THÀNH TÂM ĐỂ THÀNH CÔNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dich: Thích Quang Định

 

THIÊN THỨ HAI
TÂM AN THẾ GIỚI AN, TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH

Thấu Hiểu Tình Người Mới Là Thành Công

 

Con đường sự nghiệp lên xuống, trắc trở giống như những con sóng ngoài khơi.

Nếu trong sự nghiệp không gặp phải những khó khăn thì dường như thiếu đi sự thử thách, làm người ta mất đi sự cảnh giác. Nếu sự nghiệp cứ mãi thuận buồm xuôi gió thì không được xem là thành công. Thành công đích thực nằm ở kinh nghiệm được tích lũy và sự trải nghiệm phong phú. Vì thế, thấu hiểu tình người, thấu tình đạt lý mới được coi là thành công thực sự.

Những khó khăn trắc trở trong cuộc sống có thể được xem là kinh nghiệm thành công, không nên xem đó là sự thất bại. Trong cuộc sống, cửa ải khó khăn liên tiếp nối nhau, bạn sẽ làm thế nào để giải quyết chúng. Ví dụ, một chiếc lá rụng xuống, ta sẽ lo không biết chiếc lá có làm rơi vỡ đầu ta; hay một con chim sẻ bay qua, ta sẽ lo không biết nó có phóng một bãi phân lên đầu ta hay không. Giả sử, chúng ta luôn lo lắng về những điều như thế, chúng ta sẽ khó có thể sống lâu trong cuộc sống này. Cửa ải nhân sinh có lớn, có nhỏ. Cửa nhỏ thì không đáng lo, không cần quan tâm nhiều đến chúng. Nhưng phải chống chọi lại được với bão táp mưa sa, mới thể hiện được sự nhẫn nại trong cuộc sống.

Những việc nên làm hãy cứ làm như thường lệ Chỉ vì một việc nhỏ hoặc một việc không quá nghiêm trọng mà phải ngày đêm suy nghĩ, hoặc tìm cách thoát khỏi những suy nghĩ đó là một điều vô cùng đau khổ. Trong cuộc sống, tôi cũng thường gặp phải những cửa ải như vậy, hơn nữa còn gặp rất nhiều. Có những cửa ải thậm chí còn phải đánh đổi bằng tính mạng. Nhưng khi thật sự phải đổi lại bằng tính mạng, thì cho dù bạn có dùng cách nào đi nữa hay nỗ lực đến thế nào cũng không thể thoát ra. Đã biết không thể thoát ra được, thì lo lắng liệu có tác dụng hay không?

Nếu muốn tránh những việc đó, nguyên tắc đầu tiên của tôi là cần phải nghĩ cách; không nên quá lo lắng hoặc căng thẳng.

Thứ hai, không nên để những khó khăn làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Sức khỏe cần phải được giữ gìn, không nên lo lắng quá nhiều về những vấn đề đó. Hãy cứ làm việc và nghỉ ngơi như bình thường, những việc cần làm hãy cứ làm như thường lệ, đương nhiên, hãy giải quyết những vấn đề lớn một cách nhanh chóng. Nhưng cũng đừng nên quan tâm, nghĩ ngợi hay lo lắng quá đến chúng, nếu không chẳng bao lâu tóc bạn sẽ bạc trắng, tinh thần sẽ mệt mỏi vì lo âu, nghiêm trọng hơn nữa rất có thể gây ra các loại bệnh liên quan đến thần kinh.

Cho dù cửa ải khó khăn trước mắt lớn hay nhỏ, để duy trì một sức khỏe tốt, trước tiên phải phải duy trì trạng thái cân bằng tâm lí, sau đó mới đối mặt với khó khăn, tiếp nhận và xử lý khó khăn, cuối cùng hãy loại bỏ chúng. Chúng ta luôn phải nhớ rằng, không có sức khỏe cũng đồng nghĩa với việc mất đi tính mạng.

