SỐ 198
PHẬT NÓI KINH NGHĨA TÚC
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN THƯỢNG

1- KINH VUA KIỆT THAM

Nghe như vầy:

Đức Phật trụ ở khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ có một vị Phạm chí sở hữu một miếng đất rộng lớn, nằm giữa rừng cây của thái tử Kỳ-đà, lúa đã chín vàng sắp gặt nay mai.

Sáng sớm thức dậy, vị Phạm chí đã ra ruộng, đứng trên bờ, từ xa nhìn thấy lúa trĩu hạt đầy đồng nên trong lòng sung sướng, tự nghĩ mong ước đã thành, cứ ngắm mãi không sao dời bước được.

Đức Phật cùng các vị Tỳ-kheo vào thành khất thực, từ xa trông thấy vị Phạm chí vui sướng như vậy liền bảo các vị Tỳ-kheo:

–Các ông có thấy vị Phạm chí kia chăng?

Các vị Tỳ-kheo đều thưa:

–Dạ thấy.

Đức Phật im lặng đi vào thành. Sau khi khất thực xong, mỗi vị đều trở về tinh xá. Ngay trong đêm đó trời đổ một cơn mưa đá rất lớn làm cho cả ruộng lúa hư sạch. Vị Phạm chí có một người con gái cũng bị chết đúng vào đêm ấy. Do vậy, vị Phạm chí trong lòng đầy nổi đau đớn, ưu sầu, phiền muộn, kêu gào khóc mãi.

Hôm sau, các vị Tỳ-kheo lại ôm bát vào thành khất thực, nghe thấy vị Phạm chí bị tai họa ấy gào khóc rất bi thảm mà chẳng có vị Sa-môn, Phạm chí hay người nào trong nước có thể khuyên giải làm vơi đi nỗi đau sầu của ông ta. Sau khi khất thực, các vị Tỳ-kheo, trở về, đến nơi Đức Phật ngự, đảnh lễ bạch thưa lại tâm trạng của vị Phạm chí như thế.

Các Tỳ-kheo vừa thưa xong thì vị Phạm chí khóc la đi đến nơi Đức Phật, đảnh lễ thưa hỏi xong liền ngồi một bên Ngài. Đức Phật biết nguồn gốc ưu sầu trong tâm ông nên bảo với vị Phạm chí:

–Thế gian này có năm việc không sao tránh khỏi được, cũng không thể giải tỏa được. Năm việc ấy là gì?

  1. Mọi sự vật đều phải bị hao tổn suy giảm. Muốn làm cho không hao tổn, không suy giảm, điều đó không thể được.
  2. Mọi sự vật đều phải bị mất mát. Muốn làm cho không mất mát, điều ấy không thể được.
  3. Mọi sự vật đều phải bị ốm đau. Muốn làm cho không ốm đau, điều ấy không thể được.
  4. Mọi sự vật đều phải bị già yếu, suy hoại. Muốn làm cho không già yếu, không suy hoại, điều ấy không thể được.
  5. Mọi sự vật đều phải bị chết, mất đi. Muốn làm không bị chết, không bị mất đi, điều ấy không thể được.

Đối với người không có đạo hạnh, không có trí tuệ thẩm suy, hễ thấy việc hao tổn, suy giảm, mất mát, già, bệnh, chết chóc đến với mình lập tức sinh lòng sầu khổ, bi thương, bức rức, phiền muộn. Điều ấy chỉ làm tổn hại thân thể, chẳng ích lợi gì. Vì sao vậy? Vì không được nghe, không tỏ tường chân lý nên mới bị như vậy. Này Phạm chí, Ta biết rằng người hiểu chân lý, khi gặp sự hao tổn, suy giảm, sự mất mát, già bệnh, chết đến với mình, họ chẳng vì thế lo buồn. Vì sao vậy? Vì họ đã được nghe, đã tỏ tường sự thật nên mới được như vậy. Không phải chỉ có gia đình ông mới bị hao tổn, tất cả mọi gia đình trên thế gian đều như thế. Đã là đời thì phải có hao tổn, làm sao một mình ông tránh khỏi? Người có trí hiểu rõ sự thật biết thẩm suy nên tự nghĩ: “Ta nay bị hao tổn, lòng ta đau buồn, ngồi mãi mệt mỏi,  không ăn uống, mặt mày tiều tụy, kẻ thù ta thấy vậy vui mừng, họ hàng ta lo lắng, gia đình ta buồn rầu chỉ vì ta chẳng suy nghĩ, tìm cách khắc phục sự hao tổn ấy nên không thể phục hồi được”. Nếu người nào đã thấy rõ chân lý ấy là như vậy nên lúc chứng kiến sự hao tổn suy giảm, mất mát, già, bệnh, chết đến thì người ấy hoàn toàn chẳng còn gì để ưu buồn nữa.

Nhân đó, Đức Phật vì Phạm chí nói bài kệ:

Không nên cất tiếng ưu sầu
Tài sản ít, nhiều đã mất
Đau đớn cũng chẳng ích gì
Kẻ thù trong lòng sung sướng.
Bậc trí hiểu rõ chân lý
Không sầu trước già, bệnh, chết
Kẻ tham sinh khởi phiền não.
Hãy nhìn sắc hoa tươi đẹp
Vô thường như thể tiếng vang
Trân bảo làm sao khỏi chết?
Hiểu rồi không còn ưu não
Niệm hành vượt cả châu báu
Rõ chân lý không theo đuổi.
Người thế gian ai cũng vậy
Lìa ưu sầu, giữ chánh hạnh
Đời này sầu tưởng ích gì?

Đức Phật lại giảng rộng kinh pháp cho vị Phạm chí, tuần tự giảng về bố thí, trì giới, người làm điều thiện sẽ được sinh lên cõi trời ngay trong hiện tại, người làm ác sẽ không an ổn. Đức Phật biết tâm ý của vị Phạm chí nhu nhuyến, hướng về chánh đạo liền giảng cho ông về pháp Tứ đế. Tâm Phạm chí được thông suốt, chứng quả Câu Hạng(2)thứ nhất, như tấm lụa sạch được nhuộm màu sắc rất đẹp.

Vị Phạm chí đứng dậy cúi đầu mặt lạy dưới chân Đức Phật, chắp tay thưa:

–Nay con thấy được sự thật như tự soi bóng trong gương. Từ nay về sau, con xin quy y Phật, quy y chư Tỳ-kheo Tăng. Xin Thế Tôn nhận con làm Thanh tín sĩ(3), vâng giữ năm giới, suốt đời sống tinh khiết, không phạm giới.

Ông đi nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi ra về. Các vị Tỳ- kheo liền bạch Đức Phật:

–Vui thay! Đức Thế Tôn đã khai mở, tẩy sạch tâm ý của vị Phạm chí, mới khiến ông ta hoan hỷ mà ra về như vậy.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

–Không phải chỉ lần này Ta mới giải thoát nổi lo buồn của vị Phạm chí ấy. Trong thời quá khứ lâu xa, ở đất Diêm-phù-lợi có năm vị quân vương. Vị vua thứ nhất tên là Kiệt Tham cai trị đất nước một cách bất chánh. Các vị đại thần và nhân dân đều oán trách việc làm của nhà vua nên cùng nhau tập hợp bàn luận:

–Tất cả gia đình chúng ta đều đem gia binh đến truất phế vua, bảo cho vua phải tự biết các chính sách bất chánh của ông ta đem ra thi hành, đã gây thương hại cho muôn dân. Nếu vua không cấp tốc ra khỏi nước ắt phải bị sát hại.

Nhà vua nghe được tin ấy, lòng vô cùng sợ hãi, toàn thân run lập cập, lông tóc đều dựng đứng vội lên xe đào tẩu ra khỏi nước.

Trong cảnh cùng khốn, vua phải làm nghề cắt cỏ bán để sống. Các vị đại thần và nhân dân tôn vị vương đệ lên làm vua để việc chính trị trong nước không làm rối loạn muôn dân.

Cựu vương Kiệt Tham nghe em mình lên ngôi vua, trong long vui sướng, trù tính, rằng:

–Ta có thể đến chỗ em ta cầu xin có thể tìm được cách sinh sống.

Ông liền dâng thơ trình bày đầy đủ mọi việc, xin vua ban cho một ấp để có thể tự nuôi sống. Thương xót ông đang bị tai họa, đức vua liền ban cho. Khi đã cai trị dược một ấp ông lại xin hai ấp, rồi bốn, năm cho đến mười ấp; từ hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi cho đến một trăm ấp; từ hai trăm cho đến năm trăm ấp rồi ông lại xin phân nửa vương thổ, nhà vua vẫn giao cho ông cai trị. Sau khi cai trị một thời gian dài, Kiệt Tham nảy sinh ý nghĩ: “Ta hãy đem quân đội nửa nước này công phạt nước của vương đệ” và ông chiến thắng, chiếm lại toàn vẹn lãnh thổ trước đây. Nhà vua lại nghĩ: “Nay vì sao ta lại không đem binh sĩ toàn quốc chinh phạt hai nước, ba nước, bốn nước”. Vua liền đem quân chinh phạt và đều đại thắng nên thống trị thêm bốn nước. Vua vẫn nghĩ: “Nay tại sao ta không đem quân của bốn nước đánh nước thứ năm?” Nghĩ xong, vua liền đem quân chinh phạt và lại chiến thắng. Lúc đó tất cả đất đai và bốn biển đều thuộc về vua. Nhà vua liền đổi hiệu, tự phong là Đại Thắng Vương.

