LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 11
Phần 2: GIỚI PHÁP CỦA TỲ KHEO NI
Đoạn 1: NÓI VỀ TÁM PHÁP BA LA DI
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Trưởng lão Ưu-ba-ly thưa hỏi Đức Phật: Đức Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: Nếu Tỳ-kheo nào cùng các Tỳ-kheo đồng học giới pháp, giới sút kém, không xả mà hành pháp dâm dục, cho đến cùng với loài súc sinh. Tỳ-kheo như vậy phạm Ba-la-di, không được sống chung. Giới này nên thọ trì thế nào? Nên thọ trì trong một bộ Tăng hay hai bộ Tăng? Đức Phật dạy: Hai bộ Tăng đều nên thọ trì. Từ nay giới này đuợc nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào cùng các Tỳ-kheo đồng học giới pháp, giới sút kém, không xả, tùy ý hành dâm, cho đến cùng với loài súc sinh. Tỳ-kheo-ni ấy phạm Bala-di, không được sống chung”.
Bấy giờ, Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật: Đức Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: Tỳ-kheo nào nơi thôn xóm hoặc nơi đất trống, lấy vật không cho với tâm trộm cắp… cho đến không sống chung. Con nên thọ trì thế nào? Đức Phật dạy: Hai bộ Tăng đều nên thọ trì. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào, nơi thôn xóm hoặc nơi đất trống lấy vật không cho với tâm trộm cắp, bị Vua hoặc Đại thần, hoặc bắt hoặc trói, hoặc giết hoặc tẫn xuất nói: Cô là kẻ giặc, cô là người ngu si. Tỳkheo-ni ấy phạm Ba-la-di, không được sống chung”.
Trưởng lão Ưu-ba-ly lại thưa hỏi Đức Phật: Đức Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: Tỳ-kheo nào đối với người hoặc tương tợ người, hoặc tự sát cho đến không sống chung. Con nên thọ trì thế nào? Đức Phật dạy: Hai bộ Tăng đều nên thọ trì. Từ nay giới này đuợc nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào đối với người hoặc tương tợ người, hoặc tự mình giết, hoặc đưa dao hay thuốc độc giết, dạy người giết, hoặc dạy người tự giết, đề cao cái chết, khen ngợi cái chết: Người ơi! Sống xấu xa như thế nên chết thì hơn! Nói như vậy với tâm sát như vậy, người kia do thế mà chết. Tỳ-kheo-ni ấy phạm Ba-la-di, không được sống chung”.
Trưởng lão Ưu-ba-ly lại thưa hỏi Đức Phật: Đức Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: Tỳ-kheo nào không biết, không thấy pháp hơn người, cho đến không sống chung. Con nên thọ trì thế nào? Đức Phật dạy: Hai bộ Tăng đều nên thọ trì. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào không biết, không thấy pháp hơn người, đầy đủ tài lợi của Thánh, tự xưng là mình biết như vậy, thấy như vậy. Thời gian sau, Tỳ-kheo-ni ấy, hoặc được hỏi hoặc không được hỏi, muốn khỏi tội, cần sự thanh tịnh, lại nói: Tôi không biết mà nói biết, không thấy mà nói thấy, hư cuống vọng ngữ, trừ tăng thượng mạn. Tỳ-kheo ấy phạm Bala-di, không được sống chung”.
Lúc này, người rể của bà Tỳ-xá-khư tên là Lộc-tử. Lộc-tử kính mến bà Tỳ-xá-khư như kính mến mẹ đẻ của mình. Người bấy giờ gọi bà là Lộc-tử-mẫu Tỳ-xá-khư. Lộc-tử có người cháu tên là Thi-lợi-bạt. Thilợi-bạt phải lòng Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà. Sau đó, Thi-lợi-bạt thỉnh Tỳ-kheo-ni Tăng thọ trai, Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà cáo bệnh không đến dự, ở nhà coi chùa, cùng với một Sa-di-ni nhỏ. Đến giờ thọ trai, Tỳ-kheo-ni Tăng đều đến nhà Thi-lợi-bạt. Thi-lợi-bạt tự tay sớt thức ăn, rồi hỏi: Tại sao Thâu-la-nan-đà không đến? Tỳ-kheo-ni hiện diện trả lời: Cô ấy bị bệnh, Tăng sai ở nhà giữ phòng, cho nên không đến. Thi-lợi-bạt sớt cơm cho quý ni Thượng tọa xong, bèn vội đến chùa, hỏi: Cô bị bệnh thế nào? Thâu-la-nan-đà trả lời: Xương cốt đều bị đau nhức! Thi-lợi-bạt liền đấm bóp. Tỳ-kheo-ni nói: Cho phép ông đấm bóp toàn thân thể, nhưng không được hành dục. Đấm bóp xong, Thi-lợi-bạt hỏi: Cô cần thứ gì? Cô ni trả lời: Tôi cần táo khô. Ông ta liền mua táo đem đến. Cô ni cầm trái táo, hỏi: Ông thấy trái táo khô này không? Đáp: Tôi có thấy. Tỳ-kheo-ni nói: Người nào tâm bị ràng buộc nơi sự không thể hành dục được thì tinh thần bị teo lại như trái táo này. Do đó, ngay lúc ấy, Thi-lợi-bạt liền cùng Tỳ-kheo-ni này bằng mọi cách hai thân xúc chạm nhau, rồi ra về. Các Tỳ-kheo-ni thọ trai xong trở về, khi vào cửa, từ xa thấy Thi-lợi-bạt đi ra, đều sinh nghi là ông ta đã cùng với Thâula-nan-đà làm hạnh bất tịnh. Các Tỳ-kheo-ni hỏi Thâu-la-nan-đà: Cô đã phá phạm hạnh phải không? Thâu-la-nan-đà trả lời: Tôi không phá phạm hạnh, chỉ cùng với nam tử hai thân xúc chạm nhau thôi. Sa-di-ni nhỏ cũng nói như vậy. Các Tỳ-kheo-ni buông lời quở trách: Đức Phật bằng nhiều phương tiện chê trách việc làm cùng thân người nam xúc chạm nhau, và bằng nhiều phương tiện khen ngợi việc làm không xúc chạm thân người nam, tại sao nay cô lại làm việc xấu ác ấy? Quở trách rồi chư ni đến chỗ Đức Phật, trình bày sự việc. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi Thâu-la-nan-đà: Thật sự cô có như vậy không? Đáp: Kính bạch Thế Tôn! Sự thật con có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách như trên, rồi bảo các Tỳ-kheo: Do mười điều lợi nên nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào do dục thạnh biến tâm, nhận lấy mọi sự xúc chạm của nam tử, từ mái tóc trở xuống, đầu gối trở lên, khuỷu tay trở ra sau. Tỳkheo ấy phạm Ba-la-di, không được sống chung”.
