SỐ 225
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 5
Phẩm 19: THIỆN HỮU
Lại nữa, này Thiện Nghiệp! Bồ-tát Đại sĩ có đầy đủ ý chí muốn đắc đạo Vô thượng chánh chân Tối chánh giác nên làm việc với bạn lành, cung kính Tam bảo.
Thiện Nghiệp hỏi:
–Bạch Đức Thế Tôn! Làm thế nào để biết bạn lành?
Phật dạy:
–Nếu có người nào cho người khác nghe giảng nói Minh độ vô cực và dạy người nhập vào định này thì đây chính là bạn lành Đại sĩ Bồ-tát. sáu Độ vô cực là bạn lành, là đức tốt, là hộ trì, là tướng lãnh, là đi đến Như Lai Tối Chánh Giác. Vô số cõi Phật Như Lai ở mười phương trong vị lai, hiện tại đều từ Minh độ thành tựu đạo trí Nhất thiết, dùng bốn việc cứu giúp chúng sinh. Việc ấy gồm:
- Bố thí.
- Khuyến khích làm cho ưa thích.
- Làm lợi ích.
- Bình đẳng.
Đây là bốn đức, là cha mẹ, là nhà cửa, là lâu đài, là pháp độ, là tự quay về, là dẫn dắt. Cho nên sáu Độ là pháp độ của chúng sinh. Bồ-tát Đại sĩ học sáu Độ để sử dụng đối với chúng sinh nên đều muốn nhổ bỏ cội rễ của nó mà học tướng Minh độ. Làm thế nào được tướng Minh độ này? Tướng Minh độ không chướng ngại chính là tướng có được các pháp.
Đức Phật dạy:
–Như vậy không có tướng được Minh độ chính là được tướng đắc các pháp. Vì sao? Vì các pháp đều không, nên tướng này cũng không. Đây chính là Minh độ.
Thiện Nghiệp hỏi Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các pháp đều không thì tại sao con người muốn sống, không chết thời cũng không? Không tăng thời cũng không ngừng nghỉ, đều là hư không, không có hình tướng.
Đạo Vô thượng chánh chân Tối chánh giác không từ trong đây mỗi mỗi đều rỗng không, không được đạo Vô thượng chánh chân Tối chánh giác. Thế nào, bạch Đức Thế Tôn! làm sao để biết chắc về pháp này?
Phật dạy:
–Các chúng sinh siêng năng chịu khó muốn được nhân này, đạt đến việc làm này, việc mong cầu này. Họ thấy ta được không, phải chăng?
Thiện Nghiệp thưa:
–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!
Phật dạy:
–Tự làm việc này đắc được việc này không, phải chăng?
Thiện Nghiệp thưa:
–Như không, bạch Đức Thế Tôn!
Đức Phật dạy:
–Chỉ dùng việc này cho nên có lúc ông không hiểu ngay.
Thiện Nghiệp thưa:
–Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Thật an ổn! Mọi người muốn được nhân này, đạt được việc này phải siêng năng chịu khó, không dừng nghỉ.
Phật dạy:
–Điều mà mọi người ưa muốn cho nên bị dính mắc. Nên biết rằng mọi người sinh ra vốn từ trong ấy, không được chấp lấy. Không chấp lấy thì không làm, là không có, là không bao giờ diệt tận. Bậc vô sinh thêm lợi ích, hiểu biết như thế là Bồ-tát Đại sĩ cầu Minh độ.
Thiện Nghiệp bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát vì không cầu năm ấm, hiểu biết như thế là cầu Minh độ, là cầu bình đẳng. Các Thanh văn, Duyên giác không thể sánh bằng. Người có đức cầu đạo vĩ đại, không ai có thể đạt được. Nên thực hành hạnh này thì ngày đêm nhanh chóng gần đạo Vô thượng chánh chân Tối chánh giác.
Phật dạy:
–Thế nào chúng sinh trong khắp bốn thiên hạ đều được làm người thường cầu Vô thượng chánh chân phát tâm cầu Phật đạo? Mỗi người suốt đời bố thí cho đạo Vô thượng chánh chân, ý ông thế nào, Thiện Nghiệp? Phước kia có nhiều không?
Thiện Nghiệp thưa:
–Rất nhiều, bạch Đức Thế Tôn.
Phật dạy:
–Được Minh độ mà yên tịnh giữ một ngày, đúng như lời dạy thực hành hạnh niệm này thì phước đức còn hơn kia. Vì sao? Vì các hạnh của chúng sinh không thể sánh bằng với bậc có lòng Từ này được. Bậc Cao sĩ này đã đi sâu vào trí tuệ, hiểu biết rõ ràng trí này một cách đầy đủ, thế gian siêng năng khổ nhọc, tức là sinh khởi lòng từ thương tưởng tất cả. Đạo nhãn thấy suốt thân của chúng sinh, thành tựu đầy đủ ý chí cao tột, thực hành không biếng nhác. Do không biếng nhác nên được Minh độ.
Bồ-tát ấy mở rộng lòng Từ khắp cả nhưng không trụ vào tướng này, cũng không trụ vào tướng khác. Trí tuệ của vị ấy rất sáng suốt. Tuy chưa thành đạo Vô thượng chánh chân nhưng tất cả các cõi nước đều tôn kính, thẳng tiến đến đạo Vô thượng chánh chân, không bao giờ lui sụt. Nếu thọ nhận cúng dường cơm áo, giường nệm, thuốc men thì tâm trí tuệ trong họ vẫn đứng vững, nên dù được họ nhận cúng dường, không gần gũi trí Nhất thiết thì việc thọ thực đó không có tội, có ích đối với chúng sinh. Tất cả đều chỉ bày con đường thẳng tiến đến đạo. Dù bất cứ ở nơi nào cũng đều soi sáng đến. Những người đang bị tù tội cũng được độ thoát, mở đạo nhãn của họ để theo đây mà thực hành, không nhớ tưởng, không có ý niệm trì kinh khác, tinh tấn tiến đến hạnh cao tột trong Minh độ, ví như được hạt ngọc minh nguyệt rồi lại mất đi, nên rất buồn rầu, ngồi đứng rồi lo âu nghĩ nhớ, như mất bảy báu. Nghĩ rằng: “Tại sao ta làm mất vật báu này?” Người muốn tìm châu báu thường giữ vững tâm, không mất trí Nhất thiết. vì sao? Vì Minh độ như hư không, cũng không thêm bớt.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu như hư không thì tại sao Bồ-tát Đại sĩ thành tựu hạnh ấy và gần đạo Vô thượng chánh chân?
Phật dạy:
–Bồ-tát Đại sĩ cũng không thêm không bớt. Khi nghe những điều giảng nói trong kinh không kinh không sợ, nên biết vị Bồ-tát ấy đang cầu Minh độ.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Như vậy Minh độ là dùng không mà cầu phải chăng?
Phật dạy:
–Không.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Như vậy có lìa Minh độ được chăng? Phật dạy:
–Không.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Đùng năm ấm cầu phải chăng?
Phật dạy:
–Không.
Thiện Nghiệp lại hỏi:
–Bạch Đức Thế Tôn! Như vậy rời năm ấm sẽ có chỗ cầu phải chăng?
Phật dạy:
–Không.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là cầu Minh độ?
Phật hỏi:
–Nếu thấy pháp này thì nên dùng pháp nào cầu Minh độ?
Thiện Nghiệp thưa:
–Không thấy, bạch Đức Thế Tôn!
Phật hỏi:
–Làm thế nào thấy cùng khắp Minh độ này? Bồ-tát cầu gì nơi Minh độ?
Thiện Nghiệp thưa:
–Không thấy, bạch Đức Thế Tôn!
Phật hỏi:
–Giả sử thấy khắp thì pháp có chỗ sinh ra không?
Thiện Nghiệp thưa:
–Không thấy, bạch Đức Thế Tôn!
Phật dạy:
–Ở đây Bồ-tát Đại sĩ đạt được pháp lạc không từ đâu sinh, đầy đủ tất cả, không thọ ký đạo Vô thượng chánh chân Tối chánh giác, được đến nơi không còn gì phải lo sợ, đều làm việc cứu giúp này, mong cầu này, hạnh này, sức lực này, là đạt đến Phật tuệ, Tuệ Cực đại, tuệ Tự tại, tuệ trí Nhất thiết, tuệ Như Lai.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu làm các việc này thì không được thành Phật.
Phật dạy:
–Có khác.
Thiện Nghiệp thưa:
–Dù cho các pháp không từ đâu sinh thì có được thọ ký đạo Vô thượng chánh chân chăng?
Phật dạy:
–Không.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát Đại sĩ làm thế nào đắc đạo Vô thượng chánh chân.
Phật dạy:
–Nếu ai thấy được pháp ấy sẽ được thọ ký phải chăng?
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu không thấy pháp sẽ thành đạo Vô thượng chánh chân.
Đức Phật dạy:
–Đúng vậy, các pháp không từ trong ấy mà được. Bồ-tát không nên có ý nghĩ giữ gìn pháp này sẽ được thọ ký hay không được thọ ký.