Trời Đế Thích muốn thử xem xem vua đã biết nhàm chán chưa, nên hiện thân làm một cậu bé Phạm chí, họ là Cù-di muốn được yết kiến nhà vua. Ngài búi tóc, chống gậy vàng, ôm bát vàng đứng trước cung điện. Người giữ cửa vào tâu đức vua:

–Bên ngoài có một vị Phạm chí, họ là Cù-di, mong được yết kiến bệ hạ.

Vua nói:

–Rất hay!

Vua liền mời vị Phạm chí ngồi ở trước. Cùng nhau thăm hỏi xong, Phạm chí tâu với vua:

–Tôi từ vùng duyên hải đến đây thấy có một nước lớn giàu có, sung sướng, nhân dân phồn thịnh, có nhiều châu báu, ngài có thể đến đó để chinh phạt không?

Nhà vua tuy đã đầy đủ nhưng vẫn muốn chiếm lấy nước ấy nên nói:

–Ta rất muốn chiếm được nước ấy.

Vua trời Đế Thích bảo:

–Xin vua hãy trang bị thật nhiều thuyền bè, chuẩn bị quân đội chờ tôi. Sau bảy ngày, tôi sẽ dẫn vua đến đó.

Nói xong, trời Đế Thích liền biến mất. Đến ngày hẹn, nhà vua liền khởi đại binh, chuẩn bị nhiều thuyền bè nhưng không thấy vị Phạm chí đến. Nhà vua buồn rầu không vui, vỗ đùi nói:

–Tức thay, ta nay đã mất vương quốc rộng lớn ấy! Nếu gặp Cù- di, lo gì không lấy được nước ấy. Đã đến ngày hẹn, mà sao chẳng thấy cậu ta đâu cả!

Khi ấy nhân dân cả nước ngồi quay về hướng vua, vua khóc họ cũng khóc, vua buồn họ cũng buồn. Nhà vua cứ lo buồn mãi không sao vơi được, chợt nhớ lời bài kệ trong kinh nên khởi lên một ý tưởng, đọc:

Niệm tăng theo dục
Đã có lại mong
Tri túc là vui
Mới được tự tại

Nhà vua hướng về chúng dân truyền lệnh muốn biết ý của bài kệ, nếu người nào có thể giải thích được ý nghĩa của bài kệ trên sẽ được trọng thưởng một ngàn đồng tiền. Trong những người ngồi tại đó có một chàng thiếu niên tên Uất-đa. Uất-đa liền tâu với vua:

–Thần có thể giải thích được ý nghĩa bài kệ đó. Xin vua cho phép đúng bảy ngày sau, thần sẽ trả lời.

Đến ngày thứ bảy, chàng thưa với mẹ:

–Nay con muốn đến chỗ vua để giải tỏa sự ưu sầu của vua.

Người mẹ bảo con:

–Con chớ nên đi. Việc nan giải của nhà vua như lửa cháy, sắc lệnh của ngài như dao nhọn, khó có thể gần gũi.

Người con thưa:

–Xin mẹ chớ buồn lo. Sức của con có thể giải thích ý nghĩa bài kệ của vua, chắc chắn sẽ được thưởng hậu, có thể làm được việc này con thật là vui sướng.

Uất-đa liền đến chỗ vua tâu:

–Nay thần đến đây để giải thích ý nghĩa bài kệ hôm trước.

Chàng liền nói bài kệ:

Niệm tăng theo dục
Đã có lại mong
Phóng tâm không giữ
Như khát tìm nước,
Gồm thâu vương thổ
Đầy ngựa, bạc vàng
Trọn không nhàm chán,
Có tuệ, chánh hạnh
Như sừng, cựa sinh
Mỗi ngày thêm lớn.
Người đời cũng vậy
Không biết dục tăng
Khát ái không ngừng
Ngày ngày càng lớn,
Núi vàng cao ngất
Như núi Tu-di
Cũng không hề chán.
Có tuệ chánh hạnh
“Dục là khổ đau”
Chưa từng được nghe.
Muốn nghe lìa dục
Nhờ trí yểm ly
Chán dục, đáng kính.
Dục lậu khó lìa
Bậc trí biết khổ
Không theo ái dục.
Như tạo bánh xe
Phải làm kiên cố
Dần dần xa dục
Ý lần được an
Mong được định tĩnh
Hoàn toàn ly dục.

Nhà vua nói:

–Làm chủ tâm ý thì dù thống trị tất cả đất đai và bốn biển ở thế gian, vẫn có thể nhàm chán chúng, mới thật lìa xa được lòng ham muốn đánh chiếm quốc gia ở vùng hải ngoại kia.

Vua Đại Thắng liền bảo Uất-đa:

Đồng tử thật giỏi
Lời vàng cho đời
Nói dục rất khổ
Quả là trí nhân.
Ngươi thuyết tám kệ
Mỗi kệ ngàn tiền
Mong trên Đại đức
Thương nói tận nghĩa.
Uất-đa dùng kệ đáp:
Không dùng báu này
Giữ riêng sinh sống
Kệ thuyết sau cùng
Ý xa dục lạc.
Đại vương, mẹ tôi
Tuổi già, thân ốm
Muốn báo mẫu ân
Cấp ngàn đồng tiền
Để cung dưỡng mẹ.

Vua Đại Thắng thưởng một ngàn đồng tiền để đồng tử nuôi dưỡng mẹ già.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Vua Đại Thắng lúc ấy nay chính là vị Phạm chí trồng lúa kia.

Đồng tử Uất-đa lúc ấy nay chính là thân Ta. Lúc đó Ta cũng đã giảng rõ, giải tỏa sự đau buồn của Phạm chí. Nay Ta cũng đoạn trừ tất cả khổ đau cho Phạm chí, khiến ông ta từ nay về sau không còn bị khổ nữa.

Đức Phật dùng nhân duyên xưa diễn nói quyển kinh Nghĩa Túc này, để tôi, kẻ hậu học(4) nghe lời dạy trên. Đức Phật muốn làm bài kệ để hậu thế hiểu rõ và truyền tôi giữ gìn kho tàng kinh pháp, trụ thế dài lâu có kinh Nghĩa Túc:

Niệm tăng theo dục
Có rồi vẫn mong
Biết đủ là vui
Nên được tự tại.
Người đời tham dục
Thành kẻ ngu si
Mê mờ trong dục
Tên độc hại thân,
Tránh xa dục ấy
Như tránh rắn độc
Tránh vui thế gian
Cần hành thiền định.
Ruộng gieo, báu vật
Nuôi dưỡng trâu, ngựa
Bị nữ trói buộc
Hạnh si hại thân.
Tham dục thân gầy
Càng gần thêm oán
Si mê chịu đau
Như hải thuyền vỡ.
Nên nói nhiếp ý
Lìa dục chớ phạm
Tinh cần cầu vượt
Đưa thuyền đến bờ.

Đức Phật nói kinh Nghĩa Túc xong, các vị Tỳ-kheo đều hoan hỷ.

(1). Quyển Thượng có mười kinh, quyển Hạ gồm sáu kinh. 

(2). Câu Hạng thứ nhất: tức quả thứ nhất trong tứ quả Sa-môn, là Tu-đà-hoàn (Pàli: Sotapanna, Sanskrit: Srotàpanna).


2- KINH VUA ƯU-ĐIỀN

Nghe như vầy:

Đức Phật trụ ở khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá- vệ. Bấy giờ tại nước Cú tham (Kosambì) có một vị Tỳ-kheo cư ngụ trong ngôi nhà bằng đất, giữa các tảng đá, để tóc, râu và móng tay chân rất dài, vận y phục rách nát.

Khi ấy vua Ưu-điền muốn ra ngoài, đến hòn núi Ngã tích du

ngoạn. Quan hầu cận liền cho người sửa sang đường, cầu. Sau khi hoàn tất, vị ấy trở về tâu vua đã sửa đường xong, vua có thể dungoạn. Nhà vua chỉ đem các cung nhân mỹ nữ theo hầu, cỡi xe ngựa đến núi Ngã Tích rồi xuống xe đi bộ lên núi. Có một mỹ nữ đi dạo trong núi, từ hẻm núi này sang đường núi nọ, bỗng nhìn thấy trong ngôi nhà đất giữa các tảng đá, có một vị Tỳ-kheo râu, tóc, móng rất dài, lại vận y phục rách nát, vóc dáng tựa như quỷ liền kêu lớn:

–Bệ hạ, trong chỗ này có quỷ, trong chỗ này có quỷ.

Nhà vua từ xa hỏi:

–Nó ở chỗ nào?

Nàng mỹ nữ nói:

–Gần giữa các tảng đá, trong ngôi nhà đất.

Nhà vua liền rút kiếm đi đến đó, thấy một vị Tỳ-kheo có tướng như thế liền hỏi:

–Ngươi là ai?

Vị Tỳ-kheo đáp:

–Tôi là Sa-môn.

Vua hỏi:

–Ngươi là Sa-môn của đạo nào?

Vị Tỳ-kheo trả lời:

–Tôi là Sa-môn dòng họ Thích-ca.

Vua hỏi:

–Ngươi là La-hán chăng?

Vị Tỳ-kheo thưa:

–Tôi chưa đạt quả La-hán.

Vua lại hỏi:

–Đã đạt Tứ Thiền chưa?

Vị Tỳ-kheo đáp:

–Chưa đạt.

Vua hỏi tiếp:

–Vậy đã được Tam thiền, Nhị thiền chưa?

Vị Tỳ-kheo đáp:

–Chưa được.

Vua gặng hỏi:

–Vậy đã đến Sơ thiền chưa?

Vị Tỳ-kheo trả lời:

–Quả thật tôi đang tu tập Sơ thiền.

Nhà vua trong lòng tức giận bừng bừng, quay lại bảo quan thái giám theo hầu:

–Người này có ý niệm dâm dật, chỉ là hạng Sa-môn phàm tục, không có chánh hạnh, sao lại dám ngắm mỹ nhân của ta?

