LUẬN BÍCH CHI PHẬT NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Mất tên người dịch, nay căn cứ vào bản sao lục của đời Tần
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN THƯỢNG

Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của Quốc vương Ba-la-nại.

Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của Phụ tướng Tô Ma.

Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của Đại thần Nguyệt Ái.

1. Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của Quốc vương Ba-la-nại

Quy mạng Thế Tôn Nhất Thiết Trí
Ngọn đèn lớn soi tỏ ba đời
Quy mạng pháp xuất thế vô thượng
Cùng chư Thánh Hiền Tăng Ứng chân.
Con nghe Bích-chi Phật vắng lặng
Tỏ ngộ chốn hành của nhân duyên
Tâm không tỳ vết, trừ phiền não
Khéo giữ giới cấm thường thanh tịnh.
Ví như trời thu không mây mù
Đạm bạc an vui nơi rừng sâu
Con nay khát ngưỡng công đức ấy
Thành tâm kính thuận sinh tin ưa.
Dù điều con muốn còn hoài nghi
Sức kia thôi thúc khiến con tin
Ai nghe thật hạnh của Khoái Sĩ
Mà chẳng sinh khởi tâm kính tín!
Con nay sẽ nói một phần nhỏ
Công đức diệu hạnh Bích-chi Phật
Những gì ngày trước Thầy truyền thọ
Chỉ thuật nguyên lời không nói ngoa.
Voi mẹ đi trước con theo sau
Do vậy con nay xin diễn bày.

Hỏi: Vì nhân duyên gì mà Bích-chi Phật tịch tĩnh giữ mình, thường sống trong tâm xả, trụ nơi thâm sơn cùng cốc, hay bên bờ sông vắng lặng, tâm hạnh vắng bặt, cũng không nói năng, giống như tê giác chỉ đi một mình?

Lại nữa, Bích-chi Phật có công đức gì?

Đáp: Các vị Tiên đức đều nói như vầy: Xưa, Đức Phật thuyết pháp trong cung điện của cõi trời Ba mươi ba, khi Phật sắp về lại Diêm-phùđề, bấy giờ Đế Thích sai Tỳ Thủ Yết Ma làm ba bậc thềm báu, từ cung trời thẳng đến nước Tăng Thi Sa để Phật về. Lúc Như Lai theo bậc thềm ấy trở về, Thích, Phạm Thiên Vương cùng các quyến thuộc tuôn mưa hoa cúng dường.

Bấy giờ, Tỳ-kheo ni Liên Hoa thấy Phật trở về, liền hóa thân thành Chuyển Luân Thánh Vương, hình dung uy nghiêm, đi trên bậc thềm bằng bảy báu. Mọi người thấy vậy đều sinh nghi cho là việc chưa từng có. Ai nấy đều hỏi: Còn người nào có thần lực vượt hơn Tỳ-kheo ni kia chăng?

Khi ấy, Thế Tôn thấy mọi người nhìn xem ba bậc thềm đó rồi sinh lòng kỳ lạ, lại thấy Tỳ-kheo ni Liên Hoa vận dụng thần biến khiến họ sinh lòng khát ngưỡng, vì muốn tăng trưởng lòng tin cho họ nên Phật bảo khắp mọi người:

Có một vị Bích-chi Phật, thần lực hơn hẳn Tỳ-kheo ni kia, người ấy tên là Thắng Bỉ Khoái Sĩ. Vì sao người ấy có tên như thế? Vì lúc Phật chưa xuất thế, ông ấy sinh trong thế gian, làm lợi ích cho chúng sinh. Ông ấy hiện thân làm người đói rét, xin áo xin cơm, làm ruộng phước cho chúng sinh, trang nghiêm pháp hành, thanh tịnh tịch diệt, điều phục lìa dục, khiến cho chúng sinh, người nào nhìn thấy mình thì tâm ác vĩnh viễn đoạn sạch, vất bỏ dao gậy. Người ấy giống như Tê Giác chỉ đi một mình.
Tôi được nghe các vị Tiên đức từng kể lại: Thời Phật Ca Diếp có một người xuất gia. Trong mười ngàn năm, người đó tu hành phạm hạnh, hộ trì giới cấm, tu hành nhẫn nhục, thường hành tinh tấn. Do tu hành như vậy, nên có rất nhiều Tỳ-kheo đến thân gần. Lúc ấy, các vị Tỳ-kheo kia đều nói:

Thầy phải dạy tôi, chỉ tôi tu tập. Các vị Tỳ-kheo kia đều có tâm tu tập, nhưng do quá đông, sinh ra ồn náo nên không thấu tỏ được chân lý. Đến lúc lâm chung, họ suy nghĩ như vầy: Pháp do Đấng Mười Lực (Phật) diễn nói đều mầu nhiệm sâu xa rất khó được nghe, thế mà ta được nghe, nhưng do phóng dật nên không chứng đắc đạo quả. Ta tuy trì giới thanh tịnh, tu hạnh nhẫn nhục, giáo hóa người khác, nhưng do ồn náo nên tổn hại tâm định, giống như mưa đá làm hại giống tốt, vì vậy khiến ta không chứng đắc đạo quả. Người ấy nói kệ:

Con nay chìm ba cõi
Nơi phiền não nghiệp ác
Giống như voi già yếu
Sa chân trong bùn lầy.
Còn vị Bích-chi Phật
Sống một mình trong rừng
Giống như con Tê giác
Xa lìa mọi bầy đàn.
Muốn tránh ngọn lửa dữ
Cần phải riêng tu hành
Xa lìa nơi ồn ào
Con nguyện thường rời xa
Những đảng chúng náo nhiệt.

Phát thệ nguyện ấy xong, đến lúc mạng chung, vị Tỳ-kheo kia được sinh lên cõi trời hưởng mọi an vui. Khi phước hết, vị Tỳ-kheo ấy mạng chung, thác vào thai của Đệ nhất phu nhân của vua Phạm Ma Đạt trong thành Ba-la-nại, nước Ca-thi. Lúc vị ấy nhập thai, phu nhân cảm thấy cơ thể mình khoan khoái như đóa hoa lay nhẹ trong hồ nước trong xanh. Phu nhân tỉnh dậy, biết mình mang thai. Bà liền dùng kệ tâu với vua:

Thiếp tỉnh biết mang thai
Lòng thanh thản lạ thường
Chắc nhờ chí thai nhi
Nên xá kẻ có tội.
Vua nghe rất vui mừng
Liền đại xá thiên hạ
Bà lại tâu với vua
Nên bố thí dân chúng.
Vua nghe càng hoan hỷ
Liền cho mở kho tàng
Ban phát cho người nghèo
Ai nấy đều no đủ.

Lúc này, phu nhân đã sinh Thái tử. Thái tử có tướng mạo đoan nghiêm, tuấn tú, giống như trăng tròn. Mới tám tuổi, đã tỏ ra người thông minh, nhân từ. Vua cha mất, muôn dân trong nước đều muốn Thái tử kế vị ngay. Phụ tướng Ngôn Thuyết liền đưa Thái tử lên ngôi vương vị. Dù làm vua nhiều năm, nhưng nhờ sức thệ nguyện, Thái tử vẫn nhân từ, lương thiện, không làm các việc ác. Đối với chúng sinh, luôn rất yêu thương. Tuy ở vương cung nhưng vua luôn đặt mình nơi yên tĩnh, dù trú tại cung son, nhưng luôn nghĩ chẳng khác nơi gò mả, tuy ở nơi ồn náo, nhưng vua thường tu Thiền định, nhàm chán sinh tử, tự xét lỗi mình. Vì sự tu tập, ngài muốn bỏ luôn ngôi vua, quần thần can: Nếu ngày nay Đại vương chỉ lo tu hành, không đoái hoài gì đến đất nước, thì muôn kẻ xấu sẽ nổi lên, hủy hoại thuần phong của đất nước. Giống như qua biển, cần phải có người lèo lái con thuyền, nếu không ắt lâm vào cảnh hoạn nạn, và quần thần nói kệ:

Vua nối nghiệp tiên tổ
Xứ sở được như pháp
Mong chăm lo muôn dân
Xin đừng bỏ đất nước.
Nếu dùng chánh pháp trị
Muôn người không lỗi lầm
Nhà vua phải nên biết
Phước hộ quốc hơn hết.

Vua nghe xong, bùi ngùi suy nghĩ, rồi nói kệ:

Nếu ta không lo nước
Nước ta ắt suy vong
Ta hết lòng giữ nước
Kẻ xấu chẳng xâm lăng.
Nếu ta lo việc nước
Chính sự nhiễm tâm ta
Như có người phạm tội
Ắt phải bị gia hình.
Hoặc phải giam giữ họ
Hoặc phải chặt chân tay
Hoặc phải chịu tội chết
Hoặc bị móc mắt ra.
Đời ác trược hiện nay
Phải có luật giết người
Nếu làm việc giết người
Đâu khác Chiên-đà-la!

Nói kệ xong, vua bảo với quần thần thân tín: Các ông cũng biết, những thứ ta ăn không hơn một vị, những thứ ta mặc không hơn một lớp, chỗ ta nằm ngồi, không hơn một thân, từ đó mà xét cần gì tìm cầu cho nhiều mà không thấy đủ. Ngôi vua sở dĩ được tôn quý là vì hễ ban lệnh ra thì ai ai cũng kính cẩn làm theo, chỉ có điều đó là khác hẳn người thường. Vua lại nói với Phụ tướng: Điều ta mong muốn chỉ có một việc này, nay ta giao phó vận nước cho ông, ông phải sợ quả báo đời sau, phải dùng chánh pháp cai trị đất nước. Việc thâu thuế phải dựa đúng pháp chế xưa nay, chớ thâu quá nặng. Và vua nói kệ:

Ta tuy sanh vương cung,
Nối nghiệp của tiên tổ
Nhưng ta chưa từng học,
Việc bắt tội chém giết
Nay ta rất hoảng sợ,
Không thể làm việc này
Ông đừng bắt chước ta,
Hãy chăm lo dân chúng
Người đời đều ngu si,
Tự tạo muôn tội lỗi
Đối với kẻ phạm tội,
Càng sinh sợ hãi hơn
Ông phải dùng chánh pháp
An ủi cho không sợ
Phải dựa vào chánh pháp,
Mà dẫn dắt muôn dân.

Nói kệ xong, vua liền giao đất nước cho Đại thần. Sau khi có được đất nước, chỉ trong hai năm, Đại thần này đã phóng túng vô độ, không thương xót muôn dân. Ông phóng tâm buông ý, ngày lại ngày làm rất nhiều việc phi pháp. Vinh hoa, ngôi vị quá cao làm ông sinh ra ngạo mạn, làm nhiều điều bạo ngược, tổn hại đến muôn dân, cướp đoạt của cải của người giàu có trong thành. Lúc đó, dân chúng trong thành đều can ông không nên làm như thế. Ông nghe những lời trung thực ấy càng nổi sân hận. Ông đùng đùng nổi giận quát: Các ngươi dám phát ngôn những lời ấy ư!

Mọi người thấy vậy hoảng sợ, chẳng còn ai dám nói gì với ông. Từ đó, càng ngày ông càng làm những việc vô đạo, như lửa gặp phải củi khô, ngọn lửa ngày càng dữ dội. ông hoang dâm bạo ngược, trái đạo vua tôi, đến như người vợ của vua, ông cũng muốn cướp lấy. Phu nhân thấy vậy buồn tủi rơi lệ đến thưa với vua. Bà uất ức nghẹn ngào, nói không thành lời, khó khăn lắm mới kể được hết đầu đuôi cho vua nghe. Nhà vua nghe xong, liền triệu Đại thần ấy đến và nói: Đến như phi hậu của ta mà ngươi còn không tha, làm việc trái đạo, huống gì là muôn dân. Từ nay về sau, ngươi chớ làm những điều vô đạo ấy nữa!

Phụ tướng kia thấy vua đã ghét mình, muôn dân trong nước cũng chán ghét, ông ta liền bỏ nước trốn sang nước khác, dẫn vua và binh lính nước này về tấn công nhà vua. Nhà vua cùng các vị Phụ tướng, cận thần dẫn binh ra đón đánh, phá tan giặc phản, bắt sống vị Đại thần kia. Các vị cận thần tâu với nhà vua:

– Kẻ đó giết hại nhà vua. Bèn dẫn đến tùy vua xử lý. Lúc ấy vua thấy Đại thần kia, nét mặt biến sắc tướng trạng sợ sệt, xấu hổ. Vua nói:

Lạ thay! Việc sống chết! Vua liền nói kệ:

Ngu si che tâm trí,
Chẳng biết khổ lớn sau
Chỉ vì chút lợi nhỏ,
Nay phải chịu xấu hổ
Như trong thức ăn ngon,
Gồm đủ các hương vị
Trong ấy có thuốc độc,
Kẻ ngu chẳng xem kỹ
Ham ngon nên ăn vào,
Ăn xong thì thành bệnh.

Vua nói với các Phụ tướng, đại thần: Tội lỗi kẻ ấy đương nhiên là quá nặng, nhưng theo ý ta, ta không muốn bắt tội. Nhà vua nói kệ:

Ai nấy đều tham sống,
Nay ta xá tội cho
Đừng nên giết kẻ khác,
Sẽ cảm thấy an lạc
Kẻ phạm tội quá nặng,
Ta nên sinh lòng từ
Họ tự chuốc tội lỗi,
Ta nên xót thương họ
Nếu như giết kẻ kia,
Tự hủy lòng nhân từ.

Các vị Đại thần đều tâu: Hôm nay chúng thần dù trái lệnh vua, cũng phải giết chết kẻ này, không thể dung tha hắn. Nói rồi, họ rút kiếm chém người ấy ngay trước mặt nhà vua. Nhà vua thấy vậy càng sinh tâm nhàm chán. Nhìn cảnh tượng trước mắt, nhà vua thấy rõ tâm tu hạnh nhẫn nhục của mình trong quá khứ. Ngay lúc ấy, bỗng nhiên nhà vua chứng đạo quả Bích-chi Phật, chẳng khác nào hoa Ưu-bát-la nở rộ. Nhà vua liền bay bổng lên hư không, tất cả quần thần chắp tay chiêm ngưỡng.

Bích-chi Phật nhàm chán sinh tử, chứng được đạo quả diễn ra như vậy.

Quốc vương Ba-la-nại nói: Những gì ngày nay ta có, đều do phước báo trì giới. Nhà vua nói kệ:

Ta tuy đeo anh lạc,
Nhưng tâm tu Phạm hạnh
Giữ mình điều phục căn,
Đạm bạc thường tịch tĩnh
Với tất cả mọi người,
Đều vất mọi dao gậy
Ta một mình tu hành,
Như Tê giác đi riêng.

Nói kệ xong, vua cạo tóc xuất gia. Bấy giờ, Tịnh Cư thiên liền dâng ca sa. Nhà vua nương hư không, bay thẳng vào Tuyết sơn. Trong núi có vị Bích-chi Phật hỏi nhà vua:

– Ông ở ngôi vua, nhàm chán việc gì mà tỏ ngộ Đạo quả này?

Nhà vua liền nói kệ trên để trả lời.

Do vậy, vì những người không thể tu hạnh nhẫn nhục, nên Như Lai nói Nhân duyên nhẫn nhục, vì những người ưa gần nơi ồn náo, nên Như Lai nói Nhân duyên không nên ưa gần nơi ồn náo; vì những người muốn hiểu công đức của Bích-chi Phật, nên Như Lai nói về Nhân duyên của Bích-chi Phật. Phật đã diễn nói Nhân duyên Bích-chi Phật này ở Thiện pháp đường cho chư Thiên nghe. Tại cõi trời Ba mươi ba, Phật đã làm cho chư Thiên sinh tâm nhàm chán việc ác, nên diễn nói Nhân duyên Bíchchi Phật này. Ở thành Tỳ-xá-ly, Đức Phật diễn nói việc xả thân nhập Niết-bàn. Hiện nay, nơi ấy vẫn còn một Bảo tháp tên là Ưu-đà-da.

2. Phụ tướng Tô Ma chứng ngộ quả Bích-chi Phật

Kiên trì giữ giới không phá hạnh
Những người có trí được giải thoát
Chẳng học người khác, chẳng phiền ai
Một mình bước đi như Tê giác.

Tôi từng được các vi Tiên đức kể cho nghe: Thời Đức Phật Ca Diếp, có một vị Tỳ-kheo trong mười ngàn năm, tu hành phạm hạnh, tọa thiền được sức nhẫn nhục, tu trì giới cấm, xa nơi ồn ào, hành hạnh Đầu đà. Lúc mạng chung, Tỳ-kheo này sinh lên cõi trời, hưởng thọ năm thứ dục lạc. Tuổi thọ cõi trời hết, Tỳ-kheo ấy thác trong thai của phu phân Phụ tướng Đề Bà ở thành Bà-kiều-đa. Bấy giờ, Phu nhân nói kệ thưa với chồng:

Nay thiếp mang thai
Lòng rất thanh thản
Chắc người có phước
Đến làm con ta.

Từ đó phu nhân thường sinh lòng thương xót người khác. Bà lại nói với chồng: Thiếp ngày nay đã dứt tâm phóng túng, đã không còn ham muốn, giống như ngọn núi lớn Ma-lê có thể làm dứt sóng cuồng trong biển, lòng ham muốn của thiếp ngày nay cũng giống như vậy. Thiếp nay sợ nói dối, nên thường nghĩ đến lời thật, chẳng khác nào người lương thiện sợ đánh mất đi công đức của mình, thiếp nay cẩn thận, sợ hãi cũng giống như thế. Thiếp nay thấy rượu như thấy thuốc độc, sợ tài sản người khác như sợ lửa dữ. Do vậy, từ nay thiếp sẽ xa lìa những việc xấu ác, đó đều là nhờ phước đức của đứa con mà thiếp đang mang thai. Thiếp xin lấy việc xả bỏ dâm dục làm niềm vui cho chính mình.

Khi ấy, Phụ tướng Đề Bà nói với vợ: Nay ta sẽ để cho nàng được tự tại tu hành năm giới.

Từ đó, phu nhân phát tâm tu hành, làm rất nhiều việc thiện. Đủ mười tháng, phu nhân hạ sinh một bé trai, ông bà đặt tên con là Tô Ma.

Tô Ma ngày một lớn khôn. Tất cả kinh luận, cùng sáu mươi bốn thứ kỹ nghệ đều tinh thông. Tướng mạo tuấn tú, đoan nghiêm chẳng khác trăng tròn, thường làm cha mẹ rất vừa lòng, mãn nguyện. Thấm thoát, Tô ma đã đến tuổi trưởng thành. Một hôm, cha Tô Ma thưa với Quốc vương, rằng mình đã già yếu, xin vua cho nghỉ làm quan để được tu hành, tích phước cho đời sau.

Quốc vương đáp: Ta nay không cản trở việc ông tu hành, nhưng ông phải đem con ông là Tô Ma giữ chức vị của ông, gánh vác công việc của ông để ông tu hành.

Phụ tướng nghe xong vô cùng vui mừng. Thế rồi, Quốc vương sai Tô Ma làm Phụ tướng, ban thưởng phong tước càng hơn cha mình. Giống như Đại thần Ngưu Vương ngày xưa, Tô Ma cũng là người hay được tất cả người nữ yêu mến. Bấy giờ, phu nhân của Quốc vương say đắm Tô Ma. Bà nói với Tô ma:

– Nếu khanh chiều theo ý ta, ta có thể làm cho muôn dân trong nước và cả Quốc vương đều theo khanh, hơn nữa ta không để khanh thiệt thòi sẽ cung phụng không khác Quốc vương. Khi đó, Tô Ma kiên quyết chối từ, chẳng hề khiếp sợ, dùng kệ đáp:

Hãy nghe tôi nói,
Xin đừng oán trách
Tôi nghe lời này,
Như con ngựa gầy
Sa vào vũng bùn,
Chẳng ngoi lên được
Như ngựa vào trận,
Không tiến lên nổi
Tôi thấy vợ người,
Tình không đắm nhiễm
Chẳng nổi ham muốn,
Như sen ban đêm
Tôi thường kính người,
Như kính mẹ mình
Huống gì phu nhân.
Tôi rất kính trọng
Tâm tôi kiên trì,
Kính thờ, tôn quý
Giữ đạo bề tôi,
Không thể trái nghịch
Hơn nữa trong tôi,
Lúc tình phát khởi
Hễ thấy phụ nữ,
Tự nhiên tiêu tan
Dòng nước dữ kia,
Có nhiều sóng cuồng
Tôi như nước thu,
Tự nhiên trong sạch.
Bấy giờ phu nhân.
Tâm tự nhủ thầm
Nếu gã bỏ ta.
Xem thường ý ta
Ta sẽ không tha,
Mà gièm pha gã
Rồi bà thưa vua:
Phụ tướng Tô Ma
Thường dấy tâm tà
Muốn làm nhục ta.

