KINH DI-LẶC LAI THỜI

Hán dịch: Mất tên người dịch, dựa vào sự sao chép đời Đông Tấn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Xá-lợi-phất là đệ tử thứ nhất của Đức Phật. Do tâm Từ luôn nghĩ nhớ đến mọi người, Tôn giả bèn đi đến chỗ Phật, chắp tay, thưa:

–Phật thường nói: “Sau khi ta Niết-bàn, sẽ có Phật Di-lặc ra đời.” Con muốn xin Phật giảng nói về việc này.

Phật bảo:

–Khi Phật Di-lặc sắp ra đời, đất núi, cỏ cây trong cõi Diêm-phùlợi đều khô cháy hết. Đất Diêm-phù-lợi lúc này chu vi sáu mươi vạn dặm.

Khi Phật Di-lặc ra đời, đất Diêm-phù-lợi, Đông Tây dài bốn mươi vạn dặm, Nam Bắc rộng ba mươi hai vạn dặm, mặt đất sinh ra năm loại hoa quả. Có bốn biển, không có núi, gò, khe, hang. Mặt đất bằng phẳng như lòng bàn tay, cây cối đều to lớn. Con người lúc ấy ít tham lam, ham muốn, giận dữ, ngu si. Làng xom có nhiều nhà và người ở, nghe được tiếng gà gáy của nhau. Ai cũng đều sống đến tám vạn bốn ngàn tuổi. Con gái năm trăm tuổi mới lập gia đình. Người dân không bị đau bệnh. Khắp mọi nơi chỉ có ba thứ bệnh: Một là ý muốn có nơi chốn đạt được, hai là đói khát, ba là tuổi già. Sắc mặt con người đều hồng như hoa đào, cùng tôn trọng lẫn nhau.

Cõi ấy có thành tên là Kê-đầu-mạt. Thành Kê-đầu-mạt hiện là kinh đô của vua trị nước. Chu vi của thành bốn trăm tám mươi dặm, dùng đất xây thành, trên thành treo tấm bảng. Lại dùng vàng bạc, lưu ly, thủy tinh, ngọc báu treo trên thành ấy. Bốn mặt thành có mười hai cửa, đều có chạm khắc và cũng có treo vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, ngọc báu. Vua nước ấy tên là Tăng-la, khắp bốn biển đều thuộc quyền của Tăng-la, muốn đi vua liền bay đến nơi, mọi người, quỷ thần đều nhường tránh.

Thành có bốn báu: Một là vàng. Có rồng chủ bảo vệ, giữ gìn. Rồng tên là Nghê-lục-phong. Rồng này ở núi tên Kiền-đà. Hai là bạc. Trong nước ấy có rồng bảo vệ tên là Bá-đầu. Ba là ngọc Minh nguyệt, từ nơi đất sinh ra, tên là Tu-tiệm. Rồng giữ gìn trân châu này tên là Tân-kiệt. Bốn là lưu ly, từ nơi thành phát sinh, tên là Phạm-la-na-di.

Có một người Bà-la-môn tên Tu-phàm, sẽ làm cha của Di-lặc. Mẹ tên Ma-ha-việt-đề. Di-lặc là con.
Di-lặc thuộc dòng họ Bà-la-môn, thân có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, cao mười sáu trượng. Di-lặc sinh ra nơi thành này, mắt nhìn thấu suốt vạn dặm. Giữa đầu có ánh sáng chiếu khắp bốn ngàn dặm.

Khi Di-lặc đắc đạo, thành Phật, ngồi nơi gốc cây Long hoa. Cây cao bốn mươi dặm, rộng bốn mươi dặm, có tám vạn bốn ngàn Bà-lamôn đến cây Long hoa, tôn Di-lặc làm thầy, rồi cùng bỏ nhà làm Samôn. Di-lặc ngồi bên gốc cây, đúng ngày mồng tám tháng tư, khi sao mai vừa mọc thì thành Phật.