Nhà vua truyền lệnh cho thị vệ lập tức cắt đứt dây đàn đem lại trói vị Tỳ-kheo. Người hầu liền y lệnh. Lúc ấy vị Sơn thần nghĩ: “Vị Tỳ-kheo này không có lỗi, nay phải bị chết oan. Ta cần bảo vệ, giúp cho vị ấy thoát khỏi nạn này”. Vị Sơn thần hóa thành một con heo lớn, từ từ chạy ngang gần chỗ nhà vua. Người hầu liền tâu:

–Có một con heo lớn đang đến gần bên bệ hạ.

Nhà vua bỏ vị Tỳ-kheo ở đó, rút kiếm đuổi theo con heo. Vị Tỳ-kheo thấy nhà vua đã đi xa, lập tức bỏ chạy ra khỏi núi, thẳng đến khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc ở Xá-vệ, thuật lại toàn bộ câu chuyện cho các vị Tỳ-kheo. Các vị Tỳ-kheo bạch lên Đức Phật. Đức Thế Tôn nhân câu chuyện này nói rõ ý nghĩa nhân duyên quá khứ sinh khởi. Ngài dạy tôi, Tỳ-kheo A-nan phải biết rõ, tóm lược lời Ngài dạy vào trong Kinh, để cho kẻ học đạo đời sau hiểu rõ. Đức Phật truyền tôi phải giữ gìn để kinh sách và Phật đạo được trụ thế lâu dài. Khi ấy Đức Phật nói kinh Nghĩa Túc:

Bởi Xá-đa đã nguyện
Nên bị tà ngăn che
Mê mờ xa chánh đạo
Niệm dục, tuệ khó thành.
Buộc ràng trong bào thai
Sắc trói chặt tuy hiểu
Nhưng không quán khứ lai
Chính tuệ đoạn tận gốc.
Tham dục do si ám
Không rõ tà tăng nhanh
Dục tham gây khổ đau
Biết vậy, sao nương tựa?
Thế nhân nên tường tỏ
Tà thế khó tựa nương
Bỏ chánh, không giữ niệm
Mạng ngắn chết rất gần,
Xoay vần theo thế khổ
Sinh tử dục trào dâng
Khi chết vẫn oán hận
Theo dục thọ thai hình
Tự thân nhận đau khổ
Như cá nhốt đầm sâu.
Nên biết mạng sắp đoạn
Ba đời nào có tăng
Sức dục vây khắp phía
Nên hiểu rõ, chớ lầm.
Không làm theo tâm oán
Thấy nghe đừng ô nhiễm
Tỉnh thức vượt biển khơi
Không chấp ngã, ngã sở
Siêng tu trừ mê dục
Đến đó mới không nghi.

Phật nói kinh Nghĩa Túc này, các Tỳ-kheo đều hoan hỷ.

———

(3). Thanh tín sĩ: tức nam Phật tử tại gia, còn gọi là Cận sự nam, Ưu-bà-tắc (Pàli và Sanskrit: Upasaka).

(4). Tức ngài A-nan.


3- KINH TU-ĐÀ-LỢI

Nghe như vầy:

Đức Phật trụ ở khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ được quốc vương, các vị đại thần và các nhà quyền quý cung kính, luôn hộ trì cúng dường phạn thực, y phục, sàng tọa, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh.

Bấy giờ các vị Phạm chí ngồi tại giảng đường của mình, cùng nhau bàn luận:

–Xưa nay chúng ta được quốc vương, các vị đại thần, các nhà quyền quý và nhân dân, đón tiếp, hầu hạ. Nay họ bỏ, không cấp dưỡng cho chúng ta, mà quay lại thờ phụng Sa-môn Cù-đàm và các vị đệ tử của ông ta. Chúng ta phải cùng nhau lập mưu kế gì để đánh bại ông ta.

Họ cùng bàn với nhau:

–Nay cần phải tìm chọn trong hàng ngũ của chúng ta một cô gái có nhan sắc tuyệt đẹp rồi giết cô ta, chôn thi thể cô ta trong rừng cây Kỳ-đà. Như vậy mới có thể phá hoại, làm tổn thương Sa-môn Cù-đàm và các đệ tử của ông ta. Khi tiếng xấu của họ lan truyền khắp nơi, những người ủng hộ sẽ phải lánh xa, không còn cung kính Cù-đàm, tất cả đệ tử theo học với ông ta sẽ không còn được cung cấp y thực nữa. Mọi người sẽ quay lại tôn thờ chúng ta. Chúng ta sẽ lại được người đời tôn kính. Phá hoại được Cù-đàm thì ở đời này sẽ không ai hơn chúng ta được.

Họ lập tức cùng nhau đến nhà, gọi nàng Hảo Thủ (Sundari) ra bảo:

–Chắc nàng cũng biết hiện nay chúng ta đang bị mọi người xa rời, không được ủng hộ, cấp dưỡng nữa. Trái lại dân chúng đang tôn kính Sa-môn Cù-đàm làm thầy. Hẳn nàng có thể vì mối căm giận này mà làm một việc có lợi cho chúng ta phải không?

Nàng Hảo Thủ hỏi:

–Làm một việc có lợi là thế nào?

Các Phạm chí bảo:

–Chỉ có một cách là nàng hy sinh mạng sống, chịu chết mà thôi!

Hảo Thủ trả lời:

–Tôi không thể làm được.

Đoàn Phạm chí liền nói:

–Nếu cô không làm như vậy thì từ nay về sau cô sẽ không còn ở trong hàng ngũ của chúng ta nữa.

Cô gái nghe lời ấy, trong lòng rất đau buồn nên lập tức nói:

–Xin vâng, đó là nhiệm vụ của tôi.

Các Phạm chí đều cất tiếng:

–Lành thay!

Họ cùng nhau dạy cho Hảo Thủ:

–Từ nay về sau, sáng chiều, cô đều tới chỗ Phật, thường qua lại trong rừng cây Kỳ-đà để mọi người đều thấy và biết cô. Sau đó, chúng ta sẽ giết cô, chôn xác giữa rừng cây Kỳ-đà, chắc chắn sẽ làm cho Cù-đàm bị hủy nhục.

Cô gái theo lời dạy, thường xuyên lui tới chỗ các vị Sa-môn.

Khi mọi người đều biết việc ấy, các Phạm chí bèn bắt cô gái giết chết, rồi chôn xác trong rừng cây Kỳ-đà. Sau đó, họ cùng tập họp đến trước cửa hoàng cung kêu gào, oán trách:

–Trong các học trò của chúng tôi, có một cô gái tánh tình nết na, nhan sắc diễm lệ tuyệt trần. Hiện nay không biết cô ấy sống hay chết ở chỗ nào?

Đức vua hỏi:

–Cô ta thường đến chỗ nào?

Bọn họ đều trả lời:

–Nàng ấy vẫn hay đến chỗ Sa-môn Cù-đàm.

Nhà vua nói:

–Vậy thì hãy đến chỗ đó tìm xem.

Thừa dịp ấy, họ bèn tâu xin vua cho quan, lính cùng đi. Nhà vua chấp thuận. Đoàn người tìm kiếm khắp nơi, lần lần tiến vào khu vực rừng cây Kỳ-đà, thì đào thấy tử thi. Các Phạm chí đặt xác cô gái trên một chiếc giường, cùng nhau khiêng đi khắp nơi trong thành Xá-vệ, đến tất cả đường phố lớn nhỏ kêu gào, than oán:

–Mọi người hãy xem Sa-môn Cù-đàm, con nhà họ Thích thường được ca tụng là Bậc có giới đức, tối thượng nhất trên đời sao nay lại tư thông với cô gái này, rồi giết chết, lén chôn giấu xác cô ta.

Như vậy thì còn gì là phép tắc? Còn gì là đạo đức? Còn gì là giới hạnh nữa?

Đúng giờ thọ thực, các vị Tỳ-kheo đều ôm bát vào thành khất thực. Các nhà quyền quý và nhân dân từ xa trông thấy liền cất lời xúc xiểm:

–Bọn Sa-môn này tự xưng là có phép tắc, đạo đức, giới hạnh mà lại phạm một tội ác như thế. Bọn chúng còn điều gì tốt lành đâu; làm sao còn được cúng dường y thực như trước nữa!

Các vị Tỳ-kheo nghe thế, đều ôm bình bát không ra khỏi thành trở về. Sau khi rửa sạch tay chân, cất bình bát, các Tỳ-kheo đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ rồi đều đứng trình bày lại đầy đủ sự việc trên.

Bấy giờ Đức Phật nói bài kệ:

Không loạn ý theo vọng ngữ
Ra trận bị tên nhẫn chịu
Nghe đời buông lời thiện, ác
Tỳ-kheo nhẫn, không loạn ý.

Đức Phật dạy các vị Tỳ-kheo:

–Ta bị sự hủy báng dối trá này không quá bảy ngày mà thôi. Có một Thanh tín nữ(5) tên Duy Diêm ở trong thành nghe các vị Tỳ-kheo khất thực đều ôm bát không trở về nên rất thương xót. Nghĩ đến Đức Phật và các vị Tỳ-kheo Tăng, cô liền đi gấp đến khu lâm viên, đến chỗ Phật ngự cúi đầu mặt đảnh lễ Đức Phật, nhiễu quanh rồi ngồi xuống một bên. Đức Phật giảng rộng kinh pháp cho Duy Diêm. Nghe giảng xong, cô đứng dậy chắp tay bạch Đức Phật:

–Mong Đức Thế Tôn và chư vị Tỳ-kheo Tăng đến nhà con thọ thực trong bảy ngày.