Khi đó, Quốc vương nghi hoặc, muốn làm rõ việc này là thật hay giả. Hôm ấy, Tô Ma đi ra vườn, thấy hai con bò mang ách cày bừa, trông rất cực nhọc. Tô Ma thấy vậy sinh tâm nhàm chán việc ác.

Quốc vương vốn tin những lời gièm pha của phu nhân, nên hôm ấy sai người đến giết Tô Ma. Lúc này, Tô Ma cảm thấy thân mình như bị một mũi tên bắn vào tận xương, liền suy nghĩ: Lúc con người giàu sang, muôn cái đẹp mình yêu thích đều có ngay trước mắt, như thuốc độc trộn lẫn trong thức ăn có muôn mùi muôn vị, nếu ăn vào ắt sẽ mất mạng, như người tham mùi vị của năm thứ dục. Ví như ngôi nhà bằng vàng bị lửa thiêu cháy, con người mê đắm sắc, ắt bị sắc dục làm hại, đến lúc mạng chung thân tâm bấn loạn. Rồi Tô ma tự an ủi mình và suy nghĩ: Ta giữ tịnh giới không hề khuyết phạm, ta giữ giới chẳng khác Trâu mao yêu mến đuôi mình. Ta giữ giới cấm, giống như người nghèo được kho báu, cần phải ra công giữ gìn, và nói kệ:

Đường ác đầy chông gai.
Ta đã qua được rồi
Ta gặp việc nguy khốn,
Giữ giới mà chẳng phạm.
Giống như nước thủy triều,
Không vượt quá kỳ hạn
Ta nay giữ gìn giới,
Việc ấy cũng như thế.

Bấy giờ, chư Thiên và các Thiện thần thấy phụ tướng lập thệ nguyện như vậy, ai nấy đều vui mừng. Lúc đó, quỷ ác liền nhập vào phu nhân, phu nhân phát điên. Trước mặt Quốc vương phu nhân bị quỷ nhập, nói kệ:

Tôi nay tự phá hoại,
Thân tôi phải chịu chết
Người kia vốn lương thiện
Xin đừng làm tổn thương.
Tôi là kẻ ngu si
Miệng thổi núi Tu-di
Núi chẳng hề dao động
Người kia không hạnh uế
Chỉ do tôi phỉ báng.

Khi đó, Phụ tướng Tô Ma đang ở trong vườn tư duy nhàm chán việc ác và chứng quả Bích-chi Phật, bèn bay bổng lên hư không, râu tóc tự rụng. Tịnh Cư Thiên liền dâng Ca sa. Lúc nầy mọi người khuyên thỉnh ngài đừng bỏ họ mà lên cõi Trời Bích-chi Phật. Phải dùng bài kệ trên trả lời họ, rồi bay thẳng vào Tuyết sơn. Tại đây, Phụ tướng Tô Ma gặp một vị Bích-chi Phật, Ngài cũng đem sự việc này kể lại cho Bíchchi Phật kia nghe.

3. Nhân duyên chứng ngộ quả Bích-chi Phật của Đại thần Nguyệt Ái

Thủy triều không quá hạn
Trâu Mao chết vì đuôi
Như trăng, tánh vốn lạnh
Không thể biến thành nóng.
Người điều phục các căn
Giữ giới cấm cũng vậy
Đó là đi một mình
Chẳng hề khác Tê giác.
Các Đại Sư ngày xưa
Lần lượt truyền trao nhau
Con nghe từ Tiên đức
Nay muốn xin diễn bày.

Vào thời quá khứ, có vị Bích-chi Phật tên là Nguyệt Ái đến nước Bà-già-bà nơi Phật Ca Diếp ở, trồng các căn lành, tu trì giới cấm, thường dùng trí tuệ quán chiếu các ấm thấy đều vô thường, nhưng vẫn chưa chứng đắc đạo quả Sa-môn. Người này mạng chung, sinh lên cõi trời, nhờ sức công đức tu tập ấy nên được hưởng những thú vui trên trời. Tuổi thọ cõi trời hết, người ấy sinh xuống nhân gian, thác sinh vào nhà một Đại Trưởng giả trong nước Chiêm-bà, Vừa mới sinh ra, ngài đã lanh lợi, thường lấy giới luật để tự sửa mình, hạnh lành của ngài vượt hơn các bậc lão túc, nhưng ngài không tự phụ, không đố kỵ, hiềm nghi. Nếu có tiền của, đều đem phân phát cho người nghèo, bao nhiêu của cải ngài đều đem chia cho mọi người, bản thân mình lấy giới làm chuỗi anh lạc để tự trang nghiêm. Sau khi cha mất, ngài quản lý gia nghiệp. Muôn dân trong thành thấy ngài cao thượng, họ đều kính tín như bậc trưởng thượng. Đến tuổi trưởng thành, ngài khôi ngô tuấn tú, hết thảy phụ nữ ai thấy cũng yêu thương. Những khách lái buôn thấy ngài thật thà, đều đến kết bạn.

Bấy giờ có một lái buôn từ phương bắc đem rất nhiều ngựa tốt đến nước Chiêm-bà. Quốc vương Chiêm-bà bỏ tiền mua hết. Quốc vương bạo ngược, chẳng theo chánh pháp, ông tự nghĩ: Tại sao ta không trả giá trước rồi hãy mua! Rồi vua họp đám nịnh thần lại, bàn bạc việc này. Nịnh thần tâu vua: Nếu phải trả tiền thì quốc khố hết sạch. Vua nói: Nếu ta lấy ngựa mà không trả tiền thì tiếng xấu của ta sẽ lan truyền khắp thiên hạ, hết thảy thần dân trong nước sẽ oán ghét ta, mà khách buôn khắp nơi cũng sẽ không đến đây buôn bán. Đám nịnh thần lại tâu: Nay xin tính kế cho nhà vua, chúng ta không cần trả tiền mà vẫn lấy được ngựa, đồng thời tiếng xấu không lọt ra ngoài, muôn dân cũng không oán ghét. Nay trong nước ta có Đại thần Nguyệt Ái là người ai nấy đều tin tưởng kính trọng, nếu đám lái buôn tới, nhà vua chỉ cần nói, ta đã sai Nguyệt Ái đem tiền đến trả các ông rồi. Gã lái buôn kia có vạn con ngựa, trị giá vạn đồng vàng, nếu nhà vua nói Đại thần Nguyệt Ái đã trả tiền rồi, thì muôn dân trong nước đương nhiên cũng sẽ sanh nghi, có thể họ nghi ngờ nhà vua, cũng có thể họ nghi ngờ Nguyệt Ái. Như vậy tiếng xấu của nhà vua đâu có lan xa, mà dân chúng làm sao oán ghét vua được.

Những người buôn ngựa đến vua đòi tiền để còn về nước. Nhà vua đáp: Ta đã sai Đại thần Nguyệt Ái giao tiền cho các ông rồi kia mà, sao lại còn đến đòi nữa! Các người lái buôn đều tâu với vua: Đại thần Nguyệt Ái có đến, nhưng không phải đến giao tiền, ông ấy là người thật thà đáng tin, thà bỏ thân mạng chứ không bao giờ chịu nói dối là đã trả tiền cho chúng tôi, và người buôn ngựa nói kệ:

Giả sử trăng phun lửa
Mặt trời thành giá băng
Cát bụi thành dầu mỡ
Khuấy nước lã thành tô (váng sữa).
Trong lửa sinh hoa sen
Muốn khiến Nguyệt Ái kia
Làm dối trá, nói dối
Trọn không bao giờ có.

