PHẬT TỔ THỐNG KỶ
Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 16
PHẦN 6
* Nối pháp ngài Tức Am Uyên Pháp sư (đời thứ năm sau Quảng Trí).
- Tịnh Xã, Xứ Liêm Pháp sư.
- Viên Biên, Đạo Sâm Pháp sư.
* Nối pháp ngài Trí Dõng, Nhiên Pháp sư (đời thứ năm sau Thần Chiếu).
- Giác Vân, Trí Liên Pháp sư.
- Trạch Sơn, Dữ Hàm Pháp sư.
- Xích thành, Trung Ích Pháp sư.
- Bạch Liên, Trí Viên Pháp sư.
- Sơn Đường, Nguyên Tánh Pháp sư.
- Bạch Liên, Diệu Lân Pháp sư.
- Bạch Liên, Thanh Ngộ Pháp sư.
- Bạch Liên, Tử Mâu Pháp sư.
- Hư Đường, Bản Không Pháp sư.
* Nối pháp ngài Chân Giáo, Tiên Pháp sư:
– Chứng Ngộ, Viên Trí Pháp sư.
* Nối pháp ngài Siêu Quả, Đạo Pháp sư.
– Đức Tạng, Tòng Tiến Pháp sư.
* Nối pháp ngài Thông Chiếu, Minh Pháp sư.
– Báo Từ, Uẩn Nghiêu Pháp sư.
* Nối pháp ngài Trúc Am, Quán Pháp sư (đời thứ năm sau Nam Bình).
- Bắc Phong, Tông Ấn Pháp sư.
- Trí Hành, Thủ Mân Pháp sư.
- Thần Biện, Thanh Nhất Pháp sư.
* Nối pháp ngài Mục Am, Bằng Pháp sư.
- Hiển Am, Pháp Xương Pháp sư.
- Nguyệt Khê, Pháp Huy Pháp sư.
- Ẩn Học, Thái Nhiên Pháp sư.
- Phù Thạch, Tử Tuệ Pháp sư.
- Vĩnh Phước, Trí Hưởng Pháp sư.
- Thiên Vương, Đạo Dụng Pháp sư.
- Năng Nhân, Hoài Bảo Pháp sư.
* Nối pháp ngài Tường Phù, Hân Pháp sư.
– Ngộ Không, Thiện Vinh Pháp sư.
* Nối pháp ngài Thanh Tu, Cửu Pháp sư.
- Từ Thất, Diệu Vân Pháp sư.
- Tuyết Khê, Hy Nhan Pháp sư.
* Nối pháp ngài Trừng Giác, Hoán Pháp sư.
– Giác Am, Giản Ngôn Pháp sư.
* Nối pháp ngài Giả Danh, Trạm Pháp sư.
– Xà Khê, Trí Khâm Pháp sư.
* Nối pháp ngài Pháp Chiếu, Kiểu Pháp sư.
- Tắc Am, Minh Triết Pháp sư.
- Năng Nhân, Đạo Sơn Pháp sư.
- Lễ Tuyền, Hành Hoàn Pháp sư.
- Bố Kim, Giác Tiên Pháp sư.
* Nối pháp ngài Viên Chiếu, Quang Pháp sư.
– Siêu Quả, Tông Triệu Pháp sư.
* Nối pháp ngài Đông Linh, Khâm Pháp Chủ
– Dương Tiêm, Lợi Uyên Pháp sư.
****
A. NỐI PHÁP NGÀI TỨC AM, UYÊN PHÁP SƯ: (đời thứ năm sau Quảng Trí).
Pháp sư Đạo Sâm
Sư họ Bành, người ở Lạc Thanh Ôn Chi, vua ban hiệu là Viên Biện. Bà mẹ thấy luồng khí tím quấn cuộn vào thân mà sinh ra Sư. Năm mười tám tuổi Sư thọ Cụ giới, lúc đầu học Luật Nghi. Chưa bao lâu sư theo ngài Tức Am ở Pháp minh, lời lẽ tinh vi ý chỉ diệu mầu một lần nghe qua liền được lãnh hội. Sau Sư đến Nam Hồ nương ngài Viên Chiếu. Khi trở về quê, Sư ra làm chủ Quảng Tế. Được mười hai năm Sư dời về Quảng Từ. Năm Kiến Viêm thứ ba, vua xa giá đến Vĩnh gia ra chiếu đem chỗ ở cũ Lâm Linh Tố làm Tư Phước Viện. Thừa Tướng Lữ Cơ Hạo mời Sư đến ở. Sư từng lấy Tăng-già-lê đem đổi gạo ở chợ, đêm đến thấy y sáng rực rỡ, sáng ra người ta đem y lên chùa trả lại. Bị khổ vì thiếu nước, Sư chỉ thợ đục đá đào giếng thì nhặt được miếng gạch cổ có đề chữ Thiên Khang (là niên hiệu của vua Trần Văn Đế thời Nam Triều), từ dưới suối bỗng phun lên. Dân hai bên bờ sông Lạc Thanh mỗi khi bị nạn đất lở sụp cho là quỷ thần làm ra. Các quan chức thỉnh Sư truyền giới cho là thần quỷ lên đồng nói lời cảm tạ. Môn nhân là Thanh Thuận mộng thấy đến gặp các Tổ ở Diên Khánh. Thị Giả cầm tấm bản đồ ghi vị trí đứng bên, thì thấy ở ghế thứ tám thiếu người. Thuận chỉ vào hỏi, đáp rằng: Thầy của ông sẽ ngồi vào chỗ ấy. Sau đó Sư đến ở Nam Hồ, quả nhiên Sư ở đời thứ tám Sư thường chuyên tu niệm Phật Tam-muội. Bỗng Sư có cảm ngộ bảo rằng: Duy tâm Tịnh Độ chỉ một mà thôi vậy. Thật ra là do Di-đà ngộ Bảo Sát của tâm ta, tâm ta đầy đủ Lạc Bang của Di-đà. Tuy xa mà gần không vượt qua một niệm, tuy gần mà xa hơn mười vạn ức. Ví như trời xanh trăng sáng, bóng chiếu vào muôn mặt nước. Nước không cần lên mà trăng cũng không phải xuống. Nuớc và trăng cùng một cõi tự nhiên chiếu sáng lẫn nhau. Một hôm trong khi nhập Định, Sư thấy có một vị lão Tăng đang ngồi thiền trên giường, quay lại bảo Sư rằng: Ta là Tứ Minh đây. Sư kinh ngạc mừng rỡ đảnh lễ hỏi rằng: Cùng Đạo Sâm ở một nhà, mà tập khí pháp tướng con chưa thông suốt xin ngài thùy từ chỉ giáo. Tôn giả gật đầu chấp thuận và Sư cảm thấy Tâm địa rỗng suốt. Từ đó Giáo Quán của