cũng vậy, có sức phá hoại, làm tiêu mất tất cả đức lành của chúng sinh.

3. “Sử” nghĩa là sai khiến, là một tên khác của phiền não. Phiền não là những động lực thúc đẩy chúng sinh tạo nghiệp bất thiện, phải trôi lăn mãi trong luân hồi sinh tử, cho nên được gọi là “sử”. Phiền não có rất nhiều thứ, nhưng có mười thứ được coi là gốc rễ, gọi là “mười sử” (thập sử, hay thập căn bản phiền não), gồm có: 1. Tham: thấy gì vừa ý thì ham muốn, cố chiếm đoạt. 2. Sân: gặp điều không vừa ý thì oán giận, căm ghét. 3. Si: lòng dạ tối tăm, không sáng suốt, không nhận chân được sự thật. 4. Mạn: kiêu mạn, tự cao, khinh người. 5. Nghi: nghi ngờ, dụ dự. 6. Thân kiến: cái thấy sai lầm về “ngã”, cho rằng thân này là thật có, thân này là ta, những cái kia thuộc về ta. 7. Biên kiến: cái thấy cực đoan, hoặc cho rằng con người sau khi chết là mất hẳn, hoặc cho rằng con người sau khi chết sẽ về sống đời đời ở một nơi nào đó, như thiên đường hay hỏa ngục. 8. Tà kiến: cái thấy xuyên tạc, không đúng sự thật, không thấy được lí duyên sinh, luật nhân quả, cùng các tính chất vô thường, vô ngã v.v… của vạn vật, mà cho rằng có một vị thượng đế sáng tạo ra vạn vật, mọi họa phước đều do thượng đế ban phát, mọi sự việc đều do thượng đế an bài, v.v… 9. Kiến thủ kiến: khư khư ôm giữ những kiến thức sai lạc mà cứ cho là đúng, đã không cải thiện mà còn cố rao giảng rộng rãi, đôi khi còn tìm cách dụ hoặc hay ép buộc người khác phải nghe theo mình. 10. Giới cấm thủ kiến: cố chấp vào các giới cấm sai lầm, vô lí, hoặc giữ giới một cách mù quáng, không sáng suốt, không uyển chuyển, gây đau khổ cho mình và cho người. Năm loại phiền não bên trên (từ số 1 đến số 5), vì tính chất của chúng quá nặng nề, tinh vi, chồng chất từ nhiều đời trước, thân mạng vừa hình thành là đã có chúng kèm theo, rất khó đoạn trừ, cho nên thuật ngữ Phật học gọi chúng là “năm độn sử”. Năm loại phiền não bên dưới (từ số 6 đến số 10), vì tính chất của chúng nhẹ nhàng hơn, mới mắc phải trong đời hiện tại do nghe theo tà sư, tà giáo, dễ đoạn trừ hơn, cho nên thuật ngữ Phật học gọi chúng là “năm lợi sử”.

4. Từ “nhất lai” (một lần trở lại) nên được hiểu rõ như sau: Hành giả (ở cõi người) khi đã chứng được quả Tư-đà-hàm, sau khi viên tịch sẽ sinh lên một cõi trời Dục giới, rồi từ đó lại phải sinh trở lại cõi người một lần nữa để tiếp tục đoạn trừ nốt ba phẩm tư hoặc sau cùng của cõi Dục, và chứng quả A-na-hàm. – Sau khi viên tịch (ở cõi người), vị A-na-hàm này sẽ sinh lên cõi Sắc (vĩnh viễn không sinh lại cõi Dục nữa) để tiếp tục tu tập cho đến khi chứng quả A-la-hán.

5. Tư hoặc (hay tu hoặc) là các phiền não tham, sân, si, mạn, có từ đời vô thỉ, bào thai vừa kết tụ thì chúng đã đeo theo; sinh mạng vừa ra đời tức thì có chúng. Tư hoặc có sâu có cạn, có phần thô sơ dễ đoạn trừ, có phần vi tế khó đoạn trừ, được chia làm chín phẩm từ nhẹ nhàng nhất đến nặng nề nhất: thượng thượng, thượng trung, thượng hạ, trung thượng, trung trung, trung hạ, hạ thượng, hạ trung, hạ hạ. Sáu phẩm tư hoặc trước (từ thượng thượng đến trung hạ) là các phần dễ đoạn trừ hơn.