Tỳ-kheo-ni: Là hạng Tỳ-kheo được Bạch-tứ-yết-ma để thọ giới Cụ túc. Từ câu: “Do dục thạnh biến tâm” trở xuống, giải thích như trong giới “Tỳ-kheo xúc chạm thân người nữ”, đã nói.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni nhận sự nắm tay, nắm y của nam tử, hẹn với nhau, một mình cùng đi, cùng đứng, cùng nói, cùng ngồi một chỗ, hai thân gần kề với nhau, do tâm nhiễm dục này nên không thích sống với đạo, hoặc có người hoàn tục, hay làm ngoại đạo. Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà mặc áo mới nhuộm, thoa chà thân thể, kẻ mí mắt, đến chỗ đông người, các nam tử nắm tay, nắm y, nói: Tay cô mềm mại đẹp quá, áo cô trơn láng tốt quá! Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão thấy, quở trách đủ cách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi các Tỳ-kheo-ni: Thật sự các cô có làm tám pháp trên phải không? Đáp: Kính bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào vì dục mạnh biến cả tâm ý, nhận lấy sự nắm tay, nắm y của nam tử, hẹn nhau, một mình cùng đi, cùng đứng, cùng nói, cùng ngồi một chỗ, thân cùng thân nam tử gần kề nhau, đầy đủ tám pháp thì Tỳ-kheo-ni ấy phạm tội Bala-di, không được sống chung”.
– Nắm tay: Nắm từ khuỷu tay trở ra.
– Nắm y: Nắm y đang mặc.
– Hẹn nhau: Hẹn đến chỗ nào đó để làm phép hành dục hoặc để xoa chà nơi thân.
– Cùng đi: Một mình cùng nam tử đi một đường.
– Cùng đứng: Một mình cùng nam tử đứng một chỗ.
– Cùng nói: Cùng nam tử nói chuyện.
– Cùng ngồi: Cùng nam tử ngồi một giường một ghế.
– Hai thân gần kề: Ngồi một chỗ, khi nghiêng mình thì đụng thân nam tử.
Nếu phạm việc nắm tay, cho đến hai thân gần kề nhau mỗi hành động đều mắc Thâu-lan-giá. Nếu phạm bảy việc, tuy đã tùy theo đó sám hối, sau phạm một việc nữa là đủ tám, cũng thành tội Ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.
Bấy giờ, Tỳ-kheo Xiển-đà luôn luôn phạm tội, lên giường xuống giường đều không như pháp, thường ăn biệt chúng, vào xóm làng lúc phi thời, không bạch với Tỳ-kheo thiện, Tỳ-kheo Tăng trao cho pháp Yết-ma không thấy tội. Tỳ-kheo-ni Ưu-ta là chị của Xiển-đà, tới lui nói chuyện và cung cấp y thực. Các Tỳ-kheo-ni thấy nói: Này cô! Tỳ-kheo này đã được Tỳ-kheo Tăng hòa hợp trao cho pháp Yết-ma không thấy tội. Các Tỳ-kheo đã không cùng ở chung, không cùng làm việc, không cùng nói chuyện, tại sao nay cô lại tới lui nói chuyện, cung cấp y thực? Tỳ-kheo-ni Ưu-ta nói: Xiển-đà là em của tôi, tôi không chăm sóc thì ai chăm sóc! Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, buông lời quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi Ưu-ta: Thật sự cô có như vậy không? Đáp: Kính bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nên khiến một Tỳ-kheo-ni thân thiện với Ưu-ta đến nơi chỗ vắng khuyên can: Cô không nên không tùy thuận nơi Tăng Yết-ma Tỳ-kheo không thấy tội. Nếu cô ta nghe theo thì tốt, bằng không thì nên bảo nhiều Tỳkheo-ni đến can. Nếu cô ta nghe theo thì tốt, bằng không thì Tỳ-kheo-ni Tăng nên đến can. Các Tỳ-kheo vâng lời dạy của Đức Phật ra lệnh cho các Tỳ-kheo-ni, khiến một Tỳ-kheo-ni đến khuyên can… cho đến câu: Tỳ-kheo-ni Tăng đến can. Cô ta đều không thuận nghe. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão đem vấn đề bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, bằng mọi cách nhắn lời quở trách Ưu-ta rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào biết Tăng như pháp trao cho Tỳ-kheo pháp Yết-ma không thấy tội, các Tỳ-kheo không sống chung, không cùng làm việc, không cùng nói chuyện, mà tùy thuận nơi Tỳ-kheo ấy. Các Tỳ-kheo-ni nói với Tỳ-kheo-ni đó: Này cô, Tỳ-kheo này, Tỳ-kheo Tăng đã trao pháp Yết-ma không thấy tội, các Tỳ-kheo không sống chung, không cùng làm việc, không cùng nói chuyện, cô đừng tùy thuận. Can gián như vậy mà kiên trì không bỏ, nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba can gián bỏ thì tốt, không bỏ thì Tỳ-kheo-ni ấy phạm tội Bala-di, không được sống chung”. Ngoài ra như trong giới “Điều-đạt phá Tăng” đã nói. Trường hợp không phạm cũng như trong giới đó.
Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tu-hưu-ma và Tỳ-kheo-ni Bà-phả thường đi
đứng với nhau. Sau đó, Tỳ-kheo-ni Bà-phả qua đời, Tỳ-kheo-ni Tuhưu-ma buồn khóc. Các Tỳ-kheo-ni nói: Cô đừng khóc như vậy, tất cả pháp hữu vi đều phải tiêu hoại, như Đức Phật đã nói, ân ái biệt ly, chứ đâu còn mãi. Các pháp hữu vi mà không hư hoại, không tan rã là điều không thể có. Tỳ-kheo-ni Tu-hưu-ma nói: Tôi không vì cô ta mà khóc, mà khóc vì lúc sinh tiền cô ta không tu phạm hạnh. Các Tỳ-kheo-ni hỏi: Tại sao cô biết? Tu-hưu-ma đáp: Vì cô ta cùng đi với tôi, chính tôi thấy cô ta làm việc dâm dục với nam tử. Các Tỳ-kheo-ni quở trách: Tại sao lúc cô ta còn sống cô lại che giấu tội của cô ta, bấy giờ cô ta chết rồi, cô lại phát lồ? Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão biết, bèn quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi Tu-hưu-ma: Thật sự cô có thấy như vậy không? Đáp: Bạch Thế Tôn! Sự thật con thấy như vậy. Bằng mọi cách quở trách rồi, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào thấy Tỳ-kheo-ni phạm tội Ba-la-di mà che giấu, Tỳkheo-ni kia, sau đó còn sống hay đã chết, hoặc đi xa hay bị tẫn xuất, hoặc thôi tu hay biến hình, khi ấy mới nói: Trước đây chính tôi thấy cô ni kia phạm tội Ba-la-di. Tỳ-kheo-ni nào như vậy, phạm tội Ba-la-di, không được sống chung”.