Đức Phật im lặng nhận lời. Duy Diêm nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi trở về. Đến ngày thứ bảy, Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông và chúng Tỳ-kheo vào thành đến các ngã tư đường làng đều đọc bài kệ này:

Thường lừa đảo, u tà
Vu khống người vô tội
Vô minh thêm lừa dối
Oán thù hại tự thân.
Tu-địa-lợi phân tranh
Mãi hận nên tự bại
Lời ác, làm đứt đầu
Phải thường giữ nghiệp khẩu.
Đáng kính lại chê bai
Khen người không giới hạnh
Do miệng sinh sầu muộn
Đố kỵ tâm bất an
Che giấu tài lợi người
Cũng từ dối gạt sinh
Mọi sự đều nhẫn được
Thật vì quên vật báu.
Oán hận bậc Chân chánh
Sáu người hết cả năm
Kẻ đó theo đường ác
Tâm, hạnh luôn bất chánh
Dối lừa mười vạn dân.

Tôn giả A-nan liền vâng lời, cùng các vị Tỳ-kheo vào thành đến các ngã tư đường làng, đọc đúng như bài kệ Phật dạy. Các vị hào tộc và nhân dân thành Xá-vệ đều phát sinh ý nghĩ: “Các vị Thích tử thật không có điều ác. Các đệ tử của Đức Phật Thích-ca, hoàn toàn không có tà hạnh”. Bấy giờ các Phạm chí ngoại đạo ở giảng đường tự tranh cãi với nhau. Trong nhóm có một người nói lộ việc làm của bọn họ với người ngoài:

–Chúng ta cùng nhau tự giết Hảo Thủ lại để oan cho Đức Phật và đệ tử của Ngài sao?

Một vị đại thần nghe được lời ấy liền vào trình tâu lên vua. Đức vua lập tức triệu tập các Phạm chí đến hỏi:

–Có phải chính các ngươi đã giết Hảo Thủ không?

Bọn họ trả lời:

–Tâu vâng, quả đúng như vậy.

Đức vua nổi giận bảo:

–Ta phải xử tội bọn ngươi thật nặng. Tại sao bọn ngươi ở trong cương thổ nước của ta, tự xưng là người tu đạo mà còn có tâm giết hại?

Vua lập tức truyền lệnh cho quan hầu cận:

–Hãy bắt hết bọn người này, giải chúng đi khắp nơi, đường phố lớn nhỏ trong thành Xá-vệ để mọi người rõ tội ác của chúng, rồi trục xuất chúng ra khỏi nước.

Đúng giờ thọ thực, Đức Phật cùng các vị Tỳ-kheo đều ôm bát vào thành. Bấy giờ có một vị Thanh tín sĩ tên A-tu-lợi từ xa trông thấy Đức Phật liền đến đảnh lễ, cất tiếng bạch Phật:

–Con nghe việc ấy, không còn biết bốn phương ở đâu, trong lòng hết sức đau xót. Những kinh pháp con đã nghe không sao đọc tụng được nữa. Con nghe Đức Phật và chư Tỳ-kheo Tăng bị oán hờn, phải mang tiếng ác.

Đức Phật bảo A-tu-lợi:

–Sự việc không thích thú này là do nhân duyên báo ứng từ đời quá khứ.

Ngài bèn nói bài kệ:

Nói ít cũng bị chê
Nói nhiều cũng bị trách
Lời ngay thẳng cũng chê
Đời ác, chê tất cả.
Quá, hiện hay tương lai
Không bị chê, không có
Ai suốt đời bị chê
Trước nạn, tâm vẫn kính.

Đức Phật tuyên giảng rộng kinh pháp cho A-tu-lợi nghe. Sau đó, Ngài đến nhà của Tu-đạt, thẳng thân ngồi trên chánh tòa. Tu-đạt đảnh lễ Đức Phật, chắp tay bạch:

–Gia quyến của con đều buồn rầu, bản thân con không còn biết phương hướng nào nữa. Kinh pháp con được nghe không thể nào đọc tụng được. Con nghe Đức Phật và các vị Tỳ-kheo Tăng bị oán hận, bị mang tiếng xấu.

Đức Phật liền nói bài kệ:

Ta như voi ra trận
Bị thương không oán tưởng
Vì lòng Ta nhu nhẫn
Người đời, khởi niệm ác.
Tay Ta không tổn hại
Dùng tay chuyển ác hành
Độc hại chẳng thể xâm
Làm thiện, ác không thành.

Đức Phật vì Tu-đạt giảng kinh rồi Ngài đến nhà của Duy Diêm, thân đoan nghiêm ngự trên tòa ngồi ở giữa. Sau khi đảnh lễ xong, Duy Diêm chắp tay bạch:

–Quyến thuộc của con đều buồn rầu, bản thân con không còn biết phương hướng nào nữa. Những kinh pháp con được nghe, không thể nào đọc tụng được. Con nghe Đức Phật và các vị Tỳ-kheo Tăng bị hờn oán, phải mang tiếng xấu.

Đức Phật vì Duy Diêm nói bài kệ:

Không bị dục não loạn
Tâm tịnh, ngoài sao dơ
Kẻ ngu oán tự hại
Ngược gió tung bụi mù.

Duy Diêm vui mừng hiến cúng trai soạn. Sau khi Đức Phật và các vị Tỳ-kheo Tăng thọ trai xong, nàng dâng nước rửa tay, rồi ngồi phía dưới lắng nghe Đức Phật giảng kinh. Đức Phật giảng về việc giữ giới và các hạnh thanh tịnh cho toàn gia của Duy Diêm, làm cho mọi người đều thấy đạo, rồi Ngài trở về tinh xá.

Quốc vương Ba-tư-nặc cùng đông đảo quan quân, xa mã tùy tùng trang nghiêm theo đúng uy pháp của bậc quân vương rời thành đến rừng cây Kỳ-đà. Vì muốn đến diện kiến Đức Phật nên vua xuống xe đi bộ vào. Từ xa trông thấy Đức Phật, vua liền cất lọng, mũ, để các người hầu ở bên ngoài, cởi hài vàng, rồi mới đến phía trước đảnh lễ Đức Phật, ngồi xuống, chắp tay bạch:

–Vương quyến của con rất đau lòng, bản thân con không còn biết phương hướng nào nữa. Những kinh pháp mà con được nghe, con không còn tụng nữa. Con nghe Đức Phật và Tỳ-kheo Tăng bị oán hờn, phải mang tiếng xấu.

Đức Phật liền vì vua nói bài kệ:

Niệm tà, nói lỗi người
Ý chánh, nói lời thiện
Miệng chê xấu, khen tốt
Thiện, ác không sầu ưu.
Có làm phải có bỏ
Lìa thế, cầu giải thoát
Không loạn, giữ tâm đức
Chế dục còn ai nghi?

Toàn dân nước Xá-vệ đều khởi niệm nghi ngờ Đức Phật và các vị Tỳ-kheo Tăng do nhân duyên gì mà bị tiếng xấu nguy hiểm như vậy. Vì thấy uy thần Phạm tướng vĩ đại, cao tột của Đức Phật tợ như mặt trăng giữa các vì sao nên không ai dám thưa hỏi. Đức Phật biết rõ ý nghĩ của họ, nên nói kinh Nghĩa Túc:

Với bậc khéo giữ giới hạnh
Người hỏi không tiện bày tỏ
Niệm nghi tà đạo hay chánh
Muốn học, ý phải tự tinh.
Hãy thôi! Chớ chấp việc đời
Thường tự nhủ giữ giới vững
Trọn tin giáo pháp quang minh
Dạy đời không nên thêu dệt.
Pháp không tà không nói quấy
Hủy báng Ta, Ta không ngại
Tự thấy hạnh không tà lậu
Không chấp tưởng, đâu giận, vui.
Mọi sở hữu cần xả bỏ
Giáo pháp sáng, phải giữ gìn
Cầu giải thoát ắt được “Không”
Niệm “Không” nên đắc pháp “Không”.
Không chấp nên chẳng gì có
Hạnh chẳng nguyện, ba cõi sinh
Cần đoạn hẳn vòng si ám
Hành thế nào có sở y?
Sở hữu pháp phải vất bỏ
Với giáo thuyết cũng không chấp
Không đắm trước, cũng không lìa
Nhờ quán thế, ly tất cả.

Đức Phật nói kinh Nghĩa Túc xong, các vị Tỳ-kheo đều hoan hỷ.


4- KINH PHẠM CHÍ MA-KIỆT

Nghe như vầy:

Đức Phật trú ở khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc tại nước Xá-vệ.

Khi ấy có một vị Phạm chí tên Ma-kiệt bỗng nhiên chết tại giảng đường. Các vị đồng học đặt ông lên trên giường, khiêng đến các ngã tư đường làng của thành Xá-vệ, cất lời rao truyền:

–Người nào thấy Ma-kiệt thì đều được giải thoát. Bây giờ ai thấy thi thể của ông cũng được giải thoát, sau này có ai nghe tên ông cũng được giải thoát.

Đúng giờ thọ trai, các vị Tỳ-kheo, ôm bình bát vào thành khất thực, đều nghe thấy các Phạm chí truyền rao công đức của Ma-kiệt như vậy. Thọ thực xong, các vị rửa bình bát, trở về nơi Phật ngự, đảnh lễ xong, về chỗ ngồi, thưa lại toàn bộ câu chuyện trên cho Đức Phật. Nhân đó, Đức Phật diễn nói thành kinh này, truyền tôi, đệ tử Ngài phải lắng nghe đầy đủ để rộng giảng cho đời sau được hiểu rõ.