6. Phước điền nghĩa là ruộng sinh ra phước đức. Người Phật tử kính thờ, cúng dường Phật Pháp Tăng; kính trọng, hiếu thuận và phụng dưỡng cha mẹ; giúp đỡ, săn sóc những người bệnh tật nghèo khổ, đều có được phước đức; cho nên Tam Bảo, cha mẹ, người nghèo khổ bệnh tật, đều là phước điền của Phật tử.

7. “Việc cần làm đã làm xong” (sở tác dĩ biện – sở sự dĩ biện) là một thuật ngữ Phật học dùng để chỉ cho các hành giả Thanh-văn thừa, khi đã hoàn toàn đoạn trừ mọi kiến tư hoặc của ba cõi, đắc quả A-lahán, thoát li ba cõi và chứng nhập niết bàn, vĩnh viễn không còn trở lại trong ba cõi nữa. Đó là chỗ Thanh-văn thừa khác với Bồ-tát thừa. Các hành giả tu tập hạnh Bồ-tát đều phát nguyện đời đời cứu độ chúng sinh, nơi nào có chúng sinh là nơi đó có Bồ-tát, chừng nào còn chúng sinh thì chừng đó còn có Bồtát. Vì vậy mà công việc của Bồ-tát không bao giờ “làm xong”. Do đó, thuật ngữ trên không dùng để chỉ cho Bồ-tát.

8. Mười địa (mười giai tầng tu chứng) có nhiều loại, hoặc được lập riêng cho hàng Thanh-văn (Thanhvăn thập địa), hoặc hàng Duyên-giác (Duyên-giác thập địa), hoặc hàng Bồ-tát (Bồ-tát thập địa), hay Phật thừa (Phật thập địa). Ngoài ra còn có mười địa được lập chung cho cả ba thừa (Thanh-văn, Duyêngiác và Bồ-tát – gọi là “Tam-thừa cộng thông thập địa”), như được tác giả đề cập đến ở đây, gồm có:

1- Càn-tuệ-địa (trí tuệ khô khan): mới phát tâm tu hành, trí tuệ chưa phát triển nhiều, hãy còn khô cạn. Có vị giải thích rằng, “càn tuệ” là chỉ cho người bắt đầu bước vào con đường tu tập, giũ bỏ mọi tình cảm ràng buộc, để chỉ sống một cách khô khan bằng trí tuệ.

2- Tánh-địa (thấy tánh): bắt đầu thấy được tánh Phật nơi tâm mình.

3- Bát-nhẫn-địa (an trú nơi tám sự quán ngộ): vận dụng trí tuệ quán chiếu thật tướng của vạn pháp và nhận chân được chân lí “tứ đế”, lần lượt trải qua tám trình độ: quán ngộ về khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế ở cõi Dục; quán ngộ về khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế ở cõi Sắc và cõi Vô-sắc.

4- Kiến-địa (thấy rõ chân lí): tâm ý tẩy sạch mọi tà kiến, bắt đầu được dự vào dòng thánh – tương đương với quả Tu-đà-hoàn của Thanh-văn thừa.

5- Bạc-địa (gần kề): diệt trừ được phần lớn các phiền não căn bản của cõi Dục, còn phải sinh trở lại cõi Dục một lần nữa để tiếp tục tu tập – tương đương với quả Tư-đà-hàm của Thanh-văn thừa.

6- Li-dục-địa (rời khỏi cõi Dục): hoàn toàn dứt sạch mọi thứ phiền não căn bản của cõi Dục, vĩnh viễn không còn sinh trở lại cõi Dục nữa – tương đương với quả A-na-hàm của Thanh-văn thừa.

7- Dĩ-biện-địa (đã làm xong): dứt sạch hoàn toàn mọi phiền não (kiến tư hoặc) của ba cõi, vượt thoát ba cõi, chứng được các pháp mầu nhiệm – tương đương với quả A-la-hán của Thanh-văn thừa.

8- Bích-Chi-Phật-địa: tự mình vận dụng trí tuệ quán chiếu “mười hai nhân duyên” mà được giác ngộ – tức là Phật Bích-chi của Duyên-giác thừa.

9- Bồ-tát-địa: phát tâm tu hạnh Bồ-tát, tu tập “sáu pháp qua bờ” (lục độ), thực hành hạnh lợi tha để cứu độ chúng sinh.