Che giấu: Từ sáng sớm cho đến phần đầu của đêm đầu, mỗi giờ đều phạm Đột-kiết-la, từ phần đầu của đêm đầu cho đến tướng mặt trời chưa xuất hiện, mỗi giờ đều phạm một Thâu-lan-giá, đến tướng mặt trời xuất hiện, phạm Ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la. Nếu muốn nói mà không có Tỳ-kheo-ni nên chưa nói, hoặc khi nhập định đại xả hay khi tám nạn khởi đều không phạm. Tám nạn:
- Bệnh.
- Vua.
- Giặc.
- Nước.
- Lửa.
- Y bát.
- Mạnh sống.
- Phạm hạnh.
Đoạn 2: NÓI VỀ 17 PHÁP TĂNG TÀN
Bấy giờ, Trưởng lão Ưu-ba-ly thưa hỏi Đức Phật: Đức Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: Nếu Tỳ-kheo làm pháp mai mối, cho đến chỉ một lần giao hội, phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Con nên thọ trì thế nào? Đức Phật dạy: Nên thọ trì cả hai bộ Tăng. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào làm pháp mai mối, hoặc vì việc tư thông, đem ý người nam nói với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam, cho đến chỉ một lần giao hội. Tỳ-kheo-ni ấy vừa làm là phạm Tăng-già-bà-thisa, cần phải hối quá”.
Trưởng lão Ưu-ba-ly lại thưa hỏi Đức Phật: Đức Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: Tỳ-kheo nào tự mình không như pháp, do giận dữ nên dùng pháp Ba-la-di không căn cứ hủy báng Tỳ-kheo không phạm Ba-la-di, cho đến câu: phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Nay con nên thọ trì thế nào? Đức Phật dạy: Nên thọ trì cả hai bộ Tăng. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào tự mình không như pháp, do giận dữ nên dùng pháp Ba-la-di không căn cứ, hủy báng Tỳ-kheo-ni không phạm Ba-la-di, muốn phá hoại phạm hạnh của vị ấy. Tỳ-kheo-ni kia, một thời gian sau hoặc có người hỏi, hay không bị hỏi, tự nói: Việc ấy không căn cứ, vì tôi giận dữ nên hủy báng, Tỳ-kheo-ni kia vừa làm liền phạm Tăng-già-bà-thi-sa, nên hối quá”.
Trưởng lão Ưu-ba-ly lại thưa hỏi Đức Phật: Đức Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: Tỳ-kheo nào tự mình không như pháp, do giận dữ nên lấy một chi tiết của phần việc khác, hoặc một chi tiết tương tợ, cho đến câu: phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Nay con nên thọ trì thế nào? Đức Phật dạy: Cả hai bộ Tăng nên thọ trì. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào tự mình không như pháp, do giận dữ nên lấy một chi tiết của phần việc khác, hoặc một chi tiết tương tợ pháp Ba-la-di, hủy báng Tỳ-kheo-ni không phạm Ba-la-di, muốn phá phạm hạnh của vị ấy. Tỳ-kheo-ni kia, sau đó, hoặc có người hỏi hay không bị hỏi, tự nói: Tôi vì giận dữ nên lấy một chi tiết của phần việc khác, hoặc một chi tiết tương tợ để hủy báng. Tỳ-kheo-ni kia vừa làm phạm Tăng-già-bà-thisa, cần phải hối quá”.
Bấy giờ, các người trong dòng họ Thích lập quy uớc: Chúng ta không cùng với hạng thứ dân làm hôn nhân. Nếu người nào vi phạm sẽ bị trọng tội. Lúc này, trong dòng họ Thích có người đàn bà tên là Hắcly-xa chồng chết, ông em chồng muốn lấy làm vợ, bà ta không chịu. Ông ta Ba lần ngỏ xin đều không được bà thuận hứa, nên nghĩ: Chắc cô này có ngoại tình, ta sẽ giết bỏ. Ông ta giả bộ vì anh mình tổ chức cuộc lễ và nói với bà chị dâu: Tôi vì anh tôi tổ chức cuộc lễ, chị vì chồng nên đến để hành hương. Bà ta bèn đến. Ông em chồng phục rượu cho bà say rồi làm hạnh bất tịnh, lại dùng tay đánh và cào cho bà ta bị thương tích. Sau đó, ông ta báo với nhà quan: “Hắc-ly-xa là vợ của tôi, nay nó tư thông với người ngoài”. Nhà quan liền truy tầm bắt bà ta. Sau khi tỉnh rượu, bà ta thấy thân thể chỗ nào cũng bị thương tích, bèn nghĩ: Ông này sẽ giết mình. Bà ta liền trốn thoát chạy về thành Xá-vệ, đến trú xứ của Tỳ-kheo-ni, xin xuất gia học đạo. Nhà quan truy tầm không được, nhưng biết phạm nhân đã chạy tới thành Xá-vệ, bèn gởi công hàm đến Vua Ba-tư-nặc với nội dung: Trong nước tôi có người đàn bà phạm tội đáng chết, trốn thoát vào nước nhà Vua, xin nhà Vua giao hoàn lại cho. Nếu quý quốc có kẻ phạm tội chạy qua nước tôi, tôi cũng sẽ cho dẫn độ. Nhận công hàm, Vua Ba-tư-nặc liền hỏi các quan tả hữu: Có người đàn bà như vậy vào nước ta không? Các quan tâu là có, nhưng các Tỳ-kheoni đã độ và cho học đạo. Nhà Vua trước đây có ra lệnh: Trong nước ta, ai xâm phạm vào Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni sẽ bị trọng tội. Nay người đàn bà ấy đã xuất gia nên không dám hủy nhục. Nhà Vua bèn phúc đáp: “Sự thật có người đàn bà như vậy chạy vào nước tôi, nhưng nay đã xuất gia, không nên truy tội. Nếu có trường hợp khác, tôi sẽ giao hoàn”. Các Thích chủng bèn trách cứ, nói: Phàm có tội như thế mà không bắt được để trị, nước sẽ loạn thôi! Các Tỳ-kheo-ni tại sao không biết người nào có thể độ, người nào không thể độ, mà lại độ như vậy! Họ không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, bèn quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi các Tỳ-kheo-ni: Thật sự các cô có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Bằng mọi cách, Đức Phật quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào biết người nữ có tội mà độ cho làm Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo-ni ấy lần đầu làm liền phạm tội Tăng-già-bà-thisa, cần phải hối quá”.