Đức Thế Tôn dạy tôi phải giữ gìn để kinh pháp được trụ thế dài lâu. Ngài nói kinh Nghĩa Túc này:

Giữ tâm tịnh, không bệnh suy
Tự tịnh, tín, tỏ chân lý
Biết như thế đều được độ,
Muốn đoạn khổ, trừ tập trước
Nhờ tâm tịnh thành phước nhân.
Có tuệ hạnh, niệm lìa khổ
Tận trừ ác, rõ pháp thanh
Đoạn sở kiến thật toàn tịnh
Theo dị đạo, không thể thoát.
Học giữ giới, độ thế nhân
Không nhiễm tội là phước báo
Trừ tất cả, chớ khen thân
Trước đoạn trừ, sau nhớ nghĩ.
Đạt hạnh này, vượt bốn biển
Cứ thẳng tiến đừng lo khổ
Niệm khổ mãi, tâm bị trói
Ý tỉnh giác, trì giới hạnh
Hành tịnh hạnh tưởng khổ hành
Xả niệm ấy liền nhập hạnh.
Không nói kiêu, dùng tuệ quán
Với mọi pháp, không còn nghi
Cả thấy, nghe đều niệm xả
Rõ kiến văn gốc của hành.
Người theo trần bị sáu suy
Không niệm thân, không niệm kính
Cũng không nguyện hạnh chí tịnh
Ân oán xả, không chấp trước
Bỏ dục cầu, không mong ước
Vô sở hữu là Phạm chí.
Thấy nghe pháp, tâm thu nhiếp
Dâm, không dâm, chấp dâm ô
Rời tâm tà, lòng sẽ tịnh.

Đức Phật giảng kinh Nghĩa Túc xong, các vị Tỳ-kheo đều hoan hỷ.


5- KINH VUA KÍNH DIỆN

Nghe như vầy:

Đức Phật trú ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc tại nước Xá-vệ. Đến giờ thọ trai, các vị Tỳ-kheo, ôm bát vào thành khất thực.

Các vị tự nghĩ và nói với nhau:

–Nay vào thành thì quá sớm, chúng ta nên đến giảng đường của các vị Phạm chí ngoại đạo.

Khi đến nơi, các vị Tỳ-kheo và các chúng Phạm chí chào hỏi nhau rồi đồng ngồi xuống. Lúc đó các vị Phạm chí đang tự tranh luận với nhau, câu chuyện càng lúc càng gay gắt không thể giải quyết được, đến độ họ tức giận, hủy báng nhau:

–Ta biết pháp này, còn ông biết pháp nào? Điều ta hiểu biết hợp với đạo, còn điều ông hiểu biết thì hợp với đạo gì? Pháp ta nói có thể thực hành rất dễ, còn pháp của ông nói khó có thể thực hành được. Điều phải nói trước ông lại nói sau, điều nên nói sau ông lại nói trước. Pháp của ông phần nhiều là sai lầm, chỉ như giao gánh nặng làm người nghe không thể nâng được, bởi vì họ không thể hiểu được nghĩa lý của lời ông nói. Ông chắc biết điểm cao nhất của pháp là vô sở hữu chứ? Ông hiểu thế nào, mau trả lời?

Họ dùng miệng lưỡi như kiếm nhọn để công kích nhau. Người này công kích một lời thì người kia phản ứng lại ba lời. Các vị Tỳ- kheo nghe họ oán trách nhau, người này nói: “Như vậy cũng chưa đúng”; người kia bảo: “Lời ông nói cũng không có bằng chứng”. Các vị đều đứng dậy vào thành Xá-vệ khất thực. Thọ trai xong các Tỳ-kheo, cất bát rồi quay lại khu lâm viên Kỳ-đà, vào đảnh lễ Đức Phật, ngồi qua một bên, trình bày đầy đủ những việc trên cho Đức

Phật. Các Tỳ-kheo bạch:

–Chúng con nghĩ các vị học giả Phạm chí ấy tự làm khổ bản thân. Đến khi nào mới được giải thoát?

Đức Phật dạy:

–Chúng Phạm chí này chẳng phải chỉ ngu si một đời thôi đâu. Lâu xa trong quá khứ, ở cõi Diêm-phù-lợi này có một vị vua tên là Kính Diện. Nhà vua truyền lệnh cho sứ thần đi khắp nơi tập trung tất cả những người mù trong nước lại, đưa đến dưới cung điện. Sứ giả theo lệnh vua lập tức đi khắp nơi triệu tập tất cả người mù đưa đến trước điện, rồi tâu lên vua. Nhà vua lệnh cho vị đại thần dẫn bọn họ  đến để xem con voi của ngài.

Vị đại thần dẫn họ đến chuồng voi, rồi chỉ cho họ từng bộ phận con voi để họ tự sờ mó. Có người thì sờ chân voi, người sờ đuôi voi, người sờ phần trong của đuôi voi, người sờ bụng voi, người sờ hông voi, lưng voi, tai voi, đầu voi, ngà voi, vòi voi. Sau khi các người mù đã sờ xong, vị đại thần bèn dẫn họ trở về chỗ vua. Nhà vua hỏi tất cả bọn họ:

–Các ngươi đều sờ thấy con voi rồi phải không?

Các người mù thưa:

–Chúng tôi đều thấy.

Vua hỏi:

–Nó giống như cái gì?

Có một người trong nhóm sờ trúng chân voi tâu:

–Thần thấy con voi của đức vua giống như cây cột.

Người sờ trúng đuôi voi tâu:

–Nó giống như cây chổi quét nhà.

Người sờ trúng phần trong của đuôi voi tâu:

–Nó giống như cây gậy.

Người sờ trúng phần bụng tâu:

–Nó giống cái trống.

Người sờ trúng hông voi tâu:

–Nó giống như vách tường.

Người sờ trúng lưng voi tâu:

–Nó như cái bờ cao.

Người sờ trúng lỗ tai voi tâu:

–Nó giống như cái sàng lớn.

Người sờ trúng đầu voi thì nói:

–Nó giống như cái cối giã gạo.

Người sờ trúng ngà voi thì nói:

–Nó giống như cái sừng.

Người sờ trúng cái vòi thì nói:

–Nó giống như cây lụa.

Họ ở trước đức vua cùng nhau tranh cãi về con voi. Ai cũng cho lời của mình là đúng. Bấy giờ đức vua nói bài kệ:

Nay chúng những người mù
Không thật, cho là thật
Thấy một, bác tất cả
Vì voi mãi oán tranh.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Vua Kính Diện lúc ấy chính là thân của Ta. Còn những người mù lúc đó chính là bọn Phạm chí ở giảng đường đó. Khi xưa bọn họ không có trí tuệ, ngồi tranh luận suông với nhau. Bây giờ bọn họ cũng u tối, tranh cãi suông, không có chút ích lợi nào!

Khi đó Đức Phật muốn pháp nghĩa này được ghi chép đầy đủ trong kinh nên truyền các đệ tử phải hiểu rõ tất cả để soi sáng cho người đời sau, và dạy tôi giữ gìn kinh văn và giáo pháp được trụ thế lâu dài. Ngài nói kinh Nghĩa Túc này:

Tự mình tối, bảo người si ám
Mê lậu mãi, biết bao giờ sáng
Thân vô đạo tự xưng hiểu đạo
Lý luận, không hành, sao giải thoát?
Thường tự tỉnh, được tôn kính
Điều thấy nghe, hành tối thượng.
Bị trói trong năm cõi thế
Tự cho lạ, vượt hơn người
Sống si mê, mong đạt thiện
Học tà đạo, muốn vượt thoát
Nghe điều gì khéo suy tư
Tuy trì giới, chớ cho đủ.
Gặp việc đời đừng cuốn theo
Tâm luôn niệm, không bằng hành
Tu bình đẳng, luôn tôn kính
Chớ nghĩ tưởng: “Không bì kịp”
Tưởng ấy đoạn, sau mới hết.
Đừng khởi ý: “Một mình được”
Không tự nghĩ mình thắng trí
Có kiến thức, nên quán hạnh
Không tìm cầu hai cực đoan.
Cần xa lìa trong sơ niệm
Cũng không trụ ở hai bên
Nên quán pháp, được chánh định,
Ý lãnh thọ các kiến văn
Đừng suy tưởng theo tà niệm.
Tuệ quán pháp để hiểu tâm
Được tâm đó mãi ly trần.
Không tâm đạo, hành pháp nào?
Cầu thật nghĩa nên hành pháp
Chỉ giữ giới, tìm lý chân
Đến bờ kia không thoái chuyển.

Đức Phật nói kinh Nghĩa Túc xong, tất cả các Tỳ-kheo đều hoan hỷ.


6- KINH GIÀ TRẺ ĐỀU CHẾT

Nghe như vầy:

Đức Phật ngự dưới cội cây An diên ở ngoại thành nước Sa-tảo.

Khi ấy có một người đánh xe rời thành, chưa đến cội cây An diên thì xe bỗng rơi xuống chiếc hố trên đường bị hỏng. Người ấy liền xuống xe, ngồi bên vệ đường, lòng rất buồn lo.

Đức Phật ôm bình bát cùng Tôn giả A-nan vào thành khất thực. Trên đường đi, thấy chiếc xe bị rơi xuống hố hư hại, người chủ xe đang buồn bã, âu lo ngồi bên lề đường, Ngài nói bài kinh Ưu-đàn này:

Như khiển xe trên đường
Bỏ phẳng sa lộ hiểm
Sai đường nên buồn rầu
Bánh xe hư hỏng nặng.
Xa chánh pháp cũng vậy
Ý theo tà hạnh khổ
Ngu chết sinh đọa xứ
Thêm đau đớn, sầu ưu.

Thuyết xong, Đức Phật đi vào thành. Trong thành có một vị Phạm chí mới chết, hưởng thọ một trăm hai mươi tuổi và một cậu con trai nhà trưởng giả bảy tuổi cũng vừa chết. Cả hai gia đình cùng đưa thi hài đi an táng, mọi người đều cầm phướn năm màu, các phụ nữ thương xót xõa hết tóc, họ hàng thân quyến kêu la khóc lóc bi thảm!

Đức Phật thấy thế hỏi ngài A-nan:

–Đám đông kia vì sao tụ hội khóc than, giọng rất bi ai, đau đớn đến như vậy?

Ngài A-nan liền thưa rõ sự việc. Đức Phật nhân duyên này giảng rõ ý nghĩa. Ngài dạy tôi, đệ tử Ngài phải hiểu rõ đầy đủ để kiểm lại kinh này và để soi sáng cho người đời sau. Ngài truyền tôi phải giữ gìn kinh điển và giáo pháp trụ thế lâu dài. Khi ấy, Đức Phật nói kinh Nghĩa Túc này:

Thân này mạng thật ngắn
Dưới trăm tuổi cũng vong
Dù người vượt bách tuế
Tránh già chết được không?
Khoái ý sinh ưu não
Người đời thường ái ân
Thương, ghét đều ly biệt
Biết rồi không vui trông.
Biển chết cuốn trôi tất cả
Xưa vì tham ái có thân
Dùng tuệ quán suy tường tận
Không bỉ thử, không phân chấp
Xem thế lạc như ảo mộng
Khi thức giấc nào thấy gì
Người đời tham đều như vậy
Thức chuyển diệt, thấy gì đâu
Việc nghe được đều đã mất
Thiện và ác, nay không gặp
Bỏ cuộc đời trú nơi đâu?
Thức rời thể, chỉ còn danh
Chuyển buồn lo thành ganh ghét
Lại chẳng trừ tâm ái tham,
Đoạn niệm ái và tự tôn
Lìa sợ sệt, được an ổn.
Này Tỳ-kheo, chớ quên niệm
Thân vô thường, xa dục nhiễm
Muốn ái dừng, luôn quán tâm
Ý làm chủ không thiền chỉ
Không thiền chỉ vẫn tinh cần
Ái, không ái không phân biệt
Không phân biệt trong buồn lo
Như cánh sen, lòng không nhiễm.
Đã không đắm cũng không mong
Thấy nghe tà, ta không mến
Lại chẳng theo cầu giải thoát
Không niệm dâm nào khởi tham?
Tợ hoa sen, không ái trước
Sinh trong nước, không nhiễm nước
Đạo và đời đều vô nhiễm
Điều thấy nghe như chưa biết.

Đức Phật nói kinh Nghĩa Túc xong, các Tỳ-kheo đều hoan hỷ.


7- KINH DI-LẶC THƯA HỎI

Nghe như vầy:

Đức Phật trụ ở vườn Trúc Đa điểu, nước Vương xá.

Bấy giờ các vị Tỳ-kheo lớn tuổi ở giảng đường ngồi luận bàn các việc trong chúng rồi chuyển sang hỏi pháp nhau. Con của Bậc Long Tượng, tên Xá-lợi-phất cũng ngồi tại đó, nghe các vị ấy bàn luận việc trong chúng, nạn vấn nhau về luật và pháp, nhưng hỏi không đúng theo luật, cũng không có lễ kính.

Hiền giả Đại Câu-tư cũng ngồi trong giảng đường, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Này Pháp đệ, không nên nghi chấp. Đối với các vị Tỳ-kheo lớn tuổi, đệ có điều nghi gì hãy cứ nói, hãy cung kính kẻ trên trước.

Hiền giả vì Ngài Xá-lợi-phất nói kinh Định Ý: “Như có bậc Hiền giả sống lâu trong đời sống gia đình nay phát tâm ý với đạo, lại ghi nhớ pháp thanh tịnh nên đã cạo bỏ râu tóc, có lòng tin, bỏ việc đời, vận pháp y làm Sa-môn, tu tâp tinh tấn, theo chánh bỏ tà, vị ấy do tu tập nên chứng đạt, tự biết đã được độ thoát”. Sau đó Hiền giả Di-lặc đến nơi tịnh tu của Tôn giả Xá-lợi-phất. Ngài Xá-lợi-phất đảnh lễ Tôn giả Di-lặc, rồi ngồi xuống tòa. Ngài Di-lặc liền vấn nạn Tôn giả Xá-lợi-phất theo đúng pháp và luật. Tôn giả Xá-lợi-phất đối với vấn đề đó mờ mịt, không thể trả lời được.

Tôn giả Di-lặc liền đứng dậy ra về. Sau khi vào thành khất thực, độ trai, rửa tay, cất bình bát xong, Tôn giả trở về chỗ Đức Phật đảnh lễ, ngồi xuống dùng kệ thưa hỏi Đức Phật:

Dâm dục, đắm nữ sắc
Đạo lớn trừ căn si
Nguyện theo Ngài giáo giới
Lìa ác, được hạnh lành.
Ý dâm đắm nữ sắc
Quên lời dạy Thế Tôn
Ngủ nghỉ mất chánh niệm,
Tu hành không thứ lớp
Độc hành cầu lý chân
Sau lại đắm loạn sắc
Đánh xe quên đường chánh
Không xả niệm chánh, tà
Mãi chấp tướng cung kính
Mất hạnh, mất thiện danh,
Thấy đó cần thẩm suy
Xa lìa mọi dâm niệm
Hãy quán sắc tốt xấu
Nếu phạm sẽ về đâu.
Nhờ văn tuệ tự chế
Rời tư tưởng tủi sầu
Thường tu theo trí tuệ
Độc trú không loạn động.
Mê sắc sinh loạn tà
Cô thế, không dũng mãnh
Phá giới lòng sợ lo
Vì nợ ấy mạng yểu.
Đã rơi vào lưới chấp
Liền cất lời miệt khinh
Thấy người phạm tội ác
Chớ để mình vướng vào
Độc trú siêng tu tập
Giữ trí, không tập Si
Viễn ly, ở một mình
Thấy rõ là Thượng hạnh.
Có hạnh, đừng tự kiêu
Lại không cậy Niết-bàn
Trí cao, tu hạnh lớn
Sắc, vô sắc không nhiễm
Khéo nói thoát khỏi khổ
Suốt đời bị dâm hại.

Đức Phật nói kinh Nghĩa Túc xong, các vị Tỳ-kheo đều hoan hỷ.


8- KINH PHẠM CHÍ DŨNG TỪ

Một thời Đức Phật trụ ở khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ, an cư ba tháng vừa xong.

Bấy giờ ở nước Đọa Sa, các trưởng giả giao trách nhiệm cho chàng Phạm chí tên Dũng Từ đến tranh biện nạn vấn Đức Phật, nếu thắng sẽ thưởng năm trăm đồng tiền. Chàng Phạm chí này cũng trong suốt ba tháng đọc hơn năm trăm câu hỏi khó, trong mỗi câu hỏi còn có sự biến hóa nên tự cho là không ai có thể thắng mình nổi.

Sau ba tháng an cư, Đức Phật cùng các vị Tỳ-kheo muốn đến nước Đọa sa. Ngài du hành thuyết giảng ở các địa phương, từ từ đi dọc theo bờ suối Di-hầu đến điện Cao quán của nước Đọa sa.

Các vị Trưởng giả được nghe tin Đức Phật và chúng Tỳ-kheo đi đến nước mình, lập tức cùng tập hợp hơn năm trăm người, nói với chàng Phạm chí:

–Phật đã đến nước chúng ta, hãy mau đến vấn nạn cho tới cùng.

Chàng Phạm chí liền đi với các vị trưởng giả đến chỗ Đức Phật, cùng nhau chào hỏi, rồi ngồi xuống một bên. Trong số các trưởng giả, có người đảnh lễ Đức Phật, có người hướng về Đức Phật chắp tay, có người im lặng. Tất cả đều ngồi xuống.

Chàng Phạm chí nhìn uy thần Phạm tướng cao tột, tối thượng của Đức Phật, cảm thấy không thể biện luận với Ngài trong lòng lo sợ, không thể nói năng gì được. Đức Phật biết rõ chàng Phạm chí và các vị trưởng giả đã cùng nhau bàn bạc như thế nên nói kinh Nghĩa Túc này:

Tự nói Tịnh pháp tối thượng
Ai có pháp sáng bằng Ta
Chấp kiến thức thấy khoái lạc
Bởi vì mãi học theo tà.
Luôn giữa chúng muốn vượt thắng
Kẻ ngu buông lời trói nhau
Tranh biện, ý quên nghĩa lạc
Lại vấn nạn lời trí tuệ.
Trong chúng hỏi cần hợp nghĩa
Muốn hỏi, nghĩa phải trọn câu.
Giữa chúng, lý cùng sinh hận
Điều khó hiểu, chúng khen hay
Thân tự hành sinh nghi niệm
Tự nghĩ sai, sau sinh hối.
Muốn trừ nghi, quên ý tưởng
Muốn hỏi tà, sai chánh pháp.
Khi cùng lý sinh buồn lo
Ngồi không vui, nằm than thở.
Do học tà, sinh ý loạn
Biện không thắng, sinh hận tâm
Đã biết vậy, cần giữ miệng
Khẩu tranh biện nạn mới sinh
Ý muốn tranh mới có chuyện.
Lời nói lành là ánh sáng
Lời vui đẹp, lòng hỷ hoan
Vì muốn vui, thân tự hại
Kẻ tự cao vướng hạnh tà
Nếu không học, sao tăng tiến?
Bậc có học không cãi suông
Không biện suông được giải thoát.
Nương cậy nhiều cùng đau khổ
Muốn kết bọn gây khó Ta
Đến mạnh mẽ, đi khỏi thẹn
Ai là người ngươi biện tranh!
Tâm còn mê, mong nạn vấn
Ngươi tà vạy, mãi tự nghi
Ngươi trồng hoa, không có quả.
Lời nói ra phải cầu nghĩa
Chuyển tà ngụy, cầu quang minh
Đồng nghĩa pháp, cùng thương tổn
Với pháp thiện dẫu luận tranh
Không ưu sầu quả thiện ác.
Cần đến đây vì nghe pháp
Bỏ ý tranh, suy chân lý
Cùng Đại tướng, quân luận nghị
Như đốm lửa sáng cùng khắp.

Phật nói kinh Nghĩa Túc xong, các vị Tỳ-kheo đều hoan hỷ.


9- KINH MA-NHÂN-ĐỀ NỮ

Đức Phật trú tại một địa phương tên Tất-tác-pháp (Kammàsadhamma) thuộc nước Câu-lưu (Kuru). Có vị Phạm chí tên Ma-nhân-đề (Màgandiya), sinh một người con gái, nhan sắc diễm lệ tuyệt trần. Bấy lâu nay, các quốc vương, thái tử và các đại thần, trưởng giả đến cầu hôn, nhưng người cha đều từ chối tất cả.

Ông nói:

–Phải gặp người nào được như con gái ta thì ta mới gả cho làm vợ.

Lúc đó Đức Phật ôm bát vào địa phương ấy khất thực. Thọ thực xong, Ngài rửa tay, cất bình bát, ra khỏi thành đến giữa rừng cây, chỗ an nhàn, yên tịnh ngồi nghỉ.

Sau khi ăn xong, Ma-nhân-đề ra ruộng vườn đi dạo. Ngang qua rừng cây, ông bỗng thấy Đức Phật, thân ánh lên sắc hoàng kim, có ba mươi hai tướng tốt, đẹp như mặt trời, mặt trăng, trong lòng ông nghĩ thầm: “Nếu đem con gái của ta so với Bậc Đại Tôn này thì người này có thể sánh với con gái ta”.

Ông vội trở về nhà gọi vợ ra bảo:

–Chắc bà cũng biết, ý nguyện của tôi rồi phải không. Nay tôi đã tìm được một chàng rể còn đẹp hơn con gái của chúng ta nữa.

Người vợ nghe xong cũng rất vui mừng, lập tức lấy các thứ ngọc báu trang điểm cho con gái. Cả hai vợ chồng cùng dẫn con gái ra khỏi thành. Người vợ thấy trên dấu chân của Đức Phật, các đường chỉ hiện rất rõ ràng nên bảo chồng:

–Tôi biết chắc chuyến đi này chỉ uổng công, chúng ta không bao giờ được người con rể này.

Người chồng hỏi:

–Vì sao vậy?

Người vợ nói bài kệ:

Người dâm đi lê gót
Kẻ sân nhón gót đi
Người si gót lê đất
Dấu này, Thầy trời người.

Người chồng bảo:

–Bà thật là người ngu si. Đừng có bàn lui làm khổ con gái chúng ta. Con ta chắc chắn có được chồng.

Nói xong, ông lập tức dẫn con gái đến chỗ Đức Phật, tay trái nắm tay con gái, tay phải cầm bình, bạch Phật:

–Nay vợ chồng tôi đưa con gái đến, mong Ngài nhận nó làm vợ.

Cô gái thấy tướng hình Đức Phật đẹp tuyệt trần, thân có ba mươi hai tướng tốt như ngọc Anh lạc, ngọc Minh nguyệt liền khởi ý tưởng tà dâm, mê đắm Đức Phật.

Đức Phật biết lòng cô ta như lửa cháy nên liền nói kinh Nghĩa Túc này:

Ta xưa gặp ba ma nữ
Còn không khởi niệm tà dâm
Nay sao lại ôm phân tiểu
Chân dẫm còn không thể nào.
Ta thường giảng không dâm dục
Không hành pháp, chẳng nội quán
Dù nghe ác không nhàm chán
Tâm mê loạn khổ không màng.
Thấy vóc đẹp là bọc da
Vì sao Ta lại nhận lấy
Luôn quán dục trong thân tâm
Với trí sáng thuyết si hạnh.
Thấy nghe cũng chưa phải trí
Đủ giới hạnh chưa phải tịnh
Không thấy nghe và không si
Không lìa hạnh mới tự tịnh.
Có tưởng ấy, bỏ chớ nhận
Đừng nên nói, giữ khẩu hạnh
Bỏ năm phiền trong kiến văn
Tuệ, giới, hạnh chớ dâm tịnh,
Thấy thế gian, đừng si ám
Không giới hạnh, sinh tưởng ấy
Có ngã sở, bị tối tăm
Ai thấy thế, được thanh tịnh.
Theo chánh lý là như thế
Giữ chánh ý hướng đạo tâm
Đến được đó, không suy tưởng.
Nay vì sao khinh Thế Tôn
Bằng, trội hơn, hay không bằng
Chấp tưởng ấy liền phân biệt
Không bằng ba, sao tranh cãi.
Đoạn trừ hết chẳng chấp Không
Bậc trí tuệ sẽ nói gì?
Đã đạt Không, ai khởi tranh
Tà và chánh đều không có
Theo cách nào dứt lỗi này?
Bỏ biển dục, đừng tưởng đến
Với gia thế, tu nhẫn, tuệ
Dục đã không, ngừng niệm tưởng
Niệm trần cấu không còn sinh.
Được ly trần, cầu hết khổ
Ta dạy rồi, chớ câu tưởng
Như sen tịnh không nhiễm bùn
Ở trên đất, chẳng nhiễm trần,
Đức Thế Tôn không tham đắm
Với thế tục, không nhiễm trước
Tâm bất động, ý không dời
Hành hóa độ, không phân biệt
Đã trọn xa ba đọa ác
Bỏ, không dạy ba việc đời
Không khởi tưởng niệm hữu, vô
Theo tuệ giải, luôn tinh tấn
Ngăn tưởng kiến, không chấp thủ
Nên tịch lặng dạo ba cõi.

Phật nói kinh Nghĩa Túc xong, các vị Tỳ-kheo đều hoan hỷ.


10- KINH DỊ HỌC GIÁC PHI

Nghe như vầy:

Đức Phật trú trong vườn Trúc Đa điểu tại nước Vương xá, được vua, đại thần, trưởng giả và nhân dân đều kính thờ, cúng dường đồ ăn uống, y phục, ngọa cụ, thuốc trị bệnh.

Bấy giờ sáu vị Phạm chí được người đời tôn kính là: Bất-lan Ca-diếp, Câu-xá-ma-khước-lợi Tử, Tiên-quỳ Cưu-đọa-la-tri Tử, Khể-xá-kim-pha-lê, La-vị-sa-gia-giá-diên, Ni-yên-nhã-đề Tử. Sáu vị ấy cùng các Phạm chí khác, bàn luận tại giảng đường:

–Chúng ta vốn được người đời tôn kính, được Quốc vương và nhân dân tiếp đãi rất cung kính. Vì sao nay họ lại rời bỏ chúng ta, không còn cung kính nữa? Tất cả đều quay lại vâng theo Sa-môn Cù-đàm và các đệ tử của ông ta? Suy nghĩ kỹ thì người con dòng họ Thích ấy, tuổi còn nhỏ, học đạo lại chưa bao lâu, làm sao hơn chúng ta được? Chúng ta phải thử đạo lực với ông ta mới biết ai thắng ai bại. Giả sử Cù-đàm biến hóa một, chúng ta sẽ biến hóa hai; Cù-đàm biến mười sáu, chúng ta sẽ biến thành ba mươi hai, cứ gấp bội lần như vậy.

Họ liền nhờ một vị đại thần thân cận của vua Tần-sa hứa sẽ hậu tạ nếu ông ta tâu lên vua với ý nguyện thi đạo lực biến hóa mà họ đã cùng nhau bàn luận. Vị đại thần tâu trình lên nhà vua lời kiến nghị ấy. Đức vua nghe xong hết sức tức giận. Vị đại thần nhiều lần can gián vua xong, vội trở về phủ.

Các Phạm chí bỗng nhiên lại thấy chỉ một mình Đức Phật được sự kính ngưỡng đặc biệt, liền kéo tới trước cửa hoàng cung, dâng thơ lên nói rõ ý nguyện thi đạo lực. Nhà vua vừa nghe đến sáu vị ấy lập tức nổi giận, mắng chửi thậm tệ.

Đức vua đã thấy chân lý, tự thân được chứng đắc nên không bao giờ còn tin việc làm của các vị Dị học (Phạm chí) liền ra lệnh cho quan cận thần:

–Hãy mau đuổi các Phạm chí này ra khỏi lãnh thổ của ta.

Các Phạm chí bị trục xuất, cùng nhau đến nước Xá-vệ. Sau khi giảng dạy tại nước Vương xá xong, Đức Phật cùng các Tỳ-kheo đi đến các địa phương khác và lần hồi về đến tinh xá Kỳ hoàn thuộc nước Xá-vệ.

Các Phạm chí không thể nhẫn nhục được khi nhìn thấy ĐứcPhật được cung kính đặc biệt như vậy, nên tập họp sáu vị lãnh tụ tôn giáo cùng các vị Dị học tới vua Ba-tư-nặc tâu rõ ý nguyện thi đạo lực của họ. Nhà vua vừa nghe xong liền cho đánh xe đến chỗ Đức Phật.

Sau khi cúi đầu mặt lạy dưới chân Đức Phật, vua ngồi một bên, chắp tay thỉnh cầu:

–Đức độ và đạo lực của Đức Thế Tôn thật vô cùng vi diệu, xin Ngài hiện bày đạo lực làm cho người chưa được thấy nghe sinh tín tâm, người đã được thấy nghe càng thêm thông suốt tỏ tường và khiến cho các dị học ngoại đạo chẳng xuyên tạc được.

Đức Phật bảo nhà vua:

–Sau bảy ngày nữa, Ta sẽ thị hiện thần biến.

Vua nghe thế rất vui mừng, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi ra về. Đến ngày thứ bảy nhà vua truyền làm mười vạn sàng tọa cho Đức Phật, đồng thời cũng làm mười vạn giường ngồi cho chúng Dị học ngoại đạo.

Người dân trong thành Xá-vệ tất cả đều bỏ thành trống không, cùng nhau kéo ra xem Đức Phật hiển bày sức thần oai. Đúng giờ thi đấu, các Phạm chí, mỗi người đều ngồi vào tòa ngồi của mình. Nhà vua đứng dậy bạch Đức Phật:

–Xin Đức Thế Tôn ngồi vào tòa, hiển bày đạo lực.

Bấy giờ vị đại quỷ tướng quân Ban Thức vừa đến đảnh lễ Đức Phật, nghe các Phạm chí muốn thi đấu đạo lực với Đức Phật liền làm một trận cuồng phong mưa lớn, thổi vào chỗ của các Phạm chí, và tuôn mưa tuyết phủ lên các Phạm chí, có người bị tuyết phủ tới gối, có người tới ngực.

Đức Phật liền hiện bày đạo lực, làm cho ngay giữa tòa ngồi của Ngài lửa bốc lên, hơi nóng lan ra tám phương. Chúng Phạm chí nhóm ông Bất-lan… thấy tòa ngồi của Đức Phật bốc lửa như thế đều vui mừng tự nghĩ chính là đạo lực của họ đã làm ra lửa cháy. Đức Phật hiển bày đạo lực xong, ngọn lửa cũng tắt lịm. Các Phạm chí khi đó mới biết chẳng phải việc ấy do thần lực của họ làm ra, trong long liền buồn rầu, có ý hối hận.

Đức Phật đứng dậy rời tòa Sư tử. Trong chúng hội có một vị Thanh tín nữ, có thần túc, đứng dậy chắp tay bạch Đức Phật:

–Đức Thế Tôn không cần phải nhọc lòng, con muốn cùng các vị Dị học này thi hiện hóa thần lực.

Đức Phật bảo:

–Không nên! Hãy ngồi xuống tòa, để tự Ta hiện thần túc.

Con gái của vị Thanh tín sĩ nghèo khó Tu-đạt tên Chuyên Hoa Sắc đã xuất gia làm Sa-di, cùng với Mục-kiền-lan, cùng đi tới bạch

Đức Phật:

–Đức Thế Tôn không cần phải nhọc sức thần, nay chúng con xin cùng thi đạo lực với ngoại đạo.

Đức Phật bảo:

–Không cần thiết! Hãy trở về chỗ ngồi, để Ta tự hiện thần túc.

Ý của Đức Phật muốn khiến cho mọi người đều được phước an ổn, xót thương tất cả trời người, muốn họ đều được giải thoát.

Ngài hàng phục các Phạm chí cũng muốn vì người học đạo trong tương lai nên hiển bày tuệ lực làm cho đạo Phật được tồn tại lâu dài ở đời vị lai. Khi ấy Đức Phật hiển bày các sức thần túc lớn biến hiện, từ tòa Sư tử bay lên đến phương Đông, trên hư không đi đứng, ngồi, nằm nghêng về phía hông bên phải, nhập Hỏa định thần túc phóng ra ánh sáng năm màu, làm cho mọi vật đều thành nhiều màu sắc. Dưới thân hiện ra lửa, trên thân nước phun ra, rồi thân trên hiện ra lửa, thân dưới phun nước. Ngài biến mất ở phương Đông qua phương Nam, biến mất ở phương Nam qua phương Tây, biến mất ở phương Tây qua phương Bắc. Ở mỗi phương, Ngài đều trụ trên hư không hiển bày đạo lực như đã nói ở trên. Ngài ngồi trên không trung, hai vai đều hiện một trăm hoa sen, trên đầu hiện một ngàn hoa sen, trên mỗi hoa sen đều có Đức Phật ngồi thiền, hào quang chiếu khắp mười phương. Các vị trời cũng ở trên hư không rải hoa lên Đức Phật, đều nói:

–Lành thay! Oai thần của Đức Phật làm chấn động cả mười phương.

Đức Phật thu sức thần túc, trở về tòa Sư tử. Các Phạm chí khi đó im lặng chẳng nói được lời nào; tất cả đều cúi đầu, như loài chim Cừu đang ngủ. Khi ấy Trì-hòa-di-thiết bay lên hư không hiện lửa khói ùn ùn rất dễ sợ, nhưng chỉ khiến cho các Phạm chí thấy. Bọn họ lập tức kinh hoàng, sợ hãi tột cùng, toàn thân run lập cập, y phục xốc xếch, lông dựng đứng, mỗi người đều bỏ chạy hết.
Đức Phật giảng rộng kinh pháp cho hai chúng nghe. Ngài dạy về bố thí, trì giới là con đường thiện đưa đến Thiên giới, giảng rõ ái dục chỉ gây tạo khổ đau, nói về tai hại của ái dục đưa đến sự đau khổ không bền chắc. Đức Phật dùng tuệ quán biết tâm ý mọi người đã được an trụ, nhu nhuyến không thoái chuyển nên vì chúng nói pháp Tứ đế.

Trong chúng hội, có người phát tâm quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng; có người quỳ thẳng; có người cầu thọ giới; có người đắc quả Tu-đà-hoàn, có người được quả Tư-đà-hàm, có người được quả A-la-hán.

Khi đó mọi người đều sinh ý niệm nghi ngờ: “Vì sao các vị này đã rời đời sống gia đình, xuất gia. Lại còn tranh luận thi thố.”

Đức Phật biết ý nghi của mọi người, liền hóa thành một ĐứcHóa Phật đứng trang nghiêm phía trước, có ba mươi hai tướng tốt, vận pháp y, chư đệ tử của Ngài cũng hóa ra các hóa nhân. Khi Hóa thân Phật nói thì các hóa đệ tử cũng nói. Khi Đức Phật nói thì Hóa thân Phật im lặng. Khi Hóa thân Phật nói thì các Đức Phật im lặng.

Vì sao vậy? Vì Bậc Chánh Giác muốn trực tiếp độ cho tâm ý của chúng hội quay về chánh thiện. Khi ấy Đức Hóa Phật liền quỳ gối phải dưới đất, chắp tay hướng về Đức Phật, đọc bài kệ hỏi:

Luận tranh từ đâu sinh khởi
Làm lo buồn rồi ghét ganh
Vọng ngữ chuyển thành hủy báng
Từ đâu có, xin Phật dạy?
Tự ái thân nên tụng đấu
Rồi ganh ghét thành khổ sầu
Hủy báng nhau nên vọng ngữ
Gốc tranh tụng do hủy báng.
Ái nhiễm đời từ đâu có
Rời thế gian, sao lại tham?
Đã xuất gia không còn dục
Từ không dục lại chuyển tham.
Do sở dục đắm thế gian
Vì muốn lợi nên chịu khổ
Hữu không bỏ liền khởi tranh
Theo đó chuyển, hữu không còn.
Theo thế dục, gốc vì đâu
Từ đâu lại phân thiện, ác
Từ nơi đâu khởi bổn mạt?
Pháp Sa-môn Phật đã thuyết
Đời vừa vui, vừa không vui
Theo duyên này dục sinh khởi.
Mắt đắm sắc do đâu hết
Khiến thế nhân đều phân biệt?
Do khinh khi khởi nghi ngờ
Cũng một pháp hiểu thành hai.
Từ niệm nào học chân lý
Cầu hiểu rõ mọi học thuyết?
Vui, không vui gốc từ đâu
Không thân cận từ đâu diệt?
Thịnh và giảm, một nghĩa lý
Mong thuyết giảng, rõ nguồn căn.
Hỷ, không hỷ đều đắm xúc
Việc qua rồi không sở hữu
Từ nghĩa đó có thịnh, suy
Thông như thế tranh dục dứt.
Xúc cảm trần, gốc từ đâu
Đắm sắc trần, do đâu khởi?
Do niệm nào không nhiễm trước
Nhân duyên gì mê đắm sắc
Theo danh sắc mê cảm xúc
Vì có hữu, sắc khởi ngay
Vượt si mê liền giải thoát
Duyên theo sắc, xúc liền sinh.
Nương vào đâu bỏ hảo sắc?
Chạy theo ái bởi vì đâu?
Tâm chấp trước cần diệt hết
Tuệ quán hành, tâm giải thoát
Ngừng niệm tưởng, không sắc tưởng
Chẳng tưởng vô, chẳng tưởng hành
Đoạn trừ hết không đắm trước
Do tưởng lạc nên có khổ.
Điều con hỏi thảy đều thông
Nay lại hỏi, xin dạy tiếp:
Hóa hiện thân đều cụ túc
Không một ai hơn Thế Tôn
Trong cực chánh gì tà?
Nương Thánh pháp được tuệ quả
Ta nhập định giữa rừng già
Trí vô dư thuyết thắng pháp
Được như thế do nhất tâm.
Ta vì chúng không giới hạnh
Mau đến hỏi, sẽ vượt trần
Đoạn thế nhiễm, bỏ dục thân.

Phật nói kinh Nghĩa Túc xong, các vị Tỳ-kheo đều hoan hỷ.

Trang: 1 2