10. Phật-địa: hạnh tự lợi và lợi tha đã hoàn toàn đầy đủ, tuệ giác hoàn toàn viên mãn, siêu việt, trở thành đấng tôn quí nhất của thế gian: Phật-đà.

 

BÀI TẬP 

1) Tăng Thanh-văn là gì?

Các vị đệ tử Phật, nghe Phật thuyết pháp mà tỏ ngộ chân lí “tứ đế”, đoạn trừ mọi kiến tư hoặc của ba cõi, giải thoát khỏi ba cõi, chứng nhập niết bàn, gọi là tăng Thanh-văn.

2) Kiến hoặc là gì? Tư hoặc là gì?

Kiến hoặc là những mê lầm về chân lí, những thấy biết không đúng đắn về chân tướng của vạn hữu, như cho rằng thân này là thật có (thân kiến), có một bản ngã trường tồn hoặc sau khi chết thì không còn gì cả (biên kiến), khư khư cho những kiến thức sai lạc của mình là đúng (kiến thủ kiến), v.v… Tư hoặc là những mê lầm về sự tướng, là các bẩm tính độc hại tham, sân, si, v.v… có từ vô thỉ, đeo dính theo chúng sinh, thúc đẩy chúng sinh khởi sinh bao vọng tưởng và dẫn đến tạo tác bao hành vi xấu ác trong cả ba lãnh vực thân, miệng và ý.

3) Bốn hướng và bốn quả là gì?

Bốn quả là bốn địa vị chứng đạt của các hành giả Thanh-văn thừa, theo thứ tự từ thấp lên cao gồm có: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Đã chứng đạt được địa vị nào thì gọi địa vị đó là QUẢ – tức là: quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm và quả A-la-hán; còn đang tu tập để tiến đến các địa vị đó thì gọi là HƯỚNG – tức là: hướng Tu-đà-hoàn, hướng Tư-đà-hàm, hướng A-na-hàm và hướng A-la-hán.

4) Hãy nói sự đoạn hoặc khác nhau giữa Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và Ala-hán.

Khi đoạn trừ hết mọi kiến hoặc của ba cõi thì hành giả chứng được quả Tu-đàhoàn. Khi đoạn trừ thêm được sáu phẩm tư hoặc trước (của toàn chín phẩm) của cõi Dục thì hành giả chứng được quả Tư-đà-hàm. Khi đoạn trừ thêm ba phẩm sau cùng để hoàn mãn cả chín phẩm tư hoặc của cõi Dục thì hành giả chứng được quả A-na-hàm. Khi đã đoạn trừ sạch cả mọi kiến hoặc và tư hoặc của ba cõi thì hành giả chứng được quả A-la-hán.

5) Hãy giải thích các từ “hậu hữu” và “vô học”.

“Hậu hữu” nghĩa là quả báo kiếp sau, tức là mạng sống ở kiếp sau. Vì đã tạo nghiệp nhân ở kiếp trước nên phải có quả báo (tức thân tâm, hay sinh mạng) ở kiếp sau. “Vô học” nghĩa là không còn phải học. Sau khi đã trải qua một thời gian dài dày công tu học, hành giả chứng đạt quả vị A-la-hán, thoát khỏi ba cõi, chứng nhập niết bàn; lúc đó công phu tu học đã hoàn toàn viên mãn, không còn phải học gì nữa, nên gọi là “vô học”.

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 16, 17 và 18

1. Theo Phật giáo, người xuất gia thọ giới cụ túc nên xưng là “tì kheo”, không nên xưng là “tăng”; bởi vì, “tăng” là tiếng gọi tắt của tiếng “tăng già”, có nghĩa là chúng, hay hòa hợp, đó là từ xưng hô dùng cho đoàn thể, với điều kiện: Phải có từ ba người trở lên, và phải thực hành đầy đủ sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp, mới được xưng là tăng. Nhưng về sau, đối với một vị tì kheo, thường thường người ta cũng xưng là tăng. Điều đó chỉ có thể coi là thói quen, chứ không thể được coi là hợp lí. Chẳng hạn, tiền nhân có câu thơ: “Động-đình ba tống nhất tăng lai” (sóng hồ Động-đình đưa một vị tăng đến), về phương diện nghệ thuật viết văn thì câu này đương nhiên phải dùng chữ “nhất tăng” mới đúng cách (bởi vì, câu trên là một câu thơ bảy chữ –trong một bài thơ luật 8 câu, mỗi câu 7 chữ– nếu thay chữ “tăng” bằng chữ “tì kheo” thì dư một chữ, sai luật – HC); nhưng xét theo Phật học thì phải nói là “nhất tì kheo”, bởi vì chưa đủ số ba người(1).