Lại có các người nữ làm giặc, làm kẻ trộm, người nữ đáng phải chết, các Cư sĩ nói: Nếu có thể xuất gia thì tôi có thể cho sống. Họ bèn cầu xin xuất gia, bạch các Tỳ-kheo-ni, xin độ cho họ để được thoát chết. Các Tỳ-kheo-ni nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi độ hạng người như vậy. Họ bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu người chủ cho phép thì chư Tỳ-kheo-ni được quyền độ họ. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào biết người nữ có tội, người chủ không cho phép mà độ, Tỳ-kheo-ni ấy vừa làm liền phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”.
Lại có người nữ phạm tội, không được xuất gia trong giáo pháp của Phật, bèn vào trong ngoại đạo, sau đó, các Cư sĩ thấy, nói: Đây là người nữ phạm tội đối với chúng ta, nên đoạt y phục ngoại đạo của họ. Hoặc có người nói: “Xuất gia trong ngoại đạo đã là hình phạt nặng, có thể bỏ qua”, bèn phóng thích. Sau đó, các người nữ này đến nơi các Tỳkheo-ni, thưa: Thưa các cô! Chúng con không phải là không tôn kính Đức Phật mà xuất gia nơi ngoại đạo, nhưng vì các cô không chịu độ, nên đành phải vào tu với ngoại đạo thôi. Nay người đáng sợ của chúng con đã cho phép chúng con xuất gia, xin các cô rủ lòng thương độ chúng con. Các Tỳ-kheo-ni không biết nên như thế nào, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu người nữ có tội, trước đã xuất gia, nay cho phép được độ. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào biết người nữ có tội, người chủ không cho phép mà độ, trừ trước đã xuất gia, Tỳ-kheo-ni ấy vừa làm liền phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”.
– Có tội: Hoặc phạm gian dâm, dối trá hoặc ăn trộm cắp gọi là có tội.
– Chủ: Sống chết do người ấy, gọi là chủ. Nếu Tỳ-kheo-ni phát khởi ý muốn độ người nữ như vậy, từ khi chuẩn bị cho đến tập hợp Tăng, Ba lần Yết-ma chưa xong đều phạm Đột-kiết-la. Ba lần Yết-ma xong rồi, Hòa thượng phạm Tăng-già-bà-thi-sa, các Tăng, Ni khác đều phạm Thâu-lan-giá.
Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Ưu-ta thường phạm tội, lên giường, xuống giường đều không như pháp, ăn liên tục, ăn riêng chúng, vào nhà người phi thời. Tỳ-kheo-ni Tăng trao cho pháp “Không thấy tội tẫn xuất”. Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, biết Ưu-ta tâm chưa điều phục, không kính thuận Tăng, không theo lệnh của chúng, cô ta tự tiện cùng với người thân cận ra ngoài giới, giải tội tẫn xuất Ưu-ta. Tỳ-kheo-ni Ưu-ta đã được giải tội tẫn xuất rồi càng thêm kiêu mạn không kính chúng Tăng. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão thấy vậy bèn quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi Thâu-la-nan-đà: Thật sự cô có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheoni nào biết Tăng đã như pháp tẫn xuất Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo-ni ấy tâm chưa được điều phục, không tùy thuận chúng Tăng, mà tự mình cùng với quyến thuộc ra ngoài giới giải tội cho cô ấy. Tỳ-kheo-ni như vậy vừa làm liền phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”.
Muốn giải tội, tạo phương tiện, cho đến ba phen Yết-ma chưa xong, đều phạm Đột-kiết-la. Ba phen Yết-ma xong, vị làm Yết-ma phạm Tăng-già-bà-thi-sa, các Ni, Tăng kia đều phạm Thâu-lan-giá.
Lúc này, các Tỳ-kheo-ni một mình đi trên đường, các bạch y thấy chọc ghẹo nói lời thô tục về dâm dục, hoặc nắm hoặc rờ, hoặc muốn làm việc bất tịnh. Lại có số đông Tỳ-kheo-ni làm bạn với khách buôn cùng đi. Thâu-la-nan-đà thấy một nam tử, tâm sinh nhiễm đắm, bước chậm lại để đi sau. Các Tỳ-kheo-ni nói: Tại sao cô không đi mau cho kịp bạn? Đây là chỗ đáng sợ, đừng để kẻ ác tước đoạt. Thâu-la-nan-đà nói: Các cô có thấy người đi sau kia không? Các Tỳ-kheo-ni nói: Có thấy. Thâula-nan-đà nói: Tôi thấy người ấy, lòng rất say đắm. Các Tỳ-kheo-ni quở trách, nói: Tại sao trên đường đi cô lại luyến ái với nam tử?
Lại có số đông Tỳ-kheo-ni lội qua sông để lấy phân bò, khi lội qua rồi, nước lớn không thể lội trở lại bị giặc cướp đoạt. Lại có các Tỳkheo-ni ngủ một mình, bị mất y bát, phá phạm hạnh. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, bèn nghiêm khắc quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi các Tỳ-kheo-ni: Thật sự các cô có như vậy không? Đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thật chúng con có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo-ni nào đi một mình, ngủ một mình, lội nước một mình, một mình đi sau có tâm nhiễm đối với nam tử, Tỳ-kheo-ni ấy vừa làm liền phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”.
Khi ấy, có các Tỳ-kheo-ni đi trên lộ trình, có sự nghi ngờ bị khủng bố, bèn chạy vào trong xóm làng, đến nhà quen thân. Lại có các Tỳkheo-ni trên lộ trình có sự nhọc mệt, lại có vị già bệnh nên đi không kịp. Hoặc có chỗ chỉ có một ít nước, hoặc có cầu đò mà không dám một mình đi qua, hoặc có chỗ nghỉ đêm nhưng sợ các nam tử mà không dám một mình ngủ các chỗ khác. Các Tỳ-kheo-ni không biết nên giải quyết như thế nào, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu có nhân duyên thì cho phép tùy ý đi một mình. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào đi một mình, ngủ một mình, lội nước một mình, một mình đi sau có tâm nhiễm với nam tử, trừ nhân duyên, Tỳ-kheo-ni ấy vừa làm là phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”.