Sơn Gia nói ra đều coi Sư là chính. Năm Thiệu Hưng mười hai, ngài Viên Chiếu cáo già cử Sư lên thay thế. Chùa chiền còn sót lại sau cơn binh lửa giặc cướp đốt phá tan hoang, sư thành tâm nên cảm được các Thí chủ tự đến. Năm tháng dần qua nhà cửa đều đầy đủ. Nhân Sư tu Pháp Hoa Tammuội cảm được Đức Phổ Hiền phóng quang nên tuệ biện của Sư càng tăng nhiều. Quận gặp hạn hán lớn thỉnh Sư cầu mưa, nhân quận cai trị hà khắc nên Sư nói mạnh lời Quận Thú tỉnh ngộ, do đó thả tù mấy trăm người. Đúng chiều ấy thì mưa to. Những kẻ bệnh lâu ngày được Sư nói pháp thí thực phần đông đều lành bệnh. Dục Vương Kham Thiền sư có bệnh, Sư đến hỏi thăm, trở về bảo chúng rằng: “Lời nói quá sự thực rốt cuộc không được chi!” Bèn vào ngày mười ba tháng hai Sư kiến lập Hội Tịnh Độ niệm Phật, người trong hội có cả vạn người. Sư kết bạn đạo cùng Tuyết Đâu Đại Viên Thiền sư, có lần thỉnh Sư nói nghĩa Lục Tức, nghe rồi than rằng: Sư nói như thế mà đã được ngộ chăng? Sư đáp: Nếu chưa ngộ sao dám nói với lão Sư! Một hôm Sư nói sáu nghĩa La-hán, người học thỉnh Sư nói, Sư bác rằng: Pháp Tướng Tiểu thừa nói có ích gì, sao bằng nói nghĩa Kinh Vương. Rồi Sư nói suốt cả ba ngày không lời trùng lắp. Ngày mười sáu tháng mười hai năm Thiệu Hưng hai mươi ba, Sư tập chúng tụng Quán Kinh ngày đêm không dứt. Chúng nghe có mùi hương lạ đầy nhà. Sư bảo: “Phật đến đón ta.” Rồi tắm gội thay áo, viết kệ rằng: “Duy Tâm Tịnh Độ vốn không mê ngộ, một niệm không sinh, liền nhập Sơ trụ.” Sư lại bảo tụng An Lạc Hạnh, chưa xong thì Sư ngồi yên lặng mà tịch. Lưu Khám lại cả tháng mà nhan sắc Sư vẫn như còn sống. Táng toàn thân Sư ở bên Tổ Tháp Sùng Pháp.
B. NỐI PHÁP NGÀI TRÍ DÕNG, NHIÊN PHÁP SƯ: (đời thứ năm sau Thần Chiếu).
1. Pháp sư Trí Liên
Sư tự là Văn Tú, vua ban hiệu là Giác Vân. Sư họ Đỗ, người ở Ngân Ấp Tứ Minh, theo học với ngài Sùng Thọ ở Thê Tâm, năm mười tám tuổi Sư thọ giới Cụ túc. Sư dung mạo cổ xưa, có dáng cao gầy như hạc nội tòng cao. Ngài Minh Trí trông thấy bảo rằng đây là Phụng Sồ trong Tăng. Lúc đầu Sư theo học với ngài Viên Chiếu ở Nam Hồ, tuổi về già Sư nương ngài Trí Dõng ở Bạch Liên mà được đốn ngộ Viên Chỉ. Kịp khi trở về quê thì Sư thay giảng ở Diên Khánh. Sau năm Kiến Viêm Sư đã qua ở năm cảnh chùa đều còn sót lại sau cơn binh lửa. Sư có tài hóa ngói đá thành vàng ngọc theo tay hiện ra. Lúc đó Viên Biên đã trùng hưng Diên khánh nhưng chưa xong thì đã qua đời. Sư vừa đến thăm hỏi ngài Hoằng Trí và cùng lên Thiên Phật Các. Hoằng Trí bảo: Nghe Tổ Tứ Minh nói không trung có hình tướng phải chăng? Sư đáp: Đúng vậy. Trí đưa tay chỉ nói rằng: Thái Hư vốn không một vật. Sư chỉ núi sông lầu các nói: Hình ảnh các thứ này là những vật gì? Trí rất phục lời nói ấy khen rằng: Trấn nhậm Nam Hồ không phải người này thì ai đây? Liền tiến cử lên Quận để lãnh việc. Suốt mười năm Sư diễn giảng không để phí một ngày nhưng các nhà cửa đều hoàn thành. Thái Sư Sử Chân Ẩn sống ẩn dật tuổi già ở quê nhà, thường đến hỏi pháp yếu, Chân Ẩn bảo: Sư cũng thông suốt cả Thiền Luật ư? Sư đáp: Băng tan tuyết chảy cũng đều là nước mà thôi. Lại hỏi: Hoa Nghiêm, Bát-nhã giống nhau ở chỗ rất chi ly? Sư đáp: Chi ly là nguyên nhân của giản dị.” Chân Ẩn rất phục. Quận Soái Thừa Tướng là Thẩm Công thuyết phục Sư nhận Tăng chức, Sư lấy cớ bệnh cáo từ, Thừa Tướng viết trát khuyên rằng: Sư có hạnh nghiệp thanh tịnh, có sức gánh vác Giáo Tông, vật cần nên ở một phương chính thức tạo lập kỷ cương cho các chùa, rất mong chớ chối từ.” Từ đó Sư giữ chí khiết bạch lãnh lệnh, người các phương đều tuân phục sự thanh chỉnh của Sư. Một hôm Sư cảm thấy có bệnh liền bảo thị giả rằng: “Tất cả không ngại người, một Đạo thoát Sinh Tử (Kệ của kinh Hoa Nghiêm). Lại vỗ tay cười lớn rằng: Ta may mắn đến thế này ư? Chuông kêu thì ta giả biệt!” Lúc đó là ngày mười tám tháng chạp năm Long Hưng thứ nhất. Trà-tỳ được nhiều xá-lợi, táng tro xương của Sư một bên Sùng Pháp Tổ Tháp. Đệ tử đắc pháp thượng thủ của Sư là Nguyệt Ba Tắc Ước.
