PHÓ PHÁP TẠNG NHÂN DUYÊN TRUYỆN
Đời Nguyên Ngụy – Tam tạng Tây Vực là Kiết-già-dạ cùng Đàm Diệu dịch ra Hán Tạng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 1
Kính lễ vô biên tế
Khứ lai hiện tại Phật
Đẳng không bất động trí
Cứu thế đại bi tôn
Xưa Đức Bạt-già-bà ở trong vô lượng kiếp vì chúng sanh cầu đạo tối thắng, thành tựu các hạnh khổ, khó hành, xả bỏ hết thân, hình, đầu, mắt, tay chân, tuỷ cho đến, vợ con, cung điện, thành ấp, thần dân. Có lúc từ trên núi cao nhảy vào lửa làm cho thân thể tiêu tan. Hoặc có lúc lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, chích máu làm mực viết bài kệ bốn câu cúng dường cầu bậc minh sư bẩm thọ chư Phật. Khởi lòng từ bi thương xót chúng sinh, chuyên tu công đức vạn thiện phát thệ nguyện lớn. Như trong kinh Ngũ Bách Bổn Sinh có rộng nói. Khi bổn học đã đầy đủ, Phật ngồi kiết-già dưới gốc cây Bồ-đề, thành tựu chánh giác. Thiên ma ở cõi trời thứ sáu thấy vậy rất là lo sợ, nghĩ Phật thành đạo ắt sẽ thắng ta. Thế rồi ma thống lãnh mười tám vạn ức quyến thuộc ma, đến thọ vương bảo với Bồ-tát rằng: ông nay hãy mau trở về hoàng cung, nếu không thì ta sẽ nắm chân ông ném ra biển lớn.
Bấy giờ Bồ-tát tâm như sư tử vương không hề lo sợ, bảo với ma vương rằng:
Ba-tuần! Ông từng cúng dường một vị Bích-chi-phật lại thọ tám trai giới. Do phước đức mà được làm thiên vương. Nhưng ta đã ở trong a-tăng-kỳ kiếp tu hành thành tựu những hành khổ khó hành. Khi đại địa không có chút bụi nhỏ như đầu kim nào mà không phải chỗ ta đã tu hành khổ hạnh xưa mà giả sử như hằng hà sa ma chúng cũng không thể khuynh đảo một cộng lông của ta. Tại sao ngươi nay lại có ý muốn quăng ta vào đại dương.
Ma vương lại nói:
Tôi ngày trước cúng dường cho vị Bích-chi-phật mà được làm thiên chủ. Việc này rõ ràng. Nay lời ông nói đó lấy gì làm chứng?
Thế là Bồ-tát chỉ tay xuống đất nói:
Vị thần này biết ta.
Lúc ấy Địa Thần từ đất Kim Cang hiện thân ra, chắp tay thưa thỉnh:
Đúng như lời Bồ-tát dạy. Đất này có ta là thần chủ. Đất này không có chút nhỏ xíu nào như đầu kim mà không phải là bổn hạnh của Bồtát.
Ma vương nghe lời này, điên đảo biến mất. Bồ-tát phá được ma quân thành tựu tối chánh giác. Tam minh tỏ chiếu lục thông chứng đắc tự tại. Đầy đủ tâm đại bi biện tài vô ngại. Phật chứng quả Bồ-đề, thuyết pháp người người đều tín thọ, xướng pháp vi diệu, cứu độ quần sinh. Ví như Kim Cang không có gì làm tan hoại được. Giáo pháp của Như Lai cũng như thế, có thể trừ diệt hết phiền não kiết hoặc của chúng sinh. Như Lai du hóa khắp các quốc độ tụ lạc thành ấp. Đem pháp thanh tịnh diệt trừ hết tà độc, hàng phục ngoại đạo, lập ra pháp tràng tối thắng. Đóng hết cửa ác thú, mở đạo Niết-bàn, hóa duyên xong rồi Phật liền diệt độ, bảo đại đệ tử là Ma-ha Ca-diếp rằng:
Ông nay nên biết ta ở trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, vì chúng sinh mà cần tu khổ hạnh, nhất tâm chuyên cầu vô thượng thắng pháp. Như nguyện ta ngày trước nay đã được đầy đủ. Ca-diếp nên biết ví như mây đen kéo tụ khắp thế giới, mưa cam lồ tuôn xuống làm cho cây cối sinh trưởng. Mưa pháp vô thượng cũng lại như thế, có thể làm cho chúng sinh tăng trưởng thiện căn, do đây mà càng lễ bái cúng dường tán thán cung kính, ủng hộ chư Phật. Nay ta sắp nhập Niết-bàn, đem pháp thâm diệu này phó chúc lại cho ông. Sau này ông nên kính thuận theo lời ta dạy, rộng tuyên lưu bố đừng để đoạn tuyệt.
Ngài Ca-diếp bạch:
Lành thay! Con xin thọ giáo, phụng trì chánh pháp như thế, khiến
cho chúng sinh đời vị lai gặp nhiều lợi ích. Duy nguyện Đức Như Lai chớ lo lắng.
Thế là sau khi Như Lai diệt độ rồi ngài Ma-ha Ca-diếp lần lượt tuyên nói chánh pháp, kiết tập pháp tạng Phật mà giáo hóa chúng sinh, làm cho chúng sinh thối chuyển không còn thối chuyển.
Ngài Ca-diếp là bực trí huệ uyên bác sâu xa, tiếng tăm vang dội đầy đủ công đưc. Nay cũng nên tuỳ thuận nói hạnh nguyện của Ngài.