2. Cư sĩ tại gia đầu còn để tóc, mặc quần áo thế tục, tu giới định tuệ của đại thừa, xưng là tăng Bồ-tát, điều đó xuất phát từ bộ luận Đại Trí Độ (quyển 34), quyết không thể bác bỏ mà cho là vô căn cứ. Nhưng thử nghĩ, nếu tăng tại gia quả thực không khác với Tăng Bảo, cũng có thể qui y cho nguời khác, thì từ xưa đến nay, ở những nơi chợ búa bình dân, thật không biết bao nhiêu người được xưng là “tổ”, chẳng biết bao nhiêu người được xưng là “thầy”! Và cứ như tình hình đó thì trong môn đình(2) của Phật giáo đã sớm bị hỗn tạp đến không thể sửa chữa được, làm sao có được cái bộ mặt trong sáng như hôm nay! Cho nên, nếu đề xướng một cách khinh suất và vọng động việc qui y với tăng tại gia, ngoại trừ một số ít những người có dã tâm muốn tạo dựng cơ hội, đối với tiền đồ Phật giáo, có thể nói là trăm phần bất lợi, đâu phải chỉ là vô ích không mà thôi, mà còn có hại nữa.

3. Bốn sự thật khổ, tập, diệt, đạo, nếu cứ nhất định cho là giáo nghĩa của cỗ xe Thanh-văn, không quan hệ gì đến hai cỗ xe Duyên-giác và Bồ-tát, thì thật là sai lầm. Đứng về lưu chuyển môn mà nói, các hành giả của hai cỗ xe Duyên-giác và Bồ-tát, thuở ban đầu còn luân hồi trong sáu nẻo, đều nếm đủ vô lượng khổ đau. Truy tìm nguồn gốc của khổ đau, cũng là do nơi “tập” mà khởi lên. Rồi lại đứng về hoàn diệt môn mà nói, tuy là tu tập mười hai nhân duyên và sáu pháp qua bờ, nhưng không thể bảo những pháp môn đó không phải là “đạo”. Lại có một câu hỏi: “Mục đích của việc tu đạo là gì?” Câu trả lời đương nhiên vẫn là “chứng quả niết bàn”; và chữ “niết bàn” được dịch nghĩa là “diệt độ”. Xem như thế thì bốn thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, sự thật là chân lí chung của cả ba cỗ xe, chứ chẳng phải riêng gì của cỗ xe Thanh-văn. Các hành giả khi nghiên cứu Phật học, nên biết trong cái đồng nhất vẫn có cái khác biệt, và trong cái khác biệt vẫn có cái đồng nhất, mỗi pháp đều vừa tròn đầy (viên) mà vừa thông suốt lẫn nhau (thông). Nếu thấy rõ như thế thì sẽ không bị chết kẹt trong vòng chữ nghĩa.

4. Người Trung-quốc phần nhiều có căn khí đại thừa. Điều đó có chứng cứ ở giáo sử hơn một ngàn năm, chứ không phải là lời nói khoe khoang không bằng cứ. Nhưng cái gọi là “nhiều” đó, chỉ là căn cứ vào kết quả của sự so sánh với các khu vực khác mà nói, rốt cuộc thì “nhiều” hoàn toàn không phải là “đều khắp”. Theo tôi thấy, trong số Phật giáo đồ ở trong nước, ngoại trừ một số ít người có căn cơ cao, có trí tuệ lớn, đầy đủ khí độ và kiến giải của bậc đại thừa, còn thì đại đa số đều là khí độ tiểu thừa, không đủ trình độ để cùng đàm luận về ý nghĩa cao xa của đại thừa. Độ cho người căn cơ cao thì dùng pháp môn lớn, độ cho người căn cơ thấp thì dùng pháp môn nhỏ; như thế là có sự phù hợp giữa cái căn cơ có đủ và cái pháp môn cần tu, nhất định là có ích. Ví dụ như người lớn thì mang giầy lớn, trẻ con thì mang giầy nhỏ, mỗi khi cử động đều thấy thoải mái. Nếu độ cho người căn cơ cao mà dùng lầm pháp môn nhỏ, hoặc độ cho người căn cơ thấp mà dùng lầm pháp môn lớn, như thế là giữa cái căn cơ có đủ và cái pháp môn cần để tu sẽ không phù hợp nhau, nhất định sẽ không có ích. Ví như người lớn mà mang giầy nhỏ, trẻ con mà mang giầy lớn, cử động sẽ thấy khó khăn. Cho nên quí vị hành giả nên tự lượng sức, lấy tâm chân thật mà tu hành, nếu không có căn khí đại thừa thì không nên ham cái tiếng hão, tưởng được danh thơm nhưng hóa ra bị khinh rẻ. Ngoài ra lại còn có một ý nghĩa cực kì quan trọng mà người học Phật không thể không biết: Giáo pháp tiểu thừa chính là cơ sở của Phật pháp. Giả sử, người học Phật có thể xây dựng một ngôi bảo tháp bảy tầng, thì cái tầng cơ sở ở dưới cùng, chính là cái tầng trọng yếu nhất. Nếu bỏ đi cái tầng cơ sở đó thì ngay tức khắc, cả ngôi bảo tháp bảy tầng nhất định phải nghiêng đổ. Đó là lí do trọng đại để quí vị hành giả đại thừa không nên coi thường các giáo nghĩa tiểu thừa.

