KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa Thượng Trí Nghiêm
HỘI THỨ SÁU
XI. PHẨM HIỂN ĐỨC
(Đầu quyển 572)
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính bạch:
– Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát trải qua bao nhiêu kiếp hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, cúng dường bao nhiêu đức Phật mà có thể thưa hỏi, hiển dương khen ngợi về Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như Như Lai đã thuyết cho Thiên vương Tối Thắng vậy?
Phật bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
– Thiện nam tử! Việc như thế này không thể nghĩ bàn được. Nếu chẳng phải vô lượng trăm ngàn đại kiếp tu tập các hạnh, gieo trồng các căn lành thì chẳng được nghe công đức, danh tự của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.
Thiện nam tử! Số cát sông Hằng trong hằng hà sa số thế giới khắp mười phương còn có thể biết được, chứ Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đã trải qua bao nhiêu số kiếp, cúng dường bao nhiêu vị Phật đều không thể biết được.
Thiện nam tử! Trong quá khứ vô lượng, vô biên vô số kiếp khó nghĩ bàn, có đức Phật ra đời tên là Ða Văn đầy đủ mười hiệu, kiếp tên là Tăng Thượng, nước tên là Nhật Quang. Như Lai Ða Văn thuyết pháp môn thanh tịnh cho các Đại Bồ-tát:
“Thiện nam tử! Ông phải siêng năng tu các pháp lành chẳng tiếc thân mạng.
Khi đó, trong hội kia, có một vị Bồ-tát tên là Tinh Tấn Lực, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân ngài, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính mà thưa Phật:
– Đức Thế Tôn đã nói: Ông nên siêng năng tinh tấn tu các pháp lành chẳng tiếc thân mạng. Theo con hiểu ý nghĩa lời Phật nói là: Các Đại Bồ-tát cần phải biếng nhác, chẳng tu pháp lành, mới có thể mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Nếu các Bồ-tát siêng tu các pháp thì không thể trụ trong sanh tử lâu ngày để làm lợi lạc cho hữu tình. Nhưng các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, chấm dứt phiền não, trụ lâu trong sanh tử, quyết chẳng phải vì bản thân để mau chứng Niết-bàn, mà chỉ vì lợi lạc cho các hữu tình. Bồ-tát lấy sanh tử làm vui, chẳng lấy Niết-bàn làm vui. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát lấy sự giáo hóa hữu tình làm vui vậy. Nghĩa là tùy theo chỗ ưa muốn mà phương tiện khéo léo truyền trao pháp môn giúp họ được an lạc. Nếu siêng tu pháp lành thì mau hết phiền não, không thể làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình. Thế nên Bồ-tát quán sát sanh tử nhiều sự khổ não, khởi tâm đại bi chẳng bỏ hữu tình, thành tựu bản nguyện.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát đủ sức phương tiện ở lâu trong sanh tử, thấy được vô lượng, vô biên đức Như Lai, nghe và lãnh thọ vô lượng, vô biên chánh pháp, giáo hóa và dẫn dắt vô lượng, vô biên hữu tình. Thế nên, vì việc này mà Bồ-tát chẳng nhàm chán sanh tử, không ưa thích Niết-bàn.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi quán sanh tử mà khởi lên sự chán sợ, ưa vui Niết-bàn thì sẽ rơi vào phi đạo, không thể làm lợi lạc cho tất cả hữu tình, không thông suốt cảnh giới mầu nhiệm của Như Lai.
Thế nào là phi đạo?
Là ưa Thanh văn và bậc Độc giác, đối với các loài hữu tình không có tâm đại bi. Vì sao? Vì đạo mà Thanh văn và Độc giác hành trì chẳng phải đạo của các Đại Bồ-tát. Vì sao? Vì Thanh văn và Độc giác chán sợ sanh tử, ưa vui với Niết-bàn, không thể đầy đủ phước đức trí tuệ, vì nghĩa này nên chẳng phải đạo Bồ-tát.