Trong đời quá khứ lâu xa có Phật Tỳ-bà-thi, sau khi giáo hóa chúng sinh xong rồi Ngài liền nhập Niết-bàn. Bốn bộ đệ tử đều sinh tâm buồn thương lưu luyến, thu lấy xá-lợi xây tháp bảy báu cúng dường, thật là trang nghiêm vi diệu tốt đẹp. Bấy giờ trong tháp có tượng của Như Lai, mặt kim sắc có chút hư hoại. Khi đó có một cô gái nghèo đi xin ăn được một viên kim châu trong lòng rất vui mừng, ý muốn đem tu bổ lại tượng Phật. Ngài Ca-diếp khi đó làm thợ bạc, cô gái liền đem hột châu tới xin tu tạo. Khi đó người thợ bạc nghe người này muốn làm phước, hoan hỷ làm theo lời cô gái, xong xuôi lại phát nguyện rằng:
Nguyện cho hai chúng con sinh ra thường làm vợ chồng được thân chân kim sắc hằng thọ thắng lạc. Vì nhân duyên này trải qua chín mươi mốt kiếp được thân kim sắc, sinh trong trời người, được hưởng khoái lạc vô tận. Cuối cùng sinh vào tầng trời thứ bảy.
Khi ấy ở nước Ma-kiệt-đà có vị Bà-la-môn tên là Ni-câu-luật-đà ở trong đời quá khứ ông lâu xa tu tập thắng nghiệp. Đây là bực bác học đa tài trí huệ sâu xa về sản nghiệp lại giàu có của cải vô lượng. Nào kim, ngân, lưu-ly, ngọc bích cho đến trâu, dê, ruộng, vừơn, nhà cửa, tôi tớ, xe cộ, so với vua Ma-kiệt thì thù thắng hơn cả vạn lần. Khi đó Bìnhsa Vương khí cụ cày cấy bằng vàng có cả ngàn cái. Vị Bà-la-môn kia sợ mắc tội với vua, nên sắm ít hơn một cái, chỉ có chín trăm chín mươi chín cái. Nhà ông có nệm dạ, mỗi cái cũng ít nhất cả trăm ngàn lượng vàng. Dùng đinh đóng vào đất bảy thước các loại da này vẫn không bị xuyên thủng. Do được phước đức mà giàu có như thế. Nhưng lại không có con cái. Trưởng giả suy nghĩ:
-Ta nay già yếu giờ chết sắp đến kho tàng châu báu không biết giao phó cho ai!
Ở bên cạnh nhà ông có thờ thần Thọ lâm. Vị Bà-la-môn kia vì cầu con cho nên đi đến cầu thỉnh ở đây. Trải qua nhiều năm mà không có linh ứng. Bấy giờ Câu-luật-đà rất giận dữ bèn nói thần Cây rằng:
Tôi cầu đến ông đã trải qua nhiều năm mà không có được chút phước ứng nào. Tôi nay sẽ cầu thỉnh ông trong bảy ngày nếu không linh nghiệm sẽ nổi lửa thiêu đốt.
Thần Cây nghe xong rất lấy làm lo sợ mới hướng về Tứ thiên vương trình bày mọi việc. Thế là Tứ thiên vương đi đến bạch với Đếthích. Đế-thích quán xét khắp cõi Diêm-phù-đề không ai có đủ phước đức làm con của người này. Đế-thích liền đi đến Phạm vương nói rõ việc này. Phạm vương liền dùng thiên nhãn xem thấy có vị Phạm thiên sắp mạng chung, liền báo rằng:
Ngươi nếu bị giáng thần thì nên sinh vào nhà vị Bà-la-môn này ở cõi Diêm-phù-đề.
Phạm thiên đáp:
Pháp của Bà-la-môn phần nhiều là ác tà kiến, tôi không thể làm con vị này được.
Phạm vương lại nói:
Vị Bà-la-môn kia có đại uy đức. Người trong cõi Diêm-phù-đề không ai có đủ phước để sinh về đó. Nếu ông sinh về đó ta sẽ ủng hộ, không để cho ông tự tánh vào tà kiến đâu.
Phạm thiên bằng lòng, kính thừa theo Thánh giáo. Thế rồi Đếthích liền về hướng thần cây nói rõ việc này. Thần Cây hoan hỷ đi đến nhà Bà-la-môn nói:
Ông chớ nên giận ta, sau bảy ngày ông sẽ được như nguyện.
Sau bảy ngày thì người vợ liền có thai, đầy đủ mười tháng sinh ra một đứa con trai, dung mạo rất là đoan chánh, toàn thân đều là chân sắc vàng, chói sáng rực rỡ khắp cả do-tuần. Tướng sư nói rằng:
Đứa bé này đời trước có uy đức lớn, chí lực trong sạch sâu xa không tham cầu thế sự, nếu xuất gia sẽ đắc quả vô thượng.
Tuổi tuy nhỏ mà chí niệm thanh tịnh sâu xa, lòng từ bi rộng khắp. Thường sống hạnh thiểu dục tri túc, hằng quán thế lạc là vô thường nguy ách, chưa từng khởi tưởng ưa thích dục.
Lúc ấy cha mẹ thấy con như thế thì tâm sinh sầu não, nói với nhau rằng: “Khi đứa bé sinh ra, tướng sư bảo rằng ắt là sẽ xuất gia.