Thái Sư Chân Ẩn Cư Sĩ khen rằng: Luôn nhìn sắc Sư, tinh thuần ôn hòa, lễ nghĩa rèn tập, đôn hậu thi ca, tuy chuyên Chỉ Quán thật là Nho gia, Hạc bay khoảng vắng, Ve lột xác trần, bèn khiến thính giả, cởi trói mở phanh, năm cảnh chùa lớn, diễn giảng nổi danh. Già ở Diên Khánh, Đạo càng tinh anh, chỉ đem Thai Giáo, nuôi dạy hậu sinh, trước có Pháp Trí sau là Giác Vân, ý mong Huyễn Ảnh cùng pháp trường sinh (trích bia đá ở Nguyệt Ba Sơn).
Luận rằng: Việc ứng tích của Thánh hiền trên đời không phải việc người thường tình biết được. Như Sư Giác Vân một đời làm sáng Giáo Tông Môn. Đến ngày mất như biết trước nơi về, ra sinh vào tử chỉ có bậc phi thường mới luận định được. Song mượn hình tướng nho gia ở hai mươi bảy tướng vị khảo trong ngoài an tĩnh mà huân nghiệp thạnh lớn, nhưng lại hay hộ trì Phật pháp tôn kính chư Tăng. Ấy bởi vì đại quyền hóa độ hiện bày việc làm của Tể Quan Thân. Như Thích-ca thời xưa hoặc làm hàng Nho Sĩ, hoặc ở vị Luân vương, Sa-di chùa Thánh làm Tề Văn Tuyên, Tăng chùa Hồi Hướng làm Đường Minh Hoàng. Gần đây thì Ngũ Tổ Giới Sư làm Tô Văn Trung, Lang Tà Sơn Tàng Tăng làm Trương Văn Định Dung. Há biết được việc thay đổi cơ vị mà không làm Phật, không làm Tổ ư? Lương Chữ gọi là vỗ tay tự cười lớn. Đã có chỗ về mà còn trở lại cõi này thì địa vị tất là hàng tột đỉnh của nhân thần.
Nếu còn nghi ngờ việc này thì là chưa khéo luận như đây vậy.
2. Pháp sư Dữ Hàm
Sư tự Hư Trung, họ Chương, người ở Hoàng Nham, vua ban hiệu là Minh Tổ. Bà mẹ mộng thấy Bạch Liên Tuệ Sư đã tịch rồi, cho trái cam vàng bảo ăn thi liền tỉnh dậy mà miệng lưỡi vẫn còn thơm. Được bảy tuổi thì Sư nương Hương Tích xuất gia. Lúc đầu Sư đến gặp Trí Dõng, ngài làm lạ bảo: Tổ vị tái sinh đây! Học xong tuổi nhỏ mà được cử làm nhất tòa. Ngài Trí Dõng tịch rồi Sư chứng ngộ kế thừa, khi Sư ngộ về Thượng Trúc bèn cử Sư lên thay. Đồ chúng họp đông gặp năm đại hạn nên phân nhau khất thực ở đất Ngô. Người thí chỉ lo phận mình. Bồi Úy Vương Mãnh Công hỏi nghĩa mười sáu Quán, Sư đáp: Nước Phật ở ngoài mười vạn ức cõi mà đề phong thì không vượt quá một tấc vuông. Nếu cố noi theo Quán Đạo thì vãng sinh ở cõi ấy không xa. Tư Chánh Trịnh Công hỏi về Lăng-nghiêm Bát Hoàn. Sư đáp: “Mê tâm làm cảnh tám pháp mờ loạn. Người đạt được Đại Quán thì một niệm tự phản hồi.” Cả hai vị cùng ngộ, hằng năm thường gởi quà cúng dường. Quận Thái Thú vào núi thấy trong ao có hoa sen đỏ, bèn hỏi: Đã là Bạch Liên tại sao lại nở sen đỏ. Sư nói: Trong núi mọi người đều vui, quân hầu đến đây trấn nhậm thì dầu giống vô tình cũng phải đổi màu. Lại khi, Sư chỉ ông nên xem kinh La-hán thì ông hỏi: Đã là vô học thì sao lại xem kinh? Sư liền vỗ lưng tượng La-hán hỏi: Sao không trả lời? Sư mỏi mệt việc ứng tiếp nên trở về nơi Thọ Nghiệp. Gặp lúc Ích Sư ở Xích thành viên tịch, Quận bèn mời Sư đến ở. Vạn Niên Nhất Thiền sư đến hỏi thì thấy trên giường Sư có một cuốn sổ nhỏ, thấy ghi chép việc mua về các vật thường trụ, một tiền cũng không sai sót, bèn than rằng: Ta đối trong Đạo không xấu hổ mà việc làm không bằng Sư. Sư có lần ở chùa Pháp Luân truyền giới, đúng khi thỉnh Thánh Sư thì chúng thấy có ánh sáng lạ, khi đuốc tắt thấy có vị Phạm Tăng đang đứng trên hư không. Ngoài việc thiền tọa, Sư còn tụng Không Phẩm. Đến chỗ “Bản Tánh vắng lặng” thì Sư nhập định vài ngày; đến chỗ “Sinh tử không ngằn mé” thì Sư run rẩy mãi không thôi. Sư thể hội Đạo Pháp tha thiết như thế. Tháng năm năm Long Hưng thứ nhất, Sư cáo biệt chúng ngồi nghiêm niệm Phật mà hóa, táng Sư ở sườn núi phía đông của Chùa. Năm Càn Đạo thứ ba đem trà-tỳ hài cốt Sư thì được vô số xá-lợi lấp lánh năm màu. Sư có soạn: Bồ-tát Giới Sớ Chú ba quyển, Kim Cang Biện Hoặc một quyển, Phục Tông hai quyển, Pháp Hoa Toát Yếu một quyển, rạch ròi dễ hiểu, chiết trong các thuyết. Lấy tên mình làm gốc nên mọi người đều gọi Sư là Trạch Sơn Tẩu.
3. Pháp sư Trung Ích
Sớm thân cận với ngài Trí Dõng, Sư cảnh quán sâu, biện thuyết giỏi, mọi người nhân đó kính phục Sư. Sư làm chủ Thượng Ngu Đẳng Từ rồi dời về Xích thành. Ngoài các buổi giảng liên tục thì Sư nhập Thiền Sám, ngày đêm kế tiếp không hề gián đoạn giây lát. Sư chép Giáo Nghĩa của ngài Trí Dõng gọi là Hổ Khê Tập.
