Thâm Ý Qua Hình Tượng Phật Và Bồ Tát
Mục Lục
- 1. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni
- 2. Tượng Phật A Di Đà
- 3. Tượng Đức Di Lặc
- 4. Bồ Tát Quán Thế Âm
- 5. Bồ Tát Đại Thế Chí
- 6. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi
- 7. Bồ Tát Phổ Hiền
- 8. Bồ Tát Địa Tạng
TỰA
Thờ Phật và Bồ-tát là cốt tỏ lòng nhớ ơn, cung kính và học đòi theo hạnh nguyện của các Ngài. Bởi vì chư Phật đã trải vô số kiếp cần khổ tu hành và đã biết bao nhiêu lần hy sinh thân mạng để mưu cầu sự an vui lợi ích cho chúng sanh. Chư Bồ-tát cũng thực hành theo hạnh nguyện của chư Phật, nhưng chưa được viên mãn. Cho nên, các Ngài đã phát đại nguyện lăn xả vào cuộc đời khổ đau ô trược này để cứu độ chúng sanh. Mỗi vị đều đầy đủ tất cả công hạnh như nhau, song tuy sở nhân tu hành từ vô lượng kiếp của mỗi vị mà có hiển bày ưu liệt khác nhau. Chúng ta họa, tạc, tô tượng các Ngài để thờ, là vì ngưỡng mộ hạnh nguyện cao cả của các Ngài và tỏ lòng tri ân, kính mến tâm vị tha không bờ bến của các Ngài.
Nhưng, gần đây có nhiều Phật tử thờ tượng Phật, Bồ-tát mà không đúng ý nghĩa nói trên. Họ thờ Phật, Bồ-tát với tính cách nhờ sự có mặt của các Ngài ở trong nhà để bọn ma quỷ tinh quái sợ oai không dám đến phá phách. Hoặc họ thờ Phật, Bồ-tát để nhờ sự ban ân cho gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Hoặc họ thờ theo cổ lệ ông bà để lại, mà không biết ý nghĩa gì. Do đó, Phật, Bồ-tát đã mất tư cách bậc thầy sáng suốt của người dẫn đường chúng sanh, mà trở thành vị thần linh có đủ uy thế ban phúc giáng họa.
Bởi thấy những sai lầm ấy, tôi không ngại chỗ nghiên cứu chưa thấu đáo, sự hiểu biết còn nông cạn, cũng cố gắng viết thành tập sách này. Mong rằng tập sách nhỏ này đóng góp được một chút trong công cuộc xiển dương chánh pháp. Tập sách này chỉ phác họa sơ qua tiểu sử hoặc tiền thân, hạnh nguyện, biểu tượng và thâm ý của mỗi tượng Phật, Bồ-tát. Trong đây, tôi nhắm vào những vị Phật, Bồ-tát được hàng Phật tử kính thờ nhiều nhất để giải thích, ngoài ra còn nhiều vị nữa, chưa đề cập đến. Chờ tập sách này ra đời, nếu được sự ủng hộ nồng nhiệt của các Phật tử và sự chỉ bảo thêm của các bậc cao minh, chúng tôi sẽ cố gắng viết tập thứ hai bàn đến tượng những vị Bồ-tát có thờ ở chùa, nhưng ít được các Phật tử biết đến.
Kính ghi,
THÍCH THANH TỪ
Pháp Lạc Thất, đầu mùa hạ PL. 2511 (27-5-1967)
DẪN KHỞI
Bất cứ một tôn giáo nào phần nghi lễ thờ phụng vẫn được coi là phần thiêng liêng quan trọng. Nhờ hình thức ấy gây cho tín đồ thêm vững niềm tin và thánh hóa tâm hồn họ trong những khi hành lễ. Nhưng, riêng về Phật giáo về mặt thờ phụng, chúng ta thấy mỗi chùa của mỗi Tông phái đều có lối thờ phụng khác nhau, nhất là giữa Nam tông và Bắc tông.
Nam tông Phật giáo trong chùa thờ Phật, chỉ thờ duy nhất một đức Phật Thích Ca. Ngoài ra, có thờ các vị La-hán đều là những vị đệ tử tôn túc của đức Phật Thích Ca. Tượng đức Phật Thích Ca, tạc hình lúc Ngài đang tu khổ hạnh trong khổ hạnh lâm, thân thể gầy ốm chỉ còn da bọc xương; hoặc tạc hình lúc Ngài thành đạo ngồi dưới cội cây Bồ-đề; hoặc khi Ngài nhập Niết-bàn thân nằm ngay thẳng nghiêng bên hữu dưới cội cây Ta-la song thọ. Những hình tượng ấy đều căn cứ vào lịch sử đức Phật Thích Ca, với hình thức người Ấn Độ rõ ràng.
Bắc tông Phật giáo trong chùa không những thờ đức Phật Thích Ca, mà còn thờ Phật Di Đà, Phật Di Lặc (là Phật tương lai), Phật Đại Nhật, Phật Dược Sư… Ngoài ra, còn thờ các vị Bồ-tát như: Bồ-tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng…; các vị La-hán như: Thập lục La-hán, hay Thập bát La-hán, Ông Tiêu, Ông Hộ, Ông Thiện, Ông Ác… Những hình tượng này đa số có tính cách siêu thực, những vị Phật, Bồ-tát không có trong lịch sử ở thế giới chúng ta.
Sự thờ phụng dị biệt đó, là kết quả của hai quan niệm khác nhau.
Nam tông Phật giáo quan niệm hiện thân đức Phật Thích Ca là một con người, như bao nhiêu con người khác, cũng già, cũng bệnh, cũng chết… Đức Phật chỉ khác con người ở chỗ giác ngộ chân lý, cổi được vòng sanh tử luân hồi, tự tại giải thoát không còn tái sanh đời sau. Ngoài đức Phật Thích Ca Mâu Ni do hoàng tử Sĩ- đạt-ta, người Ấn Độ xuất gia tu hành thành đạo, không còn vị Phật nào khác, ngoại trừ bảy đức Phật tiếp nối ra đời trên thế giới này. Quan niệm ấy là y cứ bốn bộ kinh Nikaya.
Bắc tông Phật giáo quan niệm hiện thân đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ là sự thị hiện, là một hóa thân. Nếu có già, bệnh, chết…, chẳng qua Ngài thị hiện cho giống người đời để hóa độ họ, kỳ thật Pháp thân Ngài là như như bất động, không sanh không diệt. Bởi thị hiện nên không nơi nào xứ nào mà chẳng có Phật, hiện thân người Ấn Độ chỉ là một giai đoạn trong muôn triệu giai đoạn, một hóa thân trong muôn triệu hóa thân. Cho nên, Bắc tông Phật giáo không thấy đức Phật Thích Ca thật là người Ấn Độ, mà là người của tất cả chúng sanh, tùy người nước nào tưởng nhớ Ngài thì Ngài hóa thân người nước ấy để giáo hóa. Ngoài đức Phật Thích Ca còn có vô số đức Phật ở nhiều cõi khác, hiện thời cũng tùy duyên hóa độ chúng sanh như đức Phật Thích Ca. Chư Phật hỗ tương hóa độ nên hỗ tương giới thiệu công hạnh, thệ nguyện của nhau cho chúng sanh cõi mình biết, tùy sở thích của họ phát nguyện tu hành để được sanh vào cõi Phật nào cũng quý. Đến chư Bồ-tát cũng thế, chẳng phải chỉ riêng ở cõi này, mà ở khắp các cõi trong mười phương, thường tùy tùng chư Phật trợ lực giáo hóa chúng sanh, mỗi vị có mỗi công hạnh, thệ nguyện đặc biệt riêng. Quan niệm này xuất xứ từ trong các bộ kinh Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Bảo Tích, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm…
Nhận xét qua hai quan niệm trên, những hình thức Phật và La-hán thờ trong chùa Nam tông, chúng ta tìm hiểu chắc không khó lắm, vì có lịch sử rõ ràng. Chỉ những hình tượng Phật, Bồ-tát thờ trong các chùa Bắc tông mới thật khó hiểu, vì thờ với tính cách tượng trưng siêu thực. Giờ đây, chúng ta thử tìm hiểu từng tượng một xem ý nghĩa thế nào?