Nay phải làm thế nào để đoạn tuyệt được chí của con. “Họ lại suy nghĩ, ở đời sự đắm trước duy chỉ có mỹ sắc, vậy cần kiếm người hôn phối xinh đẹp tuyệt trần thì mới có thể đoạn tuyệt được chí này. Đến năm mười lăm tuổi cha mẹ muốn cưới vợ cho, Ca-diếp nghe nói lòng vô cùng sầu não, liền thưa với cha mẹ rằng: Chí con thanh tịnh không muốn lấy vợ. Nói như thế đến ba lần nhưng cha mẹ không bằng lòng. Ca-diếp tự biết việc này khó tránh được mới tìm cách thưa với cha mẹ rằng: – nếu có thể tìm được người con gái có tư dung sắc vàng hơn đời thì con mới ưng chịu, nếu không được thì trọn đời không lấy vợ.
Khi ấy cha mẹ rất kính niệm ý của con, cho nên không làm trái nguyện. Họ liền sai các vị Bà-la-môn đi tìm khắp các nước. Nếu có người con gái nào có thân chân kim sắc đoan nghiêm thì cưới về.
Chư Bà-la-môn cùng nhau bàn tính: hãy đúc một người bằng vàng nhan sắc thật là kỳ đặc, cho người khiêng đi khắp cùng làng cuối xóm, lớn tiếng xướng rằng: nếu có người con gái nào thấy kim thần này mà lễ bái cúng dường thì đời sau ắt sẽ được trí tuệ vi diệu, được thân kim sắc. Những cô gái nghe lời này đều tìm đến lễ bái. Bấy giờ có người con gái dung nghi thật xinh đẹp sắc vàng tía, tánh tình lại nhu hoà, trí tuệ thì sâu sắc. Đây chính là cô gái kim châu (vàng ngọc) ngày trước vậy. Do thắng duyên ngày xưa mà có được thân vi diệu này, cô gái này lại lập chí kiên cố không ra bên ngoài. Các cô gái hỏi ý thì cô bảo:
Các chị! ý tôi ưa nhàn tịnh chứ không có gì khác nên không thích ra ngoài.
Khi ấy các cô gái ép cô này đi đến xem kim thần. Hình mạo tư dung của cô gái chói sáng rực rỡ làm cho ánh sáng của thần vàng bị lu mờ. Chư Bà-la-môn liền hỏi cô gái cho Ca-diếp. Đôi bên bằng lòng giao ước ngày thành hôn. Cô gái nghe vậy lòng cũng rất sầu não. Cho đến ngày xuất giá hai người vẫn giữ chí thanh cao trong sạch. Tuy là vợ chồng mà lại không có ý dục, cùng lập thệ rằng: chúng ta nên ở khác phòng không nên gần gũi.
Khi cha mẹ biết được việc này liền bảo người phá bớt một phòng. Phòng kia duy chỉ để một giường. Thế rồi Ca-diếp liền giao ước với vợ: nay trong phòng chỉ có một giường hai chúng ta sẽ không cùng ngủ chung. Nếu tôi ngủ thì cô đi kinh hành, cô ngủ thì tôi đi kinh hành.
Sau đó trong đêm ngài Ca-diếp đi kinh hành, người vợ nằm ngủ, tay để trước giường. Bên ngoài có con rắn độc từ cửa bò vào muốn cắn vào tay người vợ. Ca-diếp vì lòng từ mẫn nên bước đến lấy áo quấn tay rồi lấy tay vợ đặt lên giường. Người vợ liền tỉnh giấc và trách rằng: ông là người vô trí nên mới làm vậy. Đã cùng tôi lập nguyện giao ước rồi nay vì sao lại tự tiện nắm tay tôi như thế.
Ca-diếp nói: Tôi không vì dục tình mà đụng chạm vào người cô. Có con rắn từ ngoài bò vào sợ làm thương hại cô, cho nên tôi mới nắm tay bỏ lên. Con rắn vẫn còn trong phòng, Ca-diếp bèn chỉ. Người vợ lúc đó mới hiểu. Thế là cả hai vợ chồng nhàm chán sinh tử xa lìa hết sự khoái lạc. Như người tắm rửa sạch sẽ không thích bụi bặm nữa. Hai người đến cha mẹ xin xuất gia. Khi song thân bằng lòng, hai vị xuất gia làm Sa-môn thanh tịnh, giữ giới sống đời Phạm hạnh vô vi vô dục. Ở chỗ vắng vẻ cần tu khổ hạnh, ngài Ca-diếp phát lời thệ nguyện: những bậc thành tựu quả La-hán ở trên thế gian này ta đều quy y. Phát nguyện rồi thì xuất gia oai nghi giới đức đều đầy đủ.
Sau đó khi Phật thành tựu quả trí nói ra pháp vi diệu. Lúc ấy ngài Ca-diếp mặc y phấn tảo đi đến chỗ Phật chắp tay cúi đầu cung kính lễ bái rồi bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con nay quy y đấng vô thượng thanh tịnh, nguyện Phật từ bi thương xót.
Đức Thế Tôn khen rằng: Thiện lai Ca-diếp rồi Phật phân ra nửa toà bảo Ca-diếp lên ngồi. Ca-diếp thưa: con là đệ tử mạt hạnh của Như Lai lại được Phật nhường toà cho ngồi thật con không dám tuân theo.
Khi đó chúng hội đều sinh nghi hoặc nói rằng: Lão Sa-môn này có đức khác thường gì mà được Đấng Chí Tôn nhường toà cho ngồi? Sự thù thắng của vị này duy chỉ có Phật mới biết được thôi.
Khi ấy Đức Như Lai biết rõ tâm niệm của đại chúng, muốn phá trừ sự nghi lầm của họ mới nói rõ những hạnh nguyện sâu xa của ngài Ca-diếp.
