THÂN TRUNG ẤM LÀ GÌ?

Phương Viên

Mạng sống con người tồn tại trong một hơi thở, chỉ cần hơi thở ra mà không thở vào thì người ấy đã trở thành người thiên cổ. Vấn đề sống và chết là đề tài xưa nay được mọi người quan tâm băn khoăn lo lắng. Vậy làm sao ta biết chết sẽ đi về đâu? và có đời sống như thế nào trong giai đoạn linh thức vừa rời khỏi xác? Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng ta thử xem qua giai đoạn chuyển thức của thân trung ấm là gì?

Thân trung ấm (bardo/ intermediate) còn gọi là trung uẩn hay trung hữu. Ấm hay uẩn tức là chỉ ngũ ấm hay ngũ uẩn, là năm yếu tố sắc thọ tưởng hành thức, tổ hợp nên chúng sanh trong tam giới1. Chúng ta có thể hiểu nôm na là sự sống sau khi chết, trước khi thần thức của con người đi tái sinh vào nơi mà mình có thể khế hiệp với nghiệp của mình trong sáu cõi2.

Thân trung ấm nếu có phước báo thì lấy hương thơm làm thức ăn để bồi dưỡng, còn thân trung ấm không có phước báo thì lấy mùi xú uế làm thức ăn.

Thân trung ấm không có xác thịt mà chỉ lấy tư tưởng làm thân. Thân trung ấm đều có thần thông, nó có thể trông thấy những gì mà mắt thường của chúng ta không nhìn thấy được.

Thân trung ấm kéo dài bao lâu trước  khi đi tái sinh?

Có rất nhiều thuyết giải thích khác nhau:

Một người sau khi chết, thần thức của họ thoát ra khỏi xác và sẽ trụ lại ở thế giới trung gian này một thời gian có thể là một ngày, ba ngày, bốn ngày, bảy ngày, hai mươi mốt ngày, có khi đến bốn mươi chín ngày; sau đó thân trung ấm sẽ tìm một nơi thích hợp với nghiệp lực của mình mà tái sinh.

Theo Đại Tỳ Bà Sa Luận:

“Người mất trong khoảng bốn mươi chín ngày là thân trung ấm”.

Vì trong thời gian ở lại với cõi Trung ấm này, thần thức của họ vẫn còn tính con người, họ đã về nhà và cũng muốn sinh hoạt với mọi người trong gia đình, thế nhưng những điều họ muốn không ai có thể đáp lại lời mong cầu của họ. Mãi đến khi họ muốn hiện hình trong tấm gương hay nắm lấy một vật gì thì giờ đây họ biết mình không còn tồn tại ở thế gian này nữa.

Trong thời gian này, thân trung ấm nếu chưa tìm thấy được nơi mình tái sinh thì nó sẽ chết đi và sống lại sau bảy ngày, sau đó thần thức sẽ chuyển qua một thân trung ấm khác, chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại cho tới khi thần thức đi tái sinh.

Giờ đây đối với họ chỉ là bản tình ca du dương trong cuộc đời, họ hồi tưởng lại những việc thiện, việc ác của mình đã làm. Nếu vong linh đã từng tạo các phước đức, tu tập tâm linh thì có những cảm giác an lành, thanh thản và sẽ dễ tìm đường tái sinh cõi lành. Ngược lại, vong linh sinh thời từng làm việc ác, sống một đời sống bỏn xẻn, gây tội ngũ nghịch3,… thì luôn bị hình ảnh khổ đau, sợ hãi và sẽ tái sinh vào ba đường ác4.

Thân trung ấm có thể thay đổi nơi thọ sinh hay không?

Phàm còn là chúng sanh trong cõi dục, cõi sắc, tạo nghiệp thiện hay nghiệp ác, sau khi chết được siêu thoát hay trầm luân, các chúng sanh ấy đều phải trải qua giai đoạn thân trung ấm. Khi nhân duyên chín muồi thì lập tức nó sẽ dùng phương thức đầu thai hay hóa sinh để xác định nơi mà nó sẽ sinh vào.