4. Pháp sư Nguyên Tánh
Tự hiệu là Sơn Đường, theo học với ngài Trí Dõng mà thông suốt ý chỉ Giáo Quán. Có hôm Sư ở Bạch Liên, giảng lần lượt đến Thiên Chủ Nghĩa, có kẻ mới đến học làm luận bài bác. Có người đem bài luận lên bạch với Sư thưa rằng: “Kẻ mới học này thấy ngược ngạo, xin Thầy đuổi đi.” Sư cười bảo rằng: Các ông chỉ có được bài luận của kẻ ấy, còn ta thì được hết, đủ để viết ra các bộ Sơn Đường Tập năm quyển và Pháp Hoa Văn Cú Khoa mười quyển!”
5. Pháp sư Tử Mâu
Sư họ Lô, ở Ninh hải, hiệu Viên Tịnh. Từ lâu theo học với ngài Trí Dõng nổi tiếng đương thời. Lúc về già, Sư làm chủ chùa Bạch liên, học trò đông như chợ. Để cung cấp cho nhiều lần thiếu thốn, định đắp đê biến biển thành ruộng đem việc về thưa mẹ, mẹ cho một sọt vàng trắng bảo rằng: “Vì chúng làm việc tất Phật sẽ chứng giám”, vì mẹ lo việc không thành. Rốt cuộc thì mọi việc đều xong có được ngàn mẫu ruộng, chúng nhân đó mà nuôi sống.
6. Pháp sư Bản Không
Sư người Phụng Hóa Tứ Minh, tự hiệu là Hư Đường, cha họ Từ làm ruộng, mỗi khi có cao Tăng qua cửa thì ân cần tiếp đãi trọng hậu. Mẹ đêm mộng thấy ánh sáng lạ chiếu quanh nhà nhân đó mà thọ thai. Cho con là bậc phi thường nên cha mẹ thường ăn rau tụng Kinh. Sư luôn nghĩ việc xuất gia. Năm mười bốn tuổi Sư nương ngài Tôn Thắng Pháp Tồn cạo tóc. Lúc đầu Sư theo ngài Trí Dõng học giáo quán, đến Bạch Liên làm thủ chúng, rồi ra làm chủ Vĩnh Minh ở Minh Chi, sau dời về Trị Bình. Năm Thuần Hy thứ nhất, Hoàng Tử Ngụy Vương cai trị Tứ Minh, tôn trọng Đạo viết sớ mời Sư làm chủ Tứ giáo. Có thủ tọa Hạ Trung sắp giảng kinh Diệu Huyền thì sư ngăn lại bảo rằng: Từ khi có giảng tòa đến nay, các bậc lão thành lập pháp gọi là chức thủ tọa, ai chưa ra đời thì chỉ giảng Tiểu Bộ, nếu đã ra đời, đã giảng tiểu Bộ rồi thì mới có thể khai giảng Đại Bộ, việc khiêm tốn đó là phép cũ vậy. Nếu là Duy Na thì chỉ điểm đọc các loại Tập Tứ Giáo Nghi mà thôi. Phải theo thứ tự mà tiến không được nhảy vọt.” Sau Sư dời về ở Bạch Liên mở lớn Giáo Tông. Lâu sau Sư trở về nơi thọ nghiệp, hàng ngày lấy Vãng sinh làm chánh niệm. Năm Thiệu Hưng thứ ba, ngày ba tháng ba Sư cáo biệt chúng, đến tòa viết kệ rồi hóa. Học đồ ở Đông dịch đến rước toàn nhục thân Sư. Nhóm Tăng tục ở Phụng Hóa dâng điệp ngăn cản, bèn cắt chia râu tóc xây tháp ở Đông Sơn và an táng toàn thân sư ở Tôn Thắng. Sư khi đi không ngoảnh lại khi ngồi không tựa vật, trời nóng dữ vẫn không cầm quạt, trời lạnh gắt vẫn không gần lửa, ở cao tòa thì đọc giảng biện luận rất tinh vi, dù lợi độn đều được thấm nhập, người nhân đó mà rất tôn quý Sư.
C. NỐI NPHA1P NGÀI CHÂN GIÁO, TIÊN PHÁP SƯ:
Pháp sư Viên Trí
Sư họ Lâm, ở Huỳnh Nham. Bà mẹ mộng thấy một vị lão nho mà sinh ra Sư. Còn nhỏ Sư đã rất thông minh, không ham chơi đùa, Thư Sử Kinh Mục đều rất rành rẽ, thuốc men bói toán Sư đều tinh thông. Có lần Sư đến Chùa gần nhà nghe giảng Quán Kinh, Sư khen rằng: “Nơi mặt trời lặn là cố hương ta đó, hôm nay nghe nói như được tin nhà.” Rồi xin xuất gia thọ giới. Sư liền nương ngài Chân Giáo ở Bạch Liên mà học thông Giáo Quán. Có lần Sư hỏi về nghĩa Cụ Biến, ngài Chân Giáo chỉ đèn lồng nói rằng: Như cái đèn kia là ly tánh tuyệt phi vốn tự rỗng lặng theo lý thì là cụ; Lục phàm Tứ Thánh chỗ thấy không đều nhau là biến vậy. (Ngài Khải Am nói: Cụ như đầy đủ báu trân châu, tức lý đủ cả tam thiên. Biến như mưa báu trân châu tức sự tạo ra tam thiên. Ý chỉ này so với ý của ngài Chân Giáo hơi khác). Sư không hiểu. Sau Sư nhân quét đất tụng Pháp Hoa đến chỗ: “Biết Pháp tánh vô thường, Phật chủng từ duyên khởi” thì hoát nhiên tỉnh ngộ, bèn đem bạch ngài Chân Giáo. Ngài nói: “Pháp Hoa, Chỉ Quán đây là thứ quan yếu, nay ông đã ngộ thì việc lớn đã xong.” Từ đó Sư dạo tâm nơi Diệu Đạo, năm ngày chỉ ngủ một giấc. Có kẻ mời đón bước chân dong ruỗi thì Sư bảo: Ta đi dạo chơi đây khác nào bên cửa sáng ghế sạch mà đọc sách cả rương. Sư tham học với Ngũ Phật suốt ba năm. Nếu xem Chỉ Quán đến thập cảnh thập thừa thì thấy Tổ Sư biểu hiện ở trần kiếp. Sư ở Đông Sơn được mười bốn năm tại hai cảnh chùa, có khoảng ngàn chúng, tôn Sư là hàng trên trước. Mỗi khi lo kẻ hậu học bị khốn đốn về danh tướng, Sư luôn khuyên gắng mọi người rằng: “Cần phải thật tinh tấn thì mới lên được bậc cao.” Mỗi nửa tháng Sư đều bố tát. Có kẻ hỏi: Tông Viên Đốn đâu cần phải như thế? Sư bảo: Viên gia sự lý một niệm đều đầy đủ, cái gọi là Viên Đốn đâu phải bác sự mà cầu lý ư? Ta bình thời chưa từng không coi giới luật là thầy. Phù Luật đàm thường chính là ngày nay vậy. Quận thỉnh Sư làm chủ chùa Tường phù, Điện soạn Lưu Công hỏi: Một câu trong Giáo thì phải diễn giải như thế nào? Sư nói: “Tức sự mà chân.” Công hiểu ý chỉ ấy liền viết Sớ thỉnh Sư làm chủ Hồng Hựu. Hàng sĩ phu muốn Sư ở cận thành, bèn thỉnh Sư ở Nhật Sơn rồi dời về các nơi Bạch Liên, Xích thành, Khánh Thiện, hoằng đạo ngày càng hưng thịnh. Năm Thiệu Hưng hai mươi ba, Sư vâng chiếu vua về làm chủ Thượng Trúc. Sau nạn binh lửa, chùa chỉ còn sót lại điện thờ Bồ-tát. Có người tên Suy Kim tạo cửa và hành lang. Thầy xem lịch bảo: “Chủ tinh không lợi.” Sư nói: “Phật cùng Thiên Tinh đồng một tạo hóa, nếu chùa chiền rực rỡ mà ta chết đi thì có hận gì?” Chưa bao lâu quả nhiên Sư có bệnh nhẹ, mộng thấy có Tiên nhân cho uống Thiên dịch, bệnh liền hết, thần thái càng sáng hơn trước. Mùa Hạ năm Thiệu Hưng hai mươi bảy có hạn hán, có chiếu vua mời Sư giảng kinh ở Minh Khánh. Khi giảng xong thì mưa ập xuống. Có lần vì mạo phạm với chùa, dân trong ấp nghe lời xúi cúng vật sống, Sư quở rằng: Đâu thể trái lời Phật cấm? Rồi Sư nói giới cho Thần và đổi sang cúng chay. Năm Thiệu Hưng hai mươi tám, Sư đốc thúc mua sắm gỗ đá nhanh, đến mùa Đông thì nhà cửa chùa chiền đều sửa cất xong cả. Đến ngày mười hai tháng chạp Sư có bệnh, Sư đã dự bị viết thư cáo biệt hàng đạo tục, viết kệ rồi ngồi mà hóa. Tháp Sư ở phía đông chùa. Lúc đầu, ngài Phổ Giác, vào năm cuối ở tại Sơn Chi đã mộng thấy vị La-hán từ Thiên thai đến ngồi soạc ở ghế chủ vị, thì Sư đến. Khi ngài Vô Tướng còn sống mộng thấy ngài Tân Đầu Lô đến gặp trao cho một chén trà núi. Người ta biết Sư là một trong số năm trăm người đó. Đồng Giang Anh tự ỷ mình hiểu biết rộng đọc Lưu Ý Biện Minh Xứ của ngài Kinh Khê liền bài bác xuyên tạc, đến nổi bảo nên hủy bỏ Diệu Lạc, lập ra mười vấn nạn để hỏi. Người học không dám chống lại, Sư làm quyển Công Anh Tập để phá. Người đọc đều ưa thích và hận sao hai Sư không sinh cùng thời.
D. NỐI PHÁP NGÀI SIÊU QUẢ, ĐẠO PHÁP SƯ:
Pháp sư Tòng Tiến
Sư rất thông minh từ nhỏ sớm học thành tài, từ lâu nương học ngài Siêu Quả mà được đạo ngài. Sư ra làm chủ Đức Tạng, diễn giảng có khuôn phép nên học trò đến rất đông. Sư hay tự soạn thuật Giáo Nghĩa nói rõ chỗ sở đắc. Sư soạn Bộ Lăng-nghiêm Giải rất là cao diệu. Ngày Sư viên tịch lưu khám lại hơn tháng nhưng dung mạo Sư vẫn không biến đổi. Khi trà-tỳ xong thì lưỡi còn nguyên như cánh sen đỏ.
E. NỐI PHÁP NGÀI TRÚC AM, QUÁN PHÁP SƯ: (đời thứ năm sau Nam Bình).
Pháp sư Tông Ấn
Sư tự là Nguyên Thật, họ Trần, ở Diêm Quan, hiệu Bắc Phong. Sư thờ ngài Tuệ Lực Đức Lân làm thầy. Năm mười lăm tuổi thọ giới Cụ túc. Lúc đầu Sư đến tham yết ngài Trúc Am ở Đương Hồ và được ý chỉ Giáo Quán. Phàm các câu cách ngôn của Chư Tổ Sư đều đọc tụng hơn ngàn lần. Sư vào Nam Hồ tu Trường sám, có người họ Chu đón Sư về ở Am Cư. Vì thuế ruộng không đúng nên Sư khuyên sửa lại, mỗi năm giảm bớt năm trăm hộc. Sư đến gặp quan Tượng Điền Viên Ngộ Diễn, ông gặn hỏi về ý Tổ Tây Lai. Sư đáp: Có bị thua cũng không kêu ca. Diễn chấp nhận. Giỗ ngài Trí Giả buổi sáng, đêm đến Sư thắp hương trong lò trên điện thương khóc đến khàn tiếng, Diễn thương cảm ý Sư liền dùng hậu lễ đưa Sư về ở Nam Hồ. Sư có lần nghĩ về nghĩa Tịch Quang có hình tướng thì trên không trung có tiếng bảo rằng: Tịch Quang thể nó như mặt trăng trong nước. Tư Giáo Không Hư Đường đón Sư về làm thủ tòa, Hư Đường soạn Tông Cực Luận giúp ngài Trí Dõng về ý chỉ lập ra Sự và Lý mỗi thứ có một tánh riêng. Sư lập ra chín lời vấn nạn thì nghĩa của Tông Cực Luận bị thua. Thông Thú Tô Tỉ xem Bất Nhị Môn thì vì văn giản lược nên mịt mù về Tông thuyết, Sư bèn tóm tắt chỉ rõ chỗ cơ yếu, Tô Tỉ liền lãnh hội. Bạch Sư Tòa thỉnh Sư về ở Chánh Giác. Gió bão thổi trôi dạt tất cả chỉ còn lại điện thờ, Sư liều chết không lánh chạy nên gió bão không thổi nữa. Có người thỉnh Sư truyền giới cho Thần miếu để bỏ việc cúng tế đồ huyết nhục. Sư trước đó đã nằm mộng nên đến chú nguyện trước cửa miếu, thần thưa xin đổi cúng chay mấy mươi đền thờ. Sư về làm chủ Ẩn Học, chưa bao lâu Tô Tỷ cũng được vua triệu về, yêu cầu sư cùng đi bảo rằng: Sao chẳng về Tây để cùng hoằng truyền? Sư ở Phương Đông hai mươi bảy năm, đến khi ấy lại trở về phía phải sông Triết, làm phó giảng ở Thượng Trúc diễn nói về Chỉ Quán, châm biếm cái bệnh chi li danh tướng của người học. Ôm sách vây quanh tòa, làm chủ tòa để được học trò cúng giỗ. Sư ở ẩn nơi am Mao thị tại Lôi Phong. Nhiều người hỏi đạo kéo đến, người họ Đỗ lập ra khu Phổ Quang, kính cẩn đón tiếp Sư Thiền, giảng cùng đi đôi, pháp đạo ngày càng thạnh. Vừa khi Đức Tạng đến thỉnh Sư rằng: Lập một nơi học tập để báo ân lâu dài. Sư từng dời đến các nơi như Siêu Quả, Viên Thông, Bắc Thiền. Đạo đức của Sư vang khắp nhờ đó gỗ đá được đầy đủ. Ngài Hải Không Anh giả từ Linh sơn nên cử Sư thay thế, vua ra chiếu chấp thuận. Người học khoảng năm trăm đều quy phục Đạo của Sư, nhân đó mà tệ xưa, lối học cũ đều đổi mới. Vua Ninh Tông vốn nghe tiếng Sư đã lâu bèn triệu về cung để vua hỏi đại ý Phật Pháp. Sư nói năng giản dị mà lý lẽ sáng tỏ, vua rất quý kính nên ban thưởng trọng hậu, ban hiệu là Tuệ Hạnh Pháp sư. Năm Gia Định thứ sáu, Sư lập Quán thất, đi hành hóa trong đất Ngô. Đến Tòng Giang thì đệ tử dựng lên một am nhỏ, Sư bảo học trò rằng: “Hóa duyên của ta đến đây đã xong” liền nằm nghiêng bên hông phải yên lặng mà hóa, lúc đó là ngày tám tháng chạp. An táng khám Sư ở bên Tháp ngài Từ Vân. Sư giữ ba y đúng luật, không ăn năm thứ nồng cay, Đạo lực tinh thuần, U minh đều cảm, sửa tà chỉnh trệ, trừ hủi dẹp lao, một khi ai có cầu khấn đều nhanh chóng lành bệnh. Sư thường bảo người diễn giảng cần đủ ba pháp: Một là oai nghi phải nghiêm túc rồi mới đến với đại chúng. Hai là nêu rõ đại cương tận cùng văn nghĩa. Ba là phải đủ Tông nhãn để bày Cảnh Quán. Rồi tùy chỗ mong cầu mà trình bày. Sư có soạn: Kim Cang Tân Giải, Thích Di-lặc Kệ, Giản Thị Thiên Thân, La-thập Đồng Dị Chi Ý (trình bày tóm tắt ý dị đồng của Thiên Thân và La-thập). Khảo chính các bản kinh này các văn đều có chứng cớ. Sư kể thuật Giáo Nghĩa có hơn một trăm chương rất được người học truyền chép. Người nối pháp của Sư nổi tiếng như Cổ Vân Nguyên Túy… mười người, truyền giáo cho người Nhật Bản một người là Tuấn Nãi, các quan quyền Nho sĩ học đạo có ba mươi mấy người. Riêng Phật Quang Pháp Chiếu nối đời rất hưng thạnh, có công làm sáng đạo của Tổ phụ.
F. NỐI PHÁP NGÀI MỤC AM, BẰNG PHÁP SƯ:
Pháp sư Pháp Huy
Sư tự Minh Tẩu, hiệu Nguyệt Khê, họ Từ, người ở Lâm Hải Thai Chi. Sư nương ngài Chân Ngộ Kham Sư ở Đa Phước Tây Trà Viện mà cạo tóc, rồi theo ngài Mục Am ở Năng Nhân mà học thông Giáo Quán. Kịp khi dời về Nam Hồ thì Sư làm nội tri khách. Sư bình tâm giúp việc trong ngoài đều an. Sư cùng kết bạn xa với các bạn đồng chí hướng như Ấn Nguyên, Bảo Đăng, Thánh Đạo, Nguyệt Quang hằng ngày luôn luận hỏi đạo này. Khi trở về Năng Nhân thì Sư làm Tòa Thủ. Năm Thuần Hy thứ nhất, Sư ra làm chủ Hưng Tích ở Phù Giang, liền dời về Xích thành. Năm Thiệu Hưng thứ hai, Sư dời về Thánh Thủy. Trong năm Gia Định, ở Xích thành có Khứ Tư, Sư khuyên gắng theo về. Sau đó Thánh Thủy lại đến đón, Sư cũng không cản. Năm Gia Định Ất Mão, mùa Thu Sư không bệnh mà tịch. Tháp Sư ở Tây Áo. Sư diễn nói Pháp Hoa rất phù hợp ý Tổ, nêu sáng chánh nghĩa rất giống ngài Mục Am. Tạ Khắc Gia và Tiền Trượng Tổ hai vị hương tướng vốn tôn kính Sư. Sư gìn lòng khiêm tĩnh chưa từng chịu nhận của người cho. Người nhân đó đều tôn kính Sư.
G. NỐI PHÁP NGÀI TƯỜNG PHÙ, HÂN PHÁP SƯ:
1. Pháp sư Thiện Vinh
Sư họ Phan, người ở Ô Trình, vua ban hiệu là Ngộ Không. Mẹ mới thọ thai liền không ăn đồ huyết nhục. Vào đêm lâm bồn có hai luồng sáng từ trên trời chiếu xuống lều, sau đó sinh được hai trai. Vừa hơn một tuổi cả hai đều bệnh và chết một bé. Có thầy tướng đến bảo bà mẹ rằng nếu không xuất gia e khó sống. Bèn cho Sư xuất gia ở chùa Pháp Nhẫn. Đến bảy tuổi thọ giới, học giáo với ngài Thanh Biện Hân Sư. Cuối năm Thiệu Hưng từ chức Tòa Thủ ở Tường Phù, Sư ra làm chủ Bảo Lâm ở Thái Hồ. Sư từng đến các nơi Tuệ Thông, Xa Khê mà giảng đạo thạnh hành. Năm Thuần Hy Quý Mão, Soái đất Việt là Lý Tham Chánh thỉnh Sư làm chủ Viên Thông, đích thân làm sớ bảo rằng: “Phật Bồ-tát vốn tự vô tâm hễ có duyên liền ứng. Hàng Sĩ phu đâu hiềm dị giáo hễ Đạo là theo.” Người đều vui thích truyền tụng câu nói ấy. Một hôm Sư có chút bệnh, bèn dẹp việc, ngồi yên trên giường, khi hỏi bệnh dâng thuốc đều không đáp. Hơn bảy ngày thì Sư tắm gội thay áo ngồi kiết già ở Phương trượng, yên lặng mà hóa. Khi trà-tỳ thì ai xin xá-lợi đều được. Sư có soạn: Đại Bộ Quyết Nghi Tập bốn quyển, lưu hành ở đời. Lúc Sư còn ở Xa khê, một hôm gắp đũa rau Sư thấy trong rau đầy sâu, bèn than rằng: Than ôi, một miếng ăn mà sao chết quá nhiều mạng sống! Do đó suốt mùa hạ Sư chỉ uống nước trắng sau khi ăn. Nối Pháp của Sư có Tử Kim Pháp Thông.
H. NỐI PHÁP NGÀI THANH TU, CỮU PHÁP SƯ:
1. Pháp sư Diệu Vân
Sư họ Dương, người Tứ minh, tự hiệu Từ Thất. Sư khắp học hỏi các tòa giảng mà phát sáng diệu giải. Từ lâu theo ngài Vô Úy, lại đến Ngọc Kỷ tham học với ngài Đại tuệ nên càng tỉnh ngộ. Ngài Vô Úy làm chủ Thanh Tu, Sư cùng các vị như Dật Đường vv… sớm tối thỉnh ích và cùng lãnh hội được ý chỉ Thông Tướng Tam Quán. Năm Thiệu Hưng mười chín, ngài Vô Úy tịch, chúng thỉnh Sư lên kế thừa. Năm đầu Thuần Hy, Sư dời về Vĩnh Minh ở Từ Khê đem ngô ý đã được mà soạn bộ Viên Giác Trực Giải, trong bài tựa có nói: Hàng Cự Nho lão Tăng đọc sách này tất bảo rằng: Đã gọi là trực chỉ sao lại dùng Khoa điển làm chi, người nghe tất cười lớn! Có lần Sư ẩn cư ở Nhị Linh Đông hồ, làm thơ tặng người ăn xin ở chợ quê rằng: “Non vây hồ nước nước vây non, một thoáng bạch âu trước cửa con, thấp thoáng ngoài nương vài thí chủ, mười Tăng tham cứu tháng năm tròn.” Người thời ấy đọc cho là Bảo Lục. Quận thỉnh Sư ở Nam Hồ, suốt ngày diễn giảng, người học đông như chợ. Ở được hai năm Sư cáo bệnh lui về ở am họ Ngô tại Khê Khẩu. Một hôm đến từ biệt Ngô Quân, trở về hơn ba ngày, Sư tắm gội thay áo ngồi kiết già trong thất, bảo thị giả rằng: Ta có nén nhang cất đã ba mươi năm, đợi ngày lâm chung sẽ cúng Phật kính báo đại ân. Nay đã đến lúc, ta sắp ra đi. Khi khói hương nghi ngút thì Sư đứng dậy khấn Phật cầu về An Dưỡng, rồi đến giường chắp tay mà hóa. Sư học được ý chỉ rất khéo giảng nói và thi ca bút mực nổi tiếng một thời. Sư được thờ tại Tổ Đường ở Nam Hồ. Vì mới ở nên không làm tượng. Các bậc kỳ lão bàn rằng: Xưa các ngài Trúc Am và Mục Am đều ở đây hai năm. Nghĩ rằng Đạo lớn thì danh to không thể không lập. Nay Từ Thất so với hai lão Tăng kia đâu thua kém gì, thế nên cũng đáng lập Tổ Vị. Người nối pháp của Sư là Quảng Thọ Chánh Kiểu (Ngày giỗ của Sư là mồng tám tháng chín).
2. Thủ Tọa Hy Nhan
Tự Thánh Đồ, tự hiệu là Tuyết Khê, người ở Phụng Hóa Tứ Minh, thuở nhỏ thi Kinh mà được độ. Khắp các trường giáo phủ thiền đều học hỏi, Tam giáo bách gia thảy đọc qua. Từ lâu Sư từng theo học Quán Pháp với ngài Vô Úy tự cho là đã đạt hết thâm áo của thầy. Khi ngài Vô Úy viên tịch Sư soạn bài minh ý nói nhờ ngài mà Sư đắc pháp. Sư tính khí thẳng thắn can cường mọi người đều kính sợ. Văn Sư đẹp đẽ cao mầu, hàng hậu tấn đều ái mộ, do đó tên Thánh Đồ trùm khắp thiên hạ, không mê ngờ việc trước ắt phải ở nơi ký thất, biết số sau này phải lên ngồi bên tòa giảng, chư Tăng nhiều lần cử Sư ra làm việc nhưng Sư cố từ chối không nhận. Sư có lần dạo bước ở vườn rau thấy từng đống phân và giòi vì phải giết nhiều vật nên Sư không dùng rau nữa, chỉ mua ba trăm sáu mươi cân rong biển, mỗi ngày dùng tí chút với cháo cơm. Tuổi về già Sư tỉnh ngộ bảo rằng: “Văn tự và các thói quen khác không bổ ích gì cho Đạo.” Sư bèn đến ở am của họ Lệ ở Đào Nguyên, chuyên tâm niệm Phật, một khi ngồi suốt mười năm, tinh tấn không biếng lười. Gọi Phản Nhân Trương Hán Khanh bảo rằng: Đạo của Tịnh Độ đâu có một pháp có thể được. Đài vàng lưới báu ca-lăng-tần-già, đây chỉ là Phật ta phương tiện dùng cách khuyến dụ mà thôi. Chỉ ở trong tu mà không thấy một pháp nào thì Tịch quang thượng phẩm không chứng mà chứng. Hán Khanh nói: Tôi vốn tin hiểu, thẹn là chưa được mạnh mẽ thôi!” Có tấm biển đề ở hiên nhỏ rằng: “Nhớ Phật làm thơ để thấy chí!” Có người bảo: Theo sóng đuổi sóng trôi phăng phăng, trong khoảng tíc tắc bảy mươi năm, sao không quay về nhớ biết Phật, muốn theo nếp cũ đáng ra roi! Khi sắp lâm chung Sư biết trước mà giả biệt các bạn thân, tắm gội thay áo, quay mặt về hướng Tây quán tưởng chợt bảo: “Phật đến”, rồi Sư chắp tay mà hóa. Khi Sư còn ẩn cư, quan Hữu Ty vì trừ thuế Đinh đã lên Từ Thất trách vui rằng: Thiên hạ há có người đọc cả vạn quyển sách để làm bậc cao hạnh mà còn muốn dùng thuế đinh để trách cứ đấy ư? Chủ Ty vui vì lời nói ấy nên không hỏi đến.
I. NỐI PHÁP NGÀI TRỪNG GIÁC, HOÁN PHÁP SƯ:
Pháp sư Giản Ngôn
Sư tự hiệu là Giác Am, nương ngài Trừng Giác học thông ý chỉ của ngài. Sư học rộng nhớ nhiều độc chiếm một thời. Có lần giảng Diệu Huyền lên tòa chắp tay kính cẩn ngầm nhớ bản văn không sai khoa tiết, trình bày đầy đủ diệu pháp, lại trình bày thêm các giáo tướng liên hệ, sự lý quyền thực đều rõ ràng. Sư từng bảo một kẻ mới học rằng: Người khổ vì ít học, nếu trải nhiều năm tháng đọc kỷ các điểm cáo, tự nhiên hiểu rõ nguồn tâm, thấu suốt Tổ ý, không bị một lời một nghĩa nào ngăn trở mê hoặc, mới có thể tùy việc mà giảng nói, người nghe đều được tâm hóa.
J. NỐI PHÁP NGÀI PHÁP CHIẾU, KIỂU PHÁP SƯ:
Pháp sư Minh Triết
Sư họ Chu, người ở Ngân Ấp Tứ Minh, tự hiệu là Tắc Am. Bà mẹ mộng thấy nuốt ngọc quý mà sinh ra Sư. Năm mười tám tuổi Sư thọ giới Cụ túc liền đi du học các phương, nương ngài Năng Nhân Pháp Chiếu mà nhận được Giáo Quán. Lúc ấy trong đại hội có đến mười người cùng mang tên Triết, nhưng chỉ có Sư là sáng chói nổi tiếng nhất. Sư lại khắp tham học các Thiền lâm, các ngài Thiên Đồng Hoằng Trí, Dục Vương Đại Tuệ, Quốc Thanh Ngu Cốc đều kỳ vọng cho Sư là Đại Khí. Sư từng nói: Cái mà Tòng Lâm bảo là “Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật” thì tức là Tông ta nói “Giới nhĩ có Tâm, Tam thiên đầy đủ” vậy. Ngài Hoằng Trí nghe nói thế bảo rằng: Quán tử này rất có diệu giải cần nên trở về mà hoằng hóa. Lúc đầu Sư làm chủ ở Xương Quốc Siêu Quả, rồi dời về Giác Hải ẩn học với ngài Vĩnh Minh, dốc chí giảng dạy không bỏ phí thời gian, người học không dám nại cớ nghỉ ngơi. Quận soái là Phạm Thành Đại mời Sư làm chủ Nam Hồ. Cả lúc ấy người nghe giảng đều là những bậc anh tài bốn phương đua nhau đến chỉ lo mình là kẻ đến sau, cùng bảo nhau rằng “Ngày nay chính là được lên long môn.” Sư hàng ngày tụng Kinh Tiểu Bát-nhã có xen tiếng người bèn tụng lại. Sư bảo rằng: “Không nên để tiếng phàm xen vào Thánh điển” (Ngày giỗ Sư là mười sáu tháng sáu).
K. NỐI PHÁP NGÀI VIÊN CHIẾU, QUANG PHÁP SƯ:
Pháp sư Tông Triệu
Sư người Tứ minh. Lúc đầu Sư đến Nam Hồ tham yết ngài Minh Trí, tuổi về già bèn vào thất ngài Viên Chiếu. Ngài sai làm phó giảng.
Sau Sư ra làm chủ Hưng Giáo rồi dời về Thọ Thánh. Từ nạn binh lửa năm Kiến Viêm, chỉ còn sót lại đại điện lợp tranh cỏ hơn mấy trăm gian, tăng già bệnh hơn mười vị nuôi sống qua ngày, Sư thường bảo: Chư Phật Bồ-tát ở khắp pháp giới làm Phật sự, còn mảnh đất vài thước nhỏ nhoi của ngài Vân Khê không làm chi được, ấy là do duyên lực không đủ. Dẫu ta có làm được thì sao đủ sức làm Đạo. Hàng Kỳ Đà Cấp Cô bố thí không tính toán có đến mấy ức nhưng mảnh đất nhỏ nhoi Vân Khê vẫn không hoàn thành ấy là duyên lực không đủ. Dẫn ta có kiến thiết gì thì cũng không thể nhiều được. Nên chỉ biết lo siêng năng giảng đạo dốc chí tu tiến để báo đáp ân Phật mà thôi. Rồi thì người học ngày càng đông, thí chủ tự kéo đến. Nhà cửa nhân đó được xây mới.
L. NỐI PHÁP NGÀI ĐÔNG LINH, KHÂM PHÁP SƯ:
Pháp sư Lợi Uyên
Sư làu thông Tam tạng, thấu suốt Ngũ Kinh, học rộng Đạo cao nên đời gọi là Uyên Giáo Tạng. Sư sớm được ngài Đông Linh truyền pháp, Sư ra hoằng hóa Pháp ở Dương Tiêm, học chúng khoảng ba trăm, ngày ngày luôn diễn giảng, ra vào kinh Luận không lường bờ bến. Do đó mà hàng hậu học phần đông đều chuộng phần phiếm luận của Sư (Quyển này có ba mươi lăm vị nhưng Bản kỷ thiếu sót mười bảy vị).