Thế Tôn lại nói: Ta nay đem các công đức đại từ đại bi, Tứ thiền tam-muội để tự trang nghiêm, Tỳ-kheo Ca-diếp cũng lại như thế. Lại ở trong quá khứ sâu xa có một vị thánh vương tên là Văn Đà Kiệt, là một bậc cao tài siêu thế, có trí tuệ vô luân. Khi đó vị Thiên Đế-thích rất hâm mộ đức hạnh của vua mới làm một chiếc xe bảy báu đến cung nghinh vua. Thế là vua theo xe trời bay lên cõi thiên cung ở. Thiên đế ra nghinh tiếp vào cùng ngồi, tiếp đãi vua nồng hậu đầy đủ khoái lạc sau đó đưa vua trở về cung. Phật bảo chúng Tỳ-kheo: Thiên Đế ngày trước chính là Ca-diếp ngày nay vậy. Vua Văn-đà-kiệt chính là ta bây giờ. Ca-diếp xưa kia đem toà sinh tử chia cho ta cùng ngồi cho nên ta nay đã thành tựu quả vô thượng, đem toà chánh pháp báo lại ân xưa.
Đức Thế Tôn liền vì ngài Ca-diếp thuyết pháp lời lại theo căn cơ của Ngài, ví như tấm vải trắng sạch để nhuộm mày, ngài Ca-diếp ở trên bảo tòa chứng được quả A-la-hán. Đầy đủ tam minh lục thông cùng tám pháp giải thoát. Ngài là bậc cao tài dũng mãnh dung nghi đều an tường, thường cùng Như Lai đối toà thuyết pháp. Bấy giờ, hàng nhân thiên đều gọi Ngài là Thế Tôn Sư.
Do đó ngài Ca-diếp liền tạ từ Đức Như Lai đi đến núi Kỳ-xà-quật hang Tất-bát-la. Núi này có nhiều sông suối chảy qua, cây cối xum xuê, hoa quả dồi dào, trăm thú đều tụ tập lại đây, chim lành bay lượn véo von. Trên mặt đất có đầy các loại kim, ngân, lưu-ly. Ngài Ca-diếp ở nơi đây đi kinh hành thiền quán, tuyên dương diệu pháp độ các chúng sinh. Cho đến sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn thì ánh sáng chiếu sáng, khắp cả mặt đất chấn động, ngài Ca-diếp suy nghĩ: đây chẳng phải là do Đức Như Lai sắp nhập Niết-bàn sao? Rồi Ngài nhập vào tam-muội dùng thiên nhãn quán sát thấy Đức Thế Tôn toàn thân xả thọ bên dòng sông Hi-liên. Quán sát xong thì Ngài buồn bã âu sầu nói: Như Lai vì sao mà nhập Niết-bàn nhanh thế. Con mắt thế gian đã diệt thì các điều bất thiện sẽ tăng trưởng. Thế rồi ngài Ca-diếp liền đem đồ đệ trước sau đi nhiễu quanh hướng về thành Câu-thi-na lễ bái Đức Thế Tôn. Khi đó ở ngoài đường có một vị Phạm Chí tay mặt cầm lấy một nhánh hoa mạnđà-la, ngài Ca-diếp mới hỏi:
Ông từ đâu đến, có biết thầy tôi không?
Đáp: tôi có biết, đã nhập Niết-bàn bảy ngày rồi. Tất cả hàng nhân thiên đều thiết lễ cúng dường. Tôi hái nhánh hoa này từ nơi đó
Chư Tỳ-kheo nghe xong đều gieo mình xuống đất than khóc thảm thiết và nói rằng:
Than ôi! Lực vô thường thật là lớn lao, có thể huỷ hoại hết công đức bảo như thế, làm khô kiệt hết biển pháp, nghiêng ngửa cả pháp tràng. Thế gian vĩnh viễn mất ánh đại quang minh. Tất cả chúng sinh không còn chỗ để tôn nghinh cung ngưỡng. Hàng nhân thiên bị giảm tổn, ác đạo tăng trưởng. Vô thường quả là một đại hoạn cho thế gian. Ví như điện chớp không thể dừng lại lâu dài còn vô thường nhanh chóng cũng khó bảo tồn. Nó có thể làm biến hoại hết sắc lực thọ mạng của con người, tiêu diệt hết niềm ái lạc của thế gian. Người ngu chấp giữ, người trí thì không.
Ngài Ca-diếp cùng chúng Tỳ-kheo cùng đi đến rừng Ta-la song thọ đi nhiễu quanh áo quan Phật ba vòng, cúi đầu làm lễ rồi nói kệ rằng:
Hay thay vượt ba cõi
Thoát khỏi dòng sinh tử
Tịch nhiên không tướng nguyện
Vi diệu khó nghĩ bàn
Phật nhật thật minh tịnh
Trừ hết si ngu ám
Nhiều kiếp tu khổ hạnh
Thệ độ chúng nhân khổ
Vì sao mà hôm nay
Xả bỏ đại từ bi
Toàn thân nơi kim quan
Tịch nhiên an bất động
Duy nguyện thiên nhân tôn
Hiển hiện thân kim săc
Khiến cho tất cả chúng
Hưng khởi nguyện vô lượng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn ở trong kim quan đưa chân kim sắc ra chiếu sáng rực rỡ như mặt trời. Quan quách không hở mà chân hiện ra làm cho đại chúng nhìn thấy việc này càng áo não than khóc không dứt.
Khi đó ngài Ca-diếp trịch bày vai hữu, quỳ xuống làm lễ bên chân Phật lại nói kệ rằng:
Gót chân Như Lai đầy
Ngàn trướng hoa luân hiện
Tay nhọn dài mềm nhuyễn
Hợp thành màn như lưới
Đại bi độ quần sinh
Đoạn nghi kết của chúng
Cho nên tức là ngày nay
Đảnh lễ chân tối thắng
Ta chứng bốn chân đế
Nói Phật công đức tụ
Đã tán thán cung kính
Chân bèn thu nhập lại.
Ngài Ca-diếp bảo các vị lực sĩ đem ra ngàn tấm vải liệm để quấn thân Phật lại, rưới dầu thơm khắp thân và đậy nắp quan lại đem củi chiên-đàn làm lễ trà tỳ Đức Thế Tôn. A-nan nhìn ngọn lửa càng khóc lóc thảm thiết rồi nói kệ rằng:
Thương thay vô thường
Thật đáng lo sợ
Huỷ diệt như thế
Bảo tụ công đức
Thân này Thế Tôn
Thanh tịnh vô cấu
Nay ở kim quan
Dùng ngàn tấm dạ
Rưới đầy dầu thơm
Đốt cũi chiên đàn
Thân vi diệu thắng
Sao không tồn tại.
Khi ấy ngài Ca-diếp rưới nước diệt lửa lại nói kệ tán thán:
Ngàn lụa buộc thân
Ngọn lửa thiêu đốt
Phật dùng thần lực
Trong còn một y
Ngoài cũng không cháy
Giữa đều thiêu rụi
Thần lực thù thắng
Không thể nghĩ bàn.
Ngài Ca-diếp nói kệ xong rồi, liền bảo chúng Tỳ-kheo rằng: _ Phật đã trà tỳ, còn xá-lợi chẳng phải là việc của chúng ta. Vì sao? Vì các vị quốc vương, trưởng giả, đại thần cư sĩ cầu phước tối thắng cần phải cúng dường. Còn chúng ta nên kết tập pháp nhãn chớ để Phật pháp suy đồi. Vì muốn soi sáng cho đời vị lai, thiệu Long tam bảo không khiến cho đoạn tuyệt.
Khi đó ngài Ca-diếp cùng chư Tỳ-kheo đi đến thành Vương Xá, hang Tất-bát-la. Vua A-xà-thế đắc vô căn tín, sau khi Đức Như Lai diệt độ rồi. Chúng quần thần cùng nhau thương nghị: Tín tâm của Đại vương giống như biển cả, siêu vượt cả thế giới nhân thiên. Nếu vua nghe tin Đức Thế Tôn nhập diệt ắt sẽ đau đớn buồn khóc thảm thương. Vậy ta làm sao để tránh được nạn này đây.
Có một vị đại thần tên là Vũ-xá, là người có trí tuệ lại khéo dùng phương tiện, cho đào một ao đồng ngang dọc khoảng vài nhận đem nước tịnh hương tưới đầy trong đó mời Vua vào ngồi trong ao đó. Rồi họ lại dùng vải trắng sạch, hoạ khắc lên đó hình tượng bổn hạnh của Đức Như Lai. Đó là các hình Bồ-tát từ cung trời đâu-suất cưỡi bạch tượng giáng hạ vào thai mẹ. Cha là vua Tịnh-phạn, mẹ là Ma-da. Ở trong thai đầy đủ mười tháng thì sinh ra. Khi lọt lòng thì có Đế-thích nâng đỡ lên. Nan-đà Long vương và Bạt-nan-đà Long vương phun nước tắm rửa cho Bồ-tát. Đại quỷ thần vương Ma-ni-bạt-đà, tay cầm bảo cái đứng hầu một bên, Địa Thân hóa ra các búp nâng chân Bồ-tát. Bốn phương đều đi đủ bảy bước. Cho đến Thiên Miếu cũng khiến các tượng chư thiên đứng lên cung nghinh. Tiên nhân A-tư-đà bồng lên xem tướng, xem tướng xong thì buồn rầu ảo não. Tự xót thương mình tuổi già sức yếu không được nhìn thấy Phật. Thái tử lớn lên các môn thi thơ học thuật đều thông suốt. Khi ở tại thâm cung thì có sáu vạn thể nữ theo hầu thọ đủ thứ hỷ lạc, vẽ cảnh Thái tử ra khỏi thành du ngoạn cho đến vừơn Ca-tỳ-la, đi dạo thấy người già và sa-môn. Trở về cung thấy các thể nữ dung mạo hình thể như xương khô. Cung điện nguy nga cũng chẳng khác gì mồ mả. Từ đó Thái Tử sinh tâm nhàm chán, nửa đêm vượt tường đi xuất gia, đến các nơi ở của các vị tiên nhân như Uất-đà-già, A-la-duy…, nghe giảng về thức xứ và phi hữu tưởng phi vô tưởng định. Khi nghe xong một pháp nào, Ngài đều quán sát sâu xa biết rõ các pháp vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã. Sau cùng ngài lìa bỏ hết các nơi đó đến ngồi dưới gốc cây tu hành khổ hạnh suốt sáu năm. Biết rõ pháp tu khổ hạnh không thể đắc đạo, bấy giờ ngài lại đến sông A-lợi-bạt đề để tắm rửa.
Lúc này có hai cô gái chăn bò. Vì muốn cúng lễ thọ thần các cô lấy sữa của một ngàn con bò ra cho năm trăm con uống lần lượt như vậy rồi lấy sữa của những con đó cho một con uống. Lấy sữa của con bò đó nấu thành cháo, đem cháo đó chưng lại cho đặc. Có vị Bà-la-môn hỏi:
– Các cô nấu sữa này muốn đem cho ai?
Cô gái đáp: cầu lễ thần cây.
Bà-la-môn nói: – vị thần nào có thể thọ được thức ăn này. Duy chỉ có bậc thành tựu nhất thiết trí, mới có thể thọ dụng sự cúng dường đây.
Thế rồi hai cô gái đem dâng cúng cho Bồ-tát. Bồ-tát liền nạp thọ. Sau đó Ngài đi đến dưới gốc cây Bồ-đề phá được ma ba-tuần thành tựu đẳng chánh giác. Đức Thế Tôn đến thành Ba-la-nại sơ chuyển pháp luân độ cho năm vị Tỳ-kheo. Cho đến ở trong thành Câu-thi nhập Niếtbàn. Các bức tượng khắc hoạ đầy đủ các cảnh như thế. Vua hỏi quần thần: Các ông làm gì đây?
Đáp: thưa Đại vương! Bọn thần hoạ tượng công đức của Đức Như Lai kế đến là các hình biến diệt độ của Đức Thế Tôn. Vua càng kinh ngạc, các lỗ chân lông dựng đứng, tâm lưu luyến đau xót, nhớ nghĩ Đức Như Lai. Một phần năm dầu trong ao này, tự nhiên chảy vào thân vua, ví như chén đất nung nóng thảy vào ao liền hút nước. Do nhân duyên này mà mạng sống được cứu độ. Vua A-xà-thế lòng càng kính tín, cảm nhớ Đức Như Lai những việc như thế này. Vua nghe có ngài Ca-diếp đến lòng rất vui mừng, cho sửa sang đường sá đốt hương rải hoa. Vua tự cưỡi bạch tượng ra ngoài thành cung nghinh Tôn giả. Trước kia mỗi khi gặp Phật, vua từ lưng voi gieo mình xuống đất cung kính lễ bái, nay thấy ngài Ca-diếp thì cũng làm như vậy. Ngài Ca-diếp dùng thần lực đỡ lấy không để cho vua bị thưong rồi bảo với vua: – Phật lực thù thắng không như chúng Thanh văn. Thanh văn khi nhập định mới có thần túc. Từ đây về sau khi thấy là chớ quăng mình xuống thân voi nữa.
Vua thưa vâng rồi bạch với Ca-diếp:
Đức Như Lai nhập Niết-bàn tôi không được nhìn thấy. Tôn giả nếu có diệt độ xin nói cho tôi biết.
Ca-diếp bằng lòng nhân đó nói với vua rằng:
Trí tuệ của Đức Như Lai thật sâu xa có thể làm tiêu trừ hết lửa tam độc trong tâm chúng sinh, có thể làm khô cây đại thụ mười hai nhân duyên, hàng chư thiên, thế nhân đều mong được lợi ích. Nay Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, con mắt thế gian đã hoại diệt. Thế là các việc sinh lão bịnh tử ưu bi khổ não càng xoay mạnh bạo. Ta muốn làm ngọn đèn tuệ cho tất cả chúng sinh nên cùng chư Tỳ-kheo kiết tập Phật pháp tạng. Đối với việc này vua nên cúng dương đầy đủ.
Vua đáp: lành thay! Nguyện chư Thánh sĩ hằng thọ sự cúng dường của con.
Thế rồi ngài Ca-diếp bảo với A-na-luật:
Chư La-hán có ai không đến.
Ngài A-na-luật đáp: có Kiều-phạm-ba-đê ở Đại cung Thi-lợi-sa vẫn chưa đến.
Ngài Ca-diếp bảo với Lợi-bà-đề: – Ông đi đến cung Thi-lợi-sa bảo với Kiều-phạm-bà-đề rằng: ngài Đại Ca-diếp có tăng sự muốn gặp ngài.
Bấy giờ ngài Lợi-bà-đề bay lên hư không đi đến cung trời, trình bày đầy đủ lại các lời trên. Tôn giả mới hỏi: – Đức Thế Tôn ở đâu mà ngài Ca-diếp lại mời, ngài Lợi-bà-đề nói: Đức Thế Tôn đã nhập diệt, cầu pháp đã hoại, núi pháp đã băng, đèn pháp đã diệt khiến cho cuộc đời trở nên tăm tối.
Kiều-phạm-ba-đề than rằng: khổ thay! Khắp thế gian đã trở thành không hư, ma ba tuần nay chắc đang vui mừng. Chúng sinh ngu si bị vô minh che lấp, lưu chuyển trong sinh tử, chìm trong lưới ma. Ngày nay
Phật nhập Niết-bàn vĩnh viễn không còn nơi cứu hộ thật là thương xót. Rồi Ngài nói với Lợi-ba-đề: ông có thể thay ta đảnh lễ ngài Ca-diếp và chư Thánh chúng. Nói Kiều-phạm-ba-đề xin từ tạ ngài Ca-diếp. Đức Thế Tôn còn tại thế thì ta nên đến lễ bái cúng dường. Nay Phật đã nhập Niết-bàn, khắp thế gian trở thành trống vắng, quán cõi Diêm-phù-đề này không có điều gì vui. Như Đại Long vương khi đã xả bỏ thân thì long tử cũng tuỳ theo, Ta cũng như thế. Nay Ta cũng muốn nhập Niếtbàn.
Nói xong thì Ngài liền nhập diệt. Như thế có nhiều vị nghe Phật nhập diệt cũng lần lượt nhập diệt. Ngài Ca-diếp liền nói: – chưa kiết tập pháp tạng chớ vội nhập Niết-bàn. Khi đó chúng Tỳ-kheo hỏi ngài Ca-diếp:
Trước tiên nên kiết tập pháp gì?
Ca-diếp đáp: trước kiết tập Tu-đa-la.
Chúng lại hỏi: khiến ai tụng tập Tu-đa-la.
Ca-diếp đáp: Tỳ-kheo A-nan là người đa văn có trí tuệ, thường theo Đức Như Lai tu Phạm hạnh thanh tịnh. Ở trong tối hậu pháp làm lợi an cho chúng tăng, tri kiến đầy đủ nên thường được Phật khen ngợi.
Nên có thể nhờ ông tụng lại Tu-đa-la.
Bấy giờ Ca-diếp liền bảo A-nan:
Ông nay nên nói lại pháp nhãn. A-nan vâng lệnh. Ngài liền quan sát tâm chúng sinh và nói kệ rằng:
Tỳ-kheo chư quyến thuộc
Lìa Phật không trang nghiêm
Dụ như trong hư không
Trời đầy sao không trăng.
Nói kệ xong rồi ngài A-nan làm lễ xuống chân chúng tăng rồi bay lên bảo toà nói pháp: “ Như thế tôi nghe, một thời Phật ở tại thành Ba-la-nại trong vườn Lộc dã là nơi ở của cổ tiên, ban đầu chuyển pháp luân cho năm vị Tỳ-kheo. Đó là các pháp khổ thánh đế… như thế rộng nói. Nói các pháp như thế đã xong. Năm trăm vị La-hán liền bay lên hư không, lớn tiếng xướng rằng:
Lạ thay vô thường thật quá nhanh chóng, như dòng sông chảy qua không bao giờ trở lại. Chúng ta trước kia mắt nhìn Đức Thế Tôn nay được nghe nói.
Thế là chư đại chúng đồng khóc lóc mà nói kệ rằng:
Buồn thay các sự khổ
Khuấy động như trăng nước
Không cứng như ba tiêu
Cũng như huyễn ảnh hưởng
Như Lai đại dõng mãnh
Công đức siêu tam giới
Dụ như gió vô thường
Phiêu lưu mà không trụ
Năm trăm vị La-hán nóikệ xong rồi liền bay lại chỗ ngồi. Khi ấy ngài Ca-diếp hỏi chư Tỳ-kheo: A Nan nói không sai chứ?
Đáp: không khác gì Đức Thế Tôn nói. Thế rồi ngài Ca-diếp bảo ngài Ưu-ba-ly kiết tập lại Tạng-tỳ-ni, còn Ca-diếp thì tự nói lại tạng Atỳ-đàm. Sau khi kiết tập pháp tạng xong ngài Ma-ha Ca-diếp liền nói kệ rằng:
Đem tôn pháp luân này
Cứu độ hết chúng sinh
Thập lực đều đã nói
Cùng nên khuyên tu hành
Pháp này là đèn sáng
Hay phá đều hắc ám
Chư Hiền nên thọ trì
Chớ khiến sinh phóng dật
Bấy giờ ngài Ca-diếp nhập vào trong nguyện trí tam-muội, xem xét pháp tạng kiết tập không có chỗ thiếu sót. Tư duy biết tất cả đã đầy đủ liền khởi niệm nghĩ: Đấng Như Lai là bậc Thiện tri thức, làm lợi lạc an ổn cho chúng sinh như mẹ thương con. Ta nay đem pháp lợi lạc đồng như Phạm hạnh khỏi lòng đại bi khai thị cho chúng sinh đời sau. Muốn đem đại pháp lưu truyền không dứt mới báo đáp được ân đức của Đức Như Lai. Ta nay tuổi đã lớn, thân thể già suy, sự vô thường khó tránh, không thể y trì lại thường bị các sự khổ não bức hại. Ai là người có trí mà yêu thích thân này. Ta nay nên diệt nhập Niết-bàn. Ngài lại tư duy: ta nay nên thể hiện lòng đại từ đại bi của Phật Bà-già-bà chân Thiện tri thức huân tập vô lượng tịnh thiện công đức đến chỗ xá-lợi vi diệu của Phật, cung kính lễ bái cúng dường. Nói rồi Ngài liền bay lên hư không đến nơi tứ tháp lễ bái cúng dường. Lại đến bát tháp chí tâm cung kính. Cũng như nhạn vương bay đến cung Sa-già-la ở đại hải lễ kính răng Phật. Như đại tráng sĩ đưa tay lên đảnh là đụng tới cung trời Đao-lợi. Thích-đề-hoàn-nhân cùng chúng chư thiên, ra cung kính lễ lạy ngài Ca-diếp.
Ngài Ca-diếp bảo với Thích-đề-hoàn-nhân:
Ta muốn nhập Niết-bàn. Vì lễ tóc của Đức Như Lai cho nên đến đây. Thích-đề-hoàn-nhân nghe xong lời này, tâm rất u buồn khóc lóc bi thương. Rồi tự tay dâng tóc Phật cho ngài Ca-diếp, Ca-diếp thọ nhận tóc thì hết lòng lễ kính, dùng ngưu đầu Chiên-đàn để cúng dường. Sau đó chư thiên đều lần lượt lễ lạy,“Đời ngũ dục vô thường không thể bảo tồn lâu dài, như hoa trong sương móc thấy được mặt trời là điều hy hữu. Duy chỉ có thiện pháp sâu xa là an vui vĩnh cửu. Nên quán khổ không, cẩn thận chớ có buông lung.”
Ngài nói xong liền quay trở về thành Vương Xá. A-nan theo sau không rời một bước sợ ngài nhập Niết-bàn mà không thấy được.
Sau đó không lâu ngài Ma-ha Ca-diếp bảo A Nan rằng: – ông đi một mình vào thành trứơc rồi ta cũng đến đó. Rồi ngài Ca-diếp đắp y cầm bát đi vào thành Vương Xá và suy nghĩ: – vua A-xà-thế vốn đã giao ước với ta. Khi ta nhập Niết-bàn ắt sẽ đến gặp ta, ta nay nên đến báo cho vua biết.
Đến cung vua, ngài nói với người giữ cửa:
Vào bạch Vua nói là có Ca-diếp đến.
Người giữ cửa nói: nay vua đang ngủ. Nếu thức dậy sợ rằng vua sẽ nổi giận bắt tội.
Ca-diếp nói: khi vua thức dậy, ngươi thưa lại là: ngài Ca-diếp muốn nhập Niết-bàn muốn từ biệt vua.
Khi ngài về đến núi Kê Túc, liền trải cỏ ngồi kiết-già, rồi phát nguyện rằng:
Nay thân ta mặc y phấn tảo của Phật, giữ lấy bình bát của mình cho đến thời Di-lặc không để cho mục nát. Khiến cho chúng đệ tử kia thấy được thân ta mà sinh lòng nhàm chán.
Ngài lại nghĩ: – vua A-xà-thế nếu không gặp ta, ắt sẽ thổ huyết, tánh mạng khó bảo toàn. Nếu khi Vua và A-nan đến thì khiến cho núi mở ra, nếu trở ra thì núi sẽ đóng lại như cũ. Rồi Ngài nhập diệt duy chỉ còn một chút hơi thở.
Khi đó cả đại địa đều chấn động, Thích-đề-hoàn-nhân cùng như thiên, đem hoa mạn-đà-la cùng các loại mạt hương, đến cúng dường xá-lợi. Ai nấy đều khóc thương bi não và nói rằng: Đức Như Lai diệt độ lòng cảm thương chưa dứt, nay ngài Ca-diếp nhập Niết-bàn càng làm cho lòng ta thêm áo não. Hang Tất-bát-la rồi đây sẽ hoang vắng. Những kẻ khốn khổ đầu đường xó chợ đều được Ngài xót thương cứu giúp nay Ngài ra đi lấy ai cứu độ. Như ngày rằm trời không có mây, trăng sao cũng không hiện ra. Thánh chúng của Đức Như Lai cũng như thế. Đức Thế Tôn trụ thế cũng giống như trăng sao, mây vô thường chết làm sao khơi dậy. Một khi phước điền tối thắng bị che mất khiến cho chư thiên sinh lòng bi cảm than khóc lóc thật là ảo não rồi về lại cõi trời. Vua A-xà-thế trong giấc ngủ nằm mộng thấy cầu nhà đều bị gãy sụp. Khi thức dậy Vua kinh hãi trong lòng hồi hộp. Người gác cửa vào bạch với Vua: ngài Ca-diếp muốn nhập Niết-bàn, đến gặp vua từ biệt nhưng ngài đang ngủ.
Vua nghe nói lòng bi não quá đổi liền té nhào xuống đất bất tỉnh. Tuỳ tùng lấy nứơc đắp vào mặt để cho vua tỉnh lại. Vua lại cất tiếng khóc lớn: ta thật là bạc phước, nghiệp chướng sâu dày, chư Thánh nhập Niết-bàn mà ta cũng không được gặp.
Sau đó vua đi đến vườn Trúc, lễ lạy dưới chân ngài A-nan bạch rằng:
Ngài Ca-diếp đã diệt độ chưa?
Ngài A-nan đáp: đã nhập Niết-bàn rồi.
Nay ở đâu? Tôi muốn đến cúng dường. Thế rồi A-nan cùng vua A-xà-thế đi đến núi Kê Túc. Khi vua đến thì núi tự nhiên mở ra, ngài Ca-diếp ở bên trong hang núi thân thể vẫn không bị huỷ nát. Hoa mạnđà-la phủ đầy ở trên. Vua nhìn thấy rồi phát thinh khóc lớn, thân thể vật vã xuống đất. Sau đó Vua đem các loại cây hương đến muốn làm lễ trà-tỳ.
Ngài A-nan hỏi: Vua muốn làm gì đó?
Đáp: muốn trà tỳ ngài Ca-diếp.
Ngài A-nan bảo: tôn giả Ca-diếp dùng định trụ thân để đợi đến khi ngài Di-lặc ra đời, không nên trà tỳ. Khi ngài Di-lặc ra đời thì hàng đồ chúng chín mưoi sáu ức đi đến núi nầy trông thấy ngài Ca-diếp liền nghĩ rằng: đệ tử Đức Thích-ca Như Lai thân thể kém tệ như thế, Phật kia chắc cũng giống như vậy. thế là ngài Ca-diếp bay lên hư không thị hiện ra mười bảy loại thần biến, biến thành thân hình to lớn đầy khắp cả thế giới. Lúc đó Phật Di Lặc tới lấy Tăng-già-lê của ngài Ca-diếp. Chư đại chúng trông thấy thần lực như thế liền trừ hết tâm kiêu mạn, thành tựu quả La-hán. Vua cúng dường xong thì trở về nước. Núi Kê Túc trở lại như cũ.