Nhân duyên là: Khi sợ sệt phải chạy, già bệnh nhọc mệt đi không kịp bạn, chỗ nước cạn có cầu đò, chỗ sợ có nam tử, như vậy gọi là có nhân duyên. Nếu đi một mình, chỗ không có xóm làng thì nửa do-tuần, chỗ có xóm làng thì từ xóm làng này đến xóm làng kia đều phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Nếu đi đằng sau, từ xa trông thấy Tỳkheo-ni nhưng không nghe tiếng, hoặc nghe tiếng mà không thấy hình đều phạm Đột-kiết-la. Nếu không thấy, không nghe thì phạm Tăng-giàbà-thi-sa. Nếu lội nước một mình, bề rộng của nước bằng mười khuỷu tay, bề sâu của nước đến nửa đùi vế thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa, nếu cạn hơn thì phạm Đột-kiết-la. Nếu ngủ đêm, đưa tay ra phải đụng nhau, nếu tay không đụng nhau thì đầu đêm và nửa đêm phạm Thâu-lan-giá, tướng mặt trời xuất hiện phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.
Bấy giờ, có một Trưởng giả đem một căn nhà cúng cho Tỳ-kheo Tăng, Tỳ-kheo Tăng lại đổi cho Tỳ-kheo-ni để lấy ngôi vườn An-đàlâm. Sau đó, phu nhân Mạt-lợi lại đem ngôi vườn của nhà Vua cúng cho Tỳ-kheo-ni Tăng. Tỳ-kheo-ni Tăng giỡ cái nhà cũ trở thành đất trống. Khi ấy, con ông Trưởng giả cúng nhà trước kia, lại có ý nghĩ: Ngày trước cha ta cúng cho Tăng, Tăng đem đổi cho Ni, nhưng các Tỳ-kheoni lại không ở nơi đó, giỡ nhà đi, bỏ đất trống, ta nên lấy lại để canh tác. Thế là ông ta lấy đất lại. Các Tỳ-kheo-ni nói: Ông đừng có lấy đất của Tăng. Người ấy trả lời: Tuy xưa cha tôi cúng cho Tăng, Tăng lại không sử dụng, nên nay thuộc về của tôi. Các Tỳ-kheo-ni nói: Chúng tôi không bỏ miếng đất đó, ông lấy, tôi kiện, ông bị tịch thu đừng trách. Ông ta vẫn không trả lời. Chư ni đến quan kiện, ông ta lại bị tịch thu tài sản. Các cư sĩ thấy thế, chê trách nói: Các Tỳ-kheo-ni này tại sao đến quan kiện, làm cho người ta bị tịch biên tài sản! Các người này nhận của người ta cúng dường mà còn làm như thế, huống gì là đối với người khác, không có hạnh của Sa-môn, phá pháp của Sa-môn. Các Tỳ-kheoni Trưởng lão nghe, bèn nghiêm khắc quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi các Tỳ-kheo-ni: Thật sự các cô có như vậy không? Đáp: Bạch Thế Tôn, sự thật chúng con có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheoni nào đến quan kiện người khác, Tỳ-kheo-ni ấy vừa làm liền phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”.
Nếu Tỳ-kheo-ni nào bị người khinh miệt thì nên nói với cha mẹ họ, nếu không nói với cha mẹ thì nói với bà con, không có bà con thì nói với Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni có uy lực mà không bảo hộ thì phạm Đột-kiết-la. Khi nói, nên nói: Người kia khinh tôi, vì tôi can gián giùm. Nếu đến cửa quan để kiện thì mỗi lần đi về là phạm một Tăng-già-bà-thi-sa. Thức-xoa-ma-na, Sa-dini, phạm Đột-kiết-la.
Bấy giờ, có một người khách buôn, vợ chết, ông ta lại có ý nghĩ: Nên đến đâu để tìm người vợ thích hợp khác. Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Chiêntrà-tu-ma-na có người đệ tử tên là Tu-ma, nhan sắc tuyệt vời, người khách buôn nhìn thấy Tu-ma, liềm đem lòng say đắm và nghĩ đến cách chiếm đoạt: Ta dùng thức ăn để dụ, chắc chắn có kết quả. Người khách buôn nhã nhặn nói: Nếu cô cần tô, dầu, mật, thạch mật, Bô-xà-ni, Khưxà-ni, cứ đến nhà tôi lấy. Tỳ-kheo-ni Tu-ma bèn đến lấy. Sau khi được thân cận, ông ta hỏi Tỳ-kheo-ni: Cô có biết tôi cho cô thức ăn với ý nghĩ thế nào không? Cô ni trả lời: Ông vì cầu phúc nên cho tôi ăn. Người khách buôn nói: Tôi không phải vì việc ấy, mà là vì vợ tôi chết, tôi thấy cô tu hành thanh tịnh nên đem lòng tham ái. Cô có thể thỏa mãn ý muốn của tôi không? Cô ni dứt khoát trả lời: Không thể được. Ông ta lại nói: Cô làm vợ tôi, tôi sẽ cho cô những đồ quý báu, y phục xinh đẹp, ăn uống theo thời không bao giờ thiếu thốn. Cô ni vẫn trả lời như lần đầu. Những người khách buôn khác yểm trợ ông ta, nói: Nếu cô không muốn làm vợ người ta sao cô lại nhận thức ăn của họ. Nếu quả thật cô nói: “Không thể được”, thì đoạt hết y bát cô bây giờ. Có người lại nói: Phải giải tán mau, đừng để người ta nghe. Nếu nhà Vua biết được, chắc chúng ta phải bị trọng tội. Các cư sĩ nghe, chê trách nói: Tại sao Tỳ-kheo-ni lại nhận thức ăn của người nam có tâm nhiễm, hạng người này không có hạnh Sa-môn, phá pháp của Sa-môn. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghe, bèn nghiêm khắc quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi Tỳ-kheo-ni Tu-ma: Sự thật cô có như vậy không? Đáp: Bạch Thế Tôn, sự thật con có như vậy. Bằng mọi cách Đức Phật quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào nhận thức ăn của nam tử có tâm nhiễm đắm, Tỳ-kheo-ni ấy vừa làm liền phạm Tăng-già-bà-thisa, cần phải hối quá”.
Có các nam tử mời Tỳ-kheo-ni bữa ăn trước, bữa ăn sau, vào thời gian ấy, sinh tâm nhiễm đắm, các Tỳ-kheo-ni biết, không dám ăn, bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Nếu Tỳ-kheo-ni không có tâm nhiễm đắm, nhận thức ăn của nam tử có tâm nhiễm đắm mà phạm Tăng-già-bà-thi-sa là điều không thể có. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào có tâm nhiễm đắm, nhận thức ăn của nam tử có tâm nhiễm đắm, Tỳ-kheo-ni ấy vừa làm liền phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải sám hối”.