Vua Tăng-la nghe Di-lặc thành Phật, bèn cùng tám mươi bốn vua khác, từ bỏ ngôi vua, giao việc nước cho thái tử, đến chỗ Phật Dilặc, cạo bỏ râu tóc, làm Sa-môn.

Lại có một ngàn tám trăm Bà-la-môn, cũng đến nơi Phật làm Sa-môn, trong số đó có cha mẹ của Phật Di-lặc.

Lại có một ngàn tám mươi bốn người, là Thánh Bà-la-môn, cũng đến chỗ Phật Di-lặc, xin làm Sa-môn.

Trong nước, có một người rất giàu có và đức độ, tên là Tu-đàn, người thường gọi là Tu-đạt. Ông kêu gọi dân chúng, đem vàng ròng đến cúng Phật Di-lặc và các Sa-môn. Tiếng lành ngày càng lan rộng khắp xa gần. Lúc này, Tu-đạt lại dẫn tám vạn bốn ngàn người đều là hạng hiền thiện, đến chỗ Phật Di-lặc xin xuất gia làm Sa-môn.

Lại có hai anh em, anh tên là Cổ-đạt, em tên là Phù-lan, cả hai đều bàn với nhau bỏ cuộc sống thế gian, đến chỗ Phật Di-lặc xin được xuất gia làm Sa-môn.

Lại có thiếu nữ dẫn theo tám vạn bốn ngàn người nữ, thân mang nhiều vàng bạc, chuỗi ngọc, ngọc trắng, y phục thượng hạng, đến chỗ Phật Di-lặc, dùng các thứ vật báu hiện có ấy cúng dường Đức Thế Tôn và các Sa-môn, rồi xin xuất gia, làm Tỳ-kheo-ni, cũng được Phật Di-lặc chấp thuận.

Phật Di-lặc an tọa nơi bảo tòa, vì các Tỳ-kheo Tăng, Tỳ-kheo-ni giảng nói:

–Chư vị đều là người từ thời Phật Thích-ca Văn, hoặc tụng kinh, hành tâm Từ, tu bố thí, không sân hận, vẽ hình tượng Phật, tạo lập chìa, đem xá-lợi Phật đặt vào bảo tháp, đốt hương, thắp đèn, treo lụa nhiều màu, tung rải hoa, đọc kinh. Các vị Tỳ-kheo-ni này cũng đều là người từ thời Đức Phật Thích-ca Văn, luôn giữ giới, chí thành cầu đạo… nên nay đều có mặt nơi đạo tràng này.

Các Tỳ-kheo Tăng, Ni được nghe thuyết giảng kinh, đều ở nơi cội Long hoa chứng đắc đạo quả.

Phật Di-lặc, nơi hội thứ nhất thuyết giảng kinh, có chín mươi sáu ức người chứng quả A-la hán. Hội thứ hai có chín mươi bốn ức Tỳkheo, đều chứng đắc đạo quả A-la hán. Hội thứ ba thuyết giảng kinh, có chín mươi hai ức Sa-môn đều chứng đạt quả A-la hán.

Chư Thiên nơi hư không đều tung rải hoa lên trên thân Phật Dilặc. Phật Di-lặc lại dẫn các vị A-la hán đi đến kinh đô Kê-đầu-mạt được quốc vương mời vào cung cúng dường trai phạn. Khắp thành Kêđầu-mạt ban đêm cũng sáng tỏ như ban ngày. Phật Di-lặc thọ trai xong, thuyết giảng:

–Điều thiện không thể không làm. Đạo không thể không học. Kinh pháp không thể không đọc tụng.

Phật thuyết giảng kinh rồi, các vị Tỳ-kheo, quốc vương, trăm quan, đều dốc tâm phụng hành kinh, giới của Phật, đều được giải thoát. Phật Di-lặc ở đời sáu mươi ức năm, chánh pháp trụ ở thế gian sáu mươi vạn năm.