Khi ấy, Phật Ða Văn liền khen ngợi Tinh Tấn Lực:
– Hay thay! Hay thay! Như lời ông nói, các Đại Bồ-tát nên tu tự hành chớ tu tập theo phi đạo.
Tinh Tấn Lực thưa:
– Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Đại Bồ-tát đã tu đạo tự hành?
Phật Ða Văn nói:
– Bồ-tát thành tựu tất cả phước tuệ, vì sức đại bi không bỏ hữu tình, xa lìa Thanh văn và bậc Độc giác, được đắc Vô sanh nhẫn nhưng chẳng bỏ ba cõi, không có sự hy vọng sanh trưởng căn lành, dùng phương tiện thiện xảo tu hành tất cả Ba-la-mật-đa. Dùng sức trí tuệ, không có tâm phân biệt, sanh trưởng căn lành, thành tựu tận trí được vô lượng công đức. Dù biết các pháp không có một pháp nào tự nó có thể sanh, chỉ phương tiện hiện sanh. Dù biết hữu tình không có một hữu tình nào là thật có mà vẫn phương tiện giáo hóa, biết tất cả pháp đều lìa tự tánh. Quán các cõi Phật đều như hư không nhưng thường dùng phương tiện khéo léo nghiêm tịnh cõi Phật. Biết tất cả pháp thân Phật không có hình dáng nhưng phương tiện thị hiện tướng hảo trang nghiêm. Tùy theo tâm các hữu tình ưa thích điều gì liền phương tiện mà trao cho họ. Thân tâm Bồ-tát tuy thường vắng lặng nhưng vẫn thuyết pháp giáo hóa hữu tình, cũng dùng phương tiện thiện xảo xa lìa sự ồn náo, tu các thiền định, biết tự tánh Không nhưng thông suốt được tất cả trí tuệ sâu xa, dùng phương tiện thuyết pháp cho người khác, không chứng quả Thanh văn, Độc giác thừa, mà siêng năng cầu chứng được quả Giải thoát của Như Lai, chẳng bỏ tất cả đạo hạnh của Bồ-tát. Thiện nam tử! Đây gọi là Bồ-tát đã tự hành đạo của mình.”
Mạn-thù-thất-lợi! Khi Tinh Tấn Lực theo Như Lai để nghe nói về cảnh giới mà Bồ-tát đã tu hành chứng được là chưa từng có, liền vội vàng thưa với Phật Ða Văn:
“Bạch Thế Tôn! Thật hiếm có, như con hiểu ý lời Phật nói là: Bồ-tát đầy đủ phương tiện thiện xảo, quán tất cả pháp đều là đạo cả. Ví như hư không dung chứa các sắc. Như vậy Bồ-tát đầy đủ phương tiện lớn, sự hành đạo thâu nhiếp tất cả pháp. Lại như hư không, tất cả cỏ cây hoa quả đều nhờ đó mà sanh trưởng. Như vậy các vật đối với cõi hư không không thể làm nhiễm hoặc tịnh, chẳng làm giận làm vui. Đại Bồ-tát này đầy đủ phương tiện lớn là Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, nên quán tất cả pháp đều là đạo, nghĩa là pháp của phàm phu hoặc pháp Thanh văn, hoặc pháp Độc giác, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Như Lai. Vì sao? Vì các Bồ-tát này đã thông suốt rồi. Ví như lửa mạnh, nếu gặp cỏ cây tất không lùi lại. Các cây cỏ này đều thuận theo, càng làm cho ngọn lửa cháy mạnh thêm. Cũng vậy các pháp hoàn toàn thuận theo đạo của Bồ-tát nên gọi là Bồ-tát đạo. Thí như kim cương, thể chất nó rắn chắc, dao không thể chặt gãy, lửa không thể đốt cháy, nước không thể thối rửa, độc không thể hại. Cũng vậy, với phương tiện trí tuệ của Bồ-tát, Thanh văn, Độc giác, các ngoại đạo, và tất cả phiền não không thể nào làm tổn hoại được. Như ngọc thủy thanh có thể làm trong nước đục. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu của Bồ-tát có thể làm cho tất cả phiền não của hữu tình đều được thanh tịnh. Ví như thuốc tốt Diệu bảo thần châu không thể ở chung với chất độc, có khả năng làm tiêu hết các chất độc. Cũng vậy Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng ở chung với tất cả phiền não, mà có thể đoạn diệt tất cả phiền não. nhân duyên các pháp như vậy đều là đạo của Đại Bồ-tát.”