Những người lái buôn lại tâu với nhà vua: Nay giữa thanh thiên bạch nhật, hãy mời Nguyệt Ái đến đối chứng, nếu Đại thần Nguyệt Ái nói đúng như lời nhà vua, rằng đã giao tiền cho tôi, thì tôi không hối hận. Bấy giờ, vua triệu Nguyệt Ái đến và nói: Trước đây không phải là ta đã đưa tiền cho ông, bảo ông hãy giao cho những người buôn ngựa rồi ư? Và nhà vua nháy mắt có ý bảo ngài nói có, và dọa: Nếu ngươi không theo ý ta thì ngươi phải chết.

Lúc đó, Đại thần Nguyệt Ái suy nghĩ: Nay ta nói thật hay phải làm theo lời vua? Và Ngài nghĩ tiếp: Nay ta giữ pháp thân hay giữ nhục thân? Và Ngài quyết định: Thà bỏ thân này chứ không chịu bỏ giới cấm, pháp thân, rồi Ngài nói kệ:

Tôi nay tự suy nghĩ
Ở trong hai thân này
Nên xả bỏ thân nào
Tôi lại quán xét kỹ.
Thà bỏ thân ô uế
Trọn không bỏ giới luật
Nếu phải bỏ Pháp thân
Tiếng xấu sẽ truyền khắp
Tôi nay nếu làm lành
Ắt được người giúp đỡ
Còn như tôi làm ác
Trong lòng ắt ăn năn
Tâm chẳng được an vui
Bỏ thân ô uế rồi
Tất sẽ đọa địa ngục
Tự phá hủy giới hạnh
Trọn chẳng được an lạc
Chỉ vì ham một thân
Mà bỏ vô lượng hình
Nếu giữ gìn giới cấm
Vô lượng thân an lạc
Do vậy tôi cần phải,
Giữ gìn cho Pháp thân
Đừng để bị hủy hoại
Vì lợi ích chánh pháp
Phải dứt nói dối ngay.

Đại thần Nguyệt Ái tâu vua: Xin vua khai ân, mong đừng giận tôi, tôi thật không nhớ đã nhận tiền lúc nào.

Nhà vua đùng đùng nổi giận, vỗ kiếm thét: Sao lại không có! Đại thần Nguyệt Ái chẳng hề run sợ, Ngài tự suy nghĩ:

Thà chết vì Thánh pháp
Chẳng sống kẻ ngu si
Tất cả được sinh ra
Có ai mà chẳng chết
Nếu nay ta chịu chết
Vì pháp mà tan thân
Nhất định sinh cõi Trời
Cần gì phải hoảng sợ.

Và Ngài trả lời nhà vua: Ngày nay, giả sử nhà vua chặt bửa thân tôi thành muôn ngàn mảnh nhỏ, tôi cũng không bao giờ xả bỏ giới cấm. Tôi nay sống trong đạo Tiên Thánh, nếu dùng lưỡi này nói dối, thì đó không phải là việc nên làm. Nếu nay tôi vì nhà vua mà nói dối, sau này sẽ đọa địa ngục, không nơi nương tựa.

Nhà vua nghe vậy xấu hổ, tâm sân hận dâng cao, ông trừng mắt nhìn Nguyệt Ái, cơn giận bốc lên như lửa dữ. Lúc này, Đại thần Nguyệt Ái thấy tâm mình rất hoan hỷ, đây chính là lúc mình sinh được định ý, là lúc mình nắm giữ được pháp, cần gì phải tìm kiếm đâu xa. Hôm nay nhà vua đã nói pháp cho mình nghe, khiến mình xả thân vì pháp, nay nhà vua quả là Thiện trí thức của ta. Suy nghĩ đến đây, Nguyệt Ái tỏ ngộ, chứng đắc quả vị Bích-chi Phật. Ngài bay bổng lên không, khiến cho người phá giới sinh tâm hổ thẹn, khiến người tu nghiệp thiện tăng trưởng tín hạnh. Do nói lời chân thật, nên hiện ra quả thật, từ trong không trung, râu tóc của Ngài tự rụng. Bấy giờ Tịnh Cư Thiên dâng pháp phục Ca sa. Ngài bay thẳng vào Hương Sơn cùng nhóm họp với các vị Bích-chi Phật khác và nói lại bài kệ trên.

Trang: 1 2