5. Các nhân sĩ học Phật ở Trung-quốc thường hay khinh thị tiểu thừa. Đó là một tội lớn. Thử nghĩ, quí vị hành giả Thanh-văn thừa, nếu là Tu- đà-hoàn thì đã dứt hết kiến hoặc của ba cõi, có được chánh kiến; chúng ta đã dứt hết kiến hoặc chưa? Đã có được chánh kiến chưa? Nếu là Tư-đà- hàm và A-na-hàm thì đã đoạn sạch tư hoặc của cõi Dục, tất cả những phiền não, thị dục của cõi Dục đều diệt trừ sạch hết, vĩnh viễn xa lìa cõi Dục; chúng ta đã đoạn trừ hết chưa? Đã lìa khỏi cõi Dục chưa? Nếu là A-la-hán thì đã dứt hết kiến tư hoặc của ba cõi, giải thoát tất cả mọi sự trói buộc, vĩnh viễn ra khỏi vòng luân hồi; chúng ta đã dứt sạch hết chưa? Đã ra khỏi ba cõi chưa? Các hành giả Duyên-giác thừa đã phá tan vô minh, dứt lão tử; chúng ta phá được vô minh chưa? Dứt lão tử chưa? Chỉ một sự so sánh đó thôi, cũng có thể thấy rõ, dù chỉ là một sợi lông của các bậc thánh tiểu thừa, chúng ta cũng không nhổ lên được, suốt ngày vọng niệm rối bời, tham si đầy ắp, lại dám khoe khoang mà không biết xấu hổ, tự xưng là “đại thừa”, coi rẻ và không thèm ngó tới giáo lí tiểu thừa, thật đáng thương và cũng đáng chê cười!

6. Nếu hỏi: Chúng sinh trong mười phương đã là không tăng không giảm, vậy thì tại sao gần đây các nơi trên khắp thế giới, dân số đều gia tăng, đó không phải là “tăng” ư? Thì đây là câu trả lời: Vạn pháp do nhân duyên mà sinh khởi, khi hội đủ điều kiện thì pháp sinh; các pháp do nhân duyên mà hoại diệt, khi hội đủ điều kiện thì pháp diệt. Sự sinh diệt của các pháp chỉ là sự quan hệ giữa các điều kiện. Người và vật trên thế giới, cũng giống như hoa cỏ, về mùa xuân, mùa hạ, sức sống tràn đầy thì xanh tốt, về mùa thu, mùa đông, sức sống yếu kém thì héo tàn. Đó là lẽ thường. Thế giới của chúng ta, hiện tại đang ở tiểu kiếp thứ chín trong trung kiếp Trụ, đúng vào mùa hạ là mùa tươi tốt, cho nên người và vật sinh sôi nẩy nở nhiều thêm khắp nơi. Giờ đây, trong vũ trụ có vô số thế giới mà mạng sống đã già nua, đúng vào trung kiếp Hoại, có thể ví như đến mùa thu, mùa đông thì suy tàn, cho nên người và vật phải gặp tình cảnh điêu linh ở khắp mọi nơi, không còn cách gì có thể sống còn. Do đó, sau khi chết ở bên kia thì liền hướng về bên đây của chúng ta mà sinh; sự “tăng” ở đây của chúng ta cũng tức là sự “giảm” ở bên kia. Cho nên, nếu đem số lượng tăng giảm của hai bên mà tính toán thì thêm một người cũng không phải là nhiều thêm, mà giảm một người cũng không phải là ít đi. Các thế giới trong không trung nhiều vô số, nên thống hợp tất cả số lượng chúng sinh có trong sáu đường mà tính toán thì mới là đúng, nếu chỉ lấy một thế giới hay một đường mà xem xét, chúng ta sẽ không thể nào đạt đến một sự giải thích toàn vẹn cho cái số lượng hoặc nhiều hoặc ít kia được.