Mạn-thù-thất-lợi! Khi Tinh Tấn Lực nói về pháp này, tám vạn Bồ-tát đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Hai trăm Bồ-tát đắc Vô sanh pháp nhẫn. Mạn-thù-thất-lợi! Tinh Tấn Lực kia chính là Thiên vương Tối Thắng hôm nay.
Bấy giờ, Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi lại bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu được sức kiên cố, hộ trì chánh pháp?
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
– Thiện nam tử! Đại Bồ-tát nào thà bỏ thân mạng chứ không bỏ chánh pháp, khiêm nhường với mọi người, không sanh kiêu mạn, nhẫn nại với sự sĩ nhục của bọn hạ tiện, cho hữu tình đói khát những thức ăn ngon, ban sự không sợ hãi cho người gặp nạn, trị liệu đúng pháp cho người bệnh tật, bố thí nhiều của báu cho hữu tình nghèo thiếu, sửa sang trang nghiêm pháp miếu thờ chư Phật, diệt trừ việc xấu, phát huy việc thiện, đem sự an vui cho hữu tình buồn khổ. Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như vậy sẽ được sức kiên cố, hộ trì chánh pháp.
Mạn-thù-thất-lợi lại thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Làm sao các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể điều phục tâm?
Phật bảo Mạn-thù-thất-lợi:
– Thiện nam tử! Đại Bồ-tát nào hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu chẳng xen vào việc của người khác, suy nghĩ trước rồi mới làm. Tâm tánh ngay thẳng điều hòa, lìa xa sự dua nịnh, lìa xa sự dua nịnh, chẳng tự khoe cao, ý thường nhu hòa. Đại Bồ-tát này có thể điều phục được tâm.
Mạn-thù-thất-lợi lại thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể điều phục được tâm thì sẽ sanh về cõi nào?
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
– Thiện nam tử! Nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể điều phục được tâm hoặc sanh lên cõi trời, hoặc sanh trong loài người. Nếu sanh lên cõi trời thì làm Ðế Thích, hoặc làm Phạm vương là chủ cõi Kham Nhẫn. Nếu sanh vào loài người sẽ làm vua Chuyển luân hoặc làm các vua khác, hoặc làm trưởng giả, cư sĩ. Sanh lên trời hay người cũng thường được gặp Phật. Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể điều phục tâm sẽ sanh vào cảnh giới như vậy.
Mạn-thù-thất-lợi lại thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Chánh tín đưa đến pháp nào?
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:
– Chánh tín dẫn đến bạn hiền chơn thật.
– Bạch Thế Tôn! Ða văn đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Ða văn dẫn đến trí tuệ vi diệu.
– Bạch Thế Tôn! Bố thí đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Bố thí dẫn đến phước lớn.
– Bạch Thế Tôn! Tịnh giới đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Tịnh giới dẫn đến cảnh giới lành.
– Bạch Thế Tôn! An nhẫn đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– An nhẫn dẫn đến sự dung nạp tất cả hữu tình.
– Bạch Thế Tôn! Tinh tấn đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Tinh tấn dẫn đến sự thành tựu tất cả Phật pháp.
– Bạch Thế Tôn! Tịnh lự đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Tịnh lự dẫn đến sự xa lìa tất cả tán loạn dao động.
– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Bát-nhã dẫn đến sự xa lìa tất cả phiền não.
– Bạch Thế Tôn! Nghe pháp đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Nghe pháp dẫn đến sự xa lìa tất cả lưới nghi.