Tuy nhiên không phải ai cũng trải qua giai đoạn thân trung ấm cả: như một số người tu tập chứng ngộ hay sống một đời sống phạm hạnh, lợi lạc, và những người thường huỷ báng Tam bảo có tâm tà kiến thì sau khi mạng chung họ lập tức tái sinh vào đúng nghiệp lực của mình. Căn cứ vào Đại Thừa Nghĩa Chương quyển 8 nói:

“Chúng sanh trong cõi dục, cõi sắc đều có thân trung ấm; chỉ có chúng sinh bậc thượng thiện, sau khi chết lập tức vãng sanh về Tịnh độ hay cõi lành, và hạng cực ác đọa thẳng vào địa ngục hay ngạ quỉ, là không có thân trung ấm. Theo nghiệp cảm nói, chỉ có chúng sinh hạng cực ác, tạo tội ngũ nghịch mới không có thân trung ấm.”

Khi Phật còn tại thế, có một vị thầy Tỳ kheo đắc Tứ thiền5 sinh tâm tăng thượng mạn cho rằng mình đã đắc quả A-la-hán nên không tinh tiến tu hành nữa. Đến lúc lâm chung, vị ấy thấy thân trung ấm trong Tứ thiền liền phát sinh tà kiến “không có Niết bàn, Phật đã dối gạt ta.” Vì khởi ác kiến sai lầm như vậy nên khi mất, thân trung ấm trong Tứ thiền liền hiện  thân trung ấm trong địa ngục A tỳ.

(Trích trong cuốn Tây Phương Hiệp Luận – Thích Trí Thông dịch tr.134).

Vậy trong khoảng thời gian sau khi vong linh vừa lâm chung,  hàng thân bằng quyến thuộc cần phải biết làm các việc thiện như: bố thí, phóng sanh, tạo tượng… nhằm trợ duyên cho vong linh được sinh về cảnh giới an lạc. Hay dùng Phật pháp để cứu độ thân trung ấm qua những lời kinh tiếng kệ của chư Tăng, đó là triệu thỉnh thân trung ấm đến nghe pháp, hóa giải oán kết, tiêu trừ phiền não, vãng sinh tịnh độ. Nếu như thân bằng quyến thuộc còn mang lòng oán hận, làm các việc ác như giết trâu bò, heo,… để cúng tế vong linh hay với mục đích khoái khẩu cho bản thân như đãi đằng yến tiệc thì việc đó không giúp ích gì cho vong linh mà còn gieo thêm nghiệp lực vào họ nữa.

Cho nên các Phật sự như thiết trai cúng dường Tam bảo, tạo phước bố thí để cầu nguyện chư Phật gia hộ nhằm siêu độ vong linh trong bốn mươi chín ngày đã được truyền lại cho đến ngày nay, trở thành một hình thái đặc thù trong tín ngưỡng Phật giáo.

PV.

  1. Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.
  2. Trời, Người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh.
  3. Giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp Tăng.
  4. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
  5. Là trạng thái xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, không khổ không lạc, xả niệm  thanh tịnh. (Trung Bộ II)

Thân Trung Ấm Là Gì?

Hoà thượng THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trung ấm cũng gọi là trung uẩn , hay trung hữư . Sách Phật gọi ấm hay uẩn là chỉ sắc , thọ , tưởng , hành , thức ( 5 uẩn ) . Năm uẩn hay năm ấm là năm nhóm nguyên tố tạo thành chúng sinh trong ba cõi .Ấm là từ dịch cũ , từ đời Đường trở về trước . Uẩn là từ dịch mới sau đời Đường . Chúng sinh trong ba cõi cũng gọi là 25 hữu . Hữư ( tồn tại ) chính là năm uẩn . Vì bị năm uẩn làm cho nguy khốn , hạn chế nên không vượt khỏi ba cõi . Giải thoát khỏi vòng sinh tử tức là vượt khỏi ba cõi của năm uẩn .

Trong dân gian Trung quốc có câu ” Vượt ra khỏi ba cõi , không còn ở trong năm hành ” . Câu này đổi khái niệm năm uẩn của Phật giáo thành năm hành : Kim , Mộc , Thuỷ , Hoả , Thổ ( Ngũ hành ) . Thật ra Ngũ hành tương sinh , tương khắc thuộc về thế giớii vật chất ( tương sinh và xung khắc nhau ) . Sắc uẩn trong năm uẩn của Phật giáo bao quát cả năm hành rồi . Bốn uẩn còn lại thuộc thế giới tinh thần . Sự kết hợp tinh thần với vật chất tạo ra hiện tượng hoạt động của chúng sinh trong ba cõi .

Theo luận ” Câu xá ” , quyển 10 thì thân trung ấm chữ Phạn có năm nghĩa : ý sinh thân , cầu sinh , ăn hương liệu , trung hữu , sinh khởi .

Ý sinh thân là do tâm ý cầu cho có tái sinh thân . Cầu sinh là thường xuyên tìm kiếm nơi có thể tái sinh . Ăn hương liệu là tự duy trì mình nuôi sống mình bằng các món ăn thơm tho mình ưa thích . Trung hữu là vào thời gian quá độ giữa chết và tái sinh . Sinh khởi là xuất hiện sau khi thân đời sống trước chết đi .

Thân trung ấm có phúc báo tốt thì được ăn loại hương liệu tốt . Thân trung ấm ” vô phúc ” thì phải tự nuôi dưỡng bằng thức ăn hôi thối . Nói chung , thân trung ấm thấy được những sự vật mà mắt thịt của người sống không thấy được .

Về thân trung ấm tồn tại bao lâu thì có nhiều thuyết khác nhau . Có thuyết nói thân trung ấm tồn tại cho tới khi nào tái sinh , dù lâu bao nhiêu cũng gọi là thân trung ấm . Có thuyết nói thân trung ấm chỉ tồn tại có bẩy ngày , chết rồi mang một thân trung ấm khác ,cho đến khi tái sinh rồi mới thôi .

Thuyết được nhiều người chấp nhận nhất là thuyết của ” Đại tỳ bà sa luận ” , cho rằng thân trung ấm chỉ tồn tại trong 49 ngày . Vì vậy mà có tục lệ làm Phật sự như cúng trai , bố thí , làm công đức để siêu độ vong linh trong thời gian 49 ngày sau tang lễ . Cúng vong linh 49 ngày trở thành một truyền thống tín ngưỡng Phật giáo .

Thực ra , chúng sinh trong ba cõi sau khi chết đều trải qua một thời kỳ thân trung ấm , trước khi tái sinh vào một thân khác . Chỉ có chúng sinh ở cõi vô sắc giới thường xuyên ở trong cảnh Thiền định , không có sắc uẩn , nên không có thân trung ấm . Theo Kinh ” Đại Bảo tích ” quyển 56 ( Hội nhập thai tạng ) , thì thân trung ấm của chúng sinh từ địa ngục có dung mạo xấu xí như củi khô bị thiêu cháy . Thân trung ấm của chúng sinh chuyển từ giới quỷ đói có dung sắc như nước , thân trung ấm của chúng sinh cõi người và cõi Trời có dung sắc màu vàng , thân trung ấm của chúng sinh chuyển từ cõi sắc giới có màu trắng đẹp . Do vậy , hình trạng của thân trung ấm có thể có hai tay , hai chân , bốn chân , nhiều chân hay không có chân đều do hình tướng của chúng sinh ở đời trước mà hình thành . Luận ” Câu xá ” , quyển 9 cho biết , thân trung ấm của người thuộc dục giới có thân như cậu bé 5 , 6 tuổi , thân trung ấm của vị Bồ tát ở cõi dục giới có thân như thân của người tráng niên với tướng mạo đẹp đẽ , khi nhập thai và sinh ra đều có hào quang chiếu sáng . Thân trung ấm của cõi Trời thuộc sắc giới có thân hình tròn đầy như khi còn sống . Theo ” Đại thừa Nghĩa Chương ” , quyển 8 , chúng sinh ở hai cõi dục giới và sắc giới nói chung đều có thân trung ấm . Chỉ riêng loại chúng sinh thượng thiện ( thiện bậc cao ) hay chúng sinh cực ác , sau khi chết hoặc vãng sing Tịnh độ , hay là chết hoá sinh làm loài trời hoặc sa xuống địa ngục hay làm ngã quỷ thì không có thân trung ấm . Chúng sinh phạm tội ngũ nghịch bị đoạ ngay cõi ác , không có thân trung ấm .

Lại theo cuốn ” Giải thích các mối nghi ngờ về vãng sinh Tịnh độ ” quyển 2 , cũng có hai cách giải thích : Một là vãng sinh Tịnh độ không có thân trung ấm vì sau khi chết lập tức hoá sinh trong hoa sen rồi . Một thuyết khác nói , chúng sinh từ cõi ô trọc nhơ bẩn , sinh vào một cõi thanh tịnh nên có thân trung ấm . Nhưng thân trung ấm đó vượt mười vạn ức Phật độ , chỉ trong thời gian búng ngón tay ,và thân trung ấm đó được nuôi dưỡng bằng hương thơm cõi Phật .

Như vậy , căn cứ vào kinh luận đã dẫn trên đây , tất cả chúng sinh ở cõi dục giới và sắc giới , ngoài những chúng sinh cực thiện hoặc cực ác ra , đều có thân trung ấm . Trong giai đoạn thân trung ấm , chúng không thuộc bất cứ một cõi sống nào . Nhưng khi đã có nhân duyên chín muồi thì chúng tái sinh , hoặc theo hình thức thai sinh hay hoá sinh v.v…

Nhưng trước khi tái sinh vẫn có phương pháp giúp cho có thể tái sinh theo hướng tốt . Các phương pháp đó là được nghe Phật pháp , có người thân vì mình mà bố thí , cúng dường , làm công đức v.v…có thể làm ảnh tới hưởng đầu sinh của thân trung ấm . Ngược lại , nếu gây oán hoặc nghiệp chướng nặng nề , lại do tác động xấu của người thân hay kẻ thù thân trung ấm có thể vì đó mà đoạ vào đường ác . Vì vậy , mà Phật giáo ở Tây tạng rất chú ý biện pháp siêu độ thân trung ấm . Hiển giáo cũng chú trọng hộ niệm và siêu độ trong vòng 49 ngày . Còn Phật giáo cứu độ thân trung ấm thì nên mời thân trung ấm nghe Phật pháp , rũ bỏ mọi oan kết trong tâm của thân trung ấm giảm bớt phiền não , lấy sức mạnh Phật pháp khiến cho quỷ thần có duyên được hoan hỷ v.v…Nhờ tất cả những công đức ấy mà kết thiện duyên ,giúp cho thân trung ấm được siêu độ .

Còn đối với những người thượng thiện hoặc cực ác không có thân trung ấm thì cũng dễ hiểu . Cũng như người học giỏi , tốt nghiệp xong , cử đi học nước ngoài ngay hoặc là có cơ quan , xí nhiệp mời ra làm việc ngay , không phải chờ đợi thu xếp công tác . Trái lại , có người sống làm nhiều điều ác , lúc chết , tái sinh làm gia súc , làm bò , làm gà , dê rồi nhất định sẽ bị giết thịt . Nếu tích đức làm thiện , có niềm tin sâu sắc , có sức phát nguyện kiên cường thì nhất định không phải lo sợ đoạ vào ba cõi mà có thể vãng sinh Tịnh độ hay ở cõi Sa Bà , thì khi lâm chung , không có chuyện bàng hoàng chờ đợi mà lập tức hoá sinh ở các cõi Phật hay là tái sinh vào các cõi lành để tiếp tục tu hành Bồ -Tát , không cần có thân trung ấm , cũng không cần có ai tổ chức siêu độ cho mình .