SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 22
Phẩm 73: GIEO TRỒNG THIỆN CĂN
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát chẳng cúng dường chư Phật, chẳng đầy đủ căn lành, chẳng được chân Thiện tri thức, sẽ được Nhất thiết chủng trí chăng?
Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát cúng dường các Đức Phật, vun trồng căn lành, được chân Thiện tri thức còn khó được Nhất thiết chủng trí, huống chi không cúng dường Phật, chẳng vun trồng căn lành, chẳng được chân Thiện tri thức.
–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát cúng dường các Đức Phật, vun trồng căn lành, được chân Thiện tri thức tại sao lại khó được Nhất thiết chủng trí?
–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát đó xa lìa năng lực phương tiện, chẳng theo các Phật để nghe năng lực phương tiện, vun trồng căn lành chẳng đầy đủ, chẳng thường theo sự chỉ dạy của chân Thiện tri thức.
–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là năng lực phương tiện mà Đại Bồ-tát thực hành theo đó để được Nhất thiết chủng trí?
–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tứ lúc mới phát tâm thực hành Bố thí ba-la-mật, đúng theo tâm của Nhất thiết trí mà bố thí cho Phật, hoặc Bích-chi-phật, hoặc Thanh văn, hoặc người hay chẳng phải người. Đại Bồ-tát lúc ấy chẳng sinh tư tưởng bố thí, chẳng sinh tư tưởng người lãnh thọ. Vì sao? Vì quán tự tướng tất cả pháp là không, không sinh, không có tướng nhất định, không có chỗ chuyển mà thể nhập vào thật tướng các pháp, đó là tướng vô tác, vô khởi của tất cả pháp. Đại Bồtát đó dùng năng lực phương tiện này làm cho thiện căn thêm lớn. Vì thiện căn thêm lớn mà thực hành Bố thí ba-la-mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, bố thí chẳng thọ hưởng quả báo thế gian. Đại Bồ-tát đó chỉ vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh mà thực hành Bố thí ba-la-mật.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm thực hành Trì giới ba-la-mật, đúng theo tâm của Nhất thiết chủng trí mà trì giới, chẳng rơi vào dâm, nộ, si, cũng chẳng rơi vào sự trói buộc của phiền não, và các pháp phá đạo, bất thiện như tham lam, phá giới, sân hận, biếng nhác, loạn ý, ngu si, mạn, đại mạn, mạn mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, bất như mạn, tà mạn, hoặc có tâm Thanh văn, hoặc có tâm Bích-chiphật.
Vì sao? Vì Đại Bồ-tát đó quán tất cả pháp tự tướng là không, không sinh, không có tướng nhất định, không bị chuyển mà nhập vào thật tướng các pháp, đó là tướng vô tác, vô khởi của các pháp. Vì Đại Bồ-tát đó thành tựu năng lực phương tiện này nên căn lành thêm lớn, vì căn lành thêm lớn nên thực hành Trì giới ba-la-mật, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, trì giới chẳng thọ hưởng quả báo thế gian, chỉ vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh mà thực hành Trì giới ba-lamật.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật, đúng theo tâm của Nhất thiết trí, nhờ năng lực phương tiện thực thành tựu nên hành đạo kiến đế và đạo tư duy, nhưng chẳng chấp quả Tu-đà-hoàn, Tư-đàhàm, A-na-hàm, Ala-hán. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát đó biết các pháp tự tướng là không, không sinh, không tướng nhất định, không bị chuyển. Đại Bồ-tát đó dầu thực hành các pháp trợ đạo mà hơn hàng Thanh văn, hàng Bíchchi-phật. Đó gọi là pháp Nhẫn vô sinh của Đại Bồ-tát.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm thực hành Tinh tấn ba-la-mật, nhập Thiền thứ nhất đến Thiền thứ tư, nhập bốn Tâm vô lượng, bốn Định vô sắc. Dầu xuất nhập các thiền mà chẳng thọ quả báo. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát đó thành tựu năng lực phương tiện, biết các thiền định tự tướng không, không sinh, không có tướng nhất định, không bị chuyển, thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh, tinh tấn mà chẳng thọ hưởng quả báo thế gian. Chỉ vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh mà thực hành Tinh tấn ba-la-mật.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm thực hành Thiền định ba-la-mật, đúng với tâm của Nhất thiết trí nhập vầo tám Bội xả, chín Định thứ đệ, cũng chẳng chứng quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát đó biết các pháp tự tướng là không, không sinh, không có tướng nhất định, không bị chuyển.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm thực hành Bát-nhã ba-la-mật, học mười Lực của Phật, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại trí, mười tám pháp Bất cộng, đại Từ, đại Bi, cho đến chưa được Nhất thiết chủng trí, chưa thanh tịnh cõi Phật, chưa thành tựu chúng sinh, trong giai đoạn đó phải học như vậy. Vì sao? Vì Đại Bồtát đó biết các pháp tự tướng là không, không sinh, không có tướng nhất định, không bị chuyển.
Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát phải thực hành Bát-nhã ba-lamật chẳng thọ hưởng quả báo như vậy.