7. Phật pháp vốn không có gì gọi là “tiểu thừa” hay “đại thừa”. Điều căn bản ở đây chỉ là vấn đề thời gian trước sau mà thôi. Các hành giả cửa Phật, ở buổi đầu đều là tiểu thừa; về sau thì đều là đại thừa. Cái thứ tự trước sau này, có lúc thì chỉ kể cho đời này, có lúc thì phải bao gồm cả đời trước hoặc nhiều đời trước nữa. Như các vị đệ tử của đức Thế Tôn, ban đầu đều là Thanh-văn, nhưng đến pháp hội Pháp Hoa thì đều được thọ kí thành Phật. Sự việc đó không chỉ là tiểu thừa biến thành đại thừa, mà dứt khoát hoàn toàn là “nhất Phật thừa” vậy. Trong thế gian, chỉ có hạng người cố chấp và có cái nhìn hạn hẹp mới tranh luận về chuyện tiểu thừa và đại thừa. Nếu thấy rõ: Tiểu thừa chỉ là bước quá độ của đại thừa, và đại thừa chỉ là bước tiến hóa của tiểu thừa, cả hai thừa đó đều phải cùng nằm trên trình tự tu học của người học Phật, thì còn có gì đáng để tranh luận!

8. Một pháp mà chưa đạt đến cái tình trạng cuối cùng thì vẫn còn có sự tiến bộ; đã có sự tiến bộ thì không phải là cứu cánh. Cho nên, phàm là pháp cứu cánh thì không có gì gọi là “tiến bộ” để có thể nói đến. Khoa học luôn luôn có bước tiến bộ, cho nên không phải là pháp cứu cánh; Phật pháp đã đạt đến tình trạng không còn gì để tiến bộ, cho nên đó là pháp cứu cánh. Khoa học không cứu cánh, tự bản thân nó vẫn còn ở trong trình trạng điều chỉnh, biến hóa, đương nhiên là không thể làm tiêu chuẩn để chứng minh cho Phật pháp cứu cánh. Người đời phần nhiều hâm mộ, sùng bái khoa học, lại chê bai, khinh thường Phật pháp. Theo tôi thấy, trong tương lai, cái sẽ đem tai hại to lớn đến cho nhân loại thế giới, chắc chắn là khoa học; và cái sẽ cứu vớt được nhân loại thế giới, chắc chắn chỉ có Phật pháp. Cục diện đó đang ngày càng sáng tỏ. Cái thấy của người ta trên thế giới thật là điên đảo: Những cái đáng lẽ nên ghét bỏ thì lại đề xướng, hoan nghinh; những cái nên bồi đắp, phát huy, thì lại khinh thường, xua đuổi. Chung qui đó cũng chỉ vì nghiệp chướng nặng nề của chúng sinh; đành chịu thôi, đâu còn lời gì để nói nữa!

CHÚ THÍCH (của người dịch)

