THIÊN THAI HỌC
Tỳ kheo Thích Nhất Chân
I. Lịch Đại Tổ Sư.
1. Long Thụ Bồ Tát: Do Huệ Văn Đại Sư duyệt đọc Trung Luận của Long Thụ Bồ Tát mà giác ngộ ra lý lẽ “nhất tâm tam quán”, nên Thiên Thai Tông coi Long Thụ Bồ Tát như sơ tổ của bổn tông.
2. Bắc Tề Huệ Văn Thiền Sư: Người đời Bắc Tề (550-577), năm sinh và năm tịch của ngài không được biết rõ. Ngài nghiên đọc Đại Trí Độ Luận đến chỗ nói rằng : Trong một tâm mà đắc Nhất Thiết Trí, Đạo Chủng Trí và Nhất Thiết Chủng Trí (ba Trí). Nhất Thiết Trí là trí huệ thấy tất cả bình đẳng, vì tất cả đều là Không; Đạo Chủng Trí là trí huệ thấy tất cả đều sai biệt không pháp nào giống pháp nào; Nhất Thiết Chủng Trí là trí huệ thấy bình đẳng tức sai biệt. Ba Trí ấy là để đoạn trừ các phiền não, mà cả ba đều có đủ trong Tâm của chúng ta. Đọc đến đây, Huệ Văn thiền sư hết sức cảm kích. Sau này ngài đọc Trung Luận đến các bài kệ trong phẩm Tứ Đế, thì lập tức khoát nhiên khai ngộ ra đạo lý “nhất tâm tam quán”.
3. Nam Nhạc Huệ Tư Thiền Sư (514-577): Ngài họ Lý, người Bắc Ngụy. Thuở nhỏ có người khuyên ngài xuất gia, nhân đó mà ngài bắt đầu tụng trì Pháp Hoa Kinh. Sau lưu lạc đến Hà Nam, đào một hang động tại một cổ thành, ngày khất thực, đêm không ngủ chăm chỉ đọc Pháp Hoa Kinh. Về sau, năm 15 tuổi ngài mới xuất gia, ngày chỉ ăn một bữa.
Vào năm 20 tuổi, ngài có đọc bộ Diệu Thắng Định Kinh (nay không còn nữa) nói về tọa thiền. Kinh nói “căn bổn của trí huệ ở nơi thiền định”. Từ đó về sau, ngài thường ngồi thiền trong rừng sâu vắng vẻ. Rồi do một thắng duyên nào đó mà ngẫu nhiên ngài gặp được nhị tổ Huệ Văn thiền sư, và được nhị tổ giáo hóa cho.
Từ đó ngài liên tục tu tập, tọa thiền từ chiều tối cho đến tảng sáng, không hề ngủ nghỉ, bổng nhiên mà đắc được Pháp Hoa Tam Muội. Có lần ngài nằm mơ thấy mình tham gia trong hội chúng của Di Lặc Bồ Tát, ngài cảm nghĩ như sau “Ta trong thời mạt pháp của Thích Tôn, đã thọ nhận được Diệu Pháp Liên Hoa. Nay lại gặp được đấng Từ Tôn…” Nghĩ thế mà cảm khái không cùng, nên bật khóc cảm thương, vì thế mà chợt tỉnh giấc. Từ đó ngài càng ra sức tu tập hơn nữa, và gặp rất nhiều điềm lành như vậy.
Ngài đi các nơi để tham thiền, song thấy các nơi đều không hiểu được ý chỉ của Phật pháp mà còn có ý thù nghịch với ngài, thế nên ngài lui về Xung Sơn tại Nam Nhạc mà riêng ẩn tu. Đến năm 41 tuổi, sau khi thoát khỏi lần ám hại thứ ba của các tu sĩ đố kỵ, ngài đạt đến mức độ từ bi bình đẳng, phát tâm cứu độ tất cả mọi người, nhất là những oan gia cừu thù ám hại ngài. Ngài cảm nhận một tình thương bao la đối với biết bao kẻ bất tịnh thuyết pháp ấy và phát lên thệ nguyện như sau : “Ta thệ sẽ biên chép tôn kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa và các Kinh Đại Thừa khác, ta sẽ trang nghiêm các hộp đựng kinh bằng ngọc lưu ly để bảo bọc Kinh, ta sẽ hiện thân vô lượng khắp các cõi nước ở mười phương để thuyết lên các Kinh điển này, và sẽ làm cho vô lượng các pháp sư bất tịnh thuyết kia đạt được tín tâm và trụ vào địa vị bất thối.”
Trong núi Nam Nhạc ẩn tu, chư thần thường tụ đến nghe ngài giảng pháp. Một hôm ngài chỉ dưới một phiến đá cho hay rằng : “Đời trước ta từng ngồi thiền tại đây bị đạo tặc cắt mất đầu, rồi chôn ở dưới phiến đá này, thế nên giờ đây mà đào lên sẽ thấy xương cốt của ta.” Các thần ở Nam Nhạc nghe xong, đào lên quả thật có đầu lâu ở dưới đó.
Lại trong một ngọn núi khác tại Nam Nhạc, có một tòa tự viện rất cổ xưa. Huệ Tư thiền sư nói với chúng trong ấy rằng : “Ba đời trước ta từng ở nơi này !” Chúng nghe theo lời ngài chỉ dẫn, theo các dấu vết xưa đào lên, quả nhiên thấy có các đồ dùng và bình bát của người tu, cũng như nền móng của một ngôi tự viện.