Lại có một Tỳ-kheo-ni có tâm nhiễm đắm nhận thức ăn từ một nam tử có tâm nhiễm đắm, nhận rồi sinh nghi: “Ta phải chăng đã phạm Tăng-già-bà-thi-sa”, liền đem thức ăn ấy cho Tỳ-kheo-ni khác. Tỳkheo-ni khác hỏi: Thức ăn ngon thế này tại sao cô không dám ăn? Cô ni kia trả lời bằng cách trình bày rõ ràng tâm tư của mình. Tỳ-kheo-ni khác nói: Chỗ cô sợ thì tôi cũng sợ như vậy, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Tỳ-kheo-ni nào có tâm nhiễm đắm, tự tay nhận lấy thức ăn của nam tử có tâm nhiễm đắm, rồi không ăn, đem cho người khác ăn đều không phạm. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào có tâm nhiễm đắm, tự tay nhận thức ăn của nam tử có tâm nhiễm đắm, Tỳ-kheo-ni ấy vừa làm là phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”. Thức-xoa-ma-na, Sa-dini phạm Đột-kiết-la.
Bấy giờ, người khách buôn lại có ý nghĩ: Trước đây ta dùng thức ăn để dụ Tỳ-kheo-ni kia, với thời gian ngắn ngủi vội vàng nên không kết quả, nay ta dùng thức ăn dụ dỗ với thời gian lâu dài có thể cô ta xiêu lòng. Ông ta bèn đến với cô ni, ôn tồn nói: Trước đây tôi nói vui đùa, đưa đến sự phật ý của cô, xin cô nhận sự sám hối của tôi. Từ nay cứ như trước đây, cô đến nhận thức ăn nơi tôi. Tỳ-kheo-ni kia nói: Thôi, thôi! Ông ơi! Trước đây ông đã gây não hại nên tôi bị Đức Phật quở trách một cách đau khổ và Ngài vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới, ngày nay cớ gì lại gặp nhau để ông làm nhục tôi nữa.
Hòa thượng của Tỳ-kheo-ni ấy lại nói: Tại sao trước đây cô nhận được nhiều thức ăn ngon bổ, nay lại không nhận được? Tỳ-kheo-ni Tuma thưa: Trước đây, ông ấy gây xúc não con, nhân đó Phật chế giới cấm, nên nay không dám nhận trở lại. Hòa thượng bổn sư cô ta lại nói: Miễn là cô đừng sinh tâm nhiễm thì nhận thức ăn đâu có can gì? Nếu ông ta sinh tâm nhiễm đâu có can gì đến cô? Tỳ-kheo-ni Tu-ma chê trách Hòa thượng, nói: Đức Phật bằng mọi cách quở trách việc gần gũi nam tử, khen ngợi sự xa lìa, tại sao thầy lại bảo con nhận thức ăn của nam tử có tâm nhiễm đắm?! Các Tỳ-kheo-ni nghe, quở trách vị thầy kia: Tại sao lại bảo đệ tử nhận thức ăn của nam tử có tâm nhiễm đắm! Nghiêm khắc quở trách rồi quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi Chiên-trà Tu-ma-na: Thật sự cô có như vậy không? Đáp: Bạch Thế Tôn! Sự thật con có như vậy. Bằng mọi cách quở trách rồi, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào bảo Tỳ-kheo-ni khác: Miễn là cô đừng sinh tâm nhiễm đắm thì nhận thức ăn của nam tử sinh tâm nhiễm đắm đâu có can gì? Tỳ-kheo-ni như vậy vừa làm liền phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”. Tỳ-kheo-ni bảo như thế, thì mỗi lời nói phạm một Tăng-già-bà-thi-sa. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.
Ưu-ba-ly lại thưa hỏi Đức Phật: Đức Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: Tỳ-kheo-ni nào làm việc phá hòa hợp Tăng, siêng năng, tạo phương tiện… cho đến câu: phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Con nên thọ trì thế nào? Đức Phật dạy: Cả hai bộ Tăng đều nên thọ trì. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào làm việc phá hòa hợp Tăng, nỗ lực tạo phương tiện, các Tỳ-kheo-ni nên nói với Tỳ-kheo-ni ấy: Cô chớ nên làm việc phá hòa hợp Tăng, tích cực tạo phương tiện. Cô nên cùng Tăng hòa hợp, cùng Tăng hòa hợp hoan hỷ không tranh chấp, một lòng cùng học như nước hòa hợp với sữa, cùng nhau nêu giảng lời dạy về hạnh an lạc của thầy. Can gián như vậy mà cô ta kiên trì không bỏ, nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba can gián mà bỏ thì tốt, bằng không bỏ thì Tỳ-kheo-ni ấy, sau Ba lần can gián, phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”.
Ưu-ba-ly lại thưa hỏi Đức Phật: Đức Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: Tỳ-kheo nào trợ giúp vào việc phá hòa hợp Tăng, cho đến câu: phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Con nên thọ trì thế nào? Đức Phật dạy: Cả hai bộ Tăng nên thọ trì. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳkheo-ni nào trợ giúp việc phá hòa hợp Tăng, hoặc một hoặc hai cho đến số đông, nói với các Tỳ-kheo-ni: Những gì Tỳ-kheo-ni này nói, là cô biết mới nói, chứ không phải không biết mà nói, nói đúng pháp chứ không phải phi pháp, nói đúng luật chứ không phải phi luật, nơi tâm chúng tôi đều chấp nhận. Các Tỳ-kheo-ni nói với Tỳ-kheo-ni kia: Cô chớ nên nói như vầy: Những gì Tỳ-kheo-ni này nói, là cô biết mới nói chứ không phải không biết mà nói, nói đúng pháp chứ không phải phi pháp, nói đúng luật chứ không phải phi luật, nơi tâm chúng tôi đều chấp nhận. Tại sao? Vì Tỳ-kheo-ni ấy chẳng phải biết mà nói, chẳng phải nói đúng pháp, chẳng phải nói đúng luật. Cô không nên vui thích giúp đỡ việc phá hòa hợp Tăng. Cô nên vui thích việc hòa hợp Tăng, Tăng hòa hợp nên hoan hỷ, không tranh cãi, một lòng cùng học, như nước hòa hợp với sữa, cùng nêu truyền lời dạy của Bổn sư, trong hạnh an lạc. Khi can gián như vậy mà cô ta kiên trì không bỏ, nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba can gián bỏ thì tốt, không bỏ, Tỳ-kheo-ni ấy, sau Ba lần can gián, phạm Tăng-già-bà-thisa, cần phải hối quá”.