Khi cửa ải khó khăn xuất hiện, không nên xử lý chúng một cách mù quáng. “Thà làm viên ngọc vỡ còn hơn làm viên ngói lành”; “làm viên ngói lành” cũng không phải làm việc gì xấu xa nhưng nếu ngọc vỡ rồi thì thật sự không còn cơ hội nào khác, điều này chẳng phải là ham cơ hội trước mắt mà thiếu đi tầm nhìn xa trông rộng. Sẽ rất ngu muội nếu nghĩ rằng “thà làm viên ngọc vỡ còn hơn làm viên ngói lành”. Thực tế không ai muốn lấy đi sinh mạng của bạn hoặc muốn lấy đi sinh mạng của bạn mà không lấy được, nhưng bạn lại đưa sinh mạng mình cho họ, điều này quả thực rất ngu ngốc.

Chúng ta nhất định phải thật bình tĩnh trong khi giải quyết những việc rắc rối.

Giả dụ có người đứng trước mặt và đòi lấy mạng của bạn, lúc này bạn tuyệt đối không được hoảng loạn.

Bạn càng tỏ ra hoảng loạn thì tính mạng của bạn càng bị nguy hiểm. Tôi vẫn thường nói “tân lai tương đáng, thủy lai thổ yểm”, khi không thoát ra được vấn đề, cứ vòng vèo rồi cũng giải quyết được, thế thì hà tất phải đau khổ?

Có lần tôi gặp phải một vấn đề rất hóc búa như thế này: có một người ngày nào cũng gọi điện thoại hoặc có khi đích thân đến tìm tôi thậm chí dùng vũ lực để uy hiếp. Nhưng tôi vẫn cứ làm việc của mình như hằng ngày, nhưng vấn đề không nằm ở chỗ đó, mà nằm ở chỗ trong lòng tôi luôn cảm thấy lo lắng, ruột gan lúc nào cũng đang như lửa đốt.

“Ruột gan bị lửa đốt”, mong muốn tắt được ngọn lửa đó là việc vô cùng khó chịu, nhưng cơm thì vẫn phải ăn, đến giờ vẫn phải ngủ, việc cần làm vẫn cứ phải làm, nếu cứ luôn nghĩ đến việc làm thế nào để dập tắt ngọn lửa trong lòng cũng không giải quyết được việc gì, mà phải tìm người nào đó giúp mình cùng giải quyết.

Nhưng nếu bạn cứ tìm đại một người nào đó để cùng giải quyết vấn đề thì càng làm cho bạn thêm vướng víu. Vì thế, quan trọng là phải tìm đúng người. Tìm đúng người rồi, họ có thể giúp mình dập tắt ngọn lửa đang cháy trong ruột gan kia, còn không, không những không dập tắt được mà còn làm nó cháy to hơn.

Còn nhớ khi tôi ở chùa Đông Sơ Thiền ở Mỹ, có một người tình nguyện đến thay tôi làm thợ trộn xi măng, trong lúc sơ suất anh ấy bị một hạt cát bay rơi vào mắt. Anh ấy nghĩ nếu dụi mắt hạt cát sẽ chảy ra theo dòng nước mắt, nhưng không ngờ không những lấy được hạt cát ra mà ngược lại nó còn càng vào sâu hơn.

Tôi biết chuyện liền bảo mọi người đưa ngay anh ấy đến bệnh viện, bác sĩ ngay sau đó đã lấy được hạt cát trong mắt anh ấy ra. Trước đó mọi người đều lo lắng tới mức không biết phải làm gì, nhưng sau khi nghe tôi, đưa anh ấy đến bệnh viện thì không đến hai phút sau mắt anh ấy đã được xử lý xong.

Khi giải quyết vấn đề trước hết không được mất bình tĩnh, phải tìm đúng người có thể cùng mình giải quyết, có phương pháp thích hợp và luôn giữ nguyên tắc “an nhiên quá quan”.

 


THÀNH TÂM ĐỂ THÀNH CÔNG

3.1 Tấm Lòng Bao Dung Càng Lớn, Cái Tôi Càng Nhỏ