NGƯỜI CÀY RUỘNG
Thích Trung Định
Người xuất gia đích thực thì không khác gì người cày ruộng, gieo trồng, bón phân để thu hoạch thốc lúa. Cũng như người nông phu mỗi năm phải làm ruộng, nếu năm nào bỏ bê không chăm lo đến mùa màng thì người nông phu sẽ bị nghèo nàn đói thiếu. Hàng xuất gia nếu không có những ngày tháng cùng sinh hoạt cộng trú để sách tấn lẫn nhau, không cày xới ruộng tâm, ươm mầm tuệ giác, tấn tu đạo nghiệp thì làm sao có điều kiện để tạo thành năng lực hòa hợp và kiểm chứng giá trị thanh tịnh? Thành ra, người xuất gia tu hành được ví như người cày ruộng đích thực. Tâm là mảnh ruộng phước điền lớn nhất, nếu ai biết cày xới mảnh vườn tâm, biết vun trồng, nuôi dưỡng, đào luyện đúng cách thì sẻ ra hoa kết trái Bồ đề, quả vị giác ngộ, giải thoát.
Khi tâm chưa tu tập, ban đầu như một miếng đất hoang cỏ dại mọc đầy dẫy, tâm hồn chất chứacác độc tố tham dục, sân hận và si mê. Khi tâm chưa tu thì đầy dẫy phiền não, lậu hoặc. Tâm chưa tu thì luôn bị năm triền cái: tham dục, sân hận, thùy miên, trạo hối và hoài nghi, chi phối. Tâm chưa tu thì bị trói buộc bởi năm thượng phần kiết sử (hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử, vô minh) và năm hạ phần kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục và sân). Nếu để các thứ phiền não, lậu hoặc và kiết sử sinh sôi nảy nở thì tâm trở nên ô nhiễm, bị trói buộc, bị vẩn đục, như vậy chắc chắn chúng ta sẽ mãi mãi trầm luân trong đau khổ luân hồi.
Thành ra, cần phải được tu tập tâm, đào luyện tâm. Vì tâm là nguồn cội của hạnh phúc và khổ đau. Pháp Cú Kinh dạy: “Tâm làm chủ, tâm tạo tác, nếu với tâm nhiễm ô, nói năng hay hành động khổ não sẻ theo sau, và với tâm thanh tịnh, thì an lạc sẽ theo sau như xa chân vật kéo.” Do đó, tâm cần phải chế ngự, tu tập, như mảnh ruộng cần phải cày xới, nhổ cỏ, bón phân để cho lúa mạ ngày một thêm tươi tốt. Tâm được tu tập theo các pháp chơn chánh sẽ nhổ sạch các phiền não, lậu hoặc, kiết sử, đưa đến quả vị hạnh phúc, an lạc đích thực. Do vậy, người xuất gia đúng nghĩa, không khác gì một bác nông phu đang ngày đêm cần mẫn cày cấy ruộng vườn của mình.
“Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Magadha, tại núi Dakkhinàgini, trong một làng Bà-la-môn tên Ekanàlà. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Kasibhàradvàja có khoảng năm trăm lưỡi cày sẵn sàng, vì là thời gieo mạ. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến chỗ Bà-la-môn Kasibhàradvàja đang làm việc. Lúc bấy giờ Bà-la-môn Kasibhàradvàja đang phân phát đồ ăn. Rồi Thế Tôn đi đến chỗ phân phát đồ ăn, sau khi đến, Ngài đứng một bên, Bà-la-môn Kasibhàradvàja thấy Thế Tôn đang đứng một bên để khất thực, liền nói với Thế Tôn:
– Này Sa-môn, ta cày và ta gieo, sau khi cày, sau khi gieo, ta ăn. Và Sa-môn, hãy cày và gieo. Sau khi cày và gieo, hãy ăn!
– Này Bà-la-môn, Ta cũng cày và cũng gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn.