Ưu-ba-ly lại thưa hỏi Đức Phật: Đức Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: Tỳ-kheo nào có tánh xấu khó dạy, cùng các Tỳ-kheo đồng học giới kinh, thường phạm tội, cho đến câu: phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Con nên thọ trì thế nào? Đức Phật dạy: Nên thọ trì cả hai bộ Tăng. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào có tánh xấu khó dạy, cùng các Tỳ-kheo-ni đồng học giới, thường phạm tội. Các Tỳ-kheo-ni như pháp như luật can gián sự phạm tội của vị kia. Vị kia nói: Này các cô! Các cô đừng nói với tôi điều gì hoặc tốt hay xấu, tôi cũng không nói với các cô điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các Tỳ-kheo-ni lại nói: Cô đừng hành xử như vậy, tự cho mình không thể nói chuyện với ai. Cô nên vì các Tỳ-kheo-ni nói lời như pháp, các Tỳ-kheo-ni cũng vì cô nói lời như pháp như vậy, cùng nhau trao đổi dạy bảo nhau, xuất tội cho nhau, mới thành Thánh chúng của Như Lai. Can gián như vậy mà cô ta kiên trì không bỏ, nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba can gián, cô ta bỏ thì tốt, không bỏ, Tỳ-kheo-ni ấy, sau Ba lần can gián, phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”.
Ưu-ba-ly lại thưa hỏi Đức Phật: Thế Tôn đã vì các Tỳ-kheo kiết giới: Tỳ-kheo nào nương ở nơi xóm làng, làm hạnh ác, hoen ố nhà người, cho đến câu: phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Con nên thọ trì thế nào? Đức Phật dạy: Cả hai bộ Tăng nên thọ trì. Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào nương ở nơi xóm làng, làm hạnh ác, hoen ố nhà người. Làm hạnh ác ai nấy đều thấy, nghe, biết, hoen ố nhà người mọi người đều thấy, nghe, biết. Các Tỳ-kheo-ni nói với các Tỳ-kheo-ni ấy: Cô làm hạnh ác, hoen ố nhà người, làm hạnh ác ai nấy đều thấy, nghe, biết, hoen ố nhà người mọi người đều nghe, thấy, biết. Cô nên đi khỏi chỗ này, không nên ở nơi đây nữa. Tỳ-kheo-ni kia nói: Các cô tùy tiện làm việc theo thương, ghét, si, sợ. Tại sao vậy? Vì có Tỳ-kheo-ni đồng tội như vậy, mà người bị đuổi, người không bị đuổi. Các Tỳ-kheo-ni nói với Tỳ-kheo-ni ấy: Cô đừng nói: Các cô tùy tiện làm việc theo thương, ghét, si, sợ, các Tỳ-kheo-ni đồng tội mà người bị đuổi người không bị đuổi. Cô làm hạnh ác, hoen ố nhà người, làm hạnh ác ai nấy đều thấy, nghe, biết, hoen ố nhà người mọi người đều thấy, nghe, biết, cô nên bỏ câu nói: Các cô tùy tiện làm việc theo thương, ghét, si, sợ. Cô nên đi khỏi chỗ này, không nên ở đây nữa. Khi can gián như vậy mà cô ta kiên trì không bỏ thì nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba can gián bỏ thì tốt, không bỏ, Tỳ-kheo-ni ấy sau Ba lần can gián, phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”.
Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tu-hưu-ma và Tỳ-kheo-ni Bà-phả cùng làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, lại cùng nhau che giấu tội lỗi, xúc não chúng Tăng. Các Tỳ-kheo-ni nói: Các cô làm hạnh ác, tiếng xấu đồn vang. Các cô không nên cùng ở với nhau, không làm việc xấu, xúc não chúng Tăng, thì ở trong pháp Phật mới được tăng thêm sự an lạc. Hai Tỳ-kheo-ni ấy nói: Chúng tôi không làm hạnh ác, không có tiếng xấu đồn khắp, cũng không xúc não chúng Tăng, trong đây có hai Tỳ-kheoni khác cùng nhau làm hạnh ác, tiếng xấu đồn vang, xúc não chúng Tăng. Các Tỳ-kheo-ni nói: Cô đừng nói như vậy. Tại sao? Trong đây không có hai Tỳ-kheo-ni nào khác làm điều ác, xúc não chúng Tăng mà chỉ có hai cô. Hai cô nên xa nhau, bỏ làm điều ác, bỏ xúc não chúng Tăng, thì ở trong Phật pháp mới tăng thêm sự an lạc. Khi can gián như vậy, họ kiên trì không bỏ, các Tỳ-kheo-ni bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, hỏi hai Tỳ-kheo-ni kia: Thật sự các cô có như vậy không? Đáp: Bạch thế Tôn, sự thật chúng con có như vậy. Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nên khiến một Tỳ-kheo-ni nào thân quen với hai Tỳ-kheo-ni kia, đến chỗ vắng khuyên can, nếu họ chấp nhận thì tốt, bằng không thì nên dùng số đông Tỳ-kheo-ni đến khuyên can. Họ chấp nhận thì tốt, bằng không thì nên với danh nghĩa Tỳ-kheo-ni Tăng đến can gián. Các Tỳ-kheo vâng lời dạy, liền sai các Tỳ-kheo-ni đến can Ba lần đều không được chấp nhận. Các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão nghiêm khắc quở trách rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp hai bộ Tăng, bằng mọi cách nhắn trách hai Tỳ-kheo-ni kia rồi, bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới. Từ nay giới này được nói như sau: “Nếu hai Tỳ-kheo-ni cùng làm hạnh ác, tiếng xấu lan khắp, lại che giấu tội lỗi cho nhau, xúc não chúng Tăng. Các Tỳ-kheo-ni nói: Hai cô là Tỳ-kheo-ni làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, lại che giấu tội lỗi cho nhau, xúc não chúng Tăng. Hai cô nên xa lìa nhau, đừng làm các hạnh ác, đừng xúc não chúng Tăng, thì ở trong Phật pháp mới tăng thêm hạnh an lạc. Hai Tỳ-kheoni kia nói: Chúng tôi không làm hạnh ác, không có tiếng xấu đồn khắp, không che giấu tội cho nhau, không xúc não chúng Tăng, nơi đây có hai Tỳ-kheo-ni khác cùng nhau làm hạnh ác, xúc não chúng Tăng. Các Tỳ-kheo-ni lại nói: Hai cô đừng nói như vậy. Tại sao? Trong đây không có hai Tỳ-kheo-ni nào khác mà chỉ có hai cô. Hai cô nên xa lìa nhau, đừng làm hạnh ác, đừng xúc não chúng Tăng, thì ở trong Phật pháp tăng thêm hạnh an lạc. Khi can gián như vậy mà hai cô kiên trì không bỏ, thì nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba can gián, bỏ thì tốt, không bỏ thì hai Tỳ-kheo-ni kia, sau Ba lần can gián, phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”.
Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tư-hưu-ma và Tỳ-kheo-ni Bà-phả cùng nhau làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, cho đến câu: Ở trong Phật pháp được tăng thêm sự an lạc trụ (cũng như giới trước đã nói). Hai Tỳ-kheo-ni nói: Chúng tôi không làm hạnh ác, không xúc não chúng Tăng. Tăng thấy chúng tôi yếu thế, khinh dể chúng tôi nên nói như vậy. Các Tỳkheo-ni lại nói: Các cô đừng nói như thế. Tại sao? Không phải Tăng thấy các cô yếu thế mà khinh dể các cô, tự các cô làm hạnh ác, xúc não chúng Tăng, các cô cần xa lìa nhau, bỏ làm hạnh ác, đừng xúc não chúng Tăng, thì ở trong Phật pháp mới được an lạc trụ. Khi can gián như vậy mà hai cô kiên trì không bỏ, các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão quở trách, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (cũng như trong giới trước đã nói). Từ nay giới này được nói như sau: “Hai Tỳ-kheo-ni nào cùng nhau làm hạnh ác, tiếng xấu đồn vang, lại che giấu tội lỗi cho nhau, xúc não chúng Tăng. Các Tỳ-kheo-ni nói. Hai cô là Tỳ-kheo-ni, đừng nên cùng nhau làm hạnh ác, tiếng xấu vang dội, lại che giấu tội cho nhau, xúc não chúng Tăng. Hai cô nên xa nhau, bỏ các hạnh ác, đừng xúc não chúng Tăng, thì ở trong Phật pháp mới sinh trưởng được an lạc trụ. Hai Tỳ-kheo-ni ấy nói: Chúng tôi không làm hạnh ác, không bị tiếng xấu đồn khắp, không che tội cho nhau, không xúc não chúng Tăng, tự Tăng thấy chúng tôi yếu thế khinh dể chúng tôi nên nói như vậy. Các Tỳ-kheo-ni lại nói: Đừng nói như thế. Tại sao vậy? Không phải Tăng thấy các cô yếu thế khinh dể các cô đâu. Các cô phải xa lìa nhau, bỏ làm hạnh ác, đừng xúc não chúng Tăng, thì ở trong Phật pháp mới được tăng thêm sự an lạc trụ. Khi can gián như vậy mà họ kiên trì không bỏ thì nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba can gián bỏ thì tốt, không bỏ, hai Tỳ-kheo-ni ấy sau Ba lần can gián, phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”. Ngoài ra như giới trước đã nói. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la.
Bấy giờ, mẹ của Xiển-đà tên là Tu-ma-na, là người có tánh ác. Người thời ấy gọi bà là Chiên-đồ Tu-ma-na, ưa cùng với người khác tranh chấp. Tăng xử đoán việc ấy, lại nói: Tăng làm việc theo sự yêu, ghét, si, sợ. Các Tỳ-kheo-ni nói: Cô đừng ưa thích tranh chấp với người khác và cô đừng nói: Tăng làm việc theo sự yêu, ghét, si, sợ. Tại sao vậy? Vì Tăng không làm việc theo sự ưa ghét, si, sợ. Cô nên bỏ câu nói ấy, thì ở trong Phật pháp mới đứng vững, sự an lạc sẽ tăng lên. Khi can gián như vậy mà họ kiên trì không bỏ, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (cũng như giới trước đã nói). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào ưa tranh chấp cùng người khác, Tăng xử đoán việc ấy, lại nói: Tăng làm việc theo sự ưa ghét, si, sợ. Các Tỳ-kheo-ni nói: Cô đừng ưa thích tranh chấp cùng với người khác. Cô đừng nói: Tăng làm việc theo sự ưa ghét, si, sợ. Tại sao vậy? Vì Tăng không làm việc theo sự ưa ghét, si, sợ. Cô bỏ lời nói ấy thì ở trong Phật pháp mới đứng vững càng có thêm sự an lạc. Khi can gián như vậy mà họ kiên trì không bỏ, nên can gián lần thứ hai, thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba can gián bỏ thì tốt, không bỏ, Tỳ-kheo-ni ấy, sau Ba lần can gián, phạm Tăng-già-bà-thi-sa, cần phải hối quá”. Ngoài ra, như giới trước đã nói.
Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Chiên-đồ Tu-ma-na ưa thích tranh chấp cùng người khác. Tăng xử đoán việc ấy, cô ta bèn giận dữ nói: Tôi xả Phật, xả Pháp, xả Tăng, xả giới theo ngoại đạo. Sa-môn, Bà-la-môn khác cũng có học giới, cũng có hổ thẹn, tôi sẽ đến với họ tịnh tu phạm hạnh. Các Tỳ-kheo-ni nói: Cô đừng nên ưa thích tranh chấp với người khác, cô đừng nên nói: Tôi xả Phật, cho đến câu: Tôi sẽ đến với họ tu phạm hạnh. Tại sao vậy? Vì Sa-môn, Bà-la-môn khác không có học giới, không có hổ thẹn, cô làm sao đến với họ mà tu phạm hạnh được?! Cô nên xả bỏ ác kiến ấy, trong Phật pháp mới được tăng nhiều an lạc trụ. Khi can gián như vậy mà họ kiên trì không bỏ, cho đến câu: Nay Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới (cũng như trong giới trước đã nói). Từ nay giới này được nói như sau: “Tỳ-kheo-ni nào ưa thích tranh chấp với kẻ khác, Tăng xử đoán việc ấy, bèn nói: Tôi xả Phật, xả Pháp, xả Tăng, xả giới làm ngoại đạo. Sa-môn, Bà-la-môn khác cũng có học giới, cũng có hổ thẹn, tôi sẽ đến với họ tịnh tu phạm hạnh. Các Tỳ-kheo-ni nói: Cô đừng nên ưa thích tranh chấp với người khác. Cô đừng nên nói: Tôi xả Phật, xả Pháp, xả Tăng. Tại sao vậy? Vì Sa-môn, Bà-la-môn khác không có học giới, không có hổ thẹn, làm sao cô đến với họ mà tu phạm hạnh được?! Cô nên bỏ ác kiến ấy thì trong Phật pháp mới có thêm sự an lạc rộng lớn. Khi can gián như vậy mà họ kiên trì không bỏ, nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba, can gián bỏ thì tốt, không bỏ, Tỳ-kheo-ni ấy, sau Ba lần can gián rồi thì phạm Tăng-giàbà-thi-sa, cần phải hối quá”. Ngoài ra như trong giới trước đã nói.
Các pháp Tăng Tàn đã nói xong.