– Bạch Thế Tôn! Hỏi đúng đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Hỏi đúng dẫn đến trí tuệ vi diệu quyết định đối với các pháp.
– Bạch Thế Tôn! Ở yên tịnh đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Ở yên tịnh dẫn đến định thù thắng và các thần thông.
– Bạch Thế Tôn! Tu đúng đắn đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Tu đúng dẫn đến chánh đạo.
– Bạch Thế Tôn! Tiếng vô thường đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Tiếng vô thường dẫn đến sự không nắm bắt đối với cảnh.
– Bạch Thế Tôn! Tiếng khổ đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Tiếng khổ dẫn đến sự vô sanh.
– Bạch Thế Tôn! Tiếng vô ngã đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Tiếng vô ngã dẫn đến sự diệt trừ chấp ngã và ngã sở.
– Bạch Thế Tôn! Tiếng Không đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Tiếng Không dẫn đến sự tịch tĩnh.
– Bạch Thế Tôn! Chánh niệm đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Chánh niệm dẫn đến Thánh kiến.
– Bạch Thế Tôn! Thân tâm xa lìa đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Thân tâm xa lìa dẫn đến tất cả thần thông diệu tịnh
– Bạch Thế Tôn! Thánh đạo đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Thánh đạo dẫn đến Thánh quả.
– Bạch Thế Tôn! Thắng giải đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Thắng giải dẫn đến sự thành tựu tất cả giải thoát.
– Bạch Thế Tôn! Đức Phật ra đời đưa đến pháp nào?
Phật dạy:
– Phật ra đời dẫn đến tất cả pháp phần Bồ-đề.
Bấy giờ, Tối Thắng ở trước Phật thưa:
– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Phật ra đời?
Phật dạy:
– Tối Thắng! Như phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
– Bạch Thế Tôn! Thế nào là phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Phật dạy:
– Như phát sanh đại bi.
– Bạch Thế Tôn! Sanh đại bi là thế nào?
Phật dạy:
– Chẳng bỏ tất cả hữu tình.
– Bạch Thế Tôn! Chẳng bỏ tất cả hữu tình là sao?
Phật dạy:
– Phải giống như chẳng bỏ Tam bảo.
– Bạch Thế Tôn! Ai có thể không bỏ Tam bảo?
Phật dạy:
– Tất cả những người không có phiền não.
Tối Thắng liền bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Thật kỳ lạ. Bạch Thiện Thệ! Thật hy hữu. Chư Phật kín đáo thâm sâu mầu nhiệm, tuy nói pháp Không, không sanh, không diệt, xưa nay vắng lặng nhưng chẳng phá hoại nghiệp quả thiện ác, xa lìa đoạn thường. Bạch Thế Tôn! Có trường hợp nào mà những hữu tình nghe pháp này chẳng kính tin lại sanh tâm hủy báng không?
Phật dạy:
– Cũng có.
– Bạch Thế Tôn! Hữu tình này do đời quá khứ tu hành thiện nghiệp nên được thọ thân người. Nhưng do gần gũi bạn ác nên đối với giáo pháp thâm sâu không thể kính tin lại sanh hủy báng, thì làm uổng phí nghiệp thiện quá khứ. Ân đức của chư Phật thật là sâu nặng, giả sử có đem máu thịt của mình cúng dường chư Phật cũng chẳng đền đáp được. Nhờ ơn Phật nên ngày nay chúng ta tăng trưởng căn lành, được pháp lạc lớn, trụ đại tự tại, trời người cung kính.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nên biết ơn Phật, thân gần bạn lành, phải tu hạnh của Phật, chứng quả Bồ-đề của Phật.
Khi nói pháp này, trong chúng có hai vạn năm ngàn Bồ-tát đắc Vô sanh nhẫn, bốn vạn năm ngàn chúng trời người đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Một vạn hai ngàn chúng Thiên tử xa lìa trần cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh.