GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc
CẤP MỘT
Bài 10
BỐN CẢNH NÚI NỔI TIẾNG ở TRUNG QUỐC (phần 2)
Núi Ngũ-đài ở phía Đông Bắc huyện Ngũ-đài, tỉnh Sơn-tây, năm ngọn sừng sững, cao khỏi mây, trên đỉnh không có cây rừng, trông giống như cái đài xây bằng đất, nên gọi là Ngũ-đài. Đó là đạo tràng của đức Bồ-tát Đại Trí Văn Thù1. Trong núi, vào những ngày hè vẫn có tuyết bay, chẳng có chút khí nóng nào, vì vậy mà nó còn có tên là Thanh-lương. Chu vi của núi rộng năm trăm dặm, dáng giống như hoa sen, bốn hướng có bốn cái đài, mà mạch của chúng đều phát từ cái đài ở chính giữa. Bên trái của núi thì gần với núi Hằng (tức Bắc-nhạc)(1); bên phải có sông Hôđà uốn quanh trước khi chảy về Đông, ngọn ngọn nối liền không dứt, hình thế như rồng lượn. Các chùa lớn, tòng lâm, đều tọa lạc phía dưới đài giữa, chư tăng đều mặc áo xanh, chỉ riêng các sư lạt-ma2 thì mặc áo vàng. Thuở trước, các vương công Mông-cổ, mỗi năm đều đến núi này hành hương cúng dường rất nhiều. Từ đầu Dân-quốc về sau, tuy số người từ Mông-cổ đến ít hơn, nhưng hai chúng tăng và tục ở nội địa, vào mùa hè, vẫn không ngớt nối nhau lên núi hành hương lễ bái.
Núi Nga-mi ở phía Tây huyện Nga-mi, tỉnh Tứ- xuyên. Hai ngọn núi nằm đối nhau như hai hàng lông mày (cho nên có tên như vậy), là đạo tràng của đức Bồ-tát Đại Hạnh Phổ Hiền3. Mạch của núi này đến từ núi Mân, đột khởi thành ba ngọn Đại-nga, Trung-nga và Tiểu-nga nối liền nhau, gọi chung là Tam-nga. Núi Đại-nga chu vi ngàn dặm, hang động chập chùng, khe vực tối tăm hiểm trở. Từ lưng chừng núi, trải bước trên tám mươi bốn tảng đá lớn, rồi theo đường mòn thêm sáu mươi dặm thì đến đỉnh núi. Trong núi có một trăm hai mươi bệ đá, mười hai động lớn, hai mươi tám động nhỏ. Trên đỉnh núi có chùa Quang-tướng, là nơi đức Bồ-tát Phổ Hiền từng thị hiện. Tuy là mùa hè nóng bức, nhưng người lên núi cũng phải mang theo áo ấm. Lên đến nửa núi thì khí trời giống như vào thu, có thể mặc áo kép. Lên đến đỉnh núi thì lạnh như mùa đông, cần phải mặc áo bông. Qua khỏi tháng Mười âm lịch thì tuyết đã lấp kín đường mòn, không thể lên núi được nữa.
Liên Trì đại sư4(2) nói: “Có người bảo: ‘Ba ngọn núi Ngũ-đài, Nga-mi và Phổ-đà sẽ không bị tiêu hủy trong kiếp Hoại5, những người đã lên ba ngọn núi ấy rồi thì có thể tránh khỏi tam tai6.’ Lời nói đó không đúng. Khi tam tai khởi lên thì cả đại thiên7 đều hủy diệt, ba ngọn núi ấy làm sao tồn tại được! Nếu lên núi ấy chắc chắn sẽ tránh khỏi tam tai, vậy những người không thể lên núi ấy mà dù có tu tập được công đức thù thắng, thì cũng vẫn bị đọa lạc ư? Và những dân cư sống chung quanh ba ngọn núi ấy, không tu tập gì cả(3), cũng được giải thoát hết ư? Phải biết rằng, không tham lam sẽ không bị thủy tai; không sân hận sẽ không bị hỏa tai; không si mê sẽ không bị phong tai; cùng với việc đến ba ngọn núi ấy phỏng có quan hệ gì! Hãy nguyện trong mỗi niệm đều được mở sáng cái trí tuệ của đức Văn Thù, thực hiện cái hạnh của đức Phổ Hiền, tỏa rộng tâm từ bi của đức Quán Thế Âm; thế tức là thường xuyên hành hương ba ngọn núi ấy và gần gũi với các đức Bồ-tát. Nếu không đạt được mục đích ấy mà cứ chú trọng vào việc đi chơi xa, phỏng có ích gì!”8
CHÚ THÍCH
1. Cũng xưng là Văn Thù Sư Lợi, hay Mạn Thù Thất Lợi, dịch nghĩa là Diệu Cát Tường. Đức Bô-tát này cùng với đức Bồ-tát Phổ Hiền là hai vị thường hầu hai bên đức Thế Tôn. Vô lượng chư Phật trong quá khứ đều là đệ tử của ngài, mà chư Phật trong đời vị lai cũng do oai thần của ngài mà thành đạt; cho nên có chỗ xưng ngài là “giác mẫu” (mẹ của sự giác ngộ). Trong hàng tì kheo tiểu thừa, đức Xá Lợi Phất được tôn xưng là vị có trí tuệ bậc nhất; trong hàng Bồ-tát đại thừa, đức Văn Thù được tôn xưng là vị có trí tuệ bậc nhất, cho nên hai ngài đặc biệt được kèm thêm chữ “đại trí” trên danh hiệu.
2. Các xứ Mông-cổ, Thanh-hải và Tây-tạng đều xưng các sư là lạt-ma. Lạt-ma giáo có hai phái cũ và mới. Phái cũ mặc áo đỏ, gọi là Hồng giáo; phái mới mặc áo vàng, gọi là Hoàng giáo.
3. Ngài cùng với đức Bồ-tát Văn Thù, là hai vị hầu cận hai bên đức Thế Tôn. Đức Văn Thù cưỡi sư tử, đứng bên trái Phật; đức Phổ Hiền cưỡi voi, đứng bên phải Phật; đó là “Hoa Nghiêm Tam Thánh” (ba vị thánh của pháp hội Hoa Nghiêm). Đức Bồ-tát Phổ Hiền tu tập mười hạnh nguyện rộng lớn, cho nên ngài đặc biệt được kèm thêm chữ “đại hạnh” trên danh hiệu.
4. Ngài là vị tăng đời Minh, ở chùa Vân-thê, tên là Châu Hoằng, cho nên cũng gọi là Vân Thê đại sư.
5. Thế giới từ lúc hình thành đến lúc hoại diệt là một đại kiếp. Ở kiếp Hoại, không có vật gì là không bị hủy diệt.
6. Tam tai có hai loại: lớn và nhỏ. Loại tam tai đề cập đến ở đây là tam tai lớn, tức nước, lửa và gió, xảy ra khi thế giới sắp bị hủy diệt. Thế giới khi qua khỏi trung kiếp Trụ thì vào trung kiếp Hoại – gồm hai mươi tiểu kiếp; mười chín tiểu kiếp đầu thì hủy diệt tất cả các loài hữu tình ở thế gian, tiểu kiếp cuối cùng sẽ hủy diệt tất cả các loại vô tình ở thế gian. Lửa sẽ hủy hoại từ dưới địa ngục Vô-gián lên đến cõi trời Sơ-thiền; nước sẽ hủy diệt từ dưới địa ngục Vô-gián lên đến cõi trời Nhị-thiền; gió sẽ hủy diệt từ dưới địa ngục Vô-gián lên đến cõi trời Tam-thiền. Từ cõi trời Tứ-thiền trở lên thì không bị nạn tam tai.
7. Bốn châu, chín núi, tám biển hợp lại làm thành một “tiểu thế giới”. Hợp một ngàn tiểu thế giới lại thành một “tiểu thiên thế giới”. Hợp một ngàn tiểu thiên thế giới lại thành một “trung thiên thế giới”. Hợp một ngàn trung thiên thế giới lại thành một “đại thiên thế giới”. Như vậy, một đại thiên thế giới bao hàm có ba bội số “một ngàn”, cho nên cũng gọi là “tam thiên đại thiên thế giới” – hay gọi tắt là “đại thiên thế giới”.
8. Xin xem sách Liên Trì Đại Sư Tập.
PHỤ CHÚ
1. Hằng sơn là một trong năm ngọn núi danh tiếng của Trung-quốc, gọi là Ngũ-nhạc, gồm có: Tung sơn (Trung nhạc, tỉnh Hà-nam), Thái sơn (Đông nhạc, tỉnh Sơn-đông), Hoa sơn (Tây nhạc, tỉnh Thiểmtây), Hành sơn (Nam nhạc, tỉnh Hồ-nam) và Hằng sơn (Bắc nhạc, tỉnh Hà-bắc).