1. Trong phụ chú số 2 của bài 16 ở trước, chúng tôi đã nói về chữ “TĂNG”, ở đây xin thêm vài điều bổ túc. “Tăng” là tiếng nói tắt của từ “tăng-già”; ý nghĩa chủ yếu của nó là số đông (chúng) và hòa hợp; vì vậy mới có các danh từ “hòa hợp chúng”, “hòa hợp tăng”, hoặc “hải chúng” (tăng chúng hòa hợp như nước biển chỉ có một vị mặn). Đầu mối của “Tăng” bắt nguồn từ năm vị tì kheo nhóm Kiều Trần Như, được đức Phật hóa độ trong lần chuyển pháp luân đầu tiên tại vườn Lộc-dã sau ngày Ngài thành đạo. Vậy, “TĂNG” là một trong Ba Viên Ngọc Quí (Phật, Pháp, Tăng), chỉ cho những người tin nhận và phụng hành giáo pháp của đức Phật, cạo tóc, xuất gia, tu tập đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, nhằm đạt được một đời sống giải thoát, chứng nhập các quả vị thánh trong Phật pháp. “Tăng” cũng chỉ rộng cho tất cả các đoàn thể (chúng) tin nhận Phật pháp, tu hành theo con đường giác ngộ của Phật. Như vậy, theo ý nghĩa nguyên thỉ, danh xưng “tăng” dùng để chỉ chung cho tì kheo và tì kheo ni; nhưng về sau, trong truyền thống Phật giáo Bắc-truyền ở các nước như Trung-quốc, Việt-nam, Nhật-bản v.v…, tì kheo thì gọi là “TĂNG” (nếu kể luôn sa di thì tì kheo gọi là “ĐẠI TĂNG”, sa di gọi là “TIỂU TĂNG”); còn tì kheo ni thì gọi là “NI” (nếu kể luôn thức xoa ma na và sa di ni thì tì kheo ni gọi là “ĐẠI NI”, thức xoa ma na và sa di ni thì gọi là “TIỂU NI”); – hợp tăng và ni lại, gọi chung là “TĂNG NI”. Ngoài ra, trong Phật điển cũng có nhiều danh từ liên quan đến “tăng”: Danh từ “nhị chúng” (hay “nhị bộ chúng”) dùng để chỉ cho hai chúng tì kheo và tì kheo ni. Danh từ “tứ chúng” dùng để chỉ cho bốn chúng tì kheo, tì kheo ni, sa di, và sa di ni – trường hợp này, chúng thức xoa ma na không được kể như một chúng chính thức, nhưng được gộp chung vào chúng sa di ni. Danh từ “thất chúng” dùng để chỉ cho bảy chúng tì kheo, tì kheo ni, thức xoa ma na, sa di, sa di ni, ưu bà tắc, và ưu bà di. Danh từ “cửu chúng” dùng để chỉ cho bảy chúng trên, cộng thêm hai chúng: cận trụ nam (nam cư sĩ tu bát quan trai giới 24 giờ đồng hồ) và cận trụ nữ (nữ cư sĩ tu bát quan trai giới 24 giờ đồng hồ) –nhưng có lẽ hợp lí hơn, theo chúng tôi, hai chúng “cận trụ nam” và “cận trụ nữ” cũng chỉ là cư sĩ nam và cư sĩ nữ; vì vậy, nếu cần thành lập “cửu chúng”, nên thay hai chúng cận trụ nam và cận trụ nữ bằng hai chúng “bồ tát xuất gia” và “bồ tát tại gia”.– Danh từ “tứ phương tăng” dùng để chỉ cho tất cả các vị tì kheo và tì kheo ni ở khắp bốn phương. Chư tì kheo và tì kheo ni thường trụ trong giáo đoàn thì gọi là “hiện tiền tăng”. Hiện tiền tăng thì phải gồm bốn vị trở lên mới được phép cử hành các pháp yết ma. Theo luật định, khi hiện tiền tăng tập hợp đủ số bốn vị, thì được cử hành tất cả các pháp yết ma như pháp, ngoại trừ ba việc: tự tứ, thọ đại giới và xuất tội; nếu tập hợp đủ số năm vị thì được cử hành tất cả các pháp yết ma như pháp, ngoại trừ hai việc: thọ đại giới và xuất tội; nếu tập hợp đủ số hai mươi vị thì được cử hành tất cả các pháp yết ma như pháp. TĂNG, trong ý nghĩa “hòa hợp về lí” (tức phụng hành Phật pháp, lấy đạo quả niết bàn tịch tịnh làm mục đích tu tập), thì chỉ một vị cũng xưng được là “tăng”; trong ý nghĩa “hòa hợp về sự” (tức thực hành nếp sống lục hòa), thì phải có tối thiểu là ba vị ở chung mới xưng được là “tăng”; trên phương diện hành sự (tác pháp yết ma), thì phải tập hợp tối thiểu là bốn vị, mới xưng được là “tăng”.

2. Môn đình: Từ “môn đình” được dùng trong thiền môn với nhiều nghĩa: các nơi tòng lâm, đạo tràng của Thiền tông; tông chỉ, tông phong của Thiền tông; pháp phương tiện dùng để dẫn dắt môn đồ ở bước đầu.