– Nhưng chúng tôi không thấy cái ách, hay cái cày, hay lưỡi cày, hay gậy thúc trâu bò, hay các con bò đực của Tôn giả Gotama. Vậy mà Tôn giả Gotama nói: “Này Bà-la-môn, Ta có cày và Ta có gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn “.
Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja nói lên với Thế Tôn:
Người tự nhận Người cày, vậy hãy trả lời chúng tôi, cày của ngươi đâu, người cày như thế nào?
Đức Thế Tôn trả lời: Này Bà La Môn, “Lòng tin là hột giống, Khổ hạnh là cơn mưa, Trí tuệ đối với Ta, Là ách và lưỡi cày, Xấu hổ là cán cày, Ý là sợi dây buộc, Và niệm đối với Ta, Là lưỡi cày, gậy thúc.”
“Với thân khéo phòng hộ, Với lời khéo phòng hộ, Với món ăn trong bụng, Biết tiết độ, chế ngự, Ta tác thành chơn thực, Để cắt dọn cỏ rác, Sự giải thoát của Ta Thật hiền lành nhu thuận.”
Với tinh cần tinh tấn, Ta gánh chịu trách nhiệm, Ta tự mình đem lại, An ổn khỏi khổ ách.
Như vậy, Ta đi tới, Không trở ngại thối lui, Chỗ nào Ta đi tới, Chỗ ấy không sầu muộn.”
“Cày bừa là như vậy, Được quả là bất tử, Sau cày bừa như vậy, Mọi khổ được giải thoát…
Sau khi nghe đức Phật diễn giải như vậy, Bà la môn cảm phục đức Phật, rồi phát tâm đem cháo đến cúng cho Thế Tôn, nhưng Ngài không nhận. Bởi Đây không phải là pháp của bậc có chánh kiến…
(Tương Ưng Bộ Kinh, Kinh Bhàradvàja, Người Cày Ruộng (Sn 12), Việt dịch, HT. Thích Minh Châu)
Mục đích cao thượng của đời người là đoạn tận khổ đau, đạt được an lạc, giải thoát niết bàn. Của cải vật chất là một phần của sự sống, nhưng nó không phải là tất cả. Của cải tạo ra đó nhưng chưa chắc chúng ta hưởng hết trọn vẹn, vì nó có thể bị lửa thêu đốt, bị nước cuốn trôi hay bị giặt cướp mất…Cơm gạo là sản phẩm do bác nông phu cày bừa chỉ đáp ứng được vấn đềno cái bụng. Trong khi cuộc đời của con người còn phụ thuộc rất nhiều các vấn đề khác nữa. Cái bụng no, nhưng tâm hồn đói khát thì cũng không có ý nghĩa gì. Cái khổ của một con lừa, con lạc đà chở nặng chưa phải là khổ, cái khổ lớn nhất của đời người chính là không biết chọn đường đi. Thành ra, biết chọn cho mình đường đi đúng đắn, con đường ấy phải thực sự đưa đến an lạcgiải thoát đích thực. ‘Lý tưởng luôn chỉ hướng cho thuyền đời và nở hoa cho cuộc sống’. Muốn được như vậy thì hành giả phải ngày đêm lo cày bừa mảnh ruộng tâm. Người xuất gia thì đầu đêm, cuối đêm phải thường chánh niệm. Không ham mê ngủ nghĩ, nuôi dưỡng xác thân mà quên sứ mệnh tu tập giải thoát. Cần tu tập pháp Thất giác chi và Tứ vô lượng tâm, từ, bi, hỷ, xã. Thường để tâm vào bốn lĩnh vực quán niệm: thân, thọ, tâm, pháp. Phải gieo hạt giống niềm tin, dùng lưỡi cày trí tuệ và năng lực của thiền định để cày xới vun trồng ruộng tâm thì chắc chắn sẽ được quả vị giải thoát, giác ngộ. Không có khổ nào bằng khổ trầm luân, và không vui nào bằng vui niết bàn.