2. Liên Trì đại sư (1532-1612) họ Thẩm, pháp danh Châu Hoằng, tự Phật Tuệ, hiệu Liên Trì, người Hàng-châu, sống vào thời nhà Minh (1368-1661). Lúc nhỏ theo Nho học, mười bảy tuổi đã nổi tiếng khắp trường huyện về học lực lẫn hạnh kiểm; nhưng vì chịu ảnh hưởng của hàng xóm, nên tâm ngài đã sớm hướng về Phật pháp, bèn viết bốn chữ “SINH TỬ SỰ ĐẠI” để nơi bàn sách, để cảnh giác mình. Vào tuổi trung niên, ngài quay hẳn về Phật giáo. Sau khi song thân đều mất, ngài bỏ nhà đi xuất gia – lúc đó đã ngoài ba mươi tuổi. Sau khi thọ giới cụ túc với đại sư Vô Trần, ngài dốc chí vân du bốn phương để tham cầu học đạo. Năm Long-khánh thứ năm (1571) đời vua Minh Mục- tông (1567-1572), ngài vào núi Vânthê ở Hàng-châu, ẩn cư trong một ngôi chùa bỏ hoang. Từ đó ngài chuyên trì pháp môn “niệm Phật tam muội”, giáo hóa quanh vùng; đồ chúng ngày càng đông, nơi đó bèn trở thành một ngôi tòng lâm. Tuy chuyên tu “Tịnh-độ”, nhưng ngài cũng hô hào “Thiền Tịnh song tu”. Đạo phong của ngài cao vọi, rất nhiều các sĩ phu đương thời đã được ngài giáo hóa. Năm Vạn-lịch thứ bốn mươi (1612) đời vua Minh Thần-tông (1573-1620), ngài thị tịch, thế thọ 81 tuổi. Người đời xưng ngài là Vân Thê hòa thượng, hoặc Liên Trì đại sư. Trước tác của ngài có Vãng Sinh Tập, Lăng Nghiêm Kinh Mạc Tượng Kí, Du Già Diệm Khẩu Pháp, Giới Sát Phóng Sinh Văn, Thiền Quan Sách Tấn, A Di Đà Kinh Sớ Sao, Hoa Nghiêm Kinh Cảm Ứng Lược Kí, v…
3. Từ “ngu phu” (trong nguyên tác chữ Hán của bài học) thường dùng để chỉ cho người bình dân thiếu học thức, chưa được khai hóa, trí óc kém mở mang; ở đây nó có nghĩa là những người chưa hề biết tu tập theo Phật pháp.
BÀI TẬP
1) Hãy nói về nguyên do đặt tên cho núi Ngũ-đài. Núi ấy là đạo tràng của vị Bồ-tát nào?
Núi này có năm ngọn cao sừng sững, trên đỉnh không có cây rừng, trông giống như năm cái đài cao; một đài ở trung ương và bốn đài ở bốn hướng. Do đó mà núi được gọi tên là “Ngũ-đài”. Núi này là đạo tràng của đức Bồ-tát Đại Trí Văn Thù.
2) Hãy nói về nguyên do đặt tên cho núi Nga-mi. Núi ấy là đạo tràng của vị Bồ-tát nào?
Núi này có hai ngọn nằm đối nhau như hai hàng lông mày, cho nên được gọi là “Nga-mi”. Đó là đạo tràng của đức Bồ-tát Đại Hạnh Phổ Hiền.
3) Liên Trì đại sư là người thời nào? Pháp danh của ngài là gì? Ngài cư ngụ ở chùa nào?
Liên Trì đại sư là người thời nhà Minh, pháp danh là Châu Hoằng, cư ngụ ở chùa Vân-thê.
4) Đại tam tai là gì? Mỗi tai nạn ấy hủy hoại từ nơi nào đến nơi nào?
Đại tam tai là ba tai nạn lớn làm hủy diệt cả thế giới trong kiếp Hoại; đó là nạn nước, nạn lửa và nạn gió. Nạn nước sẽ hủy diệt thế giới từ dưới địa ngục Vô-gián lên đến cõi trời Sơ-thiền. Nạn lửa sẽ hủy diệt thế giới từ dưới địa ngục Vô-gián lên đến cõi trời Nhị-thiền. Nạn gió sẽ hủy diệt thế giới từ dưới địa ngục Vô-gián lên đến cõi trời Tam-thiền.
5) Đại thiên thế giới là gì?
Đại thiên thế giới là tiếng gọi tắt của “tam thiên đại thiên thế giới”. Hợp bốn châu, chín núi, tám biển, làm thành một tiểu thế giới. Hợp một ngàn tiểu thế giới thành một tiểu thiên thế giới. Hợp một ngàn tiểu thiên thế giới thành một trung thiên thế giới. Hợp một ngàn trung thiên thế giới thành một đại thiên thế giới.